Những chuyện không quên với Sơn Nam

Nguyễn Trọng Chức

Gia đình tôi từ Bắc di cư vào Nam năm 1954; sau mấy năm long đong ở miền Trung, tới 1959 thì vào Sài Gòn. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in những năm tuổi nhỏ xê dịch nhiều nơi trên đất Sài Gòn và vùng phụ cận, bởi không chỉ gia đình tôi lắm phen chuyển chỗ ở mà bà con, người thân, người làng của ba mẹ tôi định cư ở nhiều nơi, từ Chợ Quán, Chợ Lớn, tới Cần Giuộc rồi Hòa Hưng, Bảy Hiền, Xóm Mới – Gò Vấp, Trung Chánh – Hóc Môn… Thuở ấy, Sài Gòn và vùng phụ cận nhiều nơi còn hoang vu lắm.

NHỮNG TRUYẸN CỔ TÍCH VỀ ĐẤT PHƯƠNG NAM

Năm cuối bậc tiểu học, lúc cái chân của tôi đã biết ham đi, cái đầu đã ưa thích khám phá vùng đất rộng lớn ở xa quê cha đất tổ hàng nghìn cây số, cũng là lúc tôi biết đến cái tên Sơn Nam. Mẹ tôi, một phụ nữ quê mùa đồng bằng Bắc bộ, học hành mới chỉ mới biết đánh vần, vào miền Nam với hàm răng đen nhánh và vẫn ru mấy đứa em tôi bằng những câu cò lả, trở thành một chị tiểu thương gồng gánh nuôi đám con nhỏ dại cùng người chồng đau yếu. Trong mớ giấy báo mua cân ký để gói hàng của mẹ, tôi tìm được và cất giữ trong hộc bàn học những tờ Hương Quê khổ giấy lớn, bìa màu, ruột in đen trắng. Nhà nghèo nên anh em tôi hầu như chẳng biết đến sách truyện thiếu nhi, cũng bởi thế tôi đọc tất tần tật những gì có trong tờ tạp chí có lẽ là lần đầu tiên trong đời mình được sở hữu, từ các bài hướng dẫn nhà nông trồng trọt, chăn nuôi… rồi dần dà tới các truyện ngắn (và hình như có cả thơ?).

Tôi nhớ mãi Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc và cứ mãi hình dung về loại cây có tên lạ lùng mọc thành rừng; nhưng những dòng chữ khiến thằng bé lên mười mê mải chính là Mùa len trâu, Hát bội giữa rừng, Con Bảy đưa đò, Tình nghĩa giáo khoa thư… của Sơn Nam. Nó đọc say sưa khi chưa biết những Andersen, Hector Malot… và bao tác giả lớn khác của tuổi thiếu nhi. Vậy mà lạ lùng thay, cái thằng bé Bắc kỳ di cư thuở ấy cứ đọc đi đọc lại mãi những truyện về đất và rừng phương Nam kỳ lạ, một thứ cổ tích đầy những ám ảnh, với những người và vật mà nó chưa từng biết đến, cũng chẳng cậy nhờ được ai giải thích những gì nó chưa hiểu được khi đọc truyện cọp về xem gánh hát giữa rừng đêm, truyện người đánh nhau với sấu dữ hay truyện về những bầy trâu trăm, ngàn con rong ruổi đi xa…

Chỉ có thể nói bằng sự tình cờ của số phận nên mấy mươi năm sau, thằng bé ngày ấy lớn lên và đã có những tháng ngày thật gần gũi với một tác giả mà nó coi như người thầy đầu tiên rao giảng cho nó về bài tráng ca lạ thường của đất phương Nam.

Đó là những năm tôi phụ trách công tác thư viện – tư liệu của báo Tuổi Trẻ khi trụ sở báo mới chuyển từ số 12 Duy Tân, quận 1 về 161 Lý Chính Thắng, quận 3. Hồi đó, năm 1983, tôi được giao tiếp quản một kho tư liệu cũ khá lớn, nhiều sách ngoại văn, nhiều sách do người Pháp viết về Đông Dương và Việt Nam thời thuộc Pháp. Chẳng thể nhớ được chính xác lúc nào thì ông Sơn Nam vào hỏi mượn tư liệu và đọc ngay tại thư viện Đắc Lộ ấy. Rồi tôi thân với ông thật tự nhiên như đã quen biết ông từ thời mình còn mặc quần xà lỏn tắm mưa mà trong đầu vẫn nhớ những gì vừa đọc được trong tờ Hương Quê. Rồi ông viết nhiều và viết khá đều cho tờ tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật do tôi làm thư ký tòa soạn trong hơn 20 năm. Tôi vẫn còn giữ những bản thảo của ông, cái viết tay (phải nói thật là khó đọc), cái đánh máy với kiểu chữ nhỏ rí, và bài nào đánh máy cũng được sửa chữa bằng bút bi khá nhiều.

QUYỂN TỪ ĐIỂN SỐNG VỀ SÀI GÒN VÀ NAM BỘ XƯA

Tuần nào ông cũng ghé tòa soạn vài ba bận, lúc tôi rảnh việc thì cùng ông xuống căn-tin uống ly cà phê, hút điếu thuốc thơm, lúc tôi bận thì ông ngồi cái ghế trước bàn làm việc của tôi, nói ba điều bốn chuyện, có khi chỉ để giải tỏa trong lòng những điều chướng tai gai mắt mà ông khi thì chứng kiến, khi thì đọc trên báo. Tôi cứ biên tập bài nhưng vẫn nghe ông nói. Có cái còn ghi lại được, có cái để trôi đi, giờ nghĩ lại thật tiếc. Biết bao chuyện hay được nghe ông kể, bao câu tổng kết “chết người” về thế sự, cuộc đời. Chẳng biết ông có viết lại được bao nhiêu phần trăm những gì thật thú vị đã kể với tôi và nhiều người khác? Giá như ngày ấy tôi tìm một máy ghi âm thu lại tất cả những gì ông nói, bây giờ tôi đã sở hữu một kho tư liệu quí báu!

Có lần tôi hỏi ông về cách làm việc để có được những cuốn sách về miền Nam, về văn minh miệt vườn… Ông bảo lúc còn khỏe mạnh thì cứ sáu tháng lại đi rong khắp Nam bộ như cách mà sau này gọi là “xâm nhập thực tế”, “đi điền dã”, còn sáu tháng thì ông vào thư viện, văn khố tìm kiếm, tra cứu. Chắc chắn là ông không cường điệu chút nào về thời gian ngồi trước những trang tư liệu, những trang sách để làm con tằm nhả ra bao sợi tơ óng ánh mà nhiều thế hệ sau sẽ vẫn phải đọc nếu muốn hiểu về xứ sở này.

Năm 1998, Tuổi Trẻ Chủ Nhật tổ chức cuộc thi ảnh (sưu tầm và sáng tác) nhân kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, tôi mời Sơn Nam làm trưởng ban giám khảo. Thời gian đó, hầu như ngày nào ông cũng đến để xem ảnh gửi dự thi. Ông thường chỉ cho tôi biết trong ảnh những chỗ này, chỗ nọ bây giờ là gì, còn hay đã mất đi rồi. Ông như một quyển từ điển sống về đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Đó cũng là những ngày ông rủng rỉnh tiền bạc vì được mời đi nói chuyện suốt, túi bao giờ cũng có phong bì! Nhưng quan trọng hơn là ông vui, thật vui. Cái vui của người già vẫn xiết bao có ích cho đời. Ông kể, không giấu được cảm động, là khi được làm “hướng dẫn viên” cho các cháu thiếu nhi một trường học hay một nhà văn hóa nào đó đi tham quan các địa danh của đất Sài Gòn đã đi vào sử sách và lòng người.

Năm 2006, đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi mail cho tôi, bảo rằng anh vừa nhận được giải thưởng của một tổ chức Nhật, tặng cho những ai có những cống hiến quan trọng cho văn hóa nghệ thuật nước nhà, và họ đề nghị anh giới thiệu một nhân vật khác. Đặng Nhật Minh bảo nghĩ ngay tới Sơn Nam nhưng do chưa đọc được đầy đủ về tác giả Hương rừng Cà Mau, cũng chưa được gặp người viết Văn minh miệt vườn, nên muốn tham khảo ý kiến tôi và nhờ tôi viết một bài ngắn, giới thiệu một cách tổng quát sự nghiệp của nhà văn, nhà Nam bộ học và những đóng góp của ông trong nhiều thập kỷ qua. Tôi đã viết bài ấy, đã nhờ nhà báo Danh Đức dịch tiếng Anh cho thật chuẩn để đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi sang Nhật. Tiếc là từ bấy đến nay không nhận được hồi đáp. Song tôi nghĩ đề nghị của Đặng Nhật Minh rất chính xác. Lẽ ra ông Sơn Nam phải có những giải thưởng cỡ lớn nhất, xứng đáng với những gì mà ông đã làm được cho Nam bộ, cho văn chương Nam bộ, rộng hơn là văn chương Việt Nam. Với tôi, Hương rừng Cà Mau mãi mãi là đỉnh cao của văn chương miền Nam. Tập truyện ấy rồi cứ sống mãi trong khi những sáng tác nhất thời, giai đoạn thì chỉ mươi năm sau đọc lại đã thấy sống sượng làm sao!

Tôi có tham gia ít nhiều vào hai vụ đáng nhớ liên quan đến ông: thứ nhất là vụ dựng tượng ông trong Làng du lịch Bình Quới và thứ hai là tổ chức Liên hoan ẩm thực thời khẩn hoang Nam bộ cũng tại Bình Quới. Vụ dựng tượng có khiến anh Cao Lập, nguyên giám đốc Làng du lịch Bình Quới, bị “rầy”, bởi ai cho phép dựng tượng một người còn sống lại chẳng có công trạng “chính thức” gì ráo ngoài những cuốn sách chất cao còn hơn chiều cao tác giả? Tôi thì mau mắn giới thiệu bức tượng trên báo sau khi nó được một nhà điêu khắc trẻ cũng tên Nam (Trần Thanh Nam) thực hiện phác thảo và được ông Sơn Nam ưng ý nhất. Còn Liên hoan ẩm thực thời khẩn hoang Nam bộ nay đã thành một sinh hoạt định kỳ mỗi cuối tuần tại Khu du lịch Bình Quới 1. Nó được hình thành từ ý tưởng của chính tác giả tập biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam.

Chuyện cuối cùng để kết thúc bài viết này: hôm đám tang Sơn Nam, tôi và nhà văn Lê Văn Thảo có hỏi cô con gái ông về những cuốn sách đã gắn bó nhiều năm với ông. Thật đáng tiếc là cái tủ sách và tư liệu ấy đã thất tán gần hết. Điều đó khiến tôi ân hận, bởi đã có những đề nghị tôi nên đứng ra thành lập một tủ sách Sơn Nam từ cái gia tài sách của ông, đưa vào thư viện báo Tuổi Trẻ để bảo quản và phục vụ những ai cần đọc. Bây giờ điều ấy đã muộn mất rồi!

NTC

(18-8-2008)

1 (1)

Nhà văn Sơn Nam tại tòa soạn Tuổi Trẻ Chủ Nhật (khoảng 1998)

2 (1)

Sơn Nam (tháng 3-1987)

3

 

Tượng Sơn Nam (tác giả: nhà điêu khắc Trần Thanh Nam) tại khu du lịch Bình Quới 1

4 (1)

Đến thăm nhà văn Sơn Nam đang nằm bệnh và gửi quà một số thân hữu tại Pháp biếu ông (tháng 12-2006)

Comments are closed.