Tiểu thuyết Khuất Đẩu
NGƯỜI GIỮ NHÀ THỜ HỌ
Chương 3
Tiếng sấm rền
Cái bản tin dựng bằng đất quét vôi trắng được anh thông tin nắn nón viết 7 chữ đỏ: Đuổi được giặc rồi, bà con ơi! Rõ ràng đây là một câu reo mừng, nhưng mọi người đang bu quanh chẳng ai chịu nhếch mép hay vỗ tay. Có lẽ trong suốt chín năm họ chỉ hoan hô đả đảo khi nào có lệnh chứ còn tự dưng mà hoan hô thì nếu không phải là thằng điên cũng là một tay coi chừng phản động. Chẳng hạn với địa chủ hay đế quốc Mỹ mà hoan hô thì cả họ nhà anh đi tù là cái chắc. Những chữ viết bằng gạch trộn hồ nói lên một điều rằng, suốt ba ngàn ngày chiến đấu giờ đã kết thúc bằng hiệp định Giơneo, Pháp sẽ rút khỏi miền Bắc để bộ đội Điện Biên tiến vào Hà Nội.
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang
Lúc quân thù đầu hàng
Ngay từ thời kháng chiến, với đôi dép lốp và gậy tầm vông, những anh bộ đội hăng hái đi tòng quân đã hát vang như thế mỗi khi đi qua làng. Giờ giấc mộng trong câu hát đã thành sự thực. Nhưng quân thù đâu đã đầu hàng. Nó chỉ nhường cho ta nửa nước như bẻ đôi một cây mía để cho ta một khúc ngọn nhạt phèo. Ngọt sao được khi bốn tỉnh Nam Ngãi Bình Phú này phải giao cho nó!
Những người đứng xem bàn tán. Một người nói: vậy là mình chỉ có nước húp mắm! Sao vậy, người khác hỏi. Còn sao gì nữa, ai đâu ngoài bắc mừng chớ mình mừng gì nổi. Tây nó tới đây ở đó mà mừng! Ờ há, một người khác kêu lên. Bọn họ chừng năm người, áo bà ba quần đùi xăn tới háng, để lộ những cặp chân không phải tươi mướt như cô đầm lai dạo nọ mà đen đúa lỏng khỏng như những khúc thù đâu phơi khô. Trong số họ có thủ ngữ Đực, nó nói, Tây tới đây thì đánh nữa chớ sợ gì. Nó lại hét toáng lên, giặc thua rồi không thấy à? Hoan hô lên chớ, hoan hô! Nhưng chẳng ai hô theo. Chỉ có vài đứa trẻ từ trong xóm chạy ra hô: muôn năm thủ ngữ Đực! Nó vểnh tai nghe rồi cười lớn, muôn năm để dành cho Bác, tao chỉ muốn một trăm năm thôi, hi hi!
Đó là tiếng vọng của bản tin một ngày đầu thu khi hiệp định Giơneo được ký kết sau hai năm kỳ kèo. Cái xóm Miễu một thời rộn ràng cờ xí giờ im lìm mỏi mệt như một con trâu già muốn ợ lên nhai lại nhưng suốt mấy ngày qua chưa có cọng cỏ nào trong bụng.
Nhưng tối đến bọn trẻ con cầm đuốc, cùng với trống mõ phèng la đi khắp làng mang cái tin mừng vĩ đại đó đến khắp mọi nhà. Đuổi được giặc rồi! Được rồi! Được rồi! Chúng vừa hô vừa giẫm chân bành bạch. Nghe ra thực mỉa mai. Bọn trẻ con quên mất rằng, theo như lời cô Thảnh, thì chúng là cái món đồ chơi rất được ưa thích của bọn thực dân. Rằng chúng sẽ bị xỏ xâu từng chùm liệng xuống biển. Rằng những cô gái dù xấu hay đẹp, ngay cả bà già cũng sẽ bị chúng hiếp. Làm như chúng đem bao nhiêu binh đoàn sang đây chỉ để làm mỗi một việc ấy thôi.
Nhờ cái tin chiến thắng ấy mà bọn chúng đã không đến chọc phá nhà ông nữa. Được một đêm không bị những tiếng đả đảo làm cho đầu óc muốn phát cuồng, ông ngồi cột sửa lại dây chuông. Rồi ông đánh đúng bốn mươi hai tiếng như thường lệ, những tiếng chuông rè rè như hơi thở thoát ra khỏi cổ họng của một người bị hen. Không biết do hôm ấy ông đánh quá nhiều tiếng, quá mạnh tay hay vì rơi xuống phản nên bị bể. Dù sao cũng còn có cái để mà đánh thành tiếng gọi hồn bốn mươi hai người chết. Chuông rè chẳng biết ở tận dưới đáy mồ, họ có nghe thấy không. Sắp đối mặt với cái chết đã được báo trước, ông thấy mệt mỏi chẳng muốn suy nghĩ gì thêm nữa. Ông tìm chiếc võng dây dừa đã rách nằm rất xót, nhưng có đưa qua đưa lại một chút may ra mới có thể ngủ được. Cô con dâu giúp ông cột võng rồi chui qua lỗ ra ngoài.
Trời đã vào thu nhưng hãy còn rất nóng. Ông nằm đưa võng nghe tiếng kêu kẽo kẹt lại nhớ tới tiếng nghiến răng của con dâu. Có một cái gì đó rất lạ trong tiếng nghiến răng ấy. Nó mơ hồ gợi ông nhớ tới những hình ảnh xa xưa nửa tỏ nửa mờ. Không phải lạnh lẽo như bóng ma, không phải êm đềm dịu dàng như những ngày thơ ấu. Một cái gì như từ trong xương thịt của chính ông trỗi lên. Một cái gì đó đã lâu bị bỏ quên giờ đang cựa mình thức dậy…
Có tiếng cô con dâu vừa chui vào, cha ơi, còn 5 ngày nữa là giỗ mẹ đó cha! Ông giật mình: ờ, ờ ta nhớ chớ. Có điều như thế này thì biết cúng giỗ làm sao. Cúng chay mà cha, với mẹ chỉ cúng một chén cơm và chút muối thôi mà. Cần nhất là phải có nhang thơm và bông để cắm trên bàn thờ. Việc ấy cũng dễ mà, con sẽ lo cho. Ờ, ông lảm nhảm rồi ngủ lúc nào không hay. Đó có thể nói đó là một đêm bình yên nhất của ông trong suốt chín năm kháng chiến.
Sáng hôm sau, ông Khứ cùng với hai du kích tới tận nhà. Bọn họ cúi xuống lỗ chõ miệng vào gọi tên ông. Ông giật mình té khỏi võng phải lồm cồm bò dậy. Một tay ông nắm cái lưng quần đã đứt mất dây, một tay dụi mắt lò dò chui ra khỏi lỗ. Ông chưa kịp đứng lên đã bị ông Khứ nói như quát: ăn mặc như vậy mà đứng trước mặt chính quyền hả? Dạ, cháy hết rồi, dạ, để tôi vào cột lại đã. Ông cảm thấy vai mình bị ấn mạnh xuống rồi bị đẩy vào lỗ. Một lúc sau, khi tìm được dây nịt của đứa con trai ông nịt ngang lưng chui ra.
Lên ủy ban, ông Khứ ra lệnh. Hai du kích cầm gậy kèm hai bên. Giá như có được hai cái súng thì chúng càng oai vệ hơn nữa.
Ủy ban thực ra là cái trường bình dân học vụ lợp tranh. Nhiều chỗ tranh bị gió nam cuốn đi mất nên ngồi bên trong trông thấy cả màu trời xanh và những đám mây trắng. Một cái bàn thầy giáo nứt nẻ nhiều chỗ vênh lên. Hai cái bàn học có hộc và ba cái băng dài. Ông Khứ ngồi vào bàn thầy giáo nhịp nhịp chân làm chiếc ghế gỗ và cái bàn rung rinh theo. Cuộc hỏi cung bắt đầu.
Hỏi: Tại sao xây vách bịt kín nhà như vậy?
Đáp: Dạ thưa cách mạng, nhà cháy xây tạm để ở.
Hỏi: Nhưng sao lại bịt kín. Âm mưu che giấu cái gì?
Đáp: Dạ chẳng che goấu cái gì cả. Chỉ vì không còn miếng ván nào làm cửa. Không tin mời chính quyền tới khám.
Hỏi: Còn tỏi hành để đâu không thấy?
Đáp: Dạ nó bán hết từ lâu rồi.
Hỏi: Láo, cả tấn mà bán hết rồi à?.
Đáp: Dạ hết thiệt!
Hỏi: Đêm tối mà tiếp ai rì rầm trong đó?
Đáp: Dạ cha con nói chuyện với nhau.
Hỏi: Nói chuyện gì?
Đáp: Dạ chuyện làm đám giỗ vợ tôi.
Hỏi: Định mời những ai?
Đáp: Dạ cúng chay, không mời ai cả.
Hỏi: Nhà sao thờ nhiều bài vị thế?
Đáp: Dạ đã 12 đời nên có nhiều người chết.
Hỏi: Ai chết có nhớ không?
Đáp: Dạ không nhớ nổi.
Ra lệnh: Kê khai tên tuổi những người dã chết, lý do chết. Chiều nay nộp!
Ông thủ bản lùng bùng trong tai, không ngờ lại có một cái lệnh lạ lùng như vậy. Các đảng viên chỉ khai lý lịch đến ba đời là cùng sao ông lại khai đến những 12 đời? Cho dù có đem đi xử bắn hay đi đày (cải tạo) cũng đâu cần khai nhiều như thế.Tuy vậy, ông không thể không vâng lệnh. Không khai là mệt với hắn, ông nói khi cô con dâu thấy ông định tháo từng cái hộp đựng bài vị ra. Đây là việc không nên làm mà vẫn phải làm Tháo bài vị ra cũng giống như quật mồ người chết. Tay ông run run, mắt ông như mờ lệ. Từng miếng gỗ sơn trắng viết chữ đen hiện ra, nhưng chẳng miếng nào đọc được. Không hiểu vì sức nóng hay vì lâu năm giờ chỉ còn là một chút bột trắng như xương của người chết dưới mồ. Ông đành xếp tất cả vào hai cái thúng bảo con dâu nấu cơm ăn rồi mới đi nộp.
Chiều, ông sai con dâu gánh cả thúng bài vị đi theo ông xuống ủy ban. Ông Khứ cùng với cô Thảnh đang ăn dưa gang với đường trên bàn thầy giáo. Thấy cha con ông vào, ông Khứ đẩy miếng dưa sang một bên quẹt tay áo lau miệng, hỏi:
– Gánh cái gì vậy?
– Dạ, 42 cái bài vị.
– Sao lại gánh tới đây?
– Dạ, mục hết rồi không đọc được.
– Thì nhớ, ông bà tổ tiên nhà mình mà không nhớ à?
– Dạ nhiều quá, lâu quá, làm sao nhớ nổi.
– Vậy là bất hiếu, làm thủ bản mà không biết ai chết để khấn vái thì làm cái kiểu gì.
Ông bị mắng té tát nhưng đành ngậm miệng. Có cãi cũng chỉ để được mắng thêm mà thôi. Có lẽ cô Thảnh thấy cái việc kê khai này kỳ cục quá, chưa thông qua chi bộ nên cô nói: thôi nhớ bao nhiêu khai bấy nhiêu. Về đi!
Giống như những cơn mưa giông, những trò ngang ngược này mới chỉ là một vài cái chớp giật, báo trước cơn cuồng nộ sắp xảy ra. Sẽ còn nhiều trò khủng khiếp hơn. Con mèo đã bắt được chuột mà thả ra là để thử cái vuốt thêm nhiều lần nữa. Hai cha con ông giống như hai con chuột lốm thốm ra khỏi miệng mèo.
Ông bảo cô con dâu đem bài vị vào nhà. Chẳng còn nhớ ai ở trên cao ai ở dưới thấp, ông sắp đại bốn hàng trông cứ như những bia mộ nhỏ xíu. Bàn thờ họ Phạm trở thành nghĩa trang! Cho rằng có một sự lộn xộn làm tổ tiên quở mắng, ông lại đánh 42 tiếng chuông rè để xin được tha thứ. Sau đó ông khó nhọc lắm mới tìm được một tờ giấy và cây bút chì.
Ông ghi:
Cha Phạm văn Mân, chết già.
Mẹ Nguyễn thị Hồng, chết già.
Em trai Phạm văn Đức, chết chìm.
Em gái Phạm thị Hiền, chết treo.
Vợ Trần thị Châu, chết trèo cau.
Thật là một bản kê khai cười ra nước mắt. Không chừng sau cái bản khai này hắn lại xỏ lá để cho đúng vần eo, ghi bản án dành cho ông là chết tùng xẻo! Dám lắm đó. Nghe nói ở Trung Hoa nông dân chưa có lệnh đã nhào vào mỗi người xẻo một miếng thịt của địa chủ để ăn vì căm giận. Cái đám quần chúng ốm đói đó chỉ cần hứa cho một cái chén ăn cơm của bọn nhà giàu là rùng rùng nổi xung thiên lên, và, đúng lúc đó, có kẻ nào hô móc mắt nó ra hay nhổ tóc nó đi là cả trăm cả ngàn con người tay chân khẳng khiu bỗng trở thành cọp beo, chó sói. Để diễn tả cái khối đại đoàn kết khổng lồ đó người ta bảo, chỉ cần mỗi người phun một bãi nước bọt là đủ làm hắn ngập lụt.
Thật là may cho ông, cái tin đình chiến hoà bình đã làm cho đời sống bỗng dưng sắc màu đổi khác đôi chút. Đầu tiên là người ta thoải mái đội một chiếc nón trắng mà không sợ bị trét bùn lên. Các cô gái được khoe chiếc kẹp tóc óng ánh dưới mặt trời. Và người ta cứ thế mà đi ngời ngời không còn sợ máy bay. Để điểm thêm một chút mới lạ vào cuộc sống tăm tối nghèo nàn, người ta mở cả kho chiến lợi phẩm đem ra bán ở gò Vân Sơn. Thế là cả làng rùng rùng kéo nhau đi, dĩ nhiên là không sót một đứa trẻ nào trong đội Cờ đỏ. Nhờ vậy ông có được những buổi chiều yên tịnh và tối đến dù tiếng chuông của ông bị rè vẫn nghe vang vang đủ bốn mươi hai tiếng.
Chợ chiến lợi phẩm bày ra dưới hai cái dù thật to. Tất cả những món hàng trong chợ cũng đều của Pháp, dĩ nhiên là không có súng đạn. Thực ra ngoài món thịt hộp ăn được ngay và một ít xà phòng thơm mà ai cũng muốn hít thử, còn tất cả là hầm bà lằng chẳng biết mua để làm gì. Như những cái nĩa, những con dao găm, những cái quần lót, áo nịt ngực không hiểu sao cũng tịch thu được và giờ đây đem ra bày bán.Tuy nhiên vì là của Pháp nên nhiều người cũng bóp bụng mua thử một vài món để có mà về khoe với xóm làng. Trúng đậm nhất là mấy tay cờ bạc, bọn họ mua được những cỗ bài tây rất đẹp, xoè ra như rẻ quạt. Chắc hẳn bọn họ đang mơ đến những trò đỏ đen mới hấp dẫn hơn chứ không phải những trò bong đôi xóc dĩa đã quá nhàm.
Chợ rất tự do, ai có tiền muốn mua gì cứ mua. Không cần biết anh là bần cố nông hay địa chủ. Vì vậy cô con dâu của ông thủ bản cũng chen vào mua được cho cha chồng một bộ đồ lính và cô một chiếc áo đầm để mặc tạm. Gan nhất và lì lợm nhất, trông trước ngó sau, cô mua cho ông cụ một chai rượu tây mà trong suốt bao nhiêu năm cứ đến giỗ tết là nghe ông nhắc đến một cách thèm thuồng. Cô cũng mua thêm hai hộp cá trích nghe nói rất ngon. Bao nhiêu đó cô phải mất đến cả thúng tiền tín phiếu. Ghé lại nhà ông anh rể cô cho anh một hộp cá để cảm ơn anh đã giấu giùm hàng và tiền. Rồi cô băng đồng mà về trong đêm tối.
Khi thấy những món hàng cô mua được, ông thủ bản mở to mắt như không tin là thực. Nhất là chai rượu. Ông run run cầm lên soi trước mặt, miệng lẩm bẩm: thế này là chết sớm đây, nó mà biết được thì chẳng còn đất sống. Nhưng đã mua rồi thì uống, sợ gì. Đúng là mày gan cùng mình! Dạ, cha cứ uống đi, có cá hộp đây, ngon lắm. Nói vậy chứ làm sao mà uống được bây giờ. Để ta kiếm cuốc đào lỗ chôn.
Ông mò mẫm một lúc trong góc tối, kéo cây cuốc, thò đầu qua lỗ nghe ngóng động tĩnh rồi mới chui ra. Ngó ra sân ra vườn trống trơn, ông thấy chôn chỗ nào cũng có thể bị bọn chúng tìm ra được. Suy nghĩ một lát, ông quyết định chôn ngay ở phía trước lỗ ra vào, tin chắc là chúng không thể ngờ. Ngày mai mình sẽ đổ nước trét cho láng rồi rải đất cát lên, ông nghĩ. Bỗng dưng ông mỉm cười trong đêm tối. Khi uống xong mình sẽ đái vào rồi vặn nút chai lại, giả bộ sao có vẻ khả nghi để nó khui lên. Khà khà. Cứ uống cạn đi, đồ khốn nạn!
Đêm hôm ấy ông đã ăn một miếng cá trích ngon nhất trần đời. Cả xương và thịt cá tan trong miệng thấm dần trong cổ ngọt không chịu được. Quả thật, ông thèm một ly rượu nhưng sợ quá. Chỉ cần nghe mùi rượu là nó phá vách ra lục tung cả nhà. Chết thì không sợ nữa rồi, nhưng nó lấy mất chai rượu thì tiếc lắm. Ngày trước mỗi khi đi xuống Qui Nhơn, chỉ cần một xâu nem một chai rượu là đủ vui ngất trời. Thuê một chiếc xe kéo chạy khắp phố phường cũng chưa hết một đồng. Không biết tiếng Pháp nên chẳng biết chai rượu đó tên hiệu gì, nhưng cứ rượu Pháp là nhất rồi. Sao cái thằng giữ kho chiến lợi phẩm lại đem bán, ngu dữ vây. Nhưng chắc không ngu đâu, nó có cả đống, giả bộ bán vài chai rồi nói hết, ai biết. Chà, truởng kho chiến lợi phẩm, đúng là to hơn cả kho gạo.
Nhiều năm qua, chưa bao giờ ông thấy hả hê sung sướng như lúc này. Không có một giọt rượu nào nhưng ông lại thấy lâng lâng. Ông bỗng ư ử hát một câu hát khách và đánh trống miệng thùng thùng. Ông hứng chí đứng lên, khoành tay giả bộ vuốt râu, cung chân lên, liếc mắt hát bài tẩu mã. Cô con dâu đứng xem, khen cha hát hay quá. Ông nói, dân Bình Định mà, ta hát thì dở, nhưng cầm chầu được lắm. Tụi đào kép rất thích. Đánh chầu mà cứ nện vào trong miệng như mấy thằng khác thì thế nào cũng bị chửi.
Quái, ông nằm trên võng nghĩ, sao của thằng Pháp thứ gì cũng ngon vậy, không có cách gì khác hơn hay sao mà đánh nhau với nó. Mai mốt tới đây, nội cái món cá hộp của nó cũng đủ làm cho tụi du kích quăng gậy đầu hàng. Ờ, mình ráng sống tới ngày đó. Mình có làm gì đâu mà phải sợ. Nhưng thằng con của mình hơi mệt à nghen. Sao nó biệt tăm không tin tức gì về nhà hết. Ngay cả mẹ chết mà nó cũng không về. Không chừng nó bị bắt làm tù binh và đợi chờ trao trả. Cứ còn sống là được. Tù binh mà có cá hộp ăn thì cũng sướng chán! Ông lơ mơ muốn ngủ.
Bỗng bên ngoài có tiếng quát: mở cái lỗ chó chun của nhà mày ra! Ông và con dâu vùng dậy hợp sức đẩy cái rương. Một cây đuốc mù mịt khói thọc sâu vào. Lê thị Cư đâu, mau chui ra đây. Cô con dâu run rẩy ôm lấy vai ông. Ông nói, giờ này ra làm gì? Cãi hả. Nó bị bắt biết chưa. Ông cũng run, không phải vì sợ mà vì giận, Nó làm gì mà bị bắt. Không làm gì cũng bị bắt biết chưa. Ra mau! Ông đành phải gỡ cái đầu của con dâu đẩy nó chui ra. Ông cũng ra theo, nói để trấn an: không sao đâu. Con có làm gì đâu mà sợ.
Bọn du kích đẩy cô đi, mất hút vào bóng đêm. Chỉ còn nghe xa xa có tiếng khóc.
Cơn giận làm cho ông đứng mãi giữa sân không chịu vào nhà. Sao dễ dàng như vậy, còn hơn bắt một con heo trong chuồng. Chẳng lẽ đi mua đồ chiến lợi phẩm cũng bị bắt sao. Nếu thế phải bắt cả làng. Hay là có ai đó thấy nó mua chai rượu. Ờ cỡ như mình mà mua rượu là không được rồi. Nhưng chắc không phải, nếu biết thế thì chúng đã lục tung lên rồi. Vậy thì bắt vì cái gì. À mà như chúng vừa nói, không vì cái gì cũng cứ bắt. Ông bỗng giật mình: nhỡ nó đem đi cho mò tôm thì sao? Lẽ ra mình phải đi theo. Muốn giết phải giết cả hai mới bịt được miệng. Nghĩ thế ông vội vàng chạy ra ngõ. Theo hướng tiếng khóc, ông chạy tới trụ sở ủy ban, giờ cũng giống như một bót cảnh sát.
Cô con dâu được đưa đứng trước mặt mụ Thảnh. Và đây là những lời xét hỏi.
– Mày đi Vân Sơn mua gì?
– Chiến lợi phẩm.
– Ai cho phép mày mua?
– Ai có tiền thì mua, không cấm.
– Tiền mày để đâu nhiều thế?
– Để đâu mặc tôi. Tôi không ăn cắp của ai.
– Mày ăn cắp của nhân dân.
– Tôi buôn bán.
– Buôn bán là ăn cắp.
– Bán chiến lợi phẩm cũng ăn cắp à.
– Khác. Đó là lấy của giặc, bán cho dân. Chứ không phải như mày lấy của dân bán cho giặc. Mày phải nôn mửa hết những gì lâu nay mày ăn cắp của dân thì mới được thả ra.
– Tôi chẳng có gì phải mửa hết.
– Thì nhốt. Anh em du kích đâu, giam nó lại.
Thế là con nhỏ gan lì cứng đầu ấy bị đưa vào cái miễu bỏ hoang bên cạnh. Ông đứng một lúc rồi đành đi về. Phải nghĩ cách gì đó chớ không thể làm ầm ĩ lúc này. Chồng nó đi bộ đội, dù là con nhà địa chủ cũng chưa ai dám giết nó. Hay là lên Đập Đá gặp thằng anh rể nó, có bao nhiêu tiền gánh đem về nộp thế mạng cho rồi. Nghĩ vậy, không cần về nhà, ông băng đồng đi ngay trong đêm dù lúc ấy đã quá khuya.
Bao nhiêu vốn liếng của nó quả là gửi cho bà chị ruột giữ. Khi nghe nó bị bắt và nghe chính ông là cha chồng nó định đem tiền về chuộc mạng, bà chị và ông anh vừa khóc vừa khiêng tiền ra. Ông anh nói, hay là chú để cháu gánh cho, nặng lắm. Ông nói, gánh được. Không sao đâu. Tôi còn khoẻ lắm mà. Nói thế chứ ông cũng cảm thấy oằn lưng vì mấy chục triệu tiền tín phiếu. Tiền nhiều như vậy đó, cứ hai gánh tỏi là một gánh tiền!
Y như rằng mọi sự từ mắng chửi, bắt bớ, đấu lý đấu lực cũng chỉ để lòi tiền ra mà thôi. Khi một gánh tiền nặng quằng đặt trước mặt ông công an Khứ và bà chủ tịch phụ nữ Thảnh là con nhỏ được thả ra ngay. Bọn họ chỉ thòng một câu đẩy đưa: về lo làm ăn đừng buôn gian bán lận nữa.
Hai cha con trở về, mệt nhoài chui vào hang, nằm vật ra ngay trên nền đất lúc này giống như nền xà lim. Những sự việc cả vui lẫn buồn dồn dập suốt một ngày qua làm cho họ thấy người như bị kéo dài ra còn đầu óc thì kêu vo vo như đang nhóm lửa. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, ai cũng biết vậy nhất là sống trong thời giặc giã, nhưng không ngờ lại khó khăn như thế này. Mà đâu phải trời đất hay tây đen tây trắng gì cho cam, chỉ là những người cùng xóm với nhau. Mới đây thôi, khi chưa có phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giai cấp, thì dù có không ưa nhau mấy, lúc gặp nhau vẫn còn hỏi đi đâu đó, còn nói dả lả vài lời chứ đâu có nghiệt ngã như lúc này. Còn hơn cả quan phủ quan huyện, y như cai ngục ở dưới chín tầng diêm vương.
Bên ngoài, không một tín hiệu nào báo trước, trời bỗng trút suống một trận mưa cùng với sấm chớp nhang nháng. Mưa xối xả, mưa ngọt ngào, mưa làm sống lại cả những người đã chết. Mưa giúp họ quên đi mọi tiếng quát tháo, quên tiếng hô đả đảo, quên đất đá ném vào nhà. Cả hai cùng chụm đầu nhìn nước chảy rồi bất ngờ chui ra khỏi hang nhảy tưng tưng như hai đứa nhỏ.
Họ tắm mưa!
Họ uống mưa!
Họ giỡn mưa!
Suốt mười ngày qua họ chưa hề biết đến tắm giặt. Chỉ có mỗi một bồ đồ cáu bẩn đầy mồ hôi mặc trên mình lúc nhà cháy mà thôi. Họ khổ sở ngứa ngáy mà chẳng biết làm sao. Hôm nay, ông có một bộ đồ của lính ngụy, cô có một cái váy, tuy rộng thùng thình nhưng cũng có để mà thay ra giặt. Họ sung sướng để những giòng nước mát lạnh chảy tràn qua thân mình. Bao nhiêu tức tối, lo sợ, mệt nhọc đều bị nước cuốn trôi. Nước làm cho đầu óc họ trong sáng, da thịt tươi tắn như bông vải đang nở ra. Họ quên mất là cha chồng nàng dâu, té nước vào nhau rồi hét lên. Họ còn tinh nghịch đứng dưới mái hiên để nước mưa trộn đầy đất cát trên mái chảy vào người, rồi kỳ cọ như đang tắm bùn. Họ còn lăn lộn trên sân ngập đầy nước và tro của mái nhà đã cháy. Sau cùng họ đứng lên để nước từ trên trời cao tinh khiết rửa sạch cho đến khi cả người thấm lạnh mới chui vào nhà. Họ âm thầm cởi áo quần trong bóng tối rồi chui vào những bộ đồ mới mua rất lạ lẫm, rất buồn cười. Họ cuộn tròn trong đó như con nhộng trong lòng cái kén.
Ông thấy mình như sống lại bốn mươi năm trước đây. Hai anh em ông trần truồng chạy dưới mưa. Những giọt nước mưa ném vào người rát rát. Ông nhập bọn cùng với bọn trẻ trong xóm. Chúng nó cũng trần truồng, môi tím ngắt vì lạnh, chim đứa nào cũng teo đen như một hột mít lùi. Cả bọn rượt đuổi nhau, lăn lộn trên đường, há họng thét to mỗi khi có tiếng sấm, rồi sau cùng là nhảy xuống sông chia nhau nhận nước. Bốn mươi năm, mới đó mà xa quá xa. Sao mau quá. Nhưng chín năm lại khác. Lại rất dài. Hơn ba ngàn ngày, ngày nào cũng rất dài. Mỗi một ngày cứ như một kiếp. Mà kiếp người thì có đến cả trăm năm! Thôi đừng nghĩ lung tung nữa. Trời mát quá, ngủ!
Cô con dâu chưa ngủ nên không có tiếng nghiến răng. Nước mưa làm cho người cô như toả hương. Cô như bơi trong cái váy to lùng bùng. Cô kẹp tay vào giữa hai đùi cảm thấy mặt nóng bừng khi nghĩ tới chồng. Đã bảy năm xa nhau, cô gần như chẳng còn nhớ chút gì ở anh. Cái mặt nhiều mụn thì còn nhớ đấy nhưng chẳng có thú vị gì. Còn những thứ khác sao nó mơ hồ quá, ít ỏi quá. Môi anh? miệng anh? nói ra làm sao? hôn ra sao? cô quên mất!
Cô giật mình khi nghe có tiếng ngáy và lẫn trong mùi nước mưa có một mùi gì ngai ngái rất lạ làm cô nhắm mắt.
Trời vẫn tiếp tục mưa. Cái mái đất gọi là da cái đang bị bào mòn. Đã có một đội chỗ trôi hết khiến nước bắt đầu chảy xuống trong nhà. Cả một cõi nhân gian nhỏ bé là làng An Định với bao nhiêu xỉa xói hoạnh hoẹ, bao nhiêu đêm học tập, bao nhiêu ngày biểu tình, hô đả đảo đến cháy họng, hô kiên quyết đến hụt hơi, hết đào đường phá cầu đến tiêu thổ kháng chiến… giờ tất cả chìm trong mưa như trong một cơn đại hồng thuỷ.
Thôi mặc xác những gốc tre chẻ làm tư, mặc xác nhưng bãi mẻ chai, hãy quên, quên và ngủ, ngủ. Cha ngủ. Con ngủ. Và mong cho chúng nó cũng ngủ.
Ừ thì ngủ, nhưng còn những cái thùng thiếc, những cái mõ, những cái trống
Mặc kệ nó
Còn những thằng mặt dài như mặt ngựa
Kệ nó
Còn những con vú dài tận rốn
Kệ nó
Còn những Khứ, những Thảnh
Đã nói rồi mà, kệ mẹ nó
Nhưng nó là ai trong ngôi nhà này
Là con dâu
Sao nó nghiến răng dữ vậy
Cũng như mình ngáy thôi
Sao nó lại đi mua cái bồ sứt cạp đó mà mặc
Tối mặc ngủ chớ có đi đâu
Mặc thế nó có lạnh ở trỏng không
Lạnh ấm gì kệ nó
Nó muốn bắt chước mụ đầm lai đó à
Đã bảo câm họng lại ngủ đi
Ừ!
Ngủ!
Ngủ!
Cha ơi!
Cha ơi1
Tiếng cót két của bốn chân giường
Tiếng thằn lằn tắc lưỡi
Tiếng sột soạt gãi ngứa
Tiếng bánh xe sắt nghiến
Tiếng con dế kêu trong hang
Tiếng con cóc coọc nghiến răng
Tiếng đập bàn quát
Tiếng há họng ra la
Tiếng chuông của chùa Thiên An
Tiếng mõ của thằng mất dạy
Tiếng chuông bể kêu rè rè
Tiếng khóc thút thít
Và mùi xăng còn thấm trong các bức vách
Mùi đất khô tẩm nước mưa
Mùi đất nhão thành bùn
Mùi củi cháy
Mùi mồ hôi
Mùi của giống cái
Mùi của giống đực
Cha ơi!
Cha ơi!
K.Đ.
(Xem tiếp kỳ sau)