Nhật ký Bá Linh (kỳ 2)

Marta Hillers

Trần Vũ lược dịch

clip_image002Một thiếu phụ trẻ sinh sống ở Bá Linh đã viết nhật ký, từ 20 tháng 4-1945 ― khi Hồng quân Sô-Viết áp sát cửa thủ đô ― đến 22 tháng 6-1945, khi thành phố hoàn toàn bị chiếm đóng. Tác giả đã muốn ẩn danh dịp xuất bản sách đầu tiên vào năm 1954 và ngay cả sau đó. Đọc lời chứng, chúng ta hiểu vì sao.

Bằng lối văn khách quan gần như lạnh lùng hoặc châm biếm, luôn rõ ràng, đôi khi xót xa, đôi khi hài hước, tác giả ghi lại đời sống hằng ngày trong một chung cư hầu như đổ nát mà cư dân là những phụ nữ đủ hạng tuổi, cùng những người đàn ông ẩn trốn: Đời sống khốn nạn, trong sợ hãi, lạnh giá, bẩn thỉu và đói ăn, bằm xé bằng pháo kích trước tiên rồi tiếp đến bằng chính sách cai quản tàn bạo. Cộng thêm hãm hiếp, tủi nhục và sự kinh hãi thường nhật.

Chính tính trung thực không son phấn và không úp mở làm nên giá trị của câu chuyện kể khủng khiếp này, vừa là sự tỉnh táo của một cách nhìn phóng chiếu vào một thủ đô Bá Linh chết điếng sau thảm bại. Ngòi bút của tác giả đã hoàn trả tuyệt diệu sự pha trộn giữa phẩm cách với thái độ vô liêm sỉ của con người, trong tính hoạt kê, và có lẽ, cũng chính ngòi bút này đã giúp tác giả sống sót.

[Giới thiệu của Nhà Xuất bản Gallimard]

___________________________

Chủ nhật 22 tháng 4-1945, 1 giờ sáng

Tôi nằm duỗi trên giường, phía bên trên, trong phòng, gió lùa qua những khung kính vỡ, tôi thiu thiu ngủ, hai chân dán chặt vào một viên gạch đã được sưởi nóng suốt nhiều tiếng đồng hồ trên một tia lửa ga yếu ớt. Giấc 20 giờ, bà Lechmann đập cửa: “Xuống ngay, xuống ngay đi, trong lúc này dứt báo động, chưa có còi hụ. Mọi người xuống hết rồi”.

Bước lộn nhào xuống cầu thang. Gót giày nghẽn vào một ngách bậc thang. Tôi sợ chết điếng, chỉ kịp níu lấy tay vịn. Tôi tiếp tục bước xuống, hai đầu gối mềm như bông. Tôi chậm chạp dọ dẫm về phía trước, từng bước một, tim đập mạnh trong hành lang tối tăm tựa trong một lò nướng, cho đến khi tìm thấy cần gạt để mở cửa vào hầm.

Bên trong, khung cảnh hoàn toàn thay đổi. Những kẻ đến đây tức thời tìm chỗ ngủ. Khắp nơi đầy những chăn, gối, ghế dài. Thật khổ sở tôi mới len lỏi đến được chiếc ghế của mình. Máy phát thanh đã tắt lịm, phi trường Tempelhof không còn phát tin. Chiếc đèn dầu phát ra thứ ánh sáng yếu ớt, chập choạng. Một vài quả bom rơi đâu đó rồi tạm yên. Siegismund xuất hiện, như thường khi, đầy lạc quan. Gia đình bán màn cửa Schmidt lắp bắp điều gì đó liên quan đến ngoại ô Bernau và quận Zossen đã bị lính Nga chiếm; Siegismund, ngược lại, tiên đoán sắp đảo ngược tình thế. Chúng tôi tiếp tục ẩn náu ở đây trong lúc thời gian bất động. Tiếng đại bác cứ nối nhau dồn đập, lúc gần, lúc xa. “Đừng trở lên tầng bốn nữa”, bà góa dược sĩ khuyên. Rồi bà cho tôi một chỗ trú trong căn gác nhà bà ở tầng một. Cả hai chúng tôi đã trở lên bằng cầu thang trôn ốc ở phía sau chung cư. (Trước đây là lối đi dành riêng cho người giúp việc và các tài xế giao hàng). Vòng xoáy ốc của cầu thang rất hẹp. Những mảnh vỡ thủy tinh nghiến rào rạo dưới gót giày và gió rít qua những vòm cửa sổ trống hoác. Tôi buông mình xuống trường kỷ, đặt phía ngoài, trong một phòng kề nhà bếp, ngủ liền một mạch hai giờ đồng hồ dưới tấm chăn len ám mùi lạ. Bom rớt gần chung cư lúc cận nửa đêm, làm chúng tôi lại gấp rút trở xuống tầng hầm thêm lần nữa. Đêm thêu bằng những giờ không chấm dứt, tôi quá mệt mỏi để tiếp tục viết nhật ký, ở đây, dưới hầm…

Sáng hôm sau, giấc 10 giờ, trong căn hộ ba phòng của tôi dưới mái ngói. Chúng tôi đã chịu giam dưới hầm đến gần 4 giờ sáng. Sau đó tôi đã một mình leo lên. Tôi tự hâm nóng cho mình một chút súp củ cải đỏ trên lửa ga thoi thóp, gọt vài củ khoai Tây, luộc quả trứng cuối cùng còn sót lại, hay chính xác hơn tôi đã nuốt sống nửa quả trứng, rồi sau đó đã vẩy khắp thân thể mình cặn nước hoa Cologne còn lại. Thật lạ lùng với bao nhiêu thứ mà mình làm kể từ nay cho một lần cuối, nghĩa là lần cuối cùng cho đến lần tới mà mình chưa biết khi nào, mà chắc chắn sẽ còn rất lâu. Từ đâu tôi sẽ có một quả trứng khác? Hoặc nước hoa? Vì thế tôi tận hưởng những khoái cảm này với ý thức rõ ràng về nguyên nhân, bằng sự chú tâm tối đa. Sau đó, tôi để nguyên quần áo vùi mình vào trong giường, và chìm vào giấc ngủ chập chờn đứt quãng những cơn mơ khuấy động.

Bây giờ, tôi phải đi kiếm thực phẩm…

Khi tôi trở về dưới mái nhà, đã 2 giờ chiều. Bên ngoài, trời đổ cơn mưa rào và không còn báo chí gì nữa. Nhưng không thể ngăn đám đông lao đến vào giấc giao báo để nhặt nhạnh những thông tin lề đường, mà chắc chắn còn thâu lượm thêm được từ những tấm bích chương hay trong các bản in đặc biệt. Giờ đây người ta có cả một loại bưu điện truyền khẩu. Mọi thứ đều truyền từ miệng sang tai.

Chính quyền ban đặc ân cho dân chúng bằng các “tạm ứng”, theo cách gọi chánh thức, những tạm ứng thịt, xúc xích, mì, đường, đồ hộp và thế phẩm cà phê. Tôi chôn chân xếp hàng, thật lâu suốt hai tiếng đồng hồ, dưới mưa, để cuối cùng nhận được 250 gam bột, 250 gam yến mạch, hai cân đường, 100 gam thế phẩm cà phê và một hộp củ cải. Hãy còn thiếu thịt và xúc xích, cũng thiếu cả cà phê hạt. Góc hàng thịt, đầy lúc nhúc người. Mỗi bên, những cái đuôi dài vô tận xếp thành hàng bốn, dưới cơn mưa như trút. “Không thể tin được!”. Cái đuôi bên tôi dâng lên những tin tức sôi bỏng: Quân đội Wehrmacht đã triệt thoái khỏi Köpenick, Wünsdorf bị tràn ngập, lính Nga đã áp sát kênh đào Teltow. Nhưng, trước những “chuyện thời sự” như vậy, cánh đàn bà vụt im bặt, không bàn cãi nữa tựa như họ đã ngầm thỏa thuận.

Sau từng ấy bàn tán trong những dẫy đuôi chờ đợi, mà con người không thể tự ngăn mình bị lôi kéo vào, nơi cách diễn đạt thoái hóa dần từ hình thức đến nội dung, và nơi người ta bị chìm vào trong những kích động của đám đông, tôi thấy mình nhầy nhụa và khó chịu. Vậy mà, tôi từ chối tách rời ra khỏi những kích động này, muốn trầm mình vào biển người, cùng chia sẻ những gì kẻ khác phải trải qua, cùng tham dự. Một xung đột nội tại giữa sự cô lập đầy kiêu hãnh của một đời sống đã quen riêng tư cá nhân, với mong muốn được như những người khác, được làm một phần của dân tộc mình, được hứng chịu Lịch Sử.

Có thể ứng xử một cách khác? Chờ đợi, là tất cả những gì con người có thể làm. Cao xạ và pháo binh giằng xé từng ngày của chúng tôi. Lắm lúc, tôi ước muốn mọi chuyện hãy kết thúc, cho xong. Thời kỳ lạ lùng. Con người sống Lịch Sử một cách trực tiếp, những trải nghiệm mà sau này người ta sẽ tôn vinh và hoan ca. Nhưng khi mình chìm đắm vào giữa, thì đầy gánh nặng và kinh hoàng. Lịch Sử nặng nề khi phải mang vác.

Ngày mai, tôi sẽ đi kiếm rau với than đá. Những thức ăn dự trữ khiêm tốn vừa lãnh giúp chúng tôi chống trả với nạn đói. Với tôi, thực phẩm còn gây thêm lo lắng giống như tiền bạc của nhà giàu. Thực phẩm có thể bị dội bom, bị đánh cắp, bị gặm nhấm bởi lũ chuột bọ hoặc rơi vào tay kẻ thù. Cuối cùng tôi nhét hết những thứ lỉnh kỉnh còn sót lại vào một cái rương khác đem xuống hầm. Tôi vẫn còn có thể mang xuống, mang lên, tất cả những gì thuộc về sở hữu trần gian của mình mà chưa quá khó khăn.

Khá muộn vào lúc chạng vạng, khi chiều tà. Tôi lại đến thăm bà Golz. Ông chồng ngồi cạnh, trùm áo choàng và quấn khăn quàng, vì trong phòng lạnh và đầy gió. Cả hai đều câm lặng và tuyệt vọng. Hai vợ chồng không còn hiểu chuyện gì đang diễn ra trên trần thế. Chúng tôi chỉ vừa kịp cất tiếng. Bên ngoài, từng tràng liên thanh không dứt. Đứt quãng, chen vào tiếng nổ vang rền của đại bác phòng không, tương tự như người ta đang đập những tấm thảm khổng lồ căng giữa trời và đất.

Âm vang những loạt đạn pháo dội lại trong sân. Lần đầu tiên, thành ngữ “những tiếng gầm của đại bác” có ý nghĩa, cho đến nay tôi hãy còn đặt chúng ngang cùng tầm với các cụm từ “sức mạnh khổng lồ” hay “gan dạ anh hùng”. Hình tượng thật giễu cợt.

Bên ngoài, mưa rào và giông bão. Trên thềm cửa, tôi dõi mắt nhìn theo những toán lính đi ngang qua. Họ lê từng bước chân, không hiên ngang. Vài quân nhân bước khập khiễng. Trong im lặng, thân ai nấy lo, đám lính cất bước nặng nề và không nhịp chân, về phía trung tâm thủ đô. Gương mặt của những người lính râu ria hốc hác, trên lưng nặng trĩu quân trang.

“Chuyện gì xảy ra? Các anh đi đâu?”. Tôi hét lớn về phía họ.

Không một câu trả lời. Một kẻ càu nhàu điều gì không rõ. Một kẻ khác hô thật to: “Quốc trưởng, hãy ban lệnh. Quân đội phục tùng đến chết”.

Tất cả đều mang nhân dáng hết sức thảm thương, không còn là những người đàn ông trong mắt chúng tôi. Họ thật đáng thương. Không thể trông chờ hay kỳ vọng bất kỳ điều gì ở họ nữa. Những người lính đã mang hình ảnh bại trận của những tù binh. Họ ném vất về phía chúng tôi, những người đang đứng bên vệ đường, ánh mắt vô cảm và ngây dại. Đã quá hiển nhiên, chúng tôi, dân chúng, hay những người dân thường, hoặc những người dân Bá Linh, hay thứ gì đi nữa, đối với họ chẳng có gì khác nhau, đều đáng ghét mà họ không màng đến. Thậm chí tôi còn không tin họ mang mặc cảm xấu hổ về sự thảm hại của chính mình. Toán lính quá mệt mỏi, đến trở nên đần độn. Bạc nhược. Tốt nhất là đừng nên nhìn họ nữa.

Trên các bức tường, các chỉ dẫn cũ kỹ viết bằng phấn, nhằm hướng dẫn các toán quân đến một điểm tập trung, đã bị xóa nhòa phân nửa. Trên thân một cây phong ở ngay đối diện, hai tấm bảng yết thị đóng bằng đinh. Những mẩu giấy bồi ghi lại các thông tin được cẩn thận viết tay xanh đỏ, trên nền tên tuổi của Hitler và Goebbels. Bảng thứ nhất cảnh cáo những kẻ muốn đầu hàng sẽ bị treo cổ hoặc xử tử. Bảng còn lại, với nhãn “Bố cáo cho dân thủ đô”, ra lệnh phải coi chừng những kẻ lạ ngoan cố và kêu gọi mọi người tham gia chiến đấu. Các niêm yết không thật sự gây chú ý. Các dòng chữ viết tay lem nhem thiếu nghiêm cẩn, dân qua đường không ai nhìn thấy, tựa như chúng chỉ là những lời thì thầm.

Vâng, kỹ thuật đã khiến chúng tôi hư hỏng. Không được phục vụ bằng máy chiếu phim hay được thông tin bằng loa phóng thanh là một sự tệ hại đối với chúng tôi. Những bố cáo viết tay hay lệnh lạc thốt ra từ một cá nhân nào đó, cho dù được gào thét khản cổ… liệu có thật đáng tin cậy? Chính vì kỹ thuật đã ngầm phá hoại tác dụng của một diễn văn hay của chữ viết. Những giọng nói không vang lớn mà xuyên thấu, những niêm yết tô màu sặc sỡ, chín mươi lăm cáo trạng đóng khung treo trước cổng nhà thờ ở Wittenberg, trước đây, đã có khả năng phát động những cuộc nổi dậy của công chúng. Ngày nay, chúng tôi muốn kích thước mọi thứ phải to ra, phát vang dội, hay nhân lên bằng các loại máy gia tăng công suất làm tăng cường hiệu quả. Một phụ nữ, đi vòng quanh thông cáo, quan sát rồi kết luận: “Nhìn tấm bảng này, đủ hiểu lính mình đã rớt xuống đáy cùng”.

Trong hầm, 22 giờ khuya. Sau tô súp chiều tối, tôi tự cho phép mình nằm nghỉ một chút trên giường, rồi vội nhào ngay xuống hầm. Đám đông quen thuộc đã có mặt đầy đủ. Hôm nay, không nhiều tiếng súng, tuy tất cả các điều kiện kết hợp cho một cuộc oanh tạc đều hội tụ, đến lúc này vẫn chưa thấy dội bom.

Một thứ cơn sốt hân hoan pha lẫn bồn chồn lan rộng trong đám đông. Hàng tá câu chuyện bắt đầu được truyền đi. Bà W. kêu lên: “Thà chịu cho lính Nga cưỡi lên bụng còn hơn cho lính Mỹ phi trên đầu”. Câu pha trò không mấy hợp với khăn nhiễu đen bà đang để tang. Đến phiên cô Behn la lên trống không: “Nào, các chị phải lương thiện… Không còn nhiều gái trinh ở đây…”. Không ai đáp lại. Tôi tự hỏi, mà quả thật, ai còn có thể như vậy nữa? Tất nhiên là vẫn còn cô con gái út của viên quản gia, cô bé chỉ mới mười sáu tuổi và được giám sát rất kỹ kể từ khi cô chị “sẩy chân”. Và cũng khá chắc chắn, theo như cách tôi quan sát cơ thể của các cô gái trẻ, thì còn Stinchen, cô bé mười tám tuổi đang ngủ gật yên lành ở đầu hầm. Màng trinh nguyên vẹn dường như ít khả tín đối với thiếu nữ mang dáng dấp một cậu trai đã hỏi tôi chị viết gì, lần trước. Nhưng có lẽ đây là một trường hợp riêng rẽ.

Hôm nay, thêm một cô gái nữa vừa đến. Cho đến chiều nay, cô luôn trú ẩn trong hầm công cộng của khu phố, cách đây sáu dãy nhà, vì được tiếng kiên cố. Cô gái này sống một mình trong căn hộ riêng, góa bụa, hay bị bỏ rơi hoặc đã chia tay, tôi còn chưa rõ. Cô gái mang một bết ghẻ lở mưng mủ đang ăn dần khắp má trái. Cô thông báo, ban đầu rất nhỏ, sau lớn dần, là cô nhất định cột chiếc nhẫn cưới của mình vào sợi dây thun quần lót. “Một khi chúng sờ đến đây, nơi cột nhẫn, tôi chẳng còn gì để mất!”. Cả hầm cười toáng. Hơn nữa, với một gương mặt bị lác ăn có thể giúp không bị cưỡng hiếp! Với tình hình lúc này, lác là một ân huệ.

Thứ Hai 23 tháng 4-1945, 9 giờ sáng

Đêm yên tĩnh lạ lùng, gần như không một tiếng pháo. Một cư dân mới xuất hiện trong hầm, chồng của một thiếu phụ bị dội bom ở Adlershof, phải tìm đến nương náu với mẹ. Người chồng bận quân phục, lén lút đến đây, một giờ sau, anh thay quần áo dân sự. Vì sao? Không ai nhắc đến chi tiết này, không ai quan tâm đến người lính vừa rã ngũ. Việc nhìn thấy một chiến binh dày dạn trận mạc trở về từ chiến tuyến, trong lồng phổi còn hô hấp sức mạnh, cho chúng tôi cảm giác an toàn.

Dường như, đối với chúng tôi chuyện đào ngũ đột nhiên trở nên tự nhiên, chúng tôi còn tin là một điều tốt lành. Tôi không thể ngăn mình nghĩ đến ba trăm người lính Sparte thời Léonidas đã chống lại quân Thermopyles và họ đã ngã gục, theo quy luật. Chúng tôi học điều này từ trường lớp và học đường đã ra lệnh cho học sinh phải biết khâm phục. Rất có thể, quanh đây, đang có ba trăm binh sĩ Đức đang chống trả anh dũng. Nhưng chắc chắn không phải là ba triệu. Số lượng càng lớn, sự kết hợp càng bấp bênh, giảm đi khả năng tìm thấy chủ nghĩa anh hùng trong sách giáo khoa. Với chúng tôi, những người đàn bà, chủ nghĩa anh hùng không gây ấn tượng vì chúng tôi được tạo hóa sinh ra như vậy, biết suy nghĩ, cơ hội và thực tế. Chúng tôi ưa những người đàn ông còn sống.

Gần nửa đêm, từ trên ghế tôi xém ngã nhào xuống đất vì mệt lả (tìm đâu ra một chỗ để nằm dài nơi đây?), tôi đành leo lên lầu một, bằng cầu thang xoáy ốc phủ đầy mảnh kính, rồi tôi thả mình mệt nhoài xuống trường kỷ của bà góa dược sĩ, ngủ một giấc đến tận sáu giờ sáng. Sau đó, tôi vô cùng kinh ngạc khi được nghe kể lại là đã có một lúc bom dội liên tục. Vậy mà tôi hoàn toàn không nghe thấy gì trong giấc ngủ.

Ra tiệm bánh mì, tôi tìm được ít bánh mì nhỏ, những chiếc bánh mì cuối cùng. Cũng là những tấm tem phiếu chót cùng. Không còn cấp phiếu lương thực mới. Không còn bất cứ một thứ lệnh lạc nào nữa, không tin tức, không gì hết. Chẳng còn một quan chức khốn nạn nào bận tâm đến chúng tôi. Đột nhiên chúng tôi hóa trở lại thành những cá nhân, và chấm dứt làm công dân. Tất cả những mối dây quan hệ đều vụt gián đoạn giữa những bạn thân hay giữa các đồng nghiệp, vì bị chia cắt bởi khoảng không gian mà đôi khi không hề vượt quá ba ngôi nhà. Con người sống trong hang, nguyên cả gia đình, như thời kỳ tiền sử. Phạm vi chân trời thâu gọn chưa đầy trăm bước chân.

Ở tiệm bánh mì, tôi nghe phong phanh giờ đây lính Nga đã vào sát huyện Weissensee và vùng hồ Rangsdorf, ngoại thành phía Nam Bá Linh. Tôi thường tắm ở bãi Rangsdorf. Tôi thử một kinh nghiệm bằng cách phát âm thật lớn: “Lính Nga đã chiếm Rangsdorf”. Không gì xảy ra, âm vang tồi. Hôm nay ở phía Đông, bầu trời đỏ rực lửa, những đám cháy lan bất tận.

13 giờ, tôi trở về từ chỗ lấy than. Tôi đi về hướng Nam mà chắc chắn là về phía giao tranh. Hầm xe điện đã bị chặn lại. Đám người ở lối vào hô hoán là ở đầu bên kia treo xác một người lính bị thắt cổ, mặc quần đùi, chung quanh cổ đeo một tấm bảng ghi “phản bội”. Người lính bị treo cổ thấp đến độ công chúng có thể chụp lấy chân rồi đẩy đưa cho thi thể xoay vòng. Một người nhìn thấy sự việc tận mắt kể lại. Cũng chính người này đã xô đuổi những kẻ mất dạy đang đùa nghịch làm múa may xác chết.

Đại lộ Bá Linh vắng tanh, phân nửa vỡ nát và rào chặn tứ phía. Nhiều dẫy đuôi người nối nhau trước các cửa hàng. Những gương mặt ngây dại dưới tiếng ầm ào của pháo. Nhiều xe tải chạy về phía trung tâm thành phố. Đằng sau lê lết những bóng dáng bẩn thỉu, đầy sình bùn, quấn bông băng rách rưới, những nét mặt vô hồn… Một đoàn xe thổ mộ chứa cỏ khô. Trên thành xe tựa những mái đầu bạc xám. Đến những chỗ bị chặn lại, dân phòng Volkssturm canh gác trong quân phục nối bằng nhiều khúc vải đủ màu. Ở trạm kiểm soát là những toán lính trẻ măng đến kinh hãi, những khuôn mặt trắng sữa đội những chiếc nón sắt mười phần lớn hơn đầu, giọng nói của chúng trong trẻo phát sợ. Đám lính nhiều nhất chừng mười lăm tuổi, dáng dấp mảnh khảnh và gầy ốm trong bộ đồ trận rộng thùng thình.

Làm sao không tức giận trước kiểu hủy diệt tuổi trẻ như thế này? Chỉ cần những đứa trẻ già thêm ba hay bốn tuổi nữa là chẳng còn ai thấy chướng mắt, mặc cho chúng bắn giết hoặc bị bắn đến rách nát. Biên giới ở đâu? Ở nơi tiếng nói câm nín? Vì trong ký ức của tôi, điều làm tôi đau đớn nhất, chính là âm sắc cao và thanh âm trong vắt phát ra từ giọng nói của những đứa bé đáng thương này. Cho đến tận lúc này, lính tráng có nghĩa là đàn ông. Và là đàn ông truyền giống. Giao những đứa bé cho thần chết hái đi trước khi chúng kịp chín muồi là vi phạm một quy luật thiên nhiên nào đó, là tác hại đến bản năng, phải, là đi ngược lại bản năng bảo tồn của chủng loài. Giống như loài cá ăn trứng của mình vừa sản sinh, hay loài côn trùng ăn chính ấu trùng của mình vừa sinh ra. Điều này không được quyền tồn tại nơi loài người. Nhưng điều này đang hiện diện, chính là triệu chứng hiển nhiên về sự suy đồi trí tuệ.

Ở nhà xuất bản, lúc này vắng ngắt không một bóng nhân viên, các tầng hầm vẫn còn đầy than. Thiếu phụ bị trúng bom, đã được đưa xuống tầng hầm, hỏi tôi dồn dập để biết tình cảnh nào đang chờ đợi chúng tôi. Hình như cô con gái lớn của bà, mẹ một bé con được tám tuần, từ hôm qua đã không còn sữa. Bất thình lình, cô gái không còn khả năng cho con bú, và đứa bé đang gào thét. Vì không còn tìm thấy sữa bò ở bất kỳ đâu khác, mọi người đều đang lo lắng không biết bằng cách nào có thể cầm hơi cho đứa bé. Tôi đề nghị người mẹ trẻ thử các loại rau dại. Như thế biết đâu có thể giúp cho sữa trở lại. Cùng nhau, tất cả mọi người đi tìm các loại rau trong vườn còn ẩm nước mưa, rồi với những bàn tay quấn khăn, chúng tôi hái loại rau tầm ma non mọc leo trên tường. Thêm vào nữa là lá bồ công anh, đó là tất cả những gì chúng tôi còn có thể tìm được. Hương cỏ thơm cùng với hương đất ẩm, cây ngọc trâm, những bụi nở hoa, sắc đỏ, báo hiệu mùa xuân. Nhưng tiếng đại bác vẫn cùng lúc vang rền.

Tôi chất đầy than đá vào túi đeo vai, tôi mang dễ đến 25 ký lô. Sức nặng không ngăn tôi vượt qua mặt một toán lính trên đường về. Nhờ vậy, đây là lần đầu tiên từ nhiều ngày qua tôi có cơ hội trông thấy lại nhiều loại vũ khí: hai súng phóng hỏa tiễn, một súng máy, và những thùng đạn dược. Những người lính trẻ quấn dây đạn quanh thắt lưng tựa một thứ trang sức tàn bạo.

Khoảng giữa trưa, có một đám ma trên đường, tôi nghe nói bà góa dược sĩ đi đưa tang. Một thiếu nữ mười bảy tuổi bị một mảnh pháo nổ, cắt đứt lìa một chân, chảy máu đến chết. Bố mẹ cô gái chôn con mình trong vườn nhà, sau một cây lý chua. Họ dùng tủ đựng chổi chà thay thế áo quan.

Vậy là, giờ đây, chúng tôi có quyền chôn cất người chết nơi nào chúng tôi muốn, giống như ở thời tiền sử. Chuyện này làm tôi nhớ lại một lần, có một con chó mõm bẹt lớn chết trong tòa nhà nơi tôi ở trước kia, và cuối cùng thì nó đã được chôn trong vườn. Nhưng để chôn được con chó là cả một vấn đề! Chủ nhà, quản gia, người ở thuê: mọi người đều chống đối. Còn đằng này, là một con người mà không ai thấy có gì để phản đối, tôi tin là với bố mẹ cô gái, khoảng cách gần gũi này là một điều an ủi. Bất giác, tôi hình dung là có thể lấp đầy khu vườn bé nhỏ giữa các ngôi nhà của chúng tôi bằng những nấm mồ.

16 giờ, trong gác lửng. Tôi vừa trải qua một chuyện phi thường. Tôi đến thăm bà Golz để nâng đỡ tinh thần bà và, để giải khuây, tôi mầy mò điện thoại. Ngạc nhiên xiết bao khi tôi nghe tiếng sóng điện thoại, chuyện không hề xảy ra từ bao lâu nay. Tôi quay số Gisela… và cô ấy trả lời, cô ấy hiện ở cách đây một giờ xe, về hướng Tây Bá Linh. Nói chuyện đủ thứ, chúng tôi nói hoài không dứt. Công ty nơi Gisela làm việc đã dẹp tiệm giống như thải nước hấp dồi. Chủ hãng đã căng buồm về phía Tây dông mất, bỏ rơi hết nhân viên sau lời chia tay nồng ấm. Mọi người lãng quên chúng tôi. Lo lắng, chúng tôi vểnh tai nghe ngóng, chỉ là hư không, chúng tôi thật cô đơn.

Qua điện thoại, Gisela tâm sự là cô sắp bằng tuổi cha lúc ông chết trận ở Verdun, trong Thế chiến Thứ Nhất. Cô chưa bao giờ gặp người đàn ông này, dù là cha. Cô thú nhận, dạo gần đây, cô không thể ngăn mình thường xuyên nghĩ về cha, cô hàn huyên với ông trong suy nghĩ, giống như sắp đến lượt cô ra đi và cô sắp được gặp lại cha. Trước đây chưa bao giờ chúng tôi đề cập đến những đề tài như thế, chúng tôi sẽ rất xấu hổ nếu phải phơi trần lòng mình. Nhưng bây giờ, những điều tiềm ẩn từ trong sâu kín con người tràn ra ngoài. Vĩnh biệt Gisela, cả hai chúng ta đều đã hưởng dương ba mươi năm, biết đâu sẽ chẳng gặp lại một ngày, lành lặn và sống sót.

Tôi lại ở đây, trong căn hầm-hang động của chúng tôi, thứ Hai, 20 giờ. Tối nay, lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng đạn trọng pháo chạm đích, rơi ngay góc đường. Xẹt qua, rít lên, rồi nổ tung. Lửa nháng lên khắp nơi. Những tiếng thét hãi hùng trong sân. Tôi gần như vấp ngã mỗi bước chân khi xuống thang, đến tầng chệt tôi nghe tri hô, pháo rớt ngay trước rạp hát. Kẻ thù đang ném toàn bộ đạn pháo vào chúng tôi. Lại có thông tin truyền nhau là lính Nga chỉ tập trung pháo kích. Mọi người bắt đầu nghi ngại không lực Hoa Kỳ sẽ trải thảm bom, phải nói là kinh hãi ― lính Mỹ đúng ra đã phải vào Bá Linh giao tiếp với quân Nga.

Một tin đồn khác lưu truyền trong hầm. Vợ lão chế rượu mùi khẳng quyết nguồn tin cực chính xác và cực bí mật, loan báo khơi khơi với bộ ngực nhô lên sau mỗi câu: Lính Anh đã giao tranh với lính Nga, Đồng Minh phía Tây muốn liên kết với Đức trục xuất Nga ra khỏi xứ. Nhiều tiếng cười khẩy rồi tranh cãi dữ dội. Bà chế rượu bị xúc phạm nặng nên bà phun ra ngay những lời thóa mạ bằng giọng mũi vùng Sachsen. Chỉ đến hôm qua bà mới rời khỏi xưởng rượu (khá nhỏ), nằm phía sau khu mua sắm ở quảng trường Moritzplatz, nơi bà qua đêm với chồng trước khi về lại nhà rồi nhập vào với nhóm chúng tôi trong hầm, chiếm lại vị trí của bà. Điều mà mọi người ở đây đều biết, là lão chế rượu mùi thích ở gần các chai lọ và nồi chưng cất hơn, vì được ở gần con bé tóc hung tên Elvira.

Mặt khác, việc đăng ký thực phẩm vẫn tiếp tục. Ngay trước lúc đóng cửa hàng, tôi còn lãnh được 150 gam bột báng. Đột nhiên, những tiếng la rồi những bước chân chạy đôn đáo làm rộn cả góc đường: ở tiệm Bolle, một chiếc xe tải đang xuống hàng, người ta vận chuyển vào trong tiệm hằng mấy tấn bơ hôi dầu với ý định sẽ phân phối. Một cân cho mỗi đầu người, đặc biệt: phân phát miễn phí, thật đáng lo ngại! Tất cả những gì họ làm là chỉ để đóng một con dấu lên phiếu lương của chúng tôi. Có phải là dấu hiệu đầu tiên của sự hoảng loạn? Hay có một nét sáng suốt nào mà tôi không nhận ra từ phía chính quyền? Chỉ trong nháy mắt, đám đông tụ tập ngay trước cửa hàng, đánh nhau bằng nắm tay và bằng cả dù. Tôi cũng chen lấn vài phút vào đám đông đang giành giật, chộp bắt trong lúc xô đẩy vài thông tin liên quan đến những đơn vị dự bị, quân tiếp viện với thiết giáp sẽ đến giải vây mà không rõ từ đâu… Một phụ nữ khẳng định đã nghe một bản tin tương tự, đêm hôm trước, trên máy phát thanh. Ngay sau đó tôi đã bỏ lại miếng bơ, không cần thiết phải đấm đá nhau chỉ vì thế. Ít ra chưa nên. Có lẽ tôi sẽ phải tập nay mai.

Đêm yên lành. Xa xa tiếng súng không dứt. Hôm nay, đám dân bé nhỏ trong hầm của tôi mệt nhừ. Không một tiếng động, không một lời nói. Chỉ có tiếng ngáy và tiếng thở của những đứa bé con buông những tiếng kêu nhỏ trong giấc ngủ say.

Thứ Ba 24 tháng 4-1945, buổi trưa

[…]

14 giờ. Mặt trời vừa ló dạng. Dại dột làm sao! Tôi lao ra lan can trông xuống sân, thả mình xuống ghế bành bằng mây để tắm nắng và sưởi ấm mình một lúc. Cho đến khi một tràng đạn rít qua đầu. Tiếng nổ liên tiếp. Tôi đã quên bẵng đi đang chiến tranh. Vả lại, đầu óc tôi trống rỗng kỳ quặc… Khi viết những dòng chữ này, tôi đã giật thót mình, vì đạn ghim ngay sát cạnh làm một tấm kính vỡ toang. Cơn đói lại dầy vò tôi thêm một lần nữa mặc dầu dạ dầy còn đầy. Tôi có nhu cầu khẩn cấp phải nhai một thứ gì đó. Làm sao hài nhi vừa sinh ra có thể cầm hơi lúc này khi thiếu sữa? Hôm qua trong lúc xếp hàng, mọi người bàn tán về nạn tử vong của những trẻ sơ sinh và một bà lão đã khuyên nên thay sữa đã cạn bằng bánh mì nhai dập cho nhuyễn, thấm thật nhiều nước miếng.

[…]

Thứ Tư 25 tháng 4-1945, buổi chiều

[…]

“Con người đều là những con lừa đực và những con lừa cái phải mang trên mình những gánh nặng”. (Nietzsche, thì phải).

[…]

Marta Hillers, 1945

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Vũ

_______________

Ghi chú của người dịch: Trích đoạn nhật ký Eine Frau in Berlin của Marta Hillers, lược dịch từ bản dịch Pháp văn Une femme à Berlin, Journal 20 avril – 22 juin 1945 của Françoise Wuilmart, Nxb Gallimard 2009, với lời tựa của Hans Magnus Enzensberger và lời bạt của Kurk W. Marek. Sách dày 394 trang. Năm 2008, đạo diễn Max Färberböck quay thành phim cùng tựa do Nina Hoss thủ diễn vai chánh.

Comments are closed.