Phong trào

Lê Học Lãnh Vân

Sài Gòn bệnh là cả miền Nam đau.

Hổm rày, những câu chuyện người thật việc thật cứ làm nhói lòng và ấm lòng.

Anh thầy giáo chạy như con thoi mua gạo cho người thiếu gạo. Anh bán rau bán giá rẻ mà “ai xin thì cho”. Bà nhà góc đường đặt cái thùng bánh mì trước cửa nhà để ai cần lấy ăn “mỗi người lấy một ổ, ai đói quá lấy hai ổ”. Rồi những thùng nước đá lạnh rất dễ thấy ở những ngã tư, những thùng khẩu trang cho kẻ qua đường. Mấy ông bà khác lập chuỗi quán cơm hai ngàn đồng. Các chị thức khuya dậy sớm gom thức ăn ngoài chợ nấu hàng trăm, hàng ngàn suất cơm từ thiện…

Những việc làm xã hội như vậy hiện xảy ra khắp nơi ở Sài Gòn cần nhiều người chung tay, cho nên phải hô lên để nhiều người biết mà góp công góp của. Có ai chú ý tiếng kêu đó là tiếng kêu của công việc, của tập thể, chớ những người chủ trì, người tham gia thì nép mình không ồn ào xuất hiện trước đám đông. Lặng lẽ, kiên nhẫn và trách nhiệm, họ tham gia đều đặn không nề hà việc chi. Từ chị buôn gánh bán bưng bô lô ba la nói cười ha hả tới anh giáo sư đại học quen lịch sự nhẹ nhàng, họ đứng chung nhau với khuôn mặt thanh thản…

Đa số những người để mình bị cuốn theo công việc nhường cơm sẻ áo như thế, họ rất lặng lẽ, lặng lẽ một cách tự nhiên. Có thể vì bản tính thích lặng lẽ. Có thể vì lo việc, không có thì giờ và cũng không muốn mất thì giờ vào những việc khác để tập trung vào việc nhường cơm sẻ áo. Nhưng đa số lặng lẽ vì cái đạo lý truyền thống giúp người không cần và không nên nói ra. Bưng một tô cơm, xách một gói quà sang trao người hàng xóm đang khó khăn, người ta lựa khi vắng vẻ để người chung quanh không chú ý. Để người nhận không buồn tủi vì đang ăn nhờ. Người cho còn kể chuyện ngày xưa anh chị tặng tôi biết bao nhiêu, ngầm ý tôi đang trả cho anh chị chứ đâu phải tôi cho…

Được hàng xóm nhận chén cơm, gói quà chia sẻ thì người cho cám ơn. Cám ơn thiệt tình, vì người ta nhận là mình đạt mục đích giúp đỡ. Chữ cám ơn có thể nói ra miệng hay không nhưng cách dặn dò ân cần, cách hỏi han chăm sóc khiến người nhận ra tình bà con lối xóm giúp nhau thật lòng thật dạ…

Hơn ba trăm năm xưa, lưu dân người Việt, người Hoa (Minh Hương) tới đất này lập nghiệp khi chưa có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cùng với người Khmer tại chỗ, họ khẩn hoang trên vùng đất mới mênh mông rừng và mênh mông nước…

Dưới sông sấu quậy trên bờ cọp um…

Có khi cách ngày bơi xuồng mới gặp một xóm nhỏ vài nóc gia. Anh em nhớ nhau, bơi xuồng từ sáng sớm, lên nhà nằm võng, ăn bữa cơm rồi về. Ngó nhau thấy bình an là vui rồi, không cần lời đường tiếng mật!

Cái phảng, cây leng, họ ra đồng từ bửng mắt. Nhúm nhỏ người nương nhau, cần nhau là giúp nhau, cất nhà, tát đìa, cắt lúa… Giúp người cũng là giúp mình, là cuộc sống hàng ngày, giúp người hôm nay mai được giúp lại, có gì quan trọng mà phải khoe, phải kể công. Mà muốn khoe, muốn kể công cũng có mấy người nghe giữa bao la trời nước?

Cách sống đó tạo nếp làm nhiều nói ít, trượng nghĩa khinh tài, thích thực chất, ghét khoe khoang phách lác…

Những ngày Sài Gòn bệnh, Miền Nam bệnh, thấy tính chất của dân Miền Nam còn đậm đà trên vùng đất này. Họ ít nói bầu ơi thương lấy bí cùng mà bảo bọc nhau trong cơn hoạn nạn. Họ ít nói “nhiễu điều phủ lấy giá gương” mà người còn của ăn của để, còn sức khoẻ lúc này tuôn ra cho người khó khăn. Họ ít nói đền ơn đáp nghĩa mà đối nhau như chén nước đầy…

Cơn hoạn nạn, ai không cần giúp đỡ. Dù chưa cần lắm, thấy tình đồng bào cũng ấm áp lòng nhau. Dân Sài Gòn nói tui đang khó, ai giúp tui cám ơn để trong bụng, mà giúp thiệt tình nhe, đừng hô hào phong trào tui hổng ưa. Vùng đất này đâu thiếu rau củ, mấy tỉnh Miền Tây, Miền Đông, Tây Nguyên rau củ không vận chuyển về Sài Gòn được phải cày bỏ. Dân thiếu là bởi không được lưu thông phân phối, giúp thiệt tình là làm sao hàng hoá mấy vùng thông thương trao đổi nhau, chứ giúp bằng cách đem máy bay chở rau tận Miền Bắc vô tui hổng ưa, hổng ưa bởi thấy không thực chất. Mà cái gì không thực chất dễ làm người ta nghi nhau về động cơ lắm. Còn giả sử có ai muốn buôn bán thì cứ buôn bán, đừng nói giúp đỡ.

Lại thấy tỉnh này tỉnh nọ om sòm lập đoàn vô giúp Sài Gòn. Eo ơi, om sòm vậy tui hổng ưa, tự nhiên không có cảm tình!

Hổng ưa phách lác đâu phải hổng ưa dân Miền Bắc như một số người diễn dịch. Người Miền Nam nhớ khoảng đầu thập niên 1930 có một đợt dân Bắc kỳ vô sống đầm ấm với dân Nam kỳ. Năm 1954 một đợt cả triệu người bỏ Bắc vô Nam, nếp sống buổi đầu có khác nhau chút đỉnh nhưng giá trị căn bản như nhau nên rồi Nam Bắc chung tay xây dựng một nửa nước Việt Nam hướng về tự do, văn minh tiến bộ. Từ 1975 tới nay cũng có nhiều người Miền Bắc tới đây thì ở lại đây. Tui hổng phân biệt dân Miền Bắc, Miền Nam gì ráo trọi, ai cũng đồng bào, nhưng mà tui hổng ưa cái cách tổ chức chiêng trống rùm trời múa may dị hợm…

Hồi sau tháng 4/1975, say mê hai chữ Thống Nhất, anh sinh viên Miền Nam xông ra tham gia đội trật tự giao thông thành phố. Tuổi trẻ hăng hái, được đoàn thanh niên đề nghị viết báo công đọc buổi phát động phong trào gì đó. Ảnh thấy kỳ kỳ, mình có góp mấy công sức đâu, mà công lao mình nếu có thì chung quanh nhận xét chớ sao tự mình? Mắc cỡ miệng chết! Ảnh thắc mắc với anh bạn cán bộ thành đoàn, anh này nói cũng không ưa mấy cái phong trào, báo công. Bác Bắc kỳ di cư 54 nhận xét mấy cái phong trào, báo công kiểu đó lần hồi làm hư dân, ban đầu vừa làm vừa nói, rồi làm ít nói nhiều, rồi không làm mà nói…

ngày 18 tháng 7 năm 2021

L.H.L.V.

Comments are closed.