Sài Gòn – Những ngày phong thành (43)

TP.HCM KIẾN NGHỊ HỖ TRỢ KHẨN CẤP 28.000 TỈ ĐỒNG CỨU ĐÓI HƠN 4,7 TRIỆU NGƯỜI

Thanh niên, ngày 17/8/2021 (trích)

“UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp khoảng 28.000 tỉ đồng và hơn 142.000 tấn gạo để cứu đói hơn 4,7 triệu người đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài.”

“Cụ thể, số hộ lao động nghèo mà TP.HCM dự kiến hỗ trợ khẩn cấp là hơn 1.580.000 hộ; số người lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là hơn 4,74 triệu người. Mức hỗ trợ tiền ăn là 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền thuê phòng trọ là 1,5 triệu đồng/hộ/tháng; mỗi người 15 kg gạo. Thời gian nhận hỗ trợ, bao gồm 98 ngày tiền ăn, 2 tháng tiền nhà trọ và 2 tháng lương thực.”

 

CHÍNH PHỦ HÃY HÀNH ĐỘNG

FB Thái Hạo

Hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi dập đầu sát đất lạy tạ ơn mạnh thường quân khi nhận được một thùng mì và vài kg gạo phải khiến chúng ta đau đớn. Nó làm nhớ cách đây mấy hôm, một người đàn ông khác cũng bê bịch gạo như thế mà nhảy chân sáo một cách kỳ dị như người… mắc bệnh. Miếng ăn lúc này trở thành lẽ sinh tử. Cả cuộc đời mình tôi chưa từng chứng kiến một sự xúc động mãnh liệt hay nỗi sung sướng nào tột độ, tột cùng đến thế nơi con người, ngay cả khi người thân của ai đó qua được cơn nguy kịch trong gang tấc.

Lúc này, đối với nhiều người hình như miếng ăn đã quý hơn cả sinh mạng. Và qua đó mà chúng ta biết tình cảnh điêu tàn của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Mấy hôm trước một cô giáo ở Bình Thuận chia sẻ hình ảnh chiếc tủ lạnh bị trộm sạch đồ ăn, điều lạ là kẻ trộm vẫn trừ lại một chút để chủ nhà nấu bữa trưa! Những kẻ trộm bất đắc dĩ, vừa khốn nạn vừa khốn khổ.

Tôi đã đọc trong một cuốn sách nào đó không nhớ tên, những người ông người cha trong những gia đình Việt thời nạn đói 45, khi cả nhà suy sụp, con cái phải đi xin để mong sống sót, nhưng kỳ lạ, lúc mang được chút đồ về thì các vị ấy vẫn áo khăn chỉnh tề, kiên quyết không ăn; thà chết đói chứ không ăn. Cái danh dự, cái lòng kiêu hãnh vẫn đứng được, dù thân xác có bị xô đổ.

Hôm nay, cơn dịch tràn tới, nó thổi bay tất cả những lớp áo mỏng lòe loẹt để phơi ra một cơ thể lở loét, ốm yếu thê thảm. Chính quyền thì lúng túng, tiền bạc thuốc men thì thiếu thốn, dân chúng thì hoảng loạn; mọi thứ rối tinh, tất cả được phơi bày.

Từ kinh tế, khoa học, an sinh…, tất cả đều hiện nguyên hình. Và nhất là dân chúng, dân chúng đói khổ, dân chúng bị suy kiệt từ hình hài đến nhân cách. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một thời đại đau đớn đến thế trong lịch sử của đất nước…

Hãy mở toang cánh cửa ngân khố quốc gia, cứu dân bằng mọi giá, trước hết là cứu đói. Thông qua đó mà cứu lấy phẩm giá của con người Việt Nam.

Thái Hạo

clip_image002

XÉT NGHIỆM DIỆN RỘNG hay NÂNG CAO NĂNG LỰC HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ F0?

FB Nguyễn Đình Tuấn

Saigon có kế hoạch xét nghiệm toàn TP từ 15/8 đến 15/9, ước tính con số phải tầm trên 5 triệu mẫu.

Theo như thông báo thì mục đích XN để: “đánh giá tình hình và mang tính khoa học trong nhận định dịch tễ học”, nhằm sàng lọc cộng đồng thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh. Trong khi chi phí thì vô cùng lớn bởi 1 mẫu XN cho dù là mẫu gộp PCR cũng tốn tiền hơn 2 mũi Vaccine. Chưa kể, lấy mẫu XN tập trung theo số lượng lớn cũng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus trong cộng đồng.

Hôm qua, TP đã Thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị COVID-19, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỉ lệ tử vong cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Vậy thời điểm và bối cảnh hiện tại thì nên chọn xét nghiệm tốn kém hay tìm cách tiêm nhanh Vaccine cho SG và tập trung vào điều trị giảm tác hại khi mà hàng loạt các Trung tâm hồi sức (tầng 3) trên 3.000 giường đã đi vào hoạt động, còn tuyến y tế cơ sở thì cũng có thuốc kháng Virus miễn phí và mạng lưới 312 tổ phản ứng nhanh (tầng 1).

Vấn đề lớn nhất, tiết kiệm và hiệu quả nhất trong thời buổi khó khăn này, chính là việc điều hành quản lý hệ thống “312 tổ phản ứng nhanh” giúp mọi F0 tiếp cận được nhanh nhất dịch vụ chăm sóc và điều trị tại tầng 1 và khi chẳng may chuyển nặng thì đều được can thiệp kịp thời lên tầng 2, 3 thì đương nhiên sẽ: “giảm thiểu nguy cơ tử vong”.

Đã đến lúc nên nhìn vào thực tế để thay đổi vì dịch bệnh sẽ trả giá bằng sinh mạng và không cho ta lựa chọn những lời khẩu hiệu hào nhoáng.

clip_image004

clip_image006

 

BIẾN THỂ DELTA KHIẾN TÌNH HÌNH COVID-19 HIỆN NAY NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?

Lao động, 17/8/2021

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), biến thể Delta với tốc độ lây lan rất nhanh là một trong những nguyên nhân chính khiến số ca COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 cao nhất trong tất cả các đợt dịch. Khi số ca tăng cao và tăng nhanh sẽ dẫn đến hệ quả nhiều ca nặng và tử vong.

NHÓM PV

TS NGUYỄN HỒNG VŨ: ‘CẦN HẾT SỨC CẨN TRỌNG KHI TIÊM VACCINE TRUNG QUỐC’

Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt, 17 tháng 8 2021

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, trong điều kiện không có vaccine khác, ông nói có thể chọn tiêm vaccine Trung Quốc nhưng cần hết sức cẩn trọng.

"Trong trường hợp không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải tiêm vaccine Sinopharm thì chúng ta không nên ỷ y. Hãy giữ tâm lý rằng sau khi tiêm vaccine Sinopharm thì chúng ta như chưa tiêm vậy," tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ thuộc Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ kiêm cố vấn khoa học Ruy Băng Tím chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 16/8.

"Nên nghĩ như vậy để tiếp tục thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế một cách kỹ lưỡng cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác," ông giải thích.

‘Khó đánh giá tính hiệu quả và độ an toàn’

Sáng 16/8, Sở Y tế TP HCM cho biết từ ngày 13/8 đến 15/8 đã có 153.401 người tiêm vaccine Covid-19 Vero Cell của Sinopharm.

Trước đó, báo chí cũng đưa tin "hàng vạn người" tại tỉnh Quảng Ninh đã được tiêm vaccine này.

Trong những ngày qua, khi vaccine Vero Cell của Sinopharm được nhập về và chuẩn bị được tiêm, tranh cãi đã nổ ra gay gắt. Một bên là những người ủng hộ việc tiêm chủng với khẩu hiệu "vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất"; còn lại là những người chống vaccine Trung Quốc vì cho rằng vaccine này kém an toàn, không minh bạch thông tin.

Khi TP HCM triển khai tiêm vào ngày 13/8, một số nơi đã xảy ra tranh luận, thậm chí tẩy chay khi biết vaccine được tiêm là của Sinopharm. Sau đó, chính quyền đã chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin đến người dân về loại vaccine mà họ được tiêm nên việc tiêm ngừa mới diễn ra suôn sẻ hơn.

Từ góc độ chuyên môn, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nhận xét: "So với các vaccine đang được sử dụng rộng rãi hiện nay, như sản phẩm của AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna, vaccine Trung Quốc nói chung và của Sinopharm nói riêng có lượng nghiên cứu khoa học không nhiều. Trong số nghiên cứu khoa học ít ỏi đó, kết quả cho thấy cũng không tương đồng với nhau nên khó biết được vaccine này rõ ràng như thế nào".

Ông Vũ nói rằng giới khoa học rất khó tiếp cận với số liệu gốc của vaccine Sinopharm. Bởi vậy cho tới hiện tại, vaccine Trung Quốc nói chung và Sinopharm nói riêng thì rất khó đánh giá.

"Theo một số thông tin hiện nay thì có vẻ nó an toàn, nhưng hiệu quả có vẻ không cao, nếu không muốn nói rằng rất là thấp. Nguyên tắc là chuyện gì mình không hiểu rõ thì nên cẩn thận tối đa là tốt nhất," ông khuyến cáo.

Vaccine của Trung Quốc mà Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện và TP HCM nhập về được gọi với tên phổ biến là Vero Cell, do Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm nghiên cứu và sản xuất. Đây cũng là sản phẩm đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

"Tất cả những sự phê duyệt hiện nay là phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, chứ không phải là sự phê duyệt đầy đủ cho một loại vaccine hoặc thuốc khi người ta đã hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng," tiến sĩ Vũ giải thích.

Tiến sĩ Vũ cho rằng danh sách vaccine WHO đưa ra có ý nghĩa tham khảo đối với các tổ chức y tế của mỗi nước. "Ở mỗi nước, có mỗi tổ chức y tế có những tiêu chuẩn riêng và các tiêu chuẩn này không nhất thiết phải giống với tiêu chuẩn của WHO. Ví dụ như WHO đã đưa vào danh sách hai vaccine là Sinopharm và Sinovac, nhưng các tổ chức của châu Âu như EMA và Mỹ như FDA thì vẫn chưa chấp nhận sử dụng các vaccine này ở nước họ," ông chia sẻ.

Tiêm hay không tiêm?

Trong thời gian qua, ở Việt Nam có tranh cãi là có nên sử dụng vaccine Trung Quốc hay không. Cuộc tranh cãi cực kỳ gay gắt, thậm chí nhiều người còn tố những người khác quan điểm là "giết hại đồng bào", là "độc ác".

Một bên là những người ủng hộ việc tiêm chủng với khẩu hiệu "vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất"; bên kia là những người chống vaccine Trung Quốc vì cho rằng vaccine này kém an toàn, kém hiệu quả và không minh bạch thông tin.

Về câu hỏi tiêm hay không tiêm, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ: "Tôi đưa ra lời khuyên là chỉ sử dụng vaccine Trung Quốc khi không có lựa chọn nào khác và phải hết sức cẩn thận khi sử dụng vaccine này. Đặc biệt, không nên sử dụng cho nhân viên y tế tuyến đầu vì không bảo vệ được bao nhiêu."

Về lựa chọn cho cá nhân, ông chia sẻ: "Nếu lúc này tôi đang ở Việt Nam và chỉ có vaccine của Sinopharm, mà tôi thì không ra ngoài, không tiếp xúc với ai, luôn thực hiện 5K và thấy rằng nguy cơ nhiễm không cao, thì tôi sẽ hoãn việc tiêm vaccine này".

Nhưng trong trường hợp phải đi làm, phải kiếm ăn nuôi sống gia đình, cần có xác nhận đã tiêm vaccine, thì tiến sĩ nói ông sẽ tiêm vaccine Trung Quốc vì không có lựa chọn nào khác.

Lời khuyên trên cũng từ việc tiến sĩ Vũ đã sắp xếp thứ hạng sáu loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, theo thứ tự từ cao đến thấp là: Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V và Sinopharm.

clip_image008

NGUỒN HÌNH ẢNH, CHỤP MÀN HÌNH

Tiến sĩ Vũ đã sắp xếp thứ hạng sáu loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, theo thứ tự từ cao đến thấp là: Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V và Sinopharm.

Ông lý giải sự sắp xếp này thứ nhất là dựa theo độ đáng tin cậy khoa học vào lượng thông tin khoa học mà các vaccine này được nghiên cứu và công bố rộng rãi trên các chuyên san. Thứ hai, điều này dựa vào kết quả thực tế ở các nước đã sử dụng khi trong thời gian qua, các nước như UAE, Bahrain, Seychelles đã sử dụng vaccine Trung Quốc một thời gian thì nhận thấy số lượng người nhiễm Covid vẫn tăng cao.

"Khi kiểm tra thì họ phát hiện không đủ kháng thể trong cơ thể những người đã được tiêm, thậm chí đã tiêm hai liều, nên họ phải sử dụng liều hỗ trợ thứ ba, và đó là liều vaccine phương Tây như của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna để đẩy mạnh tác dụng của vaccine lên," ông cho biết.

Từ thực tế đó, tiến sĩ Vũ cho rằng việc hết sức cẩn thận mà ông nêu trên bao gồm giữ tâm lý rằng, sau khi tiêm vaccine Sinopharm thì như chưa tiêm. Ông nói thêm: "Thứ hai, khi mà có lại nguồn vaccine tốt, người từng tiêm Sinopharm nên bổ sung bằng những liều vaccine tốt hơn, để đảm bảo hệ miễn dịch của họ đủ sức chống lại virus."

Đồng thời, ông Vũ cũng nhấn mạnh rằng do không đánh giá được tính an toàn, nên cần thực hiện việc tiêm vaccine này tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ, và sau khi tiêm thì nên theo dõi kỹ sự thay đổi của cơ thể.

clip_image010

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc tại TP HCM. NGUỒN HÌNH ẢNH, ANH PHONG

Theo ông, các vaccine phương Tây vốn có rất nhiều nghiên cứu khoa học, không chỉ ở nhóm nghiên cứu vaccine đó mà còn có nhiều nhóm nghiên cứu độc lập khác, để từ đó phát hiện tác dụng phụ, điểm yếu của vaccine.

"Ví dụ vaccine của AstraZeneca có phản ứng phụ đông máu rất thấp, phải tiêm cả triệu người thì phản ứng đó mới xuất hiện. Ban đầu các nhà khoa học phải nghiên cứu để tìm ra bằng chứng phản ứng phụ đó là do vaccine AstraZeneca gây ra. Với các bằng chứng khoa học rõ ràng như vậy thì công ty vaccine phải đồng ý và họ buộc phải bổ sung vào hướng dẫn sử dụng các khuyến cáo phù hợp để sử dụng vaccine đó an toàn hơn," ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ ví von: "Hãy hình dung vaccine Trung Quốc là một con đường mà phía trước đầy bóng tối, mình đi phải cẩn thận. Còn vaccine phương Tây thì nhờ nghiên cứu rất nhiều nên con đường phía trước rất sáng sủa, người đi biết ổ gà ở đâu, biết được xác suất vấp ổ gà là bao nhiêu."

Thế nào là vaccine chuẩn?

Theo góc nhìn của tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, một sản phẩm vaccine muốn thuyết phục được người sử dụng thì trước hết phải có nhiều nghiên cứu khoa học, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, tiền lâm sàng, tức trên động vật và nghiên cứu trên người, tức lâm sàng, với nhiều giai đoạn. Các kết quả đó phải được công bố rộng rãi.

"Các số liệu gốc đó cần được các nhà khoa học tiếp cận, chứ không thể coi đó là bí mật quốc gia, chúng ta chỉ thấy được kết quả đó mà không thấy được kết quả trước khi họ phân tích, để tìm hiểu xem cách họ phân tích có đúng, có hợp lý không. Điều đó không chỉ đặt niềm tin cho các nhà khoa học mà cả người dân nữa,"

"Thứ hai, sau khi vaccine đó được đưa ra sử dụng thì kết quả thực tiễn phải khá tương đồng với kết quả đã công bố vì nếu khác biệt nhiều quá thì sẽ gây mất lòng tin," tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Ông cũng cho rằng một trong những điểm yếu trong nghiên cứu giai đoạn lâm sàng của Trung Quốc là họ thường chọn người khỏe, trẻ để thử nghiệm: "Nhưng khi đưa ra thực tế thì quần thể người phức tạp hơn rất nhiều, rất đa dạng, bao gồm trẻ, già, có bệnh nền, nên sẽ có kết quả khác với nghiên cứu rất nhiều, nên gây thất vọng. Điều này đã được thể hiện trong thời gian qua."

Tiến sĩ phân tích, việc đánh giá một vaccine có hiệu quả, an toàn hay không không chỉ dựa vào việc vaccine đó sử dụng công nghệ mới hay cũ, mà phải dựa vào kết quả đánh giá suốt quá trình nghiên cứu và sản xuất. Quá trình nghiên cứu qua các giai đoạn phải được kiểm tra khắt khe về tính an toàn và hiệu quả. Các quy trình kiểm tra chất lượng của quá trình sản xuất phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

Bởi vì, nếu trong quy trình quản lý chất lượng sản xuất vaccine không kỹ, để sót những virus còn sống lại, thì những người tiêm vaccine này sẽ rất nguy hại."

clip_image012

7 vaccine Covid-19 được WHO phê duyệt

Hiện đang có 7 loại vaccine phòng Covid-19 được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac.

TS Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, khi trả lời báo chí, đã cho biết như sau về vaccine Sinopharm:

"Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Sinopharm."

"Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai."

"WHO kết luận rằng lợi ích mà vaccine Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra."

"WHO khuyến nghị sử dụng vaccine Sinopharm dựa trên Lộ trình Ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay."

Ông Kidong Park khẳng định: "Tất cả các vaccine đã được WHO phê duyệt vào danh sách Sử dụng Khẩn cấp đều đã đạt yêu cầu về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đặt ra thông qua tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia Quốc tế. Các vaccine đều có hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng cần nhập viện do Covid-19 gây ra."

TS Nguyễn Hồng Vũ tốt nghiệp cử nhân ngành Công Nghệ Sinh Học tại ĐH KHTN TP HCM năm 2004. Ông tốt nghiệp Thạc Sĩ và Tiến Sĩ ngành Sinh Học Phân Tử trong Y Học tại ĐH Chonnam, Hàn Quốc năm 2008 và 2012. Hiện ông đang trong nhóm nghiên cứu về vaccine Covid-19 tại viện nghiên cứu City of Hope, USA.

XIN TRANH CHO… BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

FB Ly Doi

Có người anh làm bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, quận 5, TP.HCM) tâm sự rằng do thiếu hơn 20 giường hồi sức, làm cho việc chữa trị Covid-19 thêm khó khăn.

Dò hỏi thì biết giường này (hình ví dụ) giá chừng 21-22 triệu đồng/1 cái.

Trong mấy việc giống như thế này, hơn 10 năm qua, các họa sĩ và nhà sưu tập cứ thấy mặt tôi là biết y như rằng sẽ bị xin tranh. Xin hoài, quá ái ngại.

Nay tình thế cấp bách, ai cũng khó khăn, nên không dám nhắn tin xin riêng, mà lần đầu tiên xin công khai trên FB cá nhân. Anh chị, bạn hữu nào có sẵn lòng thì nhắn tin hình bức tranh, hoặc còm hình bức tranh phía dưới.

Tôi chỉ dám làm phiền việc này một lần thôi, với hy vọng có thể góp được chừng 4-5 cái giường.

Phiên đấu giá các tranh xin được sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Tôi xin được giữ quyền chọn lựa tranh, với MẶC ĐỊNH RẰNG TRANH NÀO CŨNG ĐẸP, chọn lựa chỉ là để phù hợp với việc đấu giá trong bối cảnh dịch bệnh, dã chiến mà thôi.

THỜI GIAN NHẬN TRANH: Từ lúc 8h30 ngày 18/8 đến 8h30 ngày 20/8/2021.

Trân trọng cảm ơn.

clip_image014

TP.HCM LẬP CÁC “TRẠM ĐO SPO2 VÀ THỞ OXY” TẠI KHU PHỐ, TỔ DÂN PHỐ CHO F0

Hồ Quang – Một Thế Giới, 17/08/2021

Chiều 17.8, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 phiên bản 1.3 thay thế cho hướng dẫn trước đó.

Trong “hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 phiên bản 1.3”, Sở Y tế TP.HCM đã có thêm quy định các đơn vị tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà phải thành lập các “Trạm đo SpO2 và thở oxy” tại các khu phố và tổ dân phố để hỗ trợ cho người F0 thở oxy trong khi chờ Tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ.

Theo đó, gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 được thực hiện cụ thể như sau:

Xác định và lập danh sách F0 cách ly tại nhà trên địa bàn

Truy xuất và quản lý danh sách F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn quận, huyện, phường, xã bằng chức năng "người cách ly" trên phần mềm "Hệ thống người cách ly và người bệnh COVID-19".

Quản lý cả những người tự khai báo là F0 qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử" do tự làm xét nghiệm, những người có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa được khám tầm soát qua báo cáo của Tổ COVID-19 cộng đồng.

clip_image015

Những F0 đang được cách ly, chăm sóc sức khỏe tại nhà ở TP.HCM  – Ảnh: PV

Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà

Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay khẩu trang hai lần một ngày hoặc khi cần, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang; thường xuyên sát khuẩn tay và khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…; đo thân nhiệt, SpO2 (nếu có) tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt, khó thở.

Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử"; ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (tổng đài "1022", số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn và quận huyện, TP.Thủ Đức).

Tất cả thành viên ở cùng nhà với F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm "Khai báo y tế điện tử" mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.

Khám bệnh và theo dõi sức khỏe

Trạm y tế lưu động (thuộc Trạm y tế) hoặc Tổ phản ứng nhanh đến thăm khám tại nhà, ưu tiên các trường hợp F0 có triệu chứng qua khai báo y tế hoặc các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần…) để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

Căn cứ kết quả khai báo y tế điện tử mỗi ngày, Trạm y tế lập phiếu theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại nhà, chọn các trường hợp F0 có triệu chứng để gọi điện, nhắn tin hỏi thăm và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ; kịp thời thông tin cho Tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị.

Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà

Các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng vi rút, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 xtagstartz 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

 

KHẨN CẤP: SỐ HOTLINE 2 CHUYỂN SANG 0933 949 722

FB Xuân Sơn Võ

Sau một số trục trặc, hiện tại, số hotline 2 được chuyển sang số 0933949722. Các bạn vui lòng sử dụng số này khi cần đổi bình oxy hay mượn bình oxy cho người bệnh nặng cần thở oxy.

Chân thành cáo lỗi với các bạn về sự bất tiện này.

clip_image017

SÀI GÒN CỰC LẮM, SÀI GÒN ƠI, SÀI GÒN ƠI

FB Phan Xuân Trung

Với cái thẻ bác sĩ, tôi thông chốt dễ dàng từ quận này sang quận khác. Các anh chốt chặn thấy là phẩy tay cho qua nhanh. Thà là có các anh ngồi thì mình còn thông chốt được chứ không có anh nào, chỉ có các hàng rào sắt kẽm gai chằng chịt khắp các con hẻm thì cái thẻ của mình hoàn toàn vô dụng. Không biết thường ngày những cái khung kẽm gai đó cất ở đâu mà khi có dịch thì xuất hiện đầy khắp hang cùng ngõ hẻm!

Tôi đã nổi điên hét vào mặt một anh phó chủ tịch phường: "Các anh muốn giết người à? Hàng rào kiểu này thì xe cấp cứu vào kiểu gì? Xe chữa lửa vào kiểu gì?". Tôi thật sự không hiểu tác dụng của các rào kẽm gai đó để làm gì. Chặn con virus chăng? Virus bay vi vu trong gió chứ có thèm đứng ngoài hay trong hàng rào đâu. Vậy thì hàng rào chỉ có tác dụng nhốt dân, nhưng mà nhốt để làm gì? Để cho dân đừng có đi và do vậy sẽ không có lây à? Là giải pháp bảo vệ dân à? Thực tế không phải vậy, dân đang chịu trận vì người hàng xóm F0 mà không biết phải làm sao. Một hàng xóm F0, hai ngày sau cả nhà đó F0, bốn ngày sau cả xóm đó F0, tám ngày sau những cái quan tài xuất hiện một cách yên lặng, sau đó sẽ đi lòng vòng để ra được đường lớn vì đầu hẻm đã bị rào kẽm gai.

Có những bệnh nhân chỉ cần ngó qua đã biết sống không nỗi trong 24 tiếng đồng hồ tới. Đó là những bà nội, bà ngoại mập mập tròn tròn, nằm ngủ li bì, phản ứng chậm chạp… Oxy không đủ nên sức sống tựa như ngọn đèn hết dầu, leo lét, chực tắt trong giây lát. Nhìn là biết bị nhiễm Cúm Tào rồi nhưng người nhà thì nhất mực là "em mớt test cho bà ngày hôm kia, âm tính". "Test lại đi em…"… "Dạ… dương tính rồi thưa bác sĩ. Mà, bà em mới đi chích ngừa hôm kia. Sau chích thì bà trở yếu như vậy…". Chẳng phải do chích ngửa đâu em. Bà đã bị nhiễm từ trước đó rồi, qua giai đoạn ủ bệnh, bây giờ mới phát. Khi bệnh nhân ủ rủ như con gà rù thì cơ hội để cứu giúp rất mong manh. Thế nhưng nếu nhanh tay chút thì cũng thoát được cửa tử.

Cái con Vi rút kia bản thân nó không có độc tố. Nó chỉ chuyên tâm đi tìm tế bào niêm mạc hô hấp để làm tổ, mượn nhân tế bào để sao chép thông tin di truyền và tổng hợp protein, duy trì nòi giống thôi. Kẻ ăn nhờ ở đậu kia xâm nhập vào cả hô hấp trên và hô hấp dưới, khác với thằng anh nó là Sars CoV 1 chỉ làm tổ ở phổi. Chính vì sinh sản ở niêm mạc hô hấp trên nên mới gây lây dữ. Chu kỳ sinh sản của Cô chỉ có 7 ngày nằm giường đẻ và khi phóng thích ra hằng hà sa số những bản sao, chúng tiếp tục xâm nhập tế bào mới và lan xuống hô hấp dưới. Khi xâm nhập tế bào niêm mạc phổi thì chúng kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể.

Ở chỗ này có vài sự nhầm lẫn. Người ta nói rằng bệnh nhân chết là do hệ miễn dịch "yếu". Thật ra không phải vậy, phải nói là ngược lại. Người càng già và nhiều bệnh nền thì bên trong cơ thể có sẵn rất nhiều yếu tố miễn dịch được sinh ra trong suốt cuộc đời từng trải với môi trường cùng bệnh tật. Những yếu tố miễn dịch này hoạt động mạnh đến nỗi làm tăng dịch viêm trong mô kẽ phổi, làm đông đặc các mạch máu nhỏ và thậm chí còn sinh ra cơ chế tự miễn, tức là tấn công vào tế bào lành.

Thật ra virus đang nằm trong lòng tế bào niêm mạc, đâu có chường mặt ra môi trường huyết tương hay mô kẽ để bị thực bào. Hệ miễn dịch bị báo động và hoạt động quá mức đến mức gây hại cho cơ thể ngay cả sau khi chu kỳ sinh sản của virus đã chấm dứt. Trên một biểu đồ, người ta thấy virus từ ít tăng lên nhiều trong 7 ngày đầu, sau đó từ nhiều giảm xuống ít đến bằng 0 trong 7 ngày tiếp theo. Song, phản ứng viêm lại xảy ra rất kinh khủng vào sau ngày thứ 14 đó và càng ngày càng tồi tệ, mặc dù chẳng còn bóng kẻ "giặc" nào trong cơ thể. Rõ ràng là virus đã chọc giận hệ miễn dịch khiến cho hệ miễn dịch tấn công vào chính cơ thể của mình một cách mù quáng.

Hiểu vậy nên phải tìm mọi cách kìm hãm phản ứng viêm và ngăn ngừa đông máu ngay từ khi chớm phát hiện phản ứng viêm. Thuốc để chữa Co-Vid căn bản là kháng viêm và chống đông máu. Kháng viêm bằng gì và chống đông bằng gì thì tùy quan điểm. Đối với đại dịch thì phải tìm giải pháp nào mà dễ tìm, dễ xài nhất cho dân chúng. Nếu dùng kháng viêm mà mỗi lần uống một bụm 8 đến 12 viên thuốc "đề-xa" thì khá vất vả. Còn chống đông mà bắt phải đi tìm các biệt dược lạ hoắc hay đắt tiền thì khó áp dụng cho số đông. Vậy nên bác Trung vẫn cứ thích dùng thuốc đơn giản, dễ tìm, uống 1-2 viên một ngày cho gọn.

Thấy vui khi bạn Loan ở chung cư Era quận 7 nhắn tin: "Em khỏe rồi, SpO2 của em hôm nay lên 97 rồi". Cái ngày gặp Loan, bạn như không còn sức để làm gì, mặt mày ảm đạm, nói chẳng ra hơi. Niềm vui khi anh Phương gọi nói: "Má tui hôm nay tươi tỉnh lắm rồi". Bà cụ ở tuổi trên 80. Cô Lam gọi báo "Em theo cách của anh, chỉ dẫn cho ông anh, giờ ổng khỏe rồi"…

Suốt tuần qua ngày nào cũng hoạt động hỗ trợ sức khoẻ trong các xóm đạo trên Tân Bình. Có mấy thanh niên sốt, ho… bảo bác sĩ cho thuốc cảm ho, viêm họng. Bác sĩ hỏi anh test Cô-Vit chưa, anh nói "Em test rồi, âm tính. Ba ngày em test một lần, tất cả đều âm tính". Tôi bảo "Ông test lại đi, bởi vì việc điều trị viêm họng, viêm phổi và điều trị cho Covid là hoàn toàn khác nhau". "Dạ, để em mua đồ tét lại"… "Dạ, bác sĩ ơi, dương tính rồi!" "Vậy thì test cả nhà đi… Dạ, cả nhà dính hết rồi.

Khỏi nói cũng biết dính cả nhà. Có dịch mới có dịp xâm nhập nhà cửa của dân Sài Gòn ở khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm. Ai đó ngày xưa hát "Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi, Sài gòn ơi…" có lẽ là người ưa dạo phố. Sài gòn thời Pháp xây dựng thì đường xá, kiến trúc, cây xanh đẹp đẽ. Có dịp vào nhà dân ở khu Đoàn Văn Bơ, Xóm Chiếu, khu Xóm Đạo Tân Bình… thì mới thấy hết cái thật của Sài Gòn. Hẻm hóc, chật chội, ngổn ngang, nhếch nhác, tối tăm… Một gia đình nhiều thế hệ sống chung. Trẻ con nằm lê dưới đất, người già nằm trong những chiếc giường nhỏ hẹp… Những người Bắc Di Cư ngoan đạo, chấp nhận số phận của mình, xem đó là sự an bài của Chúa… Trong những cái nhà hộp quẹt như vậy không lây cả nhà mới là lạ.

Xóm đạo dường như không có tiếng khóc khi có người mất.Giáo dân tin rằng linh hồn đã về với Chúa nên chỉ làm nghi lễ đám tang trong yên lặng. Sáng nay đi ngang qua một nhà có người vừa qua đời, chỉ có một người con ngồi trước quan tài, thật lặng lẽ, không khách thăm, không kèn trống… Những người vừa từ trần đó vẫn còn hạnh phúc vì ít ra còn có con cháu vuốt mặt, có Cha nhà thờ đến làm lễ hoặc có Thầy Chùa đến tụng kinh. Do vậy, nhiều gia đình chấp nhận để cha mẹ trị bệnh tại nhà. Ngưởi ta dần dần bắt đầu chấp nhận chuyện sinh tử. Người ta bắt đầu không còn bàn tán về chuyện ai chết, ai sống. Người ta nhận được kết quả xét nghiệm dương tính cả nhà và chỉ cầu mong Chúa che chở. Nếu Chúa gọi đi thì cứ phải đi. Người ta không còn tránh né con virus quái ác kia nữa. Có tránh cũng không tránh được. Có ở nhà đóng cửa kín mít, không thò chân ra khỏi ngạch cửa suốt mấy tháng trời mà vẫn bị nhiễm, không biết bằng cách nào.

Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Cứ 100 năm lại xảy ra đại dịch như thể một sự thanh lọc nào đó của tạo hóa. Những kẻ ngỗ ngáo thì ra sức hô hào chống dịch như chống giặc, rằng trang bị vũ khí cho bác sĩ để giết giặc Covid-19! Tôi tin rằng những kẻ đó chưa từng dám bước chân đến nhà bệnh nhân nhiễm virus, nắm bàn tay của bệnh nhân xem ấm lạnh thế nào. Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu chăng dây, ngăn đường. Càng ngăn cản chừng nào thì càng làm bít tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội.

Con virus đã kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể và đồng thời kích hoạt luôn cả phản ứng viêm của xã hội. Người ta đã phản ứng thái quá và sai vấn đề một cách nghiêm trọng. Trong khi phản ứng viêm bùng phát, hệ miễn dịch đã không ăn được xác con virus nào lại đi tấn công tế bào lành của cơ thể. Trong xã hội, người ta cũng không tấn công được đứa giặc nào mà chỉ làm chết thêm dân chúng từ những giải pháp ấu trĩ, thiển cận, thiếu suy nghĩ. Dân chết không phải do Covid mà chết vì tất cả các mặt bệnh khác không được chữa trị. Dân chết không phải do Covid mà chết vì đói, vì sợ hãi.

Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi giải pháp "chống giặc" đều vô nghĩa. Virus Covid không phải đến với thế gian này để tạo nên tận thế. Covid đến và lấy đi sinh mạng một cách có chọn lọc.

Đừng chống nữa, đừng đánh nữa, đừng diệt nữa… Hãy khiêm tốn trước thiên nhiên. Hãy nhún nhường và chấp nhận.

TIÊM NGỪA AN TOÀN

FB Hung Truong

Hiện nay tình hình dịch ngày càng trầm trọng, F0 ngày càng nhiều, bất cứ người nào xung quanh ta đều có thể là F0.

Tiêm chủng đại trà là một phương pháp chống dịch có hiệu quả mà hiện nay chính phủ VN đang cố gắng thực hiện nhằm hạ nhiệt tình trạng lây lan quá nhanh của con covid quái ác này.

Tuy nhiên khi tổ chức tiêm chủng đại trà sẽ kèm theo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tại các nơi tiêm chủng, nên nguy cơ đó phải được kiểm soát chặt chẽ, nói theo kiểu phương Tây là safety first.

Mình ngày càng nghe nhiều câu chuyện đại loại như đi chích ngừa về vài ngày sau thì sốt cao, test dương tính covid. Chuyện này cũng không có gì là đáng ngạc nhiên vì đi chích ngừa covid hiện nay khá nhiêu khê và có nhiều khâu thừa thãi, kèm theo ý thức của một số người dân chưa tốt nên khả nặng bị lây nhiễm tại nơi tiêm ngừa là hoàn toàn có thể.

Việc tổ chức tiêm ngừa càng đơn giản thì càng hiệu quả và an toàn.

– Nên lấy hẹn trước hoặc kiểm soát số lượng người đến tiêm chủng trong một khoảng thời gian nhất định để tránh ùn ứ.

– Nên thông báo trước sẽ tiêm vaccine loại gì, để tránh việc đến tiêm rồi từ chối.

– Khâu sàng lọc và thủ tục càng ngắn gọn càng tốt.

– Bỏ khâu đo huyết áp và SpO2, cái này thực ra vô ích và làm tăng nguy cơ lây lan do tiếp xúc gần, tiếp xúc qua dụng cụ. Nhiều khi chính nvyt và dụng cụ là vector lây lan covid. Trong số người tiêm chủng lỡ có người đang mắc covid mà có dịch tiết dính vào dụng cụ là lây lan tà tà hết ngày hôm đó. Nguy cơ lớn nhất sau tiêm chủng là sốc phản vệ, mà đo HA và SpO2 không có tác dụng gì để dự đoán trường hợp này. Cái này ai xui nấy chịu thôi, được cái nó cũng hiếm như trúng số.

– Phòng chờ tiêm chủng phải ngồi cách xa ít nhất 2m, càng ít càng tốt.

– Tiêm càng nhanh càng tốt, chỉ cần kiểm tra tên, ngày sinh là tiêm liền, trong vòng một nốt nhạc là trở ra ngồi theo dõi.

– Theo dõi 15 phút không thấy gì lạ thì đi về, không cần kiểm tra HA hay SpO2, càng nhiều bước càng dễ lây nhiễm.

– Về phần người đi tiêm chủng, nên chuẩn bị tinh thần rằng xung quanh ta ai cũng có thể là F0, khẩu trang luôn che kín miệng và mũi, sát trùng tay trước và sau khi làm thủ tục, sau khi tiêm xong. Tuyệt đối không đưa tay vào mắt, mũi, miệng. Nếu được thì rửa tay ngay sau tiêm chủng, nếu không được thì sát trùng nhanh, về nhà rửa tay.

Chúng tôi có tổ chức tiêm chủng covid, các bước làm như sau:

– Lấy hẹn trước trên app và qua điện thoại.

– Đúng giờ hẹn thì tới, khai tên tuổi xong thì được phát một tờ đơn có vài câu hỏi về tiền sử dị ứng và sức khỏe, và ký đồng ý cho tiêm vaccine.

– Khai xong tự động tới để trên bàn xong ra ngồi chờ.

– Tới lượt thì kêu vào phòng tiêm, kiểm tra tên, ngày sinh xong kéo tay áo lên tiêm xong ra ngoài liền, cả quá trình không quá 3 phút.

– Xong ra ghế ngồi chờ 15 phút, đủ thời gian thấy bình thường thì đi về.

Chúng ta nên cố gắng phòng ngừa, thực hiện 5K nghiêm ngặt, vì giờ đây hệ thống y tế quá tải, bệnh nặng chưa chắc được cứu, nên cố gắng đừng bệnh là hơn.

 

“EM RẤT VUI KHI ĐƯỢC BỆNH NHÂN QUÝ MẾN VÀ NHẬN LÀM CON NUÔI!”

FB Bệnh viện Chợ Rẫy

clip_image019Đó là chia sẻ của chị Phan Thị Sang, một tình nguyện viên trẻ tuổi tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP. Thủ Đức).

clip_image021Chị Phan Thị Sang là một trong số 160 tình nguyện viên đến từ các tôn giáo Phật giáo, Công giáo và Tin lành đang hàng ngày hỗ trợ cho các y bác sĩ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19.

clip_image023Sang cho biết khi thực hiện các công việc hỗ trợ trong phòng bệnh, chị và các bạn trong nhóm của chị đôi lúc cũng thường nói chuyện vui với bệnh nhân, giúp họ lạc quan hơn để mau khỏi bệnh. Và qua những câu chuyện được chia sẻ mỗi ngày giữa bệnh nhân và các tình nguyên viên, một nữ bệnh nhân “đặc biệt” đã hứa nhận Sang và các bạn trong nhóm của Sang làm con nuôi sau khi khỏi bệnh.

“Em cảm thấy rất vui vì điều đó! Được vào đây cũng là một trải nghiệm quý đối với em khi được tận mắt thấy mọi người làm việc để giúp đỡ và cứu sống các bệnh nhân. Rất nhiều cảm xúc khó tả ở trong đó!”, Sang chia sẻ.

 

GƯỢNG CHÚT OXY CHO MỘT GÓC NHỎ SÀI GÒN KIỆT SỨC

FB Cù Mai Công

… Tối 17-8-2021, Sài Gòn mưa tơi tả, hiu hắt lòng người. Mâm cơm gia đình chị Đ.T.Q.A. trên đường Hồng Hà, phường 2, Tân Bình là nồi cơm từ 3kg gạo một ATM cho hôm trước và một dĩa rau muống xào cà chua. Cả nhà một vợ, một chồng, một con gái 17 tuổi học phổ thông ráng gượng đưa cơm, không dám nhìn nhau…

Chị xưa là nữ sinh lớp 6P1-9P1 trường Ngô Sĩ Liên với tôi, sau tôi hơn 10 khóa. Xưa chị xinh lắm, tới giờ tuổi gần 50 nhưng nhưng nét sang trọng, trẻ trung Sài Gòn xưa vẫn rạng trên khuôn mặt người phụ nữ vốn bán khoai vỉa hè trước nhà. Ba chị vốn là nhân viên phi trường Tân Sơn Nhứt trước 1975. Giờ ba má mất, căn nhà trên đường Hồng Hà chia cho sáu gia đình anh chị em cùng ở. Tiện tặn cũng tạm sống qua ngày…

Gần ba tháng nay, dịch phải nghỉ bán. Anh chồng thợ sắt, dịch cũng nghỉ. Nhà cạn kiệt, không còn một đồng để sinh sống. Chị bảo giấy tờ làm sai sao đó, phường chưa hỗ trợ gì. Mấy hôm trước, dù không Công giáo, nhưng chị ngày ngày ra nhà thờ Tân Sa Châu xin thực phẩm. Có hôm ra trễ, hết, về buồn thiu cả nhà.

Sáng 18-8, tôi vội ghé một cửa hàng Vissan mua ít thịt thà, đôi cái bánh giò ngon chạy lại chị. Đặt vào tay chị một triệu đồng rồi đi. Chị lặng người, cúi đầu, đỏ hoe mắt, nghẹn ứ lời cảm ơn…

Tôi phải đi vội; còn năm, sáu nơi. Quỹ thời gian không cho phép, tôi chạy qua ngân hàng Sacombank Tân Bình gửi gấp tiền đóng nhà trọ cho N.C.Đ, một bạn trai lao động tự do bên đường Hưng Phú, quận 8. Tiền nhà trọ giờ có lẽ là nặng lòng nhất với hàng triệu bà con nhập cư, hơn cả ăn uống. Ăn uống dù sao cũng còn xoay sở được giữa một Sài Gòn rộng lòng sẻ chia.

Đ. và cô em gái, học du lịch ra trường chưa có nơi nhận, giờ làm cho một công ty. Phòng trọ hai anh em trên đường Hưng Phú, phường 10, quận 8. Dịch mất việc, anh về quê Gia Ray, thất nghiệp. Em gái kẹt ở thành phố, ăn nghỉ ở công ty. Ở quê mẹ phụ việc nhà, nuôi đứa em trai 30 tuổi bị tai nạn hơn 10 năm trước, bại não. Dịch, không ai thuê. Hai anh em thu nhập vất vưởng. Nặng nỗi ở quê, lo chuyện ở Sài Gòn.

Trước khi tới một khu nhà trọ ở quận 10 theo lời hẹn, tôi tạt qua anh Dũng, làm cho một công ty tư nhân trên đường Bành Văn Trân gửi chục trứng gà và bịch chà bông. Sáng đi làm, người đàn ông tủ sách trong nhà toàn tiếng nước ngoài ấy chỉ mua nổi hai ổ bánh mì không cho bữa sáng và bữa trưa.

Khu nhà trọ nằm trong một con hẻm bên Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học: 824/28L Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10; đối diện Bệnh viện 115. Đây là một nhà trọ 15 phòng xây cất tạm bợ, mỗi phòng khoảng 9, 10m2. Khi tôi đến, người thuê của hai phòng đã trả, không rõ đi đâu. 13 phòng còn lại ở từ một đến năm người/phòng. Toàn bà con nhập cư miền Tây lên Sài Gòn đã lâu, không ai có tờ giấy tạm trú tạm vắng. Người bán vé số, lượm rác, lượm banh tennis, kẻ bán hàng rong… Dịch ru rú ở nhà hết.

13 phòng còn lại thì mấy phòng có con nhỏ dưới 10 tuổi, bốn phòng có người già 70-80 tuổi. Có cả một sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ – Tin học – vì thi cử, kẹt ở lại thành phố. Gia đình ở quê Lấp Vò, Đồng Tháp làm thuê cho một bến đò… Người nào cũng xơ xác. May mà bà con lại thương yêu nhau, có gì đều chia sẻ cho nhau.

Mấy tháng nay, bà con khu nhà hai lần gọi 1022 xin “cấp cứu”. Phường xuống ngay, cả hai lần, mỗi lần mỗi phòng trọ được năm ký gạo, năm gói mì và một khoanh bí đao.

Giờ cả khu nhà trọ ăn cơm từ thiện. Ngày ngày bà con ở đây cử một, hai người đi tìm những nơi phát cơm như cửa hàng, chùa; có gì lấy nấy, mang về chia nhau. Trong đó có một người bạn hồi 13, 14 tuổi sinh hoạt Đội với tôi sau 1975 ở phường. Thanh niên đi bộ đội. Về làm bảo vệ chợ Phạm Văn Hai. Giờ lớn tuổi mà gia đình làm ăn thất bát, bán nhà từ lâu, ly tán phải ở trọ đây do cửa hàng mà mình bảo vệ mướn cho. Dịch nghỉ. Có bịnh nghẹt đường thở Copd, phải dùng ống hít thường xuyên. Hôm trước hết tiền, bà con khu nhà trọ hùn 100.000 đồng mua cho ống hít.

Tôi nhắn tin hỏi cô giáo dạy tôi hồi lớp 4 trường Mai Khôi, Bùi Thị Mai Phương, giờ bên Mỹ. Cô bảo: “Cô tin em, lo cho khu nhà trọ này giùm cô nha C.”.

Khu nhà trọ chiều ngang khoảng 8m, dài 20m, có một lối đi ở giữa chia đôi hai dãy phòng hai bên. Tối và chật lắm, ban ngày cũng phải mở đèn. Khi tôi ăn mặc luề xuề lủi đến hỏi thăm, cả khu có vẻ lạ và… cảnh giác. Khi người bạn cũ gần 40 năm nay mới gặp lại ra nhận người quen, bà con lại coi như người nhà. Tôi gửi mỗi phòng từ 500.000 đồng – một triệu đồng. Người bạn xưa của tôi có ưu tiên thêm nửa ký chả lụa và bịch bánh mì ba ổ – đều mới ra lò, còn nóng. Một bà cụ vắng vì ra đường… xin ăn từ sáng (!). Tôi gửi tiền bạn tôi, nhờ gửi lại bà cụ…

Bà con hối nhau mang trà đá cho tôi uống. To, một thanh niên vốn trước Covid lượm banh tennis bảo tôi: “Chú cho con hun chú một cái”. Trên đường về, bạn tôi nhắn tin: “C. về, bà con cả khu nhà trọ bữa nay vui lắm, cứ râm ran nói: Bữa rày Covid, đây là lần đầu tiên có… tiền”.

Thương lắm, món tiền rất nhỏ của cô trò tôi gửi chắc chắn chỉ gượng vui cho bà con vài ngày. Họ như những người bị bỏ quên giữa một Sài Gòn hoa lệ, ít ai biết. Khi nhịp sống Sài Gòn bình thường, họ chìm đi trong đó với mâm xôi, xe hủ tíu, xấp vé số… bươn chải, tất tả trên đường.

Và những ngày Covid này, bao con người đi bên lề cuộc sống Sài Gòn như bị bỏ quên ấy lộ ra, nhiều quá. Xế trưa 18-8, tôi thấy quanh bùng binh Phú Lâm có ba, bốn chục người, đông như cái chợ nhỏ; có người ngồi cả gia đình – đứa con nhỏ chơi lê lết trên vỉa hè. Bà con ngồi lặng lẽ, chờ đợi… với đôi mắt u buồn. Tôi lại ghé vô, gửi chút tiền, chút quà từng người.

Và sáng 18-8, trời ơi, đường Tân Hòa Đông chạy qua quận 6 và Bình Tân vẫn khá nhiều nhưng gánh, sạp hàng rong, bày bán từng cọng rau, ổ bánh mì… Tôi tin bà con mình giờ ai cũng sợ Covid, rành cách chống Covid lắm, nhưng dịch gần ba tháng rồi, miếng cơm manh áo hàng ngày.

Cạn kiệt, đến trẻ con có đứa cũng phải lăn ra đường. Như hai anh em họ Thủ, Lộc chở nhau đạp xe xiêu vẹo bán rong hành, tỏi, chanh… trên đường Tân Hòa Đông tôi gặp. Cả hai cùng 13 tuổi, đen đủi và nhỏ choắt, cha mẹ người mất, người bỏ đi, cả hai cùng ở với bà ngoại và dì ở trọ nhà số 463 Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. “Hai đứa con chở nhau đi bán từ sáu giờ sáng tới 12 giờ trưa, ngoại cho mỗi đứa 20 ngàn ăn quà” – Thủ rủ rỉ kể, mắt ánh niềm vui khi nhắc tới ngoại.

Tôi rề xe máy lại, mua một bịch chanh 10 ngàn đồng, một bịch hành 15 ngàn đồng, đưa hai bé mấy trăm. Cả hai cùng khoanh tay, ngoan ngoãn: “Con cảm ơn chú”.

… Trưa 18-8-2021, chơi vơi chạy xe về giữa những mảnh đời Sài Gòn một ngày Covid, lời cảm ơn bé thơ khiến tôi trước đó như kiệt sức bỗng nhẹ lòng.

“Anh phải cho em chia sẻ. Làm xong lòng mới nhẹ được anh ạ” – một người bạn, người em đồng môn Nguyễn Thượng Hiền ngày xưa với tôi, giờ là lãnh đạo Bộ Y tế, phụ trách phòng chống Covid ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhắn tin như thì thầm với tôi. Lời nhắn sau khi tới tận tòa soạn tìm tôi trưa 17-8 để “ép” tôi nhận chia sẻ của bạn ấy với bà con khó khăn.

Trước đó, tôi không nhận vì biết người bạn, người em ấy đang nặng gánh ngàn cân, chỉ hơn hai tháng, sút sáu, bảy ký, tóc bạc trắng, phờ phạc. Bạn ấy tới giờ vẫn là dân Ông Tạ – gần nửa thế kỷ vui buồn với Ông Tạ…

Cảm ơn cái khoanh tay, cúi đầu cảm ơn của hai bé trai 13 tuổi đạp xe bán hành tỏi trên đường Tân Hòa Đông. Cảm ơn ly trà đá xóm trọ nghèo xác xơ đường Sư Vạn Hạnh rót cho tôi. Cảm ơn lời nhắn tin của cô bạn Ngô Sĩ Liên xưa với tôi trên đường Hồng Hà: “Bánh giò anh cho ngon lắm”. Cảm ơn anh Dũng khoe trên Facebook chục trứng gà, bịch chà bông tôi gửi anh ăn sáng…

Cảm ơn cô tôi, người dạy tôi biết sống chia sẻ, bác ái từ những ngày còn học với cô cho tới giờ. Cảm ơn bạn tôi, người “chỉ ra” cho tôi cách để nhẹ lòng trong lúc Sài Gòn của tôi, của chúng ta khó khăn vô cùng này…

Để thương hơn, yêu hơn Sài Gòn.

Mai kia, tôi lại đi. Cho lòng nhẹ hơn…

clip_image025

Sài Gòn mưa đêm 17-8-2021 – Ảnh: PHÚC TIẾN Phuc Tien Tran Huu

clip_image027

Bốn phụ nữ lớn tuổi mướn chung một phòng trọ trong khu nhà trọ tôi ghé sáng 18-8-2021-Ảnh: HỮU DƯƠNG

clip_image029

Bà con khu nhà trọ tôi ghé sáng 18-8-2021 và tôi (phía sau, góc trái) – Ảnh: HỮU DƯƠNG

NGƯỜI SÀI GÒN LÀM THIỆN NGUYỆN

FB Mạc Văn Trang

Tôi mới sống ở Sài Gòn hơn một năm, chưa hiểu gì nhiều lắm. Nhưng thấy người Sài Gòn làm từ thiện trong những ngày dịch covid -19 này, tôi vô cùng khâm phục và ngạc nhiên. Sao mà nhiều nhóm làm thiện nguyện thế? Sao có nhiều loại hình làm từ thiện thế? Đặc biệt có 430 tu sĩ và hơn 400 tăng ni, Phật tử xung phong làm tình nguyện viên chăm sóc những bệnh nhân nặng nhiễm covid- 19. Một vị linh mục cho biết có hơn 800 tu sĩ nộp đơn tình nguyện, nhưng xét sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh nên chỉ chọn 430 người đủ điều kiện làm tình nguyện viên vào tuyến đầu chống dịch.

Ngạc nhiên nhất là nhóm thiện nguyện “MAI TÁNG 0 ĐỒNG”. Tôi tò mò xem mấy clip của bạn bè gửi đến, do nghệ sĩ Việt Hương livestream. Tìm hiểu ra thì biết, nhóm “Mai táng 0 đồng" do chị Giang Thị Kim Cúc lãnh đạo. “Khi có cuộc gọi đến đường dây nóng, trưởng nhóm sẽ nhắn tin, rồi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Công việc đầu tiên của các thành viên là mặc đồ bảo hộ, xịt khử khuẩn, rồi chạy xe đến địa chỉ thông báo. Bất kể là ngày hay đêm, chỉ cần có cuộc gọi, các thành viên đều sẵn sàng lên đường.

Nhóm của chị Giang Thị Kim Cúc có 18 thành viên, chia làm 2 ca thay phiên nhau hỗ trợ khâm liệm và làm thủ tục mai táng. Càng đặc biệt, trong nhóm của chị Cúc có 5 thành viên là nữ, mỗi người đều được phân công một nhiệm vụ khác nhau”…

“Nhóm hỗ trợ trọn gói miễn phí 100% cho những bệnh nhân xấu số mắc Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, từ khâu khâm liệm tới lúc mang tro cốt về cho gia đình hay gửi lên chùa”… (1).

Xem mấy clip thì thấy:

Clip 1, nói về nhóm thiện nguyện đến gia đình có hai bà già chết và một người bệnh nặng. Một từ thì đã bị phân hủy, có lẽ đã chết năm, bẩy ngày. Có mấy tình nguyện viên là những “chàng trai khỏe mạnh, đã tiêm vắc xin, không sợ ma”… Họ làm việc trong đêm, đưa các tử thi lên xe và đưa đi mai táng… (2)

Clip 2, nói về việc ông đoàn Ngọc Hải tặng cho nhóm này 16 quan tài, thông qua nghệ sĩ Việt Hương. Nghệ sĩ Việt Hương đã chỉ đạo nhóm nhận 16 chiếc quan tài từ nhà ông Hải, chở trên hai xe ô tô. Trong những người khuân vác quan tài dưới trời mưa có cả chồng của nghệ sĩ Việt Hương. Ông là nhạc sĩ Nguyễn Hoài Phương người Mỹ gốc Việt, lúc này đang sống ở Việt Nam và cũng tham gia vào nhóm thiện nguyện. Ông nói, ở Mỹ cũng đã tham gia đi khiêng vác những người chết vì covid 19 rồi…Nghệ sĩ Việt Hương cũng góp ý với ông Hải, là những chiếc quan tài này đóng gỗ tốt, nặng quá, cho xác tử thi vào, 4 tình nguyện viên khiêng sẽ rất nặng nhọc, vất vả, rồi quan tài cũng đem thiêu đi…(3)

Clip thứ ba, nói về việc nhóm này đến nhận 80 quan tài của ông Đoàn Ngọc Hải hiến tặng, cùng thông qua nghệ sĩ Việt Hương. Nghệ sĩ Việt Hương cùng chồng và nhóm thiện nguyện “Mai táng 0 đồng" đến chuyển các quan tài lên mấy xe tải. Lần này các quan tài chỉ đóng khung gỗ và bìa các – tông nên nhẹ và tiện hơn cho việc thiêu đốt. (4)

(Tôi cũng đã xem clip các tình nguyện viên xịt thuốc diệt khuẩn rất kỹ vào tử thi rồi gói ni- lông cho vào quan tài, bọc ni- lông bên ngoài quan tài rồi dán băng dính cẩn thận, trước khi đem đi thiêu)…

Mọi người có thấy ngạc nhiên không? Tại sao lại nhiều người chết phải nhờ đến nhóm thiện nguyện “Mai táng 0 đồng” như vậy?

Người miền Bắc hẳn là rất khó hiểu. Bởi vì xã hội miền Bắc mỗi cá nhân thường sống gắn với gia đình, dòng họ, xóm giềng, có mối liên hệ khá chặt chẽ. It có trường hợp nào người thân của mình ốm đau lại phải nhận cơm cháo từ thiện và khi chết lại phải nhận sự mai táng bố thí như vậy…

Nhưng cấu trúc xã hội của đời sống Sài Gòn rất khác. Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu, nhưng biết có rất nhiều người từ các nơi về đây kiếm sống. Họ ở trong những căn nhà tạm bợ, hoặc đi thuê, có nhiều người vô gia cư. Nhiều người sống độc thân hoặc có vài ba người thân nhưng không có quan hệ họ hàng, làng xóm… Hàng ngày họ làm gì để có tiền và sống ra sao, những người chung quanh cũng không để ý. Bây giờ bùng phát bệnh dịch, nhiều người mất việc làm, không có tiền, bị thiếu đói, bệnh tật thì chung quanh mới chú ý cứu giúp. Cũng vì vậy có những người đói, người bệnh, người chết trong nhà mà không ai biết, chết rồi cũng không có người thân, họ hàng, làng xóm để lo liệu. Cũng có trường hợp người thân bị cách ly ở đâu đó không biết, hoặc biết mà không thể về…

Trước cảnh ngộ như vậy có một hai người xông vào cứu giúp, rồi những người khác thấy vậy cũng chung tay góp sức thành các nhóm thiện nguyện tự phát, tự nhiên, tự nguyện thấm đẫm tình người thương cảm. Chỉ có hoàn toàn tự nguyện và với niềm tin tôn giáo, người ta mới thực lòng dấn thân, vô điều kiện như vậy…

Có điều người Sài Gòn làm từ thiện vô tư, hồn nhiên nên họ cũng hay livestream để khoe (Khoe cái thật, cái tốt thì có gì sai, có gì phải giấu giếm?). Và nhờ “khoe" như vậy, nên nhiều người mới biết để cùng chung tay, góp sức nên mới thành nhóm hoạt động lâu bền và hiệu quả. (Tất nhiên, nhẹ dạ cả tin, cũng nhiều khi bị lợi dụng, bị lừa… Nhưng hổng có sao, bị lừa rồi, nhưng thấy động lòng là vẫn cứ làm thiện nguyện hoài!)

Làm thiện nguyện như vậy rất khác với làm cứu trợ chờ chỉ đạo từ trên: Làm vì vì trách nhiệm và phải tính toán trước sau, trên dưới: Trước hết là gia đình người có công, gia đình chính sách, người trong diện có hộ khẩu, đối tượng này, đối tượng nọ…

Với sự hiểu biết bước đầu còn hạn hẹp, tôi tạm lý giải như vậy, chắc còn có nhiều điều gì khác nữa.

Cũng vì hiểu như vậy, nên khi thấy Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi chung tay giúp mấy bếp ăn thiện nguyện thì tôi đã tìm hiểu và sẵn sàng tham gia ngay.

Chú thích:

1. Nhóm “Mai táng 0 đồng" https://kenh14.vn/nu-tiep-vien-hang-khong-va-nhung-chuyen…

2. Hình 1 và 2, nhóm “mai táng 0 đồng" đem 2 tử thi đi (hình cắt từ clip)

3. Hình 3 nhóm nhận 16 quan tài do ông Đoàn Ngọc Hải tặng và hình 4 hai vợ chồng NS Việt Hương (Hình cắt từ clip)

4. Hình 5 và 6 Nhóm nhận 80 quan tài do ông Đoàn Ngọc Hải hiến tặng (Hình cắt từ clip). Hình 7 số Hotline trên xe của nhóm "Mai táng 0 đồng".

clip_image031

clip_image033

clip_image035

clip_image037

clip_image039

clip_image041

clip_image043

ĐI TRAO QUÀ XÓM TRỌ QUẬN 8 (*)

FB H’Hen Niê

Hôm nay Hen có dịp đi trao quà của mạnh thường quân cùng anh Dũng – Chủ tịch UBMTTQ P.16 Q.8 và Anh Phong. Đây là một trong những địa điểm phát quà mà Hen rất xúc động vì hoàn cảnh sống của người dân ở nơi đây, khu trọ tù túng người dân khó khăn, họ niềm nở vui vẻ vì bảo là đây là lần đầu họ được nhận quà, Hen không khỏi xúc động vì hoàn cảnh của họ. Giữ sức khoẻ và bình an nhé clip_image045clip_image047clip_image049. Quý mạnh thường quân có quà gì có sẵn mà muốn gửi cho người dân thì liên hệ anh Phong nhé.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

NGÔI CHÙA NẤU 20.000 SUẤT ĂN MIỄN PHÍ MỖI NGÀY

Vnexpress – 18/8/2021

Mỗi ngày bếp ăn chùa Tường Nguyên (huyện Nhà Bè) sử dụng 2 tấn gạo, 1,5 tấn rau để nấu hàng chục nghìn phần cơm cho khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

clip_image051

Gần ba tháng nay, khi TP HCM giãn cách xã hội, bếp ăn từ thiện của chùa Tường Nguyên tất bật từ sáng đến tối để nấu cơm cho các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, người nghèo…

Ngồi phân loại những sọt cà chua, trụ trì Thích Minh Phú cho biết: "Hội thiện nguyện nhà chùa hoạt động từ lâu rồi nhưng chưa bao giờ mở rộng quy mô lớn như hiện tại, trung bình 20.000 suất ăn được hơn 100 tình nguyện viên, phật tử nấu mỗi ngày".

clip_image053

Trong khuôn viên rộng gần 6.000 m2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè), chia thành các khu tập kết đồ, sơ chế, nấu nướng, nhà kho… Trên bảng ghi cụ thể khối lượng thực phẩm, suất ăn sẽ sử dụng trong ngày.

Lúc mới hoạt động bếp ăn tổ chức tại chùa ở quận 4 nhưng vì không gian nhỏ nên từ giữa tháng 7, được một doanh nghiệp hỗ trợ địa điểm, nguyên liệu, đồ dùng, rồi sau có thêm nhiều nhà tài trợ giúp duy trì bếp đỏ lửa thường xuyên.

"Việc có nơi rộng rãi không chỉ giúp nấu được nhiều cơm hơn mà còn có chỗ ăn ngủ cho tình nguyện viên. Ngoài ra, ở địa điểm mới này thì nhà chùa có thể nấu đồ ăn mặn, đảm bảo phần cơm đủ chất dinh dưỡng cho người nhận", trụ trì nói.

clip_image055

Các tình nguyên viên gồm nhiều thành phần như giám đốc, nhân viên văn phòng, tài xế, xe ôm, đầu bếp, sinh viên… cùng chung tay lo bữa ăn y bác sĩ, cho bà con nghèo trong đại dịch.

Tình nguyện viên trong bếp luôn duy trì khoảng 100 đến 150 người. Họ được chia thành các nhóm riêng, người chuyên sơ chế thực phẩm, nấu nướng, bốc xếp… để đảm bảo đủ hàng nghìn phần ăn mỗi ngày.

"Em làm công nhân mà tạm nghỉ hai tháng nay rồi. Ở không thấy vô nghĩa quá nên xin vô chùa phụ mọi người nấu cơm thiện nguyện. Nhóm em chuyên sơ chế rau, ngày nào cũng làm từ sáng đến tối mịt mới hết việc", Trần Thảo Nguyên (21 tuổi, góc phải) cho biết.

clip_image057

Khu nấu ăn với hàng chục bếp luôn đỏ lửa, mỗi ngày chế biến những món chay và mặn khác nhau.

Vốn là đầu bếp kiêm chủ nhà hàng, anh Trương Vĩnh Chiến (góc trái) được giao quản lý việc nấu nướng. "Cả mấy tháng nay quán xá bị đóng cửa nên tôi xin vô đây làm bếp, vừa đỡ nhớ nghề lại giúp sức được cho nhiều người nghèo khó hơn mình", anh nói.

clip_image059

Trong một sảnh khác rộng 350 m2, hơn chục tình nguyện viên phân chia các phần cơm. Theo nhà chùa, nếu không tính công sức, mỗi ngày bếp ăn chi hơn 200 triệu đồng cho việc mua thực phẩm, nấu nướng.

Một ngày nhà chùa nấu khoảng 2 tấn gạo, 1,5 tấn rau, những lúc cao điểm lên đến 26.000 suất ăn. Các món làm từ thực phẩm sạch, được thay đổi mỗi ngày để người nhận đỡ ngán.

clip_image061

Ngày 16/8, phần cơm chiều là món cơm chiên ngũ sắc được chia đều đặn vào hộp, đảm bảo xong trước 16h để kịp chuyển tới các bệnh viện, khu cách ly. Để chuẩn bị đủ 3 bữa cơm, bếp ăn hoạt động từ 3h, nấu liên tục theo thực đơn đã được lên sẵn cho đến 23h mỗi ngày.

clip_image063

16h, những suất ăn chiều được chuyển lên xe của các đơn vị nhận hỗ trợ như Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Hội chữ thập đỏ quận 1, các khu cách ly, xóm lao động…

clip_image065

Ngoài hỗ trợ cơm 0 đồng, nhà chùa con phân phối thực phẩm, gạo, trái cây… cho những đơn vị khác.

"Mỗi tuần tôi đều xuống bếp lấy gần một tấn rau cho một khu cách ly ở quận Tân Phú", anh Sơn Văn Đang (ở giữa) nói, tay chất những bao rau củ lên xe ba gác.

clip_image067

Để đảm bảo an toàn, các tình nguyện viên đều phải ở lại, 3 ngày được xét nghiệm Covid-19 một lần. Họ được bố trí nghỉ ngơi, sinh hoạt trong các lều dã chiến, nhà kho, văn phòng…

Ngoài lo hàng nghìn bữa cơm miễn phí mỗi ngày, nhà chùa còn vận động nhà hảo tâm tặng xe cứu thương, bình oxy, máy thở cho bệnh viện; lo quan tài và hoả táng… cho những ca nhiễm tử vong.

Quỳnh Trần

TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI NƠI TUYẾN ĐẦU

Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC – TGP Sài Gòn, 18/08/2021

clip_image069

TGPSG — Con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa…

Ngày Sở Y Tế thông báo: “Xin cho danh sách các Tình Nguyện Viên sẽ đi trong một tháng và hai tháng để chuẩn bị xe trở về”, con đã lặng lẽ tìm một góc vắng, tận hưởng bầu khí yên bình, thanh mát của hàng cây bên nhà, cố gắng hít những hơi thật sâu và dâng lên Chúa chút tâm tư trăn trở trong con.

Mới ngày nào đó con "ra quân" mà hôm nay đã nhận được thông báo ngày trở về. Gần một tháng qua, nỗi nhớ Nhà Dòng, nhớ chị em, nhớ những giờ kinh chung đong đầy trong con… Con muốn trở về, nhưng nỗi niềm thương nhớ bệnh nhân đang đau khổ, đang cô đơn trên giường bệnh; những đôi chân liêu xiêu mệt mỏi của các y bác sĩ; nghĩ về những hành lang bệnh viện đầy rác không có nhân viên thu dọn; nghĩ về giây phút hiện tại con vẫn còn đang thở, đang khỏe, bình an và vui tươi trong sứ vụ… con đã dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn và quyết định ở lại thêm một tháng nữa.

“Những ân tình Chúa dành cho con quá cao vời không còn chi hơn, biết lấy chi cảm mến Thánh Ân không bờ bến Chúa thương ban xuống trên phận hèn”. Cả cuộc đời con là lời chúc tụng Chúa, bởi từng phút, từng giây con được sống trong Ơn Thánh Ngài. Mỗi sáng khi thức dậy, lời đầu tiên con thưa lên cùng Chúa thật đơn giản: “Con cám ơn Chúa! con vẫn còn sống”, rồi con nghĩ về những chợ rau không đồng, siêu thị không đồng, những cây ATM gạo miễn phí do những nhà hảo tâm lập ra…Tuy nhiên, có một cửa hàng mà chủ nhân của nó dù có tài sản “kếch-xù” đến mấy cũng không đứng tên được, đó là cửa hàng: “O HAI KHÔNG ĐỒNG”( O2 là Oxy). Vâng chủ cửa hàng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa. Mỗi ngày, Ngài vẫn ban phát khí thở cho con cách miễn phí nhưng con cứ ngỡ đó là tự nhiên nên con quên mất cội nguồn của mình. Chỉ khi phải đối diện với sự thiếu thốn O2 giữa cơn đại dịch, con mới bắt đầu thức tỉnh và suy tư.

“Tạ ơn Chúa mỗi sớm mai thức dậy cho con thêm ngày nữa để yêu thương”. Vì thế, con đã tìm về bên Chúa để tạ ơn, để chìm sâu trong thinh lặng và cầu nguyện, vì chỉ nơi Chúa con mới có đủ tình yêu, sức mạnh, sự bình an để trao ban cho những người con phục vụ. Tất cả chúng con – những tu sĩ tuyến đầu – đều hiểu và cảm nghiệm rõ điều ấy, nên mỗi người tự tìm những góc khuất sau ca làm để ở lại với Chúa và hâm nóng đời sống nội tâm của mình.

Mỗi buổi sáng, khi cầm trên tay tô hủ tiếu, chiếc bánh giò, hộp cơm… rồi nhìn vào trong những túi ni-lon đầy đủ những thứ nho nhỏ: chanh, ớt, tăm, khăn ướt… rau, nước để riêng từng bịch, con xúc động, chợt nhớ đến những “chi tiết nhỏ của tình yêu” (Tông huấn Gaudete et exsultate số 144 ). Vâng, chỉ có những tâm hồn tràn đầy tình yêu mới có thể chu đáo, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Chắc chắn để có những phần ăn sáng đúng giờ cho chúng con đi làm, từ những ngày trước các ân nhân đã phải vất vả, trời mưa, trời nắng chuẩn bị nguyên liệu cần thiết; có khi chúng con đang say giấc 3 đến 4 giờ sáng, các mẹ, các chị đã dậy sớm để nhúng phở, luộc rau… Cảm động lắm khi chúng con nhận được những phần cơm bổ dưỡng còn kèm theo bao khích lệ được viết ngoài hộp cơm như: “Cám ơn các chiến sĩ áo trắng”.

clip_image070

Cứ như thế, ngày qua ngày các chuyến xe chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm gói trọn bao yêu thương vất vả, hy sinh cùng lời cầu nguyện từ Đức Tổng, các Linh mục, các Hội Dòng, các giáo xứ, các ân thân nhân xa gần đã được chuyển tới chúng con để tới ngày hôm nay chúng con vẫn khỏe, vẫn vui tươi và bình an. Nhìn về phía sau, chúng con thật hạnh phúc vì có một hậu phương vững chắc đêm ngày giang tay cầu nguyện, thay nhau chầu trực Thánh Thể, dâng lên Mẹ bao lời kinh Mân Côi… để cầu nguyện cho chúng con.

Con ngậm ngùi khi nhận được tin nhắn từ một linh mục già nơi vùng sâu xa:

“Con thương quí. Cha già rồi. Ý thức sự giới hạn con người và sẽ trở thành người thừa thãi trong Giáo Hội, trong xã hội nên nghe biết con và chị em ra đi, cha mừng và theo dõi cũng như mong tin con. Nhớ và cầu nguyện cho chúng con mỗi ngày. Vì có giờ nên mỗi ngày cha dâng lên Chúa nhờ Mẹ 8 Tràng chuỗi, 2 lần 4 cầu nguyện cho chúng con cách riêng. Nói thì dễ, nhất là những người như cha, nhưng đứng trước ngưỡng cửa chết-sống thì mới thấy ý nghĩa Đời Theo Chúa con hè. Cảm ơn con và chị em đã giới thiệu Chúa là tình thương, đặc biệt tiếp cận với những người âm thần ra đi… Xin Chúa là niềm vui an bình cho Con.

Cha già!”

Và con xúc động hơn khi hậu phương lại có bóng dáng các em thiếu nhi của mình.

clip_image071

clip_image072

Ra đi trong ơn gọi là một tu sĩ – tình nguyện viên nơi tuyến đầu, con nghĩ rằng mình sẽ cho “ai đó” nhiều điều nhưng chút nhỏ bé con cho đi chưa được bao nhiêu thì đã nhận lại cả một đại dương ân tình.

clip_image073

Niềm hạnh phúc càng lúc càng đong đầy hơn khi từng ngày mối tình thân giữa các anh chị em liên tôn giáo càng thêm khăng khít. Hình ảnh “ bộ áo nâu” bên những chiếc áo sơ mi nhiều màu sau mỗi giờ cơm chiều, sẻ chia cùng nhau bao vui buồn trong công việc cũng như trong đời tu mới đẹp làm sao!  Có lần sư thầy hỏi con:

“Chiều chiều thấy mấy Soeur vừa đi vừa đọc gì vậy?”.

“Làm Soeur mình khấn hứa những điều gì vậy?”.

Các Soeurs cũng hỏi lại Thầy: “Pháp danh ‘Chúc Khai’ của Thầy nghĩa là gì? Thời gian đào tạo một tu sĩ bên chùa như thế nào vậy Thầy?…

Có lẽ thật hiếm những khoảnh khắc để các tôn giáo sống đời thường, cùng ăn uống, cùng ngủ, cùng làm bên nhau. Khác nhau rất nhiều trong niềm tin, văn hóa, cách ăn, cách mặc… nhưng giờ đây, tất cả chúng con cùng một nhịp đập của yêu thương, cùng một chuyến xe, cùng một nơi đến, cùng một nơi để về và cùng chung một nhịp bước nơi tuyến đầu phục vụ. Những phút giây xa lạ ban đầu giờ đây trở nên gần gũi, thân thương. Tiếng “mọi người ơi” mỗi khi thông báo điều gì đó nay được thay thế bằng tiếng “cả nhà ơi”. Ôi! thật đẹp! Thật là một cơ hội quý giá để con học hỏi, trao đổi, giao lưu văn hóa cũng như sống và làm chứng niềm tin của mình với người tôn giáo bạn.

clip_image075

Rời xa mái ấm Hội Dòng con đã nhận lại được nghĩa tình ấm áp nơi đây: Đôi khi chỉ là những miếng gừng, chút sả được bào sẵn trên bàn để khi tan ca trở về có thể dùng ngay; hoặc những chiều mưa nơm nớp trong lòng: “quần áo đang phơi!” Nhưng khi trở về tất cả đều tươm tất… Nhiều lắm những chi tiết nhỏ mà mỗi lần nhìn thấy lại gợi lên trong con lời nhắn nhủ của vị Cha chung trong tông huấn Gaudete et exsultate số 145: “Cộng đoàn nào ấp ủ những chi tiết nhỏ của tình yêu, các thành viên quan tâm, chăm sóc nhau và tạo được môi trường cởi mở và Tin Mừng, bao giờ cũng là nơi Chúa Phục Sinh hiện diện, thánh hóa cộng đoàn ấy theo kế hoạch của Chúa Cha. Có những lúc, do quà tặng tình yêu của Chúa, ta được ban cho, giữa những chi tiết nhỏ này, các kinh nghiệm an ủi về Thiên Chúa”.

Trên tất cả có một nơi để con nghĩ về, một hình ảnh lòng con thương nhớ và chứa đầy những kỉ niệm cũng như dấu vết Tình Yêu của Thiên Chúa, đó là tình gia đình. Ba má chính là hiện thân sống động, cụ thể để con dễ dàng hướng lòng lên Cha trên trời. Từ ngày ra quân cho đến hôm nay, khi biết con đang ở tuyến đầu, ba má không lúc nào không đón xem các tin tức từ Sài Gòn. “Thương con nhưng dâng tất cả cuộc đời con vào tay Chúa quan phòng”, Ba con vẫn nói với con như thế mỗi khi gọi điện. Giọng nói của Chúa vẫn ngày ngày thầm thì những lời yêu thương, động viên, khích lệ qua tiếng nói nơi xa của ba má. Ôi tình Chúa thương con!

Đường Sài Gòn những ngày này vắng ngắt, tiếng còi cứu thương vang lên đến sắc lạnh nhưng lòng con vẫn an vui bởi tiếng Chúa vẫn âm thầm từng ngày: “Ta ở với con”. Đong đầy tình của Chúa, của người can đảm đi vào “chiến trận”, con mang theo bao khát vọng để đem Chúa đến với những người con gặp gỡ. Sự hiện diện của con tuy nhỏ bé, âm thầm nhưng chính những “cái nhỏ” ấy lại ánh lên ánh sáng Chúa Phục Sinh. Một bác sĩ đã từng nói với con: “Bệnh viện sẽ vơi đi sự chết, thêm sự sống khi có các Soeurs ở đây cầu nguyện”.

Đôi khi, trên những chiếc áo bảo hộ ghi tên: “Sr Hà, Sr Kiều, Sr Liên …” đã làm các nhân viên y tế không khỏi thắc mắc: “Sao các Soeurs lại có cùng tên lót là “Sơ”. Hay những câu hỏi chúng con vẫn thường nghe: “Sao các Soeur lại có thể sống độc thân không lập gia đình, không thể hiểu nổi?”

clip_image076

Từ trước tới nay, mọi người vẫn quen nhìn các nữ tu trong bộ tu phục chỉnh tề nơi xứ đạo, nay nhìn thấy chúng con trong bộ đồ bảo hộ tại các bệnh viện chắc chắn sẽ có nhiều thắc mắc, nhiều dấu hỏi, nhưng nó lại là một cơ hội để chúng con nói về Chúa. Riêng đối với con, con luôn cảm thấy hạnh phúc vì được sống và cảm nghiệm mầu nhiệm “tự hủy”. Con đã để lại bộ tu phục và nhà nguyện thân thương để mặc lấy chiếc “áo trắng thiên thần”, đến bên Thánh Thể đang hiện diện sống động nơi các bệnh nhân. Nhà nguyện của con giờ đây là nhà thương. Như Giêsu, con hiểu và thấu cảm bao nỗi đau của phận người khi sống giữa vùng dịch, để biết rằng: “Không có Chúa, con không làm gì được” (Ga15, 5) và xác tín hơn: “Không còn là con sống nhưng chính Chúa sống trong con” ( Gl 2, 20). “Mọi sự luôn nói với con về Chúa”.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết tận dụng mọi hoàn cảnh “lúc thuận tiện cũng như khi không thuận tiện” để rao giảng và làm vinh danh Chúa. Xin được vang mãi khúc ca tạ ơn cũng như khắc ghi “TÌNH CHÚA, TÌNH NGƯỜI” trong tim những người con nơi tuyến đầu chống dịch.

BV Dã chiến ngày 16-8-2021

Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC

 

TỪ TUYẾN ĐẦU: LÒNG BIẾT ƠN ĐƯỢC GHI KHẮC TRONG TIM

Nt. Francesca Đỗ Thị Thái – TGP Sài Gòn, 18/08/2021

clip_image077

TGPSG "Biết ơn" là tâm tình tôi cảm nhận được trong suốt thời gian phục vụ ở đây.

Khi quyết định lên đường đến tuyến đầu để chống dịch, tôi đã tâm niệm rằng: Hành trình phục vụ bệnh nhân Covid là hành trình “Trao hiến”. Đó là hành trình mà Chúa Giêsu – Vị Mục Tử Nhân Lành – mời gọi và cũng là tinh thần, là linh đạo sống của Hội Dòng chúng tôi. Và thời gian này, tôi cảm thấy mình đang sống ơn gọi, sống lòng biết ơn cách tròn đầy nhất.

clip_image078

Mỗi ngày sống tôi đều cảm nếm được rất nhiều nghĩa cử của tình yêu trao ban – thứ tình yêu đẹp và ý nghĩa đến lạ thường! Tình yêu đó, tôi có thế bắt gặp nơi bất cứ ai trong môi trường sống này: Họ có thể là bệnh nhân, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, các bạn tình nguyện viên hay hàng ngàn con tim đang hướng về chúng tôi để cầu nguyện, để khích lệ và gửi gắm đồ dùng cũng như thức ăn hàng ngày cho chúng tôi.

Niềm vui sướng và lòng biết ơn đến với tôi mỗi khi tôi được tiễn một bệnh nhân xuất viện. Lúc đó, tôi được hòa vào cảm xúc vỡ òa trong hạnh phúc của họ vì cảm nghiệm mình được trở về từ cõi chết. Cuộc sống của họ từ đây chắc hẳn sẽ khác lắm! Tuy nhiên, cả những lần ngậm ngùi tiễn biệt các bệnh nhân trở về nơi an nghỉ cuối cùng, dù lòng xót xa, mũi cay cay và giọt lệ lăn dài trên má, nhưng trong tôi vẫn chứa đầy tâm tình biết ơn. Tôi biết ơn họ đã cho tôi cơ hội để hiểu sự thật về cuộc sống cũng như sự chóng qua của nó. Điều mà trước đây tôi chỉ đọc trên sách vở và cảm nghiệm cách hời hợt, thì nay ngay tại môi trường này, tôi đang trải nghiệm để sống đức tin của mình cách mạnh mẽ nhất. Giờ đây, tôi không còn vất vả để tưởng tượng ra mình phải làm gì, sống như thế nào cho ý nghĩa nữa, vì các bệnh nhân tôi đang phục vụ và những việc tôi đang làm đã cho tôi cơ hội để cảm nhận rõ điều này.

clip_image079

Bên cạnh đó, những cử chỉ “trao ban tình yêu” thật ấm áp – được biểu lộ từ anh chị em trong nhóm tình nguyện viên – luôn làm tim tôi rung động. Chúng tôi đến đây như những người xa lạ, chưa hề gặp gỡ nhau trước đó, nhưng một sợi dây vô hình đã kết nối chúng tôi cho mục đích chung là phục vụ Đức Kitô đau khổ nơi các bệnh nhân trong trận đại dịch. Vì thế, chẳng mất nhiều thời gian để tìm hiểu, chúng tôi vẫn dễ dàng để diễn tả tình yêu và sự quan tâm cho nhau như những người đã thấu hiểu nhau từ lâu. Sự thấu hiểu ấy được thể hiện qua việc chăm lo cho các bệnh nhân, nối kết với người thân và nhận quà… đến việc chăm sóc sức khỏe cho nhau, khích lệ nhau ăn uống, tập thể dục hay nấu những nồi nước xả, gừng thơm phức để cho nhau xông mỗi khi tan ca trở về. Tôi cảm thấy ấm lòng biết bao!

Hằng ngày, chúng tôi cảm nghiệm được sức mạnh của lương thực thiêng liêng qua việc hiệp thông với hy tế của Chúa Giêsu trong thánh lễ, những giờ cầu nguyện và lần chuỗi riêng. Chính nhờ đó, chúng tôi có sức mạnh để đi vào hiến tế cuộc sống nơi anh chị em bệnh nhân chúng tôi phục vụ đang phải gánh chịu.

clip_image080

Nơi đây, chúng tôi có thể tìm gặp Chúa mọi lúc, mọi chỗ chứ không phải chỉ trong nhà nguyện – nơi có đặt Mình Thánh Chúa, hay những giờ đã được quy định như khi ở nhà dòng. Mọi thời điểm và nơi chốn đều có thể giúp chúng tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Tuy nhiên, điểm lựa chọn yêu thích nhất của nhiều người trong chúng tôi mỗi khi có thời gian thinh lặng là trên mái nhà chúng tôi ở.

clip_image077[1]

Những giây phút ở một mình trên đó, tôi cảm thấy mình như đang tạm lánh xa khỏi thế gian và đắm mình trong sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Ngoài ra, ngọn tháp cao vót của ngôi thánh đường giáo xứ Thánh Linh xa xa cũng cho tôi cảm nghiệm được sự gắn bó thiêng liêng của mình với Giáo hội. Được sống trong lòng Giáo hội và cảm nghiệm được tình yêu thương đã giúp tôi kín múc được sức mạnh thiêng liêng để phục vụ và trao tặng.

clip_image081

Nhìn lại hành trình từ khi bước chân vào đây, tôi thấy mình nhận được nhiều hơn những gì tôi trao tặng. Lời hứa của thầy Giêsu lúc này đối với tôi đã trở nên ứng nghiệm: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6, 38).

Nt. Francesca Đỗ Thị Thái

Dòng Chúa Chiên Lành

 

VĂN TẾ ĐỒNG BÀO TỬ NẠN VÌ COVID-19

FB Vĩnh Minh Tự Viện

Than ôi! Quá đỗi sững sờ

Hỡi ôi! Vô cùng thảm thiết.

Đất Sài thành ba trăm năm phước địa

Miền Sài đô mấy thế kỷ nhân văn

Bỗng đâu một trận tan tành

Xót thương, kinh hãi, đoạn đành, trái ngang.

Rằm tháng Bảy lập đàn giải oán

Tiết Vu Lan thiết lễ kỳ siêu

Không gì hơn niệm thương yêu

Nguyện cầu dịch bệnh trừ tiêu nhẹ nhàng.

1/

Thương những người:

Mình mang blouse trắng

Theo nghiệp y khoa

Bao ngày thêu giấc mộng Hoa Đà

Mấy năm giữ nếp nhà Tuệ Tĩnh.

Khi gặp cơn dịch bệnh

Nguyện ở mãi tuyến đầu

Bịt kín thân mình ngày nóng đêm thâu

Xa mẹ xa cha gia đình phó mặc

Giữ vững lời thề Hy-po-crat

Mở lòng học hạnh Mạnh Thường Quân

Cuối cùng nhiễm bệnh gian truân

Tuyền đài thác xuống mịt mùng vì đâu.

Than ôi!

Những ước mơ đỗ đầu thành đạt

Thành lương y cứu thế độ nhân

Chừ ôm mối hận muôn phần

Bên kia thế giới ai cần nữa đâu!

2/

Lại thương kẻ:

Tuyến đầu tình nguyện

Phường huyện dân quân

Trực chốt ngày đêm đối phó kẻ bất tuân

Gian nắng sớm chiều ngăn ngừa người truyền nhiễm.

Giúp bao người tẩn liệm

Đưa lắm kẻ hoả thiêu

Kẻ ghét người thương giữ phận hẩm hiu

Dưới búa trên đe một điều nhiệm vụ

Rồi đêm ho sù sụ

Đến sáng thở thều thào

Lò thiêu đồng đội đưa vào

Bữa về tro cốt nghẹn ngào vợ con.

Than ôi!

Phận dân quân ba đồng ba cọc

Nghĩa công thần chín hiểm mười nguy

Suối vàng chừ lặng lẽ đi

Thân mình còn thẹn nghĩ gì người ta.

3/

Lại thương kẻ:

Thương gia giàu có

Biệt thự xênh xang

Bả công danh phú quý mơ màng

Niềm kiêu hãnh vinh quang mộng mị.

Tài khoản dư tiền tỷ

Bất động sản còn đầy

Con vi trùng không có mắt ai hay

Dịch covid chẳng biết ngày mình chịu.

Bình ô-xy chẳng thiếu

Vắc-xin Mỹ có thừa

Tiền tài mua được gì chưa

Chừ treo mạng sống mây đưa suối vàng.

Than ôi!

Sống dành dụm chẳng đem bố thí

Chết để cho người khác giữ xài

Chừ than khóc dưới tuyền đài

Biết ai thấu nỗi niềm này hay chăng!

4/

Lại thương kẻ:

Văn nhân nghệ sĩ

Tạp kỹ xướng ca

Ánh hào quang sân khấu lan xa

Người nổi tiếng nhà nhà ngưỡng mộ

Tài mệnh thường tương đố

Nghiệp dĩ lại đa mang

Giọng hát tiếng cười bỗng hết ngân vang

Khúc nhạc câu thơ bàng hoàng chợt tắt.

Khán giả chừ vắng ngắt

Lò hoả chỉ một mình

Tro tàn một nắm buồn tênh

Người đi vào cõi mông mênh ngậm ngùi.

Than ôi!

Phết son phấn mua vui cuộc mộng

Sau ánh đèn trống rỗng hình hài

Cuộc đời một thoáng thu phai

Hoá thân cát bụi còn ai nhớ mình.

5/

Lại thương kẻ:

Tiểu sinh ở phố

Gác trọ sinh viên

Mang gạo cơm cha mẹ trợ duyên

Đổi bằng cấp kiếm tiền lập nghiệp.

Công danh còn chưa kịp

Sự nghiệp mãnh tình không

Tiền học tiền phòng trả nợ chưa xong

Bữa đói bữa no chẳng đồng bỏ túi.

Rồi giấc mơ tàn lụi

Dính dịch bệnh nguy nan

Lò thiêu một giấc mơ màng

Mẹ cha chẳng biết, họ hàng ở đâu.

Than ôi!

Tưởng vùi mặt cắm đầu chí dốc

Cũng giảng đường đại học như ai

Người về nhắn với tương lai

Ba sinh hẹn một kiếp mai tương phùng.

6/

Lại thương kẻ:

Công nhân lao động

Cuộc sống thợ thuyền

Có cửa có nhà nghề nghiệp tinh chuyên

Đầy đủ vợ con bạc tiền dư dã.

Bỗng đâu trời nghiệt ngã

Lệnh phong toả cách ly

Cả vợ cả chồng họ đến đem đi

Con cái ngác ngơ chuyện gì sẽ tới?

Rồi tuần sau người gọi

Hai hủ cốt đem trao

Rưng rưng nghẹn ngấn lệ trào

Thực đây hay giấc chiêm bao hỡi trời.

Than ôi!

Người mất đã không lời trăn trối

Kẻ còn không kịp đội khăn tang

Không bình hoa chẳng bát nhang

Trần gian cho đến suối vàng lạnh tanh.

7/

Lại thương kẻ:

Thị thành kiếm sống

Giấc mộng xa quê

Buôn gánh bán bưng nhiều ít nào chê

Bốc xếp xe ôm chẳng nề cực nhọc.

Mấy tháng trời chóc ngóc

Chẳng có một đồng lương

Chở vợ con ngàn cây số hồi hương

Vượt chốt chặn quyết tìm đường tháo chạy

Mơ màng trên xe máy

Bị tai nạn giữa đường

Khi nào một nắng hai sương

Giờ thân gió bụi dặm trường thảm thê.

Than ôi!

Kiếp tha phương não nề cầu thực

Xa mẹ cha làng xóm bạn bè

Ai trêu giấc mộng đêm hè

Tử sinh gió lọt qua khe bẻ bàng.

8/

Lại thương kẻ:

Lang thang đường phố

Vé số mưu sinh

Ngày rong rêu khắp hè phố thị thành

Đêm thấp thỏm dưới gầm cầu xó chợ

Có tiền ăn bát phở

Hết gặm đỡ bánh mì

Ngày qua ngày thân phận kể ra chi

Đêm từng đêm hão huyền gì đổi vận.

Rồi phát ho từng trận

Nằm chết ở bên đường

Phận hèn chẳng có ai thương

Lò thiêu đốt sạch dọn đường người đi.

Than ôi!

Một phận người ai bì chó kiểng

Kẻ thành nhân nở ví thú cưng

Kiếp sau nếu có tương phùng

Nguyện như gốc bá cội tùng một phương.

9/

Lại thương kẻ:

Buôn hương bán phấn

Cam phận bèo mây

Sống mua vui cho cánh râu mày

Đêm chuốc rượu rày đây mai đó.

Tương lai còn bỏ ngõ

Hiện tại sắc hương phai

Bám phố bám phường sương ướt hai vai

Khách sạn vũ trường lầu xanh quán đỏ

Nằm im trong gác trọ

Người đến quấn ni lông

Chất thùng đông lạnh như không

Lò thiêu một ngọn lửa hồng ra tro.

Than ôi!

Kiếp tầm gửi qua đò bến vắng

Phận cát đằng tay trắng khóc than

Nhân gian trót đã hoang đàng

Làm ma dưới chốn suối vàng sướng không?

10/

Lại thương kẻ:

Cửa Không Thích tử

Một bát ba y

Nguyện cô thân vạn lý thiên di

Biết Tứ đại vô thường khó tránh.

Ngày tinh chuyên giới hạnh

Đêm thiền tập kệ kinh

Từ thiện cứu người, sống chết xem khinh

Vô ngã vị tha giữ lòng thanh tịnh.

Rồi chẳng may vướng bệnh

Trút hơi thở ra đi

Chẳng tang lễ, chẳng linh di

Đệ huynh Thầy tổ làm gì được đâu.

Than ôi!

Sống đã chẳng mong cầu danh lợi

Chết cũng không kịp đợi nén nhang

Tây phương tâm hướng nhẹ nhàng

Tiện đây xin lập đàn tràng kỳ siêu.

Chủng covid gì nhiều quái lạ

Chẳng từ ai tất cả giàu nghèo

Sang hèn gì cũng nhóc nheo

Trẻ già trai gái bọt bèo như nhau.

Luật nhân quả trước sau như một

Bởi tham sân cùng tột ở đời

Chung quy cũng tại con người

Duyên sanh duyên hợp khóc cười bể dâu

Rằm tháng Bảy ai cầu Phật Tổ

Nước từ bi phổ độ quần sanh

Nguyện cho tất cả hương linh

Nương nhờ pháp Phật cõi lành an vui.

Thuỳ Ngữ Thất, Vu Lan 2565.

Nhất Thanh Thích Nguyên Hiền

clip_image083

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Long ‘ve chai’ và những bình oxy quý giá cứu F0

clip_image085clip_image087

Comments are closed.