Sài Gòn – Những ngày phong thành (62)

THÔNG TIN:

*An toàn đến đâu, mở lại hoạt động đến đó, không mở toang cùng lúc

https://nld.com.vn/chinh-tri/an-toan-den-dau-mo-lai-hoat-dong-den-do-khong-mo-toang-cung-luc-202109062252246.htm

*Hai tuần siết chặt giãn cách xã hội của TP.HCM

https://zingnews.vn/hai-tuan-siet-chat-gian-cach-xa-hoi-cua-tphcm-post1259489.html

*TP HCM: Kiến nghị cho siêu thị, cửa hàng và shipper được hoạt động tới 21 giờ mỗi ngày

https://nld.com.vn/kinh-te/tp-hcm-kien-nghi-cho-sieu-thi-cua-hang-va-shipper-duoc-hoat-dong-toi-21-gio-moi-ngay-20210906192222929.htm

*Thí điểm việc đi lại đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19

https://tienphong.vn/thi-diem-viec-di-lai-doi-voi-nguoi-da-tiem-du-2-mui-vac-xin-ngua-covid-19-post1373448.tpo

*Chủ tịch TPHCM: Người vùng xanh có thể đi chợ, thí điểm bán hàng mang về

https://laodong.vn/xa-hoi/chu-tich-tphcm-nguoi-vung-xanh-co-the-di-cho-thi-diem-ban-hang-mang-ve-950490.ldo

*Hơn 100 triệu ủng hộ mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo ở TP.HCM

https://zingnews.vn/hon-100-trieu-ung-ho-mua-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-ngheo-o-tphcm-post1259746.html

KỈ LUẬT, THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ

FB Xuân Sơn Võ

Ngày 4/9/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 7330/BYT-KCB, chấn chỉnh công tác nhân sự, yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhân viên y tế nào bỏ việc hoặc vi phạm các qui định về đạo đức nghề nghiệp.

Đây là một công văn rất đau xót, phản ánh thực trạng cách đối xử với nhân viên y tế trong phòng chống dịch. Có lẽ tình hình nhân viên y tế bỏ việc, nghỉ việc nhiều lắm, nên Bộ Y tế mới phải làm một cái công văn như thế này, vào đúng lúc dịch đang căng thẳng, và rất nhiều nhân viên y tế đang căng mình ra giữa vòng vây của dịch bệnh.

Tôi nhớ có xem một cái clip, cách đây vài tuần. Người quay clip nói bác sĩ trốn hết rồi, người chết không được đưa đi, người bệnh không được chăm sóc. Cũng có thể điều đó là thật. Ngay cả chỗ chúng tôi, nghỉ dài ngày quá nhân viên cũng rơi rụng dần, mặc dù chúng tôi cố gắng trả một ít phụ cấp.

Tất nhiên, công văn nói trên không nói những trường hợp nghỉ việc như ở chỗ chúng tôi. Họ nhắm đến những người được phân công làm công tác chống dịch ở tuyến đầu. Tôi không trực tiếp làm việc trong các bệnh viện dã chiến, hay các bệnh viện chuyên điều trị người nhiễm virus Vũ Hán. Nhưng qua những bài viết, các hoạt động thiện nguyện xoay quanh các khu vực đó, và từ một vài người bạn đang làm việc tại những nơi đó, tôi thấy, có nhiều điều cần xem lại, đừng để giữa lúc này lại mất thêm nhiều nhân viên y tế.

Đầu tiên nhất, hệ thống y tế đã không được bảo vệ trong cơn bùng phát dịch vừa qua. Hàng loạt bệnh viện bị phong tỏa. Thậm chí, chỉ cần 1 bệnh nhân đến khám, và sau đó phát hiện nhiễm, là phong tỏa luôn cả bệnh viện. Ngoại trừ những cái tên lớn, còn lại, cách hành xử của cơ quan quản lí cứ như họ là tội phạm. Cách hành xử như vậy làm cho nhân viên y tế không thể còn nhiệt huyết để làm việc nữa.

Việc phân biệt đối xử giữa y tế công và y tế tư, giữa bệnh viện và phòng khám đa khoa, đặc biệt là đối với các phòng khám tư nhân của một số Sở Y tế, điển hình là Sở Y tế TPHCM, không chỉ gây bất bình cho nhiều nhân viên y tế tư nhân, mà còn cho rất nhiều nhân viên y tế công.

Trong khi đó thì khi nhân viên y tế được đưa ra tuyến đầu, chính quyền đã quan tâm đến họ đúng mức chưa?

Tôi hết sức ngạc nhiên khi một số bếp ăn từ thiện nói với tôi, hoặc đăng công khai trên facebook, rằng họ nấu ăn cho nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến. Tôi cũng đã nhận được xác nhận việc này ở một vài nhân viên công tác xã hội của một số bệnh viện. Vậy ra nhà nước không lo cho họ, hoặc lo như thế nào, mà để các tổ chức từ thiện phải đứng ra lo bữa ăn cho họ. Chính quyền đã biến nhân viên y tế tuyến đầu thành người phải đi nhận bữa ăn từ thiện, no đói nhờ vào lòng tử tế của người khác.

Phong trào tặng các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện điều trị người nhiễm virus Vũ Hán, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh nhiễm virus Vũ Hán rất rầm rộ. Điều này chứng tỏ, các bệnh viện thiếu thốn những thứ bảo đảm sự an toàn cho nhân viên y tế. Tại sao nhà nước không lo những thứ này cho nhân viên y tế, mà phải để sự an nguy của họ phụ thuộc vào lòng từ tâm của bá tánh?

Phong trào quyên góp những thiết bị y tế rẻ tiền, như thiết bị đo SpO2, hoặc đắt tiền hơn như máy thở không xâm nhập… cũng rất rầm rộ. Tôi còn phát hiện, các bệnh viện dã chiến còn thiếu cả bình oxy, mask thở, cũng lại phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhóm từ thiện. Những trang thiết bị phục vụ làm việc rất tối thiểu mà cũng không có, phải nhờ từ thiện giúp đỡ, thì có thể làm việc được hay không?

Nhiều bác sĩ tham gia chống dịch và điều trị bệnh nặng không phải chuyên ngành hồi sức hay nhiễm. Để có thể làm việc độc lập, ít nhất họ cũng phải có khoảng 6, 7 năm trong chuyên ngành. Bây giờ, các bác sĩ không thuộc chuyên ngành đó phải độc lập xử lí những ca rất khó, ngay cả đối với những bác sĩ đầu ngành hồi sức cấp cứu. Các vị có hiểu một người bác sĩ sẽ phản ứng như thế nào khi thấy mình bất lực chưa?

Tôi đọc được bài viết của một số bác sĩ. Có người nói, cứ cắm ống thở (đặt nội khí quản) là gần như 100% là chết. Có bệnh nhân nằm viện về kể, rằng cắm ống thở vài ngày không khá là người ta phải rút ra liền, còn để máy cho người khác. Tôi nhìn tấm hình chụp cái bệnh viện dã chiến 13.000 giường mà rùng mình. Không hiểu các bạn nhân viên y tế làm việc tại đó lấy can đảm ở đâu để có thể làm việc dài ngày trong cái không gian rùng rợn và kinh khủng như vậy? Chính phủ, Bộ Y tế có biết tất cả những điều đó gây áp lực như thế nào lên nhân viên y tế không? Các vị đã làm gì để giảm bớt áp lực, hay thể hiện sự quan tâm đến tâm lí của nhân viên y tế hay chưa?

Đã vậy, các vị có cho nhân viên y tế tham gia chống dịch được hưởng trợ cấp gì đặc biệt không? Các vị kêu gọi nhân viên y tế tư nhân tham gia chống dịch, không một đồng lương, không một đồng phụ cấp. Mà có phải các vị không có tiền đâu. Các vị bỏ ra hàng chục nghìn tỉ để xét nghiệm hết lần này đến lần khác một cách bừa bãi. Các vị dùng tàu cao tốc để chở rau, dùng xe cẩu hạng nặng để mang những túi an sinh nặng chừng chục kí lô lên chung cư. Các vị còn đòi dùng cả máy bay để chở rau. Các vị đâu có thiếu tiền. Càng xài nhiều tiền các vị càng hăng hái.

Trong khi đó, bao nhiêu nhân viên y tế kêu gọi, góp ý, kiến nghị… nhưng các vị coi khinh. Các vị chỉ thích xét nghiệm và ôm thật chặt vaccine.

Tối nay, tôi nghe một bản tin trên mạng. Có thể các vị sẽ bảo bản tin đó là phản động. Vì họ nói về tình hình ở Philipin. Nhân viên bên đó cũng nghỉ việc hàng loạt, vì áp lực công việc quá lớn và đồng lương thấp. Hình như hôm nay thì phải, họ có cuộc họp gì đó, trong đó người ta chất vấn đủ thứ, về việc quan tâm tới đời sống của nhân viên y tế, rồi tại sao không tăng lương… Nhưng tuyệt đối, không ai yêu cầu xử phạt nhân viên y tế cả.

Chính phủ và Bộ Y tế cần phải xem lại chính mình. Khi các vị cần, thì các vị bất chấp sự an nguy của nhân viên y tế. Các vị cho nhân viên y tế ở các phòng khám đa khoa chích vaccine mũi 1 được 3, 4 ngày là yêu cầu người ta đi chích vaccine cộng đồng, bất chấp phơi nhiễm khi chưa được bảo vệ. Các vị kêu gọi nhân viên y tế về hưu, là những người già, mà nhiễm thì khả năng chết rất cao, vô phục vụ ở những nơi toàn người nhiễm.

Các vị không cần quan tâm đến nhân viên y tế sống như thế nào, có gì bảo hộ họ trước sự phơi nhiễm hay không, cũng chẳng quan tâm đến điều kiện làm việc của họ. Ngay cả những điều kiện tối thiểu các vị không quan tâm, thì nói gì đến đãi ngộ. Thế nhưng, khi người ta phản ứng thì các vị không nhìn lại mình, mà lại đòi kỉ luật, tước chứng chỉ hành nghề.

Đúng là nhân viên y tế bỏ việc khi đang làm nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì phải bị xử lí bị kỉ luật, nặng thì có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề. Nhưng các cấp lãnh đạo đã hành xử để nhân viên y tế phải đi đến bước đường đó thì sao? Các vị hãy nghĩ đến trách nhiệm của các vị, trước khi muốn kỉ luật hay tước chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế.

 

ĐỪNG CẠN TÌNH ĐẾN THẾ ĐỐI VỚI CÁC BÁC SĨ CHỐNG DỊCH!

FB Hoàng Nguyên Vũ

********

"Tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm…"

Đó là một trong những nội dung ở công văn số 7330 của Bộ Y tế, ngày 4/9/2021, gửi các sở y tế và "đề nghị các sở y tế khẩn trương thực hiện", để “đảm bảo nhân lực thực hiện phòng chống dịch…”

Về cái "đề nghị" này, Bộ Y tế có sai không, thưa là không sai. Ừ thì "tự ý bỏ việc", hay "vi phạm quy định đạo đức hành nghề" thì bị xử lý là đúng rồi,

nhưng (đáng tiếc, lại nhưng), có những cái không sai, nhưng đặt vào một số thời điểm, và một số hoàn cảnh, hoặc một số trường hợp, có thể sẽ phản cảm, thậm chí là nhẫn tâm.

Ai cũng biết, trong suốt những ngày tháng qua, các y bác sĩ đã cống hiến như thế nào; họ đã vì lời thề nghề nghiệp, đã vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đã phải làm việc quá sức, thậm chí kiệt sức đến mức nào…

Nếu trên con đường ấy, nếu ai trong số họ không chịu đựng được, họ không còn sức đi tiếp, thì xin đừng đối xử với họ như những tội đồ nghề nghiệp.

Bộ Y tế suy cho cùng thì cũng là những bác sĩ, những đồng nghiệp của họ cả. Làm thế, xin hỏi có còn cái tình đồng nghiệp dành cho nhau ở cái hoàn cảnh, cái thời điểm mà lẽ ra nên dùng cái tình để an ủi nhau thay vì những lạnh lùng hành chính?

********

Thực sự, tôi không ở trong ngành, tôi không biết Bộ Y tế và các Sở y tế đã làm gì cho đội ngũ y bác sĩ những ngày tháng qua. Đã hỗ trợ họ được những gì, đã lo cho họ được những gì, chứ chưa nói, đã động viên họ như thế nào?

Cái ngành dọc ấy, đã bao giờ biết các đồng nghiệp của họ, những người đang bỏ gia đình lại phía sau, đang bỏ mọi thứ lại phía sau, đã nhận được một hộp cơm ngon, một trái cam để tăng đề kháng, hay cao xa hơn chút, loại thuốc gì dành riêng để họ khó có thể bị nhiễm không?

Và, họ có xót khi thấy các bác sĩ của họ từng phải làm việc đến mức phải đóng bỉm, không có thì giờ đi vệ sinh ở các dã chiến nặng; hay có những người nhìn cơm không nuốt nổi; hay những nhân viên y tế phải ngồi bệt bên vỉa hè ăn vội cái bánh mì nhưng rồi bỏ dở để lên đường gấp vì điện thoại công việc?

Chỉ biết rằng, nhìn vào các bếp ăn cho bệnh viện dã chiến, thì mới hiểu cái tình của người dân dành cho các bác sĩ; hay sự tất tưởi góp gom những bộ bảo hộ, những cái khẩu trang an toàn nhất cho bác sĩ và nhân viên y tế để họ thực sự an toàn trong trận chiến khốc liệt này…

Những điều ấm áp đó, có đáng bị dội cái gáo nước lạnh vô tình lúc này như thế không?

********

Nếu hỏi 100 bác sĩ và nhân viên y tế nơi vùng dịch bây giờ, hỏi họ kiệt sức chưa thì xin thưa, cả 100 người đều trả lời là rồi. Hỏi họ có nhớ nhà không, thì cả 100 người đều trả lời là nhớ…

Họ đã gác lại cảm xúc cá nhân, họ đã dốc hết tâm sức gấp nhiều lần một người bình thường có, thì,

nếu họ không thể chịu đựng được nữa, không trụ được nữa, hãy cảm thương nhiều hơn là dùng những mệnh lệnh hành chính lạnh lùng.

Sức khoẻ không phải ai cũng giống ai, sự chịu đựng không phải ai cũng giống ai. Đấy chưa kể giữa hàng trăm hàng ngàn F0 như thế, có người sẽ trầm cảm…

vậy, nếu họ không chịu đựng thêm được nữa, là áp dụng ngay "kỷ luật sắt"? Họ là những người bằng xương bằng thịt chứ có phải người sắt đâu mà dùng sự sắt đá với họ lúc này?

Về luật công chức, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu "bản thân và gia đình thực sự có hoàn cảnh khó khăn". Vậy xin hỏi các ông, bản thân họ trong những hoàn cảnh này, họ sung sướng lắm à?

Nhưng mấy ai trong số họ kêu ca? Họ vẫn là những "thiên thần", những "anh hùng" nhưng đừng cứ bắt họ sẽ là thiên thần là anh hùng mãi mãi trong sự quá tải sức lực. Hãy tôn trọng họ như những con người bình thường, sức lực có hạn.

Một lời nói có thể khiến người ta khóc nghẹn ngào vì xúc động, nhưng cũng có thể khiến người ta khóc tức tưởi vì tức tối. Lúc này đây, có đáng để những giọt nước mắt tức tưởi được rơi ra?

********

Cái quyết định "tước quyền sử dụng thẻ hành nghề" là một quyết định rất độc á.c nếu áp dụng cho bất cứ trường hợp nào không thể chịu đựng thêm mà xin nghỉ việc. Vậy từ dịch bệnh đi ra, họ mất trắng mọi thứ, kể cả tương lai sự nghiệp?

Lý đưa ra thì cái gì cũng có thể bắt lỗi, nhưng xin đừng cạn tình như thế đối với các bác sĩ đang hy sinh mọi thứ để chống dịch bằng cạn kiệt cả mọi thứ như bây giờ. Đừng như thế ạ!

(Ảnh: Đình Hiếu, báo Người lao động)

clip_image002

XIN HÃY THAY ĐỔI

FB Canh Tranthanh

Kính gửi: ông Phạm Minh Chính, thủ tướng chính phủ.

Tôi viết những lời này kính gửi ông vì lòng tin rằng ông là một nhà lãnh đạo biết lắng nghe, đổi mới và có tư duy khoa học trong quản lý điều hành.

Thưa ông,

Cuộc chiến chống lại covid của chúng ta đã đi sai lạc ngay từ đầu. Dẫn đến hiện nay mọi việc ngày càng rối ren. Thậm chí ở Tp. Hồ Chí Minh có thể gọi chính xác những gì đang diễn ra là THẢM HỌA. Để dần khống chế lại tình hình, và đưa việc chống dịch về đúng quy luật, xin ông với tư cách trưởng ban chống dịch, hãy quyết đáp:

1, Chuyển ngay phương châm từ CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC sang SỐNG CHUNG CÙNG COVID trong mọi hành động, biện pháp cụ thể. Việc sống chung cùng covid là điều không phải bàn. Đây là kiến thức khoa học. Thế giới đã thừa nhận và đang thực hành. Chúng ta nên hòa cùng với sự nhận thức chung của nhân loại. Không nên và cũng không thể nào ngạo nghễ một mình. Tuy nhiên, để sống chung cùng covid, cần phải có những bước đi phù hợp như tiếp sau đây.

2,Tăng cường bằng mọi cách mua vaccine về tiêm cho dân, khi đạt tỷ lệ từ 70-80% dân số được tiêm sẽ mở cửa xã hội lại hoàn toàn. Trước mắt, cần ưu tiên tiêm ngay cho nhóm nguy cơ: NGƯỜI TRÊN 65 TUỔI, NGƯỜI CÓ BỆNH NỀN MÃN TÍNH SUY GIẢM SỨC ĐỀ KHÁNG.

3, Cuộc sống khi chuyển covid từ dịch bệnh cấp tính PANDEMIC sang coi là bệnh đặc hữu ENDEMIC sẽ cần nhiều vaccine hàng năm. Vì vậy việc tổ chức sản xuất vaccine trong nước là tối cần thiết. Xin ông hãy ra lệnh cho các bộ ngành hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đang nghiên cứu sản xuất mặt hàng này: đầu tư vốn, hỗ trợ lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản phẩm ra đời đạt tiêu chuẩn.

4, Nhân danh thủ tướng, ông hãy cho soạn thảo một chỉ thị mới về GIÃN CÁCH XÃ HỘI phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Hãy hủy bỏ các chỉ thị cũ: CT15, CT16 hiện đã tỏ ra vô cùng bất cập, thậm chí làm dịch bệnh thêm trầm trọng và nó có thể dẫn đến phá vỡ nền sản xuất của nước ta. Nội dung giãn cách xã hội mới như thế nào, xin ông hãy tham khảo mô hình các nước Anh, Mỹ, Nhật, Pháp… họ đã và đang làm để áp dụng. Họ đi trước, đã làm thành công, xin hãy áp dụng theo họ.

5, Trước mắt, ông hãy ra lệnh ngay cho bộ trưởng y tế gấp rút nâng cao khả năng của hệ điều trị: tăng cường máy móc thiết bị và đào tạo con người. Thay đổi ngay mô hình điều trị và cách xử lý với người bị nhiễm virus mà không có triệu chứng, với người triệu chứng nhẹ. Chỉ đặc biệt chú ý đến bệnh nhân nặng. Nếu không thay đổi nhanh việc này, sẽ có những đổ vỡ lớn trong hệ thống y tế và hậu quả là vô cùng thảm khốc.

6, Trong cương vị người đứng đầu chính phủ, ông hãy ra lệnh cho mọi phương tiện truyền thông ăn lương nhà nước chấm dứt tuyên truyền theo kiểu "hù dọa, đe nẹt" nhân dân. Hãy truyền thông theo hướng covid là bệnh nguy hiểm cần chống và đề phòng, nhưng không có gì đáng phải hoảng sợ nếu chúng ta có hiểu biết đúng đắn về căn bệnh này.

7, Một việc cấp bách cần làm ngay là xin ông hãy chỉ thị cho hai thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM chấm dứt bao vây phong tỏa cực đoan tràn lan như hiện nay. Chỉ bao vây phong tỏa, xét nghiệm các điểm dịch nóng theo quy mô tổ dân phố, khu nhà, ngõ, xóm. Chấm dứt việc hạn chế lưu thông hàng hóa trên đường quốc lộ toàn quốc. Ưu tiên khởi động lại sản xuất của các khu công nghiệp.

Thưa ông thủ tướng.

Tôi tin rằng những điều đề nghị trên đây không những tôi, mà còn nhiều trí thức khác nhận biết được. Và rất nhiều người lên tiếng đề nghị sự thay đổi. Xin ông hãy lắng nghe và quyết đáp.

Lịch sử đang trao lá cờ vào tay ông. Xin ông hãy hành động vì cuộc sống đáng sống của người dân Việt, vì nền kinh tế xã hội của đất nước đang trên bờ vực của đổ vỡ. Xin hãy hành động mạnh để cứu tất cả ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ này.

Ps: tôi rất ấn tượng với hình ảnh giản dị về buổi làm việc của ông Phạm Minh Chính tại Trường ptdt nội trú Định Hóa, nên xin phép tác giả nào đó đưa kèm bài này.

clip_image004

CÓ MỘT LỜI NGUYỀN… PHẢI TỤ TẬP ĐỂ GIÃN CÁCH?

FB Vu Kim Hanh

Cứ bắt đầu một đợt giãn cách là phải tráng miệng, mở hàng bằng một cuộc tụ tập khổng lồ? Chắc không ai muốn bị “ùn ứ” cả, từ người xét giấy cho tới người trình giấy. Mà sao vẫn cứ ùn lại một đám đông ngút mắt? Đây gọi là đám đông tự phát, không theo kế hoạch mà lại là do… kế hoạch vạch sẵn?

Trình tự thực tế diễn ra thế này: Muốn giãn cách nghiêm ngặt là phải cấm ra đường. Mà dân cứ muốn ra đường thì phải hạn chế. Hạn chế thì chỉ cấp giấy giới hạn. Muốn giới hạn thì phải xét giấy sàng lọc. Mà xét giấy thì phải ùn ứ. Đã ùn ứ thì… hết giãn cách?

Ở nhiều thành phố xứ mình, muốn cấm dân ra đường mà không đủ lực lượng làm chốt xét giấy thì… rào kẽm gai luôn. Đã có ông giữ chốt bận việc (ở Dĩ An, Bình Dương), bèn quăng 3 cục bê tông chắn ngang quốc lộ. Rồi cười hề hề, chẳng sao cả. Công lộ là cái lộ công, cha chung ai khóc?

Mà không chỉ xét giấy đi đường. Xét nghiệm. Tiêm vac xin. Chuẩn bị vào đợt giãn cách căng (ùn ùn đi siêu thị). Khai báo di biến động. Tất tần tật thành tụ tập.

Thấy mấy chú công an giao thông gào thét chặn xe, giải thích khản cổ, nghiến răng cố lịch sự đến toát mồ hôi ở Sài Gòn, giờ thấy y chang tình huống đó ở Hà Nội, thiệt là bối rối và không hiểu nổi. Lại bỗng nhớ tới Công An từng hồi năm 2017 có vụ án các ông trùm của C50 điều khiển đường dây ngầm cá độ với đánh bạc hàng 10 nghìn tỷ đồng, bằng phần mềm công nghệ cao, đâu phải không cao cường đệ nhất về công nghệ? Hay là cử các ông trùm đó ra xử công nghệ vụ dễ ợt này?

Mới sơ sơ xét giấy đi đường vùng đỏ. Mới "chào sân" bằng rào đường và xét giấy mà đã rớt vô "lời nguyền tụ tập". Còn các đoạn kế tiếp nữa của giãn cách nghiêm ngặt, không đổi cách nghĩ thì… sẽ “Cứ muốn cái gì thì làm và được cái ngược lại”.

 

Y CHANG! (*)

FB Hậu Fc Nguyễn

Khi TPHCM ùn tắc vì "giấy đi đường", lẽ ra phải phản đối cái giấy này thì nhiều người lại chửi dân vô ý thức. Giờ HN y chang!

Chừng nào mà mọi sự bất ổn đều đổ lỗi cho dân thì dân còn tiếp tục chịu đựng nhiều chuyện tệ hại như thế!

Hình: báo Tuổi trẻ ngày 6.9.2021

clip_image006

(*) Nhan đề của Văn Việt.

GIÃN CÁCH DÍNH CHÙM, HẾT SÀI GÒN ĐẾN HÀ NỘI

FB Hoàng Hải Vân

Nếu cho rằng phải chấp nhận tình trạng đói khổ do mất sinh kế của một bộ phận đông đảo người dân và chấp nhận thiệt hại về kinh tế để áp dụng giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thì những cảnh như thế này, diễn ra sáng nay ở Hà Nội, như đã từng diễn ra ở Sài Gòn gần đây, đã và đang làm vô hiệu hoá những nỗ lực giãn cách.

Hiệu quả của giãn cách đang trở về con số không, trong khi chi phí thực hiện giãn cách thì đè nặng chưa từng thấy đối với nền kinh tế và hàng triệu người dân phải nhận đồ cứu trợ nhưng vẫn khó mà thoát khỏi điêu đứng do bị giãn cách kéo dài. Sài Gòn sai, Sài Gòn đang sửa. Hà Nội lặp lại cái sai của Sài Gòn theo một cách khác.

Sự dính chùm như thế này hoàn toàn không phải do người dân thiếu ý thức mà do chính quyền điều khiển. Nó thể hiện năng lực yếu kém không thể chấp nhận được của chính quyền địa phương, Sài Gòn trước đây và Hà Nội hôm nay.

Nói “chống dịch như chống giặc” thì cần có chỉ huy thống nhất trên toàn quốc. Chính phủ đã sửa sai bằng việc thay Chủ tịch TP.HCM và thay luôn Trưởng ban chỉ đạo chống dịch của quốc gia với vai trò mờ nhạt bằng đích thân Thủ tướng. Nhưng chưa đủ. Chính quyền địa phương mỗi nơi vẫn đang làm mỗi phách.

Dân tuân thủ giãn cách là dân ủng hộ các biện pháp chống dịch của Chính phủ. Nhưng dân không phải là những đàn cừu. Chính phủ không nên để chính quyền địa phương coi dân là đàn cừu, lúc thì bảo ai ở đâu ở yên đó, lúc thì điều khiển dính chùm lại với nhau, biến những nỗ lực của Chính phủ thành công cốc, chỉ có sự điêu đứng của dân là còn lại !

HOÀNG HẢI VÂN

(Hình dân chúng tuân thủ sự kiểm soát của chính quyền nên dính chùm lại với nhau tại Hà Nội, sáng 6-9. Ảnh : Báo Tin tức của Chính phủ)

P/s : Hãy nhìn bàn tay anh công an không đeo găng mà cầm hết giấy tờ của người này đến người khác, chỉ cần 1 trong những người đưa giấy bị nhiễm Covid-19 thì sẽ có bao nhiêu người lây nhiễm, chính quyền Hà Nội có biết không ?

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

CÓ “MUA VUI” NỔI MỘT VÀI TRỐNG CANH!

FB Lê Huyền Ái Mỹ

Một bài báo trên Zing viết “Ba tháng qua, nhiều ca sĩ, người mẫu chia sẻ họ thèm cảm giác được bước lên sân khấu, biểu diễn giữa những tràng pháo tay của khán giả…”.

Hẳn rồi. Như một thói quen được trình diễn!

Còn khán giả-tôi lại thèm cảm giác được nghe, được đọc, được nhìn thấy những tầng sâu, những lát cắt, những thanh âm, những sắc màu trong cảm thức sáng tạo của người nghệ sĩ trước cái thực tế đã và đang từng ngày ngổn ngang, hụt hẫng, mất mát này. Tính biểu diễn cần hiện diện trên không gian -mặt phẳng của sân khấu thực. Còn tính sáng tạo, thông qua điểm nhìn, quan sát, dòng cảm xúc, tư tưởng … lại hiện hữu trong muôn chiều kích không -thời gian. Vô hạn.

Cũng như, nghệ thuật đâu chỉ mỗi “mua vui”. Ngay cả cụ Nguyễn Du khiêm cung mà nói vậy thì ngoài/đằng sau/bên trong cái “một vài trống canh” kia cũng là cả nỗi “đoạn trường”, là “cuộc biển dâu” mà người “chấp nhặt” nên những “lời quê dông dài” ấy đã phải nếm trải gió bụi đến “đau đớn lòng”.

Cất cao tiếng hát – trong những ngày tan tác, tang tóc này; hẳn một phần để khích lệ, động viên những con người đang chiến đấu vì mọi người, những con người đang trong hoàn cảnh chống chỏi với dịch bệnh. Cũng là chính đáng.

Và còn bao con người khác nữa. Không chỉ để động viên, an ủi. Nó còn là sự ghi lại, chép ra, vẽ nên những “sắc màu” nhân sinh. Nó là sự chứng thực cho cả những điều tốt đẹp lẫn xấu xí, những sai lầm khinh suất và trả giá. Nó cần được nhắc nhớ để bớt đi, để không còn những lặp lại nay mai.

Nó có thể là cá biệt trong từng thời điểm, tình huống nhưng “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” chẳng tạo ra một xung đột điển hình của bi kịch cổ điển Pháp là gì. Và giá trị của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam ta cũng để lại bấy nhiêu!

Nghệ thuật, văn hóa nó đâu phải chỉ là động tác “trình diễn” để nhìn và nghe; nó là dòng chảy tự bên trong, chất chứa, hối thúc, khao khát bày tỏ về những gì đã/đang/sẽ thấy, hiểu, cảm. Nó đâu chỉ một “bè” định hướng, nắn dòng; nó còn gánh cả phần còn lại, ấy là cái đang chực chờ bùng nổ, cái khiến con người quay quắt lẫn chìm đắm, thèm khát lẫn chối từ, ngờ vực lẫn hy vọng.

Một cuộc thi nhiếp ảnh tại Hà Nội, theo báo Thanh niên, ngày 4/9 là “thảm họa”, giải thưởng đã được trao cho 1 bức ảnh lấy đề tài ngợi ca chống dịch đã bị chỉnh sửa, lại mắc lỗi cơ bản về kỹ thuật. Một ảnh đạt giải khác chọn đề tài “ngày hội non sông” lại bị lỗi về hậu cảnh. Buồn cười nhất là những tưởng đã chọn trao giải cho một bức ảnh đã đạt tầm tư tưởng chính trị, vậy mà lỗi lại rơi ngay đúng cái “tầm” ấy, đến nỗi bà chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phải lên tiếng “Không thể nói nghệ thuật mà cắt vậy. Vì nó còn mang tính chính trị trong đó nữa. Đấy là điều tối kỵ” – là bà nói về bức “Tình yêu Tổ quốc”, chụp một nữ công dân đi xe lăn đến điểm bỏ phiếu, nhưng trên tiêu ngữ và chữ của phông đều bị cắt cụt còn “ại biểu/ iểu hội đồng nhân dân các cấp”.

Tự dưng lại nghĩ, bản thân câu chuyện này từ cuộc thi và cú trao giải này cũng là một “đề tài” khiến ta phải suy ngẫm. Vì sao, do đâu mà nên nổi? Như bao câu chuyện những ngày này, vẫn đang “diễn”, đang “sẩy”…

Cho nên, khi nghệ sĩ, ca sĩ đang nhớ, đang thèm khán giả thì có ít nhất một khán giả lại cứ khắc khoải, văn nghệ sĩ-những con người sáng tạo, họ đang nghĩ gì, quay quắt điều gì trong những ngày này, ngay tại đây, giữa muôn trùng vây của dịch bệnh và những khuôn mặt người không còn lành lặn?

Ảnh: Báo Thanh niên chụp lại màn hình tác phẩm đạt giải "Tình yêu Tổ quốc".

clip_image016

APP KHÔNG BAO GIỜ SAI! (*)

FB Cầm Phan

Thưa…

Kính thưa…!

Đồng kính thưa các cán bộ làm app Sổ sức khỏe điện tử!

Qua nay tôi phấn khởi nghe chuyện những người anh em quận 7 đời sắp tỏa hương bình thường mới (Sao tôi lại ở Bình Thạnh vùng đỏ cơ chứ! Ở đây là đâu? Có gì sai từ đầu!) nghĩ mình rồi cũng sắp đến ngày từ trong hẻm sâu ra đón ánh mặt giời, bèn hớn hở và đầy trách nhiệm chuẩn bị sẵn, sắp xếp mọi giấy tờ cần thiết chứng minh mình đủ các tư cách, bỏ vào ví thẳng thớm thơm ngát.

Và rồi trang trọng mở cái app Sức khỏe điện tử, tải cái chứng nhận tiêm chủng, vì nghĩ rằng thế nào rồi cũng phải tới lúc trình cái chứng nhận hay cái mã QR chói lọi này ra. (Viết đến đây chả hiểu sao tôi lại cứ nghĩ tới đoạn mua thịt lợn, trên miếng da có cái dấu xanh xanh thú y đóng lên kiểm dịch à nhưng tôi lạc đề quá xin lỗi xin lỗi).

Cơ mà tới đây thì không xong rồi. Đầu tiên cái app bảo tôi nhập các thông tin cá nhân khai tuốt tuồn tuột, xong tới đoạn điền địa chỉ thì nó bảo tôi ‘Có lỗi khi giao tiếp với hệ thống”. Sau 7749 lần kiên nhẫn vô lượng kiếp làm đi làm lại thì nó bảo tôi là “Bạn chưa chọn “Mối quan hệ(với tôi)”. Tôi không hiểu mình mắc cái lỗi gì khi giao tiếp với cái app, tôi có nói gì đâu, tôi điền đầy đủ không sai chính tả gì cả tôi thề, tôi cũng không hề văng tục chửi bậy gì lúc tỉ mẩn điền cả, tôi thề lần nữa. Tôi là người tử tế tuân phục. Riêng cái đoạn tự nhiên nó lại bảo tôi phải chọn mối quan hệ (với tôi) thì trên app hổng thấy cái mục nào như vậy cả và tôi cũng tuyệt đối không biết trả lời ra sao. Xin các cán bộ cho tôi – một kẻ không mấy thông minh – một ít hướng dẫn được không?

Hồi xưa lúc điền tờ khai hộ khẩu, đoạn chủ hộ tôi điền tên tôi, nhưng rồi lại đến đoạn “quan hệ với chủ hộ”, tôi suy nghĩ rất lung xong run rẩy điền vào: Vẫn là chính tôi! Giờ tôi điền thế được không ạ?

Cơ mà tới đây vẫn không xong, dạ thưa. Lúc đầu tải nó xuống, cái app lại có sẵn chứng nhận tiêm chủng cho tôi ái chà chà vi diệu, thánh thật, tôi phục lăn. Nó quả quyết bảo là tôi đã tiêm từ hồi tận tháng 6 cơ (ối dồi ôi lúc ấy tôi làm gì đã có ông ngoại giúp tiêm), mà lại tiêm loại vaccine mà bác sĩ bẩu tôi không thể tiêm được cơ, lại còn được tiêm ở tận cái xứ nào tôi không hề hay biết và chưa từng tới cơ. Và giờ nó bảo tôi mới được tiêm có một mũi thôi. Oan cho tôi quá. Thế cho nên giờ đây tôi giữ cái tờ giấy chứng nhận tiêm hai mũi của bệnh viện không khác gì giữ sắc phong của vua, lòng sợ muốn chết.

Bởi trong đầu tôi cứ không quên được cái câu sau, trong truyện gì tôi trót quên mất rồi: “Ơ hay anh cứ cố mà cãi lằng nhằng làm gì. Trên giấy tờ rành rành ghi là anh đã chết, thế mà anh cứ ngồi lì ra đó gân cổ lên cãi là anh còn sống là sao?”. Ngộ nhỡ có anh nào đó anh ấy bảo app không bao giờ sai, thì tôi làm thế nào?

Nhưng tôi xin lỗi lần nữa, có thể tôi đọc truyện hơi nhiều.

(*) Nhan đề của Văn Việt.

CHỮ ĐẸP (*)

FB Lê Minh Khôi

Chữ viết của nhân viên y tế vẫn đẹp. Và đẹp nhất là cái tình trong những dòng chữ viết vội ấy.

Chiến trường vẫn ác liệt. Đội nhà đang ghi bàn nhưng tỉ số vẫn chưa chia đều cho hai bên. Hy vọng tuần này đội UCICC sẽ cân bằng tỉ số và vượt lên dẫn bàn cô Vi.

Hôm qua có bàn thắng đẹp: Bệnh nhân 75 tuổi, nhiều bệnh nền, ngưng tim ngưng thở ngoại viện được cấp cứu, vào viện thở máy, hỗ trợ cơ quan, sau một thời gian can trường chiến đấu đã được xuất viện.

Và có lẽ, thành phố thân thương này đang bắt đầu hồi sinh sau mấy tuần bão tố.

clip_image018

(*) Nhan đề của Văn Việt.

“BA MẸ EM MỚI MẤT TỐI QUA…”

FB Hoàng Nguyên Vũ

Tôi đã từng nói rằng tôi sẽ làm “người vận chuyển” nốt một đợt cho hết số gạo, mì, trứng…, mà anh em bạn bè đóng góp để rồi tập trung cho bệnh viện dã chiến, nhưng hôm nay, sau một buổi chiều rất nặng lòng, tôi lại nhủ mình, hãy cứ tiếp tục nếu còn sức, còn lực.

Trong các địa chỉ chiều nay, có số 1554, tỉnh lộ 10. Tôi nhìn nhầm dòng địa chỉ thành 1154. Trùng hợp, địa chỉ đó cũng là những dãy trọ sâu hun hút với tầm 60 phòng.

Tôi đi vào từng phòng tiền trạm. Hành lang không đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Mỗi phòng tầm 4m2 có gác xép. Tôi nhìn vào vài phòng: họ không có gì, hoặc không còn gì. Vài gói mì. Cái bếp nguội lạnh. Đâu đó, có tiếng trẻ khóc gắt.

Đúng lúc đó cô gái tôi phát đồ gọi điện, nói đang đợi tôi ở 1554. Té ra tôi nhầm. Lại lái xe đến chỗ cô gái đợi và hứa với lòng sẽ trở lại nơi tôi vừa ghé. Xem như một sự dẫn lối nào đó để tôi biết, cái đói cái nghèo cùng những phận người bé như những hạt bụi vẫn còn đang lay lắt nơi đây, ở cái thành phố đông đúc này.

********

1554 là địa chỉ mượn tạm vì chủ địa chỉ này có số điện thoại của tôi. Trước đây, tôi có giao một dãy trọ gần đó.

Tôi bảo cô gái dẫn tôi đến đúng chỗ cô cần nhận. Sâu bên trong một con hẻm hun hút của tỉnh lộ 10, dây đã giăng từ giữa hẻm. Tôi vào ngó đầu dãy trọ, nhiều bóng người thất thểu. Có người mắt còn sưng chắc vừa khóc rất nhiều.

Anh dân quân bảo tôi đừng vào, những dãy trọ này rất nhiều F0 và có một số người vừa qua đời.

Cô gái gọi đủ 17 phần, tính luôn cả nhà ông “cho nhờ địa chỉ”. Nhìn thấy gạo, gà, mì, họ mừng lắm. Cô bảo nơi đây kêu cả tháng nay chưa được ai cho gì, ngoài phường.

Anh áo tím nói tôi đừng đứng gần anh, giọng hơi khản khản: “Ba mẹ em vừa mất tối qua trong bệnh viện. Chưa biết ngày nào nhận tro. Em thì âm tính. Nhà chỉ còn ít gạo…”

Tôi phát hết đồ cho họ. Còn gì trên xe cho nấy. Chào tạm biệt, bóng tối đã lem nhem trên con hẻm xóm trọ nghèo. Cô gái mắt rơm rớm cảm ơn.

Đi một quãng, chợt nhớ hôm trước chị Thanh đưa chút tiền bảo ai khổ quá em cứ cho thêm, nay vẫn còn. Tôi vòng xe quay lại gọi cô gái, gọi anh áo tím và vài người nữa. Hỗ trợ thêm chút, để thấy lòng mình đỡ nặng hơn chút, lúc này…

********

Chợt tôi nhớ Long, hôm trước nhắn tôi muốn ủng hộ thêm chương trình chút ít. Tôi gọi Long, Long nói nhà Long cũng mấy F0, mẹ anh cũng vừa đi một hôm.

Tôi bảo Long thời gian tới còn khó khăn, ít nhiều Long cứ giữ đó, sẽ cần đến cho chính mình. Đầu dây kia, Long khóc “Vũ ơi Long sẽ vượt qua được. Long sẽ làm được. Vũ cứ để Long chia sẻ…”

Tôi khuyên Long tĩnh tâm chút rồi thời gian nữa cứ ngồi lên xe đi phát đồ cùng tôi.

Sài Gòn ơi, cứ đau lòng thế này đến khi nào?

clip_image020

clip_image022

clip_image024

clip_image026

HỖ TRỢ XE MIỄN PHÍ ĐƯA BỆNH NHÂN XUẤT VIỆN VỀ TỈNH VÀ NGƯỜI NHÀ TỪ TỈNH ĐẾN ĐÓN BÉ VỀ

FB Bệnh viện Hùng Vương

Trước tình hình giãn cách xã hội hiện tại rất nhiều trường hợp bệnh nhân xuất viện gặp khó khăn trong việc di chuyển về tỉnh.

Xuất phát từ việc không có phương tiện được di chuyển nên kẹt lại thành phố gặp phải cảnh không có nhà, cũng không có người thân chăm sóc và nhiều gia đình muốn đến đón bé (con của các sản phụ F0) về nhưng không có phương tiện.

Thấu hiểu những khó khăn đó và nhằm hỗ trợ các bệnh nhân xuất viện, các trường hợp cần đến và đón bé trở về quê (các tỉnh thành khác ngoài khu vực TP.HCM), bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình Chữ thập đỏ trường Quang Trung tổ chức chương trình chuyến xe miễn phí đưa bệnh nhân về quê, người thân từ tỉnh lên thành phố đến đón và đưa bé về.

clip_image028Cách thức đăng ký:

1. Bệnh nhân đang nội trú tại bệnh viện sắp xuất viện cần di chuyển về tỉnh vui lòng liên hệ Phòng Công tác xã hội qua số điện thoại: (028)3855 3776 – Trong giờ hành chính.

2. Người thân ở tỉnh cần đến bệnh viện đón và đưa bé về tỉnh: Liên hệ với khoa Sơ sinh khi được khoa gọi điện hướng dẫn thủ tục xuất viện cho bé.

clip_image028[1]Lưu ý:

– Chương trình chỉ áp dụng với bệnh nhân và bé sơ sinh đang ở bệnh viện Hùng Vương hoặc trung tâm H.O.P.E.

– Phạm vị đưa rước với các tỉnh thành ngoài TP. HCM, còn các trường hợp thuộc TP.HCM vui lòng liên hệ các hãng xe taxi Mai Linh và Vinasun.

– Chương trình sẽ kết thúc khi hết hạn chế giao thông hoặc khi có thông báo dừng.

T. N

clip_image030

WEBSITE KHÁM VÀ TƯ VẤN COVID-19 TRỰC TUYẾN (*)

FB Bs. Hùng Lê

Website www.kiemsoatdichbenh.com là một cổng thông tin kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân mắc bệnh Covid_19 hoàn toàn miễn phí để chúng ta chống lại đại dịch. Hàng trăm bác sĩ tình nguyện từ khắp nơi trong nước theo dõi Y tế cho người bệnh thông qua bảng báo cáo tình trạng sức khỏe do chính người bệnh cung cấp nhiều lần mỗi ngày. Nội dung cần điền vào bảng báo cáo được thiết kế tối giản để bệnh nhân dễ dàng sử dụng nhưng vẫn đầy đủ thông tin cần thiết giúp các bác sỹ chẩn đoán và hỗ trợ người bệnh. Trang web có nhiều công cụ chẩn đoán và tiên lượng đi kèm để cảnh báo cho bác sĩ và bệnh nhân biết nguy cơ diễn tiến của bệnh theo nhiều mức độ. Trang web hệ thống hóa tình trạng của bệnh nhân, thông tin trao đổi với bệnh nhân, cũng như các thông tin hội chẩn với chuyên gia, nhờ đó giúp bác sĩ tư vấn có thể theo dõi và đưa ra những lời khuyên hợp lý, giúp bệnh nhân có thể tự theo dõi và tự chăm sóc tốt bản thân. Trang web sử dụng được trên điện thoại, máy tính bảng và máy vi tính ở mọi trình duyệt. KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH là một kênh thông tin tư vấn trực tuyến kết hợp với hệ thống các trạm cấp cứu ngoại viện (một số khu vực), đội xe cứu thương (một số khu vực), và tổ thư ký điều phối chuyển viện (một số khu vực), do đó giá trị đem lại không chỉ là các lời tư vấn mà còn là giải pháp cụ thể để ứng phó khi tình trạng bệnh diễn tiến không thuận lợi. Bạn đọc hãy lan tỏa điều này nhé.

clip_image032

TA HỌC ĐƯỢC GÌ VỀ BẢN THÂN TRONG ĐẠI DỊCH?

Vittorio Bufacchi (Lyeur Nguyễn dịch – Dongten.net)

clip_image034

Đại dịch đang dạy cho ta vô vàn bài học khác nhau: công bình hay tình thương, sự sẻ chia và mất mát, niềm hy vọng lẫn lạc quan… Dường như mỗi người đều nghiệm ra cho mình về một điều gì đó nơi cõi lòng thẳm sâu. Và có lẽ một bài học về bản thân vẫn âm ỉ ngày đêm trong ta. Đó chính là ý nghĩa của việc trở lại làm người.

Hình như ta cũng không đủ già để nhớ về đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918. Dường như vì lý do này, ta vẫn đang phải đấu tranh từng ngày để hiểu rõ hơn về tác động của Covid-19 suốt gần 2 năm qua sau khi những bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc một dạng viêm phổi gây tò mò và lây nhiễm cao ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng ta phải hiểu nó. Như triết gia Tây Ban Nha George Santayana đã từng nói, “những người không học từ lịch sử sẽ phải lặp lại nó.” Ông trùm kinh doanh, đầu tư và nhà từ thiện người Mỹ Warren Buffett cũng cùng một cảm thức khi nói rằng, “những gì chúng ta học được từ lịch sử là mọi người không học gì từ lịch sử cả.”

Có lẽ ta cũng nghiệm được một số vấn đề rõ ràng trong suốt đại dịch này là, một dịch vụ y tế công cộng được hỗ trợ thích hợp là biện pháp bảo vệ tính mạng và đáng giá từng đồng thuế ta vẫn trả trước nay; bất bình đẳng gây thiệt hại nhiều hơn những con vi rút; bất công đầy rẫy, các chuyên gia dường như bị quên lãng, hệ thống giáo dục tỏ ra bế tắc… một đống tơ vò rối rắm.

Nhưng có một triết lý mà ta phải nhận ra về bản thân mình từ trận đại dịch này. Nó liên quan mật thiết đến nghệ thuật sống. Bài học này khởi đi từ cái nhìn của triết gia người pháp Michel de Montaigne, đồng thời cũng là thị trường của Bordeaux. Năm 1585, bệnh dịch hạch đã cướp đi tính mạng của khoảng 14 ngàn người ở Bordeauxm, tương đương với một phần ba dân số. Hãy tưởng tượng khi số ca tử vong vì Covid-19 ở Sài gòn vẫn dao động từ 250 – 300 ca mỗi ngày và chưa có dấu hiệu giảm. (Nguồn VOV)

Montaigne sống sót sau bệnh dịch hạch bằng cách chạy trốn khỏi thành phố. Sau biến cố này, ông đã trải lòng trong một bài viết mang tựa đề, ‘Học triết là học cách chết’ (To study philosophy is to learn to die). Khi suy ngẫm về cái chết của mình, ông nhận định thế này: “hiểu cái chết là chìa khóa của nghệ thuật sống.” Trong dòng tư tưởng ấy, ông nhấn mạnh thêm rằng, “người học cách chết thì không biết cách trở thành một tên nô lệ.

Ở đây, Montaigne đang muốn ám chỉ đến nhu cầu vượt qua nỗi “sợ chết” của ta. Giữa cơn cuồng phong của đại dịch, Covid-19 đã buộc ta phải ngẫm suy về khía cạnh căn bản nhất của phận người: cái chết. Đối với Montaigne, đối diện với cái chết là phương thế duy nhất để học nghệ thuật sống một cách đúng đắn. Ta chỉ trở nên sinh động khi đối mặt với cái chết khi nhìn thẳng vào nó. Có lẽ đây là điều ta có thể rút tỉa từ cuộc khủng hoảng hiện tại. Ta vô tình quên đi nghệ thuật sống, ta bị mắc kẹt, ta đắm chìm vào nhịp sống hối hả không ngừng, ta cứ phải làm việc và làm việc, ta cứ mãi chạy theo những con số vàng, những chỉ báo đẹp của năng suất. Ta đã quên.

Một lời cảnh tỉnh: không nên nhầm lẫn nghệ thuật sống với những động cơ ấu trĩ của những xung lực kiếm tìm bản thân, và nghiêng chiều theo những khoái lạc ở đời. Đó không phải là triết lý sâu sắc mà chỉ là điều gì đó thật ngớ ngẩn. Gạt sang những thứ ái kỉ, khoái lạc, ta có thể học từ bản thân giá trị đích thực của tình bạn của tình người. Điều này quan trọng thế nào trong những trải nghiệm mới bởi ta muốn chia sẻ khoảnh khắc cuộc đời với ai đó quan trọng chứ không phải vì mục đích khoe mẽ trên những nền tảng xã hội “ảo.”

Đồng điệu với nhận thức trên, triết gia Lã mã Cicero khiến ta phải ngẫm nghĩ khi nói rằng, “trong cách ly hay cô lập, ai sẽ đánh mất niềm vui thú của mình?” (in isolation, who wouldn’t lose enjoyment of all delights?) Ta biết mọi thứ về cách ly. Trong thời gian giãn cách, sống xa bạn bè, xa người thân, xa gia đình, hình như ta thấy rằng, nghệ thuật sống không thể tìm thấy trên Facebook, trên Zoom hay Youtube. Có lẽ nghệ thuật sống là nghệ thuật sống chung.

Một lý do khiến ta mất cảm thức khiến ta mất liên lạc với nghệ thuật sống là ta quá coi trọng quyền tự trị (autonomy) của mình. Điều này không hề phủ nhận sức hấp dẫn của nó là cho phép ta thể hiện bản sắc độc đáo của riêng mình. Quyền tự trị là viết tắt của quyền tự quyết, hay tự chủ, và ta coi trọng nó vì nó xác định ta là ai: đây là tôi, đây là cuộc sống của tôi, và tôi làm chủ nó.

Tuy nhiên, tự trị vẫn ẩn tàng điều gì đó tệ hại. Đó là thứ xã hội hiện đại về cái thứ “siêu” cá nhân, tiêu thụ và năng suất đang cố che giấu ta. Theo logic nhị phân, nếu tự trị tốt, thì ngược lại, nó cũng phải ẩn chứa điều gì xấu xa. Vế đối lập của tự trị là gì? Hầu hết các sách giáo khoa triết học sẽ cho ta biết rằng, điều trái ngược với tự trị là tha luật, hay quyền dị trị ( heteronomy – nhận luật từ bên ngoài). Tha luật rõ ràng là xấu, vì không ai muốn bị tước đoạt quyền tự do của mình.

Nhưng nó không chỉ đơn giản như thế. Có một khái niệm khác cũng trái ngược với quyền tự trị: nó không phải là tha luật, mà là “lệ thuộc”. Lệ thuộc không chỉ xấu mà còn là một đặc điểm không thể tránh khỏi của thân phận con người. Lệ thuộc chỉ đơn thuần là một lời nhắc nhở về những tổn thương sâu thẳm của ta, và chính lỗ hổng này làm cho khả năng kết nối giữa con người trở nên dễ hiểu. Như triết gia Judith Butler đã chỉ ra, “ta không thể hiểu tất cả tổn thương bên ngoài của một quan niệm cụ thể về các mối quan hệ.” Ta chỉ có thể là con người khi bản thân bị tổn thương từ tha nhân. Đơn giản, con người vẫn làm tổn thương nhau. Sự lệ thuộc lẫn nhau nói lên một cảm giác liên kết thường bị che khuất bởi nỗi ám ảnh về quyền tự trị của xã hội hiện đại.

Các triết gia nói với ta rằng, có những mức độ tự trị khác nhau. Nhưng thực tế, chỉ có những mức độ lệ thuộc lẫn nhau. Trong khi quyền tự trị là một lý tưởng rất hấp dẫn, nó cũng có nguy cơ làm lu mờ những nét đạo đức cao quý khác: sự lệ thuộc lẫn nhau, tính chất liên kết, đạo đức về sự chăm sóc, tình đoàn kết, cộng đồng, lòng hiếu khách, có lẽ là cả tình yêu nữa. Ta vẫn hy vọng một bài học về bản thân trong thời đại dịch này. Đó là ý nghĩa của việc trở lại làm người.

(Nguồn: https://www.rte.ie/brainstorm/2021/0602/1225571-pandemic-philosophy-lessons-vittorio-bufacchi/)

Comments are closed.