Nhớ lại đôi nét việc biên soạn bộ sách Tác phẩm của Hoàng Cầm (ba quyển, Nxb. Hội Nhà văn, 2002)

Lại Nguyên Ân

Có thể là hình ảnh về sách

Sau cao trào “đổi mới” 1986-1988, một số nhà văn từng can dự Nhân văn – Giai phẩm được khôi phục sinh hoạt hội nhà văn và khôi phục quyền công bố tác phẩm. Tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới chúng tôi, việc in tác phẩm của các nhà văn này được dự tính khá sớm, nhưng in được tương đối sớm là một số tập thơ như: (1988) của Văn Cao, Màu tím hoa sim (1990) của Hữu Loan.

Thơ Hoàng Cầm đã từng được các nhà thơ-biên tập viên Xuân Quỳnh, Ngô Văn Phú, Vân Long bàn bạc với các anh Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên trong Ban Giám đốc, nhưng rồi nhà Tác Phẩm Mới phải nhường các nhà xuất bản khác in các tập Men đá vàng (1989), Mưa Thuận Thành (1991), Bên kia sông Đuống (1993), Về Kinh Bắc (1994), 99 tình khúc (1995).

Cho đến tận khi đã đổi tên nxb. Tác Phẩm Mới thành nxb. Hội Nhà văn rồi (1990), mới có một lần Nxb. Hội Nhà văn đứng tên in của tác giả Hoàng Cầm Lá diêu bông (1993), tập thơ mỏng 88 trang!

Thế nên bọn tôi nhằm vào dịp 80 năm sinh Hoàng Cầm, là năm 2002, để làm một bộ tuyển tập hoặc toàn tập cho tác gia Hoàng Cầm; chúng tôi không quên ông từng tham gia ban lãnh đạo nxb. Hội Nhà văn hồi 1957.

Hoàng Cầm cũng có một vài lần đến chơi với anh em ở nhà xuất bản, và cũng đã sơ bộ đề cập chuyện làm bộ tuyển tác phẩm. Một đối tác rất tích cực xúc tiến công trình này là Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây của giám đốc-dịch giả Đoàn Tử Huyến (1952-2020).

Trong việc làm bộ Tác phẩm của toàn bộ cuộc đời thơ văn của mình, hơi khác với cách xử sự của nhiều tác gia khác, Hoàng Cầm có hẳn một cử chỉ chính danh, trang trọng: ông viết một bức thư chính thức – thư viết tay, rất nắn nót – cho Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, lúc ấy là Nguyễn Phan Hách (1944-2019), cũng một nhà thơ quê đất quan họ – đề nghị chọn Lại Nguyên Ân là người biên soạn bộ tuyển tập tác phẩm của ông. Giám đốc Hách tất nhiên chẳng đắn đo gì khi tiếp nhận đề nghị này.

Bộ tuyển tác phẩm của Hoàng Cầm hình thành trong sự liên lạc con thoi giữa ba địa chỉ ở Hà Nội: nhà tác giả (35 Lý Quốc Sư), nhà xuất bản (65 Nguyễn Du) và nhà sách (Trung tâm Đông Tây, lúc đó đóng tại số 8/91 Nguyễn Chí Thanh, Q. Ba Đình)

Bản thảo bộ sách hình thành tại “công xưởng” là Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây; nhà xuất bản sẽ chỉ đọc duyệt trên bản biên tập hoàn chỉnh để có bản đưa in. Tôi vừa chủ trì biên soạn, vừa đóng vai biên tập viên của nhà xuất bản, liên lạc giữa nhà xuất bản, nhà sách (Trung tâm Đông Tây) và tác giả!

Do đã hơi quen tìm tòi trong thư viện quốc gia, tôi tra cứu và kê ra một danh mục sách liên quan rồi đem đến nhà thơ Hoàng Cầm, nhờ ông xem qua trước khi sẽ quay lại thư viện mượn chụp (photocopy) mỗi thứ một bản để bắt tay vào dựng bộ sách. Hoàng Cầm chỉ liếc qua rồi bảo, ông cần Lại Nguyên Ân làm công việc sắp xếp cấu tạo bộ sách, còn văn bản các tác phẩm thì gia đình ông sẽ cung cấp, khỏi cần Ân tốn công sức đi sưu tầm!

Hồi ấy con trai cả của ông, nhà báo Hoàng Kỳ từ Bắc Giang chuyển về làm việc ở báo Sức khỏe và đời sống tại Hà Nội, đã đóng vai trò con thoi, thay mặt ông liên lạc với nhà xuất bản, với người biên soạn, với Trung tâm Đông Tây, nên chỉ khi thật cần tôi mới đến gặp ông.

Tôi nhớ, một trong những đề nghị tôi nêu ra với tác giả là sẽ không gọi bộ sách là “tuyển tập” hay “toàn tập” như nhiều người thời ấy sính dùng, trái lại, chỉ gọi là “tác phẩm”! Theo tôi, từ tiếng Việt vốn không phân chia số ít, số nhiều nên gọi tên bộ sách là “Tác phẩm” là đã bao hàm “những” tác phẩm nằm trong bộ sách; hơn nữa, với tên gọi ấy, bộ sách được coi như “tuyển tập” hay “toàn tập” là tùy con mắt người đọc, lại cũng tùy thuộc dung lượng thực của nó, gọi thế sẽ khỏi bị hớ khi có ai đó bắt bẻ! Hoàng Cầm đồng ý với đề xuất của tôi.

Tôi sắp xếp tác phẩm Hoàng Cầm trong ba quyển chính: Q. 1: Thơ; Q. 2: Truyện thơ, kịch; Q. 3: Văn xuôi.

Thực hiện các quyển 2 và 3 tương đối đơn giản, người biên soạn không có nhiều việc để can dự; trung tâm Đông Tây có cả một văn phòng gồm một loạt tay đánh máy giỏi, cùng một dàn biên tập viên chắc tay; có người là lão thành trong nghề như chị Quỳnh Uyển, hồi 1969 làm cùng cơ quan với tôi ở tạp chí H.T. (chị là cán bộ hưu, đến Đông Tây làm thêm, giúp giải quyết biên tập mảng dịch từ nguồn sách Nga), nhiều bạn ít tuổi, tuy vào nghề chưa lâu nhưng được nhắc nhở khá thường xuyên các quy tắc làm văn bản sách in nên chất lượng thành phẩm tương đối tốt.

Khi có một đề xuất xử lý cụ thể, tôi đến bàn với Đoàn Tử Huyến, nhất trí rồi thì Huyến đưa biên tập viên thực hiện.

Quyển 1 có lẽ là có nhiều việc phải xử lý hơn cả.

Thơ là phương diện chủ chốt làm nên diện mạo tác gia Hoàng Cầm, nhưng phần thơ in thành sách hay đăng báo thậm chí đôi bài chỉ còn trong ghi chép sổ tay hoặc trí nhớ tác giả, nên sắp xếp ra sao?

Tôi xem các nguồn tài liệu rồi sắp xếp các sáng tác thơ của Hoàng Cầm vào trong 6 đề mục.

1/ Những bài thơ lẻ, 1941-1980. Ở đây chỉ có 15 bài, được viết ở những thời điểm khá xa cách nhau; có bài viết năm 1941; có bài viết trong kháng chiến, như Bên kia sông Đuống; có bài viết với bút danh Lê Kỳ Anh khi nghe tin Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, từng được sở Văn hóa Hà Nội hồi 1965 cho in thành những tờ bướm khổ nhỏ để tuyên truyền; có bài viết năm 1980 như U gì, thơ-chân dung Đặng Đình Hưng.

2/ Tiếng hát quan họ, 1956. Đây là một trường ca in lần đầu trong tập Cửa biển (thơ Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần, Nxb. Văn nghệ, 1956).

3/ Về Kinh Bắc, 1959-1960.

Cuốn này, người biên soạn có lời dẫn như sau: “Tập thơ Về Kinh Bắc có một lịch trình văn bản hẳn không đơn giản. Được viết xong từ 1960 nhưng đến 1990 mới có 8 bài rút lẻ ra đưa vào tập Mưa Thuận Thành (thơ Hoàng Cầm, Nxb. Văn hóa, H., 1990) rồi 4 năm sau được in lần đầu tiên thành sách cả tập (Về Kinh Bắc, thơ Hoàng Cầm, Nxb. Văn học, H., 1994, 180 tr. 14x20cm). Tuy vậy vào những năm 70-80 đã có không ít những văn bản Về Kinh Bắc chép tay và chuyền tay trong giới những người yêu thơ và cả những người có phận sự… tò mò. Tình hình trên khiến tác phẩm nằm trong trạng thái có nhiều hơn một dị bản. Chính tác giả cũng không chắc chắn rằng bản in toàn bộ lần đầu nói trên (nxb. Văn học, 1994) là hoàn toàn đúng nguyên tác của mình. Bản in lần này [trong bộ Tác phẩm của Hoàng Cầm] đã được tác giả xem lại kỹ, có sửa chữa, nhuận sắc trên có sở bản in 1994. Chúng tôi, vì vậy, hy vọng cung cấp cho bạn đọc và bạn nghiên cứu một văn bản đáng tin cậy của tập thơ này”.

4/ Mưa Thuận Thành, 1991. Đây vốn là tập thơ 33 bài (nxb. Văn hóa, 1991), trong đó 8 bài rút từ tập Về Kinh Bắc. Người biên soạn bỏ đi 8 bài ấy, chỉ đưa vào tuyển 25 bài còn lại.

5/ Lá Diêu Bông, 1993. Đây là tập thơ 49 bài (Nxb. Hội Nhà văn, H., 1993), trong đó chỉ 1 bài (Lá Diêu Bông) rút từ tập Về Kinh Bắc. Người biên soạn bỏ đi bài ấy, đưa vào tuyển 48 bài còn lại.

6/ Tình khúc, 1996. Đây vốn là tập 99 tình khúc (Nxb. Văn học, H., 1996), trong đó có 3 bài lấy từ tập Bên kia sông Đuống (thơ chọn, 1942-1992, Nxb. Văn học, 1993), 10 bài từ tập Về Kinh Bắc, 19 bài từ tập Mưa Thuận Thành. Người soạn lấy nhan đề Tình khúc tập hợp 17 bài chưa có trong các tập đã in, đưa vào tuyển.

7/ Đến từ hư không. Đây là một tập tác giả vừa tập hợp những sáng tác thơ thời kỳ 1995-2000, khi đó chưa in thành sách. Người biên soạn đưa vào Tuyển toàn bộ tập này, cũng lưu ý rằng tập này nay mai có thể sẽ được tác giả in thành tập riêng.

***

Tôi vừa kể tương đối cụ thể về quyển 1 trong bộ “Tác phẩm” 3 quyển của Hoàng Cầm, Nxb. Hội Nhà văn thực hiện năm 2002, nhân nhà thơ lên lão 80.

Quyển 2 (truyện thơ, kịch) gồm 7 tác phẩm: Hận Nam Quan (kịch thơ, 1937-39), Kiều Loan (kịch thơ, 1942), Lên đường (1943), Cô gái nước Tần (kịch thơ, 1947), Trương Chi (kịch thơ, 1957), Đêm Lào Cai (kịch nói, 1951), Men đá vàng (truyện thơ, 1988)

Quyển 3 (văn xuôi), là tập dày nhất trong số 3 quyển của bộ “Tác phẩm” Hoàng Cầm (gần 700 tr. 13x19cm), nhưng quyển này bộc lộ rõ, bộ sách này là tuyển tác phẩm chứ chưa phải là toàn tập tác phẩm Hoàng Cầm!

Lời dẫn của người biên soạn viết: “Trong số khá nhiều tác phẩm thuộc các thể loại văn xuôi của tác gia Hoàng Cầm, sách này, do khuôn khổ của mình, chỉ chọn in một truyện ngắn, một tiểu thuyết, một dịch phẩm phóng tác. Còn lại, sách này muốn dành nhiều trang hơn cho một loạt bài viết vốn là các đoạn hồi ức của tác giả, về một số thời điểm, sự việc, con người đáng nhớ trong cuộc đời làm văn nghệ của mình”.

1 truyện ngắn là Khi lòng đã chết, từng đăng Tiểu thuyết thứ bảy, năm 1938.

1 tiểu thuyết là Thoi mộng, viết và in hồi 1941-42.

1 dịch phẩm phóng tác là Hận ngày xanh, phóng tác truyện Graziella của văn sĩ Pháp Lamartine.

Loạt 36 bài khác, là hồi ức, hoặc là bài nhận xét, phê bình thơ.

Vậy là thực ra còn khá nhiều tác phẩm văn xuôi của Hoàng Cầm chưa được đưa vào bộ “Tác phẩm” của ông, do Nxb. Hội Nhà văn tổ chức biên soạn và đưa in hồi 2002, nhân 80 năm sinh Hoàng Cầm.

Là người giúp tác giả chọn lựa, tổ chức, sắp xếp các tác phẩm của đời văn ông, làm nên bộ sách này, tôi không muốn tự biện hộ về công việc đã làm.

Thiết nghĩ, những người nghiên cứu sâu về sự nghiệp văn chương nghệ thuật của Hoàng Cầm sẽ có những nhận xét khách quan hơn.

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Hoàng Cầm, 1922-2022

Comments are closed.