Niềm vui Giáng Sinh

Truyện Trang Châu

Năm nào cũng thế, cứ đến gần Giáng Sinh là vợ chồng chú Chương, chủ tiệm Đông Sơn chuyên bán đồ cổ, bay qua Cali ở với vợ chồng người con trai lớn, ăn lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch xong mới về. Là cháu ruột, Trọng được chú thím Chương tín cẩn giao trách nhiệm điều hành tiệm trong thời gian ông bà vắng mặt. Điều hành thương nghiệp này tương đối nhàn nhã. Khách vào tiệm phần đông là du khách. Xem nhiều, xem lâu mà mua tương đối ít. Đa số mua những thứ đồ cổ nho nhỏ để làm kỷ niệm nhưng thỉnh thoảng tiệm cũng bán được những món đồ cổ lớn như lư đồng, bộ chén xưa, những tượng đúc bằng đồng hay cẩm thạch các loài vật như kỳ lân, ngựa, hổ hoặc tượng Phật. Do đó tiệm vẫn sống được dù không huy hoàng cho lắm.

Trọng được vợ chồng chú Chương trọng dụng vì tính tình ngay thẳng và khả năng sinh ngữ Anh, Pháp lưu loát của anh. Sau gần cả năm ôm cái bằng cử nhân về khoa tâm lý đi kiếm việc không được, Trọng tạm an phận làm nghề đứng bán đồ cổ cho vợ chồng ông chú với đồng lương đủ sống. Trong thời gian trông coi tiệm, Trọng thường đóng cửa tiệm một tiếng đồng hồ để đi ăn trưa. Lui tới, trước sau, Trọng cũng vào ra một trong hai tiệm: Mc Donald hoặc Tim Horton. Tiệm nào đi bộ cũng chừng mười phút là tới. Trưa hôm nay Trọng đi ăn ở Tim Horton. Tiệm này có cà phê cappuccino lạnh hợp khẩu vị Trọng. Khách ăn uống khá hỗn tạp tuy đa số là bình dân. Thời gian ngồi ăn cũng không chừng, có người ăn vội rồi đi, có kẻ chỉ một ly cà phê mà ngồi hàng giờ trong tiệm.

Sau mấy lần ăn uống ở Tim Horton, Trọng chú ý đến một người khách da trắng, loại một ly cà phê ngồi hàng giờ. Trọng để ý ông ta vì anh có cảm tưởng ông ta cũng để ý anh. Lần nào cũng thế, khi Trọng vào tiệm thường gặp ông ta ngồi ở một bàn trống, không thấy có thức ăn hay ly cà phê để trên bàn. Thấy Trọng vào là ông ta đứng dậy bỏ đi ra ngoài. Khi Trọng bưng khay thức ăn tìm được chỗ ngồi, bắt đầu ăn thì ông ta trở vào, kiếm một chỗ ngồi đối diện với Trọng. Mỗi lần Trọng ngước mặt nhìn lên đều bắt gặp ông ta chăm chú nhìn anh. Ban đầu Trọng không để ý, nhưng sau vài lần Trọng tin chắc ông ta nhìn anh như để chờ đợi một cái gì từ phía anh. Bây gìờ Trọng mới quan sát kỹ ông ta: Lúc nào cũng chiếc măng tô đen, cái áo vét tông xám, chiếc sơ mi xanh nhạt và cái quần jeans đen. Tất cả đều cũ kỹ bạc màu. Người cao, ốm, mặt dài và hóp, mái tóc hung nâu phủ xuống tận cổ.

– Rồi, một tay “homeless” muốn xin gì đây.

Trọng nhủ thầm và trong lòng tự nhiên thấy vui vui. Anh được trời cho cái tính hay thương người từ thuở nhỏ. Cũng vì cái tính hay thương người này mà Trọng một lần bị hàm oan không giải được. Anh không nhớ lúc đó mình bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ là mình đang học lớp tư ở một trường tiểu học công lập. Hôm ấy, khi tan lớp học chiều, trời đổ một cơn mưa lớn. Học sinh dạo đó đi học, để che mưa, hầu hết chỉ có chiếc nón lá và cái áo tơi đọt chằm bằng lá. Tan học, khi lấy áo tơi của mình, Trọng thấy bên cạnh một chiếc áo tơi mới giống hệt chiếc áo tơi của thằng Trúc ở cùng xóm với Trọng. Nhìn trong lớp không thấy Trúc đâu, nghĩ rằng Trúc đã lấy nhầm áo tơi của một trò khác nên Trọng không đắn đo xách cái áo tơi mới kia ra khỏi lớp, chạy ù dưới mưa với hy vọng bắt gặp Trúc ở dọc đường để báo cho nó biết. Trọng chạy miết về tới nhà Trúc, vào trong nhà nó, Trọng mới vỡ lẽ Trúc mang đúng áo tơi của nó chứ không có quên. Vì thương bạn, Trọng đã vô tình lấy áo của một trò khác. Trọng bủn rủn cả người khi nghĩ một trò khác, mất áo mưa, phải đội mưa đi về nhà! Nó đem chuyện kể cho mẹ nó nghe. Mẹ Trọng xoa đầu con và mắng nhẹ:

– Con tốt bụng với bạn nhưng việc làm của con có thể bị người khác hiểu lầm là con ăn cắp áo tơi. Ngày mai con mang áo lên trả và trình bày với cô giáo.

Sáng hôm sau, vào lớp, cô giáo kêu Trọng lên bảng đen đứng trước cả lớp và buộc tội Trọng ăn cắp áo tơi. Cô giáo cho biết hôm qua có trò thấy Trọng xách cái áo tơi chạy như bay và tố Trọng cố ý ăn cắp cái áo tơi vì thấy nó mới. Cô giáo tuyên bố sẽ cho Trọng số không về hạnh kiểm trong suốt niên học. Trọng còn nhớ mình chỉ đứng im, nước mắt ràn rụa, không nói được một câu nào để biện minh cho việc làm của mình. Thằng Trúc cũng chỉ biết cúi đầu im lặng, không dám có một lời bênh vực Trọng. Trong những ngày kế tiếp, giờ ra chơi, lũ học trò con gái khi đi ngang mặt Trọng, xì xầm với nhau nhưng cốt để cho Trọng nghe: “Thằng ăn cắp áo tơi”. Trọng về nhà khóc với mẹ. Mẹ Trọng nhanh chóng đi đến quyết định cho Trọng nghỉ học trường công và dù tốn kém, gởi Trọng vào trường tư. Nếu không nhờ quyết định sáng suốt của mẹ, Trọng không biết mình sẽ học hành ra sao nếu vẫn tiếp tục học cái trường tiểu học công lập kia với bản án “thằng ăn cắp áo tơi” trên lưng và nỗi xấu hổ dằn vặt trong lòng vì con số không về hạnh kiểm .

Một kỷ niệm khác, êm đềm hơn, về lòng thương người của Trọng. Dạo ấy, sau khi Việt Minh tấn công thất bại, rút vào bưng kháng chiến và quân đội Pháp tái chiếm Huế, dân chúng lục tục hồi cư trong đó có đại gia đình của ông nội Trọng và gia đình của chú thím Cảnh. Hai gia đình ở sát cạnh nhau nhưng nhà của ông bà nội Trọng là một ngôi nhà ngói lớn đủ chứa, ngoài ông nội bà nội, thêm hai gia đình một dâu, một rể cùng người giúp việc tổng cộng là mười hai người; trong khi nhà của chú thím Cảnh là một mái nhà tranh khiêm tốn, khít khao chỗ ở cho chú thím và ba người con.

Chú thím Cảnh làm nghề đúc đậu khuôn tại gia để bán sỉ. Ba người con của chú thím Cảnh, chị cả là o Sương, thứ hai là chú Sinh, út là chú Đê. Chú Đê, lớn hơn Trọng chừng bảy tuổi, thường được mẹ Trọng nhờ đưa đón Trọng đi học. Hàng tháng chú Đê được mẹ Trọng đưa cho một ít tiền dằn túi. Nghe nói chú Đê học hết lớp nhất trường nhà nước rồi nghỉ học. Hồi đó học hết lớp nhất truờng nhà nước là nói tiếng Tây ngon lành lắm rồi.

Mới hồi cư về, các trường học chưa mở cửa lại, Trọng được ở nhà và chú Đê cũng mất việc đưa đón Trọng đi học. Đời sống khó khăn đè nặng lên gia đình chú thím Cảnh. Dụng cụ làm đậu khuôn của thím Cảnh bị đánh cắp hết. Cả nhà chưa ai kiếm được việc làm. Phải ăn cơm độn khoai sắn. Có ngày cả nhà chỉ húp cháo với muối. Chú Đê có lần đã than đói với Trọng và hỏi Trọng có gì cho chú ăn thêm. Phía Trọng, bà nội và mẹ Trọng đem ít vàng còn giữ được lúc tản cư đi bán để mua gạo. Cho nên dù bữa ăn không có thịt cá, cơm vẫn đầy đủ để mọi người được no bụng. Trọng loay hoay tìm cách giúp chú Đê bớt đói. Cuối cùng Trọng nghĩ ra một cách: mỗi bữa ăn Trọng đặt trước mặt mình một cái lon nhỏ rồi trong lúc ăn làm bộ vô ý để rơi vài cục cơm xuống mặt bàn rồi lượm lên bỏ vào lon. Trọng định bụng mỗi bữa ăn sẽ ráng để dành nửa lon cơm cho chú Đê. Trọng được bà nội khen:

– Thời buổi khó khăn, một hột cơm là một hột vàng, thằng Bí biết lượm cơm bỏ vào lon để ăn lại là giỏi.

Bí là cái tên xấu của Trọng lúc nhỏ. Đặt tên xấu cho bà mụ khỏi bắt. Mẹ Trọng cắt nghĩa với Trọng như thế. Nhưng cử chỉ của Trọng không qua mắt được mẹ Trọng vì sau mỗi bữa ăn Trọng biến đi đâu mất với cái lon đựng cơm rớt. Bị mẹ chất vấn, Trọng phải rơm rớm nước mắt thú thật mục đích việc làm của mình. Nghe xong mẹ Trọng không nói gì, chỉ âu yếm ôm Trọng sát vào người bà. Tiếp đó, mỗi ngày mẹ Trọng lấy cái lon đựng cơm của Trọng đong đầy một lon gạo rồi bảo Trọng lén đưa cho chú Đê. Trọng lờ mờ biết rằng giữa chú thím Cảnh và ông bà nội có chuyện xích mích nên hai bên không nói chuyện với nhau nữa. Kỷ niệm Trọng không bao giờ quên là có lần trong một đêm mưa như trút, Trọng đội mưa qua nhà chú thím Cảnh để đưa lén lon gạo. Thím Cảnh, gầy gò trong cánh áo nâu với mấy chỗ vá, cầm lon gạo Trọng đưa, giọng nghẹn ngào:

– Cám ơn… cháu đã thương chú Đê. Để khi nào chú Đê kiếm được việc làm chú sẽ mua kẹo cho cháu!

***

– Xin lỗi ông, chỗ bên trong có ai ngồi không?

Trọng giật mình trở về với thực tại. Một người đàn ông da trắng và một đứa bé trai chừng bốn năm tuổi đang đứng chờ. Trọng với tay lấy chiếc mũ để ở bàn trong rồi vui vẻ nói:

– Xin ông cứ tự nhiên, bàn trong không ai ngồi cả.

Trọng đứng lên né người để người đàn ông có lối bước vào bàn trong. Anh nhìn về phía người ngồi đối diện anh nãy giờ. Ông ta vẫn ngồi nhìn anh, trên bàn vẫn trống trơn. Trọng nhích một bước, nghiêng đầu vế phía ông ta, hỏi nhỏ:

– Ông có cần một ly cà phê không?

Người đàn ông nhìn Trọng, nhún nhẹ hai vai, rồi nói:

– Vâng, nếu để ông vui lòng.

– Ông cần gì thêm khác ngoài cà phê?

– Không, một ly cà phê là đủ.

Trọng móc túi lấy hai đồng đưa cho ông ta rồi trở về chỗ ngồi của mình.

Người đàn ông đứng dậy, đến sắp hàng chờ mua cà phê. Một lát ông ta trở lại, một tay cầm ly cà phê, tay kia đưa trả Trọng số tiền xu còn dư. Trọng định khoát tay bảo ông ta giữ luôn số tiền dư thì người đàn ông nhất định đưa trả số tiền và nói:

– Tôi chỉ cần một ly cà phê.

Nói xong ông ta đi lại phía cửa ra, đẩy cửa bước ra ngoài. Không đầy năm phút sau, ông ta trở vào, kiếm một chỗ ngồi khác với ly cà phê trước mặt. Ông ta đảo mắt nhìn mọi người, trừ Trọng. Trọng nghĩ có lẽ thái độ của ông ta bây giờ là thái độ của một người khách chính danh, một người khách hợp pháp! Nếu nhìn Trọng chắc phải có một cái nhìn biết ơn thì e rằng làm bớt đi sự chính danh hay hợp pháp đi chăng? Còn Trọng, có thật tình anh mong chờ một cái nhìn tỏ ra biết ơn của ông ta không? Trọng nghĩ là không. Nếu giúp ông ta có một ly cà phê là một niềm vui thì, nếu ly cà phê giúp ông ta trở nên một người khách chính danh trong tiệm thì niềm vui của Trọng phải lớn hơn nữa.

Gần đến Giáng Sinh, nhạc mùa lễ tưng bừng trong các tiệm ăn. Nhân viên người nào cũng đội chiếc mũ đỏ có đuôi của ông già Nô En. Tiệm Tim Horton đông nghẹt khách, Trọng phải sắp hàng sau cái đuôi dài để chờ mua thức ăn. Vừa đặt khay thức ăn xuống một bàn trống sau cả năm bảy phút chờ đợi thì một người đàn ông Á Đông sà tới. Anh ta mặc một chiếc áo mùa đông màu mỡ gà có mũ che đầu được lật ra đàng sau, người tầm thước, chừng bốn mươi tuổi, tóc dài đến mang tai, râu ria lởm chởm. Trọng nghĩ anh ta là người Việt mặc dù anh ta nói với Trọng bằng tiếng Anh:

– Tôi vừa ở Vancouver về, không có chỗ ở, không có tiền ăn. Xin ông mua đồ ăn cho tôi.

Vừa rồi Trọng đọc báo hay tin ở Vancouver có cuộc bố ráp băng đảng trồng cần sa gốc Á Đông. Anh nghi tay này ở trong nhóm đó chạy thoát về đây. Trong lòng tự nhiên Trọng không có cảm tình. Tuy vậy Trọng vẫn không từ chối giúp. Anh trả lời bằng tiếng Anh:

– Anh muốn ăn gì lại gọi, tôi sẽ trả tiền.

Bất ngờ người đàn ông Á Đông nhăn mặt trả lời:

– Bánh mì ở tiệm này cứng lắm tôi ăn không được. Xin ông mua gà Kentucky cho tôi ăn.

Vừa nói gã vừa đưa tay chỉ tiệm gà Kentucky nằm ở bên kia đường. Trọng chưa kịp phản ứng gã đàn ông Á Đông bồi thêm:

– Ông mua cho tôi phần ăn ba miếng, tôi ăn mới no.

Trọng vừa ngạc nhiên vừa khó chịu. Anh chưa thấy ai đi xin ăn mà lại đòi hỏi như thế cả. Trọng trả lời, giọng dứt khoát:

– Hoặc anh ăn ở đây thì tôi trả tiền, bằng không tôi đưa anh năm đồng, anh muốn đi ăn đâu thì anh đi.

Gã Á Đông không chịu lấy tiền, bỏ đi ra ngoài. Một gia đình người da trắng năm người vào tiệm chiếm cái bàn vuông lớn nhất trong tiệm. Họ đang ngồi ăn thì gã Á Đông lại xuất hiện. Gã đến khom người nói một hồi vào tai người đàn ông lớn tuổi nhất trong đám. Ông ta lắng nghe rồi có lúc Trọng thấy ông ta chỉ tay lên bảng thực đơn của tiệm. Trọng thấy gã Á Đông lắc đầu, lấy tay chỉ tiệm gà Kentucky bên kia đường. Trọng ngạc nhiên khi thấy người đàn ông đứng dậy đi theo gã Á Đông sang tiệm gà Kentucky. Một lát ông ta trở về, kéo ghế ngồi lại chỗ của mình, sắc mặt thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Trọng thầm phục đến sững sờ. Trọng thấy mình đã không xấu, sao lại có người không những tốt mà còn kiên nhẫn chiều người xin ăn đến thế. Thì ra trên đời này lúc nào cũng có người hơn mình. Thành kiến cho người da trắng sống ích kỷ, chỉ biết có mình sụp đổ dưới mắt Trọng. Trong lòng Trọng bỗng dâng lên một niềm vui vô biên, vui vì có người tốt hơn mình, vui vì một thành kiến vừa bị sụp đổ.

Mỗi năm, như thường lệ, Trọng đem đôi ủng của mình lại tiệm ông Raymond cho đánh xia-ra trước khi tuyết rơi. Bước vào tiệm ông ta, thấy ngay một mảnh báo được cắt dán lên tường trong đó có hình bán thân ông Raymond bên cạnh cái tít lớn: 50 năm trong nghề đánh giày, một kỷ lục! Thật vậy ở thành phố Montréal chắc ông Raymond là người duy nhất sống với nghề đánh giày 50 năm mà không làm kèm thêm nghề gì khác. Bài báo được viết cách đây hai năm. Như vậy ông Raymond đã đạt 52 tuổi nghề!

Bí quyết nghề nghiệp nào đã giúp ông tạo được một chỗ đứng tuy khiêm tốn nhưng bền bỉ? Quả thật ai đã đến tiệm ông đánh giày một lần là không thể nào không trở lại. Trọng cũng đã nhiều lần cho đánh giày ở phi trường giữa hai chuyến bay. Giày cũng bóng nhưng nó thiếu cái kỹ lưỡng, cái yêu nghề của người thợ đánh giày. Vào tiệm ông Raymond, Trọng được mời ngồi lên một trong hai cái ghế đặt trên bục cao. Ông Raymond cởi áo vét tông, xắn tay áo, vừa nói chuyện vừa hành nghề. Ông ta bắt đầu, với một cái bàn chải đen to, chà cho sạch lớp bụi ở mặt da và đế đôi ủng rồi lấy một miếng vải đen chà qua chà lại mũi và đế. Tiếp đến ông ta lấy một lớp xia-ra trong thoa lên rồi dùng miếng vải đánh bóng. Sau cùng ông ta mới lấy xia-ra đen bôi quanh viền, mũi và đế rồi dùng bàn chải đánh nhẹ trước khi dùng lại miếng vải đen đánh cho bóng loáng đôi ủng. Nghe Trọng tấm tắc khen, ông Raymond nói:

– Phải đánh kỹ như thế này da mới bền, không bị thấm nước trong mùa đông.

Mà thật vậy, từ khi đến đánh giày ở tiệm ông Raymond, Trọng giữ được đôi ủng trong tình trạng tốt qua đến hết năm thứ ba thay vì phải thay ủng mỗi hai năm như trước đây. Nhất là khi nghe lời khuyên của ông Raymond, Trọng đem giày hay ủng mới mua cho đánh xia-ra ngay trước khi mang, cho nên giày hay ủng của Trọng mang, sang năm thứ tư vẫn còn tốt. Giá đánh giày ở tiệm ông Raymond là bốn đồng một đôi, nhưng lúc nào Trọng cũng đưa ông ta sáu đồng, coi như cho hai đồng típ.

Nhưng tháng mười năm nay Trọng đến tiệm thì thấy tiệm đóng cửa; tháng mười một trở lại tiệm vẫn đóng. Trọng nghĩ chắc ông Raymond đã dẹp tiệm nghỉ hưu. Nhưng hôm nay trước khi đi ăn trưa, Trọng rảo thử qua tiệm ông Raymond. Anh mừng rỡ khi thấy tiệm mở cửa trở lại. Anh kiếm chỗ đậu xe rồi đi bộ lại tiệm. Vào tiệm, Trọng thấy ông Raymond đang đứng ở quầy tính tiền cho một người khách vừa được đánh xong giày. Trọng quen thuộc leo lên ghế ngồi chờ phiên mình. Sau vài câu xã giao thường lệ, ông Raymond xắn tay áo, lật ngược lai quần của Trọng lên để lộ hết chiều cao của đôi ủng. Trọng khơi mào câu chuyện:

– Tôi đã đến tiệm hai lần: một lần tháng mười, một lần tháng mười một nhưng thấy đóng cửa. Tôi tưởng ông nghỉ hưu rồi. Hôm nay ghé lại đây là cầu may, rất mừng thấy ông làm việc lại.

– Mấy tháng trước tôi đau, phải nằm bệnh viện để mổ. Bây giờ sức khoẻ khá, tôi làm việc lại, mới được hai tuần.

Trọng tò mò:

– Bệnh gì mà phải mổ vậy ông?

Ông Raymond cười khà khà:

– Có gì đâu, cách đây mấy tháng tôi ho và tức ngực. Vào bệnh viện khám, họ cho chụp hình phổi, thấy một cục u trong phổi. Họ đè tôi ra soi, lấy tí cục u ra thử rồi nói tôi bị ung thư, nhưng lại nói là ung thư tại chỗ, chưa lan ra nên mổ được. Rồi chạy điện. Hà hà! Họ nói tôi hên lắm. Nếu sau năm năm bệnh không tái phát, coi như lành. Hà hà! Tôi năm nay bảy lăm tuổi rồi, sau năm năm mà tôi có thoát hay không thoát thì tôi cũng đã nếm đủ mùi đời rồi phải không ông? Cho nên tôi tiếp tục lạc quan sống, với đời và với cái nghề của tôi.

Trọng cũng vui lây cái tính tếu của ông Raymond:

– Tôi thấy ông xứng đáng lãnh giải thưởng nhân vật đặc biệt nhất trong năm của ông thủ hiến tỉnh bang Québec lắm. Năm mươi hai năm trong cái nghề này quả thật không có người thứ hai ở đây!

– Báo chí và bạn bè cũng nói với tôi như thế. Tôi đeo đuổi nó vì dù sao nó cũng giúp tôi sống tạm gọi là đầy đủ và cũng may, cám ơn Thượng Đế, tôi không có tham vọng kiếm nhiều tiền. Hơn nữa tôi coi đánh giày là một nghệ thuật, giày của tôi đánh phải làm da bền và đẹp.

Thay vì đưa cho ông Raymond sáu đồng như thường lệ Trọng đưa ông ta mười đồng và nói:

– Chúc ông một Giáng Sinh sắp tới vui vẻ và sức khoẻ tốt.

Ông Raymond cầm tờ giấy bạc mười đồng, đứng ưỡn người ra đàng sau, nói một câu cám ơn rất kiểu cách:

– Hân hạnh làm ông vui lòng!

Rời tiệm ông Raymond, Trọng rảo bộ về chỗ đậu xe. Còn một tuần nữa là Giáng Sinh. Trời hôm nay trong suốt nhưng ánh nắng không làm tan khí lạnh của tiết đông với bảy độ âm. Trọng kéo cái mũ lông xuống che kín hai vành tai. Vừa đi, anh vừa suy nghĩ lời cám ơn của ông Raymond. Một lối cám ơn giữ thể diện. Tôi nhận tiền để làm ông vui lòng! Hay! Mà quả thật Trọng thấy vui khi trả cho ông Raymond mười đồng. Nó như một biểu lộ sự ngưỡng mộ của anh dành cho một người da trắng chịu sống chết trong năm mươi hai năm với một nghề khiêm tốn trong cái xã hội tân tiến, giàu có này.

Đi ăn trưa hôm nay, Trọng đến Mc Donald. Ăn trưa ở đây, không phải vì anh thích các món ăn khô ráo của tiệm này mà chỉ vì cái thú sẽ gặp lại Pingouin, cái tên mà Trọng đặt cho một người bệnh tâm thần anh gặp ở đây. Người bệnh tâm thần này giống một nhân vật ác trong phim Batman với chiếc đầu hói, chiếc mũi keo to tướng, cái lưng khòm khòm và đôi mắt láo liên.

Anh chàng Pingouin của Trọng lăng xăng đi dọn những khay đồ ăn thực khách bỏ lại, sắp đặt ngay ngắn các ghế ngồi, đem rác bỏ vào thùng rồi xếp những khay trống thành một chồng. Làm công việc này không biết anh ta có nhận được chút ân huệ nào của người quản lý tiệm không. Chỉ thấy trong tay anh lúc nào cũng có một cái ly đựng cà phê. Thỉnh thoảng anh đến máy tự động rót đầy nước coke vào ly cà phê rồi kiếm chỗ ngồi.

Một hôm, người không được khoẻ, Trọng ăn không tới một nửa bọc khoai tây chiên. Thấy bỏ vào thùng rác thì phí, Trọng dựng đứng bọc khoai tây chiên bên cạnh chồng khay trống, hy vọng có người lấy ăn. Rất tình cờ Trọng thấy Pingouin đứng phắt dậy, bước nhanh đến bên cạnh chồng khay trống, đảo mắt nhìn quanh rồi thoắt tay lấy bọc khoai chiên còn lại. Pingouin không về chỗ cũ mà bước lên tầng trên của tiệm, ung dung ngồi nhìn xuống đường, tay bốc từng cọng khoai chiên nhâm nhi với nước coke đựng trong ly cà phê.

Từ dạo đó, mỗi lần vào tiệm Mc Donald, bắt gặp Pingouin, dù có khi đang đói, Trọng cũng nhín lại phân nửa bọc khoai tây chiên, để được sống cái thú âm thầm ngồi rình Pingouin đến lấy ăn. Trọng không muốn biết Pingouin tìm hiểu ai đã để dành phần ăn cho anh. Hãy để Pingouin tin là của thừa của nhiều người khách để lại. Làm ơn không nên đợi biết ơn hay trả ơn. Chỉ biết mình vui vì làm được người khác vui là đủ.

Nhưng có một điều làm Trọng bứt rứt. Đó là những lời, vừa khuyên vừa giục của chị Mai, chị ruột của Trọng. Chị Mai có vẻ sốt ruột trước tình trạng độc thân lẫn cái tính rộng rãi tiền bạc của Trọng. Có dịp là chị thúc Trọng lập gia đình với một câu luôn luôn đi kèm:

– Em nên kiếm cô nào ngoan mà cưới đi, về nó giữ tiền cho!

Mỗi lần nghe chị Mai thúc, Trọng đánh trống lảng bằng cách đến hích nhẹ vai bà chị mình rồi nói giả lả:

– Nếu gặp cô nào, ngoan thì có ngoan, nhưng nó xài tiền gấp đôi em thì chị tính sao?

Và lần nào Trọng cũng nhận cái lườm yêu của bà chị:

– Nó mà đã ngoan thì làm gì có chuyện tiêu xài phung phí. Em không lo kiếm thì chị kiếm cho.

– Em sắp có rồi chị ạ!

– Em nói với chị như thế bao nhiêu lần rồi?

Trọng cười úp mở:

– Lần này có thật, khi nào chính thức em sẽ báo tin vui cho chị hay.

Trọng nghĩ chị Mai không tin lời anh nói nhưng thật sự Trọng đã chọn được người yêu. Nàng tên Hồng, chuyên viên đo thị lực của một tiệm kính. Trọng quen nàng sau một lần đến tiệm nàng đo mắt mua kính. Tiếng sét ái tình xảy ra cho cả đôi bên. Nhưng, vốn tính trầm tĩnh, Trọng chỉ để tiếng sét nổ trong lòng trong khi tình yêu Hồng dành cho anh nở rộ trên khuôn mặt, trong lời nói, cử chỉ của nàng. Chỉ còn một chút đắn đo khiến Trọng chưa mạnh dạn tiến tới hôn nhân khi câu nói vô tình của chị Mai văng vẳng bên tai: “Về nó giữ tiền cho”.

Hồng có phải là mẫu đàn bà chỉ thích giữ tiền không? Nếu đúng thì nàng không thể là người bạn đời thích hợp với anh. Hồng rất ngoan đạo, chủ nhật nào cũng đi lễ. Trở nên người yêu của Trọng nàng hay rủ anh cùng đi lễ dù biết Trọng không công giáo. Trọng không xa lạ gì cách thức hành lễ công giáo vì thời trung học anh học trường tư công giáo.

Gần cuối lễ, khi có người đem thùng đi quyên tiền, lần nào Trọng cũng để ý thấy Hồng đóng góp một số tiền hậu hĩnh. Trọng nghe ấm trong lòng. Người yêu của anh cũng là người có lòng cho việc chung. Và anh tin Hồng cũng sẽ là người có lòng trong những việc làm khác; hơn thế nữa Trọng tin nàng cũng sẽ sát cánh bên anh trong những việc hướng thượng anh làm trong tương lai. Trọng chưa biết sẽ là những việc gì nhưng rất có thể sẽ là những việc mà người bình thường ít ai ham muốn gánh vác, những việc tốn công, tốn của, tốn thì giờ. Nhưng chính những công việc như thế mới mang hạnh phúc cho anh và Trọng tin cũng sẽ mang cả hạnh phúc cho Hồng .

Rời nhà thờ, Trọng nắm tay Hồng đi trong niềm hân hoan. Anh nghe văng vẳng bên tai lời thánh Augustin: “Hạnh phúc là sự say mê không ngừng những gì mình đang có”.

Những gì Trọng đang có là tính thương người bẩm sinh trong huyết quản.

Comments are closed.