Những chuyến đi xa

Nguyễn Tuyết Lộc

Nguy_n Tuy_t L_cDu lịch đó đây là một trong những sở thích của tôi, mỗi khi thấy trí não bắt đầu trì trệ, cơ thể rã rời. Đi theo tours không cần lo chỗ ăn ở, tham quan, nhưng giờ giấc phải tuân thủ, muốn ngủ thêm chút buổi sáng, cũng phải mắt nhắm mắt mở dậy cho kịp đoàn; đi một mình, tha hồ nghỉ ngơi, dừng lại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào mình muốn, tôi có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm những điều kỳ thú của cuộc sống ngoài đất nước mình, đôi khi trùng hợp những sự kiện lịch sử xứ người, như đọc được từng trang sách mới vô cùng hấp dẫn, nhưng xem chừng không người hướng dẫn, lắm lúc gặp tình huống dở khóc dở cười, tự nhiên thấy mình ngây ngô như dưới quê lần đầu lên tỉnh.

1997. Đây là lần đầu tiên tôi đi Mỹ thăm anh Hai tôi sau 22 năm xa cách kể từ 75.

Vào thời điểm này, không dễ dàng gì lấy được visa vào nước Mỹ. Thời Việt Nam đã “đổi mới” nhưng những ngăn trở, nghi ngại ở cả hai phía đối phương cũ chưa thể xóa nhòa. Những người vượt biên trước đây được xóa án, thậm chí được tiếp đón nồng hậu khi trở về thăm quê nhà với danh xưng rất đẹp: Việt kiều yêu nước. Mà họ yêu nước yêu dân thật sự đấy chứ. Thứ nhất, hầu hết ra đi vì bế tắc kinh tế và mối lo cho tương lai học hành nghề nghiệp của con cái chứ không hẳn vì chính trị chính em gì. Thứ hai, họ cũng lao động hết sức mình nơi quê người để kiếm tiền gửi cho thân nhân, đỡ một phần đất nước phải gánh vác.

Những năm 80 – 90, khi đưa tiễn thân nhân sang Mỹ theo diện HO hay ODP đoàn tụ gia đình người ta khóc lóc thảm thiết, đôi khi ngất xỉu. Họ nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn thấy được người thân. Người ngoài, người trong, cách nhau chỉ một lằn vạch đỏ 5cm mà như xa muôn trùng, như ở hai thế giới khác nhau.

*Cái căng thẳng nhất với tôi khi đi nước ngoài là múi giờ. Khi tiễn tôi ra phi trường Kentucky lúc 7 giờ sáng, chuyến bay sẽ dừng lại ở Louisiana, đổi máy bay rồi đi Boston, anh Hai tôi, vừa dặn đi dặn lại kỹ càng, vừa viết vào tờ giấy lớn, chữ lớn khiến tôi có cảm tưởng mình vẫn còn bé lắm với anh tôi.

Từ Kentucky 7 giờ, bay một tiếng đến Louisiana đúng 8 giờ. Nhưng tôi phải chỉnh đồng hồ thêm hai tiếng là 10 giờ, cho hợp giờ địa phương. Như vậy, di chuyển một tiếng mà như phải trải qua ba tiếng. Máy bay vừa đáp xuống, lấy hành lý xong, tôi thấy nhiều người kéo vali chạy. Mọi người tránh đường cho họ chạy. Tôi ngơ ngác, rồi hoảng hốt cũng kéo vali đâm đầu chạy. Chạy trối chết. Trong đầu tôi bấy giờ chỉ sợ mỗi một thứ là: khủng bố. Trên truyền hình, hằng ngày đầy dẫy tin khủng bố ám ảnh tôi.

“-Trời ơi, khủng bố, khủng bố!” Vừa chạy, mắt vừa nhìn số gate treo trên cao, miệng hét thật … nhỏ, vừa chỉ mình tôi nghe: “-Không chết ở nhà, qua đây làm chi để chết vì khủng bố”. Mãi gần hai mươi phút mới đến đúng số gate của tôi. Dừng lại, hổn hển thở. Nhìn quanh, mọi người bình thản đi lại chẳng có vẻ gì sợ khủng bố như tôi. Hoàn hồn, tôi kiếm chỗ ngồi. Nhưng sao phòng đợi chẳng có ai? Chết rồi! Trễ chuyến bay rồi. Lại hoảng hốt, tôi lấy vé ra xem. Thì ra, thời gian còn dư nhiều. Yên tâm, tôi đi vòng vòng mua ba thứ làm quà để… giết thời gian. Khi trở lại, một cô nhân viên đứng sau bàn có bảng ghi “Boston”. Vẫn không có hành khách. Tiếng loa vang lên, người ta thông báo rất nhanh, tôi nghe mà chẳng hiểu ất giáp gì cả. Tôi nghĩ hành khách đã làm thủ tục vào máy bay rồi, nên nhờ cô giúp đỡ. Cô gọi ngay một ông Mỹ da đen chở tôi ra máy bay. Ông giao tôi cho cô tiếp viên. Cô này chu đáo dẫn tôi đến chỗ ngồi, dịu dàng nói:

-Cô đi sớm quá. Còn một tiếng đồng hồ nữa.

Những sợi dây thần kinh trong đầu tôi từ khi xuống máy bay căng thẳng và rung lên bần bật, giờ mới được giãn ra. “- Ngồi được trong máy bay là yên chí, bảo đảm không sợ trễ”. Tôi thở phào cười thầm sao mình “quê” thế. Mệt quá, tôi nhắm mắt lại… ngủ luôn!

Khi máy bay rời Louisiana, đồng hồ đúng 12 giờ. Đến Boston 13 giờ. Tôi lại chỉnh đồng hồ. Nhưng lần này không phải tăng, mà lùi 4 tiếng. Vì máy bay đã lùi 4 múi giờ. Lùi đồng hồ 4 tiếng, tức 9 giờ sáng cho khớp giờ địa phương.

Sự tiến lùi múi giờ phức tạp như thế, làm tôi có cảm tưởng mình đang ở trên một chiếc võng đong đưa, chơi vơi như trong cơn say, không ý thức mình đang ở thời điểm nào nữa. Đồng hồ chỉ 9 giờ sáng mà mang cơn đói cồn cào lúc 1 giờ chiều. Như vậy phải chờ mấy tiếng đồng hồ nữa mới có ăn!

Tôi điện thoại cho anh Hai biết chuyến đi an toàn kẻo anh lo. Và kể những chuyện xảy ra ở sân bay, anh tôi cười ha hả:

-O Lộc nhiều lần ra nước ngoài, răng bữa ni o ngô nghê rứa? Người ta đổi chuyến bay phải chạy cho kịp giờ, vì sân bay ở đây rộng lắm. Không chạy là trễ.

-Anh ơi, đây là lần đầu em đi Mỹ. Mà nghe đến Mỹ là sợ khủng bố. Cái chi cũng làm em sợ. Anh nhớ hôm anh chị đưa em đi xem khu Harlem của người da đen ở không? Em sợ đến nỗi gần tè trên xe khi anh lái vòng vòng, mấy cậu da đen cao to như tượng đồng đen, mình xăm đủ kiểu, đứng giữa lối đi, nhìn chằm chằm vào xe. Đã rứa, anh còn nói, khu ni nổi tiếng dữ tợn lắm, loạng quạng là tụi nớ giết ngay, y như trong phim hành động rứa. Em hối anh ra khỏi đó mau lên. Về đến nhà vẫn còn sợ. Mà răng em thấy ở Mỹ cái chi cũng có thể làm mình căng thẳng hoảng sợ hết anh hè. Đi máy bay thì sợ trễ giờ. Ra khỏi nhà sợ đủ thứ.

– Vì lần đẩu o đến Mỹ, cái gì cũng lạ với o làm o không an tâm. Đi lần thứ hai, o sẽ “ghiền” nước Mỹ. Ở đây, người ta vẫn hít thở, vật lộn cũng như tận hưởng cuộc sống từng giây phút một. Họ chỉ sợ một điều duy nhất trên đời, đó là không tiền. Không tiền, đồng nghĩa với không job, không nhà cửa, và đi “ăn mày” chính phủ. Anh khen o, lần đầu đến Mỹ mà dám đi một mình. Giỏi, giỏi. Welcome o lần tới hí.

*Bước vào Plaza Hotel, 768, Fifth Avenue, ở Central Park South, quận Manhattan New York, điều làm mọi người chú ý đầu tiên không phải sự xa hoa tráng lệ hay cách bài trí cổ điển của một khách sạn năm sao được xây dựng cách đây hơn 100 năm, mà mọi con mắt đều ngước nhìn một bức tranh thật lớn, treo bên phải tường khách sạn, vẽ cô bé khoảng 5 tuổi, tóc cài băng đô đính hoa, xinh xắn, mặc váy đầm hồng nhạt. Kế dưới bức tranh đặt chiếc bàn gỗ, chạm trỗ hoa văn rất công phu. Bên trên bàn để một chồng sách viết về tiểu sử cô bé. Khách vào thuê phòng ở đây hầu hết có tiền; cuốn sách 100 đô viết về tiểu sử một em bé gây sự tò mò, nên ai cũng cầm một cuốn. Trong lúc chờ nhận phòng, tôi lật xem bên trong sách. Câu chuyện kể một bé gái tên Madeline, có mẹ làm bồi phòng từ khi khách sạn khánh thành ngày đầu tiên, vì gia đình nghèo không tiền gửi nhà trẻ, nên mẹ đi làm bé được dẫn theo luôn. Sợ ban Giám đốc thấy bé, mẹ bị đuổi việc, nên khi ban Giám đốc đi kiểm tra, bé chạy trốn vòng vòng từ lầu trên xuống lầu dưới, chui vào toilette này đến toilette khác, trong túi áo luôn mang theo một tập vở và cây bút chì để học chữ mẹ dạy mỗi tối. Từ sáng đến chiều ở trong khách sạn, mọi công việc mẹ làm bé biết rành mạch. Mấy trăm toilette, mấy chục tầng lầu, thang máy, thang bộ, bé đều đặt chân đến. Plaza Hotel là căn nhà thứ hai của bé. Năm này qua năm nọ cho đến một hôm, ban Giám đốc khách sạn bắt gặp bé đang ngồi học trên sân thượng, gọi vào hỏi. Bé thành thật khai. Không những mẹ không bị đuổi việc mà bé được ban Giám đốc cho tiền ăn học, có xe đưa đón. Sau khi tốt nghiệp Đại học, bé bấy giờ trở thành cô gái yêu kiều được tuyển vào làm quản lý chính khách sạn năm sao đó. Các trang chuyện kể có minh họa hình cô bé. Cách viết văn ngắn gọn, súc tích và truyền cảm gây xúc động người đọc. Khi cuốn sách trên tay tôi gấp lại, nhìn lên tranh cô bé đứng trước mặt, tôi mỉm cười nghĩ: hôm nay cô bé này đã trở thành cụ bà hơn 100 tuổi rồi.

Sự nhộn nhịp của đại lộ số 5 bắt đẩu từ 7 giờ tối. Đó là con đường chính của New York. Nơi đây sự tương phản mang tính chất bi hài. Bên này đường là khách sạn năm sao Plaza Hotel được xây dựng hơn trăm năm, đối diện bên kia đường là công viên, nơi những chiếc xe ngựa cũ kỹ chở khách tham quan thành phố. Bên này sạch sẽ, bóng loáng, toát lên mùi thơm tho, bên kia nồng nặc mùi ammoniac của nước đái ngựa.

Suốt đại lộ số 5, ngước cổ nhìn lên, những nhà cao tầng ngất ngưởng chọc trời như đang trôi bồng bềnh trong mây. Phố xá tấp nập, nhất là khi hoàng hôn xuống, đèn đường bật sáng, cuộc sống đêm bắt đầu nhộn nhịp.

Một gia đình người Mỹ da đen, gồm bà vợ ngực mông to quá cỡ, môi tô đỏ chót, ông chồng cũng nặng kí không kém, rất cân xứng với vợ, tay xách kèn saxophone. Ngược lại, ba cậu con trai ốm nhom, mặc veste, cà vạt chỉnh tề, một con chó to bằng bò con. Cả gia đình lễ mễ soạn trống đàn ra đường phố. Khi tiếng kèn saxo thống thiết từng hồi của cha vang lên bài “The Sun Rises”, bà mẹ cất tiếng khàn đặc, nức nở, mắt nhắm lại, cả thân thể bà đong đưa, quằn quại, những đứa con nhún nhảy phụ họa. Từ Jazz, bỗng đổi sang Rock, Rap. Rap đã có sẵn từ trong máu ba cậu bé trai. Chúng bắt đầu trổ tài nhảy rap, đẹp, nhuyễn, không chê vào đâu được, không thua gì ông Hoàng nhạc Pop M. Jackson. Đó cũng là lúc chú chó làm nhiều trò cho khán giả “đứng đường” cười nghiêng ngửa, quên đi những căng thẳng mà cuộc sống mang đến cho họ. Người qua, kẻ lại, càng lúc càng đông, đứng quanh xem biểu diễn, vui vẻ móc túi, thưởng tiền vào chiếc mũ nỉ được chú chó khôn ngoan cầm ở hai chân trước đi xin từng người. Khoảng 9 giờ tối, các họa sĩ vẽ chân dung bắt đầu bày biện bút, màu ra lề đường. Không thể nào đi qua đó mà không dừng lại để họ vẽ cho mình một bức hình kỷ niệm. Tấm bảng ghi 5 đô một chân dung vẽ bằng chì, lấy ngay sau 10 phút. Ai mà không ham. Tôi cũng sà xuống.

15 tuổi, tôi đã từng làm người mẫu cho cô Maria Mộng Hoa, nữ họa sĩ nổi tiếng một thời ở cửa Thượng Tứ Huế, và bức tranh “Nguồn mỹ cảm” được cô chọn gửi triển lãm ở Sài Gòn. Nhà báo, nhà văn Ngu Í vào năm 1962 có viết một bài phỏng vấn cô trên tạp chí Bách Khoa: “Tranh chị vẽ, có đôi bức nào khiến chị ưng ý không?”. Cô cho biết: “Có hai bức, đó là Thủy tạ chiều thuNguồn mỹ cảm”. Bây giờ làm người mẫu 10 phút, dễ thôi. Tôi tưởng tượng mình sẽ có một chân dung thật đẹp, thật duyên dáng, độc đáo ở tuổi “không có tuổi”, do những họa sĩ chuyên về chân dung, lại vẽ ngay tại một trong những thành phố lớn của Mỹ giá 5 đô đâu có mắc mỏ gì. Phải không các bạn? Do đó, tôi ngồi im không dám nhúc nhích, sợ ảnh hưởng đến nét vẽ của họa sĩ, trong lòng hồi hộp đợi chờ.

Khi họa sĩ vẽ xong nét cuối cùng, đưa búc tranh cho tôi. Có thể nói, đây là một trong những lần tôi mở mắt thật to để ngắm nhìn hình ảnh chính mình được thể hiện trên tranh. Than ôi! Bức chân dung ấy chẳng giống tôi chút nào, mà hình như giống một người nào đó có quen biết và quên bẵng từ lâu.

Chưa kịp hết thất vọng về tài vẽ của họa sĩ, thì lại đến lúc tôi bấm bụng đưa 5 đô để trả tiền công ông ta. Một tay chỉ vào tấm bảng ghi giá 5 đô, tay còn lại, ông ta khẽ kéo một bức tranh kế bên ra để lộ “bức chân dung giá cả” đầy đủ là 25 đô!

Chỉ trong khoảnh khắc vẽ tranh mà tôi đã hai lần phải mở to đôi mắt mình ra… ngố.

*Qua Hồng Kông, ở lại một đêm, hôm sau tôi tiếp tục đi Macao trong ba ngày. Sân bay Quốc tế Hồng Kông so với những ngày đầu vừa được Anh Quốc trao trả, bây giờ đẹp rực rỡ và hoành tráng hơn nhiều.

Nhớ năm 1997 khi tôi từ Mỹ đến Hồng Kông, cũng là lúc Hồng Kông đã chính thức được trao trả về Trung Quốc sau hơn 150 năm thuộc địa của Anh. Sự kiện này đánh dấu Hồng Kông trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Sân bay hôm đó chật cả người với người. Một phần do có bão ở Biển Đông, các chuyến bay phải dừng lại, khách ứ đọng từ hôm trước. Phần khác, người dân từ Trung Quốc hay các nước lân cận đến tham quan, thăm viếng thân nhân, trao đổi hàng hóa, hoặc hành khách quá cảnh tại đây, chờ chuyến bay. Đủ mọi chủng tộc, họ nằm la liệt choán hết lối đi. Trẻ em nóng bức, đói khát, khóc thét từng hồi. Tiếng kêu nhau ơi ới, ồn ào, huyên náo. Họ sắp hàng dài ngoằn ngoèo để chờ mua thức ăn ở các nhà hàng, hoặc chờ đến phiên mình vào toilette. Phải khó khăn lắm, tôi mới đến được văn phòng sân bay, nhờ họ tìm giúp một khách sạn gần nhất để ngủ qua đêm.

Ngoài đường phố, cũng ồn ào không kém. Một nhóm người đang rượt đuổi, thanh toán nhau bằng những thanh sắt dài. Không có cảnh sát can thiệp. Nhà ở, hiệu buôn đều đóng cửa. Chú tài xế khách sạn cho biết, Hồng Kông từ khi được trả lại cho Trung Quốc mấy tuần đầu, cướp bóc xảy ra, chính quyền mới Trung Quốc chưa phân bố đầy đủ lực lượng chuyên ngành. Tình hình rất nguy hiểm. Tôi đi du lịch mà căng thẳng giống như chạy giặc. Không biết ngày mai, có chuyến bay về lại Sài Gòn?

Mười sáu năm sau, kể từ 1997. Hong Kong International Airport rộn ràng máy bay lên xuống. Đây là điểm dừng cho các chuyến bay của tuyến đường giữa Úc và Á, hay từ Hoa Kỳ đến Singapore và Sài Gòn, cũng như từ Ấn đến Osaka, Nhật, hay Seoul, Hàn Quốc.

Trước đây sân bay này được bầu chọn là một trong những sân bay lớn nhất, tốt nhất châu Á và thế giới. Nhưng từ 2006, thì Singapore đã soán ngôi. Tôi nghĩ, nhờ sự bận rộn của các chuyến bay mà Hồng Kông ngày nay rực rỡ như thế.

Tôi lấy vé tàu cánh ngầm đi Macao ngay tại đây, và chỉ 40 phút sau đã có mặt ở bến phà Shun Talk Centre, Macao, đông kín du khách. Taxi, xe buýt và cả xích lô, sẵn sàng bên kia đường chờ khách. Tôi tìm tuyến xe buýt về khách sạn Grand Lisboa, một trong những khách sạn lớn nhất, building xây cao nhất của Macao. Nhiều khu giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi, có cả casino đánh bạc nữa.

Tắm xong, soạn đồ đạc trong vali để vào tủ, thay vội áo quần, tôi náo nức dong ngay ra đường, tay cầm tấm bản đồ và một cuốn sách bỏ túi giới thiệu danh lam thắng cảnh, nơi ăn ở tại đây.

Kiến trúc Macao rất phong phú. Đâu đâu cũng thấy building cao tầng, nhiều kiểu dáng mang đậm phong cách Bồ Đào Nha. Tất cả “thiên đường mua sắm” quanh tôi, đều có mặt ở các thành phố lớn tại Việt Nam.

Đây là trung tâm múa nước, kia là sân khấu biểu diễn màu sắc bằng đèn neon. Tượng Phật Quan Âm lớn, là sự pha trộn giữa hình ảnh truyền thống Quan Âm và Mẹ Maria. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là đâu đâu cũng có casino. Theo dân địa phương cho biết, thì các chủ casino từ Las Vegas, Mỹ, đổ tiền vào đầu tư ngành công nghiệp đánh bạc ở đây. Một hòn đảo nhỏ bé, chứa đến bốn casino khổng lồ, không hổ danh là đàn em của Las Vegas, Mỹ. Trước đây, lần đầu đến Las Vegas, tôi đã bị “sốc” về sự hoành tráng và “ngông cuồng” có một không hai của nền công nghiệp đánh bạc Mỹ. Ở Las Vegas, người ta du lịch trong vương quốc giả tạo, và vào đó để đốt đô la. Bao nhiêu kiểu kiến trúc biểu tượng đẹp, kỳ lạ của thế giới, đều được sao chép, đặt tại đây. Nằm ngay trung tâm hoang mạc Nevada, chiếc tàu Titanic khổng lồ, không bao giờ chìm. Tháp Eiffel xây theo bản gốc của Gustave Eiffel, rồi đến Khải Hoàn Môn, Opéra… và cả tiệm bánh mì Jean Jacques. Một Paris sinh sau đẻ muộn! Chưa hết, Kim Tự Tháp khổng lồ Luxior với ngôi mộ Ai cập vua Tut giữa những cây cọ. Tượng thần Tự Do New York, những chiếc gondole trôi từ cầu này đến cầu khác giữa lâu đài cổ kiểu Ý tọa lạc hai bên bờ, anh chàng chèo thuyền thời hiện đại, có bằng cứu sinh. Những chiếc gondole làm tôi bồi hồi nhớ tuổi mười lăm mười sáu được Ba Mẹ cho sang Ý vào mùa hè, ngồi trên chiếc Gondole dọc theo dòng sông nhỏ hẹp, thơ mộng, và bản nhạc “Gondolier” do Dalida hát vào những năm 58, 60:

La la la la…

La la la la

Gondolier t’en souviens-tu?

Les pieds nus sur ta gondole

Tu chantais la barcarolle

Tu chantais pour Lui et Moi

Lui et Moi tu te rappelles

Lui et Moi c’était écrit

Pour la vie la vie si belle

Gondolier quand tu chantais

La la la la….

La la la la….

Oui je t’aime de tout mon coeur

Oui je t’aime et je t’adore

Prends mon coeur

Et si tu m’aimes

Je t’aimerai bien plus encore

La la la la

La la la la

La la la la…

Cet air là était la nôtre

Gondolier si tu le vois

Dans les bras, les bras d’une nôtre

Gondolier ne chante pas.

La la la la…

La la la la

La la la la…

Cuối tuần, tôi trà trộn với đám đông đang chen lấn ở khu đánh bạc Lisboa. Họ là du khách đến từ Trung Quốc, Hồng Kông hay các nước láng giềng, trao đổi với nhau bằng tiếng Quảng Đông, hay Bồ Đào Nha. Ít sử dụng tiếng Anh. Người ta hớn hở vì được đem tiền cho “cọp đói” ngốn ngấu. Những sòng bài mới của Macao luôn tuyển “giáo đồ”. Đang tò mò xem các cỗ máy, thì một phụ nữ đứng cạnh, huých cùi chỏ vào lưng tôi đau điếng. Tôi bực mình quay người lại, nhưng bà ta chẳng thèm nói lời xin lỗi. Tuy không đánh bài, nhưng các bà lại la hét, vung tay, giậm chân tham dự cá cược một cách cuồng nhiệt. Tốc độ chớp nhoáng, công an chìm luôn đứng đằng sau lưng con mồi mà không bao giờ bắt. Điều quan trọng chính là để chia sẻ vui buồn và phòng khi khách thua bạc, đấm đá nhau. Nhìn cảnh tấp nập, người ra kẻ vào, họ la hét khản cổ họng, người đấm vào máy thùm thụp cho đã giận khi bị thua, kẻ khác cười hô hố lùa tiền, xô bên này, lấn bên kia, quanh họ như không còn đất trời nữa, tôi toát cả mồ hôi. Căn phòng rộng mênh mông, chật nêm người và cỗ máy nuốt tiền, cho dù máy lạnh tỏa ra không độ đi nữa, tôi vẫn cảm thấy như đang đứng giữa trưa nắng nóng. Ôi, những casino đang lên cơn sốt kia là một tài sản khá tốt cho Trung Quốc vừa thu lại Macao sau bốn thế kỷ rưỡi bị đô hộ. Còn dân chơi sẽ ra về từ cánh cửa địa ngục, mà cách đó chỉ vài tiếng đồng hồ thôi, họ nghĩ rằng mình bước vào cổng thiên đường!

Thêm một ngày nữa, Macao.

Phải nhờ đặt mua vé trước, khi vừa đặt chân đến khách sạn, tôi mới vào được đây. Sân đua ngựa rộng, hiện đại như ở Paris, lượng người đông, dày đặc, chen chúc hơn casino. Các màn té ngựa, đu trên lưng ngựa, ngựa vượt rào chắn, hay ngựa giẫm lên người, bốn vó ngựa co lại, người cầm cương nằm mọp trên lưng, hai tay siết chặt dây cương, tung mình lên cao như bay khỏi mặt đất. Rất hồi hộp, nhưng rất đẹp mắt. Cát bụi mịt mù. Mức độ nguy hiểm đến tính mạng người đua giống trong các phim hành động. Càng có những pha cao trào, chết người, càng nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả, hay tiếng hò hét cổ vũ vang cả sân đua. Những lúc như vậy, tôi quay nhìn người bên cạnh, thấy nét mặt họ vẫn thờ ơ, không chút xúc động thương tâm. Một du khách đứng cạnh tôi cho biết, mỗi lần người ta cá cược đua ngựa cả chục triệu patacas, tiền địa phương. “-Đây là nơi gà đẻ trứng vàng”.

Casino là địa ngục cho những ai có “máu cờ bạc”. Còn thành phố xinh đẹp mang phong cách một phần Châu Âu cổ Latin, một phần Trung Hoa, không có gì là địa ngục cả. Nó cũng thu hút du khách như những sòng bài, trường đua ngựa hay đua chó.

Nếu Hồng Kông cách Macao 60km, là một thành phố người ta làm việc tất bật để kiếm ra tiền, thì Macao là nơi hưởng lạc, người ta đến để đốt tiền.

Lúc còn nhỏ, với tôi, cái tên Macao vang lên như một huyền thoại, một lời mời gọi. Macao là giấc mơ của thuyền mành và ngọc thạch. Người Bồ Đào Nha đến đây từ 1553 và rời viên ngọc châu Á này vào nửa đêm ngày 19 tháng 12 năm 1999, trao trả lại cho Trung Quốc những sòng bạc đầu tiên của họ cùng ma túy, gái điếm và buôn bán mọi thứ dưới nhiều hình thức… Macao là một trung tâm tài chính ngoài khơi, một thiên đường thuế, và một cảng tự do không có chế độ ngoại hối.

Bây giờ, thấy tận mắt, với tôi Macao đẹp như một trái cấm!

*Trước mắt tôi, họ đang tập đi, chầm chậm, khập khiễng với đôi chân bị bó chặt trong cái rọ bằng inox quanh sân bệnh viện Quảng Đông.

Sau khi theo tours cùng đoàn qua Thượng Hải, tôi và hai bạn người Hoa tách riêng đi Quảng Đông, một trong những thành phố lớn nằm phía Nam Trung Quốc. Họ dẫn tôi đến thăm em gái đang ở bệnh viện cùng tên thành phố này.

Không phải bây giờ Trung Quốc mới có bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ. Khi Trung Quốc bắt đầu “mở cửa” kinh tế thị trường giống như Việt Nam trước đây, giới trẻ có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với người nước ngoài, thích vẻ đẹp phương Tây, mắt hai mí, mũi cao, ngực nở… Họ cuồng nhiệt với phong trào “đổi mới”, “làm mới lại”. Chuyện cắt mắt một mí thành hai mí, nâng mũi cao hơn, đặt túi nước cho ngực lớn xưa rồi, bây giờ tiến đến “trò chơi” nguy hiểm, chịu cực hình đau đớn thân xác nhiều ngày tháng nằm một chỗ: giải phẫu để làm chân dài hơn, dáng người cao hơn, đang là mốt thời thượng của các cô gái Trung Quốc.

Tôi ngạc nhiên hỏi bạn:

-Họ muốn chân dài hơn để làm gì vậy?

-Chị ơi, đây là cuộc chạy đua gay go, cả chuyên môn lẫn tình cảm. Không phải cao hơn để đẹp như các ngôi sao hay người mẫu, mà để có thể tìm một việc làm tốt hay một tấm chồng khá giả. Vì đàn ông ở đây thích phụ nữ cao chị ạ.

Đang nói chuyện thì Miao, em của bạn, khập khiễng chống nạng bước tới. Hai chân cô mang hai cái lồng inox nặng nề. Chúng tôi vào căn tin gọi thức ăn, và để có chỗ ngồi. Chuyện nối chân dài ra là điều làm tôi ngạc nhiên, tò mò muốn biết. Miao khoảng 25 tuổi. Trông nét mặt cô không được vui, có thể vết mổ chưa lành.

-Em đau lắm hả?

-Vâng. Đau lắm cô ạ. Em biết thế này, thì đã không vượt hơn ngàn cây số đến đây để chịu cực hình.

-Ai giới thiệu em?

-Đâu có. Em đọc quảng cáo trong tạp chí Hope. Những dòng quảng cáo này cứ ám ảnh trong đầu em. Em lùn, lại không đẹp. Đây là nơi có thể làm thay đổi đời em. Để cao hơn, em phải đến bệnh viện này. Không riêng em, bạn em cũng dành dụm tiền để mong được cao hơn vài xăng-ti-mét.

-Trời! Chỉ vài xăng-ti-mét thôi?

-Vâng. Khi đến, em đo được 1m54. Bây giờ, cao 1m62. Bác sĩ cho biết trước, để có kết quả cuối cùng, em phải qua 5 lần mổ, cưa xương, đục xương. Mỗi lần 3 tiếng đồng hồ. Trong đầu em bấy giờ chỉ nghĩ đến chân sẽ được dài thêm, người sẽ cao thêm, nên em đồng ý. Không ngờ, em bị nhiễm trùng, mưng mủ, phải nằm dài nhiều tuần.đau quá, tưởng chừng không chịu nổi. Thể xác đã quá tệ, mà tinh thần không lúc nào yên, em suy sụp hoàn toàn. Biết như thế này em đâu đến đây làm gì. Sáu tháng, em mới có thể chống nạng tập đi như hôm nay. Thật ngông cuồng cô ạ.

Miao khóc, nhưng không hối hận, vì kết quả chân cô đã cao hơn.

Những người lớn tuổi cho rằng tuổi trẻ chạy theo hình mẫu thẩm mỹ kiểu phương Tây, làm mất bản sắc dân tộc. Nhưng, sau hơn chục năm xám xịt, tuổi trẻ Trung Quốc cần đẹp hơn, tươi mát hơn. Đất nước Trung Quốc cũng nhờ thế mà phần nào tươi tắn đa dạng hơn. Thật ra cái đẹp mỗi nơi có mỗi quan niệm khác, cái nhìn khác. Người ở Cali, Mỹ, thích bơm ngực giả thật lớn, người Brazil độn mông phồng lên, Người Pháp thích chích mỡ heo vào môi để môi trề ra như người Nam Mỹ. Đôi môi dày gợi hình ảnh cô gái nhà quê xấu xí, không văn hóa. Nhưng không thể chê người này có đôi môi dày, có cái mông đồ sộ là quê mùa, thô tháp… Vì với người khác thì môi dày là gợi cảm, mông lớn là hấp dẫn.

Nhân đây tôi cũng lang bang liên tưởng đến các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu hoặc người mẫu trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế, hoa hậu hay người mẫu phải cao từ 1m70. Hoa hậu thế giới phần nhiều cao từ 1m80 trở lên. Đàn ông châu Á ít người cao trên 1m70, nên thích phụ nữ thấp hơn họ chút đỉnh để sánh đôi. Nói khác đi, tiêu chuẩn chọn người đẹp thế giới, phải chăng dành cho người phương Tây.

Về cái đẹp rất khó nói, khó đưa ra một tiêu chuẩn mẫu mực nào. Tôi nhớ, một tờ báo đưa hình cuộc thi vợ chồng chênh lệch “đẹp đôi” nhất ở Pháp. Vợ cao chồng thấp, hoặc vợ mập chồng gầy. Cặp được chọn, cô vợ cao lớn mập mạp, anh chồng gầy, thấp hơn vai bà vợ một tí. Ban giám khảo đưa ra một câu hỏi thử trí thông minh anh chồng:

-Anh thấy thế nào khi có người vợ nặng ký, cao to hơn mình?

Anh chồng nhanh nhảu:

-Tôi rất hạnh phúc. Vợ mập mạp thì có nhiều diện tích hơn cho mình vuốt ve âu yếm.

Và vợ chồng anh được chọn đứng đầu vì câu trả lời dí dỏm này.

*Đi suốt ba tuần, mệt nhưng tôi vẫn thấy chưa đủ để hiểu biết xứ sở Phù Tang bí ẩn. Truyền thống chiếc mặt nạ trong những vở kịch Nô làm cho tôi tò mò, muốn biết bộ mặt thật ẩn sau cái mặt nạ đó của người Nhật như thế nào. Người Nhật không muốn người ta nhận diện và cách sống hằng ngày được che giấu dưới bộ mặt của họ. Họ muốn giữ mãi truyền thống, cái gì cũng Nhật hóa, nhưng khi hiện đại hóa thì cũng rất nhanh, nhất là vấn đề tính dục đẩy đến tận cùng, đến nỗi người phương Tây cũng chào thua. Con người của họ với các nét hết sức đặc thù, độc đáo, luôn khơi dậy lòng say mê, thu hút sự chú ý và khâm phục của du khách.

Trên đường phố, phụ nữ nhỏ bé, nhuộm tóc đủ màu, mặc áo, váy nhiều tầng, và chạy lúp xúp. Người ta nói, bây giờ chiều cao của họ đã tăng nhiều. Theo tài liệu nhân chủng, năm 1900, chân phụ nữ dài 72cm70. Năm 2002 dài 76cm50. Như vậy họ cao thêm 4cm trong một trăm năm. Các nhà dinh dưỡng giải thích: trong 50 năm trở lại đây, người Nhật đã nuôi bò, dùng những sản phẩm làm từ sữa, nên hy vọng trong 20 năm tới họ có thể cao thêm 10cm. Hai nước uống sữa nhiều nhất là Hà Lan và Mỹ cũng là hai dân tộc có tầm vóc cao lớn nhất.

Thì ra, muốn cao cũng không dễ dàng. Phải chờ vài thế hệ sau, nhưng nếu muốn nhanh chỉ vài tháng thì phải chịu cực hình nối xương như các cô gái Trung Quốc có thể cao từ 0,5 đến 0,8 xăng-ti-mét.

Quanh họ luôn có một KFC, McDonal, mì sợi Ý, pizza, và nhiều tiệm bánh ngọt ở mỗi góc đường mời gọi. Những gói gà rán thơm phức, hay hamburger đầy đủ chất dinh dưỡng với miếng thịt bò, rau xanh, xốt cà đỏ tươi tươm ra óng ánh. Chỉ mong há miệng cắn ngay một miếng thật to. Thêm cốc coca. Còn gì tuyệt hơn mỗi khi bụng đói cồn cào. Họ không có thời gian đi chợ, vào bếp chuẩn bị bữa ăn truyền thống như thế hệ bà và mẹ của họ. Ăn, đối với họ là những giây phút thư giãn, nghỉ ngơi. Hình như họ thường xuyên bị stress, nên họ ăn luôn miệng, rồi phát phì. Họ nghĩ rằng, mập cũng chẳng sao. Sống đâu có bao lâu mà bắt cái miệng phải nhịn thèm.

Nhưng một số khác cho rằng người không làm chủ được cái miệng thì sao có thể làm chủ cuộc đời của mình. Hình mẫu của họ là không hông, không mông, không vú. Gầy đang là mốt. Gầy đến nỗi giơ xương. Người ta không còn thấy cái bóng của họ nữa.

Những hình ảnh quá mập hay quá gầy của các cô gái Nhật trên đường phố, làm tôi nghĩ đến sự “cực đoan” của họ có từ trong máu.

Tôi như bị thu hút bởi hình ảnh bên ngoài cũng như phong cách sống của tuổi trẻ Nhật, mà tôi thường gọi đây là “Thời đại Nippon”. Chất trẻ của họ vô cùng phong phú, hấp dẫn.

Tóc họ nhuộm đủ màu, những màu thật chói mắt: vàng, đỏ, lục, xanh… Người lớn lại giấu tuổi tác của mình vào những mái tóc đen nhân tạo. Đàn ông cũng nhuộm tóc. Mấy chục năm nay, người Nhật đau khổ vì bộ đồng phục, nên bây giờ trang phục của họ rất phá cách, không theo một style nào cả. Quần bó rằn ri, chiếc váy ngắn bông hoa rực rỡ, khoác thêm chiếc áo dài rộng, chân mang vớ hoặc quần bó. Trên người tòn teng máy chụp hình, xử dụng thành thạo. Người dân địa phương cho biết, với người Nhật truyền thống, cái đẹp tuyệt đối, mong manh là khi nó phù du như thiên nhiên và bốn mùa thay đổi vậy. Hoa anh đào là một biểu tượng chúng chỉ nở trong mười ngày mỗi năm. Họ sẵn sàng vượt hằng ngàn cây số để chụp được một tấm hình hoa anh đào nở. Ba trăm năm mươi ngày còn lại, họ giữ và sống với khoảnh khắc thiên thu đó một cách mãnh liệt.

Họ thích dùng hàng hiệu, để chứng tỏ mình thành công. Mốt có nghĩa là giống người khác. Họ như loài cá, bơi thành đàn, luôn đi cùng một hướng. Tôi không hiểu tại sao người Nhật thích đi cạnh nhau. Đó là bản năng tập thể. Họ thích đồ dùng nhỏ bé, xinh xắn. Tất cả đều được “tiểu hình hóa”. Tivi, laptop, ngày càng mỏng đến siêu mỏng để tiết kiệm diện tích.

Người Nhật được xem là một dân tộc hiện đại, hội nhập nền văn minh thế giới nhanh nhất. Nhưng họ không thích học thêm một thứ tiếng nào nữa ngoài tiếng Nhật. Nếu ai đã từng học tiếng Nhật, mới hiểu được tại sao họ khổ sở khi học tiếng nước ngoài. Họ có ba bảng mẫu tự Katakana, Hiragana, và Kanji. Kanji rất phức tạp khiến một người Nhật chỉ có thể đọc báo lúc 18 tuổi. Những bảng mẫu tự mà một trong số đó gồm 7000 dấu hiệu. Quá nhiều với một cái đầu, ngay cả khi họ là người Nhật!

Thú vị nhất là khi quan sát các cô gái Nhật đi. Họ không sải những bước chân dài thoải mái, mà họ chạy lúp xúp, lúp xúp. Ảnh hưởng của thời kỳ kimono. Khi mặc chiếc áo truyền thống này, phụ nữ Nhật chỉ có thể bước từng bước ngắn, rất nhanh. Vì kimono không xẻ hai bên như xường xám, hay xếp ly như váy đầm nên bước đi bị hạn chế.

Đó là tuổi trẻ nhìn thấy trên đường phố. Đó là mặt nổi của tuổi trẻ thời đại Nippon.

Còn những cô gái được mệnh danh là Samurai mới của Nhật thì sao?

Trước đây, phụ nữ Nhật không bước vào công sở. Họ chỉ ở nhà an phận cúi đầu phục vụ chồng con. Bây giờ, tình hình đã khác. Họ là những giám đốc, những nhà làm kinh tế giỏi. Họ giành chỗ đứng của nam giới và thành công. Chân dung các nàng Samurai mới này đã tạo nên những đường viền cho nước Nhật mới. Họ làm ra tiền, mua sắm hàng hiệu, thay đổi xe hơi, mua bất động sản. Họ kích thích nền kinh tế Nhật phát triển.

Cũng có người lập gia đình, có con, nhưng phần lớn không xem gia đình là quan trọng. Họ nghĩ rằng mình nhiều thứ đáng giá hơn để làm, không nhất thiết phải có một người đàn ông trong cuộc đời mình. Họ thích làm nhiều tiền để học thêm các ngành khác, để du lịch. Họ cô đơn và che giấu sự cô đơn bằng cách chơi với búp bê, còn gọi là ningyo. Ningyo đang là mốt, nó có vẻ đẹp lẳng lơ, áo quần bằng voan hay đăng ten mỏng tanh, lãng mạn. Mắt phủ phấn gạo trắng bệch như gheisha. Có vẻ như đàn ông không còn thật sự hứng thú với phụ nữ Nhật Bản hiện đại nữa chăng? Vì quá quan tâm với công việc, các cô gái đã đánh mất cái tôi sâu kín của mình. Qua búp bê, họ thấy lại bóng dáng đàn ông như ý mình mong muốn. Búp bê chứa đựng những giấc mơ và khát vọng của họ. Búp bê chính là con người khác của họ.

Đàn ông Nhật cũng chơi búp bê, hay nói chính xác hơn họ “chiếm đoạt” nó, họ xem chúng như tình nhân, thay áo quần cho chúng mỗi ngày, trau chuốt, chăm sóc chúng với sự say mê, thú vị, ảo tưởng mình có người yêu thật sự. Họ tìm đến chúng để yên tâm hơn, “Người yêu” của họ luôn trẻ con, thơ ngây, không bao giờ già và nhất là không “ruồng bỏ” họ khi họ thất nghiệp.

Do vậy, ngành công nghiệp làm búp bê ở Nhật rất phát triển. Người ta nặn ningyo bằng đất sét trắng. Tay chân gắn quanh một ống hình cầu. Họ nghiền nát vỏ sò làm mắt và răng cho răng có ánh bạc lấp lánh và mắt có ánh nhìn huyền hoặc. Búp bê có tóc như thật, trên gương mặt đôi môi được make up tỉ mỉ nhất, còn áo quần theo kiểu quý tộc hoặc bụi bụi. Kết quả của những tác phẩm nghệ thuật này, các phòng triển lãm và người sưu tập săn đón y như những chiến lợi phẩm. Nhiều ningyo bán ra cả triệu Yên.

Họ hiện đại với cái nhìn phóng khoáng về sex. Yêu và sống chung không hôn nhân cũng đang là mốt. Họ bảo: -“Trong tiếng Nhật không có từ nhà tôi”. Khó khăn về nhà ở, không tin vào tương lai, tính dục an toàn là khái niệm được tuổi trẻ chọn lựa.

Họ, cả nam và nữ, tạo ra những người tình ảo. Sau mỗi ngày, rời công việc, đóng cửa phòng, họ bám vào máy tính, để giao du với người tình ảo. Những tình nhân trên mạng trả lời bất cứ thắc mắc nào, đòi hỏi nào, ngay cả đáp ứng chuyện làm tình mà họ yêu cầu, cũng đẹp, nóng bỏng như người tình bằng da bằng thịt.

*Tôi đã từng đi Thái Lan theo tours, nhưng lần này tôi thích đi một mình Cái “mê” nhất của tôi khi qua đây là massage, bấm huyệt. Ở khách sạn Peninsula, dùng ca nô qua sông là tới một con đường nhỏ. Từ đầu đến cuối đường là cửa tiệm massage. Đây là phố massage bình dân. Tại khách sạn năm sao như Peninsula, có rất nhiều loại massage: thư giãn, chữa trị, tẩy chất độc… tùy theo khách chọn, giá tiền khác nhau. Nhưng nhìn chung, giá cuối cùng từ 150 đô trở lên, thì tại đây, chỉ một loại: massage, bấm huyệt thư giãn, 5 đô một tiếng đồng hồ. Phòng dài, nhỏ hẹp. Những chiếc nệm 8 tấc đặt dưới đất cách nhau chỉ một tấm màn kéo bằng nilon. Khách thay áo quần của mình bằng bộ pyjama thoải mái. Các cô gái phục vụ cho khách nữ. Và các chàng trai phục vụ cho khách nam hoặc cho khách nữ nào muốn làm mạnh tay, “bạo lực” hơn. Chỉ cần vài phút lướt bàn tay trên người là những khách ghiền massage như tôi có thể biết họ chuyên nghiệp hay không. Họ dùng bàn tay và cùi chỏ, ấn vào cơ bắp đang căng ở cánh tay, bắp chân, đùi, xương cốt, làm nhanh gọn hiệu quả đến nỗi tôi ngủ khi nào không biết. Họ im lặng làm việc. Tôi im lặng thư giãn, và… ngủ. Thật tuyệt!

Tôi nghe nói sở thú ở đây hoang dã, du khách ngồi trong xe có thể tiếp cận với thú rừng. Trước khi lên máy bay về nước, tôi nhờ khách sạn thuê giùm một chiếc xe để đi sở thú rồi đến phi trường.

Sau nửa tiếng đồng hồ nhìn tận mắt những bộ mặt cọp, beo, hươu cao cổ, với những con mắt to, lỗ mũi ươn ướt, râu ria tua tủa, mặt mày dữ tợn tôi nhìn đồng hồ, thấy còn một tiếng nữa là chuyến bay của tôi cất cánh. Thế là bon bon … xe chạy.

Nhưng đường cứ dài hun hút, xe cứ chạy bon bon… thời gian cứ mặc sức trôi mà tôi vẫn chưa thấy phi trường đâu cả. Nóng lòng tôi hỏi bác tài:

-Đây là đường đến phi trường phải không?

Bác tài:

-Ok.

Xe lại chạy. Đường cứ dài. Thời gian cứ trôi.

Tôi lại hỏi:

-Airport?

Bác tài:

-OK!

Cứ Airport thì OK. -Airport? -OK! -Airport? -OK!

Tôi nhìn lại đồng hồ. Thời gian không còn nữa. Có thể chuyến bay của tôi sắp cất cánh. Giờ nỗi sợ hãi của tôi xem ra còn hơn lúc nhìn thấy những con thú hoang áp sát mặt vào cửa kính ôtô. Bởi lần này có nguy cơ trễ chuyến bay đón giao thừa ở quê nhà… Bởi tôi nhe đồn rằng du khách đã từng bị bắt cóc trong khi du lịch… Hai bên đường đồng không mông quạnh, chẳng một bóng người, bóng nhà cửa, thi thoảng mới có một chiếc xe tải vụt qua. Biết đâu bác tài này chở đến chỗ trống để giết tôi, lấy tiền bạc?

Đã sợ càng thêm sợ. Tôi lại hỏi:

-Airport?

-OK!

Trời ơi, hai tiếng OK ấy, xem ra không thua gì một lời đe dọa khủng khiếp. Mồ hôi tôi vã ra khi biết bác tài chẳng hiểu gì tiếng Anh, cũng chẳng biết đường ra phi trường. Tôi nói bác tài dừng xe, và ra hiệu đón một xe khác đang chạy tới.

Thì ra bác tài đi nhầm đường. Lại đường một chiều, nên khi người ta hướng dẫn trở về sân bay, xe phải vòng lại thật xa.

Cuối cùng tôi cũng thở dài nhẹ nhõm, khi chuyến bay đưa tôi từ Thái Lan đáp xuống sân Tân Sơn Nhất. Dọc đường mùa xuân ấm áp vây quanh nắng, gió, mai, đào rở rộ!

Comments are closed.