Phố vẫn gió (kỳ 7)

Lê Minh Hà

Được cái là Thái Hằng đủ ngông để chấp nhận tính khí khó chịu của con bạn. Vả chăng nó cũng còn khối việc để làm. Buôn hoa quả theo tàu Bắc Nam nó bỏ rồi, cùng lúc với việc bỏ anh bồ soát vé tuyến tàu đó. Cũng tiếc. Anh ta ngang tàng nhưng không hiểu sao nghe lời Thái Hằng răm rắp. Giá mà tôi có thể bảo anh ta khi nào nó hỗn hào quá với người yêu thì cứ vung tay vả cho một phát, vì đó chính là thứ Thái Hằng cần, cũng là cái nó có lúc thực sự muốn. Chứ đầu đinh chất nghệ văng tục ròn rã thế mà Thái Hằng cứ nhíu lông mày lại là nhũn, bảo sao nó không đi với người khác công khai. Anh người yêu kế vị chàng soát vé tàu Bắc Nam của Thái Hằng làm gì ở xưởng phim truyện Việt Nam trên Thụy Khuê chẳng biết thì khác hẳn, lịch lãm và trầm tĩnh đến mức lạnh lẽo. Thái Hằng gặp anh người yêu này tự dưng ngoan nõn, giờ trích ngang lí lịch của nó là con nhà giáo học gốc Hà Nội tư sản thì ai cũng phải tin ngay. Bố mẹ nó mừng rơn. Chỉ có mỗi bà Thái Hằng không hiểu sao không chằm bặp kẻ ai cũng nghĩ đang là ứng viên chức cháu rể. Cái linh cảm của bà về những anh chàng để mắt tới con gái cháu gái trong nhà luôn luôn đúng. Một mùa đông mấy ngày liền nó bò tới nhà tôi, lúc thì lì chả khác gì bánh bột mì không nhân không bột nở hấp lên mấy đứa bạn nội trú hồi đại học vẫn được lĩnh sau bữa cơm trưa, lúc lại xoè xoè giật giật như điện lúc tắt lúc bật theo cảm hứng của sở Điên Nặng. Rồi có một chiều Thái Hằng bắt tôi ngồi sau xe đạp đèo ngược lên nhà người yêu. Mẹ anh ấy đưa Thái Hằng một phong thư, nó đọc xong ngồi đờ ra và tôi phải lấy hết sức mèo hen đạp xe đèo nó về. Người yêu nó, anh Vĩnh, vượt biên. Đạp cật lực tới đầu phố nhà nó, Thái Hằng sờ lưng tôi, nhảy xuống, lừ đừ đi vào một cái quán quen. Tôi cật vấn Thái Hằng trước cốc bát bảo lường xà nóng rẫy.

“Mày có biết trước vụ ông ấy đi không?”

“Tao biết. Anh ấy rủ tao mà tao không dám.”

“ ? ”

“Nhà anh ấy là nhân dân, tự do. Nhà tao bố mẹ là cán bộ nhà nước. Tao đi thoát ông bà già cũng chết. Dạy học tiếp ở trường thế nào! Mà nếu tao không thoát… Kiểu gì cũng có khác gì ép ông bà già tự tử.”

Ngoài trời mây xám. Gió bấc phật phừ trong tán lá xà cừ. Từ sau quầy, bà quắt chủ quán thay băng và máy nhả ra một giọng hát nghe cái biết ngay Khánh Ly, nhưng giai điệu và lời thì hoàn toàn mới. “Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời… Rồi còn đây những kỉ niệm … những giọt lệ… ôi…” Không hiểu sao tôi không hề bị ấn tượng về lời giãi bày của Thái Hằng. Như thể hỏi cho có vẻ quan tâm chứ cũng chẳng cần trả lời. Những năm 80 thế kỉ ấy sống giữa Hà Nội điều đó ai chả biết. Vượt biên may thì thoát nhưng không có đường về. Có không may (bây giờ lại là may) là người Việt gốc Hoa người ta đi cả nhà, sống chết cùng nhau. Ông con bà con nào lụy cái tình tình là tình chắc, chấp nhận một thân một mình ở lại như cô Và lấy chú Toản làm cùng cơ quan mẹ tôi thì cả hai vợ chồng cùng lãnh đủ, một phát từ cán bộ rơi phịch cái xuống thành nhân dân chồng đạp xích lô vợ buôn tôm khô moi rạm khô đầu cổng chợ. Tôi nhớ cô ấy ngày cưới mặc váy trắng ngang đầu gối, đi giày nhung trắng có quai nhỏ đính con bướm bạc vắt ngang mu bàn chân đúng kiểu tàu, xinh nõn nà. Thế mà một sớm một chiều gầy rộc, võ vàng, tay vừa đen vừa khô ngồi úp mặt nhặt rác rến trong mấy cái mẹt tôm khô ruốc khô sát cổng chợ, đầu sùm sụp cái nón lá ngả màu. Cái băng cối vẫn rệu rã nhả ra một Khánh Ly tinh khôi “Sài Gòn ơi thôi đã hết ngày tháng tuyệt vời…” “Quán này chắc có người nhà làm công an phường mày ạ, không thì phải lo lót khiếp lắm. Dám mở băng phản động thế này…” Tôi bâng quơ trong lúc Khánh Ly vặt riệt tim mình vì nhớ tiếc. Thái Hằng mặt trắng bệch, những sợi tóc quăn quăn nâu nâu im lìm trước trán: “Mày biết không? Tao chậm kinh gần hai tháng rồi.”

Băng vẫn quay. Khánh Ly câm bặt. Đầu tôi như có cái gì nổ một phát đánh đùng. Chậm kinh. Chậm kinh! Chậm kinh? Không phải sức công phá của hai từ này làm tôi mụ mẫm. Tôi vốn yếu, hành kinh sớm hơn toàn thể đám bạn gái nhưng cứ dăm ba tháng mới có một lần. Lần nào cũng mặt xanh nanh vàng vì đau bụng. Bù lại, tôi không vất vả như bọn bạn cứ tháng tháng lại phải soi mói cái mặt mình dăm ba ngày trước gương để nặn trứng cá. Chậm kinh với tôi bình thường như chuyện trưa đi học về nghe náo nức ngoài hành lang tin xe bánh mì về xe rau về nước về lại vội vội vàng vàng đi xếp hàng hay như chuyện lần mò đạp xe trong thành phố đến nhà nhau rủ nhau đi nhòm trăng suông đêm mất điện. Tôi hoảng. Vì khuôn mặt bợt bạt của Thái Hằng khi nó nói… “Mày. Biết. Không. Tao. Chậm. Kinh…”

Nó bảo tôi là ngốc giờ nghĩ lại hoàn toàn đúng. Trước một sự kiện khủng khiếp như thế, tôi đờ đẫn hỏi:

“Ông Vĩnh có biết không?”

“Không! Anh ấy rủ tao đi, biết anh ấy quyết tâm lắm rồi nên tao không nói cho anh ấy dễ quyết.”

Đấy cũng là một lí do khiến Thái Hằng ở lại. Khổ thân Thái Hằng. Lí do nào cũng chỉ cần là chính nó không cần cộng hưởng cũng đủ giữ chân bạn tôi ở lại thành phố này. Có rộng có dài có gió có nắng mà với chúng tôi Hà Nội chả khác gì cái chuồng và Thái Hằng, còn tệ hơn vì không phải chỉ là gà, chỉ là cá bị vớt nhốt ở đó.

Dù có ngu thì tôi cũng hiểu bạn mình không còn nhiều thời gian. Thái Hằng bác bỏ lập tức lời bàn đến thưa chuyện với nhà Vĩnh ông người yêu vừa vượt biên. “Nếu họ không tin thì sao? Anh ấy đi rồi. Biết bao giờ về lại được.”
Biết bao giờ về lại được? Hỏi thế vẫn còn là lạc quan. Ngày tháng đó không ai dám tin vào một điều kì diệu như thế, nhất là chúng tôi lại đang sống ở Hà Nội, trừ cái hồi có chuyện nạn kiều các nhà người gốc Hoa đi rỗng cả mấy phố Hàng Buồm Hàng Bồ Hàng Chiếu, chuyện vượt biên không phải là đề tài quen thuộc thành chuyện truyền từ cửa nhà nọ qua cửa nhà kia như ở miền Nam.

“Mày định thế nào? Bỏ hay giữ?”

Tôi với Thái Hằng ngẩn ngơ nhìn nhau. Cũng là hỏi cho có vậy thôi. Tôi không hình dung nổi làm cách nào con bạn mình tới được bệnh viện phụ sản khi không chồng mà chửa. Gà sắp chết cóc sợ nước sắp sôi. Dư luận kinh thật, nhưng kinh hơn, quan trọng hơn dư luận là lúc này là vào bệnh viện phụ sản bằng cách nào khi ở đó chưa có các phòng kế hoạch hóa sinh sản hoạt động theo kế hoạch ba để tạo thêm nguồn thu nhập cho cơ quan như chỉ dăm ba năm sau. Cứ nghĩ thế lại ghen với mấy con ranh đời bây giờ dám sống và có nhiều điều kiện tự do để công khai chạy trốn khỏi chính mình hơn, dù nói thật, tôi ngần này tuổi rồi vẫn ghê ghê khi đi dọc con đường thường từng đi xuống Văn Điển thăm mộ mẹ bây giờ được gọi là phố Phá Thai. Tên cũ, Giải Phóng, nghe bỗng dưng đâm hài hước một cách bi đát.

Khôn đột xuất. Sau khi tự xác định được vị trí bản thân mới chỉ là sinh viên năm cuối, bạn học y nhiều nhưng còn chưa thể coi là bác sĩ thiếu tháng không giúp gì được, tôi quyết định: “Phải nói với chú Khôi!” Thái Hằng, lần này là bên một cốc sữa đậu nành và cái bánh bao không còn nguyên vị như cái hồi người Hoa còn độc chiếm thị trường bánh bao sữa đậu nành táo dầm bánh chín từng mây ở Hà Nội, không nói gì chỉ ngước nhìn tôi gật đầu. Trong khi chưa có quyết định cụ thể như thế nào về đứa trẻ trong bụng nó, tôi thu gom tiền của Thái Hằng, tự nhịn kem chiều quẩy sáng, thỉnh thoảng còn xin Béo dăm ba đồng bắt nó ăn thêm để dưỡng thai và để thỏa những cơn thèm đầu tiên do nghén. Nhà nó không được phép biết điều này vào lúc này. Chưa khi nào từ hồi chơi với nhau Thái Hằng lại răm rắp nghe lời tôi đến thế, và nó quay trở lại gọi tôi bằng tên tôi, thôi réo Ve Sầu Ngủ Đông Mèo Hen Ma Lem Chị Cận Bồ Thuốc Vụn.

Không biết chú Khôi có lên cơn xúc động không khi bỗng dưng bị gọi xuống phòng thường trực cơ quan và thấy tôi. Tôi theo chú Khôi ra quán cà phê cuối phố, xin một cốc cam đá giữa mùa đông, ực một hơi hết cốc lấy can đảm và tồng tộc kể tuốt mọi chuyện của Thái Hằng. Quyết định gặp chú Khôi của tôi hoàn toàn đúng. Ông chú Thái Hằng không hề mắt tròn mắt dẹt, không than thở nhiếc móc thương hại kẻ vắng mặt, chỉ chăm chăm nhìn tôi, nghe tôi.
“Không thưa chuyện này với bố mẹ Vĩnh? Đúng, không giải quyết được gì khi cậu ấy đi rồi… Mà Vĩnh đi có thoát không? Không để cho bố mẹ Thái Hằng biết? Đúng. Chưa nên. Loạn nhà. Nó định thế nào? Tùy kết quả khám nghiệm?”

“Vâng, nhưng chẳng biết làm cách nào đi khám chú ạ.”
Từ lúc nào không biết giữa câu chuyện tôi nói trống không nửa vời với ông chú Thái Hằng. Chú Khôi nhìn tôi, mắt loé lên một ánh lạ lùng trong khi vẫn nghiêm trang bàn bạc:

“Ngân bảo với Thái Hằng… Chú Khôi sẽ gặp ông bạn làm bên viện C trong tuần này. Hôm nay thứ tư, cùng lắm thứ sáu có câu trả lời… Bây giờ Ngân cầm cái này cho nó…Trong khi chưa quyết định bề nào thì vẫn phải…”
Chú Khôi đặt lên bàn một xấp tiền trước khi trở lại cơ quan. Toàn tiền to. Ông này sẵn thật. Phải hơn tháng lương đại học tập sự. Ba ngày sau, thứ bảy, tôi lóc cóc đèo Thái Hằng lên Tràng Thi vào viện C, nơi chú Khôi và ông bạn bác sĩ của chú đang chờ. Cổng bệnh viện lèo tèo dăm ba hàng quà vặt, con đường trực chỉ cổng toàn những đàn bà ộ ệ lúp xúp đi lại trong những cái quần không đáy bệnh viện cấp phát chẳng ra thể loại kiểu cách gì màu trắng màu xanh đầy vết ố nom phát ghê. Thái Hằng nhìn chú Khôi. Tôi không biết từ hôm tôi nói với chú Khôi chuyện Thái Hằng chú cháu nó có nói gì thêm với nhau ở nhà không, chỉ thấy họ nhìn nhau đầy vẻ bình tĩnh. Nhưng chú Khôi nhìn tôi thì không giống như trước. Chú ấy nghĩ gì về tôi? Chú ấy có nghĩ tôi chơi với Thái Hằng vì chúng tôi giống nhau, hay chú ấy hiểu rằng chúng tôi hoàn toàn khác nhau, nhưng tôi không phải là tôi chú ấy nghĩ là đã biết?

Tôi đã nghĩ trăm phần trăm Thái Hằng sẽ quyết định nạo thai. Bố đứa bé đã tới Hông Kông và sẽ tới đâu nữa chúng tôi không hình dung nổi. Có thể chẳng bao giờ bố mẹ đứa bé sẽ gặp lại nhau. Không chồng mà đẻ rồi nuôi một đứa trẻ cái lúc chế độ bao cấp vẫn đang như tấm vỉ buồm khổng lồ chụp lấy tất cả có rách thủng chỗ nọ chỗ kia thì cũng chỉ kẻ lõi đời mới chui ra được … Sẽ như thế nào? Tôi không hình dung được, nhưng tôi nghĩ ngay ra khả năng Thái Hằng phải bán xới khỏi số nhà đó, khỏi gia đình. Nó cứ việc cương còng, cứ việc không giống ai trong nhà, nhưng nó không có quyền để lại một vết xước công khai nào trên thể diện gia đình. Nội cái việc không theo ông bồ vượt biên đã đủ cho thấy nó ý thức rõ thế nào về sự này.
Thế mà Thái Hằng quyết định giữ đứa bé trong bụng. Lúc theo chân ông bác sĩ trẻ bạn chú Khôi từ phòng khám ra, nó nhìn tôi, gật đầu một cái:

“Tao để.”
Rồi:
“Mày về đi. Chú Khôi sẽ đưa tao về.”

Sau này, mỗi lúc phóng xe trên phố Tràng Thi, cứ qua cổng bệnh viện C, tôi lại không đừng được ngó ngang và nhớ vẻ mặt của Thái Hằng lúc ấy, và không hiểu sao tôi luôn hình dung một dấu chấm than đặt trước đặt sau câu nó nói “! Tao để!” Đấy, thế đấy. Dấu chấm than đóng đinh cuộc đời nó vào một chặng mới truân chuyên hơn dù bạn tôi thôi động cựa vùng vẫy như từng, trong tuổi con gái.

Nó quyết định giữ cái thai, đồng thời quyết định lấy chồng. Lấy ông bồ cũ cựu soát vé tàu Bắc Nam vừa bị cho thôi việc vì không may không qua được cuộc kiểm tra liên ngành gì đó, cụt mất vô khối vốn buôn đường dài. Đám cưới Thái Hằng vào dịp áp tết khá to. Cô dâu khăn voan váy trắng mấy tầng, ôm bó lay ơn trắng to như cái chổi xể lại còn quấn lòng thòng một dải hoa, không lộ bụng. Lần đầu tiên tôi thấy cái mốt này hợp lý. Không biết nó làm gì nói gì để có thể lấy kịp một ông chồng làm bố cho con dù vẫn biết đương kim chồng nó khi là đương kim người yêu vẫn nghe Thái Hằng răm rắp. Nhưng tôi thấy, không cần đeo kính, người nó thâm thâm tím tím chỗ nào. Chồng nó không bao giờ đánh vào mặt vợ để bảo tồn nhan sắc. Và Thái Hằng bụng bầu đã đẹp lại càng đẹp. Không hề bị phù như bao nhiêu đàn bà có bầu, nó gầy đi, mắt mũi môi càng nét, chỉ có điều mắt nó không còn cái kiểu nhìn ơ hờ uể oải, mà sáng một cách kì kì, như thể lúc nào cũng hâm hấp sốt kiểu chớm lao. Bây giờ người thế khéo dễ bị tưởng là con nghiện đang phê. Thái Hằng quyết giữ cái thai lúc đó vì quá yêu người tình đã bỏ ra đi, vì chính mình, hay vì đứa bé? Không bao giờ nó nói cho tôi biết. Đến bây giờ nó vẫn chỉ có một đứa con ấy. Điều mà mẹ nó, ông trẻ nó, và tôi không biết là hơn ba mươi năm sau con bé ấy hết sức nổi tiếng, dù không phải là siêu sao như các thể loại chân dài ca sĩ bây giờ.

Tai nạn yêu đương của Thái Hằng kéo tôi lại gần nó, làm mất cảm giác về thời gian. Bây giờ nghĩ lại, thấy mùa đông đó vừa dài vừa ngắn, co dãn hết cỡ theo những nỗi lo sợ của chúng tôi và những việc chúng tôi đã làm. Nhưng Thái Hằng có vẻ yên bề rồi. Ngày ngày nó ưỡn bụng ngồi trước những tấm gương rẻ tiền loay hoay vẽ lên đó những mặt con gái lông mi như thể bằng nhựa cứng, hoa hồng hoa cúc, chim đuôi dài và bướm cánh to bằng sơn, toàn màu cơ bản. Nhà chồng nó giàu nhờ cái nghề trang trí gương này. Chồng nó trước thích ngang dọc nên mới xoay xin việc ở bên đường sắt chứ cứ ngồi nhà vẽ chim hoa gái bướm lên gương có khi còn ngon lành hơn. Tôi không hiểu họ bán hàng tới tận những chợ huyện vùng sâu vùng xa nào, nhưng hàng rất chạy. Đến thăm Thái Hằng ở nhà chồng trên Hàng Đào, quay đâu tôi cũng thấy cái mặt mình lúc phình lúc bẹp lúc dài ngoẵng tùy theo chất lượng của những tấm gương treo dựng khắp nơi. Nói chuyện với nhau trong cảm giác mình bị nhốt và đang quay cuồng giữa không gian rất hãm đó thật là khó. Ngoài ra nói chuyện với chồng nó cũng rất khó dù biết nhau từ lâu, từ hồi Thái Hằng tung hê cái bằng trung cấp kinh tế đi buôn hoa quả đường dài Bắc Nam và cặp với ông ấy. Con trai phố Hàng mà nhìn không chút hào hoa, soát vé tàu Bắc Nam có thua cũng chỉ thua mấy cha tàu phụ bếp viễn dương vốt cô vốt cậu mà cũng không có dáng ngang tàng làm phép một tí, lại còn ngọng lờ cao với lờ thấp. Cái vụ lẫn lộn lờ nờ này là mốt của một số đồng hương phố của tôi một thời, tập mà thành. Từ khi cưới được Thái Hằng, cha này thay đổi hẳn. Đang Thái Hằng lừ mắt đã run, giờ đây ông chồng nó cực ngang ngược. Nghe Thái Hằng bị chồng mắng như chửi bằng cái giọng Hà Nội phố ngọng líu lẫn lờ nờ thương hiệu riêng, chỉ muốn đứng dậy bỏ bạn lại đó biến lập tức. Thật chỉ vì những dấu vết tay chồng Thái Hằng để lại hơi bị rõ trên mình nó mà tôi buộc mình phải qua lại ngôi nhà toàn gương soi đủ kiểu mặt người vào ra đó.

Tôi lại quay về với kì thi và kì thực tập tốt nghiệp và với Béo cũng đang cuống cuồng làm luận văn năm cuối. Mỗi đứa một ngành, không hiểu gì việc của nhau nên cũng chẳng giúp gì được nhau ngoài thỉnh thoảng chép hộ nhau một đoạn. Béo cười vì không có sự phải chép tư liệu cho tôi thì vốn lý thuyết tình yêu qua thơ văn của nó rỗng. Tôi cười và cáu vì phải tô chữ các công thức toán của nó do toàn viết nhầm. Thiếu cái máy photocopy bây giờ thế mà hay, tình bạn của chúng tôi gần gần vĩ đại vì đứa nào cũng phải vì nhau mà vượt lên chính mình.

Số nhà của Béo đã trật tự trở lại. Xáo trộn chủ yếu chỉ là chuyện mấy ông trưởng phó phòng cục phó cục trưởng ở một mình đến tuổi hưu trả nhà lại cho cơ quan về quê vui thú gà vịt ruộng vườn. Cụ nào giờ còn sống không biết có còn dám tự hào mình thanh thanh bạch bạch hồi quan không hay đang tiếc. Tôi ngờ rằng nếu có lúc nào niềm tự hào đó được bộc lộ thì chỉ vì các cụ bất lực chả làm gì để thay đổi được nữa. Giá các cụ có khả năng nhìn trước tương lai chừng mươi mười lăm năm thôi để biết chế độ bao cấp mình hưởng lộc đang ngáp ngáp, sắp bị xoá bỏ và cả nước sẽ tiến nhanh tiến mạnh lên nền kinh tế thị trường có định hướng sau khi Mỹ chấm dứt cấm vận Việt Nam mà xin giữ căn phòng đó cho một đứa con nào đó chưa ra Hà Nội thì sẽ ra! Phải nói cho nghiêm, vào cái thời cứ nghe bọn ranh con như chúng tôi lộ chút hao hụt niềm tin là thế hệ đi trước lại dọn giọng răn nhìn cây phải tập thấy rừng đừng có cái lối nhìn cây thấy củi thì khôn ngoan được như bà vợ ông vụ trưởng hàng xóm cùng tầng với nhà Béo là của hiếm.

Khôn thế cũng không lại cái bà người ở nhà hàng xóm. Chiến dịch vết dầu loang mà bà vụ trưởng thực thi để chiếm một phần cái hành lang chung với nhà Béo cũng như một phần khu vực để xe chung của cả số nhà có vẻ cũng chưa hữu hiệu bằng mấy chiêu nhỏ lẻ của bác Nắng. Buông chức cần vụ của bác Thiều Như lại cho ông nhà nước, bác Nắng giúp thủ trưởng cũ giải quyết xung đột gia đình bằng cách nhượng căn phòng hai bà cháu ở cửa mở ra phía gầm cầu thang. Căn phòng đó nhà chị Thiều Anh hưởng, suất lương của bác Nắng thì bác Thiều Như nhận, tự làm cần vụ cho mình, đúng hơn là chị Phương nhận vì chỉ có hai mẹ con cơm nước với nhau. Không hiểu sao về hưu rồi mà bác Thiều Như vẫn được ăn dày thế. Chắc vì bác hoạt động từ thời bóng tối và là lãnh đạo cao cấp từ lúc nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về lại Thủ đô, thuộc diện khai quốc công thần đấy. Bác Nắng, có thêm lời của bác Thiều Như, xin cơ quan một rẻo vườn xưa bấy nay bỏ không, huy động con cháu ở quê ra xây cái nhà cấp bốn lợp giấy dầu, cửa ra vào mở ngay đầu cổng và cửa sổ mở ra phố. Ba bề căn nhà tạm đó, bác quây dần từng ngày, cho tới ngày cơ quan bộ chia đất cho cô bác sĩ con gái của ông bà vụ trưởng thì phần đất bác Thắng tạm chiếm đã thành miếng to nhất ngon nhất vì là mặt phố. Đấy sẽ là nơi thằng Khương cháu bác lớn lên, lấy vợ, xây lên đó một ngôi nhà bảy tầng có cầu thang máy mở nhà hàng cho con cháu ở quê ra vặt riệt các cư dân giàu nổi của thành phố. Nhưng cũng còn phải nhiều năm sau.

Thời điểm tôi và Béo lo thi tốt nghiệp, bác Thắng chỉ mới ra lệnh cho thằng cháu đích tôn đục tường, hạ cửa sổ thành cửa chính đâm ra phố. Công an phường có nhảng qua đó rồi đi. Chắc cũng chả ăn được của bác Nắng bao nhiêu. Bà già này bao giờ cũng khôn đủ độ theo châm ngôn riêng ăn mỏng mà bền, có ăn thì có nhả, song chỉ nhả từ từ thôi.
Nhưng công an phường sẽ thành khách đặc biệt không bao giờ mất tiền của quán chè chén bác Nắng sẽ mở. Giữa một khoảng phố toàn cơ quan và nhà cán bộ cốp, tòi ra một quán nước không chen chúc với quán nào, khách tụ về lập tức. Thằng Khương từ đó hết cơ dặt dẹo ngoài phố với mấy thằng cà lơ phất phơ, tuần hai ba buổi phải nhảy xe buýt về quê lấy hàng cho bà. Quán nước của bác Thắng có ba thứ hàng độc: bánh khoai sọ, nem chua Phùng ăn kèm đủ thứ lá lẩu, và bánh rán ngào mật, ngọt thơm dẻo đúng chất nhà quê. Ngoài ra kẹo dồi chó cũng rất được, không bao giờ lẫn một hạt lạc thối nào. Đầu tiên là bán nước, sau bắt sóng được một câu than vãn bâng quơ về rủi về may về đầu về đuôi của một tay công an hộ tịch phường, bác Nắng mở rộng mặt hàng sang số đề. Sự nghiệp của thằng Khương bắt đầu từ đây và thăng tiến vượt bậc trong chỉ một vài năm sau. Vào cái lúc cả tôi và Béo đã đi làm, lương cả tháng tính ra những hơn trăm ngàn nhưng dĩ nhiên không đủ ăn (trong trường hợp của tôi thôi vì phải tự lập) thì thằng Khương đã khệnh khạng đúng điệu một tay chủ đề trẻ đang lên. Được cái là Béo và tôi dù chưa bao giờ là khách chơi đề nhưng Khương dẫu tiền bạc đã sắp nhiều như quân Nguyên vẫn chào vẫn cười với hai bà chị. Còn chưa tới ba mươi mà mặt nó mỡ ra, đuôi mắt nhăn tít lại, hỉ hỉ hả hả trong cái cười thời buổi này khó thấy.

Anh Phan khác hẳn. Sau lần tôi bắt gặp anh ấy đụng độ với bố mẹ cái Thiều Hoa, anh Phan càng hay càu cạu. Khi tự dưng tôi nhớ ra lâu rồi cánh cửa mới đục thông ra sân sau của phòng anh Phan toàn thấy khoá ngoài thì ông hàng xóm trẻ nhà Béo đã trở lại nước Nga anh từng sống thời sinh viên. “Ông ấy đi kiểu gì mày?” Tôi hỏi và Béo nhíu mày: “Thì chắc đi Kandidat, anh ấy học đại học ở đó sang đó không làm nghiên cứu sinh kiếm cái phó tiến thì còn biết làm gì!”

Rõ khổ, đi Nga làm phó tiến lúc đó còn phải thi bạc mặt. Chỉ chờ đôi ba năm sau anh sẽ chẳng mất công vừa học vừa vuốt bụng dẹp cơn đau dạ dày làm gì. Nước Nga qua cái thời ông trán bớt Gorbachev sang thời ông mũi to như do say xỉn Yeltsin làm tổng thống sẽ thành nơi cho dân Việt chen nhau oằn lưng đón nhận dùi cui của nhân viên sân bay Nga khi ra ra vào vào đất nước đó. Đi xuất khẩu. Đi buôn chó cảnh. Đi du lịch rồi ở lại làm gì thì làm. Đi vì tiện dịp có người rủ đi. Khó gì. Hồi đầu những năm 1990 thằng bạn cùng lớp cấp 3 từ Nga về có lần xoè trước mặt tôi và Thái Hằng một xấp giấy mời. Thái Hằng hất cằm “mày đan quạt gì đấy?” và thằng bạn nhăn nhó:

“Gì đâu, tao cần bán mấy cái giấy mời khống này không hết hạn. Mày xem có ai cần bảo tao, coi như mày một cầu”.

“Giấy mời đối tượng thế nào?”

“Thích gì cũng chiều. Mày tìm người ở đây, tao lo người làm giấy mời bên kia. Còn những cái này là đi du lịch, qua đó khuân lấy ba lô chó về là thừa vốn.”

Chả biết sự làm tiền có dễ như nó nói không. Nhưng đến tận giờ, hai mươi mấy năm qua rồi, bao nhiêu người Việt vẫn đâm đầu ra khỏi nước, làm cửu vạn, may chui dưới tầng hầm không biết tới ánh ngày, bán thuốc lá, trồng cỏ, bị bắt, bị trục xuất, bị chết, báo cứ đăng và người ta cứ đi, phần lớn là bà con người miền Trung. Tôi vẫn nghĩ thực ra chả ai để thiên hạ lừa, người ta đi vì ở nhà khổ quá, đi như thế biết đâu đổi được cái đời nghèo cực mà sự lên đường làm thuê nội địa ở các khu chế xuất công nghiệp không đổi được, đi như thế biết đâu được như thằng hàng xóm đã đi, không quan tâm tới sự thằng hàng xóm đó phải lì phải liều phải buồn phải sợ như thế nào ở xứ người, khi mình đã không giấy tờ cư trú mà lại còn chẳng khác người câm điếc vì tiếng không biết. Anh Phan đi là đi học, hơi vất vả thi nhưng qua đó thì chả khác gì cá gặp nước. Béo đã nhầm khi nghĩ anh còn biết làm gì hơn ngoài cái bằng phó tiến. Bây giờ Béo kể anh là tiến sĩ chủ một Group làm bao nhiêu dự án lớn, nhưng cả tôi với Béo đều không biết cái bằng tiến sĩ của anh có thật như cái bằng đỏ hồi học đại học bên đó hay không? Thiếu quái gì ông qua đó lo đi chợ, hết đường làm ăn thì bỏ tí tiền thuê người viết luận án thay, rồi về nước lại đình huỳnh trở lại viện nghiên cứu hay trường đại học, vài ba năm sau nhờ thân nhờ thế cắm cổ đi dạy đủ số tiết là in thêm vào cacvidit danh mới chức mới phó giáo sư tiến sĩ thạc sĩ trưởng phó khoa Rưa đại học Kà gì đó ngon lành. Thiếu quái gì đại học hàng tỉnh hay đại học dân lập số giảng viên cơ hữu chỉ đủ trên giấy. Mà ngon lành hơn là về một cơ quan bộ nhận lấy một chức quan bảo to thì không to bảo bé thì không bé, vụ trưởng cục trưởng gì đó, tha hồ kéo va li tây du, ở nhà thì ngoạm một miếng dự án con con là đủ nhà ở nhà cho thuê con du học tự túc. Nói thật là nếu không mắc bệnh dại giai từ bé thì sự ấy rất có thể là tương lai cho tôi phấn đấu khi đó, rất có thể là thực tế đời tôi bây giờ nếu may mắn có chỗ dựa lưng để được đưa vào diện cán bộ quy hoạch. Nếu may mắn!

Béo, bây giờ đẹp đúng tuổi và đúng vị thế và khá là thành đạt thì tôi không cho là do may. Cái nó có hôm nay hoàn toàn xứng với nó, với tài và với tính. Lẽ ra với một bệ phóng ngất ngưởng như bố mẹ nó thì Béo phải đi xa leo cao nữa. Nhưng rút cục thì nó cũng vầy vậy, như dăm ba đứa bạn tôi mà khi còn đi học đã biết chúng nó thuộc thể loại không thường, thế nào cũng được túm đầu đun đít vì giỏi đâu mà giỏi thế. Tôi tìm và thấy ngay lí do là ở tính nết của nó. Nó tốt và nó an toàn đối với xung quanh, và không hiểu sao rõ là con nhà khá mà Béo kém khả năng vuốt ve tìm che chở. Ai đời, đến tuổi này, làm tới chức đó rồi mà nó vẫn ngây ngốc. Đi trong một đoàn có bốn năm ông cốp ủy viên Bộ Chính Trị ủy viên trung ương mà nó không biết ông nào ra ông nào, gặp tôi cười rinh rích kể rồi hỏi mày đi lâu có biết họ không. Nhìn lúm đồng tiền trên má nó giờ không tròn lõm xuống mà sắp thành dấu phẩy vì tuổi tác, tôi cũng phì cười, nhớ chuyện nó học sử mà nhầm lẫn lung tung, bạn bè lừa rằng Napoleon là tướng của Hitler và Dimitrov hi sinh vì bị quân và dân Hungary nhiệt liệt tố cáo mà nó cũng tin, đến lúc tôi cải chính Napoleon là một chai rượu cũng tin nốt. Thật thì thấy nó lên được chức đó tôi cũng kinh ngạc và lâu lâu lại tự hỏi có bao giờ nó sảy miệng rớt đài.

Béo an toàn và sẽ chắc vậy cho tới lúc về hưu. Rồi nó có thể vẫn được mời tham gia vài ba dự án có hơi tây về mặt chuyên môn, hết việc thì chắc lại được rủ đi lễ phủ lễ chùa, nhân thể ăn đặc sản địa phương, hay ở nhà lấy thân già làm đồ chơi được ưa thích nhất của lũ cháu nội cháu ngoại. Rảnh nữa thì đi du lịch dăm ba nước đã từng qua lại thời đương chức rồi về tham gia các lớp múa cột hay là yoga để phòng bệnh tuổi già. Và giữa những chuyến đi gần đi xa thì ngồi gặm nhấm bi kịch gia đình kéo từ lúc mới nho nhoe làm người lớn tới chắc là hết kiếp.

Khi còn chưa mỗi đứa một đường, tôi bao giờ cũng nghĩ tôi với nó mỗi đứa một đời và chắc chắn là nó sướng. Căn phòng của nó thời con gái bằng đúng căn phòng cả nhà tôi sinh sống, gió lá hát ca ngang cửa sổ. Lúc tôi chan nước rau muống nấu suông vào bát bo bo ninh mãi không nhừ thì nhà Béo vẫn ăn gạo ngon mua ở cửa hàng gạo trên Ngô Quyền và thức ăn mua ở Tôn Đản. Sáng sáng nhà nó còn được cấp sữa tươi và bánh mì tươi. Ra chợ tôi còn phải cân nhắc mua hai lạng hay lạng rưỡi lạc về rang cho mấy miệng ăn, còn nhà Béo mấy bao tải lạc cấp dưới bố nó đi công tác Nghệ An khuân ra chất ở một góc hành lang dẫn ra phía nhà tắm tôi không biết được dùng làm gì ngoài những lúc chúng tôi xúc rang ăn chơi. Hạt tiêu ngày tết bìa gia đình mỗi nhà được một lạng, đã ít còn lép, ở nhà Béo, mẹ nó đổ tiêu sọ vào túi vải tống tủ chống gián chống nhạy. Béo ăn bánh quy, tay lăm lăm con dao phết bơ, y như người ta vẫn ăn trong những cuốn tiểu thuyết phương tây mà nó không bao giờ đọc. Trên nóc lò sưởi ở phòng nó, Béo bày lổng chổng đủ thứ đồ lưu niệm ngộ nghĩnh bố mẹ mang về từ những chuyến đi công tác nước ngoài. Cung cảnh nhà nó khác. Mùi nhà nó khác. Nó thoáng đãng, không ám hơi dầu, hơi nước mắm rây ra chạn bát, hơi quần áo giặt mãi không khô hay hơi người mà cứ đi vào phòng của mọi gia đình trong khu tập thể tôi sống sẽ ngửi ra ngay lập tức. Tôi không được sống trong ngôi nhà tuyệt vời đó đã đành. Béo, rồi cũng thế, dù là tới tận giờ nó vẫn ở chính số nhà đó.

Đấy là vì nó không ăn lời mẹ nó, người đàn bà uyên bác và thực tế. Nó đi lấy chồng, không phải là anh Huân con liệt sĩ cháu ông to trước mà là một anh chàng người quê xa nghèo khó ý thức sâu sắc về sự kém thế hơn mà thành gia trưởng hơn các đàn ông gia trưởng bình thường. Riêng trong chuyện yêu đương chồng con, lí lịch rực rỡ của Béo thật ra làm khó nó. Không bậc cha mẹ nào nhà có lại nỡ để con mình rơi vào cảnh khó. Nhưng thử nghĩ mà xem: Ở rể một gia đình như nhà Béo? Chẳng dễ tí nào. Cái sự ý tứ quan tâm để ông rể không mặc cảm khéo lại thành như xúc phạm, nhỡ đâu trong nhà còn có cô em cậu em vợ cởi mở theo cách chẳng buồn nghĩ trước nghĩ sau… Xung quanh trăm mắt nhìn vào. Miệng tiếng người đời, ngại lắm.

Lúc bức tường anh Huấn cho xây bọc một phần chân cầu thang kéo giữa hành lang tầng dưới bị dỡ nửa chừng rồi bỏ đó đã thành quen mắt quen chân với người tầng trên, lúc ông bà vụ trưởng hàng xóm cùng tầng nhà Béo cũng ngăn hành lang che dãy tủ tạp đựng những của nợ gì không biết và lúc mảnh đất ngoài cổng số nhà đã không còn một mẩu nào vô chủ thì Béo hạ tầng. Vừa ra trường, tung tăng đi công tác xa được mấy lần thì nó đâm sầm vào ông chồng tương lai. Thương chồng, nể bố mẹ, ngại thằng em, Béo xin bố mẹ gian bếp dưới sân, xin cái ga ra trước để ô tô tiêu chuẩn của bố nó và xin cơ quan bộ nốt cái phần nhà để xe bây giờ bỏ trống vì chẳng ai đủ can đảm dựng xe máy ở đó chẳng cứ đêm mà cả ngày. Đấy là nơi ở mới của nó, rộng hơn nhà tôi nhưng tối om om vì chỉ có một cửa sổ mở về một phía với cửa ra vào. Nấu ở đó, ăn ở đó, ngủ ở đó, còn may là sân nhà nó chẳng rộng đủ để người ta lấn chiếm như sân bóng khu tập thể của tôi, nên vẫn còn chỗ dựng xe lúc chưa lên giường. Lãng mạn rởm cứ tụng cái tình nghèo một mái nhà tranh hai trái tim vàng, lãng mạn thật phải như nó, tiểu thư đời mới với viên chức còi. Nói gì thì nói, chui vào cái ổ tối um của Béo vẫn dễ chịu hơn là lên nhà chồng Thái Hằng để mà cứ quay đâu cũng thấy cái mặt mình trong những tấm gương vẽ chim vẽ bướm bằng sơn màu cơ bản có cho tôi cũng không dám treo.

Và chắc chắn là dễ chịu hơn về nhà. Vẫn căn phòng mười sáu mét vuông, nhưng bây giờ, góc nhà sát cửa ra vào thù lù cái bếp dầu lúc bật lúc tắt đều làm cho bao nhiêu phế nang của tôi thu hẹp lại trong một phản ứng gần như tức thời. Từ khi bà mẹ kế tôi dọn tới, thêm chiếc tủ cánh cong, thêm cái giường đôi chân uốn vừa ngạo mạn vừa dị hợm thay cho cái giường cũ mua theo tiêu chuẩn được phân phối, căn phòng ở đó tôi đã sống những ngày an bình hiếm hoi và xa đi nhớ quắt quay khi đứng một mình bên bờ đê nơi sơ tán cứ mỗi ngày một thêm xa lạ. Cũng xa lạ, khi từ cửa sổ nhìn sang bên đê. Chân đê, nơi trước là dãy bếp tập thể bọn tôi tung hoành mỗi ban trưa với trò chơi nấu nướng giờ đã biến thành một dãy nhà, lúc đầu là tạm, cho các gia đình cán bộ cơ quan nhà bị bom hồi B52 oanh tạc Hà Nội. Từng ngày, các gia đình phình thêm về nhân khẩu, phình thêm về diện tích, cũng bằng cách của cư dân cũ trong khu tập thể. Bên kia đê, làng Thanh Nhàn của những người dân ngoại ô nghèo khó bị bom bạt đi vô số nhà. Năm 1972 trở về, cả lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn cái làng xưa âm thầm giấu mình dưới những lùm tre lúc nào cũng kẽo kẹt rào rạt gió nay tênh hênh trước mặt. Triền đê bị các nhà mới về chiếm cứ. Giai gái làng độ trước đêm đêm ra tự tình ở đó, buồn tình thì nhặt cục đất chọi qua của sổ các nhà bên này chửi bọn ở nhà gạch nay mất đất, hay bận làm ăn, thôi không còn ra đó tự tình. Thì lại có bọn trẻ con vác đít ra ị thẳng vào chân hàng rào lấn đất của các nhà mới chiếm cứ khu bếp tập thể. Có lần đi nhờ cửa sau của một nhà sang làng Thanh Nhàn, tôi bàng hoàng: thay vì mùi gió, tiếng lá tre rào rạt, hương đất và mùi cỏ mới bị giẫm nát như ngày xưa chúng tôi quen, dọc triền đê bây giờ thoang thoảng toàn mùi cứt, cứt tươi. Cứ nghĩ lấn đất để phải ngửi cái mùi này ngày ngày đêm đêm mà chột hẳn tinh thần ghen tị nhà người rộng. Nhưng tị hiềm với dân cái làng mấy chục năm qua bị ông nhà nước lấy đất xây chung cư lắp ghép, xây bệnh viện, xây công viên cho dân nghiện tung hoành bây giờ đời mới lại tấc đất tấc vàng thì hoàn toàn có thể và dễ thông cảm. Nhất là khi nhìn quanh khu tập thể cũ của mình, từ giấc mơ kiểu mẫu tiến từ từ dần dần cũng đạt tiêu chuẩn khu ổ chuột thời mới dành cho tam đại của vô số gia đình mấy đời vật vã mãi vì cơm áo.

Các nhà lại tiếp tục lấn chiếm. Lấn đất hết rồi. Thì còn khoảng không. Kiến trúc của mấy dãy nhà tập thể hoàn toàn biến dạng bởi các kiểu cơi nới. Nhà dưới kiên cố hóa phần bếp được phân thêm kèm phần không được chia nhưng do nhanh nhẹn mà có, nhà trên kết hợp, phá cái ban công tự khoan tự lắp xây tiếp thành hai tầng, nhà trên nữa tận dụng cái mái mua cọc sắt dựng khung quây thành bốn bức tường, lợp giấy dầu lên, thế là cũng thêm chỗ chui ra chui vào, khi cần biến ngay thành phòng tân hôn cho thằng con cưới vợ. Khối thằng con giai cùng tuổi tôi đã hoài thai đứa con đầu lòng ở những căn phòng chênh vênh đó và tôi luôn kính phục chúng nó. Nhỡ chẳng may bay cha nó cả chim lẫn bướm cùng căn phòng hạnh phúc thì vừa. Những mùa mưa bão.

Gió rất to, mưa rất lớn, nhưng Hà Nội của chúng tôi những năm tháng ấy không như bây giờ. Chỉ có đôi ba phố thuộc khu đất trũng ngập tí tị, thường hết mưa thì nước cũng rút ngay. Như mấy phố quanh quanh ga Hàng Cỏ. Thật kì cục, phố Hàng Cỏ bao năm nay mang tên một tổng bí thư đảng đã quá cố, lẽ ra ga cũng phải gọi theo tên phố mà dân tình vẫn một mực Hàng, dù chỉ là hàng Cỏ. Chỗ ấy dễ ngập. Sinh Từ Nguyễn Khuyến cũng dễ ngập. Cả quanh quanh bến xe Kim Mã cũng thế. Còn đâu nữa nhỉ? Hình như hết rồi! Ngày mưa đi học, những đoạn phố dốc dốc như Bà Triệu, Phạm Đình Hồ – Hòa Mã, nước đổ từ trời trong veo trôi băng băng muốn lật ngang bàn chân. Tôi khoái dầm mưa đi trên phố những lúc đó, dù biết rõ cái giá phải trả là cơn hen thường đổ bộ vào lúc một hai giờ sáng. Bây giờ, mấy chục năm qua rồi, trái tim ốm yếu của tôi vẫn như đập nhanh lên một chút khi nhớ những ngày những đêm mưa như thế, tuổi mười sáu mười bảy, còn chưa biết mình muốn yêu nhưng nhiều khi cũng chỉ giả vờ vô tư khi nghênh ngang trên phố trong mưa với một hai ba bốn đứa con trai. Bọn trẻ bây giờ sướng hơn, nhưng lại khổ hơn. Lấy đâu ra một phố vắng không ngập bủm vì mưa để có thể lang thang với nhau, hét to lên với nhau một điều vô nghĩa, để biết Hà Nội đã đẹp cái vẻ đẹp trầm tĩnh và thơ thới của nó như thế nào.

Nhưng mà trước khi phố phường Hà Nội ngập chỉ trong một cơn mưa rào bình thường thì vô khối nhà cửa Hà Nội đã ngập rồi. Từng ngày, tôi nhìn thấy sự đổi thay của Hà Nội trong sự đổi thay của khu tập thể nơi mình sống, qua những mái nhà lổm chổm mọc lên tội nghiệp y như những cánh đồng quê bị cắt xẻ tơi tả chỉ đẹp khi nhìn từ cửa sổ máy bay và qua cái cống sau những cơn mưa. Hồi còn bà Chờ lao công, cống rãnh quanh khu ngày nắng ráo sạch tinh, không có đến cả cái lá khô hay cọng rác. Rồi, những công trình lấn chiếm tủn hoẳn trồi lên, cống cũng đầy lên. Rác, bùn, cát, sỏi ngập ngụa, nước thải quanh năm suốt tháng khó nhọc chảy mấp mé mặt cống, bé hơn sông Kim Ngưu của làng bên đê nhưng đen bẩn và thối y hệt. Mưa xuống, không còn chỗ rút, nước dềnh. Không phải là nước trời tôi thích dầm chân trên phố khi xưa, mà là nước thải, đen ngòm, bẩn tưởi, thỉnh thoảng điểm xuyết những cục vàng vàng phân trẻ con con mẹ nào rửa bô. Thực hãi hùng, mà nom cũng siêu thực phết. Nước dâng, ngang với hành lang vốn khá cao của khu tập thể, dập dình ở đó rồi tràn vào phòng ở của các nhà tầng dưới. Bàn tay ta làm nên tất cả! Ông bố ông con đi ngang mấy công trình xây dựng tư hay công không cần biết, nhặt ít gạch, xúc xô cát xô vữa về, xây một cái bậc chắn chừng một gang ngang cửa. Khó cho chủ nhà không hất được bụi ra hành lang chung khi quét nhà, cũng khó cho khách. Tôi đã suýt mất cái móng ngón chân cái bên bàn chân phải khi vấp bậc cửa nhà đứa bạn thân từ hồi còn đêm đêm rủ nhau chơi trốn tìm trong hầm trú ẩn. Khi nước dâng cao cao nữa vượt cái bậc chắn, nhà nhà lại tiếp tục đổi mới nâng cao. Đến lúc phải nhấc cẳng bước qua cái bậc đó thì giải pháp mới được mấy nhà dư dật đưa ra: nâng sàn. Lúc đó mấy đứa bạn thời mũi dãi đi lấy chồng rồi, tôi không vào ra mấy nhà tầng dưới nữa. Vào đấy, không phải giờ nhà nhà bật tắt bếp dầu, vẫn ngạt thở. Sàn nhà nâng, gác xép trước chỉ có thể chui lên lê mông thì giờ được cải tạo thành gác lửng người đứng được hạ xuống lưng chừng tường, phía cửa sổ lại cơi thêm phòng, tiện thì có tiện nhưng vào nhà ai cũng có cảm giác sắp bị đè bẹp dí trong bóng tối âm âm. Bóng tối ấy dần lan toả từ những diện tích riêng ra khắp cả diện tích chung của các nhà trong khu. Bà hàng xóm nhà tôi về mất sức tận dụng cái lan can rất rộng ngay ở cửa vào cầu thang của cả tầng, che chắn thành nơi xay bột làm bánh giò bánh nếp bán hàng ngày. Đi học đi làm về, xách cái xe lên nhà, giật cả mình tưởng trời nhật thực đột ngột vì toàn bộ cầu thang chìm trong bóng tối thay vì chan hòa ánh sáng nhờ bức tường xây để hở từng khoảng khá là thẩm mỹ. Cả tầng rồ lên, phản đối ầm ầm, một phần vì chả ai thích tối tăm, một phần vì các gia đình khác không ở sát cầu thang có muốn cũng không thông minh đột xuất như nhà kia được. Rồi cũng thôi, phản đối thì cùng kí giấy gửi lên cơ quan, rồi sáng sáng chiều chiều cũng phải tạt vào hàng bánh nhà người ta, đâu có thể vừa ăn vừa nói.

Bà hàng xóm hàng bánh đó là người mở đầu cho phong trào phát triển các không gian công cộng theo chiều cao. Một nhà ở tầng ba làm ngay cái gác xép, nhân thể chiếm cái tum lên sân thượng, nơi xưa kia phải đêm hè mất điện người lớn trẻ con trèo tuốt lên nói chuyện chán thì ngủ luôn trong gió trời, rồi đến khi nhớn nhao hơn bọn con gái chúng tôi trưa trưa mang chiếu vừa tự giặt, vài ba bơ đỗ bơ lạc mẹ thấy rẻ thì mua trữ lên đó phơi phóng. Lộc bất tận hưởng. Kiện tụng um sùm và nhà đi tiên phong chiếm cứ phải lùi, phá gác xép, giả lại tập thể cái tum lấy chỗ lên sân thượng. Hai mươi năm sau trở về thăm lại khu tập thể, tôi ngỡ ngàng vì có những căn phòng tôi từng vào ra nay đã sang tên, thành nơi cư trú của cả diễn viên thi sĩ sắp tới thời và đã hết thời, những người lẽ ra đời sống phải rất đỗi lung linh không thể mờ mờ xám xám như đời sống của chúng tôi, như một thuở tôi tin thế. Đứa bạn ngày xưa cùng chơi trốn tìm đêm đêm, chơi nấu nướng bằng ống bơ sữa bò trưa trưa, và chiều chiều không cùng nhau xếp hàng trước máy nước công cộng thì cũng là trước cửa hàng mậu dịch bán gì đó nay bị chồng bỏ, sang căn phòng cũ bố mẹ để lại, mua một khoảng không trên sân thượng xây cái nhà không biết phải gọi là nhà cấp gì, cấp 5 chăng, lấy chỗ mẹ con chui ra chui vào. Nhưng nó không cô đơn. Cả mấy cái sân thượng của mấy ngôi nhà xưa chúng tôi quen đến từng viên gạch lát, từng vết sứt ở lan can, từng chỗ cong của cột thu lôi nay đã trở thành một tầng mới của những ngôi nhà cũ, với những căn phòng tạm bợ và với cả hành lang thông với trời cao lấy chỗ cho cư dân mới ra vào. Thật đông vui. Không còn là nỗi hiểm nguy hấp dẫn với bọn nhỏ chúng tôi như ngày xưa vẫn bị cảnh cáo. Bạn tôi, mặt mũi vạc xuống, già xọm, cười cười chê trách lúc rót cho tôi cốc nước: “chị em mày ngày xưa sách sách vở vở ngu nhất hạng. Mày chỉ biết người ta cấm trẻ con lên sân thượng chạy nhảy sau cái vụ cả lũ chơi bịt mắt bắt dê cái Diệp sảy chân chết tươi, nhưng mày không biết…”

Tôi không biết thật khi mười ba mười bảy. Chỉ nhớ cái Diệp hôm đó xung phong bắt dê trước. Nửa mặt nó bịt cái khăn quàng đỏ. Dưới cái khăn, đôi môi nó hớn hở toè ra trong một nụ cười ngây ngô. Nó chồm người ra phía lan can hẹp bao quanh sân thượng, hai tay quờ quạng. Rồi, ngay trước mắt cả lũ, cái Diệp khua khua tay, nhấc cẳng, đầu thấp chân cao tụt thẳng vào khoảng không. Lúc chúng tôi chạy xuống tới nơi, người lớn đã bế nó chạy ra trạm y tế cơ quan đầu cổng khu, máu rỏ tong tỏng, cái khăn đỏ vẫn còn bịt ngang mặt nó. Ấn tượng về cái chết của Diệp làm tôi chấn động còn hơn cả sự chú Điền cũng ngã ở độ cao gần như nó mà chỉ thành ngớ ngẩn. Sau lần đó, bọn trẻ con chúng tôi tự rã đám, hạ tầng, chỉ chơi dưới sân, ngoài phố. Tôi tưởng thế. Nhưng tôi vừa mới biết: đứa bạn mình, cái đứa giờ đang mời tôi ở lại ăn cơm trong căn phòng này đã một lần bị đám con trai lớn lừa lên sân thượng một buổi trưa. Và không phải chỉ một mình nó bị. Bây giờ tôi biết tại sao nó đột ngột không chơi với tôi, phá phách và buông thả ngày tháng đó. Liệu đó có phải là nguyên nhân để nó từng bỏ nhà dặt dẹo chán rồi lại còn đi xuất khẩu lao động bên tây mà rút cục vẫn không thể thu xếp cho mình một cuộc sống bên ngoài cái khu tập thể xuống cấp này. Đột nhiên tôi không dám nhìn bạn. Tôi nghĩ tới cái khoảng thời gian đằng đẵng từ đó mà nó và những đứa trẻ hại nó kia đã tiếp tục lớn lên cùng với nhau, già đi cùng với nhau, vẫn là hàng xóm của nhau, ở chính nơi này. Tôi nhìn qua khung cửa sổ căn nhà cấp 5 của nó. Mấy mươi năm trước chúng tôi đã đứng ở chỗ này đây sau khi trở về từ nơi sơ tán, gió lộng tóc, gò lưng nhìn xuống bờ đê bên làng, có những chòm tre quán lá đôi ba dáng người. Thanh bình và bí ẩn. Bên đó bây giờ con đê bị kẹp chặt bởi những khối nhà chắp vá, người đi trên đê bị nuốt chửng khỏi mắt nhìn. Hà Nội vừa rộng vừa chật giữa những ngày tháng sôi sục âm thanh này với tôi giờ cũng thành bí ẩn. Và đột ngột tôi hiểu ra mình đã xa lạ với khu tập thể của mình như thế nào, xa, ngay từ khi sống trong lòng nó.

L.M.H

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.