Phố vẫn gió (kỳ 5)

Lê Minh Hà

Cứ tưởng đã xây tường, đã cãi nhau, đã tăng thêm diện tích thì hòa bình trở lại với nhà bác Thiều Như. Nhưng không. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Buổi chiều mùa đông từ nhà Béo về, tôi bắt gặp một trận đụng độ chưa từng thấy trong khu tập thể nho nhỏ ấy. Lặng lẽ và không có người bấu xấu hò hét cổ động. Từ chiếu nghỉ cầu thang nhìn xuống, tôi thấy cả nhà cái Thiều Hoa đang xâu xé anh Phan. Anh Phan bị anh Huấn ép cứng vào bức tường xây dở, một tay bị cái Thiều Hoa giữ chặt, áo khoác sã xuống bên vai. Cái Thiều Hoa léo nhéo đồ nọ đồ kia. Chị Thiều Anh đứng cạnh, mặt tối sầm, nói gì gằn gằn không rõ. Mặt anh Phan da trắng thế giờ nhợt hẳn. Bất chợt mắt anh gặp mắt tôi đang hốt hoảng nhìn xuống. Không thể ngờ anh Phan đau dạ dày kinh niên mà khiếp thế. Hự. Một đầu gối anh nâng lên và anh Huấn ôm bụng. Cái Thiều Hoa ôm mặt. Anh Phan vừa vùng ra khỏi tay bố con nó cho nó một cái vả trời giáng. Chị Thiều Anh bước lùi, rú lên và lần đầu tiên tôi thấy chị không còn cái vẻ lạnh lẽo khó gần. Bà phó tiến sĩ hóa sinh mày tao thế mà khiếp. Bao nhiêu dồn nén uất ức vì sự không được hưởng nhiều lộc hơn từ mẹ chị tuôn ra hết. Nghe, mới hiểu tại sao chị lại ở được với anh Huấn tòi ra hẳn hai con. Anh Phan lừ lừ đi tới, chỉ mặt chị Thiều Anh:

“Bà câm cái mồm. Tôi đã im mồm bao năm nay để bố tôi được sống yên, nhưng giờ thì…”
Anh Phan không nói hết câu. Chồng chị Thiều Anh sau cú húc đầu gối của anh Phan đã đứng thẳng lại và trong nháy mắt kính anh Phan văng ra, rơi đúng bước lùi của mẹ cái Thiều Hoa. Anh Phan không còn thấy cái gì, không thấy tôi, nhưng tôi chắc anh biết tôi vẫn đứng há mồm nhìn xuống từ lưng chừng cầu thang dẫn lên nhà Béo. Lúc đó tôi còn đang học đại học và kiến thức ở đại học chẳng làm tôi bớt khờ khạo bao nhiêu. Nên không biết rằng với một người con trai, một người đàn ông thì không có gì tệ hại hơn sự bị một người con gái nhìn thấy cái lúc mình bị làm nhục và bất lực. Sự có mặt vô tình của tôi lúc đó liệu có phải là một trong những nguyên cớ làm anh Phan thay đổi đến mức giờ nghe Béo kể tả tôi không tài nào nối được hình ảnh ông đại gia với chàng trai ngời ngời nhưng rõ ràng nhát gái độ ấy. Nhưng tôi luôn luôn tiếc là mình đã đứng ở đấy, đã thấy, mắt mình đã gặp mắt anh Phan vào đúng cái lúc anh bị đánh bị chửi bị đuổi.

Không chỉ có tôi đứng đó. Nhưng những người đang xâu xé nhau kia không biết. Bác Khánh từ trong phòng ra đứng đó tự bao giờ. Mặt bác tím rịm. Tôi tưởng bác sẽ nói lời can gián. Nhưng không. Bác Khánh đi ngang qua hành lang, vào phòng bác Thiều Như, dắt vợ ra. Hai vợ chồng bác đứng nhìn đàn con anh con tôi đang huỵch chát huỵch… Rồi bác Thiều Như lặng lẽ ngước nhìn chồng nói cái gì đó. Rồi bác lặng lẽ quay mình vào lại phòng. Bác Khánh bước mấy bước về phía đám đánh lộn, giọng không hề đổi tông:
“Phan! Bố mẹ không dạy con như thế. Cô Thiều Anh, cô chưa bao giờ gọi tôi là bố, nhưng tôi hiện vẫn đang là chồng của mẹ cô, là bố của con Phương.”

Câu đó, hiển nhiên là bác Thiều Như không nghe thấy. Nhưng bác đã hành động, lần này thật là nhanh, với sự đồng thuận của cô con gái chung với bác Khánh.

Nếu mà chị Phương không về làm dâu gia đình một ông bộ trưởng ở cái biệt thự nhìn ra hồ Thiền Quang ngay góc phố chung với phố ngày xưa có nhà của cụ Phán tôi thì chắc bác Thiều Như không dễ vãn hồi hòa bình trong nhà như thế. Trước, bác Thiều Như ở cái phòng thẳng từ phòng Béo xuống, hai phòng ở ngay dưới nhà ông vụ trưởng thì nhà cái Thiều Hoa ở. Bác Khánh và anh Phan sống ở hai phòng đối diện nhà nó. Còn cái phòng to cửa sổ mở hai phía ra phố và ra cổng thẳng dưới phòng bố mẹ Béo thuộc về chị Phương. Bây giờ không biết chị Phương bàn bạc thế nào với bố mẹ và bác Thiều Như ra quyết định chia đôi tầng một, ông một bên tôi một bên. Hành lang chạy giữa thuộc về chị Phương và trong lúc chị Phương đi lấy chồng thì đó là khu phi quân sự mà hai bên chiến tuyến có thể sử dụng để ra vào.

Nhưng không còn thấy anh Phan đặt chân vào đó nữa. Giang sơn của anh Phan không còn là một căn phòng nhỏ như phòng của hai bà cháu bác Nắng mà thêm hẳn một phòng to vật vã vốn là phòng của bác Khánh nay chuyển sang sống ở phòng con gái. Một mình anh ở hai phòng diện tích đúng bằng diện tích nhà cái Thiều Hoa hay nhà ông vụ trưởng hàng xóm với Béo ở tầng trên. Buổi trưa đầu đông đạp xe tới nhà Béo báo cho nó biết tôi vừa nhận quyết định phân công công tác và vừa quyết định chống lệnh, định dựng xe ở dưới cửa sổ phòng anh Phan như thường lệ thì tôi vấp phải hai bậc thang màu xi măng mới nguyên. Ra thế. Càng ngày người sống ở số nhà quý tộc này càng giống cư dân khu tập thể của tôi. Cái cửa sổ đặc Pháp, rộng và cao với chấn song thanh mảnh và hai cánh cửa chớp sơn xanh lục đã biến mất. Anh Phan cho đục tường, hạ cửa sổ biến thành cửa ra vào. Không bao giờ anh bước chân vào hành lang nữa. Nhưng bức tường xây chắn nửa chừng trước phòng nhà cái Thiều Hoa bị phá dở dang vẫn còn đó. Vậy là không chỉ khung cảnh xung quanh ngôi biệt thự này mà chính nó đã biến hình từ trong ra ngoài. Cũng từ đó, bác Khánh bắt đầu dùng nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng dành cho cư dân đẳng cấp thấp trong số nhà. Trong khi tôi ngồi trong cái toilette của nhà Béo ở tầng trên đọc tiểu thuyết và khoan khoái tự dựng cho mình một hình dung về chủ nghĩa xã hội thì bác Khánh và anh Phan làm quen với một bình diện chủ nghĩa xã hội thật, là cái trung tâm đồng hóa dị hóa của số nhà. Nhưng nói gì thì nói, nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng ở số nhà của Béo không thể so sánh được với ở khu tập thể của tôi. Ở khu tôi, chốn đó là thông tấn xã tầng. Người ta xếp hàng mỗi buổi sáng, trò chuyện và tranh thủ xem báo cũ tìm tin mới.

Miếng ăn thời bao cấp dù sao cũng vẫn là chuyện riêng của mỗi nhà. Nhưng chốn ị thì thật sự là vấn đề chung đầy nan giải. Thật tréo ngoe, đến cái thời bạc mặt xếp gạch trước mọi thứ cửa hàng mậu dịch: cửa hàng gạo, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa, thậm chí là trước mọi cái xe đẩy của cửa hàng, xe rau, xe bánh mì và không phải lần nào cũng tha được về nhà thứ hàng mình muốn có để ăn thì nhà vệ sinh công cộng lại đầy oặp.
Đấy là lúc Hà Nội hân hoan không trở lại thời kì đồ đá sau những cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ. Đấy là lúc đất nước về ta, đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, Thanh Hoa hát và ai cũng hiểu muốn thế phải có giấy của cơ quan hay của công an phường phố nơi mình cư trú.

Cơ quan của mẹ tôi không còn có thể yên tâm với kế hoạch trên giao. Vì thiếu nguyên liệu trầm trọng. Chỉ vì mấy cân hạt đầu ngòi bút không thể nhập về vì bị cấm vận mà cả nhà máy liểng xiểng. Nhưng 70 % lương thợ được hưởng mỗi khi thiếu việc dù sao vẫn còn được tiền hô hậu ủng bằng đủ kiểu tem phiếu bìa mua bán và sổ gạo nên còn cầm cự được và nhà máy vẫn giữ được cái mặt phong trào. Trong khi đội bóng chuyền nam nữ được bổ sung vận động viên mà nhà máy nhận vào cho luôn biên chế chỉ vì tay đập lưới mạnh gần như dân chuyên nghiệp hạng A thì bà Chờ lao công không hát tốp ca múa dâng lung tung hay chơi bóng chuyền bị cho nghỉ việc. Bây giờ, đôi ba khi bà vẫn đi về trong giấc mơ tôi, mặt lấp dưới vành cái nón Chuông đổi màu từ đời tám hoánh nào và vành nón thường bung một đoạn, quần áo bảo hộ lao động vải to càng bạc càng co cộc cỡn và đôi quang sọt trên vai, sọt phía trước ngất ngưởng cái cán chổi giang dài như một cái sào. Bao nhiêu trưa nắng, bà Chờ khua cái chổi dọc theo cống thoát nước lộ thiên bao quanh các dãy nhà nhặt nhạnh từng cái lá rụng, từng sợi rác. Bao nhiêu xế chiều bà Chờ loảng xoảng khua thùng đựng nước vừa dội nhà xí vừa lầm bầm chửi những cái quân chỉ biết lê đít vào ỉa rồi cắp đít đi ra không biết tới ngày hôm sau lại phải đâm đầu vào chốn đó.

Khi đó, chưa đứa nào biết lúc vắng bà Chờ là lúc phải đối mặt với nỗi kinh hoàng đến trẻ con cũng nhìn ra hiện hình qua nhà vệ sinh công cộng những ngày thiếu nước.

Người nguyên thủy ở chung ở đụng thì đã đành. Mất bao thiên niên kỉ vừa đánh vừa xây vừa dựng nước vừa giữ nước nghĩ thế nào lại hân hoan lùa nhau vào sống tập thể. Tuy không ăn hang ở lỗ cởi truồng, nhưng nghĩ đến cùng thì đích thị là rủ nhau sống bầy sống đàn kiểu mới. Nhà tập thể là minh họa sinh động và chính xác nhất cái câu “cha chung không ai khóc”. Quét nhà ra bụi, dấp lại bên cánh cửa chờ nó lang thang trong hành lang và hi vọng bụi nhà mình dạt được vào cửa nhà khác. Đi vệ sinh kéo quần lên để người sau giải quyết hậu quả thay mình. Rồi đến một ngày muốn giải quyết hộ người khác cũng không xong vì mất nước. Nhà vệ sinh đầy ự giấy vở học trò và đủ kiểu báo. Trẻ con nghịch tinh, được buổi đêm mất điện phải cầm theo cái đèn dầu, ngứa mắt vì Nhân Dân Quân Đội Tiền Phong Thiếu Niên bẩn tưởi dưới chân mình, tôi quyết định hỏa thiêu tất cả. Những tít báo bị lửa liếm dần, những mặt người nhăn lại rồi biến mất. Khói ngập nhà vệ sinh. Khói xua tan mùi thối. Lửa chơi trọn một phần ba cánh cửa, nước bẩn theo thời gian làm nó mục thêm một phần. Nếu bà Chờ còn được phòng hành chính thuê làm vệ sinh cho khu tập thể, chắc cái đứa đốt nhà xí là tôi sẽ bị bà chửi cho mục mả. Nói gì thì nói, bà Chờ chính là hình dung gần nhất của tôi về Con Người Mới Xã Hội Chủ Nghĩa với sáu hay bảy tiêu chuẩn gì đó như trong bài đạo đức mà tôi phải học năm lớp bảy. Chữ với chả nghĩa. Nghĩ đến cùng thì bà Chờ là hiện thân của sự tử tế thiện lương mà người lao động phải có và vốn có trong những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của bà tôi hay bà cái Thái Hằng.

Ấy vậy mà người đàn bà ấy lại phải trở thành một trong những nguồn vui vô duyên và ngu ngốc của lũ trẻ chúng tôi. Nói khác đi, chúng tôi là thảm họa của đời bà. Cứ thấy bà quảy hai cái sọt đầy giấy chùi đít ra hố rác công cộng là cả lũ hò nhau hét “Bà Chờ đang đợi ông Chồng ông Chồng thì nhất định không chờ bà…”. Tuổi nhỏ thật là ác độc. Làm sao ngày nào đi học cũng tụng lời Bác Hồ yêu Tổ Quốc yêu đồng bào học tập tốt lao động tốt, trường tôi còn bắt học trò kê trước mặt một tấm bìa có đủ năm điều Bác dạy, thế mà trong thâm tâm đứa nào cũng rẻ rúng những người làm những công việc có vẻ như là nặng nhọc bẩn thỉu nên hình như là thấp kém hơn cha mẹ mình, và chả đứa nào lại khao khát thành lao công quét rác như bà Chờ và ông Chồng.

Tôi viết hoa chữ Chồng vì ông không phải là phu quân của bà Chờ mà là đồng nghiệp. Và tên ông là Chồng. Việc của bà Chờ là dọn dẹp rồi quảy rác ra đổ ở hố rác công cộng gần cổng khu, còn ông Chồng có nhiệm vụ hàng ngày xúc rác từ đó lên xe cải tiến kéo đi đâu thì tôi không biết. Chắc là xa tận ngoại ô.
Làm cái việc chẳng ai màng dù chẳng ai phản bác cái câu lao động là vinh quang, ông Chồng có cái thú lúc nào cũng hơn người nhờ cái tên. Ai cũng phải gọi ông là ông Chồng bác Chồng chú Chồng anh Chồng hay đơn giản nhất là Chồng tùy theo tuổi tác và danh phận. Buồn cười nhất là các bà các cô. Chiều chiều đợi nhau ở máy nước công cộng, thấy cái chậu men sáng bóng đầy nước mà không có người tắt vòi là tất cả ngấm nguýt “lại cái ông Chồng… Anh Chồng đâu rồi”. Người thì vẹo vọ, mà cái chậu thì ông giữ lúc nào cũng mới tinh, không sứt lấy một tí men đừng nói là móp méo. Nghe nói bà trưởng phòng hành chính chân dài dẫn đoàn khách vào tham quan khu tập thể gặp ông Chồng gò lưng kéo xe bò rác ngẩng mặt lên chào cũng phải hỉ hả “A anh Chồng”, tức quá thở than với ông giám đốc nhà máy xin phòng Tổ chức gọi ông lên yêu cầu đổi tên thành Chung hay Trung gì đó mà ông nhất định lắc, bảo đó là tên cha sinh mẹ đẻ xóm giềng gọi từ bé tới già quen rồi. Nhưng ở bể nước, mọi người xúm lại hỏi thì ông bảo thật ra tên ông không phải thế. Quê ông chẳng ai nói “trờ giờ”, chỉ có “chờ dờ”, “chờ dờ không phải chờ rờ nhá, mẹ các ông này suy nghĩ thế là lệch lạc chờ dờ là nghe sướng rồi, ông trăng thành ông dăng, ông trời thành ông dời, người ta nói dó dăng dời đất chứ không trẹo lưỡi mà gió trăng trời đất gì gì nhá.” Xung quanh cười ầm ầm, ông tỉnh bơ giảng tiếp: “U tôi đẻ tôi ra đặt là Dồng, không phải con rồng, mà là dồng dọt cấy hái ấy. Đến lúc tôi thoát li, cơ quan người ta giải thích là phải nói chồng chọt, chồng chọt tờ rờ ấy. Ấy nhưng cái ông giảng cho tôi đến lúc viết lại viết sai. Lẽ ra tôi là Chồng tờ rờ thì ông ấy cho làm Chồng ca hát, thế là thành bậc trên thiên hạ.” “Làm chồng thiên hạ thì quay cu lơ ra chứ còn đó mà ca hát, làm chồng chị Chờ đi anh Chồng ạ!” – Một bà xúi bẩy. “Cô Chờ cô ấy chờ chồng chứ không lấy chồng nữa đâu các bà nàng ơi. Anh ấy trước cùng đơn vị với tôi, hi sinh từ năm sáu nhăm sáu sáu rồi các cô ạ. Tội tình lắm…”


Xung quanh ắng lại. Mấy đứa trẻ như tôi đứng hóng, về kể cho nhau bà Chờ là vợ liệt sĩ, rồi chúng tôi lớn lên hay biết điều hơn không rõ, trò chơi rồng rắn theo sau bà Chờ nhí nhố chòng ghẹo chấm dứt từ lúc nào chẳng nhớ. Cũng chẳng nhớ đứa nào một hôm tự dưng nhắc tới bà Chờ. Chỉ biết là khi ấy bà Chờ đã không còn quảy sọt với chổi quét quáy trong khu tập thể. Nhà vệ sinh công cộng trở thành không thể chịu đựng nổi và kí ức về một phần của chủ nghĩa xã hội ấy một vài cư dân khu tập thể sẽ mang theo khi ra nước ngoài để nhắc nhớ, so sánh hơn thua với những đồng bào xa xứ cùng một thế hệ hát đồng ca, đầu tiên sẽ “em là búp măng non em lớn lên trong mùa Cách mạng”, rồi Đội ca Đoàn ca “đi ta đi lên nối bước bao anh hùng” “tiến lên đoàn viên em ước ao bao ngày”, cuối cùng thế nào cũng phải là “Đảng đã cho tôi một mùa xuân đầy ước vọng”. Phải nhìn một lũ mặt mũi theo tuổi đã xạc xờ tóc đã mươi lần đảo ngói tụ bạ giữa lổng chổng chai cốc bên một nồi lẩu đã cạn nhìn ra trời tuyết trắng rồi gào lên những lời ca ấy, rồi cười như phá chẳng rõ xúc cảm thăng hay giáng, mới thấy cái ngày xưa ngây thơ tin tưởng ấy nó trong sáng kì lạ đến thế nào, đến mức kì quái. Người đi cười dù không quên, người ở cáu vì chuyện cùng tắc thông biến của cống rãnh. Không ai để ý cần bao nhiêu năm thì hệ thống cống bao quanh các dãy nhà ngày nắng khô cong ngày mưa nước chảy băng băng dần dần đầy oặp, chỉ thấy một hôm nước ứ rồi dềnh lên chỉ vài phút sau khi cơn mưa ập tới. Tưởng chừng như đất khu tập thể lún dần. Ngày còn bà Chờ, chưa khi nào tôi thấy khu tập thể của mình ngập. Thế mà sau này thì nhà nhà tầng dưới học nhau tôn nền hết lần này tới lần khác để ngăn nước bẩn tràn vào làm cho cái trần nhà vốn cao giờ thấp tịt và căn phòng trở nên tối tăm. Mỗi lúc không thể chịu đựng nổi, tổ dân phố kêu gọi tổng vệ sinh, đàn bà quét rác đàn ông moi cống vét bùn. Những lần ấy, nhìn đống bùn vét lên chất tại chỗ chờ khi mưa xuống trôi về lại với cống tôi lại nhớ bác Chờ và cung cách làm cẩn thận chửi kĩ càng của bác. Bác ấy giờ còn sống thì đã thành bà lão từ lâu rồi. Chẳng biết bác có đi bước nữa có mụn con nào nương tựa không?

Thật thì cứ tiện miệng nói thế thôi chứ có mấy ai tựa được cái lưng già phần nhiều bị vôi hóa cột sống vào con cái. Cứ nhìn gia cảnh nhà mấy đứa bạn thân tôi thì thấy. Nhà Thái Hằng, bà nó tôi luôn thấy trong hai tư thế, hoặc ngồi chân co chân duỗi trên sập hoặc đi lại trong bếp, áo cánh trắng, lưng gầy gầy còng còng, ngồi hay đứng đều lặng lẽ, thế mà nói một câu con cái dạ vâng thưa mợ một câu. Bà rành rõ trong mọi quyết định, phân minh trong việc cấp dưỡng con cháu. Mà cái sự cấp dưỡng này đáng kể lắm, một phần nhờ vốn chìm chẳng biết bao nhiêu bà nó giữ được sau hòa bình lập lại, một phần nhờ viện trợ từ xa của bác nó thời chiến tranh và của cả bác với chú nó thời hòa bình sau khi vượt biên thoát. Trong khi những nhà khác mừng hú khi nhận được cái contenne tổ bố xổ hàng ra độc xích líp chậu nhôm giường xếp bàn là hoa dâu nồi áp suất phích nóng lạnh và xà phòng thơm, được nữa là xe máy Mokich xe đạp Mipha hay Babetta hoặc Esca tùy sự người thân đi xuất khẩu lao động sang Nga hay Đức hay Tiệp thì bà nó ngồi nhà, thỉnh thoảng gọi ông con út hay cô cháu gái khó bảo đưa ra bưu điện Bờ Hồ nhận những thứ hàng gọn nhẹ mà ra cả đống tiền. Nói gì thì nói, tôi vẫn tin là gia phong cốt cách của một gia đình phụ thuộc vào tâm tính và cả túi tiền của phụ của mẫu. Cái kiểu bà Thái Hằng điều hành tập đoàn gồm mấy gia đình con cháu trong một số nhà không thể phình to ra được củng cố ý nghĩ đó của tôi.

Nhưng rồi cũng đến lúc bà không kiểm soát được gia cảnh. Đầu tiên, bà cô goá rất trẻ rất xinh của Thái Hằng quyết định lấy chồng. Lấy ai không lấy cho yên cuộc đời lá cỏ đàn bà, cô mê mệt một ông nhà thơ dưới con mắt của chúng tôi là hơi đơ đơ. Không thể tin được người đàn bà dáng đã bắt đầu khô khô vì không sinh nở và tính tình lạnh lùng khác hẳn ông em lại đột nhiên đổi khác thế. Vẫn cái dáng thanh mảnh ấy, nhưng vẻ khô khan biến mất. Khi tôi thắc mắc, cái Thái Hằng không biết từng trải tới đâu mắng luôn “mày đúng loại ngu lâu khó đào tạo ngu đến mức tuổi này mà chưa có trứng cá”, rồi cười phì phì. Rồi nó rủ tôi đi mua hoa bày phòng cưới cho cô nó, đồng thời thông báo đám cưới của cô Hạnh sẽ không có mặt ai người lớn trong nhà còn cháu chắt thì tùy ý. Gần đúng như thế thật. Nhưng đấy là một đám cưới để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt nhất trong mọi đám cưới mà tôi từng dự. Hoa cúc vàng rực khắp phòng. Cô dâu không váy phồng voan trắng tóc uốn lọn cong cong như mọi cô dâu. Chú rể vẫn áo đuôi tôm quần loe dép sabo to vật, nhưng tóc râu sạch sẽ. Bạn chú rể hứng khởi nhảy lên mặt bàn múa tay lên đọc thơ. Toàn những thơ tôi chưa từng đọc. Tại sao mặt trời lại chọn tôi để rực rỡ… tại sao… tại sao… tại sao ở tận cuối trời kia cả em cũng chọn tôi để nhớ… Khi mặt trời sụp xuống lũ cột đèn đứng lên… biển dâu sực tỉnh sơn hà còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh…Tôi khóc những chân trời không có người bay lại khóc những người bay không có chân trời…

… Tới lúc nhà thơ đá phải cái can bia hơi ai để góc bàn không vặn nút thì chú rể khùng lên kéo cổ thi sĩ xuống lấy chỗ nhảy lên đọc thơ mình em chúa của em anh đừng ngần ngừ đừng cúi đầu đó chỉ là tượng em anh đang chịu giùm em nỗi đau nỗi đau có tên em hành kinh em sinh nở em bị ruồng bỏ em mất sổ gạo em mất mình chỉ còn anh không còn ai nữa đâu em. Một người khách mới xuất hiện. Chú Khôi. Chú đi một mình, ôm một ôm sen. Mùa hạ tàn rồi. Chắc chú phải đi xa lắm để có được những bông sen muộn đó. Cô dâu cảm kích thì thào cảm ơn em trai. Chú rể bắt tay em vợ và bạn chú rể lần lượt ôm hôn người tặng hoa. Tôi đứng ở một góc phòng nhìn ra. Ngoài kia chiều đang xuống. Nắng khắc khoải tuột mình khỏi bức tường ngôi nhà bên kia phố. Trong này hoa, tiếng nói cười, những câu thơ đòi quyền yêu, đòi tự do. Mắt chú Khôi gặp mắt tôi không có vẻ gì kinh ngạc và chú đến bên tôi đứng cùng tôi ở góc phòng đó cho tới lúc vãn cuộc, không uống một cốc bia nào trong khi cái Thái Hằng bỏ mặc tôi. Nó lử lả cùng với các nhà thơ gầy như những dấu chấm than và tôi với ông chú nó phải khuân nó về sau đó. Thật là tệ, điều đó làm tôi với chú Khôi có dáng dấp một đôi tình nhân đang phải lo cho một cô bạn cùng đường về nhà sau một buổi liên hoan.

Thế mà tôi thật ra vẫn muốn dập dình mãi ở chỗ giáp ranh tuổi thơ với tuổi con gái. Khi ta còn nhỏ, ta phải chịu biết bao điều khốn khổ, khổ nhất vì từ nhà tới trường từ nhà ra đường bị người lớn áp chế toàn diện, khổ vì thiếu đói, vì chiến tranh. Nhưng trí tuệ trẻ con có khả năng xử lí tuốt. Những ngày sơ tán bơ vơ làng xóm lạ say đắm mãi cánh chuồn chuồn bão râm ran mãi tiếng con cồ cộ kêu vỡ tan tành buổi trưa ngọt mãi vị tương ngô chấm rau dền rau muống luộc thành nỗi buồn nhớ trong veo suốt cuộc đời. Những ngày về lại phố đắm đuối với hàng cây lúc phố lên đèn với kem que với những chiều bài vở ùn lên mà vẫn phải đâm đầu xếp hàng mua gạo mua chất đốt dù sao vẫn vô tư lự hơn những chiều con gái bụng xẹp lép vẫn thấy rừng rực niềm vui rủ nhau đạp xe ngược dốc Yên Phụ rồi thả xuôi trong gió hay những đêm mùa đông gió trở tạt vào hàng bánh trôi tàu xuýt xoa thìa nước đường đỏ nấu gừng nóng bỏng môi. Tới tuổi đó, nói cười như phá đấy nhưng đã biết nỗi vô tư lự chỉ còn như hạt ô mai ngậm mãi mà không muốn nhả. Chú Khôi và thằng Bảo cháu chú dẫu thế nào cũng con nhà khá, chưa bao giờ xỏ chân vào dép cao su ngay cả thời đi sơ tán có những niềm vui rất khác bọn nhóc chúng tôi. Chú cháu nhà ấy nghe cổ điển. Chú cháu nhà ấy chơi đàn. Chú cháu nhà ấy không biết chen chúc ví dụ như ở bể nước công cộng. Và quan trọng nhất là chú cháu nhà ấy không phải thèm nhạt gì ngay giữa những ngày thành phố sau chiến tranh rộng ra, xơ xác. Thằng Bảo mà biết tôi tám chín tuổi còn rủ nhau chơi trò nấu nướng bằng ống bơ sữa bò ở bếp tập thể thì chắc nó chết khiếp. Nhưng cũng vì thế nó không biết có những miếng không ngon mà ngon đến cứng lưỡi như thế nào. Một nắm giấy dầu nhặt nhạnh ở bãi chứa nguyên liệu sản xuất của nhà máy, thêm mấy cái ống bơ, ít ruột bánh mì, nửa thìa mỡ ăn trộm từ âu mỡ vốn liếng của nhà, nhặt mấy cục gạch bắc bếp, thế là có thể nổi lửa mở quán ăn đồ hàng. Thật sự là cái món bánh rán bé bằng đồng xu làm từ ruột bánh mì cũ chua loét ấy ngon khiếp khủng. Ăn hết, đóng cửa quán, cả lũ lại rủ nhau trèo lên bờ đê bên làng Thanh Nhàn hóng tiếng lá tre reo mùa đông cũng như mùa hạ, góp nhau đứa đồng hai xu đứa đồng năm xu mua của bà già bán quán dưới lùm tre đĩa ốc mút, đĩa lạc luộc chia nhau, ăn hết lại lò dò dọc triền đê tìm cỏ ấu mút mát.

Cái thiên đường đó ở ngay đằng sau dãy nhà tôi ở. Từ cửa sổ căn phòng mẹ được phân nhìn sang đê chỉ thấy một vòm xanh. Mùa hạ từ đó thoảng về mùi ổi chín. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhà cửa bên đó là cuối năm 1972. Làng ven đê bị bom tan hoang. Nhiều phố cũng tan hoang. Các gia đình công nhân viên chức mất nhà vì bom được cơ quan thu xếp cho về ở tạm trong dãy bếp tập thể trước nay bọn tôi hay tụ tập chơi trò nấu nướng. Tạm mà rồi ra vĩnh viễn. Phía trước người ta xây tường, làm cửa sổ, chăng ri đô vải hoa. Phía sau người ta nuôi gà lợn, lấn sát chân đê. Sông Kim Ngưu bên làng vẫn rỉ rả một dòng nước thối đen sì nhưng chưa đủ lực để đưa mùi vào tận phố mỗi lúc trở trời ngày hạ. Những lùm tre mới ấm bụi lại tự hát gió lá reo gió lá reo. Nhưng tôi chỉ còn có thể đứng từ cửa sổ nhìn sang. Mất đường sang đó nhởn đã đành. Cơ bản là hết hứng. Chiến tranh làm cho tuổi nhỏ của mỗi đứa trở thành bất thường, lúc thì bị ép lại thành một mẩu lúc thì bị kéo dài nhằng ra. Ngắn, là bởi những lo toan hoang mang dớ dớ dẩn dẩn trước tuổi khi phải một thân một mình rời thành phố. Dài, vì những ngày hậu chiến sau đó còn khốn khổ hơn và năm tháng sơ tán giản dị tột cùng lại thành nỗi nhớ trong veo để bám víu mà sống tiếp. Bây giờ, đôi ba khi bắt gặp những bức ảnh đen trắng chụp cảnh học trò đội mũ rơm đào hầm, đội mũ rơm ngồi nghe giảng là trái tim tôi thắt lại. Đâu phải chỉ mình tôi.

Chú Khôi treo ngay bức tường bên cửa sổ một bức ảnh chụp cảnh chú cùng bạn học đang lợp lán lớp học sơ tán bằng lá cọ. Ảnh đen trắng mờ mịt rồi nhưng luôn luôn gợi những chiều sâu thời gian mà ảnh màu khó có. Lúc đó chú mới vào đại học, lần đầu tiên xa nhà. Nhưng lớn rồi, vẫn có thể xin phép tự nhảy tàu về Hà Nội lấy viện trợ từ gia đình, và tự hồi sức cho mình bằng nắng gió, bằng đôi ba bông hoa trên giàn hoa leo yên bình ở một góc phố, bằng nỗi nhớ có thể đã có về một cô nàng nào đó giờ cũng đi sơ tán ở nơi tít mù nào. Còn bọn ranh con chúng tôi đi sơ tán là bị cô lập hoàn toàn khỏi phố, và cả ở nơi mình phải sống. Nên nỗi cô đơn của tuổi chúng tôi những ngày tháng đó hiện hình hiện khối chứ không lãng đãng như của tuổi chú Khôi. Tuy nhiên, cảm giác mỗi bận tới cửa ngõ Hà Nội khi về, với tôi là khi dừng chân ở Hà Đông, với chú Khôi là khi về tới cầu Đuống thì là một. Đấy là một nôn nao xốn xang mừng rỡ nóng hết ruột gan mà chỉ khi gắn bó với nơi nào bằng tất cả khả năng ngây thơ và tin cậy người ta mới có được. Bất cứ một miền đất nào có thể làm thức dậy nỗi niềm đó ở một ai, một thành phố thoảng mùi hoa sấu chua chua trưa đầu mùa hạ và cả mùi nhà vệ sinh thiếu nước, một vùng quê có mùi rơm tươi, nước ủ chuồng lợn hay mùi lá sen rạc đi trên đầm lúc thu tàn… đều thành quê hương cho riêng người ấy. Quê hương tôi, và Thái Hằng, và Béo, quê hương chú Khôi, quê hương anh Phan, là phố, và ở đó, chúng tôi lại có phố của riêng mình.

Phố của tôi nói thật là hời hợt. Sống bao nhiêu năm ở Hà Nội mà tôi luôn luôn ngơ ngác khi từ một phố nào đó vào một ngõ nhỏ càng đi sâu càng phình tướng ra. Như Văn Chương, như Thổ Quan. Đừng nói tới những làng trong và quanh quanh Hà Nội như Kim Liên, Hào Nam, Ngũ Xã. Duy nhất một ngõ nhỏ Thủ đô tôi thạo là ngõ Chiến Thắng sát đê Kim Liên nơi có nhà ông cậu út của mẹ tôi, và xóm Hạ Hồi khá gần nhà cụ Phán tôi khi trước. Cũng là gần nhà mẹ anh Phan, gần cả ngôi nhà mà ở đó bà nội Thái Hằng sinh chú Khôi.

Khác ông anh đốt trên di cư năm năm tư theo chị gái làm dâu nhà bà Trưởng lúc nào cũng nhớ ngôi nhà đó, và vì vậy mà sau 75 ra gặp lại gia đình tại nơi cả nhà tụ về sống cùng sau năm 54 chú Kiên lúc nào cũng bám chặt bà cái Thái Hằng y như trẻ con đến nhà lạ, chú Khôi tuyệt nhiên không nhớ một chút gì về ngôi nhà đã mất. Thì còn đỏ hỏn đã bị quấn chặt bồng ra khỏi đó biết gì mà nhớ. Nhưng tiếc, hiển nhiên là chú tiếc, với những lí do rất cụ thể: nhà bây giờ anh em kiến giả nhất phận mà vẫn phải sống chung nhiều khi vì chật chội mà thành bực dọc.

Thế mà có một dạo chú Khôi rất chịu khó đến nhà tôi chen chúc với một đám con giai bạn cùng trường cùng lớp với tôi và Thái Hằng. Bọn đó nghịch tinh, cứ gặp chú Khôi là chúng nó làm ngay vẻ mặt của người đang say đắm con Ngân cận sẵn sàng cạnh tranh với ông già hơn bảy tuổi hơn đủ thứ. Còn chú Khôi thì cũng khiếp, tỉnh bơ, hỏi thăm hỏi nom chúng nó rất bề trên, nhân thể tự giới thiệu là chú cái Thái Hằng làm cả lũ tịt ngóc. Giá chú Khôi để ý bà chị gái chân dài của tôi thì tôi dễ xử bao nhiêu. Cái Thái Hằng đóng một vai trò quan trọng trong sự này nhưng nó cứ tưng tửng tưng tửng. “Thì chú tao bảo tao phải làm. Thì chú tao muốn tao phải giúp. Mày không thích thì ai bắt.” Nó nói thế là bản tính hiền lành của tôi trỗi dậy. Tôi im. Tôi vẫn đi cùng chú Khôi và Thái Hằng. Mà kì quái, chính những ngày tháng đó tôi vẫn một lòng một dạ hướng về bác Khánh với thằng Bảo. Họ là hiện thân của một cuộc sống tôi không hiểu, không thâm nhập được, hoàn toàn xa cách và vì thế càng trở nên hấp dẫn với tuổi mười sáu mười bảy của tôi. Trái tim tôi vẫn hẫng nhịp khi tiếng kèn của bác Khánh rã rượi vọng trên phố ngày gió trở. Tóc gáy tôi vẫn rợn lên khi tiếng đàn của thằng Bảo len lỏi khắp ngôi nhà của đại gia đình nhà Thái Hằng. Chưa bao giờ tôi thấy Bảo chơi đàn. Phòng của nó cửa sổ nhìn xuống phố và cửa ra vào thì luôn khép. Tôi luôn có cảm giác rất rõ ràng về đôi mắt Bảo, khác bố mẹ nó. Mắt mẹ nó rất lạ, đang đầy ánh vồn vã có thể biến ngay sang vẻ chế nhạo. Mắt bố nó thì lạnh. Còn thằng Bảo, mắt lúc nào cũng như khói ơ hờ, như thể nó đứng trước mình mà không thấy ngay mình, như thể nó đang chú mục vào một cái gì lấp lánh cho riêng mình nó. Và bước chân của nó thì lãng đãng như tiếng đàn bao xế chiều tôi đã nghe từ căn gác lửng của nhà Thái Hằng. Sau này, Bảo chết rồi, một lần vô tình tôi nghe một ông già nói về kiểu đi đứng đó. Bước mà gót không chạm đất, bước mà không tiếng. Là bước chân ma. Sẽ chết bất đắc kì tử. Bảo chết bất ngờ, lại còn chết trẻ. Vì nó có vẻ hờ hững với đời này quá sớm hay vì bước chân như ngại ngùng này?

Đấy là tôi tự tưởng tượng ra thế. Lịch sự và lạnh lùng trước tôi thôi, thằng Bảo rất biết tận dụng ưu thế riêng đối với bọn con gái. Nhà cái Thái Hằng chả ai phải băn khoăn xoay ngược xoay xuôi mấy mét phiếu phải, vì có viện trợ từ bác Trâm, chú Kiên và vì chú Khôi do công việc cũng đi tư bổn liên tục. Bảo, giống ông chú, luôn mặc rất đẹp, cái kiểu đẹp của người nhà có, bề ngoài có vẻ xuề xoà nhưng thật ra là trau chuốt ngầm. Tới cái lúc nó bỏ Hà Nội A chuyển qua Nhạc viện thì nó càng đẹp và xa cách, tệ thế. Nó hòa nhập trọn vẹn vào cái thế giới trẻ trung của bọn Nhạc viện và Mỹ thuật công nghiệp đóng đô đầu Ô Chợ Dừa mà những kẻ cũng rất trẻ trung như tôi chỉ có thể đứng ngó, làm ra vẻ khinh thường nhưng thực thì ngầm thán phục. Vì tóc, vì mắt, vì tư thái nhẹ nhõm, vì những phụ kiện nhạc cụ bảng màu chúng nó tha kèm, vì kiểu cách áo quần nói năng. Một vài năm sau đó vào đại học rồi, tôi bắt đầu phân loại bọn sinh viên trên những con đường quen. Bọn Ngoại thương Ngoại giao dân Hà Nội cứ ra khỏi cổng trường là nhả tiếng tây vừa sang vừa kiêu vì nhà khá chứ không nhất thiết vì chúng nó giỏi. Hồi đó mấy cái trường này khác thường lắm, tuyển rất nhiều bậc con em, không loại trừ con em học dốt thi không nổi vào các trường khác. Bọn đứng ngoài ranh giới con em như tôi, hám tiếng Ngoại giao Ngoại thương, hám tiền đồ dính tới chữ ngoại nhưng không dám thi. Sợ. Ra trường làm sao xin việc. Vì thế mà bây giờ cứ thấy mấy tay đại sứ hay bí thư sứ quán ở nước ngoài tầm tuổi tôi lên giọng đại diện cho vân vân là tôi lại buồn buồn bực bực nhớ nhớ thương thương mình con nhà nghèo và bao nhiêu đứa đồng môn nhà quê lên Hà Nội học ăn khổ hơn sư vẫn béo tròn vì thôi không phải dậm dụi đồng áng và nay thì đã sắp về hưu ở chốn quê nhà trong tư thế giáo già.

Ngoại thương Ngoại giao, thôi, con nhà quyền chức vặt có kiêu thì cũng chịu chứ biết làm sao, không lẽ lại bảo nhà mày hơn nhà tao mà mày chỉ bằng tao thì mày cũng thường thôi nhá. Ngày đó chịu mà giờ cũng chịu, khi tôi đã hiểu ra cái sự để hơn người đã đành là trí thông minh, chí tiến thủ gì gì nhưng nhiều hơn và đơn giản là cơ hội, nhất là ở cái thuở ban đầu chập chững thành người. Bọn Kiến trúc dặt dẹo ôm bản vẽ thiết kế nhà có không gian bao quanh chả giống quái gì nhà cửa trên phố xá hàng ngày, tôi thích, không cần biết dân Kiến trúc nhiều người không thiết kế nhà mà thiết kế cống.Tôi cũng thích bọn Ngoại ngữ vì kiểu tự nhiên tự tin của chúng nó tôi thèm muốn mà không sao theo được. Dù sao thì vẫn thấy gần gũi hơn cung cách của bọn trường Múa hay Nhạc viện cùng đường, như thằng Bảo. Xa cách mà không sao ghét được chúng nó, ngay cả sau lần tôi gặp thằng Bảo đạp xe cùng một đứa con gái xinh nõn lao ra từ ngõ Nhạc viện gần Ô Chợ Dừa. Chúng tôi không chào nhau, cô bạn nó không biết tôi với thằng Bảo chạm mặt nhau hàng tuần ở một số nhà, còn thằng Bảo không biết phố Khâm Thiên trưa ấy chông chênh với tôi như thế nào. Nhưng tới đầu phố Nguyễn Thượng Hiền nhìn chéo sang phía có nhà cụ Phán tôi, mắt gặp cái mái đỏ nhiều tầng, tự dưng lòng tôi lạnh hẳn. Nắng buổi trưa luồn trong lá nhỏ, mang mang. Bảo ra khỏi cuộc đời tôi từ đó và chỉ một lần trở lại, bằng cái chết.

Vậy là tôi đã thanh trừng được một phần hai số người tôi đã yêu. Cần phải cảm ơn cô gái nhỏ huyên thuyên suốt đường trưa với Bảo trước mặt tôi. Cảm giác lạnh lòng tôi có sau đó, khi bánh xe đạp chạm đầu hồ Thiền Quang thật sự là một giải thoát. Tôi vẫn gặp Bảo hàng tuần ở nhà Thái Hằng, nó lịch sự và tôi cũng lịch sự. Tôi lại còn có thể mỉm cười với nó mà không phải cố gắng gì. Bọn con trai dở hơi hay bọn nghệ sĩ dở hơi? Hay Bảo vừa là con trai chưa lớn hẳn vừa là nghệ sĩ thiếu tháng nên bị ngẫn: Chỉ ít ngày sau trên bậc thềm Nhà Hát Lớn, chú Khôi bảo với tôi là Bảo than phiền sao cái Thái Hằng có con bạn lạnh lùng thế không biết. Mà nó thì mới chỉ có một lần duy nhất nhường cho tôi lên cầu thang trước, không nói một câu. Khỉ thế, chỉ có thế mà tim một đứa con gái mười bảy có thể lồng lên loạn nhịp.

Chẳng bù cho Thái Hằng. Khẩu vị tình yêu của nó thật là phong phú. Nó có thể e thẹn nép sau lưng một anh chàng sinh viên dăm bảy tháng để chàng kẽo kẹt đèo trên cái xe đạp tã khắp phố phường, cam chịu nhịn đói theo chàng không bao giờ tỏ ý muốn dừng chân ở quán xá mà tôi biết chắc nó mà vào thì chủ quán nhào ra tay bắt mặt mừng còn anh chàng kia thì đớ đớ. Chán, nó buông nhẹ nhõm, bảo người ta ngoan quá hoá nhạt, rồi quay ngoắt sang một gã khác cổ tay xăm trái tim xiên ngang một mũi tên, nói tục và ngọng, làm những việc mà bọn tôi không dám hỏi và nó thì không bao giờ đủ can đảm mời chàng diễu qua cái sập của bà nó lên nhà. Thái Hằng biết tôi tính nửa lì nửa nhát nửa ngạo mạn nửa tự ti nên rất tận tình vun vén tôi cho ông chú ruột. Nếu nó biết tôi từng mê thằng Bảo chắc nó xỉu vì cười. Nếu nó biết tôi vẫn đang mê bác Khánh thì hẳn nó vô cùng kính sợ.

Béo cũng không biết, dù bác Khánh là hàng xóm ở ngay tầng dưới nhà nó và nó vẫn thấy tôi bác bác cháu cháu với bố chị Phương y như nó. Béo vốn giản dị và giản đơn. Vào lúc mười bảy tuổi, không hề biết tình yêu tôi gửi đi những đâu, Béo ra sức vun vén tôi cho anh Phan trong khi ra sức yêu một anh bạn của anh. Huân cũng trạc tuổi chú Khôi, con liệt sĩ cháu ông to lớn lên ở trường Nguyễn Viết Xuân, đi Nga học thiếu sinh quân và học luôn đại học ở đó. Chú Khôi đến nhà tôi luôn trong bộ dạng bít dít khiến đám con trai bạn tôi vừa ghét vừa ghen, anh Huân trực ở nhà Béo lúc nào cũng trong bộ quân phục nếp là xén đứt giấy. Mẹ Béo tính tây học có vẻ không thích anh Huân làm con rể lắm, nhưng không tỏ ý gì. Phản đối quan hệ thông gia với cháu trai của một ông đại sứ đang quần nhau với địch ở Liên Hợp Quốc thì cũng bất thường. Béo chăm chỉ chờ anh Huân, chăm chỉ đợi anh lên nhà xin phép bố mẹ đưa nó đi chơi, chơi về tìm tôi cười rinh rích kể chuyện chàng nàng đối đáp. Lúc bọn tôi đang dở năm thứ ba thì anh Huân đi làm nghiên cứu sinh ở Nga, cô nàng đau khổ, khóc sưng cả mắt bảo anh ấy đòi đưa mẹ tới, đòi chạm ngõ rồi ăn hỏi. “Thế mày nói sao?” “Tao bảo anh ấy gỗ đã đóng hòm rồi anh cứ yên tâm đi em chờ”. Tôi bổ nhào ra giường Béo, cười tắc cả thở. Chỉ tôi mới biết bạn mình thông minh nhưng chậm hiểu đôi ba điều đến thế nào. Béo hồn hậu và đơn giản và vì thế luôn sâu sắc một cách cực kì bất ngờ. “Sao mày cười? Người ta cũng nói thế còn gì?” “Vâng vâng, người ta ván đóng thuyền, mày đem gỗ đóng hòm, anh Huân tha hồ mà yên tâm vì mày tẩn liệm tình yêu sớm thế”.

Sao chúng tôi có thể ngày nào cũng nói chuyện tình yêu như vậy? Nhiều khi tôi tự hỏi và không thể trả lời. Tình yêu với tôi mù mờ, không gắn với bất kể ai trong đám con trai quen biết. Tôi không muốn yêu như bạn bè, không muốn có một chàng trai nào thấy tôi mặt mũi đỏ tưng bừng lệch người nách mấy cái chậu nhôm móp chồng lên nhau cùng những áo quần vừa giặt rau vừa rửa gạo vừa vo, tay kia cố xách theo xô nước lên gác. Tôi không muốn phải nhìn nhau ý tứ trong căn phòng chung của gia đình. Tôi không muốn sốt ruột sốt gan vì cái hẹn buổi tối với một ai trong khi chỗ của mình ở hàng người xếp hàng mua gạo sổ vẫn còn xa cái bàn có cô bán hàng mặt mũi lạnh tanh nhấm nhẳng mắng người mua lúc chiều đã muộn. Những chiều rỗi rãi, nếu không tới nhà Béo hay nhà Thái Hằng, tôi loay hoay cắt tay áo dài rách biến thành áo cộc, cũng vai bồng như ai để diện lúc ra phố. Lên cơn dở hơi, tôi sai con em họ thêu những bông hoa to như cái bát bằng chỉ tơ trên nguyên cả cái khố tải, đưa thợ may cắt thành túi đeo vai, kính trắng tròn vo mắt không mài nhỏ che gần hết mặt, guốc mười ba phân, quần loe ống rộng gần bốn mươi phân một bên thêu chữ MALEM to vật, ống kia là Hà Nội 1982 nhún nhường, một mình nghênh ngang khắp các phố. Rồi đến một lúc chán hết, xin đâu được cái túi vải bạt, tôi ra đường áo hoa xanh thổ mừ với quần láng, nón cũ sụp mặt, kính ngoắc cổ áo, mắt mờ lừ đừ đạp xe ngoài đường, thằng bạn thân từ Hung về nghỉ hè lên cổng trường đón cũng không nhìn ra tôi là ai trong đám người láo nháo vào ra trước Chợ Xanh. Cũng may, nhờ thế mà nó không phải thất vọng và hai mươi năm sau tôi tiếc rẻ nghe bạn đã qua mấy đời vợ thú thật rằng hè năm đó mạnh bạo hơn một chút là nó đã tỏ tình với tôi. Béo đơn giản thế mà có lần đã nổi cáu, khóc, khi tôi đi chơi với nó trong cái áo vá nguyên một mảng lưng to như cái màn hình tivi 12 ins. Thái Hằng thì hình như hiểu, từ đó toàn gọi tôi là Ma Lem, ngay cả khi bọn tôi đi cùng ông chú của nó.

Càng ngày tôi thấy mình càng hay đi cùng chú Khôi. Lúc thì chú Khôi đèo nó đi qua bảo có phim mới ở rạp Tháng Tám, bốc tôi theo. Lúc thì Thái Hằng tới nhà nhắn giờ đấy ngày đấy bậc thềm phía đấy của Nhà Hát Lớn có vé. Nhưng người chờ tôi không phải nó mà lại là chú Khôi. Chiều hai chín tết đúng lúc tôi còn đang đực mặt ra xếp hàng ở máy nước công cộng thì nó ào tới. “Giặt à? Đồ ướt chưa? Thôi để đó mai tất niên làm một thể”. Rồi một tay nó dúi cho tôi cái túi lưới Liên Xô mới tinh trong đựng cái bánh chưng, lồng phồng mớ rau mùi già và quả chấp, “cho mày”, một tay nó vơ lấy cái chậu quần áo tôi còn chưa kịp dúi xuống dưới vòi nước. “Đi chợ hoa!” Thái Hằng ra lệnh. “Mày đi đêm qua rồi à? Đêm qua mày đi với ai là việc của mày. Bây giờ việc của mày là đi với tao!” Cái bánh chưng, quả chấp và mớ mùi già để tắm gội trưa mai cùng cái thói át vía người khác của Thái Hằng là sức mạnh khó cưỡng với bà chị gái tôi đang mặt nặng mày nhẹ vì nhiều việc. Nếu mà bà chị tôi biết Thái Hằng lôi tôi đi chợ Hoa cùng chú Khôi nó và bỏ mặc tôi giữa chợ thì thế nào tôi cũng phải nghe vài ba câu mát mẻ thay cho Thái Hằng. Hơn đứt tôi, bà chị rất được mấy anh sinh viên đứng đắn trường An ninh Quân sự quý mến. Có thể là vì chị ấy không bao giờ ưa typ con trai gần gũi với tâm tính của tôi.

Chú Khôi có thuộc typ đó không, chưa bao giờ tôi dám hỏi mình khi đó. Nhưng tôi biết ơn chú vì cung cách của chú mỗi lần tôi lạch xạch dắt cái xe vào sân nhà Thái Hằng. Thấy tôi, chú Khôi luôn luôn đi vội vào phòng mình mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi ra đỡ xe dựng hộ. Thái Hằng bảo mấy bà bạn thân chú Khôi cú mày lắm. “Vì sao?” “Vì ông ấy lịch sự với mày như chưa từng. Mày đích thị là con ngố.”
Đúng là hồi mười bốn mười lăm mới chơi với Thái Hằng tôi vẫn thấy ông chú nó ngực trần quần cộc đứng nói chuyện với mấy chị bạn. Bạn thân. Thân từ bé, thân vì bố mẹ thân nhau. Các chị từng hoàn toàn vô tư trước vồng ngực chú Khôi giờ đây cáu với con bé là tôi ư?
Mà tôi thì vẫn hoang mang gọi ông chú trẻ của Thái Hằng là chú. Vì lí do gì mà tôi từ một con bé mười bốn lặng lẽ vào ra nhà Thái Hằng lại biến thành một cô gái được chú nó để ý. Thái Hằng không còn ở nhà để vừa mắng mỏ vừa khai hóa cho tôi. Nó học xong cái trường trung cấp khỉ gió gì, chẳng thèm đi làm theo sự thu xếp của bố mẹ mà cặp bồ lung tung. Một hồi nó theo chàng soát vé trên tàu Bắc Nam, buôn hoa quả từ Sài Gòn ra Hà Nội. Mỗi lần về nó lại phóng xe tới nhà tôi chìa cho tôi một giỏ lúc chôm chôm lúc xoài lúc măng cụt. Chôm chôm không ngon bằng vải thiều bán đầy đường, xoài to thì có to vị không bằng vị quả muỗm xứ bắc, măng cụt thua dâu da, nhưng những loài quả ấy cứ nhắc tôi nghĩ tới phương xa, là nơi mà tôi biết không thể tuần tuần tháng tháng vào ra theo kiểu của bạn. Đáng ngại hơn, nó còn thúc tôi nghĩ tới những phương xa nữa cứ vương vất trong tôi vì thứ âm nhạc mà tôi với Thái Hằng từng nghe cùng chú Khôi. Vì cả chữ nghĩa văn chương. Giá như ngày ấy ranh con tôi đã không vô tình đọc đủ thứ không nên đọc ở tuổi tôi như thế. Những của nợ đó làm người ta hết chán chường thì hoang mang, tệ hại hơn: chúng làm thức dậy những khát khao không có cơ biến thành hiện thực.

Hiện thực thực nhất của tôi là nơi nhà tôi ở. Khu tập thể cơ bản là nơi sinh sống của thợ. Nhưng dãy nhà chính giữa sân, đối diện với nhà ăn và hội trường giờ đã bị chia xẻ thành những khoang những ngăn dành cho các gia đình, tầng hai tầng ba lại dành cho cán bộ của bộ. Cũng lèng xèng thôi, nhưng họ có khả năng chuyển đổi công việc, chỗ làm và nhân thể cả chỗ ở. Một người đàn bà trạc tuổi mẹ tôi đổi nhà đổi cửa cho ai về chiếm một phòng ở tầng hai dãy nhà đó. Con gái bà chơi với tôi.
Người đàn bà là hiện thân của một thứ bụi tinh hoa mà bà cố gắng tự dính lên mình. Làm văn thư ở một cơ quan hội nghệ thuật nhờ cái bằng tại chức Tổng hợp Văn, bà tự phân tách mình khỏi hàng xóm láng giềng nhờ những mối quen thân với đủ kiểu “sỹ” của âm nhạc hội họa văn chương. Tiếp xúc với bà khá lâu, phải công nhận bà duyên, nhưng trí tuệ của bà là một thứ trí tuệ photocopy, lấp lánh và vụn vặt. Tuy nhiên, với những người thợ về nhà còn mặc bảo hộ và có cầm theo mảnh báo nào cũng chỉ là để vào nhà xí thì bà và tủ sách trong nhà bà thật đáng kính ngưỡng. Gần như cuốn nào cũng có chữ kí của người viết, người biên soạn, người dịch dưới hàng chữ bản tác giả dành riêng cho… hay thân mến tặng cùng với tên chủ nhà. Có khi chỉ con trai con gái bà cùng với tôi là biết phần lớn những cuốn sách đó người được “thân mến qúy mến dành riêng” tặng không bao giờ đọc.

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.