NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết

Hoàng Minh Tường

4. HOÀNG HẬU NGUYỄN THỊ ANH

Non cao non thấp mây thuộc

Cây cứng cây mềm gió hay

(Mạn thuật 4 – Quốc âm Thi tập Nguyễn Trãi)

Lại nói về Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.

Từ ngày hạ sinh Đông cung Thái tử Bang Cơ, sắc đẹp của nàng ngày càng rực rỡ, như nụ hồng nhung hé nhụy, đóa quỳnh ngào ngạt hương đêm. Chớm tuổi mười t ám, qua kỳ sinh nở, gái một con trông càng mòn con mắt. Lại nữa, với bản năng thiên phú, lại lắm ngón nghề diệu nghệ, mỗi lần được vua ân ái, nàng như chúa Xuân hút hồn nhà vua trẻ, khiến nhà vua như được dẫn dụ vào chốn Thiên thai, quên mất lối về. Sẽ chẳng còn điều gì lo lắng cho ngôi vị Hoàng Thái tử của con nàng và ngôi Vương hậu của nàng nếu không có việc Tiệp dư Ngọc Dao sẽ sinh hoàng tử, không có tiếng sì sầm bàn tán trong cung và những bài đồng dao láo lếu của bọn trẻ con quanh kinh thành. Nghe nói tất cả những bài vè gần đây đều do bà Lễ nghi Học sĩ làm ra rồi dạy cho bọn trẻ chăn trâu phát tán đi khắp nơi. Miệng lưỡi thế gian thật ác độc. Bọn thị nữ trong cung bắt đầu nhìn nàng bằng những con mắt khác lạ. Hai quan thái giám Đinh Thắng, Đinh Phúc thường thì thầm với nhau mỗi khi các nhũ mẫu bế Hoàng Thái tử đến với nàng. Và đáng ngại nhất là cái ông Lân Quốc công Nhập nội tư mã Đinh Liệt và bà Nguyễn Thị Lộ, vợ quan Hành Khiển Nguyễn Trãi.

Số là, mẹ hai ông Đinh Lễ và Đinh Liệt là chị ruột đức Thái tổ Lê Lợi, hai ông gọi Lê Lợi là cậu ruột. Về họ ngoại, Lân Quốc công là anh vua Lê Thái tông, có quan hệ huyết thống. Cho nên ông Đinh Liệt thường nhìn Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh bằng con mắt nghi kỵ, dò xét. Còn bà Lộ khôn ngoan hơn, vẫn lễ độ mỗi khi Hoàng hậu đến thị sát lớp dạy các cung tần, nhưng những việc bà ta tận tình giúp giập Tiệp dư Ngọc Dao và ngấm ngầm xui vua sắp xếp lại chốn hậu cung, sáng tác ca vè, làm sao qua nổi mắt nàng. Bà ta cùng với ông Nguyễn Trãi đang ẩn mình ở Côn Sơn, mới là thù địch đáng gờm.

Để tránh hậu họa, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh phải đi trước một bước.

Ngày rằm tháng bẩy, năm Nhâm tuất, cả kinh thành có đại lễ xá tội vong nhân và tưởng niệm các anh linh tử trận. Nhân đó có buổi ra mắt «Lam Sơn hội» do Nhập nội Thiếu úy Lê Thận, cùng các công thần Lam Sơn chủ trương ở Sùng Văn quán, Hoàng hậu Nguyễn thị Anh tâu với nhà vua xin được đến dự.

Như đã được trù liệu sẵn, quan Nhập nội Thiếu úy Lê Thận, công thần đứng hàng thứ ba ở Hội thề Lũng Nhai năm Bính thân (1416),(chỉ sau Động chủ Lê Lợi và phó tướng Lê Lai), người được đức Long Quân trao cho lưỡi gươm thần Thuận Thiên dưới sông Khả Lam để dâng lên Bình Định Vương phụng mệnh Trời giết giặc Ngô cứu nước(1), đã khéo léo nói với các chư tướng tôn Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh làm Lam Sơn Hội chủ.

Nguyên là, sau khi đại thắng quân Minh, phe công thần Lũng Nhai, hầu hết là các võ quan, thế lực ngút trời. Các đại tướng Lê Vấn, Lê Sát, Lê Ngân, Lê Thận, Lê Xí, Lê Liệt, Lê Thụ, Lê Hoành, Lê Văn Linh, Lê Văn An…, theo vua Thái Tổ từ ngày dựng nghiệp, đều được phong biển ngạch công thần theo tám loại phẩm hàm từ Huyện thượng hầu, Á thượng hầu, Hương thượng hầu… tới Quan phục hầu, ai cũng có dinh thự, lính lệ, gia nô, ra vào triều giáp binh chói lóa. Sau hơn mười năm nằm gai nếm mật, giờ là lúc bù đắp lại, ai cũng muốn hưởng lạc, muốn sống gấp, muốn đưa người thân tín vào những vị trí đắc địa, muốn tạo thêm vây cánh. Các khai quốc công thần thi nhau xây cất phủ đệ, mở rộng trang ấp, thu nạp người hầu kẻ hạ. Người từ Hoan châu tràn ngập kinh kỳ; chen vai vào chốn hậu cung làm hoạn quan, thái giám, cung phi; thích cánh trong các đội vệ binh, cấm quân, nha dịch. Phe Lũng Nhai càng lớn mạnh thì phái văn thần khoa bảng và bề tôi cũ của nhà Trần, nhà Hồ càng lép vế. Từ ngày Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị vua Thái Tổ hặc tội có mầm mống mưu phản và bị đắm thuyền chết trên đường về triều, Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo cũng bị khép tội ấy, bị giết, Nhập nội Tư khấu Lưu Nhân Chú bị Lê Sát đánh thuốc độc sát hại, Nhập nội Hành Khiển Nguyễn Trãi vì thân cận với Trần Nguyên Hãn bị tống giam…, bọn Đào Công Soạn, Nguyễn Mộng Tuân, Phan Thiên Tước, Phan Phu Tiên, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du, Nguyễn Truyền, Nguyễn Liễu, Ngô Sỹ Liên… nhiều người như rắn mồng năm, mũ ni che tai để yên thân…

Phe cánh Lũng Nhai đang làm mưa làm gió trong triều thì vua Lê Thái Tông vào tuổi biết nghĩ, kịp nhận ra nguy cơ triều đình trở thành nơi tác oai tác quái, thâu tóm quyền lực của một nhóm người ít học, bởi thế kẻ sĩ quay lưng, lòng dân ly tán. Nhà vua thẳng tay loại bỏ các quyền thần Lê Sát, Lê Ngân và vây cánh, mở khoa thi Tiến sĩ để tuyển chọn hiền tài. Một kế sách chấn chỉnh nội trị và bang giao rộng lớn được nhà vua trù liệu. Lê Thái Tông đã nhận ra trong cuộc hưng nghiệp sắp tới, vai trò của quan Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi là vô cùng quan trọng, nhất là khi ông dâng phần hai của Bình Ngô sách, phần « Trị Quốc, An Dân » mà sơ thảo bộ «Quốc triều Hình luật » do ông khởi xướng từ thời đức Thái Tổ, đã được dâng lên để nhà vua xem xét.

Nguyễn Thị Anh vừa được tấn phong Hoàng hậu, liền thấy mình ở vào thế bất lợi. Với một thiên tư mẫu nghi thiên hạ bẩm sinh, nàng nhận ra rằng, được nhà vua sủng ái, chưa đủ. Nàng sẽ chỉ như một thứ đồ chơi trong tay đấng quân vương, khi nào chán nhà vua sẽ phế bỏ. Và khi đó, con nàng, Hoàng Thái tử Bang Cơ sẽ bị

phế truất, thậm chí bị hãm hại. Nàng muốn được như nàng Tây Thi nước Việt xưa dùng sắc đẹp và trí thông minh trời phú để sai khiến vua Ngô Phù Sai, muốn trở thành Võ Hậu đời Đường khuynh đảo trời đất.

Một hôm Hoàng hậu cho gọi Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ và Nội quan Tạ Thanh đến mà rằng:

– Từ ngày được Hoàng thượng sủng ái, nhưng lòng ta vẫn lo lắng không yên…Chắc nghĩa phụ và nội quan đã nghe bài vè của bọn trẻ con Kẻ Mui láo xược…

Trong số những trọng quan trong triều, Nguyễn Phù Lỗ là người Hoàng hậu gọi bằng chú họ. Ông có công theo hầu vua Lê Thái tổ từ ngày dấy nghiệp, được tin cẩn dùng trong chốn nội cung. Nhưng quyền bính bổng lộc của ông thực sự mới phất lên gần một năm nay, từ ngày cô cháu gái họ xa được tấn phong Hoàng hậu.Thật bõ công bao ngày đêm cùng Lê Nguyên Sơn, Lương Đăng, Tạ Thanh bày mưu tính kế. Đại hồng phúc cho họ Nguyễn làng Bố Vệ, có cô con gái quê mùa, thân phận hèn kém, bỗng đổi đời thành mẫu nghi thiên hạ. Còn Tạ Thanh là người tin cậy của Tiên đế. Sau khi vua Lê Thái Tổ mất, có lúc ông tưởng như thất thế. Nhưng rồi ông nhận ra thân phận của mình, ông khôn ngoan và biết chiều ý ông vua trẻ. Ngày Lê Nguyên Sơn đưa Thị Anh từ Bố Vệ ra, tá túc tại tư dinh của Nguyễn Phù Lỗ, mới gặp lần đầu, cả Nguyễn Phù Lỗ và Tạ Thanh đều giật mình trước vẻ đẹp lộng lẫy của nàng. Chao ôi, xứ Thanh ta có một tuyệt thế giai nhân. Tây Thi hay Vương Chiêu quân hay Điêu Thuyền ngày xưa cũng chỉ đẹp dường này. Không hẹn mà gặp, cả ba, Nguyễn Phù Lỗ, Lương Đăng, Tạ Thanh cùng giống như Lã Bất Vi thời Xuân Thu, khi lần đầu gặp nàng Triệu Cơ. Ngay sau đó, cả ba cùng Lê Nguyên Sơn đã tìm mọi cách tiến cử nàng với vua Thái Tông. Quả nhiên, nhà vua vừa nhìn thấy Nguyễn Thị Anh đã như muốn phát rồ. Từ đấy, Thị Anh tự làm lấy mọi việc. Và công nghiệp lớn nhất mà nàng đã đạt được là phế ngay mẹ con Dương Thị Bí đang được nhà vua ân sủng ngất trời và thế chỗ mẹ con nàng vào vị trí vương hậu chốn hậu cung..

– Ngôi vị của Hoàng hậu và Đông cung Thái tử tuy đã được xác lập, nhưng vẫn đang như trứng treo ngọn thác – Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ nói – Nếu Tiệp dư Ngọc Dao đẻ hoàng tử ứng với điều ả ta nằm mộng thì ai dám chắc rằng Hoàng thượng sẽ không làm một cuộc thay đổi tiếp như đã làm với hoàng tử Nghi Dân?

Thị Anh nói :

– Nghĩa phụ nói trúng ý ta. Đây là điều bấy lâu nay ta lo lắng nhất. Đêm đêm ta vẫn thắp hương quay đầu về hướng chùa Huy Văn khấn cho con mụ Ngọc Dao chết đi. Ta tính từng ngày xem mụ Dao khi nào sinh nở. Chừng nào chưa trừ khử được mẹ con ả thì ta ăn không ngon, ngủ không yên.

Tạ Thanh nhìn quanh, giọng vừa đủ nghe :

– Hoàng hậu biết không, suốt từ ngày Tiệp dư đến ở chùa Huy Văn, thần cũng đã cho người trà trộn với các sư vãi và con nhang phật tử đến chùa để hạ thủ mụ ta, nhưng không thành. Tên Câm sức khỏe vô song, lại thêm ni cô Tiểu Mai võ nghệ siêu quần và đàn chó ngao đêm ngày canh chừng, không thể tiếp cận được.

– Ngay cả tướng quân Lê Nguyên Sơn cũng đành bất lực – Thị Anh thở dài.

Nguyễn Phù Lỗ ghé sát Thị Anh nói để Tạ Thanh không nghe thấy:

– Xin Hoàng hậu phải hết sức dè chừng. Các thị nữ trong cung xì xào rằng Hoàng Thái tử càng lớn càng giống Nguyên Sơn. Nhìn vào con mắt bọn Thắng,Phúc và nhất là Đinh Liệt đã thấy khang khác. Có lẽ phải điều Nguyên Sơn ra khỏi hoàng thành…

Thị Anh tỏ vẻ khó chịu :

– Ta biết rồi. Nghĩa phụ không cần nhắc lại thêm nữa…Ta đang suy tính…

Phù Lỗ nói :

– Đó là thần nghĩ đến đại nghiệp lâu dài…Nếu Hoàng thượng phát hiện ra thì hậu họa khôn lường…

Thị Anh bỗng bật cười:

– Người lừa dễ nhất chính là Hoàng thượng. Chừng nào ta còn làm cho nhà vua chết mê chết mệt thì không lo…Điều ta lo nhất vẫn là vợ chồng ông bà Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Phải làm sao cho lão già ấy không thể về triều.

Phù Lỗ gật gù :

– Thần có một cách…

– Cách gì, nghĩa phụ nói đi.

Phù Lỗ nói :

– Phải tạo ra một thế lực. Ngày trước đức Thái Tổ chỉ là một thổ hào mà dựng lên đại nghiệp, vì người biết dựa vào phe Lũng Nhai. Mười tám bậc tiên hiền cắt máu ăn thề cùng nhau gây dựng nghiệp lớn. Nay là lúc Hoàng hậu phải khuếch trương phe Lũng Nhai, nhân lên sức mạnh. Phải biến cả triều đình thành phe Lam Sơn, phe Hoan Châu…Nếu như Nguyễn Trãi ngày trước dâng đức Thái Tổ « Bình Ngô sách », dùng kế tâm công đánh vào lòng người, thì nay ta phải làm ngược lại. Phải li gián Nguyễn Trãi và đồng bọn với phe Lũng Nhai…

Thị Anh cả mừng.

Nghĩa phụ Nguyễn Phù Lỗ quả là cao kiến. Điều có ý nghĩa sống còn với mẹ con nàng là phải lập một phe đảng, tạo một thế lực, nắm lấy quyền lực, có khả năng sai khiến vua và thiên hạ. Cho nên, một mặt nàng ra sức lấy lòng vua Thái Tông, quyết chiếm vị trí độc tôn trong trái tim nhà vua trẻ, một mặt nàng ráo riết tìm cách gây thanh thế.

Để cho kế sách của mình được chắc chắn, Hoàng hậu cho mời quan Đô giám đầu triều Lương Đăng tới.

Thị Anh nói :

– Ông có biết sắp tới Hoàng thượng đi duyệt binh miền Đông, người sẽ đến thăm Nguyễn Trãi và mời ông ta về triều ?

Lương Đăng thưa :

– Dạ bẩm, thần biết. Chuyến đi này có cả bà Lễ nghi Học sĩ cũng được theo hầu xa giá…

Thị Anh trừng mắt :

– Ông nói sao ?Mụ ta biết gì việc quân mà đi hầu xa giá ?

– Dạ. Bây giờ bà Lộ muốn gì chẳng được… Thần đã mật sai người theo sát bà ta từng bước. Có nhiều việc thần không dám nói…

Thị Anh gặng hỏi :

– Với ta, ông không cần phải giấu. Có điều gì quan Đô giám nói ra đi…

Lương Đăng đảo mắt khắp phòng, rồi hạ giọng :

– Thần còn ngờ rằng Quan gia và bà Lễ nghi đang vụng trộm làm những việc trái với đạo lý luân thường…

Hoàng hậu như muốn nhảy thách lên, giọng rít qua kẽ răng :

– Đám hoạn quan các ông còn gì nữa mà cứ ỡm ờ? Ông nói trắng ra đi. Có phải họ… ngủ với nhau rồi không ?

Lương Đăng rụt cổ, xua tay :

– Bẩm Hoàng hậu, thần không dám… Bà Lễ nghi Học sĩ từng bế ẵm Hoàng thượng từ ngày Cung Từ Quang Thục Quốc Thái Mẫu hiến tế thần Phổ Hộ ở khúc sông Khả Lam…

Thị Anh cười gằn mà rằng:

– Hừ, bế ẵm. Xưa bế em. Còn nay thì bế …giai. Thảo nào mà Hoàng thượng ngày đêm mê mẩn, như người mất hồn. Thôi được. Bây giờ ta hỏi ông: Có cách nào ngăn Nguyễn Trãi về triều không ?

Lương Đăng nghĩ một lúc rồi ghé tai nói nhỏ điều gì khiến mắt Thị Anh bỗng lóe sáng lên.

– Diệu kế. Nhưng khó như lên trời. Mà ta thì không muốn để lâu. Bang Cơ con ta càng lớn sẽ càng bất lợi.

Lương Đăng nói :

– Còn một kế sách nữa là Hoàng hậu phải biết dựa vào phe Lũng Nhai, dựa vào đồng hương Hoan Ái. Giữa phe Lũng Nhai và đám kẻ sĩ khoa bảng vốn như mặt trăng mặt trời. Bọn hủ nho Nguyễn Trãi vẫn chê các công thần Lam Sơn là bọn nông dân ăn bốc, đầu óc bã đậu. Đến như đức Tiên đế mà bọn Trãi, bọn Hãn, bọn Xảo còn ví như Việt Vương Câu Tiễn, cổ dài, mép quạ, chỉ hợp tác được lúc hàn vi gian khổ, chứ không thể chung sống khi công thành danh toại. Hồi Hoàng thượng Nguyên Long còn nhỏ, nhờ có phe Lê Sát, Lê Ngân mạnh, nên bọn Trãi dúm tứ túc, không dám khoe mẽ. Thần cũng nhân đó mà gạt bỏ Trãi, hoàn thành được chương trình nhã nhạc, các qui chế triều phục, xe kiệu…Bây giờ, vua đã lớn, tự định đoạt chính sự, lại quay ra nghe vợ chồng Trãi, Lộ. Nếu lão già từ Côn Sơn về triều, phe Lũng Nhai lại càng thất thế. Bởi vì họ ít học, hết binh đao thì đầu óc họ bắt đầu trì độn, họ chỉ biết tranh công, bày mưu tính kế hưởng thụ. Họ là bù nhìn giữ dưa trong thời bình…

Nguyễn Thị Anh nói :

– Ta không nghĩ vậy. Chừng nào phe Lũng Nhai còn thì triều Lê còn…

Lương Đăng nói :

– Ấy là thần đang phân tích nước cờ. Bên này cường thì bên kia nhược. Nếu Hoàng hậu biết tập hợp các công thần Lê Thụ, Lê Thận, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Văn Linh, Lê Lý, Lê Lăng, Lê Bôi, đặc biệt là cha con Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, hai người mới được gọi về triều giao cho trọng trách lớn, rồi bọn thái giám Đinh Thắng, Đinh Phúc, Lương Dật, rồi Quốc cữu Nguyễn Phù Lỗ, Tạ Thanh…Chao ơi, công thần Lam Sơn chúng ta đông không kể xiết. Hoàng hậu hãy kích động họ trở lại thời oanh liệt, giao cho họ nhiệm vụ ly gián bằng được nhà vua với vợ chồng Nguyễn Trãi và bọn võ mồm Nguyễn Mộng Tuân, Đào Công Soạn, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du, Nguyễn Thiên Tích, Triệu Thái, Phan Phu Tiên…thì quyền lực sẽ nằm trong tay Hoàng hậu. Cho nên, sắp tới Hoàng hậu phải tâu với đức vua xin đứng ra thành lập Lam Sơn hội và nắm giữ vai trò Hội chủ.

Thị Anh cả mừng, khen cho Lương Đăng nhìn rộng, mưu cao.Vậy là ý Lương Đăng cũng tương hợp với mưu chước của Nguyễn Phù Lỗ và Tạ Thanh.

***

Việc được hầu hết các bậc khai quốc công thần phe Lũng Nhai và các tướng lĩnh quân sỹ Hoan Châu, trong đó có quê hương Đông Sơn bầu là Lam Sơn hội chủ khiến Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh vô cùng đắc ý. Lần đầu tiên trước hàng trăm thần dân, nàng đã truyền rằng:

– Tiên đế Đức Thái Tổ đã có công đuổi giặc Ngô mở mang nghiệp lớn. Hoàng đế Thái Tông ta mặc dù tuổi trẻ nhưng phúc lớn đức dày đã vượt xa huynh trưởng Quận Ai vương Lê Tư Tề, được hưởng ngôi báu. Có hôm nay không thể quên những ngày gian khổ thề nguyền ở Lũng Nhai. Thế mà nay thế lực cừu địch đang rắp tâm phá hoại thành quả Lam Sơn, xóa bỏ công tích của các bậc tiền bối. Chúng dùng kế tâm công, tung tin bịa đặt chê chúng ta ít học, sáng tác ca vè đả kích triều đình. Để đập tan mọi âm mưu phản loạn, các chiến hữu Lam Sơn phải k ề vai sát cánh lại. Chúng ta phải kết thành phe hội để giữ thành quả dựng nghiệp của Tiên đế. Còn phe Lũng Nhai thì còn mình. «Lam Sơn hội »của chúng ta là nguyện ước của mọi con dân Hoan Châu… 

Một « Hội ước » mười hai điều do đích thân Hoàng hậu và nội quan Tạ Thanh soạn thảo được ban ra, trong đó có những điều khoản như :

1. Tuyệt đối trung thành với ý chỉ và sự nghiệp vẻ vang của Tiên đế, tuân thủ mọi điều luật của Lam Sơn hội ;

2. Lam Sơn hội là Hội cầm quyền. Chỉ cất nhắc và tiến cử con em khai quốc công thần Lũng Nhai và hội viên Lam Sơn vào các trọng trách của triều đình ;

3. Khi có hội viên Lam Sơn bị đàn hặc, xử tội thì nhất tề cùng nhau dâng biểu tấu xin tha tội, hoặc giảm nhẹ .

4. Kẻ nào cố tình xâm hại danh dự Hội, chia rẽ nội bộ,vu cáo,bôi nhọ…đều bị hành xử theo điều luật, vv…

Ngay sau ngày lập Lam Sơn hội, đã có bốn nghìn sáu trăm mười hai người tham gia. Các hội viên vùng Kẻ Mui, Kẻ Bưởi, Kẻ Sốm đã bắt sáu mươi ba trẻ chăn trâu và ba mươi chín cừu địch thế lực truyền bá bài vè nhằm trực tiếp ám chỉ, công kích Hoàng Thái tử và Hoàng hậu. Trong cuộc trấn áp này, vệ úy Lê Nguyên Sơn có công tích lớn.

Nhưng rồi họa vô đơn chí. Chuyện mục đồng Kẻ Mui vừa tạm dẹp xong thì đến việc Tiệp dư Ngọc Dao lâm bồn.

Suốt đêm mười chín rạng ngày hai mươi tháng bẩy, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh không ngủ. Nàng cho thị nữ báo với hai quan thái giám Đinh Thắng, Đinh Phúc là nàng khó ở để nhà vua đừng giáng lâm. Kỳ thực là nàng đóng cửa tẩm cung, mật truyền Nguyễn Phù Lỗ và Tạ Thanh đến phán rằng :

– Thậm cấp chí nguy. Nếu Ngọc Dao sinh hoàng tử thì quả là ứng với giấc mộng tiên đồng giáng thế của ả ta. Ngôi vị của hoàng nhi ta gay rồi. Ta chấp nhận cho mụ ta an trí tại chùa Huy Văn là có ý đánh lạc hướng hai ông Nguyễn Trãi và Trịnh Khả, để ta dễ bề diệt trừ hậu họa. Vậy mà các vị không làm được cái điều ta muốn.

Tạ Thanh nói:

– Bẩm Hoàng hậu. Đã ba lần hạ thần cho người bí mật hạ sát Tiệp dư, nhưng lần nào cũng bị lão Câm phát giác, vả lại bên cạnh ả ta lúc nào cũng có ni cô Tiểu Mai võ nghệ siêu quần bảo vệ, nên không thể nào tiếp cận được.

Nguyễn Phù Lỗ nói :

– Tên Câm ở chùa Huy Văn vốn là võ sỹ thiền phái Trúc Lâm mới được Nguyễn Trãi điều từ Hoa Nghiêm tự về. Tên Câm sức khỏe phi thường, ban đêm chỉ ngủ một mắt, lại có hai đoản côn vô cùng lợi hại. Ấy là chưa kể đàn chó ngao được gã huấn luyện suốt ngày đêm canh chừng, chỉ sủa và tấn công đối thủ khi tên Câm ra lệnh. Các võ sỹ của ta giả làm đạo tặc, ba lần nhảy vào chùa hành thích Ngọc Dao đều bị tên Câm hạ gục.

Thị Anh rít hàm răng :

– Một thằng câm và một con thị tì giả sư mà các ông không làm gì nổi, thì mong gì sau này giúp Hoàng Thái tử lên vương nghiệp. Các ông chỉ là đồ rẻ rách.

Tạ Thanh nói :

– Vẫn hy vọng là ả Ngọc Dao sẽ sinh con gái…

Thị Anh thở dài :

– Phù thủy Trần Văn Phương đã lấy đầu cam đoan với ta rồi. Đêm nay ả tiện dân ấy đẻ con trai thì các ông có dám lấy đầu mình nộp cho ta không?

Nguyễn Phù Lỗ và Tạ Thanh ngẩn ra, không nói được câu nào.

Hoàng hậu cười gằn, giọng nhỏ lại :

– Các ông nghe đây. Hãy đến chuồng voi sai phù thủy Trần Văn Phương vâng lệnh ta mang ngay đến chùa Huy Văn tấm hoàng bào và vòng ngọc bảo mà ta đã chuẩn bị sẵn, nói là ta ban tặng hoàng nhi và hãy mặc cho hoàng nhi ngay sau khi sinh.

Nói rồi Hoàng hậu phẩy tay ra hiệu, lập tức thị nữ mang ra một hộp sơn son thếp vàng, trong đó có vòng bạc gắn chuỗi ngọc lưu ly và tấm hoàng bào bằng một thứ nhiễu Giang Tô cực mềm và mát.

Hai nội quan đưa mắt nhìn nhau, thầm phục Hoàng hậu là một người mưu hiểm kế sâu.

***

Bây giờ nói về quan Vệ úy Lê Nguyên Sơn.

Suốt từ trống canh tư đến trống canh năm, chàng đốc thúc quân cấm vệ chia làm năm ngả lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để truy tìm mẹ con Ngọc Dao. Có hai ngả quan trọng nhất chàng tự mình chỉ huy, một là ngả dọc bờ đê sông Cái về vùng Kẻ Mui, nơi có trang Cổ Mai, thực ấp từ thời nhà Hồ cấp cho cha con Nguyễn Phi Khanh, từng là nơi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ sống thuở hàn vi. Nơi đây hiện vẫn còn trường học do con thứ năm của Nguyễn Trãi là Nguyễn Tích vừa dạy học vừa dùi mài kinh sử. Hai là ngả về làng Nhị Khê quê gốc của Nguyễn Trãi. Hai nơi này, đông họ hàng thân thích, đông học trò, dân chúng lại đặc biệt quý trọng gia đình quan Hành Khiển, rất có thể được bà Lộ dùng làm nơi chứa chấp mẹ con Ngọc Dao để chờ chuyển đi xa. Ba ngả khác, ít khả năng hơn, là trang ấp Bồ Đề của quan Thái bảo Ngô Từ, bên kia sông Cái; hướng qua sông Tô Lịch lên vùng Sài Sơn và ngả ngược đê sông Cái lên trấn Sơn Tây.

Người ta ví quân cấm binh của Lê Nguyên Sơn là đội chó săn. Đây là đội quân đặc biệt, tuyển chọn trong số những tráng đinh vùng Bồn Man, Động Ma, Sách Mục, những con dân thiết cốt vùng Hoan Ái, vô cùng tinh nhuệ và đặc biệt trung thành. Mỗi đội, mỗi phiên, nội quan Tạ Thanh lại khéo gài tay chân thân tín làm nòng cốt, dỏng tai, thính mũi đánh hơi mọi thứ. Tất cả mọi động tĩnh trong triều, mọi biến thái dù là nhỏ nhất của các phe phái, kể cả các đại công thần, các tướng lĩnh đều được cấp báo để kịp thời xử lý.

Việc mẹ con Ngọc Dao đã trốn khỏi chùa Huy Văn khiến Tạ Thanh nổi trận lôi đình. Ông cho gọi Vệ úy Lê Nguyên Sơn mà rằng :

– Mi là đồ ăn hại. Bây giờ biết bầm báo với Hoàng hậu ra sao? Mấy tháng nay chỉ giao cho mỗi chuyện canh chừng mẹ con ả Ngọc Dao mà không xong. Làm sao một ả đàn bà vừa ở cữ như cua bấy mà dám bế con trốn khỏi chùa Huy Văn?

Nguyên Sơn cúi đầu thưa :

– Dạ bẩm, tiểu tướng cũng không biết bằng cách nào mà mẹ con Tiệp dư lại biến mất. Tiểu tướng đã cho quân bao vây quanh chùa, túc trực ngày đêm, một con chuột, một con chim cũng không ra thoát. Vậy mà…

– Mi có nghĩ là mẹ con ả ta có cánh bay, hay có tài độn thổ không?

– Dạ. Tiểu tướng tin những lời phù thủy Trần Văn Phương nói. Ngọc Dao không phải người thường mà là người nhà Trời…

Tạ Thanh bụm miệng cười như khóc:

– Hí hí…Rứa đó. Đến mi cũng nghĩ rứa thì Hoàng hậu và Hoàng Thái tử gay rồi. Để ta sẽ tra hỏi tên phù thủy Trần Văn Phương xem hắn có bày trò gì cho mẹ con Ngọc Dao không ?

Tạ Thanh phẩy tay. Một tên lính dẫn Phương vào.

Trước mặt nội quan và vệ úy, tưởng tên lính dọn chuồng voi phải khúm núm sợ sệt, ai ngờ gã lại vênh váo, ngạo mạn, hai chòm râu ngạnh trê ngọ nguậy đáng ghét.

– Tên phù thủy kia, mi phải khai rõ không được quanh co…

Nội quan Tạ Thanh vừa nói chưa dứt câu, thì Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh xuất hiện, giơ tay ngăn lại.

– Không cần tra vấn nữa. Ta biết hết cả rồi. Ông Phương đã bẩm với ta mọi chuyện. – Tiếng Hoàng hậu rít qua kẽ răng – Mẹ con yêu nữ Ngọc Dao có ba đầu sáu tay cũng không thoát ra khỏi chùa Huy Văn đêm qua. Quan Nội hầu và quan Vệ úy, hai ông hãy cho người đào tung chùa Huy Văn và bắt hết bọn sư sãi cho ta. Nếu không chết vì áo hoàng bào và vòng ngọc ta tặng thì đích thân ta sẽ bóp chết thằng nghiệt tử ấy cho coi.

***

Ngôi chùa Huy Văn bị đào bới không sót một ngóc ngách nào. Phòng của Tiệp dư Ngọc Dao bị xới tung. Hơn một canh giờ thì quân lính tìm thấy cửa hầm bí mật từ trong phòng nàng. Chúng vội bẩm báo với quan Vệ úy Lê Nguyên Sơn. Sơn cười khoái trá, chắc mẩm phen này sẽ tóm gọn mẹ con Ngọc Dao.

– Đốt đuốc lên. Chui xuống hầm bắt hai mẹ con Tiệp dư lên cho ta – Sơn ra lệnh.

Ba cây đình liệu cháy giần giật. Hai tên lính chĩa giáo lăm lăm, chui xuống hầm. Nhưng dò dẫm được chừng chục bước chân thì có tiếng vọng lên:

– Bẩm, đường hầm cụt rồi. Không thấy gì, ngoài một hòn đá tảng chắn đáy hầm.

Lê Nguyên Sơn trợn mắt, quát :

– Ủa, không có lối ra à? Chẳng lẽ hầm chui xuống âm ty? Quân bay đâu, tìm thằng Câm cho ta. Thằng Câm trốn đi đâu hè ? Tìm thằng đó sẽ ra cửa hầm. Mấy thằng ni tiếp tục đào. Còn bọn mi đi tìm thằng Câm và lùng sục quanh chùa xem cửa hầm ra lối mô?

Bọn lính chợt nhớ ra lão Câm. Cho đến giờ bọn chúng vẫn không gặp một sự chống đối nào, ngay cả đàn chó ngao hung dữ, vì lão Câm biến đâu mất.

Nguyên là, sau khi Ngọc Dao và tốp thứ hai hộ tống nàng đi khỏi, thì lão Câm khênh hòn đá tảng bịt kín lối ra và một mình hì hục vừa đẵn hết bụi tre, vừa dùng búa lần lượt chẻ từng bụi gộc xếp thành cũi trên miệng hầm. Lão biết bọn quân cấm vệ sẽ phát hiện ra cửa hầm trong phòng Tiệp dư. Đây là phương án duy nhất để bọn chúng không tìm thấy cửa ra.

Đang hì hục bổ gộc, chợt lão Câm dừng tay, nhảy lùi lại phía sau. Lão vừa nghe thấy tiếng thét thất thanh của sư thầy trụ trì phía cổng tam quan.Cha chả. Kẻ nào dám đánh sư thầy ta?Nó muốn tận số rồi. Ta sẽ không cho chúng còn cái để đội nón. Chỉ nhún bước chân, lão Câm đã nhảy đại qua hàng rào ô rô, rồi chạy như bay về phía sư thầy.

Vừa thấy bóng lão Câm, quân cấm vệ đã quây lại. Giáo mác vòng trong vòng ngoài tua tủa. Lão Câm đứng thế tấn. Hai mắt to như hai mắt trâu vằn đỏ, phát ra hàng trăm tia lửa. Quan vệ úy Lê Nguyên Sơn quát khản giọng, mấy tên lính vừa xông vào vừa run run thủ thế. Với hai cánh tay vượn, lão Câm vung lên, tám võ sỹ bị quơ chụm lại, tự đâm nhau, va đầu vào nhau tóe máu, bị sứt đầu mẻ tai rồi bị ném ra xa tới hàng trượng. Thấy lão Câm chỉ đánh tay không, Lê Nguyên Sơn thét bọn cấm quân vây chặt, chĩa mâu kích tua tủa bủa quanh. Điên tiết, lão Câm rút hai đoản côn dắt bên người múa vù vù, gạt giáo mác, khiến bọn lính mấy lần khiếp đảm. Ba đứa rú lên, ôm đầu máu. Hai thằng ngã lăn quay, rẫy đành đạch. Thấy quan quân có thể chết hàng loạt, sư thầy trụ trì hốt hoảng, vội nói lớn: «Chân Tín. Không được hạ sát. Chúng ta đành quy thuận thôi». Khi ấy lão Câm mới chịu thõng tay thúc thủ.

Lê Nguyên Sơn thét lính trói lão Câm và sư trụ trì Thích Chân Như cùng mười hai sư, vãi, quanh hai gốc muỗm cổ thụ.

Lần lượt các toán quan quân từ làng Văn Chương, làng An Trạch, làng Huy Văn, làng Hào Nam… cũng giải những người tình nghi đến. Hơn một trăm người, cả lớn bé, già trẻ ai nấy đều ngơ ngác, phờ phạc.

Trong đám nghi can bị dẫn giải về có lão Cả Ngỗi, chủ quán rượu. Lão ghé tai người bên cạnh, nói nhỏ :

– Nửa đêm qua phù thủy Trần Văn Phương báo với tôi là Tiệp dư đã hạ sinh quí tử. Giờ này, quan quân không bắt được, chắc hai mẹ con đã trốn thoát.

Người kia thì thào :

– Nghe nói đã chết dưới hầm bí mật?

Lão cả Ngỗi nói :

– Nếu chết thì còn bắt chúng ta đến đây làm gì? Nếu bị tra khảo, cứ nói là thấy hai mẹ con chạy về phía Nhị Khê. Cho bọn chúng về quê quan Hành Khiển mà tìm…

Lúc này trời đã sáng rõ. Vệ úy Lê Nguyên Sơn không còn phải nhòm vào từng mặt người để nhận dạng nữa. Y đứng trên một tảng đá xanh, tay chống kiếm, dõng dạc nói :

– Bớ sư sãi chùa Huy Văn và chúng dân quanh vùng. Bản quan vâng mệnh Thánh thượng và Hoàng hậu đến bắt nghịch nữ Ngô Thị Ngọc Dao đã dùng ma thuật để lung lạc chúng dân, reo rắc mầm mống phản loạn. Nghe nói nửa đêm qua, yêu nữ Ngọc Dao đã sinh quái thai đầu người mình chó. Phụng mệnh Thánh thượng, ta đến diệt trừ. Ai giấu yêu nữ và nghiệt tử ở đâu hãy khai ra thì được khoan hồng và trọng thưởng. Ai chứa chấp sẽ bị tội chém đầu.

Hỏi hai, ba lần vẫn không ai trả lời. Tức khí, Lê Nguyên Sơn rút roi da quất tới tấp. Tiếng kêu rú thất thanh.

– Lũ câm này dám trêu ngươi ta – Sơn gầm lên đi tới chỗ lão Câm -Thằng này, mày phải nói. Hôm nay thì mày không thể câm mãi được – Sơn quát quân lính trói giằng hai tay lão Câm, treo người lão lên cành muỗm.

Vừa hay lúc đó Nội quan Tạ Thanh và một người đàn bà xuất hiện. Người đàn bà mặc một chiếc áo màu huyết dụ dài chấm đất, chân dận hài thêu kim tuyến, đầu chít khăn vành rộng, phủ ngoài bằng một khăn the đen che kín mặt.

Lão Cả Ngỗi ghé tai người đứng bên, thì thầm :

– Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đó.

Mọi người truyền nhau. Một người nhanh nhảu bước về phía trước:

– Khải bẩm Hoàng hậu anh minh sáng suốt. Oan cho chúng con quá…

Lập tức một ngọn roi quất vào miệng người vừa nói, khiến ông ta im bặt.

Lê Nguyên Sơn khúm núm đến rước người đàn bà lên chỗ tảng đá xanh. Nhưng nàng khoát tay, xăm xăm tiến đến chỗ lão Câm. Chiếc khăn che mặt khẽ mở ra. Một đôi mắt sắc như dao rọi những tia sáng vào mặt lão. Một giọng nói the thé rít lên:

– Thằng Câm. Mày giấu mẹ con yêu nữ ở đâu? Bây giờ thì cái lưỡi chó của mày sẽ phải nói ra.

Lão Câm dường như đã nhận ra người đàn bà là ai. Hai mắt lão như mắt trâu, lồi hẳn ra ngoài, nhìn người đàn bà trừng trừng.

Người đàn bà phẩy tay ra hiệu. Bốn tên thị vệ đi theo lập tức vây quanh lão Câm. Hai tên dùng thanh sắt gàng mồm lão, một tên dùng kìm lôi lưỡi lão, tên kia hai tay đưa chiếc kéo cho người đàn bà.

Lão Câm chùng người, định xuống tấn. Nhưng khốn thay, chân lão bị treo cách mặt đất chừng gang tay, không có điểm tựa, lại bị trói với nhau. Lão như kẻ bị rút phép thông công, vô phương chống trả. Hai tên lính đã càng miệng lão Câm cho một tên dùng kìm rút lưỡi lão ra.

Người đàn bà che mạng nói:

– Các sư sãi chùa Huy Văn và bọn thần dân cứng đầu các ngươi hãy nghe đây. Ta biết các ngươi đều là những người lương thiện, không muốn chứa chấp mẹ con yêu nữ Ngọc Dao. Ngô Thị Ngọc Dao là ai, các ngươi có biết không? Đó là yêu quái hiện hình, là cừu thù của đức Tiên đế, của Hoàng thượng và Lam Sơn hội chúng ta. Nó được Diêm vương phái lên cõi trần hòng phá hoại sự nghiệp của đức Thái Tổ mà Lam Sơn hội chúng ta đang quyết gìn giữ. Số phận yêu nữ Ngọc Dao lẽ ra đã bị voi giày, nếu không có ta tâu với Hoàng thượng xin cho mụ về trú ngụ tại đây. Vậy mà ả ta không biết điều còn toan biến chùa Huy Văn này thành chốn yêu ma phù phép để mong hại Hoàng thượng và Lam Sơn hội chúng ta. Các ngươi sẽ được trọng thưởng nếu khai báo ra kẻ nào chứa chấp mẹ con yêu nữ. Bằng không thì nhìn đây. Tên Câm này sẽ phải nói…

Cái lưỡi lão Câm bị kẹp lôi ra đã tím ngắt như một thỏi sắt nguội. Một tên lính vội mang đến chiếc đĩa sứ hứng dưới chiếc kéo sáng loáng.

Người đàn bà che mặt đưa bàn tay búp măng cầm chiếc kéo giơ lên.

– Tên Câm. Nếu ngươi nói nơi giấu mẹ con yêu nữ ở đâu, mi sẽ được giữ nguyên lưỡi – Tiếng nội quan Tạ Thanh vang lên.

Từng hột mồ hôi, to như quả táo đọng trên mặt lão Câm. Hai mắt lão mở trừng trừng nhìn người đàn bà. Lão lắc đầu.

Chiếc kéo từ tay người đàn bà đã đặt ngang lưỡi lão.

– Ngươi giấu nghiệt tử và yêu nữ ở đâu? – Vệ úy Lê Nguyên Sơn gầm lên.

Vài giọt mồ hôi vỡ ra, chảy tràn trên mặt. Lão Câm lắc đầu.

Người đàn bà cười ré lên:

– Vậy thì, bớ sư sãi, tiện dân làng Huy Văn, các ngươi hãy nhìn đây. Các ngươi sẽ lần lượt như tên Câm này, nếu các ngươi chống lại ta.

Lưỡi kéo xiết mạnh. Những tia máu phọt lên như pháo hoa.

Mẩu lưỡi lão Câm rơi xuống đĩa sứ, giãy đành đạch như cá trê sắp chết.

Chú thích

1) Xem Sự tích Hồ Gươm.

Comments are closed.