Vũ Biện Điền
1.
Cuối buổi họp, anh Trần – Trưởng Ty Giáo dục hồi mới giải phóng tỉnh, kiêm luôn hiệu trưởng trường công lập độc nhất của thị xã – triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện chào mừng lễ quốc khánh 1975. Ai tham mưu không rõ, anh chỉ định tôi phụ trách phần văn nghệ. Ý thức thân phận một giáo viên lưu dung – ngày mai có thể mất dạy, đâu dám đùa với lửa – tôi từ chối với lý do tư tưởng chưa thông, bài bản cách mạng chưa quán triệt. Nghe qua, anh Trần thấy cũng có lý. Để thể hiện nhiệt tình, tôi giới thiệu anh Nguyễn Văn Xuân – một giáo viên vừa được chi viện vào Nam trước ngày giải phóng chưa bao lâu. Xuân còn trẻ, người Bắc Ninh, có giọng tốt và thuộc nhiều bài hát cách mạng. Anh Trần miễn cưỡng gật đầu, nhưng vẫn giữ tôi làm phó – phụ trách âm thanh và sân khấu.
Thời gian eo hẹp, sau khi tôi giới thiệu một số giọng ca trẻ, Xuân khẩn trương tập luyện luôn đêm liền ngày. Thế mà mỗi em chỉ được một bài. Ba ngày cuối, Xuân tập trung hướng dẫn hai tốp múa, la hét đến khàn cả giọng mà cử bộ vẫn không đều. Tôi luôn có mặt bên Xuân, nhưng chỉ được cái gọi là yểm trợ tinh thần. Dạo đó, tất cả đối với tôi đều bắt đầu làm quen và ra sức học hỏi. Mới biết nhau chẳng bao lâu, nhưng tôi hết sức tin tưởng Xuân, tranh thủ thời gian phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao để anh ta thực hiện tốt chương trình.
2.
Mở đầu đêm văn nghệ, Xuân sắp xếp Mỹ Phương ra sân khấu với lời ví von em là con chim sơn ca Tây Nguyên. Xinh đẹp, duyên dáng, chất giọng xuyên phá bẩm sinh, Mỹ Phương đã trình diễn một tình khúc lãng mạn cách mạng tuyệt hay. Cả ngàn khán giả lặng đi mấy giây rồi bùng lên một tràng pháo tay tưởng không bao giờ dứt.
Bis! Bis! – Theo cách hâm mộ của nhân dân miền Nam, khán giả yêu cầu Mỹ Phương hát nữa. Ngồi bên anh Trần ở hàng ghế đầu, tôi thấy Mỹ Phương lộ vẻ bối rối. Cầm cứng micro trong tay, Mỹ Phương cúi chào khán giả, ý muốn tháo lui. Nhưng sau đó, không biết vì sao – có thể do ai đó đứng sau cánh gà bày vẽ, cũng có thể học đòi các ca sĩ nhà nghề Sài Gòn, Mỹ Phương bình tĩnh trở lại.
– Thưa quý vị, em xin cám ơn. Đáp lại thịnh tình của khán giả – Mỹ Phương nói, chúm chím cười, mắt rực sáng – em xin hát bài Tự Nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh.
– Bis! Bis!
– Nhạc vàng! Nhạc vàng! – Ngay khi Mỹ Phương cất tiếng, anh Trần quay phắt về phía tôi. Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng – Giọng Mỹ Phương cao vút. Hội trường lặng thinh. Anh Trần đứng bật dậy, rút súng ngắn K54, lăm lăm vào mặt tôi.
– Đến nước này mà còn!… Mà còn hả?…
– Anh Xuân biên tập và đạo diễn tất cả – Tôi hốt hoảng thanh minh, rồi ngồi đơ trong ghế. Họng súng giờ chỉa thẳng vào Xuân.
– Ngoài Bắc ta, em đã từng nghe bài đó… – Bản tính khiêm tốn, có lẽ Xuân không muốn đôi co ở chỗ đông người – hoặc đang lựa lời giãi bày. Nhanh như cắt, anh Trần phóng tới cửa hông, mất hút vào hậu trường. Xuân liêu xiêu đứng lên, một tay níu vào thành ghế, hai môi mím chặt.
– Làm sao? – Tôi đứng dậy, hỏi với. Xuân vẫn chong mắt nhìn lên sân khấu.
Quan khách chưa ai biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng chúng tôi cảm thấy tình thế đã vô phương cứu chữa. Tiếng hát Mỹ Phương như một luồng gió xoáy từ mặt đất vút lên trời. Một lần nữa, khán giả được dịp thưởng thức giọng ca cao vút thanh thoát đến lạ.
Từ sau cánh gà, súng trong tay, anh Trần sấn sổ lao ra. Rầm! Vấp dây, cả người anh phóng tới, chàng ràng chân tay như con ếch bay. Hội trường hò reo. Mỹ Phương giật mình, kêu thét, nhảy lùi, chới với trên đôi giày cao gót. Tôi nhớn nhác, nhưng chẳng lê được một bước. Tới khi nhận biết mình vô tích sự, tôi đứng sửng. Trên sân khấu, anh Trần đã bật dậy, lao tới ca sĩ như một đặc công cận chiến.
– Ai cho phép, hử? – Anh gầm, xỉa súng vào mặt Mỹ Phương đang chắp hai tay van xin – Đồ phản động!
– Em xin lỗi thầy! – Hai mắt mở lớn, ngây dại, Mỹ Phương lắp bắp. Giọng cô bé vô tình được micro khuếch đại lan khắp hội trường.
– Ai xúi mày?
– Không ai hết! Em tự ý, lỡ dại… Em… – Mỹ Phương co rúm, run rẩy đi giật lùi.
Anh Trần một mực áp tới, không buông tha. Nếu ở đồng hoang rừng vắng chắc anh đã thẳng tay nổ súng. Cùng đường Mỹ Phương buông rơi micro, bỏ chạy. Anh Trần nạp theo. Thoát khỏi cửa hông, chừng mươi bước, Mỹ Phương đâm bổ vào tôi, nước mắt đầm đìa.
– Thầy ơi, cứu em!
Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào, tôi thấy anh Trần đã xuống tới. Mỹ Phương vội nấp sau lưng tôi. Thoạt nhận ra Xuân bên cạnh, họng súng liền đổi hướng.
– Báo cáo anh, em không chỉ đạo… cô ta tự ý… – Xuân nói.
– Câm ngay! – Anh Trần hét, sùi cả bọt mép.
Mỹ Phương thụp xuống, tháo giày cầm tay. Vừa lúc anh Trần săm soi, cô bé vụt chạy, len lách về phía cửa ra như một con mèo mất hút vào bóng tối. Anh Trần vẫn mang súng rượt theo. Giờ thì khán thính giả đã biết chuyện gì đang xảy ra. Hàng trăm tiếng ghế được thiết kế tự động lật bật lách cách vang lên, rồi cả hội trường lần lượt đứng thẳng dậy như sóng dợn.
– Tất cả hãy ngồi yên tại chỗ! – Một giọng Nam lai Bắc dõng dạc vang lên, tôi đoán là lệnh của thiếu tá Hào – trưởng công an Thị – Các đồng chí làm nhiệm vụ trật tự hãy chốt chặt các cửa!
Một phút yên ắng, căng thẳng. Đèn bật sáng. Từ phía cuối hội trường, một số khán thính giả trào trở lại. Sau đó, như chẳng có gì xảy ra, chương trình văn nghệ vẫn được tiếp nối…
3.
Sáng hôm sau, toàn thể giáo viên tập trung về tại hội trường của trường để nghe một cán bộ cao cấp nói chuyện. Mừng ngày quốc khánh, nhưng không khí lạnh ngắt. Tất cả đang chờ đợi một cuộc thanh trừng dằn mặt, ngăn chặn văn hóa đồi trụy ngóc đầu dậy. Riêng Xuân và tôi, người ta đồ chừng trước khi nhận chịu kỷ luật và sa thải, còn làm vật tế thần cho lãnh đạo phủi tay.
Đến giờ, anh Trần mặt mày đằng đằng sát khí, bước lên bàn chủ tọa. Tôi chờ giây phút này suốt cả đêm qua thức trắng. Ho khan mấy cái, anh hắng giọng, gõ thử vào micro. Thay vì đón nhận phản âm – thường là những lục cục rời rạc từ loa, một điệu đàn piano được khuếch đại từ ngoài thốc vào. Các giáo viên săm soi rồi im lặng nhìn nhau. Riêng tôi thì biết tỏng đoạn nhạc dạo đó từ đâu ra.
Tuần trước, Ty Thông tin – Văn hóa cho thực hiện mạng loa đài khắp thị xã, một cái loa sắt to tổ chảng được bắt chõ vào sân trường, thấy rất chói tai gai mắt. Xe tàu ngang qua nơi có bệnh viện và trường học không được rống còi, anh nên có ý kiến với Ty Thông tin – Văn hóa ngay, để họ cho người dời đi, chí ít cũng quay về hướng khác – Tôi đã đề nghị với anh Trần như thế. Thằng Ngụy cứ hay bày với vẽ! – Anh nói, như mắng xả vào mặt tôi – Đài báo của Đảng, của nhà nước cần có người nghe, người đọc chứ! – Với quan điểm đó, hôm nay vừa lúc há miệng, anh Trần đành đứng lặng, lắng nghe. Lại nữa, nếu cố mà rống riết, còn lâu anh ta mới tranh nổi với âm lượng ngoài kia.
Mấy nữ giáo viên ngồi bên cửa sổ, chỉ trỏ cho nhau thấy ở chạn ba một gốc cổ thụ, cái loa thép màu xám đen miệng to bằng mẹt lớn quay vào hội trường. Đoạn nhạc mở đầu khá quen thuộc, rồi ca sĩ cất giọng: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm. Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”. Đúng là Tự Nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh – một ca khúc vang dậy phố phường những đợt xuống đường của tuổi trẻ miền Nam! Cũng giọng nữ, khỏe khoắn, thanh thản, tự tin. Có phải Mỹ Phương đang hát tiếp? Không! Tuy sắc tiếng, âm vực kẻ tám lạng người nửa cân, nhưng nghiệm ra ca sĩ này còn già giặn hơn.
Tôi nhìn lên. Xuân nhìn lên. Chừng năm trăm giáo viên nhìn lên. Bên cạnh vị cán bộ cao cấp, anh Trần đứng rũ như cây mới trồng. Không biết trong giây phút trầm tư ấy, anh có nhận ra âm sắc, tiết tấu của nhạc vàng phản động hôm qua không?
Ngay sau khi bài hát chấm dứt, làm ra vẻ chẳng có gì đáng quan tâm, anh Trần lạnh lùng giới thiệu vị cán bộ cao cấp. Thật hú hồn, cả hội trường chung một tiếng thở dài, nhè nhẹ. Riêng tôi rưng rưng muốn khóc, tiếng hát đã đến đúng lúc, cứu chúng tôi thoát khỏi tai nạn. Nhưng từ ngày ấy, anh Trần ghét tôi như muốn hốt đổ đi khỏi ngành giáo dục càng sớm càng tốt.
1996