Sài Gòn – Những ngày phong thành (59)

THÔNG TIN:

*Tổng thống Biden: Mỹ sẽ sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19

https://nld.com.vn/chinh-tri/tong-thong-joe-biden-my-se-sat-canh-cung-viet-nam-trong-cuoc-chien-voi-covid-19-20210903203407155.htm

*Thủ tướng lập trung tâm chỉ huy nối với 2.594 xã, phường tại phòng làm việc

https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-lap-trung-tam-chi-huy-noi-voi-2594-xa-phuong-tai-phong-lam-viec-949207.ldo

*TP.HCM hỗ trợ 100% học phí kỳ 1 cho học sinh công lập và ngoài công lập

https://tuoitre.vn/tp-hcm-ho-tro-100-hoc-phi-ky-i-cho-hoc-sinh-cong-lap-va-ngoai-cong-lap-20210903134922943.htm

*TP.HCM: Ra mắt ứng dụng ‘An sinh’ tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ xe cấp cứu, thuốc men, nhu yếu phẩm…

https://congnghe.tuoitre.vn/tp-hcm-ra-mat-ung-dung-an-sinh-tiep-nhan-yeu-cau-ho-tro-xe-cap-cuu-thuoc-men-nhu-yeu-pham-20210902183240518.htm

*"Chưa thể nới lỏng quận 7, huyện Củ Chi"

https://nld.com.vn/suc-khoe/chua-the-noi-long-quan-7-huyen-cu-chi-20210903180311776.htm

*Sở Y tế TP.HCM: Thông báo khẩn về quản lý chăm sóc F0 tại nhà

https://thanhnien.vn/thoi-su/so-y-te-tphcm-thong-bao-khan-ve-quan-ly-cham-soc-f0-tai-nha-1444355.html

*Công an TP.HCM sẽ kiểm soát người đi đường bằng mã QR thay giấy đi đường

https://thanhnien.vn/thoi-su/cong-an-tphcm-se-kiem-soat-nguoi-di-duong-bang-ma-qr-thay-giay-di-duong-1444306.html

*Giao dịch ngân hàng cũng cần giấy đi đường

https://thesaigontimes.vn/giao-dich-ngan-hang-cung-can-giay-di-duong/

THUỐC DÀNH CHO NGƯỜI MẮC COVID-19 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ

FB Bs. Trương Hữu Khanh

clip_image002

BÁC SĨ TRƯƠNG HỮU KHANH: F0 ĐỪNG ĐỂ KHỔ VÌ… KIÊNG CỮ

Người Lao Động, 03-09-2021

Bệnh nhân mắc Covid-19, cũng như đa số căn bệnh khác, rất cần năng lượng, cần sức lực để vượt qua. Những tin đồn thất thiệt, những lời khuyên kiêng cữ không đúng, chỉ làm hại bệnh nhân.

Phổ biến nhất là chuyện ăn. Đã có nhiều F0 lo lắng hỏi tôi về những tin đồn. Có người đồn ăn yến, ăn đồ ngọt, đồ bổ thì virus sẽ mạnh hơn, dẫn đến việc F0 thấy cái gì cũng không dám ăn, dù nhà sẵn có nhiều món bổ dưỡng. Mà thời điểm này muốn mua thứ khác để ăn nhiều khi cũng khó kiếm được món như ý. Vậy là lại thiếu chất, lại mệt mỏi.

Thực tế, với bệnh Covid-19, không phải kiêng cữ gì về mặt ăn uống. Nhiều người hỏi tôi: Con nít ở nhà là F0, đòi ăn ốc, ăn cua; rồi F0 mới khỏe lại thèm nước ngọt, trà sữa thì sao? Câu trả lời là: Cứ thoải mái.

Điều người ta lo ở bệnh nhân Covid-19 là tình trạng biếng ăn, do mệt mỏi hoặc mất vị giác chứ không phải chuyện nên hay không nên ăn thứ gì. Nếu thèm ăn thứ này, thứ kia, quá tốt, cứ ăn, để cơ thể có năng lượng, dù là khi còn bệnh hay đang phục hồi.

Chỉ cần lưu ý các món "chống chỉ định" với bệnh nền của mình là được. Nếu kiêng cữ đủ thứ, không dám ăn nhiều, coi chừng thiếu chất. Thiếu chất thì sức đề kháng sẽ giảm, có nguy cơ bệnh nặng hơn hoặc lâu khỏi bệnh. Thiếu chất có khi ảnh hưởng đến cả mức SpO2 (nồng độ ôxy trong máu).

Người đang béo phì cũng vậy. Béo phì đúng là yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Điều cần làm là tự theo dõi sức khỏe chặt chẽ chứ không phải cố… ăn kiêng ngay lúc đang bệnh. Người béo phì vẫn có thể gặp nguy hiểm vì thiếu chất như đã nêu trên. Đừng nghĩ mình béo phì là thừa năng lượng. Vẫn phải ăn uống đầy đủ khi đang bệnh và trong giai đoạn phục hồi. Giảm cân là chuyện lâu dài, khi nào khỏe mới tính.

Chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân lại càng không nên kiêng. Nếu không bảo đảm vệ sinh cá nhân thì F0 có thể bị thêm vấn đề sức khỏe khác như các bệnh nhiễm trùng: do ăn uống không sạch sẽ, không vệ sinh cá nhân thường xuyên. F0 cách ly tại nhà càng nên chú ý tắm rửa cẩn thận, súc họng sạch sẽ, lau dọn nhà tắm, không gian sống… để hạn chế nguy cơ cho người cùng nhà, nếu trong nhà vẫn có người không phải là F0.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM)

LÀM SAO XÁC ĐỊNH TỈ LỆ MIỄN DỊCH TRONG CỘNG ĐỒNG

FB Xuân Sơn Võ

Tôi thấy nhiều người quá lo sợ về việc bỏ phong tỏa. Họ lo lắng rằng bỏ phong tỏa thì số nhiễm sẽ cao hơn, từ đó tử vong sẽ nhiều hơn. Tôi thì không chắc về số nhiễm, nhưng tôi tin chắc bỏ phong tỏa sẽ làm giảm tỉ lệ tử vong, vì người bị nhiễm sẽ có môi trường sống tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên, hôm nay tôi không nói về chuyện đó. Nếu những người chống đối bỏ phong tỏa lo lắng, là TPHCM chưa có miễn dịch cộng đồng, thì chúng ta đi tìm xem, tình hình miễn dịch ở TPHCM ra sao. Những người chống phong tỏa dựa trên báo cáo về số người đã được tiêm vaccine ở TPHCM, và tính ra tỉ lệ miễn dịch ở TPHCM.

Tôi thì thấy, công tác thống kê của TPHCM rất tệ, bây giờ, tìm ra ai là người đã chích vaccine dựa vào kê khai có lẽ cũng khó chính xác. Mà tôi tin chắc là con số thống kê về số người bị nhiễm cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Sở dĩ tôi nói như vậy vì tỉ lệ tử vong của TPHCM cao bất thường, và tôi biết có nhiều người bị nhiễm nhưng không khai báo. Đó là chưa nói đến những người nhiễm mà hoàn toàn không làm xét nghiệm, và không biết là bị nhiễm.

Ngoài ra, nếu nói về khả năng miễn dịch có được của người ta mà chỉ dựa vào miễn dịch do chích vaccine thì sai hoàn toàn. Tôi cho rằng, tất cả những người đã nhiễm và hiện nay hết chắc chắn là đã có miễn dịch, gọi là miễn dịch tự nhiên. Nếu xét về các nghiên cứu xoay quanh việc miễn dịch tự nhiên và miễn dịch đạt được do chích vaccine, cái nào ít bị lây nhiễm sau đó hơn, thì có lẽ tỉ số nghiêng về miễn dịch tự nhiên nhiều hơn.

Như vậy, việc tìm ra số người có miễn dịch, bao gồm cả miễn dịch tự nhiên, và miễn dịch do chích vaccine, mới có thể kết luận được về tình hình miễn dịch cộng đồng ở TPHCM. Do vậy, tôi đề nghị làm một nghiên cứu ngẫu nhiên tìm tỉ lệ miễn dịch của TPHCM bằng test kháng thể.

Thiết kế nghiên cứu ra sao để có thể đại diện đúng cho dân số TPHCM với cỡ mẫu vừa đủ, để có thể tiến hành nhanh và ít tốn kém là việc của các nhà dịch tễ. Tuy nhiên lãnh đạo TPHCM và Bộ Y tế cần ra quyết định về việc này.

PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM THĂM GIA ĐÌNH CÓ NGƯỜI THÂN QUA ĐỜI VÌ COVID-1

Báo Bình Phước 3/9/2021

BPO – Hôm nay (3-9), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm gia đình anh Phan Văn Trí (sinh năm 1981) và thắp hương cho vợ anh là chị Lê Bảo Thu (sinh năm 1982) ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm gia đình anh Phan Văn Trí

Chị Lê Bảo Thu đã qua đời tròn một tháng vì Covid-19. Anh Trí cho biết: Vợ chồng anh có 2 đứa con, cháu lớn học lớp 11, cháu nhỏ học lớp 5 đang ở quê nhà Đồng Tháp. Anh chị khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh mưu sinh. Anh Trí là công nhân nhà máy giấy, chị Thu làm ở xưởng giày gần nhà trọ. Cả hai đã thất nghiệp 4 tháng nay vì dịch.

Những ngày tới, sẽ là tháng ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của người đàn ông này khi con đang tuổi lớn, vợ qua đời, kinh tế gia đình suy kiệt. Vợ anh chỉ là một trong số gần 10 ngàn người dân TP. Hồ Chí Minh đã tử vong do Covid-19 (thống kê đến chiều 3-9-2021). Thiệt hại do đại dịch gây ra, riêng về nhân mạng và tinh thần là không thể đong đếm được.

Và thắp hương cho chị Lê Bảo Thu đã qua đời vì Covid-19

Chia sẻ với sự mất mát quá lớn của gia đình anh Trí, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã an ủi anh Trí: “Vì trách nhiệm với con cái, với gia đình và xã hội, anh Trí phải bình tĩnh sống, nhìn về phía trước mà vươn lên”.

Con số gần 10 ngàn người dân TP. Hồ Chí Minh đã tử vong vì Covid-19 khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ và rút ra bài học sâu sắc.

Vũ Hải Sơn

TRONG ĐÔI MẮT DÂN

FB Nguyễn Thuỳ Dương

Tôi sống trong dân, tôi là con của dân. Từ dân mà lớn, từ dân mà bước. Nhất nhất cảm xúc cũng từ vốn sống của dân. Ít nhất là người dân nơi tôi đi qua, nơi tôi đang sống.

Ngay từ ban đầu, tôi không có ý định mở bếp. Tôi ngại nhiều thứ, và tôi biết mở một cái bếp không dễ dàng gì. Tôi nhìn từng mảnh đời, từng khó khăn, quyết định chỉ mở bếp hai tuần giờ trên 2 tháng. Rất nhiều lần muốn ngơi nghỉ, rồi phải tiếp tục vì thương.

Dân dễ thương mà cũng đáng thương. Buồn đó, vui đó, giận đó, nguôi đó. Dân cũng có cha mẹ con cái, dân cũng có lo sợ ẩn ức, dân cũng có khôn dại đủ đường. Tôi thương dân, có thể, vì tôi cũng là dân. Tôi thương dân lầm lũi sống, thương dân hào sảng vị tha, thương cả khi họ không thật thà, thương cho cái không thật của họ.

Cuộc đời tôi trải qua nhiều chuyện, tôi tin, nếu có thể, con người ta ai cũng muốn được tốt đẹp. Để mình dối trá, xấu xí là việc chẳng đặng đừng. Trong thời gian nấu cơm, mình cũng gặp người xin thêm hộp cơm nữa. Ban đầu, mình giận lắm, định bụng cắt cơm luôn. Bình tĩnh hỏi lại, nghe thỏ thẻ: trưa ăn đây, chiều ăn đâu nên xin để dành, hông tối đói. Nhìn vào đôi mắt họ, nhìn vào đôi bàn tay run run cầm hộp cơm, sợ bị cắt cơm vì gian dối. Tôi thấy mình ác, tôi cúi đầu khi đối diện những ánh mắt ấy.

Tôi từ dân mà bước lên với thế giới hỗn mang này. Dân khóc tôi khóc, dân cười tôi vui, dân giận tôi nhói. Tim con liền ruột mẹ, tôi lớn lên trong lòng dân, do dân bảo bọc, tim tôi cũng vì họ mà thương giận.

Dân Thủ Thiêm trong tạm cư nhiễm Covid. Tiếng khóc vang trong tuyệt vọng, thấu thẳng tới tim tôi. Tôi cũng khóc và đổ quỵ cầu xin giúp đỡ. Nay những người già đã âm tính lần một, người điều trị tại nhà qua cơn nóng sốt. Bà con gọi cảm ơn. Tôi nói không cần cảm ơn. Chúng ta là duyên phận, mà duyên phận thì không cần cảm ơn.

Tôi đi tới đâu, nghe tiếng nói dân, nhìn vào ánh mắt dân để thấy từng vui buồn, lo lắng. Một cảm xúc nhỏ của tôi khi bức xúc hay hạnh phúc có liên quan tới dân, đều phản ánh trung thực những gì tôi cảm nhận, chứng kiến. Tôi hi vọng mình là một phương tiện, một cầu nối cho những sự thay đổi tốt đẹp hơn.

Ai cũng có lý tưởng, có nhiệt huyết tuổi trẻ. Lý tưởng của bạn là gì? Đã bao giờ bạn thử cùng khóc, cùng cười với tha nhân để hiểu trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời. Vì sao mình được sinh ra, mình sẽ đem đi cái gì khi chết đi? Đời này, tôi chỉ hi vọng đem đi được những nhân duyên đẹp đẽ, an yên mỉm cười, hẹn trùng phùng tiếp tục làm bạn lữ.

Dân gọi tôi hỏi ổn không? Tôi trả lời: Dương vẫn ổn. Những cuộc gọi FaceTime liên tục cho dân nhìn thấy Dương vẫn ổn.

Qua màn hình, nhìn từng đôi mắt ấy, tôi tự hỏi: Ngày mai, có thêm ai yêu thương những đôi mắt này hay không?

Muốn thông cảm phải yêu thương, muốn yêu thương phải đồng hành thấu hiểu. Mai này, xa xôi quá….

Bây giờ, bà con thương con hôn? Đứa con của bà con lại trầm tư rồi nè.

SINH VIÊN KHỐI SỨC KHỎE SẴN SÀNG XẾP BÚT NGHIÊN ĐI VÀO TÂM DỊCH

Tuổi Trẻ Online, 1/9/2021

Dù năm học mới đang cận kề, những thầy thuốc tương lai thuộc các khối ngành sức khỏe của trường đại học Quốc tế Hồng Bàng vẫn sẵn sàng xếp bút nghiên để tiếp tục chung tay với nhiệm vụ tình nguyện của mình giữa tâm dịch.

clip_image003

Tình nguyện viên HIU hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin

Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) thuộc số ít đại học tư thục có hàng ngàn cán bộ, giảng viên, sinh viên (CB-GV-SV) dốc lòng tham gia mọi mặt trận chống dịch COVID-19 từ mấy tháng qua.

Điều chỉnh kế hoạch đào tạo để sinh viên tham gia chống dịch

Cô Trần Thúy Trâm Quyên, Phó Hiệu trưởng trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của trường cho biết: "Trường vừa điều chỉnh kế hoạch đào tạo năm học 2021-2022 để CB-GV-SV các khoa thuộc khối sức khỏe tham gia công tác phòng chống dịch".

Từ tháng 6-2021 đến nay, 1.099 CB-GV-SV liên thông và chính quy của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tham gia công tác phòng, chống dịch trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, đến Trung Bộ và Tây Nguyên và tập trung nhất ở TP.HCM, tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân F0 như: Bệnh viện dã chiến thu dung số 6 (TP.Thủ Đức); Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP.Thủ Đức), Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 11); Bệnh viện Hùng Vương (quận 5), Bệnh viện Quốc tế Gia An (quận Bình Tân) và khắp các bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Sinh viên năm 5 Khoa Răng hàm mặt Đào Lưu Thế Anh, người đã tham gia xuyên suốt 2 đợt tình nguyện, từ đợt cuối tháng 6 trong công tác lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát mầm bệnh trong cộng đồng tại các điểm nóng ở quận 7, quận 8 và nay đang có mặt tại ở khu bệnh nặng nhất – khoa ICU, chăm sóc F0 triệu chứng nặng của Bệnh viện Hồi Sức COVID-19, thành phố Thủ Đức.

Từ bệnh viện, Thế Anh chia sẻ: "Em tự hào là sinh viên khối sức khỏe đại học quốc tế Hồng Bàng. Em ý thức khi chọn trở thành bác sĩ tương lai tức là mang trong mình trách nhiệm góp sức cho cộng đồng".

Còn câu chuyện của thầy Võ Nhật Nam – giảng viên khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng đồng hành cùng sinh viên đến các "điểm nóng" dịch bệnh cũng thật éo le. Ít ai biết được rằng, trước khi lên đường vào "tâm dịch", thầy bất ngờ nhận được tin báo người mẹ ở quê nhà đã nhiễm COVID-19, phải nhập viện điều trị. Gác lại nỗi lo lắng, thầy vẫn quyết định đến với những bệnh nhân F0 khác.

Thầy bảo: "Tôi hy vọng rằng mình đến đây và chăm sóc các bệnh nhân cũng giống như ở quê nhà, người nhà của tôi đang được các y bác sĩ tận tình chăm sóc như vậy". Đối với thầy Nam, việc đến với các F0 khác không chỉ là một cách cho đi mà còn là một cách trả ơn với cuộc đời.

clip_image004

Thầy Võ Nhật Nam chăm sóc bệnh nhân FO

Những đóa hoa lặng thầm nở giữa tâm dịch

Giữa "tâm dịch" đã có những đóa hoa ấy đang thầm lặng nở, góp những điều tốt đẹp cho đời. Theo Ông Nguyễn Thành Trung – Phó bí thư Đoàn trường đại học Quốc Tế Hồng Bàng cho biết, với tinh thần "đâu cần thanh niên có – việc gì khó có thanh niên", sinh viên HIU đã không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chính vì điều đó, lãnh đạo Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng và Ban giám hiệu quyết định khen thưởng đợt 1 cho tình nguyện viên là CB-GV-SV của nhà trường. Phần thưởng là món quà xứng đáng cho những nỗ lực cống hiến của các bạn tình nguyện viên trong thời khắc cả nước cần chung tay chống dịch".

clip_image005

Tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng

Còn theo thầy Võ Nhật Nam, còn một thứ phần thưởng đáng quý nữa là: "Bên cạnh việc hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng, giúp họ giảm đi bớt một phần khó khăn, vất vả, chúng tôi cũng hy vọng rằng việc tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ giúp các bạn sinh viên có thể học tập được nhiều hơn nữa, có được những trải nghiệm thực tế quý báu ngoài những tiết học trên giảng đường".

Cuộc sống này có quá nhiều bất ngờ, nhưng điều quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người với con người. Chúng ta hãy sống hết mình với người khác đi, rồi bạn sẽ được trao tặng rất nhiều niềm vui hạnh phúc. Và với những lực lượng y bác sĩ cũng như đội tình nguyện viên trong tuyến đầu chống dịch, hạnh phúc của họ đôi khi chỉ đơn giản là nụ cười và tinh thần lạc quan của bệnh nhân.

X.H

NHỮNG NGƯỜI TRẺ TUỔI

FB Bs. Quan Thế Dân

Chiều nay lại có người của báo liên hệ tôi để phỏng vấn. Tôi từ chối vì không muốn mọi người hiểu lầm. Tôi biết báo chí hay thích đưa những tin giật gân kiểu như: Một bác sĩ già đi chống dịch! Nhưng có một sự thật vô cùng lớn mà mọi người cần biết, cuộc chiến chống đại dịch này đang nằm trong tay những người trẻ tuổi.

Thời nào cũng thế, những người trẻ tuổi là những người sống lý tưởng. Khi có thông tin lấy người tình nguyện đi chống dịch, nhiều thanh niên ở bệnh viện tôi xung phong, trong đó có Tuấn Anh, bác sĩ trẻ đang học Hồi sức cấp cứu tại Bv Bạch Mai. Tuấn Anh xung phong đi trong khi chưa tiêm mũi vaccine nào. Mà tôi biết trong đoàn còn nhiều người như vậy. Nhưng họ vẫn đi vì biết địa phương đang cần.

PGs Nguyễn Lân Hiếu cùng ekip lãnh đạo trẻ chỉ mất có mấy ngày để mở một bệnh viện hồi sức cấp cứu cao nhất ở Bình Dương. Nhiều người ca ngợi hành động kịp thời này, vì đã tạo chỗ dựa cho anh em y tế ở địa phương đang kiệt sức. Có nhiều chuyện tế nhị không thể kể ra được, nhưng chỉ biết phải có một năng lượng khủng khiếp mới có thể hoàn thành một núi công việc trong một thời gian ngắn. Đối nội, đối ngoại, chuyên môn, hậu cần, nhân sự… Nếu không là những người trẻ tuổi, không thể làm được. Bây giờ Đại học Y Hà Nội thành chỗ dựa cho cả tỉnh Bình Dương, địa phương có hơn 100.000 người mắc.

Tôi thích nhất ở đoàn này là lãnh đạo đồng thời cũng là tướng lĩnh thực chiến, cũng mặc đồ bảo hộ PPE chui vào vùng đỏ mãi không thấy ra, chỉ thấy tiếng léo nhéo gọi bộ đàm ra hỏi xét nghiệm, thêm thuốc men, điều hành công việc, mãi mấy giờ sau mới chui ra, toàn thân quần áo ướt sũng mồ hôi như dội nước. Ngày nào cũng như thế, cả tháng trời nay. Và họ không chỉ giỏi thực chiến mà họ có lý thuyết rất vững vàng, đúng kiểu nội trú của Y Hà Nội, là mở miệng ra nói bất cứ câu gì cũng cắt nghĩa theo cơ chế. Căn bệnh bí ẩn đang thách đố y tế của cả thế giới. Với chúng ta, nó lại càng là thách thức. Nhưng những người trẻ tuổi đang làm những gì tốt nhất cho người bệnh.

Những người trẻ tuổi từ phía Bắc tiếp tục vào. Tôi biết trong mấy ngày đầu các bạn đang sốc nặng. Sau khi vào buồng bệnh ra nhiều bạn nữ ngồi thất thần. Chắc không ai có thể ngờ tình hình bệnh tật lại khốc liệt đến thế. Cộng với quá tải về sức chịu đựng của con người, mệt, mất nước, đuối sức và ám ảnh bệnh tật. Không sao, mấy ngày đầu chưa quen, mệt thì cứ nghỉ, nhưng không ai nỡ nghỉ, vì nghỉ thì phần việc của mình lại chất lên vai người khác. Rồi rất nhanh sức trẻ lại vượt lên. Tôi lại nghe thấy tiếng cười đùa trêu chọc nhau xen lần tiếng ồn ào đủ mọi cung bậc của một khoa phòng thời chiến.

Chiều, sau khi từ buồng bệnh nhân ra, trong lúc xếp hàng chờ tắm khử trùng, tôi chỉ cho mấy bạn trẻ thành phố HCM từ xa. Kia kìa, chỗ cái nhà cao nhất kia là Vincity, cái nhà có sân đậu trực thăng kia là tháp bông sen… Thành phố Sài Gòn hoa lệ cũng đang oằn mình chống dịch, biết đến khi nào mới yên để các bạn trẻ này đi chơi thăm Sài Gòn một lần trước khi quay về Bắc. Tỷ lệ tử vong ở Bình Dương đang ở mức thấp, một phần thưởng cho nỗ lực của những người trẻ tuổi. Chắc cái ngày chiến thắng đó sắp đến rồi

clip_image007

Bàn giao tua trực

clip_image009

Ca trước ca sau bàn giao bệnh nhân nặng rất cẩn thận

clip_image011

Check in cái nhưng chẳng biết ai vào ai cả

clip_image013

Trên xe đưa rước nhân viên

clip_image015

Lực lượng trẻ

clip_image017

Sài Gòn phía xa xa

GÓC NHỎ VÒNG TAY VIỆT SÀI GÒN: NGHỆ SĨ HÀ TRÍ QUANG CHUYỂN NGHỀ THỢ CẮT TÓC 

FB Vu Kim Hanh

Sáng nay có 2 đoàn công tác ra đi về hai hướng. Một đoàn đi về khu xóm trọ nghèo tặng quà cho những gia đình khó khăn. Và một đoàn đi trao quà dinh dưỡng cho các y bác sĩ – nhân viên y tế tại cơ sở (phường, xã).

Khi 2 đoàn đi rồi, nhóm thứ ba ở lại văn phòng là các "cửu vạn thiện nguyện" của Vòng Tay Việt – Sài Gòn tạm dừng chuyển hàng để được chăm sóc đặc biệt bởi một nghệ sĩ nổi tiếng: diễn viên điện ảnh Hà Trí Quang (bạn nhớ các bộ phim truyền hình: Lâu đài tình ái, Rau muống tháng 9, Vợ ơi bồ nhé, Chiếc vòng ngọc huyết… không?).

Hôm nay, chàng diễn viên "tình nguyện viên" họ Hà (thường tháp tùng các đoàn trao quà của Vòng Tay Việt – Sài Gòn mà ít ai nhận ra vì luôn mặc bô đồ bảo hộ kín mít) lại tình nguyện vào công việc mới: thợ hớt tóc. Thấy Quang khoe tài và lại còn "năn nỉ" để "nắm đầu" mọi người, thôi thì thử thời vận xem sao. Các chàng trai hồi hộp nhưng dần an tâm khi thấy Quang mang theo đồ nghề khá xịn và thi triển rất điệu nghệ. Xong hết mấy cái đầu đều thấy đẹp. Có một anh tên Tèo, rất kén chọn tiệm cắt tóc hồi trước, giờ cũng thấy tiệm "cắt tóc dã chiến" Hà Trí Quang là… đẹp.

Trong đội ngũ những tình nguyện viên đến đồng hành cùng Vòng Tay Việt – Sài Gòn thường xuyên, hiện có khá nhiều nghệ sĩ trẻ: Tuyết Thu, Đình Toàn, Quang Thảo, Hà Trí Quang… Các bạn rất xông xáo, nhiệt tình. Có bạn còn bộc bạch nghe thấy thương: ở nhà không yên, đi để chia bớt cái khổ của người nghèo, nhưng cũng là để cho dịch mau giảm, được trở lại hồi trước, để còn được đi diễn nữa, nhớ phim trường, sân khấu lắm rồi.

clip_image019

"Cửu vạn" siêng năng nhất của Vòng Tay Việt – Sài Gòn, sau ba tháng không cắt tóc đã bắt đầu lấy dây thun cột cái đuôi chuột, chiều nay hớn hở vì… nhẹ đầu.

clip_image021

Nạn nhân được thử nghiệm ngồi xuống cho anh Hà Trí Quang sửa đầu cho biết rất hồi hộp lúc bắt đầu nhưng bây giờ rất hài lòng.

clip_image023

Chàng nghệ sĩ lãng tử này rất chăm đi làm thên nguyện, đi mua gạo, chuối, gia vị, trái cây… về đem tặng người nghèo mà rất lặng lẽ.

HỒI KÝ: PHỤC VỤ TẠI KHU CÁCH LY

Phanxico X. Hoàn Mỹ – TGP Sài Gòn, 02/09/2021

clip_image025

TGPSG “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).”

Cơ duyên làm tình nguyện viên chống dịch

Ngày 10-7-2021, khi đang xem tin tức, tình cờ tôi thấy mẫu tin tuyển tình nguyện viên (TNV) tham gia chống dịch Covid-19 của trung tâm Y tế Thủ Đức (TTYT Thủ Đức).

Tôi ngay lập tức có ý định đăng ký tham gia, nhưng chợt phân vân với suy nghĩ: “Chọn ở nhà bình an, quây quần với người thân, hay chọn mạo hiểm cùng với các chiến sĩ áo trắng áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch? Con đường nào tôi nên đi? Sự nhiệt thành dấn thân phục vụ, có khi phải đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình và những hệ lụy cho gia đình sau này. Mình không thể quyết định theo cảm tính được.”

Rồi một suy nghĩ khác hiện ra, xóa hẳn sự phân vân: “Mình là con cái Chúa, mà Chúa thì thường xuyên dạy tôi và mọi người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24).”Chúa đã mạc khải cho thấy con đường theo Ngài đầy gian nan thử thách, thậm chí là cái chết khổ hình.

Tôi cầu nguyện, tâm sự với Cha sở và người thân về ý định tham gia TNV. Sau khi xác định dấn thân phục vụ với lòng tín thác vào Chúa, tôi đăng ký tham gia. Sau khi được “phỏng vấn” qua điện thoại với bác sĩ phụ trách tuyển, tôi vui vẻ tự trấn an: “Con đã được chọn, xin phó thác mọi sự cho Chúa!”

clip_image027

Những ngày đầu, tôi được xếp làm công việc quản lý dữ liệu trong một căn phòng ít người, vì vậy tôi chưa cảm nhận được mức độ nguy hiểm của con virus này, chưa có cảm giác “tận hưởng hơi thở Covid”!

Đến tối ngày 14-7-2021, Ban giám đốc TTYT gửi tôi tờ lệnh làm việc tại khu cách ly. Lúc này tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, lo lắng: Vậy là thời gian “thực tập” đã xong, “hơi thở Covid” đến rồi! Nhưng niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa giúp tôi bình tâm. Sáng thứ năm 15-7-2021, tôi vác ba lô lên đường.

Và thật lạ lùng, tôi không rõ khi xưa, quang cảnh Chúa vác thập giá như thế nào, có ảm đạm không, nhưng hôm nay, khung cảnh tĩnh lặng của phố phường buổi sớm ở đây khiến tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ nơi chính mảnh đất Thủ Đức quê tôi: Không bóng dáng công nhân vệ sinh, không người đi lại trên phố; hàng quán đóng cửa, không còn những âm thanh ồn ào, huyên náo… Một thoáng buồn, cứ như mọi người đang giận dỗi tôi, không muốn ra đường gặp tôi vậy!  

clip_image029

Khu cách ly

Đến khu cách ly (KCL), không vội vào, tôi dựng xe bên vỉa hè, quan sát nơi mình sẽ làm việc. Quang cảnh nơi đây làm tôi nhớ đến Lời Chúa: “Người bảo họ: ‘Ðến mà xem’. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.” (Ga 1, 35-42)

Quả thật, đến xem và trải nghiệm thực tế là một chuyện, có tiếp tục ở lại hay không là chuyện khác. Tôi cúi đầu, làm dấu thánh giá, và xin Chúa luôn đồng hành cùng tôi.

clip_image031

Nơi tôi sẽ làm việc là ký túc xá sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM – khu vực 2, là một trong những nơi được trưng dụng để tập trung sàng lọc, chăm sóc những người nhiễm và nghi nhiễm Virus Sars-Cov-2.

Nơi làm việc của Ban quản lý (BQL) đúng là ‘dã chiến’. Bên phải là căn tin ký túc xá, được chuyển thành văn phòng, diện tích khá rộng, còn đủ chỗ chứa các thùng nước khoáng, đồ bảo hộ… Sân trước căn tin thành nơi tập kết cơm cho người đi cách ly (NĐCL). Chính diện là dãy lầu, có thang máy lên 9 tầng. Dọc hành lang là nơi để các vật dụng như chăn, mềm, gối, chổi, bọc đựng rác.. và vài loại vitamin, thuốc men, nước khoáng…

BQL có một bác sĩ tổng phụ trách, một y tá, một điều dưỡng, và 3 TNV – kể cả tôi.

Ba TNV chúng tôi phụ trách hậu cần, chuyên điều tiết và cung cấp thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ những NĐCL và BQL. Ngoài ra còn có một tổ dân quân hỗ trợ chúng tôi trong việc phát cơm ăn, nước uống…

Nơi tôi ngủ nghỉ là phòng trong ký túc xá, có nhà vệ sinh riêng, biệt lập với khu cách ly.

clip_image033

Khởi đầu một ngày làm việc

Thường 5g sáng là tôi thức giấc, đọc kinh, cầu nguyện cho công việc của mình. Sau đó xuống căn tin pha cà phê.

Buổi sáng yên ắng lắm, không tiếng động, dù chung quanh nơi tôiđang đứng có vài trăm người. Giờ này những NĐCL còn yên giấc sau một đêm thức khuya. Ba TNV chúng tôi, vừa uống cà phê, vừa tranh thủ “quẹt điện thoại” xem tin tức. Thỉnh thoảng nghe thốt lên một tiếng “ồ”, “căng quá”, “nhiều quá”… không cần nói cũng biết, chúng tôiđang xem tin Covid!

Đúng 7g, xe chở bữa ăn sáng vào. Chúng tôi chuyển đồ ăn xuống, kiểm tra, ký nhận. Khi là xôi, lúc là bánh ướt kèm bịch sữa. Chúng tôi sắp xếp, ghi số phòng,…

Các em dân quân dùng xe đẩy thức ăn đến thang máy. Mọi người bắt đầu chuyển thức ăn lên từng tầng. Đến tầng nào, đại diện tầng đó ra nhận, rồi cứ tiếp tục như thế cho đến tầng 9. Thời gian chuyển hết cho các phòng là khoảng hơn một giờ.

clip_image035

Sau khi hoàn thành, tất cả xuống sân, cởi bỏ ngay đồ bảo hộ vào túi rác y tế, sát khuẩn tay rồi mới tự do đi lại trong vùng an toàn.

Phát nước uống

clip_image037

Cứ 3 ngày, chúng tôi phát nước một lần, mỗi người một bình 6 lít. Chúng tôi lần lượt chuyển lên từng tầng như chuyển bữa ăn sáng, khoảng gần hai tiếng mới xong. Tôi thấy các em dân quân nhễ nhại mồ hôi, làm liên tục, quan sát và hỗ trợ nhau từng chút, xong việc là các bạn bơ phờ, ngồi bệt ra sân, nhưng vẫn vui cười, rôm rả nói chuyện.

Chuyển quà tiếp tế và phục vụ những NĐCL

Người thân của NĐCL khi đem quà tiếp tế đến, họ được hướng dẫn nơi để quà và… ra về, không tiếp xúc với bất cứ ai. Tôi hay quan sát họ, sau khi giao quà, họ không vội về mà cứ nhìn lên các dãy lầu, ánh mắt như  dõi tìm, cố hình dung xem người thân đang ở phòng nào, rồi họ thở dài quay ra. Không hiểu sao, tôi rất ngại nhìn vào ánh mắt họ lúc đó.

BQL đã tạo mỗi tầng một group zalo, những NĐCL sẽ gửi thông tin vào đó để BQL xem và hỗ trợ. Lúc đầu chưa quen, tôi choáng luôn: các tin nhắn ghi “đủ thứ trên đời”, từ ăn, uống, thuốc, rồi xin dụng cụ, báo sốt, thậm chí bàn luận cả chuyện bên Afghanistan trong group zalo! Đúng như bạn TNV trong tổ đã cảnh báo: “Anh chưa quen sẽ choáng khi xem tin nhắn, anh cứ sàng lọc, rồi sẽ quen.”

Chúng tôi thu thập tất cả thông tin do các NĐCL yêu cầu, nào là “cho phòng 603 bọc đựng rác”, “522 xin chổi quét nhà ad ơi”, “phòng 233 có người sốt ad ơi, sẵn cho xin cuộn giấy vệ sinh”… Chúng tôi lướt qua tất cả các tin nhắn,và ưu tiên ngay những tin nhắn cấp thiết.

Tôi thống kê, ghi lại, thỉnh thoảng điện thoại lại tít tít, có thêm phòng xin bổ sung…

Việc chuyển lên cũng đơn giản và an toàn. Chúng tôi gọi từng tầng, sau đó để đồ vào thang máy, bấm cho thang máy chuyển đến tầng đó. Người đại diện tầng sẽ ra nhận và để trước cửa từng phòng, xong việc thì thông báo cho người trong phòng ra lấy. Tuy việc không nặng nhọc, nhưng mất khá nhiểu thời gian.

clip_image038

Ăn trưa

Chúa đã dạy: “Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,40).Quả vậy, nếu không nhớ lời này của Chúa, tôi sẽ không chịu nổi những lời trách móc, kiệnclip_image039 tụng của NĐCL. Áp lực công việc khiến chúng tôi có thể bộc phát sự bực bội bất cứ lúc nào.

Phát cơm trưa cũng gần giống phát bữa sáng, các công đoạn luôn nghiêm ngặt. Phục vụ cơm trưa vất vả nhất trong ba buổi cơm. Thời gian để chuẩn bị quá ngắn, nếu không nhanh, cơm trưa đến tay NĐCL sẽ như cơm chiều, họ sẽ “la làng” ngay. Có hôm việc nhiều, không kịp uống nước, nghỉ ngơi, chúng tôi phải vội lên danh sách “cơm, cháo” cho kịp. Vì vậy, thỉnh thoảng sơ sót: lúc dư cháo thiếu cơm, lúc dư cơm thiếu cháo. Những lúc như vậy, chúng tôi luôn ưu tiên nói lời “xin lỗi” và nhanh chóng điều chỉnh cho mọi người có đúng thứ họ cần. Thậm chí chúng tôi phải kiên nhẫn nghe NĐCL “lên lớp”, và không cần biết lỗi do ai, chúng tôi cứ luôn chỉ biết “Vâng, tụi anh xin lỗi, sẽ rút kinh nghiệm”, sau đó chúng tôi ngồi với nhau để xem xét điều chỉnh.

Đến hơn 13g30, chúng tôi thống kê những yêu cầu về bữa ăn chiều. Sau đó soạn đồ chuyển lên, rồi kiểm tra hàng tồn, kịp báo về trung tâm xin hỗ trợ.

Buổi chiều

Hôm nào NĐCL ít yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi có thời gian giải lao, bằng không thì phải quay như chong chóng. May mà chúng tôi luôn hỗ trợnhau, chăm sóc và động viên nhau, nên tôi luôn thấy thoải mái vượt qua áp lực từ công việc.

Sau khi lo xong cho bữa cơm của mọi người, tôi ra ghế đá ngồi ghi chép, thống kê các hạng mục đã làm trong ngày. Đến 18g, tôi mới bắt đầu bữa tối với lời kinh tạ ơn.

Tôi rất quý trọng tình đồng đội của hai bạn trẻ Phong và Vũ. Tôi cố gắng tỉ mỉ và chia sẻ cùng hai bạn, tạo niềm vui và tiếng cười khi đang cùng làm việc. Ba chúng tôi buổi chiều hay ngồi ghế đá chia sẻ, hỏi thăm nhau…

Phong tâm sự: “Em là hướng dẫn viên du lịch. Em làm TNV ngay từ những ngày đầu. Mẹ em cũng lo lắm, vì việc này đâu có liên quan nghề của em. Nhiều đêm ngồi một mình, em nhớ mẹ lắm. Rất lâu rồi em không về nhà, nhớ lắm, nhưng biết làm sao?!”

Tôi nghe cũng chạnh lòng, chỉ biết an ủi động viên em. Tôi biết rõ tâm trạng của Phong, vì đêm khuya, thỉnh thoảng nhìn ra ghế đá, tôi vẫn thấy Phong ngồi đó một mình..

Vũ thì trẻ hơn, mở quán cà phê tại nhà, mới 23 tuổi, đúng là tuổi trẻ vô tư hồn nhiên. Em ấy nói: “Em giấu mẹ đi TNV đó anh! Khi được nhận, em ôm ba lô ra, mới nói cho mẹ hay. Mẹ trách, em cười thôi, rồi mẹ cũng cho em đi”. Nói xong Vũ lại cười khà khà…

Tôi hỏi: “Vậy em mất thu nhập, ai lo cho mẹ khi em đi?”

Vũ chợt buồn, nói: “Em nhờ chị chăm sóc. Khi bán cà phê, em vui lắm, lo cho mẹ, đi tùm lum chỗ để tìm hiểu người ta làm thế nào, về bắt chước. Bây giờ, em phải dừng mọi thứ vì Covid, buồn chứ anh! Không gặp bạn bè, không lo gì được cho mẹ… Tối nào cũng vậy, đúng 20g em gọi cho mẹ, vì đó là “giao kèo”, không gọi là mẹ lo…”

Tôi rơi vào im lặng, cố tưởng tượng hình bóng hai người mẹ hằng đêm ngồi nhìn điện thoại, chờ con gọi về. Và tôi biết, có rất nhiều người mẹ, người cha, ông bà cô chú, thậm chí là vợ, chồng cũng trong hoàn cảnh chờ cuộc gọi như mẹ của hai em.

Buổi tối

Buổi tối chúng tôi gọi điện cho người thân, bạn bè, trao đổi với NĐCL qua Zalo… Tôi ra ghế đá ngồi, gọi điện về nhà, rồi lần hạt, tạ ơn Chúa đã cưu mang và “xin Chúa luôn đồng hành với con, chăm sóc mọi người…”

Tiếp đón và tiễn chân người được cách ly

Đây là công việc chiếm nhiều cảm xúc của tôi nhất. Thường xe đưaNĐCL vào đây sau 21g. Những NĐCL bước xuống xe và tập trung ngoài sân. Chúng tôi đứng cách khá xa, dùng loa hướng dẫn mọi người lần lượt lên phòng, sau đó chuẩn bị chăn màn và vài vật dụng cần thiết chuyển lên. Những thứ khác sẽ được cấp ngay sáng hôm sau.

Việc chuyển lên tuyến trên hay về nhà tự cách ly cũng tương tự: tập trung ngoài sân, gọi tên, làm thủ tục và lên xe. Một điều lạ là: khi ở đây, các NĐCL nhiều lúc xích mích với nhau, thậm chí giận dỗi, nhưng khi rời đi, mọi người lại có sự quyến luyến rõ rệt, chào tạm biệt và nhắn nhủ đủ điều, thậm chí nhiều em rơi nước mắt. Tôi thường dành thời gian quan sát mọi người lúc này.

Cũng có chuyện cười ra nước mắt như trường hợp một bạn  F1, sau 14 ngày âm tính, được cho về, lại dứt khoát không chịu về, với lý do: “chưa cách ly đủ 21 ngày, không về!”. Bác sĩ giải thích mãi cũng không chịu. Cuối cùng, bạn ấy nói: “Giờ ra ngoài cũng ở nhà cách ly, không đi làm được, rồi phải lo lắng đủ thứ… Em xin ở đây đủ 21 ngày, có các anh chăm sóc tốt, vậy cho khỏe!”.

Công tác vệ sinh

Rác thải y tế  nơi đây là thứ được xem là nguy hiểm nhất. Một nhóm công nhân vệ sinh chuyên môn cao phụ trách mảng này, được trang bị bảo hộ “tận răng”. Họ thu dọn từng tầng, chuyển xuống và tập kết ra bãi. Khi bãi đầy, lập tức xe đến chuyển đi ngay.

Phạm vi di chuyển và giờ giấc của nhóm này rất rõ ràng, được testkiểm tra thường xuyên.

clip_image041

clip_image042

Lời kết: Chúng ta là một gia đình

Chúa nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mc 10, 43). Thời gian ở KCL đã tác động rất lớn trên tôi, vì tôi được trải nghiệm những thứ mà tôi không bao giờ mong sẽ đượctrải nghiệm lần nữa, giúp tôi biết hoán cải sâu hơn, phục vụ xa hơn.

Chúa đã làm gương và dạy rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Những ngày làm việc nơi đây, tôi có thêm nhiều bạn bè là đồng nghiệp, là NĐCL, Bác sĩ, Y tá, các em dân quân… Họ vừa là đồng đội, vừa là anh em.

Sự quan tâm chăm sóc nhau là điều giúp chúng tôi an toàn và có tinh thần tốt. Chúng tôi để ý “nâng khăn sửa túi” nhau rất kỹ, chỉnh sửa bảo hộ cho nhau, nhắc nhở nhau từng chút trong công việc, chia sẻ với nhau về gia đình, cuộc sống bên ngoài. Và sau mỗi buổi chia sẻ, chúng tôi luôn có vài phút lắng đọng, cầu mong dịch bệnh mau qua đi, để mỗi chúng tôi và tất cả mọi người tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình.

Thời gian ở KCL, tôi thấy việc trao đổi và động viên những NĐCL là việc khó khăn nhất. Hành trình cuộc sống của họ bị khựng lại, bị thay đổi đột ngột, con xa cha mẹ, vợ xa chồng… Nên tâm lý, trạng thái của NĐCL là điều chúng tôi ngại đối diện nhất. Họ đã mệt mỏi, tinh thần không còn tốt. Vì thế, sau khi đã hết lòng tận tâm phục vụ, mồ hôi đã nhễ nhại rồi, chúng tôi vẫn dùng những câu bông đùa, mong phần nào xoa dịu sự căng thẳng của mọi người.

Có những đêm mệt mỏi thiếp ngủ, bỗng dưng bị đánh thức vì những chuyện ‘không đâu’. Nửa đêm, bỗng có nhiều tiếng la thất thanh trên lầu, tiếng chân chạy ầm ầm. Chúng tôi vội bật dậy, chuẩn bị mọi thứ cần thiết, chạy vội lên xem. Thủ phạm khiến cho phòng có ba cô bé la toáng lên là một… con gián. Sau khi “xử lý con gián tội phạm”, chúng tôi quay về phòng, mọi người im lặng nhìn nhau, rồi không nhịn nổi, phải cười bò càng.

Có người thì cứ tối đến là hát cải lương. Chung quanh “ném đá” tơi bời, anh chàng vẫn hát. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao, chỉ biết nhắc nhở: hát nhỏ nhỏ thôi. Anh trả lời: “Cải lương hát nhỏ, sao đủ hơi?”. Bó tay luôn! Cũng may mọi người riết rồi cũng quen, còn bảo anh chàng đó: “Sao không hát to lên cho mọi người nghe?”

Thời gian ở đây, tôi học được rất nhiều từ những người xa lạ. Nhờ sát vai nhau, tôi có thêm bạn bè; nhờ lắng nghe họ, tôi trở thành người làm nhiều nói ít; nhờ học hỏi nơi họ, tôi thấy mình hiểu biết thêm; nhờ tận tâm chăm sóc họ, tôi thấy mình luôn được Chúa chăm sóc.

Chúa là Cha nhân ái, khoan dung. Chúa sẽ mãi gìn giữ tất cả chúng con.

Fx. Hoàn Mỹ

TRANH Tuổi Trẻ Cười

Học online, mẹ vẫn đau lưng

clip_image044

Comments are closed.