Sóng ngầm (1)

Hồi ức

Nguyễn Tuyết Lộc

Đất nước lại chia đôi. Cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam 1955 truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng, và sau đó trở thành vị Tổng thống đầu tiên của miền Nam, thủ đô là Sài Gòn.

Tâm trạng của người di tản 54 đã đi vào thơ nhạc. Thi sĩ Huyền Chi sáng tác bài thơ Thuyền viễn xứ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:

…Chiều nay gửi tới quê xưa/ Biết là bao thương nhớ cho vừa/ Trời cao chìm rơi xuống đời/ Biết là bao sầu trên xứ người…”.

Nhạc sĩ Lam Phương viết ca khúc Chuyến đò vĩ tuyến và nhiều bài nữa.

Đêm nay trăng sáng quá anh ơi/ Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu?” (Chuyến đò vĩ tuyến).

23 Âm Hồn, cạnh Tòa Án Thượng Thẩm Thành Nội, Huế, ngôi nhà tranh nền đất sét anh Hai tôi thuê nằm trong khuôn viên lớn của gia đình họ Lương. Các thành viên gia đình này thuộc cả hai chiến tuyến, vậy mà anh em rất thương yêu đùm bọc nhau. Nguồn cung cấp chính của gia đình họ Lương trông vào tiền cho thuê nhà. Anh cả là Lương Xiêm trung úy biệt động Việt Nam Cộng Hòa, các anh chị còn lại theo Việt Minh thoát ly về sống khép kín, khắc khổ không giao du bạn bè. Anh Lương Toàn, Lương Bông còn trẻ tiếp tục học trung học, hai chị lớn tuổi lo việc bếp núc nhà cửa. Tôi vẫn thường qua học toán với anh Lương Bông và học hát, học đàn mandoline với chị Lương Kỳ, những bản nhạc tiền chiến như Thiên thai, Bến xuân, Em đến thăm anh một chiều mưa, Giọt mưa thu… được chị Kỳ nâng niu đóng thành tập cẩn thận.

Huế y như một ốc đảo yên bình, một món quà an ủi có lẽ không có trong dự định của các nhà thiết kế chính trị hai phe dành cho thế hệ bất hạnh chúng tôi.

Hằng ngày ai đi qua cầu Tràng Tiền cũng nghe vang vọng tiếng ca trong trẻo của cặp vợ chồng Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết.

“Trong đêm trăng tiếng chày khua/ Ta hát vang trong đêm trường mênh mang/ Ai đang say chày buông rơi nghe tiếng vơi tiếng đầy/ Ai đang đi trên đường đê nghe hát vang muôn câu hò đê mê/ Vô đây em dù trời khuya anh nhớ đưa em về” (Gạo trắng trăng thanh – Hoàng Thi Thơ).

Hay:

“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát/ Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác/ Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời/ Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát/ Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát/ Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời… Này anh em ơi/ Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh/ Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi/ Khoan hò khoan

Tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài (Khúc ca ngày mùa – Lam Phương)

 

Có nhà nghiên cứu cho đây là dòng nhạc tâm lý chiến nhằm ngợi ca khẳng định một miền Nam của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, đối trọng với vùng đất bên kia cầu Hiền Lương. Tôi không có ý kiến. Chỉ biết trong tâm thức những người dân chán ghét chiến tranh, chết chóc, những bài hát này gợi lên một thuở thanh bình, hoạt cảnh thật sinh động, giã gạo, xay lúa, vừa lao động vừa vui chơi, hát hò rộn ràng dưới ánh trăng được các nhạc sĩ ghi bằng một tiết tấu vui nhộn, rộn ràng, với những đêm trăng làng, tiếng chày giã gạo đã im bặt từ lâu nay được sống lại ở miền quê từng bị đạn bom cày xới.

Từ chỗ tôi ở, cách vài trăm mét mà có ba trường Tiểu học: trường tư thục Bồ Đề gần đường Mai Thúc Loan, trường Trần Quốc Toản gần cửa Thượng Tứ, trường Đoàn Thị Điểm gần hồ Tịnh Tâm. Đường Âm Hồn không dài nhưng có đến hai cái miễu. Một nhỏ ở ngay góc đường Đinh Bộ Lĩnh và Mai Thúc Loan, người ta còn biết với một tên khác: ngã tư Anh Danh. Không có một anh nào tên Danh cả, mà Anh Danh là tên gọi tắt của một ngôi trường đào tạo quan võ của triều đình nhà Nguyễn, gọi là trường Anh Danh Giáo Dưỡng. Một cái miễu khác lớn hơn, âm u huyền bí hơn với cây đa cổ thụ, rễ phủ kín miễu và đâm ngang đường nằm trên đường Âm Hồn, gần trường Bồ Đề. Người dân nói rằng vào năm Ất Dậu tức là năm 1885, khi kinh đô thất thủ vua Hàm Nghi chạy ra tận Quảng Bình, quân Pháp hai phía từ Mang Cá đánh ra, từ tòa Khâm Sứ bên kia sông Hương đánh vào quân dân trong Thành Nội nằm chết ngổn ngang, dân chúng thấy vậy phải đào hố chôn tập thể, về sau họ dời cốt lên núi Ngự Bình, rồi lập miếu thờ ở con đường này và đặt tên là đường Âm Hồn.

Khi anh Thạch học ở Lycée Khải Định là trường anh Hai đang dạy, tôi được anh Hai xin cho vào học lớp ba trường Trung Tiểu học Đồng Khánh năm 1955. Sáng nào, anh em tôi cũng được chị Hai làm cho mỗi người một gói xôi gà ram hoặc ổ mì tôm thịt rim rưới thêm nước xốt rất ngon. Nhất là mùa đông lạnh cóng, mì nóng dòn dòn, nhai nghe rụm rụm, tôm thịt thơm phức, thêm chút ớt, tiêu, vừa cay vừa ấm cả người, ăn một ổ chưa đủ, miệng vẫn còn thòm thèm.

Chị dâu tôi có cái tên thật lạ: Công Tằng Tôn Nữ Hà Lãnh, người mảnh khảnh, dưới cặp lông mày vòng nguyệt là đôi mắt tròn đen, ánh mắt trong sáng, tóc kẹp đuôi dài, mái trước được nhún lên như cánh hoa thược dược, có người gọi là kiểu bánh bèo. Đó là mốt tóc của các cô vào những năm 54.

Chị Hà Lãnh là người đẹp nhất trong gia đình của chị thuộc dòng dõi Tuy Lý Vương, giữ được nền nếp, nho phong lễ giáo.

Thầy mạ chị Hà Lãnh – thông gia với Ba Mẹ tôi – là cụ Ưng Thuyên làm ở Bộ Học. Nhà cụ nằm trên đường Bộ Học sau này đổi thành đường Hàn Thuyên. Những ngôi nhà ngoài Đại Nội thường dành cho công chức quan lại của triều đình không được phép xây cao hơn nhà Vua ở và con đường ngang qua bộ nào thì đặt tên bộ đó. Ví dụ như con đường chạy ngang công đường của sáu bộ thì gọi là đường Lục Bộ, con đường ngang qua trước công đường các Thị Lang thì có tên Bộ Thị… Tôi thường sang chơi với em chị Lãnh cùng lứa tuổi tôi là Hồng Vân và Hồng Thủy, Bửu Chỉ – một họa sĩ có tiếng tăm sau này – bấy giờ được năm, sáu, tuổi thường ngồi hí họa trên giấy học trò hoặc chơi bi một mình. Sau khi cụ về hưu, gia đình cụ được cấp một phủ rộng lớn ở Vỹ Dạ.

Phòng tôi ở trên căn gác gỗ, một cửa sổ rộng có thể chui ra chui vào mái nhà tôn khác. Cây khế ngọt đơm bông tim tím, nhiều nhánh nhỏ lùa vào khe cửa làm căn phòng trở nên thơ mộng, nhất là những đêm trăng. Khế trổ trái từng chùm, ngồi vắt vẻo trên cành hái khế ngọt ăn ngay tại chỗ rất thú vị. Chuồng bồ câu được anh Bông chăm chút sơn đủ màu xinh xắn, gắn bên ngoài tường ngay trên cửa sổ phòng tôi. Anh nói chuồng đẹp thì bồ câu nơi khác sẽ tụ lại, chuồng xấu bồ câu sẽ bỏ đi. Mỗi lần từ trường về anh leo lên mái tôn ghé sát mắt vào những ô nhỏ xem có trứng mới chưa. Khi chim đẻ trứng anh nâng niu từng cái một, trông trứng nở thành chim, còn tôi theo dõi chim đẻ trứng để lén cắp đem luộc chấm muối tiêu. Khế và trứng bồ câu là hai thứ hấp dẫn nhất đối với tôi bấy giờ ngoài việc xem truyện tranh vẽ: Tấm Cám, Thoại Khanh Châu Tuấn, Chiêu Quân cống Hồ… Cây mít gần đó cũng hấp dẫn, trái mít mới ra nhỏ xíu, dân gian gọi bằng cái tên thật ngộ là “dái mít”, chấm với ruốc, ớt bột cay ngon đến chảy nước mắt nước mũi, miệng cứ hít hà.

Vì nhà tôi ở trong Thành Nội, mà trường Đồng Khánh lại ở bên kia bờ hữu ngạn sông Hương, nên mỗi lần tôi đi học có xe tư nhân đưa đón tận nhà. Thầy Phạm Ngọc Hương dạy ở trường Hàm Nghi là chủ nhân của những chiếc xe đón rước học trò này. Tôi còn nhớ bạn cùng lớp với tôi, Đinh Thị Ngọc Liên ở gần Đập Đá (Liên là con thầy Đinh Quy, từng là hiệu trưởng trường Quốc Học. Sau này Liên đỗ tiến sĩ toán, tu nghiệp ở Úc và dạy tại đại học Sài Gòn), chỉ đi một đoạn ngắn là đến trường cũng sử dụng phương tiện này. Thường thì xe bắt đầu đón các bạn trong Thành Nội trước, rồi sang đón các bạn bên hữu ngạn sông Hương, mặc dù tôi phải dậy sớm hơn, nhưng cũng rất thích vì được xe đưa đi vòng vòng qua nhiều con đường của phố Huế vào buổi sáng tinh sương. Sau này thầy Hương vào Sài Gòn làm thanh tra ở Nha Học chánh, từ đó không có ai thầu xe đưa đón học sinh nữa.

Từ cổng chính nhìn vào, bên phải là Lycée Khải Định bên trái là trường Đồng Khánh cách nhau một khoảng sân rộng giữa là cột cờ, mỗi sáng đầu tuần học sinh hai trường cùng ra chào cờ.

Lycée Khải Định được thành lập năm 1896, theo chỉ dụ của vua Thành Thái giao cho ông Ngô Đình Khả, thân sinh của ông Ngô Đình Diệm, làm trưởng giáo tức là hiệu trưởng, được Toàn quyền Đông Dương ký, đặt tên trường là École Primaire Supérieure (Cao đẳng tiểu học, nhưng thường gọi là Quốc Học). Về sau, trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp, gồm đệ tam, đệ nhị, đệ nhất, bỏ hẳn cấp tiểu học, trường đổi tên là Lycée Khải Định. Nghe anh Hai tôi nói số phận của trường thật long đong, trước ngày toàn quốc kháng chiến trường phải di dời ra Liên khu 4 tức Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Hầu hết giáo sư được phân bố dạy khắp nơi, số khác đến Chu Lễ xây dựng phòng thí nghiệm, chuyên phục vụ ngành quốc phòng.

Khi tiếng súng đạn Việt Minh – Pháp vang vọng trở lại vào năm 1946, thì trường học dù không bị đạn bom tàn phá nhưng cả hai trường lớn nhất Trung Kỳ là Khải Định và Đồng Khánh đều bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Trong lúc quân đội viễn chinh Pháp trấn đóng tại trường Khải Định thì Hội Đồng Chấp Chánh Trung Kỳ đóng bản doanh tại trường Đồng Khánh; sau sân chơi của trường Đồng Khánh, lại có các đội Bảo vệ quân tập tành huấn luyện. Góc nào cũng có chòi canh, đặt súng tiểu liên, có lính Pháp tuần tiễu. Công viên trước trường ngay bến đò Thừa Phủ biến thành nơi giải lao cho binh lính. Sau lưng tòa tỉnh, Pháp cho xây lao Thừa Phủ nơi giam giữ tù nhân.

Một số lớp của Lycée Khải Định phải học tạm một số trường khác. Lúc đầu “tạm trú” ở trường Paul Bert tức là trường tiểu học Thượng Tứ, rồi “chạy” qua học ở trường Chaigneau tức là trường tiểu học Lê Lợi. Trường Chaigneau đứng một mình giữa hai ngã sáu: đó là ngã sáu phía Bắc Bưu điện Huế với tòa lâu đài cổ kính màu hồng, đường từ Morin vào, đường từ trường Jeanne d’Arc đến, đường từ trường Chaigneau ra, hai đường bên hông Bưu điện và đường từ Bưu điện xuống ngả sáu Ngô Quyền. Nơi đây có tiệm bánh mì Chaffanjon nổi tiếng của Pháp, ngon nhất là bánh paté chaux và bánh croissant, nóng giòn, thơm phức mùi bơ, thịt, “nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn”. Cứ đến 4 giờ chiều, người ta đã sắp hàng đông nghẹt, tiệm bánh vừa mở cửa là chờ mua cho được dù chỉ một cái, mùa mưa lạnh cóng họ cũng mang tơi đội nón chờ thưởng thức bánh mì nóng của Chaffanjon. Ngã sáu thứ hai phía Nam, ở giữa có trụ đèn sáu ngọn rọi xuống đường Lê Thánh Tôn, đường Ngô Quyền, Chaigneau, đường nhà thờ Pháp, đường Hàng Đoác và đường xuống bờ sông An Cựu tức là Nhà Đèn Huế.

Niên học 1948-49, trường Khải Định lại đến “nương nhờ” trường nữ Đồng Khánh cho đến khi hiệp định Genève 54 chia đôi đất nước. Cũng may trường Đồng Khánh vừa mở lại lớp, học sinh còn thưa thớt nên có thể nhường cho trường Khải Định sử dụng hơn phân nửa các phòng học, gồm một phần bên dãy trái, toàn dãy lầu bên phải và toàn dãy lớp phía sau sân chơi.

Trường Đồng Khánh xây dựng sau trường Khải Định gần 20 năm, cũng được xây trên công thổ của trại Thủy Binh Võ Doanh Thủy Sư triều Nguyễn. Hai trường cách nhau bởi con đường Nguyễn Trường Tộ, phía trước là đường Lê Lợi với hàng cây long não rợp lá xanh chạy dài từ cầu Ga đến cầu Trường Tiền, Morin. Đồng Khánh là trường nữ công lập đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ bấy giờ, là một trong những ngôi trường lớn và có lịch sử lâu đời tại miền Trung và cả Việt Nam. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường này diễn ra vào năm 1917 với sự hiện diện của Vua Khải Định, Toàn quyền Albert Sarraut, trường có tên Cao đẳng tiểu học Đồng Khánh. Về sau sĩ số gia tăng trở thành trường trung tiểu học, với tên chính thức là Collège Đồng Khánh, có các lớp từ đệ thất đến đệ tứ. Sau khi thi Trung học đệ nhất cấp xong nữ sinh muốn tiếp tục học lớp đệ tam thì phải chuyển qua trường Khải Định. Vào năm 1955, tôi học lớp ba Đồng Khánh cũng là năm cuối cùng Đồng Khánh chấm dứt bậc tiểu học, chỉ còn lại bậc trung học – gồm có đệ nhất cấp và đệ nhị cấp. Trường đổi tên là Nữ Trung học Đồng Khánh.

Trường Đồng Khánh có hai dãy lầu phía trái và phải đối diện nhau quét vôi hồng, màu hồng rất đặc biệt, sang trọng, ấm áp. Toàn bộ dãy trái dành cho Khải Định. Bên phải, tầng trên dành cho học sinh nội trú, tầng dưới để học, giữa hai dãy lầu là chỗ ở của nữ giám thị và gia đình các cô giáo đã có mặt tại trường từ trước 1954. Nhà chơi có mái che ở cuối dãy, hai dãy sau dành cho tiểu học cách nhau một sân rộng, sân vận động ở cuối trường. Trường có đầy đủ phòng thí nghiệm, thư viện, nơi dạy nữ công gia chánh. Giữa khu tiểu học và trung học là khu nhà ăn cơm tháng. Học sinh theo chế độ bán trú thì vào ăn trưa ở đó. Các chị Đồng Khánh, các anh Khải Định gặp gỡ nhau thường xuyên tại đây và khi tốt nghiệp đại học có những cặp trở thành vợ chồng, như thầy Nguyễn Đức Kiên sau này là khoa trưởng trường Đại học Sư phạm Huế và cô Tôn Nữ Thị Lý, thầy Trung cô Thu, thầy Cầu cô Tiêu (cặp tên tình cờ này từng gây phiền toái cho thầy cô, và tôi không nhầm thì sau đó một trong hai người đổi khai sinh với tên mới) tất cả đều là giáo sư của Đồng Khánh và Quốc Học.

Được sắp hàng chào cờ cạnh các anh chị học Đồng Khánh và Lycée Khải Định tôi thấy mình “oai” lắm, lớp ba cũng mặc áo dài đồng phục. Trong ánh nắng ban mai, giờ ra chơi sân trường tràn ngập màu trắng của áo dài xen lẫn màu xanh của hàng me, màu hoa phượng đỏ, tà áo quấn quýt mỗi bước chân làm cho dáng đi các chị trở nên khép nép uyển chuyển nhẹ nhàng, tóc thề bay bay theo gió, nghiêng nghiêng chụm đầu vào nhau cười nói ríu rít trông thật yêu kiều.

La Vang và tôi ngồi cùng bàn với Liên Tâm, Mai Tâm. Hai chị em này sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, tóc cắt ngắn kiểu búp bê xinh xắn, là con bà Bửu Tiếp dạy chúng tôi ở lớp ba. Bửu Tiếp là tên chồng, còn tên bà là Huỳnh Thị Liệu, nhưng mọi người chỉ gọi bà Bửu Tiếp. Khác với cô Hoàng Thị Kim Cúc dạy nữ công gia chánh luôn quấn tóc vành, bà Bửu Tiếp luôn búi tó, được vuốt thêm một chút dầu dừa nên tóc lúc nào cũng óng mượt. Mùa thu đến trời se lạnh, bà khoác chiếc áo lửng bằng len tự tay bà đan lấy. Trông bà luôn tươm tất, sang trọng, khoan thai từ dáng đi đến cách ăn nói. Các cô giáo thời ấy cũng có mốt khoác áo lửng như vậy, nửa khăn nửa áo, người này đan, người khác cũng bắt chước đan theo. Bà thuộc gia đình công giáo, trước tháng 8/45 chồng bà dạy trường Khải Định, tham gia chống thực dân Pháp bị Tây giết, bà cũng tham gia hoạt động chống Pháp cùng thời với bà Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp và là em gái của bà Nguyễn Thị Minh Khai) và cũng cùng thời với bà Phan Thị Nga, vợ của nhà văn Hoài Thanh (tác giả Thi nhân Việt Nam). Mặc dù có nhân thân chính trị như vậy nhưng gia đình bà Bửu Tiếp không bị phân biệt, vẫn được bố trí ở trong trường cùng với gia đình bà Quang giám thị.

La Vang mồ côi cha mẹ, tối phải đi phụ bán hột vịt lộn kiếm tiền để học.

Năm 1994 tôi gặp lại Lê Khắc Cầm ở cà phê 27 Nguyễn Thị Diệu, Sài Gòn. Cầm cho biết La Vang đang là Mẹ Bề Trên một nhà thờ ở Huế. Tôi ra Huế nhiều lần đi tìm “Mẹ Bề Trên La Vang” nhưng chưa gặp và không ai biết “Mẹ” ở nhà thờ nào.

Vào niên khóa 54-55, trường Khải Định cũ trước bị Tây chiếm đóng đã sửa chữa xong, nên toàn bộ giáo sư học sinh lâu nay tạm trú ở Đồng Khánh được chuyển về trường cũ và đổi tên là trường Ngô Đình Diệm. Nhưng chỉ sau một năm, trường lấy lại tên lúc ban đầu: Quốc Học. Từ đây, các anh chị Khải Định, Đồng Khánh không còn đứng chung một sân để chào cờ, không còn những giờ ra chơi từ sân bên ni qua tìm các chị để chòng ghẹo, tán tỉnh ở sân bên nớ nữa. Cùng thời gian đó, trường Đồng Khánh mở lớp đệ tam, đệ nhị nhưng chưa có đệ nhất. Tốt nghiệp tú tài bán phần xong, tôi qua học Quốc Học, đây là năm cuối cùng trường Quốc Học nhận nữ sinh Đồng Khánh vào lớp đệ nhất (vì từ 1964 về sau Đồng Khánh đã mở lớp đệ nhất).

Năm anh Thạch tôi sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Vật lý tại Đại học Toulouse Pháp về nước giảng dạy ở Đại học Huế là năm tôi học đệ tam Đồng Khánh 1961, thời gian đó cô Tịnh Nhơn làm hiệu trưởng.

Cô Tịnh Nhơn người nhỏ nhắn, nho nhã, đằm thắm, phong cách khoan thai chững chạc. Không bao giờ thấy cô cười nói ồn ào với đồng nghiệp hay với học sinh. Cô có sức hấp dẫn người đối diện bằng tri thức và cuộc sống nội tâm phong phú của mình. Cô giỏi ngoại ngữ, văn chương, và giỏi cả toán. Cô học toán với thầy Châu Trọng Ngô, thầy Nguyễn Hữu Thứ ở Khải Định (sau này thầy làm hiệu trưởng Khải Định, rồi chánh án Tòa Thượng thẩm Huế). Khi cô được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Đồng Khánh, là lúc cô còn đang học chứng chỉ cuối cùng cử nhân ở Đại học Văn khoa Huế năm 1960.

Có những chiều tan học năm ba bạn chúng tôi được vinh dự ngồi trên ghế đá sân trường với cô dưới những hàng me lá rụng đầy lối đi, chăm chú nghe cô đọc những đoạn văn cô sáng tác, hay những trang nhật ký của cô về cuộc sống riêng tư. Qua đây chúng tôi mới biết dòng dõi bên nội của cô làm quan dưới triều Nguyễn, ông nội của cô là Đặng Như Bá, từ Hà Tây vào Huế làm Hàn lâm viện Thị giảng, thuộc tòng ngũ phẩm. Cha của cô là Đặng Ngọc Chương, làm Tham tá lục bộ – cũng là bác ruột của bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – và mẹ cô là Tống Thị Viện dạy học, hậu duệ của Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan. Cô là con gái độc nhất của hai cụ Đặng – Tống, nên cô có họ tên là Đặng Tống Tịnh Nhơn. Không may, mẹ mất sớm khi cô vừa lên bốn, cha phải gửi cô cho gia đình bên nội bên ngoại nuôi nấng dạy dỗ hết lòng, sau đó ông cũng mất vì bệnh phổi.

Chúng tôi có cảm tưởng tuổi thơ của cô tuy đuợc cậu, dì, cô, chú thương yêu nhưng rất cô đơn, và ngay trong đời sống riêng tư, cô cũng không được hạnh phúc trọn vẹn lắm. Chồng cô là thầy Văn Đình Hy giám học trường Quốc Học. Hai người lập gia đình năm 1954, tại chùa Bảo Quốc, được Đại đức Thích Trí Quang – chính là Hòa thượng Thích Trí Quang nổi tiếng sau này – chứng giám chủ lễ. Thầy Văn Đình Hy cũng nhỏ nhắn như cô, trong lúc cô là người rất tình cảm thì thầy trông có vẻ nghiêm khắc khô khan, hai người sống với nhau nhiều năm mà chưa có đứa con nào. Cũng có thể cô buồn vì chuyện gia đình nên cô dành hết thời gian hoạt động tích cực cho trường. Ngoài vai trò Hiệu trưởng cô còn là Huynh trưởng của Đoàn Sinh viên Phật tử Huế. Và theo thời thế bấy giờ, cũng như phần lớn các hiệu trưởng khác cô phải nhận chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên đới thành phố Huế (hội này do bà Trần Lệ Xuân vợ ông cố vấn Ngô Đình Nhu, và là em dâu của Tổng thống Ngô Đình Diệm phụ trách).

Một sự cố lớn xảy ra vào năm 1963, khi anh của tổng thống Ngô Đình Diệm là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, do kỳ thị Phật giáo ra lệnh cho Phật tử không được treo cờ vào mùa Phật Đản năm đó. Khi tăng ni Phật tử xuống đường phản đối, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thực hiện “Kế hoạch nước lũ”, tấn công chùa chiền, bắt sư sãi, học sinh sinh viên, giới trí thức Phật tử và những ai chống đối chính quyền. Cô Tịnh Nhơn cũng bị bắt, tuy cô không tham gia hoạt động chính trị cụ thể gì, nhưng bị gán tội đứng sau lưng Phật tử tranh đấu chống chính quyền. Ban đầu cô bị giam chung với các Phật tử khác, sau bị biệt giam ở Chín Hầm. Mãi đến khi chính quyền gia đình trị họ Ngô sụp đổ, cô mới được thả ra, và trở lại cương vị cũ của mình, hiệu trưởng trường Đồng Khánh vào năm 1963. Trong thời gian này tôi đã rời Đồng Khánh sang Quốc Học và từ đó không còn dịp gặp lại cô nữa. Khi vào Sài Gòn gặp lại bạn bè mới hay cô đã mất vì bệnh hiểm nghèo, và mặc dù đã chia tay, nhưng thầy Văn Đình Hy vẫn chống gậy đến dự đám tang cô.

Còn nhớ khi tôi học lớp đệ tam Đồng Khánh, trường chuẩn bị tổ chức hai đêm văn nghệ gây quỹ cho trường, và tôi được nhà trường chỉ định làm trưởng ban văn nghệ toàn trường, phụ tá cho thầy Ấn (nhà ở đường Phan Bội Châu, gần rạp hát bội Đồng Xuân Lâu). Giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi là cô Vân Trà đã chọn vở kịch Giảng sách dưới trăng của Vũ Hân, và chính cô làm đạo diễn luôn.

Vở kịch này nói về vụ Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn sống nho sĩ. Bích Diệp được chọn đóng vai Tần Thủy Hoàng vì tướng tá nàng ta giống con trai, nét mặt nhiều góc cạnh “rất nam tính”, chỉ có điều khi mặc hoàng bào dù nhiều lớp vải bên trong, nhưng vẫn không che được bộ ngực “chẳng khiêm tốn chút nào” của nàng. Đào Mai Hương đóng vai thư sinh lại chẳng thư sinh mà tròn quay như đòn chả, vì nàng ngâm thơ hay nên giáo sư hướng dẫn thích lắm. Chàng thư sinh có người yêu xinh đẹp bị Tần Thủy Hoàng bắt vào hoàng cung làm ái phi, đó là vai tôi đảm nhiệm. Khi vai ái phi này thấy Tần Thủy Hoàng tàn bạo chôn sống học trò và cả người yêu cũ của mình, thì mặc dù được nhà vua rất sủng ái nàng quyết uống thuốc độc tự tử sau khi nhiều lần khuyên can Tần Thủy Hoàng không được.

Những buổi chiều thứ bảy đôi khi cả ngày chủ nhật chúng tôi xuống nhà cô Vân Trà ở Vỹ Dạ để tập kịch. Cô thường nhắc nhở: “Đây là vở kịch nòng cốt trong hai đêm văn nghệ sắp tới, cô hiệu trưởng đặt hy vọng vào lớp mình đó, các em cố gắng tập cho kỹ”. Cô Vân Trà cũng rất tích cực, vừa cho con bú vừa hướng dẫn chúng tôi diễn. Trong vở kịch có đoạn tôi dạo đàn tranh mấy phút cho nhà vua nghe, chỉ vỏn vẹn vài ba câu lưu thủy hành vân mà tôi phải ghi tên học đàn cả tháng trời ở nhà thầy Quý trong Thành Nội. Chưa nói tôi còn phải lo phần trang phục đạo cụ, phông màn nữa. Trường có cho chụp hình tôi đang ngồi đàn tranh trên sân khấu, phóng lớn để ở phòng khánh tiết trường Đồng Khánh, sau vụ Mậu Thân phòng khánh tiết không còn, hình tôi cũng bị mất luôn. Gần đến ngày diễn thử tôi phải cầu cứu bà o họ của tôi là giám đốc đoàn hát bội Đồng Xuân Lâu ở Ngã Giữa, đường Phan Bội Châu. O hỏi rất kỹ, để chuẩn bị đạo cụ, o cho người mang theo đầy đủ kể cả chai thuốc độc bằng gỗ có chạm trổ rồng rắn rất đẹp và giúp chúng tôi mặc trang phục.

Tôi mê kịch từ nhỏ, hát bội, hát chèo, cải lương cũng mê luôn. Năm học lớp nhất, đi xem hát bội do đoàn đồng ấu Đồng Xuân Lâu diễn, thấy hiệp sĩ đeo mặt nạ đu dây lên tận cửa sổ cao của lâu đài, nơi công chúa bị kẻ gian bắt nhốt, tôi “mê” chàng đóng vai hiệp sĩ đến nổi chạy ra sau hậu trường tìm cho bằng được. Một ông diễn viên già đang đứng chùi son phấn trước kiếng gọi lớn: “Trít, Trít, mi mô rồi, ai vô hỏi mi tề”. Một chàng trai chỉ hơn tôi vài tuổi, mặt mày lem luốc phấn son lon ton chạy ra, dớn dác: “Mô? Ai hỏi tui? – rồi nó lớn giọng – Ê! Đứa mô tìm tau rứa?”. Thất vọng não nề tôi vừa đi vừa chạy không dám nhìn lui.

Lớn lên một chút, mỗi lần đoàn kịch Kim Cương ra trình diễn ở Morin, không đêm nào tôi vắng mặt. Kim Cương khóc chừng nào tôi khóc chừng ấy, và mơ mình hằng đêm được đứng sau cánh gà kéo màn để nhìn thấy cô ấy diễn.

Trong vở Giảng sách dưới trăng này, Công Huyền Tôn Nữ Liên Hương (em cô Quế Hương dạy Công dân Giáo dục ở trường Bán công) đóng vai nữ tì hầu cạnh ái phi, chỉ biết nói mấy chữ “Xin tuân lệnh nương nương”, còn hơn Trần Thị Phương, Trúc Nhự, Trần Thị Như Mai (em chị Trần Phương Lan giáo sư Anh văn), làm lính hầu cầm gậy đứng im từ đầu đến cuối vở kịch không nói được lời nào! (Như Mai và Liên Hương đều là học sinh giỏi).

Như Mai sau này học Đại học Sư phạm Anh văn Huế, là người yêu của anh Huỳnh Đình Tế từ Mỹ về giảng dạy ở trường này. Mối tình thầy trò công khai không cần giấu giếm này gây xôn xao dư luận,“hot” nhất trong giới sinh viên bấy giờ, vì anh Tế đã có gia đình. Hai vợ chồng anh thành hôn từ những năm 1956 và sinh con trai đầu lòng ở Huế. Vợ của anh Tế không ai xa lạ, chính là chị Thân Thị Như Hảo, em cô Thân Thị Giáng Châu (vợ thầy Nguyễn Hữu Thứ). Cô Giáng Châu là một trong năm người đẹp có tên Ngũ Long Công Chúa của trường Khải Định vào những năm 1946, sau cô làm ở tòa án, rồi dạy ở Đồng Khánh. Nghe nói chị Như Hảo cũng đỗ PhD tại Mỹ cùng với anh Tế. Thân sinh của anh Tế là chủ nhân tiệm thuốc Bắc Thiên Lương Đường, chẩn đoán, bắt mạch và cho thuốc, nhà ở đường Gia Long, cạnh bác sĩ Thân Trọng Phước, phía sau nhà bằng sàn gỗ là một hồ sen nhỏ xinh xắn. Em của anh Huỳnh Đình Tế là Huỳnh Đình Thế bạn tôi, do vậy mà tôi thường gọi anh Tế bằng anh. Cùng tuổi với tôi nhưng Thế rất chững chạc, chăm học, có năng khiếu ngoại ngữ. Vào những năm 1958, tôi đang học lớp đệ lục, thường đến chơi và học chung với Thế, ngoài tiếng Anh, Thế đã học thêm tiếng Nhật rất giỏi và có ý định du học Nhật, nhưng sau này Thế lại qua định cư và giảng dạy ở Mỹ.

Ngay từ năm 1950 anh Huỳnh Đình Tế đã du học ở Pháp. Ngoài cấp bằng tiến sĩ Ngôn ngữ học của Mỹ, anh còn nhiều bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ khác tại những trường đại học nổi tiếng của Pháp, Anh. Anh là giáo sư dạy ngữ học và giảng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt cho sinh viên các ban khác nhau. Sinh viên to nhỏ với nhau: “Thầy “uyên bác” vậy, hèn gì! Như Mai mê là đúng”. Như Mai xinh xắn, học hành xuất sắc. Anh Tế không chỉ có dáng dấp bên ngoài đẹp trai mà tính tình hòa nhã, anh đã làm rơi rụng không biết bao nhiêu con tim của nữ sinh viên trong nước thời còn đi học, và nước ngoài thời kỳ du học, thì giờ đây trò Như Mai yêu thầy Tế là chuyện kể ra không quá khó hiểu.

Năm 83 tôi gặp lại Như Mai ở Sài Gòn, Mai cho biết vừa nghỉ dạy Marie Curie chuẩn bị qua Thái Lan rồi đi Mỹ do anh Tế bảo lãnh. Trước 75 anh Tế làm Đại diện Thường trực cho Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ) tại Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO): Southeast Asia Ministers Education Organisation), đặt trụ sở ở Vọng Các (Bangkok), Thái Lan. Chính anh đưa Như Mai từ Thái Lan sang định cư ở Hoa Kỳ. Hai người sống chung với nhau một thời gian thì anh Tế bị bệnh, trở về sống với em trai Huỳnh Đình Thế, rồi quay lại với chị Như Hảo, người vợ mà anh đã chia tay trước đây. Anh mất tại Norwalk, Cali năm 2003, hài cốt anh được Thế đưa về Huế. Thời gian ngắn sau chị Như Hảo cũng mất. Kết thúc một cuộc tình đẹp!

Ở Đại học Huế, một chuyện tình khác giữa thầy và trò cũng nổi tiếng không kém cặp Huỳnh Đình Tế và Trần Như Mai, là ông Lê Tuyên và Tôn Nữ Phước Ái (em gái của bác sĩ Tôn Thất Chiểu). Phước Ái là một sinh viên Phật tử thuần thành, học Sư phạm Việt Hán và được giữ lại trường Sư phạm làm phụ khảo, không đứng lớp mà chỉ nghiên cứu. Cô rất hâm mộ ông thầy khó tính này. Ông Lê Tuyên người mảnh khảnh thư sinh, trên khuôn mặt trắng trẻo là chiếc gương cận dày mấy đi ốp. Năm 1950 ông cùng thầy Lê Văn và thầy Lê Khắc Phò du học Pháp. Anh Thạch tôi kể: “Anh Lê Khắc Phò dáng người gầy gầy rất nghệ sĩ, đàn hay, vẽ đẹp, so với những họa sĩ tài tử thì tranh của anh khá hơn hẳn. Sau khi tốt nghiệp ở Pháp anh cầm cọ lang thang khắp Paris để vẽ rồi hồi hương dạy Sử Địa ở Đại học Huế. Bên ngoài trông anh khắc khổ, đạo mạo, không bao giờ rời chiếc áo bành tô như sợ lạnh, nhưng bên trong anh là người đầy nhiệt huyết, chân thành với đồng nghiệp, với sinh viên và hết lòng lo cho Viện Đại học Huế”.Riêng ông Lê Tuyên hồi hương, dạy môn Văn chương Việt Nam tại Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa kiêm Giám đốc Học vụ Văn khoa Huế, chịu trách nhiệm tổng quát các ban Việt Hán, Pháp văn, Anh văn, Sử Địa.

Theo lời bạn thân của tôi là Trần Công Tín, sinh viên khoa Văn, kể thì từ năm 64 ở các ban Việt văn, Anh văn, Pháp văn sinh viên buộc phải có chứng chỉ Văn chương Việt Nam mới được gọi là Cử nhân Giáo khoa, nên một số sinh viên tuy có nhiều chứng chỉ hơn quy định chứng chỉ Văn khoa + 4 chứng chỉ khác họ vẫn không được cấp bằng Cử nhân Giáo khoa vì không qua được cửa ải của ông Lê Tuyên. Cử nhân Giáo khoa có nhiều quyền lợi hơn theo quy chế ngày đó. Đây là một trở ngại rất lớn đối với sinh viên, vì ở chứng chỉ này ông Lê Tuyên là giáo sư chủ chốt, nghiêm khắc, bài giảng lại vô cùng khó hiểu. Vào lớp ông nói thao thao bất tuyệt, ông chủ trương đem triết lý vào văn học, như: “Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ bị lưu đày!”, hiểu được ông nói là cả một vấn đề, sinh viên rất ngán và sợ giờ của ông. Hai môn ông dạy tổng cộng là hệ số 5, chiếm một phần rất quan trọng trong việc trúng tuyển. Bởi thế qua được cửa ải của ông xem như thành công. Ở lại hay lên lớp là do ông quyết định. Nghĩ cũng tội, anh em Việt văn mà không chịu nổi các bài giảng của ông thì làm sao các bạn Pháp, Anh văn chịu cho thấu. Những niên khóa có ông Lê Tuyên dạy, số sinh viên đậu chưa đến một nửa.

Khi ông không còn dạy nữa, số người đậu chứng chỉ Văn chương Việt Nam chiếm đến 50%. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi ông… ra đi, không quên mang theo cô học trò Phước Ái.

Những luồng gió mới, tràn đầy sinh khí từ các giáo sư trẻ du học khắp nơi trên thế giới, của những trường đại học nổi tiếng nhất mang về cũng gây nhiều tranh cãi giữa sinh viên và phụ huynh. Ngoài việc cung cấp kiến thức, còn một “tác dụng phụ” không ai lường trước đó là hiện tượng “tự do luyến ái” giữa thầy và trò. Trong một thế giới cổ kính, trầm lặng lâu nay như Huế, người ta lại biết thêm về các nữ sinh Huế, ngoài vẻ đẹp dịu dàng như dòng Hương Giang lững lờ kia thì bên trong cũng rất nổi sóng, có thể phá vỡ mọi phép tắc cổ kính để tìm cho mình quyền tự do lên tiếng trong lĩnh vực khó quyết hay dở, đúng sai: Ái tình!

Huế như bừng lên một sắc hồng đầy nhựa sống, tươi mát. Tuổi trẻ và tình yêu đã khuấy động cái yên tĩnh của Huế, không sợ trời, không sợ đất, không sợ ai hết.

Huế có nhiều con đường đẹp và thơ mộng để những cặp trai gái yêu nhau dạo chơi mỗi chiều sau giờ tan trường, nhưng con phố nhỏ, ngắn Phan Bội Châu lại là nơi nổi tiếng nhất, nơi trình diễn của trai thanh gái lịch, sinh viên học sinh Huế vào những chiều thứ bảy, chủ nhật. Vì lề đường Phan Bội Châu quá hẹp nên đi lui đi tới lâu ngày, không quen cũng trở thành như đã quen lâu rồi, chỉ cần bốn mắt nhìn nhau, môi nở nụ cười là có thể tiến đến bắt chuyện.

Con đường này, trước đây có tên Gia Long, cho đến năm 1954 mới đổi là Phan Bội Châu, chạy dài từ Vườn Bông gần cửa Đông Ba, bên này nhà ông đốc Phước, đối diện bên kia đường là tiệm mè xửng nổi tiếng Song Hỷ, cho đến góc đường Trần Hưng Đạo, cầu Gia Hội và đối diện là chợ Đông Ba. Chỉ trên một đoạn ngắn vậy mà đủ các cửa hàng lớn, như tiệm tơ lụa Anita Silk House Bombay, nhà sách Lê Thanh Tuân, Nguyễn Du, Liễu Quán, nhà hàng ăn Quốc Tế, quán bán cháo lòng luôn đông khách, tiệm bò tái gân gần nhà hát bội Đồng Xuân Lâu, có cửa hàng lớn Đồng Phát, Lộc Lợi bán xe gắn máy và đồ phụ tùng xe. Đặc biệt là cửa hàng Mỹ Thắng, chủ nhân là người đẹp được sinh viên ái mộ. Cô Mỹ Thắng tuy không còn trẻ, đã có con cái, nhưng chịu trang điểm ăn diện, lại khéo chiều khách, đồ đạc mua về không bằng lòng có thể đổi trả dễ dàng. Tiệm Hoàng Hưng “độc quyền” bán bánh kẹo Tây, tiệm Hòa Lợi luôn có những mặt hàng ti vi mới lạ, tiệm chụp hình Mily, nơi chưng bày hình của chị Như Hảo nhiều nhất. Tiệm chụp hình Ánh Tuyết sát cạnh cũng được nữ sinh các trường quan tâm. Họ thường treo hình ca sĩ như chị Hà Thanh, tay cầm nhánh hoa huệ nghiêng từ vai xuống hoặc tay cầm chiếc nón bài thơ nghiêng trên mái tóc thề hay chiếc nón che ngang bụng, có kiểu ngón tay trỏ để vào má làm duyên, thế là người ta bắt chước những mẫu ấy. Thợ chụp hình không cần suy nghĩ nhiều để tạo mẫu tạo dáng cho khách, cứ thế mà bấm máy. Khách đâu chỉ chụp một hai kiểu, phải bốn năm kiểu trở lên. Chủ tiệm cứ thế mà thu tiền, cứ thế mà giàu có. Cho nên tiệm này dẹp, người khác đến thuê cũng mở lại chụp hình.

Nhưng có một chuyện mà nhiều người thường mua mỹ phẩm hay quà lưu niệm ở tiệm An Vân trên đường Phan Bội Châu không biết, đó là chuyện liên quan tới việc một “Cô gái Lọ Lem” bỗng chốc trở thành bà chủ giàu có. An Vân là tiệm của hai bà cô và người cháu gái xinh đẹp, giàu có chuyên bán mỹ phẩm hàng hiệu nước ngoài. Riêng chị Phạm Thị Cẩm Du, cũng là cháu nhưng gia đình nghèo nên chị Du lo phần đi chợ nấu ăn, giặt giũ trong nhà. Cha của chị là cụ Phạm Siêu hằng ngày đến các chùa làm công quả, mẹ của chị nằm ở nhà thương điên Huế. Ngoài việc lo cho gia đình nhà An Vân, chị Du còn phải bới xách cơm nước, tắm rửa cho mẹ nữa. Đầu tắt mặt tối suốt ngày, chỉ trừ chủ nhật chị Du được nghỉ, qua thăm người yêu sửa xe đạp ở trọ nhà ông Nguyễn Hữu Thứ và vợ là cô Giáng Châu dạy Đồng Khánh trên đường Nguyễn Công Trứ. Ngày nọ ba cô cháu tiệm An Vân đi Sài Gòn nghỉ hè, chị Du phải ở nhà trông coi cửa tiệm. Một hôm, “trời xui đất khiến”, một ông người Hoa từ xe hơi bước vào tiệm, chị Du tiếp khách, mua bán, trò chuyện như thế nào không biết, ông này đem lòng yêu mến, và sau lễ hỏi rình rang là lễ cưới vào hạng lớn nhất ở Huế. Chị Du lên xe hoa vào Đà Nẵng bỏ lại sau lưng người yêu hằng ngày vẫn sửa xe đạp, đoạn tuyệt quá khứ nghèo nàn khổ cực, tuy mang tiếng là cháu chủ tiệm An Vân, nhưng không khác gì người giúp việc. Chị Du trở thành bà chủ, hột xoàn đeo đầy cổ đầy tay, thay chồng đứng thầu các công trình xây dựng của Mỹ tại Đà Nẵng, với đoạn kết đẹp như trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng.

Năm đệ nhất, 1963, giáo sư hướng dẫn lớp đệ nhất C1 của chúng tôi là thầy Trần Như Uyên dạy triết siêu hình. Thầy đề nghị tôi đóng vai công chúa Tây Hạ trong vở Thành Cát Tư Hãn. Thầy cũng tìm thêm những vai chủ chốt khác nữa cho vở kịch. Thầy chỉ góp ý chứ không đạo diễn hay hướng dẫn diễn xuất. Chúng tôi phải tự tập với nhau và đã bỏ nhiều thời gian để tập cho kịp ngày trình diễn nhân dịp lễ phát phần thưởng cuối năm.

Đây là một trong những vở kịch của Vũ Khắc Khoan viết như Giao thừa (1949), Hậu trường (1949), Thằng cuội ngồi gốc cây đa (1949), Những người không chịu chết (1969), Ngộ nhận (1969). Riêng Thành Cát Tư Hãn, người dựng nên đế chế Mông Cổ, là nhà xâm lược vĩ đại nhất trong mọi thời đại, nhà văn Vũ Khắc Khoan viết vào năm 1961 và được giới phê bình văn học đánh giá cao.

Cùng đóng với tôi, có Trần Quang Miễn học đệ tam vai Thành Cát Tư Hãn. Đây là một vai gai góc hoang dã, Miễn là học sinh đầy cá tính đã thể hiện rất xuất sắc vai của mình và làm lu mờ những vai khác.

Mỗi lần Miễn xuất hiện với chiếc áo khoác “bụi đời”, bộ ngực không mấy nở nang của Miễn được phô ra, tay cầm chai rượu, chưa cất tiếng nói cả khán phòng đã vỗ tay rào rào. Trong những lần tập dượt, Miễn thích nhất là lúc Thành Cát Tư Hãn “tu” bình rượu, cười khà khà một cách khoái chí. Nhưng thay vì “tu” rượu, Miễn được “tu” mấy chai bia do bạn bè trong lớp mua cho để Miễn diễn tả vai của mình thêm phần sinh động. Khi ngà ngà hơi men, Miễn nhập vai rất xuất thần, không thể chê vào đâu được. Xuân và Thúy học đệ nhất C2 giữ vai phụ nhưng cũng góp phần thành công cho vở kịch.

Không những lo cho vai diễn của mình mà tôi còn lo trang phục, đạo cụ, phông màn cho vở kịch. Cũng như năm học Đồng Khánh trình diễn vở kịch Giảng sách dưới trăng, tôi cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của đoàn hát bội Đồng Xuân Lâu cho mượn trang phục, đạo cụ để phục vụ cho vở Thành Cát Tư Hãn. Thầy giám học Văn Đình Hy nói đây là vở kịch chính dành cho quan khách quan trọng trong thành phố xem nhân dịp lễ phát thưởng học sinh giỏi cuối năm. Mỗi lớp từ đệ tam trở lên chỉ có ba hoặc bốn học sinh được phần thưởng mới có vé vào. Lớp tôi đệ nhất C1 (Pháp văn là sinh ngữ chính, Anh văn sinh ngữ phụ) chỉ có Thân Trọng Sơn, Trần Công Tín đều là bạn thân của tôi. Tôi còn nhớ khi lãnh phần thưởng do Viện trưởng Viện Đại học Huế – Linh mục Cao Văn Luận – trao, tôi vẫn còn mặc trang phục công chúa Tây Hạ. Cha Luận nói: “Con gắng thi đậu, Viện đã lo giấy tờ cho con đi học ở Pháp rồi đó”.

Hôm vừa tập xong kịch đang mệt, tôi xuống bàn học ngồi nghỉ thì bỗng có người quẳng tập sách trước mặt. Tôi nhìn qua, thấy một cậu gầy như cây sậy, tay bỏ vào túi quần, tay chống mặt bàn, mắt đeo kiếng cận nặng nhìn tôi lầm bầm:

– Học không lo học. Văn nghệ với văn gừng.

Tôi chưa kịp phản ứng, cậu ta bỏ đi một mạch.

– Vô duyên! Ai quen mà nói năng tầm bậy tầm bạ rứa hả.

Tôi nhìn theo, nguýt một cái thật dài.

Thúy cười:

– Lê Khắc Cầm học C2 với tụi mình đó.

Nghe họ Lê Khắc quen quen tôi hỏi:

– Lê Khắc Cầm mô rứa hè?

– Lê Khắc Cầm em thầy Lê Khắc Phò dạy Sử Địa đó. Thầy Phò chồng của cô Lê Liên cũng dạy Sử Địa nhớ không?

– Thầy cô thì nhớ. Còn anh chàng này ai thèm biết mà nhớ mần chi. À, Thúy nì, thầy Phò gầy gầy trông giống anh chàng ni ghê hí. Mà răng trong nhà thầy ai cũng gầy hết. Cô Lê Liên là dâu cũng rứa. Cô mảnh khảnh, có nụ cười thiệt tươi, nét mặt thật rạng rỡ. Mình nhớ hôm lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, cô mô có dạy mình, rứa mà cô chọn mình làm thư ký ghi chép buổi họp. Được ngồi bên cô ở bàn dài đặt trên sân khấu, mình thấy “oai” dễ sợ. Nì Thúy, trong trường Quốc Học ni cô Lê Liên là nữ giáo sư xinh nhất hí.

Mấy đứa bạn đứng sau lưng tôi giành nói:

-Sure! Tuyết Lộc ngó đó, cô Diệu Trang xinh đẹp nhưng càng ngày càng “tròn trĩnh”. Còn cô Tống Nữ Lan thì ốm chi mà ốm dễ sợ. Thầy Nguyễn Châu làm cô “buồn” đến nỗi ốm không còn chỗ để ốm nữa. Tội cô ghê. Cô Lê Liên trở thành “ngôi sao lấp lánh” là đương nhiên rồi. Con người cô rất thanh thoát, nét mặt thật rạng rỡ, ai cũng thích “nghễ” cô hết.

Sau này gặp Cầm ở Sài Gòn đang đứng bán thuốc tây ở chợ Tân Định, bạn tôi Trần Gia Phụng, giáo sư trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng cũng bán thuốc tây ở đó, hỏi tôi:

-Tuyết Lộc biết Lê Khắc Cầm không? Giáo sư Anh Văn, Việt Cộng nằm vùng, nay đã trả thẻ đảng đứng bán thuốc tây đó.

Vì chỉ học ở Quốc Học một năm nên không biết rõ những năm trước trường tổ chức văn nghệ có rôm rả như năm nay không. Nhưng chỉ nhìn qua thì sĩ số nam sinh chiếm gần hết, chỉ còn các lớp đệ nhất mới có số ít nữ sinh, chưa thấy trường Quốc Học tổ chức văn nghệ bán vé tại rạp. Trong lúc trường Đồng Khánh tuy không có nam sinh nhưng năm nào cũng tổ chức văn nghệ xôm tụ bán vé gây quỹ cho trường.

Từ năm 1954 đến 1960 ai cũng biết dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Huế cũng như cả miền Nam nói chung tưởng chừng như hưởng được một nền hòa bình yên ả. Nhiều trường đại học được thành lập ở các thành phố lớn, dân chúng yên ổn làm ăn. Nhưng như người ta nói, hòa bình chỉ để chuẩn bị cho một cuộc chiến sắp đến. Khi vừa lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm đã có những biện pháp trấn áp không thương tiếc các phe đối lập, từ nhóm Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các đảng Đại Việt, Quốc Dân đảng… Sự chống đối chính quyền cứ âm ỉ mãi cho đến khi nổ bùng, năm 60 đến năm 62 không khí chống đối chính quyền gia đình trị họ Ngô ngày càng mạnh mẽ.

Phải nói năm 63 là năm đầy rẫy những sự kiện nóng hổi ở miền Nam, và nói riêng thành phố Huế với phong trào học sinh, sinh viên rất sôi động. Huế thật sự đi vào cuộc bể dâu của lịch sử cùng những thăng trầm và những cơn sốt chính trị.

Huế được xem là trung tâm điểm của những trận cuồng phong chính trị, cơn lốc đã kéo đến tận Sài Gòn, cuốn phăng nền Đệ Nhất Cộng Hòa với chín năm cầm quyền gia đình trị.

Kể từ đó, đất nước bị lôi cuốn vào những nhóm tranh giành chính trị, không một ngày được yên, Huế liên tục biểu tình tháng này qua năm khác. Biểu tình và bị đàn áp. Khói của lựu đạn cay phủ mờ thành phố Huế, từ đường phố chính Trần Hưng Đạo đến chợ Đông Ba, qua Hàng Bè, Chi Lăng, Diệu Đế, Gia Hội, Bãi Dâu, bên kia sông Hương dọc theo Lê Lợi, từ Đập Đá đến cầu Ga…

Chính phủ tạm thời của quân đội thì bất lực, chỉnh lý rồi đảo chánh, bầu cử rồi lại bầu cử, sân khấu chính trị cứ thay đổi liên tục. Chỉ trong thời gian ba năm mà có đến bảy lần thay đổi nội các.

Tôi lớn lên trong bầu không khí đó của Huế và dần dần ý thức được rằng, dưới bộ mặt nên thơ phẳng lặng của Huế là những đợt sóng ngầm nguy hiểm luôn chuyển động!

Comments are closed.