Tiểu thuyết
Nguyễn Viện
Cái hòm là một di sản
Có từ thời ông cụ cố, theo lời bố hắn kể lại, cái hòm được làm bằng gỗ lim, theo dự kiến ban đầu là để dành cho hậu sự của cụ cố, nhưng bình thường vẫn dùng để làm tấm phản ngả lưng. Không hiểu vì lý do gì, khi cụ cố chết, ông nội hắn vẫn cho ghép tấm phản thành quan tài, nhưng đặt trong gian thờ. Còn bản thân cụ cố được chôn trong một chiếc áo quan mới.
Vào mỗi ngày rằm và ngày đầu tháng, ông nội hắn ăn chay và dành ít thời giờ vào nằm trong chiếc hòm. Việc này trở thành truyền thống trong gia đình hắn. Hắn cũng cảm thấy đó là việc nên làm, nhưng hắn chỉ làm khi cần tìm sự bằng an.
Từ hôm ăn thịt rồng, tối nào hắn cũng phải vào nằm trong hòm mới ngủ được.
Làm thế nào mà tôi chưa chết hay bị bắt?
Tự xưng là phóng viên của một đài phát thanh ở nước ngoài, hắn hỏi tôi: “Làm thế nào mà ông vẫn chưa bị bắt và vẫn viết được?” Tôi bảo, “giống như căn nhà có những khe hở và ống cống cho những con gián tồn tại. Tôi cũng vậy, để sống và viết được, phải đi qua những khung cửa hẹp. Đôi khi cũng phải tự biết co rút lại như con gián”.
Chỗ an toàn nhất cho con người và gián là một cái hòm.
Tự đặt mình vào hòm là cách sống của một con ma. Tôi đã là ma thật sự từ lâu. Đã ăn cơm cúng và hủy diệt sự tồn tại của mình bằng cách xóa nhòa mọi dấu vết trong các quan hệ cộng đồng.
Răng là để nhai hoặc để cắn
Sau vụ bị tông xe với một xác quyết là cố ý của người “lạ”, cô bị gãy tổng cộng 7 cái răng cửa, vừa trên vừa dưới. Nha sĩ bảo muốn có răng để nhai, phải tốn 20 triệu đồng. Cô nói, “Làm đi, tôi cần răng để cắn”. Số tiền ấy, cô phải mất hai năm dành dụm, kế hoạch học cao học của cô chậm lại không biết đến bao giờ. Bất giác, cô chửi thầm trong bụng. Đụ má chúng mày. Nha sĩ bảo, răng giả thì chỉ nên cắn chuối, không nên cắn người. Con người không ăn thịt đồng loại. Cô hỏi: “Chỉ nên ăn tiền?”. Nha sĩ đáp: “Thưa, vâng”.
Cuộc đua của những kẻ ăn tiền
Chẳng có ai là không đua. Chỉ có mỗi điều khác nhau là đua theo luật hay đua tự do. Tuy nhiên, đã đến thời điểm của chuyến tàu vét, bọn vơ vét càng vét kỹ, bất kể sự bất hạnh tận cùng của người khác.
Cô vẫn tin mình bị tông xe vì có mối liên quan với những người bị tòa án kết tội giúp đỡ dân oan khiếu kiện.
May nhờ rủi chịu
Ở một đất nước như xứ rồng thì có luật cũng như không. Người dân không thể tự bảo vệ mình bằng luật pháp, vì luật pháp được thiết lập chỉ để bảo vệ sự bền vững của chế độ. Cho nên có hai cách để tự bảo vệ hữu hiệu nhất: Một là lấy tiền che thân. Hai, nếu không có tiền thì nên ăn chay cầu phúc.
Ngày nào cô ấy cũng ăn chay
Tôi hỏi, ăn chay trường thì làm sao có sức để yêu? Cô bảo, chẳng những vẫn yêu mà còn yêu mãnh liệt hơn. Mãnh liệt, có nhiều kiểu mãnh liệt. Tôi chỉ thích mãnh liệt kiểu súc vật. Bởi tôi uống máu và ăn ớt hiểm. Cô bảo, anh giống như ngạ quỷ. Ừ, ngạ quỷ thì làm sao tìm được sự thanh tịnh, thanh sạch, thanh nhã, thanh lịch…? Cô bảo, chịu khó ăn chay như em, may ra bớt vọng động, anh sẽ thấy một thứ tình yêu khác. Tôi bảo, ăn với em may ra có thể, còn ăn như em thì anh không tu một mình được. Anh chỉ có thể tu tình chứ không tu tỉnh được. Anh có thể niệm em chứ không niệm Phật được. Cô bảo, ăn mặn khát nước. Tôi nhái giọng Khổng Tử, khát thì uống, đói thì ăn, không tu mà chính là tu vậy. Cô bảo tôi ba láp ba sàm.
Thày Khổng Khâu ơi, ba láp thì nói là ba láp, ba sàm thì nói là ba sàm, ấy chính là chân chính ba láp ba sàm vậy, đúng không?
Rồi cô ấy cũng phải gặp người không muốn gặp
Họ cho cô coi một cuốn phim ghi hình trên hành lang khách sạn, nơi cô gái rồng đã sống trong những ngày đến thành phố này. Trong số những người đến gặp cô gái rồng có cô. Cô đã ngủ ở đó mấy đêm với bạn. Họ hỏi cô quan hệ thế nào với cô gái rồng? Cô nói, tôi không “quan hệ”, tôi chỉ đến ở với bạn cho vui. Họ hỏi, cô gái rồng và cô có tham gia vụ mặc áo mưa có hình “No-U” đi diễu phố không? Cô bảo không. Rồi cô hỏi lại: “Hình “No-U” thì có vấn đề gì ạ”? “À, nhạy cảm”, họ cho biết và hỏi tiếp, “ai tổ chức vụ ăn nhậu”? “Vui thì nhậu, cấm nhậu à”? cô hỏi lại. “Không cấm, nhưng có nhiều người thuộc diện nhạy cảm”, họ nói. Cô hỏi: “Tôi có nhạy cảm không”? “Điều ấy cô tự biết”, họ bảo. “Thế mà tôi không biết đấy. Tôi nghĩ là tôi gợi cảm hơn nhạy cảm, nhưng chẳng có thằng ma nào tán tỉnh tôi”, cô nói. “Chỗ làm việc, không được nói xiên xẹo”, họ răn đe. “Tôi nghiêm chỉnh mà”, cô nói. Họ bảo, “muốn gãy thêm mấy cái răng nữa à”?
Cô nín thinh. Gãy thêm mấy cái răng nữa thì hãi.
Những bến bờ xa lạ
Tôi đã nhìn thấy cô từ bên kia sông. Chỗ tôi ngồi dưới chân nước chảy xiết. Cô một mình trên chiếc xuồng mỏng manh. Dòng sông xa lạ. Nhưng lời nói thì lại không cần thiết. Chúng tôi nhìn nhau như đồng cảm, hoặc một điều gì thân thiết hơn. Một số phận chăng, tôi không biết. Sự bất trắc ở phía bên dưới. Tiềm ẩn. Gió đang thổi rất mạnh và lướt trên mặt nước sắc như lưỡi dao cạo sẵn sàng gọt đi mọi lợn cợn. Chúng tôi là những cái lợn cợn trên mặt nước. Tôi thầm nghĩ phải nhanh chóng bơi vào bờ. Nhưng tôi không nhìn thấy bờ. Hơi nước mù mịt không gian. Cô ấy vẫn một mình trên chiếc xuồng mỏng. Gió có thể thổi bay lên trời hoặc lật úp cô ấy xuống nước. Khi tôi cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng, tôi nghĩ cần phải giữ cô ấy trong tầm nhìn của mình. Đó là cách để sống sót và hy vọng.
Tôi đã luôn cố gắng để được nhìn thấy cô ấy
Khi mưa xuống, chúng tôi đã vào được một căn chòi. Không thể nào không ôm và tôi đã ôm cô ấy trong lòng. Tôi chỉ buông cô ra khi mưa tạnh. Trong suốt thời gian ấy, những sợi lông trên cánh tay cô đã mọc dài ra và tóc cô dày rậm như một tổ chim. Trên đôi mắt khép của cô những lớp rêu bao phủ như một lời ru êm của thiên thu gởi lại.
Cuối cùng, tôi đã hôn đôi mắt ấy để từ biệt với tất cả những gì thuộc về thế giới này.
Rồi tôi đi uống rượu
Hắn nói trong quán thịt cầy: “Để tìm thấy ánh sáng dân chủ, ở Trung Đông và Bắc Phi đã có hàng ngàn người chết. Ở Việt Nam chưa có ai chết vì công lý, mặc dù chúng ta đã có nhiều người bị ở tù vì lý tưởng của mình. Chúng ta chưa thật sự trả giá, vì thế chúng ta không thể có cái chúng ta muốn. Tuy nhiên, tôi cũng đã nhìn thấy niềm hy vọng khi càng lúc càng có nhiều người tỉnh thức trong những tầng lớp quần chúng khác nhau. Nhưng chúng ta cũng không thể ảo tưởng về một sự cuồng nhiệt trên không gian mạng khi những cái avatar ấy chưa bước xuống đường bằng những con người thật”.
Hắn nói tiếp sau một hớp rượu: “Dẫu sao chúng ta đã có những đốm lửa. Nhưng để những đốm lửa ấy biến thành một đám cháy lớn, chúng ta cần một cơ hội”.
“Trong khi chờ Godot”
Hắn vẽ những bức tranh thuộc loại pop art. Với nồi niêu xoong chảo bên cạnh những vòng tròn của bánh xe, cuộc hành trình nghệ thuật của hắn mang một ấn tượng của những thực đơn cho một tìm kiếm không giới hạn. Hắn nói, màu nâu vừa ảm đạm vừa nồng ấm thì lại “rất tâm trạng” của những kẻ không còn đất sống. Những nồi niêu và bánh xe gợi nhớ đến những gánh hàng rong. Hắn tận dụng màu nâu đó trong hầu hết các tác phẩm để nói về sự bật gốc của con người ra khỏi nguồn cội và lưu vong ngay trên quê hương mình. Nhưng tính cách pop art cũng làm mất đi cái sâu lắng của thân phận, nhưng bù lại nó làm nổi bật lên sự hỗn tạp thời sự mà cuộc sống con người bị chìm lẫn trong đó.
Hắn nói, không hiểu vì sao, những nhà sưu tập tranh ở Singapore lại ưa chuộng những bức tranh này.
Trong lúc cô ấy viết những bài thơ siêu hình
Văn chương chẳng để làm gì, nhưng cũng không thể không có nó. Cô ấy vẫn viết những bài thơ cho mình. Tôi thật sự tin rằng những bài thơ siêu hình như của cô không vô ích. Nó vẫn tồn tại đâu đó trong tâm hồn con người, đặc biệt đối với các nghệ sĩ, như dưỡng chất của máu. Nó làm cho các nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ cho dù họ sáng tác như thế nào. Đó cũng là lý do tôi cần phải nhìn thấy cô. Luôn luôn. Như thể chính cô là linh hồn tôi.
Vì bởi tôi là sự tàn tạ
Cô và nước của cô vẫn hằng tưới lên tôi từng giây từng phút. Ân sủng ấy làm cho linh hồn tôi nẩy mầm và thân thể tôi tươi nhuận. Trong khi trí nhớ tôi càng lúc càng tàn lụi, tôi không kết nối được các sự kiện hay ngôn ngữ để phát biểu mạch lạc, thì linh hồn tôi lại rậm rịt các hình ảnh quái dị khởi phát cùng với ý niệm về sự hồi sinh thôi thúc dấn thân. Tôi cần phải sống tận cùng những gì còn lại, thời gian và sinh thú cuộc đời, thoát khỏi mọi ràng buộc. Nhưng tôi giống như kẻ đan lưới tự vây bủa chính mình, sự tỉ mẩn trong ý nghĩ và những giới hạn phập phù mang tính thiểu năng đã càng lúc càng biến tôi thành kẻ loay hoay và đầy lưỡng lự. Cảm thức về sự cô đơn và bất lực giống như trong một đám cháy tuy không làm tôi sợ hãi nhưng đẩy tôi tới sự khốn cùng.
Một cảm giác vừa cạn kiệt vừa sinh sôi không giống như kinh nghiệm được mô tả của một ngọn đèn trước gió, lửa sẽ bùng lên trước khi tắt, tôi chập chờn tan biến cùng lúc với khao khát thụ hưởng. Những hạt mầm tôi rơi vãi và bám giữ trên mặt đất đang trôi đi và mất hút vẫn mọc lên cành nhánh hệ lụy trong lúc tôi muốn trút bỏ toàn bộ cái lý lịch đời sống để biến thành không. Một sự vô danh triệt để. Cũng là một toàn mãn vô cầu.
Tôi luôn hướng về sự chết và chuẩn bị cho cái chết.
Nhưng tất cả chỉ là vật vờ
Hôm nay con quái vật Gaddafi ở Libya đã chết. Trên facebook, bá tánh post lại một biếm họa cảnh ông ta xuống hỏa ngục hội tụ với các trùm sát thủ của nhân loại. Hắn viết một comment: “Hỏa ngục điểm danh vẫn còn thiếu một số đồng chí”.
Cả hỏa ngục và trần gian đều chờ đợi ngày các sát thủ đền tội.
Chúng ta ngồi với vết thương
Tất cả. Liệu có ai trong chúng ta không mang thương tích? Chúng ta vẫn để máu chảy trên mặt và thân thể lấm lem bùn đất. Nhưng chúng ta vẫn ngồi đó, nơi chúng ta bị sỉ nhục. Và chúng ta nghĩ về thiên thu. Và chúng ta được đánh dấu trên trán chờ ngày làm thịt. Và chúng ta biết điều ấy là khốn nạn, nhưng chúng ta vẫn ngồi đó và im tiếng.
Thượng đế không làm thay con người
Họ đi trên phố với các khẩu hiệu in trên giấy A4: “Không được bắt người yêu nước”, “Yêu cầu thả người yêu nước”… Nhưng những người yêu nước vẫn bị bắt.
Các chính phủ và các tổ chức nhân quyền trên thế giới bày tỏ thái độ và yêu cầu chính quyền không được đàn áp người bất đồng chính kiến. Nhưng những người bất đồng chính kiến vẫn bị đàn áp.
Tất cả mọi kiến nghị với hàng ngàn chữ ký không làm cho cánh cửa nhà tù mở ra.
Bất bạo động và hòa bình là một giải pháp tranh đấu văn minh, nhưng nó chỉ có thể đạt hiệu quả khi kèm theo một số lượng người tham gia đủ để chi phối vào đời sống xã hội.
Vài chục người xuống đường chưa phải là một áp lực.
Vài trăm người xuống đường chưa phải là một áp lực.
Vài ngàn người xuống đường cũng chưa phải là một áp lực.
Nhưng hàng trăm ngàn người xuống đường chắc chắn là một áp lực.
Linh hồn tôi lúc nào cũng muốn rời xa tôi
Thỉnh thoảng, cô ấy vẫn nhắn tin: “Tôi căm thù anh”. Tôi không dám xác quyết đó là một trạng thái của tình yêu hay không. Nhưng tôi cũng không có cách nào để hóa giải nỗi “căm thù” đó thành một trạng huống bình thường vì cô luôn từ chối mọi mong muốn được gặp cô của tôi.
Tôi biết có những người mà cho dù bất kể như thế nào, bất đồng chính kiến hay khác biệt quyền lợi phe phái, họ cũng vẫn là bạn mình. Cũng như có những người hoặc sẽ không bao giờ có thể thành bạn, hoặc cho dù có từng là bạn cũng sẽ đến lúc không bao giờ nhìn mặt nhau.
Nhưng có một điều tôi tin chắc, khi cô ấy nói “Tôi căm thù anh” là cô đang nhớ đến tôi, nhớ những gì tươi đẹp mà chúng tôi từng chia sẻ. Bởi thế, tôi càng mong muốn gặp cô. Tôi vẫn tin cô là bạn tôi. Tôi yêu cô cũng như cô yêu tôi.
Có thể có những sai lầm không thể sửa chữa, nhưng tôi vẫn tin bằng sự chân thành, sự sai lầm sẽ được tha thứ.
Khi hồn lìa khỏi xác, sự sống chỉ còn là một cái bị thịt
Cuộc sống tôi là những thước phim âm bản. Không có cô ấy, tôi thiếu ánh sáng để hiện thành thực hữu. Không có sự soi chiếu của cô ấy, tôi chỉ là một bóng tối phi thực. Tôi là một gã đàn ông mít ướt, sến chảy nước. Tôi không thể chết vì bất cứ một điều gì khác ngoài cô ấy. Vì thế, tôi là một thứ thùng rác để cô ấy vứt bỏ tất cả những gì cần vứt bỏ.
Hắn muốn thoát ra
Hắn nói, chưa bao giờ hắn cảm thấy cuộc sống nhỏ mọn đến thế. Vì thế, hắn cần phải bung phá. Nhưng bung phá như thế nào thì hắn không biết. Đầu tiên, hắn bỏ việc một chỗ làm yên ấm, tuy luơng không cao nhưng đủ để ăn nhậu và tán gái. Hắn muốn dành cuộc đời hắn cho những cuộc ra đi. Nhưng hắn cũng chẳng biết đi đâu. Thế rồi hắn lại phải đối diện với việc làm thế nào để có tiền ăn nhậu và tán gái. Điều may mắn nhất của cuộc đời hắn là không dính đến ma túy. Và điều quan trọng nhất mà hắn nhận ra là cuộc sống thật nhảm. Để cho cuộc đời bớt nhảm, hắn lại cũng không biết làm gì hơn là ăn nhậu và tán gái.
Một may mắn khác cho hắn là hắn không có nhu cầu bày tỏ mình. Bởi vì khi bày tỏ mình, hắn sẽ đụng vào bức tường chuyên chế ngăn ngừa và kiểm duyệt mọi sự khác biệt về tư tưởng trong hệ thống cai trị. Từ văn chương nghệ thuật đến chính trị xã hội.
Không một ai bày tỏ thái độ hay quan điểm khác biệt với chính quyền mà không gặp khó khăn, ít nhất là một cảm giác bất an cho đến khủng bố hoặc lao tù.
Thời của những con chuột cống
Khi những con chuột cống bò ra đường, chúng nghĩ rằng thế giới này thuộc về chúng và chúng cắn cả con người. Đã có hàng triệu người chết vì bị chuột cống cắn trên khắp mặt đất. Con người ghê tởm chúng, nhưng con người đã không thể chống lại chúng bởi sự chia rẽ của mình. Không ít người cũng muốn biến thành chuột cống để được chia sẻ thịt người. Trong một thời kỳ dài, một nửa thế giới đã bị bọn chuột cống thống trị. Và chúng bảo đó là thiên đường, mặc dù mùi hôi của chúng làm cả nhân loại ngạt thở. Lâu dần, mùi hôi của chuột cũng trở nên quen thuộc và một nửa thế giới ca tụng mùi hôi đó là ưu việt và đầy tính nhân văn…
Nhưng chuột và người vốn là hai loại khác nhau không thể cưỡng bức chung sống.
Chuột cống phải chui xuống cống.
Con người phải đi đâu bây giờ?
Nếu như “Thượng đế đã chết” theo phán quyết của Friedrich Nietzsche, thì con người cũng nên tự vứt mình vào thùng rác, khi con người không có khả năng làm cho mình tự do hơn.
Đám tang chuột cống
Giống như một bức tranh Đông Hồ, xác con chuột cống nằm trên kiệu được lũ mèo thay phiên nhau khiêng từ Bắc xuống Nam và được đặt trên núi Cấm. Bài vị con chuột cống được viết theo kiểu thư pháp Việt chỉ giản dị có mấy chữ: “Vua của các vua” và được dân chúng thờ phượng như Thành hoàng. Nhờ niềm tin của con người, chuột cống trở nên linh thiêng. Những kẻ mưu đồ quan chức và cầu tài đều đến khấn vái xin lộc.
Phúc – họa của xứ rồng cũng từ đấy
Hắn bảo: “Buôn vua cũng chưa phải là lợi nhất, bởi chơi dao cũng dễ đứt tay. Buôn thần bán thánh tuy có khá hơn vì nắm được đầu con người, nhưng của thiên trả địa, cũng chỉ là chuyện bạo phát bạo tàn âm binh thế thôi”.
Thằng Click bảo chính trị xứ mày theo kiểu Hàn Tín
Môi hở răng lạnh. Dù thế nào cũng không để cho răng rụng hay gãy. Còn răng thì còn có cái để cạp. Răng chắc cặc bền. Chân lý ở chỗ ấy. Khôn dại cũng ở chỗ ấy.
Ai mua tôi bán
Hắn cầm chai bia đứng lên giữa quán nhậu, rao: “Bán đêêêê…” rồi tu một hơi. Lại rao: “Bán đêêêê…”. Mọi người quay nhìn hắn. Một người nói: “Ngữ ấy cho cũng không ai lấy”. Hắn ngồi xuống, nghĩ mình thua một con đĩ. Nhưng tại sao lại so sánh với đĩ? Hắn có quyền và có thể so sánh với đĩ không? Đĩ có phải là một phẩm giá không hay đĩ là thứ không được xếp loại? Đĩ có phải tồn tại chỉ vì chính đĩ hay còn vì những gì lớn lao hơn, giá trị hơn? Và đĩ thõa là một phẩm tính hay sa đọa? Thế nào là phẩm tính? Thế nào là sa đọa?
Tuy nhiên, hắn biết một điều chắc chắn khi cô gái nói “Em là con đĩ nhỏ của anh” thì đấy là một sự dâng hiến say đắm, trong sáng và tận tụy nhất mà con người có thể cho nhau.
Hắn cũng nghe truyền tụng: “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng số tiền cao hơn”
Người ta mua nhau hay mua quan bán chức và những kiểu trao đổi khác như hối lộ, tham nhũng, đĩ điếm… về bản chất không khác gì nhau.
Thân xác là một tài sản cá nhân, tinh thần là một tài sản cá nhân, chức quyền là một tài sản được ủy nhiệm hay chiếm dụng. Kẻ bán thân xác chỉ bán tài sản của mình. Kẻ lạm dụng chức quyền bán cái không phải của mình.
Đạo đức hình thức giết chết những kẻ nghèo hèn.
“Chiếm lấy phố Wall” (**) hay “Chiếm lấy Trung Nam Hải” là sự thức tỉnh cần thiết của đạo đức đích thực.
Nhưng trước khi chiếm được phố Wall hay Trung Nam Hải, 99% nhân loại cần bảo vệ được mình không bị ai chiếm.
Chỉ có con đường dằng dặc mà không có đất hứa
Khắp nơi trên mặt đất, con người tiếp tục tị nạn, tiếp tục lưu vong cả bên ngoài và bên trong quê hương mình. Họ không có đất hứa ngoài một niềm hy vọng do chính mình vẽ ra trong tuyệt vọng tăm tối. Niềm hy vọng của tự do.
Nhưng cũng 99% nhân loại nếu được tự do, cũng không biết dùng tự do của mình để làm gì.
Vì thế, con người tiếp tục đi trong tăm tối
Hắn hỏi tôi: “Ông có nghe nói về minh triết Việt không”? Tôi bảo minh triết Việt chỉ là vấn đề copy và copyright. Cái gọi là bản sắc cũng chỉ là nỗ lực tuyệt vọng vá víu cho một ý thức hệ vay mượn đã phá sản. Vì thế, minh triết Việt không nằm ở thượng tầng, mà ẩn sâu trong dân gian.
Hắn bảo, minh triết là sự mách qué của ngôn ngữ
Công an lại mời hắn làm việc. Những gì hắn viết được mang ra săm soi phân tích. Hắn chẳng buồn tranh cãi vì không thể tranh cãi chuyện văn chương tư tưởng với những người làm an ninh. Hơn nữa, những gì cần được kết luận thì đã có kết luận trước khi hắn được mời rồi. Thế là dự định cho một feuilleton trên Facebook đành ngưng lại. Thay vì một tác phẩm với những comment sẽ ra đời như một thể loại cuộc sống thì hắn lại chìm vào cái chết của sự im lặng đầu hàng. Thế cũng có nghĩa là mọi suy nghĩ sáng tạo phải nằm trong định hướng của nhà cầm quyền. Mọi tự do đều là ảo tưởng.
Hắn không còn đủ sức để đương đầu với những khó khăn, phiền nhiễu và khủng bố.
Và hắn nhận ra sự thủ dâm chính là một minh triết cho sự sống mà không tự gây ra phiền nhiễu
Hắn nghĩ đến một sinh vật hoàn hảo. Ừ, một sinh vật hoàn hảo là một sinh vật có khả năng làm mình tự sướng. Làm giống đực hay giống cái cũng đều khiếm khuyết như nhau. Les hay Gay hẳn nhiên là một sự thiên lệch. Lưỡng tính thì đầy đủ về tính cách nhưng thiếu các bộ phận cơ thể đáp ứng. Bởi thế một sinh vật hoàn hảo cần có hai bộ phận sinh dục khác nhau, đực và cái. Nó có thể tự thỏa mãn và tự sinh sản mà không cần bất cứ một sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Và như thế, nó hoàn toàn độc lập, tự do và hạnh phúc để sống hay chết.
Cái chết chỉ có nghĩa khi nó là sự tự sát
Hắn biết rằng im lặng là chết và đó là cái chết ngục tù. Mọi hy vọng chỉ là hão huyền nếu con người không hành động. Nhưng hành động trong sự cấm đoán là tự sát. Chính vì thế, tự sát là một hành động vượt thoát. Như sự hoàn hảo đầu tiên và tự do cuối cùng. Dưới đáy của sự im lặng, hắn lau chùi ngôn ngữ và hắn nhìn thấy ngôn ngữ tứa máu.
Những bản thế vì khai sinh bị xé rách
Hắn hỏi tôi: “Mày muốn gì”? Tôi bảo, tôi chẳng muốn gì khác là cái gì ra cái ấy. Như tôi ra tôi. Hắn nói, việc đó đâu có ai cấm. Tôi bảo, lý thuyết là thế, nhưng thực tế nếu tôi là tôi mà không giống mọi người như một khuôn mẫu trong mọi quan điểm xã hội, tôi sẽ trở thành “nhạy cảm”. Mà “nhạy cảm” là điều cấm kỵ để trở thành thực tế. Và “nhạy cảm” là một phạm trù không giới hạn và không được qui định cụ thể trong bất cứ một văn bản pháp luật nào. Vì thế, sự kiểm soát của các cơ quan công quyền đối với con người cũng trở nên vô giới hạn.
Hắn nói: “Nếu mày muốn, cứ tự xé rách mình ra”.
Tôi viết cam kết: “Nếu còn tiếp tục viết những điều nhạy cảm, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, như thể viết những điều “nhạy cảm” là phạm tội. Cho dù “nhạy cảm” chỉ là một khái niệm.
Cũng như tôi đã từng cam kết: “Nếu tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, như thể chống xâm lược là phạm pháp.
Nếu mày muốn thể hiện mày như chính là mày thì mày đã quá ngông cuồng, con ạ.
Các con của ta, đừng bắn
Có lẽ đó là câu cuối cùng của lãnh tụ Gaddafi sau khi bị lôi ra khỏi ống cống. Vị “cha già dân tộc” này quên rằng, chính ông ta đã từng ra lệnh bắn vào đồng bào của ông khi họ cất tiếng nói xác lập quyền con người của họ.
Khi máu con người tuôn đổ
Trên những quảng trường khát vọng, con người đứng thẳng và hô vang những ước mơ của mình. Cho dù những âm thanh của ước mơ đó sẽ bị những tiếng nổ của súng đạn lấn át và con người phải đổ máu, những ước mơ vẫn không ngừng mở ra những chân trời mới.
Thị kiến của tôi
Tất cả mọi cánh cửa đều mở và từng con người banh ngực bước ra. Mọi đường phố đều chật cứng người. Họ như một làn sóng cuồng nộ. Họ đi đến đâu ở đó xuất hiện những ngọn súng cắm xuống đất và nở ra những bông hoa lài trong khi lũ chuột cống chui xuống hang hốc rồi bị phân hủy. Họ đi từ xứ sở này đến xứ sở khác, trên ngực đầy vết máu, nhưng không gục ngã. Khi đứng trên một ngọn đồi, trong phút chốc, họ biến thành rừng. Và khu rừng cứ trải rộng dần ra như một vạt nước bao phủ toàn trái đất. Rồi tôi thấy gió nổi lên và tôi biết đó là những linh hồn con người đang bay. Tôi không biết họ sẽ bay về đâu, nhưng tôi biết mỗi một cơn gió đều có linh hồn con người trong đó và nó nuôi dưỡng niềm hy vọng cho người sống cũng như an ủi cho người đã chết.
Cô ấy nói, em ghét anh
Điều đó không bình thường. Tôi không vui vì có cảm giác miễn cưỡng trong cách cô ấy chiều chuộng tôi. Có một khoảng cách đang lớn dần lên giữa hai chúng tôi. Đã đến lúc phải xa nhau, tôi nghĩ. Cô ấy hỏi, không còn em, anh chịu đựng được chứ? Tôi nói, không đến nỗi chết. Nhưng chắc chắn anh sẽ buồn lâu.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn buồn và không khỏi không nhớ đến cô ấy, từng giây.
Những khoảng tối trong cánh rừng
Có khoảng gần một trăm nhân viên công quyền, mặc sắc phục và thường phục, bao vây và khám xét nhà cô ấy. Máy vi tính, đầu đọc và USB bị tịch thu. Rồi họ bắt cô đi.
Vì những gì cô đã viết, cô phải bị trừng phạt.
Số phận của cô ấy giờ đây như cá nằm trên thớt. Không ai biết cô bị giam giữ ở đâu.
Chuồn chuồn, châu chấu vẫn bay
Bất động và im lặng tuyệt cùng, hắn chìm sâu ở dưới ấy. Nhưng thi thoảng nhờ em gái giúp trong lúc tắm rửa, sự sống lóe sáng từ những cơn phóng tinh dật dờ biểu tượng của hắn.
Tôi cũng chìm sâu dưới ấy
Hai bàn chân tôi đạp thoi thóp. Rong rêu bám vào chân tôi. Tôi nghĩ, cần phải thoát ra khỏi chỗ này. Nhưng khi chồi lên khỏi mặt nước, một khoảng trống khác mênh mông hơn làm tôi chới với. Tôi lại nghĩ, đây là cái chết của mình. Một cơn gió bay ngang hút hết hơi thở của tôi. Bây giờ, cả bên trong linh hồn tôi cũng trống rỗng. Tôi nghĩ, mình không còn gì nữa. Và tôi muốn nói với cô ấy, anh không còn gì nữa. Nhưng tôi không nói ra lời. Tôi đã là một cái xác im lặng.
Người ta gọi tôi là ma
Suốt 49 ngày, tôi được cúng cơm. Đến ngày thứ 50, trở thành con ma đói, tôi lang thang và đi xuyên qua thế giới này như âm vọng. Và tôi va đập với thế giới một cách mù quáng.
Cả cái chết cũng chỉ là một sự thật biểu kiến của vĩnh hằng.
N.V.