Những di cốt cuối cùng của Boudarel đã về đến Biển Đông

Nguyên Ngọc

Tôi gặp và quen Georges Boudarel lần đầu vào những năm 1957-1958. Lúc ấy tôi đang làm biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội ở số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Một hôm có một người Pháp còn khá trẻ và nói tiếng Việt khá sõi đến gặp tôi ở tòa soạn tạp chí, tự giới thiệu là Georges Boudarel, nguyên là giáo sư trường Marie Curie Sài Gòn, đã bỏ ra theo Việt Minh từ năm 1950, tham gia kháng chiến ở chiến khu D Nam Bộ, rồi ở chiến khu Việt Bắc – “Trên đường từ chiến khu D ra Việt Bắc năm 1952, tôi đã đi qua suốt vùng tự do Liên khu 5 của anh đấy. Hồi đó chắc anh đang ở trên Tây Nguyên”, Boudarel cười bảo tôi. Sau 1954 Boudarel về Hà Nội, làm việc ở nhà xuất bản Ngoại văn – tiền thân của nhà xuất bản Thế giới sau này. Anh bảo anh vừa đọc cuốn tiểu thuyết Đất nước đứng lên của tôi, rất thích thú và muốn xin phép tác giả dịch ra tiếng Pháp để góp phần giới thiệu với người đọc Pháp và thế giới về cuộc kháng chiến anh hùng của Việt Nam. Đất nước đứng lên được viết xong vào cuối năm 1955, xuất bản vào năm 1956. Như vậy Boudarel đã đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi ngay từ khi nó vừa ra đời. Tất nhiên tôi rất vui mừng về đề nghị của anh. Chúng tôi nói chuyện với nhau suốt buổi sáng, bàn về việc hợp tác với nhau trong khi Boudarel dịch sách, và nhắc lại cùng nhau những kỷ niệm về vùng tự do Liên khu 5 trong chiến tranh mà Boudarel rất ấn tượng và còn nhớ rất rõ. Chúng tôi thống nhất Boudarel sẽ dịch dần từng chương, xong mỗi chương sẽ chuyển cho tôi đọc để góp ý kiến. Công việc kéo dài gần một năm. Ngày ấy chưa có vi tính. Bản thảo dịch của Boudarel toàn viết tay. Boudarel làm việc rất chu đáo. Có chương, đã dịch xong, sau khi trao đổi với tôi, anh dịch lại hoàn toàn, và bản thảo lần dịch trước anh để lại chỗ tôi, tôi còn giữ được bút tích của anh đến mấy năm sau. Rất tiếc, năm 1962 tôi trở vào chiến trường miền Nam, tất cả tài liệu gởi lại ở Hà Nội, đến hết chiến tranh, năm 1975 tôi trở ra thì đã bị mất sạch, chắc là trong những lần di chuyển, tản cư trong chống chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ. Những trang bút tích dịch của tự tay Boudarel viết cũng không còn… Chúng tôi làm vệc cùng nhau suốt gần một năm, gặp nhau nhiều lần, Boudarel thường nhắc đến chuyến tàu lửa Liên khu 5, tức miền Nam Trung bộ, một chiến tích kỳ lạ của vùng đất này, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp vẫn giữ được một đường tàu hỏa chạy suốt từ Phú Yên ra đến nam Quảng Nam. Năm 1952, từ Chiến khu D ra Việt Bắc, Boudarel phải đi bộ, riêng đoạn qua Liên khu 5 được đi xe lửa, tất nhiên toàn chạy đêm, anh bảo còn thú vị hơn đi xe lửa hiện đại bên Tây!…

Tôi biết ơn Boudarel, bản chuyển ngữ Đất nước đứng lên ra tiếng Pháp của anh, được in ở nhà xuất bản Ngoại văn, là bản dịch tốt nhất tác phẩm này. Ít lâu sau cũng ở nhà xuất bản này lại có bản dịch ra tiếng Anh, dựa tên bản tiếng Pháp của Boudarel. Bản Boudarel còn làm nền cho các bản dịch ra một số ngôn ngữ khác, Tây Ban Nha, Nhật, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hung…

image

Nhà văn Nguyên Ngọc và hộp tro Georges Boudarel (hình cuốn sách)

Boudarel còn sống và làm việc ở Hà Nội cho đến năm 1964, khi tình hình quan hệ giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa trở nên phức tạp, ảnh hưởng cả đến cuộc đời và số phận một số người châu Âu đã rời bỏ hàng ngũ phía quân Pháp chạy sang tham gia cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, những “chiến sĩ quốc tế” này bỗng đứng giữa tình thế chia rẽ phức tạp của chính phong trào quốc tế ấy. Tôi nghĩ Boudarel đã rời Việt Nam mà anh từng thiết tha gắn bó và hy sinh vì nó, không thật vui. Lại thêm bản án tử hình vắng mặt đối với anh của một chính phủ Pháp chưa thoát khỏi tư tưởng thực dân đã khiến khi rời Việt Nam anh không thể trở về ngay Pháp mà phải sống mấy năm ở Đông Âu. Đến khi sau chiến tranh Algérie, bản án khắc nghiệt được xóa, anh được trở về quê hương thì lại bị đám cực hữu Pháp vu cáo, quấy nhiễu, khủng bố liên tục… Số phận của Boudarel là số phận của một chiến sĩ quốc tế chân chính, của một trí thức dấn thân và trung thực. Những con người như vậy, oái ăm thay, thường có những năm tháng thật sự hạnh phúc đến say đắm trong chiến tranh, và rồi lại có một hòa bình thật nhọc nhằn nhiều khi đến đau đớn…

Tôi gặp lại Boudarel năm 2002. Tôi đến Paris, ở nhà anh Nguyễn Ngọc Giao, một hôm anh Giao rủ tôi đi thăm Boudarel đang nằm ở một nhà dưỡng lão phía đông bắc Paris. Boudarel đã rất yếu. Anh nói rất khó nhọc. Chúng tôi không nói với nhau được gì nhiều. Chỉ nắm tay Boudarel, bàn tay anh lạnh. Cho tôi nói điều này. Tôi có cảm giác Boudarel thật cô đơn. Dầu tôi biết các bạn ở Paris đã hết sức yêu mến, chăm nom, bảo vệ Boudarel. Các anh chị đã lập cả một “Hội Những người bạn của Boudarel” do một trí thức lớn của nước Pháp, nhà toán học nổi tiếng Laurent Schwartz đứng đầu, tạo nên một tập thể đầm ấm bảo bọc Boudarel suốt hơn chục năm. Nhưng dẫu sao bạn tôi vẫn là một người già cô đơn cuối đời ở trong nhà dưỡng lão.

Năm sau Boudarel qua đời, ở chính nhà dưỡng lão ấy…

Tháng 2 vừa rồi, anh Nguyễn Ngọc Giao từ Paris về Việt Nam, mang theo hộp tro di cốt của Boudarel. Theo di nguyện của Boudarel, một phần tro cốt của anh đã được rải xuống cửa sông Seine. Phần còn lại, Boudarel mong được rải trên sông nước Việt Nam khi có dịp thuận lợi. Phần tro ấy, được đựng trong một chiếc hộp rất đẹp hình một quyển sách, anh Giao đã chăm chút giữ kỹ suốt 17 năm. Cho đến hôm nay. Từ Sài Gòn, anh Giao gọi điện cho tôi biết hành trình của anh sau Sài Gòn và rải tro Boudarel ở Bình Dương, nơi là Chiến khu D xưa, sẽ là Hà Nội, rải tro xuống sông Hồng, rồi vào Đà Nẵng. Nhưng mấy hôm sau anh Giao báo lại với tôi do thời gian eo hẹp, anh không thể ghé qua Đà Nẵng như đã định trước khi trở về Pháp. Tôi đề nghị với anh Giao, vậy sau sông Hồng, xin anh dành lại cho chúng tôi, cho miền Trung một phần tro cốt của Boudarel. Chúng tôi cũng phải có phần, anh ạ. Ở đây chúng tôi cũng có một con sông rất đẹp dành cho Boudarel, sông Thu Bồn, xuất phát từ đỉnh Ngok Linh cao nhất Tây Nguyên và cao nhất miền Nam, chảy qua phố cổ Hội An vẫn đẹp lung linh, và đổ thẳng ra Biển Đông.

imageNhạc sĩ Trương Tuyết Mai (bên phải) và chị Hoài, người bạn Hội An

Rất mừng là anh Giao đã chấp nhận nguyện vọng của chúng tôi. Nhà thơ Nguyễn Duy được giao mang hộp tro về Hội An. Sáng mồng 7 tháng 3 chúng tôi đã đi thuyền từ bến Cửa Đại ra đến nơi nước sông Thu Bồn đang bình lặng bỗng chùng chình nổi sóng lớn hơn: chúng tôi đã ra đến nơi sông gặp biển. Chúng tôi thả neo và bắt đầu làm lễ. Trên thuyền có mặt nhà thơ Nguyễn Duy, nữ nhạc sĩ Tuyết Mai, mối tình tuyệt đẹp mà dang dở của Boudarel hơn nửa thế kỷ trước, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long và một số anh chị em Hội An. Tôi được thay mặt anh chị em nói với Boudarel lời vĩnh biệt. Rồi chúng tôi bắt đầu lần lượt từng người rải những nắm tro cốt cuối cùng của Boudarel xuống biển. Tiếp sau đó là những đóa hồng. Buổi sáng, trời rất đẹp. Nắng trong. Nước biển xanh. Trước mặt chúng tôi là Cù lao Chàm. Xa hơn nữa là biển lớn. Những hạt tro lấm tấm còn bịn rịn bồng bềnh mãi một lúc lâu trên sóng nhẹ, rồi mới chậm rãi trôi dần về phía ấy, biển lớn, Biển Đông.

Thật đẹp cuộc trở về của Boudarel với Việt Nam. Anh đã trở về với chúng ta trên Biển Đông.

Hội An, 9.3.2020

Nguyên Ngọc

Comments are closed.