Phố vẫn gió (kỳ 1)

Lê Minh Hà

Trong "Gió tự thời khuất mặt", tôi cho nhân vật của mình trở về. Rồi ra đi.
Đã nghĩ không cần một trở về nào nữa cho riêng mình.
Tưởng vậy mà không phải vậy. Thành phố đó, và những năm tháng sống với nó vẫn là một ám ảnh.
Mọi miền đất của Tổ Quốc đều đã có mặt trong văn chương như là bối cảnh, nhưng như một khách thể, một đối tượng mà người viết phải tìm tới, cố gắng thấu hiểu, vì trót cùng sống cùng yêu thì chỉ có một: Hà Nội, nơi tôi sinh ra, lớn lên, nhiều lần rời xa.
Với tôi, đó không phải là một Hà Nội chung chung, mà cụ thể là những ngày sống, khốn khổ khốn nạn nhiều điều mà vẫn, như lời một bài ca "em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới".
Và còn là một Hà Nội, như bây giờ.
Như một phóng chiếu về Tổ Quốc, đúng với vai trò thủ đô của một đất nước.
Đã có không gian nghệ thuật riêng dành cho một Hà Nội ấy, của hội họa, điêu khắc, âm nhạc, của những dự án bị tắc tử nhưng cho thấy những động cựa hướng về một quá khứ gần, rất không thừa, vì ở nhiều phương diện nó vẫn còn nguyên hình trạng, như Zone 9, như chương trình Thức dậy cùng Hà Nội mà các bạn Giang Trang, Trương Qúy thực hiện, và…
Tôi, thủy chung với mình, có cho mình một không gian riêng dành Hà Nội.
Đây không phải là một tác phẩm văn học mạng theo nghĩa chuyển tải nhờ mạng, cũng không dùng thủ thuật cắt dán như phản ứng trực tiếp của một cách đọc trên mạng… Nhưng thật sự là kết quả của những giao tiếp trên FB. Có sẵn xung động, nhưng không có FB thì không có cuốn sách tôi vừa sửa lỗi, hi vọng là lỗi cuối cùng.
Cảm ơn các bạn Nguyen Hoang Linh, Nguyen Minh Thư đã xúi giục tôi lập FB.
Cảm ơn bạn Chung LeOsin HuyDuc. Lao động của bạn Huy Đức và cái lò sưởi trong một Status của bạn Chung Lê đã làm nảy trong tôi ý nghĩ phải bắt đầu lại.
Cảm ơn bạn Zan Hanoi với gần một ngàn bài hát về những năm tháng không thể nào quên, cảm ơn Giang Trang, Trương Quý và Thức dậy cùng Hà Nội của các bạn. Tôi đã viết rất nhiều trang trong những giai điệu mà các bạn đã gửi lên mạng.
Cảm ơn các anh chị Nguyen Xaun Thom, Hong Ha Nguyen, Xuan The , Bách Xuân Bùi và các bạn Nguyệt Cầm Linh H, Ngọc Anh, Anh Dung Nguyen, Vuong Minh Thu, Nguyen Thi Tu Lan cùng các bạn khác đã đọc, đã cho tôi biết con người dễ cảm thông với nhau làm sao.
Cảm ơn Cục Mỡ, Cục Xương và bố của các con Do Quang Nghia đã cho mẹ những giờ vui để ngồi viết một mình với rất nhiều buồn bã và hi vọng.
Cảm ơn, những bàn tay bà đỡ, của anh Der Bonze, và…  cho cuốn sách này.
Trở lại quá khứ gặp nhiều người quen hơn bây giờ…

Này trăng
Người có quá khứ không?
(dqn)

 

Berlin

1. 2014 – 9. 2014

Không còn nghe được một chút gì tiếng gió và tiếng lá giữa phố phường sục sôi người xe. Nhưng không khí rời rợi mát rồi. Hà Nội đã thu. Tôi ngồi đây, một mình. Đã mấy lần một mình chốn này từ hôm về. Quán cà phê chỉ còn lại một phần cái bề ngoài hấp dẫn khách của nó. Ở những khẩu hiệu đã được chế biến cho phù hợp với tâm lí dám cật vấn và cần thiết thì tung hê các giá trị đã tưởng cố định được thành nếp gấp trong não người. Ở những cái ghế tiện dụng bỏ qua tiêu chuẩn sang trọng theo phổ thị hiếu số đông, đòi phải vừa thỏa mãn những cái lưng giờ đã ụ lên và vì thế khó thẳng vừa thỏa mãn những cái bụng phồng không cho phép ngồi xổm trong khi vẫn muốn hưởng lại thú lê la chè chén. Như những ngày đã xa mà béo tốt là biểu tượng của một đời sống người ta thèm muốn. Gió đã vàng rồi, nắng đã lạnh rồi, một chút mơ hồ se se da thịt. Nhưng phố phường vẫn sôi lịch xịch đủ thứ âm thanh. Tôi săm soi những ngón tay mình, ngần ngừ mở túi nhìn thỏi son màu đồng nhạt yêu thích nhưng lại chẳng mấy khi dùng tới. Lâu lắm rồi tôi mới ngần ngại trước nhan sắc xuống cấp của mình. Dù sao thì tôi không phải là tôi của những ngày tháng đó. Và Hà Nội cũng thế.

Nhưng tôi đã tìm được cái quán này, ngôi nhà đó trên phố đó. Đấy không phải là một trong những ngôi nhà ngày xưa mỗi khi đạp xe qua là tôi lại ngất ngất ngây ngây, vì một vạt nắng cuối chiều hắt màu đỏ lộng lẫy rưng rưng hơi ẩm lên một góc tường, vì vẻ duyên dáng xa cách của nó do những bóng quân phục lai vãng gần đó. Tôi đi tìm lại ngôi nhà xưa thân thiết với tôi mà chưa hề để ý nó số mấy trên phố ấy. Giữa một Hà Nội hơn hai mươi năm sau, đã nghĩ tìm ra nó thật chẳng dễ dàng gì.

Rất nhiều lần tôi tự hỏi mình muốn sống ở đâu trong những ngôi nhà ấy. Nó, ngôi nhà ấy, một ngôi nhà nữa, một nữa, nơi mà tôi đi qua ba mươi năm đầu đời. Ngay cả bây giờ, khi đã định cư ở một đất nước khác, cách xa xứ sở mình nửa ngày bay thẳng, tôi vẫn chưa trả lời được rõ ràng mình muốn sống ở đâu nhất, trong ngôi nhà nào.

Bao đêm tôi thiếp đi trong sự lẫn lộn mơ và thực, thấy mình đứng trên nóc hầm công cộng chưa bị phá, sung sướng vì đã thoát được sự truy tầm, còn đứa phải bịt mắt đếm một hai ba bốn thì vẫn đang lùng sục những đứa khác trong căn hầm mênh mông lắm cửa vào ra. Mắt tôi lúc đó tuy không tinh tường như bọn bạn, nhưng cũng chưa đến mức buộc phải lần sờ nếu thiếu kính như bây giờ. Thế nên bầu trời Hà Nội sau chiến tranh, mịn như một khối thạch đen, lấp lánh ngàn ngàn vì sao, nhìn bằng mắt thật, vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ cùng sự dễ chịu rợn người khi gió nổi. Tôi muốn sống ở đó, trong một căn phòng tập thể, giữa một khu tập thể được xây sớm thứ nhì ở Hà Nội, chắc vào những năm người ta đang phơi phới hát “ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta.” (1) Vừa chiều nay thôi, tôi lại nghe bài hát có câu này qua Youtube. “Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua…” Tại sao nỗi khổ thuần chất ấy có thể thanh lọc lòng người đến trong vắt vậy? Thắc mắc này có khi còn dễ giảng giải hơn thắc mắc rằng tại sao mấy chục năm qua rồi, đất ấy biến hình biến chất rồi mà người ta vẫn nghe, vẫn hát những bài ca như thế này. Không phải chỉ ông bà già hay bọn lão suy sớm như tôi nghe qua chương trình Tiếng hát mãi xanh, Những bài ca không thể nào quên, Thức dậy cùng Hà Nội, Điều còn mãi, Bài ca đi cùng năm tháng. Mà là bọn trẻ nhé. Trên taxi, trong phòng karaoke. Lúc bị chặn cứng trong dòng người tắc đường, lúc phát ngấy vì bia rượu và biết phải chiều chị già cùng công ti một bài. Hát, đỡ phải nói chăng?

Nhưng tôi lại thấy mình một buổi trưa bên khung cửa sổ mở ơ thờ xuống phố ngày gió trở. Cây bàng đầu phố ve vẩy mấy chiếc lá đỏ bầm chưa bị gió rứt. Mùi cà phê lẫn đôi giọt rum bốc lên dìu dịu từ một căn phòng gác dưới và tôi biết đã tới cữ chiều của ông chú độc thân đứa bạn gái cùng lớp. Một cô nàng rất khác tôi, thiếu nữ mà đã có cái vẻ uể oải của thiếu phụ, từ mái tóc hơi quăn chải dối bằng ngón tay, từ giọng nói khàn khàn, đến dáng đứng. Rất nhiều năm sau này vật vã yêu đương chán chê rồi tôi mới vỡ vạc ra cái điều khi còn ít tuổi không sao hiểu nổi, rằng vì sao bọn đàn ông con trai mê bạn mình. Cái vẻ thiếu phụ của nó là vẻ ngon mà chưa chắc lành của đàn bà trải đời đủ để chán đời, ít nhất cũng phải bỏ được một tay chồng và dăm tay bồ mới có được. Mà thực ra lúc ấy nó cũng như tôi, xấu hổ vì ngực nây nây nhưng tròng vào người cái xu chiêng thì lại thẹn. Giờ có gặp lại nhau thì chắc tôi vẫn không có gì giống cô bạn, nhưng ngày đó chúng tôi hiểu nhau, gần nhau, và tôi hay đến số nhà này vì thế, hoàn toàn không phải vì ông chú độc thân lịch lãm của bạn, người khi tôi mười tám thì không còn chào tôi là “cháu đến tìm cái Thái Hằng à”, người sẽ có hơn một lần chờ tôi ở góc phố. Nhưng lúc đó dù biết trước thì tôi vẫn làm như thể cuộc gặp gỡ đó chỉ vô tình. Tôi đã bối rối đủ trước cái vẻ bối rối của ông chú trẻ của bạn mỗi lần chạm mặt. Nhưng người đàn ông đó sẽ còn bối rối hơn nếu anh biết cô bé đột nhiên anh để ý sau rất nhiều năm coi là ranh con tới nhà bạn nhiều khi chỉ vì nhớ thằng cháu của anh, và còn vì nhớ mẹ anh. Bà già hay ngồi trên sập gụ nhìn ra phố. Trưa hè nóng mà bà vẫn không rời cái cái khăn nhung the đen thắt hờ sau gáy và đi từ ngoài nắng vào nhìn mắt bà quắc lên y như một con quạ già, thông tuệ, ác mó. Thật thì bà già đúng vậy. Rất hấp dẫn và đáng ngại.

Tôi thích sống ở đó, nếu mà thằng anh họ cô bạn, cái thằng chơi violon chẳng biết hay hay dở vì tôi chỉ ngắm quên nghe để ý tới đứa con gái tuần nào cũng chường mặt ở nhà nó. Nhưng lại có nhiều khi tôi thấy mình ước đang ở trong căn phòng ngôi nhà kia, bên cái lò sưởi không bao giờ đốt, ngước mắt nhìn ra cửa nơi bà giúp việc vừa dẫn một chàng trai tới. Không bao giờ tôi hình dung mình ngồi bên piano. Trong căn phòng đó không có piano, và tôi không biết chơi. Nhưng đôi khi tôi còn tưởng tượng ra một chuyện rất rồ man tích: chàng, nhan sắc mù mờ không hình dung lại nổi, nhưng nhất thiết phải đeo kính, mặt trắng, giọng nhẹ và ấm sẽ dìu tôi ngả xuống giường kê bên chiếc lò sưởi đó. Theo sự hiểu biết của người đàn bà trẻ con là tôi lúc đó, đấy là lúc tình yêu thăng rồi giáng dần dần, điều mà những trang tiểu thuyết đọc trộm đã cung cấp cho tôi từ mô tả: làm tình. Tình mà cũng phải làm thì làm làm gì? Với một đứa con gái mười hai tuổi, liệu có thể đòi nó khôn hơn nữa không?

Trước khi hòa bình lập lại, ai là người sống trong ngôi nhà ấy? Rất nhiều khi ngồi trên giường bạn hóng gió lồng lộng thổi qua khung cửa sổ mở rộng, tôi đã băn khoăn điều cô bạn thân của mình chưa bao giờ băn khoăn. Bằng chứng là khi một lần nghe tôi buột miệng giữa một cuộc gặp gỡ râm ran tiếng nói cười, nó cùng cả lũ đột nhiên lặng phắc và tôi thấy mình nóng dần, xốp lên rồi vụn ra dưới ngần ấy con mắt hoảng sợ. Chúng nó sợ ma (có thể những người chủ ngôi nhà này ngày xưa đã trở thành ma hồi Nhật đảo chính và sau đó toàn quốc kháng chiến chính trong nhà này lắm chứ) hay sợ tôi? Nhưng, ngay dưới những đôi mắt đang chú mục vào mình với cái vẻ chẳng ai có thể thấy dễ chịu, tôi vẫn tiếp tục ý nghĩ dang dở. Tôi thích hình dung rằng có một gia đình người Pháp đã sống ở đó. Và chính căn phòng riêng của bạn mà chúng tôi đang ngồi ngày xa xưa lắm rồi đã thuộc về một Mademoiselle bé nhỏ, vô tư lự, có cái vẻ thanh tú của những đứa trẻ sống no đủ chứ không phải là mảnh khảnh vì thiếu ăn như nhiều đứa chúng tôi.

Cũng vì lẽ đó, đủ ăn, cô bạn chủ nhà toàn bị chúng tôi gọi là Béo. Bây giờ, ở tuổi này, nó còn kém tôi chắc tới mười lăm cân hơi, nhưng cứ nhớ về nhau, nhắc tới nhau là chúng tôi vẫn gọi nhau bằng cái biệt danh đó. Nó: Béo. Tôi: Quắt. “Béo ơi”,“Quắt ơi”. Bỏ cái chữ i đi mà ra giữa phố réo Béo ơ Quắt ơ theo kiểu rao hàng rong, chắc không đắt. Ngày đó, cả tôi và nó đều nằm khá là xa ngoài khung khẩu vị về cái đẹp của những người trẻ tuổi. Nhưng thật ra là nó đẹp. Không thể như nhau hoặc có nhau thì người đời vẫn có thói quen dễ chịu là chê nhau, dễ chịu hơn nữa là phỉ báng. Đôi khi điều này sẽ dẫn tới sự thể to tát hơn là cãi nhau. Nhưng ngay cả thế, sự ầm ĩ ấy vẫn làm người ta vui, khi mọi thông tin đều chưa thừa mứa như bây giờ và luôn được moi móc, bịa tạc, chờ đón nhiều hơn tin tức trên báo (không nhiều), trên đài Tiếng Nói Việt Nam mà không phải ai cũng nghe được, thời ấy.

Nhà Béo ở gần như trọn vẹn tầng hai một biệt thự ở phố… Tầng dưới thuộc về gia đình bà thứ trưởng đời trước bố nó. Bác Thiều Như về hưu thì bố nó lên thay. Lúc đó một phòng to một phòng nhỏ tầng trên đã phân cho một ông vụ trưởng. Ông vụ trưởng quyết giữ nhà giữ đất không chịu chuyển qua một căn hộ khác trong một khu lắp ghép đang là niềm tự hào của ngành xây dựng. Nhà nó được tất cả các phòng còn lại cùng nhà tắm và toilette. Cái này quan trọng hơn cả, theo tôi. Khi mà nhà quê Việt Nam muốn giải quyết khâu ị cho oai phải thắt lại giải rút ra đồng, tự sướng rằng được hưởng thú sau mỗi ông quận công, còn thành phố thì chỉ có cách đi tuốt ra mảnh đất sau cùng của một số nhà, nơi có nhà vệ sinh công cộng, thì cái chuyện ăn xong mà được mang tiểu thuyết ra một cái toilette như vậy ngồi thiền với tôi thật sự là kì diệu. Có cần phải kể thêm rằng chỉ đến tận lúc đó tôi mới biết thế nào là cái nhà vệ sinh bệt không? Thật ra thì bộ phận đó bị hỏng và phòng hành chính cơ quan (chắc thế) đã thửa riêng cho nhà nó một cái thay thế bằng gỗ, không dùng thì treo lên một cái móc to. Gỗ gì không biết, nhưng tốt và đẹp. Bao nhiêu cái mông ngồi lên đó bao nhiêu lần làm nó bóng lên, nổi vân óng ánh. Tôi đã hình dung một phần của chủ nghĩa xã hội là vậy, khi ngồi trong đó đọc “Paris sụp đổ” dưới ánh nắng chiều rọi qua vòm sấu vào thẳng khung cửa sổ. Bây giờ, khi đi trên xa lộ xứ người, mỗi lúc tạt vào nơi con người chung nhau một nỗi khổ sở, tức tối, bức bối, nơi có xà phòng rửa tay, gương lớn, đèn sáng rực ánh sáng nịnh nọt da người, nhạc rỉ rả vang lên từ những cái loa giấu kín trong tường và lúc đi ra lại còn có người mặc đồng phục cảm ơn và tạm biệt, tôi vẫn không làm sao tìm lại được cảm giác thỏa mãn kiệt cùng đã có trong cái toilette nhà Béo. Cái toilette với khung cửa sổ lớn đó khác hẳn những cái nhà vệ sinh công cộng ở khu tập thể của tôi nơi tôi vào ra ngày ngày. Nhưng ở đó thì tôi không đọc tiểu thuyết mà thường đọc báo. Nhân dân. Quân đội nhân dân. Tiền phong. Chỉ có cuốn Màn ảnh Hà Nội trong có những bức ảnh đen trắng tha hồ cho người ta tưởng tượng thêm về nhan sắc vốn đã đẹp dã man của các diễn viên tây ta thì không bao giờ tôi tha vào đó. Tha họ vào chốn ấy rồi vò xé họ, quẳng họ nhàu nát ở đó ư? Tôi không nỡ!

Ngày mới từ nơi sơ tán về lại nhà, năm 1968, Hà Nội hiển nhiên là thiên đường của khối đứa trẻ. Nếu mỗi nhà được một căn hộ dăm ba phòng và nếu nó cứ như thế, điện nước đầy đủ, sân bóng, vườn hoa, nhà ăn tập thể, phòng trống nhiều cư dân ít thì nói thật là sống thế rất được. Là bởi vui và nhàn, trong tinh thần bình đẳng sẽ càng ngày càng bộc lộ sự giả tạo khi mà từng người bắt đầu phải toan tính nhiều hơn cho mình và gia đình. Tinh thần bình đẳng này không thể tìm thấy ở tình hàng phố, dù tình đó đã bền bỉ lắm rồi. Hà Nội bây giờ đã 1000 năm tuổi. Thì hồi đó cũng chỉ kém vài ba chục năm là đầy ngàn thôi mà.

Bây giờ thì tôi chỉ có thể thở dài mà thương cảm cho mình và người nhà mình. Giá như Hà Nội sau hòa bình lập lại không bị cải tạo và làm mới, giá như cư dân Hà Nội khi đó không được bổ sung ồ ạt bằng đội ngũ người nhà nước, cán bộ, công nhân, bộ đội, người miền Nam tập kết, thì có thể đã không có tôi, và nếu có, thì hồi ức của tôi về thành phố đó có lẽ sẽ mơ màng giống hồi ức của bao người. Như hồi ức của họa sĩ Võ Đình, nhà văn Trúc Chi. Từ cố đô Huế tới một cố đô cổ hơn nữa là Hà Nội, hai chàng trai đã giữ cho mình một Hà Nội không thể không mê của những năm bốn mươi thế kỉ trước, rồi khuân nó theo có lẽ tới tận bây giờ, qua bao nhiêu là xứ sở, hết Á sang Âu rồi tới Mỹ. Tôi, rồi cũng giống họ thôi, sẽ khi nắng khi mưa lại bất chợt nhớ thành phố ấy, nhưng là một Hà Nội tàn tạ trong nhịp sống mới với những con người mới, quá sức nó.

Giờ già đi, trở về loạng choạng trên những phố cũ đường mới đằng nào cũng không còn nhận ra được gì, thi thoảng tôi lại nhớ cụ ngoại. Ngày hòa bình lập lại, thấy nửa một bên phố tài sản của mình trở thành nơi làm việc, nơi ở của nhân viên bộ Công an, không biết cụ tự hiểu rằng không thể nào có lại nữa hay cụ vui sướng hiến tặng để làm người dân tự do không còn gì phải giữ? Cụ mất sau khi trở về Thủ đô mấy năm, trước khi chị em tôi ra đời, khá lâu sau người con gái duy nhất là bà ngoại tôi. Cháu ngoại duy nhất của cụ, mẹ tôi, cũng như cụ, sẽ ra đi sau một cuộc chiến tranh khác không lâu.

Căn nhà mà chị em tôi đã ở cho tới lúc đi lấy chồng là của cơ quan phân cho mẹ, nằm trong một khu tập thể chất lượng xây xướng có lẽ là tốt nhất Hà Nội từ bấy tới giờ. Khu tập thể gồm ba dãy nhà, và cái dãy có nhà tôi còn được hưởng sái từ một công trình khác oách hơn: Nhà khách chính phủ. Sàn của các phòng thuộc dãy này lát đá thừa ra từ công trình ấy. Khi mười hai tuổi, bắt đầu ưa nghĩ loăng quăng và bắt đầu phải chia việc nhà cùng bà chị, tôi hay bò toài lau cho sàn sạch bóng rồi nằm xoài ra ở đó, đếm những hình kỉ hà tạo bởi các viên đá ghép lại với nhau. Những hình đó tự phóng to dần trong trí tôi, biến dạng, thành hình dáng của những tảng đá lát bờ tường của một hai ba bốn căn nhà khác, nhà của bạn tôi, Béo, và nhà, những ngôi nhà đã mất của cụ Phán tôi.

Mẹ ngày xưa hay đèo tôi trên cái xe đạp Vĩnh Cửu lên mạn hồ Thiền Quang, vào công viên Thống Nhất, xem xiếc ở rạp ngay cổng, rồi khi về, mẹ vòng xe ra một phố nhỏ gần gần đó. Mẹ cho tôi xuống và chỉ, kia, kia, đây, đây nữa, nhà của bà ngoại mẹ, cụ Phán con đấy. Ngày xưa mẹ từng ở đây đấy.
Ngày xưa là ngày nào? Mẹ ở ngôi nhà nào trong những ngôi nhà mẹ vừa chỉ? Những ngôi nhà mới đẹp làm sao. Mái dốc, cửa ra vào có cái vòm nhỏ, sân rộng, lại có hàng rào sắt bao quanh. Tôi chưa từng thấy bóng ai qua những khung cửa sổ rộng. Nhưng trước một đôi ngôi nhà thì luôn có người, thường trực, hoặc cảnh vệ.
Sau này, tôi nghĩ là mẹ đang cố sống lại một tuổi nhỏ sung sướng và ngắn tủn. Khi ấy bà ngoại vẫn còn. Và cả em trai mẹ, ông cậu bé mất sớm của tôi, người mẹ chỉ nhớ tên. Có thể là khi ấy, trước những ngày Hà Nội kháng chiến, bà tôi đưa mẹ về nhà ngoại ở phố đó chơi chăng? Và trí nhớ mù mờ của một đứa trẻ mồ côi quá sớm chỉ có thể phục hiện được đến thế. Hay là cụ Phán, bà ngoại của mẹ đã kể lại cho mẹ tôi nghe và mẹ tự tưởng tượng thêm, bấu víu vào tưởng tượng đó để có thể đi qua ngày, trong một căn phòng tập thể có lẽ sẽ là rất nhỏ ở giữa những ngôi nhà không một ai trong gia đình tôi có thể trở lại?

Giá mà tôi cũng được đôi ba lần tới đó, sống chỉ một đôi ba ngày, có thể là tôi sẽ không thiết tha đến thế với những ngôi nhà mà những đứa bạn tôi sống. Nhà của Béo là những gì mà tôi có thể tưởng tượng được về, như đã nói rồi ấy, chủ nghĩa xã hội. Theo như chúng tôi học được thì trong xã hội mà chủ nghĩa đó đứng chân, chúng tôi sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Dù biết nhu cầu không có giới hạn trên, nhưng đến bây giờ thì thú thực tôi vẫn chỉ có nhu cầu được sống ở một ngôi nhà như thế, cùng nắng gió và mùi hương vườn trong phố ở đấy, cùng những điều kiện cơm áo với bạn tôi khi ấy là bình thường nhưng với không chỉ tôi là một cái gì đó như hoang tưởng. Bố mẹ nó làm to, đi nước ngoài như điên, có cần vụ, ăn bìa Tôn Đản. Chúng tôi đứa con công nhân đứa con cán bộ, tự dán mình vào sổ gạo, tem phiếu thực phẩm, bìa chất đốt, xếp hàng gần hết tuổi thơ. Còn những đứa khác? Thằng anh trai của một diễn viên kịch nghệ sĩ nhân dân thiếu tháng bây giờ khi được cô giáo hỏi về nghề nghiệp của bố mẹ đã ngượng ngùng trả lời “thưa cô bố mẹ em là người tự do.” Tự do là tự lo là ăn bìa Nhân Dân, phần lớn người thành phố khi đó là nhân dân, tự tách biệt với người nhà nước, bởi địa vị thấp kém hơn và bởi những bát phở mà con họ ăn hàng ngày trong nỗi thèm thuồng của vô số con người nhà nước. Nhưng chúng tôi biết tự cân bằng giữa nỗi thèm thuồng và tự hào. Trẻ con chưa biết làm gì. Vậy thì việc của chúng tôi là chờ để thế hệ trước tiếp tục sống, chiến đấu, lao động và tha lôi theo con cái tới xã hội mới, nơi những hoang mơ kia thành sự thực. Khi đó, lúc mới mười hai tuổi, tôi chưa biết rằng chỉ có sóng thần may ra mới xoá được những hố, những kẽ, những vết rạn ngăn con người với con người, và thời gian lịch sử hóa ra không đo đếm được bằng đồng hồ, bằng lịch, bằng tết, mà bằng vô vàn số phận.

Nhà cái Thái Hằng thì khác. Tôi đến đó hàng tuần, vui vẻ và lễ phép. Không ai trong cả đại gia đình nó biết là tôi tò mò tới cả chuyện gạo dầu của từng hộ con cái trong nhà, và có cảm giác mình như ma xó tham dự vào tất cả. Nếu mà cụ Phán tôi giữ được một căn nhà thôi thì có thể bên ngoại tôi cũng sẽ sống hệt như thế. Bà ngoại tôi chết trẻ và ông ngoại đã tục huyền với con gái một ông bác sĩ đỗ đạt ở Pháp, cụ Phán vì hạnh phúc của con rể và an bình của cháu ngoại mà đưa mẹ tôi về. Mẹ tôi sẽ sống ở đó, biết đâu đấy. Nghĩa là chị em tôi sẽ sống cuộc đời người ở phố. Cái này quan trọng lắm. Nó làm nên căn cước thật của từng người chứ không phải là cái chứng minh thư nhân dân ghi tuổi tên, có sẹo nào trên mặt, quê quán và nơi thường trú. Người ở nơi khác tới Hà Nội lâu rồi sẽ gắn bó với Hà Nội, sẽ trở thành người Hà Nội, buổi đầu không ai muốn tự ngăn mình với người Hà Nội đã cành to rễ dài nhiều đời. Thật ra là tất cả phải lờ đi, bởi vì nếu không qua tuổi nhỏ ở bất kể nơi nào thì không bao giờ thành người nơi ấy hoàn toàn được. Vậy thì tìm cách xoá cái khoảng vô hình giữa mình và người quanh mình tạo dựng từ những khác biệt trong thói quen, nếp sống là bất khả. Cũng vậy, ngay cả đối với cư dân tưởng chừng đã kết thành một khối riêng, có nhan sắc văn hóa riêng. Tôi, căn cước của tôi là người Hà Nội tập thể chứ không phải người Hà Nội phố, tôi là sản phẩm đặc biệt của một thời đại mà trong đó người ta hăng hái tin có thể kiến tạo thiên đường ngay trên mặt đất khác thiên đường ở đâu đó trên trời một điểm nhìn ra nhanh nhất là người với người sẽ không trần truồng.

Nhất định thiên đường không thể nào giống như khu tập thể mà tôi đã ở hết tuổi nhỏ và tuổi con gái. Nhưng khi còn là một đứa trẻ, tôi không hề nghĩ thế và trong những ngày bị bó cẳng nơi sơ tán tôi luôn mong ngóng ngày về. Thành phố khi đó là nỗi nhớ tuyệt vọng của nhiều đứa trẻ như tôi, một phần rất cơ bản vì đứa nào cũng có niềm tự hào ngu ngốc mình là người Thủ đô trước những đứa bạn nhà quê quần thâm áo gụ, nhà khá thì mới có áo màu khác, thường là xanh sĩ lâm. Phần lớn chúng nó mùa đông có thói quen đeo khăn đỏ ngày qua ngày chống rét. Cái khăn đuôi bạc đi, phần quấn cổ bóng lên vì ghét, lắt lẻo trước những bộ ngực lép vì chưa dậy thì. Đến cái lúc dậy thì ấy, ối chà chà, đứa nào cũng vai ngang ngực bánh dày, nhoàng cái đi lấy chồng. Ở nhà quê, đứa nào da trắng, thanh mảnh, mắt ướt và có dáng tỉnh thành y như rằng lớn lên là đời đành đoạn lắm, chả hiểu sao. Tôi sau này cũng da trắng, thanh mảnh, mắt ướt nên dù cận vẫn rất tránh đeo kính để còn chớp chớp ra vẻ ngây thơ và sống ở thành phố, nhưng rồi cũng khổ. Bây giờ thì tôi biết vì sao.

Tuy nhiên, khi về lại Hà Nội sau lần sơ tán thứ hai lúc hiệp định Paris đã kí kết, tôi không hề có một niềm tiên cảm nào về số phận mình mấy năm sau đó. Điều đó thật sự là không bình thường với tôi – đứa trẻ luôn khó ngủ vì cảm giác bất an, khiến bà nội, người đã ở bên tôi lâu hơn mẹ vẫn âu sầu rằng còn lâu mới già đã thế này thì không biết vất vả đến đâu.
Bà cứ âu sầu. Chúng tôi có những niềm vui giản dị và ngu ngốc. Giản dị nhất và ngu ngốc bậc nhất là thôi chơi trốn tìm trong các hầm công cộng. Thay vào trò chơi vô tư lự đó, chúng tôi vô tư đi rình trêu phò. Ngày ấy, những cô gái điếm chưa được gọi là cave như trong cái thời xa lắc trước và bây giờ. Họ đơn giản là con bớp, con phò, đông hơn thì là bọn phò phạch. Những chiếc hầm công cộng nóc bình an cỏ bên trong được quét dọn sạch sẽ là ga đêm của họ. Cùng với việc thôi không còn tiếng báo động đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội… và tiếng còi từ phía Nhà Hát Lớn hú như giật cả thành phố dậy mà dúi vào nơi ẩn nấp, những chiếc hầm công cộng bị bỏ hoang thành nơi đổ rác, đái bậy, bốc mùi hoang hủy, nhưng vẫn cứ là chốn đi về tạm thời của những cô phò. Khách của họ sang trọng bậc nhất là những người đàn ông làm nhà nước, ai nhìn cũng còm còm nhẳng nhẳng, thoát li vợ con và đồng ruộng, áo trắng quần kaki sang hơn thì là si xanh rêu hay hạt dẻ, dép quai hậu Tiền Phong nhựa trong trắng bám bụi chuyển màu. Những người kiểu như thế này hồi đầu tập trung sống đầy trên tầng ba dãy nhà tôi ở. Bốn người đàn ông chức tước lèng xèng sống chung một phòng. Tài sản là cái giường đơn gỗ tạp được cấp, cái hòm lủng liểng chiếc khóa Minh Khai to đùng, quạt tai chuột, phích, bộ ấm chén cọc cạch, chiếc xô đựng nước, thùng gạo, hai cái xoong nhôm. Thường cuối tuần cuối tháng họ lọc cọc đạp xe về quê thăm vợ con, quà là gói kẹo và túi bánh mì mới đổi bằng tem gạo, ông nào tằn tiện thì có khi dồn được ít mì sợi đèo về. Thỉnh thoảng có người được vợ ra thăm. Mọi bà vợ trẻ của các ông độc thân sống trong các khu tập thể khi đó đều giống giống nhau, áo hồng hay xanh trứng sáo, dép lê tím có quày dừa to vật trang điểm trên mu, đầu cặp ít nhất là hai cái kẹp ba lá, và có thể còn có một đồng bạc loại có in hình cụ Hồ gập lại kẹp cùng. Tôi chưa bao giờ thẩm được cái mốt này, càng không hiểu khi đồng bạc rất có giá trị một thời đó dần mất giá mà vẫn được họ dùng trang điểm cho mái tóc. Vì thế mà tôi ưa nhìn vợ mấy bác già già hơn. Họ cũng già, gầy đến nhô cả răng, tóc xơ, áo gụ, nói năng xởi lởi.

Một trong những người đàn ông chuẩn men sống trong phòng ngay trên đầu nhà tôi đã bị công an phường bắt quả tang khi chui vào một căn hầm cùng cô phò, nhờ công lao của mấy thằng ranh vẫn chơi trốn tìm với tôi. Mặt chú ấy như không còn máu, cái áo trắng xốc xếch một tà còn chưa kịp nhét lại vào quần. Con bớp thì như mọi người đàn bà lấy mình nuôi mồm, khá là bình tĩnh. Cô ta nhìn chúng tôi có vẻ điên tiết. Nhưng chúng tôi sợ gì. Cái chính là chúng tôi vừa bắt được quả tớm, ngăn chặn được một việc xấu xa. Xấu xa thế nào thì chịu.

Sao mà chúng tôi ngu ngốc vậy. Nhưng lúc đó hơi thở ẩm ướt và khó chịu của nỗi ân hận chưa hề phả được vào giấc ngủ của tôi. Nếu như người đàn ông bị rơi từ một căn phòng trên tầng ba xuống vào mấy hôm sau đúng là cái chú bị bắt quả tang vì chơi bớp thì có lẽ chúng tôi sẽ ngay lập tức biết sợ. Nhưng đó là người khác, sống cùng phòng với người đàn ông kia. Lúc tôi và lũ bạn đang ngồi trên cái giường to tướng do hai giường đơn ghép lại vừa tổng kết chiến tích giúp bắt người hôm trước vừa chẩu mỏ sang đê trêu mấy đứa trẻ bên làng chuyên trị chửi trẻ con bên này là bọn ở nhà gạch đèn điện thì sự ấy xảy đến. Một bóng trắng to như con ngỗng bay qua cửa sổ xuống dưới. Và… “bụp”. Bọn bạn nhào ra nhoài người nhìn xuống sân rồi ào ào lao ra khỏi cửa. Còn tôi đứng đó, tê liệt, miệng há không khép lại được trong một câu chửi bậy đang định học. Lũ trẻ bên đê kinh ngạc vì địch đột nhiên rút gần hết để lại độc một con ranh chủ nhà có lẽ tới tận giờ vẫn chưa hiểu vì sao lại thoát được một cuộc đánh trận mồm mà phần thắng chưa chắc thuộc về chúng nó. Chúng nó thấy cái bóng trắng như con ngỗng lớn bay xuống, nhưng không thấy vũng máu thấm xuống đất chuyển màu đen, chỉ có cái áo trắng là đỏ rực. Màu cờ.

Chú Điền không chết, nhưng thành lơ ngơ. Người sống chìm chìm nên lơ ngơ cũng không ồn ào. Cũng vì thế mà không ai biết được chú sảy chân hay chú tự tử. Mối nghi hoặc cứ lớn dần khi người ta to tiếng với nhau về chiều cao của song cửa sổ. Tầng ba, chắc ngay từ đầu ông kiến trúc sư yêu chủ nghĩa tập thể ăn chung ngủ chung nào đã tính dành cho người độc thân sống nên cửa sổ chỉ có một khung gỗ chắn nửa vời. Nhưng tính từ sàn lên cũng nhấp nhỉnh ngực tôi bây giờ. Vậy mà chú ấy ngã. Ngày vợ chú Điền cùng đứa con trai trạc tuổi chúng tôi ra đón chú về quê, bọn trẻ con chúng tôi tụ tập trước cửa phòng chú rồi lẽo đẽo theo gia đình chú xuống hết cầu thang, ra tận cổng. Cũng từ ngày đó, tôi bắt đầu hay sợ vơ vơ vẩn vẩn. Sợ hơn cả nỗi sợ không căn cớ là nỗi buồn bã đeo đẳng hàng ngày, mỗi lần gặp ở bể nước công cộng những người đàn ông độc thân hàng xóm tầng trên loay hoay với cái rá cái rổ cái xoong chất hết trong chậu, vẹo người xách theo xô nước lên tầng. Tôi thôi không a dua ghẹo đằng sau lưng những người vợ trẻ diêm dúa của họ là “tẩm” “lông din” hay là “toái ơ” nữa. Bây giờ thi thoảng tôi lại thấy mình nhớ họ. Chắc giờ này thành những bà lão cả rồi. Những bà lão từng vai ngang cổ ngắn bắp chân to vú bánh dày hăm hở bổ về phía trước không thể khô héo được ngay cái lúc còn trẻ xa chồng. Giá mà họ biết con bé sẽ càng ngày càng rất tử tế với chồng họ. Tôi không còn hậm hực khi những người đàn ông độc thân lúc nào cũng có vẻ nghiêm túc đó ghé cái xô vào vòi nước chen ngang hàng người, không theo chân đám bạn đi rình họ chơi bớp, và khi họ về hưu, trả lại phòng cho cơ quan rồi tha lôi theo đồ đạc thường dùng thì tôi (với nhiều người là lần đầu tiên) còn hỏi thăm “chú về quê hẳn à?” làm họ ngạc nhiên lắm.

Chú của Thái Hằng khác hẳn. Mà những người đàn ông cùng số nhà với Béo cũng khác.

Hồi mười hai tuổi, sau một năm trời nằm viện, tôi vào lớp mới và quen Béo. Khi đó, bối rối đi lẫn trong đám học đúp được cô hiệu trưởng dẫn đi chia vào các lớp, phẫn nộ vì cả năm học tới sẽ không thể nào thanh minh được rằng mình không thuộc vào cái lũ học dốt ấy (lúc mười hai tuổi người ta còn ngu dại, tôi cũng vậy và không biết rằng chuyện chuyển vế đổi dấu ở đời là bình thường như thế nào), tôi nhìn thấy nó. Nó, cái đứa gần như thần đồng toán đó, lại là con gái mới kì, sẽ là bạn thân nhất của tôi. Dù là tôi không phải đứa học đúp nhưng cũng dốt, nhà nghèo, nhút nhát và ngạo mạn, hoàn toàn khác nó. Tình bạn đó đã kéo dài ba chín năm nay.

Cũng như nó, tôi không ưa ông bà vụ trưởng sống cùng tầng. Vì có họ mà nhà nó mất nghiến đi hai phòng tổng cộng tới bốn mươi mét vuông, ba cửa sổ và một phần hành lang rộng. Quá quen với những căn phòng diện tích hẹp bằng nhau chằn chặn mười mấy mét vuông nhưng số người nhồi trong từng phòng thì khác nhau có nhà tính ra mỗi đầu người được gần mét tôi vẫn thấy cái sự một biệt thự như vậy bị cắt xẻ chia chác thật man rợ. Nó làm xô lệch giấc mơ của tôi về cuộc sống trong ngôi nhà đó, phòng nào cho ai phòng nào làm gì. Tôi còn kì công đêm đêm nằm trang hoàng cho từng phòng trong tưởng tượng, đồ đạc bài trí ra sao, tường quét vôi màu gì, lọ gốm để cắm sen nhất thiết phải đặt ở đâu trên một cái đôn kê góc nào. Cho tới tận giờ, khung cảnh của ngôi nhà mà tôi thiết kế cho riêng mình trong mỗi đầu đêm vắng vẫn hiển hiện, sinh động, ấm hơi người. Nhưng bây giờ, Hà Nội phình tướng ra, phố ọc ạch chật ních người xe, mùi khí thải bít kín mọi ngóc ngách mà mùi hương xưa náu, và tiếng động khủng khiếp thế này, khó mà có thể nằm loay hoay với một kịch bản cuộc đời như vậy. Đây là ấn tượng mạnh nhất mà thành phố của tôi đổ ập vào tôi khi lần đầu tiên từ nơi xa xứ trở về.

Còn ngày đó, một vòng bánh xe đạp quay cũng có thể xua nguyên một bầy chim sẻ tha thẩn nhặt hoa sấu rơi trên mặt phố hay làm thức dậy cả một dàn đồng ca ve. Trưa mùa hạ nóng nhưng thoáng, tôi không mũ không nón để tóc bay trong gió ngang vai. Không phải vì điệu, mà là để như thế mới mát. Cảm giác tuyệt vời này giờ đây những người đàn bà Hà Nội tự che thân kín hơn đàn bà Afghanistan dưới thời Taliban không thể nào có lại, còn những cô gái trẻ có lẽ không bao giờ được biết. Họ lớn lên khi thành phố càng ngày càng chật chội không theo kịp độ phồng của quy hoạch, bởi vì tất cả phải dồn vào phố, phố thật, chứ không phải những con đường làng khấp khểnh vừa mới lên đời len giữa những ngôi nhà bê tông loè loẹt bên trong lấp đầy những thứ đồ gỗ hàng chợ và đồ điện tử Trung Quốc. Người đi dạo cùng trâu hay ngỗng trên những con đường làng vừa lên đời biết rõ phố xá khác phố làng như thế nào. Nhưng phải đến rồi ở lại rất lâu mới nhận ra được cái nhịp thầm lặng quyến rũ của đất này chìm sâu lắm trong cách sống của những kiểu cư dân cơ hồ tuyệt tích.

Ông vụ trưởng hàng xóm nhà Béo không thuộc tip cư dân thưa người này ở Hà Nội sau hòa bình lập lại. Và ông không định để cho kiểu Hà Nội đó đồng hóa. Buổi trưa mùa hè hớn hở lao lên cầu thang nhà nó, rất nhiều lần tôi suýt đập mặt vào cái bụng lép của ông. Nhờ cái bụng lép dù là người khá là có vị thế lúc đó mà tôi cảm tình với ông cho tới tận giờ, dù trong tưởng tượng nếu nhấc được ông và bà vợ và mấy người con lúc nào cũng khinh khỉnh ra khỏi cái biệt thự đó tôi cũng nhấc rồi (nhưng tôi chưa biết cho họ về đâu sống). Khác mẹ bạn tôi, bà vụ trưởng chưa từng đi đó đi đây, từ mù chữ làm cấp dưỡng ở ủy ban huyện bà tiến tới biết chữ làm văn thư trong cơ quan ông chồng ở thủ đô. Không phải là người kí duyệt nhưng là người giữ con dấu, bà có cái oai riêng của kẻ dưới biết mình có thể hống hách với khách đến qụy lụy chủ. Nhưng được cái bà giản dị. Trông bà khá là giống với nhiều đàn bà trong khu tập thể của tôi, quần lụa mặc rách đầu gối thì cắt thành quần lửng, hoặc biến thành cái áo cụt tay chẳng kiểu cách gì. Ông chồng bà, ông vụ trưởng còn giản dị hơn. Nghỉ hè ngày nào cũng đến nhà Béo, ngày nào tôi cũng gặp ông trong cái quần đùi cháo lòng ống rộng ngoác. Lần chạm mặt ông đang tiễn khách, tôi thấy ông mặc cái sơ mi cúc không cài trên vẫn cái quần đùi vợ khâu ấy. Mẹ Béo, người đàn bà học thức hay đi tây không nói ra nhưng ở nhà ít khi giấu nỗi ác cảm với bà vợ ông vụ trưởng không hình dung được mình sẽ khó chịu và bất lực thế nào trước sự giản dị xuề xoà khi lên kịch trần của hàng xóm.

Khỏi nói, vì thế mà tôi vô cùng quý bác Khánh chồng bác Thiều Như tầng dưới. Dĩ nhiên là bác Khánh không được phép biết điều này. Từ lúc mười lăm tuổi tới lúc hai mốt, gần như tuần nào cũng gặp bác và anh Phan con bác ở sân nhà Béo, tôi dần dần phát hiện ra mình càng ngày càng thích ông bố hơn ông con. Thế mà anh Phan thật ra tôi rất nên đưa vào tầm ngắm dưới sự trợ lực tích cực của Béo. Không phải vì lòng tốt đối với con bạn thân mà Béo dọn đường cho tôi tới với anh hàng xóm rất đáng ước ao ấy. Thật ra là nó muốn thoát ẩn ý gây dựng của người lớn hai nhà để được thoải mái tơ tưởng tới bạn của anh ấy, đam mê đầu tiên của nó – một anh chàng cũng học ở Nga về như anh Phan.

Lẽ ra, dù thật lòng chẳng thích thì anh Phan cũng nên tán tỉnh tôi dăm ba câu. Nếu không thì cũng nên giúp tôi làm quen với một anh chàng hay ho như anh đã dại dột giới thiệu với Béo. Nhưng chính anh lại đẩy tôi vào sự trớ trêu. Trước đó bác Khánh bố anh chẳng gây cho tôi một ấn tượng gì ngoài giọng nói dễ mến. Chồng một bà thứ trưởng đời đầu chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, bác không hề có dáng ông to. Ngày tôi biết bác Khánh, bác vẫn đang là một bác sĩ sản khoa trong khi bác Thiều Như đã về hưu, đã là một bà lão thật sự tính tình hơi lạnh, kiệm lời, không hẳn vì bắt đầu nghễnh ngãng. Hai ông bà ăn chung ở riêng, mỗi người trấn một phía tầng dưới cùng với con riêng của mình và vì lẽ đó họ thường chỉ đi dọc hành lang. Có lẽ chỉ có chị Phương con chung của hai bác và bà giúp việc ăn lương nhà nước là đi ngang cái hành lang rộng ngăn giữa.

Anh Phan là kết quả một cuộc tình sét đánh không biết là thứ mấy của bác Khánh với một người phụ nữ con nhà trí thức Hà Nội. Người như bác Khánh không hừ hôi hừ với bà nào cô nào thì họ cũng sẽ í ì i với bác. Thời đó Hà Nội vẫn kha khá những đàn ông phong độ như bác ấy, trải đời, tinh tế, với danh trí thức, tiếng Pháp và nhạc cổ điển. Bây giờ thì hết rồi. Bây giờ Hà Nội bất quá còn lại dăm anh cao bồi già phố cổ trạc tuổi tôi hay hơn tôi dăm ba năm mà thôi.

Bác Khánh không chỉ là bác sỹ, trải đời, lịch lãm. Bác còn có vai rộng dáng thẳng, miệng rộng môi kẻ một đường lạnh lẽo, nhưng đôi mắt lúc nào cũng như trìu mến một điều gì. Vẻ trái ngược giữa mắt và môi của bác đi kèm giọng nói ít khi lên cao xuống thấp có gì như chán chường đã mang lại cho tôi ý thức đầu tiên về sự hấp dẫn của đàn ông. Khỉ thế, khi đó tôi không còn mười hai, tôi mười bốn rồi và thực ra là đang mê mụ vì cái dáng dặt dẹo của thằng anh đứa bạn khi nó chơi violon. Gần như suốt đời từ bấy tới giờ tôi luôn mê mụ trước những nhạc cụ kiểu như thế, một chiếc kèn, một cây guitar trong tay một người không phải là phụ nữ. Đấy là điều tiên quyết.

Bác Khánh nghe nhạc cổ điển và chơi kèn. Nhiều chiều đi ngang nhà Béo không hẹn gì nhau mà nghe tiếng kèn là thế nào tôi cũng xuống xe, chỉ cốt đi qua khung cửa sổ tôi biết là của phòng bác Khánh. Hóng. Nếu may ra tôi sẽ thấy nửa người trên của bác, mái tóc bạc trắng để dài cắt bằng nơi gáy xoã trán, che hết cả mắt khi bác nghiêng đầu bên cây kèn. Một lần bác vô tình ngẩng lên và thấy tôi mười bốn tuổi. Mắt bác sáng bừng trìu mến. Như mọi lần. Nhưng tôi không vô tình. Cần thêm hai năm nữa thành một cô gái mười sáu thập thò cổng trường đại học để tôi hiểu rằng mê một người đàn ông có khi còn sung sướng hơn mê một thằng cùng lứa. Dù họ chẳng biết ý tình gì trong lòng mình,

dù họ chẳng định gì, nhưng họ không có cái kiểu vô tình huyếnh hoáng mà mấy thằng ranh con thích phô phang.

Kiểu như anh họ cái Thái Hằng. Anh Phan, trẻ hơn bố mình ba mươi năm và già hơn bọn tôi chục tuổi chưa bao giờ có cái kiểu ra vẻ đáng ghét ấy. Hồi anh mới học ở Nga về, anh rất lịch sự với bọn tôi còn Béo và tôi thì vô cùng ngưỡng mộ anh. Không phải cứ ai đi cái xe đạp mang từ Liên xô về cũng gây cho chúng tôi niềm ngưỡng mộ ấy. Phải là những chàng trai như anh. Cái xe cuốc giống như chứng chỉ của thông minh, thành đạt mà những sinh viên tốt nghiệp ở đất nước ấy về thường mang theo mình. Vẻ lịch sự của anh Phan theo thời gian dần biến thành lành lạnh. Có thể vì chúng tôi đã lớn, xấu hổ đã biết cúi mặt giấu đôi má hồng dậy lên một cách ngớ ngẩn, tóc ngắn tóc dài đều mượt mà và chính chúng tôi cũng không còn vô tư hoàn toàn trước anh Phan, riêng tôi càng khó vô tư khi gặp bác Khánh. Cũng có thể anh Phan bắt đầu lạnh lẽo trước chúng tôi vì anh ấy không bao giờ hòa nhập được hoàn toàn vào nhịp sống của cư dân số nhà ấy, mà trước hết là với chính gia đình mình.

Béo thực ra cũng như tôi, mới gặp anh Phan. Dĩ nhiên là thường xuyên hơn. Trước khi đi học ở Nga anh Phan không sống cùng bác Khánh mà sống với mẹ. Sau này khi anh em đã lại hoàn toàn bình thản trước nhau thì tôi mới biết ngôi nhà anh Phan sống suốt tuổi thơ chính là một trong những ngôi nhà đã mất của cụ Phán tôi. Nhưng chính bên ngoại của anh cũng mất nhà y như thế. Nhà gia đình anh ở là nhà phân cho ông bố dượng của anh. Vậy là anh Phan hơn tôi, ở tuổi nào anh cũng vẫn được ở trong những ngôi nhà ra nhà. Tuy nhiên khi mới biết anh tôi không biết rằng trừ khi ở kí túc xá thời sinh viên anh Phan chưa bao giờ thấy thoải mái khi sống trong những ngôi nhà ra nhà ấy.

Khác với thằng anh họ cái Thái Hằng. Chị em cái Thái Hằng phải gọi nó là anh nhưng thật ra thì Bảo bằng tuổi và học cùng năm với chúng tôi, có điều ở trường khác. Tôi với Thái Hằng học ở Hoàn Kiếm. Sau hòa bình lập lại, ngôi trường đẹp tuyệt vời vốn dành cho con tây được đổi tên từ Albert Sarraut sang thành trường Phổ thông Công nghiệp Hà Nội. Đổi thì đúng là phải đổi rồi, chín năm kháng chiến mới có thể về lại Thủ đô, sức mấy mà người ta cho học sinh vào học ở một cái trường mang tên ông thực dân cốp thế này. Nhưng không hiểu sao tên trường mới lại còn có thêm hai chữ công nghiệp. Đến năm bọn tôi vào trường thì trường lại một lần nữa có tên mới: Hoàn Kiếm. Đằng sau sân trường có một dãy nhà xưởng một tầng, đủ để cho học sinh từng lớp có tiết kĩ thuật vào đó mà ngó đôi ba cái máy. Bọn con gái như tôi, máy tiện máy cưa máy mài máy gì đi nữa cũng chỉ là máy, không sử dụng, hoàn toàn miễn nhiễm trước niềm hãnh diện của các khóa trên về trường công nghiệp của mình. Trường thằng Bảo đang từ Hà Nội A đổi qua Việt Đức, chẳng rõ vì cơn cớ gì. Hà Nội A khi xưa có bao nhiêu nhân tài từ đó bước ra, vậy mà vừa nãy online tôi không tài nào tìm ra một thông tin nào về nó. Chỉ có THPT Việt Đức Việt Đức Việt Đức. Thật tiếc!

Nếu thằng Bảo không chết trẻ đến thế có tới 90% nó cũng sẽ thành nhân tài nước Việt hôm nay có tên trên Google. Bọn bạn nó nhiều đứa cũng là bạn tôi bảo nó học giỏi lắm, cái chính là tài lắm. Thế nên đang học rất siêu ở Việt Đức nó nhảy nhoàng qua Nhạc viện, chuyên ngành violon. Bọn bạn nó kể nó tính rất dễ chịu và vân vân. Nhưng tôi thì chỉ có một cảm giác duy nhất về nó: lạnh và hợm. Cho đến khi tôi thôi đến số nhà nó ở, chưa một lần nó chào tôi. Rồi tôi cũng quen thôi với cảm giác này. Buồn rầu là dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi không oán giận bao giờ. Chẳng phải vì tôi thánh thiện gì. Trong cuộc đời tôi đã bao nhiêu lần phải tự dày vò đến nhàu nhò chỉ vì nỗi mê người như nghiện mà người luôn hững hờ.

Còn có một lí do khác khiến tôi vẫn cứ mê nó như thường. Bảo chưa từng chào tôi nhưng đã có lần nhường cho tôi lên cầu thang trước. Nó nhìn tôi. Một đứa con trai mười bảy có thể làm một đứa con gái mười bảy tim đập thình thình đầu gối gõ vào nhau đánh cốp không tách được ra là một sự thật mà nếu không từng trải thì đứa bạn nào có kể tôi cũng lập tức cho là cám hấp. Không có gì là khinh khỉnh hợm hĩnh trong cái nhìn của nó như tôi vẫn thấy mỗi lúc nó thấy tôi và chị em cái Thái Hằng đang ngả nghiêng nói cười. Những lần như thế nhiều lắm. Đơn giản vì muốn vào phòng của gia đình nó thì kiểu gì Bảo cũng phải đi qua phòng ngoài tầng trên dành cho nhà cái Thái Hằng.
Một ngôi nhà thật là đẹp, mặt phố, giá kể ai cũng được sống cùng gia đình riêng của mình trong đó thì chẳng cần phải cố sống cố chết đi tây học và làm làm gì. Sau 1954, toàn bộ số nhà đó chỉ có ông bà Thái Hằng sống cùng với mấy người con. Dãy nhà phía sau là bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng ăn và phòng dành cho con sen vừa được Cách mạng đổi đời nước mắt ngắn dài chào ông bà chủ về quê làm nông dân. Lạ là tới lúc già rồi bà con sen vẫn ra giúp nhà Thái Hằng ngày giỗ chạp vẫn một điều thưa mợ hai điều thưa mợ với bà nó và có uy phết với “hai cậu” là bố thằng Bảo và bố nó. Bà Thái Hằng tôi vẫn nghe khách đến chơi nhà chào là bà Ký, mợ Ký. Vậy chắc ông nó khi còn sống làm thư ký ở đâu đó trước khi giải phóng Thủ đô. Chỉ là một ông Ký, bà vợ buôn hàng thêu ren trên Hàng Gai mà ông bà xây được mấy cái nhà. Hoà bình lập lại, ông Ký đi làm công chức lưu dung mấy năm thì mất. Trước khi mất, ông đã định liệu mọi đường cho vợ con. Hiến tặng tất cả để xin giữ đúng một cái nhà ở phố này. Chính là nhà bố thằng Bảo lấy vợ ở từ hồi trước hòa bình lập lại. Ông Ký tịch thu, quơ con cháu về một mối. Khi tôi chơi với Thái Hằng, cả số nhà đã được bà nó chia phần. Phòng con sen ngày xưa cùng dãy với bếp bà dành cho cô con gái không chịu lấy chồng. Bà giữ phòng ngoài tầng một làm nơi tiếp khách, quản tuốt người ra người vào. Chỉ khi đi nằm bà mới lui vào căn phòng nhỏ sát đó. Thông với phòng khách là phòng ông con trai út có cửa sổ trông ra phố. Chú lắm bạn, bà cho bịt cửa thông giữa hai phòng, đục tường mở cửa để ông con ra vào từ sân sau gần với cầu thang dẫn lên gác. Nhà Bảo được hai phòng lớn trên gác nhìn xuống phố. Muốn đi vào nhà nó phải đi qua phòng ngoài gác dưới. Ông Ký ngày xưa khôn ngoan không cho vợ bỏ tiền lên tầng cho con cái ở xểnh xang hơn không thể ngờ sau khi ông mất các con ông sẽ tức tối, các cháu ông sẽ tị hiềm nhau. Chỉ vì chật chội và vì cảm giác không công bằng.

Có vẻ như nhà Thái Hằng thiệt thòi nhất. Nhà nó ở gác hai phòng ngoài cửa sổ nhìn xuống sân sau và cửa ra vào đâm thẳng ra cầu thang lộ thiên. Khá rộng nhưng không có một chút riêng tư nào. Nhà thằng Bảo bốn người ra vào đều phải qua nhà Thái Hằng. Lại còn người trong nhà, bà nó, cô chú nó lên xuống thăm nom. Lại còn khách khứa nhà Bảo. Ban ngày ban mặt mẹ con Thái Hằng có mệt mỏi thì chỉ có cách kéo tấm ri đô hình thước thợ quây kín cái giường đôi, che mắt người nhưng không ngăn được tiếng động. Bố nó và em nó thì không cần thế, mùa hè cứ quần đùi áo ba lỗ nằm lăn trên sàn nhà mặc người người qua lại lo mà tránh. Sau này, cứ nghe cái câu tự nhiên như người Hà Nội là không hiểu sao tôi lại hình dung lập tức tới hình thù bố nó nằm cong như dấu hỏi giữa sàn nhà.

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.