QUÀ SINH NHẬT

Truyện

Văn Giá

Danh chính ngôn thuận ông đã về hưu. Nhưng cái nghề làm nhạc làm nhẽo thì làm gì có hưu. Cũng giống như đám văn, đám họa, đám kịch…, nói chung cái đám làm nghệ thuật thì chả tính hưu. Làm suốt đời. Làm đến chết thì thôi. Cái giống nó thế!

Tuy ông mới lĩnh sổ hưu, nhưng ông là bậc kỳ cựu của cơ quan, nên người ta vẫn dành cho ông một phòng riêng nho nhỏ. Anh trưởng phòng hành chính cười cười bảo bố cứ ngồi đấy vài năm nữa, cơ quan thừa phòng, thỉnh thoảng bố đến đây gặp gỡ người này người nọ cho vui, miễn là bố đứng ngoài chính sự là được! Ông nghĩ thằng này nó nhăn nhở răn đe mình đây. Nhưng nó nói đúng, để yên cho chúng làm việc, về hưu mà lại cứ xía vô, nghe thì nó chả thèm nghe, chỉ tổ nó ghét. Nó cho cái phòng làm việc là tử tế lắm rồi.

Ông định mở “Phây búc” (FB) ra viết một cái status. Ông vẫn bận tâm về chuyện ấy ngay từ lúc nó mới xảy ra cách đây mấy hôm. Ông thấy mình không thể đứng ngoài. Những bài ngắn ngắn của ông trên FB dạo này cũng được nhiều người like, nhiều người tham góp. Có những chuyện ông tự châm lửa lên, tạo thành đám cháy. Có những chuyện người khác châm lên, ông thấy đích đáng, ông góp một nắm đóm vào. Nhiều phen cũng được việc lắm đấy chứ. Mà chẳng phải riêng ông. Thời này khác rồi. Trước kia bắc thang lên hỏi ông giời. Bây giờ cái anh Internet dẫn được người ta lên giời đấy. Ngày nọ, khi đương làm việc, đôi khi còn giữ mồm giữ miệng, chứ bây giờ thì cứ sống đúng theo cái nghĩ của mình, chứ ngại gì. Trước kia, ông không được sống cho mình, không được sống là mình. Ông sống cho thiên hạ, chiều theo thiên hạ, a dua cùng thiên hạ. Bây giờ ông mới được sống là mình, được làm những việc mình thích, mình cho là cần, được nói những điều mình nghĩ. Sống hèn lâu quá rồi. Còn hèn đến bao lâu nữa?

Hôm nay ông đón một đoàn cán bộ (gọi là cán bộ cho dễ hình dung) nọ đến chúc mừng ngày sinh nhật. Ấy chết, sao lại phải chúc mừng sinh nhật tôi? Tôi là cái thứ gì đâu mà các bạn phải bận tâm. Nên để dành phần quà này cho người khác xứng đáng hơn. Mà có đến mấy chục mấy trăm người như tôi, nếu ai cũng đi thì đi làm sao xuể.

Nhạc sĩ nói xong chưa để em xin thưa. Chả là thế này, mưa đâu cho khắp. Đây là những người đặc biệt xuất sắc. Chúng em chỉ đi những người xuất sắc thôi. Tức là những người có uy tín, có đóng góp thực sự, có ảnh hưởng thực sự…

Ấy chết, tôi làm gì có uy tín, có đóng góp gì ghê gớm đâu. Chẳng qua là cái anh ê a xênh phách tí cho vui đời ấy mà.

Anh cứ nói thế. Người có uy tín thường hay khiêm tốn. Anh bảo anh không là gì nhưng thiên hạ bảo anh là gì thì sao. Thôi, anh cứ nhận cho chúng em vui lòng. Anh mà không nhận, chúng em không hoàn thành nhiệm vụ sếp giao. Có lẵng hoa thôi, chứ bảo châu báu gì mà anh ngại.

Nể quá. Nhưng mà, nói thật lần sau là tôi không nhận nữa đâu nhé. Nhận thì phải đền đáp. Mà sức tôi còn mấy nả nữa, hưu rồi, hưu toàn phần rồi. Trên bảo dưới không nghe rồi.

Cán bộ nữ đi cùng đoàn bưng miệng cười híc híc.

Họ ào đến ào đi như cơn gió. Ông làm nhạc ngồi một mình. Ông tỉ mẩn giở món quà ra. Lẵng hoa. Dòng chữ có tên có tuổi chính danh người tặng nhé. Lại lù lù cả cái tên của người được tặng. Này thì trái cây, này thì áo sơ mi, này thì chiếc bút, này thì USB, này thì phong bì. Ra là cái phong bì nằm sâu đáy túi. Tươm ra phết. Chả đủ chục bữa bia với mấy thằng bạn nhậu ư. Một bài hát tầm tầm bán bản quyền cho ca sĩ, có khi cũng chỉ xêm xêm thế này chứ mấy.

Ông làm nhạc ngồi thừ ra. Họ nghĩ về mình như thế nào nhỉ? Bảo là có tác phẩm xuất sắc cũng chả phải. Mình là cái anh làng nhàng. Làm nghề thì phải biết mình chứ. Bảo mình có ảnh hưởng tới người trong giới cũng chả phải. Năm thì mười họa mới gặp anh em. Mà mỗi lần gặp, nghe chúng nói là chính, chứ mình đâu có nói gì. Mà nói chúng nó cũng chả thèm nghe. Anh đừng tưởng. Lúc làm nghề may ra tiếng nói anh được người ta để ý, chứ hưu rồi thì anh trở thành vô ảnh vô hình. Anh bị mất tiếng nói giữa đời sống này. Mọi cố gắng vùng vẫy đều vô ích. Anh càng ngày càng đi về con số không to tướng, thậm chí con số âm… Tia nắng quái cuối chiều chênh chếch vào phòng làm ánh lên con dao nhọn để sẵn trên bàn. Ông chú ý đến nó. Ông cầm dao định nhặt quả táo trong túi quà để gọt. Rất lơ đãng.

Ông nhớ đến người đàn bà ấy. Cũng không dám chắc người ấy yêu mình. Có thể do người ấy chán chồng. Có thể do nhu cầu đổi món. Cũng có thể cái tiếng của mình được xem như một thứ hào quang đắp điếm cho người ấy. Mà như cái thói phân tích mồm chó vó ngựa của thằng bạn, nó bảo làm gì có tình yêu ở cái tuổi ấy nữa, có mà đào mỏ, có mà yêu cái hầu bao của mày thì có. Rất tàn nhẫn. Ông phản biện yếu ớt, tao trên răng dưới cát tút có đếch gì mà nó đào. Thằng bạn trợn mắt: kinh doanh danh tiếng cũng là đào mỏ…

Một hôm nàng đến. Đến vào cái lúc cuối chiều. Cơ quan vắng huơ vắng hoắc. Ông làm nhạc có thói quen tiếp khách đóng cửa. Hè thì điều hòa máy lạnh. Đông thì điều hòa máy nóng. Tiếp khách mà cứ tơ hơ cửa giả ra cũng bị coi là bất lịch sự. Có người lại bảo khi tiếp phụ nữ thì phải mở cửa ra. Nhà quê! Nó mà đã có cái thói giai trên gái dưới thì ở đâu nó chả làm, chứ có phải cứ mở cửa mới là đoan chính!

Nàng đến trong chiều muộn. Vẫn còn óng ả lắm. Vào cái tuổi bốn mươi mà vẫn cứ hơ hớ ra. Thế này thì khó giữ lập trường lắm.

Ông làm nhạc: Trẻ hết phần các em gái thế này!

Nàng tuổi bốn mươi: Ơ, trẻ của em nó khác trẻ của cái bọn trẻ con chứ anh!

Ông làm nhạc: làm sao mà biết được. Phải kiểm tra may ra…

Nàng tuổi bốn mươi: Dám?

Ánh mắt dại đi như khích lệ. Ông làm nhạc lao vào, xô nàng vập vào cạnh bàn. Nàng tuổi bốn mươi nhắm nghiền mắt lại, tham lam, mê dại. Ông làm nhạc xiết chặt nàng. Họ quấn lấy nhau rú rít. Thỉnh thoảng ông cảm thấy cứ bị tia nắng chói lóa hắt lên làm cho lóa mắt. Bất giác, ông đưa mắt vào mặt bàn. Ngay sát hai người là một con dao sáng loáng. Ông đột ngột dừng lại.

– Anh làm sao thế?

– Sao lại có cái này ở đây? Ông làm nhạc hoang mang chỉ vào con dao nhọn.

– Sao anh lại hỏi em?

– Ừ, thì ra…

Ông định nói đó là con dao dọc giấy nhưng lại thôi.

Không hiểu sao vào đúng cái khoảnh khắc ấy một khung cảnh đẫm máu chợt hiện: một cô gái cố ý cầm dao đâm điên cuồng vào gã đàn ông đã từng là người tình của mình trong phim của đạo diễn Kim Ki Duk. Cái gã đàn ông bị đâm dao này ngày còn là trẻ thơ, trong những cuộc chơi với chúng bạn, chuyên đi bẻ gãy tay của bạn mình. Khủng khiếp. Cô ta vung từng nhát dao lạnh lùng, chính xác, không thể né tránh, đâm một cách hân hoan của bản năng hủy diệt…

Ông làm nhạc đơ người ra, thõng hai tay xuống, gương mặt tái mét.

– Anh làm sao thế?

– Anh không sao. Tự nhiên…

Người đàn bà ngạc nhiên, chưng hửng. Thật bẽ bàng.

Im lặng hồi lâu. Nghĩ thế nào, cô ta nhìn ông một lúc rồi bảo anh từ nay cẩn thận đấy, già rồi, già thật rồi.

Nói xong, cô ta mở cửa chào ra về.

Ông làm nhạc ngồi như bất động.

Từ khi nhận quà xong, ông cứ lẩn thẩn nghĩ thế này thế nọ. Hỏi có thích không, thực lòng cũng thinh thích. Nhưng mà cái thích thì ít, cái băn khoăn thì nhiều. Ở đời chả ai cho không cái gì đâu nhé. Thế vậy, người ta mang quà cho ông để làm gì? Ông hơi chột dạ… Bất giác, ông với tay cầm con dao trên mặt bàn, ngắm nghía nó như ngắm một vật lạ. Ánh chiều lọt vào thỉnh thoảng làm lưỡi dao lóe sáng. Ông huơ dao lên không khí rồi đâm phập vào quả táo trong túi quà vừa được tặng.

Ông loay hoay không biết làm gì với túi quà.

Mang về nhà hay để lại?

Để lại hay mang về nhà?

Ông tặc lưỡi, a-lô cho mấy thằng bạn đi làm chầu bia cho rảnh nợ. Tính sau!

Áp Tết, ngày 4/2/2015

Comments are closed.