Nhớ về nhà văn Cao Xuân Huy

Bảo Ninh

THÁNG BA GÃY SÚNG

của Cao Xuân Huy

được dịch sang tiếng Pháp

CAO XUÂN HUY

EN MARS, FUSILS BRISES

traduit du vietnamien
par Emmanuel Poisson

Ed. Riveneuve, Paris 2021, 246p

Tủ sách văn học Việt Nam của nhà xuất bản Riveneuve (do Đoàn Cầm Thi phụ trách) đã ra được mười sáu tác phẩm, của những tác giả trẻ ở trong nước (Nguyễn Việt Hà, Phong Điệp, Nguyễn Bình Phương, Phan Hồn Nhiên) và những nhà văn sống ở nước ngoài (Đỗ Kh, Thuận).

Rất mừng là cuốn thứ 17 dành cho bản dịch tác phẩm Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy.

biabiaF

Bạn đọc quan tâm tới đời sống văn hóa và văn học Việt Nam nhưng không theo dõi dòng “văn học hải ngoại”, có thể nhầm tác giả với học giả cùng tên họ (1900-1983), thân phụ của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo. Tác giả Cao Xuân Huy (1947-2010) ra đời gần nửa thế kỷ sau, không họ hàng gì với học giả – nếu tôi không lầm. Cha anh là nghệ sĩ Cao Nhị, năm 1956, tham gia phong trào Nhân văn & Giai phẩm, làm thư ký tòa soạn tạp chí điện ảnh Sáng Tạo (1). Năm 1954, Cao Xuân Huy (7 tuổi) theo mẹ vào nam, sống với gia đình bên ngoại. 19 tuổi, nhập ngũ, vào binh chủng “ác ôn” thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam cộng hòa: Thủy Quân Lục Chiến.

Động cơ là gì? Chống Cộng chăng? Tác giả viết trong lời tựa:

Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi Việt Cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù Việt Cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết Việt Cộng là cái gì đâu. Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét Việt Cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả. Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền. Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều.” (Tựa, Tháng ba gãy súng).

Tháng ba gãy súng được xuất bản tại Mỹ năm 1986, ba năm sau khi tác giả vượt biển và tới Mỹ, kể lại những ngày tháng ba 1975 ở mặt trận Thừa Thiên, khi quân đội VNCH “triệt thoái Tây Nguyên” rồi bỏ chạy từ Quảng Trị, qua Huế, về Đà Nẵng. Đơn vị của Cao Xuân Huy chiến đấu những ngày chót trên bãi biển Thuận An, chiến hạm cấp cứu không bao giờ cặp bến, cuối cùng bị bắt và “Học tập cải tạo”: “quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ. Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự” (lời Tựa).

Quả thật, Tháng ba gãy súng tương phản hẳn với những hồi ký xuất bản tại Mỹ từ 1975 tới nay của những cựu sĩ quan VNCH, một số là nhà văn có tên tuổi, mà ấn tượng đầu tiên và duy nhất của người đọc là “lên gân” và “phường tuồng”. Mặc dầu Cao Xuân Huy nhấn mạnh nó không phải là tiểu thuyết, nhưng người đọc có quyền đánh giá đó là một tiểu thuyết giá trị. Những ai theo dõi văn học Việt Nam đương đại, không thể không nghĩ tới Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Mọi lời bình đều thừa thãi: tốt hơn cả, chúng tôi xin đăng lại nguyên tác (trong trang báo này, với sự cho phép của tác giả) bài viết năm 2011 của Bảo Ninh: Nhớ về nhà văn Cao Xuân Huy  (đã được Emmanuel Poisson dịch ra tiếng Pháp, cùng đăng với Lời bạt, viết thẳng tiếng Pháp, của Đỗ Khiêm).

Bản dịch của Emmanuel Poisson hoàn chỉnh, chuyển ngữ được giọng văn độc đáo, ngang tàng mà chân thực của Cao Xuân Huy. En mars, fusils brisés là một dịp may để bạn đọc tiếng Pháp (nhất là các bạn trẻ Việt Nam không thạo tiếng Việt) tiếp cận một tác giả, và qua đó, văn học Việt Nam đương đại.

N.N.G.

(1) Trùng tên với tạp chí văn học Sáng Tạo xuất bản tại Sài Gòn (1956-1960) của nhóm Mai Thảo. Tạp chí điện ảnh Sáng Tạo ra được hai số tháng 11.1956, do nhà điện ảnh Trần Thịnh làm giám đốc. Tham gia: Trần Thịnh, Phạm Kỳ Nam, Trần Công, Phan Tại, Cao Nhị, Phan Vũ, Chu Ngọc (theo Lại Nguyên Ân, Đi tìm dấu tích tờ báo ‘Sáng Tạo’ (Hà Nội, 1956).

Nguồn: https://www.diendan.org/dich-thuat/thang-ba-gay-sung-cua-cao-xuan-huy-duoc-dich-ra-tieng-phap

Cho đến nay tác phẩm của các nhà văn Việt Nam hiện sống ở Mỹ tôi đọc chưa được bao nhiêu. Gặp gỡ tác giả càng ít có dịp, lại hay những lúc đông đảo, chuyện phiếm là phần nhiều. Nhưng nếu đã thực trò chuyện được với nhau rồi thì khó quên. Như là với nhà văn Cao Xuân Huy, chỉ một lần và đã cả chục năm, mà nhớ mãi.

Năm ấy, còn đang cày ở tờ Văn Nghệ Trẻ, buổi chiều, trước cổng báo, tôi vẩn vơ đứng đó hút thuốc ngó trời thì một ông đi tới. Nhã nhặn ông hỏi tôi có phải Bảo Ninh không. Nghĩ đấy là một ông đến gửi truyện ngắn, tôi đáp vâng song lại xin lỗi rằng vì không phải biên tập viên nên không có quyền nhận bản thảo. Ông đó mỉm cười bảo là mình chẳng nhà văn nhà báo gì cả, rồi tự giới thiệu: “Tôi là Huy, ở Mỹ về thăm nhà, có lá thư với chút quà anh Khánh Trường gửi anh”. Tôi sang tiệm cà phê ở vỉa hè bên kia ngồi đợi ông Huy ấy về qua nhà lấy thư. Nhà số 19 phố Trần Quốc Toản, ngay kề số 17 của báo Văn Nghệ.

Tôi không khỏi ngạc nhiên. Với tôi không ai là Việt kiều hết, người Việt là người Việt, nhưng, dù không có ý phân biệt, mà ai vừa “ở bển” về thoáng nhìn tôi biết. Còn ông này thì đã tự giới thiệu mình là như thế tôi lại chẳng thấy ra là thế. Không như tôi song cũng là như tôi thôi. Như thiên hạ. Trang phục, đầu tóc, giọng nói, cách nói. Cố nhiên, có một cái gì đó, nhưng là cái gì? Thư của nhà văn Khánh Trường chỉ mấy dòng, hỏi han sự viết lách và mời dịp nào qua Mỹ thì tới chơi Hợp Lưu. Chót thư anh viết: ông đưa Huy dạo phố Hà Nội, như hồi nào tôi với ông. Huy viết Tháng Ba Gãy Súng. Ông đọc chưa?

Ra đây là nhà văn Cao Xuân Huy? Dạo đó, ở “quốc nội” chắc là còn rất ít độc giả nghe danh nhà văn này. Như là tôi thì chỉ mới vừa đọc xong cuốn sách của anh cách đấy chừng một tháng, ấn tượng vẫn như đang nóng rát trên tay.

Đến khi đó chúng tôi như sực nhớ ra, mới bắt tay nhau. Tôi nói vừa đọc cuốn của anh. Anh nói cũng vậy đã đọc tôi. Anh bảo, “quyển tôi viết không phải tiểu thuyết, nó là hồi ký, nên đọc rồi thì anh biết trong chiến tranh tôi thế nào, là ai, cũng như do đọc anh nên tôi biết ngày đó anh là bộ đội tác chiến trên Cao Nguyên”. Anh nói thế, ý là muốn ngay từ đầu rành mạch ra với nhau. Tôi cũng thích như vậy. Thẳng ra với nhau thì mới không xa lạ. Mà chúng tôi thì không xa lạ. Mặc dù trong chiến tranh, lực lượng tổng trừ bị của quân đội Sài Gòn từng lên ứng chiến ở Tây Nguyên chỉ Dù mũ đỏ và Biệt Động mũ nâu chứ không thấy có Mũ Xanh, nhưng vẫn có thể coi rằng hai chúng tôi là chỗ “quen biết” đã từ gần ba chục năm về trước. Giờ đây, gặp mặt. Một cái tiệm cà phê nho nhỏ, bên lề một con đường đẹp và yên ắng của Hà Nội.

Đã chiều muộn. Tiệm đông dần lên và bắt đầu nhạc nhọt. Huy nói căn phòng của ông già anh ngay kia, nhưng để bữa khác mời qua chơi, bữa nay mình kiếm chỗ nào. Mà hay nhất là được chỗ còn lưu dấu Hà Thành năm 54. Biết một chỗ như vậy, tôi chạy xe máy chở anh tà tà dọc Phố Huế, Hàng Bài, vòng quanh Bờ Hồ. Rồi dừng ở nhà Thuỷ Tạ. Đa phần người ta đến đấy giải khát, kem que kem cốc, nhưng ở đấy cũng có quầy rượu. Huy nói tửu lực xuống nên bấy lâu chỉ bia, song bữa nay, giữa Hà Nội, bên hồ Gươm, thì đúng là phải thứ gì nặng ký, để tụi mình, thuở nào nón xanh mũ cối giờ đây đầu bạc thù tạc coi sao. Chúng tôi gọi một chai và ra ngồi ở bàn kê bên lan can kề mép nước. Thật may, Thuỷ Tạ tối ấy thưa khách, như là chỉ có hai chúng tôi với mặt hồ.

Mỗi khi có bạn từ trong Trung trong Nam tôi thích rủ ra Bờ Hồ, làm vài ly và ngồi ngắm cảnh, như là một nếp quen mà cũng là ẩn chút niềm tự hào của người Hà Nội đối với người phương xa. Nhưng mà Cao Xuân Huy phải đâu người phương xa. Năm 54 anh đang ở Hà Nội, tôi thì tận trong Vinh. Đình chiến, anh vào Sài Gòn, tôi ra Thủ Đô. Ngược chiều nhau và đối nghịch nhau, chỉ có điều, vào cái năm cắt đôi đất nước ấy chúng tôi mới là hai đứa bé, tôi 2 tuổi, Huy 7 tuổi. Tôi theo cha mẹ, Huy theo người cậu.

Giờ đây, ngồi bên nhau, cạch ly, chúng tôi chuyển xưng hô, không anh tôi nữa, mà ông tôi. Anh hơn tuổi, nhưng năm đó chưa là Huy “râu” như về sau này, còn tôi tuy năm mươi mà đã tựa sáu mươi nên coi như ngang bằng. Thoạt tiên, bởi tôi hỏi thăm nên anh kể tôi nghe về đời sống và sức khoẻ của nhà văn Khánh Trường, về công việc, sự phát triển xuống lên thăng trầm của tờ Hợp Lưu. Nhưng kể sơ thôi, những gì không biết anh nói không biết. Tôi thích những người có cái đức đối ẩm bạt thiệp kiểu như anh. Không nửa vời, sẵn sàng la đà tới bến, nhưng chậm rãi, nhâm nhi, bình thản, không xỉn, chí ít là không xỉn lộ ra trong hình dong và cử chỉ, nhất là không bao giờ xỉn ra nơi đầu lưỡi.

Hôm đó, do mới đọc tác phẩm của anh, một tiểu thuyết vừa rất thích rất chịu lại vừa rất không thích rất không chịu, nên định bụng gạn hỏi, bàn luận, tranh luận, nhưng rồi tôi thôi. Không phải ngại đụng, cũng không vì anh nhất mực nói cuốn sách không phải tiểu thuyết, mà vì tôi thấy anh thực sự là một trong số khá hiếm những nhà văn không ưa ý kiến ý cò nói ra lời những chuyện văn chương thi phú, nhất là văn chương của cái bản thân mình.

Miễn sự văn chương, thì bù lại, chúng tôi giàu chuyện đời để kể với nhau. Tuy nhiên, so trong hai người, đời tôi ít chuyện hơn, hoặc có thể nói là một kiểu đời dễ kể hơn. Cũng nhiều buồn vui sướng khổ, song đại khái những người đồng thời với mình thế nào thì mình thế nấy. Còn nhà văn Cao Xuân Huy có thể nói là ngay từ nhỏ đời đã có nhiều cá biệt. Năm 54 anh theo bên ngoại di cư vào Nam, trong khi đó thì ông thân sinh là cán bộ kháng chiến từ Việt Bắc trở về Hà Nội, cha con không gặp mặt. Năm đấy anh bảy tuổi, còn nhỏ nhưng không phải là quá nhỏ, nên nỗi niềm tha hương dù không triền miên day dứt như ở các bậc phụ huynh trong gia đình, song vẫn âm thầm ẩn khuất. Anh nói với tôi rằng mình là “ma xó” Sài Gòn, yêu vô cùng, am hiểu vô cùng thành phố và con người của thành phố, thế nhưng suốt thời thơ ấu qua tuổi thanh niên, luôn nặng cảm giác cô đơn bước đi trên đường phố. Đời sống tuy không vất vả, nhưng dù gì cũng một thân phận kiểu như nửa mồ côi nên tính nết không như người đồng trang lứa. Ở trường ở lớp nhiều bạn mà ít bạn thân, và mặc dù rất lặng tính lại thường bị thầy bà coi là tên học trò ba gai… Tôi vốn không giỏi nói nhưng giỏi nghe. Còn Huy, nói năng chậm rãi, ngắt quãng nhiều và buông lửng nhiều, song tối hôm ấy thực sự là anh đã trải lòng. Cảnh hồ Gươm trong khuya, không gian đậm hơi thở của thời xa xưa, thì giờ rộng rãi, thong thả, rượu ngon, bạn nhậu, đấy là cõi tâm tình của người đàn ông. Thêm nữa, sự tương phản tới mức đối chọi nhau trong số phận tôi và anh, nhất là ở những mốc thời gian đỉnh điểm của thế cuộc và của đời người, chẳng những không đẩy xa mà trái lại, khiến chúng tôi xích gần nhau hơn.

Năm 1954 cả hai còn nhỏ chưa nhớ gì mấy. Nhưng năm 1970, 1971, rồi Mùa hè đỏ lửa 1972, rồi Tết hoà bình Quí Sửu, và nhất là 1975, thì từng ngày một, sâu đậm trong lòng. Ngày 10 tháng Ba năm 75 tôi ở đâu, Huy ở đâu. Ngày 26 tháng Ba, 29 tháng Ba… Ngày 30 tháng Tư. Buổi trưa hôm ấy, tôi vào Tân Sơn Nhất, còn Huy thì trong trại tù binh ngoài Quảng Trị. Vỡ trận ở cửa Thuận An, anh cùng với hầu hết đồng ngũ thuộc lữ Thuỷ quân lục chiến bị bắt ngay từ cuối tháng Ba. Và vì là sĩ quan, cấp trung uý, nên cứ thế một mạch hết trại này qua trại khác ra Bắc vào Nam cho tới năm 1981. Tôi, những năm đó, “ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc Nam”, thỉnh thoảng dừng các ga xép, cũng trông thấy ở đường ray kế bên đậu dài một dãy toa chở “ngụy đi học”. Nhưng nhìn vậy thôi, bàng quan, hầu như chẳng nghĩ ngợi gì. Về quãng đời ấy của mình Huy nói lướt đi, chỉ điều gì tôi muốn biết rõ hơn thì anh mới chậm lại, kể kỹ, nhưng một cách dửng dưng ơ hờ, như thể đời một ai khác. Tôi nghe, cố mường tượng. Tôi muốn cảm nhận, dù là không thể, tâm thế của con người ta trong cảnh ngộ ấy, nhất là của người như Cao Xuân Huy, người mà hẳn rằng khi ấy đã là một nhà văn tiềm ẩn.

Những năm đầu sang Mỹ, anh kiếm sống qua nhiều nghề rất khác nhau. Cũng ổn, nhưng mà không ham. Những người bạn từng cùng anh chung sức thuở ban đầu do vẫn tiếp tục với nghề sửa xe hơi, nghề sửa đồ điện, nghề tư vấn pháp lý, v.v. đều đã dần phát đạt, một số trở nên giàu có, nhưng anh thì đã bỏ hết để theo cái nghiệp nhọc nhằn viết văn làm báo. Nhưng làm báo, qua nhiều tờ, anh chỉ chân trợ lý biên tập: gõ máy chữ, sửa bài, lên trang. Lặng thầm anh dồn tâm lực cho việc viết văn, cái việc mà anh nói là để được sống lại một lần nữa những chặng đời đã qua”. Nhưng sống lại trong tâm tưởng đã chẳng dễ dàng gì, trải được ra trên giấy lại càng khó. Đòi hỏi phải rất kỳ khu. Rất chậm, đầy cay cực, viết rồi xoá, viết rồi xé. “Mất công tự đày ải mình, cho vui” – anh bảo vậy.

Tôi nhìn. Người đàn ông vừa từ Mỹ về thăm quê nhà, cùng tôi ngồi đây nhẩn nha trò chuyện đâu có còn chút gì là trung uý Huy trẻ tuổi và bạt mạng hồi nào. Những năm dài quân ngũ, những trận ác chiến từng trải qua trên hầu khắp Vùng Một khốc liệt, tất cả đã lùi xa, chí ít là cũng cách qua vạn dặm trùng khơi giữa hai bờ đại dương và giữa hai thời đại. Xa biệt ra, khuất tầm gợi nhớ, chắc hẳn cũng giúp nhiều cho sự quên lãng. Mà với những ai cuộc đời và số phận tựa trung uý Huy thì việc quên đi dĩ vãng là sự rất cấp thiết để sinh tồn, để quân bình tâm hồn và an bài cuộc sống. Thế nhưng, nhà văn Cao Xuân Huy đã không thể. Chẳng những không làm sao quên đi được, anh còn từng ngày trên trang giấy sống lại với quãng đời ấy, từng trận đánh, từng người bạn đồng ngũ và cả từng người lính đối phương mà tự tay mình đã bắn hạ.

Tại sao? Viết, kể, dựng dậy những chuyện vừa kinh khủng vừa cũ xưa ấy để làm gì chứ? Tôi nghĩ là rất nhiều người đã lên tiếng hỏi hoặc đã thầm hỏi thế khi đọc tác phẩm của anh. Chắc hẳn cũng đã từng không ít người băn khoăn hỏi vậy khi đọc, chẳng hạn, Mặt trận phía tây yên tĩnh, Đất trắng, Câu chuyện của Paco, v.v. Đấy là câu hỏi thật tình và đương nhiên, thốt lên tự đáy lòng độc giả, mà tôi đồ rằng nhất là của những độc giả thực sự thấu hiểu và đồng cảm với những tác phẩm văn học nghẹt thở ấy. Tuy nhiên đấy lại là điều các tác giả không thể giải đáp. Nếu có bị buộc phải trả lời, họ cũng sẽ không cách sao diễn đạt nổi, thậm chí cho chính bản thân mình hiểu, nông nỗi thế nào lại cứ nhất định những chuyện ấy mà viết.

Mỗi nhà văn là mỗi khối mâu thuẫn, thường nghe nói vậy. Thực ra con người ta ai mà không thế, tuy nhiên đúng vậy, rõ ràng nhất là các nhà văn. Và theo tôi thì tột cùng mâu thuẫn, hằn sâu vào trang viết, là những nhà văn kiểu như các tác giả những cuốn tiểu thuyết kể trên. Các nhà văn ấy viết về chiến tranh không chỉ bằng những trải nghiệm mật thiết nhất mà cả bằng cảm hứng mãnh liệt nhất, như thể dâng hiến cho tình yêu, thế nhưng từng dòng và toàn bộ cuốn sách của họ lại toát lên vô hạn độ lòng căm hờn chiến tranh. Hiển nhiên họ tha thiết với đời sống hoà bình, song con mắt nhà văn lại luôn buộc họ phải nhìn thấy dưới nền bằng phẳng xanh tốt của thảm cỏ hoà bình ken dày những di cốt của chiến tranh, và ác hại hơn thế, nhan nhản những mầm mống của chiến tranh. Khối mâu thuẫn nặng chịch và chằng chéo đó là bi kịch chung của các nhà văn dành đời văn của mình cho “đề tài” chiến tranh.

Là bi kịch chung, nhưng lại rất riêng. Mỗi nhà văn mỗi cuộc chiến khác nhau, mỗi cảnh ngộ chiến trận khác nhau, mỗi trận tuyến, mỗi lớp đồng đội và đối phương khác nhau. Và tất nhiên, tác phẩm của họ được thưởng thức hết sức riêng, hết sức khác nhau từ mỗi độc giả.

Đọc tác phẩm của nhà văn Cao Xuân Huy, thú thực, tôi luôn nhìn thấy lại trước mắt mình cảnh tượng quân sĩ đôi bên giao tranh quyết liệt vào những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, ở Lăng Cha Cả, ở cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất, ở Bộ Tổng Tham mưu. Về phía quân ta, đồng đội của mình thì cố nhiên tôi hiểu, không hiểu hết nhưng hiểu. Đây là tôi muốn nói về phía đồng đội của Huy.

Vào thời khắc cuối cùng ấy, khi ông Minh đã đầu hàng, khi đám Thiệu Kỳ Khiêm với bầy đoàn tướng tá, lũ ăn trên ngồi trốc béo trục béo tròn hưởng lộc chiến tranh đã cao chạy xa bay, còn lính tráng tốt đen thì đã quăng súng tan hàng, nhưng rất nhiều sĩ quan cấp thấp, thiếu uý, trung uý lại nhất định kháng cự đến cùng, để tiếp tục bị giết, bị thương, bị bắt. Tại sao? Có nhiều sự giải thích, đều đúng, nhưng không giúp tôi quên hẳn đi được cái bi kịch đau xót, thảm thương và điên rồ đó.

Họ là ai, những thiếu uý, trung uý ấy. Đọc và gặp Cao Xuân Huy, tôi nghĩ họ là lớp thanh niên có số phận đặc biệt bi kịch. Theo một nghĩa nào đó, họ đứng giữa hai làn đạn. Xong tú tài, vào trường võ bị rồi ra trận, Cao Xuân Huy và hầu hết các sĩ quan trẻ bạn hữu của anh (trong Tháng Ba Gãy Súng) chọn binh chủng “lính bốn chữ” hạng nhất dữ dắn. Tại sao? Anh chẳng thù hận gì những người anh phải quyết liệt đối đầu. Thù gì chứ, ông già tôi, các em tôi, họ hàng, đồng hương tôi cả mà – anh bảo vậy. Còn cái chính thể mà anh phải đưa thân, thậm chí xả thân bảo vệ, thì anh đâu có ưa gì. Không ưa, là nói nhẹ, trong tác phẩm của anh cái chính thể đó, đặc sệt xấu xa tồi bại phản trắc. Vậy thì tại sao?

Nhưng tác phẩm văn học không bao giờ hàm trong nó một sự lý giải chủ quan của tác giả về ngay chính cái hiện thực mà ông ta viết ra. Nhà văn không phải là chính trị, không phải nhà sử học, không phải nhà thuyết giáo, nhà đạo đức, không phải ông thầy giáo, và cuốn tiểu thuyết nhà văn viết ra chỉ diễn đạt những điều chỉ có thể diễn đạt bằng tiểu thuyết. Một nhà phê bình đã viết đại ý như vậy. Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Cao Xuân Huy tôi nghĩ chính là như thế. Nó không giải thích gì với tôi, nhưng nó thôi thúc tôi không ngừng nghĩ, nghĩ thêm, nghĩ nữa, về cuộc chiến tranh mà mình mãi mãi và luôn luôn nghĩ tới.

Sau lần gặp nhau ở Bờ Hồ tôi không còn dịp nào gặp lại nhà văn Cao Xuân Huy. Nhưng tôi đọc được thêm nhiều hơn của anh. Có một trang thế này, viết về Tết hoà bình Quí Sửu, mà tôi lại thấy như là anh kể lại buổi tối đó của hai chúng tôi.

“… Mới vừa choảng nhau trí mạng, nhưng sau khi hai bên đã hoàn toàn ngưng bắn, lính tráng ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:

Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!

Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào. Có tiếng nghẹn ngào bên cạnh: “Anh khóc đấy à?”

Toàn quay qua, một người bộ đội nước mắt cũng đang nhòe nhoẹt. Chẳng nói chẳng rằng, cả hai ôm chầm lấy nhau…”

Bài viết năm 2011, tác giả cho phép Diễn Đàn đăng lại.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/nho-ve-nha-van-cao-xuan-huy

Comments are closed.