Nhật Tuấn
“Lưu Công Nhân đấy ư?”
Tôi vừa đi xa về, ghé thăm họa sĩ. Mấy năm trời gặp lại, trần trụi trước mắt tôi trong chiếc quần đùi. Nhăn nheo, chảy nhão từ cổ xuống. Chứng Parkinson làm những cử động trở nên cơ giới. Tuy nhiên cặp mắt vẫn rất sáng, cái miệng rất tươi trên cái đầu còn đầy sức xuân…
Chụp ở nhà Nhật Tuấn vài tháng trước khi ông mất
Tôi nói rằng tôi vừa ghé triển lãm “không gian xanh” và mấy cái bình hoa anh mới vẽ thật… bậc thầy, màu rất đẹp, sang trọng và xem ra chứng Parkinson lại làm đôi tay cuả anh trở nên… phù thuỷ hơn.
Lưu Công Nhân bật cười ha hả:
“Càng ngày tớ vẽ chỉ đẹp hơn, siêu hơn…”
“Thế còn đàn bà?…”
Lưu Công Nhân liếc vào trong yên tâm lão phu nhân đã lên lầu mới khẽ khàng:
“Đàn bà hả? Thì vẫn… vẽ đấy thôi…”
“Có khi chỉ… vẽ thôi thì vẽ mới đẹp.”
“Đúng đúng, tớ tính bày 18 cái khoả thân nhưng vừa rồi mấy thằng vẽ tệ qúa bị dẹp làm ô nhiễm môi trường nên “em” lại cất đi chờ dịp khác…”
“Còn những dịp khác nưã ư?”
“Còn chớ… cậu có biết triển lãm là cái gì không? Là sự hoàn tất một periode, một thời kỳ nào đó, là sự khoái ngất trong một cuộc giao hoan – xong một cuộc triển lãm phải biến cho nhanh tìm một periode khác, một “người đàn bà khác”. Cụ Picasso nó nói một câu đại ý “Hoạ sĩ không bày triển lãm cũng giống như ngừời đàn bà đẹp không chịu lộ thể cho thiên hạ ngắm vậy…”. Riêng mình, bày triển lãm không nhằm bán tranh, không nhằm lên báo lên truyền hình…”
“Vậy thì ông nhằm cái gì?”
“Cậu hỏi ngu bỏ mẹ… thế cậu in tiểu thuyết nhằm cái gì?”
Đến lượt tôi cười ha hả:
“Thì cũng phải cho thiên hạ nó coi chớ, có em gái nào trang điểm xong chỉ ru rú ngồi nhà soi gương tự ngắm mình đâu. Nhưng sao ông lại không bán, chê tiền hả?”
“Tớ nói thật, giả dụ kỳ này bán được vài ngàn đô, kỳ sau lại phải nghĩ lui nghĩ tới coi bán được mấy ngàn. Đầu óc cứ bấn lên vì giá tranh như thế thì còn vẽ cái nỗi gì?Với lại tớ nói thật, thiên hạ nó cứ ngoáy cọ bán một bức chỉ 50 đô thôi là đã lãi, còn Lưu Công Nhân vẽ cái gì là phải đi tới tận nơi, có bịa được đâu, tốn kém lắm, nào tiền xe cộ, máy bay, ăn ở, thuê mẫu… bán một bức 1000 đô vẫn cứ lỗ, tốt hơn hết là không bán.”
“Ông sướng hơn thiên hạ ở chỗ đó, mọi chuyện đã có bà xã “bù lỗ”, nhưng mà cũng có cái chỗ không may là thiếu douleur, tức là thiếu “cay đắng mùi đời” thì tranh ông liệu có thiếu màu trần gian không?”
Lưu Công Nhân trợn mắt:
“Cái đó tớ thừa. Này nhé đi chiến dịch biên giới 1951 có tranh, giải phóng Laokay vẽ hoa đào, chiến dịch Điện Biên Phủ vẽ địch vận, rồi bình dân học vụ, cổng làng, cụ Hồ đến thăm công nhân, rồi buổi cày… Tớ nói cậu biết riêng về công việc nhà nông như cấy, gặt, đập, phơi vân vân tớ đã vẽ tới 600 bức, trần gian ở đó chứ còn đâu nưã?”
“Ông cứ nhăm nhăm vẽ cho thực thì rồi liệu có biến thành thợ vẽ?”
Lưu Công Nhân lại trợn mắt:
“Thợ thế nào được. Cậu cứ trông hình hài tớ coi. Người tớ lúc nào chẳng toát ra chất nghệ sĩ. Khắp các tỉnh các huyện ở cái xứ Việt Nam này đâu chẳng biết gã hoạ sĩ lang thang Lưu Công Nhân”
“Ông vẽ thực thì hay rồi…”
“Tất nhiên… nguyên cái cổng làng tớ đã vẽ số tranh đủ cho một cuộc triển lãm… thừa cho giới nghiên cứu làng thôn Việt Nam…”
“Vậy có thể nói ông là người theo chủ nghĩa hiện thực “nghiêm nhặt””
“Đúng đúng, tớ là người theo đến cùng đường lối sáng tác cuả Đảng, nếu có dịp nào viết về tớ cậu nhấn mạnh chỗ này, tớ không phải loại “nuôi ong tay áo”, ăn lộc cuả Đảng mà lại vẽ lăng nhăng, bậy bạ, dứt khoát tớ không thuộc loại đó… tớ đéo chơi chính trị… à cậu bảo có thằng họa sĩ nào nói câu gì ấy nhỉ?”
Tôi cười:
“ Thằng Lê Huy Quang – “cứ em mà giã…””
“Phải rồi … cứ… em mà giã…”
“Nhưng ông đã ra khỏi biên chế từ mấy mươi năm nay…”
“Đúng thế, năm 1957 từ Điện Biên trở về, tớ được phân công làm Phó Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Công nghiệp, tớ mới xin gặp đồng chí Tố Hữu báo cáo: “Em xin trả lại các anh chức tước, em đi vẽ đây”. Và thế là tớ đi vẽ… hợp tác xã…”
“Nhưng… nghe nói có thời kỳ ông vẽ toàn tranh trừu tượng…”
“Ừ… thì cũng tại mấy cha “maitre” thế giới vẽ thế thì mình cũng vẽ thử coi. Thế là tớ lên rừng nhập định, vừa vẽ vừa lo ngay ngáy sợ… công an bắt. Vẽ xong rồi mới thấy mình… rởm. Trừu tượng là sản phẩm cuả một xã hội hậu công nghiệp, có đường cao tốc, có công trình kiến trúc vật liệu mới, cấu trúc mới… Mình mới xã hội nông nghiệp lạc hậu, “con cò bay lả bay la…”, trừu tượng thế đéo nào được. Chẳng qua vẽ “người’ khó qúa nên vẽ “ma” để loè thiên hạ đó thôi…”
“Khối bức tranh trừu tượng nội địa bán được cả ngàn đô đấy thôi…”
“Thế cậu tưởng những thằng lắm tiền không dễ bịp à? Mà tụi nó nói làm gì, mua đi bán lại ấy mà. Năm 1985 tớ đi thăm Ba Lan, vào bảo tàng coi hơn 30 bức trừu tượng chẳng nhớ được bức nào. Tay Giám đốc bảo tàng nghệ thuật hiện đại mới hỏi:
“Xin ông Lưu cho biết cảm tưởng về tranh trừu tượng Ba Lan, xin ông nói thực đừng khách sáo. “
Tớ mới bảo:
“Đã vậy tôi xin nói, xem tranh trừu tượng cuả các ông tôi chỉ thấy Kadinsky với Mondrian chứ chẳng thấy các hoạ sĩ Ba Lan đâu…”
Ông Giám đốc gật gù:
“Đồng chí nói có lý, nghệ thuật phải ra đời từ mảnh đất cuả chính nó…”
Từ đó tớ chỉ vẽ cái gì tớ sống. Còn vẽ trừu tượng? Vợ con đéo hiểu gì, triển lãm chẳng ai coi, chỉ mấy anh nhà báo, mấy anh trong nghề tâng bốc nhau, chữ nghĩa đại ngôn rút cuộc dắt nhau vào chỗ “trừu tượng” ngay cái anh được khen cũng chẳng rõ được khen cái gì, anh tâng bốc cũng chẳng biết mình tâng bốc cái gì.”
“Bỏ hẳn mảng trừu tượng, liệu ông có tự làm… nghèo mình đi không?”
“Có một tay vẽ trừu tượng, ông Schneider, nói rằng:
“Con người ta có lúc nhìn thấy những vật “không có tên”, tôi vẽ những cái đó. Riêng Lưu Công Nhân chỉ nhìn thấy toàn những “cái có tên” nên không vẽ trừu tượng là như thế…”
Tôi thở dài:
“Vậy ông thiên về trường phái nào?”
“Qua năm chục năm cầm cọ, xem cả 100 ngàn bức tranh cả trong nước lẫn thế giới, tớ rút ra rằng “chủ nghĩa ấn tượng” mãi mãi sống, mãi mãi tồn tại…”
“Tức là ông muốn nói tới Monet?”
“Không nên bó hẹp như thế, nó là cảm xúc là ấn tượng cuả nghệ sĩ trước hiện thực.”
Tôi cười cười:
“Xem ra bố vẽ hay hơn bố nói…”
Lưu Công Nhân cười ha hả:
“Đúng là như thế… bốc phét là nghề cuả mày. Tao chỉ vẽ thôi…”
Tôi cảm động nhìn đôi bàn tay Lưu Công Nhân. Chứng Parkinson làm run tay run chân quả đã cản trở ông biết bao trong điều hành cây cọ. Ông co ruỗi những ngón tay khô, bực tức:
“Vẽ cũng như múa vậy, phải khổ luyện, có thằng tập khí công để vẽ, có thằng ôm vợ trong tay vẫn cầm cây cọ. Đó là một công việc cực kỳ khó, như cái lá sen kia chẳng hạn, để vẽ được cái lá sen cho ra cái lá sen phải mất cả một đời…”
Dẫu sao tôi cũng mừng cho ông, những bức tranh ông đã vẽ là tặng phẩm xứng đáng cho những nỗ lực vót nhọn đời sống trên ngòi cọ, là những năng lượng không bao giờ bị mất đi, bõ công cho một đời tận tuỵ. Khép lại triển lãm “không gian xanh”, Lưu Công Nhân lại đang chuẩn bị cho những chuyến đi mới, lên Đà Lạt, xuống Hội An, ra HàNội… ông vẫn còn rất tất bật, vẫn còn rất xuân, dẫu rằng đã vào thu cuả trưởng lão…
N. T.
Nguồn: http://nhattuan2011. blogspot. com/2014/07/nhan-gio-co-hoa-si-luu-cong-nhan-21-7. html