Những ghi chép ở tầng thứ 14 (kỳ 6)

Tiểu thuyết Thận Nhiên

*THÂN THỊ LỄ

1970, thị trấn miền Đông.

Đây là năm trung học đầu tiên của Lễ. Trường này là trường trung học công lập duy nhất của thị trấn. Khi còn ở cấp tiểu học thì con gái học ở trường Nữ tiểu học, còn con trai thì học trường Nam tiểu học, hai trường riêng biệt, nằm cách nhau khá xa, chừng hai cây số. Học sinh, bất kể nam hay nữ, nếu thi đậu đệ thất thì vào trường công; nếu thi rớt thì hoặc bỏ học, hoặc vào trường Bồ Đề, là một trường tư.

Theo nội quy của nhà trường, con gái phải mặc áo dài trắng hoặc xanh nhạt, con trai thì sơ-mi trắng, quần tây xanh. Lễ chưa từng có chiếc áo dài nào. Mẹ mua vải, đặt chị Cúc gần nhà may cho Lễ hai áo, một trắng một xanh, hai quần, một đen một trắng, và mua thêm một đôi guốc sơn đen có chấm hoa.

Nhà Lễ có bốn người. Cha của Lễ là ông Kỳ, mẹ là bà Thoa, Lễ là con gái đầu, có một em trai là Thảnh. Ông Kỳ được mua một căn nhà nhỏ trong khu cư xá dành cho công chức. Ông bà cùng đi dạy, cho tới khi chiến tranh lan rộng, ông bị động viên vào lính đã ba năm. Lễ biết ông mong sớm đến ngày được xuất ngũ, làm quân nhân biệt phái, trở về với công việc gõ đầu trẻ. Dạo này ông thường đi hành quân, ít khi ở hậu cứ, ở nhà chỉ có ba mẹ con với nhau.

Vào Nam lập nghiệp, nhà Lễ không có bà con nào gần, ngoại trừ gia đình cậu Khương. Ông là anh em bạn dì của mẹ, cũng là bạn thuở thiếu thời của cha Lễ, cùng bỏ quê miền Trung vào đây. Con của cậu, Bửu và Hồng, anh em sanh đôi, một trai một gái, lớn hơn Lễ ba tuổi và học cùng trường. Mấy anh em lớn lên cùng nhau, chơi chung thân thiết như anh em ruột. Nhà cậu Khương ở gần khu gia binh, không xa nhà Lễ, cách chừng trăm mét, qua con dốc, bên kia con đường đất xẻ đôi cánh rừng cây cao-su, cành cây hai bên đường choàng qua, đan vào nhau, thành cái vòm sâu hun hút. Nhà Lễ nằm trong khu cư xá dành cho công chức, gọi là cư xá sáu mươi căn, đối diện với đồn lính an ninh quân đội.

Cu Thảnh khóc suốt đêm, người ta bảo rằng nó vẫn khóc dạ đề tuy đã ba tuổi, nhưng mỗi khi cha về thì nó lại không khóc. Họ bày cho mẹ lấy cái áo cũ của cha, phải là áo bẩn có mùi mồ hôi của ông, cho nó ôm mỗi đêm thì sẽ hết khóc. Tuần trước cha về, mẹ kể lại cho cha nghe, rồi chừa lại một cái áo thun còn bết bùn của ông khi mang đồ ra giặt. Hai hôm sau cha lại đi trận. Mẹ bỏ hành lý vào ba-lô, thay cho ông áo mới, giữ cái áo bẩn lại.

Giường đôi, ba mẹ con nằm với nhau, Thảnh nằm giữa, Lễ một bên, mẹ một bên, cha về thì ông ngủ trên chiếc ghế bố đặt ở phòng ngoài. Mẹ lấy cái áo bẩn ra, cuộn lại, nhét vào lòng Thảnh. Cái áo bốc mùi khét nồng, mùi mồ hôi và nắng gió, vậy mà một lát sau nó nín khóc, ôm bình sữa mút, rồi ngủ. Lễ thấy không chỉ thằng Thảnh thôi, mà cả mẹ và mình cũng nghiện mùi cái áo. Mẹ len lén lấy áo khỏi tay Thảnh khi nó đã ngủ, úp áo lên mặt hít hà, rồi Lễ nghe mẹ khóc thút thít nho nhỏ. Những đêm vắng cha, Lễ cũng không ngủ được, muốn mò qua ôm mẹ.

Lễ nằm trên giường nhìn qua cửa sổ, một trái hoả châu bay chầm chậm trên bầu trời, toả ánh sáng soi khắp vùng, soi rõ đám cây lá và những mái tôle của trại gia binh. Dưới cánh dù nhờ nhờ trắng, nó trôi từ từ rồi rơi xuống, tắt ngấm, để lại một vệt khói trắng mờ, tan dần. Trước khi ánh sáng của trái hoả châu này tắt, thì một trái khác được bắn lên thay. Lễ băn khoăn không biết họ có bắn hoả châu suốt đêm hay chỉ bắn qua nửa khuya tới khi Lễ ngủ, lúc mọi người yên tâm sẽ không có cuộc tấn công hay pháo kích nào, thì ngưng. Có lần cha nói, khi trái châu chưa tắt thì hãy mở ra rồi cài lại chiếc cúc áo cuối cùng mười lần, trong lúc làm như vậy thì ước điều mà mình mong mỏi nhất, điều ước đó sẽ thành sự thật, vì trên bầu trời khuya thì hoả châu cũng không khác với ngôi sao băng, chỉ tắt chậm hơn thôi. Lễ làm theo nhiều lần, lần nào cũng kịp cởi ra cài lại nút áo mười lần trước khi hoả châu tắt, và chỉ ước có một điều.

Lễ ước hết chiến tranh, ước hoà bình, để mọi người được bình an. Bình an có nghĩa là còn sống, không chết vì bom đạn. Từ khi hiểu được đôi điều, Lễ chưa từng thấy hoà bình. Cảnh đất nước thanh bình là những gì xa xôi và xưa cũ lắm, được mô tả trong sách tập đọc và những bài hát mà mẹ thường hát.

Chủ nhật, mẹ đưa hai đứa đi nhà thờ. Mẹ bảo Lễ mặc áo dài xanh, tròng lên cổ một xâu chuỗi nhỏ làm bằng những hạt thuỷ tinh xanh lục, có chiếc thánh giá gỗ. Mẹ rất sốt sắng việc đạo. Khi rảnh là mẹ cầu nguyện và đọc kinh. Năm nay Lễ bắt đầu tham gia ca đoàn của nhà thờ. Mỗi chiều có buổi tập hát ở nhà thờ, chị Hồng chở Lễ cùng đi bằng xe đạp mini. Mẹ nói, cái gác chuông của nhà thờ này là do cha và cậu Khương, và một số thanh niên, giúp cha Luông- vị linh mục sở tại- dựng lên vào đầu năm 1960, khi hai gia đình vào lập nghiệp ở thị trấn miền Đông này.

***

Chiều hôm qua người ta chở xác cậu Khương về bằng xe lam.

Cả xóm đã nghe tin ông bị Việt cộng phục kích bắn chết hồi sáng, khi trên đường đi làm trên quận. Mợ Viên, vợ ông, tất tả chạy đi tìm chồng từ lúc trưa.

Cậu Khương là trung sĩ địa phương quân, nhưng chỉ làm văn phòng trong thị trấn. Ông đi làm bằng chiếc xe mô-bi-lết. Người ta nói ông bị giăng dây hay quăng móc câu cho ngã. Thay vì bắt ông đi thì họ xử tử tại chỗ. Họ lấy đi khẩu súng lục, ví tiền, và đốt rụi chiếc xe máy của ông.

Mẹ đã đi dạy về rồi nhưng bà tất tả sang thăm và xem có thể giúp được gì cho đám tang. Lễ cũng đi học về, định đi theo nhưng bà không cho, bảo ở nhà trông em. Lễ thắc thỏm dắt Thảnh ra đường trước nhà đứng ngóng.

Bụi đỏ bốc mù lên tàng cây, những trái điệp đong đưa theo gió. Một con lốc từ từ dấy lên ở cuối con đường đất. Ban đầu chỉ có vài cọng rác xoay xoay bay, càng lúc càng nhanh, rồi lớn dần, cao dần, mù mịt như một cột bụi khổng lồ từ từ di chuyển ra hướng sân bóng, rồi dừng lại, hồi lâu mới tan. Có người xúi bọn nhóc rằng, nếu cầm một con dao phay và ôm chiếc nón lá để ngửa, xông vào giữa con lốc, chém một nhát, thì sẽ lấy ra được đầy một nón sóng sánh máu.

Tiếng máy xe nổ phành phạch từ xa vọng lại. Chiếc xe lam lừ đừ bò lên con dốc rồi dừng lại bên cây mít trước sân nhà. Đám đông túa ra, bu theo xe. Lễ cũng na thằng Thảnh chạy đến, cố len vào xem.

Xác cậu Khương được bó trong chiếu cói. Đầu cậu thò ra ngoài chiếu, tóc bệt máu che mặt, nghoẻo sang một bên, lắc lư theo nhịp bước của hai người lính khiêng ông từ xe lam xuống. Mẹ Lễ dìu mợ Viên đang khóc ngất, xỉu lên xỉu xuống. Lễ cố tìm xem Hồng ở đâu nhưng không thấy. Bửu đứng giữ cánh cổng gỗ, anh không khóc, mặt đanh lại, một tay thả xuôi hai bên hông, bàn tay gồng lên, nắm lại thành nắm đấm nhỏ. Người ta để cậu Khương nằm trên ghế bố, rồi nhét bông gòn vào đầu cậu cho đầy, vì phần sau đầu bị bắn vỡ mất một miếng lớn, óc đổ hết ra ngoài. Sau lưng áo lính có dấu một bàn chân trần in hằn lên, hiện rõ những ngón bết bùn đỏ đã khô.

Tối đó, cả xóm tụ đến nhà đọc kinh. Chị em Lễ cũng được mẹ chít lên đầu chiếc khăn tang bằng vải xô trắng. Lễ đứng ngoài sân ngó vào. Chiếc quan tài choán hết căn phòng khách nhỏ đã dọn trống bộ bàn ghế gỗ. Con chó Ky rên ư ử, thấy mọi người không để ý lại tìm cách len vào nằm dưới quan tài chủ, ngước đầu ngó lên. Cậu Khương trong di ảnh là tấm hình được cắt ra từ hình cưới, cậu nhìn Lễ chăm chăm, ánh mắt ông buồn quá đỗi. Lễ không thể nhìn lâu, không cầm lòng được, Lễ khóc.

Buổi cầu kinh vừa chấm dứt thì có tiếng còi hụ báo giới nghiêm, mọi người quày quả ra về. Con tắc kè trên cây cột gỗ trong góc nhà kêu lên mấy tiếng như lời tiễn khách.

Đám tang cậu, cha không về được. Cha về sau đó một tuần khi mọi chuyện tang ma đã xong, rồi cha lại về vào dịp làm đám cúng bốn mươi chín ngày.

Con chó Ky nằm xoãi chân trước hiên, đứng dậy vẫy đuôi mừng cha. Chủ qua đời, nó bỏ ăn, gầy rộc, chỉ còn dúm lông xơ xác. Đêm đêm, trong tiếng đạn nổ ì oàng từ xa vọng về, Lễ nghe tiếng nó tru từng tràng dài. Cha phải can thiệp khi những người lính trong trại đòi bắn nó, vì họ không chịu nổi những tràng âm thanh thê thiết rợn người của con chó nhớ chủ.

Bửu đã bỏ học ngay sau đám tang, anh đang học đệ tam. Bửu gầy rạc, để tóc hippie dài chấm vai, đi lang thang những đâu không ai biết, chiều tối mới về. Mợ Viên sang nhờ cha nói chuyện với anh, nhưng không kết quả. Bửu không bày tỏ điều gì, chỉ đứng khoanh tay im lặng, rưng rưng nước mắt lưng tròng.

Hai người phụ nữ, mợ và chị Hồng, xoay xở lo lắng tìm phương cách tiếp tục đời sống. Hồi nào tời giờ mợ Viên chưa từng đi làm, chỉ ở nhà nội trợ. Trước đây, cả nhà sống nhờ vào tiền lương của cậu. Giờ, với số tiền tử không được bao nhiêu, hao cạn đi rất nhanh. Ở đây không thể buôn bán được gì vì là trại gia binh, toàn là gia đình quân nhân nghèo, thậm chí nheo nhóc, bất an. Phía bên nhà Lễ là khu cư xá dành cho công chức, cũng nghèo không kém. Khá nhất trong giai đoạn này là những nghề có dính líu đến chiến tranh, đến quân đội Mỹ, như thầu đổ rác hay làm việc trong các căn cứ Mỹ.

Mợ Viên chỉ mời gia đình Lễ và ông Kiên, ông Hà, ông Thái- ba người bạn thân của cậu và cha của Lễ, họ đều làm bên an ninh quân đội. Mâm cúng đơn sơ, vài đĩa thức ăn và đồ nhắm mà cậu thích khi còn sống.

Nhang tàn, bốn người đàn ông ngồi vào bàn, đầu bàn để một chiếc ghế trống và chén đũa dành cho người đã khuất. Mợ Viên, mẹ, Lễ và Hồng bưng dọn và tiếp thức ăn. Cha Lễ mang qua chai rượu, ông rót ra ly nhỏ cho mọi người và cái ly trước chiếc ghế trống dành cho vong linh cậu Khương.

“Anh Khương linh thiêng thì về chứng giám, uống với chúng tôi chén rượu”.

Ông đứng lên, nhấc cái ly nhỏ dành cho bạn, rồi rưới rượu trong ly vào bát hương.

“Phần ông đó. Dô đi, Khương…!”. Ông Hà nói.

Mọi người cạn ly. Hồng bưng lên hai đĩa thức ăn mới.

“Sao không để cúng mà giờ mới dọn ra, cháu?”. Ông Kiên hỏi.

“Dạ, đây không phải món nấu nên không cúng ạ”.

“Món gì mà không mang cúng vậy?”.

“Dạ, thịt hộp. Ngày xưa, cha con thích lắm”.

“À, đúng rồi. Chả khoái món thịt ba lát [1] này lắm. Nhớ, những lần hành quân chả đều nhét theo khẩu phần thứ này”. Ông Thái nói.

Mọi câu chuyện đều nói về người đã khuất, những thói quen, những kỷ niệm khi ông còn sống.

“Thằng Bửu đâu? Ngồi vào đây. Giờ mày là đàn ông duy nhất trong nhà, thay mặt cho cha mày tiếp rượu cho mấy bác. Nếu mày ngại thì ngồi ghế này, tao ngồi ghế cha mày”. Ông Hà bảo Bửu, rồi đứng lên nhường ghế.

Bửu khép nép ngồi kế bên cha của Lễ.

“Uống đi mày… Anh Kỳ cứ để cho nó uống”. Ông Thái nói với cha, rồi rót rượu cho Bửu. Anh Bửu dốc ly rượu vào cổ, ho sặc sụa.

“Mày biết thằng nào giết cha mày chưa?”. Ông Hà nói.

“Dạ, chưa…”.

“Hai năm nữa, đủ lớn, tao sẽ cho mày biết”. Ông Kiên nói.

“Dạ… Sao bác không cho cháu biết bây giờ?”.

“Mày chưa đủ lớn để trả thù”.

“Cháu lớn rồi”.

Ông Kiên lấy khẩu súng ngắn giắt sau lưng ra, dằn lên bàn, “Chúng nó giết mày mất. Yên chí đi, bác sẽ giúp mày khi tới lúc, tao sẽ bắn nó nát óc như nó bắn cha mày, tao thề!”.

Cha Lễ nói, “Thôi, lúc khác sẽ nói chuyện đó. Anh Kiên cất súng đi”.

“Các anh ơi, đừng nói chuyện đó bây giờ. Rồi sau này con sẽ biết, Bửu ơi!. Mợ Viên khóc, khẩn khoản.

Bửu say, sau hai ly, ra sau nhà ói thốc tháo. Chai rượu cạn nhanh. Hết rượu, đến bia Con Cọp.

Buổi tiệc tàn. Lễ phụ dọn, lẫn trong mớ vỏ chai bia là những vỏ lon thịt hộp.

***

Bửu bỏ hai cái vỏ đạn người ta nhặt được bên xác cậu Khương vào cái hộp thiếc nhỏ đựng kẹo ho, rồi đặt lên tủ thờ. Cha Lễ phải khuyên rằng giữ cái hộp ở chỗ lúc nào cũng thấy sờ sờ như vậy là không nên, vì sẽ làm cho không khí trong nhà thêm nặng nề, thì Bửu mới nghe lời, mang cất đi.

Cái chết của cậu Khương làm mọi chuyện trở nên bất thường. Con Ky bắt đầu hoá dại, ban đêm xông vào sân nhà hàng xóm, phá tung chuồng rồi cắn giết gà họ nuôi, tha đi. Ban ngày nó đuổi cắn bọn trẻ trong xóm đi học ngang nhà. Hàng xóm ngày nào cũng đến nhà than phiền. Bửu lôi nó về, cột lại đánh nhưng nó lại cắn đứt dây, sổng chạy.

Lễ qua nhà tìm Hồng, không gặp. Khi quay ra, Lễ nhìn phía cuối vườn. Bửu đâm con Ky bằng lưỡi lê. Lễ đứng chết sững. Con chó hộc lên, giãy giụa, máu bắn ra thành vòi. Bửu vật nó xuống, một tay siết cổ, tay kia rút lê ra đâm tiếp. Bửu đâm điên cuồng. Máu chó ướt nhầy nhụa khắp mặt, bê bết tóc Bửu, văng tung toé khắp nơi.

Con chó co giật, lịm dần, nấc lên một cái cuối cùng rồi nằm im.

Bửu dừng, buông tay, lưỡi lê còn cắm trên ngực con Ky. Bửu đứng lên, ngó Lễ, mắt dài dại, “Lễ, đi về đi!”.

“Sao anh giết nó?”.

“Phải giết! Tao không giết thì người ta cũng giết”.

“Anh ác!”.

“Em không hiểu đâu…”.

“Anh ác lắm! Giờ thì làm sao đây?”.

“Anh sẽ lo. Này, Lễ… không được nói lại với ai nhé”.

Lễ bước lùi ra sân, vừa chạy vừa khóc. Bửu dọn dẹp sạch dấu máu, bỏ xác chó vào bao tải mang đi chôn ngoài suối. Bửu không nói lại với ai chuyện giết con Ky. Lễ cũng không nói. Mọi người nghĩ rằng nó lên cơn dại rồi bỏ nhà đi mất, hay đã bị những nhà bị trộm gà giết. Thỉnh thoảng mơ hồ giữa khuya, Lễ nghe có tiếng rên ư ử của con chó khóc chủ. Nhắm mắt, Lễ lại thấy cảnh nó nằm dưới quan tài cậu Khương ngước nhìn lên.

Một hôm, Lễ ngủ dậy, thấy trên bắp chân có dấu tím bầm to bằng nửa bàn tay, rõ ràng như dấu răng. Lễ sợ quá, bọn trẻ nói rằng đó là dấu ma cắn. Lễ nghĩ, con Ky đã thành ma, ma chó, nó về cắn Lễ vì đã không cứu nó.

Sang năm, Bửu đi học trường Quốc gia Nghĩa tử ở Sài Gòn, rồi nghe đâu đã đăng lính cho dù chưa đủ tuổi. Bửu đi biệt động quân, đi biệt không về, thậm chí không cả viết thư cho mẹ.

Mợ Viên ít khi về nhà, có khi cả tháng Lễ mới thấy mợ về một hai hôm, lui cui dọn dẹp, rồi lại đi. Mợ nói với mẹ Lễ rằng mợ đi buôn hàng PX [2] ở căn cứ Long Bình. Hồng cũng đi. Hồng bỏ học trường công, vào học nội trú ở một trường dòng ở gần Biên Hoà. Hồng không mang chiếc xe mini theo, vì ở nội trú trong trường suốt, không sử dụng xe, chị mang qua tặng Lễ.

Căn nhà khoá cửa. Mợ Viên giao chìa khoá cho mẹ Lễ nhờ thỉnh thoảng ghé qua trông chừng. Cái hàng rào gỗ mục rã, ngã dụi xuống. Cây mít trước sân bị trốc gốc sau một đêm mưa, mẹ Lễ thuê người cưa nhỏ, dọn lại một đống chất ngoài sân. Khoảnh vườn bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, chỉ còn lại rải rác những bụi chuối già xơ xác. Có khi chuối chín rục buồng nhưng không ai lội vào chặt vì ngại lội vào vườn đầy cỏ dại và cây mắc cở nhiều gai. Chiều tối, dơi bay về từng đàn, tranh ăn xao xác.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, cả hơn hai năm, một hôm Bửu về. Không có chìa khoá, Bửu đạp bung cửa để vào.

Bửu đen thui, mặt già chát như thứ trái chín héo, cao và gầy, tóc ngắn sát da đầu như cạo trọc, bộ áo quần rằn ri rộng thùng thình, thắt lưng đeo hai trái lựu đạn lủng lẳng. Cánh tay trái bị thương, treo qua vai bằng một dải băng, trên bả vai hiện màu mực tàu xăm hai chữ “…oán trả!”, hai chữ cuối của hình xăm.

Qua nhà, chào mẹ Lễ xong, Bửu không ở lại ăn cơm, nói rằng con vừa ăn ngoài quán, không đói. Lát sau, mẹ bảo Lễ mang cà-mèn cơm qua cho Bửu.

Bửu ngồi một mình ngoài sân. Mấy vỏ chai bia 33 lùn nằm la liệt ở chân ghế xích-đu. Lễ bày cơm ra mâm, mang ra sân đặt lên hai chiếc ghế nối lại làm cái bàn tạm.

“Anh Bửu ơi, sao ngó Bửu dữ tợn quá à…”.

“Ừa, già đi thì vậy đó”.

“Tay Bửu còn đau không? Có bị nặng lắm không?”.

“Bớt nhiều rồi. Chỉ bị miểng pháo, ở phần thịt thôi. Cũng may”.

“Sao Bửu không về thăm nhà? Đám giỗ cậu cũng không chịu về. Không nhớ mợ với Hồng sao?”.

“Nhớ. Nhưng về thì buồn lắm, Lễ à…”.

“Bửu đóng ở đâu, đi trận khổ không?”.

“Nhiều nơi. Chỗ này chỗ nọ. Ra tới miền Trung luôn, kể hổng hết chuyện đâu. Hồi này thì ở Tây Ninh”.,

“Đi trận khổ không Bửu? Rồi sẽ ra sao đây?”. Lễ hỏi lại.

“Đụ má. Chết thì hết khổ!”.

“Bửu đừng chửi thề với em”.

“Ừa, tại anh quen miệng”.

“Lễ có cầu nguyện cho Bửu… Mấy bạn trong trường cùng thỉnh thoảng cũng nhắc đến Bửu”.

“Họ nhắc anh làm gì ha? Lễ nhớ, chứ Chúa hổng nhớ anh đâu”.

“Bửu muốn nói hay nhắn gì, với ai không?”.

“Không. Anh không nói được đâu”.

“Nói đi… Không sao đâu. Mình là anh em hoài hoài mà”.

“Ừa…”.

“Ừa, sao?”.

“Ở ngoài chợ người ta đồn má anh đi làm sở Mỹ. Có không Lễ?”.

“Em không biết chuyện người lớn…”.

“Em phải biết chứ. Đừng…”. Bửu ngưng một thoáng rồi nói nhanh, nói như khóc, “Đụ má! Buồn quá, Lễ ơi…”.

Một con rắn mối bò ra từ đống gỗ mục. Bửu với tay nhặt chiếc giày sô ném. Không trúng. Chiếc giày văng lên hất đổ mâm cơm.

Bửu đi. Ít lâu sau, mợ Viên về, bán căn nhà với giá rẻ bèo. Mẹ Lễ và mợ nói chuyện với nhau cho tới khuya. Lâu lâu mẹ nhận được thư và trao đổi vài lá thư với mợ, rồi bặt tin. Người ta nói mợ vô Long Bình làm sở Mỹ, còn chị Hồng cũng bỏ trường nội trú, vô Sài Gòn bán bar [3].

Cha nói với mẹ, mấy ông An ninh Quân đội cho Bửu biết mấy người giết cậu Khương là cán bộ đang hoạt động trong vùng. Họ nghi ngờ một người quen đã điềm chỉ cho Việt Cộng phục kích ông. Người đó nằm vùng, làm kinh tài, mua gạo và thuốc men đưa vào mật khu, nhưng họ chưa có đủ chứng cứ để bắt. Bây giờ thì không cần nữa, Bửu đã lo chuyện đó xong rồi. Lễ nhớ lại cảnh Bửu chùi hai tay bết máu vào áo hôm Bửu giết con Ky.

Chiến tranh ngày càng lan rộng khốc liệt. Nhiều người bỏ thị trấn dời qua vùng khác tránh bom đạn, nhưng hầu như không còn nơi nào an toàn. Cha được giải ngũ, quyết định bán nhà vào Sài Gòn làm lại từ đầu, cũng bằng nghề dạy học.

1975, cuộc chiến chấm dứt. Thị trấn là nơi diễn ra trận đánh dữ dội nhất, là cơn giãy giụa, hấp hối sau cùng của con vật chiến tranh. Thị trấn thành bình địa. Khu chợ và những dãy nhà chung quanh chỉ còn gạch ngói ngổn ngang. Vậy mà kỳ lạ, ngôi nhà thờ không đổ. Tháp chuông là vật thể duy nhất còn đứng trơ trọi, lỗ chỗ dấu đạn. Thánh giá trên cao gãy gập, bay mất một bên tay, trơ giàn khung sắt trĩu xuống.

Chúa đang cúi xuống. Cúi xuống niềm tin và hi vọng rách rưới của con người: Hoà bình.

Hoà bình mà sao tan nát, phân tán hơn cả khi còn chiến tranh!

Thỉnh thoảng có tin mơ hồ về mợ Viên, Hồng và Bửu, nhưng không thể biết họ chính xác đang ở đâu, chỉ nghe phong thanh nơi này nơi khác. Chẳng bao giờ Lễ gặp lại ai trong gia đình cậu.

“Mợ ơi, Bửu ơi, Hồng ơi, ở đâu? Còn sống không?”.

_________________________

[1] thịt ba lát: một loại đồ hộp, thịt heo, trong khẩu phần của lính.

[2] hàng PX: các loại nhu yếu phẩm được bán cho lính Mỹ với giá rẻ.

[3] bar: quán rượu. Người ta thường có thành kiến với phụ nữ phục vụ trong những bán bar, họ bị cho là một dạng gái mãi dâm cho lính Mỹ.

*TIỀN KIẾP

Đối diện trường trung học công lập, cách một con đường, là bệnh viện tỉnh. Một dãy nhà thấp san sát nhau, được quét vôi màu xanh dương, là phòng khám, ngang hông là khu sản, cách chừng ba mươi mét phía sau lưng là nhà xác. Thị trấn không có bệnh viện quân đội nên thương binh đều được chở về đây sơ cứu trước khi chuyển sang bệnh viện quân đội ở tỉnh, còn tử sĩ thì chở thẳng vào nhà xác.

Lễ đã nhiều lần chứng kiến cảnh vợ con lính đến chờ tin và nhận xác chồng, xác cha, sau những cuộc hành quân. Có những lần xe xác về vào đúng giờ ra chơi, nghe tiếng còi xe cứu thương ré lên, cả trường đổ xô ra đứng sau hàng rào nhìn qua bệnh viện. Vợ con lính đứng lô nhô phía bên kia. Nhiều người tấm tức khóc. Ai cũng lộ vẻ mệt mỏi và lo lắng. Có nhiều bà dắt theo lủ khủ một bầy con, đứa bồng, đứa đứng bê bết mũi dãi.

Chiều nào xe xác về cũng giống nhau. Hai chiếc GMC phủ bạt từ từ chạy đến, dừng lại trước thanh chắn cổng. Người cảnh sát gác cổng luống cuống, loay hoay mở thanh chắn. Hình như vào những lúc ấy ông ta cũng xúc động khác với bình thường. Máu từ trên thùng xe nhỏ giọt xuống hai bên hông xe thành những vệt đỏ bầm, chuyển dần sang màu nâu, thấm nhanh xuống mặt đất. Đám thân nhân ùa vào cổng, mặc cho người cảnh sát xua tay ngăn giữ. Xe từ từ chạy vào khu nhà xác. Vài người lính nhảy xuống, bắt đầu chuyển những gói poncho [1]  bọc xác người vào bên trong. Đám đông đổ xô lại lao nhao tìm xác người thân, tới lúc này tiếng than khóc mới vỡ oà ra.

Thường thì tin người thân tử trận đến trước khi gia đình nhận được giấy báo tử. Lễ cố tìm xem có ai quen trong đám người không, rồi tự hỏi có bao giờ mẹ con mình sẽ chen chân với họ. Lễ tưởng tượng nếu mẹ đi nhận xác cha thì bà sẽ như thế nào. Nếu họ mang xác cha về thì nhà mình sẽ phải làm những thủ tục gì, chôn ông ở đâu? Có nên chôn ông ở nghĩa trang dưới chân đồi, kế bên cậu Khương cho ông có bạn? Cái nghĩa trang này phát triển thật nhanh. Những ngôi mộ còn tươi màu đất mới mọc lên san sát giống những chân nấm kỳ dị sau mưa. Chúng chỉ là những nấm đất với tấm bảng gỗ sơn nguệch ngoạc vụng về danh tính người chết cắm ở một đầu, bia mộ chưa kịp dựng.

Bạn của cha chết nhiều, chết ở khắp mọi mặt trận, tuần nào cũng có tin về. Có người vừa ghé nhà chơi, xuống bếp phụ mẹ làm gà, làm lươn, nấu đồ nhậu trong tuần trước, tuần này đã có tin tử trận. Bàn nhậu và chiếu bạc xì-phé của cha liên tục mất dần những tay chơi mà không kịp bổ sung.

Chú Song, chết.

Chú Quyền, chết.

Chú Lương, chết.

Chú Bảo, nghe nói đã cưa chân. Chân nào vậy?

Những ông lính trẻ măng, thường là những người vừa ra khỏi quân trường, được điều về đơn vị của cha. Họ vừa xoa đầu, lì-xì cho chị em Lễ hôm mồng hai tết, thì chưa hết tháng giêng đã không còn nguyên vẹn thân thể. Người mang được xác về. Người nằm lại, phân huỷ, tàn rữa, ở một cánh rừng hay chân đồi nào đó. Người nằm viện chờ được cắt bỏ một phần thân thể, không thể nói là rủi hay may.

Bạn của cha có cả những người lính Mỹ, số phận của họ cũng không khác. Ông thiếu tá tuyên úy Samson đi phép về Mỹ, khi trở qua mang đến tặng mẹ một cây dù hoa, và hai chị em Lễ được mấy hộp kẹo có in hình Giáng Sinh. Ông từng chở chị em Lễ vào căn cứ trong thị trấn cho nha sĩ khám răng. Trực thăng của ông trúng đạn đâm vào chân núi Chứa Chan, nổ tan tành. Ông có kịp hiểu nghĩa của Chứa Chan, tên của nơi mà mình sẽ rời bỏ trần thế?

Cha nói, “Chứa Chan là chán chưa. Giờ, chắc ổng chán rồi, nên đi!”. Chiều được tin, cha rót một ly từ chai Whiskey do ông tặng, bước ra sân, dốc cạn, “Hey, Samson, rest in peace!” [2]

***

Chiến tranh có nhiều gương mặt khác, không chỉ là gương mặt của bom đạn. Thỉnh thoảng, Lễ thấy người ta áp giải những người tình nghi hay cán bộ Việt cộng về đồn an ninh quân đội ở trước mặt nhà. Những người đàn ông thường vận quần đùi, áo đen, có khi ở trần, hai tay bị trói thúc ké sau lưng, mắt bịt kín. Ba nói họ bị giam ở đó để điều tra trước khi chuyển đi nơi khác.

Đồn an ninh quân đội là mục tiêu thường xuyên bị tấn công. Ông thiếu tá Hà là đồn trưởng. Ông là người đồn trưởng thứ ba, được điều về đây sau hai người tiền nhiệm bị giết. Xe jeep [3] của người đồn trưởng trước ông bị trúng một quả đạn ở chân đèo Mẹ Bồng Con, chết cả hai vợ chồng. Người ta nói đầu ông Hà được bên kia treo giá cả chục lượng vàng.

Cha mẹ Lễ than thầm rằng đã họ sai lầm khi chọn nhầm ngôi nhà ở vị trí này, vô tình dễ trở nên nạn nhân của đạn lạc nếu Việt cộng tấn công. Nó nằm trong tầm bắn của cả hai bên.

Không chỉ khổ do nỗi lo đạn lạc mà thôi. Nhiều hôm, Lễ nghe tiếng rú thét từ sau hàng thép gai trong đồn. Ban đầu Lễ tưởng mình nghe nhầm, có lẽ là tiếng của một loài thú hoang nào đó, nhưng sau Lễ biết là không phải tiếng thú, mà là tiếng người- những tiếng thét đau đớn lướt trên đầu vạt cỏ lau trắng ngọn, vọng sang. Khoảng cách không đủ xa để không phải nghe tiếng người nương theo gió. Người ta đang thẩm vấn tù nhân. Nếu cha có ở nhà, ông sẽ đưa cả nhà đi đâu đó, cho tới khi nghĩ rằng cuộc thẩm vấn đã kết thúc thì mới về. Sự im lặng sau đó thật nặng nề. Khí quyển quánh lại ngột ngạt. Lễ có cảm giác như mình đang chờ một tiếng thét khác cất tiếp lên, như một lưỡi dao chém xuống, xé rách sự tĩnh lặng. Mặt mẹ tái đi, nhợt nhạt. Mỗi khi xúc động môi mẹ giật nhè nhẹ. Mẹ quỳ xuống trước tượng Chúa treo trên vách. Chúa chịu được sự đau đớn của chính mình, nhưng Chúa có chịu được những tiếng thét đau đớn của con người không? Riêng mẹ thì không. Mẹ chịu không nổi thứ hình phạt dành cho người khác như thế.

“Giê-su lòng lành, xin tha cho linh hồn con yếu đuối! Xin đừng bắt con phải chịu hình phạt này, Chúa ơi!”.

***

Trước cổng đồn có một cây phượng lớn, hoa đỏ rực rỡ. Kế gốc phượng là lô-cốt xây bằng bê-tông và đá tảng, những lỗ châu mai được đặt súng trung liên hườm sẵn. Lô-cốt đầy vết đạn, sứt sẹo.

Trong những năm qua, Lễ chứng kiến bốn người lính bị giết trong lô-cốt này trong nhiều cuộc tấn công. Có người bị bắn tỉa từ bên kia rừng cao-su khi đang ăn cơm. Tay bắn tỉa thiện xạ. Chỉ một phát một. Thần chết tình cờ đi ngang, hất đổ cái cà-mèn, tiện tay phạt ngang xé toang cổ anh lính. Có lần đặc công cắt dây thép gai, bò vào đến tận nơi thả lựu đạn vào lỗ châu mai. Có lần B40 thổi bay mất một góc lô-cốt, những thanh sắt cháy cong queo, bao cát sụp xuống lấp mất lối vào. Khi moi được ra, cái xác người lính không còn nguyên vẹn, chốc chốc những người đang đào bới lại đưa ra được một phần thân thể, một cẳng tay hay khúc chân tươm tước, thịt róc tận xương, không khác những miếng thịt được bày trên sạp thịt trong chợ. Những người lính nhặt xác mặt đỏ gay, đưa chai rượu trắng lên miệng nốc rồi phun ra phì phì cho át mùi tử khí.

Ngày nào những người lính gác lô-cốt cũng thắp hương cúng, cầu sao hôm đó được bình an qua phiên gác, chân hương cắm chi chít trên bao cát chống đạn trông như một ngôi miếu nhỏ bên đường.

Ông Hà sang nhà, nhỏ nhẹ điều đình với cha mẹ Lễ, xin cho lính sang dẹp trống khoảnh vườn để Việt cộng không lợi dụng làm chỗ ẩn núp để tấn công đồn. Cha Lễ đồng ý. Mẹ tiếc công lao trồng các loại cây ăn trái đã đến kỳ thu hoạch. Lính dùng dao rựa đốn sạch cây ăn trái rồi xịt thuốc diệt cỏ. Khi vét con mương cho thông đường nước thải, họ moi lên nhiều xương người nằm bên dưới. Không biết là xương của ai, chết khi nào, ai chôn. Những mảnh xương đen mủn, rã mục. Nhiều xương như vậy thì không phải xương chỉ của một người. Họ là ai? Những gì còn lại của con người chỉ là như thế đó sao?

Người ta đoán đó là xương của những người phu đồn điền cao-su làm cho Tây, chết từ mấy chục năm trước. Họ dồn hết mớ xương vào một cái quách nhỏ, mang ra nghĩa địa chôn. Ông Hà bảo vong hồn những người chết đã đi cả đoàn về báo mộng với ông, lạnh lẽo và rách rưới, họ trách ông sao phá dỡ nhà của họ, làm họ đói lạnh quá, không còn nơi cư ngụ. Ông sợ, bày mâm cúng ma.

Những đêm mưa dầm, từ trong nhà nhìn ra thửa vườn, Lễ thường thấy những đốm lân tinh lập loè di chuyển thật nhanh trên vạt cỏ ướt. Lễ sợ rúm người, nhưng có một lực hút kỳ lạ cứ khiến Lễ phải đau đáu nhìn hoài, mắt dính chặt vào những đốm sáng ẩn hiện không dứt dưới bầu trời tối đen lằng ngoằng những ánh chớp, nỗi ám ảnh như một thứ cơn nghiện.

***

Cô Quyên bé xíu, chỉ nhỉnh hơn các nữ sinh trong trường một chút. Nếu cô không mặc áo dài màu, mà mặc áo dài trắng hoặc xanh thì chắc không ai nghĩ rằng cô là giáo sư trung học, họ sẽ lầm cô với một nữ sinh đệ nhị, đệ nhất. Cô chỉ mới ra trường sư phạm đầu năm nay và được phái về dạy ở thị trấn này. Cô thuê nhà trong khu cư xá, gần nhà Lễ, ở chung cùng hai cô giáo khác. Có những hôm cô rủ mấy đứa học trò nữ, có Lễ nữa, về nhà cô chơi. Cô dẫn học trò đi chợ, dạy các em nấu các món ăn như bún măng, bún thang thay cho giờ nữ công gia chánh.

Cô dạy cho lớp hát những bài dân ca hay nhạc thiếu nhi cùng lúc với những bài hát lạ không có trong chương trình. Những bài phản chiến. Từ hồi năm rồi, cha và mấy người bạn của ông cũng thích nghe những bài này qua máy đĩa hơn là những bài nhạc về yêu đương do mấy cô Thanh Thúy hay Phương Dung hát mà trước đây họ thường nghe. Giọng cô ca sĩ buồn rũ rượi. Dường như bài mà mọi người thích nhất là bài “Gia tài của mẹ”[4] Lễ cũng muốn khóc khi nghe:

“… hai mươi năm nội chiến từng ngày

Gia tài của mẹ

Để lại cho con

Gia tài của mẹ

Là nước Việt buồn…”.

Cô Quyên không hát hay như ca sĩ Khánh Ly. Cô hát mộc, không có dàn nhạc đệm theo, nhưng nghe buồn thê thiết. Những ca từ mang hình ảnh chiến tranh lặp đi lặp lại trong đầu Lễ không nguôi dứt, gắn liền với thực tại tàn khốc.

“Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…”.

Lễ ít nghe được tiếng đại bác. Thường thì tiếng bom dội rền từ ngoài núi. Nhưng hầu như đêm nào cũng nghe tiếng pháo kích sau hồi còi báo động. Nhà có hai cái hầm trú. Một hầm nổi ở dưới bếp, được chất bao cát và thanh sắt chung quanh, và một hầm chìm được đào sau hè. Khi có pháo kích, hầm nào gần thì tiện chân xuống ngay hầm đó.

“… người chết hai lần / thịt da nát tan…”.

Lễ tận mắt thấy người chết một lần, là chết như cậu Khương. Như thế nào là chết hai lần?

Lễ thấy chiếc xe tăng gầm rú bò qua con đường đất, chở ba cái xác gần như trần truồng, dây thừng cột quanh người và vào cổ tay, có xác rớt xuống, lê lết. Lễ nghĩ rằng người ta cần phải dừng xe lại ngay, vì cánh tay sắp đứt rời ra khỏi thân người rồi, nhưng xe vẫn chạy. Mấy con chó chạy theo xa xa sủa vu vơ.

Lễ thấy những xác của khách đi xe đò bị mìn của Việt cộng, nằm đắp chiếu bên đường, cạnh chiếc xe lật ngang, cháy trơ khung.

Lễ thấy buổi trưa nắng đổ lửa, người ta chất xác thường dân bị giết trong ấp chiến lược lên xe bò, ông già cầm roi quất con bò như điên, vừa quất vừa hò, con bò lồng lên nhưng trì lại, không chịu bước. Nó hiểu gì mà không chịu đi?

“Nội chiến từng ngày là sao, cô?”. Lễ hỏi.

Cô Quyên khựng lại giây lát, đắn đo tìm lời giải thích.

“Nội là bên trong, là ở trong. Chiến là chiến tranh. Nội chiến là cuộc chiến tranh xảy ra trong một đất nước, hai bên đánh nhau là người cùng trong một đất nước với nhau. Cuộc chiến tranh hiện nay là một cuộc nội chiến tang thương. Là anh em cùng nhà giết nhau. Ông nhạc sĩ muốn nói vậy”.

“Còn mấy ông Mỹ cũng qua xứ mình bắn nhau thì sao cô?”. Thằng ngồi sau Lễ hỏi.

“Họ là người ngoài. Với họ, không phải là nội chiến”.

“Vậy hổng phải là quốc gia mình đánh Cộng nô như người ta nói, hả cô?”. Một đứa hỏi.

“Cô không thể trả lời cho mấy em được trong lúc này. Các em, và mỗi người, sẽ có câu trả lời cho chính mình khi đủ lớn khôn để suy xét chín chắn về nó”.

“Việt cộng quăng lựu đạn giết hại dân lành như trong bài hát, hả cô? Như quăng lựu đạn ở quán Bảy Nọc làm ba người chết tháng trước, hả cô?”.

“Cô không biết. Các em có thích tập hát bài này không? Nếu thích, chúng ta tiếp tục. Nếu không, mình sẽ tập bài khác”.

“Bài này nghe buồn quá à, cô. Nghe mà muốn khóc!”. Một đứa nói.

“Vậy tập bài khác nhé. Bài “Anh em ta / cùng mẹ cha…” [5] nhé, các em thích bài này không?”.

“Dạ, thích”. Cả lớp đồng thanh đáp.

***

Trống vào lớp vang lên. Còn hai giờ cuối của buổi chiều là môn văn học của cô Quyên.

Khi nghe những tiếng nổ đầu tiên thì Lễ không tin, vì không thể ngờ rằng lại có cuộc pháo kích vào buổi chiều như thế này. Cát đá bay rào rào trên mái ngói. Một trái đạn nổ ngay ngoài cổng trường. Cô Quyên xua cả lớp nằm xuống đất. Bọn con gái lúc đầu e ngại vì vướng víu áo dài, nhưng khi đạn nổ nhiều thì sợ phát khóc, nằm lăn cả ra, mặc kệ lấm lem. Lễ bắt chước bạn, lấy cặp da che lên đầu. Mùi thuốc súng cháy khét lẹt trong không khí. Tiếng nổ dồn dập, tức ngực. Còi báo động rú lên từng hồi trong tiếng đủ loại súng bắn trả rộ lên.

Không phải chỉ là Việt cộng pháo kích thôi, mà là một cuộc tấn công vào nhiều nơi trong thị trấn rồi. Qua cửa sổ lớp, Lễ thấy khói đen bốc cao ở hướng khu nhà Lễ. Có cháy nhà. Chắc họ đánh vào đồn an ninh quân đội. Lễ điếng hồn, giờ này mẹ và Thảnh đang ở nhà. Mẹ ơi, không biết có sao không. Có kịp xuống hầm trú không. Tiếng súng lạ nổ từng tràng một, áp đảo. Lễ biết đó là tiếng Ak-47 của Việt cộng, cha có bày cho Lễ phân biệt các tiếng súng. Tiếng Ak-47 chát chúa, dữ dằn, áp đảo hơn tiếng Carbine và M-16 của lính mình.

Con Kim nằm kề bên, níu chặt lấy vai Lễ. Kim nói, “Lễ ơi, tao muốn chạy về nhà quá… Mày đi với tao nghen?”. Nhà nó trong khu gia binh, cùng hướng về nhà Lễ. Từ trường, nếu chạy thật nhanh một hơi về nhà, không thẳng theo đường lộ mà men theo bìa rừng cao-su, bọc qua vạt cỏ lau, thì mất chừng mười lăm phút.

“Tao cũng muốn lắm. Nhưng không được đâu. Trúng đạn chết…”.

“Ba má tao không có nhà. Chỉ có hai đứa em tao thôi, tụi nó nhỏ xíu… Làm sao bây giờ?”.

“Tao đâu biết…”.

“Mày không đi thì tao đi. Tao về đây…”. Kim bật dậy, tay ôm cặp, chạy lúp xúp ra cửa lớp.

“Kiiiiimmm… Kiiimmmm! Chờ cô…”. Cô Quyên lao theo nó.

Lễ thấy hai người chạy băng qua được nửa sân trường thì Kim ngã, cô Quyên bắt kịp, nằm xoài lên người Kim. Cô lôi được tay Kim, kéo nó chạy ngược vào dãy lớp. Vạt áo dài của Kim vướng dây kẽm gai rách toang. Cả hai thầy trò lấm lem bụi đỏ. Kim vùng vằng khóc, giọng nó khản đặc. Cả đám con gái khóc theo, đứa gào lên, đứa rấm rứt. Lễ nhắm mắt, lẩm nhẩm đọc kinh. Con hãy phó thác cho Chúa khi gặp nguy nàn, mẹ dạy vậy.

Tiếng súng lơi dần rồi dứt hẳn. Chắc họ đã rút. Những cây phượng ngoài sân trường bị trúng đạn, cành lá rơi lả tả đầy đất.

Thầy giám thị đi kiểm tra từng lớp. Không ai bị thương, chỉ vài người té ngã trầy trụa. Tan học sớm nhưng thầy cô chưa cho học sinh tự về, chỉ cho những đứa có cha mẹ đến đón. Không có kim chỉ, cô Quyên lấy kim băng cài lại áo rách cho Kim rồi dắt một bầy học trò về cùng đường. Đi theo hàng hai, mỗi đứa một tay ôm cặp một tay nắm tay đứa kia. Chị Hồng lấy được xe mini ra khỏi bãi, chở Lễ, chạy loạng choạng tránh cành cây, gạch ngói đầy trên đường. Chạy được một đoạn thì ngã xe, phải dắt bộ.

Kim không đi học. Hôm sau, hôm sau nữa, hôm sau nữa, vẫn không thấy nó. Khi nó đến trường, vành khăn tang trên đầu, vạt áo dài vá víu nhăn nhúm, xấu xí.

“Nếu hôm đó tao về nhà kịp thì…”. Kim không khóc, mắt đỏ ngầu nhưng ráo hoảnh. Nó mất giọng, tiếng nói lào khào.

Nhà nó trúng pháo, cháy. Một đứa em nó trúng miểng đạn, chết.

“Tao ghét cô Quyên…”. Kim nói.

Lễ không nghĩ như nó. Lễ nghĩ, nếu Kim về nhà kịp thì chắc nó cũng chết chung với em nó.

Nếu hai chị em chết cùng lúc thì chôn chung một huyệt có được không?

***

Lớp có ba dãy bàn. Nhìn từ trên bục giảng xuống thì dãy bên trái là con trai, dãy bên phải là con gái, còn dãy giữa thì nửa trên con gái, nửa dưới con trai. Lễ ngồi bìa bàn thứ hai của dãy giữa, kế bên dãy con trai.

Quýt ngồi song song với Lễ, cách một lối đi. Quýt học dốt, rất dốt, không bao giờ được điểm nào khá, chỉ điểm trung bình và tệ, luôn đứng đội sổ ở mỗi cuối tháng. Không hiểu sao nó lại lọt được vào lớp đệ thất này, vốn là lớp khó nhất trong sáu lớp cùng cấp của trường, là lớp có năm mươi học sinh thi đậu vào trường công lập, những đứa có điểm thi cao nhất trong toàn vùng. Nhà Quýt chắc là nghèo, nhìn kiểu nó mặc đồ là biết, áo quần rộng thùng thình, quần dài phải xắn gấu lên, như mặc đồ khín. Có nhiều hôm Lễ thấy nó bới cơm theo trong lon sữa gui-gô, [6] lầm lũi mang ra ăn ở góc sân. Tính Quýt cộc. Nó lầm lì móc com-pa ra đâm thủng tay thằng Triều khi bị thằng to con này bắt nạt. Từ đó, mọi đứa trong trường đều gờm tuy rằng nó không tỏ ra là dân du côn.

Một hôm, trong giờ ra chơi, thầy giám thị vào lớp xin phép giáo sư, bước xuống dắt tay Quýt, bảo ôm theo cặp-táp, đưa lên văn phòng hiệu trưởng. Vừa ra khỏi cửa lớp thì Quýt vùng chạy. Hai người đàn ông xuất hiện thật nhanh. Một người đá vào chân Quýt làm nó ngã sóng soài. Người kia móc còng ra còng tay nó lại. Cả lớp chạy ra xem.

“Ê, ê… Chuyện gì vậy Quýt?”. Có đứa hỏi khi họ dắt nó đi ngang.

“Nói với má tao là tao bị bắt”.

“Sao mà mày bị bắt vậy?”.

Quýt lầm lỳ, không đáp.

Người mật vụ lôi ra trong cái cặp giả da căng phồng của Quýt ra nhiều cuộn giấy in. Truyền đơn của Việt cộng. Họ đưa Quýt ra xe, chở đi mất. Người ta nói rằng, giờ mới biết cha nó tập kết ra Bắc, anh nó bị trực thăng bắn chết trong núi.

Có ai ghé nhà để báo cho má nó biết không?

***

Buổi học môn văn bắt đầu bình thường sau phần điểm danh. Cô Quyên trả lại bài luận của tuần trước. Hôm nay có buổi thuyết trình của một nhóm năm đứa trong lớp. Mấy đứa đang nắn nót viết nhan đề của bài thuyết trình về một tác phẩm của Tự lực Văn đoàn lên bảng đen, truyện “Anh phải sống”.

Bốn người cảnh sát đến. Họ đứng ngoài cửa lớp với ông giám thị. Ông giám thị ra hiệu mời cô Quyên bước ra. Sau khi trao đổi vài lời, cô trở vào. Cô nói, giọng nghẹn ngào, “Các em giữ trật tự. Cô rất tiếc không thể tiếp tục buổi học hôm nay cùng các em. Sẽ có giáo sư khác thay thế cô. Cô rất thương lớp này. Mong rằng chúng ta sẽ gặp lại và tiếp tục học với nhau sớm. Còn nếu không, cô chúc các em may mắn. Cô chào các em”.

Nói xong, cô cầm giỏ xách bước ra cửa. Một người cảnh sát cầm lấy cái xách giật nhẹ. Cô buông tay. Họ đi ra cổng trường.

Cả lớp lao nhao, “Cô Quyên bị bắt!”.

Có đứa trong bọn con gái bắt đầu sụt sịt khóc, “Sao cô bị bắt vậy?”.

Một đứa nào đó ra vẻ rành rẽ, “Chắc cổ là Việt cộng”.

***

2012, Lễ định cư, đi nhiều nơi rồi về sống ở tiểu bang Maryland từ nhiều năm nay.

Tất cả mọi người đều đã lần lượt biến mất như họ chưa từng có mặt trên đời sống này. Đầu tiên là cậu Khương. Rồi con Ky. Rồi mợ Viên. Rồi Hồng. Rồi Bửu. Rồi ông Kỳ, cha của Lễ. Ông đi cải tạo. Khi ông về thì Lễ đã vượt biên khỏi Việt Nam, Lễ đang ở trại tị nạn. Ông bất bình thường, không chịu đi kinh tế mới với vợ dù nhà bị lấy. Mỗi tối ông mang mùng mền ra xa cảng miền Tây ngủ, không chịu ngủ ở nhà. Ông sợ, sợ bị bắt lại trước mặt vợ. Một buổi sáng nọ người ta thấy ông chết dưới bệ quầy vé. Rồi bà Thoa, mẹ của Lễ, bà cũng qua đời ở vùng kinh tế mới, sau khi chồng chết một năm, hai tháng trước khi Lễ qua tới Mỹ.

Rồi Thảnh. Thằng em của những đêm khóc dạ đề ngằn ngặt như con mèo yếu. Thảnh lớn lên, không vào được đại học vì lý lịch cha là ngụy quân cải tạo, nên đi bộ đội, chết trận ở Campuchia, không còn xác mang về. Bạn Thảnh nói đêm đó nó lãnh nguyên một trái B40 trong một cái sóc bỏ hoang gần Siem Riep, sáng ra hốt lại được lưng một ba-lô. Bọn nó muốn đào ngũ, trốn sang Thái Lan, vì không chịu nổi chiến dịch mùa khô, nhưng chưa kịp thực hiện. Thảnh là vong hồn hay tìm về với Lễ nhất. Ngoài việc xin lễ ở nhà thờ, mỗi năm Lễ đều làm đám giỗ cho em.

Rồi cô giáo Quyên. Biết bao nhiêu gương mặt và số phận lướt qua trong ký ức của Lễ rồi biến mất không dấu vết, nhưng với cô Quyên, dù chỉ bên nhau trong thoáng chốc, mà Lễ vẫn nhớ đến giọng hát rười rượi buồn và vóc dáng nhỏ nhắn của cô. Cô còn sống không?

Rồi Kim…

Rồi Quýt… Lễ không gặp lại Quýt cho mãi tới gần cuối năm 1975, khi Lễ về lại thị trấn lần cuối. Lần đó, Lễ gặp một thằng Quýt khác. Khác hẳn với thằng bạn học trò ngồi kế bên mình năm đệ thất. Nó đeo băng đỏ, choàng khăn rằn, mang dép râu, khoác cây CKC, là đội trưởng du kích. Người ta nói Quýt chuyên xử lính nguỵ, những người mà chính quyền lâm thời bắt được, những người không chịu ra trình diện. Xử gọn gàng, rồi chôn dọc con suối Rết.

Lễ là người duy nhất còn sống sót trong câu chuyện này, là người duy nhất còn lại trong gia tộc. Mọi người lần lượt biến mất, họ chỉ còn hiện hữu trong ký ức của Lễ.

Lễ có một khả năng đặc biệt khác thường: bà có thể khóa chặt lại những ngăn ký ức- những điều mà bà không muốn nhớ- cho tới khi tự bà mở ra, để kể câu chuyện đời mình với con trai khi nó muốn biết về quá khứ của mẹ.

Thân Thị Lễ là tiền kiếp của Lillian Talley. Lillian Talley là hóa thân của Thân Thị Lễ. Là mẹ của tôi.

Lillian còn kể với tôi nhiều câu chuyện về đời bà và những người trong gia đình nữa, nhưng tôi ngờ rằng tôi sẽ không viết chúng lại. Chừng này cũng khá đủ rồi. Lý do là vì dường như trừ Lillian ra, thì những cuộc đời này, những câu chuyện này, có thể khác nhau về tình tiết, nhưng đều có một kết cục tệ hại giống nhau.

Tôi còn những câu chuyện của ông tôi, của cha tôi, của bạn bè tôi, và của tôi. Tôi còn có cuộc đời của tôi, để sống. Tôi còn có thì hiện tại và thì tương lai. Tôi còn có những câu chuyện ở bên kia đại dương, của và ở nước Mỹ, phần kia của đời sống tôi.

Lillian đưa tôi đi du lịch đến Siem Riep, nhưng không làm sao tìm ra cái sóc mà Thảnh đã chết ở đó. Nhìn những đứa Tây trạc tuổi Thảnh hồi đó, và tuổi tôi bây giờ, chúng ngồi uống rượu, hút shisha [7] bên hiên những khách sạn, tôi định nhắc với Lillian rằng đây đã là một thời đại khác. Nhưng có lẽ không cần thiết, Lillian luôn ý thức rất rõ về vị trí của mình trong đời sống này, và bước đi từng bước một, chân này đặt xuống đến chân kia, rất thăng bằng, vững chãi.

Viết đến đây tôi tò mò, mở dụng cụ đếm chữ của chương trình word mà tôi đang dùng để viết văn bản. Trong hơn 4,200 chữ của của chương này, có mười bảy chữ “xác” và hai mươi ba chữ “chết”.

Những con số chẳng thể nói lên điều gì. Bấy nhiêu năm chiến tranh chỉ còn lại những hình ảnh lộn xộn trong ký ức Lillian khi bà muốn nhớ và những con chữ mà tôi vừa gõ xuống.

Hãy tắt laptop rồi uống một lon bia.

[1] poncho: áo mưa tròng đầu của lính.

[2] “Hey, Samson, rest in peace!”: “Ê, Samson, đời đời yên nghỉ nhé!”.

[3] Xe jeep: xe jíp.

[4] Những ca khúc và ca từ trong tập Ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

[5] Ca từ trong bài “Một mẹ trăm con”, dân ca Jarai, do nhạc sĩ Phạm Duy sưu tập và soạn lời Việt.

[6] gui-gô: Guigoz, một loại sữa bột của Pháp. Lon đựng sữa bằng nhôm thường được dùng để bới cơm.

[7] shisha: loại thuốc làm bằng hương liệu, hút bằng bình của Trung Đông. Rất phổ biến ở các khu du lịch.

(Còn tiếp)

Comments are closed.