Sài Gòn – Những ngày phong thành (49)

THÔNG TIN:

*Cần thêm thời gian để cấp phép khẩn cấp cho vaccine nội Nano Covax

https://plo.vn/xa-hoi/can-them-thoi-gian-de-cap-phep-khan-cap-cho-vaccine-noi-nano-covax-1010251.html

*Cần thêm nhiều dữ liệu khoa học để chống Covid-19

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/can-them-nhieu-du-lieu-khoa-hoc-de-chong-covid-19-767634.html

(Trong bài này, cần lưu ý là khuyến cáo bỏ phong tỏa cứng lần đầu tiên được nhắc tới.

Mặt khác, bài báo cho biết số liệu về COVID-19 không được chia sẻ cho các nhà khoa học.)

*TP.HCM: 73,5% người trên 18 tuổi đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1, vượt chỉ tiêu

https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-735-nguoi-tren-18-tuoi-da-tiem-vac-xin-covid-19-mui-1-vuot-chi-tieu-1434973.html

*Tân Chủ tịch TP.HCM: TP lên kế hoạch mở cửa từng bước sau 15/9

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tan-chu-tich-tp-hcm-tp-len-ke-hoach-mo-cua-tung-buoc-sau-15-9-768728.html

*Bộ trưởng Quốc phòng: Sử dụng cả không quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-truong-quoc-phong-su-dung-ca-khong-quan-ho-tro-nhu-yeu-pham-cho-nguoi-dan-768469.html

*TP.HCM đổi giấy đi đường mới từ 0h ngày 25-8

https://tuoitre.vn/tp-hcm-doi-giay-di-duong-moi-tu-0h-ngay-25-8-2021082413311104.htm

*Đức Giáo hoàng Francis hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam 100.000 euro

https://tuoitre.vn/duc-giao-hoang-francis-ho-tro-khan-cap-viet-nam-100-000-euro-20210824183304131.htm

NĂM BƯỚC THEO DÕI BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI NHÀ CẦN LƯU Ý

Vietnamnet, 18/8/2021

Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam vừa đưa ra khuyến cáo 5 bước theo dõi bệnh nhân Covid-19 tại nhà nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu bệnh chuyển nặng cũng như tránh lây nhiễm cho người thân.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

Ngọc Trang

CHUYỆN CỦA NHỮNG “SỨ GIẢ TRUYỀN TIN” CHO THÂN NHÂN BỆNH NHÂN COVID-19

Bệnh viện Chợ Rẫy

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM, những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 diễn tiến nặng và nguy kịch cũng tăng cao. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP. Thủ Đức) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, hằng ngày, đội ngũ y bác sĩ phải căng mình chiến đấu để giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19. Nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, những bệnh nhân mắc COVID-19 đều không có người thân đi cùng để chăm sóc. Nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mất hết mọi liên lạc với người thân. Trước tình hình đó, từ tháng 7/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập Bộ phận hỗ trợ tìm kiếm và cung cấp thông tin cho người nhà bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức COVID-19 qua Fanpage Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (https://www.facebook.com/phongcongtacxahoibenhvienchoray) và Zalo (số 0888561080).

Thông báo tình trạng bệnh nhân cho thân nhân người nhiễm COVID-19 là một công việc không hề dễ dàng, đặc biệt với những bệnh nhân đang được điều trị hồi sức tích cực tại đây. Và điều đó càng trở nên khó khăn hơn với việc phải thông báo tin buồn đến với gia đình người bệnh. Thế nhưng, việc cần làm vẫn phải làm, bởi dù tin báo có thể mang đến nỗi đau cho những người ở lại nhưng ít nhất, vai trò cầu nối cùng những lời động viên, chia sẻ của đội ngũ “truyền tin” đã phần nào xoa dịu sự thấp thỏm lo âu và trông đợi của gia đình người bệnh.

Hãy cùng chúng tôi lắng nghe chia sẻ từ những người làm công tác “truyền tin đặc biệt” tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện hồi sức COVID -19: chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy) và chị Văng Thị Ngọc Bích (Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy) để hiểu thêm về công việc thầm lặng mà không hề dễ dàng của những “sứ giả truyền tin” trong mùa dịch COVID-19.

SÀI GÒN CẦN MỞ CỬA SỚM (*)

FB Bs. Cao Xuan Minh

10 ngày trước tôi viết bài này.

Sài Gòn hiện giờ tình hình êm dịu đi đã cảm nhận được từ nhiều người.

Các cơ sở y tế cũng “thong thả” hơn chút để nhận F0.

F0 giờ đây cần là có nhiều hồi đáp, hướng dẫn, nhập viện nếu cần.

Số lượng tử vẫn còn cao vì số nặng trong bệnh viện còn rất nhiều. 5-7 ngày nữa số tử sẽ giảm đi.

Đã có 5.5 triệu người Sài Gòn 73.5% người trưởng thành đã tiêm. Ít nhiều được bảo vệ nên nhẹ nhàng hơn.

Đã có số liệu khoa học về lượng người đã tiêm, ước lượng tương đối được người đã nhiễm. Việc lúc này cần nghĩ tới có nên mở cửa hay không chứ không phải đóng kín như hiện nay.

Sài Gòn mở cửa sớm để khôi phục nhiều thứ có lợi cho đất nước.

Sài Gòn phải bung sớm đem quân đi cứu Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

https://m.thanhnien.vn/…/tphcm-735-nguoi-tren-18-tuoi…

13 tháng 8 lúc 11:33

3 ngày nay lượng tin nhắn nhờ tư vấn F0 đã giảm, chủ yếu tin nhắn tiêm vaccine… điều này mình tin rằng ca nhiễm mới ở SG đã khuynh hướng giảm và sẽ giảm nhanh.

Có 2 lý do để mình tin điều này:

– Dân số Sài Gòn đã tiêm 1 mũi trên 40% ở người trưởng thành.

– Một lượng lớn dân số SG đã có miễn dịch tự nhiên sau khi dịch bùng khủng khiếp trong 2 tuần qua. Thậm chí có thể là con số triệu. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng tử vong mỗi ngày.

Số ca mới mắc có thể đã giảm, số ca phải nhập viện sẽ giảm sau 1 tuần, số ca tử vong sẽ giảm sau 1 tuần nữa. 3 yếu tố này có độ trễ theo thứ tự thời gian.

Sài Gòn có thể 1-2 tuần nữa, áp lực đè trên y tế sẽ giảm dần, có thể mọi thứ nhẹ nhàng hơn nhanh chóng.

Hy vọng tuần cuối tháng 8 Sài Gòn sẽ mở dần dần nhiều thứ.

Nếu có nguồn vaccine chích tiếp tục, mọi thứ sẽ quay về bình thường sớm.

Với vaccine TQ, cũng là 1 phép thử. Đã là phép thử thì không nên Già Néo dễ đứt dây. Mất nhiều hơn được.

Thiệt hơn với người dân làm chi chứ.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

TRƯỜNG HỢP THUỴ ĐIỂN

FB Gs. Nguyễn Văn Tuấn

Thuỵ Điển là một trường hợp rất đặc biệt đối với dịch Covid: không có chánh sách phong toả. Chính vì thế mà Thuỵ Điển là trường hợp gây ra rất nhiều tranh cãi về hiệu quả của phong toả trong giới y tế và chánh trị. Vậy tỉ lệ tử vong ở Thuỵ Điển ra sao?

Nếu các bạn hỏi google rằng Thuỵ Điển đã thành công hay thất bại trong chiến lược kiểm soát dịch Vũ Hán, thì tuyệt đại đa số sẽ gặp những bài cho rằng Thụy Điển đã thất bại. Những người chỉ trích Thụy Điển xuất phát từ giới y tế, kinh tế, và chánh trị. Người thì cho rằng con số tử vong ở Thuỵ Điển tăng quá cao (nhưng không thấy con số), kẻ cho rằng chánh sách Thuỵ Điển đang theo đuổi chẳng khác gì … diệt chủng. Rất ư là nặng nề. Và, cảm tính nữa. Đọc qua những ý kiến và quan điểm của phe theo chánh sách phong toả bạn sẽ thấy hình như đó là một dàn đồng ca, chớ ít có nghị luận. Dàn đồng ca này cũng hiện diện ngay trong các tập san y khoa, thậm chí tập san lừng danh.

Nhưng không phải ai cũng theo chánh sách phong toả. Vẫn có những người không hẳn dám ủng hộ Thuỵ Điển một cách trực tiếp, nhưng họ biện luận ủng hộ một cách gián tiếp. Họ dùng mô hình dịch tễ học, họ trình bày những dữ liệu khoa học cho thấy tỉ lệ tử vong ở Thuỵ Điển chẳng khác gì so với những nước bị phong toả. Nhưng những người này không nhiều, và họ cũng khó có được cơ hội để trình bày quan điểm vì như tôi nói trước đây khoa học trong thời dịch bệnh này đã bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt.

Chỉ số ‘Tử vong bội’

Câu hỏi quan trọng là dựa vào chỉ tiêu gì để nói phong toả (hay một can thiệp qui mô cộng đồng) có hiệu quả hay không có hiệu quả? Nhiều người nghĩ ngay đến số ca lây nhiễm là chỉ tiêu chánh, và theo đó, nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian phong toả thì coi như chánh sách đó không có hiệu quả. Nhưng vấn đề là đa số ca nhiễm là nhẹ, nên dự vào chỉ tiêu đó có thể không khách quan.

Một chỉ tiêu khác là số ca tử vong và số ca nhập viện. Số ca tử vong không chỉ đơn giản là bao nhiêu ca, mà phải so sánh với mức độ ‘kì vọng’. Lí do là như sau: nếu không có dịch covid thì người ta vẫn chết, và nguyên nhân tử vong có thể là thường do các bệnh lí không lây (bệnh mãn tính). Do đó, người ta lấy con số tử vong quan sát được trong một thời gian (tạm chí hiệu O) chia cho con số tử vong kì vọng (hay con số tử vong bình thường, tạm gọi là E). Nếu tỉ số này R = O / E bằng 1 thì dịch không có ảnh hưởng đến tử vong; nếu R > 1 thì dịch có ảnh hưởng đến tử vong. Trong dịch tễ học, chỉ số R gọi là ‘excess death’ (tạm dịch là ‘Tử vong bội’). Nói thì dễ, nhưng mô hình thì không dễ chút nào.

Do đó, khi nói đến hiệu quả của phong toả hay bất cứ biện pháp can thiệp y tế cộng đồng nào, chúng ta phải đòi hỏi cho được con số R hay ‘excess death’. Không có con số đó thì tất cả chỉ là ý kiến cá nhân hay nói chuyện tầm phào thôi.

Hiệu quả của phong toả?

Gần đây, đã có một nghiên cứu sử dụng chỉ số R [1] để đánh giá chánh sách không phong toả của Thuỵ Điển. Nghiên cứu này thú vị vì tác giả so sánh tỉ lệ tử vong và R theo thời gian, tính từ đầu thế kỉ 20 đến nay. Trong thời gian đó, Thuỵ Điển đã trải qua 15 trận dịch như 1889 (Dịch Cúm Nga), 1918 (Dịch Cúm Tây Ban Nha), 1922, 1927, 2931, …, đến 2020 (dịch Vũ Hán).

Cứ mỗi lần có dịch như thế thì số ca tử vong tăng cao (còn gọi là excess death hay tạm dịch là ‘Tử vong bội’). Nếu tính số ca tử vong bội trên 100,000 dân số thì dịch Cúm Nga 1889 là 105.5, dịch Tây Ban Nha là 679.1, và dịch Vũ Hán là 50.5. Các bạn có thể xem qua biểu đồ mà tôi trích từ bài báo dưới đây để thấy số ca tử vong bội qua mỗi trận dịch.

Nhìn như thế chúng ta thấy dịch Vũ Hán có gây ra tử vong trội, nhưng không quá cao, thậm chí thấp hơn, so với các trận dịch lịch sử trước đây. Tác giả kết luận rằng tỉ lệ tử vong của dịch SARS-Cov-2 tương đương với các trận dịch cúm mùa, nhưng đây là trận dịch nguy hiểm nhứt kể từ trận dịch Tây Ban Nha (Nguyên văn: "The mortality dynamics of the SARS-CoV-2 outbreak is shown to be similar to outbreaks due to influenza virus, and in terms of the number of excess deaths, it is the worst outbreak in Sweden since the ‘Spanish flu’ of 1918–1919") [1].

Nghiên cứu từ Đan Mạch

Vào cuối năm ngoái, miền bắc Đan Mạch (có tên là Jutland) nơi mà kĩ nghệ chánh là làm lông chồn. Và, tại đây được ghi nhận có nhiều ca nhiễm nCov, có lẽ từ động vật. Vậy là chánh phủ Jutland ra lệnh phong toả 7 thị trấn (trong số 11) trong vùng. Bốn thị trấn còn lại cũng bị phong toả nhưng là loại "phong toả mềm", xem như không có phong toả.

Thế là các nhà nghiên cứu xem đó là một thí nghiệm tự nhiên. Họ thu thập dữ liệu và phân tích rất thú vị. Họ so sánh số ca nhiễm và tử vong giữa 2 nhóm phong toả. Trước khi triển khai chánh sách phong toả, những thị trấn sắp bị phong toả có số ca dương tính là 0.15 trên 1000 ngày, còn nhóm được xem là không bị phong toả có tỉ lệ là 0.14. Trong thời gian phong toả (mùa đông) tỉ lệ dương tính ở nhóm phong toả tăng lên 0.69 trên 1000 người, còn nhóm ‘không phong toả’ có tỉ lệ là 0.82 trên 1000 người. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng theo dõi và tuân thủ giãn cách xã hội làm cho việc phong toả không cần thiết, ít ra là trong vài tình huống [2].

Tranh cãi

Nhưng chánh sách không phong toả của Thuỵ Điển, như tôi đề cập trên, gây ra rất nhiều tranh cãi. Tiêu biểu cho tình trạng này là bài báo của Bs Horst Herb trên RACGP (Úc) cho rằng việc theo đuổi chánh sách phong toả và bác bỏ các biện pháp khác mà không tính toán đến tác hại của phong toả là sai. Ý kiến nay lập tức bị vài đồng nghiệp tấn công là ‘tài tử’, là sai trái, nhưng cũng có đồng nghiệp ủng hộ.

Nhưng nhìn qua con số tử vong thì quả thật Thuỵ Điển chẳng khác gì so với Tây Ban Nha và Đức — theo như một phân tích công bố trên PLoS ONE [4]. Đây là những phân tích đàng hoàng và bài bản, chớ không phải những trang báo như NYTimes hay PolitiFact và nhứt là những trang "Fact Check" có khi rất ư là … bậy bạ.

Người đằng sau chánh sách không phong toả của Thuỵ Điển là nhà dịch tễ học Anders Tegnell, cố vấn cho chánh phủ. Bề ngoài ông là một người trông có vẻ thư sinh, nhưng bên trong là một người với ý chí sắt thép. Ông là ‘đối tượng’ của rất nhiều chỉ trích từ đồng nghiệp, thậm chí có đe doạ ám sát! Nhưng ông cũng là một ‘anh hùng’ đối với nhiều người khác. Có người còn xâm hình ông trên cánh tay như là một lời cám ơn đã duy trì sự tự do cho người Thụy Điển.

Ông sanh năm 1956, tốt nghiệp từ trường y thuộc Đại học Lund (nổi tiếng) vào năm 1985. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ ở đại học Linkoping vào năm 2003 và cao học về dịch tễ học ở London School of Hygiene & Tropical Medicine. Ông có thời gian làm việc cho WHO ở Lào trong một chương trình tiêm chủng (1990 – 1993). Sau đó ông làm việc ở Zaire (Phi châu) và đã qua các trận dịch Ebola, Smallpox. Do đó, ông có kinh nghiệm về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm ở các nước nghèo. Nhưng có điều hơi buồn cười là có người không ưa ông nói rằng ông chẳng biết gì về dịch tễ học!

Tóm lại, Thuỵ Điển là một trường hợp rất thú vị để đánh giá hiệu quả của chánh sách phong toả. Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói chánh sách của Thuỵ Điển là có hay không có hiệu quả (cho dù vài chứng cớ tích cực ban đầu). Mỗi một nước có những vấn đề đặc thù về con người, địa lí, môi sinh, văn hoá, khoa học; chẳng có nước nào giống nước nào, nên khó nói Thuỵ Điển là bài học cho mọi nơi. Úc thì không theo mô hình của Thuỵ Điển vì Úc bảo thủ hơn, dù chánh sách phong toả ở Úc chưa thấy đem lại hiệu quả. Còn Việt Nam thì sao? Có lẽ câu trả lời phức tạp hơn là lí thuyết.

Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/2021/08/23/truong-hop-thuy-dien

_____

[1] https://www.frontiersin.org/…/fpubh.2021.579948/full

[2] https://www.medrxiv.org/con…/10.1101/2020.12.28.20248936v1

[3] https://www1.racgp.org.au/…/was-the-swedish-approach-to…

[4] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0255540

clip_image022

Tỉ suất tử vong ở Thụy Điển qua các trận dịch từ 1860 đến nay. Những điểm màu đỏ là khi dịch xảy ra. Tác giả kết luận rằng tỉ lệ tử vong của dịch SARS-Cov-2 tương đương với các trận dịch cúm mùa, nhưng đây là trận dịch nguy hiểm nhứt kể từ trận dịch Tây Ban Nha (Nguyên văn: "The mortality dynamics of the SARS-CoV-2 outbreak is shown to be similar to outbreaks due to influenza virus, and in terms of the number of excess deaths, it is the worst outbreak in Sweden since the ‘Spanish flu’ of 1918–1919")
Nguồn: https://www.frontiersin.org/…/fpubh.2021.579948/full

clip_image024

Một cách nghĩ về hiệu quả và hậu quả của phong toả. Hình này là do Bs Phan Xuân Trung vẽ và tôi thấy rất dễ hiểu tại sao số ca tử vong tăng trong khi phong toả.

clip_image026

Bác sĩ Anders Tegnell, cố vấn cho chánh phủ Thuỵ Điển trong trận dịch này. Ông là ‘đối tượng’ của rất nhiều chỉ trích từ đồng nghiệp, thậm chí có đe doạ ám sát! Nhưng ông cũng là một ‘anh hùng’ đối với nhiều người khác. Có người còn xâm hình ông trên cánh tay như là một lời cám ơn đã duy trì sự tự do cho người Thụy Điển.

THAY VÌ XÉT NGHIỆM COVID ĐẠI TRÀ, SÀI GÒN CẦN ƯU TIÊN BẢO VỆ NGƯỜI GIÀ

Trọng Thành – RFI, 24/8/2021

clip_image028

Quân nhân canh gác một trạm kiểm soát trong ngày đầu tiên của đợt siết chặt phong tỏa "chống Covid" tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 23/08/2021. REUTERS – STRINGER

Kể từ hôm nay, 23/08/2021, chính quyền TP HCM siết chặt phong tỏa phòng dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt với việc đưa quân đội vào kiểm soát an ninh, trong bối cảnh dịch được coi là đang gia tăng. Về mặt y tế, chính quyền thông báo sẽ xét nghiệm toàn thành phố với hy vọng phát hiện nhanh chóng các ca nhiễm (F0).

Biện pháp xét nghiệm đại trà, hay chủ trương « bóc tách » toàn bộ F0, theo truyền thông chính thức, đang bị nhiều y bác sĩ, chuyên gia ngành y tế phê phán là không hiệu quả, thậm chí nguy hại, trong bối cảnh dịch đã lan sâu từ lâu trong cộng đồng. Trên thực tế, do việc hệ thống bệnh viện và trung tâm cách ly đã hoàn toàn quá tải và sau nhiều chỉ trích trong giới chuyên gia và trên công luận, chính quyền đã bắt đầu chấp nhận từ bỏ dần dần biện pháp « bóc tách » toàn bộ F0 tại Sài Gòn và một số nơi khác, kể từ đầu tháng 7. Một chủ trương như vậy nếu được áp dụng, có thể gây ấn tượng là chính quyền kiên quyết chống dịch, nhưng sẽ có nguy cơ gây thêm nhiều tổn thất cho người dân.

Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt từ thành phố Hồ Chí Minh, Bác sĩ Phan Xuân Trung đề nghị chính quyền, thay vì xét nghiệm đại trà, cần ưu tiên trước hết bảo vệ các nhóm có nguy cao, như người già, người có bệnh nền. Bác sĩ Phan Xuân Trung (*) là một trong số những chuyên gia ngành y từng liên tục cảnh báo về việc quá tập trung cho việc « cách ly », « điều trị » F0 Covid mà dẫn đến nguy cơ hệ thống y tế bỏ rơi các bệnh nhân khác, cũng như nguy cơ những nơi cách ly tập trung biến thành ổ dịch (**). Sau đây là phần phỏng vấn với Bác sĩ Phan Xuân Trung với RFI tiếng Việt.

***

RFI: Xin Bác sĩ cho biết nhận định chung của Bác sĩ về chính sách đối phó với dịch Covid của chính quyền tại TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Thành phố HCM đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, tức là sẽ « giãn cách » nghiêm ngặt hơn, với hy vọng là bằng biện pháp này có thể dập được dịch, ngăn chặn được lây lan, giảm sự tổn thất về nhân mạng, bảo vệ cho dân chúng. Nhìn vô trong quyết tâm đó, chúng ta thấy chính quyền rất là lo lắng, đang tìm mọi cách để cứu vãn tình thế, để giúp cho dân chúng. Tuy nhiên, giải pháp này (« giãn cách xã hội » theo Chỉ thị 16 của chính phủ) đã được lặp lại đến nay đã đến lần thứ 4, lần thứ 5 rồi.

Đã hai tháng trôi qua rồi. Xét lại về cách xử lý, cần phải căn cứ vào các lý thuyết. Có lý thuyết cho rằng cần phải « bóc tách » các F0 (tức những người bị nhiễm) ra khỏi cộng đồng, để cho các F0 đó đừng có lây lan nữa. Tuy nhiên, điều đó đúng trong giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau này, khi sự lây lan đó quá mãnh liệt, quá dữ, như « một cơn cháy rừng có gió », thì sức người không thể ngăn cản được. Việc lây lan đã xảy ra rất nhiều. Tất nhiên khi lây lan nhiều sẽ dẫn đến tử vong nhiều, và gần như người ta – vì đang hoảng loạn trước con số lây nhiễm – vẫn giữ ý tưởng là phải « bóc tách » những người bị nhiễm ra.

Tuy nhiên, theo tôi, đã quá muộn để làm chuyện đó. Trên thực tế, số người có miễn dịch đã chiếm hơn phân nửa dân cư thành phố, một mặt do đã lây lan trong cộng đồng, và tự động đã hết (với rất nhiều người), một mặt hàng triệu người đã được miễn dịch qua chích ngừa. Như vậy, việc bóc tách không còn cần thiết nữa.

Quan điểm của tôi là nên thay đổi về mặt lý thuyết. Cho đến nay, chính sách ngăn chặn F0 đã không giúp giảm mà số ca nhiễm ngày càng tăng thêm. Các ca nhiễm tăng lên vượt ra ngoài khả năng thống kê của chính quyền. Ban đầu chính quyền chỉ theo con số thống kê mà chính quyền xét nghiệm được, còn giờ đây bệnh nhân lại tự xét nghiệm, tự phát hiện dương tính, tự điều trị, hoặc không điều trị mà tự hết. Con số này là không đếm được. Hiện nay, người ta lại mong muốn xét nghiệm hết toàn bộ xã hội để tìm F0, thì tôi thấy không mang lại lợi ích gì. Vì trong đó đã có nhiều người đã nhiễm và đã hết, và có những người chưa từng nhiễm, và khi xét nghiệm thì hôm nay nhiễm, ngày mai lại hết, và có khi chưa nhiễm, ngày mai lại nhiễm. Con số F0 này không mang lại một lợi ích nào.

Như vậy đối với nguồn lực y tế và xã hội yếu kém, không đủ để bao phủ hết xã hội, thì chỉ nên tập trung vào đối tượng bị nguy cơ thôi. Thay vì tập trung truy lùng F0, chúng ta cần tập trung « bóc tách » những người có nguy cơ. Những người có nguy cơ ước chừng 5%, thậm chí thấp hơn. Như vậy chúng ta sẽ dư sức để quản lý Covid, và dư sức mà bảo vệ những người bệnh không Covid. Đó là điều cần thay đổi về mục tiêu.

RFI: Trước khi xin được hỏi Bác sĩ kỹ hơn về phương án ưu tiên đối tượng có nguy cơ, xin Bác sĩ cho biết những Được Mất của chính sách chống dịch giai đoạn hơn hai tháng vừa qua.

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Theo quan điểm của tôi là việc gì cũng phải rút kinh nghiệm, nhưng tôi thấy người ta hầu như không rút kinh nghiệm từ các đợt giãn cách trước. Đã hơn hai tháng rồi, giãn cách nhiều rồi, gây thiệt hại rất nhiều rồi, phương thức như vậy không mang lại hiệu quả nào mà vẫn tiếp tục. Vẫn phong bế, ngăn chặn, vẫn đóng băng xã hội, rồi vẫn xét nghiệm đại trà, thì hậu quả nó sẽ tiếp tục theo hướng đó, tức dịch được coi như là vẫn tiếp tục, người chết vẫn tăng lên.

Theo tôi, trên thực tế số người đã nhiễm và đã tự hết rất nhiều. Chỉ có cách xét nghiệm kháng thể mới biết được tại thành phố này đã có bao nhiêu người nhiễm (***). Còn để xét nghiệm kháng nguyên chắc cũng khó ra rồi. Vì đã có rất nhiều người nhiễm rồi. Và quá trình giảm sút số người nhiễm mới xảy ra một cách tự nhiên chứ không phải do biện pháp giãn cách, do các biện pháp mạnh. Ngược lại, hậu quả của biện pháp mạnh đó sẽ là xã hội bị suy sụp về mặt kinh tế, suy sụp về mặt xã hội, bị tổn thất vì cái giải pháp quá mạnh tay đó. Việc tiếp tục siết chặt sẽ gây ra tổn thất nhiều hơn là lợi ích trong việc chống dịch.

RFI : Trên thực tế, chính quyền cũng đã thừa nhận chính sách tập trung cách ly và điều trị toàn bộ F0 là thất bại. Hệ thống « tháp 5 tầng » bao gồm các bệnh viện và cơ sở thu dung để điều trị toàn bộ « F0 » (công bố ngày 23/07, sau khi đã nâng lên thành « 3 tầng » và « 4 tầng ») rút cuộc phải rút trở lại thành « tháp 3 tầng » (ngày 17/08), nhưng với tầng thứ nhất là theo dõi người « F0 » không triệu chứng và chăm sóc, điều trị người có triệu chứng nhẹ ngay tại nhà. Thay đổi này phải chăng cho thấy chính quyền đã sửa sai, thừa nhận không thể cách ly và quản lý nổi toàn bộ « F0 »?

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Tôi cũng thấy chính quyền đã nhìn nhận ra điều đó. Tức là không thể nào bóc tách « F0 » được, không thể nào quản lý « F0 » được. Bây giờ, người ta đang tập trung vào việc điều trị, không phải chỉ trong bệnh viện, mà là điều trị tại nhà. Biến mỗi nhà thành một « bệnh viện nhỏ » cho bệnh nhân. Ý tưởng đó thì tốt, nhưng người ta vẫn đang chỉ tập trung vào bệnh nhân Covid, mà chưa chú ý đến những loại bệnh không Covid. Thứ hai là người ta vẫn quan tâm đến tất cả những người bị nhiễm để điều trị. Trong khi 80% người nhiễm là không có triệu chứng, và tự hết không cần điều trị. Như vậy thì không nên quản lý toàn bộ những người bị nhiễm.

RFI: Trở lại với vấn đề các nhóm đối tượng nguy cơ cao với dịch Covid, xin Bác sĩ cho biết thêm đây là các nhóm nào?

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Trong tất cả các bệnh truyền nhiễm, chúng ta biết rằng mỗi loại tác nhân khi tác động vào cơ thể sẽ đặc biệt gây hại đến một nhóm đối tượng. Ví dụ sốt xuất huyết thường tác động vào trẻ em, gây chết do tắc dịch trong lòng mạch, hoặc cúm thì sẽ tấn công vô người già. Virus gây bệnh Covid cũng vậy. Sẽ có một nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tác động. Ban đầu, người ta chưa xác định được đối tượng gây tử vong là ai, nhóm nào. Tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên của năm ngoái, và tới năm nay, thì hầu hết các báo cáo cho thấy là đối tượng chính bị virus tấn công là người cao tuổi, có bệnh nền, ví dụ như tiểu đường, suy thận, ung thư, hay các bệnh tim mạch sẵn.

Ở Việt Nam trong giai đoạn đầu cũng nói như vậy. Cho đến nay, khi ở thành phố HCM số người tử vong vì Covid tăng vọt, thì chúng ta lại không thấy báo cáo về nhóm đối tượng nào là nạn nhân nhiều nhất. Rất cần xem lại thành phần tử vong có giống với trước đó hay không. Tôi không có số liệu để nói chính xác, nhưng dự đoán là có thể cũng tương tự như vậy. Căn cứ trên các thống kê quốc tế, cũng như trên báo đài của bộ Y Tế, các quan sát của các bác sĩ ở bệnh viện, cơ sở thu dung chống dịch, cũng như kinh nghiệm của bản thân tôi khi đi điều trị tại nhà, tôi thấy nhìn chung các ca tử vong chủ yếu nhằm vào các phụ nữ tăng cân, béo phì, có tiểu đường, trên 65 tuổi. Nhóm đó là cao.

RFI : Theo Bác sĩ, cần phải bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao như thế nào?

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Khó mà tách hẳn những người có nguy cơ cao ra khỏi cộng đồng để bảo vệ riêng họ được. Ở TP HCM, cũng như cả nước, đã từng tạo ra những nơi tập trung, cách ly, nhưng điều đó không mang lại hiệu quả cao, mà nhiều khi mang lại hậu quả xấu. Chúng ta đã có ý tưởng điều trị F0 tại nhà, tuy nhiên, lại gặp điều vướng mắc là những ngôi nhà trong thành phố thường nhỏ hẹp, nên các F0 đó có nguy cơ lây lan.

Vậy thì phải làm thế nào? Hiện tại TP HCM đang trong thời kỳ giống như là Thiết quân luật, giãn cách nghiêm ngặt. Trong bối cảnh này, chúng ta cần xác định những nhà nào có người già, người lớn tuổi, thì cần cho các lực lượng đi xét nghiệm nhóm người này. Thay vì xét nghiệm toàn thành phố, nên dành trước hết xét nghiệm cho những người có nguy cơ cao, người già, dù là người có bệnh nền hay không. Làm xét nghiệm tại chỗ rất nhanh, trong vòng 15 phút. Nếu như chưa nhiễm, lập tức chích ngừa luôn. Không dồn người già đến các vị trí như kiểu hội trường hay sân vận động để chích, vì điều đó gây lây nhiễm thêm. Còn giả dụ như phát hiện đã nhiễm, phải cấp luôn thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Như vậy, thì áp dụng được giải pháp mới của Nhà nước là biến ngôi nhà thành « bệnh viện ». Sử dụng ngay cái giường ngủ của bệnh nhân để làm « giường bệnh ». Điều trị tại chỗ như vậy là một giải pháp khả thi, tiết kiệm và hiệu quả.

Rồi sau khi mình tập trung xử lý xong nhóm nguy cơ cao nhất rồi, mình chuyển sang nhóm nguy cơ cao thứ hai, là những người trung niên, và béo phì. Theo nguyên tắc tháp tam giác, với đỉnh là nhóm nguy cơ cao nhất, rồi nhóm nguy cơ thứ nhì, rồi hướng sang toàn dân. Nhưng với toàn dân, tôi nghĩ là chắc không cần nữa, với lý do là ở trong cộng đồng đã lây lan với nhau khá nhiều, người ta tự làm xét nghiệm, và có thể tự thấy là cả gia đình dương tính, rồi sau đó « chuyển âm » hết (chuyển sang âm tính). Số lượng đó, nếu có điều tra để thống kê sẽ thấy được số lượng người « miễn dịch tự nhiên » trong cộng đồng. Cùng với số lượng 5 triệu người đã tiêm chủng và các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao đã được bảo vệ, thì phần còn lại cũng sẽ miễn dịch bằng con đường nhiễm tự nhiên và tiêm chủng, cũng không cần can thiệp nữa. 

Về các trường hợp chuyển bệnh nặng đột ngột cũng cần xác định nhóm có khả năng nguy cơ tương đối cao, nói ví dụ như đàn ông trung niên, khoảng 50 tuổi, cao to béo tốt, tôi nói ví dụ thôi. Cần có các thống kê để làm rõ. Với các đối tượng có nguy cơ tương đối cao như vậy cũng cần báo trước với họ để chuẩn bị. Thật ra chuẩn bị chỉ có ba chuyện chính thôi. Thứ nhất là phải có oxy tại nhà. Chuyện thứ hai là phải có thuốc men, thuốc chống đông máu, kháng viêm để sẵn. Và thứ ba là phải có kiến thức ứng dụng, để biết khi nào thì áp dụng các giải pháp đó cho mình. Không dùng quá sớm, và cũng đừng quá muộn. Và ngoài chuyện can thiệp đối tượng nguy cơ cao, thì phải có truyền thông giáo dục để dân chúng tự bảo vệ nữa.

RFI: Nhìn chung, theo Bác sĩ cần phải làm gì để có được một chính sách phòng chống dịch phù hợp, trong giai đoạn hai tuần siết chặt phong tỏa tới, cũng như sau đó?

Bác sĩ Phan Xuân Trung: Những người lãnh đạo cao nhất cần phải uyển chuyển. Tôi thấy rằng trước đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chẳng hạn, ông ấy đã quan sát xã hội hàng giây, hàng phút. Ông đọc báo, ông ấy thấy những hiện tượng bất hợp lý xảy ra, thì lập tức ông ấy ra lệnh liền. Thí dụ như ở Hải Dương, Hải Phòng đem bê tông ra chặn đường, vì một nội dung trong Chỉ thị về giãn cách (« thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh…» ). Ông nói ngay, ý tôi không phải là vậy, tôi chỉ ví von để thấy rằng cần phải giãn cách con người với nhau, chứ không phải mang cục bê tông ra ngăn cản. Người đứng đầu phải nhìn nhận, và can thiệp ngay lập tức theo từng giây, từng phút, không có cứng nhắc khi mà đưa ra một mệnh lệnh, phải chờ đến hai, ba, bốn, năm tuần gì đó mới bắt đầu sửa chữa thì điều đó gây ra những hậu quả quá lớn. Tôi không thấy được sự uyển chuyển như vậy trong giai đoạn này.

Tôi nghĩ rằng cần phải một hội nghị Diên Hồng, hội nghị với sự tham gia của những người có chuyên môn, có ý tưởng, những chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học. Ngồi lại với nhau để đưa ra các ý tưởng chung, lấy kiến thức, lấy chuyên môn, lấy trí óc để định hướng công việc, chứ không nên dựa vào các chỉ thị mang tính hành chính nữa.

RFI : Xin cảm ơn Bác sĩ Phan Xuân Trung.

***

Ghi chú

(*) Bác sĩ Phan Xuân Trung là một trong những người đầu tiên khởi xướng mạng « Giúp Nhau Mùa Dịch » trên Facebook, bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ cộng đồng trong mùa dịch tại Sài Gòn đầu hè 2021.

(**) « Việt Nam: Lo ngành y tế ”bỏ rơi” các bệnh khác, nếu tiếp nhận tất cả ca nhiễm Covid », RFI, ngày 08/07/2021.

(***) « Việt Nam: Chính quyền bị động trước Covid do thiếu ‘‘điều tra kháng thể’’ », RFI, ngày 14/08/2021.

MỤC TIÊU VACCINE CỘNG ĐỒNG CUỐI THÁNG 8 KHÓ KHẢ THI?

FB Bs. Nguyễn Phan Tú Dung

Mới sáng nhận bao nhiêu cuộc gọi, nhắn tin của nhân viên và nhiều Group nhân viên y tế! Trạm này ko cho qua, trạm này đòi giấy của SYT, trạm kia yêu cầu mã code… có bạn giải thích được show công văn UBTPHCM vào chiều hôm qua quy định Bv được quyền cấp mẫu theo quy định ngành thì được phép đi, nhưng cũng nhiều người phải quay đầu về!

Nhân viên y tế đi tham gia chống dịch mà khó khăn vậy thì tôi chắc chắn không dễ gì người dân đi tiêm ngừa vô tư như trước! Đã 9h sáng mà nơi tiêm ngừa chỉ có 2 người, một cụ ông 65 tuổi và một bạn trẻ! Thành phố đặc mục tiêu đạt 70% chích ngừa vào cuối tháng 8 nhưng 10 ngày nay đã chậm khá rõ, hôm nay sẽ ai ở nhà nấy 2 tuần nữa và kiểu như bất động thì khó mà kì vọng mục tiêu!

Dẫu biết trận dịch này chưa có tiền lệ và quá sức nên chuyện lúng túng thì ai cũng hiểu nhưng có những thứ hoàn toàn sắp xếp và thống nhất! Chuyện cấp giấy đi đường tới trưa hôm qua họp UB mới quyết và có nhiều nơi hiểu theo kiểu riêng của mình, có phường hiểu rằng chỉ được cấp đi trong phuong mới ghê, cũng đến trưa hôm qua mới thống nhất ko mặc áo đồng phục chỉ danh!

Mấy ngày nay nhìn con số nhiễm lên trên 13000 và con số tử vong đến được mà tôi thật sự choáng! Cả ngày hôm qua nhận hàng chục cuộc gọi giải cứu mà bất lực khiến tôi rất xót!

Rất mong chính quyền hãy đẩy nhanh mục tiêu tiêm vắc thần tốc cho dân, mà muốn hoàn thành thì hãy sắp xếp kế hoạch chỉnh chu, đừng ban hành và đẻ ra bao cái cản trở mục tiêu ban đầu! Cảm giác sự rối ren, chồng chéo, lùng nhùng…

Hy vọng mọi thứ sẽ ổn trong những ngày tới!

clip_image030

clip_image032

VÌ SAO TỈ LỆ NGƯỜI CHẾT Ở BÌNH DƯƠNG CHỈ BẰNG 1/4 TỈ LỆ NGƯỜI CHẾT Ở SÀI GÒN?

FB Lưu Trọng Văn

Ngày 23.8 ghi nhận 389 ca chết, tại: TP.HCM 340 ca, Bình Dương 34.

24 giờ qua số ca nhiễm trong nước giảm 963 ca. TP.HCM 4.251 ca tăng 58 ca, Bình Dương 3.183 ca, giảm 612 ca.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 180.245, với hơn 7.000 người chết, tỉ lệ 3,9%, trong khi đó Bình Dương 73.425 với chỉ hơn 600 người chết tỉ lệ 0,85%.

Rõ ràng tỷ lệ số người chết vì dịch trên tổng số ca bệnh ở Bình Dương chưa bằng 1/4 số người chết vì dịch trên tổng số ca bệnh ở Sài Gòn. Tỷ lệ số người khỏi bệnh ở Bình Dương cũng cao hơn tỷ lệ người khỏi bệnh ở Sài Gòn.

Bộ Y tế ngày 22.8 dẫn nhận định của PGS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương:

“Ghi nhận những ngày qua số ca mắc mới của Bình Dương tăng cao. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân ra viện cũng lập kỷ lục, có ngày gần 5.000 người được ra viện, "số người công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới".

PGS Hiếu nói: "Cách đây một tuần, tôi nói Bình Dương chưa lên đỉnh dịch, bệnh nhân, người nhiễm mới vẫn còn đông. Những ngày gần đây, bệnh nhân được công bố khỏi đã nhiều hơn, đây là một tín hiệu rất mừng.

Thời điểm này, tôi nghĩ Bình Dương đang ở đỉnh dịch, vì số ca nhiễm mới và số người ra viện đang đi song song".

Nếu tính toán từ trong trung tâm dịch Bình Dương của BS. Hiếu là thực tiễn thì câu hỏi đặt ra những lý do nào có sự khác biệt chống dịch giữa Bình Dương và Sài Gòn?

– Cái may mắn của Bình Dương là trước khi dịch bùng phát hầu hết lãnh đạo cao nhất của tỉnh từ bí thư tỉnh uỷ một bầy sâu, dính tiêu cực và vi phạm phẩm chất đạo đức đã bị Bộ CA truy tố.

Dàn lãnh đạo mới trước tấm gương tày trời kia không thể không cảnh tỉnh mình:

Muốn tồn tại thì đừng lo lợi ích riêng mình mà tốt hơn hết là tập trung lo cho Dân.

Và đó chính là đầu tàu sức mạnh mới kịp thời, có hệ thống, nghiêm minh, chính trực hơn cho Bình Dương khi lâm đại dịch.

– Việc bộ Y tế cử tướng tài là PGS. Nguyễn Lân Hiếu giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, ĐBQH rất có uy tín và vì Dân vào Bình Dương cùng sự tin tưởng hỗ trợ hết mình của lãnh đạo Bình Dương đối với Bs.Hiếu, đã giúp Bình Dương có chỗ dựa tin cẩn thống nhất để bình tĩnh chống dịch.

– Bên cạnh đó Bình Dương lập BV dã chiến mời các BS và lương y Y học Dân tộc của QĐ vào hỗ trợ có được những cách điều trị hiệu quả, và "lấy hiệu quả là trên hết" đã phần nào giúp cho số bệnh nhân khỏi bệnh tương đương số bệnh nhân mới cũng như hạn chế được tỷ lệ người chết dịch so với Sài Gòn.

Trong khi Sài Gòn vẫn đang lúng túng trong điều hành thống nhất thì Bình Dương hành động quyết liệt.

– Ngày 23.8, UBND tỉnh Bình Dương quyết định trung chuyển 17.000 ca F0 mắc Covid-19 tại Bình Dương từ "vùng đỏ" phía nam của tỉnh đến các khu cách ly, điều trị của các huyện, thị xã, thành phố phía bắc có cơ sở y tế tốt hơn như Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Việc làm này nhằm "chia lửa" cho hai địa phương có nhiều ca nhiễm là TP.Thuận An (điều chuyển 10.000 ca F0) và thị xã Tân Uyên (7.000 ca).

– Điều Dư luận còn băn khoăn đối với Bình Dương là điều kiện vật chất còn yếu kém ở các khu cách ly, đặc biệt là khu cách ly Tân Uyên cũng như những yếu kém chống dịch của lãnh đạo Tân Uyên.

Thì lập tức ngày 23.8, Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ra quyết định kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan của thị xã Tân Uyên vì đã để xảy ra những sai sót, yếu kém trong phòng chống dịch.

Đoàn Hồng Tươi – phó bí thư thị ủy, chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên – bị thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách".

Nguyễn Văn Dành – bí thư thị ủy thị xã Tân Uyên cùng ban thường vụ thị ủy được yêu cầu phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong địa bàn.

Những quyết tâm cùng cách thức chống dịch quyết liệt, biết trọng dụng người tài của ê kíp lãnh đạo mới của Bình Dương đã tạo nên cách nhìn lạc quan cho Bs Nguyễn Lân Hiếu:

"Tôi rất hy vọng hết tháng 8 này Bình Dương của chúng ta đi qua đỉnh dịch".

Vâng bà con Sài Gòn đang dõi theo vùng đỏ Bình Dương sớm vượt qua đỉnh dịch để tạo năng lượng mới tích cực cho Sài Gòn vào Niềm tin thắng dịch của mình.

SUY NGHĨ VỀ MỘT BỨC HÌNH, VÀ TIÊU CHUẨN HÀNH XỬ CỦA TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỨC

FB Vu Thi Phuong Anh

Mấy ngày nay thấy lan truyền một bức một anh mặc quân phục trao gói hàng cho người dân ở tận cổng, để minh chứng cho việc "bộ đội đi chợ giúp dân".

Ok, "bộ đội đi chợ giúp dân" thì tốt rồi. Vấn đề là đang phong tỏa cứng (hard lockdown), mà trong tấm hình thì thấy ngoài 1 anh bộ đội 1 người nhận hàng, còn cả chục người đi kèm để… chụp hình (có đến 3, 4 cameramen) và… làm phông để chụp hình cho xôm tụ, chắc thế.

Và, như một quy luật tất yếu, có những lời ra tiếng vào bình phẩm chê trách sự việc nói trên – tức là, nếu một sự việc như vậy thực sự đã xảy ra. Đại khái, đang hard lockdown mà đi nhiều như thế để lây nhiễm à? Hoặc, 1 người làm mà cả chục người ăn theo, vỗ tay chụp hình, thật lãng phí thời gian, nhân lực và tiền của, trong thời buổi khó khăn dịch bệnh thế này…

Tôi có đọc qua và thực ra cũng chẳng quan tâm mấy – còn đang lo công việc và sự an nguy của chính mình và gia đình không hết, hơi đâu lo mấy cái thị phi của cộng đồng mạng, haizzz. (Mặc dù mấy lời phê bình kia cũng không phải là không đúng, thật!)

Nhưng hôm nay tôi đọc được bài viết này của trang có tên là Nhà báo và bạn đọc (xem status tôi chia sẻ bên dưới) thì lại thấy cần phải viết vài lời. Về tiêu chuẩn hành xử của truyền thông chính thức, bao gồm truyền thông của nhà nước và phát ngôn chính thức của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp lớn…

Nguyên tắc của truyền thông chính thức bao giờ cũng phải là trung thực, đầy đủ và khách quan. Không thể tô hồng – tất nhiên chẳng ai bôi đen chính mình cả. Không thể nói chỉ một phần sự thật, vì mảnh ghép thông tin còn thiếu sẽ nhanh chóng được tìm ra và bổ sung ngay thôi. Không được có chủ kiến riêng, không được bên bênh bên bỏ.

Bất kỳ sự vi phạm nào đối với 3 yếu tố trên đều thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và không thể tạo dựng được niềm tin ở người tiếp nhận thông tin. Mà với truyền thông của nhà nước thì như thế rất không ổn, vì sẽ tạo cơ hội cho các tin đồn và thuyết âm mưu nảy nở khắp nơi.

Vì vậy, tôi cho rằng bức hình kia nếu có thật thì rất dở. Không nên tiếp tục bênh vực, mà chỉ nên tiếp thu. Vì không thể bênh vực được, và càng nói thì càng sai. Như được minh họa bởi bài viết mà tôi chia sẻ bên dưới.

Xin kết thúc bằng chính comment của tôi trên bài viết đó:

"Bạn ơi, nhà nước ra chính sách thì chỉ cần đúng, người dân sẽ tâm phục khẩu phục mà thi hành. Truyền thông của nhà nước thì phải theo tiêu chí khách quan, trung thực và đầy đủ, chứ không mang tính quảng cáo như tư nhân. Không so sánh nhà nước với cô ca sĩ TT làm từ thiện được bạn ạ."

https://m.facebook.com/groups/nhabaodieutra/permalink/1041124339994276/

clip_image034

SHIPPER VĨ ĐẠI!

FB Đặng Chương Ngạn

Có thể gọi người thanh niên giao hàng này như vậy.

Ngày 22/8/2021 ngày cuối cùng trước khi “ thiết quân luật”, tôi loanh quanh trong Centralpark Nguyễn Hữu Cảnh để tìm một shipper nhận giao gói hàng nhỏ vào Q.3, họ đều từ chối. Tôi hết sức thất vọng. Tôi gặp một shipper mang áo màu vàng, chở một thùng xốp lớn sau xe, đang đứng chờ người ra nhận trước Park 6. Shipper áo vàng xua tay ngay khi tôi hỏi: “Em không giao được. Em còn phải đi mấy điểm. Hôm nay ngày 22. Em muốn về sớm lo việc nhà!”. Tôi thất vọng bước đi…

Nhưng khác với mấy lần trước, lần này, tôi quyết định quay lại kiên nhẫn kể khổ và nài nỉ: “Anh không cần giao ngay. Em giao sau khi xong mấy điểm kia cũng được!”. Vẫn xua tay từ chối.

“Đây là thực phẩm anh giao cho một người đang bị cách ly không thể ra khỏi nhà. Chú ấy sống một mình. Không có ai thân thích ở Sài Gòn. Đã nhịn đói mấy ngày qua…”

Suýt nữa, tôi đã reo lên khi shipper này nhận lời. “Gói hàng của anh đâu?”- “ Bây giờ, vợ anh đi vào siêu thị mua, sẽ đưa cho em trước khi em giao xong hàng khu này!”

Mọi việc không đơn giản vì 30 phút sau, La Mai Thi Gia mới chỉ mua được lọ thuốc ho. Còn mua các thứ khác thì không thể vì tất cả các siêu thị trong khu Centralpark dòng người xếp hàng dài vô tận…

Tôi gọi điện hẹn lại shipper sẽ giao hàng trên đường Song Hành, Q.2.

Khoảng 20 phút sau, shipper đã giao xong món hàng cuối cùng và đến ngay đường Song Hành, trước siêu thị MM như đã hẹn.

Tôi nói đang ở siêu thị em chờ thêm 15 phút. Rồi lại hẹn chờ tiếp 10 phút. 30 phút sau, Thi Gia mới ra khỏi siêu thị nhưng vẫn thiếu: trứng, thịt, mì tôm… vì siêu thị không còn. Tôi xin lỗi shipper và hỏi em ấy có thể chờ thêm 15 phút không vì tôi phải về nhà lấy thêm mấy thứ…

Cuối cùng, thì gói thực phẩm cũng nằm trong thùng các tông của shipper và chào tạm biệt nhau.

Tôi chạy xe một đoạn nhận ra hộp thuốc ho vẫn còn trên ghế. Vợ tôi thất vọng: thôi đành thiếu một thứ! Nhưng tôi biết cái hộp thuốc này là thứ người bệnh cần nhất lúc này. Tôi đành gọi shipper xem em đã đi đến đâu. Em đã qua cầu Sài Gòn. Em nói: Em sẽ tìm đường quay lại…

Tôi đứng chờ trên đường Song Hành. Để em dễ nhận, tôi cầm lọ thuốc trên tay và đứng ra giữa đường. 10 phút, 20 phút, 30 phút… tôi đã nghĩ em không quay lại. Nhưng cuối cùng shipper áo vàng đã dừng xe trước mặt tôi: “ Đường rào nhiều chỗ quá, phải tìm lối đi!”.

Tôi nghĩ đến những khoảng khắc trước đại hồng thuỷ!

Những khoảng khắc của dân Afghanistan trước sân bay Cabul!

Những khoảng khắc bấn loạn với bao nhiêu việc phải làm mà thời gian còn quá ít của ngày 22/08/2021.

Trong những khoảng khắc ấy, một việc quá bình thường trong thời điểm khác cũng trở nên vĩ đại.

Áo vàng là một shipper vĩ đại! Em ấy đã hết sức tận tâm với công việc: dù đó chỉ là một đơn hàng có mấy chục ngàn tiền phí!

Tôi không kịp hỏi tên em. Số điện thoại của em còn lưu trong máy là: 0768923801.

Hình: May còn hình ảnh shipper lấy được từ camera hành trình xe ô tô!

clip_image036

clip_image038

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH CÓ TẠO NÊN MỘT XU THẾ TỰ TỪ CHỨC?

FB Nguyen Ngoc Chu

1. Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tuyên bố “Sẽ từ chức nếu để người dân đói trong thời gian giãn cách xã hội” – có lẽ là trường hợp hy hữu trong lịch sử nước CHXHCNVN (https://www.sggp.org.vn/bi-thu-tinh-uy-dong-nai-nguyen…).

Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh khác với trường hợp ông Lê Huy Ngọ xin từ chức để tránh phải thảo luận về trách nhiệm.

Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng khác với tuyên bố của cựu TT Nguyễn Tấn Dũng khi nhận chức “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong hoàn cảnh ông Phan Văn Khải khi rời chức Thủ tướng trước nhiệm kỳ và tiến cử ông Nguyễn tấn Dũng, đã nhận lỗi: "Để tham nhũng nghiêm trọng, tôi nhận lỗi trước nhân dân". Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng là một “nước cờ chính trị”.

Nay không ai bắt buộc, lại không có vị thế như ông Nguyễn Tấn Dũng để khuynh đảo mà thoái thác trách nhiệm, nhưng ông Nguyễn Hồng Lĩnh đã tự treo vào mình “án” tự từ chức khi để “dân đói trong giãn cách xã hội”.

Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh có lẽ không phải là một “nước cờ chính trị”. Bởi thí dụ ở TP HCM cho thấy số người dân bị đói trong giãn cách xã hội là cả triệu người, đến mức hàng vạn người phải ra đi. Và thực tế ở TP HCM thì việc chống dịch Covid không thành công có lẽ là một trong những nguyên nhân mà ông Nguyễn Thành Phong phải rời chức Chủ tịch UBND TP HCM. Cho nên, có thể tiên liệu, ở Đồng Nai cũng có đến hàng vạn người đối mặt với đói khi thực hiện giãn cách. Mà việc xác định dân có bị đói hay không cũng không khó, vì ai bị đói cũng có thể kêu lên qua MXH. Cho nên tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh sẽ phải đối mặt với sự kiểm chứng thực tiễn. Ở phương diện khác, cũng chưa thấy ông Nguyễn Hồng Lĩnh có cơ hội để bước lên một chức vụ mới – đến mức phải mạo hiểm đánh đổi chức bí thư tỉnh uỷ. Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh có vẻ nghiêng về chân thật, từ trách nhiệm, chứ không nghiêng về “nước cờ chính trị”.

2. Nhưng nể phục hơn, tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định trách nhiệm của bí thư tỉnh uỷ là người đứng đầu tỉnh, chứ không đổ lỗi trách nhiệm cho Chủ tịch UBND tỉnh. Trong 62 tỉnh thành chưa có vị bí thư nào dám dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm rõ ràng như ông Nguyễn Hồng Lĩnh.

Phải thêm một lần nhắc lại, bất cứ ở tổ chức nào, đơn vị nào, địa phương nào, thì người có chức vụ cao nhất phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Ở phương diện tỉnh thành là bí thư tỉnh thành chứ không phải chủ tịch UBND. Ở phương diện quốc gia là TBT, rồi sau mới đến TT và các chức vụ khác. Phân công hay không phân công thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Phân công cho Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban phòng chống Covid -19, thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Bí thư tỉnh uỷ. Phân công cho Phó thủ tướng làm trưởng Ban phòng chống dịch Covid -19 thì trách nhiệm lớn hơn là của Thủ tướng.

Trường hợp TP HCM, dù ông Nguyễn Thành Phong có là Trưởng ban chống dịch thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về ông Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên. Ông Phan Văn Mãi thay ông Nguyễn Thành Phong – có làm Trưởng ban phòng chống dịch thì trách nhiệm lớn nhất ở TP HCM vẫn thuộc về Bí thư thành uỷ chứ không phải là Chủ tịch UBND TP. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định chức vụ và trách nhiệm cao nhất của các bí thư tỉnh thành. Đó là sự sòng phẳng đáng nể của ông Nguyễn Hồng Lĩnh. Đáng nể vì trong cả bộ máy chưa thấy ai dám tuyên bố sòng phẳng như ông Nguyễn Hồng Lĩnh.

Ở nước ta đảng cầm quyền. Chính quyền không phải là nơi để người có chức vụ đảng cao nhất chối bỏ trách nhiệm. Chính việc người có chức vụ cao nhất trong đơn vị không đứng ra nhận trách nhiệm, nên không kỷ luật được ai khi thất bại. Thành ra, hoặc là phê bình, hoặc nhận lỗi tập thể, hoặc lấy một ai đó cấp dưới để kỷ luật thay thế.

Nói đến kỷ luật thay thế thì nhớ đến tích “ Tào Tháo cắt tóc thay đầu”. Nhưng tóc từ đầu của Tào Tháo, chứ không từ đầu của người khác. Trong trường hợp phải thế mạng, thì Tào Tháo cũng sòng phẳng – báo trước cho Vương Hậu là mượn đầu của Vương Hậu để yên lòng quân, xin phụng dưỡng mẹ già và gia đình Vương Hậu.

Việc nhận lỗi tập thể, và kỷ luật cấp dưới thay thế, xem ra còn thua sự sòng phẳng so với “cắt tóc thay đầu” và “mượn đầu Vương Hậu” của Tào Tháo.

Cho nên, nể phục ông Nguyễn Hồng Lĩnh – là may có ông Nguyễn Hồng Lĩnh khảng khái nhận trách nhiệm để không phải đẩy lỗi sang cho chính quyền, che đậy trách nhiệm bằng nhận lỗi tập thể, hay kỷ luật cấp dưới thay thế, để đỡ khó coi với tiền nhân. Vì không có lẽ ở thế kỷ 21 rồi, với dân số 100 triệu mà không có ai khảng khái dám chịu trách nhiệm?

Điều lăn tăn là ông Nguyễn Hồng Lĩnh muốn từ chức chưa chắc đã được từ chức. Vì nó tạo tiền lệ buộc người không muốn từ chức phải từ chức. Những người dựa vào “tổ chức phân công”, “ tổ chức giao nhiệm vụ” chắc chắn không phấn khởi khi nghe lời dám nhận trách nhiệm của ông Nguyễn Hồng Lĩnh. Ở phương diện “tổ chức phân công”, “tổ chức giao nhiệm vụ” – chưa thấy ai kiên quyết từ chối để mà nể phục.

Hy vọng lời nói đi đôi với việc làm, ông Nguyễn Hồng Lĩnh sẽ không để dân đói trong giãn cách xã hội, và tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy lùi được dịch bệnh.

Muốn đất nước không tụt hậu thì trước hết phải có những người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, dám tự nguyện từ bỏ quyền lực. Trong khung cảnh cả bộ máy đã hàng chục năm không có ai chịu tự nguyện rời bỏ quyền lực, dẫu chỉ mới tuyên bố thôi, thì trường hợp ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đã là hiếm. Rất mong có thêm một người dám tuyên bố như ông Nguyễn Hồng Lĩnh nữa để mà nể phục.

Nếu hàng ngũ lãnh đạo từ tỉnh thành cho đến trung ương có nhiều người dám tuyên bố như ông Nguyễn Hồng Lĩnh thì nhiều điều mới có lợi cho đất nước sẽ xuất hiện.

clip_image040

QUÁ MỆT MỎI

FB Xuân Sơn Võ

Hôm nay, ngày đầu tiên của đợt giãn cách thứ 6 (hay thứ 5 gì đó, nhiều quá tôi đếm không xuể). Tình hình đi đường của những người thuộc OXY CHO SỰ SỐNG khá thông suốt, trừ một vài chốt đòi phải có dấu của Sơ Y tế.

Nhưng đến trưa thì rất nhiều phòng khám phản ánh, rằng rất nhiều chốt không chấp nhận mẫu giấy đi đường số 5 của các cơ sở y tế. Chiều nay thì Sở Y tế TPHCM ban hành công văn 5909/SYT-VP, yêu cầu các đơn vị cung ứng vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ cho các cơ sở y tế lập danh sách nhân viên để Sở Y tế cấp giấy đi đường.

Tuy nhiên, cuối công văn này có một đoạn “Các trường hợp đặc biệt khác (đơn vị cung ứng oxy, cung ứng và sửa chữa các trang thiết bị y tế đặc biệt…), Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho công an Thành phố”. Thật sự là rất khó hiểu với đoạn này. Nhưng Phòng Y tế hướng dẫn chúng tôi lập danh sách gởi lên Sở Y tế.

Thực sự thì cả đời tôi, tôi rất sợ là mấy cái nghị quyết, chỉ thị, thông tư, công văn… nhất là việc nhớ số của chúng. Thế mà gần 2 năm nay, cuộc đời tôi dính liền với các con số kinh khủng đó, nào là chỉ thị 15, chỉ thị 16, chỉ thị 12, và cơ man nào là công văn, cái sau cãi lại cái trước, cái sau ngược với cái trước. Chợt nhớ có bài viết đang lan truyền trên mạng: Đùng một cái, đùng một cái, đùng, đùng, đùng…

Tối nay, có một lô bình oxy tại Hà Nội, với giá ưu đãi. Nhưng tôi đã không đặt. Với số bình hiện nay, chúng tôi đã khá vất vả. Nếu ngày mai, 300 bình oxy 8 lít, 50 bình oxy 9 lít và 10 bình oxy 40 lít về, chúng tôi sẽ phải có thêm một xe tải nữa để mỗi ngày 3 xe cùng đi nạp oxy 2 tua, từ sáng sớm đến khuya, ở 3 điểm nạp oxy khác nhau, mới bảo đảm cung cấp thông suốt.

Nếu các qui định cứ thay đổi liên tục như chong chóng thế này, chắc chúng tôi phải lấy ngân sách đang bị âm của công ty để trả lương cho một nhóm nhân viên, chỉ để chạy theo các loại công văn A, rồi anti-A, rồi anti-anti-A, rồi lại A’, anti-A’… để có thể duy trì hoạt động của OXY CHO SỰ SỐNG.

Cũng có những lí do khác nữa, để tôi không đặt thêm bình oxy, đó là ngày hôm nay, Thành đoàn TPHCM làm lễ rất rầm rộ, thành lập 4 trung tâm cung cấp oxy ở Thủ Đức. Cũng hôm nay, 1000 chiến sĩ quân y cũng đã vô đến TPHCM, sẽ ngay lập tức thực hiện việc cấp cứu cho các F0 ở từng phường.

Như vậy, Thành đoàn và Quân y sẽ lo được phần việc chúng ta đang làm. Chưa biết chừng, ngày mai, Sở Y tế sẽ từ chối cấp giấy đi đường cho chúng tôi. Hoặc có khi cấp buổi chiều, tối lại thu hồi, vì không cần nữa.

Hiện nay, số dư tài khoản đã là 417.415.675 đồng. Như vậy, tổng tiền huy động đã vượt qua 2 tỉ. Do ban đầu chúng ta dành 300 triệu để cho chương trình Hỗ trợ và giải cứu, mua rau cho bà con thành phố, nên tôi dự định sẽ quyên góp khoảng 2 tỉ, và làm chương trình với khoảng 500 bình oxy.

Nhưng vì chúng ta mua được khá nhiều vật tư với giá ưu đãi, đồng thời nhu cầu cứ mỗi một ngày lại tăng thêm, nên con số bình tổng cộng sẽ lên tới 768 bình trong tuần này. Kèm theo đó là chi phí đi kèm sẽ tăng lên. Nên bây giờ, tôi dự tính chỉ quyên góp đến 2 tỉ 300 triệu đồng là ngưng.

Tuy nhiên, nếu chúng tôi không thể hoạt động được, do quyết định của các cấp lãnh đạo trung ương và địa phương cứ theo kiểu “một người đạp ga ba người đạp thắng” như thế này, tôi xin phép được khóa ngay tài khoản trước khi tổng số quyên góp đạt con số 2 tỉ 300 triệu.

Không mệt vì công việc, dù có vất vả. Nhưng cứ luôn phải tìm cách đối phó với những chính sách, quyết định thay đổi như chong chóng, của những người, mà lẽ ra phải làm công việc mình đang làm, mới thật sự mệt mỏi.

 

CÁO LỖI

FB Xuân Sơn Võ

Sáng nay, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM trả lời với tôi, rằng chúng tôi vẫn sử dụng mẫu số 5, do cơ sở tự cấp, để đi đường. Thế rồi lại có thông tin là có công văn của công an. Thật không biết đường nào mà lần.

Có vẻ như thành phố đã mất quyền kiểm soát, nên bây giờ, ai muốn ra lệnh gì thì ra lệnh. Nếu ngày mai, OXY CHO SỰ SỐNG có không hoạt động được, thì mong mọi người thông cảm, tôi đã làm hết sức mình, và vận cả sức của các mối quan hệ.

Bên công ty Thăng Long vừa báo với tôi, họ không thể có 300 bình oxy như đã hợp đồng và sẽ trả tiền lại. Thôi thì có thể đó cũng là điều phù hợp với tình hình bây giờ. Tôi sẽ cố gắng nhờ các tổ chức từ thiện khác, hoặc thuê mướn, để vận hành với số lượng bây giờ, nếu có thể được. Tất nhiên, lúc đó thì mọi việc sẽ không được chu toàn.

Khi một công việc phụ thuộc quá nhiều vào những yếu tố bất định, thì nó sẽ trở nên bất định. Và khi một chính quyền bất định, thì mọi thứ do chính quyến ấy kiểm soát cũng trở nên bất định, và tính mạng công dân sống dưới sự cai trị của chính quyền ấy cũng bất định.

Nếu có chuyện gì thì mong các bệnh nhân thông cảm. Dù sao tháng này cũng là tháng xá tội vong nhân. Thôi thì cứ coi tôi như một cô hồn vậy.

Các bạn đừng chuyển tiền vào tài khoản của tôi nữa nhé. Tôi đã yêu cầu khóa chiều nhận nhưng sáng mai ngân hàng mới khóa được.

https://tuoitre.vn/tp-hcm-doi-giay-di-duong-moi-tu-0h…

clip_image042

clip_image044

ĐỊNH DANH VÀ CHÍNH DANH

FB Nguyễn Viện

Việc Trung Quốc đưa tàu xâm lấn lãnh hải và giết hại đồng bào ta ở Biển Đông, chúng ta tránh né gọi là tàu lạ. Thay vì chúng ta phải nói thẳng và nói đúng là tàu của bạn quen, thậm chí quen thân, đồng chí Trung Quốc anh em.

Việc chống dịch hiện nay ở Sài Gòn, chính quyền ra chỉ thị “ai ở đâu thì ở đó” và đưa quân đội với súng ống vào thành phố, cùng lúc với rất nhiều chỉ thị bất nhất. Chúng ta không nói thẳng với nhau là tình trạng khẩn cấp. Không nói đúng sự việc là thiết quân luật.

Đây là lúc không phải để trách nhau hay cay cú.

Nhưng tôi muốn nói chân thành điều này: Trước một sự việc hay sự kiện, nếu không được định danh đúng, sẽ không có giải pháp đúng.

Và chỉ khi định danh đúng, tính chính danh mới sáng tỏ.

 

NHỮNG CÁI MÁY CHẠY BẰNG CƠM

FB Thái Hạo

“Người giao gas bị xử phạt trong khi dân hối mua gas”. Đây chỉ là một ví dụ tương tự như cái ví dụ “bánh mỳ không phải thực phẩm” giữa hằng hà sa số những thứ tương tự đã trở thành mẫu mực vĩnh viễn đi vào lịch sử như một kinh điển cho con người và não trạng điều hành quốc gia của không ít những người từ to tới nhỏ trong hệ thống này. Nó có thể hiểu, nhưng không bao giờ có thể sửa chữa được.

Tại sao nó không thể sửa chữa? Vì cơ bản, nhiều những hoạt động của nó không y cứ trên con người, không phải vì con người, không có con người trong những cái quyết sách và thừa hành.

Ở Mỹ, một người lái xe trong khi đã uống rượu sẽ bị phạt rất nặng, bị tước thẻ xanh đuổi về nước, thậm chí có thể đi tù nhưng những việc ấy lại không bao giờ được thực hiện cứng nhắc. Nhân viên công lực không chỉ “đo nồng độ cồn” rồi như một cái máy nhai tiền liền lôi biên bản ra viết; anh ta sẽ mời lái xe xuống và đi vài bước theo yêu cầu hoặc làm một số động tác trước mặt tài xế cùng những câu hỏi. Mục đích của những điều này là để biết xem người đã uống rượu vượt mức cho phép kia có còn tỉnh táo không. Nếu thấy tài xế vẫn trong tình trạng làm chủ được hành vi và không có khả năng gây tai nạn bởi lượng rượu dư thừa trong người thì chỉ có lời nhắc nhở.

Một con người làm việc thì khác với một cỗ máy. Và tất nhiên chúng ta phải nhớ rằng, hàng vạn “cái máy” ấy ở Việt Nam lại do một cỗ máy cái đẻ ra. Chống dịch để cứu người chứ không phải chống dịch để lấy thành tích, ngăn chặn lây lan để bảo vệ tính mạng cho dân chứ không phải để lùa họ vào các khu cách ly tồi tệ và phủi tay, coi như xong việc, sống chết mặc bay. Cái ý niệm về MỤC ĐÍCH công vụ gần như đã biến mất trong những cái não đang thi hành kia.

Một hệ thống sau khi đã rơi vào tình trạng quan liêu thì không thể điều hành được xã hội ở tình trạng bình thường nữa, vì không chỉ nạn con ông cháu cha, nạn mua quan bán tước, chạy chức chạy quyền đã “tuyển” nên một tập hợp những kẻ dốt nát, gian manh, vô cảm mà còn vì, song song với thói cửa quyền của bọn người mang căn tính nô lệ là nỗi sợ. Những con người trong cái hệ thống ấy luôn luôn làm việc trong sự sợ hãi. Họ sợ trách nhiệm, sợ bị “trảm”. Trong khi “thi hành công vụ” họ không quan tâm tới mục đích công việc của mình mà chỉ ngó sắc mặt của cấp trên, rồi cấp trên của họ lại ngó cấp trên nữa, cứ thế nó tạo thành một guồng máy vừa cũ kỹ rỉ sét vừa luôn gây tai họa.

Đêm qua, bác sĩ Võ Xuân Sơn tuyên bố sẽ đóng tài khoản hỗ trợ chương trình OXY CHO SỰ SỐNG vì “quá mệt mỏi do luôn phải tìm cách đối phó với những chính sách và quyết định thay đổi như chong chóng”… Khi cơ hội làm người tốt trong một xã hội ngày càng khan hiếm thì cái xã hội ấy chỉ có một đường thôi là đi xuống vực chứ chẳng có mặt trời nào tỏa sáng nào cả.

Trước một cỗ máy vô hồn nhưng mang sức mạnh của “kẻ hủy diệt” thì người dân sẽ tìm cách đối phó. Trí tuệ mất dần đi để thay bằng trí trá, hồn nhiên thay bằng gian dối, thật thà thay bằng luồn lách, ngay thẳng thay bằng hèn hạ… Cứ thế, một xã hội bị hủy hoại, bị mọt ruỗng từ bên trong, rút kiệt tất cả những gì tốt đẹp và để lại cùng tạo ra những gớm ghiếc cả trong hồn người lẫn cơ thể xã hội.

Chừng nào bộ máy quan liêu chuyên chế chưa được phá bỏ thì mọi sự chắp vá đều chỉ làm cho nó rối rắm và quái dị hơn. Khốn khổ là càng ngày càng ít người có cái nhu cầu phá bỏ nó, vì họ đã thu đời sống của mình lại chỉ giới hạn từ cánh cổng nhà mình trở vào đến gian bếp. Một vòng tròn bi kịch.

Thái Hạo

 

TỔNG KẾT TÀI CHÍNH

FB Ly Doi

Sau 4 phiên, tổng số tranh (chủ yếu) và ảnh, điêu khắc và gốm cổ là 107 lot, bán được 104 lot, tương đương 97%. Tổng doanh số, tính luôn tiền ủng hộ thêm 70.000.000 là 1.270.200.000. (Một tỷ, hai trăm bảy mươi triệu, hai trăm ngàn đồng).

Trên cả tuyệt vời, người mua tranh đã chuyển khoản gần như ngay lập tức, dù tranh có thể 1-2 tháng nữa thì họ mới nhận được. Họ có thừa yêu thương, sự khoan dung, nên mới làm được như vậy.

Một điều nữa, cũng chính nhờ sự đóng góp trước phiên đấu giá thứ 1 – từ những người không mua tác phẩm – mà chúng tôi đã kịp tạm ứng tiền đặt mua 4 chiếc giường hồi sức đầu tiên. Như ông bà ta thường nói, đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, mọi may mắn và tình yêu thương đã đến.

Tổng số tiền chi cho thiết bị y tế là 1.135.500.000. (Một tỷ, một trăm ba lăm triệu, năm trăm ngàn đồng). Chi tiết gồm 20 giường hồi sức (380.000.000), 4 máy thở (720.000.000), 10 xe lăn (35.500.000).

Ngoài ra, chúng tôi còn chi cho Quỹ mai táng 0 đồng theo yêu cầu của nhà sưu tập Phạm Văn Đông là 40.000.000; hỗ trợ tã sữa cho 1 sản phụ quá khó khăn trong vùng Covid-19 là 15.000.000, theo yêu cầu của nhà sưu tập Minh Ngô.

Những nhà sưu tập này đều tặng vài bức tranh cho chúng tôi, tất cả đều bán được, phần yêu cầu chi hộ của họ chỉ tương ứng với 1 bức tranh trong số đã bán.

Như vậy là chúng tôi còn tạm dư 79.700.000, ít hơn 10% dự kiến từ ban đầu một chút. Số tiền này dùng để thanh toán cho việc làm khung, gởi bưu phẩm tranh bảo đảm, bảo hiểm tranh cho các họa sĩ và nhà sưu tập, nếu họ không thể chi trả. Sau cùng, khi hậu cần xong, nếu vẫn còn dư tiền, sẽ làm thiện nguyện tiếp.

Về những bức tranh đã mua bán trong 4 phiên đấu giá vừa qua, chúng ta tự dưng nhớ mấy câu thơ trong “Bích câu kỳ ngộ”: “Càng nhìn nét bút càng ưa/ Chàng Vương dẫu mạc bao giờ cho nên/ Mua về treo chốn thư hiên/ Như ai đem ngọc giải phiền lại cho”.

Lý Đợi và Lê Quang Đông Quân

clip_image046

clip_image048

clip_image050

clip_image052

clip_image054

“TÔI KHÔNG BỎ CON TÔI ĐƯỢC (*)

FB Ký ức đại dịch

Một ngày tuần trước, bác sĩ Đăng Khoa nhận thấy một bệnh nhân của mình, một phụ nữ trung niên, bỗng có vẻ bồn chồn, bứt rứt như muốn nói điều gì đó. Anh đang làm việc ở Bệnh viện hồi sức Covid-19 tại TPHCM, thuộc tầng cuối, tầng nặng nhất, của tháp điều trị. Trong bệnh viện, khoa Hồi sức của anh cũng là khoa dành cho bệnh nhân nặng nhất. Anh ở tâm bão. Người phụ nữ này được chuyển từ khoa khác tới đây sau khi không tự thở được nữa, dù có bình oxy hỗ trợ, mà phải thở bằng máy, tức là được can thiệp ở mức cao nhất. Máy thở bơm khí qua một ống dẫn đặt trong khí quản, thay thế người bệnh thực hiện hoạt động hô hấp khi phổi của họ đã bị tổn thương nặng. Chính ống nội khí quản này khiến người bệnh không nói được.

Sau vài cố gắng hỏi người phụ nữ muốn gì mà bất thành, bác sĩ Đăng Khoa kiếm cho chị một tờ bìa cùng một cái bút. Viết trong tư thế nằm ngửa, khi cơ thể đã bị tàn phá, thật là khó khăn, nhưng chị đã rất cố gắng.

“Tôi không có chết"

“Con tôi s…”

“Tôi không bỏ con tôi được"

Đây là những lời cầu khẩn của bệnh nhân gửi tới bác sĩ? Hay là những suy nghĩ quan trọng cuối cùng mà một người mẹ muốn được đơn giản nói ra với người khác, dù là người xa lạ? Điều cụ thể gì liên quan tới con chị khiến tâm chị không yên?

Hai ngày sau, chị qua đời.

Điều làm bác sĩ Đăng Khoa thêm buồn là anh sẽ không chuyển tấm bìa cho người nhà của chị được. Nó phải bị tiêu hủy vì có thể đã dính virus.

clip_image056

clip_image058

(*) Nhan đề của Văn Việt.

TRANH VẼ "SÀI GÒN TRONG THỜI GIÃN CÁCH" & MÙA VU LAN BÁO HIẾU

ĐÓN NGOẠI VỀ NHÀ…

FB Le Sa Long

Tôi quen với chi Hanh đã gần 30 năm, khi tôi là một sinh viên năm 2 Đại học Mỹ thuật và chị là Hiệu phó một trường Mẫu giáo nổi tiếng Thành phố! Tình cờ nhìn thấy một bức tranh màu nước ở nhà bạn, chị thích nét vẽ và muốn đặt tôi vẽ trang trí tất cả các lớp học của các bé. Sau, hạp tính chị em chơi thân với nhau, thường cà phê cà pháo hay Karaoke kể cả khi chị về hưu (cách nay khoảng 8, 9 năm)

Ba chị là giáo viên mất sớm do ung thư, chị sống với má – một bà cụ miền Tây hóm hỉnh, xởi lởi, nấu ăn ngon. Lần nào đến nhà, tôi phải ở lại dùng cơm và cùng má chị nói đủ thứ chuyện, nhất là về Đạo Phật và những… món chay – như món canh Kiểm bất hủ chẳng hạn.

Sau này, do em gái chị (có một đời chồng đã chia tay) sang bến mới, chị đón hai cháu một gái một trai về cho ăn học đàng hoàng, Dì mà cứ như mẹ ruột vậy!

Chị có chất giọng nữ Soprano, cao và âm vực rộng, đặc biệt khi hát bài Bông hồng cài áo (NS Phạm Thế Mỹ) thì da diết và truyền cảm vô cùng. Vì thế mỗi lần Karaoke là chúng tôi đều “dành chị” thể hiện bài hát này. Nghĩ về chị tôi hay nhớ:

Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào

Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau

Là tiếng dế đêm thâu

Là nắng ấm nương dâu

Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời.

Tôi hay hỏi chị có duyên và nhiều người trong ngành Giáo dục theo đuổi chị, sao chị chẳng đoái hoài, chị bảo “Số chị nó vậy”! Nhưng sau này một lần tình cờ trò chuyện cùng má chị tôi biết thuở còn là SV Văn Khoa chị có quen một người con trai cùng lớp đẹp trai hát hay; hai người dự định ra trường thì cưới… Nhưng trời nào chiều lòng người, năm 1975 đã bứng anh ra khỏi cuộc đời chị, trong một chuyến vượt biên tàu anh đã bị chìm. Từ đấy chị chôn chặt trái tim mình và xem việc phụng dưỡng Cha mẹ là nguồn sống. Chị thường chia sẻ với tôi “L biết không Cha mẹ là người có thể thay thế tất cả người khác, nhưng không người nào có thể thay thế được cha mẹ”. Trải qua biết bao năm tháng, đến tận khi thêm trưởng thành, tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của câu nói này.

Cứ như vậy, mấy bà cháu chị đùm bọc nhau sống vui vẻ theo ngày tháng, nào ngờ Covid-19 ập đến!

Cuối tháng 7 này, mẹ chị T bị đột quỵ chưa kể mang trong người bệnh người già, bà được chuyển vào ở Bệnh viện. Nơi đây khám sàng lọc phát hiện hai mẹ con đều dương tính. May mắn, xét nghiệm 2 thành viên còn lại trong gia đình thì cháu gái đầu 18 tuổi vừa thi Tốt nghiệp với điểm cao 28,5 (dự tính đủ điểm để vào trường Y như hoài bão), bé trai sau 12 tuổi đều âm tính.

Bà ngoại vào bệnh viện và Dì vào khu cách ly nên việc nhà, lo cho em đều một tay bé gái Hoàng Hoa chăm. Ngày nào cháu cũng đều thắp nhang cầu nguyện Phật tổ và Phật Quan Âm cho hai người yêu quý mau qua bạo bệnh. Được mươi hôm thì Ngoại qua đời vì Covid. Cơ quan y tế vội làm xét nghiệm RT-PCR với hai chị em Hoàng Hoa, đều cho âm tính!

Thi hài Ngoại được chuyển từ bệnh viện đến thẳng trung tâm mai táng và hỏa táng, không có một người thân tham dự hay tổ chức tang lễ. Sau khi hỏa táng, tro cốt được lưu và các anh Thành đội báo tin sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đưa tro cốt đến tận nhà để gia đình thờ tự. Bà con lối xóm và các anh Ủy ban thật tốt, đều chăm lo hai cháu dùm chị!

… Năm ngày sau, khoảng 11h trưa, Đoàn đưa tro cốt bà đến đầu hẻm. Nghe điện thoại, Hoàng Hoa vội ra hướng dẫn đường vào nhà nhưng xúc động, cô không ngừng rơi nước mắt, chú chó nhỏ ngơ ngác không hiểu vì sao khi Ngoại vắng quá lâu…

Từ nơi cách ly chị theo dõi và hướng dẫn cháu làm đúng nghi lễ… Cô bé đã lấy lại bình tĩnh đưa Đoàn vào nhà, ký biên bản đón nhận tro cốt và đưa lên trang trọng lên bàn thờ. Chị nói, qua cơn xốc vì mất Ngoại yêu quý, Hoàng Hoa lại cứng cáp hơn. Bé nói: “Con ráng học trở thành bác sĩ giỏi như tâm nguyện của Ngoại, để chữa lành hết vết thương cho bà con mình!”. Riêng chị thì cố nén nỗi đau và khuyên: “Ngoại đã về cõi Phật, con phải sống thật tốt, ý nghĩa để Ngoại ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản!”.

Riêng phần tôi mắt cứ cay cay nghe hết câu chuyện buồn và chỉ biết tỏ lời chia sẻ nỗi đau. Không biết sau này khi bình yên trở lại, chị có còn hát cho chúng tôi nghe bài hát Bông hồng cài áo nữa chăng; chẳng biết nữa! Nhưng có một điều chắc chắn là từ nay mỗi mùa Vu Lan về, trên ngực chị sẽ là hoa hồng trắng tinh khiết thay cho màu hoa hồng đỏ thắm như ngày nào.

Vì từ nay về sau, chị đã không còn người Mẹ yêu quý bên cạnh mình!

… Mai này mẹ hiền có mất đi

Như đóa hoa không mặt trời

Như trẻ thơ không nụ cười

Như đời mình không lớn khôn thêm

Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.

Mùa Vu Lan buồn – năm đại dịch VH thứ hai (đầu thiên niên kỷ thứ III)

+ PS:

Cuối tuần qua chị gọi điện báo tin cho tôi, giọng buồn vô cùng. Tối, tôi chìm vào một giấc mơ, và khi tỉnh giấc tôi chỉ vẽ lại mà thôi…

Tranh: ĐÓN NGOẠI VỀ NHÀ

KT: 75 x110cm

HS Lê Sa Long (8-2021)

clip_image060

HAI SÁNG KIẾN ĐẶC SẮC CỦA DOANH NHÂN MÙA DỊCH

FB Vu Kim Hanh

Xin thông tin là đây chỉ là 2 sáng kiến của doanh nhân trong rất nhiều sáng kiến hỗ trợ việc phòng chống dịch Covid mà tôi được biết. Chắc chắn còn nhiều sáng kiến khác, rất mong được giới thiệu.

GIẢM RÁC THẢI NHỰA TẠI CÁC BV ĐIỀU TRỊ COVID: CHUYỆN TƯỞNG NHỎ, Ý NGHĨA LỚN

Trong khi vẫn kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp cho các chương trình an sinh lớn (như hỗ trợ cho 2 bếp ăn gần 50.000 suất mỗi ngày tặng cho người nghèo của hai chùa lớn TP) hay góp sức 5.000 suất ăn cho Vòng Tay Việt tháng 7 và mới đây kết nối để các nhà hảo tâm tặng hơn 10 tỷ cho chương trình mới Vòng Tay Việt – Sài Gòn, thì chương trình SGTN không ngưng nghỉ hỗ trợ vế máy móc thiết bị y tế cho các bệnh viện điều trị Covid tại thành phố.

3 chuyến xe cấp cứu của SGTN tặng cho các bệnh viện nay vẫn ngày ngày đi về khắp các nẻo đường rất dễ nhìn ra logo khá “bay bướm” của chương trình. Nhưng đằng sau đó, có một chương trình diễn ra lặng lẽ mà lại rất sôi động do ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch Liên Minh tái chế bao bì Pro VN tổ chức rất bền bỉ, đến nay đã lắp đặt tặng cho 8 bệnh viện TP (Thống Nhất, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thống Nhất, Việt Đức, BV điều trị số 19, số 16…) gần 200 máy lọc nước, kinh phí là 688 triệu cùng hàng ngàn cái bình đựng nước cá nhân (do công ty Nhựa Duy Tân, thành viên của Liên minh Pro.VN tặng).

Chỉ một cái máy trắng khiêm tốn đặt ở một góc của các sảnh rộng ở các bệnh viện lớn hay ở các góc phòng, dọc hành lang các tầng lầu, trong các phòng điều trị lớn… nhưng ý nghĩa của các máy lọc nước rất lớn: (1) Giảm số lượng rác thải tại các khu cách ly; (2) Giảm các chất độc hại và kim loại nặng gây hại đến sức khoẻ có trong nước; (3) Giảm tối đa khả năng tiếp xúc với các đơn vị cung cấp nước sạch; (4) Giảm lây lan trong vệ sinh trong dịch tễ tại bệnh viện và khu cách ly; (5) Khuyến khích người bệnh uống nước thường xuyên hơn; (6) Cung cấp chai đựng nước sử dụng nhiều lần cho người dân; (7) Sử dụng ngay, lâu dài, ít tốn chi phí cho nhu cầu nước sạch cực lớn ở các bệnh viện rất đông người hiện nay .Các máy lọc nước thường được sử dụng là: RO Philips ADD8980 và RO Philips ADD8960. Còn bình đựng nước thường là bình 700ml.

SÁNG KIẾN THỨ 2: ATM F0 CHỐNG DỊCH

Chương trình này nay đã lan tỏa và đang được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa thành chương trình chung với nội dung: mời các bệnh nhân Covid khỏi bệnh tham gia đồng hành cùng người bệnh.

Hội doanh nhân trẻ VN đã khởi xướng chương trình này với mục đích: Hỗ trợ cuộc sống cho những người vừa chiến thắng Covid-19, đồng thời tạo ra nguồn lực tiếp sức các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt là tạo thêm sự lạc quan, tự tin cho bệnh nhân F0.

Các F0 hết bệnh tham gia Chương trình sẽ được tập huấn cấp tốc về kiến thức và kỹ năng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 và được phân bổ về các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly để hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ kinh phí 8tr đồng/tháng/người (tương đương 2tr/tuần) + ăn uống và nơi ở.

Link liên hệ. Qua tổng đài: 02899992727 để được hướng dẫn cụ thể…

clip_image062

clip_image064

clip_image066

NHỮNG NGÀY ĐƯỢC LÀM BÁC SĨ (1)

Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, 24/8/2021

Đi ra…

Giữa cơn đại nạn của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, với lời mời của vị Cha chung Tổng Giáo phận: Đây là thời điểm Chúa đang tập cho chúng ta thoát ra khỏi mình để nghĩ tới tha nhân. Chúng ta đừng trốn trách nhiệm khi hỏi “Ai là anh em của tôi?”; trái lại, hãy “tỏ ra mình là người thân cận” với người đau khổ (x. Lc 10,25-37)… Vào buổi xế chiều của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”(Thư Mục Vụ ngày 27.7.2021), tôi được thôi thúc lên đường dấn thân phục vụ cho các bệnh nhân nhiễm covid-19.

Đứng trước những yếu đuối của phận người, bản thân tôi không tránh khỏi được những xung động và sợ hãi khi thấy biết bao nhiêu con người đã ngã gục về thể xác cũng như tâm hồn. Tôi không biết phía trước tôi là con đường như thế nào, bây giờ tôi đi nhưng ngày tôi trở về sẽ ra sao! Không ai biết trước được điều gì, ngoài Chúa. Tôi gọi điện về cho gia đình để báo tin và mong tiếp thêm lửa tình yêu từ gia đình. Ba tôi tỏ ý lo lắng nhiều, còn mẹ tôi thì lấy làm vinh dự, đó như một động lực vô cùng lớn lao đối với tôi.

Chuyến xe Phương Trang đưa đoàn thiện nguyện chúng tôi tới Khoa Hồi sức Covid – cơ sở 2 của Bệnh viện Ung Bướu – Sài Gòn.

Trong tôi lúc này vẫn cảm giác e ngại, không tự tin lắm khi nhận nhiệm vụ “chăm sóc trực tiếp” cho các bệnh nhân nhiễm covid. Khi được dẫn vào phòng đệm mặc đồ bảo hộ, việc đầu tiên tôi làm là làm dấu và đọc kinh, xin ơn Chúa thánh hóa phận người yếu đuối của tôi, mong sao bộ trang phục tôi sẽ mang trên mình vừa để bảo vệ thân xác, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ cho mọi người thấy Chúa đang dùng tôi như khí cụ tông đồ của Chúa để phục vụ những chi thể khổ đau của Chúa Kitô trong cơn gian nan khốn khó này. Cũng chính lúc ấy, tôi cảm nhận được một tiếng nói bên trong “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con” (2Cr 12,9). Tâm hồn bình an, tôi bắt tay vào công việc.

clip_image068Căn lầu 5A của bệnh viện không nhỏ tí nào, các bệnh nhân dường như không còn khả năng tự phục vụ cho chính mình. Họ mệt lắm, nằm một nơi và thở bằng oxy. Chúng tôi phải đến từng bệnh nhân để giúp họ. Trong dãy nhà này có đủ mọi tuổi và mọi giới. Công việc tôi đảm nhận nơi đây là cho bệnh nhân ăn uống, dọn rác, thay tả và những công việc không tên tuổi… Những giây phút ban đầu làm tôi e ngại. Tôi cần ơn Chúa thêm sức để có thể can đảm ra khỏi chính mình mà thực thi ý Chúa cách trọn vẹn nhất. Và Luật dòng cũng nhắc nhớ cho tôi rằng “Khi làm việc tông đồ, chị em cần ý thức mình là người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Do đó, chị em phục vụ với sự dịu dàng, khiêm tốn và nhẫn nại trong tình yêu” (HL 38).

Thời gian trôi, dần dần tôi cũng quen với công việc. Điều tôi quan tâm nhất trong lúc này không phải là sợ dơ bẩn, sợ lây nhiễm, nhưng là sự tận tâm trong công việc, năng động hơn, dấn thân hơn, để giúp đỡ những người đang khổ đau. Nhiều khi, tôi cũng muốn như các Tông đồ khi xưa, phủi tay trốn trách nhiệm: “Xin Thầy cho giải tán dân chúng đi”. Nhưng Thầy quặn đau, nên Thầy không giải tán, mà lại ra lệnh: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6,37). 

clip_image070Chính nơi đây, tôi có cơ hội thực thi vai trò người nữ tu Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dấn thân cách năng động và tích cực theo gương của Đấng Sáng Lập Dòng “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), sẵn sàng phục vụ tha nhân với tinh thần khiêm tốn và chân thành, hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa (HL 68,4). Tôi ý thức rằng đây là một chuyến đi vô cùng mạo hiểm trong cuộc đời tôi nhưng cũng vô cùng hữu ích, nhờ đó tôi càng xác tín “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,15).

Khi “bác sĩ” vào việc

Tôi học chuyên nghành Sư Phạm Mầm Non. Biết mình không thể trực tiếp trên các bệnh nhân như các bác sĩ và nhân viên y tế, nhưng tôi vẫn được khoác trên mình bộ đồ của ngành y. Bù lại, Chúa đã huấn luyện và ban cho tôi một chút chuyên môn khác, là lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo và chữa lành tâm hồn tha nhân bằng chính sức mạnh của Đấng Phục Sinh. Mong sao tất cả cho hiển vinh Danh Ngài.

Mỗi lần giúp lau người cho bệnh nhân, thấy hai hàng nước mắt của họ chảy dài trên gò má, tôi không sao cầm được lòng mình. Khi chứng kiến họ vật vã với nỗi đau, tôi ước mình có thể gánh bớt đi cho họ phần nào, tôi muốn cùng đau với họ, cùng khóc với họ, cùng chia sẻ nỗi niềm với họ trong lúc này và cùng họ tìm lại nụ cười và sự bình an của ngày xưa.

Ý thức được điều này nên bên cạnh việc chăm sóc thể xác tôi luôn dành cho họ những lời kinh, tiếng hát để cầu nguyện cho họ. Tôi cố gắng hết mình để đem lại cho họ những lời an ủi, động viên khích lệ tinh thần trong hoàn cảnh nghiệt ngã này. Mỗi ngày tôi đều đến với họ, chăm sóc và lắng nghe những chia sẻ của họ. Tôi cũng nói với họ về tôi, một tu sĩ, được Chúa sai đến nơi đây để chăm sóc họ thay cho Người…

clip_image072

Một lần nọ, khi tôi đang phục vụ thì có một bệnh nhân trong giai đoạn hấp hối, qua nhiều lần thăm trước tôi biết bà là người công giáo, bà không có ai ngoài chiếc điện thoại và tôi. Trong giây phút lâm chung, tôi thấy rằng bà được ra đi trong lời kinh nguyện. Chiếc điện thoại reo lên liên tục bởi các cuộc gọi. Tôi vừa đọc kinh vừa cầm chiếc điện thoại lên nghe để cho con cháu bà được hiệp thông trong giây phút cuối cùng này. Khi bà vừa tắt thở, tôi nghe tiếng khóc la vang lên trong điện thoại vì nỗi đau mất đi người thân. Tâm hồn tôi như thắt lại, tôi chỉ biết dùng lời lẽ trấn an tinh thần cho thân nhân qua điện thoại, nguyện xin cho họ được Chúa ủi an. Bên cạnh đó cũng có biết bao nhiêu trường hợp khác ra đi không người thân bên cạnh, tôi thấy mà lòng đau đớn vô cùng, xót xa vô hạn…  Một bệnh nhân trong khi được chăm sóc chia sẻ với tôi rằng: “Sơ ơi! Khi khỏe mạnh, Chúa cho không khí để thở ta không biết quý trọng. Giờ vào đây không thở được mới thấy điều Chúa ban cho thường ngày là vô cùng quý giá, mà mình quên tạ ơn”.           

Tôi tin biết rằng nhân loại đang được thanh luyện ngang qua trận đại dịch này…

(Còn nữa)

Nt. Maria Trinh Nhan, FMI

Ở ĐÂU YÊN ĐÓ, VẪN MỖI NGÀY 10 CÂY SỐ

FB Nhà báo Vũ Công Lập

Ngày 23/ 08/ 2021 có lẽ là một ngày đặc biệt. Lệnh phong tỏa được siết chặt. Thành phố tĩnh lặng một cách đáng ngạc nhiên. Từ trên tầng 19 một căn hộ chung cư sát bờ sông Sài Gòn và có tầm nhìn thẳng về Quận 1, thấy đường phố vắng lặng đến không ngờ. Đã sống trong giãn cách từ hơn 80 ngày, cũng đến 6 tuần không bước chân ra khỏi cửa, nhưng không khí hôm nay vẫn thật khác lạ. Một cái tĩnh lặng hơi căng thẳng, lắm đợi chờ và nhiều quyết tâm.

Tôi thuộc nhóm người "yếu thế" trong cuộc chiến Covid-19 theo các tiêu chí phổ biến: cao tuổi (75), lại có nhiều bệnh nền: mạch vành (đã nhồi máu cơ tim, đã phẫu thuật bắc đến 4 cầu), cao huyết áp và tiểu đường (từ 23 năm nay). Cho nên, quả thật cũng nhiều tâm trạng. Nhưng lại có một lợi thế khác: đã quen với bệnh tật, lại liên tục chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, nên hình như có chút "kinh nghiệm chiến trường". Mà kinh nghiệm lớn nhất là, ngay cả khi có bệnh, người ta vẫn có thể sống khỏe. Cả lần này nữa, chúng ta sẽ sống khỏe để đi qua mùa dịch, dù vất vả khó khăn, và dù những hoang mang vẫn đôi khi lẩn khuất. Mỗi người đều cố gắng, theo cách riêng của mình.

Tôi bị nhồi máu cơ tim năm 1993. Suốt 3 ngày đau đớn vật vã, sau rồi may mà tìm đúng nguyên nhân rồi được cứu chữa kịp thời ở Bệnh viện Quân y 175. Sau đó là thời gian khá bi quan, khi biết mạch vành của mình tổn thương nghiêm trọng và khá phức tạp, khiến nhiều phương pháp điều trị thông thường không thể ứng dụng. Các hoạt động bị hạn chế, nhiều vui thú phải kiêng khem. Đến năm 1998, phát hiện thêm bệnh tiểu đường. Mọi sự càng nặng nề. Mãi cho đến năm 2004, sang Đức làm việc, gặp được bác sĩ chuyên về phục hồi chức năng tim mạch, mới biết với những bệnh nhân như tôi, có một phương pháp vừa điều trị, vừa dự phòng thứ cấp, lại vừa phục hồi chức năng, gọi là tập luyện trị liệu y học (MTT – Medical Training Therapy). Nói đơn giản là tập luyện thể thao theo đơn của bác sĩ. Giống như uống thuốc theo đơn. Trong "đơn tập" của tôi, phần then chốt là luyện tập sức bền theo phương pháp phân đoạn, có thể thực hiện bằng đạp xe hay đi bộ. Không hiểu sao, đối với riêng tôi, đi bộ lại là thứ mà tôi rất thích. Có lẽ vì nó liên quan đến những ngày hành quân, những bữa tản cư, sơ tán từ hai cuộc kháng chiến trước đây. Đi bộ trong điều kiện tự nhiên, nó phóng khoáng, sinh động, và rất vui vẻ.

Đi bộ theo đơn được kiểm soát bởi nhiều tham số y học – thể dục thể thao, như tốc độ đi, tổng số quãng đường đi (liên quan đến năng lượng sinh ra), nhịp tim trong quá trình đi,… Phải vừa đảm bảo an toàn, lại vừa đủ thách thức để tạo ra đáp ứng tích cực của cơ thể. Với tôi, tốc độ đi phải đạt cỡ 5 – 6 km/giờ (cỡ 10 – 12 phút đi được 1 km), đi như thế là đi hơi nhanh rồi. Quãng đường đi trong một ngày là 10 km (tương ứng 16.000 – 17.000 bước). Và theo dõi để nhịp tim không vượt quá 115 – 120 lần/ phút. Đơn giản mà đánh giá, đi như vậy thì cả người phải dấp dính mồ hôi (nghĩa là có gắng sức), nhưng cũng không nên đổ mồ hôi ròng ròng như các VĐV thực thụ. Tháng 11/ 2019, vì các mạch vành bị đóng kín gần hết (từ 75% đến 100%) nên tôi phải mổ bắc cầu, làm 4 cầu mới để đủ máu nuôi cơ tim. Sau mổ 2 tháng, nhờ tập luyện tốt, tôi hoàn toàn phục hồi mức vận động bình thường.

Nhờ tập luyện như vậy, cuộc sống của tôi cũng giống như người mạnh khỏe, về thể chất và đặc biệt là về tinh thần. Nhìn bình thường theo cách tôi sống, làm việc và vui chơi, chẳng ai có ý nghĩ rằng tôi bị bệnh. Các loại bệnh chứa đựng nguy cơ, được gọi là bệnh nền vào thời Covid-19. Tôi quyết tâm để mình không trở thành mối nguy cơ, sự lo ngại của người thân, của xã hội trong cuộc chiến này, bằng cách giữ gìn sức khỏe, thực hiện tốt các khuyến cáo, quy định, và bằng cách tập thể dục. Dùng sự kiên định, bền vững của mình chống lại sự biến báo đảo điên của con virus.

Như đã nói, tôi không mua một cái máy đi bộ, vì tôi muốn đi trong môi trường tự nhiên. Lúc đó, tôi không đi như một cái máy, mà đi với những quan sát, phản xạ, biến báo phù hợp. Nhất là tôi kết hợp bước đi với quá trình hô hấp, trong bầu không khí thoáng đãng. Một là thở sâu, hít căng lồng ngực và thở ra thật mạnh để loại bỏ khí cặn trong phổi. Hai là tạo nhịp, nhịp thở phối hợp với nhịp bước chân, tạo ra sự hài hòa, đều đặn. Chỉ có điều, bây giờ phải đi trong nhà.

Tôi sống trong một căn hộ có 3 phòng ngủ. Chu vi khoảng trống chừng 60m. Như thế muốn đi được 10km là tôi phải đi hết hơn 160 vòng! Tôi tạo ra 3 đường đi: đi theo hình chữ nhật, đi theo hình số 8, và đi theo hình chữ T. Đoạn thẳng dài nhất tôi tính ra cỡ 11m, đoạn ngắn nhất chỉ 3m. Nghĩa là mỗi vòng đi phải đảo chiều nhiều lần, vừa tập phản xạ, vừa luyện thêm dẻo dai gân cốt. Tác dụng đi bộ trong nhà có khi còn lớn hơn đi bộ ngoài phố (luôn đi trên đường thẳng). Khó khăn lớn nhất là tốc độ: giai đoạn đầu tôi đi 1km mất đến 16 phút, cố mãi thì cũng đến 12 – 13 phút. Như thế là thêm một tiêu chí thích nghi trong rèn luyện. Hệ cơ – thần kinh có thêm sự tiến bộ mới. Dù địa bàn chật hẹp, vẫn đủ 10km cho mỗi ngày, với các tiêu chí luyện tập đúng theo đơn bác sĩ. Mọi tham số được theo dõi trên đồng hồ đeo tay. Tập luyện y học là tập luyện có kiểm soát.

Một ngày chống dịch của tôi từ lâu đã là một ngày không ra khỏi cửa. Bắt đầu bằng bài tập thể dục buổi sáng 30 phút, 10 phút ở tư thế nằm trên giường, 10 phút sau ngồi trên ghế, sau cùng là 10 phút tập ở tư thế đứng trên sàn. Với người có tuổi, chuyển tư thế – trạng thái cũng phải từ từ từng bước. Tiếp theo là 30 phút đi bộ. Trong ngày thêm 2 lần đi bộ tập luyện, nghĩa là đi nhanh, khoảng thời gian 30-40 phút, xen giữa là các lần đi thong thả theo kiểu nghỉ ngơi nhẹ nhàng. Thế là đủ tiêu chí tập luyện cả ngày. Khi mình đã tập đủ khối lượng huấn luyện của mình, thì sức khỏe sẽ được duy trì. Nền tảng cơ bản để chống dịch.

Cuộc đời vốn là những bước đi: đi làm, đi học, đi ăn, đi chơi, đi ngủ, đi tập thể dục,… Và bây giờ, sẽ là chuyến đi qua mùa dịch khốc liệt này.

clip_image074

ĐI CHỢ GIÚP DÂN (*)

Theo FB Nguyễn Thị Ngọc Thúy

[VV: Từ Phường 3, Quận 8]

clip_image076

clip_image078

Theo FB Nguyễn Thị Bích Hậu

clip_image080

(*) Nhan đề của Văn Việt.

TRANH Tuổi Trẻ Cười

TP.HCM cần 11.000 tấn hàng hóa mỗi ngày: Bao gồm những gì?

clip_image082

clip_image084

TRANH Tuổi Trẻ Cười

1.050 chủ nhà trọ miễn giảm 7 tỉ đồng cho người lao động

clip_image086

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Mong cụ thiết yếu đừng giở chứng

clip_image088

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Nhà tôi trong mùa dịch

clip_image090

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Anh bộ đội quyết hoàn thành nhiệm vụ mới

clip_image092

Comments are closed.