Quê hương ngày trở lại (kỳ 4)

Thụy Khuê

Phú Yên

Cristoforo Borri

Từ Nha Trang chúng tôi đi dọc bờ biển Phú Yên lên Quy Nhơn, qua Vạn Giã, Đại Lãnh, Tuy Hòa… cảnh đẹp vô cùng, bao ghềnh đá, đầm, vịnh, mỏm, bãi… không bút nào tả hết được.

Phú Yên là vùng đất địa đầu phía Nam mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1600-1613) đã chinh phục đầu thế kỷ XVII. Biên giới phía Nam lúc bấy giờ tới Đèo Cả. Năm 1611, Nguyễn Hoàng mới đặt phủ Phú Yên, cho Văn Phong (không rõ họ) làm Lưu thủ. Năm 1629, dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), Văn Phong làm phản, bị Nguyễn Phước Vinh (con trai Mạc Cảnh Huống và con rể Chúa Sãi, vì có công nên được đổi thành họ Nguyễn Phước) dẹp tan. Chúa Sãi lập thêm Trấn Biên (Khánh Hòa ngày nay). Nhà thờ Hà Dừa ở Nha Trang, có phong cách của những nhà thờ đầu tiên trên đất Việt (theo sự mô tả của giáo sĩ Cristoforo Borri ở dưới) vì có những cột toàn bằng gỗ lim, thổ sản vùng này.

Gành Đá Điã ở Phú Yên là một thắng cảnh rất lạ, đó là một quần đá, có đến hàng vạn điã đá chồng chất lên nhau, với những hình thù kỳ dị ngoạn mục.

BaiBienDaiLanh

Bãi biển Đại Lãnh

VungRo

Đầm Ô Loan dưới chân đèo Quán Cau thuộc địa phận huyện Tuy An, Phú Yên

GhenhDaDiaGành Đá Điã

Nhưng về di tích tôn giáo, đáng kể là nhà thờ Mằng Lăng.

Nhà thờ Mằng Lăng ở Phú Yên, không cổ như Hà Dừa, nhưng bên cạnh nhà thờ có một cái hang là nơi thờ phụng á thánh André Phú Yên và lưu trữ một bản cuốn sách song ngữ Việt-La Cathechismus (Phép giảng tám ngày) của Alexandre de Rhodes, xuất bản tại La Mã năm 1651. Tinh Việt in lại tại Sài Gòn năm 1961. Bản lưu trữ ở đây là bản in ở Sài Gòn, những chữ quốc ngữ cổ đã bị sửa, không viết theo bản gốc, nên đối với việc nghiên cứu ngữ học, không có nhiều giá trị.

Nhà thờ Mằng Lăng lập trên địa phận được coi là quê hương của á thánh André Phú Yên, người thầy giảng bị tử hình đầu tiên ờ Đàng Trong. André là tên thánh, Phú Yên là tên quê quán. Sau này linh mục Cadière tìm được tên Lý, không biết là tên hay họ, sẽ nói đến sau. Nhưng ở Phú Yên, người ta không tìm được tên thật của người thầy giảng Việt Nam đầu tiên bị hành hình ngày 26/7/1644, ở tuổi 19, tại Thanh Chiêm (Dinh Chàm) thủ phủ tỉnh Quảng Nam (nay không còn nữa, nhưng thuộc điạ phận Phước Kiều, Hội An), mà Alexandre de Rhodes đã tham dự, và ông viết bài tường thuật việc này để đánh động dư luận và ông đem thủ cấp của André về La Mã để báo cáo với Giáo hoàng tình trạng người Việt muốn theo đạo, nhưng các chúa Đàng Trong và Đàng Ngoài đán áp dã man, và đây là chứng cớ.

NhaThoBangLang

Nhà thờ Mằng Lăng

Gần đây có phong trào tôn vinh tột độ Alexandre de Rhodes, coi ông là cha đẻ của chữ quốc ngữ, đã mở mang đầu óc cho dân ta, nhờ chữ quốc ngữ mà ta đến được với thế giới bên ngoài, tiếp thu được văn minh Tây phương… Người ta tổ chức đi hành hương sang Iran, đến viếng mộ Alexandre de Rhodes như đi lễ Đền Hùng, đền Đức Thánh Trần…

Vì vậy cần tìm hiểu lại xem Alexandre de Rhodes là ai? Ông có công gì với nước Việt và người Việt? Nhưng muốn hiểu rõ hành trình của de Rhodes, phải trở lại giai đoạn trước khi de Rhodes đến Đàng Trong, tức là thời kỳ đầu tiên đạo Thiên Chúa truyền vào Việt Nam và sự phát sinh ra chữ quốc ngữ.

Bài viết này chia làm hai phần: Phần đầu trình bày Ký sự của giáo sĩ Cristoforo Borri (1583-1632), người đến Đàng Trong năm 1618, và là tác giả duy nhất mô tả kỹ càng xã hội Đàng Trong thời chúa Sãi và thời kỳ truyền giáo đầu tiên ở nước ta, giai đoạn trước khi Alexandre de Rhodes (1651-1660) đến Đàng Trong (12/1624). Phần thứ hai, trình bầy hành trình của Alexandre de Rhodes ở Đàng Trong và Đàng Ngoài và sự vận động của ông với Roma sau khi rời Việt Nam.

BiaSachKySuDangTrongCua BORRI

Ký sự Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri

1- Cristoforo Borri

Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá (1558), ông lập Dinh ở Ái Tử rồi sau đổi đến Trà Bát (1570), thuộc Quảng Trị, gọi là Cát Dinh. Lúc đó không gọi là kinh đô, vì kinh đô là Đông Kinh (tức Thăng Long) mà người Âu phiên âm thành Tunkin rồi Tonkin, nơi vua Lê ngự. Nguyễn Hoàng còn trở lại Bắc năm 1569, chầu vua Lê và năm 1572, viếng Trịnh Kiểm mất. Năm 1593, ông lại ra Bắc giúp Trịnh Tùng dẹp nốt dư đảng nhà Mạc, rồi bị Trịnh Tùng cầm chân ở Bắc trong 8 năm (1593-1600). Trong thời gian này, con trai thứ sáu của ông là Nguyễn Phước Nguyên quản trị Thuận Hoá và Quảng Nam. Năm 1600, Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hoá, giữ khoảng cách với miền Bắc, xưng chúa tức Chúa Tiên (1600-1613). Sau khi ông mất, Nguyễn Phước Nguyên lên ngôi tức Chúa Sãi (1613-1635). Đến năm 1626, Chúa Sãi mới lập Phủ ở Phước Yên, thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Khi Cristoforo Borri đến Đàng Trong, năm 1618, thì chúa Sãi chưa ở Huế, mà chắc cũng không còn ở Quảng Trị nữa, vậy có lẽ ông ở Dinh Chàm, là thủ phủ Quảng Nam, nơi con trai trưởng của ông là Nguyễn Phước Kỳ làm Trấn Thủ.

Khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong, lần đầu vào cuối năm 1624, chúa Sãi vẫn còn sống, nhưng khi ông đến Đàng Trong bốn lần sau, từ 1640 đến 1645, thì đã sang thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), con trai chúa Sãi.

Như ta đã biết, trước thế kỷ XVII, đã có những giáo sĩ đến Việt Nam, nhưng không có chủ đích truyền giáo và cũng chỉ ở một thời gian ngắn nên chưa có đạo Gia Tô ở Việt Nam. Đạo Gia Tô chỉ bắt đầu phát triển khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Touran (tức Tourane, Đà Nẵng) năm 1615. Tháng 3/1626, tức là 10 năm sau, giáo sĩ dòng Tên người Ý Giuliano Baldinotti mới đến Tunkin (Đông Kinh).

Ba giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong là: linh mục Francesco Buzomi (Ý), linh mục Diego Carvalho (Bồ) và thầy giảng Antonio Dias (Bồ), đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18/1/1615.

Francesco Buzomi (1576-1639) ở Đàng Trong lâu nhất, ông đã xây dựng nền móng đạo Thiên chúa, ông dựng ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng, nhưng ông không nói được tiếng Việt, phải giảng đạo qua thông ngôn. Năm 1639 chúa Thượng Nguyễn Phước Lan phái ông về Macao lo công việc cho chúa, rồi ông bị bệnh và mất ở Macao năm đó.

Diego Carvalho (1576-1624) chỉ ở Đàng Trong một năm, năm 1616, ông trở về Nhật truyền đạo, và theo lời kể của Borri, ông bị ném xuống hồ nước lạnh, dầm gió tuyết, chết cóng ngày 22/2/1624, tại Nhật.

Antonio Dias (Bồ) ở lại Đàng Trong đến 1639, thì bị chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất.

Sau khi Carvalho sang Nhật, Francesco Buzomi ở lại Đàng Trong với người trợ giảng, ông đã ráo riết hoạt động và đã thành công: xây được nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng. Macao bèn gửi linh mục Francesco de Pina (1585-1625) người Bồ, sang trợ giúp. Francesco de Pina, là người Âu châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt, ông đã theo cách ghi lại tiếng Nhật của các giáo sĩ Dòng Tên ở Nhật, để viết tiếng Việt theo mẫu tự la tinh (a, b, c….). Theo linh mục Đỗ Quang Chính, năm 1620, các tu sĩ dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một cuốn sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”. Chính Francesco de Pina đã dạy de Rhodes tiếng Việt khi ông này đến Đà Nẵng tháng 12/1624. Ngày 15/12/1625 linh mục de Pina bị chết đuối ở Vịnh Đà Nẵng, thi hài ông được đem về chôn tại Đà Nẵng.

Francesco-De-Pina-1

Francesco de Pina

Nhưng một biến cố chẳng lành xảy ra, việc giảng đạo bị ngừng, các giáo sĩ ở trong tình trạng khẩn cấp. Năm 1618, Macao bèn gửi linh mục Cristoforo Borri (1583-1632), người Ý và linh mục Pietro Marches (tức Pedro Marquez) (1613-1670) người Bồ lai Nhật, sang trợ giúp.

Cristoforo Borri là một nhà bác học, quê ở Milan. Qua sáu tháng học tập, ông đã nói chuyện và “giải tội” bằng tiếng Việt. Nhập dòng Tên ngày 16/9/1601. Năm 1615, ông đi Đông Á truyền giáo. Năm 1618, ông cùng với Pedro Marquez, giả làm bồi tàu, đi thuyền Bồ từ Macao đến Đàng Trong. Trong danh sách các giáo sĩ đến Việt Nam, ông là người thứ chín. Sau khi thiết lập xong cơ sở đạo Gia Tô ở Đàng Trong, năm 1622, Borri rời Nước Mặn (thuộc Bình Định), sang Macao, rồi về Ý. Sau ông bị trục xuất khỏi giáo hội, ông kiện và thắng kiện. Ông mất bất ngờ ngày 24/5/1632, một cái chết được gọi là “tai nạn” ở Roma.

Cristoforo Borri là tác giả tập Ký sự nổi tiếng về Đàng Trong, xuất bản lần đầu năm 1631, tại Roma, rồi sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản in trên BAVH, quyển 3-4, 1931, do Đại tá Bonifacy dịch và chú giải. Bonifacy là giảng viên môn lịch sử bản xứ tại Trường Đại Học Hà Nội, và là đặc phái viên của trường Viễn Đông Bác Cổ.

Tập Ký sự Đàng Trong có tên đầy đủ là (Ký sự của Tân phái bộ Tu sĩ dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong). Đây là tác phẩm đầy đủ nhất về con người, sản vật, xã hội, chính trị Đàng Trong, đồng thời ghi lại lịch sử những bước đầu tiên của đạo Gia Tô ở Việt Nam.

Đối với chữ quốc ngữ, tác phẩm của Borri còn có ý nghiã nguồn cội: trong 5 năm ở Đàng Trong (từ 1618 đến 1622) ông đã học tiếng Việt và ghi lại những chữ quốc ngữ, đầu tiên hết là những điạ danh: Sinua (Thuận Hoá), Cacciam (Kẻ Chàm, Quảng Nam), Quamgua (Quảng Nghiã, tức Quảng Ngãi), Quignin (Quy Nhơn), Renran (phiên âm tên sông Đà Rằng, tức Phú Yên), rồi dần dần ông viết những câu ngắn: Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt (Đã đến lụt, đã đến lụt )… Ông coi Balaciam (nước mắm) là thứ gia vị thực phẩm của Trời, chỉ một vài giọt đủ tăng thêm giá trị thức ăn không đâu có được. Ông cho sầu riêng là trái cây tuyệt vời trần thế. Borri thấy người Đàng Trong phần đông đi chân đất (có ít người đi xăng đan, kiểu dây buộc như mốt bây giờ) ông và các giáo sĩ cũng quen đi chân đất, sau này về lại Macao, không chui chân vào giày nữa. Ông mô tả bữa ăn xem ra không khác bây giờ: ăn cơm trắng với các món ăn, gắp bằng đũa. Người mình thời đó đã uống chìa (trà). Có hai thứ Đông y và Tây y, uống thuốc Tây không khỏi quay sang thuốc Ta lại khỏi. Ông chứng kiến một người Âu bị bọ cạp cắn, thuốc tây không chữa được, chờ chết. Mời thầy ta đến, thầy thuốc sai thổi một nồi cơm, để nạn nhân ngồi lên trên trùm chăn kín mít, nước cơm xông lên, vết thương xẹp dần, nạn nhân thoát chết.

Về chính trị và học thuật, Borri nhận xét: “Người Nhật trọng binh bị hơn văn chương, người Hoa trọng văn chương hơn binh bị, còn người Đàng Trong chuyên chú đến cả hai ngành. Đàng Trong có nhiều học viện ở đó có những giáo sư, những học phái, học vị, được khảo hạch qua các kỳ thi, giống như bên Tàu. Người ta dạy những môn, dùng các thứ sách của Khổng tử, Lão tử, tác giả những triết thuyết sâu sắc. Khổng Tử được họ kính trọng như Aristote đối với Âu châu. Những kinh sách này đầy dẫy những điều uyên bác. Họ dùng nhiều năm để học hiểu tính chất của một câu, một lời nói, một chữ, và cách người ta viết chữ đó. Tuy nhiên, đối với họ quan trọng nhất là triết học tinh thần, đạo đức, kinh tế và chính trị.”

Borri cho rằng tiếng Việt dễ học vì không cần chia động từ, vì vậy chỉ trong 6 tháng ông đã biết nói và nghe xưng tội, nhưng muốn làm chủ ngôn ngữ này thì phải 4 năm. Borri mô tả chúa Sãi luyện quân: người Việt vớt súng ống của những thuyền Hòa Lan hay thuyền Bồ gặp bão tạt vào bờ, nên họ rất sành sử dụng những loại súng này. Mỗi khi có tàu Âu ghé vào hải cảng, những thủy thủ của chúa liền thách đố pháo binh của người Âu, những người Âu này biết rõ không thắng nổi nên luôn luôn tránh những cuộc thách đố đó. Vì họ luyện tập không ngừng nên họ bắn trúng đích hơn người Âu, trong khi, họ chỉ có những khẩu đại bác (tồi) mà họ bắn trúng hơn người Âu với súng hỏa mai có tầm nhắm tối tân hơn.

Chúa Sãi có hơn trăm chiến thuyền, lại có đại bác trên bộ, nên càng muốn đối đầu với Chúa Trịnh vì ông nghĩ mình nắm chắc phần thắng, nhất là chúa buôn bán thường xuyên với Nhật mua được nhiểu mã tấu rèn luyện rất tinh vi của Nhật. [Theo Baldinotti, lực lượng của chúa Trịnh mạnh gấp bốn lần, chúa Trịnh có 500 chiến thuyền. Nhưng ta biết, chúa Trịnh Tráng luôn luôn đánh trước và lần nào cũng thua]. Chúa lại giúp đỡ người Miên, chống lại quân Xiêm. Vì lẽ đó mà khắp nơi, trên biển trên bộ đều vang danh sự hiển hách của quân đội Đàng Trong. Ông viết thêm: Quân kỷ và chiến thuật ở Đàng Trong, giống hệt như ở Âu Châu, cùng cách xếp đặt các đội ngũ, cách chiến đấu, tấn công hay triệt thoái như nhau. Chúa cấm tàu Hòa Lan cập bến cảng vì “ông biết rõ những người Hòa Lan là bọn cướp biển công khai, họ đã cướp phá vùng biển và ông đã cho họ những bài học đích đáng” [Những điều này phù hợp với chính sử của ta: chúa Sãi, năm 1585, khi còn là hoàng tử, đã đánh tan 5 chiến thuyền Hòa Lan ở Cửa Việt. Rồi đến năm 1643, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, cháu nội chúa Sãi, lúc đó còn là Thế tử Dũng Lễ Hầu đã phá 10 chiếc tàu Hòa Lan ở cửa Eo, tức Thuận An].

Borri kể rõ lịch sử truyền giáo ở Đàng Trong.

Khi cha Carvalho đi Nhật rồi, cha Buzomi ở lại Đàng Trong với người trợ giảng, ông bắt đầu giảng đạo ở Đà Nẵng, mặc dù không biết tiếng và không có thông ngôn, ông chỉ biết vài tiếng để mua bán. Những giáo sĩ trước đến đây (không thuộc Dòng Tên) chỉ thu phục được mấy người ủng hộ miệng chứ chưa phải là con chiên; nhưng thay vì hỏi: Có muốn theo đạo Chúa không? Thì người thông ngôn của họ lại dịch ra là: Có muốn thành người Bồ Đào Nha không? Sở dĩ cha Buzomi nhận ra điều đó vì chính mắt cha nhìn thấy ở chợ, giữa hai màn kịch, có một kẻ mặc áo Bồ bước ra sân khấu, bụng phình tướng giấu một đứa bé bên trong. Y cho đứa bé thoát ra khỏi bụng và hỏi nó có muốn trở lại bụng mình không bằng câu: “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam?” (Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?) đứa nhỏ trả lời: “Có”. Thế là y lại cho nó chui vào trong bụng y, rồi y lại cho nó ra, và lại hỏi nguyên câu hỏi đó. Trò này lặp đi lặp lại nhiều lần, khán giả cười bò. Cha Buzomi lúc ấy mới nhận ra cái câu lặp đi lặp lại nhiều lần này: “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam?” cũng chính là câu mà những người thông ngôn dùng để hỏi những ai muốn theo đạo Chúa không, (Lúc đó người Việt chưa phân biệt rõ người Hòa Lan với người Bồ Đào Nha, nên cho Hoa Lang và Bồ là một). Cha thấy cái sai lầm cơ bản đã reo rắc ở đây, khiến nhà trò chế giễu: theo đạo Thiên Chúa chỉ là việc chui vào bụng người Bồ, nghiã là theo Đạo thì không còn là người Việt Nam nữa mà trở thành người Bồ Đào Nha. Cha bèn tìm cách hãm ngay sự sai lầm tai hại này, bằng cách dạy cho những ai đã rửa tội những bổn phận phải theo, và những ai muốn vào đạo phải biết thế nào là thánh lễ rửa tội, thế nào là một con chiên. Cha đổi câu hỏi thành: “Muon bau dau chritiam chiam [Muốn vào đạo christiang chăng?]. Và cha đã làm hết sức mình, với sự sốt sắng, với lòng nhân từ, chỉ trong ít ngày, đã thấy kết quả, cả về mặt biến đổi những người chỉ mới vào đạo miệng, lẫn những người muốn thực thụ nhập đạo Thiên Chúa.

Buzomi có công đầu trong việc truyền giáo ở Đà Nẵng. Rồi ông đi khắp nơi, ông giảng đạo qua những người thông ngôn có trình độ và ông đã thành công. Ông đã thu phục được nhiều người quyền quý theo đạo ở Cacciam (Kẻ Chàm, tức Dinh Chàm) là nơi Chúa ở. Borri kể tiếp: Cha Buzomi đã hết sức vận động khiến triều đình ban cho cha một mảnh đất để xây nhà thờ, xây nhanh lắm, tất cả con chiên đều góp phần vào, người góp công, người góp của. Cha cũng được một nơi làm nhà ở, tốt, sạch, để giáo huấn dân tộc này niềm tin thánh chúa.

Tất cả những việc này sở dĩ làm được là nhờ sự giúp đỡ của một bà quý tộc, bà đã rửa tội và lấy tên thánh là Giovanna [Jeanne]. Không những bà bỏ tiền ra xây nhà thờ và nhà ở cho cha, mà bà còn dựng nhiều bệ thờ và phòng nguyện ngay trong dinh cơ của bà.

Tiếng đồn vang đến Macao, Cha Tỉnh (tức là cha bề trên) thấy cần phải gửi ngay một linh mục trẻ, và một thầy trợ giảng, người Nhật, cùng đến, để sau khi học tiếng, ông có thể giảng đạo, không cần thông ngôn. Linh mục trẻ này chính là cha Francesco de Pina (1585-1625), người Bồ, đã từng học Thần học với cha Buzomi. Tuy năm thứ hai này không gặt hái được kết quả dồi dào bằng năm thứ nhất trong việc thu phục con chiên, nhưng kết quả cũng không nhỏ, và kẻ thù đã nhìn thấy và cố gắng vùi dập, gây ra cuộc đàn áp lớn. [Cuộc đàn áp lớn này chính là sự tranh chấp đầu tiên giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo]. Theo Borri: các ongsaij (ông sãi, hay ông sư) họp nhau lại, đặt câu hỏi: tại sao thánh thần lại giận giữ làm hạn hán mất mùa để cho dân chết đói đầy đường? Và họ kết luận: là vì ta cho người ngoại quốc vào giảng cái đạo không hợp với luân thường đạo lý [không thờ cúng tổ tiên]. Và họ đã xin Chúa dẹp ngay cái đạo đó đi để làm đẹp lòng thần thánh. Chúa Sãi không tin dị đoan, Chúa vẫn quý chúng tôi, nhưng ông không thể cưỡng lại lòng dân vì sợ có loạn, chúa bèn gọi các linh mục lại, và thành tâm nói với họ rằng: các ông phải đi đi, và sớm rời đất nước này càng sớm càng tốt. Các giáo sĩ sửa soạn lên tàu, nhưng bị gió mùa thổi ngược lại, và bị dân chúng ngăn cấm không cho họ trở lại đất liền, phải ở trên bãi cát, chịu đựng nóng, gió [Lào] khắc nghiệt, và tuyệt vọng nhìn thấy nhà thờ Turon (Đà Nẵng) bị đốt cháy. Nhưng con chiên đã tận tình giúp đỡ họ, nhất là đức bà Giovanna.

Tin này truyền đến Macao, Cha Tỉnh quyết định gửi người đến trợ giúp trên chiếc tàu Bồ sắp đi Đàng Trong, vì vậy Cristoforo Borri, người Ý và Pietro Marches (tức Pedro Marquez) người Bồ lai Nhật, được gửi đi Đàng Trong. Họ cải trang làm bồi, đi trên tàu Bồ đến Đà Nẵng. Đến nơi, bại lộ, bị bắt, nhưng cùng lúc đó trời nổi mưa, dân chúng cho rằng họ đem mưa đến, nên tha tội cho họ, để quay đầu vào việc mùa màng.

Borri quyết định đi tìm cha Buzomi và ông tìm đến Đức bà Giovanna (Jeanne) bà cho biết, cha Francesco de Pina với cha người Nhật, đã được những người Nhật có đạo bí mật dẫn về Faifo (Hội An). Cha Pietro Marches, rất thạo tiếng Nhật, muốn đi Faifo, và ở đấy, chúng tôi đã gặp lại cha Francesco de Pina, vẫn sống giấu diếm, nhưng được người Nhật trông nom rất tử tế và ông vẫn giảng đạo. Gặp lại nhau chúng tôi mừng rỡ vô cùng, vì chúng tôi rất thân nhau và cùng ở trong giáo đoàn Macao.

Trong 15 ngày chúng tôi được người Nhật tiếp đãi một cách đế vương, và chúng tôi còn biết được tin mừng: hiện cha Buzomi đã được cứu nạn: Trong khi ông đang khốn khổ ở trên bờ biển Đà Nẵng với một mụn nhọt ác tính trên ngực, tưởng chết, thì không ngờ quan trấn thủ Pulucambi (Bình Định ngày nay) đến Turon, thấy người này đau đớn quá, trông như cái xác thoi thóp, động lòng thương cảm, ông hỏi người này là ai, vì sao lại rơi vào sự bất hạnh như thế này. Người ta thuật lại cho ông tất cả tình huống đã xảy ra, rằng: người ta đã gán cho ông ta và những bạn đồng hành cái tội làm cho trời hạn hán, khiến dân chết đói, nên họ bị chúa ra lệnh trục xuất. Quan trấn thủ cười: Làm sao có thể gắn cho vị thầy tu ngoại quốc khốn khổ này cái điều chẳng dính dáng gì đến ông ta? Và ông ra lệnh khiêng thầy tu xuống thuyền, dẫn về vùng ông cai trị, cho ở trong tư dinh và mời những thầy thuốc danh tiếng và giỏi giang nhất trong triều đến chữa, lại sai các con trai ông tận tình chăm sóc cha Buzomi trong vòng một năm, cho đến ngày khỏi bệnh. Mọi người đều kinh ngạc thấy một vị quyền quý, vì lòng bác ái vị tha tự nhiên, đã xử sự cao đẹp như thế với một người lạ ngoại quốc.

Cha Buzomi ở Pulucambi cách hải cảng Turon một trăm năm mươi dặm; cha Marches ở lại Faifo (Hội An) làm cha bề trên, tương tế những người Nhật, cùng với cha de Pina; còn về phần tôi (Borri) tôi trở lại Turon để phục vụ những người Bồ, làm lễ, giảng đạo và nghe họ xưng tội.

Tôi cũng học tiếng Đàng Trong và tìm được cách, nhờ sự giúp đỡ của người thông ngôn, khuyến dụ thêm được những tín đồ mới trong đám những nhà vọng tộc, và nhất là chấn chỉnh và củng cố niềm tin của những người đã rửa tội.

Sau khi cha Buzomi hoàn toàn bình phục, ông được quan Trấn thủ Pulucambi dẫn về Quảng Nam, chúng tôi lại tụ tập nhau ở Hội An. Rồi cùng quyết định: cha Marches ở lại Faifo với thầy giảng Nhật để giảng đạo. Ba người kia và thầy giảng Bồ theo quan trấn thủ về Bình Định.

Borri kể tiếp: Các cha Buzomi, de Pina và tôi rời Faifo đi Pulucambi cùng với quan trấn thủ. Trong suốt cuộc hành trình, ông đã đối đãi với chúng tôi một cách lịch lãm và nồng hậu không thể tả, cho chúng tôi ở cùng với ông, cách xử sự không có động cơ nhân đạo nào giải thích nổi, mà phải công nhận đó là do sự an bài của Thượng đế.

Ông dành riêng một con thuyền lớn cho chúng tôi và những người thông ngôn, còn hành lý lại có một chiếc thuyền khác chở. Với tiện nghi như thế, chúng tôi đi trọn 12 ngày, sáng rời, tối cập bến, bởi tất cả các bến cảng đều gần gụi các thị trấn, hay tỉnh thành lớn của tỉnh Quanghia [Quảng Ngãi] và ở tỉnh này, quan trấn thủ cũng có quyền như ở tỉnh Pulucambi.

Mỗi lần chúng tôi mở miệng xin điều gì, là được ngay, khiến chúng tôi như có uy tín đối với quan trấn thủ. Khi về đến tư dinh cũng vậy, ông nói với gia nhân: “Ta đã nói chuyện nhiều và nhiều lần bàn luận với những người này, ta hiểu rõ đạo giáo mà họ truyền giảng, ta thấy không có đạo nào chân thực bằng, và cũng không có con đường nào khác ngoài con đường họ đi, để đạt tới cứu rỗi.” Tuy vẫn là quý tộc, Đức ông diễn tả như thế, đã trở thành lệnh sứ truyền của Phúc Âm, trước sự ngạc nhiên và kinh hãi lớn lao của người nghe, bởi ai cũng biết ông rất thận trọng (trong lời nói).

Tám ngày sau, ông ra lệnh xây cho chúng tôi một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ở thành phố Nước Mặn [Xin nhắc lại: Tỉnh Pulucambi gồm cả ba thành phố Nước Mặn, Nước Ngọt, và Qui Nhơn, tức là tỉnh Bình Định ngày nay]. Sau khi nhìn qua những chỗ ở trong dinh ông, gồm độ hơn trăm nóc nhà, ông nói với chúng tôi chọn một căn sạch sẽ nhất (có thể) làm nhà thờ, và bảo cho ông biết để khi cần đến ông sẽ cho. Ông cấp cho chúng tôi tiền bạc để tiêu dùng và sai tiếp tế thực phẩm ăn uống đầy đủ cho cả “phái đoàn” gồm các tu sĩ, các thông ngôn và người hầu cận.

Sau đó quan trấn thủ bảo chúng tôi chọn chỗ để xây nhà thờ để ông đến xem và ước lượng các phiến gỗ, cột, kèo… cần thiết. Chỉ ba ngày sau, chúng tôi được báo tin “nhà thờ đã đến”. Không hiểu “đến” bằng cách nào, chỉ biết theo chỗ chúng tôi chọn thì nhà thờ không thể lớn và sẽ có nhiều cột để dựng. Lúc đó chúng tôi mới hiểu, ở nhà quê, chỗ dinh ông có sẵn một đội ngũ cả ngàn người bắt tay vào việc. Mỗi cột lớn, được ba mươi người lực điền khênh, còn những người khác, người thì mang đầu cột, mang kèo, mang rui, mang các mảnh ván, mang ghế, mỗi người cầm một thứ gì đó, kéo nhau vào nhà chúng tôi để giữa sân. Ông kiến trúc sư đến, ông đo dây thừng và lượng lại các khoảng cách đâu đó xong rồi ông bảo những người khênh cột đến, mỗi cái được trồng đúng nơi chốn của nó, sau đó ông gọi tiếp các mảnh khác và người ta cứ tuần tự đem đến lắp xong, theo đúng trật tự răm rắp, chúng tôi ngạc nhiên và kinh hoàng, chỉ một ngày, họ đã dựng xong nhà thờ! Nhưng có lẽ làm vội quá nên nhà thờ hơi bị nghiêng về một phía. Quan trấn thủ biết tin gọi ngay kiến trúc sư ra lệnh phải sửa không sẽ bị chặt chân, muốn cần bao nhiêu thợ cũng được. Ông kiến trúc sư bình tĩnh bảo họ tháo nhà thờ ra từng mảnh và dựng lại hoàn hảo trong một thời gian rất ngắn.

Nhưng chẳng may cho phái đoàn giáo sĩ: quan trấn thủ, sau một buổi cưỡi voi đi săn bị cảm nắng nặng, ông qua đời. Phái đoàn không còn trợ cấp, rơi vào tình trạng thê thảm. Rồi phải quyết định: Vì không còn cấp dưỡng và cũng không truyền đạo được, linh mục de Pina trở về Faifo, nhờ người Nhật quyên góp cứu trợ; vì ông biết rõ tiếng Việt, ông nói thông thạo tự nhiên, cho nên ông đã không bỏ lỡ cơ hội để truyền giáo cho người Vìệt. Cha Buzomi đi Đà Nẵng, đem theo người thông ngôn giỏi nhất, để xin người Bồ cứu giúp. Tôi và hai người trợ giảng ở lại Nước Mặn, tìm cách sống sót cho tới khi nào nhận được sự giúp đỡ của Macao.

Tôi ở lại Pulucambi, cô đơn sầu não. Bỗng một ngày, trước cửa xuất hiện một đàn voi với đoàn tùy tùng gồm nhiều ông bà quyền quý. Sau cùng bà lớn xuất hiện, đài các trong quần áo nữ trang sang trọng. Tôi ra tiếp rước, mới biết bà là phu nhân sứ thần của vua Đàng Trong gửi sang Cao Miên, sứ thần người gốc Nước Mặn. (Theo Bonifacy, chúa Sãi gả con gái cho vua Miên Chey Chettha II (Brah Jaya Cestha), nhờ bà, mà vua Prãh Chey Chettha cho xây Toà sứ Việt Nam và Thương cuộc ở vùng Sài Gòn hiện nay).

Sau khi chào hỏi, phu nhân đại sứ nói ngay cho Borri biết chủ đích của bà: Bà đến đây vì đã nghe tiếng đồn rất tốt về ông, về đạo mà ông truyền giảng, và theo bà chỉ có con đường đó là con đường cứu rỗi mà bà hằng nguyện ước, và bà mong được ông rửa tội.

Tôi khen ngợi quyết định của bà nhưng cáo lỗi là chưa thể thực hiện ngay đưọc, bởi vì tôi có biết chút ít tiếng Việt nhưng không đủ để giảng đạo pháp, và khuyên bà nên đợi cha Buzomi đi Turon trở về trong ít ngày nữa với người thông ngôn giỏi, như vậy bà sẽ được thụ pháp đầy đủ, như bà mong đợi. Nhưng bà nhất quyết muốn làm ngay, mượn cớ chồng bà hiện đang ở trong triều có thể về tới bất cứ lúc nào và bà sẽ phải theo chồng lên thuyền đi sang Miên, biết đâu trên đường đi chẳng gặp sóng gió, mắc nạn, rồi không bao giờ bà còn dịp quy đạo nữa. Borri đành phải bắt đầu giảng đạo pháp cho bà, may mắn thay, vài hôm sau cha Buzomi trở lại với người thông ngôn và bà đã chuyên cần học trong hai tuần lễ, thuộc hết giáo lý đại cương. Và một ngày đẹp trời, ngày đẹp nhất của đời tôi, tôi đã làm lễ rửa tội cho tất cả 25 người phụ nữ xinh đẹp, xiêm áo lộng lẫy, được các đức ông quyền quý tháp tùng, tại nhà thờ Nước Mặn, đi đầu là đại sứ phu nhân, dưới tên thánh Orsola (Ursule tiếng Pháp). Sự kiện đó làm rạng danh chúa, với số con chiên đầu tiên, mở cửa cho Hội truyền giáo ở Đàng Trong (Mission de Cochinchine).

Rồi sau đó, cha Borri lại tính đúng ngày nhật thực, càng làm cho nhóm giáo sĩ có uy tín thêm trước mắt Chúa Sãi, thế tử Kỳ và triều đình. Những ngày tươi sáng trở lại: Cha de Pina và cha Marches di Faifo giảng đạo. Nhà thờ Đà Nẵng trước bị đốt nay được các cha dòng Tên cùng con chiên xây dựng lại. Trong tình trạng tốt đẹp đó, Borri rời Đàng Trong năm 1622, để về Âu Châu. Đến cuối năm 1624, Alexandre de Rhodes sang Việt Nam.

Trong những ân nhân của các giáo sĩ, đáng kể nhất là quan trấn thủ Bình Định, hiện chưa biết ông là ai, cần phải nghiên cứu thêm. Borri chịu ơn hai phụ nữ quyền quý, thứ nhất là đức bà Giovanna [Jeanne, tiếng Pháp] và sau đến phu nhân sứ thần Đàng Trong ở Cao Mên, dưới tên thánh Orsola (Ursule tiếng Pháp). Ông không cho biết gì thêm về thân thế hai người này.

Linh mục Cadière đã nghiên cứu và ông rất khâm phục bà Minh Đức Vương Thái Phi, tên thánh là Marie, ông viết: “Bà Marie! Một khuôn mặt thật quyến rũ. Tôi đã say mê trong nhiều năm tháng”. Nhưng ông không nói bà Marie có phải là bà Jeanne hay không, tuy nhiên cuộc đời, hành động và thời kỳ sống của hai người này rất giống nhau, ta có thể cho hai người này là một.

Cadière quyết đoán bà Marie tức là Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Điều này giải thích uy quyền của bà, tại sao bà có nhà thờ ở trong cung, bà xây nhà thờ cho Buzomi và bao che cho tất cả những giáo sĩ từ Buzomi đến Alexandre de Rhodes. Bà Minh Đức Thái Phi là mẹ của Nguyễn Phước Khê, em út chúa Sãi. Sau khi chúa Sãi băng hà, Hoàng tử Khê sẽ là cột trụ của triều đình, tuyệt đối trung thành với chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), cháu ruột. Ông sẽ bắt mẹ phải phá nhà thờ của mình, sẽ nói đến sau.

Cadière phân biệt bà Marie với bà Marie-Madeleine, vợ quan trấn thủ Ran Ran (Phú Yên), bà Marie-Madeleine không ở trong triều mà đi đi về về giữa Quảng Nam và Phú Yên, bà đã che chở và giúp đỡ giáo xứ Phú Yên rất nhiều. Tóm lại, hai bà Marie và Marie-Madeleine ở cùng thời và cùng sống lâu như nhau.

Chúng tôi đoán: quan trấn thủ Phú Yên là Nguyễn Phước Vinh, con rể chúa Sãi, người đã giúp chúa Sãi thu phục Trấn Biên tức Khánh Hòa năm 1629, đã nói ở trên. Nếu đúng như vậy, thì bà Marie-Madeleine là con gái chúa Sãi.

Tuy nhiên tất cả những điều này cần được kiểm chứng lại, có thể là đề tài nghiên cứu cho sinh viên ban sử học.

Thụy Khuê

(Kỳ tới: Alexandre de Rhodes)

Comments are closed.