Nửa khuya xuống tàu ngoài ga Suối Vằn

Truyện Mai Sơn

 

một

ĐOÀN TÀU RÊN XIẾT chuyển bánh vừa lúc một cơn mưa đổ xuống, đủ nặng hạt để tôi phải nhổm dậy, kéo nhẹ cánh cửa nhỏ, chần chừ vì tiếc nuối sẽ mất hết những gì xuất hiện bên ngoài, dù chỉ là loáng thoáng trừu tượng. Tôi ngó nghiêng xem mưa có thực sự sẽ kéo dài không, và cuối cùng chấp nhận chiều theo cánh tay ra sức của mình, kéo mạnh cửa, bịt kín hết khoảng trống cạnh ghế ngồi. Mưa buổi sáng, tàu rời sân ga, có gì đó thật lãng mạn, nhưng không có ai tiễn đưa tôi cả. Tôi đi mà không biết chắc mình đi đâu thì ai đưa đón tôi chứ? Tôi đã mua một tấm vé đi đến ga cuối, nhưng tâm hồn tôi sẽ dừng lại mãi ở cái ga xép bé nhỏ, ga Suối Vằn, nằm đâu đó gần thị trấn X. Nhưng tại sao tôi không xuống ga Suối Vằn?

Chẳng bao lâu sau, tôi bị nhấn chìm vào trùng trùng gió gào, sóng gầm, bão rú. Và tôi sẽ bị nhấn chìm như vậy trong nhiều giờ đồng hồ nữa. Cái mũi tên thép khổng lồ lao đi mãnh liệt, xé rách từng mảng không gian, rên rỉ như cỗ máy lạc hậu cũ kỹ khi tốc độ chậm lại, dịu xuống. Có lúc nó như đang trôi đi êm đềm trên sông, nhưng chỉ trong phút chốc thôi, vì khi đã dễ dàng tìm lại được bản năng bạo liệt của mình, nó sẽ lại lồng lên như con ngựa say máu. Đây là bản đại nghịch âm của cuộc sống nguyên thủy, hay đây là chuỗi tiếng động hỗn độn của đất nước tôi? Tôi từng được ngồi trên một chuyến tàu siêu tốc hình mũi tên màu trắng ở nước Nhật, nó lao nhanh xé gió nhưng không tạo ra một biển âm thanh vang động ầm ào như thế này, chỉ gây cho tôi cảm giác đang đong đưa nhẹ về phía trước. Còn ở đây, tôi tưởng như mình bị ném vào giữa một vạc dầu sôi sục tiếng động, một phản-im-lặng tuyệt đối, bị cuốn theo cơn lốc của phía trước với những ga tới, ga xép, ga lớn, ga cuối, những chiếc cầu (ôi, khi tàu chạy qua cầu thì không thể có sự náo động nào ghê gớm hơn nữa, sự náo động của trận địa chiến trường, của đổ vỡ khổng lồ), sông suối, rừng, đất vỡ hoang, đất lành, đất dữ, đất đen, đất bùn, đất bạc màu, những vùng khô cằn trải dài nhức mắt, rồi bất ngờ hiện ra một thảm cây quả xanh thắm. Hết mưa. Tôi kéo cửa sổ lên, tràn đầy nắng đẹp. Lúc này tôi mới có thể lấy chai Jack Daniels trong ba-lô rót ra cái ly, và ngay lập tức thấy nhớ em da diết. Tàu đang đi ngang một vạt xanh dài cây thanh long trĩu quả màu hồng rực, nếu là ban đêm chắc mình sẽ thấy một rừng ánh sáng phải không em? Tâm trí tôi bỗng lang thang nhớ về chuyến tàu đêm năm nào.

hai

HAI ĐỨA ĐÃ HOÀN TOÀN CÁCH LY với cái chợ di động nhốn nháo bên ngoài, và được bên nhau riêng tư. Tôi nhìn em, khuôn mặt rạng rỡ ngày nào giờ đang mệt mỏi héo hắt. Đôi mắt không ánh lên những tia tinh anh tò mò mà luôn khép hờ nhìn xuống. Dưới cặp mắt đen thẫm kia đã lờ mờ hiện ra dấu vết thiếu ngủ. Em không để tóc xõa tung lãng mạn mà để tóc búi cao với cái kẹp đâm ngang một lọn tóc, kiểu tóc tôi chưa từng thấy ở em bao giờ, như thể em chuẩn bị một nét bề ngoài để sẵn sàng hòa vào phong cảnh đồng quê sắp tới, sắp hiện ra. Em hờ hững ngồi xuống mép cái giường gỗ hẹp. Tôi choàng một tay ôm ngang lưng em, tay kia đặt lên đùi em, nhẹ nhàng vuốt ve lui tới. Thỉnh thoảng tôi hôn nhẹ lên mắt em, như để xua tan những đám mây u ám trong đó. Tôi tưởng mình có thể không cần nói lời nào cho đến lúc em rời tôi. Nhưng em tự động hé mở hai chân ra như con thuyền mở cánh buồm ra khi gió lộng mà bản thân con thuyền không biết. Vô thức em đón tôi, hai bàn tay tôi, và cái vật thể biến hóa thân gần nhất không rõ là của tôi hay của em vì chưa chắc ai đã sử dụng, cầm nắm nó nhiều hơn ngày cũng như đêm. Thoạt tiên, tôi nhận biết bàn tay tôi phải tìm đến chỗ lôi cuốn nhất trên người em. Bàn tay tôi ấp ủ nó dưới lớp vải mềm mại của chiếc váy và không muốn làm gì, động chạm gì nữa, chỉ để cho xúc giác làm hết công việc phong nhiêu nhưng dễ dàng của nó, và không lâu sau nó báo cho tôi biết độ mềm mại, độ dày, độ săn chắc, độ phồng nở kết hợp trong chiếc bánh dưới bàn tay tôi sẽ vĩnh viễn ghi vào kinh nghiệm của tôi như một thực tại đẹp nhất, bất khả chia sẻ, có một không hai cho tôi.

ba

HAI ĐỨA SAY MÊ và mệt mỏi và buồn tủi thiếp ngủ trong tay nhau cùng với ánh mặt trời trốn vào bóng đêm từ lúc nào, chỉ khi những người đẩy xe bán thức ăn tối chào rao oang oang tôi mới giật mình dậy, và em cũng hé mắt, không còn nhìn thấy gì rõ ràng bên ngoài cửa trừ những khối hình nhập nhoạng lướt nhanh. Những luồng gió quanh quẩn trong khoang bắt đầu nhuốm lạnh. Khi không còn ánh sáng như cái vách vô hình hãm thanh, thì nguồn tiếng động của con quái vật sắt thép dài dằng dặc này càng trở nên tàn bạo hơn. Nó rống lên thống thiết, như sắp sửa tự sát, một cuộc tự sát vĩ đại — con quái vật đang lao vào chỗ chết, tìm mãi tìm mãi mà không thấy huyệt mộ của nó, không thấy cú sụp đổ cuối cùng, nó phóng đi nhanh đều dứt khoát, không chần chừ nữa, không dừng lại nữa, không thoái lui nữa. Nó xé toang bất cứ tấm màn đêm nào ngăn cản cuộc hành trình điên dại đi tới cái tận diệt của nó. Nhưng tôi cảm thấy mình phải chống lại tình trạng này. Phải siêu vượt nó, đi vòng qua nó, được không, hay nương theo nó đây? Cuối cùng trực giác tôi mách bảo, tôi phải tạo một nhịp điệu khác, tương phản với nhịp điệu nền tảng của cuộc sống chung đụng đang diễn ra trên đoàn tàu đêm ấy. Đó chắc là nhịp điệu chậm của sự từ biệt. Không ai chia tay nhau mà vội vàng cả.

bốn

VÀI NGÀY TRƯỚC ĐÓ, em nhắn tin vào điện thoại của tôi lúc nửa đêm: “Em về quê lấy chồng, anh đừng liên lạc với em nữa. Quên em đi. Em xin lỗi anh”. Tôi ngồi dậy gọi lại cho em, không nhận được tiếng em, tiếng thở, tiếng cười, giọng nói khi nhừa nhựa mệt mỏi khi trầm ấm nồng nàn, kiểu gì thì cũng gợi tình, hoặc âu yếm nhẹ nhàng hoặc mời gọi bão táp. Chỉ có những âm thanh hồi đáp của sa mạc vắng xa. Với vài dòng gọn lỏn như thế, em tỏ rõ quyết tâm quên tôi, xóa hết mọi liên hệ với tôi. Em về quê để lập gia đình, điều mà tôi biết trước nhưng không muốn tin chắc. Tôi chới với sau cái tin nhắn đó, vì cái khoảng trống mênh mông em để lại trên đường tôi đi. Không cách gì liên lạc với em. Tôi nửa muốn tôn trọng nguyện vọng của em, thấy nó hợp lý và thấy thương em, nửa tức tối vì không thể chấp nhận bị em bỏ rơi giữa đường dễ dàng như vậy. Em đã giấu kín mọi dấu vết về em giữa thành phố đông đúc này. Em khóa điện thoại, khóa tài khoản facebook của em, không trả lời email của tôi. Em trả phòng thuê. Em không lui tới những nơi tôi và em từng lui tới: những quán cà-phê, những quán ăn, hiệu sách, và cái quán nhậu bình dân với những chiếc ghế nhựa thấp màu xanh màu đỏ đặt dọc dài bờ kênh mà nhiều đêm khuya khoắt tôi say khướt đổ gục trên vai em. Nhưng em vẫn không thể nào giấu được một chỗ rất quen thuộc của hai đứa, là hàng ghế chờ trong nhà ga tàu lửa. Một năm vài lần tôi cùng em đến đó ngồi chờ mua vé, hay ngồi bên nhau chờ em lên tàu về quê. Tôi vội chạy đến ga, như sợ em sắp sửa lên tàu. Không thấy em nơi hàng ghế chờ đợi. Làm gì tôi có được sự may mắn lớn như vậy chứ? Nhưng tôi thấy một cái khác khiến ngực tôi phập phồng hy vọng: những hình họa mô phỏng đoàn tàu xe lửa đang chạy chầm chậm trên những cái tivi to tướng treo khắp trên tường. Đó là những sơ đồ bán vé online. Không thấy em bằng xương thịt ở đây, tôi có thể thấy em ở đó. Nếu quả thật em về quê trong những ngày tới thì chắc chắn em sẽ đi tàu lửa, như thói quen lâu nay của em, trừ phi em nổi điên muốn đi xe đò và để cắt đuôi tôi. Em có thể tàn nhẫn đến vậy không?

năm

TÔI ÂM THẦM tìm vào sơ đồ bán vé tàu trực tuyến của nhà ga. Hình ảnh những đoàn tàu, những toa tàu, khoang tàu với vô số những chỗ ngồi, chỗ nằm thể hiện bằng những nét vạch ngang dọc, trông như một mê cung biến động, chốc chốc lại có một đoàn tàu biến mất và một đoàn tàu khác xuất hiện trên màn hình vi tính. Tôi bất giác muốn thốt lên: “Em ở đâu trong mê cung này, xin chỉ cho anh một manh mối như em từng đùa vui như vậy với anh lâu nay?” (Em hay ngồi ở nhiều quán cà-phê khác nhau trong thành phố, và mỗi khi đến quán nào đó, hẹn tôi, em không nói rõ địa chỉ hay tên quán mà chỉ đùa nghịch đưa ra một vài chỉ dẫn lạ lẫm bất ngờ để tôi tha hồ đoán mà tìm tới). Tôi lần mò tìm vào tất cả những đoàn tàu chạy về hướng bắc, và có kế hoạch dừng lại ở Ga Suối Vằn để trả và đón khách. Dừng ở tất cả ga bất kỳ dọc tuyến đường sắt Nam-Bắc thường là những đoàn tàu chợ hôi hám. Chúng thật không đáng đón nhận một cô gái sinh trưởng ở vùng quê nhưng xinh đẹp và quí phái tự nhiên như em. Mỗi đoàn tàu có gần hai chục toa, mỗi toa có từ sáu chục đến một trăm chỗ ngồi/nằm, mỗi chỗ được biểu diễn bằng một hình vuông có đánh số và tô màu. Tôi gọi điện rồi trực tiếp đến nhà ga hỏi thăm về một hành khách mang tên em và nói muốn mua một chỗ ngồi cạnh em với lý do em đang bị bệnh cần có người đi cùng giúp đỡ. Họ giúp tôi lục lọi trên sơ đồ mạng tất cả những đoàn tàu ngừng lại ga Suối Vằn đã bị tô màu cam, tức là đã đầy kín hành khách. Nhưng không có tên em trên đó. Vậy thì em đi chuyến tàu nào? Em có về quê thật không? Hay em đánh lừa tôi? Đột nhiên một tia sáng lóe lên trong cái đầu mụ mị vì yêu và thất tình của tôi: có thể em đã mua vé ở ga xa hơn ga Suối Vằn. Tôi lại lùng sục sơ đồ bán vé của các đoàn tàu cho các ga xa hơn ga Suối Vằn. Và tên em cuối cùng cũng hiện ra. Tôi sẽ nhớ mãi số hiệu giường nằm của em, cùng số hiệu khoang tàu, toa tàu, đoàn tàu đó. Nhưng toa tàu đó đã đầy kín! Tệ hơn nữa, cả đoàn tàu đó cũng đã bán hết vé. Không còn chỗ trống cho tôi. 8 giờ tối mai tàu sẽ khởi hành. Bàn tay nào đó đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên câu chuyện của tôi và em.

sáu

TÔI TUYỆT VỌNG, gần như lê lết đến cổng sân ga, dừng lại trước những người đàn bà bán vé chợ đen: “Tôi muốn mua tấm vé nằm toa 3 của đoàn tàu xx-zz, các chị có thể giúp tôi không?”. Một người đàn bà rời khỏi cái ghế tựa bằng gỗ, bảo tôi đứng chờ rồi đi vào trong ga. Lát sau bà trở ra, nói: “Bó tay”. Tôi nói: “Tôi biết hết vé mà”. Bà mở to mắt nhìn tôi, như muốn đánh giá tình trạng sức khỏe của kẻ đối diện, nhưng trong khoảnh khắc bà nhanh chóng hiểu ra ngay nhu cầu cấp bách của tôi. “Gấp ba lần giá vé nằm lạnh cậu chịu không?”. Tôi gật đầu ngay. Tôi không quan tâm đến tiền bạc, dù tôi không có nhiều tiền. Cái mà tôi quan tâm nhất là làm sao vào tám giờ tối mai tôi có trong tay tấm vé để bước lên đúng chuyến tàu đó, vào trong toa tàu có em. Người đàn bà nói thêm: “Một chỗ rất ngon lành”. “Là sao?”. “Phòng riêng của kiểm soát viên trong toa đó”. “Làm sao vào cổng?”. “Chuyện nhỏ”. “Nhưng tôi không thể trả tiền cho chị lúc này được”. Tôi nói câu này chỉ nhằm đo lường mức độ khả hữu của “chiếc vé đặc biệt”. “Đương nhiên. Khi nào cậu vào ngồi đàng hoàng trong phòng đó, tụi tôi mới lấy tiền”. Tôi chưa kịp thở phào, thì một đám mây đen kéo đến làm tối tăm đầu óc tôi: em có đi với ai không, và nhất là em có đi với người chồng tương lai của em vào rước em về không? Tôi đứng lặng một hồi lâu trước cổng sân ga tự hỏi: mình lên chuyến tàu tối mai để làm gì khi em sắp thuộc về một người khác rồi. Cuộc phiêu lưu của chúng tôi gần một năm ở Sài Gòn đã kết thúc. Hay ít ra là em đã bỏ tôi giữa đường. Nhưng giờ đây tôi không còn thấy tức giận em nữa. Cơn cuồng si dần lắng xuống. Tôi móc bóp đưa cho bà bán vé chợ đen một ít tiền “giữ chỗ” nhưng không nghĩ nhiều đến chuyến đi tối mai nữa. Như thể tôi đã đuổi kịp em trên đường em chạy trốn tôi. Và khi tưởng tượng khuôn mặt em hoảng hốt quay nhìn thấy tôi đuổi theo, tôi hiểu rằng mọi sự đã hết rồi. Nhưng lạ thay, từ sự bình thản này mà tôi quyết định sẽ lên tàu, từ giã em theo cách nào đó mà chính tôi cũng chưa hình dung ra được.

bảy

TÔI ÔM EM, nhẹ nhàng mơn trớn những vòng rất nhỏ, rất chậm trên lưng em, thấy khó khăn như thể hai tay phải làm hai động tác nhanh chậm khác nhau. Nhưng lúc đó tôi tự nhắc nhớ rằng, tôi không có nhiều thời gian, chỉ còn khoảng hai giờ nữa, đoàn tàu sẽ chỉ dừng ở hai ga xép nữa thôi là em sẽ rời khỏi toa tàu này, đoàn tàu này, rời xa tôi, có thể là mãi mãi. Cần phải tranh thủ. Tôi ghét cái từ “tranh thủ” này nhưng thấy nó đúng với tình trạng của tôi. Có ai chỉ cho tôi một từ nào khác để diễn tả tình trạng của tôi lúc này không? Ga Suối Vằn. Em sẽ xuống ga đó. Lúc ấy chắc phải nửa đêm theo tính toán của tôi. Sự huyên náo chung quanh quá lớn, nhấn chìm hai đứa, tôi nhớ mình đã nghĩ như vậy, thậm chí đã muốn hét lên như vậy khi chảo lửa âm thanh làm váng óc đổ tràn không ngừng nghỉ vào khoang tàu, một khoang nhỏ ở đầu toa dành riêng cho tay kiểm soát viên mà tôi đã mua lại bằng gấp ba số tiền mua vé giường nằm máy lạnh. Tôi và em không còn nghe thấy gì nhau, chứ đừng nói là nghe nhau thở hay rên rỉ. Tốc độ của hiện tồn quá nhanh, chống lại mọi cố gắng níu kéo, trì hoãn. Chúng tôi chỉ cần buông thả một chút, là sẽ thuận theo nhịp điệu tàn bạo của nó. Và thoạt tiên, tôi đã làm điều đó. Nương theo tốc độ và nhịp điệu và sự náo động của đoàn tàu, để đẩy đưa em, tôi đi vào em từ đằng sau dồn dập, mạnh bạo, có lúc thô bạo, vì cảm thấy một lực thúc đẩy từ đâu không rõ, và tôi thấy mình như tan rã làm một với hiện tại đầy ắp, nhưng chỉ một lúc sau, tôi thấm mệt. Tôi chưa từng thấm mệt dễ dàng như vậy. Không phải, tôi không hòa làm một được với khoảnh khắc này. Tôi đang bị cộng nghiệp? Nếu cuộc làm tình của chúng tôi cứ đi theo thể thức tàn bạo như thế này thì đúng là tôi đang chết chìm trong cộng nghiệp. Cộng nghiệp, một khái niệm Phật học! Sao tôi ghét cái khái niệm này quá, nhất là từ sau khi một nhà trí thức hải ngoại về nước cao đạo phán rằng dân tộc chúng ta phải chịu sự tù hãm nghèo khổ hèn nhục này là do tất cả cùng ngồi trên một con thuyền cộng nghiệp tội lỗi từ tiền kiếp. Cái sự liên tưởng ngu ngốc về cộng nghiệp khiến tôi không thấy có chút khoái cảm nào dậy lên trong tôi. Phải làm tình với em theo thể thức nào để thoát khỏi cộng nghiệp đây? Em cũng bắt đầu có dấu hiệu vội vã, lo hoảng. Trong bóng đêm, thỉnh thoảng ánh sáng đủ mọi sắc thái bên ngoài hắt qua ô cửa nhỏ vào chỗ chúng tôi những miếng, những lỗ chỗ, những hình thù quái dị, những vệt dài, vệt ngắn, to nhỏ, soi cho tôi thấy khuôn mặt tái nhợt của em. Em bật điện thoại lên, vừa để có được chút ánh sáng, vừa để xem anh chồng tương lai của em có gọi hay nhắn tin cho em không, rồi loay hoay đặt cái điện thoại sáng đèn lên cái va li to đùng của em (cả một gia tài của em mang từ Sài Gòn về quê – một cuộc hồi hương hay một cuộc trốn thoát?) đặt dưới sàn tàu. Có tiếng chân người đi qua đi lại bên ngoài, tôi lo lắng nhìn em. Em vừa thở vừa nói vào tai tôi: “Trời lạnh, mấy người đàn ông ra chỗ nối hai đầu toa hút thuốc”. Tôi càng lo lắng hơn, vì cái đầu cả nghĩ khờ dại của tôi bỗng dưng lại tưởng tượng thấy bọn họ, những kẻ mặc áo gió đen, mang giày đen, vớ trắng. Ôi, những cái áo gió màu đen. Một cái thì đẹp. Tôi cũng thích màu đen. Nhưng một loạt cái áo đen chen lẫn bên nhau thì rất ghê sợ. Tôi đã từng la hoảng lên sau lưng người bạn khi lần đầu đến thành phố H, hôm đó trời chiều rất lạnh, từ trong khách sạn bước ra thấy cả một con phố đen sẫm vì áo gió khoác trên những tấm lưng to bè của bọn đàn ông. Lần đầu tiên em lên tiếng nói. Từ tối giờ em như một người câm điếc.

Em lạnh à? – Tôi bất giác hỏi.

Em khẽ gật đầu.

Anh kéo cửa xuống nhé? – Tôi hỏi.

Em lắc đầu.

Em cứ ngóng ra ngoài, như cố lắng nghe một điều bí mật gì đó.

tám

Hôm sau, tôi không còn háo hức gì với chuyến đi nữa mà chỉ mệt mỏi tuân theo một quán tính khó hiểu, có thể là lời hứa với người đàn bà bán vé chợ đen. Tôi ngồi trong phòng đợi nhà ga, gần hai tiếng đồng hồ trước khi tàu chạy, chiếc mũ lưỡi trai đen kéo sụp xuống mặt, nhưng đủ để tôi bí mật quan sát thấy những người đi lại chung quanh. Nếu em đi chuyến tàu này thì chắc chắn sẽ có người đi theo giúp em mang hành lý, một lượng hành lý hẳn không nhỏ của một người dọn nhà về quê. Tôi cảm thấy nghẹn tức vì thấy mình đứng ngoài cái công việc quan trọng đó, trong khi một năm qua không ai khác ngoài tôi có thể ở bên cạnh em từng giây từng phút, và chăm sóc mọi thứ cho em. Nhưng không thấy em đâu cả.

Tôi mang cái ba-lô đựng vài cuốn sách mỏng bước lên tàu, lòng dửng dưng, thầm nhủ nếu không tìm thấy em ở toa tôi sẽ xuống ga gần nhất. Tôi cố ý đi thật chậm trên sân ga, vì không thấy có điều gì gấp gáp cả. Nhưng chính vào lúc tôi ít mong đợi gặp em nhất thì em xuất hiện như một đóa hoa lay động thấp thoáng trong dòng người ùn ùn di chuyển đến gần toa, lên tàu. Em đi một mình. Em mặc chiếc váy xanh lấm chấm đen quá gối, lưng đeo một cái ba-lô, tay kéo một cái va li to đùng. Một phong cách không giống ai, cũng không giống chính em như tôi từng thấy, nửa bất cần, nửa lười biếng. Tôi tìm cách dừng lại trong dòng người hối hả để chờ em đi qua. Rốt cuộc em cũng nhìn thấy tôi, mặt tái nhợt, miệng há ra suýt kêu lên như thể tôi là người từ cõi chết sống lại. Tôi đặt tay lên cái cần kéo va li, luồn mấy ngón tay vào bàn tay em đang kéo bóp nhẹ để trấn an em và để em nhẹ nhàng rút tay ra, giao lại công việc chân tay này cho tôi. Cảm giác quen thuộc như bao lần em buông thả cả hồn lẫn xác vào tôi. Tôi đi cạnh em, khoảng cách và thời gian vừa đủ để hai đứa nói chuyện với nhau. “Anh đi với em”, tôi thầm thì, nhưng ngay lập tức phải lặp lại to lên khi nhận ra sự náo động chung quanh và thấy em tỏ vẻ ngơ ngác. Tôi đưa em về tận chỗ. Khi đã giúp em yên vị, tôi loay hoay tìm về chỗ của tôi, cái khoang nhỏ của nhân viên trưởng toa, một chỗ đặc biệt chỉ có một cái giường hẹp mà vài chục phút sau đó tôi sẽ đón em vào. Để cùng ở bên tôi lần sau cùng đêm hôm đó.

chín

Trong khi tôi muốn chống lại cộng nghiệp, tôi muốn chậm lại, tách mình ra khỏi cả ngàn con người đang bị chuyến tàu náo động này chuyên chở vào tận cùng đêm đen, thì em bắt đầu vội vã. Lúc đó tôi đang từ tốn nhịp nhàng đi vào em từ đằng sau, vùi mặt vào vùng gáy em, cố gắng liếm hết mật ngọt hòa trộn mùi mồ hôi lẫn mùi hương tụ hội trên đó, tôi từng nghe nói và hôm nay mới tự mình trải nghiệm điều chỉ xảy ra khi người đàn bà đang căng thẳng tột độ hay sắp đạt cực khoái. Em quay đầu lại tìm mặt tôi để hôn. Khuôn mặt em thảng thốt, hay đang buồn tan nát tôi không biết. Em chủ động vần ngửa tôi ra và hôn lên khắp người tôi. Tàu chạy qua những cây cầu, mang lên từ sâu xa tất cả sự vọng động của khoảng không bao la bị đánh thức. (Sau này tôi mới biết trước khi đến ga Suối Vằn, tàu sẽ chạy qua ba cây cầu bắc qua ba dòng sông cạn nước mùa khô). Em nhổm dậy, ngoảnh mặt ra cửa sổ. Đột nhiên em la lên khi đoàn tàu chạy ầm ầm qua cầu: “Yêu em tơi bời đi anh!”. Lần này tôi không chống lại cộng nghiệp nữa. Vì cộng nghiệp nằm ngay trong thân thể em như một khối từ tính thu hút tôi. Khi đã lên đến chất ngất của đau thương và khoái cảm, em dứt khoát dừng lại, khiến tôi cảm thấy có chút hụt hẫng. Em đẩy nhẹ tôi ra. Em lấy váy áo lau cho tôi và em. Rồi em rời khỏi giấc ngủ vẫn còn vương trên khắp thân thể em, lặng lẽ thu vén mọi thứ trên cái giường chật hẹp duy nhất trong khoang. Em có vẻ muốn trao cho tôi một vật gì đó trong đống đồ đạc linh tinh của em, nhưng không tìm ra. Tàu kéo những hồi còi dài, như lên tiếng chứng tỏ sự ngự trị toàn bộ thời gian và không gian của chúng, và để báo hiệu phút giã từ của chúng tôi đã điểm.

ời

Chống lại những hồi còi như những dòng sáp bỏng chảy trên linh hồn tôi, tôi tập trung hết sức vào công việc cuối cùng tôi có thể làm cho em, là vần cái va li ra tới cửa trước khi có người bước lên tìm em, mang hành lý đồ đạc xuống cho em. Tôi vội vã và vụng tệ và vì đoàn tàu không ngừng hẳn mà cứ động giật lui tới nên té nhào dưới chân em. Em lo lắng xuýt xoa nhìn tôi chống tay ngồi dậy. Ngoài trời tối mịt. “Mưa ơi!” (Tôi biết em có tên gọi thân mật ở nhà này, nhưng chưa bao giờ gọi em như vậy). Một giọng đàn ông trẻ gọi em càng lúc càng rõ to. Tôi dừng lại, lùi xa em dần, nhìn theo em qua khung cửa khoang tàu, thấy em từ từ đi về phía cuối đoàn tàu để ra ga. Rồi đột nhiên tôi nghĩ sẽ mất em mãi mãi, rồi ma đưa lối quỉ đưa đường, tôi thấy tôi lặng lẽ đi ra chỗ giáp nối hai đầu toa, nơi suốt đêm qua có rất nhiều người đàn ông đứng hút thuốc. Tìm thấy một kẽ hở do ánh trời chiếu qua, tôi len lách leo lên mui toa tàu. Lên được đến nơi có cảm giác xương cốt tôi nát nhừ. Tôi lồm cồm đứng dậy, dáo dác tìm bóng hình em kề bên bóng hình của một người đàn ông. Rất nhiều hành khách xuống ga Suối Vằn cùng với hàng đống hành lý và do đó tạo thành rất nhiều hình thù kỳ dị khắc trong khung cảnh trời đêm. Làm sao biết em ở đâu trong đống hình thù hỗn mang đó? Tất cả đang nhốn nháo chuyển động. Chắc em cũng đang vội vã về trong vòng tay của chồng em. Nhưng đột nhiên một hình thù trong vô số hình thù đang chuyển động rối rắm bất ngờ chậm lại, rồi ngừng hẳn, khi đoàn tàu kéo còi lanh lảnh, rùng mình chuyển bánh. Tôi loạng choạng, chao đảo nhưng vẫn ráng nhìn vào cái bóng dáng có vẻ quen thuộc gần như bất động đó, dù thoạt tiên không chắc là em, nhưng một lát sau, nhờ ánh đèn pha cực mạnh từ đầu máy mỗi khi tàu đề-pa chiếu ngược suốt về sau, tỏa ra hai bên đoàn tàu, tôi kịp thấy em đứng đó chăm chú tìm kiếm. Em tìm tôi. Em có thấy tôi không? Tôi tự hỏi trong khi bóng em xa dần. Tôi gọi to “Em ơi!”, gọi nhiều lần cho đến lúc cảm thấy không mở miệng được nữa, có ai đó nắm lấy cổ tôi, thét giật giọng và đè tôi nằm xuống trên mui toa. Khoảnh khắc đó, ngay trên tóc tôi, những tiếng hù hù rờn rợn kéo dài gần một phút như một cơn bão tràn qua. Đó là khi những cái đà sắt nối hai vai cây cầu cũ kỹ trăm năm kiểu Pháp rống lên để hồi âm một đoàn tàu lầm lũi băng nhanh ngang nó. Đoàn tàu dừng lại không lâu sau đó, không phải trong một sân ga, mà giữa hoang vắng. Họ lôi tôi xuống khỏi mui toa, đầy tôi ra khỏi đoàn tàu, bất chấp mấy lần tôi trưng ra tấm vé ghi ga đến là ga cuối cùng của chiều dài thiết lộ. Tôi bị điệu xuống tàu, cùng với một hoặc có thể vài người lạ mặt mà trong hoảng loạn tôi không để ý là già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà. Tôi có hoang tưởng không khi nghĩ rằng đó là kẻ, hoặc những kẻ, khi nãy đứng ở đầu đấm nối hai toa, hút thuốc, phả khói mịt mù tạo thành một vùng mờ ám giữa khuya khoắt?

Những ngày mưa, 2015

Comments are closed.