Nhật ký chiến tranh (kỳ 9)

Vương Trí Nhàn

HÀ TĨNH – NGHỆ AN = THANH HÓA

26/8

Kỳ Thượng. Một cậu bộ đội nói với hai đứa trẻ từ miền Trung Trung bộ ra:

– Không có cách mạng, chắc gì chú cháu mình đã gặp nhau ở đây phải không mày. Chúng mày ra Bắc cố học, rồi đi đánh nhau thay chúng tao.

Một người lính Hà Nội mới vào kể chúng em được huấn luyện có ba tháng, cứ chơi bời đi về luôn, có thằng tập chưa được một tháng.

Hà Nội không có điện. Mỗi khu phố một ngày điện sáng trong một tuần. Công nhân đi đắp đê cả.

27/8

Đức Lạc. Thật là một điều tôi không muốn tí nào: tôi đã nghĩ không hay về những đám đông và muốn tránh những đám đông – một đám người ô hợp kinh khủng. Rất khó tìm được một sự tự nguyện sống có văn hoá, sống có tri thức.

Càng ngày, tôi càng thấy rõ, những người lính trẻ của chúng ta thiếu một điều kiện căn bản này – thiếu giáo dục trước khi vào bộ đội. Rất nhiều cậu đã có dáng dấp một chiến binh thành thạo, trước khi trở thành người. Và hình như vào bộ đội cái khuynh hướng chưa thành người đó càng phát triển.

Y hệt cuộc chiến tranh lần trước, một lực lượng dân công khổng lồ được huy động trong chiến tranh. Xem một đám đông tụ tập, tôi chợt nghĩ sao người của chúng ta nói nhiều làm vậy? Và người ta còn làm dáng. Có những người, khi mặc bộ quần áo mới, là cảm thấy bước vào cách mạng. Chính họ không ngờ đang đi giữa cõi sống và cõi chết.

28/8

Những đứa trẻ con liệt sĩ, những đứa trẻ đi theo đường giao liên từ Quảng Ngãi Phú Yên ra – lại là những đứa trẻ rất hư. Chúng nó chạy loăng quăng trong hàng quân xin thuốc. Chúng nó cũng chửi giao liên như bộ đội, chửi luôn mồm, và một lần, tôi đã chứng kiến một thằng bé chửi vào mặt một người lính khi anh chiến sĩ này lên mặt dạy đứa trẻ khác. Những người ở chiến trường về, lại dễ bị nhiễm các loại tệ nạn mà người ta tưởng chỉ có ở Hà Nội.

Những đứa trẻ bao giờ cũng là hình ảnh của những người lớn.

Không gì quý cho bằng sự giáo dục của cha mẹ, đối với những đứa trẻ.

Những ông già thích nghe đài. Một ông già ở Cự Nẫm kể: Nó họp với mình ở Pa di. Có 2 nước không muốn hop. Mình bảo: Anh không họp mời anh về. (Cụ nghe hội nghị Georgetown ra hội nghị Paris)

Chính trị lôi cuốn mỗi con người dân tộc tôi, cũng như các dân tộc khác. Cả thế giới sống như vậy. Nhưng trình độ kinh tế nước tôi đã đủ để mọi người sống vậy đâu.

Văn Thảo Nguyên:  Đất trời của mình mà cứ chui rúc như một bọn ăn trộm.

Nhàn: Tôi luôn cảm thấy bị đe doạ. Việc đi trên đường luôn luôn là bị đe doạ.

Trần Anh Vinh: Bởi anh coi mình đặc biệt hơn mọi người thì anh mới có ý nghĩ đó; còn như anh xem, tất cả mọi người đều đang bị đe doạ như anh thôi.

Tôi đang đi trên con đường giao liên vĩ đại trên đó, theo chiều chảy ngược từ nam ra bắc. Ở đây, có ít nhất mấy hạng người.

– Những cán bộ ưu tú đi học ngay trong chiến tranh

– Những kẻ đào lạc ngũ

– Tốp trẻ con đi bộ từ Khu 5 ra

– Và một ít nhà báo.

Tất cả là một đoàn người hẩu lốn, lúc nào cũng nhao nhao lên đòi ăn, đòi uống, tính chuyện mua đài để nghe nhạc, mua thức ăn, ăn thêm. Người nào cũng sống vì những mục đích lớn lao, nhưng lại hết sức thiển cận, vụ lợi trong những mục đích cụ thể và suy cho cùng là chỉ biết có mình, biết công việc của mình một cách rất là bị động, bó buộc.
Bước đi của người ta nhích tới một cách chậm chạp, cả đoàn người nhích tới quá chậm chạp. Nhưng tôi không biết nói với mọi người làm sao.

Cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến tranh hậu cần, và bên phía chúng ta, chiến tranh hậu cần với nghĩa một đống người chỉ có việc lo ăn lo mặc cho đám ít hơn đi trận mạc,  cả hai chỉ vừa đủ để mà sống lè tè sát mặt đất, và tất cả là cầm chừng.

Tôi hiểu ý nghĩa cao cả của sự hy sinh, nhưng sao vẫn luôn luôn cuộn lên trong đầu cái ý nghĩ ngược lại, giá đừng hy sinh thì hơn. Những người con trai của mọi miền quê tự nhiên họp thành một bọn đi dọc đất nước, và sống tạm bợ, vì những mục đích ai cũng bảo là vĩ đại, nhưng với họ đang là không đâu vào đâu…

Kẻ thù đã đẩy chúng ta vào một cái thế cùng cực. Tại kẻ thù thôi, người ta chỉ cho phép chúng tôi nghĩ thế. Nhưng tôi muốn thêm vào, suy cho cùng cũng tại ta, mà có khi chủ yếu là tại ta. Điều chắc chắn nhất – cùng cực quá.

Văn Thảo Nguyên kể một chuyện ngoài lề. Cách dạy con của loài cò lạ lắm. Khi cò con sắp sửa tập bay, cò bố cò mẹ sắp cả bọn thành hàng rồi lần lượt đá chúng khỏi tổ để chúng rơi từ ngọn cây xuống đất. Con nào bay được thì sống. Còn nào yếu thì chết ngay lập tức.

28/8

Đức Tân.  Hầu như ngày nào đám người hay loay hoay nghĩ ngợi chúng tôi cũng bàn ít nhiều về những chuyện thế giới. Bàn để mà chẳng biết thế nào là đúng, lúc nghĩ thế này lúc thế khác. Ví dụ như với việc Nixon tới Moskva năm nay. Lúc đầu tôi hơi bàng quan. Việc đâu đâu, ai có lý của người ấy. Nhưng rồi tôi cũng nói như mọi người, người ta đã phản bội chúng ta bán rẻ chúng ta, phá hoại một cách độc ác. Bởi không thể nghĩ khác được.

          Có phải chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa quốc gia (quốc gia ở đây giống như một cá nhân trong khái niệm cá nhân chủ nghĩa –  tạm gọi như vậy) đang và sẽ còn thống trị thế giới? Có phải thế giới bắt đầu phản loạn, vụ lợi?  Nhưng chẳng nhẽ chỉ có nước tôi là tốt – cũng như ở đời chỉ có những kẻ khổ sở điêu đứng là sẵn lòng tốt?

Nhiều lúc tôi đã chán ngắt vì sự đơn điệu của xứ sở.

Nhưng tôi cũng sợ mọi sự lộn xộn, mọi kiểu lộn xộn thấy ở các nước khác.

Có vấn đề communism như một đường lối, như cách mà các dân tộc phải đi theo, trong việc kiến tạo đất nước, lý giải sự phát triển đất nước đi lên. Lại còn communism như nhân sinh quan, như quan niệm sống, triết lý sống của cá nhân – và do đó, những vấn đề đạo đức.Người nước tôi đang làm đúng những điều trên chăng? Communism là gì?

Phải bất hạnh của tôi là biết quá ít những điều cần biết và biết quá nhiều những điều không đáng biết?

30/8

Nam Đàn. Một người phụ nữ kể nghe nói anh hùng Lê Mã Lương đi qua đây. Mấy người ngồi quán nói vậy. Có đúng anh Lê Mã Lương là thế không thì chẳng biết; nhưng trẻ con ở trường phải học; học thông thì gọi đi bộ đội là phải giơ tay, – chị phụ nữ kết luận.

… Đi trên đường Đức Thọ – Nam Đàn. Nhiều cái nhìn đằm thắm của các cụ, các mẹ các bác chèo đò. Một chị cùng xuống đò bảo bây giờ khổ nhất thì là bộ đội thôi. Những cảnh có thể rơi nước mắt  – mấy đứa trẻ hí hửng đeo ba lô, đội mũ bộ đội, đeo hộ một quãng mặt đỏ lên, nhưng cười reo vẻ thoả mãn. Một người phụ nữ gánh phân bảo: “Nậy lên (tức lớn lên) là đi bộ đội đấy.”

Các chú đi mấy năm giờ ra đây?  Liền sau câu ấy, rất nhiều bà cụ hỏi thăm con cái. Rồi cụ kể con cụ mấy năm rồi chưa được ra. Một cụ khác kể thằng con tôi ra, nhưng bây giờ ốm, có làm chi được. Đạn vào phổi… Toàn nằm bên trạm.

Có những bà cụ nhầm tôi với một đứa cháu.

… Trạm giao liên vượt qua sông Lam mà bốn năm trước, mùa hè 1968 tôi đã từng ghé mấy ngày. Chợt nhận ra cái bến đò, mấy cây lộc vừng, từ đó nhìn sang Rú Chéc. Nhưng mà hầu hết cán bộ cũ đã thay đổi. Bao nhiêu đoàn người đi qua mà cảnh vật vẫn như vậy.

Đám đông lính và cán bộ được cho ra hậu phương. Đi như kéo lê trên đường, nói tục, nói bậy, nhênh nhang, luộm thuộm. Một cậu hút thuốc lào. Một cậu khác đứng lên chửi. Có một gã đứng ra nhận lấy phần việc mà nhiều người muốn nhưng không dám làm  là chửi tất cả những thằng hút thuốc lào trên đường, hắn chửi nhiều đến nỗi người ta phát ngượng lên được.

Những đêm trời mưa thì cái cảnh bệ rạc mới thật là trọn vẹn. Người ta đạp trên đất, và đất thì cố không chịu, cứ lôi người ta trơn tuột đi mà lại cũng không được nữa. Đám đông lính tráng đùa nghịch trêu chọc nhau ầm ỹ vô lối đến nỗi chính những kẻ luôn luôn tỏ ra hiểu biết, luôn luôn ca ngợi nhân dân vĩ đại, quần chúng là tốt – như các nhà thơ đồng hành với tôi – rồi rút cục cũng chửi toáng cả lên và không muốn đi với đám đông nữa.

–Ối các ông ơi, bớt cãi cọ cho bà con nhờ.

–Đi làm ban ngày còn mệt, cho các cụ trong làng nghỉ một tí…

… Hai năm 1961-63 tôi học đại học Sư phạm Vinh. Trên mảnh đất lưu vực sông La và sông Lam tôi đi qua hồi ấy, gặp người già nào, cũng có thể tưởng tượng họ từng ở tù năm 1930-31; gặp đứa trẻ nào cũng nghĩ sau này nó sẽ thành một tay cán bộ nhà nghiên cứu, nhảy lên đầu mình, và quả thật giỏi hơn mình.

Nhưng nơi đây, hôm nay, cũng như đồng bằng Bắc bộ, lại thấy những cụ già lùi lũi đi chăn trâu, những ngôi nhà chật hẹp, nhà nọ liền sân nhà kia, người ta sống chen chúc, bẩn thỉu. Những người già tuổi bố tôi ở nhà, các cô tôi, những khu nhà bẩn như khu Thụy Khuê bên sông Tô Lịch nhà tôi ngoài Hà Nội, bây giờ quanh tôi có cả.

… Chính người phương tây, qua miệng A. Moravia, đã nói ngược lại phương Đông là ngược lại thời gian. Một người như Phạm Văn Đồng cũng đã nói quy luật của chúng ta khác quan niệm của Anh Mỹ – ở đây không thể áp dụng được những nguyên tắc của nền dân chủ Tây Âu được.

Như vậy một người như tôi dứt khoát là trở nên lạc lõng. Tôi đã hấp thu những đòi hỏi ở đâu đâu kia. Còn như ở đây, thì cái cách làm của người ta trong việc sách động số đông, là thích hợp hơn cả.

Quần chúng như một con sông, một cái hồ đầy nước, chứ không phải một rừng cây mà mỗi cây là một thực thể độc lập (chỉ có ở phương Tây mới có thứ quần chúng kiểu hiện đại như vậy!)

Rút cục, mọi sự gắng gỏi nhìn lại hiện tượng đặt lại vấn đề đều là vô bổ, thậm chí chuốc lấy phiền phức.

Ở đây, gần như không có cái cá nhân chủ động, cái cá nhân suy nghĩ. Ngay cả những người đóng vai trò dắt dẫn cũng chỉ có cái cá nhân ăn, ở, nói năng đùa bỡn… – còn cái cá nhân viết, nói, thay đổi, dám là mình – cá nhân đó cũng đã không có.

Ở đây, người ta phải nhắm mắt mà làm, và vụ lợi thế nào cho khéo léo thì tha hồ vụ lợi, không có việc gì phải ngần ngại cả.

Ở đây, người ta chỉ có quyền sống một cách tình cảm mà không có quyền sống một cách trí tuệ.

Mày có cố gắng lắm thì mày chỉ trở thành một con người lạc lõng ở xứ Đông phương này, hỡi kẻ ham suy nghĩ.

Mà cựa quậy, mà dám tìm tới một cuộc sống cá nhân độc lập, thì mày sẽ bị nghiền nát.

Trước mắt tôi, chưa thấy một cá nhân nào phiêu lưu mà thành công cả. Vậy thì những kẻ ngoại hạng, những thành phần ưu tú ở đông phương này sống bằng cách gì? Tôi cũng chưa hay.

31/8

Lại đi trên đường giao liên, y như trở lại cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại. Toàn những thứ quen, quen bom đạn, quen cách đi đứng, quen cách giải quyết công việc. Vậy mà vì quen nên thấy ngại – thấy mọi thứ, sau bốn năm cũng vẫn là như vậy, dù có vào cái thế ổn định hơn, thì vẫn cứ là chiến tranh.

Rất nhiều người hỏi bộ đội chúng tôi một câu hỏi cực lòng: Bao giờ thì hết đánh nhau. Bao giờ thì bình thì trở lại, bình thì một chút, không – bình thì hẳn cơ.

Và như người ta thường tự nhủ, lúc ấy không những thấy đã hy sinh nhiều quá, mà cũng dễ nhận rằng dân tộc mình vẫn còn làm được quá ít. Có đáng chờ đợi là những điều sẽ đến ngày mai?

… Ngay sau khi tính nhìn sang các nước khác, để mà tính chuyện nước mình, nhiều người nghĩ ngay rằng nước mình sống theo những quy luật khác.

Tôi thì tôi chưa chắc đã có cái biệt lệ ấy. Vấn đề là quy luật sẽ chi phối theo kiểu nào, thế thôi.

Có nhiều người hối tiếc những ngày cái gọi lời thời hoàng kim cũ. Ví như thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa quốc tế vô sản – cụ thể là cái thời gắn liền với tên tuổi Stalin chẳng hạn. Tôi chỉ dè dặt bảo tôi không biết. Rồi tôi nêu ra một vài dẫn chứng, chứng tỏ sự thực không hoàn toàn như họ hiểu. Lịch sử theo người ta tuyên truyền là như vậy, nhưng lịch sử như người ta cần phải biết thì chưa chắc là như vậy – tôi nói tiếp. Có lẽ phải hoài nghi thôi, thứ lịch sử mà người ta cho số đông biết ấy. Cũng như hoài nghi rằng ngày mai chưa chắc đã tốt đẹp vậy mà vẫn quả quyết sống với nó.

  Quả tôi sống những ngày đen tối lắm

… Thời buổi gì mà nói đến cỏ cây cũng là tội lỗi.

Nhớ đến Brecht. Cái phải vươn tới là những khái quát đúng cho cả thời đại.

1/9

Bắc sông Lam – Nam Đàn. Những buổi chiều của thời chiến, những buổi chiều bắt đầu của những chuyến đi. Buổi sớm khởi hành không có nghiã là mọi thứ tốt đẹp. Nhưng dẫu sao người ta sẽ được sống trong những thời khắc sáng sủa, nhìn vào khốn khó trên đường một cách rõ ràng. Còn như ban đêm mịt mù… Đường gì mà cứ tối mãi…Và những thách thức thì đến một cách lén lút, và người ta bơ vơ biết làm thế nào để đi tiếp bây giờ!

Tôi buồn cả một buổi tối sau khi ra đứng ở đầu đường, nghe quân vào và quân ra. Nhớ một ý của mình: sao mà những người con trai con gái của những miền quê khác nhau lại cùng quy tụ cả ở đây? Sao người ta lại cùng ăn mặc như vậy, đi đứng như vậy? Những mặt lính đi ra mệt mỏi. Những mặt lính đi vào ngơ ngác. Không thể nghĩ rằng những người này sẽ chết nay mai. Nhưng vẫn cứ phải nghĩ rằng khá nhiều người không trở về, những người thanh niên tinh anh rất mực này.

Thuận một người lính, bảo chúng tôi cũng thường bàn nhau chứ, bàn nhau rằng bao giờ khỏi phải đi vào những buổi chiều thế này. Cha mẹ ở nhà cũng hỏi. Nghe con đi ra mà cũng lo, vì đường đi ra gian nan quá!

Và Thuận nói tiếp một cái ý mà tôi cũng từng có lúc nghĩ, bao giờ hình dung cái ngày thay đổi ấy, cũng đoán nó đến nó rất bất ngờ, một sáng trở dậy chợt nghe vậy.

Tôi nói thêm cũng có nghĩa là mong nó đến bất cứ lúc nào, càng sớm càng tốt. Nó có đến cái thời khắc sớm nhất, thì mình cũng đã thấy là muộn quá rồi.

Comments are closed.