NHỚ ĐỨT ĐOẠN

Ly Hoàng Ly

1. THƠM

(hay NHÀ CÓ BỂ BƠI)

ly

Ảnh: Những đêm mất điện (ở “nhà có bể bơi” đầu những năm 90 thế kỷ trước)

Mùa mưa đến, hầu như cách ngày hay có khi là hàng ngày nước sẽ đổ vào nhà từ 3 ngả: cổng trước (cho dù bà mẹ đã mua xi măng về đắp 1 dọc lươn khá cao trước cửa để chắn, cũng không ăn thua, nước vẫn tràn qua), cống sau nhà (cho dù bà mẹ đã leo qua bờ tường rào cuối nhà, hì hục đào rãnh sâu từ cống, dài ra khoảng đất hoang phía sau để nước có đường mà rút xuống đất, cũng không ăn thua, nước cống vẫn dềnh), và nước dột tong tỏng từ mái tôn cũ (cho dù bà mẹ bao lần leo lên mái nhà để bít các lỗ dột, cũng không ăn thua, chỉ cầm cự được một hai trận mưa lớn. Bít lỗ này, bục lỗ khác).

Mùa mưa đến, hầu như ngày nào nhà cũng biến thành một cái ao đen ngòm gồm bùn, cá, lươn, và một số con sống dưới cống. Mùi tanh sộc lên. Cả nhà – ngồi trên giường đã kê chân cao, ngắm nhìn nước dâng từ từ ngoài sân trước, thấp thỏm chờ đợi phần hồi hộp nhất của màn trình diễn nước.

Đón và xem nước dâng hàng ngày như đón và xem phim dài nhiều tập. Mỗi lần mưa to ập đến và kéo dài hơi hơi lâu là có cảnh rộn rịp: lớn nhỏ, tuỳ theo sức của mình, gom tất cả đồ đạc dưới đất bỏ lên cao, trừ bàn, tủ, giường và… tường nhà… là những thứ buộc phải chạm đất…

Sẽ đến cái hồi nước ngấp nghé con lươn ngoài cửa kính hoa sắt đã đóng kín, dạm tiếng: “Tớ vào nhà nhé” “Thôi không cần vào đâu, sấp sánh ngưỡng cửa chào nhau cũng được rồi. “Nhưng nước đã đến nhà là phải vào. Nhỏ nhẻ một chút lấy lệ, là luồn ngay vài giọt xuống khe cửa, rồi sóng nước sánh qua khe cửa nhẹ nhàng như có người dùng ống thổi ngoài sân, thổi đến đâu nước tràn vào tới đó.

Ai cũng bảo nước vào nhà là tiền vào nhà. Nhưng bà mẹ không thích nhận bất cứ thứ gì không do mình làm ra, nên bà luôn trả lại cho trời đất. Khi mưa dứt, trẻ con ngồi trên chiếc giường giữa ao, vừa đùa giỡn vừa nhìn mẹ lui cui bên giường, sũng nước bùn. Chỉ chỏ hét lên khi phát hiện con cá hay con gì gì đó bơi trong ao nước nông, ngay kế bên mẹ.Thế rồi loáng một cái thấy cái ao đã cạn nước. Lộ ra sàn gạch nhầy ken bùn đất, vài con cá con lươn mắc cạn. Một nhoáng sau, bùn đất lươn cá biến đâu, các hoa văn của sàn gạch hiện ra lại rõ ràng.

Rồi mùi xà bông chờm lên mùi tanh. Khắp nhà nổi bọt xà bông như bọt mây. Cái giường trôi lâng lâng trong bọt mây. Xả nước, tạo bọt mây mới. Xả nước, tạo bọt mây mới… Vài lượt bọt mây như thế, là đến đoạn vui nhất: trẻ con được cùng mẹ hứng và xối các xô nước gáo nước sạch cuối cùng vào nhà. Mẹ dùng chổi chà quét nước xuống cống – lúc này đã rút nước, còn trẻ thì lăn lộn trên sàn, chơi trò trượt nước, đập chân đập tay tung toé, cười khanh khách.

Khi nhà đã thơm tho khô ráo, tắm rửa, thay đồ, bước chân lên sàn gạch hoa sạch bong. Những viên gạch mát rượi như được ướp tủ lạnh. Đó là giây phút hạnh phúc nhất. Nín thở. Hít mùi tinh thơm. Trong lành. Ai cũng mệt nhưng rạng rỡ.

Rồi bà mẹ đưa trẻ con vào giường, kể câu chuyện “nhà có bể bơi”, một câu chuyện dịch từ tiếng Ba Lan bà đọc trên báo. Trẻ con nghe đi nghe lại không biết chán. Câu chuyện về một người đàn ông nghèo khó, nhà cửa rách nát, điều kiện sống tối thiểu còn không có. Ông luôn mơ và lên kế hoạch chi tiết kỹ càng cho việc xây một bể bơi thật oách trong nhà. Trẻ con vừa nghe bà mẹ kể chuyện, vừa lim dim ngủ, cười sung sướng. Giấc ngủ căng ước mơ.

Chuyện bể bơi trong nhà và chuyện ao nước trong nhà còn nhiều chi tiết. Để lúc khác kể tiếp. Nhảy cóc qua chuyện này:

Trời trưa nóng.

Trên lầu 1, thằng bé ngồi chồm hỗm nhìn mẹ nó nhóm mấy cây củi dầu, quạt lửa bùng, rồi kê cái lon nhỏ lên bếp than. Bên trong lon, một chất màu đen sủi tăm. Mẹ nó mồ hôi ròng ròng, dùng đũa quấy liên tục, vết lên vết xuống thứ nước đen bóng, dần quánh sền sệt.

Không chịu nổi nữa, thằng bé nuốt nước bọt: “Mẹ ơi mẹ nấu xong chưa, đã ăn được chưa mẹ?” “Con đói à?” “Dạ, mẹ cho con xin một miếng với” “Một miếng thôi đấy nhé. Thế con chạy xuống bếp lấy cái bát lên đây.”Thằng bé sung sướng dạ một tiếng thật to, chạy biến đi, giây sau bưng lên một cái bát và một cái thìa. Nhấp nhổm, phấn chấn.

Mẹ nó mặt vẻ nghiêm trang, trịnh trọng nhấc đũa vết một ít kẹo, bánh, hay cái thức gì đó đen sệt vào bát cho thằng bé. Không giấu nổi sự háo hức sung sướng, thằng bé nhìn cô chị, vênh vênh ra điều: “Thấy chưa, chỉ có em mới được ăn thôi”

Đột nhiên mẹ nó khựng lại. Chưa kịp chạm bát, chất đen sền sệt nhỏ xuống tờ báo giấy đen trắng lót dưới sàn.Mẹ nó cười phá lên. Cô chị ngồi cạnh cũng bật cười phá lên. Cả hai cười quặn bụng, nghiêng ngả ô cửa sổ chói nắng.

Tội nghiệp thằng bé.Thấy mẹ và chị cười khiếp quá, nó ngớ ra, chực chảy nước mắt. Nhưng nó hiền lắm. Nó cũng ráng cười cười theo mẹ và chị, tuy chẳng hiểu gì. Thấy thằng bé thương quá, mẹ nó cố gắng nhịn cười: “Con biết món này tên gì không?” Thằng bé hơi mếu: “Con không biết” “Món này dùng để bít các lỗ trên mái nhà, tranh thủ khi trời còn nắng. Khi mưa xuống nhà mình không bị dột nữa…”. Mẹ nó cố nén cơn cười, xoa đầu nó: “Món này tên là nhựa đường. Món này không ăn được con ạ. Nó sẽ dính chặt vào răng con, đen thui. Thế là con hết ăn cơm được luôn. Thôi chị trông em cho mẹ đi leo lên mái trét nhựa đường cho kịp, không nó đặc lại mất. Mẹ xong việc mẹ xuống rồi mình ăn cơm.”

Hai chị em “dạ”. Thằng bé đã hiểu gì mấy đến mưa và nắng. Nó mừng, may là nó đã không ăn thứ đó không thì răng bị dính, hết ăn cơm được luôn. Quên ngay chuyện vừa xảy ra, lại chơi vui vẻ cùng chị trong cái oi ả. Đợi mẹ.

Tuy cô chị đã biết thế nào là nhựa đường, không như em trai, nhưng cả hai đứa còn quá nhỏ, ngây ngô. Chẳng hề băn khoăn sao mẹ lại có thể một mình trèo lên mái tôn dột nát của căn nhà 1 lầu 1 tầng xép gỗ ọp ẹp cũ kỹ, với cái hũ chứa cái chất đen đen sền sệt hăng hắc. Chẳng hề lo, liệu mẹ có té không, rồi làm sao mẹ trèo được xuống một mình.

Trong hình dung của hai chị em, mẹ leo lên leo xuống mái nhà thoăn thoắt, mẹ tát ao rất nhanh, mưa nắng gì mẹ cũng không sợ. Mẹ lúc nào cũng cười, cũng pha trò, đùa giỡn, cũng một mình làm xong mọi việc lớn nhỏ.

Bùn và nước cống cũng thơm. Nhựa đường cũng thơm. Nhà lúc nào cũng rộn ràng. Cứ đùa chơi với nhau một đỗi, quay qua ngoảnh lại, đã thấy có mẹ ở bên.

2. CHUYẾN TÀU NAM BẮC VÀ KÝ ỨC TUỔI LÊN 8 – KÝ ỨC KHÔNG ĐỂ BÃ

Lần đầu tiên đi xa khỏi thành phố là khi tôi học lớp 2 hay 3 gì đó, không thể nhớ rõ. Trên chuyến tàu Nam Bắc. Chẳng hiểu là dịp Tết hay dịp hè. Lần trước chỉ có em trai được đi theo mẹ ra Bắc, giờ được mẹ cho đi cùng em, tôi sung sướng lắm.

Không thể nhớ cảnh 3 mẹ con dắt díu nhau lên tàu từ ga Sài Gòn ra sao, xuống tàu ra khỏi ga Hàng Cỏ thế nào.

Nhưng nhớ là hình như căn buồng 3 mẹ con ở trên tàu có 6 giường, mỗi bên 3 giường. Hay là chỉ 4 giường thôi nhỉ. Tôi không chắc lắm. Nhưng tôi thiên về hình ảnh 6 giường, 1 cái tầng dưới 2 cái tầng trên mỗi bên. Cái này nếu muốn chính xác thì phải đến nhà ga xem lại thông tin để coi tàu hoả của năm 82, 83 ra sao. Hay là hỏi mẹ. Mà tôi lại không muốn hỏi mẹ.

Trong trí nhớ của tôi – một con bé 7, 8 tuổi – thì tàu hoả đồng nghĩa với đúng hai chi tiết: dừa xanh và thau nhôm sóng sánh nước. Tất cả chi tiết khác đều nhạt nhoà. Có thể ghi công thức thế này:

Tàu hoả + Ly 8 tuổi = dừa xanh + thau nước

Như một bức tranh được vẽ công phu, rồi những đường bay cạo trắng mọi chi tiết trên toile, chỉ chừa lại thau nước và dừa xanh.

Không có khái niệm về toa tàu dài. Chiều dài của con tàu được “8 tuổi” nhìn nhận bằng chiều dài thời gian đã trải qua cùng mẹ và em trai trong một buồng trên tàu. Có thể ghi công thức thế này:

Chiều dài tàu hoả = 7 ngày x 1 buồng 6 giường.

Chẳng hiểu mẹ sắp xếp mua vé thế nào, mà 3 mẹ con cùng chia chung 1 giường dưới cùng. Đêm đến, hai chị em ôm nhau ngủ trên giường, sát bên mẹ. Giường đối diện là một khách chẳng nhớ là nam hay nữ, già hay trẻ. Mẹ nằm trên lối đi giữa hai giường.Trên một sàn lót lổn nhổn những quả dừa vỏ tươi xanh.

Đến giờ tôi vẫn không thể nhớ mẹ đã 1 mình khuân đống dừa ấy lên tàu như thế nào. Mà tôi cũng không muốn hỏi mẹ. Muốn giữ nguyên cái sự không thể nhớ đó cho riêng mình. Bất khả xâm phạm. Để khi cứ nghĩ đến chuyến tàu đầu tiên, thì úm ba la lập tức phản dừa hiện ra xanh ngắt.

Đôi khi điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời, ngoài những điều tưởng chừng lớn lao, lại là: giữ cho những ký ức được trinh nguyên, 80 tuổi vẫn sở hữu ký ức 8 tuổi. Những ký ức không bị xác bã, luôn tươi, mọng, căng.

Đôi khi những ấn tượng cảm giác đầu tiên – những điều tưởng chừng mơ hồ – là vô giá. Vô giá hơn mọi dữ kiện chính xác, sắc bén. Chưa kể con người ta quên quên nhớ nhớ ngay chính chi tiết cuộc đời mình.

Màu sắc chủ quan của ký ức rất thú vị, tinh khôi, mơ hồ nhưng đậm lịm. Như ký ức về tình yêu vậy. Cái con người ta nhớ về một tình yêu thực sự là những luồng rung cảm mà không biết không thể phân tích được tại sao lại rung cảm, là những hành động vượt khỏi lập trình, thói quen. Tôi rất băn khoăn khi được nghe kể những ký ức thế này về tình yêu: em yêu anh ấy lắm, anh ấy đẹp trai lắm, tài giỏi lắm, giàu lắm, ga-lăng lắm, rộng lượng lắm… Hoặc: tôi chết mê chết mệt cô ấy. Cô ấy đảm đang lắm, xinh lắm, thông minh lắm, quyến rũ lắm… Tôi hay thắc mắc: Những ký ức tình yêu có quá nhiều dữ kiện rõ nét và được phân tích rành rẽ như vậy, có xơ bã quá không?

Ký ức thú vị là khi nhớ về cảnh hoàng hôn sũng màu mỡ gà ta bắt gặp trên đường. Sững sờ, ngây ra, muốn liếm muốn uống cả vầng trời ngon. Chuyện phân tích dữ kiện khoa học, vật lý vì sao trời có sắc đó, sao có ráng mỡ gà ngọt như thế… tính sau.

Ký ức sâu đậm là khi nhớ những đứa trẻ dị dạng mà ta thăm trong quá trình thực hiện dự án nghệ thuật. Nước mắt đông lại, người muốn mủn ra trước bất công của tạo hoá. Những cái đầu to gấp 2 lần đầu người bình thường, những đôi mắt lồi ra khỏi mí, những tiếng kêu ú ớ không thể thoát khỏi cổ họng. Những bàn chân bàn tay ngoặt nghoẹo lễu nhễu lêu khêu vươn ra từ cũi, quắp chặt ta, mong ta bế bồng. Như những cục thịt có suy nghĩ, biết ngọ nguậy, thèm hơi mẹ, khát tình thương. Về nhà, ta không sao nuốt nổi cơm, nghẹn rất nhiều ngày sau. Ký ức đó ngồn ngộn cuộn trong cả óc lẫn ruột, còn chuyện phân tích dữ liệu sinh học vì đột biến gen gì mà các bé lại không có hình dạng bình thường của con người như thế… để sau.

Sinh thời, bà Ngoại tôi hay kể chuyện những năm chiến tranh cho tôi nghe. Có một chuyện mà bà cứ kể đi kể lại hàng trăm lần. Câu chuyện về phố Khâm Thiên bị đánh bom và bà chứng kiến. Tôi để ý mỗi lần kể cùng câu chuyện đó, sự xúc động hào hứng căng trên gương mặt bà Ngoại nguyên xi vậy, không thay đổi, nhưng các chi tiết cảnh, người lại được hoán chuyển, thêm chỗ này bớt chỗ kia một chút. Chỉ duy một câu bà lặp đi lặp lại là không suy suyển – câu mở đầu: “cháu biết không, vào cái năm một ngàn chín trăm bùng nổ… ” Lần nào nghe bà kể, tôi cũng làm bộ như được nghe lần đầu vì sợ làm bà mất hứng, cố nín cười, không muốn dừng mạch kể của bà.

Bà già lẫn rồi, không còn nhớ tháng năm, chỉ còn nhớ 2 số đầu tiên của năm: số 1900, và chắc chỉ có 1 điều ấn tượng nhất trong trí nhớ của bà: (bom) bùng nổ hay (chiến tranh) bùng nổ. Bà ghép 2 dữ liệu đó làm một. Ký ức của bà là thế. Là mảnh ghép về những gì đã chứng kiến.

Như những mảnh bom.

Như những mảnh sành vỡ ra từ cùng một tủ chén đĩa ly. Nhặt vài mảnh ta quý nhất, gói vào khăn cất đi, lâu lâu giở ra ngắm, nhớ mảnh này thuộc về cái lọ này, mảnh kia từ cái đĩa kiểu kia, cho đến khi tuổi già làm ta tráo tung ký ức về xuất thân các mảnh. Nhưng vẫn là những mảnh vỡ đó, gói trong chiếc khăn lụa đó. Dù ký ức mất đi, ta vẫn có thể giở khăn, thi thoảng, ngắm nghía những mảnh sành, mân mê… không khéo có khi bị cứa đứt tay, máu tứa nóng hổi.

Tôi thường hồ nghi lịch sử hay những câu chuyện người này kể về người khác. Lời qua tiếng lại tôi để ngoài tai. Vốn chỉ cảm những gì chính mắt tôi nhìn thấy, chính tai tôi nghe thấy. Nhưng cũng có những người khiến tôi tin trọn vẹn cái lịch sử, câu chuyện họ kể, theo lăng kính không chút vẩn đục của họ. “Năm một ngàn chín trăm bùng nổ” của bà Ngoại tôi là một trong số đó. Không bao giờ quên được. Nó cứa hằn lên cảm giác và trí nhớ của tôi, theo một cách khác với ký ức của Ngoại.

Lịch sử được viết từ sự chủ quan của người viết sử. Nếu nhà viết sử cố tình nhào nặn, bóp méo các sự kiện, thì sao? Hoặc dù anh ta không cố tình nhào nặn bóp méo, nhưng khi anh ta viết nó qua lăng kính của anh ta, chiếc bánh lịch sử đã bị rơi vài mảnh vụn, hoặc phủ thêm chút màu. Khi tiếp nhận câu chuyện lịch sử đó, tôi lại có lăng kính riêng của tôi. Thêm vài mảnh rớt rơi ra khỏi nguyên bản. Thêm ngụm trà khi nhâm nhi bánh. Vị bánh đổi.

Qua vài lớp lăng kính như vậy, màu và nguyên liệu cấu thành cái lịch sử đó có vẻ cũng đã khác đi, chệch đi rồi. Tôi thích rút ra nhận định của riêng mình, hơn là chăm chăm tin là nó đúng, nhất là nếu cái lịch sử đó được viết chỉ bởi một người, không có cái nào khác để so sánh, đối chiếu.

Lại kể tiếp trí nhớ về cái sàn tàu chất đầy dừa lăn lông lốc. Dừa vỏ xanh tươi. Rờn một ấn tượng.

Tối đến, hai chị em tôi nằm trên giường, mẹ nằm bên, thấp hơn, trên phản dừa xanh. Con tàu cũ kỹ xình xịch, rung lắc đến đâu, những quả dừa cũng cụng nhau, lắc xoay đến đó, dưới lưng mẹ. Mà mẹ vẫn nằm yên bình. Đến giờ tôi cũng chưa từng hỏi mẹ là nằm vậy có đau không, khó chịu không. Sợ câu trả lời của mẹ làm vỡ rạn ký ức trong suốt của tôi.

Muốn giữ nguyên hình ảnh mẹ bình thản ngủ trên sàn dừa, đôi lúc lại nhổm dậy tránh chỗ cho những hành khách giường bên hay tầng trên thõng chân xuống hay có nhu cầu bước xuống sàn, ra khỏi buồng. Hình như ai cũng vui vẻ, cũng không thắc mắc gì về sàn dừa. Hình như khi nghèo khó như nhau, lại nhân ái độ lượng chia sẻ với nhau hơn.

Sau này lớn hơn một chút, tôi có hỏi vì sao mẹ lại đem nhiều dừa lên tàu thế làm gì. Hình như mẹ đã đáp: mẹ đem dừa ra Bắc bán lấy lời, để có tiền mua đồ ăn tiếp tế cho bố con.

Sự bình thản của mẹ, nụ cười ấm của mẹ trên chiếc giường dừa xóc lắc suốt 1 tuần tàu ra Bắc in đậm trí hồn tôi. Và hẳn đã ảnh hưởng rất lớn lên nhân sinh quan của tôi. Trước nhiều xóc lắc của cuộc đời, luôn bình thản, nhìn ngắm, phát hiện ra nét đẹp của nó và nương theo nó mà sống, an lạc như mẹ tôi thanh thản ngủ trên phản dừa nảy tưng tưng dưới lưng. Tôi tin ở những nụ cười bao bọc nỗi đau nhân gian. Mỗi khi gặp nghịch cảnh, lại hình dung từng thớ cơ lưng mẹ lượn theo sóng dừa, giảm thiểu bầm dập. Tôi vận dụng điều đó vào cách hồi đáp những gì cuộc đời này đem đến hay lấy đi của mình. Cái mình tưởng là cuộc đời cho mình, hoá ra lại là lấy đi bằng hết. Cái ngỡ là cuộc đời lấy mất, lại mở ra cho mình nhiều điều khác. Như những cú thốc của sàn dừa.

Lớn lên, cứ mỗi lần mẹ nhờ kỳ lưng khi tắm, nhìn tấm lưng trần của mẹ, tôi lại thấy hình ảnh chuyến tàu tuổi thơ. Kỳ lưng mẹ mà như kỳ vào tấm tranh ký ức, cho những quả dừa vỏ xanh lông lốc rơi ra.

Muốn áp má vào lưng mẹ, nghe những bầm dập ẩn dưới làn da mỏng. Hồi năm 2007, tôi có làm một tác phẩm trình diễn ở Nhà sàn, Hà Nội. Bôi son đỏ khắp lưng. Yêu cầu khán giả lần lượt từng người vạch các nét tuỳ ý trên lưng tôi. Phần mình, tôi nhắm mắt, vẽ lại các luồng tôi nhận được lên giấy. Hành động của khán giả và của tôi diễn ra song hành.

Gần đây tôi cứ mãi suy nghĩ về một tác phẩm installation và performance về sàn dừa đó: sàn dừa chở mẹ tôi – một trong những chứng nhân của bối cảnh xã hội văn hoá chính trị kinh tế đất nước những năm 80. So sánh với bối cảnh hiện tại.

Ký ức về chuyến tàu Nam Bắc 7 ngày (hay 5 ngày nhỉ) là tròng trành dừa, sóng sánh những thau nước tinh mơ. Múc những ca nước dội lên lưng mẹ, tôi lại nhớ…

(Trích bản nháp: “Ban công” – những-mẩu-nhớ-đứt-đoạn)

Comments are closed.