Nguyên Ngọc vẫn vững bước trên đường xa…

Chu Hảo

Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm Nguyên Ngọc tròn 80 tuổi, một số bạn bè, đồng nghiệp và học trò của ông đã cùng nhau làm một cuốn sách nhỏ với tựa đề Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa… Mỗi bài trong tập sách nhỏ ấy là những ấn tượng sâu sắc về các khía cạnh hết sức đa dạng của ông. Ông là một nhà văn lớn, và thường những nhà văn lớn đồng thời cũng là một nhà tư tưởng; một nhà văn hóa – giáo dục dấn thân, luôn ở hàng đầu trong những vấn đề nóng bỏng của xã hội; có người gọi ông là chân nhân hay hiền nhân. Nhưng có lẽ bản thân ông tâm đắc với danh xưng là người con của Xứ Quảng đau thương bất khuất và của vùng Tây Nguyên huyền ảo với khát vọng tự do khôn nguôi. Mỗi bài trong đó đều là một lời đồng vọng thiết tha chia sẻ những ưu tư của Nguyên Ngọc. Nhưng ưu tư của ông thì nhiều. Vì vậy ai cũng mong ông còn phải sống và “chiếu đấu” cùng với chúng ta dài dài để, như ông vừa tủm tỉm cười vừa nói: “Đi mãi… để rồi xem Con Tạo xoay vần đến đâu? Và để còn thấy cuộc sống cứ lừng lững đi tới”.

Đúng là cuộc sống cứ lừng lững đi tới, nhưng Con Tạo thì có vẻ như xoay vần hơi bị chậm. Và tôi thoáng thấy ông buồn… Lại mười năm nữa trôi qua mà những điều ưu tư cốt lõi nhất, nhức nhối nhất vẫn còn nguyên đó, có cái còn đáng lo ngại hơn. Một trong những điều cốt lõi ấy là sự băng hoại của Đạo đức xã hội và Giáo dục.

Đạo đức xã hội hình thành từ sự đức hạnh, mà trước hết là sự liêm chính của mỗi cá nhân. Hãy nhìn vào cái “Lò thanh trừng” của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam mười năm nay vẫn tiếp tục cháy rừng rực với các loại củi khô ướt ngày càng “chất lượng” hơn, để mà thấy Đạo đức xã hội đã suy đồi đến mức nào! Đạo đức cần học nhất của Hồ Chí Minh là “Cần – Kiệm – Liêm – Chính – Chí công vô tư”, mà sao càng thi đua học tập thì tham nhũng càng nhiều? Thượng đã bất chính như vậy thì bảo sao hạ không “loạn” đến thế? Bây giờ có thể nói là hàng ngày không hiếm những cảnh con cháu giết ông bà cha mẹ; vợ chồng, anh em giết lẫn nhau một cách man rợ… và tự giết mình. Như vậy chẳng khác nào gian dối và bạo lực là hai đặc trưng cơ bản của xã hội ta hiện nay? Còn gì có thể đau lòng hơn? Nguy khốn thay! Và Nguyên Ngọc đã truyền cảm hứng cho chúng ta nhận thức một cách sâu sắc rằng: Gốc rễ của mọi vấn đề, mọi dân tộc là Văn hóa và Giáo dục.

Vài thập kỷ gần đây ông đã để hết tâm huyết vào hai lĩnh vực đó với tầm nhìn xa rộng và bằng những Đề án cụ thể: Trường Đại học Phan Châu Trinh và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Đây là những chuyện bây giờ mới kể.

Năm 2004, theo gợi ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Hoàng Tụy đã mời một số nhà khoa học và giáo dục tham dự Hội thảo về thực trạng hết sức đáng lo ngại của nền Giáo dục nước nhà và kiến nghị các giải pháp khắc phục cấp thiết. Một trong những giải pháp ấy là xúc tiến việc thành lập một đại học hoa tiêu do nhà văn Nguyên Ngọc đề xuất. Tiêu chí cơ bản của đại học hoa tiêu ấy là Khai phóng và Bất vụ lợi. Kiến nghị của Hội thảo ấy đã gửi cho tất cả các cấp lãnh đạo nhưng cho đến tận hôm nay, tức là gần 20 năm sau, chưa có ai phúc đáp, giống như số phận của bốn kiến nghị liên tiếp những năm sau đó. Nguyên Ngọc đã không đợi ai trả lời mà bắt tay ngay vào việc. Mùa hè năm 2005, ông đưa một nhóm thân hữu đứng đầu là Thầy Tụy (như Nguyên Ngọc vẫn gọi như vậy với lòng tôn kính người thầy dạy cấp phổ thông của mình ở trường Lê Khiết), cùng GS Phạm Duy Hiển và tôi, vào gặp Bí thư tỉnh Quảng Nam Võ Ngọc Hoàng, để trình bày ý tưởng thành lập một đại học hoa tiêu tại địa phương. Người Bí thư tỉnh ủy rất dễ mến ấy đã đón nhận ý tưởng của nhóm với tinh thần khoáng đạt đáng ngạc nhiên và hứa sẽ tạo mọi điều kiện thận lợi để trường sớm được thành lập. Sớm cũng là mất hai năm với mọi thủ tục rườm rà trường mới có Quyết định thành lập vào giữa năm 2007. Từ đây mọi thứ đã được coi là thuận tiện chấm hết và trường bắt đầu bước ngay vào bao nỗi truân chuyên vì sự khác biệt không thể dung hòa giữa tiêu chí của trường và cơ chế giáo dục hiện hành: không có hành lang pháp lý cho các trường đại học tư thục chủ trương bất vụ lợi, có nghĩa là phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển, nhưng không chia lợi nhuận như cổ tức cho cổ đông. Đến lúc ấy mọi trường tư thục đều hoạt động như một công ty tư nhân, nhóm nắm cổ đông áp đảo quyết định mọi hoạt động của trường. Một vị Chủ tịch của một trong những trường này tuyên bố không úp mở: “Học phí của sinh viên là nồi cơm của gia đình tôi” thì đủ biết họ coi hoạt động giáo dục đại học là món hàng gì. Nhóm sáng lập lúc ấy toàn những người không có tiền! Thế là chỉ có ông Nguyên Ngọc ở lại với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị và bà Nguyễn Thị Bình là thành viên. Đành phải kêu gọi đầu tư và chấp nhận hoạt động như một công ty gần như là của một gia đình để có thể tồn tại. Đến khóa học 2014-2015 thì bất ngờ ông bảo tôi phải vào Hội An cùng ông gánh vác công việc. Tôi không thể từ chối lời kêu gọi của người Anh, người bạn già thân thiết của mình. Tôi vào và nhanh chóng xác định được nhiệm vụ Hiệu phó của mình như ông đã dự định: Tìm cách có được hành lang pháp lý cho hoạt động bất vụ lợi, và xây dựng Chương trình Giáo dục khai phóng (theo mô hình các liberal arts colleges bên Mỹ). Cuối niên học ấy chúng tôi đã có cả hai. Sau hai lần bố trí để bà Nguyễn Thị Bình trình bày cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sự cần thiết phải tạo cơ chế pháp lý cho những đại học tư thục muốn hoạt động bất vụ lợi. Vốn là một nhà kỹ trị, ông Đam mau chóng có giải pháp: Đợi xây dựng một luật riêng thì không khả thi, nhưng ghép vào luật Giáo dục sửa đổi như một chương riêng thì sẽ nhanh hơn. Chương ấy đã ra đời và chúng tôi mừng khôn xiết. Nhưng lại là mừng hụt vì trong văn bản hướng dẫn thực hiện lại có một điều khoản quy định rõ trường nào đang hoạt động theo mô hình công ty tư nhân muốn chuyển sang bất vụ lợi thì phải được đa số áp đảo cổ đông, tính theo vốn góp, đồng ý. Tất cả ba chúng tôi đã phải tự nguyện rời khỏi trường sau Đại hội cổ đông vào cuối năm học 1916, đúng vào lúc xây dựng xong Chương trình Giáo dục khai phóng theo kiểu Chương trình Giáo dục Tổng quát của Đại học Hồng Công. Không biết Nguyên Ngọc lúc ấy nghĩ thế nào, nhưng tôi cho là một thất bại, đáng buồn nhưng không có gì phải ân hận…

Bây giờ sang chuyện Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Cũng lại là một chuyện cũ mà bây giờ mới kể vì bà Chủ tịch Quỹ Nguyễn Thị Bình đã tuyên bố tự giải thể Quỹ từ tháng 2/2019, sau 11 năm tồn tại. Chuyện thành lập và giải thể Quỹ này đều là những kỷ niệm không phai mờ đối với nhà văn Nguyên Ngọc và tôi.

Khi nhận Quyết định nghỉ hưu vào năm 2005, tôi bàn với ông việc thành lập một nhà xuất bản trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lấy tên là nhà xuất bản Tri thức, nhằm góp phần tiếp tục sứ mạng Khai dân trí của Cụ Phan Tây Hồ bằng việc triển khai thực hiện Dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới nhằm chuyển tải những giá trị phổ quát của nhân loại vào nước ta thông qua các bản dịch những sách kinh điển. Ông đã động viên tôi làm ngay với những gợi ý cụ thể. Ở nhiều thể chế dân chủ, văn minh (Đài Loan chẳng hạn), những tủ sách như thế này đều do Nhà nước tài trợ, nhưng ở ta chẳng những Nhà nước không mấy quan tâm, mà những người bảo thủ nhất trong hệ thống cầm quyền thậm chí còn có vẻ tỏ ra không hài lòng. Vì vậy chúng tôi nghĩ đến việc thành lập một Quỹ huy động nguồn lực tài chính xã hội để làm sách. Quỹ đó có Quyết định thành lập của Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội vào năm 2007, lấy tên là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh do bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch. Một năm sau chúng tôi nhận thấy phạm vi hoạt động của Quỹ với uy tín lớn như vậy của bà Bình mà chỉ đóng khung trong mảng Dịch thuật là hơi “uổng”, nên đã mau chóng làm thủ tục xin phép đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vào năm 2008. Hoạt động chính của Quỹ là tôn vinh các cá nhân đương đại có nhiều cống hiến xuất sắc cho nền Văn hóa – Giáo dục nước nhà nằm ngoài danh sách được Nhà nước tuyên dương (chẳng hạn Bùi Văn Nam Sơn, Phạm Vĩnh Cư về Dịch thuật; Hoàng Tụy, Pierre Darriulat, Thomas Vallery, Hồ Ngọc Đại và Phạm Toàn vì sự nghiệp Văn hóa & Giáo dục; Dương Thụ và Phan Cẩm Thượng về Nghệ Thuật, Lữ Phương vì những nghiên cứu đặc sắc về Lý luận chính trị… tất cả có 55 giải), và đặc biệt là Chương trình vinh danh các Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại từ giữa thế kỷ19 đến năm 1945, là thế kỷ nở rộ của Văn hóa Việt Nam nhưng chưa được chú ý một cách thích đáng. Rất đáng tiếc là Quỹ mới kịp vinh danh sáu vị là Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Người cuối cùng trong danh sách vinh danh là nhà Sử học Trần Trọng Kim thì chúng tôi đành bỏ lỡ trong muôn vàn nuối tiếc; không hiểu đến bao giờ mới có một thế hệ mới có điều kiện kế tục công việc còn đang dang dở này?

Việc bà Nguyễn Thị Bình nhận làm Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã khích lệ chúng tôi, những người tự nguyện trung thành với lý tưởng của Cụ Phan, những người tham gia sáng lập và vận hành Quỹ trong suốt 11 năm tồn tại của Quỹ: Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Giản Tư Trung, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Trọng, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương, Trần Hữu Quang, Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Kim Sơn, Lương Xuân Đoàn. Là một nhà chính trị sáng suốt và bản lĩnh, bà là chỗ dựa tinh thần cho các hoạt động của Quỹ, nhất là vào những thời điểm gặp khó khăn với những vấn đề “nhạy cảm”. Bà luôn nhắc chúng tôi tuân thủ các quy định pháp luật và chừng mức, không “quá đà”, nhưng không khi nào ngần ngại (dù có lúc hơi miễn cưỡng) trước những đề xuất “táo bạo, phá cách” nhưng có lý có tình.

Lúc mời bà làm Chủ tịch Quỹ, nhà văn Nguyên Ngọc bảo tôi đi theo đến số nhà 70 Trần Hưng Đạo Hà Nội, nơi bà luôn thân mật đón tiếp chúng tôi như “ bọn Quảng Nam cứng đầu”. Ban đầu bà từ chối với lý do: “Chị đang có nhiều việc quá, nào là Quỹ Hòa bình và Phát triển, Quỹ Bảo trợ trẻ em…, ‘tha’ cho Chị nhé!”. Nhưng Nguyên Ngọc cười hiền lành: “Chị à, nếu chị không phải là cháu ngoại cụ Phan thì chúng em đến đây làm gì?”. “Bọn này ghê nhỉ! Các em đã nói thế thì chị từ chối làm sao nữa?”. Bà bảo: “Chị sẽ làm Chủ tịch thật sự chứ không làm Chủ tịch danh dự đâu nhé!”. Và bà đã làm đúng như vậy trong suốt 11 năm.

Rồi vào một ngày đầu thu se lạnh năm 2019, bà gọi chúng tôi đến nhà. Lúc ấy sức khỏe đã yếu, bà khoan thai nói với chúng tôi: “Giờ vì điều kiện sức khỏe chị không thể tiếp tục công việc được nữa, các em phải đảm đương lấy thôi!”. Nguyên Ngọc giãy nảy: “Chị quên mất là em và Chu Hảo đã tự nguyện ‘rời bỏ…’ rồi à?”. “Ừ nhỉ? Vậy các em tính sao?”. Sau một hồi thảo luận, bà đưa ra quyết định mà chúng tôi đã không lường trước: “Vậy ta phải làm thủ tục giải thể thôi!”. Đấy, Tuyên bố Giải thể của Quỹ ra đời trong hoàn cảnh ấy và đơn giản có thế, chứ không “nặng nề” như đã được một số anh chị em quan tâm đến hoạt động của Quỹ suy luận.

Ngoài công việc thường nhật của một nhà văn, một dịch giả, mà Nguyên Ngọc vẫn chuyên cần một cách nhẫn nại và hiệu quả, ông vẫn tiếp tục dấn thân trong những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc thông qua diễn đàn Văn Việt của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập.

Cuối cùng, hiện ông vẫn là Chủ tịch Viện Phan Châu Trinh, đăng ký hoạt động tại Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam. Chuyện này bây giờ chưa kể vội, bởi ông còn đang vững bước trên đường xa…

Comments are closed.