Phố vẫn gió (kỳ 8)

Lê Minh Hà

Khi những đứa bạn cùng khu tôi bỏ học, thường là sau khi hết cấp hai, rồi gia nhập đội ngũ giai cấp tiên phong làm thợ cùng bố mẹ ở một nhà máy nào đó, rồi chồng rồi vợ thì tôi vẫn lớ ngớ đi học hàng ngày. Không có Thái Hằng, tôi không khôn lên nổi. Nó đi lấy chồng sắp sinh con rồi. Nhà chỉ còn chị Thái Hoàn, cùng trường với tôi, vừa tốt nghiệp và nhờ có tiêu chuẩn bố mẹ cùng trong ngành giáo dục lại đã từng trong đội quân đi khai phá miền Tây mà xin được vào làm việc có thời hạn trong khu Lâm Đồng, gần Đà Lạt nhưng lại là khu kinh tế mới trực thuộc Hà Nội. Nghĩa là: chị rất có tương lai!

Hôm liên hoan trước khi chị Thái Hoàn đi nhận phân công công tác, Thái Hằng về. Mọi người tụ bạ ăn uống nói cười trong căn phòng cơi nới bên trên nhà vệ sinh, nó rủ tôi sang căn phòng cũ bên phía nhà chính. Thái Hằng lặc lè bế bụng giục tôi trèo lên gác lửng, trèo lên tới nơi rồi nó nằm thẳng cẳng, bụng nhô cao như có một quả dưa hấu bị bắt vít vào đó. Khỏi phải nói là tôi vừa nể vừa sợ nó thế nào khi nghĩ tới những gì nó đã trải đằng sau cái bụng bề thế của nó. Hai người đàn ông. Hai mối tình nhưng chỉ một tình yêu là thật. Một đứa trẻ sắp ra đời. Nể và sợ, nhưng tôi cũng có cái sợ của tôi. Thư ông người yêu vượt biên của Thái Hằng không thể gửi về bất kể địa chỉ nào của nó, cũng không thể gửi về nhà tôi vì ở khu tập thể quá đông đúc, người đưa thư toàn có kiểu chuyển phát chậm qua mấy bà bán hàng quà đầu ngõ, thế là tôi hỏi Béo lấy địa chỉ nhận thư cho Thái Hằng. Hôm trước thư tới, hôm sau bố Béo về mặt mũi hầm hầm vì có người tới tận cơ quan hỏi bố nó về quan hệ với người viết thư hiện đang sống trong trại tị nạn ở Hong Kông. Béo khôn, nhận hết tội ngây thơ về mình, không cho bố nó truy tới tôi chứ không tôi hết đường đến nhà nó. Thương bạn vì bạn chẳng còn cơ hội nào để biết tin người yêu, nhưng tôi không dám liều tiếp. Thái Hằng nằm trên sàn gác lửng, mạch máu xanh xanh ở cổ giật giật, lông mày dựng ngược bạc thếch, một cánh tay bầm tím. Tôi bần thần nhìn nó rồi lại ngơ ngáo nhòm qua phòng thằng Bảo chẳng biết ai ra chỉ khép hờ, rồi lại nhìn nó. Thái Hằng nhếch môi:

“Nó không có ở nhà đâu!”
Mặt tôi nóng, chắc là đỏ. Tại sao Thái Hằng nói thế? Nó biết gì về ý nghĩ tôi dành cho thằng anh họ nó. Tôi đã không còn nghĩ thế nữa từ buổi gặp thằng Bảo đi cùng cô bạn từ ngõ Nhạc viện ra rồi. Nhưng dù sao…
“Tao đi mày ít lên đây, không biết nhỉ… hai tuần trước nhà thằng Bảo lại bị công an kinh tế khám.”

“?”
“May cho nhà nó bị tịch thu mà mất không bao nhiêu. Hàng trong phòng bên nhà tao kìa. Đại gia đình thật nhưng tách hộ cả rồi, lệnh khám là khám nhà nó chứ không phải khám cả số nhà này. Mẹ tao trước không bằng lòng cho nhà nó gửi hàng, nhưng bà tao có lệnh. Với lại mẹ nó giờ cũng biết điều chứ không chết với bà già tao.”

Tôi biết, thuốc men bác Trâm nó gửi về là một nguồn, nhà Bảo chạy thêm những nguồn hàng đâu đâu nữa nhưng vốn và một phần tiền lãi thuốc bác Trâm gửi phải đưa lại bà nó để từ bà nó chảy vào ngân sách nhà các gia đình con cái khác. Rồi chỉ mấy năm sau thôi, nhà nước cho phép mở hiệu thuốc tư nhân, bố mẹ Bảo sẽ trở thành tổng đại lí không phải chỉ ở Việt Nam cho một hãng dược phẩm tăm tiếng của Pháp, giàu nhoáng nhoàng nhoàng. Nhưng Bảo không ở nhà hưởng sự giàu mới có lại của gia đình. Nó thất tình hay chán đời thế nào đó, buông cái mã vĩ xin đi xuất khẩu lao động. Dù không còn mê thằng Bảo, nhưng tôi vẫn không dám hình dung nó đứng bên một cái máy cái máy con nào. Điều đó làm tôi đau đớn. Đau đớn có khi còn hơn cái hôm nhìn thấy nó chết ngay trước mắt. Cảm giác này sau này tôi nhiều lần phải chịu đựng, khi ở xứ người vô tình gặp đồng hương, những người sinh ra để làm nghệ thuật mà lại chống số mệnh bằng một quyết định tha hương để đổi đời, cho mình và cho cả gia đình và từng ngày vui buồn với giá chai nước mắm, gói bánh phở khô hay tiếng lóc cóc vô nhịp điệu của dao gặp thớt. Khi đó, dĩ nhiên là tôi không biết gì về cảm giác này, càng không biết Bảo sẽ chết chỉ mấy năm sau. Tôi không biết và Thái Hằng càng không thể biết những ý nghĩ gì đang lộn tùng phèo trong đầu tôi. Dù thế, tôi vẫn giật mình khi nghe nó hỏi, mắt lim dim như thể tao biết rồi đừng giả vờ:

“Hôm đi hội ông Khôi nhà tao có bảo gì không?”

Thái Hằng chống tay ngồi lên, nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Tôi lảng, không phải vì muốn giấu mà vì không biết phải nói gì. Thì hôm đó nó bụng ộ ệ thế cũng đi mà. Đức ông chồng nó đi cùng bọn tôi nói thật là cả hai bên đều khớp, nhưng không đủ tự tin cho vợ nhênh nhàng một mình nên cũng có mặt. Đấy là năm lần đầu tiên hội Lim mở lại. Cả lũ nhung nhăng đạp xe từ Hà Nội sang Bắc Ninh, mỗi Thái Hằng được chở bằng cái 103 chú Khôi mới tha về sau chuyến tây du. Tôi đạp xe cùng chồng nó, chịu trận suốt đường một câu chuyện lòng thòng từ buôn đường dài qua đường ngắn ăn thịt chó ngày xuân phải ngồi chiếu xềm xệp bẩn thỉu một tí mới ngon, bụng cứ nghĩ chú Khôi với Thái Hằng mà không phải là ruột thịt thì không biết chú cháu nhà nó có chơi được với nhau không. Đến hội gặp một bãi đất trống ẩm ướt, không một bóng người, chỉ có gió mang hơi xuân rất nhà quê từ những làng quanh quanh lại. Cả lũ ớ ra nhìn nhau rồi cười như phá. Mỗi chồng Thái Hằng văng tục, tức tối nỗi đi hội nhỡ nhàng. Không biết đó có phải là lí do hay vì thương cô cháu ộ ệ vác bụng, đường về, chú Khôi đưa xe máy cho ông cháu rể chở nó về trước. Rồi một lúc tôi thấy mấy thằng bạn trong nhóm phóng vèo vèo qua không sao đuổi kịp. Rồi một lúc tôi thấy bên tôi chỉ còn mỗi chú Khôi. Và một dòng sông.

Chú Khôi dừng xe, đỡ cái ghi đông từ tay tôi. “Em ơi buồn làm chi – Anh đưa em về sông Đuống…” Tôi thấy tôi rùng mình. Lần đầu tiên tôi nghe những chữ vô thanh vẫn thầm thì vọng trong tâm khảm vang lên thành tiếng. Dẫu có lớn hơn tôi, chú Khôi cũng học y như tôi ở trường phổ thông, làm sao chú biết bài thơ ấy? Và nhớ nó? “Bên kia sông Đuống” ngày đó chưa có mặt trong mọi tuyển tập thơ kháng chiến, tồn tại trong giáo trình khoa văn của tôi chỉ với một cái tên tác giả và tên bài cùng đôi ba lời phê phán. Tôi biết nó rất ngẫu nhiên từ khi bé tí qua cuốn sổ của một người từng có những câu ca dao rất đặc trưng cho thời ấy. “Cắc bụp là cắc bụp xoà – Ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo…”. Cuốn sổ đó của bố đẻ đứa bạn cùng khu tập thể nhà có cái tủ sách đã khai hóa cho tôi. Tôi mà không lần mò giở ra thì có khi nó cũng không hề biết người cha đã đi hết cuộc kháng chiến nọ tới cuộc chiến tranh kia còn để lại cho anh em nó cái gì. Không có những cuốn sổ kiểu đó mà rồi ra tôi sẽ được đọc khá nhiều, tôi, chắc bao nhiêu kiến thức văn chương chỉ dừng lại ở những đầu sách được in ra nộp lưu chiểu một cách chính thống là cùng và vì thế chắc còn nông nổi hời hợt một cách sâu sắc nữa.

Tôi nhớ tôi nhìn chú Khôi qua cặp mắt kính mờ đi vì mưa xuân. Dường như không phải là người đàn ông tôi từng biết, hay đi tây, nhiều bạn, chơi guitar và không nghe nhạc Nga như số đông. Người đàn ông đứng bên tôi. Là một người mới, mới tinh, nhưng gần gũi với tôi quá chừng. Dòng sông của những tháng năm thương nhớ vời vợi rất gần tôi. “… Trôi đi một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì…” Chú Khôi vẫn thầm thì đọc. Cho tôi hay cho riêng mình? “Ai về… Ta gửi… Những cô hàng xén răng đen – Cười như mùa thu toả nắng…” Sau này, đọc lại bài thơ tôi luôn phải dừng lại ở câu này. “Mùa thu tỏa nắng”. Ấm áp. Quyến rũ. Diệu kì. Và làm tôi nhớ mưa. Chú Khôi nhấc kính khỏi mắt tôi. Rất gần. Rất gần. Mưa xuân vẫn mơ hồ rơi, dịu lại da con gái như có lửa hơ từ trong từng mao mạch…

Tôi phải kể gì cho Thái Hằng nghe đây? Trừ đoạn ông chú nó nhấc kính của tôi ra khỏi mắt tôi là còn có sức gợi. Còn cái đoạn tôi đờ đẫn nghe chú nó đọc thơ, lại còn là thơ thời đánh nhau… Tôi quên phắt bác Khánh, quên tiếng kèn bác khắc khoải xô dạt ở khoảng phố đó, khiến mỗi bận rẽ vào nhà Béo lại thấy tim mình như hẫng nhịp. Tôi quên tôi vẫn cố tình nhắc chú Khôi tôi là bạn Thái Hằng, là hàng dưới, qua cách xưng hô không một đứa con gái nào lớp tôi tự nguyện chấp nhận. Không có mùa xuân xế chiều ấy tôi đâu biết mình có thể bị quyến rũ dễ dàng như thế nào trước một người quen đột nhiên thành người lạ, mới mẻ từ giọng nói tới ánh nhìn. Đấy là lần duy nhất. Rất nhiều năm sau này khi đã có người yêu thứ nhất thứ hai thứ ba thứ tư rồi tôi vẫn lần dò tìm nghe giọng nói của chú Khôi, bị nhiễu loạn vì phát trên sóng ngắn. Nghe. Rồi nhớ. Dòng sông. Khúc quanh chân cầu. Tiếng thì thào của mùa xuân. “…Anh đưa em về sông Đuống… ” Như một hơi lửa ấm không tàn phai.

Đó là chuyện của từ đấy tới hai nhăm năm sau. Còn giờ, trên cái gác lửng bí bức một ngày cuối xuân vừa oi oi vừa ẩm ẩm, cô bạn bụng chửa đang chống tay ra sau lưng, nhòm vào mặt tôi, giọng rất phũ:

“Sắp sang hè rồi, tỉnh chưa Ve Sầu Ngủ Đông? Có nghe tao nói gì không?”

Thái Hằng đưa tay lên xua xua trước mặt tôi rồi liếc cái đồng hồ:

“Đến năm rưỡi thì mày biến đi. Tao cũng phải về lại nhà trên Hàng Đào. Chú Khôi đợi mày đầu phố đấy.”
Cánh tay thâm thâm tím tím của Thái Hằng và cả cái đồng hồ cùng hút mắt tôi. Tôi đờ đẫn chuyển cái nhìn lên mặt bà chửa sắp đẻ của nó, bều bệu phì phị, đầu óc chậm chạp chuyển thông tin thành ý nghĩ: Chú. Khôi. Đợi. Tôi.

Nếu buổi chiều đó chia tay Thái Hằng tôi đi đúng con đường vẫn thường đi từ nhà nó về, nếu buổi chiều đó tôi không ngập ngừng trước cửa nhà Thái Hằng rồi quay xe hướng về đầu phố đằng kia, một mình lang thang trong thành phố sập tối thì không biết quan hệ của chú Khôi với tôi sẽ ra thế nào, tôi có thành mợ của Thái Hằng không, có điều chắc là tôi đã không phải tuyệt vọng nhớ ông chú nó như nhớ một điều gì tốt lành lắm vừa trượt qua mình. Và như thế bao nhiêu lần trở về tôi đã không phải lần mò đi tìm lại ngôi nhà xưa. Mặt tiền của nó hai mươi lăm năm qua đã thay đổi bao lần, cửa sổ và cửa ra vào vừa kín đáo vừa thoáng đãng đã bị phá đi một nửa, sửa thành cửa sắt kéo thông thống khi nhà Bảo mở hiệu thuốc, rồi lại được ốp kính biến thành hiệu ảnh từ đó những mặt người đứng trước đủ thứ phông màn phong cảnh nhà cửa bài trí không thành ta thì thành tây nhòm ra. Và bây giờ, là một tiệm cà phê. Gây ấn tượng cực mạnh với một dòng khẩu hiệu lúc kín lúc hở bởi một bức bình phong khi khép khi phanh đầy chủ ý. “Không có gì khoái hơn…” Tha hồ cho khách đồng sáng tạo. Nhưng nếu ngồi xuống một cái bàn, có thể đọc toàn bộ dòng khẩu hiệu đó: “Không có gì khoái hơn cà phê.”

Trí nhớ vượt khỏi tầm kiểm soát của tôi, tự phục hiện lại căn phòng hai mươi mấy năm trước tôi từng vào ra cùng Thái Hằng, ngồi bệt dựa tường, chân duỗi thẻ, lắng nghe… Và Paul Simon &Garfunkel. Và Bee Gee.
Chính dưới chỗ giờ có câu khẩu hiệu ngộ nghĩnh này đây. Còn kia: Cái giường đôi bừa bộn áo quần của người đàn ông độc thân. Phía có hai ông đang cãi vã nhau về thế sự đúng điệu của dân nghệ thuật ngày xưa chú Khôi đặt cái bàn viết. Cái guitar nằm uể oải một góc chỗ chú trải những tấm thảm bẹ ngô màu ngà nho nhỏ làm nơi tụ bạ bạn bè chính là chỗ tôi đang ngồi. Những xế chiều nắng bắt đầu vàng dần trên phố nhưng chưa giảm sức nóng, trong ánh sáng dịu dàng của căn phòng. Cây bàng ngoài kia còn đó, nhưng nhìn qua lớp tường kính bưng bít thấy còi cọc lạ. Ngày xưa, những cánh cửa chớp luôn luôn mở về phía ấy. Từ phố, mùi nắng hạ nồng nàn, tiếng ve phả vào sôi sục. Từ phố, mùi lá đốt những chiều thu muộn pha lẫn sương mù và hương sữa rớt lan vào trong. Từ phố, những trưa mùa xuân ẩm ướt tôi thở rướn theo nỗi thảng thốt và chua xót trong bao nhiêu giọng hát. Thật lạ lùng, thứ âm nhạc ấy bao giờ cũng thức dậy trong tôi một nỗi muộn phiền và khát khao thật lạ. Đi. Đi. Đi. Để thoát ra khỏi cái cảm giác thấy tất cả như ngưng đọng lại giữa thành phố đang sống. Để kiếm tìm. Ngay cả nỗi cô đơn.

Đã biết bao lần tôi tự hỏi người đàn ông sống trong căn phòng này, ông chú trẻ của Thái Hằng, đã thế nào khi một mình nghe nhạc và có biết… Giờ đây, không còn một chút gì trong ngoài quán cà phê này gợi nhớ tới chú Khôi. Nhưng chính vì thế mà tôi tới.

Cô chủ quán đã vào cái tuổi nảy nở toàn phần, eo đầy và mềm, tóc tỉa đuổi nhuộm nâu pha chút vàng mềm mại ấp lấy khuôn mặt đẹp một cách dữ dội với đôi mắt to dưới hàng lông mày rậm và môi mọng son đỏ màu cờ. Không có gì gần gụi với những gương mặt đàn bà con gái từng vào ra nơi này những ngày xa lắm. Một cái nhếch môi giống một nụ cười thay cho lời chào và một cái gật đầu, không biết cho khách hay cho cô bé bồi bàn. Phong thái tự chủ này thật là khác phong thái lúc trên sân khấu mà tôi thấy. Khi đó cô đi đất, quần chân què, bước những bước hững hờ như ma trong một giai điệu không tiết tấu. Còn khi cô quỳ xuống, bò xoài ra và thì thào những tiếng không rõ lời, toàn bộ cô là một nỗi đau khổ không phát tiết. Thêm cái mấn trắng và áo xô xổ gấu, cô sẽ giống hệt một chị nhà quê vừa goá từng lúc lại đổ mình huỵch xuống chân đô tùy ngăn nhà táng đưa chồng tới mộ ở những đám ma làng xưa tôi vẫn đi xem khi còn bé ngày chiến tranh. Nhưng nhiều hơn, cô gợi cho tôi nhớ giọng mấy bà vãi già hát đưa linh trong ánh sáng mờ mờ chìm chìm của những ngọn đèn dầu hắt lên vách trát dứng ở một ngôi nhà có đám, cũng ở xóm ở làng và cũng những ngày tháng ấy, có dòng sông trong trôi qua những cuộc đời rất nghèo. Xóm cũ giờ đường ngõ người ta lật hết gạch lát nghiêng từ thời ca dao cổ tích, đổ bê tông nhưng không xây cống, nước thải tự do chảy men theo mép đường. Cũng không còn một ngôi nhà nào dựng bằng tre pheo vách trát dứng. Chỉ toàn mái bằng, mái tôn giả ngói xanh ngói đỏ. Dòng sông giờ đã cạn, phả lên đê mùi năm tháng không trôi, bí bức, tù đọng, đằng đặc thối thối. Chỉ mới hai hôm trước tôi vừa từ nơi ấy về lại phố.

Tách cà phê nguội đi trong tưởng tượng của tôi về cô chủ quán, kéo rời tôi khỏi những dự định lúc đi tìm ngôi nhà này. Vì nó mà tôi gọi cà phê, chứ thật lòng tôi đã không còn chịu nổi độ đậm đặc choáng người của một tách cà phê Hà Nội. Từ lâu rồi tôi đã quen với môt cốc cà phê nhạt thếch to vật như cái ca tráng men bách hóa ngày xưa vẫn bán. Cô bé bồi bàn mang lại cho tôi một cái cốc thủy tinh cao thành và một chai nước khoáng không ga, bối rối nhìn tôi đổ tách cà phê vào cốc nước. lại bối rối ngước nhìn. Một người đàn ông vừa bước ra từ đằng sau tấm bình phong che nửa chừng câu khẩu hiệu “Không có gì quý…”, dừng bên bàn tôi:
“Chào em!”
Không một giật mình. Chấn động làm tôi liệt tại chỗ.

Khôi!

Tôi không nghĩ là tôi gặp được một ai người nhà Thái Hằng ở đây, giữa ngôi nhà xưa của họ. Phải, tôi đi tìm nhà, không tìm người. Suýt nữa là đầu gối tôi xô đổ cái bàn khi vội vã tìm cách đứng lên chào lại. Bàn tay người đàn ông đè nhẹ lên vai tôi. Khôi! Cái cảm giác của một ngày xuân xa xôi nghe “Bên kia sông Đuống” bên chính dòng sông ấy ào ạt trở về. Khôi!

Người đàn bà chủ quán đi tới bên Khôi. Cô chào tôi là chị và cô hỏi Khôi uống gì. Bằng cái giọng của một người vợ chăm lo cho chồng. Cô làm tôi bình tĩnh lại. Khôi vắn tắt:
“Cà phê.”
Và, cũng vắn tắt như thế, Khôi giới thiệu hai người đàn bà. Ngân. My. Chỉ phút trước trong trí tưởng tượng tôi còn thấy cô chủ quán xa vời trên sân khấu và có lẽ với cô thì tôi là xa lạ, nhoáng cái chúng tôi đã thiết lập được quan hệ giao tiếp đầy vẻ thân tình như đúng rồi. My quay người gọi cô bé bồi bàn dọn chai cốc vừa bê ra cho tôi, giục “hay là anh Khôi mời chị Ngân vào phòng trong”.

Cô bé bưng bê đã chuẩn bị xong cốc tách và đồ uống để đưa vào mà tôi vẫn lúng túng đứng bên cái bàn vừa dọn. Tôi muốn ở lại đó, như một người khách bình thường. Tôi muốn nói chuyện với chú Khôi ở đó. Vì không còn Thái Hằng nơi này che chắn cho những thất thố tôi rất dễ có nếu đứng ngồi riêng với ông chú của nó. Nhưng My đã nhanh nhẹn đỡ lấy cái khay từ tay cô giúp việc và đi trước. Đằng sau bar vẫn là cái cửa dẫn ra sân thông với cầu thang tầng trên. Căn phòng nhà Thái Hằng cơi nới trên mái nhà vệ sinh nhà bếp chung đã được xây lại, cửa kính kín mít. Sát đó phải là phòng cô nó, giờ là một căn nhà bốn tầng tầng nào cũng lồi ra một cục thù lù máy điều hòa nhiệt độ. Phòng trong chú Khôi và My dẫn tôi vào chính là phòng ngủ của bà Thái Hằng khi xưa kề bên phòng khách cũ nơi có môt thời chú Khôi đi không về bà vẫn ngồi chân co chân duỗi trên sập thư thả tiếp chuyện những bà Phán ông Tham bác Ký chẳng rõ tên thật ra sao. Khi đó người Hà Nội chuyển từ sổ gạo sang bìa lương thực cắt ô theo tháng. Nghe nói công cuộc chuyển đổi này ngân sách tốn mấy tỉ tiền thời ấy, quy đổi chắc phải tiền tấn bây giờ. Nhưng công cuộc cải cách đó chết non theo sự sụp đổ của hệ thống cung cấp lương thực nhà nước. Chế độ bao cấp đã rã rượi lắm rồi lúc này được công khai cho chết. Mấy ông đảng viên hưu già hưu non đi họp cấp ủy phường về phấn khởi tuyên truyền cho quần chúng bên máy nước công cộng về Đổi Mới, sau khi chửi rủa Perestroica của Liên Xô là đường lối phản bội lí tưởng cộng sản và ông tổng thống trán vá Gorbachev của nước Nga là gián điệp của tư bản. Giữa sân khu tập thể của tôi, mấy ông từng đi kháng chiến về tiếp quản Thủ đô hít hà nắc nỏm về một Hà Nội sau năm 54 còn hoa lệ. Hoa lệ nhất không phải chuyện chơi mà là chuyện ăn. Nửa đêm kiến bò bụng ra chợ Hôm Đức Viên vẫn đèn giăng sáng rực, đủ thức quà khuya. Bún ốc. Ốc bung. Cháo lòng. Ba ba bung. Cầy thật cầy giả. Chí ma phù. Bánh trôi tàu. Bánh cuốn nóng… “Đã quyết tâm xoá bỏ bao cấp kiên quyết đổi mới thế này thì chỉ vài năm nữa là ta lại được như năm sáu mươi các ông ạ.” Ông hàng xóm bên phải tôi tuyên bố. Ông hàng xóm bên trái tôi gật gù. Tôi ngồi xổm bên cái chậu quần áo to vật chờ máy nước hí hóp chảy, nghe hóng, cũng hí hửng. Được như năm 60! Bây giờ kể lại là thuộc về thế kỉ trước, thế kỉ XX đấy. Nào ai hình dung ra nổi nỗi sung sướng chết yểu trước lúc mình chào đời.

Nhưng, tiêu chuẩn gạo sinh viên trước đó vừa ra trường đã bị hạ xuống tiêu chuẩn nhân dân. Mười ba cân rưỡi. Song chả bao giờ được mua hết cái rưỡi đó vì đã được tự động hóa thành ủng hộ đồng bào bị lũ lụt. Ai biết được năm lạng đó đi về đâu? Nhận quyết định đi làm, lên đời làm cán bộ nhà nước nhưng tôi thuộc khối lao động gián tiếp không cần ăn no vác nặng, tiêu chuẩn đó không thay đổi. Bìa lương thực mua mấy lần gạo toàn cứt chuột trong khi trước cửa hàng gạo giờ dân phe phẩy không thèm mua lại, gạo quê bán cũng chẳng đắt hơn bao nhiêu, tôi quẳng quách cái bìa lúc nào đâu đó không nhớ. Sung sướng được mấy hôm thì đổi tiền, rồi bù giá vào lương, thân con gái chưa chồng cũng học hành đến đầu đến đũa mà tính ra nuôi một mồm mình không đủ. Giờ mới thấy được làm nhân dân có nhà mặt phố là bố tướng. Phá tường phá cửa, bán gì cũng hơn đồng lương đùa nhả. Không bán gì thì bán ngay cái vỉa hè trước mặt nhà mình cho người ta treo dăm cái sào kéo tấm bạt ra rồi giăng quần áo may sẵn lên đó, hay đặt cái bàn tráng bánh cuốn nóng. Nói chung các cụ lúc nào cũng đúng. Phi thương bất phú. Hàng phở đầu phố tôi đấy, ngày xưa từ ông bố tới con giai con gái đi làm thợ về lại lăn ra vỉa hè móc săm vá lốp căng lại nan hoa cân lại vành xe đạp, ông bố tên Thừa mà cả nhà bốn qúy túng thiếu cả bốn, ai cũng lầm lì, trừ bà vợ bị thần kinh là lắm mồm cứ mùa hoa mướp lên cơn nhiều lại vác ghế ra ngoài cửa chửi. Nhoáng cái, dẹp mấy cái kìm búa chậu nhôm móp sửa xe, làm món phở tái lăn ngập mỡ bốc thành lửa khi nghiêng chảo bên lò, gặp gió thơm tới nửa phố, có đôi ba năm mà giàu lên đùng đùng. Mà bà chủ cũng hình như hết điên, không ngồi ngoài phố chửi theo yêu cầu khán giả nữa.

Chú Khôi đi trước khi tôi tốt nghiệp. Không ai trong nhà hình dung được chú sống như thế nào ở Nam Tư, là cái nước chú dẫn đoàn cán bộ liên ngành đi trong tư cách phiên dịch rồi bùng ở lại, trước khi được gia đình bác Trâm bảo lãnh qua Pháp rồi từ đó đi tiếp. Có dạo Thái Hằng bảo chú ở Canada làm gì đó cho Liên Hợp Quốc, có dạo nó thì thầm mày về nghe BBC có chú Khôi đấy. Vì ông chú bao nhiêu năm không gặp lại này của Thái Hằng mà tôi trở thành người chuyên nghe đài địch một thời. Sóng ngắn phát lúc xì xì xèo xèo lúc ậm à ậm ực qua cái Melodia cứ trời nồm là tụ ẩm được cái đẹp dáng dùng thay cái bàn bày lọ hoa, mà tôi vẫn chịu khó lắng nghe, muốn biết nhiều hơn về cái người đã làm tôi mùa xuân ấy lần đầu tiên thật sự bối rối.
Chú Khôi đi, căn phòng của chú bà Thái Hằng dọn gọn ghẽ, mấy cái xe máy chú mang về từ những chuyến đi trước bà lấy chiếu phủ để đó, rồi khóa lại. Tôi biết nhiều lần bố Bảo với bố Thái Hằng xin bà cho dùng căn phòng ấy, nghe cũng hợp lí, nhưng bà lắc. Bà giữ căn phòng ấy y như từng giữ căn phòng của cô con gái lấy chồng trái ý bà. Như thể bà biết một ngày con sẽ trở về. Có lẽ bà sẽ làm được như ý nếu không có chuyện một sớm một chiều công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thành phố lại thay đổi như thế.

Không biết đàn ông hay đàn bà ngấm đòn đổi tiền và giá lương tiền trước. Tôi nghĩ là đàn bà, người có thể cân tiền qua độ nặng nhẹ của con cá mớ rau gói lạc dẻ sườn lợn mỗi ngày đi chợ. Đổi tiền buổi đầu thì chỉ nhà nghèo như tôi là hí hửng. Vừa đi làm được mấy hôm tin đổi tiền đã rộn ràng trong phòng hội đồng. Tôi không quan tâm, có tiền đâu mà đổi. Nhưng mấy bà chị chồng đi tây nhiều thì mắt nhìn xa vắng lắm giữa cuộc chuyện trò. Lo. Hôm đổi tiền cổng khu tập thể nhà tôi thoắt cái thành chợ Giời. Người mang mình đi mua, người mang đồ đi bán. Bạ cái gì mang ra bán cũng có kẻ vồ ngay lấy. Ông Chờ lao công cũ của nhà máy vác cái suỵt van tơ hỏng ra ngõ, nhoáng cái tay không chạy về thông báo đã bán được giá thừa mua hai cái mới. Bà chị gái tôi ngẫm nghĩ thế nào mở tủ lấy xấp vải bạn đi nước ngoài về tặng, lẳng lặng ra đi. Rồi lại lẳng lặng mang về. “Không có người mua à?” Tôi hỏi. Bà chị nhấm nhẳng: “Có bán mình thì khó chứ mày tha đôi dép nhựa rách ra cũng có người mua.” “Thế sao…?” Bạn bè chúng nó có lòng, tao định bán rồi không nỡ”.
Nhà Béo và hàng xóm nhà nó ở phố ấy có vẻ cũng chẳng phải động đậy gì vì đổi tiền. Với các nhà này lương là cái đinh, cái chính phải là lậu, là những thứ quà mà cơ quan phòng chống tham nhũng định danh là trên mức tình cảm. So với tham nhũng bây giờ thì cũng lại là cái đinh, nhưng là những cục kê chân mà nhân dân như tôi đừng hòng có để leo lên trong đời.

Nhà Thái Hằng thì có chuyện. Đúng hơn là nhà thằng Bảo. Mấy gia đình họ hàng ruột thịt chia ra đổi giúp nhà Bảo mà không xuể. Và của cũng vẫn không đi thay người. Buổi tối, tổ công tác xộc vào nhà nó, xông thẳng lên tầng. Bốn bao tải tiền toàn mệnh giá to được khuân qua cửa nhà Thái Hằng ra phố, lên xe. Tôi với Thái Hằng nghe mẹ nó tường thuật thế. Nhà chồng nó vẽ chim vẽ bướm lên gương vuông gương tròn gương bầu dục bán gần bán xa mà giàu, cũng chịu cảnh đành nhìn tiền cũ sau một ngày đổi chác thành giấy loại, nhưng không bị khám. Tôi thắc mắc, rằng tiền cũ đến cuối ngày hết giờ không đổi được nữa thì vô giá trị còn khám xét tịch thu làm gì. Thái Hằng nhìn tôi theo một kiểu khiến tôi hiểu ngay điều nó thương hại không dám nói: đồ đần. Đần ngu thế nào thì chịu. Phải chờ Béo giảng giải: vẫn đổi được như thường, vấn đề là ai đổi.

Mẹ Thái Hằng kể với giọng đầy nể sợ rằng suốt buổi khám xét bà Thái Hằng ngồi nguyên ở một góc sập mặt lạnh tanh. Công an phường và tổ công tác đi ngang chào bà ra về với mấy bao tải tiền bà bình thản chào lại. Không một lời an ủi trách cứ gì vợ chồng ông con cả. Vẫn vào ra bếp núc hàng ngày. Ngoài những lúc ấy, bà lại ngồi nhìn ra phố. Chỉ tới lúc nghe anh con rể không được thừa nhận nhân dịp gia đình có khó khăn đột xuất mon men theo vợ về chia sẻ, bà mới kéo lại ống quần, hạ chân xuống đất, nhạt nhẽo: “dám làm thì dám chịu, có gì mà anh phải an ủi nhà chúng nó. Với lại tôi cũng phải nói với anh không cứ bị ông nhà nước sờ tới là phạm tội đâu. Như tôi với ông nhà tôi đây này, bị sờ tới đâu buông tay tới đó mất mấy ngôi nhà nhưng chẳng ai dám bảo nhà tôi không tử tế”. Bọn tôi ngồi cười con rể phải vả. Không hiểu sao trong cảnh ấy mà chúng tôi vẫn cười được. Kể cũng vô duyên.

Có thể là vì còn trẻ quá chúng tôi không hình dung được hậu quả của việc nhà Bảo bị khám. Dù là không hợp tính nhau do những hục hặc giữa hai gia đình chung cửa nhưng thằng Bảo vẫn là anh cái Thái Hằng. Trong khi lũ chúng tôi đại học vừa ra trường tháng nào cũng hậm hực vì nỗi tài vụ gộp lương rồi chìa cho tờ 500 đồng bảo tự đổi chia nhau, khổ ngang với nỗi khổ bị mấy ông trông xe đuổi do không có tiền lẻ mà rạp thì phim sắp chiếu sân khấu kịch sắp mở màn, Bảo khổ cái khổ khác: Tên nó trong danh sách đi Tchaikovsky ở Nhạc viện bị xoá. Thái Hằng lần đầu tiên tỏ ra thương ông anh họ. Nó thì thầm, trong lúc nâng đít cho đứa con gái mới đẻ ị: “Không chỉ thế đâu…”
Đang giữa cơn kinh khiếp vì trẻ con mới đẻ có đủ cả chân tay chứ không phải là mọc dần như vẫn tưởng, và cả vì cứt của nó, tôi đã không hiểu ngay lời Thái Hằng. Chỉ ngộ ra đôi ba điều vẫn thắc mắc thầm về Bảo.

Thằng con trai mềm mỏng có tiếng đàn rất đỗi ấy sẽ lặng lẽ nộp đơn xin đi xuất khẩu lao động. Trong danh sách nhân viên cán bộ Nhạc viện đi nước ngoài lần này có mình nó là dân nhạc. Thái Hằng kể cho tôi nghe và tôi không bình luận gì. Chỉ không nhân thể cho nó biết là tôi đã quyết định làm y hệt Bảo. Trường có khá nhiều chỉ tiêu đi lao động xuất khẩu, giáo viên già không cần cho mình và cho con cái ăn học đàng hoàng, chỉ có mấy cậu mới về bộ phận bảo vệ, tài vụ hay xây dựng cơ bản đâm đơn. Tôi cũng làm đơn. Tôi không như Bảo. Tôi không đi vì tuyệt vọng kiểu lãng mạn dẩm dít như nó. Tôi xin đi vì lương không đủ ăn. Vừa nho nhoe đi làm, kể cả may ra có lấy được chồng quê xa chăng nữa cũng chẳng hi vọng gì còn được phân nhà phân cửa. Xoá bao cấp, đổi tiền, giờ nhà nước lên đồng với chính sách giá lương tiền. Bù giá vào lương nói cho ngay chỉ là trò bù da vào xương. Tôi sẽ sống như thế nào khi lương đại học chỉ đủ mua ở những nhà thuốc ngầm như nhà Bảo một ống bơm cắt cơn cò cử không đủ dùng cho một mùa đông bao nhiêu ngày gió trở, chẳng lẽ không ăn chỉ uống thuốc đi làm. Ai nuôi? Chẳng lẽ tôi đợi bà mẹ kế mới về nhà tôi nuôi tôi? Hai mươi mốt tuổi rồi, quá tôn sùng tự do của chính mình để tôn trọng quyết định tục huyền của bố, nhưng không phải tôi không biết “cái cảnh con chồng đau đớn ấy – mấy đời bánh đúc có xương chưa” sẽ vẫn là như thế, ở một nơi mà người ta còn phải gồng mình lên để giữ mặt, tự hào vì nghèo khi không có khả năng sống khác đi.
Béo càng không thể biết quyết định này của tôi. Nó, chiều ông chồng gia trưởng xoay xoả hạ tầng xuống gara cũ của bố nó. Nhưng nó sắp sinh. Tôi biết, kiểu gì mẹ Béo cũng không thể để cháu mình ở dưới căn phòng tối tăm cửa sổ mở về một hướng của vợ chồng nó. Bố mẹ nó sắp xếp cho vợ chồng nó cùng đứa bé mới đẻ ở căn phòng đôi cửa thông thẳng ra hành lang đối diện với nhà ông bà vụ trưởng, diện tích cũng bằng như thế, ngay trên diện tích mà nhà bác Thiều Như chia cho anh Phan và anh ấy khoá bỏ đó đi Nga.

Tôi không có gì cả. Ngay cả căn phòng sửa lại từ gara của nó tôi cũng không dám mơ, đừng nói tới những căn phòng trong ngôi biệt thự mà tôi vẫn tự tưởng thưởng cho mình bằng cách tưởng tượng mình sống ở đó, yêu đương ở đó. Tôi với Béo càng thân thì trong thâm tâm tôi biết chúng tôi lại càng xa. Sự kiêu hãnh không cho phép tôi có thể than thở điều gì với hai đứa bạn thân, cũng không thể hòa đồng hoàn toàn với những đứa bạn đã cùng lớn lên trong khu tập thể. Bọn nó thường hết cấp hai đã đi làm và trong khi tôi còn loay hoay sách vở chúng nó đều dần dần yên phận sau một đám cưới bày vẽ thật là to nhưng vẫn khó giấu được vẻ nhem nhuốc do nhà khó. Tôi không tưởng tượng được ra mình trong một quan hệ vợ chồng lổng cổng xô chậu nồi xoong bát đũa rếch dúi gầm giường xó nhà như thế. Không có lấy một đổi mới nào so với những cuộc hôn nhân của cha mẹ, sau ngần ấy năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, sau những chiến thắng ròn rã mở đường cho cuộc nhất thống sơn hà đời mới. Có chăng, là một sự hao mòn khó thấy trong tâm trí, dẫu những bài ca chúng tôi nghe và hát vẫn rạo rực niềm tin y như xưa. “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay qua đèo Hải Vân mây bay lộng gió”… Nghe giọng đanh đanh của Thanh Hoa chán rồi, giờ, cả lũ hát “Một chiều mùa hè Ngọc Tân ra trước biển…”, rồi cười, nghe trong lòng đau đau, rồi nhìn nhau trong tiếng róc rách của máy nước công cộng và của nước thải trôi dưới cống. Cái chỗ một thời đã là chốn tụ bạ của chúng tôi tuổi mười bốn mười lăm giờ bị thu hẹp lại một cách cực kì thô bạo. Thay vì một bể chứa to vật và hàng chục cái vòi nước trên một diện tích láng xi măng rất rộng, giờ phòng hành chính cho phá hết, xây lên đó một dãy nhà cấp 4 chia cho nhân viên. Ba tầng nhà chung nhau một vòi nước ngay trước cửa nhà vệ sinh chung. Chỗ giặt giũ rửa rau vo gạo giờ còn là chỗ tráng bô cho mấy đứa chồng con sớm. Chưa bao giờ tôi dám hỏi bạn bè nghĩ thế nào trong những ngày tháng ấy về từng ngày mình đang sống. Chỉ thấy mình hoang mang. Kì quái là chính cái sự hoang mang đó lại biến tôi thành kẻ hài hước trong mắt bạn bè. Ngồi nghĩ lại, thấy mình cũng giỏi tự bảo vệ, dẫu văng ra ngoài nhưng không quá đau.

Bảo đi rồi. Chú Khôi đi rồi. Anh Phan đi rồi. Thái Hằng dạo này ôm con về nhà hơi bị nhiều. Lần nào cũng sai thằng Thái Bình em nó đến gọi tôi. Béo, nắm rất vững thời khóa biểu của tôi ở trường hay tranh thủ những hôm đi công tác cơ sở tạt vào chơi, kể chuyện tự lập giữa vòng chở che của bố mẹ. Những lúc đó thì tôi thấy nó ngây ngô hơn mình. May mà Béo lấy chồng vẫn ở số nhà đó và may mà Thái Hằng hay về nhà, nếu không tôi không biết làm cách nào gặp mặt. Thật xấu hổ, không rõ tôi đã nói đã làm gì thất thố mà bị chồng của cả hai cô bạn thân ghét. Gì chứ đàn ông yêu hay không thì còn có thể nhầm lẫn, chứ họ ghét thì biết ngay.

Không có hai đứa bạn nói chẳng cần tôi thích nghe hay không, hiểu hay không đủ thứ chuyện đàn bà của chúng nó, tôi khó mà bình thản lại những ngày ấy. Khi mà con đường duy nhất tôi vừa tính chuyện đâm đầu vào đã bị tắc. Chẳng ai trong ban giám hiệu bác đơn xin đi xuất khẩu lao động của tôi dẫu có tò mò, chắc tưởng tôi đá bồ hay bị bồ đá mà chán đời, nhưng một thông tư đã chặn tất mọi cửa: không cho các đối tượng có bằng cao đẳng trở lên đi hợp tác lao động. Trong thông tư thì người ta viết là hợp tác lao động nhé, không phải xuất khẩu như toàn dân quen mồm. Không phải dân làm ở bộ hay vụ viện gì, cũng đã rớt khỏi môi trường đại học, lại hèn, sợ đi học về mất đất đứng chân là cái bục giảng ở Hà Nội, tôi loay hoay với đồng lương đùa nhả, không biết làm cách nào thoát khỏi căn phòng chung của gia đình để từng ngày khỏi phải chứng kiến cái cảnh bà mẹ kế làm nó mất dần hơi hướng còn sót lại của mẹ tôi. Thái Hằng, lúc này đã bế con về nhà ở hẳn, đã qua mấy cuộc hòa giải chờ tòa xử li hôn nhưng ra đường vẫn phải mắt trước mắt sau sợ ông đương kim chồng xồ ra từ góc phố túm tóc đánh khuyên tôi lấy chồng. Lấy đại đi. Thái Hằng nhấm nhẳn. Như nó ấy à? Cứ thấy ông chồng nó đổi từ si mê đến mức đờ đẫn sang trạng thái kích động cần phải giải tỏa bằng cách đấm đá vợ mà tôi hãi.

Hay như ông chồng của cô nó tôi cũng hãi. Người đâu như ở Phố Nối Hưng Yên, chân thành để thơ hành, cứ ngỡ chẳng bao giờ biết hay muốn biết đời thường không nhiều mộng mị. Thế mà đến lúc làm tiền thì thật khiếp. Thật không thể nào tìm ra dấu vết ông chú rể nhà thơ đã quyến vờn được cô Thái Hằng chống mẹ theo mình, quần loe vải pho đít nhẵn như sừng, áo đuôi tôm quăn tít vạt sau và cổ thì hồ bằng ghét cứng đơ, mở miệng là lép nhép thơ chẳng khác gì thằng lẩn thẩn, nhưng vẫn đáng mến vì rất đỗi thật thà. Bà Thái Hằng không chấp nhận cuộc hôn nhân của con gái không phải vì sợ con lấy nhà thơ thì khổ. Bà bảo tài thơ là tài giời, mà không được giời cho tài thì sẽ bị giời đày, nhưng khổ đấy mà sướng đấy. Con mình thích thì cũng khổ đấy mà sướng đấy. Có điều, chả hiểu bà nhìn thế nào mà một mực bảo rằng người đấy sẽ không thế mãi, chỉ sợ là đến lúc đó con gái sẽ không còn mê được chồng thì cực vô cùng.
Thế thật.

Đấy là lúc Hà Nội xao xác thiếu trước hụt sau đột ngột rộn ràng đủ kiểu trung tâm với công ti trách nhiệm hữu hạn. Tôi chuyên môn thuần túy, không quan tâm. Chỉ thấy khó chịu vì đi đâu cũng thấy biển trung tâm nọ kia chả ra nốt ruồi duyên trên gương mặt thành phố mà lỗ chỗ như đậu mùa. Đậu mùa là đậu mùa, rỗ hoa vẫn là rỗ. Ai thích? Trường cấp 3 cũ của tôi gần Nhà Hát Lớn, đẹp có lẽ nhất nhì Hà Nội, tự ngăn mình với phố bằng một hàng rào gang kiểu cách, một sớm một chiều người ta cho phá tuốt, đào móng xây một dãy kiot cho thuê, trước cửa kiot nào cũng là một tấm biển kẻ vẽ xanh đỏ cực hoành: trung tâm dạy may mặc, trung tâm tiếng Anh, trung tâm khỉ gió ba nhắng gì đó chịu không hiểu nó làm gì dạy gì sản xuất gì. Ông hàng xóm nhà tôi một độ cứ tháng phải dăm lần đẩy vợ vác rá vác bát lên nhà tôi vay gạo vay mỡ được thời xin nghỉ ăn một cục, thuê một ki ốt ở đó. Từng ngày thấy ông thay đổi, đầu tiên là bỏ bộ bảo hộ quen mắt hàng chục năm thay bằng bộ comple tàu vừa rộng vừa dài vai rúm eo thắt, rồi xe máy, thỉnh thoảng bà vợ mỏng như cái đóm bày đặt mặc quần Lewis giá những chỉ vàng cóm róm trèo lên ngồi sau cho chồng chở đi đâu đó. Từ cửa sổ nhìn sang phía sau nhà họ chỗ sát vệ đê, thấy hai thằng con mười lăm mười bảy trần lưng vác sào quấy hai cái thùng to như thùng đựng nhựa đường, củi đốt đùng đùng. Hỏi chúng mày làm gì thì biết chúng nó sản xuất xà phòng. Được mấy ngày thì nhà đó đập tường xây nhà hai tầng. Xây vèo vèo không thèm chờ bê tông cứng hẳn. Tầng trên nhà tôi có chú Song tuột xích nhưng không bị đi tù vì anh là thiếu tướng, ở nhà chăm con cho vợ bao năm cũng đột ngột trở thành ông chủ. Mấy nhà làm ăn nhớn ấy sập chỉ trong mấy năm sau đó. Các ông chủ mới người trốn người tù. Vợ con huyễnh hoãng với hàng xóm láng giềng chả được mấy ngày lại cúi mặt mà đi cơ cực có khi còn hơn xưa do nhà mới xây bị siết nợ. Còn bao nhiêu gia đình cũng xao xác đổi thay như thế tôi không biết, chỉ thấy phần lớn bà con khu tập thể của mình có vẻ vẫn đứng ngoài vòng làm ăn, hay là không lao nổi vào cầu lửa, vẫn nghèo, vẫn tất tưởi tội tình như xưa. Điều đó có thể thấy ngay từ cổng khu. Bắt đầu từ một đôi ba gia đình thiếu miếng liều ra buôn bán vặt phục vụ hàng xóm láng giềng, từ lúc nào không nhớ, cổng khu tập thể đã thành một cái ngõ chuyên bán qùa sáng quà tối và chủ nhân của những hàng quà đó toàn là cán bộ công nhân viên về hưu, về mất sức, về ăn một cục vì cơ quan không việc làm. Những bà hàng đầu tiên vừa bán vừa xấu hổ đã người thì lụm cụm người thì chết rồi, con dâu con gái họ nối vai, tiếp tục cuộc làm ăn của gia đình, quẩn quanh quang gánh ghế bàn bát đũa sáng sáng chiều chiều, cơi nới sang lại mấy căn phòng nơi đó, quần tụ thành đại gia đình cũng đã ba bốn đời tính ra bằng đúng tuổi của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa bắt đầu trên miền Bắc mùa xuân một thời xa lắc.

Số nhà hai cô bạn thân tôi sống cũng biến đổi. Bà Thái Hằng gọi họp đại gia đình, thu vén lại căn phòng của chú Khôi và cho chuyển bộ sập bà vẫn ngồi vào đó. Chính bà cũng chuyển vào đó. Phòng khách được ngăn lối cho người ở phía trong vào ra, mặt tiền đập đi thay bằng cửa sắt kéo. Đấy là diện mạo mới của những ngôi nhà thị dân Hà Nội mười mấy năm cuối của thế kỉ trước. Thô kệch, dơ dáng hệt nhau, cả ngày cứ thông thống, tối lại kéo kín mít, bì bì. Nhưng đó là cửa hút tiền. Thoạt tiên, đó là hiệu thuốc của nhà Bảo. Không biết đó có phải là hiệu thuốc tư nhân có môn bài đầu tiên của Hà Nội sau hòa bình lập lại hay không? Bố mẹ Bảo không bán cò con. Bác Trâm ở Pháp, bố mẹ nó bên này, tây ta kết hợp và nhà nó thành tổng đại lí của một hãng dược phẩm Pháp. Tiền đổ vào số nhà này. Phải thuê cả nơi chứa thuốc. Chưa đầy hai năm, bố mẹ Bảo mua nguyên một số nhà ở Thợ Nhuộm gần về mé Tràng Thi, vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi chứa hàng, có trong tay đại lí ở khắp các tỉnh cùng cả một đội xe tải chuyên chở thuốc. Mặt tiền nhà Thái Hằng giờ lại đổi. Giờ đây, đến nhà nó là tôi chạm toàn mặt người to vật sau bức tường kính. Đó là hiệu ảnh của vợ chồng cô nó và là một trong mấy hiệu đầu tiên áp dụng kĩ thuật số. Ông nhà thơ giờ làm chủ hiệu ảnh, chăm chỉ hẳn, lờ lớ lơ thơ. Dưới tay máy và qua công đoạn sửa ảnh của nhà thơ, rất nhiều người tạm quên được nỗi buồn tủi vì nhan sắc. Thái Hằng có lần bế con tiễn tôi ra cửa chỉ vào một tấm ảnh cưới vừa trưng bày hỏi tôi mày biết ai đây không? Chịu. Tao chịu. “Cái Hoa móm đầy lưỡi đấy. Tao gặp nó tới chụp ảnh cưới nói vẫn lúng búng khó nghe như xưa. Nhưng mày xem ông chú tao tài không? Đảm bảo mày không biết mà có tới nhà nhau khéo lại chỉ mặt nhau hỏi ảnh ai. Chụp thế này họa có chó nhận ra chủ.” Nó quay nhìn sau gáy, lủng bủng tiếp “mà chủ cái hiệu ảnh này thì cũng chả nhận ra vốn là chồng của cô tao. Dạo này còn gái gú đấy. Nào kính trắng nào ria đen, miệng cứ tin hin như cái tĩ gà, hợm phát ghét. Ngày xưa cả tẩm lại dễ chịu. Giờ thì…”

Thái Hằng vẫn thế, ngoài những lúc hèn vì sợ ông chồng cũ điên khùng đón đường túm tóc, nó vẫn đáo để, có phần còn hơn trước. Nhưng tôi nhịn. Quen rồi. Với lại biết là nó khổ. Bà Thái Hằng tạo điều kiện làm ăn cho con cái, nhưng bố mẹ nó không biết làm gì ra tiền. Chị Thái Hoàn hết thời hạn dạy học ở Lâm Đồng ra vẫn phải hàng ngày kẽo kẹt xe đạp sang bên kia sông dạy, ở cái huyện đặc sản chỉ có độc rau cải bẹ để muối dưa, mang danh Hà Nội nhưng là Hà Nội vá Hà Nội can theo những quyết định hành chính sau này. Thằng Thái Bình học xong cấp 3 phá ngang, giờ đi bán hàng thuê cho một cửa hàng điện máy ở Hai Bà Trưng, chẳng biết được mấy đồng đủ đút miệng không, chiều chiều về từng tưng cái đàn chú Khôi để lại. Thái Hằng bảo may mà thằng cậu học hành lờ phờ nhưng không nghiện. Bố Thái Hằng ngày trước động cái là ngứa mắt nổi khùng với vợ con, giờ điềm đạm hẳn vì một đam mê mới tự phát hiện là khoa học huyền bí. Không thuyết phục được ai trong nhà cải tổ tâm linh, ông giáo già tự cải tổ. Đầu tiên là cái bàn thờ. Tôi mất cả buổi lên nhà Thái Hằng giúp chị em nó làm cơm cúng phục vụ công cuộc cải tổ này của bố nó. Hương khói nghi ngút, ông thầy cúng đương kim giảng viên một trường đại học chụm đầu suy tư cùng bố nó, rồi, đầy vẻ nghiêm trọng, ông phán phải dâng bàn thờ lên cao gần sát trần. Kể từ đó, ngoài việc đi dạy cho xong cái phận giáo học sắp hưu, bố Thái Hằng toàn tâm toàn ý chăm lo mấy cái bát hương. Đến nhà nó, gặp bố nó vào cữ thắp hương ngất ngưởng trên mấy cái ghế đẩu chồng lên nhau, bọn tôi không đứa nào dám chào sợ chú giật mình ngã thì thôi chết.

L.M.H

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.