Quê hương ngay trở lại (kỳ 9)

Thụy Khuê

Trên đường ra Bắc

Rời Huế chúng tôi lên đường ra Bắc, nhưng hồn Huế vẫn còn đọng lại trong tôi suốt quãng đường dài. Bữa cơm Âm phủ tối qua, có món canh dưa chua và nhiều thứ bánh Huế tôi không nhớ hết tên, bánh nào cũng ngon, vừa ăn vừa tưởng đến Gia Long, ông vua hay nói tục, hàng ngày ra công binh xưởng kiểm soát, tự lái thuyền đi thăm xuởng đóng tàu ở Thị Nghè, trưa ăn cơm cá kho dưa muối với thợ. Nhớ chuyện Barisy (một người lính Pháp theo vua) kể lại: ngày đầu tiên quân tiến vào kinh đô, tối đó vua về thuyền ngủ và ra lệnh cho quân sĩ cũng phải ngủ trên thuyền không được nhiễu dân. Sáng hôm sau, tám giờ ngày 15/6/1801, vua chính thức lên Tử cấm thành, ông cũng không đi thẳng vào cung điện mà đứng ở phòng ngoài (nơi dân chúng tụ họp để chờ xem mặt vua những ngày thiết triều), ông đứng đó “đấu láo” với quân lính. Tôi chắc khi đã lên ngôi tôn, thế nào cũng có lúc vua lẻn ra quán Âm phủ ăn cơm canh dưa chua cá khô tộ. Tâm hồn Gia Long gắn liền với hai thứ Huế: Huế cung đình và Huế dân dã, và cũng chính là tâm hồn Huế mà tôi cảm nhận được. Nhiều lần tự hỏi không biết mình yêu nước là yêu cái gì và tôi không nhận ra cái gì chính xác cả.

Hôm đó, tôi yêu lắm cái quán ăn trong thành nội, có nhiều món ngon tuyệt, kể cả “nem công chả phượng” trước đây chỉ được đọc trong sách; chúng tôi lại được tiếp đãi như những người “hoàng phái”. (Hồi đi học, tôi có con bạn người Huế, phong cách rất sang, một hôm có đứa hỏi nó: trước tau ở Vỹ Dạ, mi ở đâu? Nó vênh váo: ta hoàng phái ở trong thành nội chớ đâu có chung đụng với bọn bây). Chừ bây giờ về Huế, tôi cũng được ăn “nem công chả phượng” trong “thành nội” y như… hoàng phái, cũng được ngồi ghế bành, được nghe các cô chiêu đãi Huế ngọt lịm thưa bẩm, chao ôi là thú vị. Tôi lại nhớ một hôm khác, tại Institut Franco-Vietnamien ở khu La Tinh (nơi sinh viên Việt chúng tôi thường ở trọ hoặc thuê phòng nghỉ hè) vẫn con bạn hoàng phái đó, nó ở chung với mạ nó, bà là mệ, mới ở Huế sang chơi. Tôi phục lăn vì thấy nó một điều bẩm mệ, hai điều bẩm mệ (tôi con nhà dân làm chi biết lễ phép như thế). Một hôm đi ngang qua phòng nó, không biết hai mẹ con cãi nhau cái gì, tiếng Huế người ngoài nghe không thể hiểu, bỗng phắt cái nó giơ tay tát mệ nó ngã chúi xuống đất, tôi giật bắn mình, từ đó tôi đề phòng cái bẩm của nó. Nhưng mà tôi vẫn mê tiếng Huế và tôi hiểu ra rằng mình yêu nước là yêu cả cái hay lẫn cái dở.

Sông Hương tuyệt vời, khúc nào cũng đẹp như người thiếu nữ khoả tấm thân toàn mỹ cho đất trời thưởng lãm. Ngắm sông Hương, tôi mới hiểu tại sao tranh Lê Bá Đảng, dù hữu hình hay trừu tượng, luôn luôn có bóng mỹ nhân thấp thoáng ẩn hiện: tôi đoán ông đã “biết” sông Hương từ thủa còn thơ, từ trong tiềm thức, từ khi ông chưa ra đời. Bởi người nghệ sĩ thiên tài luôn luôn khác ta vì họ cảm những điều ta không hề cảm thấy.

Rồi tôi cũng phải rời Huế. Đi ngang Quảng Trị, Gio Linh tôi không dám ghé. Bởi từ đã bao giờ, hai chữ Gio Linh làm tôi thấy pháp trường, thấy bà mẹ ôm đầu con vừa rụng. Tiếng trống tùng bi li trong nhạc Phạm Duy, tiếng Thái Thanh oan nghiệt cất lên loan tin sét đánh: Quân thù đã bắt được con. Đem ra giữa chợ cắt đầu. Hò ơi, ới hò! đã đi vào tiềm thức của tôi, cũng giống như sau này tôi trót đọc Phan Nhật Nam nên hai chữ Quảng Trị in trong đầu tôi một đại lộ kinh hoàng không sao rửa được. Tuy vậy, con lộ u uất của Phan Nhật Nam hay bi kịch Hy Lạp Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy, tôi còn tìm cách tránh được nhưng có một cái ảnh nhỏ của con bạn gởi cho tôi hồi năm 80 thì tôi không làm cách nào tránh nó được.

Nó là con bạn tôi yêu nhất, tôi chưa thấy ai đẹp hơn nó trên đời, nó tên Hằng, không chỉ hằng, lại còn mỹ hằng, người nó dong dỏng cao, chân dài như chân người mẫu, tóc nó đen nhánh. Hồi nhỏ nó cắt tóc Nhật Bản, lớn lên nó để dài, búi cao sát gáy lộ cái cổ ba ngấn Grace Kelly, mắt nó đúng là mắt bồ câu (dù tôi chưa thấy rõ mắt bồ câu bao giờ), nhìn mắt nó đã lắm, tôi bảo nó: mày đẹp nhất trần gian, nó cười khanh khách đừng xạo mày. Học hết tiểu học nó ở nhà trông cửa hàng cho mẹ, mấy năm sau có ông bác sĩ hỏi, mẹ nó gả ngay cho ăn chắc, nó sinh năm một, bốn thằng con trai liền tù tì, hai đứa sau tôi đã đi Pháp, nó gửi hình sang, tôi thần mặt nhìn: con nhỏ này lạ quá, sanh bốn con mà sao vẫn đẹp như tiên. Sau Bảy lăm, chồng nó tắm biển chết đuối, một mình nó chạy vàng cho bốn thằng nhóc tì vượt biển dần với gia đình, nó bảo: cho ăn chắc đã, rồi tao đi sau.

Một hôm tôi nhận được tấm hình căn cước của nó, sau ảnh đề: gửi mày, có chuyện gì nhớ cúng tao nghe. Tôi giật thót mình: Ôi cái con cà chớn tối ngày chỉ nói dại. Phỉ phui phỉ phui. Rồi tôi tự trấn an: chắc không sao, không sao, nó bơi giỏi, lại thông minh, thế nào cũng thoát. Nhưng rồi biệt tin. Một thời gian sau tôi bắt đầu nằm mê, mỗi đêm nhắm mắt là nó hiện về, vật vờ trên sóng, tóc xoã như thuỷ thần, mắt đẫm lệ nhìn tôi mà không nói, có lúc nó lại bảo cứu tao với cứu tao với, dù nó nói hay làm thinh tôi cũng không thể nào vớt nó lên được, tay tôi càng chạm gần tay nó thì sóng càng xô nó xa ra, xa ra…, tôi sống với nó vật vờ trong nhiều năm tháng, tôi rủa thầm những câu thơ người đẹp vẫn thường hay chết yểu.

Sau này tôi thân và quí anh Đảng vô cùng vì tranh anh có ở trong.

Chúng tôi qua cầu Hiền Lương, dừng lại chụp ảnh, nhưng tôi không thấy một cảm giác gì đặc biệt, nước sông cũng không làm tôi xúc động. Khi vào tới địa phận Đồng Hới, ngủ đêm ở cửa Nhật Lệ, tôi mới thấm thiá ám ảnh sông Gianh. Đêm đó tôi vừa nhắm mắt lại hiện ra, nhấp nhô trên sông, không làm thinh, không cầu cứu và cũng không một mình, nó đi cùng, thực ra nó kéo theo trên sông câu thơ đây sông Gianh đây biên cương thống khổ, đây sa trường đây nấm mộ trời Nam của Đằng Phương trong bài học thuộc lòng mà thủa bé chúng tôi cùng học. Rồi mảnh thành Đồng Hới đen ngòm hiện ra chắn ngang sông, gạt chúng tôi khỏi những dấu tích cuối cùng của trận Trấn Ninh-Nhật Lệ.

Quảng Bình tôi được thấy lần đầu trong mộng và trong đời, phong cảnh vô cùng ngoạn mục, núi non trùng điệp với các hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường… những kỳ quan của đất nước ta.

Bấy giờ tôi mới thấy yêu tiếng nước tôi như Phạm Duy. Phan Khôi có lúc sính Tây lắm, ông khen Tây cái gì cũng hay, đòi bỏ cả lối xưng hô của ta, theo kiểu Tây, nghiã là chỉ vous, toi, moi thôi, ông cho tiếng ta phiền phức quá, nào: ông, bà, bố, mẹ, thầy, u, con, cháu, chú, bác, cô, dì… người ngoại quốc không biết đâu mà rờ. Tôi chả phục cụ Phan tý nào, tôi thấy tiếng mình hay tuyệt. Bước chân về xứ, được nghe ai gọi mình là cô, bác, thân ái làm sao. Lạ hơn nữa là bọn trẻ ngày nay họ anh anh em em tỉnh bơ. Cậu guide đi đến đâu hỏi thăm đường đất là: em ơi, cho anh hỏi cái này nhé! Thế thì làm gì người em được hỏi chả thích, nhất là người anh lại dễ thương và người em cũng xinh lắm. Thời trước chúng tôi nào dám thế, ngượng lắm, thủa ban đầu phải cô cô tôi tôi đã chứ, cả bên Tây cũng vậy, có đâu dám tutoyer (mày tao) ngay lúc đầu gặp gỡ. Lối xưng hô của ta cho biết rõ vị trí người nói đối với người nghe, họ hàng thế nào, độ thân sơ ra sao. Mới nghe lời xưng hô là ta đã biết được nửa phần tình ý. Con gái tôi sinh ở Pháp, có việc về Việt Nam, hỏi nó về nước thích nhất cái gì, nó nói cách xưng hô, làm cho người ta có thiện cảm với nhau ngay. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu (ví dụ để ký giao kèo, bàn khế ước) thì đó là bước đường dẫn đến sự hoà hợp trước. Việt kiều như tôi ở ngoại quốc về, ra khỏi phi trường là ấm lòng ngay, qua lời đầu tiên người tắc-xi hỏi: cô về đâu?

Tôi đọc đâu đó có những câu hỏi, đại ý: bạn thích nhất cuốn sách nào? Nếu bị đày ra một hoang đảo thì cuốn sách duy nhất bạn mang theo là gì? Phần lớn các nhà văn, nhà thơ của ta khi trả lời đều nhất loạt kể tên một cuốn sách, một tác giả ngoại quốc, kể cả những người không đọc được tiếng ngoại quốc mới kỳ. Thế là tôi lại ngộ ra: sự “trì trệ” của văn học hiện nay (nếu quả có trì trệ), không phải vì bị o ép (ở hải ngoại không ai bị o ép) mà là vì các nhà văn nhà thơ nước ta khinh tiếng mẹ đẻ. Tôi chẳng thấy nhà văn Pháp nào khi hỏi họ thích ai nhất, họ lại nói thích James Joyce. Chẳng phải vì họ tự tôn mà chỉ vì đọc sách ngoại ngữ không thấu, không thấm, không sướng. Bạn tưởng tượng, ngồi dưới gốc cây đa mát mẻ, mà vớ được đoạn Hồ Biểu Chánh tả thằng nhỏ gọi con heo: “Quắn, quắn ột! Quắn ột, ột, ột… Con heo núc ních đi lại” hoặc đoạn Khái Hưng tả Ngọc bám riết chú tiểu Lan chạy đàn trong sân chùa Long Giáng, thì khoan khoái biết là nhường nào. Tôi chỉ mới mơ hồ cái cảm giác: đọc Hồ Biểu Chánh phóng tác khoái hơn đọc Victor Hugo nguyên tác, thì chợt bắt gặp ông Hồ Hữu Tường cũng viết một câu hệt như vậy, mà ổng nghĩ ra trước mình đến hơn nửa thế kỷ, hoá ra mình chả nghĩ được cái gì hay ho, người xưa nghĩ trước cả rồi.

Lại nói chuyện dịch, dĩ nhiên là phải dịch, nhất là những sách có tư tưởng tiến bộ, nhưng tư tưởng thì còn có thể dễ dịch chứ văn, thơ lại khác. Một hôm tôi cầm bản dịch tiếng Pháp cuốn kịch của Shakespeare, đang lẩm nhẩm đọc, con cháu ngoại đi qua liếc nhìn, nó cười khà khà phát biểu một câu xanh rờn: bà đọc Shakespeare phải đọc tiếng Anh chứ tiếng Pháp thì có ra gì! Thế là tôi lại ngộ thêm: sách dịch ở đâu cũng bị sái cả, mà ở nước mình thì sái hơi nhiều. Có bận tôi cầm sách của một dịch giả lớn ở Hà Nội, đọc không hiểu, phải cầm bản chính so sánh mới đoán ra. Tuy nhiên cũng không thể không dịch. Nhưng nếu nhà văn nước ta, trong nước và hải ngoại nhất loạt, đều khinh tiếng mẹ đẻ cả, hoặc chỉ thích đọc văn dịch thôi, thì có nguy cơ trì trệ thật đấy, vì văn là tiếng nói, mà chỉ tiếng mẹ đẻ mới đi vào lòng người, văn dịch, nhất là dịch dở nó sậm sực như ăn cơm sạn. Bây giờ lại có phong trào dịch sát văn bản nữa (nghĩa là phải giữ đúng câu, chữ, y như bản chính, không đổi trật tự), thì cái sự “trung thành” này thường sản xuất ra những câu văn cực kỳ ngô nghê, nó không phải tiếng Việt nữa, bạn mà viết thứ tiếng ấy thì rung động được ai? Ngay cả như sách dịch hay, ngay cả như đọc được nguyên bản, thử hỏi đứng trước sông Gianh, nhìn sóng biển Sầm Sơn, ngắm Thành Nhà Hồ, tôi có thể rung động gì với câu văn Kafka, Proust?

Tôi để ý bây giờ người mình biết xếp hàng, từ khi còn ở miền Nam, tôi cũng không biết xếp hàng, đi xinê là cứ chen nhau nứt ngực mua vé. Khi sang Pháp thấy người ta xếp hàng trật tự, tôi xấu hổ lắm. Nay mình bỏ được cái tật ấy cũng là hay. Khi tôi về Hà Nội lần đầu năm 1984, con nít nói tục và chửi bậy kinh hồn, bây giờ cũng hết rồi, con nít lễ phép như trẻ em các nơi khác, cũng lại mừng. Trẻ con bây giờ nó lại rất tự nhiên. Hôm tôi đi ở động Thiên Đường, động này mênh mông, trùng điệp, như thể tất cả những hình thái trên trái đất đều được dựng lại trong động, giống như kiểu Hạ Long, chưa hết đảo này đã đến đảo khác, như Đế Thích, chưa hết đền này đã đến đền khác. Tôi đang mò mẫm leo thang trong động âm u, bỗng có tiếng con nít cười ròn rã: Ha ha, bà lão sáu mươi giỏi qua ta, leo trèo tỉnh bơ! Bố nó mắng: Suỵt! Khẽ chứ! Hỗn nào! Tôi cải chính ngay: Ê, tao bảy lăm đó mậy, coi chừng nghe. Nó dề môi phê bình: Bảy lăm ăn gì mà khỏe thế?… Tôi thấy con nít bây giờ nó dân chủ hơn, nghiã là nó không sợ người lớn như chúng tôi, thời trước nhát lắm chả dám kháo hót với người lạ.

Guide và tài xế từ Hội An đi Vinh rất tốt, giống như guide trong Nam, chiều khách và thân thiện như người nhà, chúng tôi chia tay với họ ở Vinh. Chỉ ở Nha Trang là hơi bị một anh guide “bóc lột” chút đỉnh, có lẽ vì thành phố này nhiều khách du lịch. Từ Vinh ra Bắc là một ê-kíp khác từ Hà Nội vào đón, ê-kíp này cũng rất tốt, xả thân, chiều khách, luôn luôn hỏi: chỗ này cô xem chưa? Em ấy muốn cho khách xem hết những gì trên đường đi, ngoài chương trình, mặc dù trời sắp tối. Bên Tàu, guide giỏi lắm nhưng cứ đến 4, 5 giờ chiều là họ thu xếp cho mình tới chỗ mua đồ, thả đó một hai tiếng, rồi dẫn về khách sạn. Còn ở Nhật guide đắt lắm, đến nỗi hãng du lịch phải mang guide từ Pháp sang. Nước tôi có guide giá phải chăng, lương thiện, hết lòng với khách, điều này rất quý.

Chúng tôi theo quốc lộ số một, đi ngang tầm 99 ngọn Hồng Lĩnh về Vinh, cốt xem dấu vết Phượng Hoàng Trung Đô của Quang Trung. Tôi hơi thất vọng trước một Phượng Hoàng Trung Đô mới xây trên nền di tích xưa, trên núi Dũng Quyết, còn gọi là núi Quyết tức Phượng Hoàng, một trong những đỉnh cuối cùng của rặng Hồng Lĩnh. Đền đài mới xây chưa bắt được hồn cốt Quang Trung, giống đền Tam Kiệt ở Quy Nhơn, lớn mà trơ. Từ biệt Vinh, chúng tôi đi Thanh Hoá.

Thanh Hoá có Sầm Sơn với hòn Trống Mái, đối với người khác có lẽ chỉ là một bãi biển thông thường, nhưng với tôi có một ý nghiã thiêng liêng: Sầm Sơn là bối cảnh tiểu thuyết Trống mái của Khái Hưng. Mà Trống mái là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi của văn học Việt Nam thực sự lấy biển làm bối cảnh cho mối tình giữa Hiền, một cô gái tỉnh thành tự do và Vọi một thanh niên chài lưới. Biển mở cửa cho Hiền về phía Vọi. Vọi đẹp như một thiên thần Hy Lạp. Vọi thuộc lòng thế giới thuyền chài, đánh khơi, đánh lõng, đánh rút… Vọi là bạn của đủ loài cá: Cá ó, cá sũ, cá vược, cá râu, cá bạc, cá thu, cá nhám, cá quịt, cá mập, cá nhà táng… Vọi dẫn Hiền vào những ngõ ngách của núi Đương Trèo, khe Thờ, hòn Buồn, núi Gầu Cao, núi Con Voi, núi Đầu Câu, núi Mê, hòn Đá Lớn… Vọi gợi cho Hiền tham dự vào đời sống thiên nhiên, hiểu bí mật của biển, của núi, của mây, nước với những sinh vật và thực vật lạ lùng. Khái Hưng đã nhìn thấy chiều cao của môi sinh, môi trường, rất sớm. Chiều hôm ấy, chúng tôi đi theo Vọi và thấy lại được thế giới thuyền chài, đúng như Khái Hưng mô tả tám mươi năm về trước, chúng tôi theo Vọi vào những ngõ ngách dẫn đến hòn Trống Mái.

03-HonTrongMai

Hòn Trống Mái

Sầm Sơn cũng là nơi Lê Thị Lựu dẫn hướng đạo sinh đi cắm trại, vẽ tranh những năm 30, tôi còn giữ nhiều hình ảnh của bà thời ấy. Sầm Sơn cũng là nơi Tự Lực Văn Đoàn đi nghỉ mát, tìm hứng sáng tác. Nơi đây họ đã sống, đã picnic, đã làm cách mạng, đã bàn nhau những kế hoạch tranh đấu bằng ngòi bút, bằng tiểu luận, bằng biếm hoạ, trên Phong Hoá, trên Ngày Nay. Họ đã thiết lập chương trình bạo động chống Pháp cho Quốc Dân Đảng. Tôi nhìn thấy Nguyễn Gia Trí vung bút lông vẽ phiếm trên nền trời, thấy Hoàng Đạo hùng hồn biện hộ cho tự do trên bãi cát, tôi nghe thấy tiếng cười của họ vang bên ghềnh đá, tiếng họ cãi nhau trong buổi hoàng hôn. Chiều nay.

02-BaiBienSamSon

Bãi biển Sầm Sơn

Thanh Hoá còn sừng sững Thành Nhà Hồ, vết tích của một kiến thiết thời Trung Cổ, của một triều đại văn minh rất xa, mà chúng ta chưa thực sự khảo sát đến nơi đến chốn. Tôi không hiểu rõ về kiến trúc, nhưng đứng dưới chân Thành Nhà Hồ, tôi “dám chắc chắn” là những thành đất xây ở nước ta dưới thời Gia Long như Gia Định, Diên Khánh, đều chịu ảnh hưởng lối đắp Thành Nhà Hồ: tường đất dầy, toả ra như chân vại. Thành Nhà Hồ còn được đệm đá, vững chãi, bất di bất dịch, như đất nước tôi.

01-ThanhNhaHo

Thành Nhà Hồ

Rời Thanh Hoá chúng tôi lên Ninh Bình. Ninh Binh và Hạ Long là hai nơi thuộc miền trung du được thiên nhiên ưu đãi nhất: Hạ Long nổi tiếng khắp năm châu, còn Ninh Bình có Hạ Long cạn (Tam Cốc, Bích Động, Hoa Lư), có vườn Cúc Phương, nhà thờ Phát Diệm… tất cả quy trong một diện tích nhỏ nhiều kiệt tác của thiên nhiên và con người.

Đáng tiếc nhất là khu chùa Bái Đính đồ sộ của một tỷ phú muốn xây công trình “để đời”, cái gì trong khu này cũng đạt kỷ lục “nhất thế giới” cả. Riêng tôi thấy rõ sự ngông cuồng và thô thiển “nhất thế giới” đã làm át đi Bái Đính cổ tự cách đó 800 mét về phiá Nam. Bái Đính có nghiã là cung kính hướng về núi Đính, nơi thường có tế lễ quan trọng của triều đình. Chùa cổ, nhỏ nhưng có giá trị lịch sử lớn, vì là ngôi chùa đầu tiên do thiền sư Không Lộ xây từ đời nhà Đinh, trước khi ông xây những chùa Cổ Lễ và Non Nước. Chưa kể khu Bái Đính mới này còn choán nhiều diện tích thiên nhiên của vùng đồi núi Ninh Bình thuần danh lam thắng cảnh bậc nhất đất Bắc.

Nhà thờ Phát Diệm ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là một kiệt tác. Nhưng oái ăm thay lại do một người phản quốc xây nên, đó là linh mục Trần Lục hay Cố Sáu, cai quản địa phận Phát Diệm. Năm 1883, ông giúp quân Pháp 150 tay súng chiếm thành Ninh Bình do vua Minh Mạng xây năm 1823. Năm 1887, ông huy động 5.000 giáo dân tích cực giúp quân Pháp tiêu diệt chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng. Ông được Pháp tặng hai Bắc đẩu bội tinh. Nhà thờ Phát Diệm là công trình giao lưu văn hoá thuần tuý ở mức độ cao nhất mà đạo Gia-Tô thực hiện được qua thiên tài Trần Lục. Ông đã bỏ ra khoảng 20 năm để xây dựng khu nhà thờ với hình thái và tâm hồn nhà chùa, một kiến trúc lương-giáo độc đáo, bằng đá và gỗ lim, với sự góp công góp sức của bao ngàn giáo dân. Nhưng ông cũng đã hà hiếp con chiên, ông đã bị Phan Đình Phùng lúc còn làm quan, nọc ra đánh.

04-NhaThoPhatDiem

Nhà thờ Phát Diệm

Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể gồm ba kiến trúc chính: Nhà thờ đá ở phiá sau, xây xong năm 1883 toàn bằng đá, bên trong có các bức chạm trổ mai lan cúc trúc, phù điêu, sự tích Thánh kinh, rất tinh vi bằng đá.

06-TuongNhaThoDa

Một bức chạm đá ở nhà thờ Phát Diệm

Giữa là Nhà thờ chính (1891), trong có 48 cột gỗ lim nguyên khối lừng lững, vòm cao thanh thoát, trang nghiêm vẻ thần thánh phương Đông. Bên ngoài lợp ngói trông như đình làng. Trước cửa nhà thờ chính là Phương Đình tức tháp chuông (1899), cao ba tầng, hùng vĩ, đồ sộ, là dấu ấn của cả quần thể, có những mái nhỏ cong vút như mái chùa, đình.

07-TranNhaThoDa

Trần nhà thờ đá Phát Diệm

Nhà thờ Phát Diệm là sự kết tinh giữa phản bội và xây dựng, đã băng lại và đã xoá đi những chấn thương do quân đội thực dân gây ra với sự tiếp tay của các giáo gian như cha Trần Lục.

05-NhaThoPD-PhuongDinh

Phương Đình nhà thờ Phát Diệm

Chùa Cổ Lễ ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, là một tuyệt tác khác. Về mỹ thuật có những điểm tương tự nhà thờ Phát Diệm. Chùa thật hoành tráng đối với khu làng nhỏ bé Cổ Lễ. Chùa lưu trữ lịch sử Phật giáo. Tương truyền có từ thời Lý Thần Tông (1116-1138) do Khổng Minh Không (tên thật là Nguyễn Minh Không) tức Lý Quốc Sư, tức thiền sư Không Lộ xây. Năm 1902, chùa được hoà thượng Phạm Quang Tuyên trùng tu theo kiến trúc lương giáo hiện nay: trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 mét, phong cách gô-tích, tháp đặt trên lưng rùa nằm ở giữa hồ, đầu rùa chầu chính điện. Trong chùa có thư viện đá, gồm các văn bia lịch sử mà tôi không đọc được một chữ, để biết nội dung nói gì. Sau lưng chùa, có hồ lớn, giữa hồ ngự trị Đại Hồng Chung, chuông lớn nhất Việt Nam, nặng chín nghìn cân do hòa thượng Thích Thế Long cho đúc năm 1936.

08-ThapGoTichChuaCoLe

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa

09-RuaDoiChanThap

Rùa đội chân tháp

10-DaiHongChung

Đại Hồng Chung

11-ThuVienDa

Thư viện đá

12-ChuaSau

Chùa sau

Hai kiến trúc lương giáo Phát Diệm và Cổ Lễ, xuất xứ khác nhau, thể hiện tinh thần đạo giáo đồng quy hoà hợp, đứng vững với thời gian, vượt trên những tranh chấp của con người.

Điều đáng chú ý sau cùng khi bạn đến thăm vùng Ninh Bình (hay Hạ Long cạn) tuyệt vời này là nay không còn phụ nữ chèo thuyền bán khăn thêu cho du khách, níu kéo như van xin họ bố thí mua cho một món hàng, thật đáng thương và cũng muôn phần nhục nhã, bởi nghèo mà phải như vậy. Bây giờ không còn nữa, chỉ có những người phụ nữ chèo đò, luân phiên nhau, đúng giờ ra làm việc.

Tôi sinh ra đời đã có ăn mày. Lúc nhỏ ở Hà Nội, bước ra khỏi cửa là thấy ăn mày. Nhưng tôi quen đi, vào Sài Gòn cũng thế, tôi cũng quen đi. Nhưng khi từ Pháp trở về nước lần đầu, tôi không quen nữa. Tôi không dám đi ăn hàng ngoài phố, sợ thấy mấy đứa nhỏ chực chờ mình ăn xong là chạy lại húp ngay bát nước dùng còn thừa. Tôi biết đó chỉ là sự hèn nhát nhắm mắt không dám nhận diện sự thực. Kỳ về năm 1984, gay go hơn nữa, tôi như con giun bị giẫm, quằn quại một mặc cảm phạm tội, nghĩ đến những bữa ăn mừa mứa bên Pháp. Khi ra Hà Nội, tôi không nuốt được nữa, bộ tiêu hoá quyết định đình công. Năm 1993 trở về tình hình đã khá hơn, nhưng toàn bộ đất nước đi đâu cũng vẫn còn thấy còn ăn mày, chùa Non Nước như một ngọn núi Cái bang rách rưới tua tuả che lấp tất cả cảnh đẹp thiên nhiên. Năm 1997, tình trạng đã khá hơn, tuy vẫn còn ăn mày. Nhưng lần này về vịnh Hạ Long không thấy những cánh buồm nâu rách tơi tả móc trên những chiếc thuyền mục nát chao đảo cả gia đình nheo nhóc, nài nỉ níu kéo khách du mua cho dăm ba con cá, con tôm. Tôi hỏi anh guide, những thuyền đó đâu rồi? Anh bảo: họ vào thành phố sống cho con cái đi học cả rồi cô ạ. Tôi cũng đã đi vào các hang cùng ngõ hẻm, lên vùng núi đồi heo hút ở các bản Mường, Thổ, sâu, xa gần biên giới, chỗ núi tai mèo hiểm trở, ít ai đi tới, gặp hai chị em đứa trẻ bán hoa rừng, tôi cho nó mấy đồng, nó xua tay không lấy, nó bán hoa chứ không ăn xin. Tôi mừng chảy nước mắt: Từ lúc tôi sinh ra đến bây giờ nước tôi mới không có ăn mày. Nước tôi không có ăn mày. Nước tôi không còn ăn mày.

Thụy Khuê

(Còn một kỳ nữa)

Comments are closed.