Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 9)

Truyện của Khuất Đẩu

15.

Tôi được đưa lên Pleiku. Thành phố nhỏ như một tổ chim. Không dường ngang phố dọc. Không nhà cửa nhiều tầng. Con phố chính không quá 100 mét. Chỉ có một vài hiệu buôn, một vài quán ăn và quán càphê. Nhưng ngoại ô là cả một vùng đất đỏ mênh mông với những con đường vàng rực hoa quỳ. Những buổi sớm sương trắng bềnh bồng và những cô gái Thượng xinh xẻo mang gùi trên lưng đi từng hàng dài. Không bị pháo kích, không bị đặt mìn. Chỉ có cái lạnh hiu hiu và bầu trời như xuống thấp hơn ở đồng bằng. Mặc dù chiến sự đang đến hồi ác liệt nhưng nơi đây thật thanh thoát và bình yên.

Đơn vị của tôi đóng cách thành phố hơn 5 cây số. Nếu không có những bao cát, những hàng rào dây kẽm gai và nhất là không phải leo lên cái tháp canh mỗi tuần vài bận thì tôi đã tưởng mình được đi chơi sau những ngày ngột ngạt ở trong bar thằng Hậu.

Trung đội tôi có một lao công đào binh. Anh ta tên Hiển, lớn hơn tôi vài tuổi. Anh sống lặng lẽ, ít nói, nên chẳng ai biết nhiều về anh. Chỉ biết anh đã đào ngũ đến lần thứ ba! Tha mãi không xong người ta đưa anh vào quân lao rồi đưa lên đây. Không cấp bậc, không súng, không lương. Anh phải làm những công việc nặng nhọc như tù khổ sai. Rất may, trung uý trung đội trưởng không vì thế mà hành hạ anh. Ông bảo chết nhiều quá, ai không sợ. Thỉnh thoảng ông có cho anh chút tiền tiêu vặt và chúng tôi thường san sẻ thuốc lá cho anh. Anh bị phạt một năm, chịu đựng được hơn năm tháng.

Bỗng một hôm điểm danh không có anh. Mọi người ai cũng nghĩ là anh lại trốn. Không ngờ anh treo cổ trong nhà tắm!

Cái chết của anh làm cho tôi ngẩn ngơ. Thà bị bắn gục ở ngoài mặt trận, chứ đút đầu vào thòng lọng sao nó cay đắng quá. Đâu phải anh không muốn sống. Nhưng cái cuộc chiến tranh này nó kéo dài quá lâu. Nó cày nát biết bao phận người. Những người vô tội như cô Sáu tôi, cả những người không ai ưa như ông Khứ, thằng Mậu hay ngơ ngáo như thằng thủ ngữ Đực….Tất cả ngã xuống và rồi sẽ ngã xuống cho đến bao giờ? Cái hiệp định Paris ồn ào kia chỉ làm lợi duy nhất cho những nhà buôn sơn. Khắp nơi người ta đua nhau vẽ cờ trên mái nhà, trên các bức tường mặt phố. Người ta chuẩn bị một cuộc giành dân lấn đất. Chỉ có vậy thôi. Đã ai nhường nhịn ai đâu. Cái bào thai hoà bình chắc cững phải đẻ non thôi, làm sao mà sống được!

Ngoài cổng lúc ấy lao nhao có người đàn bà hỏi thăm ai đó. Ai cũng tưởng là vợ anh ta đến tìm. Sao mà anh ta linh thiêng đến thế! Biết ăn nói làm sao với người đàn bà tội nghiệp này! Tôi định đi ra gặp chị, nếu cần san sẻ một ít tiền dành dụm để giúp chị. Nhưng không phải là vợ anh ta. Tôi quay vào, bỗng nghe kêu giật ngược :

– Được ơi, phải em Được đó không?

Tôi sững sờ quay lại. Thì ra chị Thảo. Tôi cũng kêu lên:

– Dạ, chính em là Được đây.

Nếu không có nhiều người chắc là tôi đã chạy ra ôm chầm lấy chị.

– Thực không ngờ là em ở đây!

– Em cũng không ngờ là được gặp chị. Em trai của chị ở đơn vị nào?

– Pháo binh, ở đâu dưới Pleiku.

Tôi xin phép trung úy đưa chị đi. Chúng tôi tìm đến đơn vị cậu ta thì được biết pháo đội đã được điều đi nơi khác. Ngày mai chị mới đến chỗ của cậu em. Chị đành phải nghỉ lại ở Pleiku.

Tôi đưa chị loanh quanh đi dạo phố. Chị nói, con phố gì mà nhỏ quá. Cứ như đi dạo ở làng An Định. Chị hỏi thăm tôi cái làng quê bé xíu nà chị đã từng sống ở đó đến hơn chín năm. Cái cầu tre mỏng mảnh gần trường học mà chúng tôi thường run rẩy bò qua, cái lớp học đầy cóc nhái và rắn rít giữa những hàng tre. Và những con người đã từng cay nghiệt hành hạ nhau ở làng An Định. Những ông tổng Bá, ông Khứ, cô Thảnh…Khi biết những người một thời rất đáng sợ với trẻ con ấy, kẻ đã chết, người bị bắt…chị thở dài nói:

– Thật tội nghiệp! Chẳng biết sao họ thù nhau đến thế? Rồi họ được gì? Cho đến giờ chị vẫn còn run khi nhớ lại tiếng nói the thé của cô Thảnh!

Con phố không đủ dài cho những hồi ức của chúng tôi. Đi mãi cũng chán, chúng tôi ghé vào quán ăn uống qua loa, rồi đi tìm nhà nghỉ. Đó là một khách sạn nhỏ ở một con phố cũng nhỏ chỉ vừa đúng năm căn nhà. Chủ là một người đàn bà kiêm luôn bồi phòng. Bà không hỏi nói gì chỉ lặng lẽ đưa cho tôi một chìa khoá, chỉ tay lên gác. Tôi đưa hai ngón tay. Bà hơi nghi ngờ nhưng cũng đưa thêm một chiếc nữa.

Nhận phòng xong chị đi tắm. Tôi ngồi hút thuốc ở ban công. Mới hơn 8 giơ tối mà phố xá đã im lìm. Môt vài chiếc xe jeep chạy vụt qua. Đâu đây tiếng máy điện nổ rì rầm. Mới ngày nào mà đã hai mươi năm. Quả thực, nếu chị không kêu đúng tên thì dù có gặp ở ngoài đường tôi cũng không thể nhận ra. Tôi không nói chị đẹp hơn hay già hơn, nhưng so với người con gái đã có lần ngủ quên trong lòng tôi thật khác xa. Ngày ấy chị như chị ruột tôi, còn bây giờ qua cái vẻ hồ đồ của người chủ khách sạn, tôi lúng túng hiểu ra rằng chúng tôi chỉ là hai người đàn ông và đàn bà.

Tôi định đi xuống phố một lát. Nhưng cửa phòng chị sịch mở và chị tươi tắn đến bên cạnh tôi. Rất tự nhiên, chị đặt tay lên vai tôi, hơi ngửa mặt ra một chút để nhìn cho rõ. Chị nói :

– Em không khác trước là mấy. Em có biết tại sao chị nhận ra em không ?

– Dạ không.

– Tại vì em quá bé và có một cặp mắt rất sáng.

– Như mắt chó!

– Đừng nói bậy. Để chị nghĩ coi. Mắt bồ câu thì là mắt con gái. À, phải rồi, như mắt con chồn đèn ấy. Rất tinh khôn mà cũng rất buồn. Không thể nào quên được!

Hai chị em cùng cười. Thấy tôi cứ mãi đốt thuốc, chị nói :

– Em hút thuốc hơi nhiều đấy!

– Dạ em cũng định bỏ mà chưa bỏ được. Đời lính buồn quá chị à.

– Ơ, chị quên chưa hỏi em. Vợ con ra sao rồi?

– Em chưa có gì hết.

– Thật à?

– Dạ thật.

– Thế cũng có một cô em nào nhớ tới em chứ?

– Cũng không.

– Em dấu chị.

– Không, thật mà. Chỉ có một người em nhớ tới, luôn luôn nhớ tới nhưng ở rất xa.

– Ở dâu mà xa?

– Ở trong chuyện ngày xưa.

– Thôi đừng đùa nữa!

Lẽ ra tôi cũng hỏi chuyện chồng con của chị nhưng không hỏi. Thực ra là không dám hỏi. Không hiểu tại sao tôi lại sợ. Có lẽ tại tôi không muốn cái hình ảnh năm xưa bỗng chốc nhòa đi khi biết về chồng con của chị. Nhưng nếu cứ đứng mãi ở ban công, cứ hỏi nói vẩn vơ thế nào cũng có lúc chị tự nói ra, nên tôi khuyên chị đi ngủ sớm để sáng mai đủ sức đi xe. Chị nghe lời vào phòng. Tôi chúc chị ngủ ngon, nhưng chị nói:

– Chắc chưa ngủ được đâu. Lạ phòng chị hơi sợ. Vào nói chuyện chút nữa đã. Em còn phải kể cho chị nghe trong bao nhiêu năm qua em đã sống ra sao, phải vậy không ?

– Dạ.

Tôi vào phòng chị. Cũng một căn phòng nhỏ như phòng tôi. Một chiếc giường nhỏ, một cái bàn, một cái ghế. Chúng tôi phải ngồi trên sàn, tựa lưng vào vách. Y như hồi nào chúng tôi ngồi co ro trong lớp vì đi học quá sớm. Chỉ khác lúc này trời không mưa, đèn sáng và hai người đã trải qua những năm tháng giông bão của cuộc chiến tranh.

Chúng tôi lại nói tiếp về những ngày còn bé, về cái lớp học chập chờn ma quái trong đêm, những con đường trơn như thoa mỡ, những con đom đóm lập loè, những cọng cam thảo tẩm mật ong….Đêm cao nguyên mát lạnh. Về khua sương giăng trắng. Tiếng máy điện rì rầm nghe rõ hơn và xa xa vọng lại tiếng pháo 155 ly.

Có một lúc gần như hết chuyện để nói cho nhau nghe. Chúng tôi ngồi lặng ngắm những con thạch sùng đuổi nhau trên trần nhà. Chúng bò ngược mà vẫn nhanh nhẹn như những đứa trẻ chạy chơi trên đất. Thế rồi tôi mơ hồ nghe có tiếng gọi:

– Được à .

– Dạ.

Một bàn tay, đúng là bàn tay của chị chứ đâu phải ai khác nhưng rất lạ bất chợt nắm lấy tay tôi. Nếu bảo một cái cây bị gió thổi rạp cũng chưa chắc đã nhanh bằng. Phải nói là một trái chín đang rụng. Tôi ngã vào lòng chị.

Phải như tôi ngủ thiếp đi như ngày trước chị ngủ thiếp trong lòng tôi. Phải như một trái hoả châu rơi ngoài cửa sổ. Ừ, phải như vậy thì mọi sự đã không xảy ra. Đằng này chúng tôi như hai thỏi nước đá trong một cái cốc. Chúng tôi đã tan ra và hoà trộn vào nhau.

…Cho đến khi bừng tỉnh và nhận ra đã làm cái điều không nên làm thì trời đã sáng. Chị giục tôi nhanh chóng trả phòng.

Chúng tôi ngồi uống càphê ở một quán cóc. Chị tránh không nhìn tôi. Tôi cũng không dám nhìn chị. Nhưng tôi vẫn thấy đôi mắt long lanh ấy, đôi môi nóng bỏng ấy, làn da tươi mát ấy…. Chị đã hào sảng ban cho không một chút dè sẻn. Từ dưới đáy cuộc đời, tôi bỗng dưng được chị nâng lên và cả hai trong một phút giây đã cùng bay lượn trên đỉnh trời cao nguyên lồng lộng.

Uống càphê xong chị đón một chiếc xe ôm ra bến xe. Tôi rất nuốn đưa chị đi nhưng chị bảo đừng. Chị nói thế nào về trại em cũng bị phạt. Chị bảo anh xe ôm siết ga lao nhanh. Tôi đứng trông theo, bâng khuâng mãi không biết là mộng hay thực.

Về đến đơn vị, chúng tôi được lệnh hành quân ngay. Có tin quân miền Bắc tập trung một lực lượng lớn ở Ngã ba biên giới. B.52 không còn ném bom rải thảm nữa nên chẳng việc gì họ phải sợ. Tổng thống Mỹ Nixon phải rời Nhà Trắng vì nghe lén. Tổng thống Ford đang nằn nì xin quốc hội chi thêm 700 triệu đô. Trong khi đó, tổng thống Thiệu thề không cho cộng sản về Sài Gòn ăn phở!

Dường như lịch sử đang lao vào một khúc quanh nghiệt ngã. Không biết bọn chúng tôi có phải rơi tòm xuống vực? !

16.

Sau bao nhiêu đồn đoán, rốt cuộc quân miền Bắc tấn công Banmêthuột. Dưới con mắt của các nhà chiến lược thì đây là một cuộc tấn công có phần mạo hiểm nếu không muốn nói là tự sát. Bỡi vì quân đoàn II từ Pleiku đánh thốc xuống, quân đoàn dù và thuỷ quân lục chiến từ Nha Trang đánh lên. Có là con voi chín ngà cũng không thoát khỏi vòng vây. Nhưng không hiểu sao người ta vẫn bảo cọng sản chỉ dương đông kích tây để đánh Pleiku! Đến khi cái buôn làng giàu có nhất Tây nguyên bị đánh chiếm hoàn toàn thì mọi quyết đưa ra đều đã quá muộn!

Banmêthuột bây giờ giống như thiên linh cái đã bị điểm trúng huyệt. Chẳng những các quyết định đưa ra đã quá muộn mà còn quá sai tưởng chừng như u mê lú lẫn. Thay vì phải quyết giành lại cho bằng được dù phải ném vào đó cả sư đoàn như ở cổ thành Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa, thì người ta lại quyết định di tản chiến thuật! Nghĩa là tạm thời bỏ cao nguyên để lui về giữ vùng duyên hải. Năm sau bầu cử tổng thống Mỹ đánh chiếm lại cũng chưa muộn! Thế là một cuộc di tản quân sự ồ ạt chưa từng có đã diễn ra!

Để tránh bị truy kích và phục kích, người ta không đi dường quốc lộ 19 xuống Quy Nhơn mà đi đường tỉnh lộ 7 xuống Tuy Hòa. Người ta cho rằng như thế là đã đánh lừa được cộng sản.

Cả một quân đoàn với bao nhiêu xe pháo lính tráng vợ con, cùng cả vạn dân tứ xứ lên lập nghiệp ở cao nguyên, đùn đẩy chen chúc nhau trên tỉnh lộ có từ hồi Pháp thuộc, đã từ lâu không dùng đến đầy ổ gà ổ voi nhiều chỗ đứt đoạn.

Lúc đầu có công binh đi mở đường, thiết giáp đi đoạn hậu, trên cao trực thăng quần đảo. Nhưng khi ra khỏi thành phố chừng vài mươi cây số, bắt đầu xuyên qua rừng thì bị đánh thọc sườn. B.40 lao thẳng vào xe. Rồi lựu đạn ném như vãi cát. A.K nổ cồng cộc từng tràng. Lửa và khói mù trời. Tiếng súng nổ. Tiêng thét gào. Tiếng rên xiết kêu la tuyệt vọng. Một cảnh hoảng loạn chưa từng thấy. Dân hốt hoảng giẫm đạp lên nhau. Lính vứt súng đi tìm vợ con. Cả một quân đoàn thiện chiến giờ như một con rồng bị thương đang cố trườn mình ra biển!

Trước đó, cuộc hành quân của chúng tôi chưa được mấy ngày đã được lệnh khẩn cấp phải quay về. Chúng tôi không kịp về trại mà phải xuống Pleiku để di tản ngay. Lúc đầu còn đi theo từng trung đội, sau mạnh ai nấy đi. Chẳng mấy chốc chúng tôi lọt giữa một rừng người hốt hoảng. Người ta tranh nhau leo lên xe, chẳng cần biết là lính hay dân. Rồi người ta cướp xe, cán cả lên người bị thương mà đi. Phía trước có cầu bị sập. Phía sau không cần biết cứ đùn đẩy tới trước. Cả một đám người lúc nhúc loi nhoi, tới không được, lui cũng không. Pháo địch lại rót tới không thương tiếc! Máu và thịt tung lên đỏ thắm như xác pháo.

Mình đầy máu me, tôi bị hất tung lên cao rồi rơi xuống bìa rừng. Bị choáng một lúc. Khi tỉnh lại tôi nhận ra rằng, nếu cứ nhập vào cái đoàn người vừa đói khát vừa điên dại đó, trước sau gì tôi cũng bị xéo nát. Tôi tìm tới một gốc cây nghỉ mệt, mặc cho đoàn người xe pháo tuyệt vọng vẫn cứ bò qua.

Tôi chập chờn trong cái đêm kinh hoàng nhất của đời mình. Hơn cả lúc cô Sáu tôi chết. Cái khủng khiếp không hẳn do đạn bom chết chóc mà là một nỗi tuyệt vọng to lớn làm cho cả đầu óc và chân tay tưởng chừng rũ liệt.

Sáng ra, đoàn người đã đi suốt đêm bỏ lại con đường đầy những súng ống giày mũ và những xác chết không còn nhận ra mặt người. Đau xót làm sao là hãy còn những đứa bé xao xác đi tìm cha mẹ. Tôi định gom chúng lại dẫn đi. Nhưng lúc ấy có nhiều toán du kích xuất hiện. Bọn họ đi thu nhặt súng. Tôi lại phải nằm xuống giả vờ chết. Mặc cho những đứa bé dãy dụa khóc la, họ vẫn buộc chúng đi theo họ vào tận rừng sâu. Tôi cố nghỉ là họ không nỡ đem chúng đi bắn để khỏi phải gào lên!

Thật may là tôi không bị thương tích gì. Tôi nhặt một biđông tìm chút nước. Tôi uống một ngụm rồi cứ phía trước mà đi đại chẳng cân biết đây là nơi nào. Vượt qua những vũng máu, những xác xe tăng đang còn cháy dở, tôi đến gần một con suối. Lúc ấy tôi nghe một tiếng rên. Tôi tìm tới, chắc là có người đang bị thương. Nhưng thật bất ngờ, đó là một người đàn bà với cái bụng to kềnh đang quằn quại vì sắp sinh. Dĩ nhiên là tôi ngồi xuống bên cạnh, dù tôi không biết sẽ phải giúp đỡ chị ta bằng cách nào.

Tôi chưa dám hỏi nói gì với chị. Trông chị mệt lã. Mồ hôi chảy ướt cả tóc. Bên cạnh chị, một xác chết nằm sấp, chiếc mũ sắt che kín mặt anh ta. Tôi thấy đau nhói ngang ngực. Chắc chắn cái xác ấy là cha của đứa trẻ chưa biết sẽ được sinh ra bằng cách nào!

Dường như cảm nhận có người ngồi bên cạnh, mắt chị vẫn nhắm, nhưng miệng chị run rẩy thều thào: “Xin đừng bỏ đi! Hãy làm phước giúp tôi!“. Tôi vội lên tiếng để chị yên lòng: Ờ, có tôi ở lại đây, chị đừng sợ. Chị mở choàng mắt, ngạc nhiên khi thấy tôi là một người đàn ông. Chị nói như khóc: Xin anh giúp giùm mẹ con tôi. Tôi gật đầu.

Liền sau đó, chị cong người lên vì đau. Tôi vội ra sau đỡ lấy người chị. Chị cắn môi đến bật máu để nén tiếng kêu. Tôi chưa thấy một người đàn bà nào trở dạ trong cảnh đau thương tuyệt vọng như chị. Tôi rùng mình nghĩ tới mẹ tôi. Cái đêm mà mẹ sinh tôi ra ở bờ sông chắc cũng trơ trọi, đớn đau và tuyệt vọng như thế này. Tôi thấy thương mẹ tôi quá. Bao nhiêu giận hờn, ấm ức, giận mẹ giận đời, như cục đá to suốt bao nhiêu năm chẹn ngang ngực, bỗng chốc tan ra như nước.

Bỗng chị qườ quạng nắm chặt tay tôi. Chặt đến nỗi tôi tưởng chừng chị sắp bóp nát nó ra. Hai gót chân chị cày trên đất để tìm chỗ tựa. Người chị như một cánh cung. Chị nín thở rồi bật ra một tiếng “ối”.

Chị ngã vật ra. Tôi cũng ngã theo.

Ơn trời, chị sinh được một cháu bé. Khi tôi đỡ đứa bé trên tay, một thằng cu, nó khóc thật lảnh lói. Tôi mừng đến chảy nước mắt. Cũng là tiếng khóc, nhưng không phải là tiếng khóc của những con người khốn khổ vừa đi qua, mà tiếng khóc mới, ấm và vui quá chừng. Không hiểu tiếng khóc đầu tiên của tôi có được như vậy không?

Mẹ của cháu tuy mệt, nhưng nụ cười đã làm cho khuôn mặt chị trở lại bình thường, không còn méo mó nhăn nhúm nữa. Chị đỡ lấy con, nhờ tôi đi xuống suối lấy nước. Sau đó, chị chỉ cho tôi một số việc mà các bà mụ phải làm. Tuy lúng túng vụng về nhưng tôi đã làm những công việc kỳ lạ đó không một chút ngượng ngập xấu hổ.

Sau đó, để yên cho chị rủ rỉ nựng con, tôi lặng lẽ đem cái xác của người chồng đến một gốc cây gần đó. Tôi bẻ lá cây rừng phủ lên người anh, như tôi đã từng lót lá để chôn cô Sáu. Tôi khiêng đá chặn lên để thú rừng không moi xác anh. Tôi cũng dùng đá khắc tên họ anh lên cây để may ra sau này chị biết chỗ mà tìm.

Khi mọi việc xong xuôi, ngày cũng sắp tàn. Tôi đến gần chị và nhận ra khuôn mặt chị đầm đìa nước mắt. Chị nhìn tôi, nói gân như nấc lên từng tiếng:

– Anh gì ơi! Mẹ con tôi biết lấy gì đền ơn anh !

– Trông chị hãy còn mệt lắm. Chị ngủ đi!

– Anh ấy là chồng tôi.

– Tôi cũng đoán vậy.

– Anh ấy bị trúng đạn.

– Anh chị về đâu ?

– Về Nha Trang. Chắc còn xa lắm phải không?

– Tôi cũng không biết nữa, nhưng sẽ cố đưa chị về ít ra là tới Tuy Hòa.

– Anh khổ với chúng tôi quá. Chắc là Trời Phật đưa anh tới giúp chúng tôi.

– Chị đừng nghĩ ngợi lung tung. Tôi với anh ấy cùng là lính mà.

Rất may là anh chị đã chuẩn bị cho đứa con đầu lòng rất chu đáo. Những tã lót và quần áo của cháu bé vẫn còn sạch sẽ thơm tho. Anh là trung uý và chị là giáo viên tiểu học. Thật tiếc là anh không còn sống để được thấy đứa con xinh đẹp của mình chào đời.

Đêm hôm đó, tôi đốt một đống lửa bên cạnh nấm mồ bằng lá của anh. Gần đó vợ con anh đang nằm ngủ. Xa xa vọng lại tiếng máy bay trinh sát và khu rừng đôi lúc sáng lên dưới ánh hoả châu buồn bã.

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường. Một cuộc hành trình vất vả mà có lẽ suốt đời chị không bao giờ quên được. Cuộc hành trình giữa những xác chết đã bắt đầu hôi thối. Dù can đảm và chịu đưng đến mấy cũng có lúc chị phải bật khóc. Chân chị phồng rộp. Nhiều đoạn tôi phải ghé lưng cõng chị đi. Đứa bé trên lưng chị ngật ngừ vì bị sốt.

Năm ngày sau, chúng tôi cũng bò được ra khỏi rừng và đến được những xóm làng nghèo nàn thưa thớt. Dù vậy, những người ở đây cũng đã giúp chúng tôi thoát chết.

Khi tôi đưa được chị đến Tuy Hoà thì cờ MTGPMN đã tung bay ngạo nghễ. Tôi tìm cách đón xe cho chị về Nha Trang. Đứa bé đã biết hấp háy nhìn tôi khi tôi đặt một ngón tay lên trán bé để từ biệt. Chị không nói lên lời, nước mắt lặng lẽ nhỏ xuống mặt con. Tôi chúc chị lên đường bình yên. Còn tôi, con đường trước mặt chắc chắn là không bình yên một chút nào.

(Còn tiếp)

Comments are closed.