Phố vẫn gió (trích)

Lê Minh Hà 

 

Trước khi hòa bình lập lại, ai là người sống trong ngôi nhà ấy? Rất nhiều khi ngồi trên giường bạn hóng gió lồng lộng thổi qua khung cửa sổ mở rộng, tôi đã băn khoăn điều cô bạn thân của mình chưa bao giờ băn khoăn. Bằng chứng là khi một lần nghe tôi buột miệng giữa một cuộc gặp gỡ râm ran tiếng nói cười, nó cùng cả lũ đột nhiên lặng phắc và tôi thấy mình nóng dần, xốp lên rồi vụn ra dưới ngần ấy con mắt hoảng sợ. Chúng nó sợ ma (có thể những người chủ ngôi nhà này ngày xưa đã trở thành ma hồi Nhật đảo chính và sau đó toàn quốc kháng chiến chính trong nhà này lắm chứ) hay sợ tôi? Nhưng, ngay dưới những đôi mắt đang chú mục vào mình với cái vẻ chẳng ai có thể thấy dễ chịu, tôi vẫn tiếp tục ý nghĩ dang dở. Tôi thích hình dung rằng có một gia đình người Pháp đã sống ở đó. Và chính căn phòng riêng của bạn mà chúng tôi đang ngồi ngày xa xưa lắm rồi đã thuộc về một Mademoiselle bé nhỏ, vô tư lự, có cái vẻ thanh tú của những đứa trẻ sống no đủ chứ không phải là mảnh khảnh vì thiếu ăn như nhiều đứa chúng tôi.

Cũng vì lẽ đó, đủ ăn, cô bạn chủ nhà toàn bị chúng tôi gọi là Béo. Bây giờ, ở tuổi này, nó còn kém tôi chắc tới mười lăm cân hơi, nhưng cứ nhớ về nhau, nhắc tới nhau là chúng tôi vẫn gọi nhau bằng cái biệt danh đó. Nó: Béo. Tôi: Quắt. “Béo ơi”,“Quắt ơi”. Bỏ cái chữ i đi mà ra giữa phố réo Béo ơ Quắt ơ theo kiểu rao hàng rong, chắc không đắt. Ngày đó, cả tôi và nó đều nằm khá là xa ngoài khung khẩu vị về cái đẹp của những người trẻ tuổi. Nhưng thật ra là nó đẹp. Không thể như nhau hoặc có nhau thì người đời vẫn có thói quen dễ chịu là chê nhau, dễ chịu hơn nữa là phỉ báng. Đôi khi điều này sẽ dẫn tới sự thể to tát hơn là cãi nhau. Nhưng ngay cả thế, sự ầm ĩ ấy vẫn làm người ta vui, khi mọi thông tin đều chưa thừa mứa như bây giờ và luôn được moi móc, bịa tạc, chờ đón nhiều hơn tin tức trên báo (không nhiều), trên đài Tiếng Nói Việt Nam mà không phải ai cũng nghe được, thời ấy.

Nhà Béo ở gần như trọn vẹn tầng hai một biệt thự ở phố… Tầng dưới thuộc về gia đình bà thứ trưởng đời trước bố nó. Bác Thiều Như về hưu thì bố nó lên thay. Lúc đó một phòng to một phòng nhỏ tầng trên đã phân cho một ông vụ trưởng. Ông vụ trưởng quyết giữ nhà giữ đất không chịu chuyển qua một căn hộ khác trong một khu lắp ghép đang là niềm tự hào của ngành xây dựng. Nhà nó được tất cả các phòng còn lại cùng nhà tắm và toilette. Cái này quan trọng hơn cả, theo tôi. Khi mà nhà quê Việt Nam muốn giải quyết khâu ị cho oai phải thắt lại giải rút ra đồng, tự sướng rằng được hưởng thú sau mỗi ông quận công, còn thành phố thì chỉ có cách đi tuốt ra mảnh đất sau cùng của một số nhà, nơi có nhà vệ sinh công cộng, thì cái chuyện ăn xong mà được mang tiểu thuyết ra một cái toilette như vậy ngồi thiền với tôi thật sự là kì diệu. Có cần phải kể thêm rằng chỉ đến tận lúc đó tôi mới biết thế nào là cái nhà vệ sinh bệt không? Thật ra thì bộ phận đó bị hỏng và phòng hành chính cơ quan (chắc thế) đã thửa riêng cho nhà nó một cái thay thế bằng gỗ, không dùng thì treo lên một cái móc to. Gỗ gì không biết, nhưng tốt và đẹp. Bao nhiêu cái mông ngồi lên đó bao nhiêu lần làm nó bóng lên, nổi vân óng ánh. Tôi đã hình dung một phần của chủ nghĩa xã hội là vậy, khi ngồi trong đó đọc “Paris sụp đổ” dưới ánh nắng chiều rọi qua vòm sấu vào thẳng khung cửa sổ. Bây giờ, khi đi trên xa lộ xứ người, mỗi lúc tạt vào nơi con người chung nhau một nỗi khổ sở, tức tối, bức bối, nơi có xà phòng rửa tay, gương lớn, đèn sáng rực ánh sáng nịnh nọt da người, nhạc rỉ rả vang lên từ những cái loa giấu kín trong tường và lúc đi ra lại còn có người mặc đồng phục cảm ơn và tạm biệt, tôi vẫn không làm sao tìm lại được cảm giác thỏa mãn kiệt cùng đã có trong cái toilette nhà Béo. Cái toilette với khung cửa sổ lớn đó khác hẳn những cái nhà vệ sinh công cộng ở khu tập thể của tôi nơi tôi vào ra ngày ngày. Nhưng ở đó thì tôi không đọc tiểu thuyết mà thường đọc báo. Nhân dân. Quân đội nhân dân. Tiền phong. Chỉ có cuốn Màn ảnh Hà Nội trong có những bức ảnh đen trắng tha hồ cho người ta tưởng tượng thêm về nhan sắc vốn đã đẹp dã man của các diễn viên tây ta thì không bao giờ tôi tha vào đó. Tha họ vào chốn ấy rồi vò xé họ, quẳng họ nhàu nát ở đó ư? Tôi không nỡ!  

Ngày mới từ nơi sơ tán về lại nhà, năm 1968, Hà Nội hiển nhiên là thiên đường của khối đứa trẻ. Nếu mỗi nhà được một căn hộ dăm ba phòng và nếu nó cứ như thế, điện nước đầy đủ, sân bóng, vườn hoa, nhà ăn tập thể, phòng trống nhiều cư dân ít thì nói thật là sống thế rất được. Là bởi vui và nhàn, trong tinh thần bình đẳng sẽ càng ngày càng bộc lộ sự giả tạo khi mà từng người bắt đầu phải toan tính nhiều hơn cho mình và gia đình. Tinh thần bình đẳng này không thể tìm thấy ở tình hàng phố, dù tình đó đã bền bỉ lắm rồi. Hà Nội bây giờ đã 1000 năm tuổi. Thì hồi đó cũng chỉ kém vài ba chục năm là đầy ngàn thôi mà. 

Bây giờ thì tôi chỉ có thể thở dài mà thương cảm cho mình và người nhà mình. Giá như Hà Nội sau hòa bình lập lại không bị cải tạo và làm mới, giá như cư dân Hà Nội khi đó không được bổ sung ồ ạt bằng đội ngũ người nhà nước, cán bộ, công nhân, bộ đội, người miền Nam tập kết, thì có thể đã không có tôi, và nếu có, thì hồi ức của tôi về thành phố đó có lẽ sẽ mơ màng giống hồi ức của bao người. Như hồi ức của họa sĩ Võ Đình, nhà văn Trúc Chi. Từ cố đô Huế tới một cố đô cổ hơn nữa là Hà Nội, hai chàng trai đã giữ cho mình một Hà Nội không thể không mê của những năm bốn mươi thế kỉ trước, rồi khuân nó theo có lẽ tới tận bây giờ, qua bao nhiêu là xứ sở, hết Á sang Âu rồi tới Mỹ. Tôi, rồi cũng giống họ thôi, sẽ khi nắng khi mưa lại bất chợt nhớ thành phố ấy, nhưng là một Hà Nội tàn tạ trong nhịp sống mới với những con người mới, quá sức nó.   

Giờ già đi, trở về loạng choạng trên những phố cũ đường mới đằng nào cũng không còn nhận ra được gì, thi thoảng tôi lại nhớ cụ ngoại. Ngày hòa bình lập lại, thấy nửa một bên phố tài sản của mình trở thành nơi làm việc, nơi ở của nhân viên bộ Công an, không biết cụ tự hiểu rằng không thể nào có lại nữa hay cụ vui sướng hiến tặng để làm người dân tự do không còn gì phải giữ? Cụ mất sau khi trở về Thủ đô mấy năm, trước khi chị em tôi ra đời, khá lâu sau người con gái duy nhất là bà ngoại tôi. Cháu ngoại duy nhất của cụ, mẹ tôi, cũng như cụ, sẽ ra đi sau một cuộc chiến tranh khác không lâu.  

Căn nhà mà chị em tôi đã ở cho tới lúc đi lấy chồng là của cơ quan phân cho mẹ, nằm trong một khu tập thể chất lượng xây xướng có lẽ là tốt nhất Hà Nội từ bấy tới giờ. Khu tập thể gồm ba dãy nhà, và cái dãy có nhà tôi còn được hưởng sái từ một công trình khác oách hơn: Nhà khách chính phủ. Sàn của các phòng thuộc dãy này lát đá thừa ra từ công trình ấy. Khi mười hai tuổi, bắt đầu ưa nghĩ loăng quăng và bắt đầu phải chia việc nhà cùng bà chị, tôi hay bò toài lau cho sàn sạch bóng rồi nằm xoài ra ở đó, đếm những hình kỉ hà tạo bởi các viên đá ghép lại với nhau. Những hình đó tự phóng to dần trong trí tôi, biến dạng, thành hình dáng của những tảng đá lát bờ tường của một hai ba bốn căn nhà khác, nhà của bạn tôi, Béo, và nhà, những ngôi nhà đã mất của cụ Phán tôi.  

Mẹ ngày xưa hay đèo tôi trên cái xe đạp Vĩnh Cửu lên mạn hồ Thiền Quang, vào công viên Thống Nhất, xem xiếc ở rạp ngay cổng, rồi khi về, mẹ vòng xe ra một phố nhỏ gần gần đó. Mẹ cho tôi xuống và chỉ, kia, kia, đây, đây nữa, nhà của bà ngoại mẹ, cụ Phán con đấy. Ngày xưa mẹ từng ở đây đấy.

Ngày xưa là ngày nào? Mẹ ở ngôi nhà nào trong những ngôi nhà mẹ vừa chỉ? Những ngôi nhà mới đẹp làm sao. Mái dốc, cửa ra vào có cái vòm nhỏ, sân rộng, lại có hàng rào sắt bao quanh. Tôi chưa từng thấy bóng ai qua những khung cửa sổ rộng. Nhưng trước một đôi ngôi nhà thì luôn có người, thường trực, hoặc cảnh vệ.

Sau này, tôi nghĩ là mẹ đang cố sống lại một tuổi nhỏ sung sướng và ngắn tủn. Khi ấy bà ngoại vẫn còn. Và cả em trai mẹ, ông cậu bé mất sớm của tôi, người mẹ chỉ nhớ tên. Có thể là khi ấy, trước những ngày Hà Nội kháng chiến, bà tôi đưa mẹ về nhà ngoại ở phố đó chơi chăng? Và trí nhớ mù mờ của một đứa trẻ mồ côi quá sớm chỉ có thể phục hiện được đến thế. Hay là cụ Phán, bà ngoại của mẹ đã kể lại cho mẹ tôi nghe và mẹ tự tưởng tượng thêm, bấu víu vào tưởng tượng đó để có thể đi qua ngày, trong một căn phòng tập thể có lẽ sẽ là rất nhỏ ở giữa những ngôi nhà không một ai trong gia đình tôi có thể trở lại.

Giá mà tôi cũng được đôi ba lần tới đó, sống chỉ một đôi ba ngày, có thể là tôi sẽ không thiết tha đến thế với những ngôi nhà mà những đứa bạn tôi sống. Nhà của Béo là những gì mà tôi có thể tưởng tượng được về, như đã nói rồi ấy, chủ nghĩa xã hội. Theo như chúng tôi học được thì trong xã hội mà chủ nghĩa đó đứng chân, chúng tôi sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Dù biết nhu cầu không có giới hạn trên, nhưng đến bây giờ thì thú thực tôi vẫn chỉ có nhu cầu được sống ở một ngôi nhà như thế, cùng nắng gió và mùi hương vườn trong phố ở đấy, cùng những điều kiện cơm áo với bạn tôi khi ấy là bình thường nhưng với không chỉ tôi là một cái gì đó như hoang tưởng. Bố mẹ nó làm to, đi nước ngoài như điên, có cần vụ, ăn bìa Tôn Đản. Chúng tôi đứa con công nhân đứa con cán bộ, tự dán mình vào sổ gạo, tem phiếu thực phẩm, bìa chất đốt, xếp hàng gần hết tuổi thơ. Còn những đứa khác? Thằng anh trai của một diễn viên kịch nghệ sĩ nhân dân thiếu tháng bây giờ khi được cô giáo hỏi về nghề nghiệp của bố mẹ đã ngượng ngùng trả lời “thưa cô bố mẹ em là người tự do.” Tự do là tự lo là ăn bìa Nhân Dân, phần lớn người thành phố khi đó là nhân dân, tự tách biệt với người nhà nước, bởi địa vị thấp kém hơn và bởi những bát phở mà con họ ăn hàng ngày trong nỗi thèm thuồng của vô số con người nhà nước. Nhưng chúng tôi biết tự cân bằng giữa nỗi thèm thuồng và tự hào. Trẻ con chưa biết làm gì. Vậy thì việc của chúng tôi là chờ để thế hệ trước tiếp tục sống, chiến đấu, lao động và tha lôi theo con cái tới xã hội mới, nơi những hoang mơ kia thành sự thực. Khi đó, lúc mới mười hai tuổi, tôi chưa biết rằng chỉ có sóng thần may ra mới xoá được những hố, những kẽ, những vết rạn ngăn con người với con người, và thời gian lịch sử hóa ra không đo đếm được bằng đồng hồ, bằng lịch, bằng tết, mà bằng vô vàn số phận.

Nhà cái Thái Hằng thì khác. Tôi đến đó hàng tuần, vui vẻ và lễ phép. Không ai trong cả đại gia đình nó biết là tôi tò mò tới cả chuyện gạo dầu của từng hộ con cái trong nhà, và có cảm giác mình như ma xó tham dự vào tất cả. Nếu mà cụ Phán tôi giữ được một căn nhà thôi thì có thể bên ngoại tôi cũng sẽ sống hệt như thế. Bà ngoại tôi chết trẻ và ông ngoại đã tục huyền với con gái một ông bác sĩ đỗ đạt ở Pháp, cụ Phán vì hạnh phúc của con rể và an bình của cháu ngoại mà đưa mẹ tôi về. Mẹ tôi sẽ sống ở đó, biết đâu đấy. Nghĩa là chị em tôi sẽ sống cuộc đời người ở phố. Cái này quan trọng lắm. Nó làm nên căn cước thật của từng người chứ không phải là cái chứng minh thư nhân dân ghi tuổi tên, có sẹo nào trên mặt, quê quán và nơi thường trú. Người ở nơi khác tới Hà Nội lâu rồi sẽ gắn bó với Hà Nội, sẽ trở thành người Hà Nội, buổi đầu không ai muốn tự ngăn mình với người Hà Nội đã cành to rễ dài nhiều đời. Thật ra là tất cả phải lờ đi, bởi vì nếu không qua tuổi nhỏ ở bất kể nơi nào thì không bao giờ thành người nơi ấy hoàn toàn được. Vậy thì tìm cách xoá cái khoảng vô hình giữa mình và người quanh mình tạo dựng từ những khác biệt trong thói quen, nếp sống là bất khả. Cũng vậy, ngay cả đối với cư dân tưởng chừng đã kết thành một khối riêng, có nhan sắc văn hóa riêng. Tôi, căn cước của tôi là người Hà Nội tập thể chứ không phải người Hà Nội phố, tôi là sản phẩm đặc biệt của một thời đại mà trong đó người ta hăng hái tin có thể kiến tạo thiên đường ngay trên mặt đất khác thiên đường ở đâu đó trên trời một điểm nhìn ra nhanh nhất là người với người sẽ không trần truồng.

… Giá mà ngày đó tôi đừng bỏ chồng dại giai lần nữa để phải rời thành phố này, chắc chắn tôi sẽ không phải tự cật vấn, ngỡ ngàng gì mỗi lần gặp, một người bạn mới, một khoảng tường cũ, một hàng cây tưởng cao hóa ra lũn cũn bên những ngôi nhà cũ mới chồng tầng, một con đường đang giải tỏa, một bữa ăn gồm những món chưa từng ăn của một Hà Nội mới toanh chẳng hẳn vì tự cơi nới mình tới tận chân Ba Vì có những cư dân ngày ngày lo chổng mông nhổ mạ đánh dậm chưa có cơ biết thế nào là phố khi mình đã chính danh dân Thủ đô. Như thể được tiêm vaccin nhắc lại, tôi sẽ như các bạn của tôi, nghèo thì âm thầm mừng vì cơi được thêm căn phòng, vì xin được việc cho thằng con lớn mới xong đại học, vì vẫn chạy đủ cho đứa út học chính học phụ phấn đấu được như anh nó, giàu thì phớn phở vì căn nhà mới mua không ở thì để đó cho thuê, vì đứa con toài được qua Mỹ Anh Pháp Úc học rồi ở lại, vì cho vợ con đi du lịch châu Âu châu Á rồi về bao hội trường hội lớp. Chúng tôi giàu nghèo bất kể sẽ đồng lòng mở ra giai đoạn rủ nhau thăm viếng thắng cảnh nội địa xa gần, nhân thể ăn đặc sản, tắm biển hay tắm suối khoáng, trong lúc ăn thân mật tắm thân mật thì bá vai hỉ hả nhận nhau là người yêu giấu thuở còn thơ dại, thuở tất cả còn gầy nhom nhem trong đôi ba màu quần màu áo giống hệt nhau, và, trong lúc đó vẫn không thể quên ông chồng bà vợ già đã bỏ nhau lại vừa mới quậy. Đã có đôi ba lần tôi tham dự những chuyến đi như thế. Sau lúc bia rượu tàn phai, nhìn nhau trong áo bơi quần bơi không thể nào che đi những phần cơ đã chảy những bọng mỡ mới phát sinh, ôm nhau toe toe nửa thật nửa đùa tỏ cái tình yêu dớ dẩn thuở học trò không dám nói, chẳng hiểu vì sao tôi thấy bẽ bàng. Có cảm giác cả lũ đang cố truy tầm truy lĩnh lại những tháng ngày chưa kịp sống. Đã có một tuổi trẻ lẽ ra phải được như tuổi sắp già lúc này. Lẽ ra! 

Phố chật lắm rồi nhưng vẫn gió. Khôi dẫn tôi ra phố qua cửa dành cho người trong nhà không đi ngang quán. Tôi ngoái nhìn. Câu khẩu hiệu ngộ nghĩnh gợi nhớ một điều mãi mãi thiêng liêng ai vừa kéo tấm bình phong che đi mất nửa, lại tha hồ tưởng tượng, như ý điền vào. Không có gì quý hơn… Tình yêu? Cà phê? Tự do? Bàn chân tôi bần thần đặt trên bậc cửa. Ngôi nhà đã đổi gần như trọn vẹn diện mạo một thời, bậc thềm đổ một đường dốc cho người vào ra dắt xe máy. Nhưng góc bên trái của bậc thứ hai còn nguyên vết sứt lộ một mảnh thân gạch già, đã rêu, đã bụi bặm, mà vẫn rắn đanh không vỡ tiếp. Bao nhiêu năm rồi từ ngày ngôi nhà này được xây lên? Bao nhiêu bước chân giẫm lên bậc thềm ngôi nhà này? Bao nhiêu ánh mắt đã vấp lại ở vết sứt không thể cũ kĩ hơn vì mưa nắng đó?

Nếu ngày ngày giẫm lên nó, chắc không ai kì khu nghĩ ngợi như tôi. Như các cô cậu con ông bà trẻ của tôi thôi. Ông trẻ cậu của mẹ tôi mất rồi không có cơ nhìn con cái đổi đời một lần nữa. Từ ngày có con đường mới đắt nhất Việt Nam, nhà ông trẻ từ một rẻo đất xóm Liều tiến thẳng ra mặt đường. Bà trẻ già lụ khụ mà minh mẫn lạ lùng, chia bôi cho con cái đâu ra đó, gọi công chứng đàng hoàng. Cả nhà vui như tết. Vui nhất là dì Quế An lấy ông chồng một thời làm đồn phó công an phường, nhờ thế mà xin được mảnh đất to đoành ở ngay mé bên kia đê, đường mới xong đình huỳnh là chủ của bốn số nhà liên tiếp nhau bề sâu chỉ năm mét nhưng mặt tiền những mười sáu mét. Ông chú có võ đánh vợ như đấm bao trấu mà không vết, dì Quế An xinh thế mà cứ héo hắt như đàn bà hậu sản. Nhưng giờ thì dì cười rất tươi. Ông chú về hưu rồi, ít học lên tới đại úy là phải về, lại được cái có bệnh tiểu đường ngày nào cũng vén áo phơi bụng tự tiêm theo giờ ai không biết tưởng thằng nghiện già đang phê. Đâm lành. Đâm sợ vợ. Thời thế đổi thay, dì Quế An không biết có phải kế thừa được gen làm ăn của cụ Phán không, quản bốn cái nhà, cho tiền quay thoăn thoắt. Đúng, nhà mặt tiền là mặt tiền, mà không phải là tiền Việt Nam đồng ta.

Kí ức về ngôi nhà xưa trên phố xưa của cụ Phán hình như ông trẻ ôm ấp bao năm nhưng hình như không di lại cho con cái trong nhà. Ngay trong đám giỗ cụ Phán hay giỗ ông bà trẻ, các cậu các dì tôi làm rất to, tôi cũng không bao giờ nghe ai nhắc nhớ về những gì đã mất. Đã có bao giờ đâu mà biết thế nào là mất. Đã sống bao giờ đâu mà nhớ tiếc. Thì cũng như với chú Kiên nhà Thái Hằng, chú không có một kí ức nào đáng kể về ngôi nhà mà tôi đã từng lắng nghe Bee Gees, Abba, Barbra Streisand, Simon & Garfunkel trong căn phòng có cửa sổ nhìn ra gốc bàng của chú Khôi.

Don’t forget to remember me

And the love that used to be

I still remember you

I love you

In my heart lies a memory to tell the stars above

Don’t forget to remember me my love…

I love you.

I? You? Tôi? Thái Hằng? Chú Khôi? Anh Phan? Béo? Hàng xóm cũ? Những nẻo phố? Những ngôi nhà? Những dằng dặc ngày rất trẻ?

Tôi cũng không tiếc ngôi nhà của cụ Phán xưa. Trước hôm đi đứa bạn cho ngồi con xe mới mua chở lòng vòng các phố mới phố cũ tôi có ngang qua đó. Cả mặt tiền với những mái ngói duyên dáng chìa ra che những bao lơn song uốn mềm như những đài hoa khuất đằng sau một tấm bạt khổng lồ. Nghe đâu nhà mẹ anh Phan đã bán ngôi nhà cho chủ mới là đại gia nên cơ nghiệp ở tận vùng sâu vùng xa nào. Ông ta không vừa lòng với kiến trúc của ngôi nhà, quyết định đập đi sửa lại lấy chỗ cho tiền vào. Không biết cây mít sân sau mà ông trẻ tôi đã góp tay trồng trước ngày theo cụ Phán đi tản cư kháng chiến, cây mít mà ông bao năm trời băn khoăn có quả hay không có quả người ta có chặt đi không?

Có một thời buổi sáng mùa hè cuối tuần tôi hay theo chú cháu Thái Hằng dật dờ chính cái chỗ nhìn chéo qua nhà cụ Phán uống nước mía. Khi xe xít đờ ca của công an xồ tới, mấy cô gái ngồi cùng hàng đứng phắt lên chạy biến về phía ngõ Liên Trì tôi mới biết họ là gái điếm vừa xong ca đêm. Chị bán hàng tống cây mía vào máy ép, ngấc mặt nhìn qua anh bơm vá xe đạp gần đấy, trống không: Xào khô xào ướt cả đêm qua mà không nhấc đít chạy cho nhanh thì khéo cụt bố nó cả vốn tự có.

Thái Hằng cười phì phì. Chú Khôi liếc nhìn tôi, im lặng. Tôi nhìn sang bên kia đường. Tự hỏi hồi cụ Phán còn sống trong ngôi nhà kia con đường quanh hồ này có những người con gái như thế nào qua lại, đi mà không phải chạy. Chưa bao giờ tôi kể cho Thái Hằng biết ngôi nhà bên kia đường từng là của nhà tôi. Nếu chú Khôi biết, hẳn là chú sẽ hiểu vì sao tôi hay im lặng nhìn vu vơ sang đó. Giữa tôi và chú hẳn là…

Mặt trời buổi chiều xuyên qua tán lá hàng cây sữa sắp qua mùa. Hoa nắng rung rung trên những cái ô của những hàng quán giải khát ven hồ, trên gánh hàng rong tất tưởi vượt ngang đầu xe ô tô chúng tôi. Thằng bạn tôi vừa lái xe vừa văng tục. Tiếng Tây hẳn hoi.

Phố vẫn gió.

Comments are closed.