Ngày N+… (kỳ 12)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong

Ngày N + 26, 3 giờ chiều

Chính phủ Lon Nol của nước bạn Kampuchia chỉ còn kiểm soát được vùng đất duy nhất là thủ đô Nam Vang. Khmer đỏ hiện đang vây cứ điểm cuối cùng này. Kiều dân Mỹ ở đây đã di tản hết, thay vào đó là một đơn vị Thủy quân Lục chiến, tăng cường an ninh cho toà đại sứ Mỹ ở Nam Vang.

*

Ngày N + 28, 10 giờ sáng

Áp lực của Cộng sản tại mặt trận Xuân Lộc, Long Khánh ngày càng mạnh, Sư đoàn 18 Bộ binh, trực diện với ba sư đoàn địch, và đã chặn được cái đà vũ bão của Bắc quân. Hiện tượng hệt như một ngọn đèn cạn dầu bừng lên phút chót trước khi tắt. Sư đoàn 18 chẳng những là một sư đoàn thành lập chưa lâu, lại do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, một tướng rất trẻ của miền Nam, chuyên giữ những chức vụ tham mưu và hành chánh, trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn, Sư đoàn 18 đã rửa mặt cho quân lực miền Nam. Cộng sản với ba sư đoàn chính quy, không kể bọn địa phương, được tăng cường thiết giáp và đại pháo tới mức tối đa, đã tưởng sẽ quét Long Khánh trong một ngày, một giờ, nhưng đã khựng lại ở đó suốt một tuần lễ. Các đơn vị tác chiến của Sư đoàn 18, một chống ba, bốn, năm, có chỗ một chống mười. Trận chiến càng kéo dài, sức chống trả càng mãnh liệt. Sư đoàn 18 làm cho bọn phóng viên ngoại quốc vốn thiên vị phải sững sờ kinh ngạc. Những người lính Bộ binh của miền Nam không còn đất để lùi. Họ đứng lại, tựa lưng vào nhau, tựa lưng vào các thân cây trong rừng cao su, giữ từng tấc đất, giữ từng ngôi nhà, từng nấm mộ còn sót lại của miền Nam. Sư đoàn 18 không biết còn chống trả được bao lâu khi vũ khí, đạn dược và binh sĩ đều không còn để bổ sung và thay thế.

*

Ngày N + 29, 11 giờ sáng

Khmer đỏ pháo không thương tiếc vào Nam Vang. Nhân viên Tòa đại sứ Mỹ ở đây đã di tản từ ba ngày trước. Diễn biến này cho người ta thấy rõ hơn bộ mặt thật của các đại cường, và bẽ bàng cho những quốc gia nhược tiểu. Lon Nol, Tổng thống được đặt lên bởi người Mỹ, được sự hỗ trợ của Nam Việt Nam đã được Mỹ bốc đi, với một số những nhân vật hàng đầu của Nam Vang. Nhân vật số hai của Nam Vang, Thủ tướng Sirik Matak, khi được Tòa đại sứ Mỹ mời lên trực thăng di tản đã từ chối, dẫu biết rằng hành động đó giúp ông có một sợi dây treo trên cổ. Ông làm cho cả thế giới bàng hoàng, ông gửi lởi cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn Đại sứ Mỹ bằng những lời chua chát, đắng cay. Những lời nói này biểu hiện đúng mức nhất vị trí của những người yêu nước thật sự, trong những quốc gia đang bị giằng co bởi những ảnh hưởng quốc tế. Ông trả lời cho Gunther Dan, Đại sứ Mỹ ở Nam Vang bằng một lá thư, cũng nên nhắc lại nguyên văn phần chính lá thư này:

“…Tôi chân thành cảm tạ ông Đại sứ đã ngỏ ý giúp tôi đi tìm tự do. Tiếc rằng tôi không thể ra đi một cách hèn nhát như vậy. Đối với ngài, và đối với quốc gia vĩ đại mà ngài đại diện, tôi chưa hề nghĩ quý vị có ý tưởng bỏ rơi một dân tộc biết lựa chọn tự do. Quý vị khước từ bảo vệ chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì khác hơn trước điều ấy. Ngài ra đi, chúng tôi chúc ngài và quý quốc mọi điều hạnh phúc dưới vòm trời.

Hãy nhớ rõ nếu tôi chết tại đây, tại xứ sở yêu dấu của tôi thì đó là một điều tồi tệ. Tôi đã mắc phải lỗi lầm, chỉ vì tôi đã tin ở người Mỹ. Xin ngài nhận nơi đây cảm nghĩ thân hữu và rất chân thành của tôi…”

*

Ngày N + 31, 3 giờ chiều

Mặt trận Phan Rang vỡ từ đêm hôm trước. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh mặt trận, Tướng Nguyễn Văn Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân và một Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Nhảy dù bị bắt sống. Cộng quân tràn qua phòng tuyến này ào đến tăng cường cho mặt trận Bình Tuy – Long Khánh, nơi những người lính của Sư đoàn 18 Bộ binh đang tả xung hữu đột với quân số đông gấp bốn lần của Cộng quân. Khắp miền Nam rúng động.

Cả Sài Gòn hốt hoảng, điên cuồng. Lác đác những biểu ngữ hoan hô chiến thắng của Sư đoàn 18 Bộ binh đã bị tháo xuống, vài nơi người ta treo lên những khẩu hiệu mới lửng lơ dễ giải thích như:

“Chỉ có hòa hợp, hòa giải dân tộc mới giải quyết được chiến tranh.”

*

Ngày N + 31, 5 giờ chiều

Sau cùng Nam Vang cũng đổ xuống, Khmer đỏ hoàn toàn làm chủ Kampuchia, Thủ tướng Sirik Matak bình tĩnh nạp mạng, thản nhiên đi thụ nhận sợi dây thừng Cộng sản dành cho ông.

*

Ngày N + 31, 6 giờ chiều

Tướng Kỳ lại nói chuyện ở nhà thờ Tân Sa Châu, trước một cử tọa đông đảo, phần lớn là những giáo dân ngoài Bắc di cư vào Nam năm 54. Ông Kỳ trấn an mọi người bằng luận cứ:

“Chạy đi Mỹ làm gì, ở đó đâu có cà pháo, mắm tôm. Uống sữa tươi không tốt, bị té re hoài.” Ông quả quyết sẽ ở lại chiến đấu, cùng lắm là chết dưới tay người anh em bên kia. Ông cũng nói là ông đã đi quan sát vùng IV, đã nói chuyện với tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh vùng này. Ông nói mập mờ là sẽ nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử, dường như ông muốn thay ông Thiệu lãnh đạo trận chiến cuối cùng này.

*

Ngày N + 32, 9 giờ sáng

Một phản lực cơ của Không quân Việt Nam oanh tạc Dinh Độc Lập. Đài phát thanh của Mặt trận Giải phóng miền Nam rêu rao là binh sĩ miền Nam đã vùng lên chống Thiệu và bè lũ tay sai.

Buổi tối Đài phát thanh Sài Gòn cho biết tin đích xác, đó là Đại úy Nguyễn Thành Trung, người được Việt cộng móc nối đã tiếp tay với Cộng sản, dùng một chiếc phi cơ oanh tạc của Không quân Việt Nam bỏ sót lại tại phi trường Đà Nẵng, bay về oanh kích dinh Tổng thống. Cánh trái của dinh bị một trái bom hư hại nhẹ, nhưng gia đình ông Thiệu không một ai hề hấn gì. Bà Thiệu đang ở Luân Đôn mua bán đồ cổ, các con ông Thiệu hiện đang ở Âu châu, chỉ còn mình ông Thiệu hiện diện trong cái dinh cơ lớn nhất của miền Nam. Giờ đó muốn diệt ông Thiệu thì phải cần hai chục trái bom, phải cần mười chiếc bay hàng ngang thả cùng một lúc mười, hai mươi trái bom đánh sập cả cái dinh cơ đồ sộ. Một chiếc thả hai trái bom nhỏ xíu đó thì nhằm nhò gì.

*

Ngày N + 32, 10 giờ sáng

Sài Gòn mỗi lúc một giống Nam Vang. Các trục lộ chính dẫn đi các tỉnh đều bị địch quân quấy phá. Giao tranh lẻ tẻ xảy ra ở Biên Hoà, Long Thành, Long An, Củ Chi, vòng vây mỗi lúc mỗi chật lại. Tin tức ở Nam Vang qua đài phát thanh BBC kinh hoàng hơn những truyện thần thoại của Dante viết về địa ngục. Tối nay tôi ngủ ở nhà một người bạn ở đầu đường Phan Thanh Giản, gần cầu xa lộ Biên Hoà. Ngôi nhà ba tầng này có một thời đã là nơi tụ họp cuối tuần của vài chục người, tuổi từ hai mươi tới ba mươi. Chúng tôi học tập ở đây, hội thảo ở đây, vẽ những ước mơ tương lai khi hòa bình trở lại. Chúng tôi chống giữ miền Nam tận tình.

Những anh em tôi đã chết rải rác từ Cổ thành Quảng Trị tới một cánh đồng heo hút ở Cao Miên, từ cao nguyên Trung phần, tới miền đồng bằng duyên hải. Máu của anh em tôi đã đổ xuống phần đất này, đã thấm vào những mạch đất ở đây, dẫu biết rằng chết cho một chính nghĩa không trọn vẹn, bởi miền Nam mỗi lúc mỗi ung thối, mỗi lúc sa chân sâu hơn trong vũng lầy tồi tệ. Làm sao tôi quên được Hùng đã chết ở Quảng Trị, chết cùng một lúc với dân chúng ở thị xã này, vì bị bao vây lâu ngày thiếu lương thực và món ăn hàng đêm là đại pháo của Bắc quân. Chết vào lúc trên trang nhất của các báo đăng hình ảnh đám cưới con gái ông Thiệu, cô dâu phải bắc một cái ghế leo lên để cắt cái bánh cưới cao hai thước rưỡi. Cảnh đã chết ở Cao Miên, chết tức tưởi trên một cánh đồng hiu quạnh, trong khi ở Sài Gòn, ông Thiệu độc cử, ông Kỳ dọa đảo chánh, ông Minh đang chơi lan, và chung quanh đó những kẻ đón gió trở cờ xun xoe vâng dạ. Còn nhiều cảnh đời cay đắng thê lương hơn, nhưng chúng tôi vẫn tin vào tuổi trẻ của chúng tôi, vẫn tựa lưng vào nhau chiến đấu cho miền Nam, bởi tương lai không phải cứ chờ thời gian là có. Phải chiến đấu, phải lo kiến thiết cũng như muốn hòa bình phải sửa soạn chiến tranh.

Chính tại căn nhà này, anh em chúng tôi tụ họp quây quần, ra đi khắp bốn phương rồi lại trở về từ bốn phương. Mỗi tháng một đôi lần, anh em chúng tôi ngồi lại, có những người trận mạc ở xa như Cao Xuân Huy một năm có mặt đôi lần. Từ khi phải đổi lên vùng II, tôi cũng chỉ có mặt bất thường mỗi khi được về phép. Chính nơi đây chúng tôi bàn bạc, hoạch định, vẽ những mơ ước chờ bầu trời xanh trở lại. Những năm sau cùng, các buổi họp mỗi ngày mỗi vắng vẻ quạnh quẽ đi, trận chiến mỗi lúc mỗi khốc liệt, chúng tôi chiến đấu cho tương lai của miền Nam, và cay đắng chấp nhận hiện tại của miền Nam. Chính nơi đây khi Cảnh chết, trong không khí tưởng niệm trăm ngày, Văn hát cho anh em nghe một bài thơ phổ nhạc, kết bằng bốn câu:

Anh em chiêu hồn người vì nước

Ra đi không về muôn đời sau

Ngàn năm bóng xế với tiếng ca kinh cầu

Cùng thương xót bóng anh về trời

(Thơ và nhạc: Chu Đắc Văn)

Và cũng chính Chu Đắc Văn hát cho anh em nghe một bản khác, có một đoạn:

…Ngày anh đi ánh trăng rời suốt đời hiu hắt

Từ hôm nay những cánh tay bỗng xuôi ngàn năm

Lời ca tôi xin là nơi tiếc thương mà thôi

Biết bao giờ thôi, biết bao giờ nguôi u hoài

Từ khi anh chết, chim đã bay về trời

Vầng mây kéo lê nỗi buồn kiếp nào thôi

Thời gian ngóng trông xa hoài như ngày mai

Tiếng người khóc

Chìm theo bao ước mơ tuổi thơ đằm thắm

Còn đâu ánh hương nồng bây giờ đã tan

Như lòng thương nhớ cũng xa vô ngần

Ngày anh đi đến phương trời, nơi chiều biên giới Ngày anh đi đến phương trời máu khô quê người …

Cũng chính nơi đây, trong một dịp khác, khóc một người anh em trẻ tuổi vừa tròn mười tám, chết đâu đó mất xác trong rặng Trường Sơn, Văn đã làm một bài nhạc khác: “Một bài ca cho người lính nhỏ”. Tôi không thích bài hát này lắm, bởi cái không khí hơi phản chiến của nó. Nhưng làm sao có thể tránh những rung cảm nghệ sĩ, khi hiện tại đen tối như thế, khi người chết chẳng những là một chiến hữu, còn là người thân, còn có chung một chút huyết thống, dẫu không phải là anh em ruột, nhưng chia sẻ với nhau cay đắng ngọt bùi, thở với nhau một bầu khí oi nồng, sặc mùi tử khí. Vả lại, những điều Văn viết ra tuy có hơi phản chiến, nhưng cũng khó có thể trách anh, vì thật sự chúng ta có những người lính quá trẻ, chết khi mà bản thân chưa hề biết đến thân thể đàn bà, còn nói chi tới quốc gia, dân tộc, tự do, no ấm… Tuy không thích nhưng tôi vẫn nhớ lời ca này, nó gợi lên những tình cảm riêng tư của chúng tôi với một người anh em chưa kịp biết yêu người khác phái:

Con tôi người lính nhỏ

Môi khô và mắt đỏ

Tình yêu tổ quốc ngây thơ

Em tôi người lính nhỏ

Vác súng còn hững hờ

Nửa đêm buồn bắn vu vơ

Con thương mẹ muốn về

Em thương chị muốn về

Kẻo không người khóc dầm dề

Không không, mẹ khóc rồi

Không không, chị khóc rồi

Mẹ khóc, chị khóc sớm tối

Mái tóc bạc không ngờ

Đôi mắt mẹ phai mờ

Chờ con dù chết xuống mồ

Thương con còn thương hoài

Nhớ mãi và nhớ hoài

Tình yêu mẹ lúc chào đời

(Nhạc và thơ Chu Đắc Văn)

Hôm nay, ngày 19-4-75, trên cái sân thượng căn nhà cũ, căn nhà chúng tôi đã vẽ biết bao nhiêu mơ ước cho cuộc đời mở cửa ở tương lai, chúng tôi đề nghị ưu tiên cho ngành sư phạm, các em chúng tôi hễ xong tú tài ưu tiên thi ngành sư phạm, dẫu nghề giáo mỗi ngày mỗi mạt, nhưng chúng tôi cần những ông thầy. Chẳng những chỉ dạy chữ nghĩa, tính, toán, văn chương, khoa học, còn phải dạy cho học trò mình cái lòng yêu quê hương, do tổ tiên truyền lại. Chẳng phải chúng tôi đã đồng ý chấp nhận cái cay đắng, nghiệt ngã của hiện tại để mơ ước tới một tương lai hay sao? Các lớp người lãnh đạo ù lì, tay sai tôi tớ ngoại nhân nay đâu có sống lâu như ông Bành Tổ được. Sẽ có lúc xuất hiện một lớp người mới, xây dựng lại những đổ vỡ này khi chiến cuộc tàn.

Đêm nay, cái sân thượng đột nhiên rộng mênh mông, tôi và anh bạn đứng nhìn bầu trời lấp lánh những vì sao, trăng của tháng tư sáng một màu sữa, huyền hoặc. Dưới bóng trăng, nương theo cơn gió nhẹ, tôi gửi lời cầu nguyện cho những Nguyễn Thế Tuấn, Chu Đắc Văn, Nguyễn Hồng Đức, Vũ Dương Hoa, Cao xuân Huy, Nguyễn Tự Lập, Trần Ngọc Nguyên, Nguyễn Văn Tầm, Nguyễn Mạnh Tiến… Tôi cầu nguyện cho những người anh em ở Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Cần Thơ và ngay cả Sài Gòn này giữ được hơi thở trong trang lịch sử đen tối nhất của dân Việt.

*

Ngày N + 32, 9 giờ tối

Dời khỏi quân vụ thị trấn, tôi tạt vào Tiểu đoàn 6 Quân cảnh trong Biệt khu thủ đô, gặp đại úy Lương Văn Nhật, tay thiện xạ số một của binh chủng, cũng là một bạn cũ. Nhật rủ tôi về ngủ ở Tiểu đoàn 6 với anh, anh nghĩ đến phút chót của Sài Gòn, cũng như tôi đã từng muốn múa bậy một đường gươm ở Tuy Hoà. Anh muốn tập họp một số binh sĩ sử dụng lần chót tài nghệ của anh.

Tôi đã kinh nghiệm vụ này tới hai lần, một lần lúc dời Quy Nhơn và một lần lúc bị vây đánh ở Tuy Hoà. Những dự định, toan tính đó không bao giờ thành sự thật. Đối với những đơn vị quen tác chiến, họ có thể làm được, nhưng đối với binh chủng tôi thì nhiều lắm Nhật cũng lôi theo vào phút chót được dăm người, chẳng ích gì. Tôi trả lời ừ ào cho qua. Tôi biết thêm một chút về tin tức chiến sự ven đô thành. Lẻ tẻ đó đây, Việt cộng đã xuất hiện ở Hóc Môn, ở Cây Da Xà, ở Ngã năm Bình Hòa. Sáng mai tôi muốn đi thăm những người chết. Sáng mai tôi muốn xuống nghĩa trang Gò Vấp, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, và nghĩa trang quân đội trên xa lộ Biên Hoà.

*

Ngày N + 33, 12 giờ trưa

Tôi ngồi dưới chân pho tượng “Tiếc thương” ngay cổng nghĩa trang quân đội. Những người lính kỷ luật lúc sinh thời, vẫn giữ được cái kỷ luật lúc chết, mộ chí của họ sắp hàng ngay ngắn, như đang tập họp lúc sinh thời, mắt nhìn vào ót người đằng trước.

Dường như ở đây, họ còn thuần nhất hơn lúc sống, không có đồ đại lễ, không có huy chương, không có sự phân biệt giữa những bộ đồ được o bế kỹ lưỡng, ủi hồ thẳng tắp và những bộ đồ tác chiến, rách tơi tả. Không có sự khác biệt của giàu nghèo, chẳng những thế, họ còn thuần nhất hơn cả lúc sống ở chỗ bây giờ không còn ai cao, ai thấp. Khi sống sắp hàng, những người cao đứng trước, thấp đứng sau, bây giờ mộ chí của họ cao bằng nhau, rộng bằng nhau, ai đến trước xếp hàng trước, ai đến sau xếp sau, cứ tuần tự theo thời gian, chứ không theo cấp bực, chức vụ. Những người sống cố làm cho họ khác biệt hơn một chút, nơi những tấm bia, những bình hoa, những trang trí nơi phần mộ, nhưng đó chỉ là những tiểu dị trong cái đại đồng. Bây giờ nơi nghĩa trang này, họ thật sự là huynh đệ chi binh, họ bình đẳng từ một vị tướng tới anh binh nhì. Nghĩa trang hoàn tất chưa đầy sáu năm, cũng đã mười lần tôi đến, tiễn đưa bằng hữu. Tôi đến mộ từng người, nhìn ảnh cũ, khuôn mặt xưa, thắp cho từng người không phải là những nén hương lòng tưởng nhớ, mà là những điếu thuốc lá lúc sinh thời.

Những người bạn chắc chắn đã được thân nhân cúng kiếng hoa quả rượu thịt, mấy ai nghĩ đến người chết nếu linh thiêng thèm một điếu thuốc hơn một tô canh, một con gà, một mâm xôi, một nải chuối. Tiếc rằng tôi không mang được cà phê pha cho họ mỗi người một ly. Gió thổi từ bờ sông, từ ruộng đồng tạt vào mặt tôi toàn cát và bụi. Tôi đứng dậy, thắp mấy điếu thuốc còn lại cho những ngôi mộ tôi không quen biết, những đầu điếu thuốc thỉnh thoảng lóe lên. Trong năm ngày nữa, mười ngày nữa, có thể tôi sẽ cũng nằm xuống, nhưng chắc một điều tôi không có cơ hội được nằm ở đây, bên những đồng đội cũ. Và ngay chính họ đã yên nghỉ ở đây, trong một thời gian không lâu nữa, những kẻ chiến thắng sẽ nhân danh đủ thứ để lôi họ ra khỏi chỗ an nghỉ cuối cùng này.

Hẹn gặp các bạn cũ, và những bạn mới chưa từng quen. Hẹn gặp ở một nơi nào khác ngoài nghĩa trang này, có đáng gì mảnh đất linh thiêng này khi cả miền Nam sụp đổ, rồi đây pho tượng “Tiếc thương” cũng bị chúng cưỡng bách lôi đi, cũng chẳng sá gì, bởi lẽ sau cùng cả địch, cả ta đều gặp nhau ở một thế giới khác.

*

Ngày N + 33, 5 giờ chiều

Vừa đẩy cửa vào nhà, mẹ tôi mắng cho một chập: “Anh đi đâu mà đi biền biệt cả ngày lẫn đêm. Anh thật là một người vô tình, vợ con mất tích mà dửng dưng như không có gì, tôi không ngờ anh bạc như thế”. Tôi không cãi lại một lời, làm sao mẹ tôi có thể hiểu những đớn đau, những phẫn nộ trong lòng tôi lúc này. Tôi không chỉ đau đớn cho vợ con tôi. Tôi đã lớn lên ở miền Nam, tôi đã chống đỡ cho miền Nam và không phải miền đất này chỉ có vợ con, bố mẹ, anh em mà thôi. Ngay giờ đây tôi xót thương cả những người tôi ghét. Thiên tai sắp sửa chụp xuống cả phần đất này, cũng như đã chụp xuống cả miền Bắc hai mươi năm trước. Bóng tối đã ập tới đã làm tiêu mòn nửa dân tộc, chúng tôi chống đỡ cho miền Nam những mong có ngày, xé được màn đêm, mang được chút ánh nắng ấm áp của phương Nam ra ngoài Bắc. Nào ngờ bóng tối đi nhanh hơn, mạnh hơn, nó sắp sửa bao trùm toàn thể quốc gia, trọn vẹn dân tộc. Bọn lãnh đạo của miền Nam đang tháo gỡ cho chính gia đình chúng, đang vơ vét của cải, vàng bạc và ngay cả đồ cổ của quốc gia cũng được chúng thu gọn lại, chở ra nước ngoài làm của riêng.

Cha tôi can thiệp:

– Bà làm sao biết con nó không khổ đau, trông mặt anh ấy như chết rồi. Bà mặc con làm gì thì làm có được không? Nó có nhân tình, nhân ngãi gì đâu? Ngay cả nó có vậy cũng chả sao.

Quay qua tôi, ông nói:

– Anh đi đâu thì đi, hàng ngày cũng nên tạt qua nhà một chút để mọi người yên tâm.

Mẹ tôi dọn cơm cho tôi, mắt mẹ tôi có những giọt lệ chưa ráo. Tôi không đói, nhưng cũng ráng ăn ba chén cho vừa ý mẹ tôi.

Bà cụ lần trong túi lấy ra được một tờ giấy hai chục đô la, đưa cho tôi và nói:

– Anh cầm lấy, lỡ có đi được ra nước ngoài thì cũng có cái tiêu. Mợ chỉ còn có thế.

Tôi nuốt cơm, nuốt luôn cả những giọt nước mắt mằn mặn của chính mình.

*

Ngày N + 34, 8 giờ sáng

Báo chí loan tin một buổi nói chuyện với quốc dân trên truyền hình của Tổng thống Thiệu hồi 7 giờ 30 tối nay. Hiện diện trong buổi nói chuyện này sẽ có Chủ tịch lưỡng viện, Thủ tướng Chính phủ, Nghị sĩ, Dân biểu…

*

Ngày N + 34, 2 giờ chiều

Mỹ kim tăng giá từ một ngàn một đô la lên tới mười ngàn một đô la trong vòng một tuần lễ. Vàng cũng tăng giá tới nửa triệu một lượng. Xe hơi xuống với giá rẻ mạt.

*

Ngày N + 34, 5 giờ chiều

Phan Nhật Nam ngồi uống bia, chửi đổng ở nhà hàng Thanh Bạch. Định ghé vào ngồi với Nam một lúc rồi lại thôi. Ông nội Nam này cứ có vài chai bia là nhớ bạn cũ khóc mùi mẫn, tận tình. Bữa nay chai không xếp đầy mặt bàn, mà quái lạ không thấy bạn ta khóc. Mắt Nam long lên, đỏ ngầu, mấy người bạn ngồi cùng bàn với Nam lầm lì không nói, nón đỏ dắt ở cầu vai áo trận.

*

Ngày N + 34, 7 giờ tối

Cha tôi và tôi ngồi ở quán cà phê Năm Đường, đối diện với nhà tôi qua đường Trần Quốc Toản. Mọi khi giờ này quán không có một chỗ ngồi, những bác tài taxi, những bác phu xe phải đứng chờ tại quầy nhận ly cà phê, rồi đem thức uống của mình ra xe nhấm nháp. Hôm nay quán chỉ có lác đác vài người và cha con tôi. Ông cụ rủ tôi ra uống ly cà phê, cha tôi tuyệt không nói một câu nào về việc chạy ra nước ngoài hay ở lại. Những gì định nói, ông cụ đã nói hôm tôi mới về tới Sài Gòn. Đã mười ngày nay ông cụ câm nín, lặng lẽ ra vào, săn sóc tôi một cách kín đáo. Con đường Trần Quốc Toản hôm nay cũng vắng vẻ lạ thường. Tiếng cha tôi vang lên:

– “Ngày đó phải để anh ở Cô nhi viện gần một năm, khi đón anh về, cậu có một điều sai là chiều anh quá để bù lại những ngày anh phải thiệt thòi, khi sống xa nhà với những trẻ mồ côi khác. Đến khi anh đậu Trung học, bắt đầu đua đòi, cậu lại sai một lần nữa là nghiêm khắc quá đối với anh, cậu chỉ lo anh hư hỏng, lêu lổng. Cậu biết anh thông minh nhất trong năm anh em, đáng lẽ cậu phải hướng dẫn anh hơn là trừng phạt mỗi khi anh có lỗi. Năm anh học đệ nhị, có lần cậu xích chân anh vào chân bàn, có lần cậu cạo trọc đầu anh bắt quỳ ở cửa. Các anh hôm nay có được chút học hành vốn liếng là do mợ. Ngày cậu đi kháng chiến, nếu mẹ các anh như người ta thì bây giờ các anh đi đạp xích lô hết. Do đó, ít khi cậu tranh cãi với mợ những chuyện trong nhà. Cậu chỉ muốn anh hoàn tất đại học, cứ đậu cử nhân, kỹ sư đi rồi muốn yêu nước, thương nòi gì cũng được, muốn văn chương, cách mạng gì cũng không sao. Đâu phải cậu không thích chuyện thay đổi, nhưng anh chưa có đầy đủ cái vốn liếng học thức thì chỉ lót đường cho người mà thôi.

“Ngày anh bỏ học đăng lính, cũng là ngày cậu buồn bã nhất, kể từ khi gia đình di cư vào Nam, vì cậu mong anh có được một tương lai rực rỡ hơn các anh Phong, Lưu, Hoạt, Điệu. Anh thông minh, học một hiểu hai, muốn phục vụ xứ sở có nhiều cách hữu hiệu hơn hà tất cứ phải đi lính.

“Rồi cậu lại sai lầm một lần nữa, đáng lẽ cứ để anh ở Biệt động quân, hay vận động cho anh về Nhảy dù cho hợp với ước mong của anh, thì cậu lại vận động cho anh về Quân cảnh, muốn anh có chút điều kiện để hoàn tất cái học vấn nửa vời của anh. Chỉ vì bao nhiêu người cũng muốn như cậu, muốn con mình an thân, mà bây giờ kết cuộc thê thảm thế này.

“Anh tìm cách xuất ngoại đi, nếu không đi được thì nhớ những điều cậu đã nói hôm trước. Ai cũng chỉ một lần chết thôi. Chúng bắt được, anh sẽ chết nhục nhã, cay đắng. Phần chị ấy và các cháu cứ yên tâm, cậu sẽ tìm về đây. Nhớ kỹ những gì cậu vừa nói.”

*

Ngày N + 34, 7 giờ 30 tối

– Đù mẹ thằng chả, muốn chạy làng hả? Đù mẹ thằng chó đẻ!

Cha tôi quay lại. Một bác tài xế taxi vừa nói, mắt hướng về cái TV của tiệm cà phê Năm Đường: ông Thiệu đã bắt đầu nói chuyện với quốc dân trên làn sóng truyền hình. Tôi đứng dậy đi trả tiền xong trở về chỗ ngồi.

– Đi về xem ông Thiệu nói gì đi anh.

*

Ngày N + 34, 8 giờ 30 tối

Bữa nay ông Thiệu trông đẹp trai hơn mọi khi, trên làn sóng truyền hình, suốt một tiếng đồng hồ liền, ông Thiệu công kích thái độ của người Mỹ, ông lên án Mỹ phản bội, xé bỏ mọi cam kết với Việt Nam Cộng Hòa, dồn quân đội và nhân dân miền Nam vào chỗ chết trước cuộc xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt. Trong phần lên án thái độ của người Mỹ, loáng thoáng tôi nghe được những câu:

“Tôi đã nói với người Mỹ là máu xương thì Nam Việt Nam không thiếu, chúng tôi chỉ thiếu quân viện, vũ khí, đạn dược… Trong lúc Bắc Việt nhận hai tỷ Mỹ kim của Nga và Trung cộng, thì Nam Việt Nam bị bó tay bởi ba trăm triệu viện trợ nhân đạo và viện trợ kinh tế.”

Ông Thiệu khóc khi xin từ chức, ông xác định ông xin từ chức thì quân đội có thêm một người nữa.

– Tiên sư thằng chó đẻ!

Cả đời tôi chưa bao giờ nghe cha tôi chửi thề, văng tục trước mặt con cái. Đây hẳn là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nghe một lời thô tục từ cha tôi, ông tiếp:

– Đúng là một bọn phường tuồng, một bầy chó đẻ.

*

Ngày N + 34, 11 giờ đêm

Tối nay tôi ngủ ở nhà, trên cái chỗ tôi đã nằm mười lăm, hai mươi năm trước. Vẫn là cái giường sắt bệnh viện của quân đội Pháp để lại, cha tôi đã mua ở đâu đó trong đống đồ lạc xoong khi mới vào Nam. Đây là mái nhà tôi từ khi tôi còn là một cậu học sinh nghịch ngợm phá phách nhất của cái cư xá công chức này.

Chính cái giường này tôi đã nằm sấp nhận cả ngàn roi đòn vào đít, hai cây trứng cá ngoài kia là lối ra duy nhất của tôi hàng đêm, cứ mười giờ tối khi lên giường cha tôi khóa cửa lại, ông muốn ngăn tôi đi chơi đêm, và cứ mười giờ rưỡi khi cha tôi đã ngáy đều, tôi leo lên mái nhà sau, truyền ra cây trứng cá đằng trước, êm như một con mèo. Tôi vốn là thủ lãnh của mấy tên sàn sàn một lứa với tôi trong cư xá, những Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Tự Lập, Nguyễn Hồng Đức, Nguyễn Thành Quan, Nguyễn Ngọc Huân… đang chờ tôi đi trừng phạt những nhà nào đã chửi bới chúng tôi vì lỡ đá banh vào nhà họ, chơi u lỡ đụng vào con cái họ. Chúng tôi lớn lên như thế, tuần tự năm một chúng tôi rời trung học, trở thành những người hữu dụng của miền Nam. Có người đã thành bác sĩ như Đức, tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh như Lập, Huân và dở nhất như tôi, Linh, Quan đều trở thành những sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là mái nhà tôi mà sao hôm nay xa lạ dị thường. Tôi không thể nào ngủ nổi, âm hưởng bài diễn văn của ông Thiệu làm tôi bàng hoàng. Có thể nào như thế được chăng?

“Tôi đã nói với người Mỹ là máu xương miền Nam chúng tôi không thiếu, chúng tôi chỉ thiếu quân viện, thiếu vũ khí đạn dược…”

Hãy hỏi ông Thiệu, ông Khiêm, ông Kỳ, ông Viên, khi các ông chưa lãnh đạo miền Nam, gia sản các ông có những gì? Và bây giờ các ông có những gì? Chúng ta đâu có thiếu quân viện nếu chúng ta biết sử dụng quân viện đúng mức, thì bây giờ chúng ta cũng vẫn cầm cự được một thời gian. Lãnh đạo một quốc gia đâu có phải là việc làm của từng ngày. Ngay từ lúc phải vào hội nghị ở Paris, ngay từ lúc phải cãi cọ về vụ bàn tròn, bàn vuông, về vị trí của từng phái đoàn, về cách phát biểu của mỗi phe là đã phải tính đến lúc mình phải đơn độc chống trả với đối phương. Lời của ông Thiệu mỗi lúc mỗi làm buốt giá đầu óc. Phải, chúng tôi đâu có thiếu máu xương, chúng tôi có nhiều máu xương nữa là khác, và ông Thiệu chẳng bao giờ tiếc món hàng rẻ mạt này. Ông Thiệu, ông Kỳ, ông Khiêm, ông Viên và nhiều “danh tướng” nữa, đã đem máu của người miền Nam rải đầy trên đồi núi, trên ruộng đồng, trên sông rạch. Máu mà tiết kiệm làm gì? Phải bắn cho hết đạn đại bác 105 ly để bà Khiêm có vỏ đạn bằng đồng bán cho Nhật Bản, phải giữ cho được những lăng tẩm cũ của miền Nam, để cho bà Thiệu thu thập được các đồ cổ của tiền nhân, máu phải đổ ra chan hòa cho xứng tài danh tướng vừa có văn vừa có võ của ông Viên, ông ở trên chóp của cái thang quân đội, ông đứng giữa những tranh chấp chính trị, ông Viên là người thanh liêm, nhưng bà Viên thì sao? Bà có đỡ đầu cho đàn em cật ruột của bà không? Có đứa nào thậm thụt cửa sau tư dinh không?

Cả thành phố Sài Gòn như muốn co nhỏ lại. Tôi mở cửa, ra ngồi dưới tàn cây trứng cá như ngày nào thơ ấu, nghe những tiếng đại bác bắn đi từ Phú Lâm ầm ĩ vọng về. Tôi nhìn những con chuột thành phố, những con chó vô chủ, những con mèo hoang thơ thẩn ăn đêm. Năm nay tôi ba mươi hai tuổi,

đúng hai mươi năm có mặt ở phần đất này, có mười hai năm phí hoài tuổi trẻ, mười hai năm đóng góp rất nhiều mồ hôi, rất nhiều tâm trí. Có thể tôi chưa hề làm cho quân đội được đẹp thêm, nhưng chắc chắn tôi không bao giờ làm cho nó xấu đi. Những năm lận đận ở trại tù binh Phú Quốc, rồi gần một năm lao đao ở trại tù binh Biên Hoà, ở đây tôi không lao đao với tù binh mà lao đao với anh Chỉ huy trưởng được binh sĩ gọi trại cái tên tiếng Hán có nghĩa là “Ngựa Sanh Rùa”, thành tiếng Việt là “Ma Sanh Quỷ”. Kiểm điểm lại mười hai năm quân ngũ, đủ bốn vùng chiến thuật, mười bốn thành phố, một hải đảo, ở đâu đâu tôi cũng chỉ gặp những phiền muộn não nề, cay đắng, ê chề, nhục nhã. Làm sao mà không ra nông nỗi này khi suốt mười hai năm, tôi chưa bao giờ gặp một cấp chỉ huy tôi tâm phục, khẩu phục.

Quân đội là một tập thể vĩ đại, thế mà trong binh chủng tôi, cái binh chủng lo về quân phong, quân kỷ và tư pháp cho quân đội, giềng mối cho sức mạnh của toàn quân, cũng không thiếu gì những con ngưòi ăn bẩn. Đầu mối kỷ luật là sức mạnh của quân đội nằm trong tay binh chủng tôi, tôi đau buồn và nhận rằng trong mười hai năm vừa qua, tôi gặp được đúng ba vị có đức độ xứng đáng là cấp chỉ huy tốt. Tiếc thay đức độ không chưa đủ trong trận chiến này.

Do đó máu thì chúng tôi không thiếu. Hỡi những “danh tướng” của miền Nam, các ông Thiệu, Khiêm, Kỳ, Viên, Quang, Toàn… và nhiều danh tướng khác nữa. Các ông có bao giờ biết đến câu: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”? Các ông để ý đến chuyện vặt này làm gì? Vả lại các ông đâu có…

công thành, các ông thủ thành thôi. Bởi vì thủ thành nên mười năm qua triệu cốt khô rồi. Và thành vỡ các ông chỉ cốt giữ mạng mình, nhà cửa, dinh thự… Mồ mả ông cha không thể mang đi, các ông bỏ lại. Các ông đã có nhà cửa ở nơi khác đẹp đẽ hơn, hành lý các ông gọn lắm, cũng chẳng thèm đóng tuồng mang theo một cục đất quê hương như tướng Khánh ngày nào. Ông Thiệu tuyên bố từ chức và quân đội sẽ có thêm một tay súng nữa, một “danh tướng” nữa. Còn những “danh tướng” khác thì sao? Những ông được báo chí một thời ca tụng là tướng sạch như ông Thắng, ông Chinh, ông Trưởng đâu? Đàn em tướng Toàn đã giúp tướng Hiếu, một trong vài tướng sạch thật sự của miền Nam đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tướng Phú hiện nằm bệnh viện, nhưng các ông Thắng, Chinh, Khang, Trưởng đâu? Phải xuất hiện vào lúc này để cứu vãn phần nào sự tan vỡ của quân đội. Các ông đâu có phải là úy là tá, các ông là những ông tướng, quân đội dẫu có bạc đãi cũng đã là tướng. Bạc đãi gì, ông Khang là trung tá năm 63, năm 67 dẫu có bớt quyền uy cũng là trung tướng, sao để cho mình ông Kỳ bôn ba quá thể. Ông Kỳ là ông tướng nói chứ không làm, đâu có lì bằng ông Thiệu, đâu có tham bằng ông Quang, đâu có nhũng bằng ông Toàn.

Tôi thiếp đi, máu xương thì miền Nam đâu có thiếu, máu xương thì miền Nam đâu có thiếu, tôi thiếp đi và trong giấc ngủ, tôi biết là tôi mơ thấy ông Thủ tướng Sirik Matak của Cao Miên bị treo cổ. Ông đã thản nhiên thụ nhận sợi dây oan nghiệt cho lỗi lầm tin vào người Mỹ của ông.

*

Ngày N + 35, 10 giờ sáng

Gặp Hải quân Thiếu tá Nguyễn Trường Yên, một bạn học thuở xưa, anh là hạm trưởng chiếc HQ8, tàu của anh hiện đang neo ở Sài Gòn. Tôi hỏi Yên trong trường hợp cuối cùng có xuất ngoại không? Yên cười buồn bã, anh cho tôi biết, dĩ nhiên anh muốn đi và sẽ đi, vấn đề ở chỗ không biết lúc nào. Tôi ngỏ ý với anh về cảnh ngộ tôi. Yên cho tôi biết tàu có thể chở vài trăm người, nhưng lúc này chưa thể làm gì, ngay cả toàn gia nhà anh, ông cụ, bà cụ cũng không thể lên tàu lúc này. Yên vẫn giữ được cung cách chỉ huy của anh khi nói:

– Hễ cứ còn chỉ huy, còn lệnh lạc, còn người chiến đấu thì tao còn ở lại. Tao nói thật với mày, mấy ông anh tao ông nào cũng đòi đưa vợ con lên tàu trước, mày biết tao mười anh em, tám người đã yên bề gia thất. Tao đâu có thể đưa cả đại đội toàn gia lên tàu. Mà nào phải chỉ có vợ con các ông ấy không mà thôi? Ông nào cũng có cả một hệ thống nhà vợ nữa. Tao có tàu trong tay, đủ chỗ để đưa cả đại gia đình, nhưng không phải là lúc này, hễ còn người trước mặt, còn đánh, còn bắn, tao còn

ở lại.

Tao đã đón mấy ông ở Sư đoàn 3 chạy về, nhục không thể tưởng được. Mày nhớ ông tướng Nguyễn Duy Hinh không? Hồi ổng còn thiếu tá ở gần nhà thằng Hải đó, bây giờ ổng làm Tư lệnh Sư đoàn 3. Lúc miền Trung tan hàng, ổng dọt được lên tàu tao với một số tòng vong. Trông ổng như người hết hồn, thờ thẫn. Mẹ kiếp không biết lúc ổng đi duyệt hàng quân ra sao, chứ lúc lên tàu tao trông phát nản. Mày chạy đường bộ mấy quả như thế mà mò về được tới đây, chắc mày cũng phải tởm lắm. Có bỏ lính chạy lấy mạng không? Nói chơi thôi, lính của mày mà đánh chác cái gì, lính của tao cũng vậy. Tao gặp thằng Hải chồng con Hợi em mày, nó thuật lại chuyện mày chạy từ Pleiku về Tuy Hoà, rồi lại ngược ra Quy Nhơn chạy tới Phú Quốc, đôn đáo, nhanh nhẹn thế mà còn mất cả vợ con. Yên tâm đi ma gà, tao có tàu trong tay. Mỗi chiều về nhà ăn cơm để vợ con yên trí. Mày gặp tao mỗi ngày, sáu giờ chiều, có gì thì dọt theo tao…

– Này mày có con đào nào ở đây không? Đi từ giã nó đi, vui thú với nhau đi, nếu không có thì xuống xóm đi. Leo được lên tàu tao rồi thì bước chân đi cấm kỳ trở lại. Ông đi Mỹ rồi, chán lắm, nản lắm. Đù mẹ, đánh nhau thục mạng mấy chục năm, anh dũng như thế, hùng tráng như thế, đùng một cái đíu đánh chác gì, chỉ có chạy thục mạng, lệnh lạc cái con c…

– Nói thật mày nghe hôm anh Thiệu lên TV từ chức, tao

ở trên tàu, ngay lúc đó tao cáu quá. Giá có cái bản đồ thủ đô Sài Gòn, ông điên lên, ông quay đại bác bắn lên bờ, căn tọa độ kỹ càng, ông nã mẹ nó vài phát rồi ông chạy. Nhưng nghĩ lại, còn vợ con, còn bố mẹ, vả lại thằng pilot chó đẻ nằm vùng Nguyễn Thành Trung đó để hai quả bom, chắc vừa bay vừa run nên bỏ trúng sân thôi. Lại nữa vợ con nó dọt trước, đang bán đồ cổ ở Luân đôn, đang du hí ở Âu châu, ông muốn bắn một phát chết cả nhà nó. Cái dinh to quá, phải cần chục khẩu đại bác, khai hỏa một lần, tàu của ông có mỗi khẩu, bắn được hai phát là nó muốn khuỵu rồi, tàu cũ phế thải của Mỹ mà, làm ăn gì được. Nói tóm lại là cậu Thiệu cao số. Đù mẹ thằng đó, chắc trước kia tổ tiên nó là Chàm, nên bây giờ nó báo oán dân Việt.

*

Ngày N + 35, 4 giờ chiều

Tòa đại sứ Mỹ, phi trường Tân Sơn Nhất đầy người xin đi tị nạn. Trên trang nhất các nhật báo, có hình ảnh của các Camp City ở Guam, ở Wake, cũng như hình ảnh của những người chầu chực chen lấn ở các cơ sở Mỹ. Giá có thi sĩ Trần Dần ở đây, ông sẽ làm được bài thơ cả ngàn câu về cảnh này. Nó thê lương, ảm đạm hơn cả trăm lần dạo di cư 54. Dẫu sao năm 54, có bỏ xứ Bắc mà đi vào trong Nam vẫn còn trong đất nước của mình. Bây giờ là biệt xứ.

Nhớ tới một đoạn thơ xuôi tôi làm mười năm trước:

…Trời thu đất Bắc dâng sầu.

Anh mười tuổi nhỏ, cắp bị xuống tàu thật to hoan hỉ. Lại thắc mắc: mắt người lớn sao bỗng dưng đổ lệ?

Sao bỗng dưng đương vui mừng hớn hở, tiếng còi tàu rẽ sóng ra khơi, mắt nhỏ anh dâng triệu triệu lớp buồn?

Ngày trở lại, chắc không còn mùa thu sầu úa, chắc không phải ngày đông tàn lụi, nắng hạ cháy da.

Ngày đó hẳn là mùa xuân có hoa lá thắm màu chim chóc hót líu lo ngoài nội…

(Mặt trời lên, nhà xuất bản “Đại Nam văn hiến”, 1967)

Khi tôi làm bài thơ này, tôi đã ở quân đội hai năm, mơ một ngày trở lại đất Bắc vào một mùa xuân dân tộc, có hoa lá chim chóc vang lừng. Nào ngờ mười năm sau, kết quả trái ngược, Bắc quân vào đây, và cả dân tộc chìm trong mùa đông tang tóc.

*

Ngày N + 35, 6 giờ chiều

Yên nói đúng, tôi đã thăm người sống, đã viếng người chết rồi, bây giờ phải xuống xóm. Phải đi thăm các chị em ta.

Một mai khi phần đất này đổi chủ, hàng vạn chị em ta sẽ như chim vỡ tổ.

Ông Diệm thật sai lầm khi quyết định bài trừ nạn mãi dâm. Vấn đề không phải là bài trừ, bởi vì không thể nào bài trừ được, chỉ có thể kiểm soát để bảo đảm, ngăn ngừa bệnh tật. Có tới một triệu quân dưới cờ, trong đó phải có vài trăm ngàn trự chưa có vợ hoặc xa nhà. Cấm mãi dâm thì sẽ có hiếp dâm.

Mẹ kiếp, có cậu Đại tá Tỉnh trưởng còn bị tố cáo là hiếp dâm vợ con binh sĩ, mấy cô giáo cô thế. Thật là tên làm sao thì bào hao làm vậy, đúng là loại ngựa đẻ ra ngưòi thì mới có thể hành động như thế đối với thuộc hạ của mình. Làm sao mà không mất nước, làm sao mà không tan nhà, có phải không ông “Quế tướng công”? Có phải không người “anh cả Trường Sơn”, người đã lập một “trung tâm dưỡng quân” ngày nào trên đất Pleiku. Không biết ai đặt cho cái “sở điếm” của Quân đoàn 2 bằng một cái tên hay ho như thế, văn chương tao nhã như thế. Tôi nghĩ ông Vĩnh Lộc có lý trong ý định thành lập “trung tâm dưỡng quân”, nhưng sai lầm khi bắt Quân cảnh của đơn vị tôi canh gác trung tâm này. Đi giải quyết vụ đó, mà có mấy anh Quân cảnh dòm lom lom thì “lên” thế nào nổi. Rõ ràng là đơn vị tôi bị ép, nhất là tôi chưa vợ mà đi giải quyết vụ đó, gặp mấy cậu lính trong đơn vị chạy ra chào, cười cười thì… Trung úy đành nhịn.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.