Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 5)

Tiểu thuyết Khuất Đẩu

LÃO TIỀN BỐI

1.

Nằm ở tận cuối vườn, dưới bóng một lùm tre lúc nào cũng có lá rơi và bên cạnh những cây sầu đông suốt cả một mùa đông dài cứ lặng lẽ thả xuống từng chiếc lá vàng như kén, cái giếng hình vuông nép mình trong bóng râm như con cháu của Chế Bồng Nga đang co cụm dấu mình đâu đó dưới chân những rặng núi khô cằn của nam Trường Sơn. Giếng xây bằng đá ong, một thứ đá có những lổ hổng bí mật ăn thông với nhau khiến cho người ta có cảm giác như đá có thể thở được và nhờ vậy nước trong lòng giếng lúc nào cũng trong và tinh khiết như nước mắt.

Nhưng đó là của một thời xa xôi kia, thời mà những con người có làn da nâu bóng cứ kiên nhẫn miệt mài như những con ong thợ, xây những cái tháp khổng lồ để ngưỡng vọng thần linh, chứ khi những bước chân của những kẻ bị án tù, những kẻ đói nghèo trong tay không một tấc đất từ phương bắc, chịu đem đời mình ra làm phên giậu cho vua chúa, bị đưa tới một miền đất ít người nhiều ma, thì nước trong lòng giếng liền đỏ và tanh như máu. Những cuộc chém giết âm thầm vẫn cứ tiếp tục diễn ra dưới chân thành Đồ Bàn và những thây người cứ bị chặt khúc ném xuống.

Ném mãi.

Không chỉ một thời loạn ly Chiêm Việt.

Không chỉ một thời Tây Sơn Nguyễn Ánh.

Không chỉ một thời Pháp Nhật

Những xác chết cứ đầy lên dần. Cái giếng trở thành một huyệt mộ lạnh lẽo, nơi những con ma không đầu hay có đầu đêm đêm vẫn ngồi bên thềm giếng cố tìm kiếm một cách vô vọng trên bầu trời hoang vu những ngôi sao bổn mạng của mình.

Đó là cái giếng trong vườn nhà cụ Chánh nhạc.

Trở lại cái ngày mà sự đổi đời chói sáng như vàng mười ấy, người ta thấy cái giếng Hời bị bỏ quên suốt mấy trăm năm bỗng bu đen những kẻ hiếu kỳ, không chỉ dân An Định mà còn cả Yên Thới nằm sát nách và An Đông bên kia sông. Khi cái giếng được cả chục người thay nhau suốt một buổi sáng mới múc cạn, người ta liền bắt một con gà cồ trói chặt cánh thả xuống. Bao nhiêu trái tim của những kẻ suốt đời tăm tối chưa bao giờ cầm được một chút vàng trong tay, tưởng như ngừng đập khi hồi hộp chờ đợi con gà sẽ được kéo lên. Nếu nó chết, những con ma Hời vẫn còn trong lòng giếng và như thế dù anh đờn cò có trả cho một thúng vàng cũng chẳng ai dám xuống. Và rồi câu chuyện tát giếng tìm vàng tham lam dại dột của anh ta sẽ được đem ra cười nhạo rằng hồi nẳm có thằng cha…

Nhưng kìa, con gà trong thúng được kéo lên vẫn sống. Tuy có hơi ngơ ngác như lúc từ trong trứng chui ra, nhưng khi tháo dây, nó vẫn đập cánh phành phạch rồi nhảy lên một ụ rơm gần đó, cất tiếng gáy ké kè ke!

Dù vậy, để cho chắc ăn, người ta lại cột một con chó thả xuống. Con chó hốt hoảng tưởng sắp bị đem trấn nước trước khi bị đem đi thui để biến thành rựa mận. Nó quẫy đạp lung tung, kêu thét đến nổi khi xuống tận đáy vẫn còn nghe tiếng tru dài thảm thiết.

Lại nín thở đợi chờ.

Rồi con chó kéo lên cũng không bị vật chết, đôi mắt trung thành của nó vẫn nhận ra người chủ bạc ác, vẫn ngoáy tít cái đuôi mừng rỡ, vẫn còn biết thè lưỡi liếm vào tay để cảm ơn trước khi chạy trốn đến ba ngày sau mới dám về nhà.

Và kẻ liều mạng nhất làng, kẻ mà người ta tin là thần chết đang chăn dắt không rời nửa bước là thủ ngữ Đực, đã ngồi trong một chiếc giỏ bội như con chó mực chỉ khác là không kêu la ăng ẳng được hai anh trai cày dòng dây thả xuống. Dù đã thử đi thử lại, biết chắc không có khí độc, nhưng một nửa những kẻ hiếu kỳ vẫn lo sợ những con ma Hời giết chết hắn ta, một nửa lại mong cho hắn bị vật chết tươi cho đáng đời một kẻ hay trộm gà bẻ bí. Với vẻ mặt ngu si từ trong bụng mẹ, vẻ lấc cấc từ trong cuộc đời, cứ như vừa đánh nhau xong với những kẻ vô hình, thủ ngữ Đực đem lên từ lòng giếng tối tăm một trăm trái cau bằng vàng. Một trăm trái cau hay nhiều hơn thế nữa tìm được giữa đống xương vàng xỉn ngập trong bùn ngay tức khắc đã khiến cho một anh đờn cò trở thành chánh phường bát âm ỉ eo, được gọi tắt là Chánh nhạc. Rồi cứ thế nhà tranh trở thành nhà ngói, vợ xấu trở thành vợ đẹp, con hư trở thành con ngoan. Nếu muốn hơn thế, anh còn có thể trở thành “thầy” cửu hay “cụ” bát.

2

Nhưng lão phù thủy phó Ba quái quỷ lại bảo không phải được vàng mà là được bạc. Câu chuyện không biết có phải do lão phịa ra hay không, được rù rì kể lại thêm thắt như bao câu chuyện mua vui của những làng quê nghèo đói.

Trong một lần đi xe lửa từ Nha Trang về Quy Nhơn, trời xui đất khiến anh đờn cò có cái tên rất bài chòi là Chín Gối ngồi cạnh một thằng Tây lục lộ. Rồi cũng lại trời xui đất khiến, thằng Tây lục lộ sau khi chui qua những cái hầm dài ngột ngạt lạnh lẽo ở Đèo Cả, lúc xuống ga Hảo Sơn chắc là dể phát lương cho đám thợ làm đá, lại bị ma ám, cầm nhầm cái cặp đựng áo quần hôi hám của Chín Gối thay vì cái cặp đựng đầy những tờ bạc Đông Dương thơm phức của mình.

Vậy là sau đó, Chín Gối liền xuống một ga gần kề lấy vé đi ngược vào nam thay vì câng câng mang bọc tiền về nhà, để rồi sau đó đi tù rục xương vì cái tội dám tráo cặp của Tây.

Chín Gối đang tính toán trong đầu làm cách nào để dấu tiền và tiêu tiền, thì bỗng có một bàn tay xa lạ đặt lên vai và có tiếng nói: đi theo tôi! Sống lưng lạnh toát và cho dù có đến chín cái đầu gối đi nữa, như tên cúng cơm của anh, thì anh vẫn run đến nỗi bước không nổi. Người đàn ông bí ẩn liền vòng tay ra sau lưng, kéo anh đi như bị mật thám xốc nách áp giải.

Chín Gối khi bị đẩy xuống ga Đại Lãnh liền ngồi thụp xuống đất, chắp tạy lạy, nhưng anh bị người bí mật nắm áo kéo lên bảo đi tiếp. Qua khỏi ga, người bí mật mua ngay một giỏ lát, bảo Chín Gối nhét cái cặp da căng phồng vào. Hai người chui vào rừng dương nằm sát biển, moi cát chôn cái cặp sau khi đã lấy hết tiền bỏ qua giỏ. Chín Gối nhất nhất làm theo, chẳng biết mình đang ở địa ngục hay thiên đường.

Khi hai người đàng hoàng bước đi trên đường lộ, người bí mật nói giọng ỡm ờ:

– Bây giờ ta đem nộp anh cho Tây, anh có muốn nói điều gì không?

– Trăm lạy ngài, bao nhiêu tiền ngài cứ lấy hết, xin tha tội cho con!

– Ta không phải là mật thám.

– Vậy ngài là …

– Là gì rồi sẽ biết, nhưng anh có muốn theo ta hay không?

– Dạ không dám không theo, nhưng nếu không là mật thám thì cũng là …

– Cướp chớ gì?

– Dạ không dám nghĩ thế, nhưng…

– Thôi không nói nữa, cứ biết là theo ta cái đã.

Mấy ngày sau đó, người bí mật đem hết số tiền mua vàng, rồi nhờ thợ đúc thành những trái cau nho nhỏ. Anh ta bảo đừng chôn dấu mà cứ liệng hết xuống giếng. Sau đó sẽ lấy lện một cách công khai trước sự chứng kiến của dân làng.

Chẳng thằng Tây nào lấy lại được đâu, anh ta nói. Nhưng số vàng đó cũng không còn là của riêng anh. Anh có thể tậu ruộng, cất nhà, còn lại bao nhiêu là sẽ làm theo lệnh ta. Trước mắt là thư thả hãy về quê. Khi mọi việc xong xuôi sẽ lập một gánh hát và việc tiếp theo là hoạt động bí mật cho cách mạng. Nhớ đấy, hoạt động cho phong trào cọng sản. Còn hoạt động như thế nào sẽ có người chỉ rõ từng bước.

Khi nghe nói tới hai tiếng cộng sản, Chín Gối tưởng đất dưới chân mình sụt xuống. Hai cái tiếng mà chỉ nghe nhắc tới thôi anh đã thấy lạnh run, giờ lại thêm hoạt động thì cái đầu nhất định là không còn nằm trên cổ nữa. Anh đã định bỏ hết của chạy lấy người, nhưng người bí mật nói, không có sao đâu. Có cả một tổ chức bí mật bảo vệ cho anh. Đảng đã chọn, đừng có dại dột mà thối thoát.

Và cái cách mà cụ Chánh nhạc năm xưa của chúng ta đã trở thành vị cách mạng tiền bối của làng An Định nó là như thế. Sau này, khi tập kết ra bắc, gặp lại người xưa, lúc ấy cụ mới biết anh ta lúc đó đã là xứ ủy Trung kỳ.

Một đôi lần nhớ lại cái cảm giác lần đầu tiên ôm một cái cặp đựng đầy bạc, Chín Gối vẫn run rẩy như lúc được ôm trong tay cô vợ mới cưới. Cái cảm giác đê mê ngất ngây trộn lẫn sự sợ hãi khiến cho cái anh chàng nhà quê chưa quen với sự giàu có, quýnh quáng chưa biết phải làm gì. Liền sau đó là một nỗi đau buốt như bị dao đâm thấu tim, một nỗi uất ức vì chưa kịp làm gì đã bị kẻ khác cướp mất. Không biết cái thằng cha xứ ủy xa lạ kia nó theo dõi thằng Tây từ lúc nào, nhưng khi mình được cái cặp là nó nhảy xổ tới như chó săn đớp lấy con mồi. Chính nó hất mình ra, không cho mình làm chủ số bạc mình mới có. Chính nó mới là chủ thật sự nhà cửa điền trang, chủ gánh bài chòi Thanh Bình, rúc rỉa cho đến cùng kiệt. Khi tập kết ra bắc mình lại trơ khất như thằng Chín Gối năm xưa, với mấy ký gạo vừa ẩm vừa mốc, vài lạng đường, lạng thịt, vậy là sao nhỉ, không bị cướp thì là gì?

Kể ra thì cũng nhờ gã bày biểu nên cái anh Chín Gối ngờ nghệch dạo ấy mới biết cách biến đồng tiền phi nghĩa thành chính nghĩa, chẳng những đã không bị thằng Tây lấy lại, không bị đi tù mà còn trở thành ông nọ ông kia, vênh vang hơn cả tổng Bá. Nhưng để được như thế, cũng nhờ của cải biết chọn người nên đã dạy khôn cho anh nhiều điều. Trước hết là hãy đem chôn ở một nơi mà ngay cả vợ con anh ngày nào cũng ngồi bên cạnh mà không hề biết. Đó là chỗ đất dưới chân ba ông táo bằng đất, chẳng phải hai ông một bà nọ trở thành thần giữ của, nhưng ở một nơi rơm rạ tro trấu lem luốc như thế nên chẳng ai có thể ngờ được là có dấu vàng. Sau đó, hai tay võ cừ khôi đã từng đấu nhau với cọp suốt một đêm ở An Thái đã được mời đến. Cơm canh rượu thịt đề huề, chỉ cần mỗi ngày đi dạo một vòng quanh xóm để cho những con mụ đàn bà bép xép và những gã đàn ông rổi việc tung tin, là những tên cướp tay mơ Năm Quầng, Sáu Quẳng ở gò Na không bao giờ dám bén mảng tới.

Tuy vậy, đêm đêm anh nhà giàu mới nổi cũng không dám ngủ yên bên cạnh vợ. Anh cứ hết ra lại vào, hết uống trà lại nhâm nhi rượu. Khi những trái cau bằng vàng biến thành những mẫu ruộng sâu, những con trâu nái, thành nhà ngói cất theo kiểu Tây, con trai đi học ở Quy Nhơn, con gái cưỡi xe đạp chạy quanh làng và gánh bài chòi Thanh Bình ban réo rắt đờn ca suốt tháng, nghĩa là của chìm trở thành của nổi, anh vẫn cứ như ngồi trên đống lửa, không phải sợ cướp mà là sợ hai cái tiếng mật thám như nghe tiếng kẻng của thần chết. Cứ mỗi lần có người lạ cần gặp là anh lại run. Nếu đó là người của địch thì coi như không kịp khóc mà từ biệt vợ con.

Nhưng nếu là người của ta thì lại nhận thêm một cái chết được báo trước. Khi thì phải chi cả đống tiền, lúc thì phải đem truyền đơn đến chỗ nọ chỗ kia, có khi phải chuyển cả súng đạn. Toàn những việc quốc cấm, không chỉ chết có mỗi mình mình mà còn cả nhà, xưa kia là cả ba họ. Những việc động trời ấy dù sao cũng chưa đáng sợ bằng việc treo cờ búa liềm. Cái cờ có hai vật dụng bằng sắt tréo nhau như hai cái xương bắt chéo dưới một cái đầu lâu mỗi lần trông thấy là sợ chết đi được, vậy mà phải đem treo cho mọi người cùng thấy! Không dám sai ai kể cả vợ con, chỉ có một mình mình trong đêm tối với dế giun và mưa gió. Lá cờ dấu trong bụng lúc đó bỏng rát như lửa, buốt nhói như dao đâm, nặng như đeo chì. Vậy mà có lúc anh được lệnh phải treo cả chục lá cờ ở các cổng đình, ở những cây cao gần chợ…

Những lúc đu mình trên cao, anh tưởng như mình đang đút đầu vào thòng lọng. Khi lá cờ bung ra, sải cánh bay trong gió là lúc mà anh cảm thấy cái chết gần kề nhất. Anh tưởng chừng như bên dưới đông đặc lính tây lính tập và một cái gông đang chờ sẵn. Một đôi lần anh đã muốn buông tay xuống cho xong một đời.

Cái giây phút được bạc kia không ngờ lại là giây phút đáng nguyền rủa. Nó làm cho cuộc đời anh đang yên hàn lặng lẽ bỗng trở nên rối rắm nhằng nhịt như tơ vò. Mà không, được bạc thì phải mừng chứ, chỉ có gặp cái thằng xỏ lá xứ “quỷ” kia mới thực sự là đáng để cho mình nguyền rủa. Chính vì gặp nó mà mình sống khổ sống sở mặc dù là trong tay có cả đống vàng. Chính nó nhảy phóc lên lưng mình, giựt tóc mình như nắm dây cương, bắt mình phải đi theo con đường quỷ quái của nó chứ không phải của số mệnh.

3

Thế đó, cụ chánh nhạc ngày ấy đâu có sống trong sung sướng mà là trong lo sợ, mãi đến khi cái chính quyền già nua ốm yếu bệ rạc của Bảo Đại bị đánh cướp trong một buổi sáng mùa thu mới khiến cụ thở phào nhẹ nhõm. Khi đứng trước đình làng nhận cái con dấu từ tay thằng lý trưởng tai mắt của mật thám, cụ mới thực sự ngất ngây như lúc được bạc. Cụ lúc ấy gần năm mươi, dù đã góp công lớn cho cách mạng thành công cũng không hiểu cách mạng nó là cái gì. Cụ chỉ biết từ nay sẽ được ngủ ngon bên cạnh vợ, chỉ tiếc là vợ đã già, mỗi khi nhìn cái cờ búa liềm không còn thấy run và sợ nữa, nếu không muốn nói là hảnh diện, tự hào.

Những cuộc biểu tình diễu qua diễu lại trước nhà hoan hô cách mạng đã khiến cụ hả hê. Gió mùa thu thổi qua thềm nhà lúc nào cũng văng vẳng những âm thanh của giáo mác dao rựa va chạm nhau lẻng kẻng, khi người ta vung lên trời mỗi khi hô đả đảo hay cương quyết, nghe sao mà sướng thế, còn hơn cả tiếng đàn tiếng sáo của gánh hát Thanh Bình.

Có thế chứ, hết cơn khổ tận đến ngày cam lai, thật bõ công cho những ngày hoạt động bí mật. Khi đám đông mê mẩn với những câu hát bài chòi tục tĩu, với những Bạch Huê, bớ Bạch Huê (đám đông rú lên:lồn! lồn!), những Nọc Đượng, bớ Nọc Đượng! (lại rú lên: cặc!! cặc!), những ông Ầm, sáu Cẳng và cả chín Gối…thì ông chủ gánh lại lặng lẽ đi làm cái việc không ai ngờ được là rải truyền đơn hay treo cờ. Sau đó, mặc cho nhiều người bị bắt vì bị tình nghi, nhiều kẻ bị tán gia bại sản, nhiều cái đầu không còn nằm trên cổ, cái gánh bài chòi vẫn cứ nhởn nhơ ca hát hết làng nọ đến làng kia và những Bạch Huê, Nọc Đượng, ông Ầm, sáu Cẳng…cùng với tiếng trống xổ lum tum để mừng người đã “tới” lại tiếp tục vang lên trong những đêm dài ở các làng quê u tối.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng đầy gang. Cái lệnh đem tất cả những trái cau bằng vàng và hàng lô hàng lốc những cong những kiềng quyên góp được trong tuần lễ vàng nộp cho Trung ương đã khiến ông thẫn thờ uất ức như bị một thằng đĩ đực nào đó cướp mất vợ. Hóa ra cách mạng là như thế, cộng sản là như thế, thảo nào lão phó Ba bảo cộng sản là cộng các bà vợ lại. Ông chánh bỏ ăn bỏ ngủ đến cả tuần, khóc trộm trong đêm đến nỗi sáng ra cái gối ướt đầm như được vớt từ dưới ao lên.

Ông định dấu bớt, vàng đã thành máu thành thịt, đem giao nộp thì có khác gì bị tùng xẻo! Nhưng cái thằng cha chỉ gặp có mỗi một lần ấy vẫn cứ ám ông trong suốt bao nhiêu năm, cũng có lúc lặn mất tiêu tưởng đâu đã chết rục trong tù, giờ lại quyền uy hơn cả thần linh. Ông có cảm giác như lúc nào cũng có con mắt của nó sau gáy, đi đâu, đứng đâu, ngồi đâu, ngay cả chuyện rắp ranh kiếm một con vợ bé nó cũng biết như ở trong chăn…thì biết chôn dấu ở đâu, tẩu tán bằng cách nào mà qua khỏi hàng ngàn con mắt cú vọ lườm lườm của nó.

Mệt muốn đứt hơi luôn, thôi đành giao nộp hết cho rồi, tay không lại hoàn tay không. Đù má nó, cái đảng ôn dịch! ông chửi thầm sau khi đã trút hết bao nhiêu là vàng vào cái túi không đáy của ngân khố đóng tại Bồng Sơn. Cũng còn may là ông hãy còn được cho giữ một chân vẩn vơ trong mặt trận tổ quốc, còn được gọi là cán bộ tỉnh và khi tập kết, cả nhà đều được đi, ngay cả thằng cháu đích tôn mới sinh được mấy tháng chưa có công trạng gì với cách mạng.

K.Đ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.