Sài Gòn – Những ngày phong thành (14)

10 NGÀY CĂNG MÌNH CHỐNG DỊCH Ở TP.HCM

Sau khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM bước vào những ngày căng mình chống dịch Covid-19. Số ca mắc mới liên tục tăng cao, đặt ra nhiều thách thức trong việc dập dịch.

[TP.HCM: TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG TRA CỨU THÔNG TIN NGƯỜI THÂN ĐANG ĐIỀU TRỊ COVID-19]

FB Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người cách ly và người điều trị tăng dần. Để tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu tra cứu thông tin người thân đang cách ly, điều trị tại các cơ sở trên địa bàn Thành phố, Sở Y tế vừa tích hợp ứng dụng “Tra cứu thông tin COVID-19” trên nền tảng phần mềm ứng dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19".

Việc tra cứu thông tin người bệnh (F0) nhanh kịp thời sẽ giúp cho cả người bệnh và người thân an tâm hơn trong quá trình điều trị. Để tra cứu thông tin, người dân thực hiện các bước sau đây:

– Bước 1: Truy cập vào đường dẫn: http://tracuuf0.medinet.org.vn:8083/tracuu.html

– Bước 2: Điền thông tin của người bệnh COVID-19 như họ và tên, năm sinh, địa chỉ, số CMND/CCCD.

– Bước 3: Chọn nút “Xem”.

– Bước 4: Ghi nhận tên bệnh viện mà F0 đang điều trị.

– Bước 5: Tra cứu thông tin chi tiết về bệnh viện bao theo danh sách các bệnh viện tiếp nhận điều trị COVID-19 đính kèm.

* Danh sách các bệnh viện tiếp nhận điều trị COVID-19 xem tại link: https://hcdc.vn/…/tphcm-trien-khai-ung-dung-tra-cuu…

[Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh]

clip_image002

TÒA TỔNG GIÁM MỤC SÀI GÒN: THÔNG BÁO VỀ VIỆC PHÒNG CHỐNG DỊCH NGÀY 19-7-2021

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn – 19/7/2021

clip_image004

TP.HCM: 430 TU SĨ TÌNH NGUYỆN SẼ ĐẾN CÁC BỆNH VIỆN CHĂM SÓC BỆNH NHÂN NHIỄM COVID-19

Hân Hồ, Thanh niên 20/7/2021

Trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế

Bệnh nhân dương tính Covid-19 được chăm sóc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM.  /// Ảnh: Ngọc Dương

Bệnh nhân dương tính Covid-19 được chăm sóc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng căng thẳng, ngày 20.7, thừa lệnh đức Tổng giám mục Nguyễn Năng (Tổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM), Văn phòng Tòa Tổng giám mục phát đi lời kêu gọi bà con giáo dân tại TP thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, đặc biệt là việc giãn cách gia đình với gia đình, để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

Văn phòng Tòa tổng giám mục TP.HCM cũng cho biết, ngoài việc tương trợ, chia sẻ lương thực hằng ngày cho các gia đình thiếu thốn khó khăn, Giáo hội Công giáo còn mong ước cộng tác vào lãnh vực y tế.

Theo đó, trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Do vi rút Covid-19 rất dễ lây nhiễm, các linh mục không có điều kiện được vào bệnh viện cử hành bí tích xức dầu cho các bệnh nhân mắc Covid-19 hấp hối (nếu có). Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân qua đời do Covid-19 và được cơ quan chức năng của TP.HCM chấp thuận, các linh mục cũng sẽ đến cử hành nghi thức cuối cùng cho người quá cố trước khi được hỏa táng. Đây là một việc tuy nhỏ nhưng đem lại niềm an ủi cho các tín hữu Công giáo. Tòa Tổng giám mục sẽ tổ chức một nhóm linh mục thay phiên nhau thi hành nhiệm vụ này.

Trước đó, ngày 19.7, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo TP.HCM, cho biết Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có bức tâm thư gửi đến tăng ni, phật tử nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó, tâm thư của Hòa thượng Thích Trí Quảng (Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – TP.HCM) có đoạn: "Con đường tâm linh của người Phật tử, cả xuất gia và tại gia, phải luôn giữ được sự hài hòa lợi mình, ích người và tốt đẹp cho môi trường chung. Do đó, trong lúc này, tôi mong chư Tăng Ni, Phật tử các giới ngoài việc giữ gìn thời khóa hành trì theo pháp môn căn bản, còn nên phát huy sự dấn thân chia sẻ với bà con chung quanh mình. Đó là hành động thiết thực theo tinh thần mà Đức Phật đã dạy: Hiến tặng sự không sợ hãi, chia sẻ đồ dùng thiết yếu, xoa dịu nỗi khổ niềm đau. Đồng thời, chúng ta còn cần tỉnh giác, đừng vì bất cứ lý do gì mà quên các nguyên tắc phòng, ngừa dịch bệnh đã được ngành y tế phổ biến".

 

HƠN 600 TĂNG NI, PHẬT TỬ TPHCM PHỤC VỤ TẠI CÁC BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

Trần Nguyễn Anh, Tiền phong 20/7/2021

Sư cô Thích nữ Tuệ Quán (SN 1999) đăng ký phát nguyện phục vụ tại bệnh viện dã chiến (Ảnh: Giác Ngộ)

Sư cô Thích nữ Tuệ Quán (SN 1999) đăng ký phát nguyện phục vụ tại bệnh viện dã chiến (Ảnh: Giác Ngộ)

TPO – Hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội Phật giáo TPHCM, sáng 20/7 hơn 600 tăng ni, Phật tử đăng ký vào phục vụ tại các bệnh viện dã chiến.

Trước tình hình lực lượng y bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến hoạt động vất vả vì số bệnh nhân tăng, thậm chí nhiều bệnh viện dã chiến, y bác sĩ kiêm luôn các việc phát cơm nước cho bệnh nhân, Giáo hội Phật giáo TPHCM đã phát lời kêu gọi tăng ni, Phật tử tham gia phục vụ các bệnh viện dã chiến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, tính đến 8h ngày 20/7 có 612 tăng ni, Phật tử đăng ký phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.

Trong danh sách đăng ký có 59 tăng ni và 553 Phật tử (trong đó có 369 người là nữ). Tình nguyện viên tham gia hai tháng có 170 người và tham gia một tháng có 442 người.

Được biết, Sở Y tế TP.HCM đã và đang tổ chức tập huấn về kỹ năng an toàn, biện pháp 5K và những kiến thức căn bản trong việc phòng ngừa COVID-19 và giúp đỡ các bệnh nhân F0 tại đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến cho các tăng ni, Phật tử.

Dự kiến, lực lượng tình nguyện viện hơn 600 tăng ni, Phật tử sẽ xuất quân và có mặt tại các bệnh dã chiến vào ngày 22-7-2021.

Trong lực lượng xuất quân sắp tới có 131 người là tăng ni, Phật tử đã và đang theo học ngành y, có kiến thức chuyên môn.

Hơn 600 tăng ni, Phật tử TPHCM phục vụ tại các bệnh viện dã chiến ảnh 1

Đại đức Thích Minh Tiến (SN 1983), bác sĩ đa khoa, đăng ký phục vụ bệnh viện dã chiến.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 36.000 trường hợp mắc COVID-19. TPHCM hiện có 12 bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động với gần 35.000 giường bệnh.

Lực lượng hơn 600 tình nguyện viên là tăng ni, Phật tử sẽ là nguồn bổ sung lực lượng cần thiết cho tuyến đầu chống dịch tại TPHCM trong những ngày tới.

 

NHỮNG CHUYỆN ĐƠN GIẢN

FB Phan Xuân Trung

– Chỉ bằng việc RỬA TAY trước khi đỡ đẻ đã cứu sống các sản phụ thoát chết vì nhiễm trùng hậu sản. Trước đó người ta không hề biết gì về nhiễm trùng. Cho đến khi bác sĩ Semmelweis bắt buộc sinh viên và nhân viên bệnh viện rửa tay trước khi tham gia đỡ đẻ thì một kết quả ngoạn mục là số ca sản phụ tử vong hậu sản giảm hẳn. Khi đó những bác sĩ lão làng cũng như non trẻ khác tỏ ra khinh thường với ý kiến này. Họ không hỏi "Anh dựa vào nghiên cứu khoa học nào? Bằng chứng thực nghiệm đâu? Tài liệu nào nói vậy?", họ chỉ lẵng lặng không làm theo trừ khi bị bắt buộc… Và ngày nay, vệ sinh, tiệt khuẩn trước khi can thiệp y khoa là một chân lý bắt buộc.

– Trẻ con chết vì tiêu chảy hàng loạt. Các loại thuốc men dường như vô dụng cho đến khi lý thuyết về bù nước qua đường ruột vẫn còn hoạt động tốt khi pha nước với đường và muối ăn. Từ đó gói Oresol đã trở thành cứu tinh cho các trẻ em tiêu chảy mất nước. Đây được xem như một thành tựu to lớn của y khoa thế giới vì hiệu quả cứu người.

Một điều bất ngờ là phương pháp khoa học đó đã nằm ngay trong tô cháo muối của người Việt Nam. Tô cháo muối đã hội đủ các thành phần nước, đường (bột) và muối… Rõ ràng ông bà xưa đã có kinh nghiệm điều trị bằng những giải pháp thông thường mà không đòi hỏi phải nghiên cứu khoa học.

– Ngửi dầu, nấu lá xông, cạo gió, giác hơi… đúng thực đã giúp sức khỏe hồi phục nhanh chóng. Không cần nghiên cứu, không cần số liệu chứng minh. Chưa ai lý giải tại sao "trúng gió" thì cạo gió ở lưng lại ra các vết xuất huyết bầm tím để rồi bệnh nhân cảm thấy nhẹ người ngay lập tức.

– Có ai đó đang nghiên cứu về bát cháo hành của Thị Nở không? Chị ta là một thầy thuốc chính hiệu khi biết ra tay cứu Chí Phèo khi anh ta bị bệnh. Không những cứu thể xác mà cứu cả tâm hồn của một người mà xã hội đã từ chối.

Những giải pháp kể trên không xuất phát từ nghiên cúu khoa học mà từ trực giác, từ cảm nhận dẫn đến hành động.

Muốn hiểu được những điều này phải biết tĩnh lặng và suy gẫm.

 

LÂY LAN TRONG NHỮNG CON HẺM NHỎ

FB Phan Xuân Trung

Ở quận 4 TPHCM có rất nhiều con hẻm nhỏ hẹp, nhà cửa chật chội, dân lao động cư ngụ và thường gặp nhau để bàn chuyện Covid. Mỗi nhà có vài người ở, nếu tất cả ở trong nhà suốt ngày thì rất buồn bực, căng thẳng nên thường ra ngoài bắc ghế ngồi trò chuyện với hàng xóm. Những con hẻm nhỏ không có gió thổi. Người ta nói chuyện và phát tán ra virus theo từng lời nói chuyện…

Hẻm nọ có bà tổ trưởng rất năng động, đi đến tận từng nhà để tuyên truyền chống Covid. Và chính những lần đến thăm từng nhà đó cũng đồng thời lây nhiễm cho các hộ gia đình. Hậu quả là nguyên hẻm bị nhiễm gần hết.

Đứa cháu báo tin cả nhà nó trong hẻm đều bị nhiễm hết. Bà cụ già chết 2 ngày không thấy địa phương đến xử lý.

Tình hình là không còn truy vết, không còn đến hốt F0 đi nữa vì không còn chỗ chứa. Và thành phố đã quyết định cho tất cả F1 tự cách ly tại nhà. Và dù không có quyết định "cho" F0 tại nhà thì cũng không còn lực lượng để áp tải như vài ngày trước.

Vậy thì mọi người phải biết thân biết phận, đóng chặt cửa nhà. Những con hẻm cũng được xem là không gian kín, dễ lây.

Hãy tự hít dầu và nhỏ nước muối. Nước muối càng mặn càng tốt. Cay mũi còn hơn chết.

 

NHẬT KÝ BV. DÃ CHIẾN 4

FB Nguyễn Đình Tuấn

Như vậy đến 15h hôm nay 20/7, BV. Dã Chiến số 10 đã trang bị đầy đủ và tiếp nhận được 1 số tầng với trên 1.000 b/n F0.

Để vận hành 01 BV cho dù là Dã Chiến nhưng với quy mô vài ngàn giường trong bối cảnh nhân lực y tế phải chia sẻ cho nhiều mục tiêu khác là điều hoàn toàn không dễ nhưng rất cảm ơn nỗ lực của đội ngũ NVYT đến từ BV. TMH – Tp. HCM cũng đã bắt nhịp nhanh và luôn chia sẻ mỉm cười cùng b/n trong mùa dịch bệnh.

Hiện tại BV. Dã Chiến số 10 đã được cung cấp đủ ghế xếp và giường… nên tạm thời xin phép không tiếp nhận nữa và BQLBV cũng gửi lời xin cảm ơn đến bà con đã nhiệt tình ủng hộ trong 2 ngày qua.

Do các Bs giai đoạn này bắt đầu tập trung cho công tác điều trị chuyên môn nên xin phép bà con cần hỗ trợ gì thì có thể đến trực tiếp BV vì BS. Anh Thư đang điều phối nhiều công việc chung sẽ không bắt máy các cuộc gọi được.

Rất trân trọng và xin cảm ơn bà con đã hỗ trợ và mong rằng tấm lòng của mỗi người sẽ là động lực lớn để các thầy thuốc và bệnh nhân gần gũi hơn, cùng nhau động viên chia sẻ để tạo đề kháng tốt với loại Virus này.

Địa chỉ BV. Dã Chiến số 10 tại : 26. Mai Chí Thọ , Phường Bình Khánh,Q2 (ngay cạnh khu Bến du thuyền Novaland).

clip_image006

clip_image008

NỘI LỰC CỦA MỘT THÀNH PHỐ

Khải Đơn

clip_image010

Người chị tôi quen sống ở California. Buổi chiều hôm ấy đi làm về, chị bảo vừa gửi về Sài Gòn vài trăm đô, phụ bạn chị nấu ăn cho người nghèo trong xóm – nơi ngày xưa là quê cũ của chị ở Quận 6.

Bữa cơm ngày hôm ấy của một số người vất vả có phần chắt bóp của một người “thân” cách Sài Gòn nửa vòng trái đất đã xa Sài Gòn vài chục năm trời. Rất nhiều người Việt ở rất xa Sài Gòn đang làm như vậy mỗi ngày, để giúp một hẻm nghèo, xóm nhỏ hay vài nhà họ quen biết đang kẹt trong nhà ở thành phố phong tỏa.

Hôm bữa, quỹ học bổng tôi biết nói, họ gần như không có đủ chi trả cho học kỳ kế tiếp của các em vì kinh tế khó quá, mọi người cắt giảm hỗ trợ. Quỹ không dám xin tài trợ vì sợ nhà ai cũng đang khó khăn. Tôi viết một lời xin xỏ, vài ngày sau, đã có hơn 10 suất học bổng được gửi tới để trả tiền học hai học kỳ cho các em nữ sinh mà quỹ theo hỗ trợ.

Bạn tôi ở chung cư, hàng xóm anh nhắn cho nhau trong một group cư dân, để biết nhà nào có người bệnh, có người thân đi cách ly mà không ai chăm sóc người ở nhà. Sẽ có nhà nào đó nhận đi chợ giùm, hoặc để mắt trông chừng trẻ con hoặc nấu ăn hộ. 

clip_image012Photo by Duy Hoang on Unsplash

Nhiều năm đi viết báo, tôi nghe đủ thứ quan chức ca ngợi nội lực của Sài Gòn. Thành phố năng động. Con người tham vọng, chăm làm, sẵn sàng chịu vất vả để làm giàu. Giao tiếp thẳng thắn, làm ăn dễ dàng không lắt léo quay ngoắt 180 độ không lường. Định nghĩa nội lực khi ấy dựa trên giá trị có thể đếm được là tiền, tích lũy tư bản, số người lao động, số giờ làm việc. Nhà làm kinh tế thích các con số chứng minh được – tiền là cầm nắm sờ đụng được – vậy mới tin giá trị của một đô thị hàng đầu và giàu có.

Nhưng nội lực của một đô thị hơn chục triệu người không chỉ nằm ở những chỉ số thấy được trên biểu đồ. Nội lực của đô thị cũng không đến từ những quan chức như giám đốc sở công thương Bùi Tá Hoàng Vũ nói mạnh mồm TPHCM không thiếu gì. Những bạn trẻ thì comment bên dưới post đăng báo: Chú thấy rau củ bán ở đâu cho địa chỉ cháu đi mua. Cái mà người ta coi trọng khi làm ăn ở đất Sài Gòn giờ lộ ra: nói năng thẳng thớm, đừng ăn không nói có, vì người dân biết hỏi và không mù quáng đu đeo theo vài cái post đăng FB trấn an bảo rau củ đầy siêu thị, các bạn đi mua nhanh. Cái thiếu của từng chung cư, hay từng cụm dân cư không giống cái thiếu tổng quan của thành phố, và cũng không giống cái thiếu ở một xóm nghèo bị chặn tất cả đường mưu sinh khi bị giăng dây. Sự khổ sở của từng cá nhân con người không thể bị xóa nhà đi nhân danh những phát biểu đơn giản lúc đóng cửa, khi mở cửa không đòi hỏi một lời phản biện.

Sức mạnh ẩn dưới một đô thị dày tầng gắn kết nằm ở khả năng từng cá nhân trong đô thị đó sẵn sàng nhìn hiện thực bằng gương mặt thật , và họ đủ dũng cảm để thay đổi cách sống hàng ngày để thích nghi với tương lai bất định.

Ở đô thị đó, những cô nhân viên văn phòng chỉnh tề váy áo có thể trở thành chị chủ tiệm rau trong một sớm chiều. CEO, giám đốc ngân hàng, họa sĩ, kỹ sư phần mềm có thể trở thành chủ xị xắn tay áo đi nấu cơm cho cả xóm vé số nghèo gần nhà mà họ biết. Bà bán tạp hóa, cô chủ sạp trong chợ có thể mạnh miệng quản lý và phân phát thực phẩm đổ về cho khu phố nơi họ sống. Sau tất cả, mọi công việc lương thiện đều để có bữa cơm cuối ngày, cho bản thân gia đình họ và cho những người xung quanh mà họ thấy đang không còn khả năng mưu sinh từng ngày.

Nội lực của đô thị đến từ những con người nhìn thấy gương mặt cộng đồng bên cạnh họ. Một chị bán rau ở chợ tự phát phải nghỉ suốt vài tuần. Bà bán bánh mì đầu hẻm không còn được đẩy xe ra ngõ đông xe đứng. Anh bán xe hủ tiếu phải ngừng bán vì phong tỏa. Họ có liên quan gì đến những CEO, nhân viên văn phòng hay chủ sạp chợ? – Đó là người phục vụ bữa sáng đầu ngày, bưng tô hủ tiếu bán muộn đêm khuya, là nguồn rau xanh bên đường để cô nhân viên tiện tay mua về nấu bữa tối cho chồng con. Khi đại dịch đẩy họ vào xó nhà, người khách ăn bỗng thấy bản thân mình chật vật kháng cự giữa nhiều mặt trận, vừa lo ăn uống cho con cái gia đình, vừa phải làm việc công sở tại nhà không bàn tay ai giúp đỡ.

Đó là lúc mỗi người nhận ra xương sống giá trị của một cộng đồng thực thụ: nơi mỗi người là một mắt lưới trong cộng đồng, sống và cùng sống nương vào nhau với vai trò trọn vẹn như nhau, giống như cánh rừng mưa dày nhiều tầng sinh vật, sự khốn cùng của bất kỳ tầng nào cũng có thể đẩy tầng kế vào bất an. Sau đại dịch, mỗi chúng ta không còn nhìn người xung quanh như thể họ tất nhiên tồn tại, ta cần cần bận tâm ghi nhớ vai trò của họ trong đời sống của mình sau cuộc bán mua tiền trao cháo múc. Khi thành phố ngột ngạt phong tỏa, người Sài Gòn cho thấy họ trân trọng cộng đồng kề cận biết bao nhiêu. Họ lo cho mấy chị hàng rau chợ tạm chẳng còn đủ ăn, sợ cho người già bán vé số không còn ai mua cây đèn đỏ ngày thường. Nhà chùa, nhà thờ, tổ dân phố biết ai là những người sẽ đói đầu tiên khi phải ở nhà. Và họ xắn tay lên đi tìm người xung quanh để giúp.

clip_image014Photo by Kim Hanh Do on Unsplash

Đó là nội lực của Sài Gòn. Một thành phố có người con đã đi rất xa vẫn có mảnh Sài Gòn trong tim. Những đồng USD, Euro mồ hôi nước mắt xứ người gửi về cho bữa cơm của phường nghèo, xóm đói. Người sống giữa phố biết nhìn ngó ngang dọc, chìa tay ra để lo cho người khó hơn sống cạnh mình. Đến những người chẳng liên quan gì, đã trót vào thành phố, thành đạt và trầy trật giữa phố xá, bần thần nhận ra có bao nhiêu triệu người khác đang trong sinh phận giống quá khứ lay lắt của mình.

Hóa ra nội lực của một thành phố không chỉ đo đếm bằng khả năng làm giàu, mà còn thể hiện ở khả năng kéo những nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi vũng lầy kiệt sức vì dịch bệnh. Khả năng đó, trong ngày thường ít ai để ý gọi tên, giờ trở thành cách mỗi người thầm thì vào tai nhau, chuyền nhau một lời kêu gọi gom góp, để không có thêm ai bị đẩy tới đường cùng vì dịch bệnh. Mạng lưới kỳ diệu và vô tận của lòng thiện đang cứu mọi tầng của đô thị đó không sụp đổ.

Một hộp cơm có thể không cứu được mảnh đời nào, nhưng làm một bữa no đầy đặn, giúp người không  khốn khổ trong ánh mắt đói buồn hiu. Một bao gạo, thùng rau không thể thay đổi nền kinh tế đang dần bấp bênh vì dịch bệnh, nhưng nó giúp thêm một gia đình không phải nghe trẻ con khóc vì đói, hay nhìn người thân chạy ra đường đi cướp vì miếng ăn kiệt cùng.

Vượt ra khỏi những con số vĩ mô chỉ biết nói bằng tiền, Sài Gòn mang trong nó mạng lưới ngầm của sự sinh tồn không khoan nhượng. Có thể rồi khi dịch bệnh qua đi, ta nhìn về đô thị theo cách khác đi. Ta hiểu rằng hóa ra bà bán bánh mì lấn vỉa hè con hẻm đó hóa ra không phải gánh nặng của đô thị chật chội. Anh hủ tiếu trên đường không phải thành phần ta cần đến xe tải dân phòng ùa ra xô ghế đạp thùng ném tất cả về phường. Hóa ra những con người bên vỉa hè đó là một phần sinh tồn và hơi thở của đô thị.

Một thành phố sinh trưởng lành mạnh không chỉ đẻ ra những triệu phú, ngôi sao, nhà giàu mới nổi và đẩy người yếu thế ra bên lề. Đó còn là nơi mọi người dù ở tầng lớp hay địa vị nào cũng đều có thể sinh tồn, cũng góp phần vào tạo dựng “sức khỏe” chung của thành phố, và xứng đáng được gọi tên, chia sẻ và chăm sóc – như cách mỗi người đang hành động trong thời dịch bệnh.

Từng người sống – và làm mọi cách để cộng đồng cùng được lành mạnh sống.

Khải Đơn

nh đầu bài viết: Photo by George Flowers on Unsplash

TÁC ĐỘNG CỦA CÁC QUYẾT SÁCH

FB Truong Huy San

Kẹt xe ở đường 5 hôm qua hay ùn tắc ở các chốt từ Gò Vấp vào Sài Gòn những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16 cho thấy, Chính quyền gần như không đánh giá tác động của các quyết định trước khi ban hành chúng. Cách chống dịch hiện nay đang vô tình tạo ra không ít ổ nguy cơ cao lây lan dịch.

Quốc lộ, đường liên tỉnh là huyết mạch quốc gia việc các địa phương lập chốt phải được coi là bất hợp pháp vì nó phá vỡ tính thống nhất quốc gia. Việc khai báo y tế chỉ nên làm ở địa bàn dân cư khi có người lưu trú. Quyền lực có thể làm tha hóa ngay dù nó chỉ được trao tạm thời; nhất là khi quyền bắt giữ người được trao cho dân phòng và cả những kẻ làm đến phó chủ tịch phường như vụ "bánh mì không phải là lương thực".

Chính phủ và các địa phương vì thế phải cân nhắc rất kỹ khi khôi phục tình trạng "ngăn sông, cấm chợ".

Từ tầm Trung ương nên đưa ra những giải thích đơn giản nhất để dân chúng và các địa phương đều hiểu thống nhất các quy định trong các mệnh lệnh, chỉ thị. Thay vì cấm tuyệt đối ra đường nên yêu cầu tuyệt đối chấp hành 5K đặc biệt là tăng thêm cự li giãn cách.

Nên ưu tiên vaccine tiêm cho tài xế xe tải và xe chở khách công cộng. Chống dịch là để sống. Cuộc sống có hàng vạn nhu cầu, tình hình đòi hỏi mọi người cẩn trọng chứ không phải là kháng cự với các nhu cầu thiết yếu.

https://tienphong.vn/tai-xe-xep-hang-dan-logo-va-xet-nghiem-covid-19-ql5-un-tac-gan-10km-post1356997.tpo?fbclid=IwAR0Jp46pGJBZfsPKGhPFJLrjiVGZ6KRSNPu2yEauHgs0QvN8xx-C32zaF4w

CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ, LẶNG LẼ NƠI NÀY!

FB Ngô Nguyệt Hữu

1. Mấy nay buồn quá, đã ngủ ít vốn dĩ, lại càng thức nhiều hơn. Nói với Đồ Đệ, tự dưng anh nhớ Sài Gòn quá, anh mong Sài Gòn sẽ chập chững đi lại rồi cố bình thường như xưa. Dứt câu này rất bùi ngùi, Sài Gòn không thể như xưa được, chúng ta không thể như xưa được nữa rồi.

Sài Gòn, cần thay đổi. Chúng ta, cũng cần thay đổi.

Một con covid như cơn mưa lâu gột sạch những điều bình thường mà chúng ta chặc lưỡi cho qua, giờ thì bắt buộc phải chấp nhận.

Lãnh đạo Sài Gòn cần một đợt chấn chỉnh rất mạnh cán bộ thuộc cấp, những cá nhân như ông Chủ tịch UBND Phường 6, Quận Gò Vấp dựng cả chỉ tiêu phạt người dân ra đường vi phạm chỉ thị 16. Những cá nhân như bà Chủ tịch UBND Phường 7, Quận Phú Nhuận, bà Chủ tịch mà dân đi rút 2 triệu bà phạt ngay một triệu không hoá đơn…

Những cá nhân như vậy cần phải loại bỏ ra khỏi hệ thống chính trị. Bởi, đó là những cá nhân chứng tỏ họ vô chính trị, không năng lực, còn đặt họ trong hệ thống ngày nào là còn nuôi ong tay áo ngày đó. Tiền nhân dạy, “Làm tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại”, đằng này, họ được đặt lên vị trí đứng đầu địa phương mà họ vừa dại lại vừa vô duyên.

Lãnh đạo Sài Gòn cũng cần một đợt làm công tác tư tưởng hữu hiệu, nhất định bắt ai đang được quy hoạch chức danh từ Giám đốc Sở trở lên phải có báo cáo về tình hình đời sống của người dân trong lĩnh vực mà họ phụ trách, được giao. Chứ họ bỏ rơi dân nhiều quá, họ cũng xa dân quá.

Bà Chủ tịch Mặt trận Thành phố, lẽ ra trong bối cảnh này khi xuất hiện trên truyền thông phải dung dị (biết lo cái lo của nhân dân) thì vẫn điểm trang xiêm y như nhà có tin vui. Lãnh đạo nào cũng áo quần ủi thẳng tớm, tươm tinh… Dân thì chạy ra đường xin cơm từ thiện.

Có quá nhiều lãnh đạo nói học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là “Ái quốc, thương dân” thì vẫn không thấy lãnh đạo nào toát ra được tư tưởng ấy. Ái quốc, còn trừu tượng, mỗi người yêu nước theo cách của riêng mình. Còn thương dân, là hiển hiện ai cũng thấy.

Quan nhân Trung ương vào Sài Gòn chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, quan nhân Trung ương còn đi chỗ này, thị sát chỗ kia. Trước khi quan nhân Trung ương vào, lãnh đạo Sài Gòn xuất hiện trước truyền thông đa phần trong phòng họp.

Đáng lẽ, người dân phải thấy một ông Phó Chủ tịch thành phố mướt mồ hôi cùng nhân dân khi khuâng vác gạo cứu đói, một ông Giám đốc Sở đi chợ sớm để nắm tình hình rau củ quả…. Thì người dân lại thấy một bộ phận khác nhân dân. Ngoại trừ, những bộ phận là chuyên viên, nhân viên ở tuyến đầu chống dịch, sống cùng nhân dân, sống cùng bệnh nhân… còn lại, xa xăm vô cùng.

Sài Gòn, nhất định phải chấn chỉnh.

2. Dân, nhà giàu ở quê không bằng ngồi lê phố thị.

Dân ở thành phố lớn nhất nước, được thụ hưởng tri thức lẫn tin tức và các điều kiện vật chất khác hơn mấy chục triệu dân còn lại. Ngoại trừ, những cá nhân lao động tự do, ráo mồ hôi là hết tiền… không nằm trong phạm trù bài viết của tôi. Ngoại trừ, những cá nhân thiện nguyện từ tâm, những cá nhân ngày đêm góp tay cùng thành phố chống dịch. Còn lại, cứ văng vẳng nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con của cụ Tản Đà.

Bình thường, ngày nào cũng share cũng bàn với nhau cách nhịn ăn, cách detox.

Bình thường, ngày nào cũng tính toán ăn mấy muỗng cơm, mấy cọng rau.

Một cơn gió bụi, không phải can qua. Một con virus, không phải giặc ngoại xâm với họng súng lưỡi lê, đã bắn tan tác lòng dân phố thị.

Những siêu thị sạch bách, những cơn phẫn nộ mang tên Bách Hoá Xanh, những ớt 100 nghìn/kh, hành lá 400 nghìn/kg….

Chỉ số hỗn loạn chính là chỉ số rõ nhất của niềm tin giữa người dân và người quản lý Nhà nước.

Rõ nhất là hôm qua là tin giả, hôm nay thành tin thật. Vậy mà từ ông Thông tin và Truyền thông cho đến ông Tuyên giáo, không ai thèm có lời với dân, dẫu lúc này là lúc dân cần tin thật nhất.

3. Thông báo, quá trình tuyển chọn thơ “Sài Gòn thương nhau” tôi vẫn tiếp tục nhận qua email của mình, thời hạn hết thúc nhận là 20-8-2021.

Vì sao chỉ Sài Gòn mà không là cả nước, vì sức tôi chỉ có vậy. Và khi tôi nẩy ra ý tưởng này, có mỗi Sài Gòn là trọng thương. Hiện tại, Sài Gòn vẫn đang bệnh nặng.

Quan trọng hơn chúng ta đều biết, Sài Gòn ổn, toàn quốc sẽ ổn. Nhìn Sài Gòn đóng cửa, hoa Lâm Đồng phải đổ đống thì hiểu.

4. Cuối cùng, qua một đại dịch, mong cả quan lẫn dân đều một lần tĩnh tâm soi lại lòng mình!

 

SÀI GÒN NHỚ HÀ NỘI, HÀ NỘI NHỚ SÀI GÒN

FB Nhà báo Vũ Công Lập

Không ngờ bây giờ Hà Nội và Sài Gòn lại nhớ nhau đến thế. Dù có đủ loại liên lạc, vẫn nghe thấy giọng, vẫn nhìn thấy mặt… nhưng xa thì vẫn thật là xa.

Bao giờ lại có thể ra Hà Nội đây? Chắc là còn lâu, nên rất nhớ.

Bạn bè ở Hà Nội nhiều, nhắn hỏi thăm trong Sài Gòn liên tục. Bây giờ Sài Gòn đang khó khăn, nên nỗi lo Hà Nội bỗng tăng lên thật nhiều. Có một cái gì đó như "hậu phương" nhắn về "tiền tuyến", như những ngày xưa Sài Gòn "đi trước về sau".

Bản thân mình, dân Hà Nội bây giờ sống ở Sài Gòn (cũng đã 32 năm rồi), những ngày này thấy thương và biết ơn Sài Gòn vô cùng. Sài Gòn bao dung, Sài Gòn phóng khoáng, Sài Gòn say mê và đầy cảm hứng.

Thế là nằm ngay ở Sài Gòn mà cũng nhớ Sài Gòn kinh khủng.

Đi nhiều, sống nhiều, bây giờ đâu cũng là quê.

Có một bạn đồng nghiệp, là Nguyễn Hồng Sơn, giờ công tác tại Bệnh viện Quân y 175, gửi cho mình một bài hát. Sao mà đúng với tâm trạng của mình đến thế! Cả lời, nhạc, và giọng hát làm mình rưng rưng!

Gửi cho các bạn và mời các bạn cùng nghe, chia sẻ. Như Sơn nhắn cho mình: Nghe để lấy sức mà chiến đấu.

https://youtu.be/tXIoOmAaODw

 

KIẾP NGỤ CƯ *

FB Lê Văn Đồng

Sát phòng trọ tui là nơi ở của những người thợ hồ dân 78- Phú Yên.

Người trẻ khoảng 98, già khoảng 64, 5 mạng, họ đều là lao động chính của gia đình mình, vào Sài Gòn mưu sanh bằng nghề thợ xây hoặc phụ hồ gần năm nay.

Rồi thành phố phong toả vì bệnh dịch, họ nằm nhà, ăn dần những đồng lương tích góp chờ ngày đi làm lại. Đến hôm qua, hai người cuối cùng của nhóm cầm cự không nổi đã phải vác ba lô, đi xét nghiệm, theo chuyến xe cứu trợ về lại mảnh đất quê hương miền trung.

Thường ngày có họ, nghe tiếng dô dô khi cụng ly, âm thanh mỗi người khi gọi điện cho người thân riết cũng quen. Giờ đi hết thấy buồn buồn… Một cái buồn kiếp ngụ cư phố chợ.

Trong ảnh là người cuối cùng của nhóm ra đi.

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

clip_image016

MỘT CHÚT VUI CHO NGÀY MỚI

FB Vu Kim Hanh

Tín hiệu vui nhất là số ca nhiễm của Sài Gòn ngày 19/7 giảm nhiều (giảm 1.500 ca). Cũng không chắc là mức giảm này là ổn và trên đà xuống, cũng có thể do cách tính, ví dụ “gửi” số liệu cho thời gian tính kế tiếp? Nhưng dù sao cũng vui chút xíu. Có hai bạn gái đọc số liệu dịch của Sài Gòn đã “năn nỉ” số liệu dễ thương như vầy. “Ai đó cứ kêu: Sài Gòn cố LÊN ! Em thấy mình đừng kêu Sài Gòn “LÊN” nữa, số ca nhiễm nó lên hoài, hay mình kêu Sài Gòn ơi, cố xuống đi?”. Bạn gái khác đồng tình, “ừ, cũng đừng rủ nhau tăng CA, Sài Gòn cứ TĂNG CA NHIỄM hoài, thương quá Sài Gòn ơi!”.

Chuyện vui “tào lao” nhất hôm qua là ông TLHT, PCT phường Vĩnh Hòa, Nha Trang bắt phạt một thanh niên đi mua bánh mì là sai luật, vì CT 16 cấm không đi ra đường trừ khi rất cần, như mua thực phẩm. Ổng tự chế từ điển mới, bánh mì không phải thực phẩm, rồi phạt, tịch thu luôn xe người ta. Sau đó anh công nhân về chỗ làm, bị cho nghỉ việc luôn. Dân mạng chửi quá trời, và Ủy ban tỉnh Khánh Hòa đã phải ra văn bản định nghĩa lại, gián tiếp xác nhận "bánh mì, là sản phẩm chế biến từ tinh bột, chính là thực phẩm" (xem văn bản in ở đây luôn). Bình luận “đanh đá” nhất là một bạn vẽ một đống cỏ và một bó rơm với ý là, theo ông quan phường, đây mới là thực phẩm nè.

Cập nhật. Ông bí thư Đảng ủy đã thông báo là đã thôi chức Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của ông PCT này (vẫn làm PCT phường nha) và Ủy ban tỉnh đã yêu cầu trả xe lại cho anh TN đi mua bánh mì.

Trong khi ông quan phường “mót” phạt đến nỗi phô hết cái liều + dốt của mình, thì các bạn trẻ Sài Gòn vẫn thản nhiên lao mình trong mưa (Sài Gòn, 2 hôm nay mưa to như thác, 3 giờ chiều qua trời chuyển tối đen như giữa tối). Họ đi mua rau, mua gà về cặm cụi chuẩn bị để sáng nấu hơn ngàn suất cho lực lượng tuyến đầu. Những nhà thiện nguyện vô danh đó, khi “bị” báo chí phỏng vấn đã tự giới thiệu mình bằng 4 câu thơ cổ, tạm dịch là “Nhạn bay trên không/ Bóng in mặt nước/ Nhạn không cố lưu dấu/ Nước cũng chẳng cố lưu hình” .

Mình lý thú dõi theo họ, và đây là các hình ảnh (trong công việc) của những người trẻ không muốn lưu dấu, lưu hình (các ảnh chụp đêm). Cũng vui vui là họ cũng viết nhiều câu kiểu hát "rap" trên trang phây của họ, mình ghi lại tặng các bạn nào thích thì làm đoạn rap: “Việc thiện nên làm/ Tới đâu thì tới”; “Cái gì mình ăn được, thấy ngon/ Mới mời bà con ăn lấy thảo”. Lại có bạn ở Đoàn nghệ thuật Lân sư rồng Long Nhi Đường Việt Nam, viết một đoạn gieo vần Ẻ, là vần khó: “Hàng không bán, hàng chia sẻ/ Mùa dịch hãy chia sẻ cùng nhau sức khỏe/ Đừng để mình còn trẻ, mà bán rẻ lương tâm”…

Còn mấy câu tự sáng tác làm "content quảng cáo" đặc sệt kiểu nói của Nam Bộ để bán / tặng hàng tươi nông sản (khi trái chanh, tép hành hiếm quí) thì bạn xem hình và tự đọc đi, vui khó đỡ…

clip_image018

Anh công nhân chỉ có "tôi" đói bụng đi mua bánh mì mà bị tịch thu xe và đuổi việc (chắc trả lại xe rồi, sau khi Ủy ban tỉnh ra văn bản, đính chính gián tiếp)

clip_image020

Văn bản Ủy ban, xem câu mình khoanh đỏ, đính chính lại, (bánh mì là) sản phẩm từ tinh bột, chính là lương thực.

clip_image022

Các bạn trẻ tình nguyện viên ngồi lặt rau nửa đêm, mới kịp nấu hơn ngàn suất ăn vào buổi sáng.

clip_image024

Đi chợ rau giữa đêm, ở quận 8, cùng nhau tải hàng về tận quận 2. Hỏi vì sao đi chợ tận quận 8, trả lời: dạ ở đó, giữa đêm xe tải về, rau tươi, giá rẻ. Tụi con "me" nhiều chợ đêm thấy chỗ này rau ngon mà rẻ nhất, nên phải ráng đi xa.

clip_image026

Bài thơ dễ thương mùa dịch: "Ở đây mến tặng cơm gà, Ăn kèm một trái chuối già rất ngon".

clip_image028

"Định nghĩa" nữa: to là to còn bự là nhỏ hơn to haha

clip_image030

Hai ảnh này ghép sẵn, mượn từ phây của cô giáo dạy về thiết kế Nguyen KB. Nhưng hình như cùng một nhà quảng cáo. Tự nhận xét thẳng thắn luôn: Xoài chua lè chua lét. Rau muống thì tự giễu: 5 tỷ/ một bó, nay giảm giá còn có 5.000. Cấm lựa, tức là dặn khách, không bới móc.

NHẬT KÝ PHONG THÀNH (SỐ 11) CHUYỆN CÁI BÁNH MÌ

Tuấn Khanh’s Blog

clip_image032

19/07/2021 ~ TUẤN KHANH

Hôm nay, đề tài vừa giải trí, vừa ngao ngán của mọi người trong lúc giãn cách, là chuyện cái bánh mì. Ở đâu cũng nghe nói về nó, và cũng có đôi ba người chợt nổi danh trên toàn cõi Việt Nam vì món ăn nhanh này.

Bánh mì ở xứ Việt có vài địa danh được gắn liền tên với nó, như một kiểu sản phẩm địa phương đáng tự hào: bánh mì Sài Gòn, bánh mì Nha Trang, bánh mì Hội An… mang đậm nét phong cách sống và ẩm thực từ thời người Pháp còn ở Đông Dương. Qua nhiều thập niên, bánh mì không chỉ là một loại thưởng thức, mà còn là bạn đường của người lao động không có nhiều thời gian nghỉ, là thứ nâng đỡ quen thuộc của người nghèo khi đói lòng…

Chuyện được kể rằng anh T.V.E., là công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang, đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Trong khi di chuyển qua đường vòng khu vực Hòn Một thuộc phường Vĩnh Hòa, lực lượng tuần tra (có nơi gọi là tổ xung kích) chận xe và kiểm tra, phạt anh T.V.E. do dám ra đường, vì lý do “không chính đáng”, cũng như “không cần thiết”. Mặc dù người công nhân này giải thích là anh đang đi mua đồ ăn. Tuy nhiên, các nhân sự rầm rập của phường Vĩnh Hòa vẫn quyết thu giữ giấy tờ, phương tiện di chuyển của anh T.V.E và đem về đồn, vừa bắt đóng phạt, vừa bắt nghe giáo dục tinh thần chỉ thị cách mạng.

Có vẻ như các cán bộ ở đây rất vui mừng, coi như mình lập được công trạng điển hình, nên tự tổ chức quay video, ghi âm rõ lời giáo dục của Phó Chủ tịch phường. Cười không nổi. Ngao ngán cũng không xong. Ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch dạy dỗ người công nhân là “Nhà nước cho ra đường mua lương thực, thực phẩm. Nhưng bánh mì đâu phải thực phẩm. Bánh mì đâu phải lương thực”.

Bản video mà các cán bộ tưởng là sẽ khiến mình tỏa sáng, vì quyết liệt hành động theo mệnh lệnh chính trị, lại là cánh cửa mở cho dân chúng nhìn và hiểu thêm về thời đại mình đang sống. Khắp nơi, lời giễu cợt, chỉ trích, thậm chí là đòi các luật sư bảo vệ người nghèo nên giúp khởi tố nhân vật quan chức này.

clip_image034Ánh mắt kinh ngạc của anh Trần Văn Em khi nghe giải thích về bánh mì

Trong phần tranh cãi của anh T.V.E với đội quân kiểm tra về quyền chính đáng của mình, tay Phó Chủ tịch đã quát “Mày ở núi xuống hả?”. Và đe doạ sẽ đuổi việc anh T.V.E, vì Thọ nói mình quyền lực rộng, biết cả chủ thầu trong công trình. Nghe tới chuyện mất việc thì người công nhân vinh quang trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã chết lặng. Kể từ đó về sau, anh đành chấp nhận là nhân dân trơn, sống đời lặng im để mong qua đe, qua búa.

Ấy mà vẫn không xong, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó, anh T.V.E bị mất việc. Tay Phó Chủ tịch đã tác động với chủ thầu như thế nào đó, để con người cùng đinh ấy phải bị đạp ngã thêm lần nữa, mới hả dạ.

Blogger Phạm Minh Vũ viết trên facebook, kêu gọi chính quyền tỉnh Khánh Hòa phải công chính khởi tố tay quan chức này, vì sự lạm quyền và ngôn ngữ tồi tệ khi ra oai với một người nghèo khổ – đặc biệt là một người công nhân – mà chế độ cộng sản từ khi dấy lên các cuộc cướp chính quyền, đã luôn thề sẽ bảo vệ giai cấp này.

Không chỉ ở Nha Trang, trước đó, ở Sài Gòn, các chốt chặn cũng đã đuổi về hoặc phạt các sinh viên và người dân đi mua bánh mì, bởi họ ở trọ, không có tủ lạnh để trữ lương thực, và cũng không có phương tiện đủ để nấu nướng. Cũng với ngôn ngữ cách mạng triệt để về “chính đáng” và “cần thiết”, công an cùng lực lượng sai nha đã từ chối việc tiếp cận bánh mì, coi như là một thú ăn chơi, xa xỉ.

Chận nhiều, và phạt nhiều, Báo Lao Động cho biết riêng lực lượng kiểm tra, xử phạt dân Sài gòn thôi, đã thu về gần 15 tỉ đồng sau 8 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Ghê quá, chỉ vài ngày đã thu nửa triệu đôla. Đằng sau chuyện những người dân đang thở dốc thời dịch bệnh, bị phong tỏa và phải móc túi đóng phạt, không biết còn có những sự cam chịu nào tương tự như anh công nhân ở Nha Trang, phải chịu mất việc không?

Có thật ông Phó Chủ tịch, không đủ nhận thức về bánh mì và thực phẩm không? Các loại quan chức như vậy khi có tên trong các kỳ ép dân bầu cử, đều cho thấy học vị không thấp. Có người mang cả danh vị tiến sĩ. Trong trường hợp họ biết mà vẫn nói càn, chỉ có thể là sự mù quáng tuân theo các mệnh lệnh chính trị, tự ngu hèn hóa con người của mình để minh họa việc tuân phục. Ở một đất nước mà những kẻ như vậy là đại diện, lấy đâu ra người cầm quyền liêm chính và có trách nhiệm với đất nước?

clip_image036

Nhưng trong trường hợp họ không biết nổi ý nghĩa bánh mì và thực phẩm. Loại chính quyền nào đã chọn họ để ngồi trên đầu nhân dân? Hoặc những kẻ đó đã luồn lách thế nào để có thể ngồi vào vị trí lãnh đạo một cách dễ dàng như vậy, suốt bao lâu nay?

Cái lối vừa dạy dỗ nhân dân, đồng thời phô trương sự thể hiện mình như một kẻ trung thành với mệnh lệnh cấp trên, không chỉ xảy ra ở ông phó chủ tịch. Hồi ngày 13/7, một đôi thanh niên ở Long An chở mèo đi khám bệnh, bị viên công an chận lại, phạt và cũng bị nghe giáo dục về lẽ sống giữa người và mèo. Điều đáng nói, tay công an này cũng tự đắc về chuyện thi hành chỉ thị tuyệt đối nên cho quay video lại và phát lên như một cách tự giới thiệu. Xui xẻo thay. Câu chuyện con mèo không quan trọng. Nhưng cách ứng xử đó, bị coi không xứng cái gọi là “công an nhân dân”.

Sau năm 1975, đã từng có thời kỳ các tổ trưởng và công an khu vực – và cả báo chí nữa – thuyết phục dân chúng những điều ngu dốt như 2 ký rau muống bổ dưỡng bằng một ký thịt bò, hoặc thuốc xuyên tâm liên có thể trị mọi loại bệnh, là loại thuốc có một không hai trên thế giới, niềm tự hào của khối xã hội chủ nghĩa. Ôi, đã non nửa thế kỷ, ngày những người qua chiến tranh nắm quyền, đến thời cầm quyền như bước vào chiến cuộc, vẫn có những mặt người không khác nhau là mấy. Nhân dân chỉ có thể chọn cười hoặc thở dài. Không có ai bị cách chức hay bị phạt một cách xác đáng, vì những cách đối xử khinh miệt trí tuệ nhân dân Việt Nam đến vậy.

Lại nhớ, vào thời khan hiếm thuốc men đầu thập niên 1990, lại không có internet để tìm hiểu, chuyện tự uống nước tiểu của mình để chữa bệnh, được truyền thông nhà nước ca ngợi rầm rộ. Nhiều bác sĩ cách mạng cũng xuất hiện để nói về sự kỳ diệu của cái gọi là Niệu liệu pháp. Cũng may, chuyện đó không kéo dài khi nhiều bác sĩ ở Sài Gòn ngăn cản bệnh nhân ứng dụng, rồi viết thư lên báo, đài để phản đối. Truyền thông nhà nước sau đó, cũng tiu nghỉu, im lặng rút lại lời và xóa dần các vết tích ngợi ca của mình.

Bánh mì, cũng tại nó, tàn dư của thực dân Pháp mà ra. Lúc giáo dục người đi đường ở Sài Gòn, trong một video, tổ xung kích có phân tích rằng “sao không lấy gạo nấu cơm, hay nấu mì gói ăn,  mà đi tìm mua bánh mì, đó là kiểu ăn không cần thiết”. Cách tuyên bố quyết đoán ấy, tương tự như Hồng vệ binh ở Trung Quốc, luôn coi mọi phản ứng là chống đối người thi hành công vụ, thì nhân dân ở phía đối diện chỉ có thể im lặng.

Không biết nên cười hay nên khóc. Chợt nhớ trong phim The Red Violin của đạo diễn François Girard. Một giáo sư dạy violon ở Viện Âm nhạc Bắc Kinh, khi bị đưa ra đấu tố thời Cách mạng Văn hóa, các lực lượng xung kích đã tranh nhau kết tội ông “Vì sao Trung Quốc cũng có loại đàn 4 dây, mà ông không dạy, lại đi truyền bá đàn 4 dây của bọn tư bản?”, và lại hỏi thêm “Vì sao Trung Quốc có nhiều tác phẩm âm nhạc, không dạy mà lại đi gieo rắc các tác phẩm đồi trụy phương Tây như của bọn có tên Beethoven, Bach…?”.

Bánh mì hay đàn violon cũng vậy, đó chỉ là một lựa chọn. Nhưng ở một số thời kỳ của nền văn minh nhân loại, lựa chọn đôi khi cũng cần phải có kèm tinh thần sợi chỉ đỏ xuyên suốt.

Chú thích của Văn Việt: Theo tin trên báo chí, thì anh công nhân Trần Văn Em đã được ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang đã thay mặt chính quyền gửi thư ngỏ xin lỗi. Đích thân ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, xin việc mới cho anh và sáng 20/7, anh đã nhận việc. Ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa đã bị cho thôi chức Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch; ông và tổ công tác chốt kiểm soát dịch của phường trong ngày xảy ra vụ việc còn bị Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu xử lý nghiêm.

 

BÁNH MÌ SÀI GÒN TRỞ VỀ PARIS?

Phùng Hiếu

Tuổi Trẻ Cười – 20/7/2021

Thằng ớt hiểm láu cá ôm đồ ra đi. Trước khi đi nó còn nói: ‘Tao là gia vị, không thể sống chung với một thằng không cùng đẳng cấp như mày’.

clip_image038

Bánh mì Sài Gòn nằm buồn hiu thở dốc. Có lẽ nó bị tổn thương quá nhiều. Mọi hôm bánh mì Sài Gòn tung hoành khắp phố phường. Xóm vắng xóm đông, xóm nghèo xóm giàu… đi đâu cũng nghe tiếng rao văng vẳng :" Bánh mì Sài Gòn, đặt ruột thơm bơ!".

Vậy mà một ông ất ơ nào đó đã tuyên bố, bánh mì không phải là thực phẩm. Thế là cuộc đời bánh mì Sài Gòn sang trang. Thằng ớt hiểm láu cá ôm đồ ra đi. Trước khi đi nó còn nói:

-Tao là gia vị, không thể sống chung với một thằng không cùng đẳng cấp như mày. Xin lỗi, mày không phải là thực phẩm nhé!

Thằng ớt hiểm vừa ra đi, thì ngò với hành lá cũng rủ nhau bỏ bánh mì, tụi nó nói:

– Cả trăm năm qua, bọn tao không ngờ đã sống chung với mày. Đã vậy bọn tao còn tô điểm cho mày thêm hấp dẫn. Mày là thằng tồi bánh mì ạ! Đồ cóc ké mà bày đặt đòi làm thực phẩm?

Bánh mì Sài Gòn nước mắt chảy ròng ròng. Nó tủi thân!

Chị thịt nguội cũng tranh thủ đay nghiến:

– Tao là thực phẩm chính hiệu. Tao không thể sống chung với loại thực phẩm giả cầy như mày! Bye bye nhé! Không hẹn gặp lại.

Cô chả lụa cũng thừa nước đục thả câu:

– Tiên sư bố nhà anh! Giấu nhau cả trăm năm nay. Anh nói sớm, anh không phải là thực phẩm thì chúng tôi đã không giận. OK, anh lừa chúng tôi giỏi lắm! Chia tay nhau nhé!

Vợ chồng nhà bơ và pate cùng lên tiếng:

– Vợ chồng anh đã vì chú mà cống hiến. Hóa ra chú là đồ vớ vẩn. Thật nhục nhã khi vợ chồng tui đã làm nền cho anh cả trăm năm qua!

Bánh mì Sài Gòn chịu không nổi những lời mắng nhiếc, nó òa lên khóc.

Bác nước tương lắc đầu ngao ngán:

– Vậy mà bác phải xịt, xịt, xịt cho mày cả đời. Mày điêu ngoa lắm bánh mì ạ. Bác không muốn thấy mặt mày nữa.

Cuối cùng bánh mì cũng gục ngã. Nó ôm mặt khóc ngon lành. Rõ ràng, nó không còn chỗ dung thân nữa. Có lẽ nó nên trở về quê hương của nó, cái nơi mà người ta đưa đó đến đất nước này. Có lẽ bánh mì Sài Gòn sẽ trở về Paris, nơi mà người ta xem bánh mì là thực phẩm hàng đầu.

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Robinson quyết không vào bờ

#tuoitrecuoi #biemhoa

clip_image040

TRANH Thăng Fly Comics

Moment

clip_image042

* Hình bạn Nguyễn Thị Thúy Như trong Group GO VOLUNTEER !

Bạn trẻ nào đủ sức khỏe, điều kiện và tinh thần… có thể join group để đăng ký làm tnv hỗ trợ chống dịch nhé.

Cầu mong tất cả bình an.

clip_image044

Comments are closed.