Nhân vật Nhậm Ngã Hành của Kim Dung

Lê Học Lãnh Vân

A)

Năm Mậu Thân 1968, giữa những đợt pháo kích vào Sài Gòn, vài thằng bạn học sinh Petrus Ký chúng tôi chuyền tay nhau đọc TIẾU NGẠO GIANG HỒ đăng hàng ngày trên báo. Lúc đó đang tới đoạn Lệnh Hồ Xung được Hướng Vấn Thiên đưa tới Cô Sơn Mai Trang đánh lừa Giang Nam Tứ Hữu nhằm cứu Nhậm Ngã Hành đang bị giam cầm trong ngục dưới đáy Tây Hồ. Đang chiến tranh, mấy bữa mới có một tờ báo, đọc tới đọc lui tới rách nát mới thôi!

Nhậm Ngã Hành là một anh hùng cái thế, giáo chủ Ma Giáo, tức Triêu Dương Thần Giáo, bị cấp dưới là Động Phương Bất Bại lật đổ, cướp ngôi giáo chủ, giam cầm dưới đáy Tây Hồ. Nhờ sự giúp đỡ tận tâm của Hướng Vấn Thiên, Lệnh Hồ Xung, lão đào thoát ra ngoài, giết được Đông Phương Bất Bại, vừa trả thù xưa, vừa giành lại vị trí giáo chủ.

Lần đầu tiên trở lại vị trí giáo chủ, Nhậm Ngã Hành ngạc nhiên khi nghe thuộc hạ tung hô: “danh vang bốn bể“, “trường trị muôn năm“, “nhất thống giang hồ“… theo thói quen của giáo chúng Ma Giáo được tạo nên dưới thời Đông Phương Bất Bại. Vốn là anh hùng phóng khoáng, lăn lóc giang hồ, đồng cam cộng khổ với anh em, Nhậm Ngã Hành không thể nhịn được vừa phì cười vừa ngắt lời: – Muôn năm trường trị… là cái đếch gì..?

Nhưng rồi lão ta lại nghĩ:

– “Nếu trường trị muôn năm, nhất thống giang hồ thì thực sự quả là một điều khoái lạc thứ nhất trên đời, không trách con người mong mỏi như vậy.

Nghĩ tới đây lão phá lên cười. “Tiếng cười lúc này rất đỗi hả hê, ra chiều đắc ý vô cùng”. Nhậm Ngã Hành dần quen với các lời chúc tụng kêu vang vang!

Bước vào điện Thành Đức của Đông Phương Bất Bại, chữ Thành Đức ngụ ý tán dương giáo chủ Văn Võ tột đỉnh, sau vài lời khách sáo, Nhậm Ngã hành tự nhủ:
– Trong thiên hạ còn ai xứng đáng hơn ta là Văn Võ tột đỉnh?

Một lát sau, bọn thuộc hạ vào vấn an giáo chủ. Vốn là người xưa kia xưng huynh gọi đệ với giáo chúng, cấp dưới gặp mặt chỉ cung tay vái chào, nay gặp cảnh mọi người dập đầu hành lễ, lão đứng dây xua tay, toan bảo mọi người đứng dây.

Tuy nhiên, câu nói chưa ra cửa miệng, lão đã ngồi xuống. Tiếp theo, lại có toán người khác tiến lên. Họ lại dập đầu hành lễ, và lần này Nhậm Ngã Hành ngồi yên gật đầu đón nhận.

Lệnh Hồ Xung ngồi xa, nhìn về hướng ngôi cao của lão, trong ánh sáng lung linh mờ ảo không thấy rõ người, tự hỏi đó là Nhậm Ngã Hành hay Đông Phương Bất Bại! Nhìn ra ngoài sân sáng, mọi vật rõ ràng, nhìn vô đại điện tối mờ, hàng ngàn người dập đầu gân cổ dồn dập tuôn lời chúc tụng thuộc lòng…

Chàng tự hỏi: những hào kiệt có biết nhục chăng khi hàng ngày phải quỳ mọp để tuôn ra những câu: “Trung hưng thánh giáo”, “Trạch bị thương sinh”, “Văn thành võ đức”, “Nhân nghĩa anh minh”, “Nhất thống giang hồ”, “Thiên thu trường trị”…? Ðông Phương Bất Bại bày ra trò bỉ ổi đã đành, tại sao Nhậm Ngã Hành là bậc anh hùng phóng khoáng mà nghe những lời ton hót cũng lộ vẻ thích chí kiêu căng?

Và chàng bỗng tỉnh ngộ: những kẻ kia, ngoài miệng thốt ra những câu ca tụng trời biển, mà thực ra trong bụng lại nguyền rủa âm thầm. Trước nay bậc anh hùng kính hiền trọng sĩ mới làm nên đại sự, bậc hào kiệt thì khí khái chẳng xu nịnh ai. Những kẻ cúi đầu đê hèn toàn là hạng xu nịnh vì lợi lộc cá nhân thấp hèn chẳng có chút gì khí phách!

Còn đang ngẫm nghĩ, bỗng nghe bọn thuộc hạ dứt tràng chúc tụng, nhao nhao kể tội Đông Phương Bất Bại! Tội to như giết hại hào kiệt công thần, tội nhỏ như ăn con bò, con dê… Lại có kẻ tố cáo Đông Phương Bất Bại gian dâm vợ con giáo chúng! Trời, Đông Phương Bất Bại đã “vung dao tự thiến” để luyện tuyệt kỹ Quỳ Hoa Bảo Điển, sao còn những kẻ bày trò tố cáo lếu láo thế mà Nhậm Ngã Hành dù biết vẫn ngồi yên nghe? Lệnh Hồ Xung không thể nhịn cười bật tiếng ha ha. Tiếng cười vọng đi rất xa, mọi người trong điện nghe tiếng cười chế nhạo thì không khỏi căm tức, quắc mắt lên quay ra nhìn…

B)

Cuối tháng 4/1975 chiếc xe tăng quân đội Miền Bắc húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập giữa Sài Gòn. Việt Nam sau 20 năm chia hai lại thống nhất!

Cuối tháng 5 năm đó, Chiến Dịch Bài Trừ Văn Hóa Đồi Trụy được phát động. Các toán thanh niên dọc ngang đường lớn hẻm nhỏ cầm loa ra rả loan tin: “tất cả các sách vở, tài liệu in ấn trước ngày 30/4/1975 phải đem nộp cho nhà nước!”.

Gia đình tôi quyết định đốt sách chứ không nộp. Mỗi ngày tôi mang một hai chồng sách ra sau nhà đốt, khói đen mịt mù… Một lần, một nhân vật có vai vế cao của thành phố ghé thăm gia đình, thấy bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ đang chìm trong tro và lửa đỏ. Đó là người tôi kính trọng, giao thiệp gần với gia đình, tôi kêu là anh Sáu. Ông có vẻ tiếc hỏi sao tôi không đem gởi một cơ quan nào đó.

Trong lúc chờ anh chị tôi ra, tôi kể cho ông nghe về truyện kiếm hiệp Kim Dung. Ông khuyên tôi không nên nói nhiều quá về Kim Dung, bởi vì “chúng ta đánh giá Kim Dung phản động!”.

– Ủa, em thích tư tưởng Kim Dung. Nền truyện là hai phái chính và tà tranh chấp nhau. Trên đó, luôn có một giá trị cao hơn giá trị phe phái, đó là giá trị nhân bản. Phe nào cũng có người tốt, người xấu. Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung đều vì con người mà vượt trên phe phái, đoàn kết phe phái với nhau phụng sự tổ quốc, phụng sự tình người!

– Đó mới là điểm phản động của Kim Dung. Hai phái trong các truyện của ông tượng trưng cho hai phe Tư Bàn Chủ Nghĩa và Xã Hội Chủ Nghĩa. Kim Dung xóa nhòa ranh giới hai phe, gây ảo tưởng và từ đó không còn phân biệt địch ta bạn thù. Ngoài ra, em có chú ý hình tượng Nhậm Ngã Hành không? Mao Trạch Đông đó! Kim Dung phê phán phê phán đảng Cộng sản Trung Quốc, phê phán Mao Trạch Đông khi thành công quên thời gian khổ Vạn Lý Trường Chinh, hành xử như một hoàng đế ngất ngưởng ngôi cao, xa rời dân chúng…

Tối đó tôi kể anh chị tôi nghe những gì anh Sáu nói. Anh tôi cười ha hả: “Cái thằng Sáu đó nó mê Kim Dung còn hơn mình. Nó có ý tốt mới nói với em như vậy. Nó nói Tố Hữu thông báo quan điểm chính thức của tuyên huấn là Kim Dung phản động. Em là sinh viên đại học không được mơ hồ. Mai mốt trường lớp mở lại, em vô đó nói linh tinh không có lợi!”.

Trên bốn chục năm vèo trôi! Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã vào sâu trong lịch sử. Anh chị tôi mất, Tố Hữu mất, anh Sáu mất. Hôm qua đọc báo biết Kim Dung mới qua đời. Các quan điểm của tuyên huấn, tuyên giáo cứ thay đổi, những nhân vật Kim Dung vẫn sống trong lòng người đọc.

Và Nhậm Ngã Hành vẫn thiên thu trường trị trong văn học kiếm hiệp như là bài học về “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Không chỉ tha hóa Nhậm giáo chủ, mà tha hóa cả Triêu Dương Thần Giáo với biết bao nhân tài một thời lừng lẫy!

Ngày 31 tháng 10 năm 2018

Comments are closed.