Nhớ anh Nguyễn Xuân Hoàng

Lê Minh Hà

 

Văn Việt: Đây là tâm tình của nhà văn Lê Minh Hà vừa gửi tới khi được tin nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vĩnh biệt cõi trần ngày 13/9/2014 tại San Jose Hoa Kỳ. Văn Việt xin cầu chúc hương hồn nhà văn yên nghỉ cõi vĩnh hằng.

 

Khi đó Mai Thảo vừa mất, Nguyễn Xuân Hoàng thay Mai Thảo làm VĂN. Lê Minh Hà vừa xuất hiện thực sự trên báo chí hải ngoại, với các truyện ngắn. Đầu tiên là ở DIỄN ĐÀN (Pháp), rồi HỢP LƯU; VĂN HỌC (Mỹ). Còn nhớ một anh bạn dân Bắc di cư năm 54 lớn lên giữa Sài Gòn bảo “không bao giờ Lê Minh Hà có thể xuất hiện trên Văn ngay cả khi không còn Mai Thảo. Văn là Văn, họ có cách đọc riêng”. Tôi im lặng. Khi đó tôi chưa gửi bài cho Văn. Nhưng tôi biết nếu VĂN không phải là sự nối dài của SÁNG TẠO thì cũng là căn cứ ở nước ngoài của nhiều người trong nhóm đó – những người có chung với tôi một miền đất sinh ra, lớn lên, nhưng đã từ đó hai lần ra đi, có chọn lựa, lần ra đi sau là mãi mãi. Nếu những tên tuổi ấy có ngoảnh mặt trước cái tên của một người viết khi tự nói về mình đều rất thành thật nhận rằng lớn lên dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa thì cũng là dễ hiểu, khi tôi, anh, chúng ta đều là người Việt Nam. Hoàng Ngọc Hiến những ngày đó chưa để đời cái câu “Cái nước mình nó thế”. Nhưng mà đúng vậy: Cái nước mình nó thế.

Chính khi đó tôi nhận được lời nhắn của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Rằng Nguyễn Xuân Hoàng muốn xin Hà một truyện cho VĂN. Cho tờ tạp chí văn học ở hải ngoại mà tôi đã nghĩ đúng như anh bạn không khi nào dành một mẩu đất cho cái tên Lê Minh Hà, cũng như ai viết chữ Việt nhưng là người Bắc, người Hà Nội của cái thời tất cả (cũng có thể là giả vờ) lên đồng tin “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” (Tố Hữu).

Nhận được cái gật qua điện thoại của tôi, sẵn có mấy truyện nằm trong kho của Văn Học, thực ra là mấy truyện Văn Học đặt viết thành cả serie, anh Nguyễn Mộng Giác chuyển qua anh Nguyễn Xuân Hoàng một truyện. Trăng góa. Tên của truyện đó tôi sẽ dùng làm tên cả tập truyện xuất hiện lần đầu tại Mỹ năm 1996, về Hà Nội của tôi, thành phố tôi sinh ra, lớn lên, đã xa và vẫn yêu, và tôi biết, cũng vẫn được yêu, ít nhất là yêu những mùa thu mùa đông khắc khoải và khắc nghiệt, bởi những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam cho tới nay vẫn chưa được công khai công nhận, như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền.

Trăng góa, tập truyện đó, vì thế có hàm giữ cái tình của tôi với cả ba tạp chí văn học hàng đầu hải ngoại một thời. Hợp Lưu, bởi cái bìa do họa sĩ Khánh Trường chủ bút làm cho, Trăng goá – truyện lần đầu chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng đã cho đi trên Văn của người viết Lê Minh Hà, và những truyện khác, được viết, viết lại theo gợi ý của chủ bút Văn Học – Nhà văn Nguyễn Mộng Giác.
Bây giờ các anh người còn người mất. Vừa hôm nay anh Hoàng đến với anh Giác. Trong ba ông chủ bút của Hợp Lưu, Văn Học, Văn, tôi mới một lần gặp mặt anh Nguyễn Mộng Giác, anh Khánh Trường còn sống đấy mà chắc cũng khó có bao giờ, anh Nguyễn Xuân Hoàng mấy năm trước qua Paris còn hẹn tôi gặp nhau ở Đức và anh em đã không có dịp gặp nhau. Nhưng chữ, nối chữ, cho anh em tôi gần nhau, vì cái tài ư, không hẳn, chỉ là cái tình, có được do đạo chữ.
Họ đã cho tôi hiểu thêm về lịch sử Việt Nam còn đang nóng hổi, cho tôi hiểu phận người Việt, phận người trí thức nghệ sỹ Việt trong dòng lịch sử đó, không phải chỉ là những chua xót, tủi buồn, tự tín, mà là ý thức về nghĩa vụ, chỉ có được khi có một trí tuệ thực sự luôn vận động.
Họ cho tôi một bài học giản dị về hòa giải và hòa hợp từ chỗ đứng của con người. Không có gì khác hơn là cố gắng biết, cố gắng hiểu, để thấy được nỗi đau của người không bé hơn nỗi đau của ta.
Anh Hoàng ơi, dù chưa khi nào gặp anh, BẤT CỨ NƠI NÀO BẤT CỨ Ở ĐÂU; BỤI VÀ RÁC thế nào thì em cũng nhớ, chữ của anh, trong văn và trong thư, và nhớ, cả lời các anh chị khác từng kể cho em và em đã hỏi anh đúng không, rằng Nguyễn Xuân Hoàng rất đẹp trai.
Âm cũng như dương, cõi này, cõi ấy, thế nào anh em mình cũng sẽ có lần gặp nhau.

Comments are closed.