NHỮNG MẢNH RỒNG (kỳ 6)

HOÀNG MINH TƯỜNG

TIỂU THUYẾT

9

Vũ Bảo Huy có cảm giác như chiếc Boeing 747 đang bay vòng trở lại Los Angeles. Máy bay đạt độ cao mười ngàn mét, cũng là lúc Huy như người bị chứng tiền đình, không thể nhận biết phương hướng. Não bộ anh không còn khả năng định vị, hay tâm hồn anh, trái tim anh đang dắt anh trở lại những nẻo đường nước Mỹ?

Ở đâu cũng có dấu ấn của Tình yêu. Từ San Francisco miền tây, qua Houston, New Orlean đến Atlanta, Florida miền đông, lên New Jersey, New York, Boston…, vòng qua Ngũ hồ với Chicago, Michigan, tạt sang Wisconsin, Montana, rồi vòng lên miền cực tây bắc đến thành phố Seattle, giáp Vancouver của Cannada; bay dọc biển tiếp vài nghìn cây số nữa lên miền cực bắc Alaska… ở đâu cũng có dấu ấn Huy – Hằng. Sáu tháng, nối những chặng đường tình yêu ấy, cũng sấp sỉ cung đường Trái Đất- Mặt Trăng. Một cuộc tình cuồng si và bạo liệt chỉ có ở thời @.

Đã qua cái tuổi mà tình yêu khiến ta mù quáng, chỉ thấy cuộc đời toàn hoa hồng. Huy không mụ mị, choáng ngợp và thi vị hóa cuộc tình nồng cháy, đầy mê đắm và dâng hiến của Trương Mỹ Hằng. Thật công bằng và khách quan, Huy đã và đang thụ hưởng một tình yêu không vụ lợi, mà chỉ có người đàn bà trong sáng đến tận cùng, đam mê đến tận cùng, dâng hiến đến tận cùng, và tất nhiên, giàu có đến vô cùng, mới tạo ra được. Hằng đã cho Huy tất cả, kể cả những gì của ngày xưa mà nàng còn lưu giữ, những gì bị đánh cắp mà nàng muốn lấy lại, những gì lầm lỡ mà chính nàng muốn đền bù… Hằng đã tìm thấy ở Huy những thiếu hụt mà hai người chồng Mỹ không có được, cả những người đàn ông ghé qua mà không tới được. “Anh là nước Việt của em”. Nhiều lần, trong những giây phút thăng hoa của hạnh phúc, Hằng đã thốt ra trong vô thức. Và không dưới một lần, sau cuộc ái ân, khi nàng đã thoả thuê và mãn nguyện nằm bên anh, như nàng tiên ngủ trong rừng, thì chính Huy lại trăn trở. Và anh lặng lẽ khóc. Anh khóc vì người đàn bà quá đủ đầy, quá viên mãn về đời sống vật chất, nhưng lại là người phụ nữ tha hương, vong bản, biền biệt, cô đơn, lúc nào cũng bơ vơ không gốc gác cội nguồn. Hằng đã cho anh thấu đến tận cùng sự tìm kiếm hoang hoải của những người Việt bị văng ra khỏi tổ quốc; đến đáy sâu của sự thiếu vắng, của sự hụt hẫng về văn hoá bản thể; đến khoảng tối đáng sợ của cõi vô nhân… Bên Huy, Hằng đã trở lại chính mình, tựa hồ như nàng mới đích thực là cánh diều no gió đang vi vút trên trời cao vì có anh là gốc cổ thụ để neo dây, như con thuyền trôi dạt trên sông mà anh là bến đỗ. Bên Huy, dường như Hằng có lại những mảng đời thiếu nữ đã đánh mất vì chót sống gấp một thời, có thêm nhiều giây phút thăng hoa mà thời gian luôn muốn dình dập cướp đi. Chỉ có Huy mới được Hằng bộc bạch những nỗi thầm kín nhất, kể cho nghe những bí mật của đời mình, mà nếu không có anh, sẽ không ai biết được. Thì ra, chuyến theo chồng về nước Mỹ lần đầu, để thoát khỏi cuộc chiến ở Việt Nam, lại là cuộc trốn chạy mà ngay sau đó, khi đã sống yên ổn đủ đầy trên vương quốc của tự do, Hằng lại dằn vặt khôn nguôi. Sau khi đẻ thêm bé Jennyfer Lệ Hằng, nàng năn nỉ chồng bằng cách nào đó hãy quay trở lại Việt Nam. “Để em cho các con học tiếng Việt”. Đó, lý do để nàng kiên quyết trở lại Sài Gòn. Nàng không thể để hai đứa con thành người Mỹ quá sớm và hoàn toàn, khi chúng không có một chất kết dính gì, một sợi dây nào níu kéo với quê mẹ. Mất tiếng Việt, đứa trẻ sẽ mất tất cả. “ Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À ơi, tiếng ru muôn đời…” Ấy là bảo bối mà nhạc sỹ Phạm Duy đã tặng cho nàng mỗi lần nàng hát ru truyền cho con năng lượng của nguồn cội. Năm 1973, John Whanscoth cùng vợ và hai con trở lại Sài Gòn với vai trò phụ trách chương trình tái thiết của Chính phủ, nằm trong sự quản lý của Toà đại sứ Hoa Kỳ.

– Anh biết không, vợ chồng và các con em đã lên chiếc tàu Mỹ cuối cùng dời khỏi Việt Nam chiều 29 tháng tư… Hình như chúng em cũng là đoàn bay cuối cùng từ toà Đại sứ Mỹ. Đó là một ngày khủng khiếp… – Lần đầu tiên sau hai mươi nhăm năm, Mỹ Hằng mới hé lộ cho Huy kỷ niệm đau đớn nhất của đời mình.

Không, Hằng nhầm rồi. Chuyến bay cuối cùng ra tàu chiến Mỹ là chiếc trực thăng vận tải khổng lồ hai cánh quạt Chinook CH-46, một trong mười quái vật của bầu trời – Huy muốn đính chính. Nhưng anh không nỡ làm xáo động nỗi đau của Hằng. Huy vụt nhớ lại những thước phim còn ở dạng bản nháp mà anh có may mắn được xem tại nhà một cựu sỹ quan Hải quân Việt Nam Cộng hoà, trong lần anh đi điền dã ở San Diego một tháng trước. Viên cựu đại uý hải quân này đã dùng máy quay cá nhân quay lại những thời khắc, thời điểm một đi không trở lại của Sài Gòn trong cơn hấp hối.(*) Từng dòng sông người đen đặc, chạy bộ, đi xe, chen chúc nhau ra cảng. Cảnh đặc tả rõ nhất là những đợt người đổ xuống chiến hạm USS Kirk đang thả neo ngoài cửa biển. Con tàu đen đặc người đu bám, ken dày trên boong, trên tháp chỉ huy, trên cột cờ, trên nòng pháo. Sau khi chỉ huy chiến hạm quyết định không cần xin ý kiến thượng cấp, cho đẩy hai chiếc trực thăng UH-1 giá tới mấy triệu đola xuống nước để lấy chỗ chứa thêm những người di tản, và chuẩn bị kéo còi giã biệt, thì một chiếc trực thăng Chinook CH-46 lao tới. Trên máy bay là viên phi công người Việt, cùng vợ và hai đứa con, một đứa chừng sáu tuổi và đứa nhỏ mới hơn một tuổi. Viên phi công xin hạ cánh qua máy bộ đàm. Thuyền trưởng lệnh cho sỹ quan và binh lính trên tàu cố thu xếp chỗ, nhưng không còn bãi đáp. Viên phi công van nài cố cho máy bay xà xuống. Không được. Máy bay quá lớn và nặng tới mức ngay lập tức có thể làm chìm tàu. Nếu tàu không chìm thì cánh quạt sẽ vướng làm cháy máy bay và cháy cả con tàu. Bay về đi. Cộng sản đuổi tới nơi rồi. Cho tàu khởi hành thôi…

Hàng trăm người la ó.

Đúng giờ phút tuyệt vọng, viên phi công bỗng nảy một sáng kiến táo bạo. Anh ta nài xin hãy cứu giúp vợ con, rồi cho máy bay lượn vòng, xà xuống rất thấp. Một chiếc bọc được thả xuống, trong đó có đứa con một tuổi. Hàng trăm cánh tay cùng chìa ra đỡ. Lại một vòng tiếp, thấp hơn cho cậu con trai sáu tuổi đu dây xuống, rồi người mẹ đu xuống ở vòng tiếp theo. Đến vòng cuối cùng, viên phi công nghiêng hẳn một bên, cởi sẵn áo bay và mở cửa, nhảy xuống phía bên kia. Chiếc máy bay không người lái gầm rú vọt lên, trước khi nổ tung và đâm sầm xuống biển, thì viên phi công cũng nhảy ra thoát, nhưng lại rơi xuống nước.

Mọi người hò reo, tìm cách vớt anh ta lên…. Một cuộc vượt thoát đầy nguy hiểm, kịch tính, nhưng kết thúc lại có hậu.

Huy đã kể lại những thước phim của Sài Gòn ngày cuối cùng ấy. Chưa nghe hết, Hằng đã bật khóc. Rồi oà khóc. Như bao lâu rồi nàng đã nén nhịn.

– Đúng là chiếc chiến hạm ấy… Nhưng có một cảnh phim mà người ta đã bỏ quên, hoặc cố tình quên…

– Thật thế ư? Em đã có mặt trên chính con tàu đó? Đã chứng kiến toàn bộ cảnh đó?

Vết thương xé nát trái tim, nỗi đau mất mát nhất của cuộc đời, tưởng mấy chục năm qua đã nguôi đi, giờ bỗng bùng phát trở lại. Hằng ôm lấy Huy, cắn vào vai anh, muốn chết trong vòng tay anh.

– Huy biết không, khi mọi người mừng vui vì vừa đón được bốn mạng người trên chiếc máy bay mạo hiểm, và con tàu nhổ neo ra khơi, thì từ trong bờ, một

con thuyền máy chở bốn, năm gia đình lính thuỷ đuổi theo. Mọi người trên thuyền cùng gào thét, vẫy súng, vẫy cờ, vẫy tay ra hiệu tàu dừng lại, đợi họ. Nhưng dường như khoảng cách giữa con tàu và thuyền máy không thể gần lại. Viên sĩ quan trên thuyền máy giơ súng nhảy tưng tưng như điên dại. Tiếng gào đứt họng, tiếng chửi rủa. Rồi một băng đạn vọt ra từ nòng súng. Jennyfer Lệ Hằng đang dướn người vẫy gọi con thuyền, bỗng chới với, ngã gục …

Huy ôm Hằng đến nghẹt thở. Anh khóc ồ ồ, như bé Jennyfer Lệ Hằng vừa dính đạn gục ngã trước mặt anh. Trời ơi, sao đến bây giờ anh mới biết Hằng từng có một con gái. Đến bây giờ Huy mới biết đến cái chết oan nghiệt của bé Jennyfer. Từ ngày quen biết Hằng , suốt cuộc tình với Hằng, cho đến đêm chia tay trước khi tiễn Huy về quê Việt, Hằng mới cho Huy thấy vết thương nằm tận đáy sâu, một vết chém cố giấu một phần tư thế kỷ. Nghiệt ngã thay số phận, dường như người mẹ Việt đã trừng trị những đứa con vong bản của mình bằng cách không để cho Hằng mang giọt máu của nàng đi, hoặc là chính Hằng phải để lại một nỗi oan trái đến cùng cực để trả giá cho cuộc trốn chạy khỏi xứ sở?

***

Máy bay hạ dần độ cao, chỉ dăm phút nữa sẽ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Huy choàng tỉnh, như người đang ở chốn thiên đường, bỗng trở về trần thế.

Về đâu? Câu hỏi mà hơn tuần nay, từ khi chuẩn bị hành lý, xem lại hộ chiếu, vé khứ hồi, Huy luôn muốn lẩn tránh, thì bây giờ buộc anh phải trả lời. Anh buộc phải đối mặt sự thật. Về với Thuỳ ư? Ngay cả chuyến về này, anh cũng không báo tin để mẹ con Thuỳ ra đón. Suốt sáu tháng trên đất Mỹ, chỉ có một lần duy nhất Huy gửi email về cho mẹ con Thuỳ, ấy là ngày sinh nhật bé Chi Mai. Anh thương con bé, không muốn nó buồn. Suốt hai năm vợ chồng li thân, Huy không muốn Chi Mai biết cảnh ngộ của bố mẹ. Cũng may là suốt hai năm đó, tức là trước chuyến đi Mỹ, Huy đã đề nghị toà soạn cho ra Hà Nội, gộp vào biên chế của văn phòng đại diện phía Bắc.

Căn nhà hai tầng lầu vốn là của một kỹ sư công chánh, trước khi di tản đã sang tên cho người cháu từ ngoài Bắc vào, đã được Huy mua lại, nằm trong ngõ của một đường phố chính, quận Một, vừa tĩnh lặng, vừa gần trung tâm, tưởng là tổ ấm vĩnh hằng của vợ chồng Huy, nào ngờ chỉ là toà lâu đài trên cát. Ngay cái kỷ niệm lãng mạn và đằm thắm nhất là buổi Huy chia tay Thuỳ sang Cao Miên trước chiến dịch mùa khô, Thuỳ kéo áo Huy dừng lại trước một quầy sách cũ bên hè phố, khi thấy anh bần thần trước một cuốn sách lạ có tên “Nhớ cũ”, Thuỳ biết ý, không đợi anh có thích hay không, nàng đã trả tiền và đút nó vào ba lô của Huy, như một hành trang tinh thần và lời nhắn nhủ thầm kín, vậy mà, nếu như vừa rồi không gặp nhà văn Nhân Mục, tác giả cuốn sách ấy, Huy cũng không nhớ nữa. Điều nguy hại nhất trong cái gia đình nhỏ bé của Huy, là từ sau khi Thuỳ sinh bé Chi Mai, thì quan hệ giữa vợ chồng như bị bao phủ bởi một màng vô hình, đầy bí ẩn và ngăn cách. Có lý do nào của ba năm Huy biền biệt bên kia biên giới? Chẳng lẽ người đàn bà khi đã xa mặt cách lòng thì họ sẽ khác đi? Hay môi trường dạy học khiến Thuỳ nghiêm cẩn khuôn thước, nhiều khi lạnh lùng, còn Huy, một anh lính trơn, một nhà báo quèn thường phóng khoáng, buông thả? Mấy năm Huy vừa làm báo, vừa theo học đại học báo chí, trong khi một mình Thuỳ phải bươn chải, xoay xở trong guồng máy thị trường ở một thành phố đắt đỏ gạo châu củi quế, dường như mối quan hệ giữa hai vợ chồng càng như hai mũi tên li tâm, mỗi ngày đẩy hai vectơ trái chiều càng thêm xa nhau? Có tất cả những nguyên cớ đó. Nhưng rạn nứt rõ nhất, nổi cộm nhất trong mối quan hệ vợ chồng lại chính là sự xuất hiện của bé Chi Mai. Thuỳ sinh con sau đợt Huy từ mặt trận 579 Stungtreng về Sài Gòn để sau đó chuyển sang mặt trận 479 Xiemriep, chuẩn bị cho những đợt rút quân tình nguyện đầu tiên vào năm 1986. Thời điểm bé Chi Mai ra đời có vẻ nhạy cảm, nếu như Huy lặp lại mối nghi ngờ của bà nội và các chú bác từng nghi ngờ mạ khi có thai Huy? Mối nghi ngờ ấy không hề vởn lên, dù một gợn nhỏ trong Huy. Nhưng anh càng vô tư thì Thuỳ lại càng như muốn giễu cợt, trêu ngươi. Mười hai năm tuổi thơ của Chi Mai qua đi êm đềm. Cho đến một ngày, vô tình, anh đọc được lá thư kẹp trong cuốn sổ tay cũ của Thuỳ. Thư của Khả, Đỗ Luân Khả, bạn của Huy thời chăn trâu kiếm củi…

“ Thuỳ thân yêu!

Nhận được tin em, anh vừa sung sướng, hạnh phúc, vừa lo âu. Hạnh phúc vì tình yêu của chúng mình đã đơm hoa kết trái… Cái đêm thần tiên ấy, chính anh chứ không phải là VBH đã được em dâng hiến tất cả… Nhưng Thuỳ ơi, anh lo chúng mình không thể giữ lại kết quả tình yêu ấy. Anh đang ở diện hạt giống đỏ, được quy hoạch, sắp tới được tổ chức gửi ra Hà Nội học trường cao cấp… Nếu thương anh thì em hãy giải quyết đi. Anh không sợ H biết chuyện, vì chúng mình gặp nhau ngay sau lần H trả phép, trở lại chiến trường…, mà anh lo con vợ hồ ly tinh của anh sẽ không để chúng ta yên, lo cho tiền đồ của anh và em nữa…”

Khốn nạn quá, thằng bạn thân của Huy đấy. Bao nhiêu năm, anh vẫn nghĩ nó là thằng bạn nối khố. Hai đứa cùng có một tuổi thơ khốn khó ở một làng chân núi nghèo miền Trung dọc đường 15, con đường tử thần một thời hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của không quân Mỹ. Sau ngày bà ngoại mất, năm 1977, Huy được cậu Huề, em ruột mạ, sỹ quan quân giải phóng, từng tham gia uỷ ban quân quản một quận lớn của Sài Gòn, đón vào nuôi và cho ăn học. Cũng thời gian ấy, bố Khả chuyển từ Hà Nội vào, làm công tác cải tạo tư sản, rồi trở thành quan chức cao cấp, có nhiều nhà, đất ở thành phố, đưa cả vợ con từ quê vào theo. Khả trở thành con quan, có hẳn một chiếc Dream Thái mới cứng hằng ngày cưỡi đến trường. Khi Huy đi bộ đội, sang chiến trường Campuchia thì Khả vào đại học, rồi được giữ lại trường làm cán bộ Đoàn. Lần Huy từ chiến trường về phép và cưới Thuỳ, Đỗ Luân Khả đưa Đàm Thị Chuyền, vợ mới cưới đến khoe: “ Vợ tau con ông Trưởng ban Tổ chức. Vợ tau cũng như vợ mi, vợ mi cũng như vợ tau. Mi cứ yên tâm sang bên ấy. Tau sẽ nói với ông già, đưa Thuỳ về một trường cấp ba ở giữa quận Một”. Tưởng nói chơi, hoá ra Khả làm thật. Ra trường, Thuỳ về trường cấp III Phan Tây Hồ, trường chuyên của thành phố. Câu nói suồng sã vu vơ nhưng chân tình, mộc mạc của Khả: “ Vợ tau cũng như vợ mi, vợ mi cũng như vợ tau”, đâu phải nói cho vui. Khả không nói chơi mà làm thiệt. Nhưng rồi Khả kịp nhận ra sự nguy hiểm của trò chơi, và, bằng lá thư, đã khuyên Thuỳ đi nạo thai. Nhưng Thuỳ đã quyết cưỡng lại.

Mười hai năm, cái kim trong bọc mới chịu lòi ra. Thời gian đủ cho Thuỳ trở thành bí thư đoàn trường, rồi phó hiệu trưởng trường Phan Tây Hồ. Còn Đỗ Luân Khả, nhờ có cái ô dù cỡ đại của ông bố vợ, thăng tiến đến chóng mặt. Hai mươi bẩy tuổi đã thường vụ Trung ương Đoàn. Ba mươi hai tuổi đã phó bí thư, tương đương cấp thứ trưởng. “Cơ chế này, chỉ đi con đường chính trị là nhanh nhất – Đã có lần Khả dốc hết gan ruột với Huy – Mi viết hiền lành một chút đi, cứ ca ngợi hết lời, đừng phê phán, chỉ trích, tau bảo đảm sẽ đưa mi về phụ trách tuyên huấn, nói một tiếng hàng triệu người phải dỏng cái lỗ nhĩ…”

Thằng bạn nối khố đã cắm sừng Huy. Nỗi nhục ấy, biết thổ lộ cùng ai? Lá thư đã làm Huy phát điên. Huy ra biển Vũng Tàu, bơi ra tít ngoài phao cảnh báo, lặn một hơi tới bốn phút cho hạ nhiệt cái đầu bốc lửa, khiến có người tưởng anh chết chìm. Rồi anh thuê phòng khách sạn, nhờ người bạn tìm cho một gái gọi, hai người sống như Adam Eva, quần nhau suốt năm ngày. Sang ngày thứ sáu, cô gái đã khuyên anh về nhà. “Anh không được lẩn trốn. Phải dũng cảm đối diện sự thật. Hãy gặp gỡ cả hai người kia để ba người nói hết với nhau. Nhưng em xin anh, đừng để đứa trẻ bị thương tổn… Anh biết vì sao em phải gặp anh trong cảnh ngộ thế này không? Chính ba má em đã đẩy em đến vũng nhơ này đó. Họ cũng trong hoàn cảnh như anh. Họ chỉ biết thoả mãn chính họ và đẩy con ra đường…” Nhờ lời khuyên của cô gái mà Huy đã trở về nhà. Anh gọi Khả phải bay từ Hà Nội vào. Ban đầu Khả chối lem lẻm, thậm chí còn lên mặt, muốn kêu công an đến xích cổ thằng vu cáo. Đến khi Huy đưa lá thư ra và doạ sẽ mang Chi Mai đi thử ADN, thì cả Khả, cả Thuỳ đã thú nhận tất cả. “Huy ơi, ông thương tình hai thằng cùng quê đi tru, bắt cá thả diều với nhau mà tha cho tui. Mọi việc nuôi dạy ăn học của con Chi Mai tui sẽ lo hết. Tui sẽ đền bù mọi thiệt hại cho ông. Chỉ cầu xin ông đừng để chuyện ni cho tổ chức biết. Thuỳ đang là hiệu phó… Tui đang nằm trong diện cơ cấu khoá tới. Còn Chuyền vợ tui, cũng đang dự kiến chức Phó Hội trưởng Phụ nữ. Vỡ lở chuyện ni ra là mất hết…” Khốn nạn. Càng nói thằng Khả càng vô liêm sỉ. Cái lưỡi nó hồi trước ngắn, nói hụt, từ ngày làm tuyên giáo như dài ra, cái cằm nói nhiều ăn lắm cũng bạnh ra, trông rất thớ lợ. Huy vò lá thư, bật lửa đốt, mắt đỏ như máu. “Thằng Khả, từ nay đừng bao giờ nhìn mặt tau nữa. Mi và Thuỳ cần nói cho con nhỏ biết, nhưng chớ để nó bị thương tổn. Tau coi như không có chuyện ni, Khả ơi, từ bây chừ coi như không có mi trên đời”.

***

Trong lúc xếp hàng chờ nhập cảnh ở nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, Huy gọi cho Kao Đăng, với hy vọng thằng bạn chí cốt vẫn còn căn nhà cấp bốn ở Gò Vấp.

– Huy ơi, số mày đen quá. Tháng trước vợ tao vừa cho thuê rồi – Kao Đăng ngao ngán – Hay là cứ về với Thuỳ đi. Tao sẽ rủ nàng ra đón… Ừ, hay đấy, cũng là một cách hàn gắn lại cho vợ chồng mày… Bây giờ vẫn đang giờ tan tầm. Tao sẽ rủ mấy thằng trong toà soạn đến đón mẹ con Thuỳ ra sân bay luôn. Nhớ đừng tắt máy điện thoại nhé…

– Đừng, đừng báo cho Thuỳ biết… Tao không thể gặp Thuỳ được, mày hiểu không? Mày cũng đừng nói với ai trong toà soạn. Tao chỉ gọi cho riêng mày… Hay thế này đi, mày đặt cho tao một phòng khách sạn… Giá phải chăng thôi, có khi tao phải ở lâu dài…

– Oke. Nếu cần thì cứ về ở tạm nhà tao. Mày biết vợ tao quý mày thế nào rồi… Thế nhé. Cứ lấy hành lý đi, tao sẽ ra đón. Nếu không thích gặp người trong cơ quan thì tối nay tao vẫn phải rủ vài thằng bạn nhậu, mừng mày vừa thoát khỏi thế giới tư bản giãy chết trở về…

Vừa xong cuộc gọi với Kao Đăng, máy đã lại réo nhạc. Tiếng Mỹ Hằng thảng thốt:

– Alô, anh đã xuống sân bay chưa? Em gọi đến cháy máy mà không thấy trả lời…

– Xin lỗi… Anh vừa nói chuyện với bạn cùng cơ quan. Đang chờ làm thủ tục nhập cảnh. Chuyến bay mĩ mãn. Lúc transit ở sân bay Đài Bắc anh đã gửi email, em đọc chưa?

– Đọc rồi… Nhưng mà viết ngắn quá… Mà em nhớ anh không biết đâu mà kể… Em trống vắng suốt từ lúc máy bay mất hút vào bầu trời. Suốt đêm qua em không ngủ được. Gần sáng vừa chợp mắt một lúc thì mơ thấy anh bị một con quái vật, giống như con khủng long, nhưng lại có cánh và biết bay, tha đi. Hoảng quá, em choàng tỉnh dậy và cứ khóc thương anh…

– Đừng tưởng tượng nhiều quá. Hãy tin rằng anh luôn bình yên.

– Mà tối nay anh sẽ về đâu? Ngủ đâu? – Giọng Hằng bỗng hốt hoảng, như nàng vừa tiên đoán một điều gì chẳng lành sắp xảy ra – Anh lại về với Thuỳ phải không?

Máy điện thoại có một khoảng lặng rất lâu. Huy mường tượng ở đầu máy bên kia là gương mặt thất thần đầy ngờ vực, hoang mang. Và anh lại phải vận dụng hết tài năng của một kẻ đang yêu để vỗ về, an ủi.

– Anh sẽ đến ở nhà anh Kao Đăng, hoặc nhờ anh ấy đặt phòng khách sạn…

– Thế này nhé. Anh cứ làm mọi thủ tục và nhận hành lý. Nếu bạn anh ra đón, hãy nói anh ấy đưa anh về thẳng Rex Hotel Saigon. Khách sạn Bến Thành em vẫn ở ấy. Anh ở đấy đến bao giờ cũng được. Em sẽ chuyển tiền về tài khoản khách sạn. Em điện cho giám đốc Nguyễn Hữu Noãn và đặt phòng ngay bây giờ đây…

– Kìa em… – Huy ngăn lại, nhưng Hằng đã tắt máy.

Trong khi nói chuyện điện thoại, Huy lần lượt nhường khách cùng chuyến bay, vì thế anh là người làm thủ tục nhập cảnh sau cùng.

Đứng cạnh cửa nhập cảnh có hai người đàn ông mặc thường phục. Người mặc áo carô xanh, quần bò Levis, cao to, chừng ba lăm tuổi, khi thấy Huy đưa hộ chiếu và các tờ khai cho nữ trung uý an ninh, liền đưa mắt cho người trẻ đeo kính đen, mặc bộ đồ vàng cứt ngựa.

Nữ trung uý an ninh có đôi mắt đẹp mê hồn, nhìn Huy hồi lâu, cầm hộ chiếu, tờ khai nhập cảnh xem qua rồi đưa cho người mặc áo carô. Lập tức hai người đàn ông sáp lại gần Huy. Người kính đen rút từ túi áo ngực ra một tấm thẻ đỏ, ấn vào mặt Huy.

– Xin lỗi, chúng tôi là an ninh văn hoá. Anh là nhà báo Vũ Bảo Huy?

Một luồng ám khí chạy suốt sống lưng, khiến Huy sởn hết da gà. Trên máy bay, anh đã thoáng nghĩ đến cảnh đón tiếp này, nhưng vẫn thấy bất ngờ quá.

– Có chuyện gì thế các anh? Tôi là Vũ Bảo Huy, phóng viên báo Việt Trẻ. Tôi có hộ chiếu và visa xuất nhập cảnh, cùng vé và các giấy tờ đầy đủ.

– Vâng. Chúng tôi biết – Viên an ninh áo carô nở nụ cười hiền hậu như được luyện tập sẵn – Không có việc gì nghiêm trọng đâu anh. Chúng tôi muốn hỏi một vài việc nhỏ thôi mà. Xin mời anh theo chúng tôi.

– Nhưng tôi còn va ly hành lý và đồ đạc. Tôi phải đến phòng trả hành lý.

Người đeo kính đen khoát tay:

– Sẽ có người nhận giúp anh. Anh đừng lo mất mát gì…

Biết là gặp “cớm” chuyên theo dõi người xuất nhập cảnh, Huy nhanh trí vội lấy máy điện thoại bấm số cho Kao Đăng. Nhưng chưa kịp gọi thì bàn tay to lớn như gọng sắt của áo carô đã giằng lấy.

– Để lát nữa gọi. Đề nghị anh theo chúng tôi.

– Tôi phản đối việc bắt giữ trái phép này !– Huy bỗng nói to lên và vươn tay giằng lại điện thoại nhưng không được. Sợ chiếc laptop đeo bên mình cũng bị giật, Huy ôm chặt, xoay ra giữa ngực và nhớn nhác nhìn quanh. Thấy hai người khách nước ngoài đi sau, anh định đợi họ, cầu cứu họ. Nhưng người cao lớn đã chặn phía sau, bàn tay hộ pháp đã bóp chặt bả vai anh, xoay mạnh theo hướng người đeo kính đen vừa đón xe hành lý của anh do một nhân viên đưa tới.

– Anh Huy xem, có đúng va ly của anh không? Có đúng ba thùng hàng gửi cùng không?

Người đeo kính đen chỉ cho Huy hành lý của anh, thành thạo như một công vụ mẫn cán. Họ đưa Huy vào một căn phòng sang trọng gần đó, nơi có viên thượng tá công an đeo kính trắng mặc sắc phục ngồi đợi sẵn. Trên ngực áo thượng tá có biển họ tên: Hồ Hữu Nhơn. Thoắt cái, hai nhân viên mặc thường phục đã ra ngoài, biến đi đâu mất. Huy nhìn quanh và nhận ra đây là đồn công an thuộc khu vực sân bay.

Một viên đại uý cao gầy vào rót nước mời viên thượng tá và Huy rồi ngồi xuống ghế bên cạnh, mở sổ, sẵn sàng ghi chép.

Huy lấy thẻ nhà báo đặt lên bàn, trước mặt viên thượng tá.

– Tôi là nhà báo. Tôi phản đối cuộc bắt cóc này.

Thượng tá Nhơn đẩy chén nước cho Huy, nhìn anh, nghiêm nét mặt:

– Anh không được nói như vậy. Đây không phải là cuộc bắt cóc. Chúng tôi mời anh vào đây làm việc.

– Về việc gì? Tôi được chính phủ Hoa Kỳ mời trong đoàn nhà báo Việt Nam sang thâm nhập thực tế và trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp… Có giấy mời và lịch trình hoạt động trong thời gian ở thăm nước Mỹ đây…

– Chúng tôi biết. Tôi vẫn đọc anh trên tờ Việt Trẻ. Tập phóng sự “ Từ Bayon bốn mặt đến cuộc đời muôn mặt” anh viết rất có văn, nhưng thiếu lửa. Đọc anh thấy cuộc đời u ám quá…

Huy sững người. Hình như anh đã gặp viên thượng tá này ở đâu đó, trong một cuộc họp báo hay một cuộc hội thảo văn học. Một nhân vật cộm cán của A25, phòng An ninh văn hoá. Vậy là anh ta vừa từ Hà Nội vào…

– Anh Huy ạ, tất cả mọi hoạt động của anh trên đất Mỹ hơn sáu tháng qua, chúng tôi đều biết – Hồ Hữu Nhơn ngả người, lấy từ trong ngăn kéo bàn một hộp băng và một sấp ảnh, đặt trước mặt Huy – Trong băng ghi hình này có đủ hết. Anh có muốn xem lại hình ảnh anh vác cờ vàng ba sọc đi biểu tình ở Cali không? Anh có muốn xem hình ảnh và bài diễn thuyết của anh tại toà soạn báo Phục Quốc trước mấy trăm đảng viên đảng Việt Tân không? Rồi những quan hệ của anh với những phần tử phản bội Tổ quốc như Nhân Mục, Thái Đàm, Lê Sa Biền, Lưu Sơn? Nhân Mục là nhà văn chống cộng thế nào, anh quá rõ. Lê Sa Biền từng làm báo với anh hồi hắn còn ở Sài Gòn, đúng không? Các anh còn mời Phạm Đăng Sinh từ Toronto, Lưu Sơn từ Paris sang để tụ họp bàn cách chống phá chế độ. Lưu Sơn mới có tập hồi ký cực kỳ phản động. Đó là kẻ ăn cháo đái bát, phản bội tổ quốc. Còn Phạm Đăng Sinh thì lại quá bất mãn chế độ. Hắn có lý lịch bất hảo, nhưng lại muốn leo cao, luồn sâu, cuối cùng không được ăn thì đạp đổ, đạp đổ không được thì chạy ra nước ngoài chửi chõ về… Tất cả những cuộc tụ họp bàn bạc của các anh, có đủ hết trong này. Xin lỗi, nếu quá đi sâu vào đời tư của nhà báo Vũ Bảo Huy, nhưng cũng phải nói để anh rõ, chúng tôi còn có những hình ảnh ly kỳ về cuộc tình của anh với nàng Mỹ Hằng kiều diễm, về một cuộc nhất dạ đế vương giá tới 35.000 USD với người đẹp ở khách sạn thứ 5 thế giới tại Four Saesons, New York trái tim nước Mỹ…

Đòn cân não phủ đầu của viên thượng tá làm Huy choáng váng. Họ như cấy chip điện tử vào người Huy. Mỗi đường đi nước bước của anh đều không lọt khỏi lưới tình báo giăng mắc khắp nước Mỹ. Bỗng lướt nhanh qua óc Huy là những gương mặt của vị đại sứ tại Washington DC, vị Tổng lãnh sự tại Sacramento, rồi các vị tham tán văn hoá, tuỳ viên báo chí…, ai gặp Huy cũng ân cần niềm nở. Chẳng lẽ đó là tai mắt hằng ngày của lưới tình báo mỗi phút mỗi giờ đều gửi hàng ngàn tin tức về các hoạt động của người Việt hải ngoại? Đã đi xa đến hàng ngàn vạn cây số rồi, qua đại dương mênh mông bao la rồi mà họ vẫn không tha, vẫn sợ những con người mang dòng máu Việt quay lại lật đổ chế độ và chủ nghĩa cộng sản? Không thấy hoà giải, hoà hợp đâu, chỉ thấy giăng giăng khắp thế giới một màng lưới dò la, hăm doạ, khủng bố người đồng tộc, đồng bào…

– Kìa, nhà báo Vũ Bảo Huy, chúng tôi nói có gì sai chăng? – Hồ Hữu Nhơn cười rất hồn hậu, làm Huy bừng tỉnh.

– Những điều anh vừa nói hoàn toàn chỉ là suy diễn – Huy nói – Ở những nước có luật pháp, các anh sẽ bị kiện về tội xâm phạm đời tư. Tôi chưa biết trong cuốn băng kia các anh ghi những gì, nên chưa có ý kiến. Lúc này tôi chỉ muốn biết các anh cần gì ở tôi?

– Đó là mục đích mà chúng tôi mời anh vào đây – Cặp kính trắng chao qua phía viên đại uý. Một sấp giấy và bút được viên đại uý đặt trước mặt Huy – Việc anh câu kết với các phần tử phản động nước ngoài là quá rõ. Nhưng trước hết chúng tôi cần anh khai những văn hoá phẩm mà anh mang về từ nước Mỹ là những thứ gì? Có loại gì vi phạm các danh mục cấm nhập cảnh? Cả trong xe hành lý kia, cả trong máy laptop, máy ảnh và điện thoại của anh…

Huy dần cảm thấy vững tin, mỗi khi Nhơn nói. Thuật rung chà cá nhẩy thường tình. Chính họ cũng không biết phải làm gì đối với anh ngoài sự thăm dò, câu nhử để anh bộc lộ mình.

– Hành lý của tôi đã qua máy soi hải quan, các anh có thể soi lại. Trừ vài bộ quần áo, mấy thứ đồ dùng hàng ngày, còn toàn là sách và tài liệu. Sách khảo cứu, sáng tác của bạn bè tặng. Sách về lịch sử, xã hội, kinh tế nước Mỹ, về cuộc chiến tranh mà người Mỹ tham dự ở Việt Nam dưới góc nhìn của họ, về văn chương, văn hoá, địa lý, dân tộc học và xã hội học. Đó là một phần tư liệu cho một đề tài sắp tới mà tôi cần nghiên cứu… Còn trong laptop, máy ảnh, điện thoại là những tư liệu cá nhân, là bí mật đời tư của công dân, đã được Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận, được Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tại điều 125…

Viên thượng tá xua tay:

– Không cần… Chúng tôi là những người bảo vệ pháp luật, chúng tôi biết rõ điều này…

Theo thói quen, Huy sọc tay vào túi áo. Anh nhớ ra là điện thoại đã bị người mặc áo carô giữ. Giọng Huy chợt gay gắt:

– Vậy sao các anh giữ máy điện thoại của tôi? Tôi muốn gọi cho người thân.

Như có phép thuật, chiếc điện thoại Motorola RAZR của Huy, chắc là sau khi đã được mang đi kiểm tra các cuộc gọi và ghi những số cần thiết, đã được viên đại uý đặt lên bàn.

– Điện thoại của anh đây – Hồ Hữu Nhơn đẩy chiếc điện thoại đến trước mặt Huy – Nhưng anh chưa gọi được bây giờ. Anh Huy ạ, hãy nghe tôi. Hãy thành khẩn khai những tài liệu nhạy cảm mà anh đã mang về, cùng mục đích của chúng. Đồng thời thừa nhận đã vi phạm an ninh văn hoá, nếu như anh muốn chúng tôi cho phép anh nhập cảnh…

Huy bỗng bật cười giễu cợt:

– Nếu không cho nhập cảnh thì các anh trả tôi về nước Mỹ sao?

Viên thượng tá thấy mình bị hớ, vội nghiêm sắc mặt, ánh mắt lạnh sắc loé lên sau cặp kính:

– Anh đừng đùa bỡn. Không nhập cảnh được thì nhập kho, chứ làm sao mà du Mỹ mãi được?

Không ngờ, Hồ Hữu Nhơn đã chạm vào cái giây thần kinh có tính di truyền nghìn đời của vùng đất nắng lửa miền Trung. Đôi mắt Huy vằn lên, chuyển màu máu. Loáng cái, anh thành kẻ bất cần đời. Anh nhìn trừng trừng, khiến viên thượng tá phải giả vờ cúi xuống.

– Tôi không muốn nói chuyện với anh. Hãy cho tôi gặp cấp chỉ huy cao nhất của các anh trong vụ bắt cóc này. Và có cả đại diện Viện Kiểm sát nữa. Tôi cũng đề nghị được gặp bạn bè, đồng nghiệp báo chí của tôi.

Huy cầm điện thoại bấm số. Nhưng chiếc Motorola giờ chỉ như cục sắt. Hết pin, hoặc không có sim card.

10

Có trong tay chiếc zippo do ông Út Tám trả lại, nhưng David Bùi lại như người lạc trong rừng, không tìm thấy lối ra. Jemes Quinn là ai? Tạ Kiều Sương là ai? Nếu Jemes Quinn là cha đẻ Bùi thì má đẻ phải là Bùi Thị Bé Bẩy chứ sao lại Tạ Kiều Sương? Phải viết là: “Who ever may rent this will see that there is no other but one girl for me and her lovely name Vietnam is Bui Thi Be Bay. I love her very very much”, chứ sao lại có tên Tạ Kiều Sương? Phức tạp quá. Má ơi, sao má lại cất giấu chiếc zippo này như một báu vật? Sự thật của chiếc hộp quẹt này là gì? Bùi van vỉ và cầu xin bà Bẩy.

Chưa bao giờ bà Bé Bẩy thấy quẫn trí và bối rối như bây giờ. Bà không dám nhìn thẳng vào mắt Bùi. Ánh mắt của nó như bảo: Hoá ra bà cũng chỉ là người mẹ hờ, thậm chí còn hơn cả một người đàn bà ác độc. Bà giấu nhẹm cha mẹ đẻ của tôi để trục lợi, để kiếm cớ đi Mỹ, được vào quốc tịch Mỹ. Bà sợ phải phơi bày sự thật. Bà vẫn không thoát được thói ích kỷ, thói hám lợi con buôn…

– Kìa, má. Sao má cứ khóc hoài? Má vẫn còn giấu con điều gì phải không?

– Không… Má không biết. Má nhặt được chiếc hộp quẹt trong trại Mỹ… Con ơi, cha đẻ con là Giôn chứ không phải người khắc tên trên hộp quẹt này đâu. Mà Giôn cha con thì… không còn ở trên đời này nữa rồi.

– Má nói xạo. Má giấu con. Hôm mới bị mất con zippo má nói khác. Má bảo ba đẻ con không phải tên John. Má bịa ra cái tên ấy cho dễ nhớ. Có đúng tên cha con là Jemes Quinn không?

Đôi mắt trong veo như sắc trời mùa thu của Bùi nhìn sâu xoáy, hệt như ngày nó còn bé thơ, ánh mắt ấy như thấu tận tâm can bà Bẩy. Trời ơi, bà tưởng chỉ hé lộ cho nó biết một nửa sự thật để nó yên lòng. Nhưng bây giờ thì nửa sự thật còn lại cũng không giấu được nữa. Chẳng lẽ bà sẽ mất hết, sẽ trắng tay? Bà không tiếc tuổi trẻ và ngần ấy năm nuôi nấng dạy dỗ nó, mà chỉ sợ mất nó vĩnh viễn. Nó sẽ tuyệt tình, sẽ bỏ bà mà đi. Nó sẽ coi bà như người dưng nước lã… Chỉ nghĩ đến điều đó là tim bà như có ai bóp mạnh, muốn tắc thở…

– Má, má nói đi. Có phải cha con là Jemes Quinn, là người đã khắc tên trên chiếc zippo này phải không?

Bùi hỏi tới ba lần. Bùi ôm vai bà Bẩy lắc mạnh, hệt như hồi thằng Bùi Lai còn tí tuổi, nũng nịu đòi mẹ một điều gì.

Bà Bé Bẩy giả đò đang rất đau, một khối đau gì đó âm ỉ trong tim. Kỳ thực là bà tìm cách lảng tránh. Chưa bao giờ hai con người thật giả, lương thiện và bất nhơn, trung thực và trí trá, lại đấu tranh nhau kịch liệt như vầy. Não bà có lúc như nhão ra, sột sệt bùn nước, có lúc vón lại như đất đá, nhức nhối khủng khiếp.

Nhìn bà Bẩy gục mặt trên hai đầu gối, hai tay vò mái tóc muối tiêu rối bù, lòng Bùi chợt đau xé. Mình có nên bức ép má quá không? Ích gì? Dù má không phải là mẹ đẻ mình nữa thì thay đổi được gì? Trên đời này, thằng Bùi Lai này chỉ có má Bé Bẩy là người thân yêu nhất mà thôi.

– Con xin lỗi má… Thôi má ơi, con sẽ vứt chiếc zippo này đi. Coi như chưa hề có nó trên đời…

Bà Bé Bẩy bỗng vùng dậy, tựa hồ như chính bà đang bị đứa con trối bỏ:

– Đừng, Bùi ơi…, má có tội với con…Má không xứng đáng là má của con. Mấy chục năm nay má đã giấu con. Nhưng bây giờ con đã lớn… Con phải đi tìm cha. Chắc cha con vẫn còn sống và cũng đang tìm con ở đâu đó… Tên ba con ở trên chiếc hộp quẹt ấy đó… Má không đọc được tiếng Mỹ. Có phải tên là J…

– Jemes Quinn má ạ… Quinn là một dòng họ quí tộc.

– Đúng rồi, Jemes… Tên ba con đấy… chứ không phải Giôn đâu. Con hãy đi tìm ba nhé…

David Bùi lại nhìn thẳng vào mắt mẹ:

– Thế còn Tạ Kiều Sương? Là tên của má lúc còn trẻ, đúng không?

Bà Bé Bẩy bỗng rùng mình, ớn lạnh toàn thân. Điều đáng sợ nhất mà bà phải đối diện, thì bây giờ Bùi đang truy bức đến cùng. Không thể nhận bừa, không thể là kẻ biển thủ mãi được. Biển thủ tiền bạc, biển thủ danh vọng… còn có thể được. Nhưng biển thủ nhân thân, mạng sống một con người thì không còn là con người. Hai mươi sáu năm qua bà đã chiếm dụng một danh phận, một tên gọi thiêng liêng, vậy là đã quá đủ rồi.

Những hình ảnh từng chôn rất sâu trong đáy ký ức bỗng ào ạt hiện về. Đó là mùa hè năm hoà bình đầu tiên. Khắp thành phố, tràn ngập màu áo lính, tràn ngập cờ nửa xanh nửa đỏ và cờ đỏ. Những anh bộ đội giải phóng từ trong rừng đi ra, anh nào anh ấy sạm đen, hiền lành, ngơ ngác, đi thành từng đoàn về từng ngõ hẻm trong các khu Khánh Hội, Bình Thạnh, Gò Vấp…, đến từng dãy lều ổ chuột bên kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hũ, Nhà Bè… để giúp dân dọn vệ sinh môi trường, dựng lại những ngôi nhà xiêu vẹo, ổn định lại đời sống. Và tiếng hát, khản cả giọng, ngây ngất, say sưa như chưa bao giờ được thoả mãn. Từ sáng tinh mơ tới lúc nửa đêm, tiếng loa mở hết công suất, chõ vào từng nhà, len lỏi trong từng ngõ hẻm cái điệp khúc hào hùng, vang dội nhưng cũng không giấu vẻ kiêu căng, tự mãn:

“Nơi thành đô trong ánh điện quang

tiếng nấc nghẹn câu cười.

Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô

rên xiết đêm ngày.

Quê nhà ta đau đớn lầm than

sao bóp nghẹt tim người.

Sài Gòn ơi, ta đã về đây,

ta đã về đây…”(**)

Những ngày ấy, lẽ ra Bé Bẩy cũng như các bạn cùng trang lứa, nhập vào các tốp học sinh sinh viên xuống đường tuần hành chào đón chính quyền mới, hoặc xung vào các đội thanh niên xung phong làm nhiệm vụ an ninh, bài trừ văn hoá phản động, làm vệ sinh môi trường…, nhưng đúng dịp đó thì má bệnh, sốt li bì. Bé Bẩy phải thay má, sớm tối đẩy chiếc xe mì đến cổng Tịnh xá Cây Đề để kiếm sống.

Có một thiếu phụ mặc bộ đồ bà ba màu huyết dụ, địu đứa trẻ trong chiếc khăn rằn quàng qua vai, tay xách túi đồ, xuất hiện trước cổng tịnh xá từ sáng sớm.

Ngôi chùa bị đạn pháo làm sạt một góc tam bảo, nghe nói dưới đống đổ nát còn có xác người chết, nên sư trụ trì và các tăng ni dạt đi đâu hết.

Chừng như thiếu phụ muốn tìm người quen ở trong chùa. Mấy lần đi ra rồi đi vô, thỉnh thoảng lại nhìn Bé Bẩy như thăm dò, nhưng vẫn e ngại.

Không nhìn thấy mặt đứa trẻ, nhưng Bé Bẩy thấy thiếu phụ là một người mẹ trẻ xinh đẹp, chắc chỉ hơn Bé Bẩy một hai tuổi, nhưng có vẻ quý phái, đài các, con nhà gia giáo. Đặc biệt nàng có làn da trắng mịn, chiếc mũi dọc dừa và một chấm nhỏ mờ bên khóe trái miệng, trông rất có duyên.

– Mua một ổ mì cho em đi chị Hai. Bánh còn nóng đó… – Bé Bẩy đon đả làm quen.

– Dạ, xin lỗi, em muốn tìm hoà thượng trụ trì… Chị có biết ni sư Thích Diệu Hiên? – Thiếu phụ hỏi và nhẹ nhàng xoay đứa bé qua trước ngực khiến Bé Bẩy ngẩn người thích thú khi nhìn thấy một gương mặt trắng hồng với mái tóc mềm hoe vàng, đôi môi cánh sen chúm chím.

– Chúa ơi, con nít ni đẹp như thiên thần… Số chị hên quá… Thằng cún con ni chắc được năm, sáu tháng rồi… Cháu tên chi hả chị?

Người mẹ giật mình, trả lời trong vô thức:

– Cũng chưa kịp đặt tên… Vẫn quen gọi là thằng cu Ty…

– Em hiểu rồi. Ty tức là Tình yêu. Phải có tình yêu cháy bỏng mới có một thiên thần như thế ni… À quên, chị hỏi mà em chưa trả lời. Em cũng mới chuyển qua đây. Từ hôm tịnh xá bị đạn pháo, không còn ai dám ở nữa… Nhìn thằng nhỏ đã quá. Ước chi em cũng được như chị, có một cún nhỏ thế ni… Nào, cho em bồng một cái lấy hên…

Người mẹ trao đứa con cho Bé Bẩy, nước mắt bỗng lã chã… Chị đứng tần ngần nhìn con, rồi lại nhìn Bé Bẩy hồi lâu, và đột ngột đề nghị:

– Cho em gửi cháu một lát, em thử vào tịnh xá xem còn ai không? Có việc gấp, em muốn tìm ni sư Thích Diệu Hiên quá…

Bé Bẩy hôn hít thằng bé, lấy mũi cù vào má khiến nó cười tít.

– Cứ để em trông giùm cho. Chị đi lẹ đi… Này, cầm cả túi đồ ni.

– Cám ơn chị quá. Cho em gửi cả túi đồ… Em vào trỏng một lát sẽ ra ngay thôi mà…

Người đàn bà đi như chạy qua vòm cổng ngôi tịnh xá bị sập.

Và từ đó không quay trở lại.

Thì ra chị ta đã chuẩn bị sẵn cho cuộc trốn chạy ấy. Trong túi đồ là toàn bộ quần áo, tư trang của thằng nhỏ: một chiếc vòng cổ bằng bạc trắng chạm khắc cầu kỳ hình lân phượng, một vòng tay bằng vàng 24k, một bọc tiền Việt Nam Cộng hoà và một chiếc hộp quẹt zippo bạc khối chạm nổi hình diều hâu vờn cầu, có khắc chữ Mỹ. Vậy thôi, không một dòng chữ nào, một thông tin nào về cha mẹ và đứa con.

***

Toàn bộ lý lịch cuộc đời David Bùi, gói gọn trong mấy dòng chữ trên chiếc zippo ấy. Và câu chuyện bà Bé Bẩy biết về người đàn bà có tên Tạ Kiều Sương để kể lại cho Bùi, cũng chỉ có ngần ấy. Từ cái buổi sáng kỳ lạ đó trở đi, thằng bé có một cái tên đầu tiên và cũng là tên chính thức trong giấy khai sinh: Bùi Lai. họ Bùi, theo họ Bé Bẩy. Tên Lai. Lai tức là thằng con lai. Để Bùi Lai có bố đẻ đàng hoàng, trong giấy khai sinh và trong hộ khẩu, trong tờ khai lý lịch để đi học, tên bố được khai đại là Giôn, quốc tịch Mỹ, mẹ là Bùi Thị Bé Bẩy, quốc tịch Việt Nam.

Suốt mười năm, từ 1975 đến 1985, mẹ con Bé Bẩy sống trong sự thiếu thốn cùng cực, nhưng vẫn chưa thấm tháp gì với sự nhục nhã, tủi cực bởi sự kỳ thị quốc gia, sắc tộc. Đó là những năm ba má và các anh chị em Bé Bẩy bị xua ra khỏi khu Mả Cồn ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc để lên khai hoang tại Hớn Quản, Bình Long. Là dân Miền Tây, từ Chợ Lách, Bến Tre, phiêu dạt lên Sài Gòn kiếm sống, nhưng cả ba má và tám anh chị em chưa bao giờ biết cầm cái rựa, cái cuốc. Nhưng rồi vì đói, đầu gối phải bò. Phải đốt vài cánh rừng ven thượng nguồn sông Sài Gòn để có chục công đất trồng khoai mì, trồng điều. Nhiều phen cuốc vào chân, chém vào tay. Nhiều phen rắn cắn, muỗi đốt vàng da. Mấy phen bỏ về Sài Gòn rồi lại bị hốt lên xe bịt bùng thả về lại Hớn Quản. Thằng Bùi lai Mỹ trắng, đen trũi như lai Mỹ đen. Nó đi học một buổi, một buổi theo má đi rẫy trồng khoai mì, tỉa bắp, tra đậu phộng… Nhiều lần nó theo bọn trẻ vào rừng đốt ong lấy mật, bị ong chích sưng vù, hôm sau đi học, mắt không nhìn thấy chữ. Nó trở thành một đứa trẻ thuần Việt, từ giọng nói, chữ viết, cách đi đứng, ăn mặc, suy nghĩ, mặc dù trong máu của nó có năm mươi phần trăm Mỹ. Công lao đào luyện, hay quá trình kỳ công Việt hoá thằng Bùi Lai trước hết thuộc về người mẹ Bùi Thị Bé Bẩy. Về mặt nào đó, đó là một kỳ tích mà nhà nước Việt Nam rất nên tưởng thưởng huân chương về sự trung hậu đảm đang hoặc danh hiệu bà mẹ anh hùng cho bà Bé Bẩy. Nhưng xét về góc độ hoà nhập với nước Mỹ, về tiêu chuẩn công dân Mỹ, thì David Bùi lại có nhiều khiếm khuyết, bằng cứ là cho tới bây giờ, sau hơn mười năm sống trên đất Mỹ, Bùi vẫn như một anh chàng Annamite thật thà, thậm chí nói và viết tiếng Mỹ còn sai và mắc lỗi chính tả.

– Má là người đàn bà chẳng ra gì – Tiếng bà Bé Bẩy ngạt ngụa nước mắt – Có thời kỳ chỉ ăn khoai mì cầm hơi, nhưng má quyết giữ hai chiếc vòng kỷ vật của con, nhất quyết không bán. Có một lần phải mang chiếc vòng tay đến hiệu cầm đồ. Đó là trận sốt xuất huyết năm con bốn tuổi. Nhưng rồi năm hôm sau má vay tiền chuộc lại. Má muốn giữ khi nào con trưởng thành, lấy vợ, sẽ trao lại. Nhưng rồi đến thời kỳ vượt biên và làm thủ tục con lai để má con mình qua Mỹ, thì má không còn cách chi giữ lại được nữa…

– Thôi má… Hai chiếc vòng đã thấm gì. Có hai triệu chiếc cũng không đủ trả công má đã nuôi con đến bây giờ…

– Nhưng má vẫn tiếc đứt ruột. Đó là kỷ vật vô giá của má Sương con… May mà còn lại chiếc zippo…

Tim David như đứng sững, ngừng đập. Một cái gì đó bỗng xộc lên óc, bàng hoàng. Đúng là từ cái tên Sương.

– Vậy là má đẻ ra con tên là Tạ Kiều Sương, như đã ghi trên hộp quẹt, đúng không má? – Phải một lúc lâu sau, David mới hỏi bà Bẩy, giọng điệu tỏ ra tỉnh khô như hỏi về ai đó.

– Thì tên khắc trên hộp quẹt đó. Má cũng nghĩ là tên Sương, vì trên một tấm khăn musoa để lại cho con, má có thấy thêu tên Kiều Sương.

Đang ngồi ủ rũ như một cái xác, David Bùi bỗng bật dậy.

– Tấm khăn đó má để đâu?

– Má dùng lau cho con đến khi sờn rách. Sau này nghĩ lại má mới thấy tiếc. Nhưng hồi đó ở Hớn Quản, đến chiếc khăn cũng khó kiếm…

Cái tên Hớn Quản bỗng sống dậy cả một tuổi thơ xa lắc. Ngày ấy ai cũng ghét Mỹ. Cái loa của trường, rồi loa ấp lúc nào cũng ra rả những lời kể tội đế quốc Mỹ. Nhiều bài giảng, thầy cô cố tình đưa Mỹ vào như một ví dụ, để liên hệ, đối chiếu. Không ít thầy cô ngại không muốn đến gần Bùi Lai. Cậu bé mắt xanh mũi lõ duy nhất lớp luôn bị bạn bè xa lánh. Bùi Lai chỉ còn biết trốn biệt trong những cánh rừng cây bụi và tràn ngập cỏ Mỹ, một loại cỏ giống cỏ may, nhưng cao ngập đầu người, mùa khô thường đâm hoa tím nâu; cũng nhiều khi cậu trần lưng trên những vạt đồi khoai mì bát ngát, làm bạn với những con bò ngu ngơ, những con thỏ rừng, gà rừng tinh ranh, và tiếng bìm bịp, tiếng cuốc kêu bên sông khắc khoải… Không có ai yêu Bùi, ngoài má, và bà ngoại. Ban đầu, bà ngoại vì thương má mà chăm chút Bùi. Nhưng rồi chính bà ngoại lại thổi vào tâm hồn Bùi những điều mà sau này, Bùi mới hiểu đó là những gì mà thời gian không thể làm mất được, nó sẽ đọng lại tận đáy sâu con người Bùi, giống như các mỏ vàng sa khoáng, tích từng vảy vàng trong triệu triệu hạt cát trôi theo những dòng chảy bất tận, để trầm tích lại, đó là phần mà nước Mỹ của cha đẻ Bùi không thể cho cậu. Má Bé Bẩy của con! Không có má, thì cái tên Bùi Lai cũng không thể có. Không có gì hết. Không có những cánh rừng Hớn Quản với cái nắng cháy khét đến mức mái tóc Bùi tưởng do chính cái nắng đốt cháy chứ không phải là màu tóc nước Mỹ bẩm sinh. Và tất nhiên, làm sao Bùi Lai được trở về nước Mỹ quê cha, để hy vọng tìm lại gốc gác một nửa cuộc đời mình? Không. Không có một bà Tạ Kiều Sương nào cả. Chỉ có má Bé Bẩy của con.

Bùi ào đến bên bà Bẩy, khẽ đỡ mái đầu đang như muốn ngật xuống của bà. Anh nhìn bà qua làn nước mắt giàn giụa:

– Má ơi, – David Bùi khẽ gọi, rồi anh nấc lên – Má ơi, chỉ có má mới đẻ ra con thôi… Con không biết bà Kiều Sương… Má đừng bỏ con mà tội nghiệp…

Như có một dòng nước mát ào đến, làm mềm trái tim đang bỏng rát khô nẻ đến rớm máu, bà Bẩy vừa như cười, vừa như mếu, ôm chầm lấy Bùi, đứa con như chính bà dứt ruột đẻ ra.

– Con không bỏ má chứ?

David như hét lên:

– Không. Không bao giờ. Con chỉ có một má thôi… Má hãy nghe kỹ nhé. Câu chuyện này chỉ hai má con mình biết. Cả dượng Út Tám, cả thằng Jolye Trần cũng không được biết bà Tạ Kiều Sương là ai.

– Vậy có người hỏi, má biết nói sao?

– Chính má là Tạ Kiều Sương. Ngày trước tên má là Tạ Kiều Sương. Má đã yêu một người Mỹ tên là Jemes Quinn, người vì quá yêu má mà đã khắc những dòng trên chiếc zippo này. Khi má có thai con thì Jemes Quinn bị điều động đến chiến trường khác hoặc trở về Mỹ. Vậy đó. Má cứ nói đúng như vậy.

– Ừa, má sẽ nói như vậy – Bà Bẩy sung sướng đến tột cùng – Ngày trước má có tên là Tạ Kiều Sương…

– Đúng thế. Má bây giờ đang là hai trong một. Nếu má nói Tạ Kiều Sương không phải má, mà là người đàn bà khác, con sẽ bỏ đi liền đó…

– Ôi, con trai của má – Bà Bẩy xuýt xoa – Vậy là má yên tâm rồi… Má hạnh phúc vô cùng. Con hãy đi tìm ba đẻ con nhé.

***

Hành là người đầu tiên được David Bùi chia sẻ niềm hạnh phúc quá lớn của đời mình.

– Thuyền Nhân ơi, cậu có tin là mình đã tìm thấy cha đẻ rồi không? – Bùi bấm máy, gọi cho bạn – Lẽ ra Bùi phải nói “cha, mẹ đẻ”. Nhưng anh đã thoả thuận với bà Bẩy rồi. Anh nguyện sẽ coi má Bẩy vẫn là người đẻ ra mình, người từng có cái tên Tạ Kiều Sương, cho đến chừng nào anh tìm thấy thân phận người đã được khắc tên trên chiếc zippo báu vật.

– ÔI, sung sướng quá, Bùi ơi. Cha cậu là một người Mỹ chính hiệu, đúng không? Chúng mình phải gặp nhau để ăn mừng sự kiện kỳ diệu này.

– Đoan Diễm cũng đang ở bên cậu phải không? – Bằng linh cảm, Bùi biết ngay có người đang ngồi cạnh Thuyền Nhân nghe lỏm điện thoại. Anh còn biết, từ hôm Thuyền Nhân nghỉ học ở trường Berkeley, Đoan Diễm lấy cớ phải ở gần trường cho tiện việc ôn thi, đã xin dì Mỹ Hằng thuê một căn hộ riêng biệt. Và bây giờ cặp uyên ương đang ở bên nhau – Này, hay là mình sẽ đến chỗ các cậu.

– Ngay bây giờ ư? – Diễm ra hiệu xua tay, khiến Hành biết ý – Bây giờ thì không được. Mình đang ở Berkeley Hills. Tối nay nhé…

– Nhất định phải có cả Đoan Diễm. Cậu đưa máy để mình nói với Diễm.

– Em nghe thấy rồi – Diễm cầm máy, cười khúc khích – Chúc mừng anh. Bẩy giờ hẹn nhau ở nhà hàng Hương River nhé. Em sẽ rủ một nàng mê anh nhất trần đời…

– Ai đấy? – Bùi hỏi vội – Mà thôi,… không cần đâu… Chỉ mình Diễm là đủ.

– Anh biết rồi còn vờ hỏi… Có người này, cuộc vui của anh Bùi mới thật trọn vẹn. Chuẩn bị đón người đẹp nhé…

Diễm bỏ lửng câu nói, để cho Bùi hồi hộp.

Một ngày tràn ngập niềm vui. Diễm kéo tay Hành chạy giữa vạt đồi cỏ mịn mênh mông. Từ Idian Rock Park, tầm mắt bao quát hầu như toàn bộ vịnh biển San Fransisco với hai cây cầu mỹ lệ: Golden Gate Bridge và Bay Bridge như hai dải lụa căng ngang mờ trong sương khói.

Hành chỉ cho Diễm thấy toàn cảnh thành phố San Fransisco và Oakland bên kia bờ vịnh, và thành phố Berkeley dưới chân núi, rồi thao thao như một hướng dẫn viên du lịch:

– Hết thảy những ai yêu nhau, khi đến California, có thể không đến Hoolywod và Las Vagas, không đến Công viên quốc gia Yosemite hoặc nhiều nơi nổi tiếng khác, nhưng không thể không đến nơi chúng mình đang đứng đây, Inspiration Point, gần Trung tâm nghiên cứu toán học Berkeley. Người ta gọi đây là vị trí mắt thần, đứng ở đây nhìn trời đất, biển cả, con người dễ có cảm hứng vũ trụ, dễ lầm tưởng mình vừa là một nhà bác học thiên tài cỡ như Albert Einstein, lại vừa như một đại văn hào tầm cỡ như Ernest Hemingway, hay nhà thơ Walt Whitman…

– Tuyệt quá – Diễm nhảy lên bá cổ, tặng cho Hành một nụ hôn rõ kêu, rồi cười tinh quái – Thế Thuyền Nhân của em đến đây mấy lần rồi?

– Chưa một lần nào, Diễm có tin không? – Hành nhìn sâu vào mắt Diễm và không ngần ngại nói thật lòng mình – Đây là lần đầu tiên anh đưa em đến Inspiration Point này. Anh chỉ đợi có em…

Diễm đặt tay lên môi Hành, ý bảo anh không cần nói nữa. Rồi nàng kiễng chân lên, hé môi chờ đợi.

Cảm giác ngây ngất bởi nụ hôn đầu, chợt vụt đến với Hành. Từ cái buổi trưa vụng trộm trong căn nhà kho ấy, rất nhiều lần vị hôn ngọt ngào đầu đời trở về trong giấc ngủ, trong khi đi đường, trong lúc đọc sách, như một thứ hương vị đặc biệt lẩn quất trong mạch máu, tan trong từng nếp gấp não bộ, ẩn trong hơi thở. Từng bị bủa vây bởi biết bao cô gái Mỹ xinh đẹp, vậy mà Hành vẫn thờ ơ, thậm chí như vô cảm, dị ứng. Anh chỉ ao ước được yêu một người con gái Việt. Và giờ đây, ước mơ ấy đã thành sự thật. Hành, một kẻ đẻ rơi trên đại dương, suýt bị làm mồi cho cá biển và bọn hải tặc, lại có một diễm phúc tuyệt vời có một ngày được cùng người trong mộng đứng giữa thiên nhiên bao la, giữa trời cao, và biển và núi đồi và cây cỏ của nước Mỹ, để nhìn hút về cố hương, để được ôm nàng trong vòng tay dịu dàng và đặt lên môi nàng một nụ hôn dài như bất tận…

– Có đúng em là người đầu tiên anh hôn ở đây không? – Diễm nói trong ngạt ngào hơi thở? – Sao anh biết những người yêu nhau thường tìm đến đây?

– Tất cả những điều anh nói là nhờ ba anh đấy. Ba là nhà văn mà. Ba anh bảo, bang California này, nhất là thành phố Berkeley này kỳ lạ lắm. Hình như nước Mỹ đã giành riêng nơi này cho cộng đồng người Việt mình từ lâu lắm rồi. Từ thời khai sinh lập địa, chưa sinh ra Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ thì Chúa Trời đã giành riêng dải đất cực tây nam bên Thái Bình Dương này cho người Việt…

– Cho những thuyền nhân người Việt, như anh và cả em nữa… – Diễm chen vào một cách tinh nghịch.

– Đúng thế đấy, mệnh trời sắp đặt mà. Để anh nói tiếp. Hồi chính phủ Mỹ tham dự vào cuộc chiến ở Việt Nam, trước cả khi chúng mình sinh ra mấy chục năm, tức là những năm 60, 70 thế kỷ trước, phong trào phản chiến, phản đối chính phủ Mỹ mang quân đến Việt Nam đã diễn ra đầu tiên và mạnh nhất ở đây. Mỗi tuần có hàng vạn người da trắng, da đen, da màu xuống đường làm rung chuyển cả Nhà Trắng. Trường Đại học Berkeley là nơi sinh viên thường xuyên xuống đường, biểu tình, đốt cờ Mỹ. Em biết không, hai công viên Willard Park và People Park mà anh đã đưa em đi qua đó, chính là nơi thường xuyên tụ tập và xuất phát của các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Thậm chí người ta còn đặt tên cho công viên Willard là HoChiMinh park, công viên Hồ Chí Minh, để biểu thị tình cảm với lãnh tụ và nhân dân Việt Nam.

– Lúc xe đi từ People Park, em nhìn thấy một bức tranh lớn trên tường có vẽ lá cờ xanh đỏ mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam và hình ảnh em bé bị bom napalm đốt cháy hết quần áo…

– Đó là bức tranh phản chiến có tuổi còn hơn cả chúng mình vẫn còn lại trên bức tường ở đường Haste từ năm 1972. Cô bé bị bom napalm, có tên Phan Thị Kim Phúc, là một nhân vật nổi tiếng toàn thế giới, giờ đã là bà Kim Phúc bốn mươi tuổi đang định cư ở Canada… Bức tranh này vẽ theo trường phái tranh tường của các danh hoạ Mexico: Siquerios và Rivera.

– Nếu ở Việt Nam thì bức tranh tường này đã bị đập bỏ từ lâu… – Giọng Diễm buồn như một tiếng thở dài.

– Đó là điều rất khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và Mỹ. Bức tranh ấy sẽ được lưu giữ như một chứng tích về sự sai lầm của nước Mỹ.

– Vậy thì tại sao Berkeley bây giờ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ, đến mức người ta muốn đuổi học anh? Có gì mâu thuẫn giữa việc phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây với việc không thiện cảm với chính phủ Việt Nam bây giờ? Vì sao mọi người đều ủng hộ cờ vàng và tỏ ra căm ghét cờ đỏ và chính quyền Hà Nội?

Câu hỏi khá hóc búa, không phải giành riêng cho Hành, nhưng anh biết Diễm đang muốn ở anh một khả năng nhìn nhận các vấn đề xã hội phức tạp.

– Nếu chú Vũ Bảo Huy ở đây, chắc chắn chú ấy sẽ trả lời thấu đáo cho em câu hỏi này. Vì chú Huy đã được trải nghiệm. Ba anh và các bác Thái Đàm, Phạm Đăng Sinh cũng đã được trải nghiệm… Phải sống ở chế độ Sài Gòn cũ, nói chính xác hơn là phải sống ở một xã hội dân chủ, tự do, mới thấy việc Hiệp hội sinh viên Việt Nam tại California muốn đuổi học anh là có lý của họ. Vì sao ư? Vì anh có vẻ ủng hộ chế độ Hà Nội, muốn nhìn nhận người cộng sản một cách công bằng hơn. Còn họ thì không hề… Họ muốn một xã hội Việt Nam phải giống như xã hội Sài Gòn ngày xưa mà họ đã thân thuộc…

Nhìn vẻ mặt Thuyền Nhân đang nhuốm màu già nua từng trải mỗi khi chạm đến câu chuyện có vẻ chính trị, Diễm bỗng thấy thương cảm.

– Thôi, không nhắc đến chuyện ấy nữa… Anh đã quyết nghỉ học rồi mà…

Nói vậy, mà Diễm vẫn không thể thoát ra khỏi nỗi ám ảnh nặng nề khi phải chứng kiến và chia sẻ cuộc chia tay bất đắc dĩ của Thuyền Nhân với ngôi trường mà anh đã gắn bó một năm qua. Dường như anh lấy cớ để đưa Diễm đi thăm thú mọi ngóc ngách ngôi trường là để anh làm một cuộc giã từ. Diễm có cảm giác như đây là cuộc chia tay mối tình sâu nặng. Ở đâu, mà Hành cùng bạn bè trong lớp, trong khoa đã đặt chân tới, từ khu đồi có các toà nhà Beaux Arts và Neoclassical được thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh John Galen Howard có tuổi đời gần thế kỷ, qua khu phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence và Los Alamos, nơi từng khám phá ra nguyên tố plutonium, để làm ra những quả bom nguyên tử đầu tiên của thế chiến thứ hai, đến các khu giảng đường uy nghiêm, khu thư viện đồ sộ, các khoa, ngành, khu thí nghiệm, thực hành, khu ký túc xá, khu thể thao, vui chơi, quảng trường, sân vận động California Memorial Stadium nổi tiếng, công viên rộng tới hàng trăm héc ta…, đều như là một phần đời của Thuyền Nhân vậy. Trường đại học Berkeley nổi tiếng này, qua cuộc cưỡi ngựa xem hoa mà Hành dành cho Diễm, quả danh bất hư truyền. Đó không chỉ là một thành phố đại học, mà còn là một kỳ quan kiến trúc, văn hoá, với những con đường quanh co lên xuống dốc, những tủ sách công cộng ngoài trời, với cây xanh hoa lá thơ mộng hài hòa như một đại công viên.

Tuy mới một năm được làm sinh viên của trường đại học danh tiếng này, nhưng sinh viên Phạm Hải Hành biệt danh Boat People đã được nhiều người biết đến. Sau vụ cùng David Bùi vác cờ hoà hợp đi biểu tình và bị Hiệp hội sinh viên Việt Nam tại Cali đề nghị nhà trường đuổi học thì tên tuổi Thuyền Nhân càng nổi như cồn. Chính sự quá nổi tiếng này, đã làm Đoan Diễm thơm lây và cô càng hãnh diện. Bằng chứng là hôm Hành dẫn Diễm đến thăm khoa Luật và lớp học của anh. Mọi người trầm trồ chỉ Đoan Diễm, kèm những lời thán phục: Hoa hậu Việt Nam! Tuyệt vời! Người yêu của Boat People là minh tinh Holywood! Rất nhiều các cô Jennifer, Elena, Cathrine, Jeane, Mary, Elizabeth… tóc nâu, tóc vàng, tóc đen, tóc bạch kim từng si mê Thuyền Nhân, đều nhìn Diễm với ánh nhìn ghen tị, thán phục. Kì nhất là cái hôm lớp của Hành mời anh đến đề nghị anh rút đơn xin thôi học, vì Ban giám đốc trường đã bác yêu sách của Hội sinh viên Việt Nam tại California đòi đuổi học anh. Đúng lúc Hành lên phát biểu thì năm sinh viên ôm một bó hoa lớn đến trước mặt Diễm và nhất tề quỳ xuống cầu xin nàng hãy thuyết phục Boat People ở lại với lớp.

– Các anh đứng dậy đi – Diễm khóc vì quá cảm động – Em cũng đã cố thuyết phục Thuyền Nhân hãy ở lại… Nhưng anh ấy đã quyết rồi.

– Thế thì Đoan Diễm phải thế chỗ cho Boat People… – Cả năm chàng trai cùng đồng thanh.

Diễm áp hai tay vào má mình, như muốn kìm nỗi vui sướng.

– Thật không? Các anh chị ủng hộ em nhé. Được vào học trường Đại học Berkeley danh tiếng là ước vọng cháy bỏng của em…

Các bạn nhảy lên hoan hô, ào đến ôm choàng lấy Diễm. Rồi họ nhảy và hát theo đàn ghita:

And so we talked all night about the rest of our lives

Where we’re gonna be when we turn 25

I keep thinking times will never change

Keep on thinking things will always be the same.

But when we leave this year we won’t be coming back

No more hanging out cause were on a different track

And if you got something that you need to say

You better say it right now cuz you don’t have onother day… ”

( Và ta ngồi nói chuyện suốt đêm về tương lai

Khi mà chúng ta lứa 25 tuổi

Ta muốn níu thời gian ở lại

Muốn lưu giữ tất cả mọi điều.

Rồi đây chúng ta ra trường và sẽ khó quay trở lại

Sẽ chẳng được đi chơi đâu vì mỗi người sẽ mỗi ngả

Bạn ơi, nếu bạn có điều gì muốn nói

Thì hãy nói nhanh lên, sẽ chẳng còn ngày nào khác nữa đâu…)(***)

***

Trong những nơi gặp gỡ thường xuyên của người Việt, Hương River gần Santa Valley là một địa điểm gợi nhớ nhiều hình bóng quê nhà. Chủ nhà hàng, một nhà thơ gốc Huế, vợ là một ca sĩ nổi tiếng, tên tuổi gắn liền với nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Với lối kiến trúc, bài trí đậm chất dân tộc, nhiều cây xanh, hoa cảnh mang từ Việt Nam sang, đã đến đây, hầu như ai cũng thấy mình được ôm bọc, đắm chìm vào những kỷ niệm xưa, hoặc được dẫn dụ về miền thơ ấu. Vạt đồi

thoai thoải dẫn xuống mép hồ, có một cây cầu gỗ uốn cong nối với đảo nhỏ có tòa thủy đình tám mái. Ngồi trên những chiếc ghế mây, nhâm nhi ly cà phê phin Bảo Lộc pha theo phong cách Hà Nội, không thể không nhớ cảnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt, hay đoạn xuôi Đập Đá sang Vỹ Dạ, phía nhìn xuống dòng Hương Giang. Kế mép hồ phía dãy sồi già như những tiêu binh của thời gian, là phòng hát karaoke và nhà hàng ẩm thực hai tầng lầu với những đầu bếp chính hiệu người Việt và người Tầu. Nhiều dâu, rể người Mỹ đã đến đây đều không thể

không mời cha mẹ, người thân và bạn bè đến thêm nhiều lần, thậm chí hằng tuần, hằng tháng.

Khi David đánh xe vào bãi đỗ, đã nhác thấy bóng Thuyền Nhân và Đoan Diễm đang dắt tay nhau đi dưới gốc sồi cổ thụ. Một ngày lang thang khắp Berkeley Hills dường như vẫn chưa đủ thoả mãn niềm mê đắm được hoà mình với thiên nhiên của họ. Chao ôi là những cặp tình nhân đang ngấm men say.

Mọi lần, chắc trái tim Bùi đã đau nhói vì ghen, nhưng hôm nay, niềm vui quá lớn khiến anh cho qua hết. Anh ngẩn người lặng ngắm cặp tình nhân, cho đến khi Diễm phát hiện ra anh, cùng Hành đi lại. Bùi ào đến, choàng hai cánh tay dài lực lưỡng nhấc bổng Thuyền Nhân lên, quay mấy vòng. Rồi anh sung sướng chìa má cho Diễm.

– Các bạn nhìn đây – David cầm chiếc zippo giơ lên – Báu vật này với mình là vô giá…

Diễm mở lòng hai bàn tay, như hai cánh sen đỡ lấy bảo vật.

– Ôi, chiếc bật lửa đẹp quá. Thuyền Nhân ơi, bằng bạc khối, chạm trổ tinh xảo quá… Anh xem đi, có chữ khắc đây này…

Từng đọc khá nhiều sách, xem nhiều phim ảnh về cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam, Hành có cảm giác như cầm trên tay một cuộc đời. Những chiếc zippo này cùng dời nước Mỹ theo chân những đoàn quân đổ bộ lên dải đất hình chữ S, mỗi chiếc zippo là một phần đời của người chiến binh. “Who ever may rent this will see…” Những dòng chữ khắc chìm trên vỏ bạc khối như động đậy trước mắt anh.

Máy điện thoại của Bùi réo chuông nhạc.

– Alo, ai đó? Trời ơi, chợ chưa họp mà kẻ cắp đã tới rồi. Anh chị đang ở đâu? Trong phòng karaoke à? Em và Thuyền Nhân cũng vừa đến. Ra ngay quầy café nhé.

Như cơn lốc từ phòng karaoke ra, vợ chồng Jery Trịnh, Elizabeth Thuý Trần và cô em gái Mai Thuỳ Dương ào đến quầy café bên hồ. Bất ngờ nhất là sự xuất hiện của Thuỳ Dương, trong bộ áo dài thuần Việt màu hoàng yến, khiến cô lộng lẫy như một nữ hoàng, làm mấy anh chàng tóc bạch kim ở dãy bàn đối diện nhổm cả dậy.

– David phải thưởng cho em – Diễm nói – Hôm nay chị Mai Thuỳ Dương là khách đặc biệt của anh, nhưng do em mời…

Thuỳ Dương gật đầu chào mọi người, rồi bẽn lẽn ngồi cạnh Diễm và Ely, nhưng mắt lại liếc nhìn Bùi đắm đuối.

– Nghe tin anh David đã tìm thấy cha, em mừng quá.

Jerry Trịnh nói oang oang:

– Hôm ba Út Tám mang chiếc zippo đến cửa hàng, tôi bảo ngay với Ely: “Chắc ba cầm nhầm bảo vật của má Bẩy. Cất giấu kỹ hàng mấy chục năm trời, không thể là con zippo thường. Có khi ông Jemes này là cha đẻ của David”.

– Đúng đó – Ely tán đồng – Mình cũng nhất trí ngay với Jerry, và nói ảnh gọi điện cho David liền.

Hành cầm chiếc zippo, dáng vẻ như một anh chàng chơi đồ cổ:

– Con zippo này, nếu bán đấu giá tại New York, không thể dưới một trăm ngàn USD.

Ely tròn mắt:

– Trời, làm gì mà khủng vậy?

– Các vị nhìn kỹ đi – Hành chậm rãi – Zippo không chỉ là chiếc hộp quẹt, mà từ lâu đã là thú chơi của đấng mày râu và các nhà sưu tầm trên toàn thế giới. Zippo ở chiến trường Việt Nam lại là báu vật gắn liền với hàng triệu lính viễn chinh. Hãng zippo Hoa Kỳ đã có tám mươi năm hình thành và phát triển, tới nay đã sản xuất hơn 500 triệu chiếc, có mặt ở trên 160 quốc gia. Ở Việt Nam, bắt đầu xuất hiện bật lửa zippo từ năm 1965, khi hàng vạn chiến binh Mỹ đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Từ một vài năm nay, zippo bắt đầu phát huy giá trị thương mại, được dùng xăng chuyên dụng. Người ta chia ra các loại vỏ zippo khác nhau: Vỏ vàng khối (Solid Gold), Vỏ bạc khối (Sterling Silver), Vỏ đồng khối (Solid Brass), Vỏ đồng thau, Vỏ thép… Từng loại lại được ốp nổi, khắc, chạm, dập… mức độ tinh xảo, cầu kỳ tuỳ theo nhu cầu của người dùng. Các vị hãy nhìn, con zippo này thuộc loại Sterling Silver, lại được chạm trổ tinh vi…, chứng tỏ chủ nhân của nó thuộc đẳng cấp cao trong xã hội.

Jerry từ nãy cứ gật gù nghe Thuyền Nhân nói, giờ khẳng định:

– Quinn là một dòng họ qúi tộc, có gốc gác lâu đời ở vùng Atlanta. Cha đẻ David, ngài Jemes Quinn, chắc chắn là một lính cậu, nếu không nói là một sỹ quan quí tộc.

Hai cánh mũi David cứ phập phồng, khiến Diễm có cảm giác nó đang nở to ra.

– Nhưng mà Ely thắc mắc: Tại sao lâu nay không ai biết má Bẩy từng có cái tên rất hay là Tạ Kiều Sương?

Mặt David bỗng nóng ran. Anh nhìn quanh, muốn được cứu trợ. Rất may, Thuỳ Dương, từ nãy chỉ im lặng ngồi nhìn Bùi, giờ bỗng lên tiếng:

– Đó là tên Thánh, tên khai sinh, chỉ ghi trong các giấy tờ quan trọng, ngày trước ở Việt Nam không mấy ai dùng hằng ngày…

– Phải đó – Bùi tán đồng ngay và tặng cho cô nàng si tình một cái nhìn khiến tim Thuỳ Dương đập loạn xạ.

Jerry Trịnh cầm chai rượu huơ lên:

– Trời ơi, một khám phá bất ngờ. Bà mẹ vợ Bé Bẩy của tui có cái tên dễ thương vô cùng: Nàng Tạ Kiều Sương kiều diễm. Uống mừng ngài Jemes Quinn đáng kính và nàng Tạ Kiều Sương xinh đẹp.

Tiếng nổ sâm banh bất ngờ làm mọi người giật thót. Jerry giót rượu tràn các ly và giơ lên:

– Chúc mừng ngài Jemes Quinn con. Chúc mừng các ông bố và bà mẹ của chúng ta. Từ hôm nay tôi mời David Bùi cùng tham gia Hiệp hội những người con Mỹ – Việt do chúng tôi mới thành lập. Tôi và cậu sẽ cùng đi tìm cha. Chúng ta sẽ đăng trên báo chí, trên các trang mạng điện tử toàn thế giới.

Diễm rụt rè giơ tay:

– Em nghĩ chúng ta phải đến New York. Bức tường Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) sẽ giúp ta biết ngài Jemes Quinn còn sống hay đã mất…

Phạm Hải Hành nhấn mạnh:

– Chúng ta sẽ làm cả hai việc: Vào Hiệp hội con lai Mỹ – Việt và lên New York để cùng tìm kiếm…

David Bùi cầm ly đứng dậy:

– Nào, uống mừng tôi đi các bạn. Anh Jerry hãy giúp tôi vào Hội những người con Mỹ – Việt. Và ngay tuần sau chúng ta sẽ đến Vietnam Veterans Memorial ở New York. Nhưng tôi cầu mong cha Jemes Quinn của tôi không có tên ở đó. Cha tôi vẫn còn sống và ông cũng đang đi tìm tôi ở đâu đó. Nước Mỹ này, trái đất này rộng mênh mông, nhưng tôi tin, nhất định cha con tôi sẽ gặp nhau.

H.M.T.

———————————-

(*) Những thước phim này, đã được nữ đạo diễn Rory Kennedy (cháu cựu Tổng thống Mỹ John Kenedy) sử dụng để xây dựng bộ phim tư liệu “Lats Days in Vietnam”, ( Những ngày cuối cùng ở Việt Nam), hoàn thành năm 2013, gây chấn động toàn cầu.

(**) Bài hát “Tiến về Sài Gòn” của Huỳnh Minh Siêng.

(***) Bài hát Friend Forever, nổi tiếng với ca sỹ, diễn viên kiêm vũ công Colleen Ann Fitzpatrick, còn có tên là VitaminC.

Comments are closed.