Sài Gòn – Những ngày phong thành (25)

Vaccine “made in Viet Nam”: Chuyên gia dịch tễ học của Úc nói gì? – Góc nhìn chuyên gia – báo Pháp luật TP HCM

Dư luận đang rất quan tâm và mong muốn làm sao để vaccine “made in Viet Nam” đầu tiên, vaccine Nanocovax, sẽ có thể được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất và đảm bảo hiệu quả, phục vụ cho công tác chống dịch.

 

FB Sơn Vũ

NGHĨ…

"Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu"(*)

Không phải chiến tranh

bom đạn

loạn ly

sao phải ra đi?

rùng rùng người

rùng rùng xe

nhàu nhĩ lấm lem

đen…

Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu

"Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng"!

(*) Tên một cuốn sách của Alan Paton (1903-1988) Nam Phi.

clip_image002_thumb1

FB Đỗ Trung Quân

Có ai xuôi vạn lý…

Có ai không thể xuôi vạn lý…

cô nhà báo ấy mess hỏi “quê hương là gì hở anh, quê hương là gì mà sao không thể trở về?”

câu hỏi cay đắng và ẩn giấu sự trách móc.

tôi ngậm ngùi “hỏi đố tôi làm chi, nhìn dòng người xuôi vạn lý tôi cũng ứa lệ, tôi cũng hỏi mình như thế!”

tôi biết nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn vừa gây một chấn động, anh trình diễn ca khúc này bằng tiếng kèn của mình giữa sân rộng mênh mông của một Bv dã chiến điều trị Covid. những con người ấy ngày mai chưa biết ai còn, ai mất?!

ở góc nhìn ấy, giữa bối cảnh ấy là một câu chuyện cũng đủ gây nhiều xúc động

và trên con đường thiên lý bơ phờ cuộc di tản chưa từng có khỏi Sài Gòn là một câu chuyện não lòng khác.

Sài Gòn không thể giữ được những con người tứ xứ dù ở công việc nào cũng góp phần tạo dựng cho nền kinh tế, góp phần thuế má cho nhà nước, Sài Gòn không giữ nổi họ vì dịch bệnh, mất việc, thất nghiệp và vì cả sự điều hành kém cỏi của bộ máy mãi mãi duy ý chí nay đã không còn che giấu được

Sài Gòn vỡ trận

Giờ đây mỉa mai, chì chiết, trách giận cũng vô ích khi chỉ còn lại những âu lo, hoảng hốt với con đường sinh kế nặng nề trước mắt.

Nếu may mắn vượt thoát được dịch bệnh

Cuộc di tản rời khỏi “miền đất hứa” chưa từng có trong lịch sử kể từ 46 năm qua.

Nhưng về quê lại vẫn là câu chuyện bi đát khác sau những hồ hởi ban đầu đón người về cố hương, cố quận thì nỗi hãi hùng của dịch bệnh đi cùng lại là vấn đề nan giải, nỗi lo sợ khác

Nhiều tỉnh thành lại từ chối đón những đứa con quê quán của mình

“chú ơi! khế chua còn nấu lẩu được. khế này không còn biết làm gì…”

Người gửi tôi câu hỏi đau đớn này là người phụ nữ từng nổi tiếng với chiếc dép thẳng về phía những kẻ vô cảm với nỗi đau người dân Thủ Thiêm vài năm trước.

Những câu hỏi mà chính tôi cũng không thể trả lời

Chính tôi cũng cay đắng cúi mặt.

Hình ảnh gió sương vất vả của những con người xuôi vạn lý về cố hương chưa làm những ai có chút lòng trắc ẩn nguôi ngoai,

hình ảnh mà người bạn già của tôi nghẹn ngào chùi nước mắt.

Như tôi cũng âm thầm ứa lệ.

clip_image004_thumb1

VỀ, QUÊ NHÀ KHÔNG NHẬN THÌ "ĐÂM ĐẦU VÀO ĐÂU"?

FB Cù Mai Công

(Bao năm bà con vất vả mưu sinh lo cho quê nhà, giờ họ khó khăn lại không nhận, chơi gì kỳ vậy? Hết chỗ thì cho bà con về nhà họ. F0 KHÔNG TRIỆU CHỨNG, NHẸ, TP.HCM CÒN CHO CÁCH LY Ở NHÀ MÀ)

Hàng chục, hàng trăm ngàn bà con nhập cư một số tỉnh thành phia Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang lũ lượt về quê.

Dịch, giãn cách hai tháng rồi. Có tỉnh thành như TP.HCM vừa cắn răng chống dịch tơi bời vừa cố gắng hỗ trợ 1,5tr/tháng, mỗi ngày 50.000 đồng. Nhưng cũng chỉ mua nổi ký gạo và bó rau. Covid-19, giá lên vùn vụt.

Cơm, quà từ thiện Sài Gòn không thiếu, nhưng lòng tự trọng bà con nhập cư mình cũng đâu có thiếu – dù có thể nghèo bạc nghèo tiền, ai lại ăn hoài, kỳ. Rồi còn tiền nhà trọ, điện nước, cục xà bông, chai dầu gội…, tiền đâu? Mà dịch chưa biết bao giờ qua? Trước mắt TP.HCM, Đồng Nai… còn giãn cách tiếp…

Bất kể giá nào cũng phải về. Xe khách, xe buýt, taxi… không chạy thì đi xe máy, đi bộ. "Nước non ngàn dặm" cũng đi; rớt nước mắt mà về. Về quê còn có bữa cơm bữa cháo. Từng đoàn người dãi nắng dầm mưa dọc đường cái quan, bạ đâu ngủ đó, nhưng nhức thảm sầu…

Trên đường đì, nhiều nơi, cả tự phát lẫn chính quyền đứng dọc đường tiếp cơm tiếp nước, trải lều bạt cho bà con nghỉ ngơi. Có anh Công an ở TP.HCM thay vì phạt ra đường đã vét túi cho hai chị em sinh viên quê Phú Yên 500 ngàn, khi thấy trong bóp người em chỉ còn 200 ngàn…

Trái với lòng dân ta muôn dặm, quê nhà có nơi lại buồn thiu. Đã có tỉnh thành ra văn bản không nhận đồng bào quê mình. Lý do: dịch phức tạp, hết chỗ cách ly…

Hết chỗ thì cho bà con về nhà tự cách ly, nhờ địa phương theo dõi, coi bộ còn an toàn hơn. Thực tế có khu cách ly tập trung đã thành nơi lây nhiễm, vì nó vi phạm nguyên tắc: đã cách ly thì không được tập trung.

Bình thường, hàng triệu bà con nhập cư, vì miếng cơm manh áo, rời quê tìm đến những tỉnh thành khác mưu sinh và gởi tiền về quê, góp phần thúc đẩy kinh tế quê nhà, ít nhất tăng sức mua sắm cho gia đình, quê hương – từ những đồng tiền gởi về.

Không ít đâu. Cứ nhân số tiền gởi về hàng tháng, hàng năm của mấy triệu bà con nhập cư ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là biết con số ấy khổng lồ như thế nào.

Giờ bà con mình đã đi hàng trăm, hàng ngàn cây số trên đường về, sắp về; không nhận thì bà con mình "đâm đầu vào đâu"?

 

ĐỪNG CỐ KIỂM SOÁT BẰNG MỌI GIÁ

FB Truong Huy San

Ai đang đâu cứ ở yên ở đấy là lý tưởng nhất để chống dịch, nhưng thực tế không đơn giản như thế. Có hàng triệu người tới Sài Gòn chỉ để thường nhật mưu sinh. Sài Gòn chỉ là nơi ở trọ. Khi Sài Gòn không còn nguồn sống, lựa chọn con người nhất của họ là VỀ NHÀ. Sài Gòn chưa phải là nhà.

Chính quyền có ý định tốt là mong muốn kiểm soát dịch tuyệt đối. Nhưng, cũng như trước sóng thần, lụt bão… nhiều khi, con người phải chấp nhận bất lực trước thiên nhiên. Thay vì nghĩ rằng mình có thể kiểm soát, cần tiên liệu là sau quyết định của mình, người dân sẽ sống bằng gì.

Dòng người rời bỏ Sài Gòn đi bộ hoặc chạy xe máy về nhà này rõ ràng là chưa từng được chính quyền tiên liệu. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, đang ở Củ Chi, được phường Thảo Điền gọi về chích vaccine đã không thể gọi taxi… cũng là một tình huống mà chính quyền và cả anh Lập đã không lường tới.

Rồi đây, khi một bộ phận dân chúng thiếu, đói, không tiếp cận được các nguồn cứu trợ, túng quá làm liều… liệu chính quyền đã từng tiên liệu.

Đừng cố kiểm soát bằng mọi giá. Hãy đặt mình vào vị trí của những người dân không có nguồn thu nào ngoài những đồng bạc lẻ hằng ngày. Thay vì cấm tuyệt đối, hãy tập trung các nguồn lực như quân đội, CSGT và cả vaccine… để hỗ trợ những người dân không còn lựa chọn nào khác là về nhà và những người dân cần phải làm cái gì đó, để sống.

clip_image006_thumb1

clip_image008_thumb1

clip_image010_thumb1

Ảnh và thông tin của nhà thơ Văn Công Hùng: "Ở cầu 110 quốc lộ 14, địa giới tỉnh Đăk Lăk với Gia Lai, tỉnh Gia Lai vừa dựng thêm một loạt lều dã chiến để bà con nghỉ. Thường thì khoảng 1, 2 giờ sáng bà con được cảnh sát Đăk Lăk hộ tống tới đây bàn giao. Csgt và nhân viên trực chốt nhận bàn giao, khai báo y tế xong mời bà con… ngủ, vừa mời vừa bắt buộc để bà con có sức đi tiếp (hôm qua có vụ tai nạn nhẹ làm cộng đồng bà con Huế xôn xao. Khuya, nhà cháu nhận được lời nhờ xác minh của bà con từ một group Huế vì hàng ngàn người vào hoang mang không biết thông tin. Nhà cháu xác minh ngay và may là 2 cháu bị nhẹ, đang cách ly ở Gialai). Sáng dậy mời bà con ăn sáng, cấp xăng sửa xe rồi hộ tống đi tiếp lên ranh giới Kon Tum. Ai về Glai thì cách ly luôn, nên khả năng nếu có F0 lây lan ra cộng đồng gần như bằng 0. Cũng hôm qua phát hiện 4 ca dương tính từ nhóm cách ly ngay này. Tỉnh Gia Lai mời 2 đơn vị vào cuộc là Petrolimex và salon xe Toàn Trung. Petrolimex thì cho 1 tấn xăng (sắp hết), doanh nghiệp Toàn Trung thì cử đội xe lưu động chuyên nghiệp của mình sửa xe bảo dưỡng thay nhớt lốp… cho bà con đi tiếp.
Thì chu đáo thế chứ thế nào nữa, phỏng ạ, nhà cháu thặc.
Có điều, nếu không có một kế hoạch tổng thể chung để đón hoặc không đón bà con, cứ đà này, mấy hôm nữa sẽ quá tải.
Chúc bà con an lành thêm một ngày. Pleiku lúc này đang mưa, có chi mô nơ?"

DÂN!

FB Nguyễn Tiến Tường

Quốc gia có giặc, dân ra sa trường. Vua thảo chiếu dời đô, dân dựng kinh kỳ. Tướng mang gươm đi mở cõi, dân giày cỏ đi theo. Giặc vây bủa triều dã, dân thần tốc ra đánh. Chiến tranh, dân đội pháo lên non, dân băng rừng vượt suối.

Hoà bình, mấy mươi năm dân chưa được một ngày nhung gấm. Những bàn chân phèn mang gánh nặng ly hương. Bàn chân người Nẫu người Quảng xuôi ngược đường phố Sài Gòn. Tiếng rao đòn gánh làm nên “kinh tế vỉa hè”. Bàn chân người Bọ, người Nghệ người Thanh quẩn quanh nhà xưởng. Bàn chân người miền Tây rau trái bốn mùa…

Bàn chân ly hương nhỏ bé, lặng thầm mang bao gánh nặng vô hình cho quê hương cố xứ. Người đi bỏ lại ruộng nhiều, nông thôn mới tốt lên. Người đi có của nẻo mang về, giúp nhà giúp quê, miền nào cũng tươi ngói mới.

Miên man dặm trường thiên lý, không thể nghĩ một ngày những bàn chân ấy lạc phố lạc quê, bơ vơ cay đắng. Có biết đâu xưa giờ hai miền quê phố đi về cười vui, bao khổ cực lặng thầm gánh chịu. Biết đâu một cơn hoạn nạn đã không chốn dung thân.

…….

Tôi cố viết hoài chuyện này, để quan nhân và ai đó đang mang sự vân phân hiểu người dân xa xứ mà thương.

Trong dịch bệnh, quan nhân bốn phương tám hướng nghĩ, mỗi nếp nghĩ nhìn qua là biết thương dân hay thương mình. Thương nhau thì tìm cách, không thương thì tìm lý do. Tìm cách thì nghe khẩu lệnh Thủ tướng “tạo điều kiện đón công dân về quê”. Tìm lý do thì vin vào Chỉ thị “người xa người”, “tỉnh xa tỉnh”.

Nếu nói đến tận cùng trả treo, người dân vin vào quyền tự do đi lại hiến định, thì ai đúng hơn ai? Trong nghịch cảnh, hơn nhau ở tấm lòng.

Huế lúc đầu không bán vé tàu về Huế, gặp chỉ trích, Huế cho tàu vào Sài Gòn đón người. Được một đôi chuyến, có f0, Huế ngưng. Bình Định điều cả máy bay chở người về “có rau ăn rau có cháo ăn cháo”, đôi bữa rình rang rồi bặt tăm chim cá. Nhiều lãnh đạo địa phương không nói không rằng lặng im quan sát, cốt để mưu cầu sự chắc cú. Long An thậm chí còn cấm dân đi ngang tỉnh, thiệt cay đắng làm sao.

Chủ tịch Minh ở Quảng Ngãi vừa nghĩ ra cách hỗ trợ dân Quảng ở lại Sài Gòn thông qua các kênh liên lạc đồng hương. Một cách làm vẹn cả đôi bề, vừa đỡ gánh nặng cho địa phương, vừa đỡ cực nhọc cho dân ngược xuôi vạn dặm. Giúp đỡ, không phải là quăng đôi đồng ba cọc rồi thôi. Quảng Ngãi đoán định được cuộc sống ở Sài Gòn thế nào, giúp người dân trụ lại ít nhất 14 ngày nữa.

Các tỉnh làm được điều này thì trọn vẹn biết bao. Lập tổng đài hỗ trợ để người dân gọi về, có xác tín của địa phương liền chi hỗ trợ. Có một dịp tri ân những đứa con quê, có một dịp xây tượng đài trong lòng dân, hãy đừng bỏ lỡ.

………

Đừng cãi nhau bằng những quyết định khô khốc vô hồn. Hãy thương lấy người quê xa xứ, “áo đường xa không ấm gió phương xa”…

NGÀY THỨ 23 (đêm thứ 5 giới nghiêm)

FB Hậu Kc Nguyễn

@ Hôm qua và hôm nay fb bạn bè có rất nhiều hình ảnh bà con nhập cư ở TPHCM lũ lượt về quê tránh dịch. Thật lòng không muốn sử dụng những từ ngữ có thể gợi lại vết thương của nhiều người, nhưng tình cảnh hàng trăm ngàn bà con ngày đêm đi về quê bằng mọi phương tiện một cách vội vã và đầy bất trắc

giống như một cuộc “di tản” khổng lồ. Cuộc di tản phản ánh sự bị động, ngoài tầm kiểm soát và sự bất lực của chính quyền TPHCM cũng như chính quyền các tỉnh.

Nhìn sự đón tiếp của tỉnh Gia Lai cho đồng bào về quê và trên đường đi qua tỉnh nhà, nhìn bà con mấy tỉnh dọc đường tự đứng ra hỗ trợ, giúp đỡ người về quê… tôi chạnh lòng vì người dân các tỉnh khác vẫn đang vất vả trên đường và chưa biết khi về đến quê hương sẽ như thế nào. Có tỉnh đã ngừng đón tiếp, có tỉnh im lặng như không hề có người tỉnh mình đang trong dòng người lam lũ ngoài kia. Tôi tự hỏi vì sao không có sự chỉ đạo, thậm chí một mệnh lệnh dứt khoát, thống nhất từ “tư lệnh” của cuộc chống dịch là Thủ tướng chính phủ – cho các địa phương về việc tổ chức đưa rước và đón tiếp đồng bào trở về như thế nào. Nếu nơi nào khó khăn thì chính phủ khẩn cấp hỗ trợ ngay để cứu dân và an dân. Đâu thể để tình trạng từng nơi quyết định tùy tiện?

Những đoàn người từ TPHCM ra đi cũng tự phát như khi họ từ quê hương đổ vào TPHCM và các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ tìm việc, làm thuê. Kiếm được việc nuôi sống bản thân, họ còn gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình, lẽ nào đó không phải là sự đóng góp cho tỉnh nhà? Trong số hàng ngàn người đang phơi mưa nắng trên đường ngoài kia không thiếu những trường hợp mà chỉ sơ sảy mảy may là có thể chết người.

Ở mức độ nào đó, sự tự phát này cũng như những người vượt biên trái phép qua các nước châu Âu tìm kiếm việc làm, và chỉ khi có sự cố chết người như vụ xe đông lạnh với mấy chục thi thể người Việt tìm thấy ở Anh, mới thấy chính quyền lên tiếng. Quê nhà mà sống được thì đâu có việc bao nhiêu người phải đua nhau ra đi? Tôi hiểu dịch bệnh làm cho nơi nào cũng khó khăn, tỉnh nào cũng lo lắng phải “ngăn chặn” dịch, nhưng để người dân tự đi tự về lẽ nào chính quyền tỉnh vô can?

@ Tình trạng TPHCM cũng chưa thấy gì khả quan hơn dù đã một tháng theo CT 15 rồi CT 16 và 16+. Tôi luôn tự hỏi, từ khi dịch bùng nổ ở Bắc Giang, Bắc Ninh là hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn – không biết chính phủ đã có phương án, kế hoạch gì để chủ động ngăn chặn dịch nếu tình hình ở Bắc Giang lặp lại ở một thành phố, khu CN lớn hơn nhiều lần như TPHCM và miền Đông Nam bộ?

Tôi luôn tự hỏi, trong những ngày nước sôi lửa bỏng ở TPHCM, quyền lực và trách nhiệm của chính phủ ở đâu, mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải “kêu gọi tất cả các tỉnh, thành phố, trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TPHCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất”? Vì sao phải “kêu gọi” và các tỉnh phải “nhường”, trong khi nguồn vac xin (hiện nay đều do viện trợ) nằm trong sự quản lý của chính phủ, hoàn toàn có thể phân phối một cách hợp lý nhất, ưu tiên cho nơi nguy hiểm nhất?

Nhiều người đã lên tiếng góp ý về vài phương thức khả thi hiện nay, đó là, TPHCM trợ cấp khẩn cấp cho bà con nhập cư còn ở lại TP, thông qua các Hội đồng hương và qua việc quản lý địa bàn cư trú ở các quận huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm thiện nguyện giúp đỡ bà con và động viên họ ở lại. Miễn giảm tiền điện, nước từ tháng 7 đến khi hết phải “giãn cách xã hội” người dân có thể đi làm trở lại.

Nếu ngay từ đầu dịch, chính phủ và chính quyền các tỉnh (chứ không chỉ người dân các tỉnh) hỗ trợ, cứu trợ để TPHCM có thể “phong tỏa” ngăn chặn dịch lây lan và cứu chữa bệnh dịch, thì bây giờ, khi bà con chịu hết xiết phải “bung ra” tìm đường về quê, thì chính phủ và chính quyền các tỉnh càng cần phải chung tay với TPHCM lo cho người dân, cũng là bảo vệ, bảo toàn sức lao động cho giai đoạn sau dịch bệnh.

Nếu không thì “mục tiêu kép” mà chính phủ đề ra chỉ là câu khẩu hiệu, vì không thể thực hiện nó bằng mọi giá trong đó có cả tính mạng con người!

Và sau này lịch sử những ngày này sẽ được ghi lại bằng sự kiện: một cuộc di tản lớn chưa từng thấy ở TPHCM sau cuộc di tản khỏi Sài Gòn 46 năm về trước!

 

CHỐNG DỊCH PHẢI DÙNG LỆNH

FB Lưu Trọng Văn

PTT Vũ Đức Đam tư lệnh chống dịch toàn quốc nói:

"Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TPHCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về TPHCM. Thời điểm này từng liều vaccine cực kỳ quý giá sẽ giúp được TPHCM chống dịch và cứu được nhiều người hơn”.

Tư lệnh chỉ huy lúc chiến trận phải dùng lệnh. Lẽ ra ông Đam phải nói tôi ra lệnh cho bộ Y tế phải… nếu không tuân lệnh tôi sẽ…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: Tôi đề nghị cho TPHCM lập kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Tôi sẽ bàn rất kỹ với lãnh đạo TPHCM về phương án tiêm vaccine theo cụm thay vì theo đối tượng".

Lẽ ra ông Đam phải nói: tôi ra lệnh giao cho TPHCM lập kế hoạch… và ra lệnh cho ngành y tế phải tiêm vaccine theo cụm dân cư chứ không chỉ theo đối tượng. Tiếc rằng trên cương vị chỉ là uỷ viên trung ương, phó TT ông Đam không được quyền ra lệnh cho bất cứ ai lúc này.

Lúc chiến trận sinh mệnh Dân sống chết mà chỉ toàn lời kêu gọi các đồng chí hãy này, hãy nọ với chỉ đạo chung chung cùng hô quyết tâm chiến thắng thì thật có tội với Dân với Nước.

Đất nước quá thừa các vị hô hào chung chung chả tích sự gì lắm rồi.

Đất nước cần một tổng chỉ huy có tài, có tầm, và dũng cảm quyết đoán.

Để cho thực trạng lúng túng và có phần hỗn loạn trong chỉ đạo chống dịch như vừa qua là do thiếu một tổng tư lệnh như vậy.

Lệnh:

1.

2.

3.

Thế là đủ, nhưng tổng tư lệnh phải được toàn quyền quyết định, không ai kể cả tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng được quyền can thiệp vào các lệnh của tổng tư lệnh đó. Chỉ người ra lệnh chịu trách nhiệm về lệnh của mình. Kẻ nào chống lệnh bị cách chức ngay.

Nhưng ai? Ai sẽ là một tổng tư lệnh như thế?

QH vừa trao toàn quyền cho thủ tướng được chỉ đạo chống dịch, vậy thì không ai khác thủ tướng Phạm Minh Chính phải lãnh trách nhiệm này.

Việc đầu tiên thủ tướng phải thành lập bộ tham mưu mới, bởi rõ ràng bộ tham mưu hiện nay đã không đủ năng lực trong tình hình dịch lan rộng, lan sâu và mất kiểm soát này. Bộ tham mưu mới bao gồm những chuyên gia giỏi nhất bất kể là Dân hay về hưu, không thuộc bất cứ nhóm lợi ích thân hữu và lý thuyết sáo rỗng nào, khẩn trương đề ra chiến lược tổng thể cùng các biện pháp đúng đắn nhất phù hợp thực tế VN để chống dịch.

Sau đó là các lệnh cụ thể và hành động quyết liệt kịp thời nhất.

 

CÂU CHUYỆN ĐỨA BÉ CHƯA ĐẾN 10 NGÀY TUỔI THEO BA MẸ VỀ NGHỆ AN VÀ TÌNH NGƯỜI ĐÀ NẴNG

FB Calvin Tran

Vợ sắp sinh nhưng công ty em Xùng Bá Sò lại đóng cửa ngay mùa dịch nên em rất lo lắng cho cuộc sống. Hôm vợ chuyển dạ đưa vợ đi bệnh viện thì bệnh viện cho hay vợ Sò phải sinh mổ. Nằm viện 4 ngày, bệnh viện cho xuất viện là ngày hôm sau Sò dọn đồ đưa vợ và con về quê bằng xe máy. Đi trên đường cũng có vài người thấy thương nên có vài ba người biếu ít tiền. Đến đoạn đèo Lò Xo Quảng Nam thì có ai đó chụp ảnh vợ chồng em đăng lên facebook. Cũng từ đó câu chuyện đứa bé chưa được mười ngày tuổi về quê trên xe máy được nhiều người biết đến. Trong đó có anh Vĩnh Quý ngoài Quảng Bình là người mình quen biết qua các chuyến từ thiện.

12:11 phút mình nhận tin nhắn của anh Quý.

Em. Có việc gấp anh nhờ em. Anh cần cái xe cứu thương chở mẹ con bà bầu mới sinh 10 ngày đi từ Đà Nẵng đi Nghệ An.

Nghe xong người đầu tiên mình nghĩ tới là Hồ Ngọc Thanh vì chỉ có nhóm Thanh mới có xe cứu thương 0 đồng. Nhưng chắc do mới đưa giúp quan tài bạn thanh niên ra Quảng Bình về không kịp nên các bạn không dám nhận.

Vậy là mấy anh em lập nhóm chat trên facebook để tìm giải pháp. Vì Đà Nẵng đang là tâm dịch nên kiếm được cái xe đi Nghệ An cũng hơi khó tí.

Gọi anh Vương Trần và mấy anh em đội bán tải thì anh em đều không thể đi vì xe bán tải chở người thì sai quy định, chưa kể là chở người từ vùng dịch về.

Vừa lái xe lên hầm Hải Vân tìm gia đình em Sò, vừa trao đổi qua nhóm chát. Anh Vương bảo chừ người đông quá mà xe trung chuyển cũng ngừng, để 8 giờ sáng mai lên tìm lại. Lúc đó tự nhiên mình có cảm giác mình nên đi tìm họ. Xin số điện thoại Sò gọi em, em chỉ nói em vừa đến giáp ranh Đà Nẵng nhưng không biết ở đâu. Đưa điện thoại người kế bên mình nói chuyện thì biết nhóm em vừa mới đến Hoà Khương. Tắt máy mình gọi cho anh Vương báo và hẹn anh Vương trên đó.

Báo anh Quý là đã tìm được Sò, báo bạn Cẩm Nhung kiếm đồ gì ở nhà tặng cho hai mẹ con cháu bé thì mang lên. Khi mình đến nơi thì cũng thấy anh Vương bước xuống xe bán tải. Hai anh em liền trao đổi cách giúp họ. Cuối cùng thống nhất chỉ có cách thuê xe. Anh Vương tặng Sò số tiền rồi về trước và dặn mình.

– Em xem tính tiền nong chi thì báo anh, anh sẵn sàng. Mai a phải dậy sớm.

Lúc đó cũng đã hơn 3 giờ sáng. Mình nhờ Hoàng Trần Việt kiếm thuê xe. May mắn tìm ra được xe và bạn lái xe cũng là tình nguyện viên.

Sau khi hai anh em thống nhất chi phí, các thủ tục đi đường thì bạn hẹn 6 giờ sáng có mặt. Nhìn đồng hồ đã 4:15 nên mình bảo Nhung hai anh em ở lại đợi xe luôn. Cũng lúc này mình nhận tin nhắn của chị Huyền ở bên Mỹ nhắn về. Chị sẽ giúp chi phí xe đưa họ về quê và cho mỗi gia đình thêm 1 triệu đồng. Đến lúc này mọi thứ gần như đâu vào đấy thì có sự cố nhỏ. Hai gia đình đồng hương Nghệ An với Sùng họ đổi ý, họ không muốn để vợ và con nhỏ đi ô tô nữa. Có vẻ họ không tin chúng tôi đang giúp họ. Họ sợ phải đóng phí. Mình cố gắng thuyết phục họ nhưng không được. Vậy là họ tiếp tục trên hành trình xe máy. Có gia đình có 4 người trên một chiếc xe máy. Sò lại sẽ đi xe ô tô cùng vợ Sò và gởi xe máy lại. Để tạo niềm tin cho Sò, mình có nhờ anh công an trực chốt đến làm chứng.

Ngồi đợi xe đến trời sáng, mình báo Nhung thức dậy đi mua bún cho họ ăn sáng. Sau đó đi mua số thứ họ cần để sử dụng trong khu cách ly vì có thể có tiền chưa chắc mua được. Anh bán tạp hoá nghe tin cũng qua gởi ít tiền, còn đi kiếm thêm áo quần mới trẻ sơ sinh để tặng cho cháu. Chú hàng xóm đội diện cũng đi sang biếu thêm tiền. Vài anh em bạn bè nhắn tin hỏi mình để giúp thêm nhưng mình từ chối sau khi thấy số tk của Sò được đăng trên trang facebook Nghệ An. Hơn nữa theo mình sắp tới sẽ còn thêm nhiều trường hợp cần chia sẻ, hãy để dành.

Đưa vợ chồng Sò lên xe cùng ba mẹ con em gái người Quảng Bình, gởi gắm hai em tài xế, mình vô lái xe máy Sò đi về. Đi chưa được 200 mét thì xe hỏng, sên xe bung ra. Vậy là mình phải dắt xe máy lại gởi. Về nhà nhắn tin cho Sò chắc lúc đó em đang đến Huế, em nói xe em bị hư nhông rồi. Gởi ra rồi em sửa cũng được. Mình gởi ảnh tin nhắn cho a Vương nói đùa.

Xe nó hư sẵn chứ không phải do em. Nghe xong anh Vương chạy xe bán tải lên chở xe Sò về và sửa luôn. Sửa xe xong sẽ tìm cách gởi ra cho Sò.

Đó là cả câu chuyện của vợ chồng Sò và cháu bé tại Đà Nẵng. Mình cảm thấy họ rất may mắn vì hành trình còn lại rất suông sẻ và đầm ấm.

Phải nói tình người Đà Nẵng luôn tuyệt vời, không có mọi người sẽ không có câu chuyện cảm động như hôm nay.

Cảm ơn mọi người vì tất cả.

Xin lỗi câu chuyện hơi dài, tình huống hơi khó tí ban đầu chứ cũng không có chi ghê gớm.

Có thể là hình ảnh về trẻ em, đang ngồi và ngoài trời

MÌNH LÀ F0, LÀ "DƯƠNG QUÁ" VỚI COVID VÀ ĐÃ CHIẾN THẮNG COVID-19 SAU HƠN 10 NGÀY TỰ CÁCH LY TẠI NHÀ

FB Lại Vũ Tuấn Anh

Hôm nay mình rất vui, đúng là qua kiếp nạn, chiều nay bên Y tế Phường báo mình đã có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính. Hiện tại mình rất khỏe, mọi thứ gần như bình thường vì suốt thời gian bệnh, mình cố gắng nghe lời chị mình làm bên HCDC dặn: “Em cố gắng sinh hoạt như bình thường, đừng lo lắng gì quá, càng lo lắng căng thẳng càng bệnh hơn.”

Mình chủ trương sống vui khỏe, yêu đời, không suy nghĩ gì, chỉ vẽ vời, hát hò, chat với bạn bè người thân, lướt FB cười vui như không có gì xảy ra. Nhưng cái quan trọng, mình không biết mình nhiễm ở đâu?

KHÔNG BIẾT TẠI SAO BỊ NHIỄM DÙ CHỈ Ở YÊN TRONG NHÀ?

Cách đây mấy tuần, hẻm mình ở Lý Chính Thắng, quận 3 bị giăng dây vì có 1 ca nhiễm là hàng xóm cách nhà mình 2 căn, sau đó không hiểu kiểu gì về lây cho cả nhà họ 5 người. Tất cả đều thành F0.

Vài ngày sau, 1 người nữa kế bên cạnh nhà mình cũng F0 nốt. Không rõ lây từ đâu?

Rồi sau hẻm nhà mình, nhiễm nhiều, tầm chục ca, toàn các nhà san sát nhau.

Sau đó là chuỗi ngày tháng nhà mình đóng cửa im lìm, khi nào thiếu đồ ăn lắm mới nhờ người thân bạn bè ship vào cho vì mình ở riêng lâu rồi. Khi ra lấy đồ ăn ở chốt, bịt kín mít, đeo khẩu trang dày dặn, đeo cả mặt nạ, đội nón, đeo găng tay, xịt khử khuẩn rất kĩ. Vào nhà xịt trên xuống dưới và đặc biệt hơn 2 tuần nay, mình chỉ ở nhà.

Rồi sau đó 3 ngày hẻm mình được test lại =>Mình Âm tính

Sau đó 7 ngày hẻm mình được test lại => Mình cũng Âm tính.

Đến lần cuối cùng là sau 14 ngày, cả hẻm mình được test lại lần cuối, nếu ổn hết sẽ tháo dây giăng ra, và lần này là test nhanh 15 phút có kết quả.

Và điều gì đến cũng đến, tất cả hẻm đều âm tính, chỉ mình mình test nhanh dương tính.

Kết quả mình test nhanh của mình sau đó được gửi về cho Pasteur thành phố xét nghiệm khẳng định PCR, và sáng hôm 23/7, 1 anh bên phường báo mình đã dương tính chính thức rồi, mẫu test của mình đưa Pasteur 19/7, 21/7 Pasteur có kết quả, nhưng đến 23/7 mới báo mình được vì quá tải? Vậy là mình bị nhiễm từ trước hôm 19/7.

Anh ấy nói mình tạm cách ly ở nhà, sinh hoạt bình thường, ở yên trong phòng riêng của mình, không quá lo lắng gì hết, và anh hẹn 5 ngày sau sẽ có nhân viên Y tế quay lại Test cho mình lại.

Cả phường, ngay cả mấy anh công an khu vực cũng hết hồn, vì chả biết mình lây từ ai, lây kiểu gì mà bị nhiễm.

Vậy là cả hẻm mình được tháo dây giăng, chỉ còn cọng dây giăng trước cửa nhà mình, vì chỉ mỗi mình mình dương tính lần này. Lập 1 chốt nhỏ có mấy anh dân phòng, công an ngồi canh ngày lẫn đêm. Bữa giờ mưa gió, tội nghiệp họ…

MÌNH ĐÃ KHỎI COVID NHƯ THẾ NÀO?

Khi nghe tin bị nhiễm, mình cũng hơi lo, nhưng không bất ngờ vì trước đó vài ngày mình hắt xì hơi liên tục, sốt nhẹ, ngủ thì bị mỏi cơ, ăn cũng ko cảm thấy ngon miệng.

Mình không báo cho bố mẹ mình vì sợ ông bà lo lắng, mẹ mình biết chắc mất ngủ luôn quá hic. Bạn bè người quen mình cũng không báo ai, chỉ báo cho anh mình, chị mình và đứa em làm chung công ty, nói họ giữ bí mật vì để hết bệnh rùi báo ai thì báo. Giờ báo người thân chỉ lo thôi chứ không giúp ích gì.

Mình gọi cho chị bạn mình bên HCDC, rồi một người anh là bác sĩ hỏi cần phải làm gì. Rồi mình làm theo, mình note vài dòng, mọi người có thể tham khảo nha.

Cũng hơi buồn vì bên thông báo mình Dương tính sau cuộc điện thoại thông báo kết quả mình, cũng không phát bất cứ 1 viên thuốc vào cho mình hay hướng dẫn mình nên phải làm gì nếu mình bất thường như khó thở,… Nhưng mình hiểu mọi người cũng rất là bận và quá tải, nên mình quan niệm nếu tự làm được gì thì tự làm. Mình thật sự rất thông cảm ạ:

1) Không được lo lắng, sinh hoạt hết sức bình thường, ăn uống bình thường. Có cái 1 ngày nên tắm 2 lần, súc miệng nước muối loãng 2 lần, khè mũi bằng nước biển sâu Xisat ngoài hiệu thuốc hoặc nước muối sinh lý đều được ạ, ngày 2 lần.

2) Về ăn, nên ăn nhiều thịt cá, rau xanh, hôm nào chán ăn miệng chả có vị giác, chả thèm ăn gì thì thích gì ăn đó, ăn gì cũng được miễn phải ăn vào người ạ. Đừng bỏ 1 bữa nào trong ngày.

3) Về uống, 1 ngày mình uống bắt buộc:

+ Sáng 1 ly chanh sả mật ong rừng

+ Bữa xế chiều 1 ly sữa hạt

+ Tối 1 ly cam quế mật ong rừng

+ Nước mình uống chắc 2-2.5 lít 1 ngày á

Tất cả mình uống theo kiểu nhâm nhi yêu đời, chứ chả uống ộc xuống 1 cái làm gì.

4) Từ hôm biết tin bị nhiễm, ngày nào mình cũng tự xông hơi ở nhà trong lều xông bằng cam, chanh, xả, quế, vỏ cam, bưởi,… Ai không mua lều thì đun nồi nước nóng rùi chùm cái chăn vào là xong mọi người nha. Ngày nào mình cũng xông luôn, không nản.

5) Về tinh thần, mình tập đàn, vẽ tranh, nghe nhạc nhiều hơn và hát nhiều hơn. Ca hát giúp mình cảm giác cổ họng mình có đau hay không, và cảm nhận phổi và lồng ngực mình ổn hay không đó ạ. Cái này mình cảm thấy vậy thui nha. Chứ hát cho tinh thần vui vẻ lạc quan thui à. Hihi.

6) 1 ngày mình tập thể dục liên tục:

+ Sáng hít đất 20 cái, gập bụng 20 cái.

+ Chiều hít đất 10-20 cái.

+ Tối hít đất 10-20 cái.

Những ngày mình khó thở, có thể giảm xuống và tập các bài tập nhẹ cho đổ mồ hôi ạ, tùy thể trạng từng người.

7) Dĩ nhiên có những ngày đang thoải mái, tự nhiên tức ngực, khó thở. Mình dừng hoạt động, ra rót ly nước rồi ngồi yên nghe nhạc, đọc tin tức, tập thở chầm chậm lại. Cảm giác này rất đáng sợ và khó chịu, nhưng mọi người bình tĩnh nha.

Tối nhiều khi khó thở tức ngực, uống 1 viên Efferalgan rùi nhắm mắt 1 chút cũng ngủ được thôi ạ. Không than vãn gì luôn!

8) Về thuốc, mỗi ngày mình uống 1 viên Paracetamol 500mg và Efferalgan 500 mg sáng và chiều. Uống nhiều không tốt nhưng mình cố gắng ăn rau nhiều, sau đó mới uống thuốc cho mát cơ thể, chứ ngày thường bệnh cảm này kia mình cũng hạn chế uống mấy này lắm.

Vài dòng chia sẻ thật lòng, thật ra cá nhân mình ủng hộ việc F0 không triệu chứng, nhẹ nên ở nhà tự cách ly nếu gia đình đủ điều kiện, sẽ tốt hơn. Vì ăn uống, sinh hoạt mình tự chủ được tất cả ạ. Sẽ thoái mái hơn nhiều lắm ạ.

Mọi người cố lên nha, lạc quan, bình tĩnh và vượt qua bệnh dịch nha.

Yêu quý

clip_image018_thumb1

clip_image020_thumb2

clip_image022_thumb2

clip_image024_thumb2

NGĂN SÔNG CẤM CHỢ NGAY TRONG THÀNH PHỐ

FB Xuân Sơn Võ

Hôm qua nay nhiều người xôn xao vì thông tin chích vaccine cho tất cả người dân trên 18 tuổi của TPHCM trong tháng 8/2021.

Tôi không biết thông tin này có độ tin cậy như thế nào, chính quyền đã có đủ nguồn vaccine chưa, vaccine đó là miễn phí hay dịch vụ… hay chính quyền chỉ muốn dân cảm thấy vui khi sắp gia hạn phong tỏa?

Tuy nhiên, mấy hôm nay, Sở Y tế đã kêu gọi gia tăng thêm đội chích ngừa. Phòng khám EXSON, mặc dù khi hoạt động không có dịch vụ này, cũng đã lập một đội để tham gia vào chương trình chích vaccine lớn nhất lịch sử này.

Tuy nhiên, ngày nào tôi cũng nhận hàng mấy chục tin nhắn, trong các group cũng tràn ngập thông tin, rằng người ở trong các khu phong tỏa không thể đi chích vaccine được, do thủ tục rất bất cập. Có trạm kiểm soát thì đòi giấy mời, trong khi người được chích chỉ nhận được tin nhắn. Cho nên, nhiều người không thể đến điểm chích.

Việc kiểm soát này còn ảnh hưởng đến cả việc thành lập đội chích vaccine của chúng tôi. Hiện nay, nhân viên EXSON một số về quê, muốn đi lên thành phố cũng không có phương tiện đi. Số còn lại ở thành phố thì nhà đang ở trong khu phong tỏa. Một đội chích ngừa yêu cầu tối thiểu 5 người, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các đội chích thì cần 6 người.

Gom vét hết thì chúng tôi chỉ còn 1 nửa đội là đang ở ngoài khu phong tỏa. Ngày hôm nay chúng tôi sẽ gởi công văn đến các UBND phường, nơi những người của chúng tôi đang ở trong các khu phong tỏa ấy, đề nghị cho họ được ra ngoài để tham gia đội chích. Tất nhiên, tôi chưa biết các địa phương sẽ trả lời ra sao, nên việc lập thêm đội chích vẫn còn chưa chắc chắn.

Thực ra thì nếu các địa phương không cho người của chúng tôi ra ngoài, thì chúng tôi đỡ phải chi phí. Mỗi ngày chi phí các khoản cho một đội chích, gồm cả trang bị bảo hộ, xe cộ vận chuyển, và các chi phí khác, là khoảng 7.000.000 đồng. Nhà nước đâu có trả đồng nào, tất cả chúng tôi phải tự lo, chỉ để giúp cho người dân, vì người dân Sài Gòn. Vậy nhưng, chúng tôi lại phải tìm mọi cách để vượt qua các trạm kiểm soát của nhà nước, để được… tốn tiền.

Tương tự vậy, những người làm từ thiện mấy ngày nay đang rất bức xúc, vì việc ngăn cấm lưu thông khá là vô lí của các chốt kiểm soát. Khi xin phép tiếp tế cho một bệnh viện thu dung, quận chỉ cấp 1 ngày, mà quá trình tiếp tế thì ngày nào cũng cần. Lúc đi thì có đồ trên xe, có khi còn được thông cảm, lúc về không có đồ, thế là phạt.

Nói cho ngay, nếu nhà nước ngăn cản, những người dân đang bỏ tiền của, công sức của mình ra làm từ thiện, tiếp tế cho các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán, đang trong tình cảnh thiếu thốn đủ thứ, hoặc cho người dân ở các khu phong tỏa, nơi nhà nước hứa sẽ mang thực phẩm đến tận nhà, nhưng họ vẫn chỉ nhận từ các nhà hảo tâm… thì các nhà hảo tâm sẽ đỡ… tốn tiền, lại có thể nằm nghỉ khỏe re.

Cho nên, việc ngăn cấm và những quyết định máy móc, cứng nhắc, cách nhìn người dân ai cũng là kẻ gian, lừa đảo của các các cơ quan công quyền chỉ có một tác dụng, là làm khổ dân thôi. Những người ra lệnh không thấy tình cảnh này, và nặng tư duy dân là xấu xa, kém hiểu biết, lúc nào cũng chỉ thích đi cho sướng. Người thừa hành thì vô cảm, máy móc, chỉ đâu đánh đó.

Nếu ngăn cản nhân viên của tôi, mỗi ngày, có 300-400 người dân không được chích vaccine. Đó mới chỉ là 1 đội chích thôi. Chứ tôi tin có hàng trăm đội chích đang không thành lập được, hoặc không tập trung được vì bị ngăn cản đi lại, con số người dân không được chích vaccine sẽ rất lớn. Tương tự vậy, sẽ có nhiều thầy thuốc và cả người bệnh trong các bệnh viện điều trị viêm phổi Vũ Hán phải chịu cảnh thiếu thốn, và hàng chục ngàn người dân trong các khu cách li hoang mang, thiếu thốn, và cảm thấy bị bỏ rơi.

Thật sự, tôi không hiểu cái ông hay nói chữ bày ra chuyện tỉnh cách li với tỉnh, quận cách li với quận, xã cách li với xã, gia đình cách li với gia đình là lấy cảm hứng từ đâu. Nhưng việc thừa hành theo kiểu shipper quận nào đi quận đấy cho thấy trình độ nhận thức của đám thực thi. Sao không qui định shipper chỉ đi trong nhà, từ phòng ngủ đến bếp, cho nó đúng với tinh thần của cái tuyên bố gia đình cách li với gia đình, cho nó triệt để?

Nếu trong thời gian tới, nhà nước kéo dài chỉ thị 12 (chỉ thị 16+++), mà không giải quyết vấn đề trên, thì không biết sức chịu đựng của người dân có chịu nổi hay không.

 

CHUYỆN BĂNG VỆ SINH *

FB Nguyen Phuong Mai

Sanitary pads are essential goods, not luxury. And yes, men menstruate too.

Mình thực sự ngạc nhiên khi băng vệ sinh và tã bỉm không được liệt kê vào danh mục các mặt hàng thiết yếu. Mới đây một xe chở sản phẩm bị chặn lại không được phép vận chuyển đến các điểm bán lẻ. Chuyện như đùa này hoá ra là thật.

Không có giấy vệ sinh thì dùng nước, cùng lắm là như ngày xưa vò vò tờ báo. Chứ không có băng nguyệt san và tã bỉm thì không lẽ đóng khố 24/7 với khăn mặt và quần áo cũ?

Thậm chí trong cuộc sống bình thường, là phụ nữ, hẳn đã có lần bạn bất ngờ bị nguyệt san mà không kịp chuẩn bị trước, phải bỏ học, bỏ làm, hoặc lâm vào tình trạng vô cùng khó xử. Chính vì băng vệ sinh thiết yếu như thế, ở một số nước Bắc Âu, chính phủ đang thử nghiệm cung cấp sản phẩm này miễn phí trong các nhà vệ sinh công cộng.

Việc bỏ sót băng vệ sinh và tã bỉm rất có thể là hệ quả của sự thiếu đa dạng trong đội ngũ những người lãnh đạo và có thẩm quyền ra quyết định. Rất có thể những người lập ra cái bản danh mục kia không phải là phụ nữ hoặc người đảm nhiệm trọng trách chăm sóc trẻ con và người già trong nhà. Chính vì thế, họ vô ý quên rằng băng nguyệt san và tã bỉm còn quan trọng hơn cả giấy vệ sinh.

Trên trang Giỏi việc nước đảm việc nhà – Hoán đổi giới tính do mình sáng lập, giới tính được hoán đổi để chúng ta thấy định kiến nam nữ một cách rõ ràng hơn. Ví dụ, nếu đàn ông là kẻ có nguyệt san, mỗi tháng lại phải để ý xem khi nào cơ thể bất thần chảy máu xối xả, ngày ngày phải thay bỉm tã cho bé bi và chăm sóc người già trong nhà, thì liệu băng vệ sinh có bị bỏ quên trong danh sách?

Trên thế giới, sự thiếu thốn băng vệ sinh đã ảnh hưởng đến việc học hành, sự nghiệp và sức khoẻ của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái. Bộ phim tư liệu ngắn PERIOD. THE END OF THE SENTENCE hai năm trước đoạt giải Oscar nói về một người đàn ông Ấn Độ tên là Arunachalam Muruganantham. Ông thấy vợ mình phải thu gom những miếng giẻ cũ và giấy báo để cầm máu mỗi kỳ nguyệt san. Không đành lòng, ông bỏ ra hàng năm trời để nghiên cứu chế tạo ra một chiếc máy sản xuất băng vệ sinh với giá thành siêu rẻ. Tình yêu của ông với vợ đã giúp cho hàng triệu bé gái được quay lại trường học, hàng triệu phụ nữ tránh được bệnh tật, hàng triệu cô gái trở nên tự tin và tự do hơn trong cuộc sống.

Hoan nghênh Đồng Nai là tỉnh duy nhất coi băng vệ sinh và tã bỉm là mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ phong tỏa.

Ảnh: Post mới nhất trên trang #hoandoigioitinh

clip_image026_thumb3

*Tiêu đề do Văn Việt đặt

‘BĂNG VỆ SINH LÀ HÀNG HÓA THIẾT YẾU, BAO CAO SU CŨNG CẦN ĐƯỢC XEM XÉT’

Minh An – Zingnews, 30/7/2021

Chuyên gia UN Women Việt Nam khẳng định băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu và việc thiếu hụt nguồn cung sẽ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe nhóm yếu thế trong xã hội.

Đảm bảo chuỗi cung ứng là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ngày qua, việc kiểm soát hàng hóa thiếu nhất quán ở nhiều địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình vận chuyển. Ở một số nơi, xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm bị chặn với lý do không nằm trong danh sách hàng hóa thiết yếu.

Bình luận với Zing về vấn đề này, bà Vũ Phương Ly, chuyên gia cao cấp của UN Women Việt Nam, cho biết nếu việc tắc nghẽn không sớm được tháo dỡ, mặt hàng này có thể thiếu hụt trên thị trường, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, để lại hệ lụy lâu dài với sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung.

Băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu

– Băng vệ sinh, tã, bỉm có phải mặt hàng thiết yếu không và tại sao?

– Tôi rất buồn và ngạc nhiên khi nghe được thông tin về việc cấm vận chuyển băng vệ sinh, tã, bỉm vào một số tỉnh thành. Băng vệ sinh hiện là hình thức phổ biến nhất ở Việt Nam, được hầu hết phụ nữ và trẻ em gái sử dụng cho kỳ kinh của mình.

Tương tự, bỉm và tã cũng là hình thức được nhiều gia đình sử dụng để chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già nhằm giải phóng sức lao động cho phụ nữ và người trông trẻ, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường sống của gia đình.

clip_image028_thumb1
Bà Vũ Phương Ly, chuyên gia cao cấp của UN Women. Ảnh: UN Women Việt Nam.

Hiện Việt Nam không có nhiều mặt hàng có thể thay thế băng vệ sinh hay bỉm, tã được làm sẵn, nhất là ở khu vực đô thị. Do đó những mặt hàng này đang là mặt hàng thiết yếu nhất và không thể thiếu đối với phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên và trẻ nhỏ để sử dụng hàng ngày.

Nếu không có chúng, cuộc sống của mọi cá nhân và gia đình sẽ bị đảo lộn, đặc biệt trong bối cảnh cách ly tập trung hoặc sống ở khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh, dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài về sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái nói riêng và người dân nói chung.

– Theo bà, danh mục hàng hóa thiết yếu đã hợp lý chưa? Liệu có nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nào mà chúng ta bỏ quên nhu cầu của họ khi đề ra danh sách này?

– Dịch Covid-19 mang tính chất toàn cầu, và tính khó đoán của các chủng virus làm cho nhiều quốc gia lúng túng, trong đó có Việt Nam. Việc phong tỏa và giãn cách xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi tính đến yếu tố cần và đủ cho người dân trong mọi hoàn cảnh khủng hoảng, danh sách mặt hàng thiết yếu trên có thể chưa được áp dụng hợp lý ở từng tỉnh.

Vấn đề ở đây là cần phải có sự nhạy cảm trong quá trình thực hiện một số chính sách sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhóm công dân trong mọi điều kiện khủng hoảng như tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Chẳng hạn, trong các địa phương đang thực hiện chỉ thị 15 và 16, hiện chỉ có tỉnh Đồng Nai xem băng vệ sinh, tã, bỉm là mặt hàng thiết yếu và nêu trong văn bản hướng dẫn.

Tôi hy vọng cách làm hay của các nhà lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẽ là ví dụ tốt cho các tỉnh để tham khảo và để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19 thành công hơn, phòng ngừa và bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, và trẻ em nói chung trước những tác hại không đáng có về bệnh tật và tâm lý, gây ra nhiều phí tổn khác về y tế cho cả gia đình và nhà nước sau này.

Chính phủ cũng có thể cùng các địa phương cấp tốc xây dựng danh sách hàng thiết yếu được lưu thông và sử dụng trong khủng hoảng để đảm bảo không nhóm dân nào bị bỏ quên, ví dụ như người mang bệnh nền, người tàn tật, người có nhu cầu hỗ trợ về y tế thường xuyên,…

Chúng tôi khẳng định băng vệ sinh, bông vệ sinh, tã bỉm, cốc nguyệt san hay dung dịch vệ sinh phụ nữ và vật dụng là mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, các sản phẩm khác nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng chống mang thai ngoài ý muốn và bệnh lây truyền qua đường tình dục như bao cao su cũng cần được xem xét và đưa vào danh mục này.

clip_image030_thumb1

Băng vệ sinh, tã, bỉm nên được xếp vào mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Nhật Sinh.

Thay đổi cách suy nghĩ

– Nhiều nhân viên y tế là phụ nữ phải làm việc cả ngày nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm vệ sinh. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

– Chúng ta cần lưu ý là phụ nữ chiếm đến 70% trong nhóm ngành phục vụ y tế. Do đó, việc đảm bảo nhu cầu của từng nhóm phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, là vô cùng quan trọng và cần lưu tâm.

– Lệnh hạn chế cùng giãn cách khiến một số nơi không thể sản xuất và ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, có thể dẫn đến thiếu hụt sản phẩm ở nhiều tỉnh thành. Bà có kiến nghị gì để hạn chế tình trạng này?

– Do tác động Covid-19, có rất nhiều mặt hàng không đủ nguồn cung. Chẳng hạn, bao cao su được sản xuất nhiều ở Malaysia và xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Tuy nhiên, do đại dịch bùng phát, hàng hóa không thể đến được một số nơi. Tương tự, các vấn đề cũng được đặt ra ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, tôi thấy Việt Nam may mắn hơn bởi chúng ta có khả năng sản xuất mặt hàng ngay trong nước. Chẳng hạn, nhiều công ty đang sản xuất và xuất khẩu băng vệ sinh ở Việt Nam, cho nên khó xảy ra tình trạng thiếu hụt.

Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần đảm bảo tính lưu thông hàng hóa để các mặt hàng được vận chuyển tới người sử dụng. Việc thay đổi cách suy nghĩ, cách tiếp cận với mặt hàng thiết yếu là điều cần làm trước mắt để hàng hóa có thể đến tay nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Gia tăng tiếng nói của nữ giới

– Vấn đề băng vệ sinh, tã và bỉm không được xếp vào danh sách thiết yếu ở một số tỉnh có phải do đa phần người ra chính sách là nam giới?

– Có nhiều yếu tố lý giải điều này, do đó mà đề xuất của chúng tôi là đảm bảo tiếng nói của phụ nữ ở nhiều cấp độ khác nhau trong cơ quan đoàn thể, và ngay cả trong ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Việc có tiếng nói của những người phụ nữ trong tiến trình ra quyết định rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cần xem xét phân tích, báo cáo, tác động liên quan đến bình đẳng giới để đưa ra quyết định hợp lý đối với các nhóm xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

clip_image032_thumb2

Nếu việc tắc nghẽn hàng hóa như băng vệ sinh, tã, bỉm không sớm được tháo dỡ, mặt hàng này có thể sớm thiếu hụt trên thị trường. Ảnh: Nhật Sinh.

– Đại dịch và các biện pháp giãn cách đã tạo ra tình trạng đặc biệt mà những người chịu thiệt thòi nhất là các nhóm vốn yếu thế, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Bà có khuyến nghị gì để cải thiện trong ngắn hạn những khó khăn đối với họ không?

– Việt Nam đã phần nào đảm bảo được sự an toàn của dân chúng nói chung và phụ nữ cùng trẻ em gái nói riêng trong quá trình chống dịch. Tuy nhiên, từ góc độ bình đẳng giới và bảo vệ sự an toàn của các thành viên trong cộng đồng, tôi xin đưa ra một số khuyến nghị như sau.

Thứ nhất, cần đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo nữ từ các cấp khác nhau trong bộ ngành liên quan quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực thi nghị định, pháp lệnh và luật giải quyết tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, thiên tai,…

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của người dân để họ ý thức được tác động không mong muốn đến cá nhân, gia đình và xã hội trong thời gian giãn cách.

Thực tế, quá trình chúng ta thực hiện các biện pháp này có thể gây ra hoặc làm tăng tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ, bạo lực gia đình. Phụ nữ phải làm việc nhiều hơn và vất vả hơn trong việc duy trì gia đình, trông nom người ốm và trẻ nhỏ trong thời điểm giãn cách, mất việc làm, mất thu nhập ổn định, mất nơi ở,…

Bằng chứng trên thế giới và Việt Nam cho thấy vấn đề bạo lực đối với phụ nữ gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh và mọi người ở nhà cùng nhau, cùng đối mặt với những căng thẳng tâm lý, nỗi lo lắng về sự an toàn.

Liên Hợp Quốc gọi đây là “đại dịch bóng” bởi nó xảy ra phổ biến đối với quá nhiều nhóm xã hội. Vì vậy, cần xem xét các dịch vụ thiết yếu như y tế, tư pháp hành pháp, đường dây nóng,… để đảm bảo phụ nữ và trẻ em không bị đơn độc và bị bỏ rơi giữa đại dịch

Ứng phó Covid-19 là điều chưa từng có trong tiền lệ, quá trình này đưa ra cho chúng ta thêm nhiều bài học trong khủng hoảng. Do đó, cần hoàn thiện hơn thể chế luật pháp liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai, bệnh dịch. Cần sự tham gia của các nhóm yếu thế trong quy trình thực hiện chính sách nhằm đảm bảo việc tái thiết hiệu quả sau khi cuộc sống bình thường trở lại.

 

MỘT ĐÊM KHÔNG THỂ NGỦ

Têrêsa Nguyễn Vui – TGP Sài Gòn, 31/7/2021

clip_image034_thumb1

TGPSG– Hôm nay, tôi trực ca đêm và cảm thấy thấm thía câu nói của tiền nhân: “Thức đêm mới biết đêm dài”.

Trước giờ trực đêm, thấy tôi thao thức, trở mình hoài nên cô điều dưỡng bảo: "Tranh thủ chợp mắt tí cho đỡ mệt". Vâng, mắt tôi vẫn nhắm nhưng không sao ngủ được, phần vì sắp đến ca trực, phần vì thương các bệnh nhân. Vừa nằm xuống thì cảnh tượng các bệnh nhân thở thoi thóp với bao nhiêu dây nhợ xung quanh lại hiện ra trước mắt. Hơi thở là gì mà khiến cho biết bao người phải khổ sở vì nó? Tiền bạc, địa vị, danh vọng…phải chăng có thể mua được sự sống?

Suy nghĩ đến đây, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được dùng “máy thở tự nhiên” mà Chúa ban tặng; hạnh phúc vì được chứng kiến những hình ảnh cảm động của các bác sĩ thức suốt đêm lo cho bệnh nhân; hạnh phúc vì mình được góp một phần nhỏ bé vào việc phục vụ các bệnh nhân covid. Nơi đây thật sự là gia đình, không phải vì có ba có mẹ, có người thân yêu, nhưng vì nó chứa đựng tình yêu thương nhân loại đong đầy. Đó là nơi các bác sĩ tận tâm vì bệnh nhân, nơi các nhà hảo tâm đổ tràn tình thương bằng cách lo những bữa cơm cho các tình nguyện viên. Đây cũng là nơi các bác tài vui vẻ đưa đón tình nguyện viên đi làm, nơi các bác bảo vệ ngày đêm chờ các đoàn xe đi về, nơi không còn sự phân biệt tôn giáo nhưng tất cả vì bệnh nhân thân yêu, nơi biết bao lời cầu nguyện và lời thăm hỏi từ hậu phương gởi đến để khích lệ tinh thần chúng tôi. Tôi đã lặng người và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy túi đồ của bệnh nhân vì bên trong chỉ vỏn vẹn mấy hộp sữa và mấy cái mền có lẽ do quá vội nên chưa kịp xếp gọn gàng. Tôi đã bàng hoàng khi vừa bước vào ca trực thì một bệnh nhân đã ra đi…

Làm sao có thể ngủ khi xung quanh các bệnh nhân còn sống cũng như đã ra đi không có sự chăm sóc hay tiếng khóc than của người thân mà chỉ có tiếng máy “pin… pin… pin”. Tài sản duy nhất của họ chỉ có một chiếc điện thoại bỏ trong túi nilon, không người thân, không địa chỉ. Có những bệnh nhân ra đi mà tìm một lúc mới thấy địa chỉ và số điện thoại, nhưng bác sĩ chỉ kịp báo cho người nhà một câu ngắn gọn: “Bệnh nhân T.. đã ra đi rồi nha”. Khi các bệnh nhân ra đi, họ chỉ được đặt vào một cái túi đựng thi hài rồi chuyển ra xe. Tôi tưởng tượng cảnh người nhà đau khổ thế nào khi đưa bệnh nhân đi là thân hình nguyên vẹn nhưng khi nhận về chỉ là hũ tro. Nghĩ tới đó tôi không dám tưởng tượng tiếp, nước mắt tôi chảy dài trên má mà tôi cứ ngỡ đó là mồ hôi.

Trở về với công việc của mình, tôi nhớ: Mỗi khi tiễn đưa bệnh nhân xong thì ai vào việc nấy. Tôi lau người cho từng bệnh nhân. Khi lau người cho họ, tôi cảm nhận được nhịp thở của họ thật yếu, có người hoàn toàn bất động. Những người này khi còn khỏe đều tự làm mọi thứ, tự tắm rửa, tự ăn uống. Bây giờ, họ phải phó thác số phận cho các bác sĩ và điều dưỡng ở đây chăm sóc. Trong phòng tôi làm có hai người còn tỉnh táo. Một bác nhắn: Nếu nhắn về được cho gia đình, xin báo cho gia đình bác biết là bác vẫn bình an. Tôi thấy thương bác quá! Bản thân bị bệnh nặng mà còn nghĩ cho người khác. Còn một bác khác là cựu chiến binh, bác nói: "Là cựu chiến binh, bao nhiêu khổ cực bác cũng chịu được nhưng nay lại không thể chịu nổi một con virus bé tí. Nó hành hạ bác đau lắm, nóng lắm, trong phổi và cổ họng như lửa đốt". Hèn chi tôi thấy bác cứ gồng lên từng cơn mỗi khi nhiệt độ tăng. Tôi đã tưởng mình làm bác đau nên hỏi: "Con làm bác đau hả?" Bác trả lời: "Không đau…con làm nhẹ nhàng mà…cảm ơn con nhiều lắm".

Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của các anh chị em thiện nguyện khác đang lau người bệnh nhân. Hình ảnh ấy thật đẹp, giống như các chị em của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta đang chăm sóc bệnh nhân vậy. Tôi tự hỏi, nếu những người đang nằm đây là người thân hay bản thân mình thì sẽ ra sao nhỉ??? Kì lạ, thay vì cảm giác lo lắng tôi lại cảm thấy thật bình an. Bình an vì tin rằng có Chúa luôn đồng hành. Bình an bởi nơi đây có những người chị em mới, tuy không cùng dòng tu, không cùng tôn giáo nhưng chung một chí hướng. Bình an vì tôi tin ở nhà – “hậu phương vững chắc” – vẫn không ngừng cầu nguyện cho tôi.

Đêm nay, một đêm tôi không ngủ với bao suy nghĩ: Nghĩ về bệnh nhân và nghĩ về bản thân mình, nghĩ về phận người và nghĩ về cuộc đời. Hơi thở là chi mà biết bao người phải nỗ lực để giành giật lấy? Thế mới thấy quý “cái máy thở tự nhiên” mà Chúa ban cho và biết trân quý những giây phút được đoàn tụ bên người thân, bên gia đình. Nơi đây, tôi muốn gởi tới mọi người lời nhắn nhủ đơn sơ: "Hãy tranh thủ thời gian ở nhà để cùng gia đình nấu những bữa cơm thật ấm cúng và chia sẻ với nhau những giây phút vui tươi, hạnh phúc nhiều hơn. Và cũng đừng quên dành thêm thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần nữa nhé!".

Thủ Đức, ngày 25.7
Teresa Nguyễn Thị Vui,
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

"CHO VINH DANH THIÊN CHÚA HƠN"

Jos. Lương Tùng, CSsR. – TGP Sài Gòn, 31/7/2021

clip_image036_thumb1

TGPSG– “Thời gian như bóng câu qua thềm” quả là đúng thật. Hôm nay đã là ngày thứ 10 anh chị em tu sĩ thiện nguyện phục vụ trong các bệnh viện dã chiến. Mấy ngày nay, chứng kiến rất nhiều bệnh nhân đã hồi phục mạnh khoẻ và được ra về, nên anh em tu sĩ thấy trong lòng vui rộn ràng. Nhận ra hôm nay cũng là lễ kính thánh Inhã – tổ phụ của Dòng Tên – nên con cố gắng lần giở những bài viết về cuộc đời và gương sáng của ngài để lấy chất liệu suy gẫm trong ngày.

Con có cơ duyên gắn bó với các linh mục Dòng Tên nhờ việc chơi đàn trong các thánh lễ Chúa Nhật tại nhà nguyện Inhã – tu viện Đắc Lộ Lý Chính Thắng, quận 3 – thời còn là sinh viên. Điều làm con chú ý và thắc mắc là khẩu hiệu của Dòng, viết bằng tiếng Latin: “Ad Majorem Dei Gloriam” (nghĩa là Cho Vinh Danh Thiên Chúa Hơn). Đây là khẩu hiệu của Dòng Tên và cũng là tâm niệm suốt một đời phục vụ của thánh Inhã.

clip_image038_thumb1

Đối với thánh Inhã, không phải Danh Thiên Chúa chưa vinh quang đủ nên mình phải hoạt động cực lực để làm vinh quang hơn Danh ấy. Nhưng khi nói “cho vinh danh Thiên Chúa hơn”, thánh nhân mời gọi các tu sĩ dòng Tên cũng như tất cả các Kitô hữu luôn luôn lấy Chúa làm trung tâm và nhờ đó, phân định, chọn lựa liên tục để nhận ra điều gì là điều Thiên Chúa muốn "bản thân tôi" thực hiện, điều gì để vinh danh Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ cho tha nhân.

Sống “cho vinh danh Thiên Chúa hơn” còn là việc không mãn nguyện, không ngừng lại trong cái “hôm nay” mà luôn luôn hoán cải, sẵn sàng “đi ra khỏi chính mình”, thay đổi suy nghĩ, cách thức hành động để dù ở hoàn cảnh nào, môi trường nào, đối diện với cam go thử thách nào, Ki-tô hữu vẫn luôn luôn thích nghi và sinh nhiều hoa trái “hơn”. Tắt một lời, “cho vinh danh Thiên Chúa hơn” theo thánh I-nhã chính là chọn vì Chúa hơn là vì bản thân mình, là mỗi ngày sống đẹp hơn cho Chúa và cho tha nhân. Điều này phát xuất từ một thôi thúc khôn nguôi của tình yêu Giêsu nơi trái tim thánh Inhã, đó là làm sao cho ánh sáng tình yêu tỏa rạng mỗi ngày một hơn trên trần gian này, trên từng khuôn mặt con người, trên từng phận người, đặc biệt là những người đau khổ và bị bỏ rơi nhất.

clip_image040_thumb1

Các tu sĩ thiện nguyện đang phục vụ nơi các bệnh viện dã chiến luôn luôn phải đối mặt với những nguy hiểm của dịch bệnh Covid. Họ có đủ lý do để từ chối việc phục vụ này, chẳng hạn như: vì quá thiếu thốn điều kiện bảo đảm an toàn y tế, vì còn bận việc học hành tu tập, và nếu có chuyện gì bất trắc sẽ uổng phí biết bao công sức nuôi dưỡng, đào tạo của nhà dòng… Thế nhưng, họ đã chọn dấn thân “cho vinh danh Thiên Chúa hơn” và cho tình yêu con người. Hạnh phúc của họ là hạnh phúc được hiến thân phục vụ. Niềm vui của họ là niềm vui được thấy các bệnh nhân nhanh chóng phục hồi mạnh khoẻ để về với gia đình. Thao thức của họ là làm sao có thể xoa dịu những nỗi đau đớn và sợ hãi của các bệnh nhân. Ước mơ của họ là tất cả các bệnh nhân đều bình an và được Thiên Chúa chữa lành.

clip_image042_thumb1

Trong niềm vui ngày lễ Đấng Sáng Lập của Dòng Tên, chúng con cùng tạ ơn Chúa với các linh mục, các thầy Dòng Tên. Chúng con cầu nguyện cho các linh mục, các thầy luôn bền tâm trung thành với lý tưởng của Đấng Sáng Lập.

Chúng con cũng hướng lên Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, Mẹ của lòng thương xót, trong ngày thứ bảy cuối tháng, để xin Mẹ thương an ủi, nâng đỡ các bệnh nhân, nhất là những người đang rất hoang mang, đau khổ trên giường bệnh, đang đói khổ vì cách ly xã hội. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho thế giới, cho quê hương, cho thành phố chúng con được ơn bình an và dịch bệnh mau chóng bị đẩy lùi.

Bệnh viện dã chiến số 12, Tp. Thủ Đức, ngày 31 tháng 7 năm 2021

Tu sĩ Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.

CỌNG RƠM – LẠC ĐÀ!

FB Ngô Nguyệt Hữu

“Có người nông dân chất rơm lên lưng con lạc đà.

Khi rơm đã đầy, người nông dân nghĩ một cọng rơm nhỏ đâu có nặng nề gì, cho nên lại cố chất thêm một cọng.

Nghĩ như vậy, thêm từng cọng một, cho đến cọng rơm cuối cùng thì con lạc đà gục ngã vì gãy lưng” (Ngụ ngôn).

Thời buổi hết sức khó khăn, mong các chính sách liên quan đến xăng, nước, điện, gas… trước khi quan nhân muốn ký hãy nhớ đến cọng rơm cuối cùng!

FB Huy Nguyen

Có thể có rất nhiều người nghèo ở vùng phong tỏa không còn đủ tiền để nạp card điện thoại hoặc vào 3G để liên lạc nhờ giúp đỡ. Nhà mạng hãy miễn phí cước 3G hoặc cho ứng trước tiền vào tài khoản. Đó là cách tri ân khách hàng đáng trân trọng nhất vào lúc này.

 

NGƯỜI ĐÀN ÔNG THẤT NGHIỆP Ở SÀI GÒN XIN 2 HỘP CƠM VÌ QUÁ ĐÓI

Tuổi Trẻ Cười – 31/7/2021

Người đàn ông (quê Sóc Trăng) thất nghiệp trong mùa dịch ở Sài Gòn cảm ơn rối rít khi được cô gái cho 2 hộp cơm và ít tiền phòng thân để khi đói mua mì gói ăn.

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Hai sinh viên định về quê Quảng Ngãi với 200 ngàn đồng

clip_image044_thumb2

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Phiếu đi chợ – quyền lực có giới hạn

clip_image046_thumb1

Comments are closed.