Nguyên Ngọc và văn chương

Lê Học Lãnh Vân

(Thân tặng các anh chị cùng tham dự những buổi gặp mặt với nhà văn Nguyên Ngọc)

Gia đình tôi có truyền thống giao du với nhiều nhà văn, tôi được cơ hội gặp gỡ các nhà văn nhà thơ Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hoàng Chương, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nhật Tiến… từ lúc còn rất nhỏ. Khi ngoài hai mươi tuổi tôi lại được tiếp xúc những nhà văn cách mạng. Trong tất cả các nhà văn đó, Nguyên Ngọc chiếm vị trí rất đặc biệt trong suy nghĩ và tình cảm của tôi.

Tôi thật sự nói chuyện nhiều hơn với Nguyên Ngọc khi tham dự những buổi trao giải thưởng và vinh danh hàng năm của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh. Năm 2014 tới năm 2018, mỗi năm nói chuyện với ông khoảng mười phút. Từ năm 2019 trở đi, khi tham gia thường xuyên các buổi gặp gỡ của các tác giả viết cho Văn Việt, mỗi năm tôi được gặp ông vài ba lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ. Từ lần đầu gặp gỡ cho tới nay, với tôi, Nguyên Ngọc là một người nhất quán trong tư cách một nhà hoạt động văn hoá luôn hướng về Chân, Thiện, Mỹ.

Nhưng, trước khi là một nhà hoạt động văn hoá, Nguyên Ngọc là một nhà văn. Ông suy nghĩ gì về và có thái độ gì với văn chương? Bài viết ngắn này xin ghi lại cách tôi hiểu đề tài này từ những buổi thảo luận có sự tham dự của nhà văn Nguyên Ngọc.

Văn chương là phải đẹp, phải hay. Nhiệm vụ đầu tiên của văn chương là tạo ra tác phẩm hay, đẹp cho công chúng. Bài xã luận hay có thể có tính văn chương nhưng nhiệm vụ của văn chương không phải là viết ra các bài xã luận. Người cầm bút cũng như mọi công dân khác, có trách nhiệm xã hội, nhưng khi làm văn chương, phải viết được những trang hay và đẹp, nếu không, anh chỉ là công dân gương mẫu, là người viết văn, nhưng không phải là nhà văn…

Người Việt chưa có một tác phẩm văn chương hay làm rung động lòng người, không chỉ với người Việt mà còn với cả cộng đồng nhân loại. Một cuộc chiến kéo dài tới ba chục năm với quy mô lớn và rộng khắp nước như vậy, ảnh hưởng trên hầu như mỗi người dân mà mình không có một tác phẩm về chiến tranh khiến bạn bè năm châu say mê đọc, đoạt giải văn chương lớn của thế giới là một nền văn học thất bại. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều về điều này.

Một tác phẩm hay và đẹp tự nó mang thông điệp tích cực, hướng thiện, tiến bộ. Tại sao chúng ta chưa có tác phẩm hay và đẹp, hay và đẹp ở tầm thế giới? Không dưới hai lần, nhà văn Nguyên Ngọc trình bày cách giải thích của mình trong những buổi họp mặt anh em. Theo ông, có lẽ do chúng ta lầm giữa tính tinh hoa và tính quần chúng. Giới tinh hoa bao giờ cũng là số ít, được chắt lọc từ quần chúng. Thời chiến cần huy động sức của nhiều người, càng nhiều càng tốt, cho nên cần đưa tác phẩm vào quần chúng. Tính đại chúng của văn chương là một trong ba phương châm được xiển dương bởi “Đề cương Văn hoá năm 1943” có nguồn gốc từ “Bài nói chuyện ở Diên An” của Mao Trạch Đông. Rất tiếc là tính đại chúng được đề cao quá mạnh và quá lâu, cho mãi tới giờ.

Tính đại chúng có công dụng riêng, tính tinh hoa có công dụng riêng. Đại chúng dành cho số đông, tinh hoa dành cho số ít. Đại chúng phải tầm thường để phổ biến, cho dù có gọi là hay đi nữa thì cũng hay cho đa số hiểu được. Đã là đa số thì phải tầm thường, và phải lặp đi lặp lại để tuyên truyền.

Tinh hoa thì khác, tinh hoa phải xuất sắc, phải ra khỏi cái tầm thường, thậm chí phải đối lập với cái được đám đông chấp nhận. Có tác phẩm tinh hoa rồi, tác phẩm đấy nâng trình độ xã hội lên một nấc, với thời gian tác phẩm tinh hoa dần dần trở thành đại chúng. Lại có tác phẩm tinh hoa mới xuất hiện trên cái nền cao hơn nền cũ…

Hãy xem “Truyện Kiều”. Khi mới xuất hiện, “Truyện Kiều” là tác phẩm của giới tinh hoa, lưu truyền trong giới tinh hoa. Với thời gian, “Truyện Kiều” dần dần trở thành đại chúng. Tới nay Kiều vẫn còn đẹp, nhưng phải là Kiều của Nguyễn Du. Giả sử có người viết được một truyện thơ cũng hay như “Truyện Kiều”, truyện đấy sẽ nhạt nhẽo. Bởi vì tác phẩm tinh hoa chỉ có một không có hai, tác phẩm tinh hoa sau một thời gian có thể đi vào quần chúng nhưng tác phẩm tinh hoa thì không lặp lại, không được lặp lại.

Lấy tính đại chúng đàn áp tính tinh hoa, bắt giới tinh hoa phải chìm trong quần chúng, dùng cái được đa số chấp nhận cấm đoán cái khác biệt, việc này không phải mới đây mà đã có từ lâu, từ mấy trăm năm rồi. Có lẽ điều này khiến văn chương nước ta không có tác phẩm xuất chúng, không chứa đựng tư tưởng góc cạnh xuất chúng. Tất cả chỉ nhàn nhạt…

Chúng ta cần đọc nhiều, đấy cũng là một cách hoạt động nghiêm túc với văn chương, nghiêm túc đọc và nghiêm túc viết. Phải đọc nhiều mới có cách nhìn độc lập, quan điểm độc lập, tư tưởng độc lập, cách diễn tả độc lập. Đọc nhiều thì độc lập, điều này thoạt nghe thấy có vẻ tự mâu thuẫn, nhưng người đọc nhiều, hấp thu kiến thức qua cái ngưỡng sẽ tự thấy mình độc lập. Độc lập với các tác phẩm đương thời, độc lập cả với tiền nhân. Để có tác phẩm xuất sắc, tính độc lập cần thiết biết bao.

Thưa các anh chị, những điều trình bày trên đây, điều nào của Nguyên Ngọc, điều nào của tôi? Thực lòng tôi không biết, không nhớ vì chúng đã quyện vào nhau thành khối kiến thức của riêng mình. Điều tôi biết chắc chắn là khối kiến thức được sở đắc từ Nguyên Ngọc. Không có những buổi nói chuyện chung mươi mười lăm người, những khi ngồi riêng hai ba người lắng nghe ông kể chuyện, ông tâm sự, tôi không có kiến thức đó. Chính điều này khiến tôi kính phục ông, cám ơn ông!

Một người uyên bác và khiêm tốn, chân thành trao truyền kiến thức cho chung quanh…

Ngày 06 tháng 9 năm 2021

L.H.L.V.

Comments are closed.