Tiểu thuyết
Hoàng Minh Tường
3. GIÁO SƯ HOÀNG NGUYÊN
Bui có một niềm trung hiếu cũ
Chẳng nằm, thức dậy nẻo ba canh
(Bảo kính cảnh giới – 31- Quốc âm Thi tập – Nguyễn Trãi)
Hôm ở nhà ông trưởng họ Đoàn Nghĩa từ làng Động ra, Đỗ Chí Cao bỗng vỗ đánh đét vào trán, chỉ khác Ácsimét là Cao không reo Eurêka mà reo « ối trời ơi », đến nỗi Ngô Tháp giật mình, suýt lao xe vào gốc cây.
– Tao nghĩ ra rồi. Lái xe thẳng đến nhà giáo sư Hoàng Nguyên. Chỉ có mister này mới dịch nổi «Long Thành tạp ký ».
– Em biết rồi. Đại chuyên gia về văn học Trung Quốc đấy. Công nhận bản dịch Mạc Ngôn của ông Hoàng rất hay. Nhưng đó là văn học Trung Quốc hiện đại. Chứ đây là Hán Nôm cổ. Một lĩnh vực hoàn toàn khác.
– Thế thì chú mày chẳng hiểu gì – Cao bĩu môi – Ông Hoàng Nguyên từng có hơn mười năm công tác tại Bắc Kinh, chuyên nghiên cứu về Bách Việt. Đi khắp các xó xỉnh của cái nước Tàu mênh mông. Lại sang cả Hồng Kông, Ma Cao, Đài Bắc. Chữ Tàu kim cổ, làu làu. Tao đã được hầu chuyện ông nhiều lần. Trí nhớ siêu phàm. Kiến văn sâu rộng. Nguyên khí quốc gia đấy.
– Ông này quả là chuyên gia số một về Mạc Ngôn. Sách của ông ra, em xếp hàng mua đầu tiên. Mạc Ngôn rất có thể đang nằm trong tầm ngắm của Hội đồng Văn học Nobel…
– Chuyện này thì miễn bàn. Tao đã có một buổi đến thỉnh giáo ông Hoàng về toàn bộ tác phẩm của Mạc Ngôn. Tao bảo, sau khi Mạc Ngôn viết « Ma chiến hữu », ẩn ý Việt Nam xâm lược Trung Quốc thì hầu hết trí thức Việt Nam tẩy chay không đọc. Ông nhà văn này cũng chỉ là công cụ tuyên truyền của Chủ nghĩa Mao mà thôi. Ông Hoàng bảo: Quyển này chắc Mạc Ngôn viết do đơn đặt hàng của Đặng Tiểu Bình. Tớ biết, họ sẵn sàng gắp lửa bỏ tay người. Nhưng nhìn đại quát, Mạc Ngôn vẫn là nhà văn đại diện cho tiếng nói của nhân dân Trung Quốc. Nếu viết huỵch toẹt những gì mình nghĩ thì nhà cầm quyền đời nào họ cho in. Có khi còn bị bỏ tù. Thế nên ông ta đi giữa ranh giới đỏ và trắng, nói zậy mà không phải zậy, tức là ông ta phải uốn éo lách nhà cầm quyền. Bọn kiểm duyệt ức ngang cổ mà không làm gì được. Dịch tác giả này mà chỉ chuyển ngữ thuần túy là không thành. Người dịch phải mộng du với tác giả, cùng đi với các nhân vật, đi suốt các vùng đất mà tác giả chọn làm bối cảnh. Ví dụ, viết « Cao lương đỏ », nếu không được sống ở vùng Cao Mật thì làm sao biết được loại rượu «Thập bát lý hồng » đặc sản của vùng này, không kém gì Mao Đài. « Thập bát lý hồng », tức là đi suốt mười tám dặm vẫn còn say, mặt vẫn đỏ. Thì ra người Cao Mật có bí quyết, là khi làm men, phải đái vào, mới ra hương vị đặc trưng. Mạc Ngôn có ba cuốn sách tựa đề đều có chữ đỏ, đó là «Cao lương đỏ », « Củ cải đỏ » và « Cây vẹt đỏ », làm nên danh hiệu « Mạc Ngôn tam hồng ». Cuốn « Hồng thụ lâm », dịch đúng nghĩa đen là rừng vẹt đỏ, loại cây vẹt ở vùng Giang Nam, mùa thu lá đỏ ối rồi rụng thối rữa bốc mùi khủng khiếp. Phải dịch nghĩa bóng là « Rừng xanh lá đỏ » mới văn chương và đúng ý đồ tác giả muốn nói về sự tha hóa của quyền lực. Nhân vật bí thư khu ủy Tần giả dối tởm lợm đến lộn mửa. Thấy Lâm Lam, con gái của bí thư huyện ủy dưới quyền, xinh đẹp, ham hố, hắn giả vờ xin cưới cho thằng con thiểu năng, để rồi loạn luân với con dâu, đẻ ra thằng Đại Hổ, chủ trại ngọc trai tàn bạo và sa đọa. Xã hội Trung Quốc hiện lên như một quái thai trong thế giới hiện đại.
– Cả bọn Tư Mã Khố, Sa Nguyệt Lượng trong «Báu vật của đời» cũng thế – Thấp chen – Viết như vậy mà sách vẫn được xuất bản, vẫn được dịch ra khắp thế giới, mới lạ…
– Để tao nói tiếp – Cao hào hứng – Tên «Báu vật của đời » là của giáo sư Hoàng. Nguyên bản là «Phong nhũ phì đồn », nghĩa là « vú to mông nở ». Thô thiển. Ông Hoàng không phải là thợ chuyển ngữ, mà thực sự là nhà văn, đồng sáng tạo. Để khai thác kiến văn ở ông Hoàng, tao khích: Theo em, chỉ «Đàn hương hình» của Mạc Ngôn mới là văn chương, đáng Nobel, còn những tác phẩm khác viết dung tục, xô bồ. «Rừng xanh lá đỏ» gần nửa tác phẩm là tóm tắt các đề mục, như thể ông ấy viết vội, chép lại phần đề cương cho xong chuyện. Ông Hoàng bảo, đấy chính là ý đồ của Mạc Ngôn. Viết về đương đại, ông ấy trộn lẫn giữa giả và thật, giữa trào lộng và nghiêm túc, nhiều khi ngoa ngôn, bông phèng. Ông ấy phiếm chỉ hết, ẩn dụ hết. Ví như «Cây tỏi nổi giận» mà tớ dịch, tên đầy đủ của tác phẩm phải là «Bài ca củ tỏi huyện Thiên Đường ». Viết về sự khốn cùng của nông dân trồng tỏi, đến mức mẹ chết, bó xác mang chôn trộm sang đất hoang ở huyện khác, để dưới suối vàng, mẹ không bị bần nông và trung nông lớp dưới tiếp tục đấu tố. Vậy mà còn bị bắt phải mang xác mẹ về để hỏa thiêu đúng nơi qui định; con gái ép lấy chồng khuyết tật theo kiểu gả đổi, bắt lìa bỏ người mình yêu đến nỗi phải treo cổ tự tử; đến mùa thu hoạch ngồng tỏi, chính quyền không thu mua, nông dân phải biểu tình đập phá huyện đường, bị chính quyền đàn áp, bắt giam hàng loạt… Xã hội thời Mao không khác gì địa ngục trần gian. Vậy mà Mạc Ngôn đặt tên cho cái huyện ấy là huyện Thiên Đường, ám chỉ Chủ nghĩa Xã hội kiểu Trung Quốc. Mỉa mai đến thế là cùng. Nếu Mạc Ngôn được giải Nobel văn chương thì chính là ở «Cao lương đỏ», «Báu vật của đời»,«Rừng xanh lá đỏ», «Cây tỏi nổi giận», mặc dù «Đàn hương hình» mới là đỉnh cao văn học…(1) Đó, kiến văn phải sâu rộng như thế mới đáng để anh em mình nhờ cậy chứ. Chỉ sợ giáo sư Hoàng Nguyên bận nhiều hợp đồng, không muốn dịch cho mình.
Ông Thấp nói:
– Thì tăng « đạn » lên. Giao kèo ông Đoàn Nghĩa đã ký. Bữa rượu trưa nay anh em mình bơm cho mấy câu, khí thế cả họ Đoàn lên vùn vụt. Anh cứ chi mạnh tay vào. Thằng Lợi hói máu lắm. Nó gạ mua bản phô tô hai trăm triệu nhưng em chưa chịu.
Ông Cao bảo:
– Đừng già néo đứt dây. Giá ấy được rồi. Hẹn với nó, nếu có bản gốc, mình chỉ lấy năm mươi ngàn đô…
Hai ông văn hóa lòng đầy hào hứng đánh xe thẳng đến nhà dịch giả Hoàng Nguyên.
Lật qua tập cổ văn, giáo sư Hoàng Nguyên ngầm biết là sách quí. Trong đầu ông tự nhiên liên tưởng đến tập « Tam triều bản kỷ » của sử gia Ngô Sỹ Liên đã bị thất lạc hơn năm trăm năm mà các nhà sưu tầm văn bản đang hết sức tìm kiếm.
– Tớ đang rất bận – Giáo sư Hoàng có thói quen xưng hô với những người kém tuổi bằng cậu tớ rất thân mật – Chưa thể nhận lời với các cậu được. Phải đọc phá xem sách nói gì? Có đáng dịch không? Liếc qua, mình thấy sức học của mình khó kham nổi…
Ông Cao đá chân, ý bảo ông Thấp hãy mở kho ngân ra. Thấp hiểu ý, dúi vào tay Cao một phong bì đã chuẩn bị sẵn. Cao kính cẩn để phong bì vào chiếc đĩa sứ:
– Chúng em chỉ là những kẻ sưu tầm văn hóa. Làm giàu cho văn hiến nhiều khi quên cả bản thân mình. Thiển nghĩ đây là một cổ vật, một di sản của cha ông, đã nhận lời dòng họ Đoàn tìm người dịch. Biết là chỉ giáo sư mới xứng tầm làm việc này, nên mới tìm đến đây. Cho phép chúng em để một bản lại để ông anh đọc qua. Nếu thấy nên và cần dịch thì chúng em sẽ thưa chuyện tiếp. Xin gửi ông anh chút quà, gọi là để thỉnh giáo.
Ông Hoàng cười hề hề :
– Các cậu làm tớ nghĩ đến các quân tử Tàu… Thôi được. Cứ để đấy. Nếu tớ không giúp được thì các cậu phải nhận lại đó nghe.
Đêm ấy, ông Hoàng Nguyên thức trắng. Ngày hôm sau, rồi cả một tuần, ông bỏ hết mọi việc, chúi đầu vào đọc. Ông có thói quen, muốn dịch cuốn sách nào phải đọc phá, đọc hiểu, rồi mới quyết định đặt bút. Dịch «Linh sơn » của Cao Hành Kiện, ông phải đọc phá mất một tháng, rồi định dịch trong sáu tháng. Ai ngờ mới dịch được bốn chương thì có người đã nhanh tay hơn, dịch từ bản tiếng Pháp rồi. «Long Thành tạp ký», thuộc loại cổ văn, dịch khó hơn nhiều. Vừa đọc, vừa tra từ điển xong quyển Nhất mất mười tám ngày, ông liền gọi điện thoại cho ông Cao, ông Thấp, mời đến gặp.
– Chúng ta đang có trong tay một kho báu vô giá. Bộ sách này không phải là sử ký mà là tiểu thuyết – Ông Hoàng nói – Cụ Đoàn Khâm có khuynh hướng tiểu thuyết hóa lịch sử như nhóm Ngô gia văn phái viết «Hoàng Lê nhất thống chí », nên đọc vô cùng cuốn hút. Tớ dịch. Các cậu đừng đưa cho ai nữa. Sách viết về Ức Trai Nguyễn Trãi, dịch không công cũng thỏa…
Cao và Thấp ban đầu còn mắt tròn mắt dẹt, sau, cùng toát mồ hôi.
– Dạ thưa…Có thể ngang với « Hoàng Lê nhất thống chí » được không ạ ? – Giọng Thấp run run.
Ông Hoàng nhíu mày nghĩ ngợi.
– Phải dịch hết mới dám nói. Nhưng mới hai chương đầu, tớ đã ngửi thấy mùi kiệt tác…Có lẽ họ Đoàn cũng chẳng kém gì họ Ngô…
Thấp bấu Cao một cái rõ đau. Đau mà Cao lại cười thầm. Cái thằng, nó đã ngửi thấy hơi đồng rồi đây.
***
Bỏ hẳn thể dục buổi sáng như thói quen lâu nay, bởi cữ ấy, giáo sư Hoàng Nguyên đang dịch như trâu cày. Cứ bốn giờ ông dậy, vệ sinh cá nhân, thắp nhang trên ban thờ và ngồi vào bàn làm việc.
Hôm nay cũng vậy. Ông ngồi năm tiếng đồng hồ. Trước mặt ông là tập “ Long thành tạp ký” ». Xung quanh ông là bốn quyển từ điển dày cộp, chiếc máy vi tính để tra thông tin trên Google. Ông có thói quen dịch thẳng, vì thế bản dịch nháp với mấy thứ chữ xanh đỏ đen cứ rối như ma trận trên màn hình.
Sau mười hai ngày dịch như trâu cày, đã xong chương đầu. Đọc lại, sướng âm ỉ. Đồng hồ điểm chín giờ. Hai mắt ông Hoàng Nguyên mờ nhòe, cặp kính như hai tấm mica trắng đục không cho ông nhìn rõ chữ. Ông có thể ngồi vài tiếng nữa, để dịch tiếp, nếu không có tiếng chuông cổng liên hồi.
Khách bấm chuông lại là hai ông văn hóa Thấp và Cao.
Ngô Tháp nói khi ông Hoàng lật đật xuống mở cổng :
– Máy điện thoại của bố thế nào mà gọi suốt từ sáng như hò đò sông Cái, cứ thấy trả lời «ngoài vùng phủ sóng »?
Ông Cao nói :
– Cứ tưởng ông anh trí thức lớn đi biểu tình ngoài Hồ Gươm, không mang điện thoại theo.
Ông Thấp nói :
– Hôm nay các « thế lực thù địch » định tổ chức biểu tình lớn lắm. Trung Quốc mới cắt cáp tàu Viking mà…
Hoàng Nguyên giật thột, nhìn ngó xung quanh rồi ra đóng cửa kính lại. Giọng ông như mếu :
– Ở đây tai vách mạch dừng. Sát tường nhà tôi là trung tá công an. Xin các vị be bé cái mồm cho. Các ông cứ nói giễu. Trí thức gì cái thá mình. Kẻ tài hèn sức mọn này đang bận dịch Nguyễn Trãi. Mấy ông bạn điện thoại rủ đi, nhưng mình cáo ốm, không chịu được gió…
Ngô Tháp loang loáng cặp kính trắng nhìn ông Hoàng chằm chằm:
– Mà hình như bố ốm thật. Trông phờ phạc lắm.
Ông Hoàng Nguyên cười hề hề :
– Ốm đâu? Trái lại tớ đang hưng phấn. Từ hôm các cậu mang sách đến, cứ ngồi vào bàn là mình tắt máy. Mình muốn tập trung cao độ. Không để các thế lực thù địch quấy rầy.
– Thảo nào…Ông anh mê rồi. Không dứt ra được, phải không ?- Cao nhìn, như đi guốc trong bụng ông Hoàng.
– Thú thực là mê quá rồi các cậu ạ – Ông Hoàng nói và mời khách an tọa – Bây giờ thì các cậu đòi tớ cũng không trả, không có thù lao tớ cũng dịch. Mình nguyện dịch không công và sẵn sàng tài trợ để cuốn sách này in sớm.
Ông Thấp chắp hai tay vái :
– Con lạy bố. Bố làm thế chúng con còn mặt mũi nào mà nhìn anh em bạn bè văn hóa văn nghệ.
Cao móc túi áo lấy ra một gói vuông như tảng gạch.
– Thế mà tụi em chỉ sợ ông anh mải dịch Mạc Ngôn mà sao nhãng công việc. Đây là tiền bồi dưỡng đợt hai cho ông anh. Mười triệu. Ông anh không cần đếm.
Ông Hoàng gạt gói tiền ra bên.
– Mình nói thật. Tính đến hôm nay là hai mươi nhăm ngày. Sáng nào trước khi ngồi vào bàn dịch tớ cũng thắp hương khấn hai cụ Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và tác giả Đoàn Khâm. Mình sẽ giữ nghi lễ này đến khi nào dịch xong. Kỳ lạ lắm các cậu ạ. Về chữ viết, là chữ phồn thể, như trong thơ Hán Nôm của Ức Trai tiên sinh. Về văn chương thì ngồn ngộn chi tiết, tình huống, ít điển cố, biền ngẫu, hiện đại hơn hẳn các tác giả đương thời. Ví như đoạn này…
Ông Hoàng Nguyên mở trang chữ nho trong nguyên bản rồi lại mở trang dịch nháp chi chít chữ đỏ chữ xanh, gạch, xóa cho hai người khách và nói :
– Đây là lời Lê Nguyên Sơn, tay chân của bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, nói với ông Cả Ngỗi, tức là chủ quán rượu ở chùa Huy Văn, về sự kiện Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử Lê Tư Thành : « Cuộc tranh giành ngôi báu bây giờ mới găng đây. Đã xuất hiện các thế lực thù địch. Đằng sau Bang Cơ là Nghi Dân, phía trước là hoàng nhi mới sinh »…
Cả hai cùng cười lớn. Ông Thấp vỗ đánh đét vào đùi, nói:
– Bố hài hước thật. Dịch như thế khác nào trích nguyên văn từ trong nghị quyết?
Ông Hoàng vờ hoảng hốt nhìn quanh:
– Chú đừng nói như thế mà tôi mang vạ. Đây, trong nguyên bản là: «cừu địch thế lực», không dịch là «các thế lực thù địch » thì dịch thế nào?
Ông Cao nói :
– Các thế lực thù địch ở nước ta xuất hiện từ thời Vua Hùng ấy chứ đâu phải bây giờ mới có. Giáo sư Hoàng Nguyên đã dịch thì miễn bình luận.
Ông Thấp hau háu lướt kính trên bản dịch nháp, rồi lại vỗ đùi :
– Mới đọc trang đầu đã không thể dứt ra được. Bài đồng dao của trẻ con chăn trâu vùng Kẻ Mui rất giống bài thơ «Bút ký Hồng Mai » của Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt trong ngọc phả họ Đinh mà Thư viện Hán Nôm mới sưu tầm được.
Rồi ông Thấp cao giọng đọc :
« Nhung Tân hà hữu Tống Thai tinh
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh »
Ông Cao tiếp lời :
– « Nhung tân » đọc lái là Nhân Tông, tức Bang Cơ. «Tống Thai » đọc lái là Thái Tông. «Thăng Đính » nói lái là Đinh Thắng. Bài thơ được dịch là :
« Nhân Tông đâu phải máu con rồng
Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng
Năm tháng ngày giờ Đinh Thắng chép
Hoàng bào để vết tiếng ngàn năm. »(*)
Ông Hoàng Nguyên trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Bài thơ « Bút ký Hồng Mai » có thể được viết vào thời Lê Nhân Tông, tức là những năm Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Khi thông tin chính thống bị bưng bít thì thơ ca hò vè của văn học dân gian xuất hiện. Nó lấp đầy các lỗ hổng của lịch sử. Nên nhớ là Đinh Liệt và anh trai Đinh Lễ, dòng dõi Nam Việt vương Đinh Liễn, có mẹ là chị Lê Lợi, hai ông gọi Lê Lợi bằng cậu. Đinh Liệt tham dự hội thề Lũng Nhai, từng tham gia trăm trận, trong đó có trận ải Chi Lăng chém đầu Liễu Thăng. Ngoài trọng trách quan đầu triều thời Lê Thái Tông, ông còn là Hoàng thân quốc thích. Cho nên việc Nguyễn Thị Anh mang thai và sinh Bang Cơ khiến ông rất quan tâm. «Bút ký Hồng Mai » trong ngọc phả họ Đinh là sử liệu rất đáng tin cậy, là nguồn văn học dân gian, cùng với những bài đồng dao thời bấy giờ bổ sung cho những khoảng trống mà chính sử không nhắc tới. Các vị có thấy không, nhân vật Lê Nguyên Sơn, có tư liệu gọi là Lê Bang Sơn, có liên quan đến câu đồng dao của trẻ con Kẻ Mui: « Vua lập Thái tử/ Lấy rắn thay rồng » là nói về con của Lê Nguyên Sơn với Nguyễn Thị Anh. Mười tám năm sau đó, vào năm Diên Ninh thứ sáu (1459), sau khi làm cuộc bạo loạn giết Lê Nhân Tông và Nguyễn Thị Anh, Nghi Dân đã viết trong chiếu lên ngôi là : «Diên Ninh, tức Nhân Tông, tự biết mình không phải con của tiên đế». Một sự kiện tày trời như thế, một nhân vật đặc biệt như Lê Nguyên Sơn, vậy mà trong « Đại Việt sử ký toàn thư » cuả Ngô Sỹ Liên hoàn toàn không nhắc đến…
Ông Thấp nói :
– Ngô Sỹ Liên đỗ tiến sĩ tháng ba năm Nhâm tuất, sáu tháng sau Lê Bang Cơ, mới một tuổi lên ngôi, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Bao nhiêu năm đi theo Lê Lợi, làm thư ký trong quân doanh, rồi lại trau dồi kinh sử hơn chục năm để lấy được cái danh Tiến sĩ, dĩ nhiên Ngô Sỹ Liên phải cúc cung tận tụy phò tá Nguyễn Thị Anh để mong được một chức Đô ngự sử.
Giáo sư Hoàng nói :
– Mình còn hy vọng ở cuốn «Long thành tạp ký » này và cuốn «Tam triều bản kỷ» của Ngô Sỹ Liên. Đây là cuốn sách viết về ba triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Rất có thể trong chính sử «Đại việt sử ký toàn thư» Ngô Sỹ Liên né tránh, nhưng ông lại chép đúng như sự thực lịch sử trong «Tam triều bản kỷ » thì sao?
Ông Thấp lắc đầu :
– Con không tin ngòi bút của sử gia họ Ngô lại thẳng được đâu bố ạ. Các vàng cụ
Ngô Sỹ Liên cũng không dám chép đúng sự thật. Mấy sử gia được như anh em nhà Thái Sử Bá nước Tề ? Kẻ sĩ Long Thành xưa nay đều hèn và run sợ trước quyền lực, trước bả vinh hoa phú quý.
– Chú mày cực đoan – Ông Cao phản đối – Nguyễn Trãi cáo quan ở ẩn cũng là một thái độ. Thế còn Nguyễn Biểu, Giang Văn Minh, dám mắng vua chúa Trung Nguyên, chấp nhận mổ bụng, moi gan thì sao ?
– Đấy là phẩm chất Đại Việt trước thế lực ngoại bang. Nhưng em đang nói đến thái độ trước cường quyền, bạo chúa. Trước ngoại bang, không ai anh hùng, khí tiết hơn kẻ sĩ nước Nam. Những Mạc Đĩnh Chi, Giang Văn Minh, Nguyễn Biểu…là những tấm gương sáng chói. Nhưng trước bạo chúa, cường quyền thì…Ngô Sỹ Liên là trường hợp điển hình của loại trí thức chỉ biết tung hô, ca tụng.
– Thôi, xin các vị – Ông Hoàng xua tay dàn hòa – Ở vào địa vị Ngô Sỹ Liên lúc ấy đến mình cũng không dám hạ bút đưa tên Lê Nguyên Sơn vào chính sử. Đau đớn nhất cho kẻ sĩ là lúc nào miếng cơm manh áo cũng chẹn ngang cổ họng họ… Nói thật với các vị, mình đang rất hy vọng ở cuốn sách này và muốn hoàn thành sớm bản dịch.
Ông Cao bỗng nhớ ra :
– Để em tiến cử thêm một chuyên gia cùng dịch với bác. Một nhà Hán Nôm trẻ tuổi. Chắc bác biết Tiến sĩ Bùi La Việt ở Dự án « Khảo sát tiềm năng con người »?
Ông Hoàng bỗng giơ cả hai tay:
– Thế mà tớ không nhớ ra. Vị này thì tớ biết quá rõ. Mấy lần mình lục tìm điện thoại cậu ta mà thất lạc.
Những kỷ niệm đã qua loang loáng trong đầu giáo sư Hoàng Nguyên. Thời kỳ ông công tác ở Bắc Kinh, vào hai năm cuối ông thường gặp và kết thân với anh sinh viên quốc tịch Lào Phôn Xi khăm, có tên Việt là Bùi La Việt. Năm ấy Việt ngoài hai mươi, có mẹ người Lào, bố là một chiến sỹ quân tình nguyện. Một chàng trai mang dòng máu hai dân tộc Việt Lào nhưng lại mê văn học Trung Quốc, theo học tại trường Đại học Bắc Kinh và quyết tâm trở thành một nhà Trung Quốc học.
Ông Thấp nói :
– Bùi La Việt còn là một nhà ngoại cảm. Khách đến nhờ tìm mộ, xem phong thủy, làm lễ động thổ công trình… tuần nào cũng xếp hàng dài ngoài ngõ. Ông này nghe nói tính cách rất lập dị. Tự mình lập một Website lấy tên là «Thọt bỉ nhân».
Ông Cao bật cười :
– Tên trang Web đã thấy khác người. Tay này có dị tật ở chân. Vậy mà hắn không hề muốn giấu giếm cái khuyết tật đi cà nhắc của mình. Biết tự giễu mình quyết không thể là kẻ tầm thường…
– Tớ biết…
Giáo sư Hoàng bỏ lửng câu nói, ngồi im lặng hồi lâu, hai mắt nhấp nháy ướt. Lúc sau ông cầm tập bản thảo, chỉ tay vào một trang đánh dấu sẵn và nói:
– Thế này nhé. Tập sách này có năm quyển, nhưng quyển ngũ lại viết hoàn toàn bằng chữ Nôm cổ, rất khó dịch. Nhờ Bùi La Việt phiên âm và chú giải phần này thì mình yên tâm. Cậu ta lại có khả năng ngoại cảm, rất có thể khi muốn kiểm chứng với lịch sử, chúng ta phải cần đến…
Hai ông văn hóa nhìn đồng hồ, nhìn nhau, rồi cùng đứng dậy, điệu bộ như trong Tam Quốc:
– Hai tiểu tử Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp cùng nhất trí cao với Hoàng đại nhân. Hôm nay là chủ nhật, chắc chủ Website « Thọt bỉ nhân » có nhà. Chúng em xin phép đại nhân đến gặp Bùi La Việt ngay bây giờ đây.
Chú thích
(1) Khi tác giả viết những dòng này thì hồ sơ của Mạc Ngôn còn đang trên bàn nghị sự của Hội đồng xét giải Nobel. Tháng 12/2012 Mạc Ngôn chính thức được trao giải Nobel văn học.
(2)Theo Tiến sĩ Đinh Công Vĩ, trong tập «Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với Thảm án Lệ Chi Viên » – NXB VHTT, 2009.