Rừng mai

Tran Duy PhienTrần Duy Phiên sinh năm 1942 tại Huế, học Đại học Sư Phạm và Đại học Văn Khoa – Huế, ra trường dạy học tại Kon Tum, là Giám học trường trung học Hoàng Đạo – Kon Tum.

Là một cây bút sinh viên hoạt động văn nghệ rất tích cực, năm 1969 anh cùng Tần Hoài Dạ Vũ cho ra đời tạp chí Việt, sau đó Việt chuyển hoạt động vào Sài Gòn, và Trần Duy Phiên trở thành một trong những cây bút văn xuôi chủ lực của các tạp chí Đối Diện và Ý Thức…

Sau 1975, Trần Duy Phiên nghỉ viết khoảng mươi năm rồi trở lại cầm bút, viết nhiều, xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạp chí của cả nước.

Ngoài truyện dài Đốt Lửa Sau Mây in được vài kỳ trên tạp chí Việt cho đến nay vẫn chưa xuất bản, Trần Duy Phiên đã lần lượt ấn hành các tập truyện ngắn: Trước Khi Mặt Trời Mọc (1972), Kiến và Người (1996), Ngược Dòng Phù Hoa (1997), Chim Trong Thành Quách Cũ (2003), Ngõ Đạo Miền Hoang Dã (2008) và tiểu thuyết: Trăm Năm Còn Lại (1996). 

Truyện ngắn

Trần Duy Phiên

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Cao Bá Quát)

1.

Vừa nấu xong bữa tối, thoáng nghe tiếng lục lạc quen thuộc vang lên ngoài ngõ, bà khấp khởi mừng thầm. Chum vại đã súc rửa kỹ, đã cho đầy nước, bà thanh thản bước ra hiên. Ông Ngô Mãn cho xe qua ngõ rồi dừng lại ngay giữa khoảnh sân nhỏ. Trống không! Nhìn vào thùng xe, bà hụt hẫng. Năm nay mưa thuận gió hòa mà không… có ơ…? – Bà hỏi chồng, bừng bực. Ai bảo thế? – Ông cáu gắt, uể oải rời xe. Người và vật phủ một lớp mùn đất đỏ khé. Vậy tại sao đã cất công đi lại xách xe không mà về? – Bà cố vặc cho rõ. Tôi không dám! – Ông nói, cắm cúi tháo ách cho bò. Việc gì mà không dám? Cách đối đáp hút hớt của ông khiến bà thêm ấm ức, nhưng ngại không dám thắc mắc thêm. Hàng năm, sau ngày tiễn táo chầu trời, ông thường đánh xe vào rừng đốn mai về bán tết. Các thứ mua sắm, các khoản chi tiêu năm cùng tháng tận cũng từ thu nhập ấy cả. Vậy mà bây giờ… Chắc là đụng họ rồi! Bà quả quyết, quay vào nhà. Một cái tết túng bấn hiện rõ trước mắt! Bà bần thần. Quẩn quanh trong chái bếp một lúc, bà lại thẫn thờ trở ra hiên. Một đoàn máy bay trực thăng hành quân ầm ào qua bầu trời thị xã. Dẫu sao an toàn tính mạng vẫn hơn. Âm thanh chiến tranh khiến bà nghĩ khác đi. Lành lặn trở về là cách chọn lựa khôn ngoan. Thời buổi này, ương bướng mà được a? Có ai dám đùa với kẻ cầm súng! Ba năm nay những lâm trường đã trở thành hoang hóa, một số thợ rừng bỏ mạng vì không chịu đóng tiền mãi lộ cho bên này bên kia, vài ba trại chủ phá sản do thu không đủ bù chi…

Kéo nước rửa ráy xong, từ mé vườn ông Ngô Mãn lúi húi vào nhà. Đông không? – Đang lúc bày bữa lên bàn, bà hỏi chồng. Ai làm gì mà đông? – Ông ngồi vào chiếc ghế cũ kỹ, kéo cao hai ống quần cho khỏi vướng gối. Họ ấy mà? – Bà hạ giọng, như sợ có người lén lút nghe thấy. Có mống nào đâu! – Ông nói chắc nụi, đưa tay vuốt mái tóc thưa chớm bạc. Hai vợ chồng già im lặng ngồi vào bàn như thường ngày. Và họ không bao giờ kéo dài chuyện buồn bực trong khi ăn uống. Xuất thân con nhà võ ở đất Tây Sơn – Bình Định, bao đời trọng nông. Nghe đồn miền tây xa xôi đất rộng trời dài, ông ly hương quyết chí thực hiện giấc mơ ruộng vườn. Thời ấy Kontum hoang hóa, đời quản đạo[1] nào cũng kêu gọi mộ dân lập làng. Chỉ cần thông qua hương lý[2], ai muốn lập cư ở đâu cắm dùi ngay đó. Sẵn cây gỗ, tre nứa, lều trại đầu hôm sớm mai đã mọc lên. Cái ăn cứ moi trong đất. Sắn khoai mè đậu vất đâu cũng mọc, cũng sai củ đủ trái. Lúa bắp cà ớt xạ bừa ra biền bãi nào cũng xanh tốt bời bời. Cá mú không thiếu nhưng lắm xương ít nạc, bù lại, thịt rừng thừa mứa, những khi dùng không hết phải đem ngâm vào suối khe chảy qua vườn nhà. Con trai đầu lòng mang theo từ miền xuôi, lên đây sinh thêm ba đứa nữa, gia đình đủ nếp đủ tẻ. Chúng nó lớn nhanh, khỏe mạnh, xinh đẹp, trắng da dài tóc. Bà xuất thân con nhà nghèo khó nhưng là hạt máu rơi của quan tri huyện từ Huế vào nhậm chức ở đất Bình Khê, niềm kiêu hãnh le lói không đủ nguôi ngoai thân phận hẩm hiu. Bà quyết tâm nuôi con ấm no, dạy dỗ nên người, cố công gầy dựng một gia đình an vui, đầm ấm, thuận hòa. Nhưng ngặt một nỗi chúng lớn lên cùng với chiến tranh.

Ngô Thành chưa kịp vào đại học, nha động viên[3] gọi đi quân dịch[4], đưa ngay vào trường sĩ quan Thủ Đức[5]. Năm sau nó về phép thăm nhà, lon quánh[6] vàng vai. Cha con nói chuyện đến khuya, sáng dậy nó lên đường, ông day dứt đến cả tuần. Ba năm sau, nhân chiến cuộc Mậu Thân[7], không biết dân vận địch vận từ hồi nào, hai em nó – Ngô Hòa và Ngô Bình theo đoàn quân giải phóng rút lên mật khu. Nhớ thương con, ông ngã bệnh tưởng đã quy tiên. Khi những cuộc hành quân phản công rộn rã đất trời tạm thời lắng xuống, khi những đơn vị biệt động sắp sửa chuyển quân, Thu Sương – đứa con gái út đưa về giới thiệu với cha mẹ một chàng trai quê quán tít tận trong nam. Chúng nó thú nhận yêu nhau và xin được tác hợp. Ông bà Ngô Mãn nghĩ ngợi một lúc rồi cũng gật đầu. Một đám cưới gọn nhẹ theo kiểu nhà binh, thiếu tá tiểu đoàn trưởng làm chủ hôn cho trung úy đại đội trưởng. Đưa con về nhà chồng chẳng biết họ hàng quê hương bản quán nhà trai nơi đâu! Xa xa tiếng súng đì đùng vọng về, sân bay tối tăm, lâu lâu đèn báo chớp nháy, cô út theo chồng hành quân ra trận…  Những lá thư nhận giữa ban ngày và cả những lá thư lén lút trong đêm không nói được điều gì. Chiến tranh đã xé nát gia đình bà rồi tung tán tứ phương. Bà thường cúi xuống trong gian nhà lạnh lẽo, nguyền rủa những thế lực máu lửa. Nhưng chiến trận mỗi ngày một ác liệt, đến một lúc, tiếng bom đạn như thay hẳn chuyển động đất trời. Bà lên chùa cầu nguyện nhưng chỉ nhận lại những khoảnh khắc hoang tưởng phù phiếm.

2.

Trong sáng sớm một ngày đầu xuân, ông Ngô Mãn đẩy vợ lên cỗ xe nhà rồi bình thản thúc bò ra ngõ. Bà đã nhiều lần cùng chồng xuất hành – thu hoạch mùa màng, hoặc hái măng, lấy mật nên chẳng thắc mắc, chỉ biết làm theo. Họ rong bò dọc bờ bắc sông Dakbla. Dừng lại ngã ba Sésan, người ăn cơm, bò kiếm cỏ. Gió lặng, những đám sương mù lãng đãng ven sông, đất trời ấm dần. Sau khi người và vật đã vượt qua bãi cuội xám ra tận bờ uống nước, chẳng cần nghỉ ngơi, đương trưa họ vượt sông Poco. Bỏ con đường độc đạo xuyên qua làng Karon hiu hắt, ông Ngô Mãn cho xe ngoặt về cánh rừng đông bắc. Bà ngờ ngợ níu tay chồng ngăn không cho ông thúc bò băng qua một nổng đất chưa có lối mòn, cây dại lấp xấp. Thá! Thá! – Ông thét, tra roi tới tấp vào mông đôi bò. Rõ ràng chẳng lú lẫn tí nào, bà hớt hải ngước nhìn chồng. Ông vẫn một mạch thẳng tiến, bà đành cúi mặt lặng thinh. Được một lúc, đường bắt đầu khó đi, ông xuống xe, một tay dắt bò, một tay cầm dao dài mở lối. Họ men theo con suối nước trong như lọc, dập dềnh xác hoa cánh nhỏ sắc vàng, hai bờ đá dựng xám ngoét, chi chít cây dại. Đến một lúc bò không đi được nữa, bà xuống xe lội bộ cùng chồng. Chuyện gì hẻ? Bà bắt đầu lo lắng và phát hiện bộ dạng chồng sáng nay có phần khác lạ – háo hức, nháo nhác như con trẻ mải mê hoa bướm. Nhưng đôi chân ông cứ mỗi bước một cao và hơi thở mỗi nhịp một gấp, không cho phép bà lên tiếng.

Có thấy… không? – Đang cắm cúi bước, nghe chồng hỏi bà dừng lại, gượng thẳng người nhìn tới. Ấn tượng đầu tiên rất cuốn hút, nhưng bà không dám tin mắt mình. Bên dưới vòm trời xanh cao phơn phớt mây trắng, bên trên mặt đất tầng tầng lớp lớp cỏ xanh, một không gian vàng ánh bao la! Mai! Mai vàng! Sau mấy giây định tỉnh, bà thích thú reo lên và chợt nhận ra mình trẻ trung trở lại. Tự dưng một cảm giác thèn thẹn từ đâu len lỏi vào lòng, bà lặng đi và có lúc không biết mình đang ở đâu. Ừ, mai! – Ông Ngô Mãn chậm rãi tiếp lời vợ. Bà níu vai chồng, dấn bước tiến sâu hơn nữa. Khi hai người khó nhọc lên tới lưng chừng núi, đầu tựa vai chồng, bà đưa mắt nhìn khắp bốn phía. Từ đâu đến đâu? – Bà hút hớt, khua một vòng tay. Và muốn thu toàn cảnh, bà tì lưng vào ngực chồng, xoay người. Hình như là vô tận! – Ông cũng dõi mắt theo vợ. Không lẽ qua tới bên Lào, đến tận Cao Miên! – Bà ngẩn ra một lúc. Tôi không biết! – Ông thú nhận – Bữa đó, tôi ngợp cả mắt, rồi quay về. Dao rựa đã sẵn trong tay, bò xe không sứt mẻ, biết bà buồn nhưng tôi không dám đụng tới một cành nào! Tôi sợ phạm phải khôn thiêng – Lắng nghe, bà thấu hiểu ý chồng, thành kính, khẽ gật đầu.

Ông dọn chỗ cho vợ ngồi nghỉ trên một tảng đá hình hổ phục dưới cội mai già, một mình cầm dao dài đi tiếp lên núi. Bà nhìn theo ông trong mỗi bước chân. Đến khi không còn nhận rõ màu khăn tím vấn đầu của chồng, bà thấy tít tận nơi xa ngút ngàn ấy sắc vàng như trộn lẫn với ráng mây. Được một lúc, khỏe trở lại bà đứng dậy tìm cách ngóng nhìn bò xe dưới kia, mẩn mê quan sát cây cỏ quanh mình. Mai ở đây không như miền xuôi, qua bao thế hệ chúng vẫn nguyên hình tạo hóa. Bảo lưu tố chất nguyên sơ, chúng phất lên theo quy luật của rừng. Ai gieo hạt? Ai bón phân? Có trời mới biết. Nhưng cứ thế mà phất. Lên khỏi đất với vít đá. Lên khỏi đá vòi vĩnh mây. Chúng quần tụ thành đám, xa sông suối, hút nước đầu non, tranh lấy không gian, cành nhánh tua tủa gần như chong dựng. Có những cây gốc bành bạnh như trụ đình xô xảm nứt nẻ, ngọn vút tận trời cao tỏa tán như một cái lọng vàng đồ sộ. Có những cội nứt nanh đã phải tranh đất với đá tảng, rễ trồi lên xoắn xít như hổ cuộn rồng tuôn loang lổ rêu phong, thân cành ngã nghiêng uốn lượn như mây tà khói tỏa. Bỗng dưng bà nghĩ tới những chậu mai nhà khẳng khiu, ẻo lả, điệu đàng giả tạo. Chỉ có thiên nhiên mới hùng vỹ! Bà thấy tự trong sâu thẳm người mình nảy sinh một cảm giác mới lạ, như được nâng lên hòa nhập với cao xanh. Hẳn còn nhiều vẻ đẹp quanh đây mà mình chưa đặt chân tới? Bà ngẫm nghĩ, đưa mắt tìm chồng trong khoảng trời đất cây cỏ bao la. Màu khăn tím vấn đầu lấp ló, rõ dần cái dáng cao to của ông đang ngơ ngẩn xuống núi.

Trời đã cho, tôi xin nhận! – Khi trở lại đứng bên vợ, ông thống thiết gào thét vào không gian trùng điệp trước mặt, rồi vập đầu sát đất bái vọng. Rõ ràng ông vừa bẩm báo với hậu thổ hoàng thiên vời vợi cao thâm. Bà chưa bao giờ thấy chồng mình thành khẩn quy phục một đấng nào như thế, kể cả những nơi thiêng liêng ông bà có dịp ngang qua. Liền sau đó, bà lặng lẽ quỳ xuống bên ông, kính cẩn thực hiện đạo nghĩa phu xướng phụ tùy[8], nhưng lòng vẫn còn chút âu lo vì chưa rõ hết tâm ý của chồng! Trên đường về ông khoe với bà bên sườn núi phía tây có một cái thác nhỏ đổ nước xuống con suối đá. Bên sườn đông, một cái hồ dài thuôn thuổn bao quanh chân đồi như mảnh trăng non. Ông thấy bóng cá ở đó và trên bờ nhiều cổ thụ chi chít phong lan. Nghe xong, thay vì phấn tấn bà thở dài, ông cho bò đi chậm lại.

Trốn ư? – Mãi tới khi vượt khỏi bìa rừng, bà mới bạo dạn lên tiếng. Tôi chán tranh đua lắm rồi! – Ông ném điếu thuốc đang hút dở xuống mặt đường – Thôn làng đẫm máu, phố thị bất an, còn chốn nào hơn nữa! – Nghe đến đó, bà đưa tay níu lấy cổ chồng, gục mặt xuống ngực ông. Xúc động nhưng bà cố giấu những thổn thức riêng tư. Đường gập ghềnh, xe lắc lư. Hà chính mãnh ư hổ[9]! – Bà chợt nhớ có lần đang lúc hầu trà, nghe quan tri huyện thở than như thế với một người bạn từ xa đột ngột ghé thăm. Nửa năm sau, ông ấy bị xử chém ở một tỉnh phía nam trung bộ[10], quan tri huyện âm thầm để tang bạn… Bà khóc. Qua làn nước mắt, bà thấy chấp chới bóng dáng chủ tịch xã, mấy tay cảnh sát điều tra vào ra nhà mình. Năm nào an ninh quân đội cũng gọi ông lên truy bức tông tích những đứa con vắng mặt không rõ lý do. Trốn quân dịch hay lên núi? Họ hỏi đi hỏi lại như thế. Không! Trước sau ông chỉ có một lời. Chúng nó đi làm ăn xa. Họ không tin và tiếp tục hành hạ gia đình ông.

Cái ăn cái mặc lấy từ đâu hở? – Sau những biểu tỏ đồng tình, bà lo lắng hỏi. Từ đất và rừng – Ông ngả hai bàn tay to trước mặt vợ như muốn nói hãy tin vào đây. Thế lửa đạn? – Bà lo lắng hơn nữa. Chiến tranh nhân dân chỉ có ở chỗ đông người, du kích chẳng bao giờ dám du cư! – Ông bật cười. Lỡ khi ốm đau? – Bà vẫn chưa yên tâm. Nguồn cơn của bệnh là do thân tâm không an lạc, khí uất huyết ứ, âm dương bất tương thích – Ông cười to hơn nữa – Nhưng vạn bất đắt dĩ thì đã sao nào…? – Thay vì nói rõ ý, ông chỉ tay vào đầu tóc hoa râm của mình. Bà buông ông, gượng ngồi thẳng lên, riu ríu gật đầu. Cây nhà lá vườn ông đã từng chế thuốc thang chữa chạy cho bao người, huống hồ nay cả rừng thảo dược bao quanh. Bà lại dim mắt lơ mơ. Nghĩ cho cùng, những gì ông vừa trưng dẫn chưa phải là chứng lý đủ thuyết phục, nhưng đã có bao giờ bà không tin chồng. Mà dường như, tâm trạng thỏa hiệp ấy đã có từ lâu lắm rồi – từ cái đêm bà bồn chồn nao nức theo chị em đi xem hội võ Tây Sơn và phải lòng người ta…

3.

Tháng sau ông bà Ngô Mãn rao bán đất nhà trước sự ngỡ ngàng của láng giềng. Một mảnh vườn nửa mẫu tây, hai miếng đất ô[11], ba gian nhà gạch, với ít của nả dành dụm bấy lâu… Nhìn vào hầu bao, tài sản của họ không đến nỗi nào. Sau một đêm trằn trọc không ngủ, sáng dậy ông bàn với vợ trích một phần năm gởi cho vợ chồng con út tít tận trong nam, ba phần đem gởi không định kỳ vào công khố, phần còn lại, ông bà mua sắm các thứ mang theo vào rừng. Buổi sáng ra đi, bà đốt hương cắm khắp nhà cửa vườn tược rồi phục xuống giữa sân bấu lấy mặt đất mà khóc. Tức tưởi, ông xoay lưng lại phía vợ, đứng cúi mặt lặng im bên cỗ xe, một tay vin lấy cội tùng. Khi ta ở, đất không chỉ để ở, mà từ lâu đất đã sống với người. Hẳn thế, nhưng giờ đây vợ chồng ông dẫu có vật vã cũng không thể đắm chìm trong thứ tình cảm ấy. Gắn bó của đất và người là khởi thủy tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc. Ông ngẫm nghĩ. Nhưng môi sinh bất an, không thể không ra đi…

Họ lên rừng mai trước mùa mưa. Và, việc đầu tiên phải lo là dựng nhà. Ăn trưa xong, ông bà Ngô Mãn rảo khắp vùng, chọn thế đất. Bà đề nghị chồng dựng một ngôi nhà đá nhỏ, nhưng ông không bằng lòng. Từ giây phút manh nha ý định dời cư, trong đầu ông đã hình thành một túp nhà sàn giản đơn, thông thoáng, hòa nhập với thiên nhiên. Nhưng giữa đất trời bao la, ông chưa biết phải cụ thể với vợ cái mô hình đó thế nào! Bóng tối bắt đầu xuống, mặt trời rực đỏ trên chóp núi phía tây, ông đốt một đống lửa, đưa cỗ xe vào, dọn chỗ cho bà đặt lưng. Đầu hôm, ông nằm giữa đôi bò, thủ lao, canh giấc cho vợ. Chừng canh ba, sương xuống như mưa, rừng trở lạnh. Đốt thêm một đống lửa, châm một điếu thuốc lá, ông tựa mình vào cỗ xe, nhìn lên trăng sao vằng vặc, nghe bao âm thanh lạ của vùng đất mới rồi thiếp đi lúc nào không hay… Tiếng bìm-bịp từ suối vọng lên đánh thức ông dậy. Nắng mai chấp chới trên đầu ngọn cây. Nhìn vào cỗ xe không thấy vợ, ông hoảng hốt bật dậy, vớ lấy ngọn lao. Bà lẩn thẩn từ mé bãi đi lên, tay xách cái ghè sóng sánh nước. Sẵn lao trong tay, ông cúi xuống đào hố bếp, vây đá xây lò, bà vo gạo. Họ ăn cơm với cá khô nướng, với cải trời luộc rồi bắt tay vào công việc.

Cây rừng thường mọc thành đám cùng chủng loại. Bởi thế mới có rừng cà chít, rừng sao tía, rừng cẩm lai, rừng xà nu, rừng cà te… Thì đây, ba trụ giáng hương, hai trụ hoàng đàn hợp với một trụ bìn lin y như đất trời dành sẵn cho vợ chồng ông, tuy không ngay hàng thẳng lối nhưng có ai bắt phải vuông vắn góc cạnh như ở quê ở phố đâu! Rừng nào nhà nấy! Ông ngẫm nghĩ rồi hạ quyết tâm. Chẳng phải dứt ngọn, ông chỉ trảy bỏ một số cành thừa, chọn và tạo những cháng vững chắc, gá bọ gác đà. Chim chóc làm tổ, chỉ qua một mùa sinh nở – Đang lúc phụ giúp chồng, bà nói – Nhưng chúng ta là cả phần đời còn lại, biết có trụ nổi đến ngày ấy không? Ông im lặng, ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu.

Ba ngày lao động cực lực, ông hoàn tất bộ khung, bà cũng không kém phần vất vả nhưng lâu lâu lại tủm tỉm cười do cái hình thù kiểu nhà ngồ ngộ. Nhưng nhìn chung, tinh thần họ phấn tấn. Công đoạn tiếp theo, lợp mái và dừng vách. Trước đó bà đã bứt tranh và đánh thành liếp nhưng giờ ông không muốn dùng tới. Bên kia suối một rừng lồ ô. Đốn về, dứt khúc, bổ đôi, ông bà tạo ra ngói lợp. Phía sau núi, chếch về phía đông, một rừng mây. Qua bao mùa khô, chúng rụi xuống ùn thành khoanh thành đụn, chỉ việc dứt gốc bó cuộn, khuân về tha hồ mà buộc. Hai mái lồ ô lợp theo kiểu âm dương không một khe hở đủ sức thách thức những trận mưa rừng tối mắt. Nhân thể, họ cũng dùng lồ ô để nguyên ống ken sát dừng vách rồi cặp tranh bên ngoài chắn gió. Sàn nhà là công đoạn đòi hỏi ông bà phải ra sức vận dụng trí óc hơn cả. Rừng thừa gỗ nhưng thiếu ván! Rải rác đó đây, ông mới gom đủ cây cùng cỡ. Một sàn nhà như thế nằm ngồi khó khăn, bà chợt nghĩ tới những tấm giát bằng lồ ô bện mây. Một cầu thang độc mộc theo kiểu dân bản địa nhưng cải tiến có tay vịn. Một chái bếp lai ra nối kết với mấy kho chạn nhỏ. Đã xây cất đến mức đó nhưng ông bà vẫn chưa thấy đủ cho một nếp nhà, vẫn chưa thể gọi là mái ấm. Lạnh lẽo, trống trải thế nào! Mồ hôi, nước mắt, hơi sức và cả máu, nhưng sao xa lạ y như ăn nhờ ở ké của ai! Thì ra chỉ thiếu có mỗi một bàn thờ tổ tiên!

Đang lúc lo bữa, nhìn khói bếp bà sực nhớ tới cái lư trầm, liền mách bảo cho ông hay. Bát sành cổ đã có sẵn, đục đẽo nửa ngày ông chế tác cái tran nhỏ treo ngay gian giữa, bà đốt mấy cọng lau khô thay nhang, vọng tưởng mẹ cha, bẩm báo với trời đất, thổ thần bản địa… Một mái ấm hình thành! Chiều ấy như chim có tổ như chồn có hang, họ thật sự cảm thấy đứng ngoài lửa đạn, bình an và hạnh phúc. Bà pha một bình trà đặt vào chiếc khay gỗ đưa ra hiên, ông châm một điếu thuốc phì phà nhìn trời mây. Nhật xuất nhi tác hề! – Bỗng dưng ông ngâm nga môt đoạn Đạo Đức Kinh đã bỏ quên từ lâu – Nhật nhập nhi qui hề[12]!…

Sáng hôm sau thức dậy trong ngôi nhà mới, ông bà Ngô Mãn phát hiện bằng lăng ở ngọn đồi bên kia suối đã trổ hoa. Lấp ló giữa thẳm xanh đại ngàn, những dải tím lung linh như mây ngời sắc lấp lánh nắng mai. Không ai bảo ai, họ đều biết mùa mưa sắp tới, phải tìm đất vỡ hoang. Ngày trước lúc mới lên Tây Nguyên, ông bà Ngô Mãn muốn moi trong đất thật nhiều của cải, ăn không hết thì tích lũy, giấc mơ phú quý đêm ngày âm thầm thôi thúc. Nay hoàn cảnh đã khác, không còn con cháu bên mình để sẻ chia cái ăn cái mặc, khoảng trống ấy là những nhớ thương mịt mù tâm tưởng. Lại nữa, họ đã đoạn tuyệt cái xã hội thị thành dưới kia, những khoản chi tiêu thù tạc vãng lai cũng không còn. Khoảnh đất màu mỡ bao quanh chân đồi xem ra quá rộng. Cuộc sống bây giờ không còn ai để vần công lao động và trao đổi hàng hóa nữa – Bà nghĩ và bàn bạc với chồng – Tự sản tự tiêu tự túc là chính, không nên tập trung vào một chủng loại nào…

Thế mà năm đầu, ông bà Ngô Mãn được mùa to, đất cũ đãi người mới, phải làm thêm bồ chạn. Từ đó, bà nghĩ tới chăn nuôi gia cầm nhưng ông cảnh báo không nên chạy theo số lượng. Cùng với mùa màng bội thu, chim chóc muông thú cũng theo về. Ban đầu đàn sẻ từ đâu kéo đến, rồi vẹt xanh, sáo vàng, khướu nâu… Rúc sâu kho lẫm là lũ sóc bông, lóc nhóc gầm sàn là bọn chuột bay, loay hoay vườn tược là đàn thỏ xám, đôi lần thấp thoáng bóng dáng chồn cáo, hươu nai và cả bò min… Không hẹn hò, không mời gọi, thế mà người và vật chan hòa cùng nhau tự nhiên như giao thoa sinh hóa bốn mùa. Của cải làm ra, phần dư thừa ông bà ban phát cho chúng nó đều đặn hàng ngày. Thậm chí, sẵn những liếp tranh chưa dùng tới ông che cho chúng những mái ấm dọc theo suối khe phòng khi mưa gió dầm dề và cả việc chửa đẻ…

Một đêm tối trời, hai con bò không chịu yên nghỉ dưới gầm sàn như mọi khi, cứ quay quắt giậm giật mãi. Cọp ư? Nghi ngại, ông thủ lao và rình chờ ở đầu thang độc mộc. Không thấy gì nhưng ông vẫn lo lắng. Hôm sau ông báo với bà và bày cách đề phòng. Không phải bây giờ họ mới đối mặt với cọp. Ngay khi còn ở thị xã, cọp vào ra vùng ven và lượn lờ ở các buôn làng lân cận là chuyện bình thường. Thịt cọp tanh nhưng biết khử mùi thì ngon và bổ. Ở xứ này, không thiếu người làm giàu nhờ cái nghề nấu cao hổ cốt và cao gạc nai. Nổi tiếng gan góc hung dữ, nhưng cái giống cọp rất sợ khói lửa. Rừng thiếu gì củi, cứ đốt lên là ăn ngủ yên. Cọp rất kỵ những ai vác côn, cắp vật vát nhọn đầu. Đi rừng gặp cọp không được bỏ chạy, chúng sẽ vồ ngay. Lỡ khi đối mặt, phải dừng lại, tấn bộ, căng mắt phóng nhãn lực vào tam tinh nó, quyết giữ vững thần thái, tới một lúc, cọp sẽ len lén bỏ đi. Nhiều lần lâm thế cùng đường, bà đã từng chứng kiến ông đấu trí với cọp như thế. Tôi không ngại thú dữ – Và ngay sau đó, ông thường tỉ tê với vợ – Tôi chỉ sợ người dữ thôi. Nghĩ cho cùng, con người là động vật tàn hại đồng loại hơn hết thảy, nó thường nhân danh lý tưởng này chủ nghĩa nọ để giết nhau. Bà tin điều ông nói.

4.

Mặc chiến tranh, mùa xuân năm nay mai vẫn nở. Ông bà Ngô Mãn có cảm tưởng cứ mỗi năm rừng mai lại mở rộng hơn trước. Chim muông, ong bướm cũng theo đó mà nhân lên. Đắm mình vào thiên nhiên, của trời đất hóa ra của người. Trời đất vô biên, theo đó con người cũng vô tận, bình an động chuyển lưu hoạt nhiên hành. Ông bà cảm thấy mình có tất cả, vượt lên phú gia địch quốc của cả thế gian. Như đã thành lệ, mấy năm qua, những ngày này, ông bà thường nghỉ ngơi ở nhà. Buổi sáng, bà hái những lộc chè, giã nát, pha thêm tí gừng, nấu thức uống cho chồng trong cái ấm đất nhỏ. Ông thường ngồi ở hiên, nhắp từng ngụm xanh, nghe thấy mùi the vị chát đầu lưỡi, ngây ngây ngần ngật thấm đẫm cổ họng, ngắm nhìn mây bay gió thoảng, nghe hương cây mùi cỏ vờn lượn trong tiếng suối đàn róc rách. Ngôi nhà ấm áp, tràn ngập sắc xuân. Người đời thường mơ bồng lai tiên cảnh, ông bà Ngô Mãn có cảm tưởng như mình đang với tới bến bờ. Bà giở lại pho truyện Tàu ngân nga theo điệu hát tuồng. Trong vườn Viện Hưng Giáo, Ngu Cơ múa ca cho Hạng Vũ[13] vơi hận rồi tự sát để chồng nhẹ gánh trượng phu cung kiếm… Lạ! Càng đọc càng thấy mới như lần đầu, tích xưa mà tuồng không cũ. Có lẽ ngoài vòng cương toả, lương năng phát tiết, thiện căn bừng sáng, các thiên khiếu rộng mở khiến người ta thấu suốt cõi phù sinh?

Một buổi chiều, đang trong giây phút lâng lâng ấy – Triệu Tử Long[14] ra sức hò hét trên cầu Đương Dương Trường Bản khói bụi mịt mù, ông chợt nghe đất trời rộn rã khác thường. Định thần, ông nhận rõ tiếng động giần giật như xé cả thinh không. Ra hiên, ông nhìn lên trời, chẳng thấy gì. Hình như có cả tiếng người vọng đi trong gió. Quày lui vườn sau, ông chẳng thấy ai nhưng lồ lộ trước mắt một chiếc trực thăng lù lù đáp xuống mé đồi cách nhà vài trăm thước. Ra là thế! Nhưng chuyện gì hẻ? – Ông bực bội – Đã trốn vào tận đây mà còn theo tới hả? Ông trở lên nhà, cắp lấy cây lao rồi xuống ngay. Thấy ông tất bật, bà lo lắng, chống cao cánh cửa chái bếp nhìn vói theo chồng. Máy bay đã yên ổn trên đất, chong chóng vẫn quạt liên tù tì. Cỏ đồi mướt xanh dợn sóng, mấy vồng đậu nằm rạp tự hồi nào, những ngọn cây dọc bờ suối cũng uốn cong theo sức gió bạt. Râu tóc dửng cả lên, ông đi ngược tới, cây lao trong tay, nghe tiếng bà từ phía nhà sàn ơi ới gọi. Cửa máy bay chợt mở, một người lính bước xuống. Ông nhìn kỹ, một sỹ quan mang quân hàm đại úy, áo quần màu lam sẫm bít bùng từ đầu đến chân, quanh lưng một đai đạn. Hắn thuộc loại thanh niên cao to, đẹp mã.

Có thấy nó ngang qua đây không? – Súng hờm sẵn trong tay, đại úy sấn tới hất hàm hỏi. Nó là ai? – Ông gắt, nắm chặt cán lao, mắt không rời họng súng kẻ lạ. Một con nai – Hắn nói, ý tứ quay mũi súng chúi xuống đất. Ai chà! – Ngẫm ra nguồn cơn, ông gật gật đầu – Muốn tìm a? Có ngay thôi! Nó ở bên này – Ông quay lại, hắn theo sau nhưng dè chừng từng bước. Băng qua lưng đồi thẳm tím hoa mua, ông Ngô Mãn đưa hắn về phiá nhà mình. Nhìn lên, ông thấy bóng bà thấp thoáng cùng ánh lửa. Nhưng đang lúc vội ông phớt lờ. Vượt giếng nước lộ thiên, ông đưa hắn xuống mé suối. Vợ nó mới sinh – Ông vừa đi vừa nói, hắn chỉ hiểu lơ mơ nhưng không muốn hỏi rõ – Mà sao anh phát hiện được… hẻ? – Ông hỏi dò. Không nghe trả lời, ông vụt quay lại, chăm chăm nhìn vào mắt hắn – Làm sao…, hé? – Ông gắt to như nạt nộ con cháu. Trên đường bay từ mặt trận Tam Biên trở về căn cứ, cháu thấy một đàn nai đang gặm cỏ ở thung lũng bên kia – Hắn nói – Bọn cháu nhắm một con to nhất và nổ súng…

Để làm gì? – Bất chợt ông sửng cồ, hoành giáo, thủ thế. Kết hợp chuyến bay, mang về cho đơn vị làm một bữa liên hoan đặc sản núi rừng! – Hắn nói. Láo, Mỹ giàu, các người thiếu chi cái ăn, thiếu chi của ngon vật lạ! – Ông xẵng giọng. Đã đến lúc chúng cháu lợm mùi thức ăn công nghiệp, chỉ hửi mùi thịt hộp, cơm sấy, nước uống có ga… đã muốn tè. Lợm tới nỗi có lúc muốn ói cả ra! – Hắn vươn vai tỏ vẻ chán ngán. Tôi không tin! – Ông quyết liệt phản bác – Các anh thích bắn giết thì có! À, mà này, giết nhau như thế chưa vừa sao? – Ông xách mé hí háy. Và ngay lúc ấy, ông thấy hắn hao hao giống thằng con đầu của mình. Ngô Thành, cũng lưng dài vai rộng, cũng lon quánh vàng vai, binh chủng biệt động, đánh trận liên tù tì, hăng say đến quên cha quên mẹ quên ông quên bà, tết nhất chẳng về. Mà có về cha con vẫn cảm thấy xa nhau, và khi ra đi, chỉ thêm tốn nước mắt mẹ nó.

Mấy lần hắn định lên tiếng hỏi han thăm dò… nhưng rồi đút súng vào bao, rút thuốc mời ông. Con suối quanh co lấp lánh, tiếng nước lao xao. Hắn ngần ngại, nhìn quanh. Thu lại giáo, ông đưa hắn vượt con cầu khỉ, thẳng tới một khoảnh đại ngàn chi chít thiên tuế xù xì cổ quái. Hắn nhận ra ngay con nai chà đang đứng liếm máu vết thương ở chân sau. Cách đó không bao xa – bên trong một cái lán xiêu vẹo, nai cái đang cho con bú. Ông lại gần, con nai chà ngừng liếm, mở to đôi mắt đau đớn nhìn tới. Thoáng thấy hắn, nó định bỏ chạy. Nhưng chỉ được năm ba bước, nó khịu xuống, không lê nổi chiếc chân đau. Ra hiệu cho khách dừng lại, ông tiến tới đặt một tay lên đầu con vật, vuốt ve nó một lúc. Con vật hích mũi hửi lấy hơi ông rồi gục xuống như đã tới hồi kiệt sức. Viên sỹ quan hoảng hốt bươn đến, con vật cố gượng đứng lên, ông dùng cả hai tay dằn nó nằm xuống, vết thương tiếp tục rỉ máu. Một viên đạn trúng vào ống cẳng sau, chắc hẳn phạm tới xương. Các anh bắn giỏi thật! Không cho chết tại chỗ, muốn bắt sống mang về – Sau một phút săm soi vết thương, ông cằn nhằn. Không phải cháu – Hắn nói. Nhưng lệnh của ai? – Ông gắt, nâng cao cái chân con vật đầy máu. Hắn rút từ trong quân phục gói cứu thương nhỏ ném tới, ông đón bắt nhưng vẫn ngồi im, cúi mặt. Cầm máu? Dễ thôi. Ông ngẫm nghĩ. Nhưng đốt xương bên trong bị gãy, làm sao? Hắn nhìn quanh, rút con dao nhỏ từ thắt lưng, cắt một lóng cây dại tạo thành thanh nẹp. Hiểu ý, ông dùng cả hai tay giữ chặt chân con vật, hắn cho thuốc vào vết thương, dùng thanh cây nẹp lấy rồi quấn băng lại.

Cháu xin lỗi bác! – Hắn nói sau khi đã hoàn tất việc cứu chữa con nai chà. Anh không việc gì phải xin lỗi tôi – Ông nói, giọng đã có phần dịu lại – Nó không phải của tôi. Nó là của giang sơn, của đất trời – Bây giờ hắn hiểu ông nói gì. Mắt nhìn về phiá lán, hắn khẽ gật đầu. Nai mẹ đã thôi cho con bú. Nó đưa mắt qua kẽ hở cây dừng, nhìn về phía nai chà, đôi mắt to ngấn nước. Viên sỹ quan nhận ra điều đó nhưng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc xấu hổ cúi mặt. Nai con nhảy quanh mẹ cất tiếng kêu be be. Hắn chợt nhớ đứa con mình mới chập chững biết đi, cái hôn trước khi ra trận như còn phảng phất hơi ấm da thịt thơ ngây trên môi cha. Tự dưng, hắn nghe đau ở một nơi nào đó rất sâu thẳm trong thân xác mình. Không đủ can đảm ở lâu hơn nữa, hắn vội lẩn xa rồi quày quã lao về phía suối. Qua khỏi con cầu khỉ, hắn đứng sũng một lúc, ngước mắt nhìn lên. Và ngay khi ấy, hắn ngỡ ngàng thấy mình đang ở giữa một rừng mai vàng ánh ngập cả đất trời, một sắc màu thanh xuân ngút mắt. Giang sơn cẩm tú! – Hắn thì thầm như tụng niệm, liêu xiêu cất bước.

Ông Ngô Mãn theo hắn tới chỗ máy bay đỗ, từ nãy tới giờ chong chóng vẫn quay. Bên trong còn có hai sỹ quan nữa, một người rậm râu ngồi trước cần lái, một người mang mặt nạ khoác áo giáp gác tay lên giàn đại liên. Hắn giới thiệu lão sơn nhân với đồng đội. Họ cúi chào rồi đưa xuống ít đồ hộp và một chai rượu Whisky làm quà, nhưng ông từ chối. Cả bọn khẩn khoản, ông đành nhận chai rượu cho khách vui lòng. Ông mời họ đến nhà mình, hắn tỏ ý ưng thuận nhưng hai đồng đội không bằng lòng, đưa tay xem đồng hồ. Cả ba như chợt nhớ ra một điều gì. Chúng cháu xin lỗi bác! – Hắn nói khi đã ngồi lên máy bay. Nhưng lần này ông Ngô Mãn không cải chính – hoặc không kịp cải chính. Chong chóng quạt mạnh, ông vội giãn xa. Khi ngoái lui, ông thấy sau kính cửa máy bay, hai ba cánh tay đưa lên. Ngay tức khắc, ông tháo chiếc khăn vấn đầu, buộc vào cán lao vẫy chào, râu tóc phất phơ theo gió. Đã lên cao nhưng máy bay cứ đảo vòng vòng, ông nhìn theo, tin chắc bây giờ bọn họ đã nhận ra vẻ đẹp của giang sơn và kính cẩn chiêm bái.

5.

Một buổi sáng cuối tháng chạp năm Ất Mão, ông bà Ngô Mãn đánh xe về chợ thị xã bán bớt ít nông sản, mua sắm các thứ tiêu dùng trong ba ngày tết. Ra tới đường cái, tự dưng ông thấy khang khác. Lúc đầu, đang lạnh lẽo trong sương mù, cả hai chưa khẳng định được điều gì. Về đến chợ, vắng hoe, nhưng ông bà cứ bày biện các thứ ra vỉa hè, lèo tèo mấy con buôn qua lại, lấm lét nhìn trước ngó sau, quán xá ngày trước nhộn nhịp nay đóng cửa im lìm. Ngơ ngẩn một lúc, hỏi thăm người này kẻ nọ, ông bà mới hay đất nước đã thay chủ đổi ngôi. Là thế này – Một tay chợ trời thuộc loại đá cá lăn dưa mặc áo hoa chim cò nhàu nát giải thích – Đế quốc Mỹ đã trắng trợn phản bộị đồng minh, rút chạy cách nay hơn hai năm, chính quyền Sài Gòn không còn nữa. Nói rõ ra, cái gọi là quân lực anh dũng Việt Nam Cộng Hòa ngày nào, gồm cả hải-lục-không quân đều tan tác, các ông tướng có người đầu hàng, có người tự sát, có người chạy vào rừng hoặc xin tị nạn nước ngoài. Chính quyền bây giờ về tay Cách Mạng – nghĩa là về tay những người đội mũ cối đi dép râu nói năng chí chát búa xua. Có thể nay mai những ai có thân nhân trong ngụy quân ngụy quyền phải cùng đi cải tạo hoặc bị đưa ra ngoài thị xã, nhường đất nhà cho cơ quan nhà nước sử dụng hoặc cấp cho cán bộ ở. Có thể nay mai nhân dân ta có cơ may sẽ đi tàu suốt từ Sài Gòn một lèo ra Hà Nội mà không còn sợ Việt Cộng đặt mìn khủng bố dọc đường ray. Có thể nay mai Mặt Trận Giải Phóng của ông chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ sẽ tự động tan rã vì đã hoàn thành nhiệm vụ không được tổ quốc giao phó một cách xuất sắc để trao quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, rồi hai miền sẽ hiệp thương thống nhất đất nước, chỉ còn một chính thể, một chính quyền, một tổng bí thư, một chủ tịch… Nghĩa là từ nay vĩnh viễn sạch bóng quân thù và sạch luôn cả bao thứ vớ vẩn phất phơ bấy lâu cứ bắt ta hết hoan hô lại đả đảo đến bở hơi tai! Nghĩa là từ nay sẽ ngất ngư độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc…

Thoáng nghe rất sướng tai, nhưng nhìn lại mấy bao nông sản, gần nửa ngày không ai ngó ngàng, bà nẫu cả ruột gan. Có một con nhóc đang bươi rác kiếm ăn, bày cách đưa đến cửa hàng quốc doanh mà bán, ông bà hỏi đường đánh xe tới, mậu dịch viên là một lũ gái quê mùa, ngo ngoe bút mực trên tay như múa roi lùa bò về chuồng, mồm mép chua ngoa lí lắc nhưng cực kỳ nhanh nhạy thu vén chấm mút. Chiều lòn, cân già một tí, rút cục ông bà cũng bán được hàng nhưng chỉ nhận nửa tiền, nửa kia là tờ giấy ghi nợ chuyển vào sổ tiết kiệm làm như thử nhân dân ta thừa mứa của ăn của để. Nhưng ở vào cơ cảnh của ông bà Ngô Mãn, khó khăn không chỉ chừng đó, với số tiền mặt được nhận tại chỗ cũng không có đủ cái mua sắm để mang về núi. Mắm muối là những thứ hàng thông dụng nay cũng khan hiếm. Ê hê! Giải phóng rồi, biển khô, cá lặn, ruộng muối bỏ hoang!… – Thằng đá cá lăn dưa vẫn bám theo cà khịa. Ông dúi cho vài đồng, hắn liền chỉ chỗ mua chui. Vải và áo quần không biết bày bán nơi nào, thậm chí cây kim sợi chỉ cũng vắng bóng, cửa hàng chỉ phục vụ cán bộ và giải quyết theo tiêu chuẩn… Trên đường về, vừa đói vừa khát vừa giận, ông thề độc từ nay tới chết không xuống phố nữa. Nhưng bà thì ngược lại, âm thầm hồ hởi phấn khởi. Hết chiến tranh, nay mai nhất định những đứa con của bà sẽ tìm về. Xe lắc lư, bóng tối xuống dần, nhưng trong tim bà như có ánh sáng le lói.

(Còn tiếp 1 kỳ)

Comments are closed.