Nhảy múa để chết (kỳ 7)

Tiểu thuyết

Nguyễn Viện

Cô ấy cười nói như tiếng thủy tinh vỡ

Tôi tháo chiếc khăn quàng ra khỏi cổ và kéo áo trượt xuống khỏi vai cô. Nhìn ngắm đôi vai trần thon thả của cô, tôi nói cảm giác về sự sa ngã lúc nào cũng lạ, mặc dù nó mang tính tông truyền. Dường như với mỗi người đàn ông, sự sa ngã nào cũng là lần đầu. Cô ấy cười bảo, anh xạo quá. Đàn ông lúc nào cũng màu mè và giả dối. Em không tin anh. Em thích sự hung bạo chân thật. Thi sĩ là bọn dỏm nhất trần đời. Trí thức là bọn đáng khinh bỉ không có đối tượng để so sánh.

Chẳng có điều gì quan trọng

Anh là đồ heo nọc. Em là đồ đĩ ngựa. Anh là đồ chó má. Em là con điếm non. Trên đám mây hoàng hôn, viền ánh sáng rạng ngời. Hắn đã trồi lên khỏi mặt nước và nhìn ngắm đám mây xa lạ. Khoảng trống trên đầu hắn vỡ ra từng mảng loang lổ, hắn quơ tay vào khoảng trống và đụng vào những miếng thủy tinh vỡ. Cô nói, hiếp em đi.

Ngay cả những giấc mơ cũng biến khỏi hắn

Trong đầu hắn chỉ còn những tấm màn buông rủ của một sân khấu đã đóng cửa. Và từng chỗ trong đầu hắn bắt đầu lên men. Sự thầm lặng ủ ê cùng bóng tối làm mờ dần cả ký ức, hắn đang bị xóa nhòa và đó là một quá trình có vẻ như tất yếu. Hắn không còn một chút ý thức nào để kháng cự. Nhưng chắc chắn là hắn không chết, hắn vẫn hiện hữu nhưng không sống. Sự lên men làm biến đổi hắn thành một thực tại khác.

Thật sự thì cô đang hiếp hắn. Cô ngồi trên người hắn và dấn sâu vào khoảng không giữa háng một hoang tưởng dâm loạn với cả thế giới. Cũng có một sự thật khác là cô vẫn giải quyết chuyện đó một mình trong phòng tắm với mọi thứ chai lọ mà cô có. Cô nói, cũng không khác những người đàn ông đi ngang đời cô.

Hắn nghĩ đã tìm thấy người đàn bà của mình

Cô khẳng định rằng có hắn hay không có hắn cũng không có gì quan trọng. Bởi vì có hắn cũng không vui gì hơn, mà không có hắn thì cô ngủ với người khác hoặc những thứ chai lọ linh tinh. Có một cô gái đâm bổ vào đời cô và tuyên xưng trên blog của mình rằng cô chính là chồng của cô ta. Cô thấy cũng hay hay và không hề cải chính. Làm chồng một cô gái chính là một thứ nữ quyền khả dĩ cho phép cô bình đẳng tuyệt đối trong quan hệ xã hội. Nhưng thật ra cô không quan tâm đến chuyện nữ quyền, với cô chỉ là “cái gì tôi thích thì tôi làm”. Nó mặc định một thái độ tự tin và tự do. Vấn đề không phải là tranh đấu để giành lấy một điều gì, mà sự hành xử là quyền tất yếu tự ở bản thân mỗi người. Điều này làm cho cô thoải mái. Cho nên, làm chồng một cô gái khác chỉ là một trải nghiệm về cảm giác, “cũng vui thôi” như cô nói. Cô không cảm thấy có liên can gì đến việc có luân lý đạo đức hay không.

Một cô gái khác cũng là một cô gái

Trong cuộc sống của cô ấy có những điểm nối giống như những điểm trong toán học không gian. Khi cô nối từ điểm này đến điểm khác, điều ấy không có nghĩa là cuộc đời cô phải chạy theo như đến với một người đàn ông hay đàn bà và nằm trong vòng tay của họ. Cuộc sống của cô chỉ là những ý niệm. Vì thế, khi cô nối một người này với một người kia, hay chính cô nối với từng người hay tất cả trong số họ, điếu ấy chỉ diễn ra trong ý nghĩ của cô và cô thể hiện nó bằng những kết nối trên không gian ảo. Hay nói một cách khác, cuộc sống chỉ là các hóa thân trên không gian ảo. Một thế giới tưởng như rộng mở, nhưng thật ra quá nhỏ bé và mơ hồ. Vì rốt cuộc chỉ có cô đụng chạm vào chính cô, như cách cô làm tình với cô gái mà cô nhận làm chồng.

Suy tưởng như một avatar và sống như một avatar là một cảm thức bên lề

Nhà cầm quyền độc tài phản động nào cũng nhân danh sự ổn định và đẩy kẻ chính nghĩa tiến bộ về phía phản động. Vì thế hắn trở thành kẻ đi bên lề trái trong ý nghĩa đối kháng với hệ thống luật lệ. Cô ấy không phải độc tài hay phản động, nhưng cách của cô sống cũng đã đẩy hắn ra phía lề trái của sự bất chính. Và đến lượt hắn, cũng như cô, không bận tâm đến sự phù phiếm của thế giới. Hắn chỉ sống với những ý nghĩ của hắn vượt qua mọi thứ luân thường đạo lý. Bởi vì xét cho cùng, luân thường đạo lý nào cũng chỉ là những qui ước, mà hắn là kẻ đứng bên lề.

Sự thế vì của hắn đối với cuộc sống, vì thế luôn có nguy cơ bị lật mặt nạ. Sự tổn thương mà hắn thường trực cảm nhận đôi khi lại là cơ hội để hắn và cô gần nhau. Khi ấy, cô và hắn sống trong một trạng thái còn hơn cả sự loạn luân.

Thật ra, cô ấy rất chính chuyên

Ba phần tư nhân loại ở xứ sở cô vẫn cho rằng cô là một kẻ lăng nhăng bại hoại khi đi lại với một nhân vật quyền thế. Kẻ quyền thế thì ai cũng biết, vì thế người ta biết cô. Nhưng chẳng mấy ai biết cô thật sự chỉ sống trung thành với một người đàn ông vô danh. Một gã đàn ông vô danh trong thời đại thông tin toàn cầu băng thông rộng tất nhiên đáng bị coi là không có. Vì thế cô vẫn là người lăng nhăng bại hoại. Cô có một avatar và cái avatar này quyết định nhân cách của cô về mặt công luận. Và đấy là trò chơi của cô, người buôn chuyện. Người buôn chuyện này đẻ ra người buôn chuyện kia và tạo thành một cộng đồng những kẻ buôn chuyện. Cô không có ý định đóng vai trò tuyên giáo, vì thế cái dư luận mà cô muốn tạo ra là sự vô nghĩa và tầm phào của chính cái dư luận ấy. Rỡn mặt với công luận hẳn nhiên phải dũng cảm hoặc có lòng khinh bỉ tột cùng với thế giới.

Mặc dù, chồng cô vô danh, nhưng may mắn vì thế không có một avatar. Hắn chỉ sống với chính hắn và mụ vợ thật của hắn.

Một người không có avatar là một người công chính

Trong một xã hội hỗn loạn về giá trị và hệ thống, tất nẩy sinh một hiện tượng hậu hiện đại bất kể quá trình lịch sử của nó như thế nào. Từ bối cảnh chung đến từng con người, không ai thoát khỏi sự phân mảnh và sự giải thể nhân cách xét như sự nhất quán về tính cách cá nhân. Cô không chỉ có một avatar mà thậm chí nhiều avatar. Cô trở thành người đa nhân cách. Những nhân cách được lai ghép và giễu nhại lẫn nhau biến cô thành một siêu nhân cách, vô thể loại.

Dẫu sao, sự khác biệt mà cô thể hiện quả là một đặc trưng của thời đại.

Và cô được lắng nghe

Không riêng gì cô, ai cũng muốn được đi lại với những người quyền thế. Vấn đề chỉ là có cơ hội hay không. Bởi vì ai cũng sẵn sàng mất chút ít cái vô hình là nhân cách để nhận lại rất nhiều cái lợi thiết thực. Và người quyền thế chấp nhận cái tương quan trịch thượng ấy như một biểu tượng của quyền lực và sự giải trí dễ dãi. Ai cũng có cái để được. Quyền lực xét cho cùng cũng chỉ là quyền được sống trên lưng và phẩm cách người khác.

Trong xã hội Việt Nam đương đại, dường như người ta vẫn sống với một tâm thức hiện đại nhưng lại có biểu hiện của một hội chứng hậu hiện đại. Có thể đó là kết quả của sự phối ngẫu nghịch lý giữa một lý tưởng xã hội xã hội chủ nghĩa giáo điều với nền kinh tế thị trường vô nhân tính.

Cô trở thành một người giàu có và sự giàu có mang đến cho cô những thứ quyền lực khác.

Cô ấy muốn sở hữu những bức tranh của tôi

Tôi có một số tranh do bạn bè tặng. Những bức tôi thích có thể kể là của Đào Minh Tri, vẽ mấy con cá ngựa với những đường nét xuất thần. Một bức sơn mài của Thành Chương vẽ một cô gái vàng với một biểu tượng hình tam giác nhọn cực mạnh trên khuôn mặt. Một bức của Lê Thánh Thư với rừng mía ngọt ngào, nồng ấm trăng mật. Một bức trừu tượng của cải lương chi bảo Bạch Tuyết như một tiếng hát vỡ ngực. Một bức chân dung tôi hồn nhiên vô tội của Đinh Quân. Cô ấy bảo giao mấy bức tranh đó cho cổ, tôi muốn gì cũng được. Tôi cười bảo, dễ thôi, em cứ đổi em cho anh là xong.

Nhưng cố ấy không thuộc về ai

Cô ấy nói, em quí trọng và biết ơn những gì anh dành cho em, nhưng em không thể là của anh. Bởi vì em không còn gì cho anh.

Chúa xóa tội trần gian. Một cảm giác cạn kiệt đã bám lấy tôi suốt thời gian qua khi cô ấy từ khước tôi, dã man đến độ phủ nhận sự có mặt của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ đợi sự cạn kiệt của hai linh hồn trống rỗng đến lúc tìm thấy một chỗ liên thông.

Cơn điên của cô ấy không có dấu hiệu chấm dứt

Cô ấy phỉ báng tôi như một thằng lừa lọc khốn kiếp. Và tôi là kẻ bất xứng. Khi cô ấy thông báo, em sẽ ở lại Hội An hết mùa hè, dạ dày tôi nôn nao, khó thở, sau đó máu hộc ra từ miệng. Tôi không nghĩ cái phản ứng thuần sinh lý kia lại ghê gớm đến thế. Tôi biết cô ấy ở lại Hội An vì một người đàn ông khác. Cô ấy luôn luôn vì một cái gì khác không phải tôi. Cho dù tôi tin rằng không có ai yêu cô ấy bằng tôi và ngược lại.

Tình yêu không được định nghĩa bằng sự trung thành. Cả cô ấy và tôi đều biết thế, nhưng cô ấy vẫn đòi hỏi tôi một sự trinh bạch.

Những ngày vắng cô ấy rất buồn. Tôi đã hôn những chiếc lá, những đám mây, những làn da nám. Tôi cần phải bám vào bất cứ cái gì để cảm thấy mình không mất tích. Nhưng tôi cũng không giữ được tôi để khỏi trôi đi. Tôi trở thành kẻ lang chạ. Và cô ấy đã trừng phạt tôi bằng cách tôi phải biến đi không tăm tích.

Và tôi đã là người không tăm tích

Sáng chủ nhật, gã an ninh vẫn theo tôi hỏi, ông có nhà không? Tôi nói có thì sao? Gã bảo, đi uống cà phê thôi.

Thay vì bám theo canh giữ, tôi bị kiểm soát trực tiếp và hoàn toàn theo một kiểu khác.

Đây là một tình huống rất trớ trêu. Có một kẻ nào đó rỗi hơi trông thấy tôi ngồi với công an sẽ rêu rao ngay rằng, tôi là công an hoặc làm việc cho công an. Tôi cũng không biết đây có phải là một trong những cách của công an để mọi người nghi kỵ lẫn nhau hay không, nhưng rõ ràng đã có một số nạn nhân trở thành đối tượng bị bạn bè nghi ngại. Trong một xã hội mà ai cũng có thể là công an hoặc bị nghi là công an, quả thật khốn nạn. Khi sự phản trắc và sợ hãi trở thành tất yếu trong cuộc sống thì cuộc sống đó đã bị hủy diệt. Mọi chế độ độc tài đều nhằm hủy diệt cuộc sống.

Cho dù chỉ là đi uống cà phê, thì cà phê đó cũng đã là thuốc độc.

Cho dù nói chuyện thân thiện, thì sự thân thiện đó cũng không thoát được cái mục đích kiềm tỏa.

Cho dù chỉ mất một chút thời gian, thì thời gian đó cũng là giam hãm.

Có một gã an ninh kè kè bên cạnh, dù thế nào cũng là khủng bố.

Thằng Click bảo dân tộc mày vừa gian vừa dâm

Hắn bảo ừ. Không chối vào đâu được. Cái thế đu dây hai hàng thế thời phải thế. Lươn lẹo vốn là một nghệ thuật đỉnh cao trí tuệ của dân tộc. Từ chiến tranh cho đến hòa bình, từ nô lệ đến quyền lực, từ nhân dân đến chính quyền, dân tộc tao chỉ có mỗi một chiêu bách chiến bách thắng là đánh du kích. Các tuyên bố ngoại giao ở Bắc Kinh hay Washington đều chỉ là vuốt ve theo kiểu vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề của cặp đôi Nguyễn Du – Vương Thúy Kiều lầu xanh một thuở.

Ai xúi mày?

Trong hệ thống, không một cá nhân nào có thể có những hành động và suy nghĩ độc lập. Như tất cả mọi công dân trong hệ thống, hắn không được nhìn nhận có khả năng và biểu thị chính kiến của mình, mà nhất thiết phải do một thế lực thù địch nào đó xúi giục. Bởi tất cả mọi công dân hợp pháp đều được bao cấp về tư tưởng, chỉ nghĩ và hành động theo chỉ đạo của hệ thống. Không có khái niệm con người trong hệ thống, mọi khác biệt đều bị khinh miệt và nghi ngờ.

Sự vận hành trong hệ thống là mối quan hệ loại trừ. Hoặc bầy đàn, hoặc phải chết. Không có chỗ cho con người tự do.

Tôi cũng chỉ muốn văng tục

Trong khí quyển của cuộc sống này, hoặc thánh hay đồ con heo mới không văng tục. Văng tục là chân lý và sự cứu rỗi.

“Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”

Trong lúc cởi đồ, cô nói, anh nói tục cho em nghe đi. Và hắn nói.

Trên tấm ván của thân xác, linh hồn cô bị ghim chặt bởi những mũi dao do hắn phóng ra. Và hắn chà đạp cô như cách người ta bóc một hột điều. Nhục hình của ngôn ngữ làm cho cô hưng phấn. Càng lúc cô càng nứng và chỗi dậy từ sâu thẳm một trạng thái phi phàm, không phải thần thánh hay ma quỉ, mà viên mãn cực độ. Nó giải phóng toàn bộ mọi bóng tối che khuất cô và đưa cô ra giữa ánh sáng huy hoàng của cái nguồn cội sự sống vĩnh cửu.

Nhưng cô nói, giết chết em đi.

Và cô nói, đập nát em đi.

Thế giới không tồn tại như lẽ ra nó phải thế

Cô bỏ trốn. Không phải vì cô đã bị lột trần ra trước mặt nhân gian. Mà bởi sự kinh tởm của cô đối với cách người ta chiếm hữu một người khác.

Tôi nhặt các mảnh vỡ cô bỏ lại. Những nụ hôn còn vương vãi khắp thân thể. Và tôi sẽ lưu giữ ít nước bọt của cô trong miệng cho đến lúc tôi qua đời.

Những biến thể của ngôn ngữ và những hành trạng thú vật

Một nhà biên kịch đề nghị viết lại câu chuyện của tôi với cô ấy thành phim. Tuy nhiên, anh ta không muốn có tên tôi trong tư cách đồng tác giả kịch bản, vì tên tôi đã bị loại trừ và sẽ gây khó khăn trong việc xin phép sản xuất. Tôi bảo cứ trả tiền tôi là được. Tôi không có ý định nổi tiếng như những danh nhân điện ảnh nước nhà. Hắn OK. Tôi bảo cứ thế mà làm.

Nhìn thấy cách người ta nhìn mình cũng vui.

Ba tháng sau, hắn đưa tôi xem kịch bản. Tôi bảo, ông viết sao cũng được, điện ảnh không phải là việc của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng đọc qua và nói ý kiến của mình. “Cô ấy bỏ đi vì cô ấy muốn thế. Cô tự chọn cho mình một cách sống và không dành cho một ai. Việc ông cho cô ấy quay về để hòa giải với tôi, hoặc chính cô ấy như cách mình vì mọi người, mọi người vì mình theo kiểu xã hội chủ nghĩa đạo đức giả ấy, sẽ mâu thuẫn với toàn bộ tính cách của cô ấy. Đó là cách ông giết nhân vật của chính mình”.

Hắn bảo, “vì tôi không muốn bị hội đồng duyệt phim giết”.

Tôi nói, “tùy ông thôi, như tôi đã nói, điện ảnh không phải là việc của tôi”.

Tuy thận trọng đến như thế, nhà đầu tư cũng đã buộc hắn phải làm nhẹ bớt tính cách của nhân vật cho nó không có vẻ khác thường.

Không một nhà đầu tư nào muốn tự gây khó cho mình, bởi vậy họ có một nguyên tắc là không làm cái gì quá sự thông thường của những đầu óc tư duy mẫu mực.

Sáu tháng sau, bộ phim hoàn thành.

Cho dù tất cả những thành viên của hội đồng duyệt phim đều được chi tiền, họ vẫn yêu cầu phải sửa một số đoạn, “vì nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một xã hội tốt đẹp như xã hội ta”.

Hắn thích đi lộn đầu xuống đất

Hắn nói, nghệ sĩ và trí thức các ông ngây thơ bỏ mẹ. Cái ác và cái vô cảm ở đất nước này nó vượt quá trí tưởng tượng sáng tạo của các ông, cho nên các ông không tin mình đã bị bán đứng. Tất cả bị bán đứng chỉ đơn giản vì quyền lợi của một nhóm người. Cái việc mà mấy ông cho rằng các ông đang làm vì chính nghĩa, vì sự mất còn của tổ quốc cũng chỉ là chiêu thức của họ. Tất cả các ông đều là con rối. Tất cả các ông đều đang cúc cung phục vụ cho họ mà cứ tưởng mình sáng suốt, anh hùng các loại. Các ông chỉ là một chi tiết trong kịch bản của họ. Và họ có thể xóa sổ các ông bất cứ lúc nào.

Vì đó là lộ trình đến thiên đàng

Hắn nói, một phim về hậu hiện đại nhé. Ừ, tưởng khó mà dễ. Ông cứ lôi hết những gì tai nghe mắt thấy vào phim, ông sẽ thấy cái mà người ta vẫn nói về hậu hiện đại thực sự khủng khiếp và hiện thực đến như thế nào.

Nhưng một tác phẩm chỉ có thể là hậu hiện đại khi nó là một diễn ngôn có ý thức. Nó khác với sự hổ lốn, lắp ghép… cho dù đó là một mô phỏng thực trạng có thật.

Hắn nói, tôi đã thấy hiện tượng trước khi tôi nghĩ về một tác phẩm hậu hiện đại phải được trình bày như thế nào. Đó là một tình trạng hỗn loạn, nhố nhăng, nát bét không còn bất cứ thứ chuẩn nào định vị văn hóa hay giá trị và nó đan quyện vào nhau thành một khối gọi là thời thượng, vừa cố níu kéo nhân danh truyền thống vừa thóa mạ văn minh. Trâng tráo và phù phiếm. Nó là hội chứng thặng dư giá trị hay năng lượng thừa của một xã hội chạy theo cái giả tạo. Đó cũng là hiện tượng biểu kiến của một xã hội mất nền tảng.

Một tôi khác

Ngày ra mắt phim, hắn mời tôi đi xem. Tôi phân vân. Tôi không muốn nhìn thấy mình như một thằng đĩ bợm nửa mùa. Cái thứ nghệ sĩ được mô tả trên mọi loại sách báo, phim ảnh, hay mọi cuộc trình diễn khác… không bao giờ là tôi. Cái thứ con người của đám đông, của mọi kiểu hình mẫu… cũng không bao giờ là tôi.

Tôi là thứ không thể mô tả, trình diễn. Nhưng tôi cũng muốn nhìn thấy một tôi khác. Tôi nói với hắn, tôi sẽ đến. Hắn bảo, chúng tôi sẽ có một cuộc giao lưu, nếu ông muốn. Tôi nói, tha cho tôi. Tôi không chịu nổi những câu hỏi ấm ớ.

Cuối cùng tôi đã không đến. Tôi rủ cô ấy vào khách sạn tự đóng một bộ phim khác.

Hắn tởm lợm

Hắn đã từng nhận lời mời để nói chuyện về văn chương với độc giả. Nhưng việc đó đã không thể thực hiện được do sự ngăn cản của nhà nước.

Không thể nói những gì mình muốn ở nơi công cộng.

Những cuộc hội thảo hay sinh hoạt văn nghệ liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo ngoài khuôn khổ chính quyền đã bị cấm đoán. Chỉ với tư cách khách mời, hắn cũng bị công an mời làm việc.

Không thể nghe những gì mình muốn ở nơi công cộng.

Hắn bảo, mọi thứ hội hè, giao lưu trên đất nước này chỉ là những trò mèo tởm lợm.

Gã an ninh bảo, không phải chúng mày muốn là được.

Đồ khốn nạn

Bản thân cô ấy cũng không muốn đi xem phim. Vì em không muốn nhìn thấy chúng ta là những kẻ rẻ tiền hay sang trọng một cách kệch cỡm, cô ấy nói. Tôi bảo, chắc cũng không đến nỗi vậy. Bọn điện ảnh hay bọn làm nghệ thuật nói chung đều sa đọa trong tư duy về nghệ thuật, cô nói, bọn chúng ăn phải bả “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, mà cái đẹp là cái gì cơ chứ? Thế giới có cần cứu rỗi không?

Cô nói tiếp, cả thế giới này đều là những con vẹt.

Bọn chúng trùm mền bú đít lẫn nhau và tuyên xưng nghệ thuật vì con người.

Sự huê dạng của hoa hay cái đẹp

Buổi trình diễn của cô ấy ở không gian Rút Hầm Cầu, tôi tặng một bó hoa. Sáng hôm sau ở cà phê vỉa hè, cô ấy bảo, “đù má nhiều thằng bảo thương em, nhưng đéo thằng nào mang hoa tặng em”. Tôi bảo, “vì tụi nó đếch biết hoa là gì”. Cô khựng lại hỏi, “hoa là gì?” Tôi bảo, “hoa là bộ phận sinh dục của cây”. Đó là lý do sâu thẳm nhất khả dĩ có thể giải thích tại sao con người lại tôn vinh và yêu hoa đến vậy, ngoài vẻ đẹp và hương thơm của nó. Cô cười sằng sặc nói, “lúc nào cũng là anh”.

Tất cả sự ngưỡng vọng tiềm ẩn của con người với cái đẹp và sự cao quí thiêng liêng luôn hướng về cái nguyên ủy của sinh tồn. Sự đồi bại của văn hóa là đã phủ lên cái khát vọng hạnh phúc một ý nghĩa tội lỗi và bóp nghẹt nguồn sống bằng thứ đạo đức phi tự nhiên.

Cô nói, “vì thế anh cần tặng hoa cho em mỗi ngày”. Tôi bảo, “ừ để em luôn nhớ đến ước muốn của anh”.

Lòng nhân hậu của Chúa

Hắn nói, “tối nay em đi lễ Dòng Chúa Cứu Thế với anh nhé”. Cô bảo, “em không có đạo”. Hắn nói, “thật ra anh chỉ muốn em đến nghe xem mấy ông cha ở đó nói gì”. Cô bảo, “em đã từng đến đó. Em biết chính trị là một nghĩa vụ công dân và em có cách của em”. Hắn nói, “sống trong đất nước này cần phải xác định rằng, ai cũng có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Vì thế, cần phải chuẩn bị tâm thế của một người tù”. Cô bảo, “cái đó không cần chuẩn bị, chẳng phải chúng ta đã luôn luôn phải sống như một con tin của những hành động của mình sao?”

Hắn đến nhà thờ một mình. Ông cha giảng, giáo hội kêu gọi mọi tín hữu tham gia vào các hoạt động chính trị như một sứ mạng tông đồ giáo dân vì lợi ích quốc gia, công lý và sự thật của cuộc sống trong tình liên đới và hòa bình.

Trong bóng đêm, những ngọn nến được thắp lên giữa tiếng kinh cầu cho niềm tin và hy vọng. Ngọn lửa bất bạo động đang lan cháy ở tất cả những nơi bị đàn áp, bất công và thối nát trên mặt đất.

Chúa đứng về phe nước mắt.

Nhưng những sinh viên Công giáo tiếp tục bị bắt bớ không qua bất cứ một thủ tục pháp lý nào. Cũng như các hành động quảng bá lòng yêu nước tự phát trước hiểm họa Trung Quốc đều bị ngăn cản và hăm dọa.

Con người là hoa của đất

Cô mặc một cái áo đầm có hai màu xanh và trắng, tối hôm tiễn cô về quê rồng. Mạnh mẽ trong một vẻ đẹp khiêm nhu, mọi người gọi cô là cô gái rồng. Cô bảo, ở quê cô bây giờ rồng không còn là rồng đất nữa, mà đã biến thành rồng lửa. Khi rồng bay lên, lửa của nó bắn tung tóe. Đẹp như cơn tàn phá của thượng đế. Mọi người cùng nâng ly chúc mừng sự có mặt của cô và chào tiễn biệt cô. Cô bảo rồng bay là điềm báo tử cho lũ âm binh của quỉ. Mọi người lại nâng ly chờ đón cái chết của lũ âm binh. Khi đó, hắn đã đứng lên và nói, “chúng tôi muốn ăn thịt em để chúng tôi biến thành rồng”. Và cô đã biến đi theo cách của một con vật bị hiến tế.

Rồi họ cùng hát bài “Đáp lời sông núi”

Ở nơi nào nhân phẩm bị chà đạp, ở đó có tiếng nói của công chính. Tôi nhìn thấy trong đám đông một thế hệ tự thức. Họ đã mở mắt và nhận ra những sự thật khác nhau, thậm chí phủ nhận lẫn nhau.Họ biết phải làm gì để sắp xếp lại một trật tự phù hợp và khai phóng con đường cho chính mình. Và họ không đơn độc.

Người bạn tôi đã khóc khi nhìn thấy họ trên đường phố. Họ đang đi về phía trước. Lịch sử dưới chân họ.

Hắn nói, cho dù anh không làm gì, lịch sử vẫn bước tới theo cách của nó.

Và đó là thứ lịch sử bị áp chế

Từng người một bị công an mời làm việc với các câu hỏi: Ai tổ chức cuộc gặp gỡ đó? Ai là người đầu tiên khởi xướng bài hát “Đáp lời sông núi”? Bàn luận gì trong cuộc gặp gỡ?

Chúng ta không ngừng bị ấn ngồi xuống đất

Và cứ ngồi yên đó. Không được làm gì khi chưa được cho phép. Không được la hét. Đi ỉa cũng không được. Âm mưu của chúng mày không qua mắt được bọn tao. Tại sao chúng mày không ngoan ngoãn mà vui chơi? Tại sao chúng mày không ăn bánh kẹo mà lại thích ăn đế giày?

Họ đồng thanh nói: Vì chúng tôi muốn tự do.

Giống như một thi sĩ

Ông ta là một quan chức văn nghệ nhưng đã chết như một thi sĩ. Ông trăn trối: Không nhận phúng điếu. Không được quàn xác ông ở nhà tang lễ của nhà nước. Không được đọc điếu văn. Không cho ban ngành đoàn thể nào của nhà nước đứng ra tổ chức lễ tang, mà chính các con ông phải đảm nhận nhiệm vụ của mình.

Sau đó, ông tự tay tháo bỏ tất cả các ống dẫn thở, truyền huyết thanh… và nói với các con: “Tao là con người tự do”.

Tuy nhiên, ông vẫn còn một trăn trối khác với một người bạn: “Tôi còn một số thơ chưa in, hãy in cho tôi”. Ông vẫn chưa tự do, vì thơ của ông chưa bao giờ tự do.

Tôi đứng ở cuối đường

Tôi luôn tự hỏi, mình sẽ chết như thế nào? Một đường bay cuối cùng từ một ngôi nhà cao tầng? Tự đâm đầu vào xe hơi, xe lửa hay xe hơi, xe lửa đâm mình? Hoặc tàn tạ từ từ như một con giun trên giường bệnh, trong nhà tù? Thế nào là một cái chết tự do? Có phải mỗi chúng ta đều là một vật hiến tế?

Nhưng sẽ không có một điếu văn nào xứng đáng với cô ấy

Cô ấy không làm thơ, nhưng chính cuộc sống của cô ấy là một bài thơ bất tận. Nghề nghiệp nghệ sĩ đã giết chết mọi tính cách nghệ sĩ. Thế nào là một bài thơ, hay thế nào là một nghệ sĩ không phải là điều cô quan tâm. Nhưng cô tin rằng một bài thơ hay một nghệ sĩ nhất thiết phải được hình thành trong sự tự do, như cách cô sống. Vì thế, cô trở thành trọng đại đối với tôi và biến tôi thành một kẻ nô lệ, đồng thời hối thúc tôi trên con đường hủy diệt. Cô bảo, không có hủy diệt thì cũng không có bất cứ điều gì được xây dựng lên.

Đó cũng là cách cô lăng mạ tôi.

Tôi chưa bao giờ hiểu được cô ấy

Tôi biết một điều chắc chắn, cô sẽ luôn luôn là một nhân vật của tôi kể cả khi tôi không còn viết nữa. Và tôi cũng tin một cách tuyệt đối, cô là nhân vật của thế giới chúng ta đang sống. Cô vừa có khả năng là nguồn cảm hứng cho sáng tạo, đồng thời là nỗi ám ảnh cho cái chết, như một hủy diệt tận cùng.

Như tôi từng biết, hoa là bộ phận sinh dục của cây. Và con người là hoa của đất. Thì cô ấy chính là bộ phận sinh dục của đất. Luôn luôn xung động.

Cô ấy có tất cả sự mâu thuẫn của cái trinh trắng tận cùng và sự sa đọa tận cùng. Chính xác hơn, điều ấy sẽ là sự dấn thân tận cùng trong nỗi tuyệt vọng của con người về sự hàm hồ siêu việt và hiện tồn bất định. Đó cũng là sự xâu xé giữa hai khao khát, sự vùi dập của tôi và sự cự tuyệt với những khoái cảm thể xác.

Cô ấy đã liên kết bọn họ thành một giấc mơ

Khi cô ấy đứng lên và nói tiếng nói của mình, cô đã được lắng nghe. Mọi người bảo, chúng tôi có cùng một tiếng nói. Tiếng nói ấy biến thành hành động. Họ thu gom những lá cờ và đốt. Họ bảo, giấc mơ của chúng tôi không nằm trên lá cờ. Giấc mơ của chúng tôi nằm dưới hai bàn chân. Và bởi thế, họ đi xuống phố và ca hát. Tất cả những bài hát của họ đều nghe như đáp lời sông núi. Tiếng hát của họ như máu chảy nuôi sống mảnh đất này. Và từ mảnh đất nghèo khổ, hoa đã nở.

Tất cả bọn họ đều biết hoa là một bộ phận sinh dục và họ đã tặng hoa cho những ai muốn đi tìm sự sống, khi sự sống vừa có vẻ viển vông, vừa bị thúc ép trong những khuôn khổ.

Những niềm tin luôn triệt hủy lẫn nhau

Vì thế, niềm tin nào cũng là ngụy tín. Chính quyền nào cũng là ngụy quyền. Nhân dân muôn đời khóc lóc, vì quyền hành là một khát khao thống trị không có chỗ cho lòng thương xót. Tất cả mọi lý tưởng đều là chiêu bài. Vì thế, hắn nghĩ một tinh thần lành mạnh trong một thể xác tráng kiện cần phải được uống thuốc xổ mỗi ngày.

Hãy từ chối mọi gương sáng và mọi thứ giáo điều

Hắn đứng lên và nói: “Nếu các bạn không thể tự làm gương cho mình, thì cũng đừng theo gương ai”. Khi ấy, trong đám đông có tiếng nói: “Chúng tôi phải làm gì?”. Hắn bảo: “Không biết làm gì thì hãy chết đi”. Một tiếng nói khác: “Người này loan truyền những điều sai trái. Hãy bắt nó”. Mọi người đồng thanh hô: ‘Hãy bắt nó”. Đấy là cách hắn đã biến đi theo niềm tin có một người vĩ đại sống mãi.

Ở nơi không ai biết tới

Cao sáu tấc. Ngang sáu tấc. Dài hai thước. Hắn nằm thẳng trong đó trải nghiệm về cái chết như một nhận thức về sự sống và những phù phiếm của nó. Hắn không cảm thấy cái thiên đàng mà con người đi tìm có một ý nghĩa gì, hoặc có đáng để theo đuổi hay không. Sự giả định về cuộc sống hay ý nghĩa của nó là điều vô nghĩa.

Sự thật ở trần gian

Không biết cô đã hôn mê bao lâu. Khi tỉnh lại, cô thấy mình nằm trong nhà thương. Cả người đau ê ẩm. Khuôn mặt sưng vù và cái đầu nặng như đựng tất cả mọi bóng tối. Hơi thở phều phào qua miệng, bất giác cô nhận ra mấy cái răng cửa của cô đã bị gãy. Một thứ ánh sáng lờ nhờ trong đầu cô quét qua quét lại, cảm giác đau đớn tăng lên cùng với sự nhận biết ra sự việc.

Một kẻ nào đó đã đâm thẳng vào xe cô trên đường về nhà sau bữa tiệc tiễn cô gái rồng về quê. Sau đó, chúng vất cô trước cổng bệnh viện.

Cộng đồng facebook cho rằng cô đã bị chơi xấu. Cũng chẳng có cơ sở nào để xác minh kẻ chơi xấu là ai. Nhưng tất cả bạn bè cô đều lên án hành động được cho là cố ý và hèn hạ của những kẻ lạ mặt đeo bám cô vẫn được nhận diện theo cách nửa bí mật, nửa khủng bố công khai này.

N.V.

Comments are closed.