Sài Gòn – Những ngày phong thành (24)

“ĐÓI QUÁ CHỊ ƠI, CHO XIN MỘT HỘP CƠM ĐI”

FB Chau Thi Phan

Các ông, các bà xem đi: chỉ vì xin một hộp cơm thôi mà họ phải khom lưng, cúi nhìn qua khe cửa để chắp tay vái lạy chúng tôi. Hãy nhìn bàn tay nhăn nheo,nổi gân ngửa ra thò dưới khe cửa để xin cơm… nhưng vẫn chỉ nhận được từ chúng tôi, lời từ chối trong nước mắt thì các ông bà biết chúng tôi đã đau đớn biết chừng nào!

Năm ngày nay, tuy ngày nào quán cũng nấu gần 600 suất ăn, nhưng sợ bà con ùa đến, chính quyền rầy rà (họ đã buộc tôi ký biên bản cam đoan chấp hành chỉ thị 16. Nếu không làm được sẽ xử lý theo pháp luật), quán đành hạ cửa, để ngăn bà con vào xin. Vậy mà họ vẫn đứng ngoài van xin.

Vì sao mà một quán cơm từ thiện, trước cửa quán vẫn còn treo chình ình tấm biển: “Sông có khúc, người có lúc”, bà con hãy thoải mái vào ăn, chúng tôi vui mừng đón tiếp”, lại cư xử với người nghèo một cách nhẫn tâm đến vậy?

Đó là do chủ trương kì dị của các ông, bà: một mặt tuy CHO PHÉP CÁC ĐIỂM TỪ THIỆN HOẠT ĐỘNG TRONG MÙA DỊCH, NHƯNG “KHÔNG ĐƯỢC TẬP TRUNG QUÁ HAI NGƯỜI”. Làm sao điểm cơm từ thiện mà tập trung không quá hai người được? Quả là đánh đố người thực hiện! Chính vì lý do đó mà chính quyền các phường mấy hôm nay đã đề nghị quán tạm ngừng bán cơm cho những bà con nghèo đến mua mang về. Họ không cần biết chính trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt này, chính những lớp người ở tận đáy xã hội, vì luôn sợ quán bị chính quyền đóng cửa họ sẽ mất phần ăn, nên đã rất tuân thủ đeo khẩu trang, xếp hàng đúng qui định giãn cách, tốt hơn so với những người ngày ngày xếp hàng ở các quầy hàng Nhà nước cho phép bán.

Không có các điểm cơm từ thiện thì những thực khách nghèo của chúng tôi ăn đâu? Hiện giờ, có tiền còn không mua được nữa là dân đen khố rách áo ôm, không tiền, ở vỉa hè, giường trọ, bệnh tật đầy mình… Đây là những đối tượng “ngoài vòng kềm toả” của phường do họ không có chỗ ở cố định.

Mấy ngày qua, tuy đóng cửa và treo bảng thông báo tạm ngưng bán, ba quán cơm Nụ Cười vẫn không để bếp lửa của mình dập tắt. Chúng tôi vẫn nấu cơm phục vụ bà con nghèo ở các điểm bị cách ly, phong toả, và những nhân viên trong các phường phục vụ các điểm cách ly. Và, nhìn những người cơ nhỡ, thất nghiệp, chịu nhiều thiệt thòi nhất trong mùa dịch, thú thiệt, cho dẫu biết có bị bắt, chúng tôi cũng không thể không dấm dúi cho bà con vài mươi hộp. Nhìn cảnh họ đến xin, chúng tôi đưa vội hộp cơm, rồi thúc hối bà con “chạy lẹ đi, không thì công an đến bây giờ “ mà vừa bực vừa ứa nước mắt. Thiệt, lúc này nhìn chúng tôi chẳng khác gì đang bán đồ lậu.

Hôm nay, ở quán Nụ Cười 2, khi chúng tôi đang vô hộp cơm, một công an lái chiếc xe tay ga vào hùng hổ la: “Chúng tôi đã cấm anh chị bán rồi cơ mà, sao vẫn làm?”. Lại phân bua, lại cãi cọ.

Mặc dầu chúng tôi thừa hiểu các chính quyền địa phương thật ra ép chúng tôi tạm ngưng bán cũng vì áp lực trách nhiệm từ trên giao xuống, chớ chẳng vui sướng gì. Nhưng trong lúc ai cũng thất nghiệp, tiền bạc không có, vật giá thì vọt lên gấp nhiều lần so với lúc trước, vậy mà, có mỗi quán cơm từ thiện để dựa cậy cũng bị cấm đoán… Họ không bị dân chửi mới lạ. Tôi đưa những tấm hình và clip nhân viên trong quán quay được để các ông, các bà ở trên cao xem đi. Xem, nếu không thấy lòng mình chùng lại, thương dân đói nghèo, để sửa đổi những quy định chưa hợp lý trong giai đoạn chống dịch lúc này đây thì quả… hết thuốc chữa.

clip_image002

 

VIDEO 1: https://www.facebook.com/100005731389208/videos/pcb.1744390199095343/369088004573768

VIDEO 2:

 

 

ĐIỀU GÌ MỚI THẬT SỰ “THIẾT YẾU”?

FB Manh Kim

“Thiết yếu” là từ khóa nặng ký nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam. Nó cho thấy sự khác biệt trong cách thức chống dịch giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Không quốc gia nào có giải pháp hoàn toàn giống nhau trong cuộc chiến Covid-19 nhưng không quốc gia nào đẩy người nghèo đến tử lộ bằng hàng rào phong tỏa với hai chữ “thiết yếu”.

Trong các bài trước đây, tôi nhiều lần viết rằng một khi xảy ra biến cố nghiêm trọng thì người nghèo khổ tận cùng là nạn nhân đầu tiên và nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này đang hiển hiện, không chỉ bởi tác động của dịch bệnh và những hậu quả kéo theo mà còn bởi cách thức chính trị hóa dịch bệnh. Nhà cầm quyền đã chính trị hóa các biện pháp chống dịch bằng những chỉ thị; và vũ khí hóa các chỉ thị bằng sự ngu dốt của đám thừa hành. Bức ảnh mới đây (ngày 29-7-2021) mà bà Phan Thị Châu, chủ chuỗi quán cơm Nụ Cười, chụp bàn tay một người nghèo thò qua dưới cánh cửa sắt để được trao phần cơm từ thiện, cùng lời van cầu “Đói quá chị ơi, cho xin một hộp cơm đi”, có thể được xem là bức ảnh chấn động tâm can nhất kể từ khi chính sách phong tỏa khắc nghiệt được áp dụng.

Vấn đề bây giờ không còn là việc mổ xẻ nhà cầm quyền đúng hay sai trong chính sách phong tỏa mà là chính sách này được thực thi như thế nào và có “lố” hay không. Vấn đề không phải là phong tỏa mà là sự xuất hiện của cái búa “thiết yếu” đập lên đầu người nghèo. Điều sai căn bản nhất và trầm trọng nhất – xuất phát từ việc chống dịch bằng “ý thức chính trị” – là nhà cầm quyền tin rằng họ có thể “chiến thắng” dịch bệnh. Không có sự khoác lác nào ngu xuẩn và bất chấp cơ sở khoa học hơn vậy. Chẳng có quốc gia nào có thể tiêu diệt hoàn toàn coronavirus.

Đến nay có thể khẳng định sẽ không có kết thúc tuyệt đối trong cuộc chiến chống dịch với sự biến mất vĩnh viễn coronavirus và những biến thể của nó. Thế giới, thay vì tự tin kỳ vọng “chiến thắng” Covid-19, đang dồn lực để đưa ra những kịch bản làm thế nào có thể tồn tại cùng với nó. Những kịch bản không được viết bởi chính trị gia mà bởi các nhà khoa học, bởi ý kiến cố vấn từ giới chuyên môn, bởi hệ thống truyền thông tự do nơi không bao giờ tránh né đăng những phản bác hoặc chỉ trích gay gắt.

Không ít người nghĩ, và được “định hướng” để nghĩ rằng, Việt Nam đang bằng mọi giá chống dịch với những giải pháp cực đoan để có thể sớm khôi phục kinh tế. Điều này không sai nhưng chưa đủ. Kể cả khi không xảy ra những vụ việc gây phẫn nộ từ cách làm việc bất nhân của đám dân phòng và công an vốn luôn có quán tính thực hiện “mệnh lệnh chính trị” một cách máy móc, cách thức phong tỏa và giới nghiêm cũng cho thấy nhà cầm quyền đang phòng bị và chặn trước một nguy cơ có xác suất xảy ra rất thấp nhưng luôn được nhìn nhận nguy hiểm hơn tất cả, thậm chí hơn cả đại dịch Covid-19: biểu tình toàn quốc. Bằng mọi giá để không xảy ra biểu tình mới là mục tiêu chính trị lớn nhất của nhà cầm quyền.

Đừng thắc mắc tại sao hàng rào kẽm gai được giăng chặn khắp nơi và đặt câu hỏi rằng liệu có cần thiết như vậy hay không. Đó thật ra không phải là phong tỏa, hiểu theo nghĩa “lockdown” mà nhiều nước thế giới áp dụng. Đừng vội nghĩ chính quyền “sai quá sai” khi ban lệnh giới nghiêm sau 6pm hàng ngày. Không chủ trương nào của chính quyền mà không có yếu tố chính trị. Mọi thứ, từ kinh tế đến thân phận người nghèo, có thể sụp đổ – trừ chính quyền. Không phải tự nhiên mà quân đội và công an – thay vì giới chức y tế – đang “kiểm soát” toàn bộ cuộc chiến chống dịch.

“Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của chính phủ” hiện là một tướng quân đội: thứ trưởng quốc phòng Võ Minh Lương. Vai trò của giới chuyên gia y tế ở đâu và tiếng nói phản biện của họ được lắng nghe như thế nào là những thứ không “thiết yếu”. Cách đây không lâu, bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh (thành viên tổ tư vấn chính phủ, giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright), trên VNExpress ngày 16-7-2021, đã nhanh chóng bị gỡ. Sự lan truyền những ý kiến “trái chiều” đối với nhà cầm quyền cũng nguy hiểm tương đương sự bùng nổ dịch bệnh cùng những chiếc xe cứu thương nối dài dẫn đến nhà xác.

Khó có thể đoan quyết rằng những con số lây nhiễm đã được cố tình sử dụng để làm cái cớ thích đáng nhằm siết chặt hơn các hình thức phong tỏa, nhưng việc chính quyền gieo rắc và cực đại hóa nỗi sợ hãi là điều có thật. Chính trị hóa không khí sợ hãi là điều có thật. Ít ra chiến thuật tâm lý này cũng giúp “giải thích” với công chúng được tại sao “cả hệ thống chính trị” phải “quyết liệt” và từ đó có thể nhận được sự “đồng tình” và “thông cảm” từ người dân. Cốt lõi của chiến lược này, cuối cùng, vẫn là sự bảo vệ toàn vẹn chế độ, cho dù điều đó có đánh đổi bao nhiêu mạng sống người nghèo.

Trên tờ The Diplomat (29-7-2021), tác giả Wayne Soon phân tích năm yếu tố giúp Đài Loan, một lần nữa, khống chế được dịch bệnh trước sự xuất hiện của các biến thể coronavirus. Một trong những yếu tố đó là chính quyền luôn lắng nghe ý kiến chỉ trích và sẵn sàng thay đổi chính sách chống dịch. Yếu tố thứ hai là người dân tích cực tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ giới chính trị gia trong cuộc chiến chống dịch. Thị trưởng Đài Bắc Ko Wen-je (Kha Văn Triết), dù từng là bác sĩ tại bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan (Quốc lập Đài Loan Đại học Y học viện phụ thiết y viện), đã bị công luận tấn công dữ dội và cuối cùng phải chấp nhận sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế thuộc Cơ quan phòng chống dịch bệnh quốc gia (CDC). Yếu tố thứ ba là vai trò truyền thông. Nếu nhà chức trách làm đúng, báo chí tự nhiên và tự nguyện trở thành nơi tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả; nếu chính quyền làm sai, họ công kích không khoan nhượng.

Cách đây không lâu, người ta vẫn còn dồn tiêu điểm phân tích vào mô hình thể chế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, rằng tư bản hay cộng sản độc tài quyết định thành bại trong các giải pháp đối phó dịch bệnh. Tuy nhiên, coronavirus không phân biệt thể chế. Dù vậy, nó dễ dàng làm lộ ra năng lực vận hành của bộ máy cầm quyền. Nó giúp cho thấy hệ thống cầm quyền nào trở thành một hệ thống thảm hại thất bại, tức không chỉ là một hệ thống thất bại một cách thảm hại mà là một hệ thống vốn thảm hại nay đang thất bại như thế nào. Những “tái định nghĩa” về “các mặt hàng thiết yếu” cũng cùng lúc giúp người ta một lần nữa thấy được một điều không mới nhưng chưa bao giờ cũ, rằng một chính quyền như vậy có đáng được xem là nhà cầm quyền “thiết yếu” đối với người dân nữa hay không.

Sự nghẹt thở của người dân đã lên đến đỉnh điểm. Nỗi tức giận của người dân trước sự bất công hiển hiện – giữa những kẻ “từ trên núi mới xuống” (như lời một viên chức địa phương quát vào mặt một anh công nhân đáng thương) đang ngồi trong bộ máy cầm quyền, từ trung ương đến địa phương, so với phần còn lại của xã hội – đã cho thấy rằng, cho dù có “chiến thắng” đại dịch, đất nước vẫn sống và tiếp tục bị hao mòn sinh lực bởi đám virus hình người nhan nhản đang hô hào khẩu hiệu và chính trị hóa một cuộc vật lộn hỗn loạn mất phương hướng với những con virus vô hình; cùng lúc đẩy trách nhiệm lên vai cộng đồng xã hội trong khi cưỡng giành từng lọ vaccine.

Bây giờ, gút lại, cái gì, mới thật sự là “thiết yếu”? Không chỉ là sự thay đổi “tư duy chống dịch”. “Thiết yếu” nhất, vẫn là – một điều không mới nhưng chưa bao giờ cũ – chính là “tư duy cai trị”. Vô số người nghèo đã và đang bị hy sinh và “trả giá” một cách oan uổng cho những sai lầm và sự quá lố của thứ “tư duy cai trị” này. Và điều căn cơ của việc thay đổi “tư duy cai trị” – khoan nói đến những chuyện “viển vông” chẳng hạn bầu cử tự do và dân cử đúng nghĩa – là chỉ cần chịu lắng nghe tất cả ý kiến chỉ trích, cho dù có khó lọt tai cỡ nào. Đó chẳng lẽ cũng không là điều thiết yếu?

clip_image004

clip_image006

clip_image008

TỪ VIỆC ĐÀI LOAN CHỐNG DỊCH COVID-19 THÀNH CÔNG, BÀI HỌC NÀO CHO VIỆT NAM?

FB Dũng Hoàng

Trên The Diplomat (https://thediplomat.com/…/why-taiwan-is-beating-covid…/), Wayne Soon cho biết ở Đài Loan số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm từ 535 ca vào ngày 17 tháng 5 xuống mức trung bình ít hơn 20 ca trong bảy ngày qua. Ngày 26 tháng 7, chỉ có 10 trường hợp lây truyền trong cộng đồng.

Kết quả đó, theo Wayne Soon, là do:

(1) Đài Loan đã đẩy mạnh chiến lược mang khẩu trang, các biện pháp kiểm dịch và truy vết.

(2) Chính phủ Đài Loan sẵn sàng lắng nghe các nhà phê bình và thay đổi chính sách của mình trong việc chống lại đại dịch.

(3) Người dân Đài Loan tích cực tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ các chính trị gia trong việc chống lại đại dịch.

(4) Phương tiện truyền thông của Đài Loan đã tích cực tham gia chống lại đại dịch, cạnh tranh nhau để cung cấp thông tin mới nhất về việc chống lại COVID-19. Hầu hết tất cả các chương trình tạp kỹ và chương trình tin tức đều chuyển sang trực tuyến hoặc nhấn mạnh tất cả khách mời và người dẫn chương trình phải đeo khẩu trang và giãn cách tiếp xúc.

(5) Đài Loan được nhiều nước giúp đỡ. Đài Loan đã tặng hơn 51 triệu chiếc khẩu trang cho các quốc gia trên toàn thế giới vào năm ngoái. Đổi lại, Nhật Bản cung cấp cho Đài Loan hơn 3,3 triệu liều vắc xin AstraZeneca, và Hoa Kỳ đã cung cấp 2,5 triệu liều vắc xin; Lithuania, Slovenia và Séc cũng đã cam kết cung cấp hàng chục nghìn loại vắc xin. Với các loại vắc xin mà họ mua từ COVAX và Hoa Kỳ, Đài Loan đã tiêm một liều vắc xin cho 28% dân số của mình, một bước nhảy vọt đáng kể so với 1% dân số trước khi đợt bùng phát gần đây nhất.

Đối chiếu với Việt Nam, có thể thấy Việt Nam làm tương đối tốt (1), (4) và (5). Nói tương đối, là vì có trường hợp nhà chính trị không ý thức đủ sâu sắc về ứng xử của mình trong bối cảnh chống dịch: VTV chiếu cảnh tất cả các đại biểu Quốc hội đều nghiêm túc đeo khẩu trang, chỉ trừ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một ví dụ tiêu biểu. Hay Việt Nam tuy được thế giới viện trợ nhiều về vaccine (Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi đó là "ngoại giao vaccine") song việc tiêm chủng còn quá chậm.

Nhưng còn hai việc rất quan trọng: Chính phủ có sẵn sàng lắng nghe các nhà phê bình để KỊP THỜI thay đổi chính sách của mình trong việc chống lại đại dịch hay không và người dân có tích cực tìm kiếm trách nhiệm giải trình từ các chính trị gia trong việc chống lại đại dịch hay không, thì lại phụ thuộc vào THÓI QUEN ỨNG XỬ của quan chức, thậm chí vào THỜI TIẾT CHÍNH TRỊ.

Sự việc ông Đoàn Ngọc Hải quy trách nhiệm cho chính quyền quận 3 TPHCM về cái chết của bà Ngô Trân Châu (con gái Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, em ruột của Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn), và Bí thư quận 3 mau mắn phủ nhận trách nhiệm, còn có ý cho ông Đoàn Ngọc Hải và cả gia đình bà Châu nói sai sự thật, phản ánh thói quen đó: không dám chịu trách nhiệm. Tất nhiên, trong một xã hội quá tập trung quyền lực, người dân không cách gì TRUY CHO ĐẾN CÙNG thói vô trách nhiệm của quan chức.

Đó là chưa kể nhìn chung chính quyền mang tâm lý muốn được ca ngợi hay tự ca ngợi: hôm nay tán dương mình tài giỏi, không dễ gì hôm sau thừa nhận quả đắng mình sai. Mặt khác, chính quyền thường rất cảnh giác với xã hội dân sự, nhiều trường hợp phản ứng quá đà trước sự phê phán của dân, khiến cho không ít người vì sợ hãi mà không dám lên tiếng. Quả thật, làm dân thì an toàn nhất là tụng niệm câu thần chú xưa: "Thánh thượng sáng suốt, nô tài đắc tội".

Cho nên, các điểm (2) và (3) đối với Việt Nam là khó khăn nhất. Và chừng nào chưa làm được các điều này, thì giá trả không hề nhỏ, về sinh mạng và về kinh tế.

clip_image009

LIÊN KHÚC VALSE SÀI GÒN

Kênh Youtube TG9X Thái Dương

Sài Gòn là quê. Mà quê hương là mẹ. Tui yêu Sài Gòn như yêu mẹ. Người ta yêu mẹ đâu phải vì mẹ đẹp, mẹ giỏi, mẹ giàu! Ta yêu mẹ chỉ đơn giản vì mẹ là mẹ mà thôi. Tui biết chứ, rằng thành phố này chẳng phải thiên đường, còn nhiều cái chưa tốt; cũng như mẹ ta chẳng phải là tiên nữ, còn nhiều điều chưa hay. Nhưng ở đâu chẳng vậy. Đâu thể nào ta ghét bỏ hay xa lánh mẹ mình vì mẹ thiếu cái này sót cái kia. Người ta luôn thương mẹ dẫu mẹ có thế nào đi nữa. Và tui cũng yêu nơi này, tha thiết!

HY VỌNG GỬI THEO NGƯỜI LẤY RÁC

Trần Tiến Dũng – Saigon nhỏ, 29/7/2021

clip_image011

Chàng trai ấy, đương nhiên là có tên như mọi người đã hiện hữu trên cõi đời này; nhưng ở chung cư thuộc Phường 15, Quận 11 của tôi không ai gọi tên anh ấy, cũng không gọi bằng thứ kiểu anh Ba, anh Năm… theo cách thường gọi của người miền Nam.

Vậy họ gọi anh là gì? Dạ thưa, tên mọi người thường gọi anh là người lấy rác. Thật, cách gọi chung đó xưa nay vẫn thường có ở Sài Gòn, như người đạp xe xích lô, người phụ hồ, người lượm ve chai… Tiếng người gắn với danh tánh và nghề nghiệp ở đây, dù hiểu theo cách nào thì cũng toả ra cái nghĩa kiếm sống lương thiện vẫn hiển nhiên như ánh nắng, gió lành của đô thị nhiệt đới này. Một đô thị mà ai ‘phe đỏ’ cũng tưởng chủ nhân ông của nó chính là giới giai cấp vô sản thị trường đang cai trị, cùng các nhóm lợi ích trục lợi, được viết tên, định danh trên nền màu đỏ.

Người lấy rác đến hành nghề ở chung cư tôi được chừng một năm. Thoạt nhìn anh, ai cũng nghĩ là anh vừa từ đồng ruộng bởi dáng anh rám nắng khoẻ mạnh, và cách anh cười hề hà với mọi người, cách cười của một người miền Nam có niềm tin rằng, mọi nhà, mọi người mà anh gặp lúc đến lấy rác dù không cần chào hỏi gì hết, đều là họ hàng, bà con của anh.

Trước lệnh Sài Gòn phải bị phong toả vì dịch, tôi thường gặp anh vào khoảng 9 giờ mỗi tối. Lúc anh đi ngang cửa nhà tôi, con chó của tôi dù quen mặt anh vẫn ló mỏ ra sủa om sòm và anh dừng lại cười, “Sủa hoài vậy mậy, không quen tao được hay sao?”.

Rồi anh đi lấy rác, dọc theo hàng lang chập chờn ánh sáng đèn, hai tay anh xách các túi rác, anh đi nhanh như cách người ta phụ xách túi hành lý của người thân để tiễn họ ra ga tàu hay bến xe đêm.

Trong những ngày chính quyền ra hết nghiêm lệnh này đến nghiêm lệnh khác, bắt người dân phải ở nhà, người lấy rác ấy không hề trễ nải, vẫn làm hết việc của mình. Lô chung cư đối diện có một bô rác nhỏ, trong các cơn mưa đêm Sài Gòn Tháng Bảy, anh vẫn đứng ngoài trời, hốt từng xẻng rác hất lên thùng xe ba gác tự chế.

Người lấy rác tư nhân ấy vẫn dầm mình trong mưa, làm việc của mình suốt những đêm Sài Gòn trống vắng lạnh người như bãi tha ma. Tiếng máy nổ của xe rác, cái thùng đựng phía sau, mùi hôi thối của rác vẫn là âm thanh hình ảnh và không khí đồng hành cùng anh trong các khu phố. Nơi con người đang sợ hãi cả bầu không khí mà mình đang hít thở.

Những buổi tối đầu lệnh phong thành ở Sài Gòn, tôi đóng cửa sớm. Trong các bản tin vừa hù doạ vừa khoe thành tích chống dịch của hệ thống tuyên truyền chế độ phát lên tivi, tôi nghe được lời kêu cứu mong được ưu tiên chích ngừa của đội nhân viên thu gom rác y tế ở các khu cách ly tập trung, thuộc Sở Vệ sinh-Môi trường. Tôi nghĩ rất ngây thơ là: Biết đâu anh và những người lấy rác nhỏ nhoi như anh được chế độ đoái hoài tới tình trạng hiểm nguy vì công việc và sự hết lòng trách nhiệm trong cơn dịch khốn đốn này.

Nếu chế độ không màng đến số phận dân đen và cái nghề đen đủi của họ, thì hẳn những người có đời sống sung túc từ tiền thuế dân, tiền tham nhũng – vì ích kỷ, thủ lợi, cầu an hơn – sẽ coi nghề lấy rác cũng là một nguồn lây mà nghĩ đến chuyện bố thí một ít thuốc chích ngừa cho họ. Tôi đã hy vọng vậy.

Buổi sáng của ngày thứ ba thực hiện lệnh giới nghiêm đêm với toàn Sài Gòn, tôi bước ra ban-công nhìn thấy túi rác nhà mình và hàng xóm vẫn còn nguyên ở chỗ để rác. Tôi đoán có thể là do lệnh giới nghiêm, người lấy rác chưa thể làm công việc của mình được.

Vào ngày thứ tư của lệnh giới nghiêm, tôi được bà tổ trưởng cho biết là: Người lấy rác đã dương tính với cúm Tàu quái ác. Thú thật, tôi bần thần cả người. Không phải vì tôi nghĩ đến cái biến thể Delta mà chỉ cần đi ngang qua nhau cũng có thể bị lây, khiến cả chung cư tôi tới đây sẽ bị phong toả-cách ly; mà vì sự xác định: Dân đen, nghề đen vẫn là đối tượng bị bỏ rơi, nếu cần thì hy sinh, theo cách vận hành chống dịch của hệ thống hiện hành.

Giờ đây, tôi không biết người lấy rác ấy ra sao? Anh nhiễm bệnh nặng, nhẹ thế nào? Vợ con anh sống ở đâu, có bị lây nhiễm không?

Ai cũng biết sự tàn nhẫn – oan uổng nhất mà người bệnh Covid phải chịu không phải chỉ là cái chết mà là lúc đổ bệnh và trước khi lìa đời bên cạnh không có người thân, đến một chút tin tức về họ cũng khó lọt ra khỏi sự phong toả của hệ thống chống dịch. Một kiếp người như hòn đá nhỏ rơi vào thăm thẳm im bặt.

Tối hôm qua, 28 Tháng Bảy bà tổ trưởng cho biết sẽ có người lấy rác khác đến thay thế. Nhưng hình ảnh anh lấy rác ấy cứ như ở trước mắt tôi, như thể thấy anh đang đi lấy rác dọc theo hàng lang chập chờn ánh sáng đèn, hai tay xách các túi rác, đi nhanh như thể đang xách phụ túi hành lý của người thân, đưa họ ra ga tàu hay bến xe đêm.

Không, lần này anh không đưa tiễn người thân nào hết, mà có thể là chuyến đi của chính mình như một dân đen bị xô đẩy, bắt buộc phải đi về phía không khí đầy đặc virus của các bệnh viện chật cứng người bệnh và sự bất công, phó mặc đến tàn nhẫn của hệ thống chống dịch này.

Nhưng bằng linh tính, tôi tin anh sẽ vượt qua và trở lại. Tôi tin sẽ gặp lại anh, nhìn thấy miệng cười hề hà theo cách nông dân miền Nam thân thương của anh, và nghe anh vừa cười vừa lên tiếng rầy rà con chó nhà tôi…

Chắc chắn sẽ là vậy, bởi hy vọng là thứ chúng ta duy nhất còn lại vào lúc này.

 

SÀI GÒN PHONG THÀNH NGÀY THỨ 22

FB Nguyễn Lam Điền

Hôm qua phát hiện ra cái tiệm tạp hóa ở gần nhà hết sạch từ đậu xanh, trứng gà và các loại thực phẩm, đánh vỡ niềm tin của một số cư dân khu chung cư chỗ mình rằng tiệm tạp hóa ấy "thứ gì cũng có".

Thế nên sáng nay phải canh me chạy sớm ra chợ. Một dải Nguyễn Duy Dương vắng lặng như tờ, người đi thưa thớt, phố phường uể oải, nhác thấy nhà bà họ Lý hé cửa bèn thò đầu vô hỏi bà còn trứng không, còn, bèn lấy hai chục. Nhìn quanh thấy bà có bán đồ khô, hỏi có đậu xanh cà không thời may vẫn còn, là vì hôm qua bùm mẹ muốn nấu nồi chè đậu xanh đánh thực thụ nhưng không mua được đậu xanh. Nay vậy là ổn rồi.

Đang mua đậu xanh thì có 1 chị ghé lại hỏi cô ơi chú ơi có biết chỗ nào bán bánh mì không, đằng kia có cái lò mà đóng cửa rồi. Mình quay ra chỉ đường ra chỗ lò bánh mì ở rạp Vườn Lài bữa giờ vẫn còn bán. Cô đó tần ngần rồi cảm ơn chú thiệt to và chạy đi.

Mình gom trứng đậu xong hỏi bà Lý ủa nay có rau không, bà kêu lát nữa rau mới về tới, tui chụp hình lên Zalo là ông ra mua nghen, vì chừng 1 tiếng sau là hết ngay. Mình nói rồi bà đọc số ĐT đi để tui add Zalo.

Xong chạy qua lò bánh mì, thấy mấy người trong lò mang cần xé ngồi xa mé đường, thấy người mua tấp lại nói anh ơi bánh nguội chớ hông có nóng nha. Hỏi ủa sao vậy, mới nghe là hôm nay sao hông thấy người ta tới mua nữa nên bánh ra lò tồn lại nè. Sực nhớ à đúng rồi, quận 10 vừa áp dụng phát phiếu đến từng hộ quy định mỗi nhà chỉ được ra đường cách nhật, mà theo khung giờ định sẵn chớ hem phải tự do. Kiểu này bánh mì làm sao bán chạy được như mọi hôm dù là bán… lén. huhu

Quay về rơi vô một mớ chốt chặn, là vì không muốn đi đường tắt nữa, nghĩ thôi cứ hành đại lộ dù không phải đại nhân. Dè đâu từ 3 tháng 2 quẹo qua Lý Thường Kiệt gặp ngay 1 chốt to đùng, công an các sắc phục ùa ra đường chặn xe rối rít. Thấy có chiếc ô tô phía trước chạy chầm chậm mà không dừng lại nên mình bèn đeo theo, khỏi phải dừng lại. hehe

Về đến ngã tư Tô Hiến Thành lại thấy hướng quẹo về Thành Thái cũng có 1 chốt to vãi nữa. Chạy thẳng về đến hẻm nhà mới tá hỏa là hẻm đã giăng dây. Mọi người khựng lại xong phát hiện bên mé lề đường còn cái trổ chưa giăng, thế là lũ lượt leo lề chạy vô hẻm. Nghĩ bụng nếu lát nữa có nhân viên trực chắc cái trổ kia cũng sẽ bị chặn luôn mất thôi.

Phù. Chạy lọt về nhà mới thấy mình may. Nhưng đến trưa lại nghe Zalo báo bà Lý up hình, vô xem thấy có rau cải con, bèn lại chạy ra đường. Lần này bà Lý giới thiệu chanh mới về trái to nhiều nước bèn mua luôn, và nhác thấy trong nhà có bột sắn dây hỏi ủa sắn dây đây khá hông, bả nói sắn Huế ngon đó, người ta vẫn mua đem đi Mỹ á. Mình dè dặt lấy một gói bảo là để về uống xem chất lượng ra răng đã nha.

Quay ra đường thấy mé bên kia là cổng chợ Nhựt Tảo vẫn còn phong tỏa im ỉm, cả dãy phố vắng hoe trong nắng trưa. Chạy về đến ngã tư gần nhà gặp đèn đỏ thấy còn có vài chiếc xe, dãy phố quán xá chỗ Xe Lam Bistro hồi chú Khoi Nguyen vẫn nhậu giờ hoang vắng hoang hoải hoang vu một cách rất hoang đường. haizzz

[Sài Gòn 30.7.2021]

clip_image013

clip_image015

clip_image017

clip_image019

HÀNG THIẾT YẾU

FB Nguyễn Thông

Mấy nhà hoạch định chính sách hình như đầu óc có vấn đề. Lộ rõ nhất là chuyện ban bố quy định về chống dịch. Dịch chả thấy chống, lại thành chống dân, đè dân.

Họ đã nghĩ hàng thiết yếu chỉ là cái bỏ vào mồm, và theo họ không phải bất cứ thứ nào bỏ vào mồm cũng thiết yếu, mà chỉ có gạo rau thịt cá thôi. Mua những thứ đó thì được ra đường, được cho đi, không bị phạt, còn những thứ khác thì a lê hấp, về, nhè tiền ra, cấm cãi. Mua gạo thì được, chứ mua bánh, kể cả bánh mì, thì phạt, đại loại vậy.

Thưa ông bộ trưởng công thương, ông bộ trưởng công an, ông bí thư tỉnh/thành ủy, các ông cần bỏ ngay hoặc điều chỉnh lập tức thứ quy định nhố nhăng ấy, chứ không đám sai nha của các ông sẽ làm loạn. Chúng vốn chỉ biết làm theo lệnh của các ông, nên chúng lỗi một thì các ông lỗi mười.

Đứa trẻ con chỉ uống sữa thì sữa là hàng thiết yếu. Một người chỉ làm việc bằng máy tính ở nhà thì cái bàn phím là hàng thiết yếu, hỏng phải đi mua ngay cái mới. Mái nhà bị gió lớn cuốn tốc mất mấy tấm tôn thì tôn lợp là hàng thiết yếu, không lợp lại nước ngập nhà, ướt hết đồ. Ông già bị té trật chân thì ra hiệu thuốc mua chai dầu xoa bóp, đó là mặt hàng thiết yếu. Hai vợ chồng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch thì bao cao su là hàng thiết yếu (không có bao, lại bị nhốt cùng nhau suốt ngày ở nhà, có mà đẻ sòn sòn)…

Thiết yếu nghĩa là thiết thực và trọng yếu, hàng thiết yếu là thứ rất cần cho thực tại, rất quan trọng, chứ không phải chỉ để bỏ vào mồm.

Thông cào

 

HÃY THƯƠNG BƯỚC CHÂN VIỄN XỨ…

FB Nguyễn Tiến Tường

Dòng người lầm lũi rời Sài Gòn. Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau. Có bốn mẹ con đạp xe về Nghệ An. Có gia đình chạy xe ra tận ngoài miền núi phía Bắc. Có người đi bộ xuống miền Tây.

Chính, cậu em làm báo ở quê Quảng Bình tôi viết: 52 người về bằng xe máy, có những phụ nữ mang bầu. Có hai người sinh em bé…

Sài Gòn chưa bao giờ buồn đến vậy. Sài Gòn tổn thương một thời gian ngắn, vạn vạn người dân đã kiệt sức. Sài Gòn hoa lệ bỗng chốc thành nơi không thể nương náu.

Phải lặn lội đường xa vời vợi để về quê giữa trùng vây dịch bệnh, tôi tin rằng họ không còn lựa chọn khác. Bởi vì nếu có lựa chọn, thậm chí chẳng ai ra đường.

Rời Sài Gòn, nghĩa là của nẻo chắt chiu dành dụm không cho phép họ trụ lại, dù chỉ là thời gian ngắn trước mắt. Tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt, gạo sâm củi quế vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ.

Họ không được duyên may lọt vào các chương trình đón công dân về tỉnh. Họ lựa chọn mạo hiểm…

Địa phương, sau những phong trào đón con em của mình về quê, bắt đầu ái ngại. Nơi này từ chối khéo, nơi kia ra văn bản từ chối tiếp nhận thẳng thừng. Tôi cũng hiểu rằng địa phương có cái khó của địa phương. Nhưng nếu tôi là lãnh đạo, nhìn con em mình lấm lem tìm quê, chắc khó cầm lòng.

Địa phương có lẽ cũng không lường trước được phải đón người trong nghịch cảnh này. Nhưng nói không có cách, thì nghe xót xa quá. Cần chỗ cách ly thì mượn trường học, mượn trụ sở. Có f0 thì sàng lọc chăm sóc y tế. Sài Gòn đất chật người đông, quê hương mênh mông ngại gì không có chỗ.

Tỉnh khó thì lập trạm ở tỉnh, báo về trạm huyện, huyện bố trí. Tỉnh cả triệu con người, không lẽ nào không chăm lo được cho vài nghìn ruột thịt? Lòng dân rộng mở, lãnh đạo không ngại thành tích, dang tay đón nhau. Dân tộc mình xưa nay vốn không sợ khó, chỉ sợ chưa hết lòng vì nhau.

Cũng những bàn chân ấy năm xưa ra đi, cũng những bàn chân ấy trở về, nét quê còn vẹn giọng quê còn nguyên, nỡ từ chối nhau sao đành đoạn.

Ở Sài Gòn không đặng, về quê cũng không đặng, rồi họ sẽ ra sao. Không lẽ làm người tứ cố vô thân ở giữa đất nước mình?

clip_image021

clip_image023

NGÀY THỨ 22 (đêm thứ 4 giới nghiêm)

FB Hậu Kc Nguyễn

Đêm nhớ về Sài Gòn

Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi

Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi

Đường im nghe quá khứ trong sâu

Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau

Tình lẻ loi đêm thâu…

Đấy là bài ca cứ vang lên trong tôi trong mấy ngày nay sau khi xem những hình ảnh của NAG Minh Hòa về Sài Gòn ngày phong thành đêm giới nghiêm. Bộ hình của NAG có tựa đề “Sài Gòn ngủ sớm” và “Ai giấu người Sài Gòn của mình đi đâu mất?”. Qua bộ hình, Sài Gòn là một thành phố đẹp vô cùng nhưng vắng lặng vô cùng, không còn sức sống, một tòa lâu đài bị mụ phù thủy covid-19 hóa phép mê man trong dịch bệnh.

Chưa bao giờ tôi hình dung Sài Gòn của tôi có thể trở thành một thành phố không một bóng người, một thành phố ngừng chuyển động. Ở Sài Gòn dù vào giữa đêm khuya thì người ta vẫn có thể “lắng nghe thành phố thở”, nhưng lúc này đây thành phố đang bị những cơn khó thở hành hạ… Sài Gòn còn thở được bao lâu nếu hàng hóa, nông sản – “nguồn oxy” cho thành phố bị ngừng lại ở “biên giới” địa phương khác, thậm chí ở ranh giới một quận khác, khi hàng triệu con người đã góp phần tạo nên “lá phổi” mạnh mẽ của thành phố đã bị thiếu hụt dưỡng khí hàng chục ngày, dù vẫn chia sẻ cho nhau nhưng nhiều người tiếp tục rời bỏ nơi này về quê.

Những ngày này khi bao nhiêu người đang trực tiếp lao mình vào chống dịch, tôi biết mình không nên viết ra những lời “sến súa”, như nhiều người mỉa mai. Nhưng nếu bạn là tôi, chứng kiến thành phố thân thương của mình bỗng hóa một thành phố không người, trơ ra những tòa cao ốc, những đại lộ những cầu vượt, như một thân thể ốm nặng chỉ còn bộ xương… bạn sẽ hiểu vì sao tôi viết những dòng này.

“Người Sài Gòn của tôi đi đâu hết rồi?”.

Họ là đoàn người chạy xe máy hàng trăm cây số về miền Tây, lên Tây Nguyên, là những đoàn người được đón bằng xe lửa về Huế, Quảng Trị, đón bằng máy bay về Quảng Ngãi, bằng xe hơi về Quảng Nam… Là những gia đình đi xe đạp xe máy về quê xa, có trường hợp tận miền núi phía Bắc, giống như gia đình bốn người đạp xe hơn ngàn cây số từ Đồng Nai về Quảng Bình, thậm chí có cả hai mẹ con neo đơn đi bộ về quê…

Người Sài Gòn hiện nay là rất nhiều người tứ xứ đến làm ăn dành dụm gửi về quê, hoặc lần hồi đưa cả gia đình vô đây. Vì vậy khi nguồn sống ở Sài Gòn bị cạn kiệt, bị cắt đứt, phải lo tiền thuê phòng trọ, tiền sinh hoạt vượt ngoài sức chịu đựng của một bộ phận người tạm cư lam lũ, có nơi không thể nấu ăn trong nhà trọ, có những người chỉ có thể ăn cơm bụi, cơm từ thiện… thì trở về quê nhà là phương án họ buộc phải lựa chọn.

Sài Gòn đang trong những ngày bị tổn thương nặng nề. Người dân “có hộ khẩu” thành phố còn có thể đi siêu thị theo phiếu, mua hàng online, nhưng lương cũng bị cắt giảm, hàng quán phải đóng cửa không còn thu nhập, hàng hóa tăng giá mà tiền điện nước đâu có bớt đồng nào, chưa kể giá xăng đã lên mạnh ngay trong đại dịch. Họ phải ở trong nhà, để tự bảo vệ mình và góp phần bảo vệ cộng đồng. Nhưng ít ra họ còn có mái nhà, còn cái bếp gaz, bếp điện hay thậm chí bếp củi bếp than để nấu ăn, còn có thể kêu gọi bạn bè giúp đỡ để nấu bữa cơm mua rau trái tiếp tế, hỗ trợ cho nơi ngặt nghèo, nơi cách ly, bệnh viện… Thành phố cũng có nhiều người nghèo, làm ngày nào có ăn ngày ấy, phải cách ly trong nhà sống nhờ thùng mì tôm, hết thì chỉ còn cách nhờ vào phần cơm hỗ trợ của những tấm lòng nhân ái. Nếu tình trạng này kéo dài thì “người thành phố” cũng không khác gì “người tứ xứ”.

Hôm nay, ban ngày những nơi đông đúc nhất Sài Gòn giờ cũng vắng tanh. Ban đêm Sài Gòn chỉ có những ngọn đèn cô đơn trên đường phố. Nhưng dù “thành phố không người” thì những trái tim Sài Gòn vẫn bên nhau, tấm lòng bạn bè mọi nơi vẫn hướng về Sài Gòn.

Chưa biết khi nào, nhưng tôi luôn mong một ngày khi bình yên trở lại, đi trên những con đường tấp nập người xe hay phố đêm quán hàng đông đúc, và nhớ lại ngày này…

Thấy mình vừa trở lại quê hương,

đã gặp người một trời yêu thương,

cho lòng thêm chút ấm,

thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau,

nhắc chuyện người, chuyện đời thương đau

Tình chia trong đêm sầu…

30.7.2021

 

ĐỎ… XANH… VÀNG… LẠI ĐỎ…

FB Minh Hòa

Mình đứng đếm cái chu kỳ lặp đi lặp lại ở một ngã tư trung tâm luôn nhộn nhịp,…vẫn không một bóng xe dù mới hơn 21:00. Thi thoảng có xe các anh công an đi làm nhiệm vụ, các bạn trong ngành y tế, các anh chị công nhân vệ sinh,…nhưng xé toạc không gian tĩnh mịch là những tiếng còi xe cứu thương đến tan nát lòng !!! Lần đầu tiên trong cuộc đời mình nghe nhiều tiếng còi cứu thương đến như vậy !!!

Đêm qua trằn trọc đến gần 5h sáng, nghĩ về Sài Gòn, nơi mình – một công dân 2 chế độ, chứng kiến biết bao sự kiện thăng trầm, cảm xúc cứ dâng trào không ngủ được. Với các bạn trẻ chắc chưa lần nào biết thế nào là cảm giác "giới nghiêm" ? Với mình, đã chứng kiến nhiều lần, thậm chí cả Thiết Quân Luật, đợi khi cảm xúc ký ức ùa về mình sẽ viết kể các bạn nghe kèm tặng album "SaiGon Ngủ Sớm" tĩnh mịch nhưng lung linh lắm !

SaiGon vẫn phải luôn ĐẸP dưới mắt mình clip_image025

SaiGon đêm thứ hai

July 27, 2021

Minh Hoà Photography

Instagram: minhhoaphoto

clip_image027

KHÔNG BIẾT HỌ SẼ SỐNG NHƯ THẾ NÀO *

FB Lâm Minh Chánh

Bình thường, người vô gia cư đã rất khổ. Có vài lần, tôi tham gia với các bạn trẻ, chạy xe máy, cho bánh mì, bánh bao những người vô gia cư vào buổi tối nên tôi thấy rõ họ nghèo khổ như thế nào. Ăn uống thiếu thốn, màn trời chiếu đất.

Mùa Covid, họ cực khổ bội phần.

Sài Gòn giới nghiêm sau 6:00 tối vì Covid, thì không biết họ sẽ sống như thế nào.

Nhóm bạn trẻ chuyên làm từ thiện buổi tối, vẫn miệt mài giúp họ cho đến trước khi giới nghiêm. Tối 26/7, các bạn gọi cho tôi, giọng như khóc: không biết họ sẽ sống như thế nào.

Chính quyền có phương án nào để lo chuyện này không. Có thể tổ chức lực lượng tập trung họ vào những cơ sở cứu trợ dành cho người vô gia cư, cơ nhở. Mà nếu những chỗ này hết chỗ thì có thể đưa họ về các chung cư tái định cư còn trống, hoặc các trường.

Tôi nghĩ mọi người sẵn sàng chia sẻ, để nhường cho họ miếng cơm, manh áo…

Có sếp lớn nào tình cờ đọc bài này của tôi. Hãy làm gì đó cho họ. Mong lắm thay.

Thân ái

LMC

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

clip_image029

VIẾT CHO NHỮNG BẠN ĐANG Ở LẠI CÔNG TY LÀM VIỆC BA TẠI CHỖ – NHỮNG CHIẾN BINH TRÊN MẶT TRẬN KINH TẾ

FB Bui Nhu Ha

Trong những ngày qua, hình ảnh làm tôi cảm kích ngoài những bác sĩ tuyến đầu, những tình nguyện viên trực chiến vùng dịch, những người làm công tác trật tự và thiện nguyện còn là những bạn công nhân đang ngày đêm sống và làm việc tại nhà máy. Các bạn là những người cho chúng ta hy vọng về một cuộc chiến bền bỉ ở mặt trận kinh tế đang dần kiệt sức. Hình ảnh các bạn kiên cường bám trụ cùng công ty lúc này thật cao đẹp và cảm kích cho tình hình hiện tại. Dù rằng vẫn có những trường hợp không kiểm soát được. Nhưng sự hy sinh và sát cánh trong công ty lúc này thể hiện các bạn là người có trách nhiệm cao với công việc, có lòng biết ơn với nơi đã nuôi dưỡng mình, có sự đồng cảm với chỉ thị và chính sách của nhà nước, các bạn là những chiến binh thật sự vào lúc này.

Tôi không luận bàn chính sách 3 tại chỗ là đúng hay sai và hiệu quả hay không cho đến thời điểm hiện tại, nhưng tôi cảm phục những gì các bạn đang trải qua. Sự nhớ thương lo lắng cho gia đình ở nhà, sự bất tiện ăn ở nơi làm việc, sự cẩn trọng trong từng phút giây nơi sinh hoạt chung, sự hoang mang lo lắng nếu công cty có f0… thương các bạn lắm, thương công ty luôn.

Nhưng tại sao chúng ta phải làm như thế? Bởi vì chúng ta còn trách nhiệm với XH, với Cty, với bản thân chúng ta. Nếu ai oang oang nói rằng đóng cửa hết ở nhà sẽ ổn. Không đâu các bạn. Còn việc còn tạo ra giá trị thì mới ổn. Hoàn cảnh mỗi người khác nhau, huống chi XH là tập hợp những hoàn cảnh đó. Khi các nhà máy còn tạo ra được sản phẩm, khi một phần dân số vẫn duy trì được công việc có nghĩa họ đang gánh trên vai trách nhiệm lao động cho số còn lại. Các công ty còn hoạt động họ phải gồng mình với biết bao chi phí trong điều kiện hoạt động hết sức khó khăn. Họ đang đóng góp những nguồn lực kinh tế quý giá cho nước nhà lúc này. Thế nên, nếu trong lúc tổ chức công việc có những điều họ chưa kiểm soát hết hay ngoài tầm kiểm soát của họ thì mọi người hãy thương và và cảm thông trong điều kiện hiện nay mà cùng họ giải quyết.

Các bạn đang ở lại công ty, hãy cố gắng thích nghi với điều kiện công cty thu xếp cho đừng phàn nàn dù biết có rất nhiều sự bất tiện, luôn cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và tập trung để không xảy ra sự cố. Luôn tuân thủ 5k để bảo vệ mình và đồng nghiệp. Tôi biết đây là thời gian thật sự thử thách với các bạn nhưng các bạn hãy tự hào về bản thân mình vì vào lúc này các bạn vẫn còn có khả năng tạo ra giá trị lao động cho bản thân, gia đình và xã hội. Các bạn đang cho các nhà đầu tư nước ngoài cái nhìn thiện cảm hơn về người lao động Việt Nam, những người luôn sẵn sàng sát cánh bên doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn. Hành động của các bạn có giá trị quảng bá vô cùng lớn cho môi trường lao động Việt Nam vào lúc này. Chắc chắn sau này sẽ có nhiều nhà đầu tư khác tự tin đến đất nước chúng ta và mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực, có như thế đời sống người dân mới được nâng cao và cuộc sống thêm tốt đẹp.

Tôi tin rằng nếu các anh chị nỗ lực, trách nhiệm và cẩn trọng tuyệt đối trong lúc này thì mọi chuyện sẽ qua. Đó còn là lòng biết ơn mình dành cho nơi đã nuôi dưỡng mình trong thời gian qua.

Chúc các bạn sức khỏe bình an, hạnh phúc và chiến thắng. Rồi sau này, đây sẽ là những kỷ niệm lao động vô cùng đẹp trong đời của các bạn để kể cho con cháu mình.

clip_image031

clip_image033

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Vũ khí chống Cô Vít của tình nguyện viên chính là: Tuổi trẻ, nhiệt huyết và tinh thần lạc quan… Họ có thể làm việc đến lúc kiệt sức rồi nằm ngả lưng trên bất kỳ mặt phẳng nào.

clip_image035

TRANH Thăng Fly Comics

Happens To The Heart

clip_image037

Comments are closed.