Tiểu thuyết
Hoàng Minh Tường
7. HOÀNG TỬ LÊ TƯ THÀNH
Mỹ ngọc bất lao cầu thiên giá
Y lan chung tự thổ thành phân
(Ngọc tốt lo chi tìm giá đắt
Lan tươi ắt vẫn tỏa mùi hương)
(Họa thơ Cúc Pha – Ức Trai thi tập – Nguyễn Trãi)
Công việc dịch thuật và phiên giải “Long thành tạp ký” không giấu được những người thính nhạy, thiện tâm. Một hôm, Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp đưa đến giới thiệu với giáo sư Hoàng Nguyên một cựu chiến binh, nhà giáo kiêm nhà thơ, nhà doanh nghiệp.
– Đây là chủ tịch Huỳnh Đạo, nhà sử học… – Đỗ Chí Cao nói đại, chẳng cần biết chức danh thật của Huỳnh Đạo là chủ tịch hay chủ nhiệm – Giáo sư chắc đã biết “Câu lạc bộ Những người yêu kính và bảo vệ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ”?
Giáo sư Hoàng đưa cả hai tay đón người bạn đồng niên:
– Tôi có biết. Câu lạc bộ này có tên gọi tắt là “Nguyễn Trãi Club”. Tôi cũng đang muốn gia nhập để tỏ tấm lòng với tiền nhân. Rất hân hạnh được gặp ông chủ tịch.
Ông Huỳnh Đạo vội xua tay:
– Không dám… Tôi chỉ là chủ nhiệm Câu lạc bộ. Chúng tôi đang có tờ trình Chính phủ cho thành lập “Hội những người yêu kính và bảo vệ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ”. Nếu được thành lập, việc đầu tiên của Hội sẽ là đề nghị Toà án nhân dân Tối cao cho mở phiên toà, ra một phán quyết phủ định án quyết Lệ Chi Viên năm Nhâm tuất 1442, đòi trắng án cho hai cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ…(1)
Ngô Tháp phù hoạ:
– Tại một hội thảo khoa học, Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh đã chính thức nêu đề nghị này với nhà nước,(2) và ông coi đây là phiên toà đặc biệt, phiên toà Lương Tâm, để giải
toả nỗi oan tày trời gần 600 năm…
Ông Huỳnh Đạo nói:
– Báo cáo giáo sư, “Nguyễn Trãi Club” hiện có tới ba ngàn hội viên ở trong và ngoài nước. Công việc của Câu lạc bộ trong mấy năm qua tiến triển hết sức tốt đẹp. Cụ thể là đã vận động chính quyền địa phương giúp đỡ giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng, đã quyên góp tiền của sửa chữa được hai nhà thờ Đức Ông và Đức Bà ở Khuyến Lương, xây nhà thờ Đức Bà ở Hải Triều, Hưng Hà, Thái Bình và đang hoàn thiện đền thờ, khuôn viên và dựng tượng Đức Bà ở Lệ Chi Viên…
Ông Cao nói:
– Khi biết giáo sư đang dịch “Long thành tạp ký” bác Huỳnh Đạo đây rất phấn khởi, muốn “Nguyễn Trãi Club” sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí in, dịch và quảng bá tác phẩm.
Ông Huỳnh Đạo nói:
– Đây sẽ là những tư liệu vô giá cho phiên toà lịch sử, nếu được tiến hành.
Giáo sư Hoàng với tay lấy những trang bản thảo mới được đánh vi tính đưa cho ông Huỳnh Đạo:
– Hôm qua, chủ trang Web “Thọt bỉ nhân” đã chuyển cho tôi chương về Lương Đăng mà cậu ta mới phiên. Những sử liệu động trời lần đầu mới được công bố. Bây giờ thì ngoài “Ngô gia văn phái”, nền văn học Việt Nam lại có thêm một “Đoàn gia văn phái” nữa.
– Tuyệt quá – Ông Huỳnh Đạo nói mà mắt không rời tập bản thảo – Ông bạn tôi là chủ tịch Hội Thơ có nhã ý mời hai dịch giả xuống Hạ Long chơi nhân ngày thơ Quảng Ninh sắp tới. Chúng ta sẽ đọc thơ Ức Trai và thơ viết về Người…
Ông Thấp vỗ hai tay:
– Em sẽ chuyển giấy mời tới “Thọt bỉ nhân”. Nhất định chuyến đi này phải có cả hai dịch giả Hoàng Nguyên và Bùi La Việt.
Ông Cao bập nhẹ tẩu thuốc, phả ra hơi khói:
– Rất có thể “Thọt bỉ nhân” sẽ nhập đồng mời Tao đàn chủ súy Lê Thánh Tông về cho chúng ta hội kiến – Rồi Cao quay sang Thấp- Chú Tháp, tôi với chú sẽ cùng Bùi La Việt đến đền Huy Văn thỉnh đức vua về núi Bài Thơ…
Giáo sư Hoàng Nguyên ngập ngừng:
– Có phải Hội thơ kỷ niệm vua Lê Thánh Tông đề thơ trên núi Truyền Đăng không? Thế thì may ra kịp. Trước khi xuống Hạ Long tôi sẽ dịch cho xong chương nói về Hoàng tử Lê Tư Thành. Chương này cũng ly kỳ lắm. Chẳng kém gì chuyện Triệu Tử Long phò A Đẩu trong “Tam quốc diễn nghĩa”.
– Sáng thứ bẩy tuần sau chúng ta lên đường – Ông Huỳnh Đạo bấm đốt ngón tay – Tôi lo mọi thủ tục và khâu hậu cần. Ông Cao ông Tháp phải lo công chuyện ở đền, chùa Huy Văn, nếu “Thọt bỉ nhân” thấy cần. Còn thầy Hoàng Nguyên thì phải tập trung dịch chương về vua Lê Thánh Tông để góp vào lễ dâng hương. Nhân đây nhờ giáo sư Hoàng xem lại nơi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đưa con đi trốn ở An Bang để sắp tới chúng ta đi thăm viếng.
Giáo sư Hoàng nói:
– Sách “Đại Việt sử ký” chép: Sau khi sinh Lê Tư Thành ở chùa Huy Văn, sợ bị Nguyễn Thị Anh hãm hại, liền đưa mẹ con trốn ra trấn An Bang. Cụ thể là vùng Quảng Yên bây giờ. Nhưng trong “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn và một vài tài liệu khác lại nói mẹ con Tiệp dư chạy về vùng An Lão, Vũ Thư, Thái Bình. Rất có thể hai mẹ con ở cả hai nơi. Mỗi nơi trốn một hai năm. Tựu chung là trong bốn năm đầu đời của Lê Tư Thành, khi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh chưa xác lập vững ngôi vị cho mình và con trai mình, thì tính mạng mẹ con Tiệp dư còn khó bề giữ nổi. Đặc biệt sau thảm án Lệ Chi viên, thì cuộc truy lùng mẹ con Ngọc Dao càng quyết liệt.
Ngô Tháp tỏ ra là người am hiểu lịch sử:
– Xin phép hai bố và ông anh. Càng ngẫm, càng thấy Nguyễn Thị Anh là đại cao thủ. Khi đã loại bỏ được vợ chồng cụ Nguyễn Trãi, lại trừ được bọn hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc để bịt đầu mối, bắt hạ ngục Thái phó Đinh Liệt để uy hiếp, liền bịt hết mồm miệng kẻ sĩ, xếp các “nguyên khí” còn lại như sử thần Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên, các danh sỹ Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Phan Thiên Tước, Nguyễn Thiên Tích, Bùi Ư Đài, Bùi Cầm Hổ…vào “ kho”. Bà ta “buông rèm coi chính sự nắm quyền quyết đoán mọi việc” giữ yên ngôi vị cho Lê Nhân Tông, rồi bốn năm sau mới tỏ vẻ nhân nghĩa đãi bôi, cho đón mẹ con Ngọc Dao về, thí cho Lê Tư Thành cái tước Bình Nguyên Vương, cho vào học ở Kinh Diên. Thực chất đây là một hình thức quản thúc, ngầm theo dõi, thấy có dấu hiệu đối kháng là khử liền. Giả dối quá các bố ơi. Bắt sử gia ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” thế này: “ Tuyên từ Thái hậu yêu vua ( tức là Lê Thánh Tông sau này) như con mình đẻ ra, Nhân Tông coi vua là người em hiếm có” thì Thị Anh còn khủng hơn cả cha con Kim Jong Il, Kim Jong Un bây giờ. Tôi căm thù sự giả dối.
Ông Cao cười khẩy:
– Tôi cũng nghi ngờ luôn sự quang minh cao cả của vị hoàng đế vĩ đại nhất triều Lê là Lê Thánh Tông. Nếu ngài thấm hết cái ơn trời biển cứu mạng của vợ chồng Nguyễn Trãi, thấy hết sự tàn độc của quyền lực, thì ngài đã không để cho chính sử chép về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ như thế. Tôi cũng trách ngài, khi có cơ hội lớn để chiêu tuyết cho ân nhân của mình mà cũng không làm hết mình. Quyền lực có trong tay mà ngài vẫn không dám tuyên trắng án cho Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, ngài vẫn tiếc rẻ với Ức Trai một chút hư quyền, ấy là chỉ dám truy phong một tước Bá, Tán Trù Bá, kém xa tước Hầu, Quan Phục Hầu, vốn đã được vua Lê Thái Tổ phong cho Nguyễn Trãi.
Ông Huỳnh Đạo có vẻ không đồng ý với Cao:
– Chỉ một hành động chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi, rồi lệnh cho thư khố sưu tầm lại toàn bộ trước tác của Ức Trai, đã đủ để Lê Thánh Tông trở thành bậc minh quân rồi. Thử ngẫm xem, đến như thời đại dân chủ chúng ta mà nhiều vụ án tày trời như Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm …hơn năm chục năm rồi mà đã được giải oan đâu? Hậu thế không nên đòi hỏi quá ở Lê Thánh Tông. Ông yêu quyền lực hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Ông tàn nhẫn không kém gì ông nội Lê Lợi, bố Lê Thái Tông và anh trai Lê Nhân Tông. Đến như ông anh ruột cùng cha khác mẹ là Cung vương Lê Khắc Xương, hiền lành, nhút nhát đến mức không dám nhận ngôi vua, nhường cho ông, mà sau này ông nghe lời dèm pha, cũng “xử” cùng với bọn thân hữu Lê Lăng…
Giáo sư Hoàng Nguyên giọng buồn rầu:
– Thực ra Lê Thánh Tông có thể làm được nhiều hơn nữa cho vợ chồng Ức Trai Nguyễn Trãi. Ví như phải chiêu tuyết cho cả Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ, phải giải cái án oan thảm khốc nhất trong lịch sử. Nhưng bản chất của chế độ cai trị và độc tài mọi thời là bằng mọi cách để bảo vệ vương triều, bảo vệ quyền lực, giữ cho hình ảnh vương triều không bị nhếch nhác, nhơ bẩn. Đến như người từng mưu giết bằng được mẹ mình và mình là Nguyễn Thị Anh mà Lê Thánh Tông vẫn tôn vinh tột bậc, dâng tên thụy và truy tôn là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng thái hậu, vẫn coi như mẫu nghi thiên hạ…
– Vua Lê Thánh Tông không thể bước qua được thời đại mình – Ông Thấp thủng thẳng – Nhà vua thừa biết tội lỗi của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh với cả vương triều và cụ thể là với Ức Trai và bà Nguyễn Thị Lộ. Nhưng nhà vua không dám thừa nhận…
Ông Cao nói:
– Buồn nhất là một xã hội không sòng phẳng, một xã hội xử lý mọi vấn đề quốc gia đại sự bằng những hộp đen. Cụ Phan Phu Tiên, cụ Ngô Sỹ Liên cũng cùng một duộc như kẻ sĩ chúng ta bây giờ mà thôi. Người ta cắt cái sổ hưu là mình toi. Con cháu mình mất đường sống. Biết bao cây bút cùn mòn không viết nổi. Tài danh như nhà văn Nguyễn Khải mà trước khi chết phải thổ ra một bãi huyết 19 trang “Đi tìm cái tôi đã mất” rồi mới chết nổi… Nhà cầm quyền coi vương triều và quyền lực như một cái hộp đen, chỉ riêng họ biết và định đoạt. Mọi nhà nước độc tài bây giờ cũng là một phiên bản khác của phong kiến mà thôi. Họ muốn cha truyền con nối, muốn duy trì quyền lực vĩnh viễn. Họ đâu cần một xã hội công dân…
Thoáng thấy bóng trung tá Philip, người cùng khu tập thể, ông Thấp vội đi ra hành lang ngó quanh, e hèm một tiếng rõ to rồi vội trở vào, chắp hai tay:
– Con lạy các bố, chuyển đề tài đi, kẻo giáo sư bị ghi vào sổ đen, bị xếp vào kho, thì ai dịch “Long thành tạp ký”? Tay trung tá ăn vận sivin này bọn con đã đụng một vài lần rồi. Thôi, chúng con biến đây. Để bố còn dịch cho kịp ngày hội thơ.
***
Khi ông Huỳnh Đạo và hai ông Cao, ông Thấp vừa từ phòng giáo sư Hoàng Nguyên đi ra, thì trung tá Philip đẩy cửa bước vào.
Cả khu phố này, từ hơn một năm nay mọi người không gọi trung tá an ninh Phạm Tê bằng cái tên khai sinh nữa, mà mặc nhiên đặt cho anh cái tên trung tá Philip.
Chuyện dài dòng và đậm chất hài hước, nhưng có thật một trăm phần trăm. Ấy là vụ trung tá Phạm Tê tham gia bắt một phần tử dân chủ quá khích mà nhà chức trách từ lâu không ưa. Tên anh ta là Trần Thiện, tiến sĩ kinh tế, tốt nghiệp trường đại học Havard danh tiếng. Trần Thiện thuộc tốp khởi đầu nhóm Blogger từ khi công nghệ Internet du nhập vào Việt Nam. Rồi sau Thiện nâng cấp lên Website Tre Xanh. Sự kiện đầu tiên trang Web Tre Xanh làm chấn động dư luận là bản kiến nghị của giới trí thức về vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tiếp đó là nhiều bài viết trong và ngoài nước kiến nghị Quốc Hội có nghị quyết ngừng ngay dự án khai thác bauxite và bản danh sách ký tên ủng hộ lên tới mấy ngàn người, trong đó có nhiều cán bộ lão thành cách mạng, trí thức hàng đầu tham gia. Chỉ trong vòng ba tháng, số người truy cập đã lên tới hàng chục triệu. Tre Xanh trở thành tờ báo mạng lề trái tập hợp nhiều ý kiến phản biện xã hội, nơi gặp gỡ trao đổi thông tin của giới trí thức trong và ngoài nước. Tiếp đến là vụ kiến nghị dừng dự án đường sắt siêu tốc vay vốn ODA của Nhật Bản tốn phí hàng trăm tỷ dolla. Lần đầu tiên, nhờ những ý kiến phản biện trên trang mạng Tre Xanh, Quốc hội đã lắng nghe và có nghị quyết phản bác kế hoạch xây dựng đường sắt siêu tốc Bắc Nam, chấp nhận phương án nâng cấp đường sắt hiện thời thành đường sắt hai chiều hiện đại. Từ thắng lợi này, Trần Thiện viết tiếp nhiều bài phản biện xã hội, kêu gọi dân chủ, đa nguyên, thậm chí chỉ trích đích danh một vài vị Trung ương. Nhà chức trách nghi vấn Trần Thiện có móc nối với đường dây phản động nước ngoài. Một chuyên án về chủ Website Tre Xanh được lập ra. Trung tá Phạm Tê có nhiệm vụ đột nhập phòng khách sạn Trần Thiện ở khi anh ta từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Việc bắt Trần Thiện dễ như trở bàn tay, vì tay tiến sĩ này rất chủ quan, tự mãn, tin ở sự chính danh của mình. Tám giờ tối, trung tá Phạm Tê và ba đồng nghiệp ập vào phòng khách sạn khi Trần Thiện đang ngồi với một người đàn bà. Khám trong thùng rác phòng vệ sinh có một silip phụ nữ đang dùng dở. Lập tức Trần Thiện và người đàn bà bị giải về công an quận lập biên bản. Trong tờ biên bản do trung tá Phạm Tê lập, có ghi: “Trần Thiện có hành động bất chính với chị Bùi Mai Th. Khám phòng khách sạn thấy có một philip đang dùng dở. Khám tư trang của Trần Thiện, trong máy vi tính mang theo có nhiều bài báo nội dung chỉ trích chính quyền, kích động xã hội, phạm vào điều 88…”
Lẽ ra phải viết silip thì viên trung tá lại viết philip. Cánh báo chí chộp được từ này, thế là chiếc “philip” trở thành trò đàm tiếu, biệt danh trung tá Philip được mặc định cho Phạm Tê.
Trong khu tập thể, nhiều người không biết Phạm Tê làm việc trong ngành an ninh. Anh chỉ mặc sắc phục trong những dịp hội họp. Ngày thường anh mặc thường phục, sống thân thiện, chan hòa với láng giềng. Với giáo sư Hoàng Nguyên, anh đặc biệt kính trọng, thỉnh thoảng sang chơi, thăm hỏi.
– Có việc gì thế chú Tê? – Giáo sư Hoàng Nguyên đẩy tập bản thảo do Bùi La Việt vừa đem đến ra mép bàn, cốt để Philip nhìn thấy, rồi kéo ghế mời khách ngồi.
– Người vừa vào đây gặp bác là chủ trang Web “Thọt bỉ nhân”, đúng không?
– Chú cũng biết người này à? – Ông Nguyên tỏ vẻ ngạc nhiên – Đây là một chuyên gia Hán Nôm, nhà ngoại cảm số một hiện nay. Tên cậu ta là Bùi La Việt, bạn của tôi.
– Tay này là bạn của Trần Thiện, chủ trang Web Tre Xanh. Hồi Trần Thiện bị bắt, trên trang Web“ Thọt bỉ nhân” đăng nhiều bài kích động, công kích chế độ… “Thọt bỉ nhân” là một trang mạng rất nguy hiểm, có ý đồ chống phá cách mạng, bác không nên giao dịch.
Philip muốn cảnh báo ông Nguyên, rồi đưa mắt liếc nhanh tập tài liệu do Bùi La Việt vừa mang đến. Đó là chương về Nội quan Tạ Thanh mà Việt vừa phiên từ quyển Ngũ. Rồi Philip nhìn với sang quyển sách chữ nho phô tô mà ông Nguyên đang dịch. Bằng trực giác nghề nghiệp, anh đặt một câu hỏi trong đầu: Sao ông Nguyên không dịch sách Trung Quốc nữa mà lại chuyển sang dịch những tài liệu cổ? Đó là những tài liệu gì? Vì sao hồi này ông Nguyên lại hay gặp gỡ với hai anh chàng buôn văn hóa Cao, Thấp, với ông Huỳnh Đạo chuyên gia biểu tình, và đặc biệt là nhân vật mà anh đang được phân công theo dõi: “Thọt bỉ nhân”?
Philip buông một nhận xét:
– Về ngoại cảm, “Thọt bỉ nhân” so thế nào được với Hoàng Bá Hiệp và Chu Thuý Hằng?
– Đỗ Bá Hiệp và Phan Thị Bích Hằng – Ông Nguyên chữa lại, như một thói quen thầy giáo chữa lỗi cho học trò.
Chén nước vừa rót, nghi ngút khói, nhưng trung tá Philip tuyệt không đụng đến. Anh toan đứng dậy, nhưng lại nhìn ông Nguyên vẻ thương hại:
– Em vốn quí bác. Cả khu tập thể này ai cũng đều quí bác. Người ta bảo trí thức các bác hay rách việc, nhưng em thấy bác không phải như vậy. Sách bác dịch, em đọc hết. Cái ông Mạc Ngôn mới đáng là nhà văn Tàu, viết vừa sâu sắc chua cay vừa thâm thuý. Chửi thế mới siêu, dám chỉ mặt điểm tên cả Mao cả Đặng, nhưng em lại khoái. Phải viết như thế mới đúng bản chất vấn đề.
– Trung Quốc, tuy Maoit vậy nhưng người ta có truyền thống và phông văn hoá cao – Giáo sư Hoàng bỗng nhiên muốn trút bầu tâm sự – Vì thế mới có dòng văn học vết thương, nói hết những sai lầm của cách mạng Văn hoá, mới có những nhà văn như Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Mạc Ngôn trong văn học, đạo diễn Trương Nghệ Mưu trong điện ảnh…Có nhà văn còn viết hẳn một cuốn sách với tựa đề: “Người Trung Quốc xấu xí” nhằm chỉ ra những thói xấu của người Tàu, kìm hãm bước tiến của đất nước. Cuốn sách không chỉ được độc giả, mà ngay giới lãnh đạo đón chào nồng nhiệt. Họ có truyền thống tự giễu nhại từ thời văn hào Lỗ Tấn. Ông xây dựng nhân vật AQ chính là giễu nhại tính bảo thủ, phép thắng lợi tinh thần của dân tộc mình, một nguyên nhân cơ bản kìm hãm bước tiến bộ của xã hội Trung Quốc…
Càng nghe con người nhiều chữ nghĩa này, càng hiểu ra nhiều điều – Philíp nghĩ vậy và cũng muốn trải lòng mình:
– Hồi bác cho in cuốn “Mông to vú lớn” có người đặt vấn đề bác ăn tiền của thế lực thù địch, bịa thêm nhiều chi tiết trong khi dịch, để nhằm bôi xấu bạn. Cấp trên phải lập ban thẩm định, trước khi cho phát hành. Hồi ấy em lo cho bác. Sau thấy nói bác dịch đúng từng từ… Vừa đúng lại vừa hay.
– Tác phẩm “Phong nhũ phì đồn” tôi dịch là: “Báu vật của đời”, chứ không phải “Mông to vú lớn”.
– Đúng là quyển đó – Philip nói – Nước Tàu man rợ dễ sợ. Nhưng thôi, lúc khác sẽ bàn chuyện văn chương. Có chuyện này em phải nói với bác…
– Chuyện gì? – Ông Nguyên dỏng tai, sẵn sàng.
– Tình hình cán bộ nghỉ hưu và giới trí thức hiện nay rất phức tạp. Hôm vừa rồi bọn em đi nghe phổ biến nghị quyết. Có một vị phó giáo sư tiến sĩ…
– Tôi có biết vị này. Tiến sĩ Đăng Đàn…
– Đúng rồi. Vị này nói, các thế lực thù địch đang chống phá ta ghê lắm. Không đề phòng là mất nước như chơi. Các thế lực thù địch đặc biệt ủng hộ cách mạng da cam ở Bắc Phi và Ai Cập. Chúng chuyên dùng vũ khí mạng để tính chuyện lật đổ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ cái sổ hưu, đúng không bác?
Câu hỏi xuyên xoáy và ánh mắt cũng xuyên xoáy, như moi cả lục phủ ngũ tạng giáo sư Hoàng. Ông tỏ vẻ hoang mang:
– Vợ chồng tôi sống bằng lương hưu, công lao cả đời làm lụng… có chết tôi cũng phải bảo vệ. Chú thấy đấy, về hưu như tôi, còn biết bấu víu vào đâu? Sách dịch rẻ như bèo. Một đất nước chín mươi triệu dân mà sách in một ngàn cuốn bán không được. Một năm may ra tôi mới dịch được một quyển, nhuận bút được dăm triệu…
– Bác nói thế nào…Mỗi tháng kiếm không nổi một triệu thì rẻ mạt quá, trí thức các bác khổ quá. Thế thì phải bảo vệ cái sổ hưu bằng mọi giá, bác ạ. Tiến sĩ Đăng nói quá chí lý. Giao quyền lãnh đạo cho mấy thằng cha dân chủ thì nó cúp sổ hưu. Cho nên, cháu khuyên bác, chớ có a dua với mấy tay dân chủ mạng. Nó rủ đi biểu tình, chớ có tham gia… Mà cháu cũng lạ, sao bác lại rước cái ông Huỳnh Đạo ấy về nhà. Ông này phức tạp lắm. Vua biểu tình. Thỉnh thoảng lại thấy có mặt ở Hồ Gươm. Bác phải tránh xa bọn biểu tình, nhé.
– Chú tính, tôi bận suốt ngày… – Giáo sư Hoàng lắc đầu – Mấy ông bạn hưu gọi điện thoại rủ đi biểu tình chống xâm phạm Biển Đông, mình bận không đi được, cứ thấy áy náy…
– Bác áy náy cái gì? – Trung tá Philip hỏi dồn.
Giáo sư Hoàng Nguyên thở dài:
– Tôi ước mình cũng như chú, chỉ biết làm công ăn lương, trên bảo sao làm vậy… Nhưng mình mang tiếng là cái anh có học. Cổ nhân có câu: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Đất nước an nguy, sao mình dửng dưng được? Biển Đông hằng ngày dậy sóng. Tàu dầu khí của mình làm việc ngay sát bờ biển, trong thềm lục địa nước mình, mà luôn bị quấy phá, cắt cáp. Ngư dân mình đánh cá quanh quần đảo của mình, trên hải phận của mình mà luôn bị tàu lạ bắt bớ, đâm chìm… Dân nông thôn, dân miền núi mù thông tin, không biết đã đành. Mình giữa Thủ đô, tràn ngập kênh nghe nhìn, ngồi ru rú xó nhà, hèn quá còn ra chi cái giống người?
– Bố ơi, bố ăn phải bả các thế lực thù địch rồi – Trung tá Philip đột ngột đổi cách xưng hô, nhoài người nắm bàn tay ông Nguyên – Trung ương đã có phương án cả rồi. Bố không việc gì phải lo. Nhiệm vụ của bố là cứ ngồi nhà dịch sách.
– Chú nói đúng như nghị quyết – Giáo sư Hoàng nhìn viên trung tá đầy ái ngại – Ai chẳng biết hơn lúc nào hết, lúc này phải lo ổn định xã hội để phát triển kinh tế. Bao nhiêu máu xương đổ xuống, chỉ mong được hưởng những ngày hoà bình hôm nay. Các chú thuộc thế hệ sinh ra đã có hoà bình, chứ lũ chúng tôi gần cả đời đói rách, bom đạn. Động loạn lúc này là tan nát hết cả… Không những chúng tôi không có sổ hưu mà niêu cơm của vợ con các chú cũng không còn… Bọn trí thức chúng tôi, thời nào cũng chỉ mong thái bình… Nhưng ổn định thế nào? Phải là sự ổn định trên cơ sở toàn vẹn chủ quyền, trên một thiết chế dân chủ, phải ổn định vững chắc để phát triển, chứ không phải bưng bít, giả vờ ổn định để mất chủ quyền lãnh thổ , kinh tế xã hội dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Cái ổn định ấy chỉ có lợi cho bọn tham nhũng, đầu cơ chính trị…
Bằng phản xạ nghề nghiệp,trung tá Philíp thấy vị giáo sư đang tưởng mình đứng trên bục giảng, mà anh đang trở thành một học trò ngoan ngoãn. Anh đột ngột lái câu chuyện:
– Này, con hỏi khí tò mò. Bố đang dịch cuốn gì mà cứ như sách cổ?
Giáo sư Hoàng đưa tập văn bản đang dịch cho Philíp.
– Khi nào sách in ra, tôi sẽ tặng chú. Tôi đang dịch sách viết về cụ Nguyễn Trãi và thời đại cụ. Nếu ngày ấy cụ Nguyễn Trãi cũng mũ ni che tai, đừng sốt sắng cứu mẹ con vua Lê Thánh Tông, cứ bằng lòng an trí ở Côn Sơn mặc cho bọn lộng thần xui giục ông vua trẻ Lê Thái Tông và tác oai tác quái chốn cung đình, thì ông cụ và bà Nguyễn Thị Lộ chắc không phải gánh họa tru di tam tộc…
Trung tá Philip dán mắt vào những trang sách chữ nho, vui như cậu học trò nhỏ:
– Sách viết về Nguyễn Trãi thì cháu phải đọc. Bác cho cháu xin một bản đã dịch. Cháu sẽ đi photo. Từ hôm nay, bác cứ dịch đến đâu, cháu sẽ đọc đến đấy…
Giáo sư Hoàng Nguyên nhìn Phạm Tê và nhận ra sự chân thành, lòng ngưỡng vọng, hướng thiện trong ánh mắt anh. Ông đứng dậy lấy tập bản dịch đã vi tính, đưa cho anh:
– Tôi còn một bản. Chú mang về đọc. Chương quan trọng nhất viết về Nguyễn Trãi thì bây giờ tôi mới bắt đầu dịch. Từ nay, cứ xong chương nào, tôi sẽ vi tính và photo cho chú một bản.
Trung tá Philip giơ hai tay đỡ tập bản thảo rất lâu. Anh thấy như mình bắt đầu chạm vào những điều linh thiêng mà trước nay anh tưởng chỉ dành cho những trí thức như giáo sư Hoàng Nguyên.
***
Lại nói về bọn Nguyễn Khuê, Nguyên Phong và ni cô Tiểu Mai.
Ánh trăng vằng vặc đêm hạ tuần tháng bẩy đã chỉ đường cho họ đưa hoàng nhi xuyên qua bãi dâu. Nguyên Phong đi trước. Tiếp đến là ni cô Tiểu Mai bế hoàng nhi. Đi sau cùng là Đồ Khuê. Chỉ còn một thôi đường sẽ tới chỗ cây gạo bến đò thì bỗng đụng một toán lính triều đình.
Số là, nội quan Tạ Thanh vốn đa mưu túc kế. Ngài rất sợ Lê Nguyên Sơn với binh quyền trong tay, lại được Hoàng hậu sủng ái, có thể lập công lớn. Vì thế, trong khi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh xẻo lưỡi lão Câm dưới gốc muỗm thì ông ta lủi ra sau truyền gọi viên võ quan dưới trướng dẫn ngay một đội giáp binh phóng ngựa theo đường tắt ra phục trên đoạn đê ra gốc gạo bến đò. Rất có thể hoàng nhi sẽ được đưa sang Bồ Đề, nơi thang ấp của quan Thái bảo Ngô Từ.
Chỉ trong vòng nhai giập bã trầu, đội giáp binh với sáu con tuấn mã đã ào đến chỗ điếm canh bờ đê. Đây là chỗ dẫn ra bến đò ngang, nơi có một con lạch nhỏ ăn vào bãi lau sậy. Nơi ấy có cây gạo già đứng trầm mặc dưới trăng. Con nước nguồn sau trận mưa lớn đang cuồn cuộn đổ về. Không một bóng người. Nghe rõ tiếng sóng vỗ oàm oạp vào bờ đất. Đứng nép bên điếm canh, viên toán trưởng dóng đôi tai thỏ về phía bãi lau. Hình như có tiếng trẻ con vừa khóc. Hắn quay ngoắt dây cương, thúc ngựa tạt sang bãi dâu.
Khi ấy, Tiểu Mai và Nguyên Phong đã đưa hoàng nhi xuyên qua đám lau. Nghe thấy tiếng ngựa hí, tiếng quát tháo, Tiểu Mai nhảy qua con ngòi, quay ngoắt vào một lùm cây rậm rạp. Cú nhảy bằng thế võ mưu quyền, động tác tiếp đất nhẹ như mèo vồ, nhưng bị một cành lau ngáng trước mặt, tung lên những giọt sương lạnh, làm hoàng nhi khóc thét. Nguyên Phong ào tới, kịp gạt bụi cây, choàng tay qua người ni cô che cho hoàng nhi. Chàng nói nhỏ như tiếng gió:
– Bọn lính đã phát hiện ra chúng ta. Không được để hoàng nhi khóc. Ni cô để tôi bế đỡ…
Tiểu Mai nhẹ nhàng gạt tay chàng trai. Không thể bịt miệng hoàng nhi. Nàng nép mình trong bụi cây rậm rạp, quay người, cởi cúc áo. Một mảng trắng ngời của bầu vú trinh tiết hiện ra. Nàng ấn núm vú hồng tươi vào cái miệng chúm chím như nụ hoa. Tiếng khóc bỗng nín bặt. Ấu chúa tham lam ngậm mút chùn chụt. Lần đầu thoát thai, hoàng nhi được biết có một núm vú trên đời.
Tiểu Mai nói với Nguyên Phong:
– Nghĩa sỹ hãy để tôi với hoàng nhi lại đây. Chàng quay lại tìm bác Cả đi. Bác ấy lạc chúng ta từ giữa bãi dâu.
Nguyên Phong chột dạ. Chàng đảo một vòng kiểm tra địa hình, rồi vội quay vòng trở lại.
Quả nhiên Nguyễn Khuê đã bị bọn lính giáp binh bắt giữ. Trán ông sưng vù. Một dòng máu từ thái dương chảy bết một nửa mặt ông. Chúng tra hỏi, nhưng Đồ Khuê chỉ một mực nói ông là người Kẻ Bưởi, đang tìm đường ra bến đò để đi mua trâu trên mạn ngược. Bọn lính quất thêm mấy roi rồi trói hai tay ông, dong đi giữa hai hàng ngựa.
Nguy cấp. Nguyên Phong hiểu ngay ra tình thế hiểm nghèo. Tính mạng thầy Cả Khuê ngàn cân treo sợi tóc. Chúng sẽ biết ngay Nguyễn Khuê là con trai đầu của quan Nhập nội Hành khiển. Và vụ đưa mẹ con Tiệp dư đi trốn chẳng khó khăn gì không bị vạch trần. Không chỉ Nguyễn Khuê mà cả Ức Trai tiên sinh, cả Lễ nghi Học sĩ sẽ khó thoát khỏi tội chém đầu. Phải bằng mọi cách cứu Nguyễn Khuê và đánh lạc hướng bọn giáp binh. Không chần chừ, Nguyên Phong rút cây phi tiêu bên mình, nạp viên chì thổi liền ba phát. Hai tên cưỡi ngựa đi đầu và một tên đi cuối chỉ kịp kêu ối một tiếng, tên thì đổ gục trên lưng ngựa, tên ngã ngửa, lăn xuống đất. Nhanh như cắt, Nguyên Phong nhảy phắt lên con ngựa ô đầu đàn, dùng đoản côn quật ngã mấy tên còn lại, rồi cúi rạp người nhấc bổng Nguyễn Khuê lên ngựa, phi như bay vào giữa bãi dâu.
Bây giờ nói chuyện Tiệp dư Ngọc Dao và nhóm thứ hai.
Nhóm này không có hoàng nhi nhưng lại phải võng Tiệp dư, nên cũng không thể đi nhanh. Họ men theo bờ ruộng và con đường nhỏ lên tới bờ sông thì gặp một chiếc xe ngựa kiểu dáng sang trọng do Đô giám Lương Đăng vừa thiết kế dành cho các bậc đại thần. Theo sau là hai tráng sĩ trẻ tuổi, một người cưỡi con Nê thôngmàu sương khói tuyệt đẹp, người kia cưỡi con bạch mã, giống hệt như con Đích Lư của Lưu Huyền Đức đời Hán. Người cưỡi ngựa Nê thông là một tráng sỹ chừng mười bẩy tuổi, mặc giáp phục, mũ có tua chim trĩ cong vút. Người kia cũng trạc tuổi chàng, võ phục màu lục thuỷ, đội mũ đâu mâu. Thấy bóng đoàn người, chiếc xe ngựa và hai tráng sĩ đi chậm lại, rồi chắn ngang.
Chiếc võng được đổi vai cho hai ni cô chùa Huy Văn. Hai gia nhân nhà quan Thái bảo Ngô Từ lập tức rút kiếm ra, sẵn sàng tử chiến.
Từ trên xe, một người trẻ tuổi mặc giáp phục nhảy xuống. Chàng cũng chừng tuổi hai tráng sĩ cưỡi ngựa. Rất cung kính, chàng khoanh tay thi lễ :
– Chúng tôi được lệnh quan Lễ nghi Học sĩ đưa xe đến đón lệnh bà Tiệp dư. Xin mời đưa lệnh bà lên xe kiệu. Việc gấp lắm rồi, không thể chậm trễ.
Cả hai gia thần của quan Thái bảo cùng xốc tới. Hai đường kiếm lượn chéo, thoắt cái đã kề cổ người trẻ tuổi:
– Mi là người của Nguyễn Thị Anh. Lừa sao nổi chúng ta. Muốn sống thì đưa xe cho bọn ta.
Hai chàng trai cưỡi ngựa, từ nãy vẫn ngồi trên yên, giờ vội nhảy xuống.
Chàng mặc võ phục màu lục thuỷ nói :
– Không được vô lễ. Đây là công tử Trịnh Công Diễm, con trai của Đại hành quân tổng quản Trịnh Khả, em thứ chín của Đô tướng quân Trịnh Bá Quát. Người cưỡi ngựa Nê thông đây là Nguyễn Sư Hồi, con trai của Đại thần Nguyễn Xí. Còn ta, Đinh Lân, con trai Đại tư mã Đinh Liệt và Ngọc Kiều phu nhân.
Bà chị Tiệp dư thấy nguy, vội bảo hai gia thần dừng tay và nói:
– Phiền ba tráng sỹ cho xem tín lệnh.
Trịnh Công Diễm rút ra một cành trâm:
– Đây là tín vật của Lễ nghi Học sĩ. Sáng mai bà phải vào chầu đức Hoàng thượng, nên sai ba chúng tôi đến đây. Việc gấp lắm rồi, phải đưa Tiệp dư đi ngay không thể chậm trễ.
Mọi người hiểu ra, xin lỗi ba công tử rồi cùng đưa Tiệp dư lên xe kiệu.
Khi tốp người ra đến bãi dâu, cũng vừa hay Nguyễn Khuê và Nguyên Phong, sau khi cắt đuôi được bọn giáp binh, đã đợi sẵn ở đó. Không thấy Ni cô Tiểu Mai và hoàng nhi. Lại thấy ông Cả Khuê quấn băng trên đầu, Tiệp dư rụng rời, níu lấy chị gái:
– Hài nhi của em đâu ?Con em bị làm sao rồi?
Nguyên Phong nói :
– Xin lệnh bà yên tâm. Ấu chúa cùng ni cô Tiểu Mai đã tới nơi hẹn và đang đợi chúng ta. Phải nhanh lên kẻo trời sáng.
Mọi người lại hối hả ra bến sông.
Dưới ánh trăng ngời, lẫn vào nước sông, lờ mờ xuất hiện một chiếc thuyền gỗ mui cong từ bên tả ngạn sông Cái rẽ sóng áp mạn.
Tiệp dư ào đến với ni cô Tiểu Mai. Hoàng nhi sau khi được «bú» no nê bầu vú trinh tiết không có sữa, ngủ ngon lành, bây giờ mới ấp vào lòng mẹ, đón một giọt nước mắt nóng hổi của mẹ rơi đúng khóe môi nhỏ xinh.
Mọi người chia tay ba công tử Trịnh Công Diễm, Đinh Lân và Nguyễn Sư Hồi, lần lượt xuống thuyền.
Chỉ chưa đầy một tuần hương, thuyền đã cập bến bờ nam làng Bắc Cầu.
Phương đông dậy một màu hồng. Trời tảng sáng. Sư trụ chì chùa Long Đọi (3) và các sư, vãi đã đứng chờ từ canh tư. Mọi người ra tận mép nước chào đón mẹ con Tiệp dư.
***
.
Làng Bắc Cầu có đỉnh là ngã ba Dâu, nằm trên doi đất hình lưỡi mác kẹp giữa sông Cái và sông Thiên Đức.
Số là, từ thời nhà Lý, khi sông Thiên Đức trở thành giang lộ chủ nối Thăng Long với cố hương Cổ Pháp, Đình Bảng và cả vùng thiền pháp Kinh Bắc, ngã ba Dâu không chỉ phát đạt nghề trồng dâu dệt vải, mà còn được đám ngư phủ, đám thương nhân tìm đến lập nghiệp. Khi đại quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan, Bình Định vương Lê Lợi chọn Bồ Đề làm đại bản doanh, thì vùng ngã ba sông này cũng được chọn làm nơi trữ lương thảo, khí giới, lập xưởng đóng và sửa chữa thuyền chiến, xưởng chế tác vũ khí đạn dược. Đây là trung tâm hậu cần, đồng thời cũng là hậu quân, nơi tập kết bầu đoàn thê tử của Bình Định Vương và các thủ túc. Cái tên Bắc Cầu có từ khi quân dân Đại Việt buộc giặc phải quy hàng, cúi mình đến hội thề Đông Quan, sau đó ta bắc cầu phao, cấp ngựa, cấp lương cho bọn Vương Thông về nước. Bắc Cầu tức là làng ở phía bắc của cầu sông Cái.
Địa thế làng Bắc Cầu, khi biến, thật vô cùng lợi hại. Chiếm được ngã ba này có thể chặn toàn bộ hướng thủy quân từ ải Lê Hoa, từ thành Tam Giang xuống, từ sông Hát Giang sang, từ vùng Lục Đầu giang tới, từ phía Hàm Tử lên. Chỉ cần vài trăm bước chân, là từ bờ sông này đã sang bến sông kia. Thời thái bình, chốn này nào khác cõi bồng lai. Bãi dâu ngút ngát. Nội cỏ xanh rì. Bọn trẻ chăn trâu, mùa hè thường tắm ở hai sông. Đang ngụp lặn trên sông Nhĩ Hà, thoắt cái chúng đã sải mình xuôi dòng Thiên Đức.
Người phát hiện và chọn Bắc Cầu làm chốt hậu cần của quân Lam Sơn là Chuyển vận sứ Ngô Từ. Ngay từ khi quân Nam đánh thành Xương Giang và chặn quân cứu viện của Liễu Thăng, ông đã tiên đoán đến lượt thành Đông Quan sẽ nằm trong thòng lọng của quân Lam Sơn. Bắc Cầu chính là sân sau của hành dinh Bồ Đề. Suốt thời gian vây thành Đông Quan, Ngô Từ đã góp phần biến Bắc Cầu thành một công binh xưởng tấp nập, một chốn đô hội sầm uất, chùa Long Đọi thành chốn
———————
Phật đài linh thiêng. Chính thời gian này và tại nơi đây bà Nguyễn Thị Lộ có dịp gần gũi hoàng tử Lê Nguyên Long nhiều nhất. Bà cùng với các nhũ mẫu chăm sóc cho ấu vương năm tuổi và dạy nhập tâm cho cậu bé những nét chữ thánh hiền.
Người chọn Bắc Cầu làm nơi cấp tán cho mẹ con Tiệp dư Ngọc Dao ngay trong đêm 20 tháng7, không phải là quan Thái bảo Ngô Từ, mà chính là quan Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Giữa làng Bắc Cầu có Long Đọi cổ tự, một ngôi chùa được dựng từ thời Lý và mới được quan Thái bảo phát tâm tu bổ. Ngôi cổ tự này có hai cửa nam và cửa bắc. Cửa nam thông ra sông Nhị Hà, cửa bắc thông ra sông Thiên Đức, vì thế thu hút rất đông phật tử. Sư trụ trì chùa Long Đọi là đồng môn với Hòa thượng Thích Chân Như, trụ trì chùa Huy Văn. Chỉ chùa Long Đọi làng Bắc Cầu mới là nơi an toàn nhất cho hoàng nhi và là nơi đào thoát nhanh nhất, an toàn nhất ra trấn An Bang theo hoạch định đã vạch trước của quan Hành khiển Nguyễn Trãi. Trong lúc tai mắt của Nguyễn Thị Anh và Lam Sơn hội giăng khắp tứ phương tám hướng, thì duy nhất đường giang lộ Thiên Đức là tuyến an toàn. Bởi trong thời gian này sông Thiên Đức hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát nghiêm ngặt của qnan Thái úy Trịnh Khả, người vừa được gia phong chức Hành quân Tổng quản xa kỵ quân sự đồng tổng quản lĩnh các đội thiết đột. Đích thân ông sẽ hộ tống xa giá đi tuần miền Đông và duyệt đại quân ở Chí Linh những ngày tới. Dọc tuyến sông, cứ mỗi điếm canh đê là một trạm kiểm soát, cứ năm dặm lại có một đội giang thuyền tuần tiễu. Chỉ cần vượt sông Cái sang làng Bắc Cầu, thì con đường ra Côn Sơn, rồi An Bang, sẽ không còn gì nguy hiểm.
Chính ngọ ngày 22 tháng 7, thuyền của quan Lễ nghi Học sĩ, có lính hộ vệ từ bến Đông, ngược dòng nước xiết sông Cái lên phía bắc, rồi rẽ vào sông Thiên Đức. Từ ngã ba Dâu, hai chiến thuyền do Đại hành quân Tổng quản Trịnh Khả phái đến đã án ngữ đường thủy lộ vào sông Thiên Đức. Ở bờ sông Cái, lối lên chùa Long Đọi, cũng có thuyền chiến canh phòng. Làng Bắc Cầu trở thành điểm xung yếu, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thuyền chở bà Lộ đến bến giữa làng Bắc Cầu, thì áp mạn. Vừa từ thuyền lên, bà Lộ đã được vây bọc xung quanh bởi sư thầy trụ trì, các sư, vãi và bọn Nguyễn Khuê, Nguyên Phong, Tiểu Mai… Mặc dù, cả ngày hôm qua, tới sáng hôm nay, từ trong kinh thành tới chốn thôn ổ, dân tình đều loan tin Hoàng tử thứ tư của vua Lê Nguyên Long đã chào đời và đã được vua cha đặt tên, nhưng giờ đây mọi người vẫn muốn được tận mắt nhìn thấy bút hoa do chính tay vua ban mà quan Lễ nghi Học sĩ mang đến.
Một hương án được bày ra trước cửa chùa.
Từ dưới trai phòng, Tiệp dư Ngọc Dao bế hoàng nhi được bà chị gái và các ni cô dìu ra. Qua một ngày được nghỉ ngơi phục sức, sắc mặt Tiệp dư rờ rỡ tựa trăng rằm. Ấu chúa, vận hoàng bào, đeo vòng bạc cẩn ngọc lưu ly được nâng niu như báu vật của trời đất. Qua một ngày đêm được tưới nhuần sữa mẹ, hoàng nhi đáng yêu như một thiên thần bé bỏng, đôi mắt khép lại như vẫn đang bồng bềnh nơi cõi bồng lai, còn cặp môi nhỏ xinh cứ chún chím mấp máy như nụ đào buổi sớm.
Một hồi chuông dóng vào thinh không.
Tiệp dư bế hoàng nhi quỳ trước hương án. Sư trụ trì và mọi người quỳ theo. Quan Lễ nghi Học sĩ, xiêm y phẩm phục triều đình, đội mũ ô sa, chân dận hài văn, hai tay nâng cao ngang mặt ngự chế vua ban, rồi dõng dạc tuyên đọc:
« Thế Thiên hành đạo
Duy Đại Việt quốc,
Năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 10, mùa thu, ngày đại cát 20 tháng 7, ơn nhờ Tiên tổ, ân điển của đức Tiên đế Thái Tổ, tiểu tử Hoàng nhi thứ tư của trẫm hạ sinh.
Nay trẫm là Lê Nguyên Long, ban tên húy cho Hoàng nhi là Lê Tư Thành, tục danh Lê Hạo.
Kính báo trời đất.
Loan báo thần dân trăm họ. »
Quan Lễ nghi Học sĩ vừa dứt lời tuyên đọc, bỗng từ phía kinh thành, một con chim phượng hoàng có bộ lông rực rỡ sải cánh bay sà xuống ngọn cây bồ đề cổng chùa. Và trên trời, một đám mây ngũ sắc che ngang vầng thái dương. Mọi người đều cho rằng đây là điềm trời ứng với bậc Thiên tử giáng thế.
Sau lễ nhận tên cho Hoàng tử, mọi người từ biệt sư trụ trì chùa Long Đọi, hối hả xuôi dòng Thiên Đức.
Đoàn chia làm hai.
Một thuyền chở Tiệp dư Ngọc Dao, Hoàng tử Lê Tư Thành, do Nguyễn Khuê, Nguyên Phong, ni cô Tiểu Mai cùng đám người nhà quan Thái Bảo tháp tùng, có thuyền chiến của quan Đô úy Trịnh Bá Quát, con trai Thái úy Trịnh Khả hộ tống, đi thẳng ra bến đò Rừng, nơi đã được quan An phủ sứ An Bang là Nguyễn Nhật Thăng trù liệu sẵn.
Thuyền còn lại chở quan Lễ nghi Học sĩ tới Lục Đầu giang thì rẽ về Côn Sơn, nơi quan Nhập nội Hành Khiển Nguyễn Trãi đang chờ.
***
Những trang sách dịch về vua Lê Thánh Tông mà giáo sư Hoàng Nguyên đưa, khiến trung tá Philip đọc mê mẩn không dứt ra nổi. Vị giáo sư thì anh phục và tin quá đi rồi. Trí thức nhưng mà tốt. Sống có trách nhiệm và luôn biết giữ khuôn phép. Nhưng với thói quen nghề nghiệp, có một câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu: Vì sao “Thọt bỉ nhân” cũng tham gia vào vụ dịch cuốn tiểu thuyết lịch sử sáng giá này? Có ý đồ chính trị gì không?
Philip nhớ lại cái phiên tòa xử Trần Thiện, chủ trang Website Tre Xanh, một phiên tòa công khai, nhưng theo lệnh cấp trên chỉ cho phép một vài phóng viên được tham dự và đưa tin theo định hướng. Đó là một phiên tòa đặc biệt gây chú ý dư luận. Các trang mạng lề trái chú mục bình luận và đưa ra nhiều ý kiến quá khích bênh vực Trần Thiện và đòi hủy phiên tòa. Các ngả đường dẫn vào tòa án được hàng rào an ninh vây chặt. Vậy mà không biết bằng cách nào, Bùi La Việt với cái chân cà nhắc vẫn lọt qua vùng kiểm soát, vào được tới cổng. Theo chỉ đạo, lập tức trung tá Philip từ góc trái sân băng đến.
– Anh ở báo nào? Đề nghị ra khỏi rào chắn.
Bằng một cái gạt tay, Bùi La Việt đã ngã sấp xuống mặt sân.
– Tôi là nhà báo tự do – Thọt bỉ nhân lồm cồm bò dậy, giơ cái máy ảnh lên – Báo đăng phiên tòa xử công khai… Mọi người dân được tự do tham dự…
Trung tá Philip lẩm bẩm trong miệng: “Tự do cái con…”, nhưng rồi anh kịp dừng lại, dùng tay trái lôi sềnh sệch anh chàng “Thọt bỉ nhân” ra khỏi hàng rào chắn.
Ánh mắt của “Thọt bỉ nhân” nhìn Philip lúc ấy, suốt đời anh không thể quên. Một ánh mắt đau đớn và khinh bỉ, thương hại và coi thường, như chính anh ta mới là người có quyền phán xét…
Tiếp đến là cuộc giải cứu cho “Thọt bỉ nhân” tại nhà riêng anh ta.
Khi trung tá Philip đến nơi thì hơn ba chục người làm nghề bốc vác ở ga xe lửa đang đập phá cổng nhà và la ó rầm trời. Toàn bộ diễn biến cuộc đập phá được một đặc tình ghi lại trong Video Clip và băng ghi âm:
“Nhà thằng chủ trang Web “Thọt bỉ nhân” ở đâu? Không biết. Bỉ nhân nào? Thằng Thọt ấy. Tên nó là gì nhỉ? Bùi gì nhỉ? A phải rồi. Bùi La Việt. Tay này còn có nghề tướng số tử vi… Thế thì kia, cái cổng mái ngói kia. Ông Việt ngoại cảm, dân khu phố này vẫn gọi thế… Thằng Bùi La Việt thọt bỉ nhân đâu, ra cho chúng ông hỏi tội. Anh em đâu, ném đá vào nhà nó. Giật đổ cổng nhà nói ra…a…a… Xông vào nhà tóm lấy nó. Đập nát mẹ nó cái vi tính đi… Đây rồi, có loa đây rồi. Để tôi. A lô… Thằng Thọt bỉ nhân đâu? Chúng ông là phu bốc vác xe lửa đây. Hôm nay chúng ông đến hỏi tội mày. Hà cớ gì nước Nhật giàu có cho Việt Nam vay tiền để làm đường sắt cao tốc mà mày lại viết mạng đả kích họ? Hà cớ gì mày xui Quốc hội phản đối Chính phủ xây đường sắt cao tốc để làm cho bọn bốc vác chúng ông khốn khổ, mất việc làm? Các chiến hữu đâu, phá cửa, xông vào bắt thằng Thọt ra đây…”
Chính cái lúc anh em bốc vác phá cửa, xông vào nhà Bùi La Việt thì trung tá Philip ngồi uống trà và theo dõi tình hình với mấy đồng nghiệp ở quán cóc gần đấy.
Có điện thoại của cấp trên: “Vào giải cứu cho hắn. Hắn gọi 113 rồi. Tạm dạy lũ “Nguyên khí” này bài học thế đã. Đừng để anh em manh động khử hắn thì rách việc”.
Tổ của trung tá Philip cưỡi xe đến nơi đã thấy hai công nhân tóm tóc Bùi La Việt dúi vào bờ tường. Chiếc laptop của Việt bị đập nát.
– Tôi đề nghị các đồng chí công nhân giải tán. Không ai được phép xông vào nhà công dân để hành hung – Trung tá Philip ra lệnh – Đề nghị đại diện công nhân và anh Bùi La Việt về đồn để lập biên bản.
Sau lần ấy, trang mạng “Thọt bỉ nhân” bị treo một tháng. Sau đó hoạt động trở lại, nhưng khẩu khí không còn hung hăng như trước, mà từ tốn, ôn hòa hẳn.
Trung tá Philip lẽ ra được thăng hàm thượng tá, nhưng bị chạm khung tuổi, nên chỉ được hưởng lương thượng tá, còn hàm và chức vụ vẫn giữ nguyên.
——————–
(1) Theo Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong “Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với Thảm án Lệ Chi viên” (NXB Văn hoá Thông tin, 2009)
(2) Theo Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, sách trên.
(3) Chùa Long Đọi làng Bắc Cầu, Gia Lâm, Hà Nội khác với chùa Long Đọi ( Sùng Thiên Diên Linh tự) xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam, có từ thời Lý Thánh Tông. (TG)