Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 1)

Truyện của Khuất Đẩu

 

Văn Việt rất vui nhận được sự cộng tác của một nhà văn tài ba, với những trang viết ngập tràn chất liệu sống, vừa thật hơn cả sự thật mà cũng vừa chắt lọc như có được từ một sự chưng cất cực kỳ tinh tế: truyện Những tháng năm cuồng nộ.

Niềm vui này tiếp nối thành công của Giải Văn Việt lần II, cho phép chúng tôi hy vọng vào một năm mới thêm nhiều tác phẩm hay, nhiều nhà văn tài năng xuất hiện, để làm phong phú hơn trang Văn Việt, đáp ứng sự trông chờ của độc giả trong và ngoài nước…

Xin trân trọng cảm ơn nhà văn Khuất Đẩu.

Dưới đây là email của nhà văn Khuất Đẩu gởi Văn Việt:

“Xin gửi đến Ban Biên Tập truyện dài NHỮNG THÁNG NĂM CUỒNG NỘ.

Truyện được viết 2004.  Vì nhiều lý do không thể xuất bản và gửi đăng lên các trang mạng trong nước. Năm 2009 được Thư Quán Bản Thảo in ở Hoa Kỳ, sau đó được đăng tải nhiều kỳ trên Talawas. Năm 2013, Tương Tri tái bản và phát hành trên Amazon.com.

Phải đi lòng vòng như thế thật đau lòng. 

Nay nhận thấy chủ trương của Văn Việt rất dũng cảm, tôi rất kính phục.

Xin trân trọng gửi đến Ban Biên Tập tác phẩm bé nhỏ này, gọi là một chút đóng góp nho nhỏ.

Mong được đón nhận.

Xin chân thành cảm ơn

Khuất Đẩu”

Lời nói đầu

Một nơi không ngày tháng

Tôi chỉ là một công dân hạng hai cầm bút chứ không phải là nhà văn. Lại càng không phải nhà văn có thương hiệu cho dù chỉ là cấp xã phường. Tôi viết, trước hết cho các con tôi, vì chúng rất mù mờ không hiểu cha ông của chúng đã sống và đã chết như thế nào trong suốt non thế kỷ giông bão vừa qua.

Tôi có người bạn bảo bây giờ viết như Kinh Kha buồn. Nghĩa là biết chẳng đi tới đâu mà vẫn phải cầm lấy bút như Kinh Kha cầm con chủy thủ. Tôi nghĩ, còn hơn Kinh Kha buồn vì sông Dịch bây giờ chẳng những lạnh mà còn hoang vắng đến rợn người. Chẳng có một tân khách nào dám tiễn đưa. Cái đất Tần ấy lúc này đang ngút trời gươm đao bất trắc.

Từ lúc nạn đói năm Ất Dậu đến nay, có bao nhiêu triệu công dân hạng hai đã chết? Hai triệu? Năm triệu? Hay mười triệu?! Chết vì đói, vì thủ tiêu, vì đấu tố, vì tố Cộng, vì Mậu Thân, vì cải tạo, vì vượt biên… Cho dù ở bên nào họ cũng chỉ là những nông dân nghèo, cả đời khao khát mảnh vườn thửa ruộng. Chính vì vậy mà họ bị lừa phỉnh, bị lợi dụng, bị sai khiến. Cho đến bây giờ, những kẻ sống sót đã không còn là những nông dân thuần Việt như xưa.

Cái làng An Định không có trên bản đồ Việt Nam, nhưng nhất định là có trong tâm tưởng của nhiều người. Và số phận của họ cũng trôi nổi như nhân vật bị thả trôi sông. Con sông ấy là con sông lịch sử.

Cũng như nhân vật chính trong truyện vừa mới sinh đã bị đem thả trôi sông, tôi thả tác phẩm mình lên mạng. Sống chết thế nào là số phận của nó. Dù sao tôi cũng xin được cảm ơn.

Trân trọng

Khuất Đẩu

                                             Dâng tặng quê hương Bình Định

                                            Và Bà tôi.

(KỲ I)

1.

Người đã sinh ra tôi nhưng không dám nhận tôi là con chắc vẫn muốn cho tôi được sống. Bởi vì, mặc dù thả tôi xuống sông, nhưng bà vẫn cẩn thận đặt tôi vào lòng một chiếc nắp bầu có trét dầu rái và đắp lên ngực tôi một chiếc yếm mà mãi sau này tôi vẫn còn nghe phảng phất mùi mồ hôi.

Dòng sông đưa tôi đi vô tình như bao lần đưa những xác súc vật mà người ta vẫn thường ném xuống. Nếu hôm đó không có một người đang đãi cát tìm hến và không có một cơn gió nhẹ bất chợt thổi qua đưa cái nắp bầu tấp vào chân bà thì không biết số phận của tôi trôi nổi đến bờ bãi nào và liệu tôi còn có đủ cơ may để mà sống sót ở đời hay không!

Cô Sáu nói, lúc đầu tao hoảng hồn tưởng là ma da định bỏ chạy lên bờ, nhưng nhìn kỹ thấy cái mặt mày tím ngắt, tao vội vàng mang cái nắp bầu chạy thẳng vào lều. Tao giựt đại một tấm tranh đốt lửa để sưởi ấm cho mày. May quá, nhà có con chó mới đẻ, tao nhét thử cái vú nó vào miệng mày, trời ơi, mày bú ngon lành!

Như vậy, cô Sáu nói tiếp, con chó đó cũng như mẹ của mày. Ừ thì là mẹ của tôi, hay đúng hơn nó coi tôi như một trong bầy con của nó. Ngoài việc phải nằm phơi bụng ra cho tôi bú, nó còn dọn sạch cả cứt đái do tôi thải ra. Nó thường đưa cái lưỡi dài liếm láp khắp mặt mũi mình mẩy tôi. Nhờ vậy tôi trùi trũi lớn lên, không bị ghẻ chóc đầy mình như những đứa con nhà nghèo khác.

Cái ngã ba sông vắng lặng và buồn hiu bỗng trở nên ồn ào khi tôi được đồn thổi là chó đẻ ra người hay tệ hơn là người lấy chó đẻ ra tôi! Không ngày nào là không có người đến xem và mặc dù chẳng ai dám tới gần vì con chó cái canh giữ tôi quá cẩn thận, nhưng khi ra về ai cũng bảo đích thị chính con chó ấy đã đẻ ra tôi.

Khi cô Sáu đem tôi xuống chùa Thiên An xin “bán” cho Phât để lũ ma da ở ngã ba sông không dìm chết tôi, người khắp nơi kéo đến xem còn đông hơn cả đi lễ rằm tháng bảy. Mặc cho con chó nhe hàm răng trắng nhỡn ra gầm gừ hăm doạ, người ta vẫn cứ vạch đít tôi ra xem có cái đuôi như đuôi chó hay không. Người ta còn kéo cả chim vừa cười vừa bảo là giống hệt c… chó!

Cho dù tôi có do người hay chó đẻ ra, ngài hoà thượng vẫn xem tôi là một sinh linh bé bỏng cần được Đức Phật chở che, nên ngài đã nhẹ nhàng bọc quanh tôi một tấm vải màu vàng, vừa niệm Phật vừa luồn tôi vào giữa bụng một cái đại hồng chung, bảo đệ tử nện đúng mười hai chày đến nỗi lúc nào tôi cũng nghe như có tiếng chuông ngân nga ở trong đầu!

Vì đã vắt hết sữa cho tôi bú nên con chó teo tóp không còn đủ sức đẻ đái gì nữa. Nó thành bạn suốt ngày chơi đùa với tôi. Nó thường rít lên những tiếng ư ử, sủa hắc hắc rồi vụt chạy cho tôi đuổi theo. Khi đuổi kịp, nó liền nằm lăn ra đất để cho tôi nằm đè lên. Nó rối rít đưa cái lưỡi liếm khắp mặt tôi như thể tôi vừa đi đâu xa mới về. Chơi chán, tôi và nó cùng nằm lăn ra ngủ. Khi cô Sáu đem tôi xuống sông tắm rửa, nó vẫn chưa thôi cái cơn đùa giỡn. Nó bơi tít sang bờ bên kia đứng chóc mỏ lên mà sủa. Rồi nó lại lộn qua đuổi theo cô Sáu, chạy quắn quít khắp nhà. Cô Sáu phải nện một cán chổi vào lưng, nó mới chịu nằm yên.

Một hôm, tôi và nó cùng chơi và cùng ngủ cạnh nhau như thế, thằng thủ ngữ Đực chuyên ăn trộm chó, đã lén quẳng dây thòng lọng vào cổ nó, lôi đi. Khi cô Sáu tôi tìm được thằng khốn nạn thì “người mẹ” tội nghiệp của tôi chỉ còn lại cái đầu đang bị nó gặm nham nhở!

Cô Sáu, người đã cứu vớt tôi khỏi cái chết của một đứa bé vừa mới sinh đã bị đem thả trôi sông, người đã nuôi nấng dạy bảo nhiều khi đánh mắng tôi, người mà tôi thiết tha muốn gọi mẹ nhưng cô vẫn không cho. Cô nói, tao chưa có chồng sao lại có con được. Mày cứ gọi tao bằng cô, khi nào tìm được người đã đẻ ra mày thì hãy gọi mẹ. Đâu phải bạ ai cũng gọi là mẹ được.

Nhưng biết đến bao giờ! Cứ như lời cô phỏng đoán thì mẹ tôi phải là người ở thôn An Đông chứ không ở đâu xa lạ. Nếu ở xa thì khi vớt được cái nắp bầu lên, là tôi đã chết cóng từ lâu rồi. Và cũng bỡi vì chỉ có ở An Đông chuyên nghề làm cốm mới có những chiếc nắp bầu trét dầu rái để tránh nước mưa và giữ cốm cho dòn. Tôi đã đi khắp An Đông, chui vào các lò cốm, để mặc cho người ta đùa cợt sờ nắn, nhưng vẫn không biết ai là người đã đẻ ra mình. Mà dẫu cho có ai đó thì cũng không chắc đã đủ can đảm để nói với tôi rằng, ta chính là mẹ của con để cho tôi được sung sướng gục đầu vào lòng mà khóc gọi Mẹ!

Tuy cô Sáu không cho tôi gọi mẹ, nhưng lòng tôi lúc nào cũng thầm gọi cô là Mẹ. Mẹ Sáu, Mẹ Sáu ơi ! Tôi gọi thế khi tôi ốm đau, khi tôi tuyệt vọng. Người cô thấp nhỏ, đen, một con mắt gần như bị chột vì một cành tre đâm phải. Tôi không biết cô bao nhiêu tuổi, nhưng trông cái dáng người khô đét như trái mướp khô, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm, cô đúng là bà ngoại và tôi là đứa cháu nhỏ.

Nhà cô, thực ra là cái chòi rách của cô, nằm ở địa đầu thôn Trung Lương. Đó là một doi đất mà những cơn lụt mỗi năm tràn qua đã cuốn hết đất màu, chỉ còn trơ lại cát gọi là đồng cây Sanh. Gọi là đồng nhưng chẳng có một cọng lúa hay cây bắp nào, chỉ lơ thơ một vài cây sậy lúc nào cũng nghiêng ngã trong gió như những người say rượu. Vào mùa nắng, những cơn gió nam đuổi bắt nhau trên bãi, tung cát lên cao, uốn lượn một hồi rồi trút cả xuống thôn Trung Lương. Cát trên mái nhà, trong buồng ngủ, trong mâm cơm, cát nhiều đến nỗi cả một xóm đầu thôn phải bỏ  đi nơi khác, chỉ còn lại mỗi một chùa Thiên An phơi mình ra chịu trận.

Đồng cây Sanh mỗi năm một phình to ra và cái ngã ba sông càng ngày càng hoang vắng hơn. Khi mùa mưa tới, chỉ trong một vài ngày là cả cánh đồng mênh mông như biển. Cô cháu tôi phải đem nhau vào trú trong mả Thập Miên. Đây là những ngôi mộ cổ nằm san sát bên nhau như những con trâu được ai đó lùa lên gò để tránh lụt. Cô cháu tôi mỗi người chui vào một nhà mồ thấp lè tè, che gió bằng một tấm tranh rồi nằm cuộn tròn trong đó suốt đêm như một con cuốn chiếu. Bên ngoài, gió rít lên the thé, sục sạo từng ngôi mộ như đang lùng kiếm lũ quỷ không đầu cũng đang lẫn trốn đâu đó.

Cô Sáu nói, mấy mươi năm trước dân các làng nổi lên làm giặc. Họ là những người đàn ông trong tay chỉ có mỗi một cây rựa nên gọi là giặc Rựa. Họ cắt phăng búi tó, rùng rùng kéo nhau lên phủ xin giảm xâu giảm thuế. Quan phủ hoảng sợ phải đóng cửa thành. Họ liền tràn vào các vùng phụ cận, gặp ai để búi tó là đè ra cắt phập. Họ tung hoành đến cả tháng. Mãi đến khi quan công sứ cho lính Pháp hợp cùng với lính tập vây bắt suốt mấy ngày mới dẹp được yên. Bọn họ bị triều đình khép tội làm giặc và những ai ở ba làng An Định, An Đông và Trung Lương đều bị đem chém ở đồng cây Sanh. Đầu của họ bị đem bêu trên những cái cọc cắm ven đường, còn xác thì đem chôn ở bãi cát. Chỉ một mùa lụt là bao nhiêu cái xác không đầu đều bị nước cuốn trôi, xương trắng lăn lóc khắp cả cánh đồng, vung vãi tận các khu vườn ở thôn Trung Lương. Hoà thượng chùa Thiên An cho các sư sãi đi thu nhặt, gom thành một đống lớn hoả thiêu rồi lập đàn giải oan.

Mặc dù nhà chùa đã tụng kinh siêu độ  đến bảy ngày, nhưng nỗi oan to lớn quá nên những con ma không đầu không thể nào siêu thoát được. Chúng biến thành quỷ cứ rền rĩ khóc than mãi. Trời nắng chúng quay cuồng thành cơn gió trốt, trời mưa chúng biến thành những đám ma trơi lập loè. Một đôi khi chúng biến thành người cùng đi với khách bộ hành, cũng hỏi han chuyện trò, đến khi nhìn mặt mới biết là không có đầu!

Nhưng, vẫn theo lời cô Sáu, những con ma đã biến thành quỷ ấy tuy đáng sợ thật, nhưng những con quỷ sống mới đáng sợ hơn. Đó là những bọn ăn mày chúa. Chúng tụ tập thành bầy đến vài mươi đứa tôn một thằng lên làm chúa. Ngoài việc ăn mặc lôi thôi rách rưới đã đành, chúng còn bó vào chân nào đầu tôm ruột cá để ruồi nhặng bám theo vo ve như đàn sáo. Thằng chúa nằm nghễu nghện trên một cái võng rách để cho hai thằng mù khiêng đi xiên xẹo, hai bên lại có hai cái lọng bằng nón cời do hai thằng thọt cầm. Việc đầu tiên khi vào được nhà ai là chúng tìm cách chọc cho chó cắn. Chỉ cần một con chó hung hăng ngu dại nào đó đớp một phát vào một đứa trong bọn là y như rằng bọn chúng trúng lớn. Cả lũ tức thì nằm lăn ra đất, vật vã kêu gào như đang bị ai thiến. Chúng nằm đó suốt ngày, hết khạc nhổ đến ỉa đái cho đến khi chủ nhà chịu hết xiết, phải đem gạo thịt tiền bạc ra van xin hết lời chúng mới chịu đi cho!

Vì vậy, khi nghe tụi ăn mày chúa kéo tới đầu làng, nhà nào cũng vội vàng nhốt chó, đóng chặt cửa như trốn giặc. Những nhà giàu phải đem gạo tiền ra tống tiễn để chúng đi qua làng khác. Cả đám hương lý cũng phải xén bớt quỹ làng, ngọt ngào năn nỉ nếu không chúng tới nằm vạ trước đình làm ô uế đến cả thánh thần. Ngã ba sông là nơi chúng ưa thích dừng chân. Từ đây, chúng đi tới các làng ven sông mà không bỏ sót một làng nào. Chiều tối chúng kéo nhau về bãi cát tháo bỏ những thứ dơ dáy hôi hám, tắm táp kỳ cọ rồi tươi tỉnh ăn uống no say. Chẳng đứa nào câm. Cũng chẳng thằng nào chột, con nào què. Đứa nào cũng mạnh khoẻ béo tốt. Thằng ăn mày chúa lại có cả vợ hầu, cơm rượu xong lại rửng mỡ rúc rích suốt đêm. Có lần chúng đem gạo thịt tới cho cô Sáu nhưng cô không thèm nhận. Cô bảo thà chết đói chứ không bao giờ đụng vào của bất nhân.

Cô Sáu kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện như thế, nhưng không hề nói cho tôi biết một chút gì về gốc gác của cô. Cô bảo, tao cũng là đồ trôi sông lạc chợ như mày, có hơn gì đâu mà nói. Ngay cả tên cô nghe cũng rất lạ đời, đàn bà ai lại đặt tên Chơi. Nhưng cô cười bảo tao ham chơi quá, người ta chửi mãi lâu ngày thành tên.

Nói vậy chứ cô là người rất chăm làm. Sống bằng nghề đi mót, đánh tranh giũ rạ thì chơi thế nào được. Có điều cô làm những việc tẳn mẳn buồn bã ấy một cách rất nhẹ nhàng vui vẻ, làm mà cứ như chơi vậy.

Thường thì bọn đi mót vừa đông vừa gian không thua gì bọn ăn mày chúa. Họ lấy cớ đi mót để rút trộm lúa, bẻ trộm bắp, nên chủ ruộng nào cũng đem theo một cây roi dài để thả sức mà quất lên lưng lên nón. Cô Sáu tôi không muốn bị đánh như đánh chó. Đợi cho lúa được bó xong gánh hết về nhà và cả bọn cướp cạn kia bỏ đi, cô cháu tôi mới xuống ruộng gom hết những hạt thóc rơi trước khi lũ vịt chạy đồng kéo tới. Chúng tôi cũng quét cả lúa rụng trên đường đi mặc dù có lẫn cả đất và phân trâu bò. Nhưng có hề gì, sau đó cô tôi đem hết ra sông đãi, chỉ trong chốc lát là có cả một mớ lúa vàng. Mót như thế thì chẳng ai thèm tranh với cô cháu tôi ngoài một vài con chim sẻ chim cu thỉnh thoảng sà xuống đớp vài hạt. Mùa mưa nước ngập đồng thì chúng tôi lại kiếm khá hơn vì bọn đi mót giả bộ kia không chịu được ướt át lạnh lẽo. Chúng tôi nhiều khi được thợ gặt chừa lại cho cả một vạt lúa ngập trong bùn.

Những lúc không có gì để mót, cô tôi di giũ rạ đánh tranh để người ta lợp nhà. Cô tỉ mẩn dùng liềm gạt những hạt thóc còn sót lại trong rạ trước khi giũ cho rơm bung ra, chỉ để lại những cọng rạ thẳng và cứng. Sau đó cô dùng những chiếc hom tre và với cách thức trong nghề, cô đan thành những tấm tranh rất đẹp. Tiền công cho mỗi một tấm tranh chẳng được bao nhiêu nhưng cô được rất nhiều lúa, tuy gạo có mùi dầu hôi nhưng vẫn đủ ăn quanh năm.

Sau mỗi mùa lụt, cái bãi cát ở ngã ba sông rất nhiều hến. Cô đem một cái rổ thưa cứ việc xúc đầy cát rồi để nước cuốn đi chỉ chừa lại những con hến vừa ngọt vừa béo mà ai cũng thích. Chính trong một lần như thế cô đã cứu sống tôi.

Cô Sáu tôi như thế đó, rất nghèo hèn cơ cực, nhưng ngoài con chó cái một thời vừa là mẹ vừa là bạn của tôi, thì chính cô là người đàn bà từ tâm mà phước đức lắm tôi mới gặp được trong đời.

2.

Chúng tôi cứ sống nghèo khó nhưng yên lành như thế cho đến một hôm chết khiếp vì sợ.

Hôm ấy là một buổi xế trưa, trời không có gió nên rất nóng. Cô tôi vừa tắm từ dưới sông lên đang phơi áo trên mấy cây sậy. Bỗng nghe đất cát kêu rào rào, chỉ trong chớp mắt đã thấy hai sĩ quan Nhật, kiếm dài sát đất đang đứng lù lù trước mặt. Một người nữa mặc áo Tàu, hai tay bị trói quặt ra sau lưng. Cô tôi vội núp sau mấy cây sậy, còn tôi thì túm lấy ống quần của cô che mặt.

Một sĩ quan liền rút kiếm nghe đánh soạt chỉ thẳng vào cô tôi, ậm oẹ một tràng tiếng gì  đó như quát tháo. Cô tôi chắp hai tay sụp xuống đất: “Lạy các quan tha cho chúng con!”. Tôi cũng bị cô kéo ngã chưa kịp khóc theo, đã nghe lơ lớ: “Nó piểu nị lôi thỉ cho nó coi lớ!”. Cô tôi liền giật phăng tôi ra khỏi quần, lội ào xuống sông mặc cho tôi khóc thét lên vì sợ. Hai sĩ quan Nhật liền đẩy người Tàu ngã chúi về phía trước. Qua tới bờ bên kia họ tra gươm vào vỏ, nghe cũng ớn lạnh như lúc họ rút ra. Ơn trời, cô tôi không bị chém lại còn được cho một đồng bạc. Đó là lần duy nhất chúng tôi thấy quân Nhật và cũng là lần đầu chúng tôi có một đồng bạc gánh dưa.

Sau khi hoàn hồn, cô tôi lấy chiếc yếm của người mẹ đã từng đắp lên ngực tôi, cẩn thận gói đồng bạc rồi đem lót dưới cái gối rơm của tôi. Cô dứ dứ ngón tay vào trán để đe tôi không được lấy cắp. Cô cười bảo, để mai mốt cưới vợ cho mày!

Liền sau đó cái tin ông Bang Tèng bị Nhật bắt được bàn tán ồn ào ở cái xóm Miễu bên kia sông. Người ta bảo Nhật nó sẽ tẩm dầu lên người ông ta rồi đốt để ông ta chạy coi chơi vì cái tội quyên tiền giúp Tàu đánh Nhật. Nó đã từng mổ bụng con ngựa bị chết ra, nhét người đàn bà dám lấy mạt cưa trộn cám bán cho ngựa nó ăn. Thì bây giờ cái chuyện thiêu sống hay mổ bụng đâu có khó khăn gì. Người ta nói tới Nhật như nói tới một hung thần dữ dội chưa hề tha chết cho ai bao giờ. Vậy mà cô tôi đã khỏi chết laị còn được cho tiền. Quả thật là may! Cô tôi đâu biết được rằng chỉ ít năm sau, cái việc “lội thỉ cho nó coi” lại là một cái tội đáng bị đem ra xử bắn. Đó là tội làm tay sai cho Nhật!

Ít lâu sau cái ngày ông Bang Tèng bị bắt thì nghe tin Nhật đầu hàng Đồng Minh. Mà nghe đâu mình cũng là Đồng Minh nên coi như mình cũng thắng. Có điều thắng nhưng chẳng vui chút nào vì có cả triệu người chết đói!

Cậu Khánh, con trai ông tổng Bá đang học Tú tài ở Hà Nội phải bỏ học mà về. Cậu nói, không có chỗ nào chịu nấu cơm cho học trò. Ngay cả chủ nhà cậu trọ học cũng chỉ ăn mỗi ngày một bữa, mà phải đợi đêm khuya mới dám ăn. Mỗi người chỉ có mỗi chén cơm ăn với muối. Ăn thầm trong bóng tối kín kẽ đến nỗi không dám nhai, chỉ trợn trạo rồi nuốt. Phố xá đóng chặt cửa cả ngày lẫn đêm. Người chết vì đói và lạnh nằm chất đống dưới mái hiên, chân tay co quắp bấu vào nhau gỡ không ra. Phải đến trưa xe chở xác mới đem đi hết. Rồi hôm sau lại có cả hàng chục bộ xương nằm ôm nhau chặt cứng. Càng lúc càng nhiều hơn, những người không ra người… sau khi đã ăn hết cả cóc nhái, chuột bọ lếch thếch kéo lên thành phố để chực chờ chút cháo lá đa. Có lần cậu vô ý ném một cái vỏ chuối xuống đường, lập tức có hàng chục người tranh nhau, kẻ được liền trợn mắt nuốt chửng! Người ta đói đến nỗi ăn cả lá cây, ăn cỏ như trâu bò. Nghe nói có chỗ ăn cả thịt người, cha ăn luôn cả thịt con vì không ăn nó cũng chết!

Nghe những chuyện như thế cô Sáu tôi thở dài. Cô nói, tao có chết thì cũng được đi, chỉ tội cho mày đã bị thả trôi sông giờ lại còn phải chết đói nữa. Làm ma đói khổ lắm, lúc nào cũng vất vưởng trên bờ cây ngọn cỏ, đói khát thì làm sao đầu thai cho được! Nhưng ông phó Ba lại nói, ở xứ mình chẳng ai chết đói đâu mà lo. Nhật nó đâu có bắt cắt lúa để trồng đay cho nó. Lúa trong Nam nhiều như cát, Tây nó phải đốt bớt để chạy xe lửa kia.

Từ khi thấy hàng ngàn người chết vì  đói, cậu Khánh cho rằng sự giàu có no đủ của mình là một cái tội. Cậu đòi đem phần ruộng của mình cho hết những người nghèo. Cả nhà ông tổng Bá đều cho rằng cậu học quá hoá điên. Lúc này, hai tiếng cọng sản được người ta nói tới mà không cần phải ngó trước nhìn sau. Có người hỏi cọng sản là cọng làm sao ? Ông phó Ba liền nói là cọng các bà vợ lại. Đàn ông cười khoái trá còn đàn bà thì nguýt háy. Ông Khứ bảo đồ phù thủy biết gì mà nói, coi chừng bị cắt mất lưỡi bây giờ. Ông Khứ một thời mơ làm kép hát nên đã đi theo gánh bài chòi của ông bầu Kiên. Nhưng ông phó Ba nói, chỉ có tiếng “dạ” là nghe được nên chỉ có mỗi một việc nai lưng ra gánh đồ và làm quân sĩ chạy hiệu mà thôi.

Cô cháu tôi là hai kẻ cùng đinh, như người ta thường nói là không có nổi một cục đất ném chó  ỉa. Cái chòi của chúng tôi chỉ che tạm trên đất Trung Lương chứ chẳng phải dân làng ấy. Mà cả hai làng An Định, An Đông cũng chẳng làng nào chịu nhận chúng tôi làm dân. Nếu chỉ một thân một mình, cô Sáu chẳng cần gì phải làm dân làng nào cả. Cô cứ việc đi mót, đánh tranh giũ rạ và đi đãi hến cho đến già. Chẳng ai bắt cô phải đóng một đồng thuế đinh nào. Nhưng từ khi có tôi, cô không muốn tôi lang thang trôi dạt như bọn ăn mày. Cô nói, mày phải có sổ đinh thôi, nếu không lớn lên quan sẽ bắt tội đi đày. Rồi cô lật cái gối của tôi ra lấy đồng bạc gánh dưa, đặt lên cái đĩa xin ông lý trưởng cho tôi được làm dân làng An Định. Thấy đồng bạc, ông lý trưởng cười bảo của thằng Nhựt cho phải không? Cô tôi dạ. Ông lý trưởng lại hỏi nó tên gì? Cô nói, ai cũng biết là tôi lượm được nó trên sông nên đặt tên là Xí Được. Ông lý trưởng lại cười, nói: Được thì nghe được rồi, thêm xí làm gì cho nó xấu. Họ Lê hả? vậy thì để trong sổ nó là Lê Văn Được. Cô tôi mừng quá rối rít dạ dạ.

Vậy là tôi có tên tuổi đàng hoàng và một trong ba cái làng ở ngã ba sông là làng An Định đã thành quê quán của tôi.

Đó là một làng nhỏ như bao nhiêu làng khác nằm ven sông với một hương lộ chạy qua những vạt đất thổ, vừa là con đường nối các làng, vừa là con đê ngăn nước trong mùa lụt. Làng có ba xóm: thượng trung hạ, ngăn cách bởi các gò đầy mồ mả và những đường luồn quanh năm nồng nặc mùi phân trâu bò. Mọi nhà trong làng đều lợp tranh chỉ mỗi nhà ông chánh nhạc lợp ngói mới đỏ tươi. Vì làng quay mặt về hướng nam nên lúc nào cũng thấy tháp Bánh Ít nổi bật lên nền trời như hai búp măng khổng lồ nhô lên khỏi mặt đất.

Ông phó Ba nói, đây là đất của Hời, tháp của nó còn nhiều hơn chùa của mình. Ai cũng tưởng nó giấu vàng trong đó nên đục đẽo đập phá gần hết. Đâu biết rằng vàng của nó là vàng sống, hễ thấy người mình là trốn biệt. Trong vườn nhà bà phó Lý đêm nào vàng chẳng đi ăn sáng rực cả vườn nhưng dễ gì mà tìm được. Ông phó Lý lấy cớ trồng chuối đào nát cả vườn, đào tới đào lui cả năm cũng chỉ được có mấy trái cau, nhưng khi đem vào nhà coi lại chỉ là đất nung đen cháy như sành. Đó là chưa kể ông ta bị ma Hời làm cho cái bụng trương lên như trống cái thiếu chút nữa là toi mạng.

Thầy giáo Hiên thì nói đây là đất anh hùng. Anh em nhà Tây Sơn tuy phát tích ở An Khê nhưng lập nên nghiệp đế ở Qui Nhơn tức là thành Đồ Bàn. Quân của anh em Nguyễn Nhạc đóng ở phía bên kia sông ngày nào chẳng lội sang làng mình. Cái gò Na trên kia là nơi ngày đêm họ diễn tập, voi ngựa của họ đứng chật cả đường.

Ông đồ Ngân lai bảo đây là đất học. Làng nào chẳng có Tú tài Cử nhân. Làng mình có ông cử Vân, làng Yên Thới có ông nghè Nhã. Không phải đất học như An Đông thì dù có đi thi hàng chục lần cũng chẳng có ai đậu nổi cái Tú tài.

Như thế số phận đã đưa đẩy tôi được làm dân của một làng cũng khá tiếng tăm nhưng nghèo. Dân làng quanh năm chỉ sống với hai mùa lúa nên cất được một cái nhà là phải hết cả một đời người. Chỉ có ông Chánh nhạc chưa đến một năm đã xây được nhà ngói, nào cửa kiếng nào gạch bông cứ như nhà Tây. Trước kia ông nhàng nhàng, không nghèo mà cũng chẳng giàu. Nghe đâu một lần đi xe lửa ngồi cạnh một thằng Tây đi phát lương, không hiểu sao nó lấy nhầm cặp của ông để lại một cái cặp đầy tiền. Ông vội vàng xuống một ga nào đó đi ngựơc vào tận Nha Trang, Sài Gòn. Đợi mãi cả năm không thấy đông tĩnh gì mới dám về làng. Rồi cũng đợi tới lúc Nhật đảo chánh mới dám tậu ruộng xây nhà. Vì đã từng giữ chức trông coi lễ nhạc của làng, nên ông bỏ tiền ra mua đào kép lập nên gánh hát bài chòi Thanh Bình Ban. Ông là bầu Kiên nhưng người làng vẫn quen gọi ông là Chánh Nhạc.

Nhờ cái vận may đó ông trở thành nhà giàu, nhưng cũng chỉ là giàu mới nổi. Nhà ông tổng Bá mới thực là giàu từ trong bụng mẹ giàu ra. Nhà tuy lợp tranh nhưng là nhà lá mái to rộng và kiên cố hơn cả đình làng. Những hàng cột gỗ lim bóng lộn, những vỉ kèo chạm trổ công phu, phải cả vạn tấm tranh mới lợp đủ. Người ta nói vào trong nhà ấy mùa hè thì mát lịm, mùa đông ấm cứ như nằm trong chăn. Kể về vai vế chức tước thì ông tổng Bá ăn đứt. Một đằng thì dưới tay có đến cả chục lý trưởng, một đằng thì chỉ có mấy cái cò nhị ỉ eo. Nhưng nhờ có cái nhà ngói sang như Tây, có gánh hát bài chòi bề thế nên ông bầu Kiên được mọi người nể trọng và ưa thích hơn.

Cô Sáu tôi một đôi lần gặp họ đều lễ phép thưa thầy Chánh, thầy Tổng nhưng vẫn coi khinh là trọc phú. Chỉ có ông cử Vân dù chưa được gặp lần nào vẫn được cô nói tới với tất cả ngưỡng mộ và lòng kính trọng.

Ông cử Vân trước đây nhà rất nghèo. Mấy lần vào trường thi Bình Định chỉ lo làm bài thuê. Nhiều tay thơ phú chẳng ra gì nhưng nhờ ông mà thi đậu ra làm quan. Còn ông thì cứ rớt mãi. Sau ông cụ biết được đòi chết ông mới chịu làm bài cho mình và đậu thứ mười hai là thứ áp chót. Và cũng vì nghèo, trầy trật mãi ông mới được một chức quan nhỏ ở một huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều người vừa cười vừa kể lại rằng, dân ở đó mỗi người đi tết cho ông đến cả một cặp gà hay cặp vịt. Ông bảo nhiều quá không nhận. Nhưng khi mở ra xem thấy đó chỉ là hai cái trứng vịt hay trứng gà lộn, ông cũng đành phải cười mà nhận. Ông làm quan được vài năm, bổng lộc chẳng được bao nhiêu, lại phải ra vào luồn cúi nên ông từ quan về nhà. Nghèo vẫn hoàn nghèo. May mà phía vợ nhà ông vì mê cái chữ của ông nên chia cho vài mẫu ruộng. Từ đó mọi việc trong nhà đều do một tay bà vợ đảm đang quán xuyến. Ông chỉ có mỗi một việc đọc sách, ngâm thơ.

Có lẽ câu chuyện một thằng bé bị thả trôi sông nhờ sữa chó lớn lên đã đến tai ông. Một hôm ông bước vào căn lều của cô tôi, kêu tôi lại săm soi mặt mũi rồi bảo cô ráng cho tôi đi học sau khi đã cho tôi một đồng bạc. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái hình dáng mỏng manh của ông bước đi liêu xiêu với chòm râu dài tới ngực. Nhờ có ông, nên mấy ngày sau tôi cũng được đi học như những đứa con nhà khá giả.

Ngày đầu tiên, cô Sáu xin bà phó Lý mấy tàu lá chuối hơ lửa rọc thành xấp như giấy, lại cắt một nửa cây đũa mun vót nhọn để làm bút. Cô cõng tôi qua sông mặc dù nước cạn tôi có thể lội qua được. Cả lớp nhao nhao đón tôi bằng tiếng gọi mà thường ngày chúng vẫn réo khi gặp tôi: A, thằng Chó Đẻ ! Thầy giáo phải gõ thước lên bàn bốp bốp như giày đinh của Nhật tụi nó mới chịu im cho. Thầy kêu anh trưởng tràng đưa tôi vào lớp cho ngồi bên cạnh. Cô tôi đứng ngoài cửa chắp tay vái thầy mấy lần để cảm ơn.

Thầy là con trai một của ông đồ Ngân dạy một lúc đến những ba lớp. Lớp Tư, lớp Năm và nhỏ nhất là lớp Đồng Ấu. Lớp học là nhà đông của đình làng An Định. Học trò có đứa phải cõng đến trường như tôi, có đứa lớn sồ mặt đầy mụn và lang beng. Thực ra thầy chỉ phải dạy những anh lớp Tư, các anh lại dạy lớp Năm và lớp Năm thì dạy bọn Đồng Ấu mới vào.

Anh Cọng được lệnh thầy kẽ hàng rào trên lá chuối cho tôi kẽ theo. Chỉ một việc đơn giản như thế nhưng hôm ấy tôi run đến nỗi làm rách đến mấy miếng lá. Mồ hôi tứa ra trên tay tôi trơn như thoa mỡ, ngực tôi đánh trống liên hồi tưởng chừng anh Cọng cũng có thể nghe được. Vất vả một lúc tôi cũng kẽ được nhưng xiên xẹo chẳng ra làm sao. Khi tiếng trống tan trường vừa dứt, cả lớp đã vây lấy tôi. Có đứa giật phăng cuốn lá trên tay, có đứa kéo tuột quần tôi xuống, chúng làm đủ mọi trò như thể tôi là một con vật lạ hay là một món đồ chơi ngộ nghĩnh.

Mặc dù vậy, tôi vẫn thích được đi học. Chỉ vài ba hôm là tôi đã kẽ được ngay ngắn, nhưng tập đọc là cả một cực hình. Dường như có một cục đá cứ chẹn lấy cổ họng tôi không cho giọng đọc thoát ra. Gay go nhất là đọc chữ U. Môi miệng tôi cứ chúm cả lại. Đỏ cả mặt, chảy cả nước mũi, khó khăn lắm tôi mới khạc ra được một tiếng như tiếng ho. Cả lớp lăn ra cười. Thầy bảo về nhà phải tập ngậm sạn mà hét cho cái lưỡi nó mềm ra mới hết được cái tật cà lăm ngọng nghịu.

Nhiều đứa khác học hành dễ dàng hơn nhưng lại thích ở nhà đi bắt ốc mò cua, thích đi chăn trâu chăn bò, thích lang thang bờ kia bụi nọ chứ không chịu ngồi tù túng chỉ để kẽ những cái hàng rào chẳng biết để làm gì. Cha mẹ cố sức cho đi học nhưng chúng vẫn cứ trốn. Cứ cách một vài hôm lại có đứa không chịu tới trường, thầy phải cho cả lớp đi bắt về.

Vui nhộn và hăng hái như đi bắt cá hay săn chồn. Các anh lớn vênh váo đi trước với cái bội đựng mạ và đòn gánh thật dài. Lũ bé con chúng tôi hò reo chạy theo. Chó trong làng được dịp thi nhau sủa. Những đứa trốn học thường là lớn tuổi không đời nào chịu để cho bị bắt. Chỉ nghe chó sủa là đã nhảy xuống sông hay leo tuốt lên cây cau. Cả bọn đứng dưới gốc chửi nhoi nhói như chó sủa mèo. Chửi chán thì mang giỏ về.

Nhưng cũng có lần bắt được. Hôm đó có cha thằng Phùng giúp sức. Bảo mãi không chịu xuống, ông liền vào nhà lấy rựa doạ chặt cây cau. Thế là hắn ta rối rít dạ dạ, tuột xuống. Hắn bị nhốt vào giỏ khiêng về trường. Bọn trẻ chúng tôi được một bữa hò hét đến khản cả giọng, vừa đi vừa đành trống miệng thùng thùng làm như quân cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh thắng trận trở về. Thầy bắt kẻ trốn học nằm lên bàn, thẳng cánh đét vào mông năm roi, nhưng cũng chỉ được ít hôm rồi lại trốn!

Dạy và học như thế, nhưng chẳng hiểu tự bao giờ, đứa nào dù lười hay dốt đến mấy cũng viết được chữ, đọc được sách. Cứ y như ngày hai buổi đến ngồi đâu mặt vào nhau trên hai cái bàn chạy dài từ đầu lớp đến cuối lớp là tự nhiên chữ nghĩa nó chạy vào đầu. Tôi dù ngậm sạn hét mãi mỗi khi xuống sông tắm mà đọc vẫn cứ như nhai chữ. Nhưng thầy bảo chữ viết khá đẹp và chưa trốn học lần nào nên vẫn thường đem tôi ra làm gương cho cả lớp.

Chưa đến hết năm học, anh Cọng trưởng tràng ở nhà cưới vợ. Hôm đám cưới thầy Hiên được mời ngồi trang trọng ở phản giữa cùng với ông lý trưởng. Anh mặc áo the đen, quần dài trắng, đội một chiếc khăn đóng, lúng túng trên đôi guốc gỗ, vái chào thầy. Khi thấy chúng tôi lấp ló thè lưỡi nheo mắt sau hàng rào, anh mắc cỡ đỏ mặt nhưng vẫn không quên đưa nắm tay lên doạ dù biết rằng chẳng còn đứa nào sợ anh nữa. Cô dâu thập thò sau màn cửa chẳng biết đẹp hay xấu.

Cuối năm ấy, gần như các anh lớp Tư  đều đi cưới vợ. Lớp học nhỏ tuổi dần và cái cảnh kéo nhau đi bắt những đứa trốn học cũng không còn nữa. Đến khi tôi lên lớp Tư, tức là đã làm thầy được những đứa lớp Năm thì Việt Minh cướp chính quyền.

3.

Đó là một buổi sáng mùa thu. Cái trống làng không phải vang lên một cách rộn rã để báo tin ngày khai trường mà thùng thùng từng hồi giục giã như đê vỡ. Mọi người ngơ ngác kéo nhau ra đình.

Một tấm vải màu đỏ ở giữa có ngôi sao vàng được treo trước chánh điện. Không phải ông tổng Bá hay ông lý trưởng khăn áo trịnh trọng như trong các lễ sắc thần mà là ông bầu Kiên mặc đồ tây đứng trước điện dõng dạc tuyên bố: Chính quyền đã về tay Cách mạng! Mọi người lại ngơ ngác không hiểu chính quyền nó là cái ra làm sao thì ông bầu Kiên ngoắc ông lý trưởng đang đứng sợ hãi dưới thềm bảo phải đem nộp gấp con dấu cùng sổ đinh và sổ điền. Khi ông lý vội vàng về nhà thì ông kêu lại dặn thêm phải nộp hết số tiền quỹ.

Vậy là xong! Cái chính quyền vừa bị cướp chỉ là con dấu và mấy cuốn sổ. Không hào hiệp như chú Lía lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Cũng không tàn bạo như thằng Năm Quầng nung chì đòi đổ vào miệng lão Phẩm thợ bạc để khảo vàng. Nhiều người bảo cướp chính quyền sao mà dễ như trên tuồng hát. Nhưng ông phó Ba ra vẻ bí mật bảo không dễ đâu! Ông nói, cái lão Chánh nhạc được một cái cặp tiền nhiều thế kia sao không mua cái chức lý trưởng hay cái tước cửu phẩm mà cứ giữ mãi cái chức chánh nhạc với đám cò nhị ỉ eo, rồi thuê đào mua kép lập gánh hát? Còn thằng Khứ hò hát nghe như cóc nghiến răng mà cũng bày đặt đi theo gánh hát là tại làm sao? Là hoạt động ngầm cho Cách mạng đó! Gánh hát đi tới đâu là cờ xí truyền đơn đi tới đó. Thứ gì mà vận chuyển không được kể cả súng đạn!

Mọi người bấy giờ mới ngớ ra. Ai cũng khen ông bầu Kiên là mưu trí dám cả gan qua mặt cả tụi Pháp lẫn tụi Nhật!

Tuy ông bầu Kiên không ra lệnh, nhưng để mừng Tổ quốc được độc lập, nhà nào cũng cố may cho bằng được một lá cờ. Vải vàng thì xin ở chùa, nhưng kiếm cho ra vải đỏ thực không dễ. Nhiều nhà đành lấy cái khậu đỏ che trước bàn thờ chia nhau mà may. Cả làng chỉ có mỗi một cái máy may cọc cạch nên phải chạy gần như suốt cả đêm. Khó nhất là cắt ngôi sao! Cánh dài, cánh cụt, cánh mập, cánh ốm! Rối tung cả lên, nhưng cũng phải có mà treo ở bàn thờ Tổ quốc, lúc này còn thiêng hơn cả bàn thờ ông bà ông vải. Đến ảnh cụ Hồ thì đành chịu. Cả làng chỉ có mỗi ông bầu Kiên là có một ảnh khắc gỗ như trong kinh Phật, nên chẳng biết có giống cụ hay không!

Xong việc may cờ, cả làng sôi lên vì những cuộc biểu tình. Đàn ông thì mang theo cuốc rựa, đàn bà thì cầm dao phay, trẻ con thì mõ tre. Mỗi khi hoan hô hay đả đảo đều vung lên loạn xạ như sắp băm vằm ai đó. Bọn trẻ con hùa theo đánh nhịp lốc cốc, lốc cốc. Đoàn người đi diễu quanh làng, chân dẫm lạch bạch tung bụi lên mù mịt. Ông Khứ lúc này không còn là một tên lính chạy hiệu mà oai phong lẫm liệt như một vị tướng. Lúc đi đầu, lúc đoạn hậu, ông khoa chân múa tay như nhà vừa mất trộm. Khi đi ngang qua nhà ông bầu Kiên, ông lại thúc đoàn người gầm to hơn, mõ đánh nhiều hơn, chân giẫm mạnh hơn trong khi ông chỉ huy Cách mạng đứng trên thềm nhìn ra vừa vẫy tay vừa mỉm cười.

Ông tổng Bá thì ngược lại. Mỗi khi đoàn biểu tình đi ngang qua nhà, ông đều lẩn ra sau. Ông sợ cái đám biểu tình do ông Khứ dẫn đầu còn hơn sợ cái đám ăn mày chúa. Với lũ ăn mày, chỉ cần đem một ít gạo tiền là chúng đi qua làng khác, còn cái đám biểu tình này thì biết tống tiễn bằng cách gì? Ông lo lắm nhất là nghe hô “đả đảo”, cứ nghe như chửi thẳng vào mặt ông!

Vì vậy, khi nghe phát động Tuần Lễ Vàng, ông liền lột sạch đồ trang sức của vợ con, sung sướng được đem hiến cho Cách mạng. Ông bầu Kiên khi nhận mười hai chiếc kiềng, mười lăm chiếc cong và hai mươi chiếc nhẫn trước mặt dân làng, đã tung hô ông tổng Bá là nhà Đại Yêu Nước. Để chứng tỏ rằng mình xứng đáng với cái tước hiệu mới mẻ đó, ông tổng Bá liền hiến thêm mấy sào đất để xây trụ sở Uỷ Ban. Như vẫn chưa vừa, ông liền kêu thợ tới bắc cầu nối An Định với Trung Luơng. Cây cầu gỗ đâm thẳng vào căn lều của cô cháu tôi. Nhờ vậy mùa lụt tôi đi học mà không phải qua đò. Khi khánh thành ông hào phóng cho ngã một con bò, hai con heo để khao đãi các bác thợ và cả làng. Ông lại được ông bầu Kiên và ông Khứ phong cho chức Trưởng ban Vệ sinh kiêm Trưởng ban Đời Sống Mới.

Liền một lúc được đến mấy chức, ông lại càng hăng hái hơn nữa, yêu nước hơn nữa! Các cụ già như ông cử Vân, ông đồ Ngân không còn ngồi trầm ngâm bên tách trà bàn sấm Trạng Trình, các bà lão không còn thong dong dắt cháu đi lễ chùa, những đứa bé không còn lêu lổng lang thang. Tất cả được ông huy động vào việc phát quang bờ tre, dọn sạch phân trâu bò, quét khắp đường làng ngõ xóm, sạch đến nỗi không còn tìm thấy một chiếc lá tre nào vương vãi. Chẳng mấy chốc làng An Định được khen là làng kiểu mẫu. Ông lại được hoan hô và bây giờ ông rất thích được đoàn biểu tình đi ngang qua nhà hô khẩu hiệu.

Mặc dù Bảo Đại đã không còn ngồi trên ngai vàng và kinh thành Huế đã không còn ai hướng về bái vọng nữa, nhưng người ta cho rằng cái gốc rễ của phong kiến đã ăn sâu vào tận các đình làng. Cho nên muốn tận diệt phong kiến là phải phá đình. Và người nện cái nhát búa dũng mãnh đầu tiên vào đình làng An Định chẳng ai khác ngoài ông Khứ. Trong khi nhiều người sợ thánh thần vật chết thì ông bảo, thần thánh mẹ gì, chỉ mấy miếng gỗ và mấy cục đất sét, vậy mà hết đời này đến đời khác cứ sì sụp cúng bái. Coi này, ông thét lên. Ai chết cho biết! Mấy cái bài vị nẩy tung lên, ba vị thần chẳng biết thần gì rơi xuống đất vỡ toang. Ông hô, tiến lên anh em! Thế là búa và xà beng của đám dân quân thi nhau nện ầm ầm. Gạch vỡ, ngói rơi và cái đình tốn bao công của trong suốt muời năm mới xây xong, chỉ có mấy ngày là đã thành một đống cây gỗ gạch đá ngổn ngang. Hai cái trụ biểu vì quá cao to nên để lại, nhưng hai con sư tử trước đây oai linh là thế, giờ chỉ như hai con chó đứng nhìn nhau mà không tiếng sủa nên chẳng còn làm cho đứa bé nào sợ nữa.

Nhìn các bài vị và sắc thần đang cháy, những câu hoành câu đối vứt bừa bãi ngổn ngang, ông đồ Ngân ứa nước mắt than: Đình là nơi thờ cúng các vị tiền hiền mấy trăm năm trước có công lập làng được vua phong tặng chứ có phải thờ con vua cháu chúa gì  đâu mà bảo là phong kiến! Còn chữ của ông cử Vân cho đẹp thế kia có tội tình gì mà vứt bỏ đi, thế này là mạt vận rồi!

Ông Khứ liền quát: Phong kiến chẳng mạt. Cho chừa cái thói ỷ có năm ba chữ, bắt dân khúm núm hầu hạ, lúc nào cũng gãi đầu gãi tai như khỉ! Ông đồ Ngân lắc đầu chắp hai tay vái, không rõ là vái ông Khứ đang thét ra lửa hay vái cái oan hồn tội nghiệp của ngôi đình!

Sau cái trận phá đình, các chức dịch cũ trong làng nào chánh tổng, lý trưởng, hương bộ, hương kiểm… cảm thấy rét run trước sức mạnh ghê gớm của Cách Mạng. Ai cũng giẫy nẫy từ chối cái tiếng thầy tổng, thầy lý, thầy hương… mà trước kia họ sẵn sàng bán cả ruộng vườn, bợ đỡ xun xoe để mua cho bằng được.

Ông tổng Bá mặc dù đã được phong đến mấy chức mới rất hợp thời, nhưng xem ra cái chức chánh tổng cũ hãy còn là một cái gốc phong kiến quá to, chẳng biết sẽ bị ông Khứ đốn ngã lúc nào. Để tỏ ra tiến bộ và một lòng đi theo Cách mạng, ông cố sức tận tụy hơn với hai cái chức Trưởng ban nhỏ bé của mình. Ông liền đi từng nhà, xem xét từng chỗ ăn chỗ ngủ, chuồng heo chuồng bò và rồi để đi tới chỗ tuyệt đối, không thể nào vệ sinh hơn được nữa, không nơi nào đời sống mới hơn được nữa, ông đã đưa ra một sáng kiến mà ông Khứ dù đã bắt đầu hạnh họe cũng phải nhảy cẫng lên vì khoái chí.

Đó là, từ nay mọi người phải ăn cơm trong mùng và chính ông sẽ mua mùng trắng phát không cho mọi nhà! Đúng là thôn kiểu mẫu nên mới có một người kiểu mẫu như thế. Cái ngày chăng mùng để ăn cơm là một ngày đáng nhớ của thôn An Định. Mọi người được lệnh phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc tươm tất để cho cán bộ các làng kéo tới học tập. Khi mâm cơm dọn ra, già trẻ lớn bé đều ngồi xếp bằng một cách trịnh trọng, người ông hay người cha lấy quạt mo xua lũ ruồi đi xa rồi mới thả mùng. Bưa cơm bắt đầu. Tất cả ngồi ăn chậm rãi, nhỏ nhẹ đến nỗi không dám nhai, ngay cả nuốt cũng phải từ từ. Trẻ con dĩ nhiên là không được khóc. Các cán bộ đứng ở bên ngoài liên tục ghi ghi chép chép. Có người hỏi : Ăn có ngon không? Đáp: Có. Lại hỏi: Thích không? Đáp: Thích. Trong khi đó lũ ruồi nhặng nổi tiếng lì lợm vẫn cứ bay quanh, chúng kêu to hơn, kéo đến nhiều hơn nhưng đành hậm hực chịu thua cái sáng kiến của ông Trưởng ban vệ sinh kiêm Trưởng ban Đời Sống Mới.

Chẳng biết các nơi khác có chịu học tập hay không, chứ dân làng An Định oán ông tổng Bá không để đâu cho hết. Cái tuồng mới ấy ai cũng tưởng chỉ diễn vài hôm để cán bộ trong làng coi chơi, không ngờ hết đoàn này đến đoàn khác kéo tới và mọi người cứ phải bỏ cả công việc để chui vào mùng ăn biểu diễn. Ông phó Ba là kẻ đầu tiên lên tiếng mỉa mai. Ông nói, ăn cơm trong mùng giống như thỏ ăn cỏ trong chuồng. Tiếp đó bà phó lý cũng nói, ngủ mùng thì được chứ ăn cơm trong mùng mà lại để cho người khác đứng coi thì nuốt làm sao trôi! Thì mặc kệ bà, ông Khứ nói, được khen là hợp vệ sinh thì thích hay không thích cũng phải chui vào mùng mà ăn. Mùng phát không mà còn kêu ca nỗi gì. Các nơi khác phải tự mua mùng chứ đâu có quá sướng như cái làng này.

Ông Khứ và ông tổng Bá trong những ngày đầu đi kiểm tra rất gắt. Nhà nào không chịu chui vào mùng ăn cơm là tối đó bị đem ra phê bình kiểm điểm. Nhưng khi các đoàn cán bộ đã nhàm chán và mỏi mệt thì dân làng lại thoải mái ăn cơm trong bếp để cho lũ ruồi nhặng cũng được vui vẻ dự phần. Dù vậy, dân An Định vẫn được tiếng là đã thực hiện đời sống mới. Một cái cổng mới LÀNG KIỂU MẪU AN ĐỊNH được dựng lên đầy kiêu hãnh và thách thức.

(Còn tiếp)

Comments are closed.