Nhớ Phùng Quán

Mai Ninh

 

Gần ba mươi năm tôi không được ăn Tết quê hương. Ở đây, Tết đến trong mùa đông thường mưa bão lạnh lẽo, hay tuyết rơi trắng cả không gian. Nhưng cũng có đôi khi, bỗng nhiên cuối tháng giêng đầu tháng hai dương lịch lại có nắng hanh lên bất ngờ, làm nhớ quay quắt cái Tết Sài-Gòn năm xưa.

Thuở còn đi học, chưa vợ chưa chồng, chưa con cái, một lũ sinh viên lìa xứ. Tết là bâng khuâng thương nhớ, là náo nức mong đợi những thùng quà của bố mẹ gửi sang từ một quê hương xa lắc. Và cũng là dịp để tụ họp nhau, nhảy bừa lên một sân khấu nhỏ dựng vội vàng trong một nhà khách sinh viên, hát xướng, làm trò. Đám khán giả bên dưới vừa Việt vừa Tây, cộng thêm một số bạn bè Á Châu khác, luôn luôn dễ dãi, sẵn sàng và nồng nhiệt hòa nhập cùng chúng tôi đón một ngày đầu năm thiêng liêng.

It lâu sau, lũ sinh viên vào đời, bạn bè phân tán khắp nơi. Cuộc sống cũng chẳng  cho ta thong dong được nữa, để mà hoài niệm. Gia đình, công việc, nhà cửa bộn bề. Cứ thế, mỗi năm tôi tự thu tôi gọn hơn chút ít vào trong cái vỏ của mình khi Tết đến. Giao thừa bên nhà là năm sáu giờ chiều chỗ tôi ở. Nắng ngày, nếu có, cũng tắt từ lâu. Ra sở, vội vã chạy về, thắp ba nén hương. Khi nhang vừa tàn, mùi nồng bay đi, thì ngày Tết cũng hết. Nơi tỉnh nhỏ này, mà chỉ tính đường chim bay đã hơn mười nghìn cây số cách biệt, lấy đâu ra, tìm đâu thấy mùi, sắc và âm của một ngày Tết dân tộc. Tất cả lặng lờ, lạnh lẽo. Có cố tình ngồi lại hồi tưởng, kỷ niệm cũng đã mỗi năm mỗi mờ nhạt với thời gian. Có phải chăng vì tôi đã bỏ mình trôi đi trong tâm trạng hờ hững của một người quay lưng ngoảnh mặt.   

Thế nhưng, vài ba mùa xuân gần đây, lòng muốn dửng dưng cũng chẳng được nào. Có một điều rất cụ thể đã dựng lên sừng sững trong hồn tôi, bây giờ, khi Tết đến.

Ba năm trước, sau ông Táo chầu trời, tôi được tin anh mất. Tôi chỉ mới quen anh vào mùa Giáng Sinh gần đấy, nhưng tên tuổi anh tôi đã nghe từ thuở năm, bảy tuổi. Mẹ và cậu tôi thường nói đến tên anh và vài người khác trong những buổi tối hàn huyên to nhỏ dưới ngọn đèn thấp trên bàn ăn – thời điểm ấy còn những cánh bưu thiếp chạy từ Bắc vào Nam và ngược lại. Cậu tôi luôn luôn tâm đắc đọc những câu thơ để đời của anh. Đối với cô bé vài tuổi ấy, tên anh to lớn và đầy bí ẩn. Xa quê hương bao năm, bỗng một ngày có thư người thân quen kể chuyện quê nhà: PQ được về làng sau bao năm biệt xứ! Anh đã về đó, áo thô guốc mộc, với đám dân làng nghèo khổ. Anh, đứa con chân thực nay được qui cố hương, quỳ xuống tạ trời tạ đất giữa sân làng. Có phải anh cố tranh đấu sống còn với cuộc đời nghiệt ngã cho đến lúc ấy, là để đợi có giây phút được đường hoàng về lại làng xưa. Tiếc thay, chẳng được bao năm, anh lại bỏ nó vĩnh viễn ra đi. Từ tin anh mất, hình ảnh cậu tôi ngồi đọc thơ anh năm xưa lại trở về, sáng lên trong ký ức.

***

Trời Sài-Gòn tháng mười hai gần Giáng Sinh khô ráo, sáng sớm chớm lạnh. Sau vài ngày lo lắng cho xong việc nhà, tôi leo lên lầu hai một chung cư trong trung tâm thành phố, tìm thăm ông anh kết nghĩa. Ông anh này, cứ vào chơi Sài-Gòn là ở trọ nơi vợ chồng một bằng hữu thâm giao. Căn nhà ngay giữa một thành phố nổi tiếng ồn ào bụi bậm, nhưng hai bên đường hãy còn hàng cây cao, cành lá xum xuê. Cũng khó tưởng được trong dãy phố lầu mà mặt ngoài tường vôi loang lở, hành lang cửa sổ sơn xiếc bạc màu, lại có một căn hộ, tuy mới bước vào là gặp ngay phòng ăn, nhà bếp, nhưng hơi hướm nghệ thuật tràn đầy cái không gian nhỏ hẹp ấy. Vợ chồng anh chị chủ nhà đi vắng, ông anh kết nghĩa mở cửa mừng rỡ đón vào. Chúng tôi băng ngang phòng ăn, góc bếp và cả gian phòng khách nhỏ, nơi có một người nằm ngủ trên ghế sofa. Vào tới ẩn cốc sau cùng là mấy mét vuông với một bức tường đầy kệ sách, mà chỉ thoáng nhìn, tôi đã mê mẩn. Những phần tường còn lại long lanh màu sắc và hình ảnh của chị họa sĩ chủ nhà. Trên sàn, vài chiếc gối lê la đây đó, dưới kệ sách, một bộ ấm trà, cạnh đó, lủ khủ các chung uống rượu và một lô chai lọ, cái đầy cái vơi hay cạn ráo.

Chưa kịp vài ba thăm hỏi, người nằm ngủ bên kia lịch kịch, rồi anh bước vào, mái tóc thưa dài trắng như chòm râu, vuốt ngược ra sau. Anh gật đầu rồi lặng lẽ ngồi xuống bên khay trà. Không hiểu vô tình hay cố ý, ông anh kết nghĩa không làm một màn giới thiệu màu mè nào cả về tôi, như tính thường anh thích thế. Tôi cảm thấy dễ chịu. Tôi và ông anh thản nhiên tiếp tục câu chuyện. Người mới vào chế nước từ bình thủy, lẳng lặng pha trà tráng chén. Nhưng tôi không thể không nhìn anh, ở anh có điều gì đó làm tôi chú ý. Có lẽ là cử chỉ khoan thai, có lẽ là sự tương phản giữa màu bạc của mái tóc bộ râu với đôi mắt tinh anh. Anh hẳn biết tôi quan sát, nhưng không nói gì, tiếp tục bỏ trà rót nước và nghe tôi với ông anh trao đổi mọi điều, từ chuyện gia đình, bạn bè quen biết, đến công việc tôi làm, rồi thì văn chương nghệ thuật. Trà đã đậm màu, khi rót đưa tôi một chén bấy giờ anh lên tiếng hỏi, tôi quen ông anh tự bao giờ? Giọng anh từ tốn, âm hưởng miền Trung. Tôi cười bảo, từ một đêm thơ. Anh hỏi ngay, đã đọc nhiều thơ ông anh, tôi thích bài nào nhất? Tôi tình thật, không biết, vả cũng chưa hề nghĩ tới xem thích bài nào, nhưng có vài câu ám ảnh tôi nhất, ấy là… Đang tựa lưng nghiêng vào kệ sách, nghe tôi trả lời như thế anh ngồi thẳng dậy – Hay, thơ mà ám ảnh là nhất! Chia với M, ta chia với M một chung rượu nhé, thứ này người ta mới cho anh, rất quý! – Và anh sốt sắng đứng dậy tìm trong cái túi xách lôi ra chai rượu, rót vào chung, ép tôi thưởng thức. Tất cả nhiệt tình đó tôi thấy trong cử chỉ và trong mắt anh. Tự nhiên tôi có cảm giác tôi đã quen anh từ lâu rồi. Anh khà một ly, ông anh khà một ly, còn tôi nhấp môi rồi đặt xuống cho anh bằng lòng. Anh lại tiếp tục rót rượu từ trong cái chai thủy tinh thô sơ, hai ông cạn vài chung như thế. Lúc ấy, hình như hứng lên, anh đọc cho tôi nghe một bài thơ của anh, mà chỉ nghe tên cái tựa tôi đã giật mình – Hóa ra là anh ấy! Anh đọc thơ lúc đắm chìm, lúc sang sảng. Tôi liên tưởng tới người vợ anh khi nghe những lời tâm sự này bên bờ hồ, một đêm trăng.

Thế là, tôi, một kẻ phương xa, vốn liếng văn hóa Việt chẳng bao nhiêu, được ngồi trước hai nhà thơ đang chén tạc chén thù, đọc thơ người này kẻ nọ. Khi tôi đứng dậy ra về, ngước mắt nhìn lên tường, bức tranh Vườn Hạnh Phúc lít chít chiu chắt bầy gà của chị T. dịu dàng lung linh hơn bao giờ cả. Hồn tôi cũng nhẹ nhàng biết bao hơn lúc đến. Hai anh tiễn tôi xuống dưới đường đón xe. Trời Sài-Gòn bao giờ cũng tối sớm. Anh giành mặc cả xích lô làm tôi bật cười. Đây dường như là lần đầu tiên anh khăn gói vào Nam, nào biết được bao nhiêu đường phố, thế mà vẫn muốn tỏ ra săn sóc cho một người em nhỏ.

Trong khoảng thời gian ở lại quê nhà, tôi gặp anh nhiều lần. Lần nào trong anh cũng bầu rượu túi thơ và những mẩu chuyện. Anh kể chuyện rất tự nhiên, dí dỏm với giọng nửa Trung nửa Bắc. Chuyện từ tuổi thơ cho tới ngày lưu đày lao đao dông tố, và đến sau này, lúc mà tôi cứ ngỡ niềm đau cùng ẩn ức trong anh phải được xoa dịu thì hóa ra vẫn còn trăm ngàn khúc mắc, ưu tư. Chắc chắn không phải cho bản thân anh, mà cho người khác. Bao nhiêu người khác! Tôi học được ở anh nhiều điều. Trước hết là lòng yêu quê hương, sau nữa là tính đôn hậu và sự nhiệt tình với bằng hữu.

Nhiều buổi không hẹn, tôi ghé thăm, muốn mời anh một bữa cơm ngoài quán xá. Nhưng anh luôn từ chối, lại bảo, phải ngồi chơi đấy, đợi anh đi tí về. Rồi anh đứng dậy, xỏ dép mở cửa. Một chốc anh về, lủng lẳng trong tay cái giỏ ni lông đeo một bó hành, dăm gói giấy báo, vài gói lá chuối. Anh bắt mọi người ngồi đó chơi, ngay cả chủ nhà, anh loay hoay xào nấu. Bữa cơm dọn ra nhanh chóng, món canh bầu, món tép rang của anh làm tôi nghẹn ngào như đã một lần, sau bao nhiêu năm, được ăn lại bát canh mẹ tôi đã già tự thân nấu lấy cho con. Không chỉ cho ăn, anh còn dậy tôi cách nấu sao cho canh trong và ngọt. Câu chuyện sau đó quay quanh chủ đề mỗi người kể lại bữa cơm mình cho là ngon nhất trong đời. Kỷ niệm của anh nằm trong thời kháng chiến chống Pháp, anh bảo hành quân trong rừng bao ngày chỉ có cơm khô và muối hột. Một hôm tiểu đội về gần một làng nhỏ, người làng nghèo nhưng tặng kháng chiến quân một con gà. Mừng quá, mọi người hăm hở sửa soạn củi nước, nồi niêu. Cả bọn chăm chú theo dõi, thèm thuồng, từ lúc cắt cổ, nước sôi, vặt lông… Bỗng có tin một tiểu đội bạn sẽ cùng ghé qua đó tối nay. Thế là con gà phải chia hai, lòng ai cũng thầm tiếc rẻ. Gà nấu lên, chặt ra, bao nhiêu người là ngần ấy miếng, dĩ nhiên, miếng nạc miếng xương, không tránh khỏi. Cả đội ngồi lại bên đĩa thịt gà. Để công bình, tiểu đội trưởng bảo cứ đếm một hai ba rồi người nào nấy gắp, được miếng nào ăn miếng đó. Thế nhưng, một là ai cũng sợ gắp trễ chỉ còn xương, hai sợ mang tiếng tham lam, cho nên, đếm lần một, lần hai, những đôi đũa giơ lên nhưng rồi không hạ xuống, ngay cả tiểu đội trưởng! Cuối cùng anh ta phải hét lên, đây là lần cuối. Chẳng may, chính tiểu đội trưởng trúng mẩu cổ gà. Anh thì may mắn được miếng đùi chắc thịt. Anh bảo vừa cho vào miệng, chất ngọt chảy ra, sao thơm ngọt vô cùng! Nhưng, chưa kịp nuốt, ngửng lên, ánh mắt chạm phải người tiểu đội trưởng đang nhằn nhằn miếng xương tròn lục cục, một cảm giác xấu hổ dâng lên, anh thấy tất cả vô vị, không thể nuốt vào, cũng chẳng thể nhả ra. Anh tự khiển trách mình sao không nghĩ đến người chỉ huy tuy trẻ tuổi nhưng dũng cảm và đầy lòng thương mến đồng đội, đã nhiều lần hy sinh bảo vệ đàn em! Anh chưa kịp đứng dậy bỏ đi ra ngoài, thì nhiều anh em khác cũng nhận ra. Những khuôn mặt ngại ngùng, những ánh mắt hổ thẹn nhìn nhau. Người tiểu đội trưởng trông thấy, buông câu chửi thề, rồi ra lệnh mọi người phải ăn cho nhanh, dọn dẹp tất cả dấu tích, mai lên đường sớm. Thế là xong, bữa ăn ngon nhất đời anh.

Theo tôi, không như nhiều người ham rượu thường ít ăn, anh quan tâm nhiều về chuyện ăn uống. Tôi thích nghe anh bàn luận về vấn đề này, dù cho thường là những món ăn dân dã, đạm bạc. Nghe kể lại, lần anh ghé về quê, qua Huế, một bằng hữu mời cả đám bạn bè về làng chơi, một ngôi nhà vườn bên bờ Bao Vinh êm ả. Anh muốn trổ tài nấu ốc bung theo kiểu Hà Thành. Lại chợ búa, ốc bưu, tía tô cùng chuối chát. Sau chầu rượu anh xắn tay áo ra bếp cạnh bờ nước, chẳng may gặp ngay cụ bà, mẹ người bạn. Cụ thấy chậu ốc ngâm nước gạo trên tay anh, vội giật lấy kêu lên, không được sát sinh, vừa niệm nam mô cụ vừa hất luôn chậu ốc xuống sông. Anh ngẩn người, chẳng dám nói gì, nhăn nhó, dở khóc dở cười.

Tôi vẫn tin rằng, ăn, đối với anh, không phải là ăn miếng ngon, mà đơn giản là cơ hội chia hay đem niềm vui cho bạn bè. Có lần, ông anh tôi được một cơ quan quan trọng thết đãi, và bọn chúng tôi được tháp tùng. Bữa ăn trong một nhà hàng sang trọng trên đại lộ chính. Bồi bàn áo dài khăn đóng, ca nhạc cung đình, và những món ăn của vua chúa xưa. Ngồi cạnh tôi, anh chỉ gắp qua một vài thứ, thật thờ ơ. Chắc chắn anh chẳng thoải mái gì trong khung cảnh này. Mà nhìn lại, anh ngồi đó, vẫn áo vải dép thô. Anh hờ hững với phong cảnh sang trọng, với nem công chả phụng. Nhưng những người thân quen làm sao quên được, anh đã cất công đạp xe hằng bao cây số trong gió rét một ngày mùa đông để tìm thăm một người bạn bất hạnh, sống lẻ loi ở một nơi vô cùng quạnh quẽ. Và nhận lấy bữa cơm chỉ có vài viên thịt nhái ve tròn đen đủi của người ấy đãi bạn.

Anh sinh ra trong cảnh ngộ cơ cực, giữa đất nước bị đô hộ. Từ đó, anh lớn lên trong thứ tuổi thơ dữ dội, tất cả nung nấu để trở thành một lập trường khẳng định, sẽ dùng dao viết văn trên đá. Tuy vậy, đối với riêng tôi, anh là hình ảnh của lòng nhân và độ lượng. Tiếng nói anh điềm đạm, cử chỉ anh chừng mực, chỉ riêng những lúc anh đọc thơ là đầy cảm xúc, lúc trầm trầm, lúc hùng hồn sang sảng. Và, tôi có ngờ đâu khi tôi hạnh ngộ gặp anh là lần anh đi từ Bắc vào Nam để đọc thơ. Mà đọc để làm gì? Không phải là ngân nga dăm ba vần, vài mươi câu khi tửu hứng. Chuyến nam du chẳng là thuần ngao du, anh đi đọc thơ cho mọi người để quyên tiền về giúp bạn, người bạn bị đời bạc đãi. Sau, tôi được biết thêm, chính người bạn này cũng đã quên mình, chẳng ngại ngần hy sinh nguyên cuốn sổ tiết kiệm duy nhất để in thơ cho một bằng hữu tài hoa nhưng không may mắn khác. Ai cũng bảo anh đọc thơ có hồn. Phải chăng điều này không chỉ là tài năng, mà nó đã thăng hoa nhờ một tấm lòng.

Trên đường trở ra Bắc, ghé thăm quê nhà, anh ôm mớ tiền gom được gói trong giấy báo đến nhà một người bạn gửi ở đó. Bạn chẳng biết gì, đem bỏ vào tủ giữa ba mớ quần áo. Vài ngày sau mở tủ, gói giấy không cánh mà bay. Anh đi vắng, bạn hoảng sợ lo âu. Rồi anh về, thản nhiên bảo, đã lấy đi chia một phần cho những người nghèo khác cũng rất đáng thương. Đã cận Tết, anh khăn gói ra ga Huế đáp tàu về với chị. Ngày cuối năm, ăn mày phó hội càng đông. Trong khi đợi tàu, trước mặt, hành khách nườm nượp, náo nức về quê ăn Tết, ngoảnh lại, ăn mày lê la kêu đói, anh bèn tìm chỗ trống, rồi cất giọng đọc thơ. Đọc xong anh ngả mũ ra. Ăn mày hôm ấy bỗng được chia một số tiền không ngờ.

Tôi tưởng tôi sẽ còn gặp anh, tôi có hứa sẽ về thăm căn gác của anh, để thấy,

Hồ khuya sương tịch mịch

Trộn nước lẫn cùng trời

Con dế chân bờ dậu

Nỉ non hoài không thôi *

Nhưng không, chiều cuối tháng chạp, cơn bạo bệnh đã đem anh đi khỏi căn gác lộng gió. Thế là, Tết không vào nhà tôi, Tết đi qua trước ngõ *… Nhưng với một người yêu quê hương đến như anh, thì sự ra đi đó cũng có nghĩa là một trở về an nghỉ miên viễn, một giải thoát như anh đã viết:

Đàn mối của quê hương

Sẽ thay phu đào huyệt

Bao nghiệt ngã trần gian

Chỉ dăm ngày vùi hết

Căn hộ mới đáy huyệt

Rượu đất tôi uống tràn

Cụng ly cùng sâu bọ

Mừng trắng nợ trần gian!

Anh trắng nợ trần, nhưng anh đã bỏ lại biết bao người thương kính anh – đây, tôi không muốn nhắc đến một người đã sống, chịu bao đau thương cay cực để giữ gìn lý tưởng trong suốt nhất: lòng yêu quê hương và sự thật. Tôi chỉ muốn gợi lại những kỷ niệm riêng tư, hoài niệm của chính mình và của vài bạn bè chung, về một người anh, một người bạn vong niên thân kính, như được phép thắp lên một nén hương trầm mặc nhất. Anh mất, tôi không thể trở về tiễn đưa anh, mà phải đợi bao ngày tháng sau. Hà-Nội khi tôi về, bão táp liên miên mấy ngày trước. Trời vẫn thỉnh thoảng còn rơi rớt những làn mưa lất phất. Người quen dẫn tôi đến viếng anh, thăm chị. Dù biết anh đã kể với chị về mình, nhưng tôi cũng ngại ngần, cuối cùng chỉ tự giới thiệu là một hậu sinh từ trong Nam ra. Căn gác lầu thơ anh hình như vẫn còn bên trên, nhưng dưới nhà đã biến thành hàng quán. Tự dưng tôi thất vọng, buồn lâng lâng. Nhưng ánh mắt anh trầm tư trên ảnh thờ như nhắc nhở tôi: mọi sự rồi ra không có gì quan trọng! Chị tặng tôi tập thơ của anh, lần đầu tiên được chính thức in ở quê nhà.

Chiều rồi, tôi bước ra, mặt hồ sau cơn mưa, thênh thang bình lặng. Trăng còn non và thấp. Chân bước đi, bỗng vấp vào hòn đá nhỏ. Tự nhiên tôi cúi xuống nhặt lên, nó giống những quả sấu sần sùi vừa mua cho em bé hàng rong buổi sáng. Một bát canh sấu chua mùa hạ. Tiếc rằng tôi đã về thăm anh quá trễ. 

* Thơ Phùng Quán.

Nguồn: http://amvc.free.fr/Damvc/Mai%20Ninh/TuyButVV/NhoPhungQuan.htm

Comments are closed.