Soi vùng ký ức (kỳ 1)

Truyện Ngô Nguyên Dũng

Truyện viết về điều gì…? Về hai nhân vật đều còn trẻ. Tình nhân? Không hẳn…

Dù họ đều là phân nửa của nhân loại, là phần bổ sung cần thiết cho nửa kia. Một là nam, một là nữ. Một da vàng mũi tẹt, một da trắng mắt xanh. Một sinh viên măng sữa, một gái điếm lành nghề. Một bi kịch gia đình, một thảm họa dân tộc. Một phất phơ mây gió, một trì đọng đá ngầm. Một giấu tiếng khóc sau cười vui lầy lội với đám đông, một thao thức khắc khoải cả riêng chung trong cô độc và kìm nén…

Quá trong xanh và đầy ám ảnh… Có phải Ngô Nguyên Dũng viết về tình yêu? Thứ tình yêu đã vượt qua, vượt lên khỏi thân xác… Dù họ từng có một lần ân ái…

VĂN VIỆT

Ký ức của một cá nhân là những mảnh thuỷ tinh của quá khứ hãy còn lấp lánh. Ký ức của một tập san là gương mặt những tác giả đã đi qua. Ký ức của một giai đoạn văn học là những truyện ngắn đã tuyệt tích. Soi Vùng Ký Ức là một trong những truyện ngắn này, đã biến mất.

(Trần Vũ)

Ngô Nguyên Dũng (ảnh chụp năm1992)-1Ngô Nguyên Dũng (1992)

KỲ 1

Mỗi lần nghe chuông nhà bên cạnh reo vang, rồi tiếng chân người bước vội ngoài hành lang, tôi không khỏi không nhớ tới khoảng thời gian Lisa còn ở đây. Ba năm rồi còn gì, không ngờ tháng năm trôi qua nhanh vậy. Tôi muốn quên, chôn kỷ niệm cũ vào nấm mồ ký ức nhưng mỗi sáng, đẩy cửa ra đường lúc trời còn vướng sương mù, thấy người phát thư cong lưng đạp lên con dốc nhỏ cuối đường, trên yên sau oằn cong hai túi thư đầy ắp là lòng tôi lại hỗn mang bao niềm hy vọng. Có lá thư nào của Lisa cho tôi nằm trong đó? Hay một tấm thiệp nàng gởi từ La Mã, Luân Đôn, Ba Lê, Nhã Điển…? Vắng bặt tin nàng khiến tôi ngờ vực, có lẽ Lisa chạy trốn tôi, quay lưng, giũ áo thong dong tiếp tục con đường đã vạch sẵn.

Một sáng thứ bảy, lúc tôi còn nằm ngủ nướng giấc cuối tuần thì nghe nhiều tiếng động vang lên lồng lộng phía bên ngoài. Tôi tò mò khoác áo ngủ, mở cửa thì thấy hai gã đàn ông đang khuân cái tủ áo bằng gỗ thông từ phòng Lisa xuống lầu. Tôi vuốt lại mái tóc rối bù, hoang mang hỏi, hai ông khuân tủ đi đâu vậy? Một tên nhìn tôi cười khì, dọn nhà chứ đi đâu. Tôi bối rối thật sự, chạy tuôn qua cánh cửa phòng Lisa mở tênh hênh. Vắng ngắt, tẻ lạnh và tê thiếp. Gần cửa sổ, chiếc ghế sơn xanh đứng trơ trọi. Trên thảm, con gấu nhồi bông tôi ném lon thắng được trong đêm chợ Giáng Sinh năm rồi nằm lăn lóc, giơ bốn chân lên trời, khoảng lông trắng ngả vàng trong vệt nắng hình tam giác xuyên qua khung cửa kính có tấm màn nâu được vén lên hai bên. Giọng một người đàn ông vọng vào, ê, làm gì trong đó vậy ông bạn? Tôi đáp, chủ nhà là người bạn của tôi… Có lẽ bằng lòng với lời giải thích này, họ không thêm câu nào. Tôi cho hai tay vào túi áo ngủ, đi vòng quanh căn nhà hai phòng quen thuộc, tâm tư như cuộn chỉ rối. Phòng ngủ nàng dọn sạch, cánh cửa sổ còn mở hé, gió lay nhẹ tấm màn voan. Phòng tắm, nhà bếp trông như những gian hàng sau giờ họp chợ. Nỗi quạnh vắng thê lương bủa khắp, vây lấy tôi như tấm lưới vô hình chụp cứng con cá nằm chơ vơ trên bãi. Nắng sáng thênh thang. Nắng úa vàng bạc phếch. Màu tê tái của niềm hy vọng cuối cùng không tên, vô nghĩa.

Tôi mới vừa trở lại đêm qua, sau một chuyến đi trình diện xin việc ở tỉnh xa, buổi sáng còn muốn ngủ nán bù lại những đêm lạ nhà thiếu ngủ mấy hôm liền, chưa kịp qua gõ cửa chào tái ngộ thì Lisa không còn ở đó nữa. Nàng cũng vô tâm, không để lại cho tôi một chữ. Một tấm ảnh cũng không. Một kỷ vật cũng không nốt.

Tôi hỏi hai người dọn nhà, đồ đạc được chở tới địa chỉ nào, ở đâu? Gã đàn ông người lực lưỡng như võ sĩ, cao hơn tôi một cái đầu, tóc ngắn vàng hoe, hai mắt mèo xanh xám, mũi cao méo lệch, mở miệng cười khoe hai hàm răng thiếu săn sóc, nhìn tôi rồi nóì, làm gì có địa chỉ mới hỡi ông bạn yêu quý. Chúng tôi tới đâu phải để dọn đồ tới nhà mới giùm ai đâu. Xiết đồ đạc đó bạn ơi! Người đàn ông thứ hai có lẽ gốc Nam Âu, tóc nâu sẫm, hai chân mày gần như giao nhau, râu không cạo kỹ mọc tua tủa, xen vào, giọng lơ lớ, khuân tới tiệm cầm đồ để đó. Sau một thời gian chủ nhân không thanh toán tiền nhà thiếu, sẽ bán đổ bán tháo đi. Tôi ngó hai gã đàn ông, ánh mắt nghi ngờ. Tôi biết Lisa đâu nghèo túng đến nỗi nợ tiền nhà nhiều đến vậy. Hay tại nàng tiêu xài hoang phí. Hoặc sau một đêm cờ bạc trác táng với bọn trưởng giả, nàng sạch túi, buồn đời bỏ đi tỉnh khác làm ăn, không ngó ngàng gì tới bạn bè nơi này. Tôi hoang mang muôn ngàn câu hỏi. Nhưng hai gã đàn ông cũng không biết gì nhiều hơn tôi. Một tên thấy thương hại, mách nước bảo tôi gọi chủ nhà hỏi thử xem sao. Tôi xin lại con gấu nhồi bông cũ kỹ bụi bám dơ bẩn. Không hẹn, hai tên cùng gật đầu. Món đồ chơi ấy có quý giá gì, nhưng với tôi là kỷ vật cuối cùng để nhớ tới Lisa.

Thấy tôi còn tần ngần, ngơ ngẩn đứng giữa phòng khách nhà Lisa, chưa chịu đi ra, một tên hỏi, còn gì để hỏi nữa không ông bạn? Tôi hoàn hồn như vừa thoát khỏi cơn đồng thiếp, đáp nhỏ, có còn gì nữa đâu, thôi đi! Trước khi quay lưng bước đi – tôi có cảm tưởng như đang dùng dao chặt bỏ một phần than thể, cánh tay, bàn chân hay ít ra cũng là ngón tay út vô dụng hoặc như vừa đóng lại một ngăn kéo dĩ vãng, khoá kín rồi ném chìa khoá xuống ao nước nhỏ bên kia rừng – tôi còn nhìn thấy hai gã đàn ông đưa mắt ngó nhau, một tên nhún vai nhẹ, ngụ ý nghi ngờ óc não tôi có lẽ có một con ốc lỏng lẻo mà hệ thống thần kinh không thể nào vặn chặt được.

Tôi lừ đừ lê dép ra đứng ngoài hành lang. Cánh cửa sổ toả tràn ánh sáng. Một tên khoá cửa nhà Lisa lại, chào tôi “Auf Wiedersehen”. Tên kia lặp lại “Auf Wiedersehen”, nghe như tiếng vang hay tôi thực sự đang đứng trong một hang động thạch nhũ. Tôi nhếch môi chào thật khẽ “Auf Wiedersehen, schönen Tag noch”, rồi mở cửa bước vào lại phòng mình. Con chim trống từ hồi con mái chết đến giờ buồn bã trông thấy rõ, ít hót hẳn đi, nhưng mỗi khi nghe tiếng chìa khoá tra vào ổ lao xao nó lại hân hoan nhảy nhót trong khung kẽm, niềm vui khiêm tốn đến độ tội nghiệp. Như một vệt sáng le lói trong thế giới của người mù. Hay đơn giản hơn, như nỗi hân hoàn vô tư của một đứa trẻ thấy mẹ từ phố về, biết thế nào cũng có kẹo. Tại sao tôi lại có ý nghĩ kỳ cục ngày hôm nay, ngày thứ bảy đầu tháng phố chợ mở cửa tới sáu giờ chiều, cho phép tôi ngủ nướng tới mười hai giờ trưa, giấc ngủ nán chưa tròn thì biết đuợc tin Lisa không còn ở đây, trong ngôi nhà này, bên cạnh căn phòng tôi ở trọ từ bao năm qua.

Căn phòng dài và hẹp, rộng khoảng chừng hai mươi thước vuông. Phòng tắm cuối góc này, nhà bếp cuối góc kia. Ở giữa là phòng khách còn là phòng ngủ, chỗ làm việc, phòng ăn, phòng xem ti-vi… Tôi đã định nhờ Lisa may một tấm màn ngăn lại để mỗi lần nấu nướng chiên xào, mùi nước mắm, mỡ hành đỡ len vào phòng khách, nhưng mua thanh gỗ thô, đánh vẹc-ni màu nâu và đóng lên thành cửa tự bao lâu rồi mà Lisa vẫn chưa có dịp may hộ tôi. Tôi chần chờ hoài, không nhắc bởi đinh ninh rằng nàng sẽ còn ở đấy, không phải suốt đời, nhưng ít ra cũng trong một khoảng thời gian dài. Bây giờ nhìn lại thanh gỗ nâu và những khoanh nhựa tròn cũng sơn nâu dùng để móc tấm-màn-Lisa-chưa-may đó, tôi bực dọc vô cớ. Cơn giận trong khoảnh khắc dâng lên làm nóng chỏm dầu, hai má tôi có lẽ đã đỏ ửng. Tôi thả người xuống ghế bành, đập mạnh tay lên bàn, thân gỗ rung rinh… Tại sao, tại sao và tại sao??? Úp mặt vào tay chờ hạ hoả, tôi gác chân lên bàn nằm dài ra ghế, hai mắt nhìn lên trần nhà vôi trắng. Căn phòng tôi nằm sát dưới mái ngói nên bờ tường phía ngoài nghiêng nghiêng. Màu vôi trắng hôm nay sao chênh vênh. Lisa không thích màu trắng. Nàng bảo, trông buồn lắm, như nghĩa trang, màu của chia xa và cái chết.

Không hiểu tôi ngồi ở tư thế ấy bao lâu, lúc tôi nhấc điện thoại quay số người chủ nhà thì nghe bên ngoài chuông nhà thờ gióng lễ chiều.

Có người nhấc ống bên kia, tôi hấp tấp:

– Ông Zimmermann đó phải không? Phan, người thuê nhà của ông đây!

Giọng tên Zimmermann bình thản, gần như lạnh lùng (tôi rất ghét hắn ta, đã mấy lần gã có ý tính sai tiền phụ thuê nhà để ăn chận tôi vài chục bạc):

– Vâng, tôi đây. Có chuyện gì không?

Tôi giả vờ giận dữ (thật sự, tôi đã giận dữ vì kêu bao lần mà gã vẫn không cho người tới thay tấm kiếng vỡ sau trận bão năm nào lâu rồi tôi không còn nhớ. Cũng may khung cửa sổ có kiếng đôi, nên còn lớp trong che mưa, đón tuyết những mùa lạnh… Lâu dần tôi quen đi, không còn chướng mắt bởi khung cửa nứt một góc nữa…):

– Sao tôi đã nói với ông bao nhiêu lần rồi, tấm kiếng vỡ từ lâu lắm, mỗi mùa mưa nước lại ứ tràn tấm kiếng bên trong, nhễu ướt cả sàn nhà mà ông vẫn làm lơ là nghĩa lý gì vậy?

Giọng tên chủ nhà vẫn tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì xảy ra:

– Ừ, ừ, tôi nhớ chứ, tôi sẽ gởi người tới lắp tấm kiếng mới, ông đừng lo!

Tôi hỏi gặng:

– Khi nào?

Zimmermann ngần ngừ:

– Tôi sẽ gọi báo ông ngay khi tìm ra thợ. Mà điện thoại tìm ông cực quá, ban ngày có bao giờ ông ở nhà?

– Thứ bảy thợ cũng làm việc tới mười hai giờ trưa mà.

– Ừ, ừ, tôi sẽ kêu thợ tới ngày thứ bảy…

Và tôi dịu giọng lại, nói láo trơn thư thoa mỡ:

– Mà ông Zimmermann ơi, tôi mới biết đuợc người láng giềng (Lisa của tôi đó!) vừa mới dọn đi ngày hôm nay. Tôi lại có người bạn đang tìm nhà, ông cho tôi biết một vài chi tiết về căn phòng đó được không?

– Thôi, ông đừng có nhắc tới cô ấy nữa! Một tháng tiền nhà không trả, tôi biên thư hăm doạ cũng êm ru, cuối cùng phải nhờ luật sư đưa ra toà, cũng không thấy động tĩnh. Hôm đầu tuần tôi tới bấm chuông, gõ cửa vẫn không thấy ai mở cửa. Sau vài lần tạt ngang, vẫn không gặp được cô ta, tôi mới đánh bạo mở cửa vào thì hỡi ơi, tủ quần áo trống trơn, bàn trang điểm được dọn dẹp sạch sẽ, trong nhà tắm chẳng còn lọ chai, bàn chải, xà-bông, khăn lược gì cả. Từ đó suy ra, cô ta thu xếp va-li dọn đi hồi nào chẳng cho tôi hay gì hết, còn quỵt một tháng tiền nhà nữa chứ. Tôi đành phải tìm thừa phát lại làm giấy tờ cho người tới xiết tủ giường, bàn ghế và mấy thứ đồ đạc có giá trị còn sót lại để bù vào món nợ thiếu đó chứ… À, người bạn của ông có nghề nghiệp chưa? Còn thất nghiệp hay đang lãnh trợ cấp xã hội là tôi không cho mướn đâu à nghen!

Tôi không trả lời câu hỏi của ông ta, bàn thêm về chuyện dọn nhà của Lisa:

– Ồ, tôi thấy cô láng giềng cũng dễ thương, coi bộ dáng hiền lành tử tế mà làm gì kỳ quá vậy. Đi đâu ít ra cũng phải cho ông biết chứ?

– Có trời mới biết cô ta ở đâu hiện giờ… Người bạn của ông là đàn ông hay đàn bà vậy, làm nghề gì? Nhà tôi cho mướn một tháng hai trăm năm mười đồng đó, thêm tiền nước, tiền mướn người lau chùi hành lang, thang lầu, tiền đổ rác, tiền điện xài chung nữa, tổng cộng là ba trăm đồng…

Tôi ngắt lời ông ta:

– Cám ơn ông chuyện vừa rồi nghe. Nhớ vụ thay kiếng vỡ đó!

Và tôi cúp máy đột ngột. Chắc hẳn lão ta ngạc nhiên lắm, mà có quan trọng gì chuyện đó. Tôi chỉ muốn biết thêm về lý do dọn nhà của Lisa. Còn mối băn khoăn tìm người mướn nhà, tiền thuê cộng với tiền đổ rác, tiền nước và bao nhiêu thứ tiền lỉnh kỉnh vặt vãnh khác của ông Zimmermann đâu có dính dáng gì đến tôi. Có người điên vì thất tình. Có kẻ khật khùng vì đời sống thường nhật bất ổn. Cũng có người mất ngủ vì đôi ba đồng bạc đánh mất hay thất lạc đâu đó. Còn tôi? Tâm tư tôi đang nằm ở trạng thái méo mó, xô lệch, què quặt, ghẻ lở xấu xí nhất. Nếu trải lòng tôi ra sân cỏ xanh mướt sẽ thấy hoang tàn, vô số hỗn mang. Nếu tôi nhắm mắt, tự do vẽ tâm tình mình lên khung vải hôm nay, sẽ thấy những vệt màu huyền lênh đênh, nổi loạn, rối bời. Như con diều giấy đang nhấp nhô bay lượn vui tươi trên không, bỗng mây đen phút chốc kéo về, tôi là cậu bé chơi diều lỡ ngủ quên dưới gốc cây thời thơ ấu, lúc nghe mưa rơi thành giọt, mở mắt ra thấy diều nằm trên ngọn cây, đường chỉ rối quấn quít quanh nhánh cây cao. Con diều giấy đủ màu xanh đỏ, phướn dài tha thướt là tâm tình tôi muôn sắc. Và trời xanh là Lisa. Cơn mưa đột ngột tới cũng là Lisa. Nàng đến, trải vô tình lên cuộc đời tôi phẳng lặng nơi đây thời tiết bốn mùa. Có xuân cúc trắng nở đầy cánh đồng bên kia nhà. Có mùa hè nắng nhảy múa lung linh. Thu sang mang bão tới làm giao động mái ngói. Và mùa đông độ âm, khi lò sưởi phòng tôi đình công bất ngờ, Lisa kêu tôi qua nhà nàng, nghe nàng kể về quá khứ gian truân và ăn đậu phộng muối, uống champagne Pháp.

***

Lúc tôi dọn nhà tới đây, Lisa đã ở đó lâu rồi, từ khi nào tôi không rõ. Chưa biết mặt mũi cô láng giềng ra sao, nhưng đọc cái tên thôi cũng đủ cảm thấy thân thiện rồi, Lisa Sommerfeld. Nhìn tấm bảng kẽ tên nàng gắn trên nút chuông điện, chữ L và chữ S in hoa uốn éo thơ mộng, màu xanh da trời đậm trên nền hồng nhạt, khiến tôi liên tưởng thú vị tới một mẫu đàn bà trẻ, kiểu femme-enfant, một thứ sex-appeal kín đáo. Tôi vẽ trong trí qua cái tên nàng một khuôn mặt, thân hình chắp nối từ những nữ minh tinh màn bạc tôi ưa thích. Mái tóc vàng óng của Brigitte Bardot. Cặp mắt nai tơ của Audrey Hepburn. Cái miệng dâm đãng dễ thương của Marilyn Monroe. Thân hình nàng kết hợp từ nét khêu gợi trẻ con của Sue Lyon trong phim Lolita, tươi mát và có một chút nam tính của Jean Seberg trong Bonjour Tristesse hay chưa nẩy nở toàn vẹn của Nathalie Wood đóng cặp với James Dean trong một cuốn phim tôi đã quên tên.

Mãi tới hơn ba tuần sau tôi mới chạm mặt Lisa Sommerfeld ngoài hành lang. Trời đang mùa hè. Buổi chiều từ trường trở về, tôi chậm rãi leo lên từng nấc thang một, chợt khựng lại khi thấy một người đàn bà trẻ đang khum lưng, mông đưa về phía tôi một cách hỗn xược, lui cui thò tay vào túi da đặt nằm dưới đất, có lẽ để tìm chìa khoá. Bên cạnh, sát bờ tường hai cái va-li cỡ trung nằm lệch lạch, một ngang một dọc, đủ cho tôi hiểu cô ta vừa mới trở về sau một chuyến đi nghỉ hè xa.

Tôi tằng hắng. Người đàn bà trẻ quay lại, chiếc kính mát to bản, gọng trắng phủ gần hết khuôn mặt ăn nắng nâu sẫm. Có lẽ lấy làm lạ về sự có mặt của tôi, một gã thanh niên Á châu trong ngôi nhà này, nàng nhếch gọng kính trễ xuống sống mũi, hai mắt nhìn tôi chăm bẳm (nếu cặp mắt là cánh cửa của tâm hồn thì tôi, sau khi nhìn thấy đôi mắt tuyệt đẹp của nàng, phải cho rằng đó là chính lộ chinh phục tình cảm người đối diện). Tôi đứng nhìn nàng trân trối, chân trên chân dưới hai nấc thang lầu, trán lấm tấm mồ hôi bởi sức nóng mùa hè từ ngoài nắng, dẫn vào ngôi nhà kín mít bưng bít. Rồi nàng nhoẻn miệng cười hồn nhiên, hai hàm răng trắng muốt. Trước khi mở cửa bước vào phòng mình, tôi chìa tay cho nàng bắt, tự giới thiệu (không hiểu tại sao cái thằng nhát gái như tôi hôm đó lại… miệng hùm gan sứa, dám mở lời trước):

– Tôi là người láng giềng mới của cô đây. Tên Du.

Nàng vẫn giữ miệng cười hồn nhiên:

– Tôi là Lisa Sommerfeld. Tôi tưởng tên anh phải khác chứ, trên thùng thư đề tên khác mà.

Tôi hơi bối rối vì đã lỡ xưng tên chứ không phải họ:

– Họ tôi là Phan…

Cảm nhận được nét bối rối trên khuôn mặt tôi, Lisa nói vội vàng:

– Anh gọi tôi bằng Lisa cũng được, hàng xóm với nhau cả!

Rồi tôi chào Lisa, xô cửa bước vào phòng riêng. Hình ảnh Lisa đến với tôi bình thản như một cơn gió thoảng, như một cánh bướm trắng có hai mắt đen lồi to tướng (cặp kính mát của nàng). Tôi còn nhớ, hôm ấy nàng mặc áo T-shirt sát nách bằng lụa màu thiên thanh (vô tình đúng ngay màu sắc tôi say mê), quần vải trắng, mang dép thấp có quai màu kem dâu tây. Tóc Lisa vàng sậm, có vài lọn nàng dùng thuốc nhuộm bạch kim theo kiểu mới, không biết dài tới đâu, nhưng được búi lên sau gáy. Tôi còn nhớ cái kẹp bằng nhựa màu sen tím rất tầm thường, thấy bày bán nhan nhản ở mấy hiệu tạp hoá ngoài phố (sau này tôi mới biết, đó là quà sinh nhật mười một tuổi của Christian tặng nàng, “mối tình đầu” vô tư mà Lisa bảo sẽ không bao giờ quên). Thân hình Lisa chẳng có nét gì giống như mẫu đàn bà tôi hằng tưởng tượng. Nàng cao cũng chỉ ngang tôi thôi, ôm ốm, đôi vú lớn cỡ trái cam Jaffa nhập cảng từ Do Thái. Cặp mông rắn chắc, nổi hằn khiêu khích lai quần lót dưới chiếc quần dài mùa hẻ mỏng dính.

Nhìn chung, Lisa chẳng có nét gì gợi dục, nhưng toàn thân nàng, cử chỉ và cách ăn nói của nàng hâm hấp dục tình. Nàng là một thứ lửa liu riu, âm ỉ cháy hoài mà người đàn ông nào cũng thích được đun cho sủi tăm, bốc hơi. Lisa không phải là Eva trần truồng gợi tình, mà là trái táo màu đỏ máu rậm rựt mời kẻ khác ghé răng cắn thử. Nàng là ngón cổ thon gầy, tròn trĩnh bắt buộc gã đàn ông nào có chút lãng mạn vampir phải ngoạm lấy, đê mê rút hết tinh tuý của cơ thể. Tại sao tôi có những so sánh quái gở đó? Tôi chỉ biết, nếu không phải bận tâm suy nghĩ về nàng, có lẽ tôi đã không có lối ví von kỳ cục vậy đâu. Vô tình tôi vừa thú nhận, tôi “nghĩ” nhiều tới Lisa. Tự dưng chỉ mới gặp nàng lần đầu, trí tôi đã vẽ vời những mẩu chuyện dị hợm. Tôi nghĩ Lisa là một nữ sinh viên ban ngày đi học, đêm tối bổ lẻ đi khách làng chơi kiếm tiền độ nhật. Hay nàng là một đứa con gái nhà giàu, chán cha mẹ ra ở riêng để thực hiện đời sống nghệ sĩ. Và phải công nhận, thời khoá biểu của Lisa nghệ sĩ thật. Từ lúc nàng đi nghỉ hè trở về đến giờ, nếu không về trễ (lần nào cũng vậy, nghe tiếng chìa khoá mở cửa lách cách ngoài hành lang, tôi choàng tỉnh, nhìn chiếc đồng hồ dạ quang, mười lần như một, lần nào cũng sau mười hai giờ đêm) thì y như là có hội hè đình đám bên nhà nàng. Khách của Lisa đàn bà thì ít, đàn ông thì nhiều. Cũng may, nàng đủ lịch sự tối thiểu đuổi bớt khách về sau mười một giờ tối. Đuổi bớt có nghĩa là vẫn còn lại ít nhất một người. Tôi bị bắt buộc phải tò mò (một nhân tính đáng ghét), nhưng lỗi tại Lisa cả. Nàng tập cho tôi cái thói quen, mỗi khi bên này nghe bên kia vang lên tiếng chìa khoá xoay lanh canh hai vòng là tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Tấm kiếng vỡ, tôi nói láo với lão chủ nhà, do cơn bão tiết giao mùa khi trời sắp sang thu gây ra, nhưng thật sự lần đó tôi lỡ tay sập lại hơi mạnh khi bên này tôi nghe tiếng rên rỉ sướng khoái của Lisa vang lên, thoạt đầu nhỏ rồi to dần; tôi lại đang gạo bài cho kỳ thi ngày hôm sau, thử hỏi có ai dằn được cơn nóng giận? Trong đầu tôi đang cố tưởng tượng ra những cấu trúc khác biệt giữa than chì và kim cương thì tiếng kêu thoả mãn của Lisa và người đàn ông nào đó dồn dập vang lên, vượt qua bức tường chắn, chui lòn cánh cửa sổ mở hé sau nhà bếp. Tôi tức tối kéo mạnh cửa lại nghe một cái rầm. Sáng ra mới thấy khung kiếng bên ngoài có một lằn nứt ở góc bên trái.

Hình bóng Lisa đi vào cuộc đời sinh viên trầm lặng của tôi nhẹ nhàng, mỏng manh như một sợi khói. Cuộc sống tôi có đủ kín để giữ hoài cụm khói tây phương ấy? Thường nhật của tôi bình dị như một đời công chức, sáng đi chiều về, cao điểm là những ngày thi, trũng thấp là những lần thi rớt, còn điểm uốn tôi để dành cho ngày cuối tuần, khoảng thời gian tôi nghỉ ngơi như con gấu ngủ giấc mùa đông trong năm.

Tôi biết mặt Lisa một ngày mùa hè, rón rén nhìn vào khung đời nàng bằng những tiếng động ngăn chia bởi bờ tường mỏng. Cuối mùa hè, cái nóng đột ngột dứt theo những ngày đầy sương phủ. Gió phương đông tràn tới, ban đầu còn nhè nhẹ, man mát, sau lạnh dần và mạnh bạo hơn. Lời tỏ tình của thời gian bị mùa hè từ khước, những nụ hôn không còn nóng bỏng rậm rựt mà giá băng lạnh lẽo. Khoảng đầu thu, tôi gặp Lisa (trong thời gian qua chúng tôi cũng có thấy nhau, nhưng chỉ mỉm cười chào nhau). Buổi tối đó, sau khi xong phần thực tập hoá học hữu cơ cấp hai, tôi ghé ngang nhà một người bạn đã hẹn sẵn để sửa soạn chung bài tường trình cho một thí nghiệm lý hoá phải nộp ngày hôm sau. Xong xuôi hai đứa ghé vào quán rượu. Tôi uống sáu ly bia, người chủ quán vui tính tặng thêm mỗi đứa một chung rượu táo. Trên đường về tôi cảm thấy lâng lâng, bước vào xe điện trở về nhà, động cơ xe xập xình như ngả nghiêng trên đoạn đường sắt. Tôi yêu cái cảm giác bốc men trước khi say. Những lúc đó tôi hay làm thơ, dòng chữ viết theo hơi rượu trơn nhẫy những vần bằng trắc, hoà điệu cùng vòng quay của cuộc đời tròn trĩnh.

Nhưng cái trạng-thái-tiền-say hôm đó không xui tôi làm thơ. Vừa mở cửa nhà bước vào, leo qua tầng một, lệt phệt trèo hết bậc thang của tầng hai tôi bắt gặp Lisa đang ngồi bệt dưới đất trước cửa phòng nàng, hai chân không, đôi giầy cầm trên tay bỏ nằm sóng soài trên sàn gỗ. Đầu nàng gẫy gục như con rối sau buổi hát, một lọn tóc vàng óng che nửa khuôn mặt, phủ tối nửa phần còn lại. Hai vai nàng run lên bần bật như sợi cao su được giãn căng ra, có thể lấy ngón tay khảy lên những âm thanh cộng hưởng, hoặc giống như tấm vải trampolin nẩy cong đàn hồi theo từng cái nhún. Lisa khóc. Tôi đặt cặp xuống sàn nhà, tới lay vai nàng. Khuôn mặt ấy từ từ ngước lên. Tia nhìn nàng như gai nhọn châm tê điếng hai vòm mắt tôi. Hai gò má nàng long lanh nước. Tôi lặng câm, không biết phải nói gì. Chữ nghĩa chợt bay mất; bầy chim chắp cánh ngôn từ rủ nhau thiên di vào tia nhìn của Lisa xoáy mạnh trôn ốc vào tâm tư tôi. Hay đó chỉ là kết quả của sáu ly bia và một chung rượu táo?

Lisa buông giày, từ từ móc ví ra xâu chìa khoá. Tôi còn nhớ, cử chỉ nàng chậm rãi như một đoạn phim quay chậm. Nàng lựa ra một chiếc chìa khoá, một tay đưa tôi, tay khác quệt ngang dòng nước mắt, và nói:

– Anh vui lòng mở cửa đưa tôi vào phòng.

Giọng Lisa như ra lệnh. Tôi như bị nàng thôi miên rồi dùng lời sai khiến, loay hoay mở cửa, đỡ nàng đứng dậy. Lisa choàng cánh tay nàng qua vai tôi, mùi hương đàn bà ngọt lịm toả khắp, pha với mùi rượu cay nồng trong hơi thở tôi nhào nắn thành một khối hơi dịu ấm. Tôi biết căn nhà Lisa từ đêm hôm ấy.

Nàng bảo tôi vào phòng ngủ, lấy giùm nàng cái áo len đan tay màu xanh dương, nàng cảm thấy ớn lạnh. Bây giờ tôi mới sực nhìn lại, Lisa mặc áo đầm sát nách màu trứng gà, cổ hở rộng, làn da ngực nàng có những nét tàn nhang mờ mờ. Lisa còn nhờ tôi rót cho nàng ly nước lọc. Khoác lên vai chiếc áo len, uống ly nưóc một hơi cạn, như trở bàn tay, như thời tiết nơi này chợt mưa chợt nắng, giọng Lisa liến thoắng kể lể, như thể chính nàng mới là kẻ rớt vào cơn hôn mê vừa được ly nước thần hoá giải:

– Thượng đế ơi, anh biết không, Arndt nó vừa rút lại lời đính hôn, cái đồ đểu cáng. Nếu tôi là thượng đế quyền uy, tôi sẽ trừng phạt nó, bắt ở giá cả quãng đời còn lại. A, mà anh có biết Arndt Gattermann? Nó là một con cáo xảo quyệt. Nó bảo mê tôi như điếu đổ, đính hôn và sẽ làm đám cưới đầu mùa đông năm nay, trước lễ Giáng sinh. Mà trời ạ, chỉ có mấy con mụ nạ dòng, mấy con điếm rẻ tiền đóng đô sau nhà ga mới tin lời con cáo già quỷ quyệt ấy. Vậy mà tôi đã tin hắn. Anh bạn ơi… anh tên gì nhỉ, tôi quên mất rồi?

Tôi nhắc lại tên tôi, không hiểu nàng có để  ý nhớ không, chỉ thấy nàng gật đầu sốt sắng rồi tiếp tục nói, trơn tru không vấp váp như cuộn băng đã được thâu sẵn, chờ cơ hội thuận tiện để phát âm.

Mama mia, con đã lầm lẫn sa vào tay một tên sở khanh, điếm đàng, lưu manh, khốn nạn. Con đã quên lời dặn của má lúc còn ở tuổi dậy thì, khi thấy kỳ kinh nguyệt thứ nhất của đời con gái. Này Du (tưởng nàng không nhập tâm được, nào ngờ Lisa phát âm tên tôi rất rành rẽ, rất đúng giọng), tôi không muốn ám chỉ anh đâu, nhưng đàn ông toàn là lũ cá mè một lứa, tưởng cặp với ai là cặp, muốn bỏ ai là bỏ sao. Ố là la, đâu có được. Tôi nói cho bạn nghe, gã đàn ông nào được mắt xanh tôi chiếu cố tới là có phúc lớn, nên cám ơn thượng đế… (nàng liếc tôi cười mỉm), cám ơn đức Phật là vừa. Ừ nhỉ, anh bạn mới của tôi có thấy Arndt bao giờ chưa?

Tôi lắc đầu.

– Bọn tóc vàng mắt xanh toàn là một lũ rình mò lợi dụng. Người tây phương chúng tôi không có cái thâm trầm như đàn ông Á đông các anh. Nhưng nhìn nét mặt anh, nụ cười anh, màu mắt anh, tôi bối rối quá. Tôi không hiểu anh đang nghĩ gì. Tôi có cảm tưởng đôi khi anh không nói ra những điều anh nghĩ… Ánh mắt anh hình như lúng túng nữa rồi kìa. Cưng ơi, tôi không ăn thịt cưng đâu, cưng đừng sợ. Anh hãy tập làm quen với cái tính thẳng thắn của tôi. Nghĩ là nói. Nói là làm. Rót cho tôi một ly coca-whisky đi anh! Đừng rót nhiều, một phần ba coca, hai phần ba whisky là được!

Tôi làm theo lời Lisa sai khiến như người máy. Tôi là gã butler mà chủ nhân là một người đàn bà trẻ đẹp chán đời. Lisa chỉ chỗ để rượu. Xoay lưng pha rượu, quay lại tôi thấy nàng ngả đầu lên cánh tay trần, chiếc áo len rớt xuống nằm trơ trọi trên thảm màu xám nhạt. Bờ vai nàng lại run nhẹ. Cánh tay gần bỏ thõng, màu da trắng tê tái trong vùng ánh sáng đèn điện lê thê. Tôi khựng lại, thằng người máy chợt hết pin, ngưng chạy, đứng sững sờ, tay chân sượng trân ngượng nghịu. Như đoán biết được tôi đang ở trạng thái bối rối, Lisa giơ cánh tay khẳng khiu lên, những ngón dang ra. Tôi đưa ly rượu cho nàng, năm ngón gầy khép lại. Mặt rượu nâu sóng sánh. Lisa uống một ngụm, hai mắt nàng lại ướt.

– Tôi cũng không hiểu tại sao Arndt lại bỏ tôi, tôi đâu có làm chuyện gì tồi tệ, phật lòng nó đâu. Thôi, anh bạn về đi. Cám ơn anh đã lo lắng giùm tôi. Chúc anh ngủ ngon giấc đêm nay… Phần tôi chắc không ngủ ngon được đâu, nhiều chuyện suy nghĩ quá mà. Du yêu quý ơi, gute Nacht, good night. Hãy mơ những giấc mơ ngọt ngào, ngủ say như một trái táo. Còn tôi chắc phải đếm cừu đêm nay. Về phòng đi cưng!

Tôi đặt nhẹ bàn tay lên bờ vai trần của Lisa. Nàng phủ úp bàn tay lên đó, ve vuốt:

Gute Nacht.

Những lời chúc của Lisa chẳng mang lại hiệu quả nào. Ngủ ngon, mơ ngọt, yêu giấc như… một trái táo. Đêm ấy tôi trở lại phòng, thay quần áo, rửa mặt đánh răng, xức thuốc lên những mụt mụn vừa nổi trên má rồi chui vào giường đắp chăn ngang ngực. Tôi bật đèn ngủ, vói lấy một quyển sách, tập truyện của William Saroyan. Đọc được vài dòng, chữ nghĩa bắt đầu nhảy múa. Tự dưng tôi nghi ngờ có lẽ mình đang bắt đầu già, trí nhớ suy nhược dần. Những nhánh lá theo mùa bám vào cành yếu lả. Nhựa cây thiếu chất dinh dưỡng, không còn đủ sức mang sinh lực rừ rễ lên đến ngọn. Cuối mùa hè lá chết từ tốn. Vàng héo khởi đầu từ ngọn, rồi như bệnh dịch lan tràn xuống thân lá, tới cuống, nhập vào dòng luân chuyển của mủ cây. Lá chỉ đợi một cơn gió thoảng qua. Tôi đang bình thản bước vào cuối hè.

Vật lộn với chữ nghĩa một lúc, tôi đầu hàng, gấp quyển sách lại, tắt đèn, cuộn người như con tôm trong chăn. Trí óc tôi tơi bời, như những trang giấy chi chít chữ bị bỏ vào máy làm confetti, ngổn ngang trăm mảnh. Buổi thực tập ngày mai. Những kỳ thi sắp tới. Tương lai tôi. Những truyện ngắn tôi viết. Hôm kia gởi một bài cho tờ báo chưa quen. Hai tuần sau được trả lại với hàng chữ không mấy thiết tha, “Không thích hợp với chiều hướng sáng tác trong hoàn cảnh đấu tranh hiện nay”. Tôi không lấy thế làm buồn, chỉ tự giận mình, sao không viết được những bài chống cộng gay gắt, có trình độ, có chiều sâu. Rồi tự an ủi, những điều viết ra chưa chắc đã là cái thước chân thực đo tâm tư tác giả. Và tôi làm thơ những khi cõi lòng ngứa ngáy. Tôi còn muốn đọc kinh Phật, trước là tĩnh tâm, sau để tìm ngôn ngữ mới chất vào ngăn tủ hồn thơ tôi. Tôi hỏi một người bạn, làm như vậy có tội không? Họ cũng không trả lời được. Tự dưng tôi đâm ra bồn chồn, hay suy nghĩ vẩn vơ, sợ phạm tội, kiếp sau đầu thai làm con gà trống. Nơi đây, làm gà trống đâu có sướng, bị nuôi nén, ba tháng đã trở thành gà đông lạnh bày bán nhan nhản mọi siêu thị.

Đêm nào khó ngủ, tôi hay suy nghĩ mông lung. Đầu óc như tấm vải trắng cho người hoạ sĩ lập dị tha hồ vẽ, phết, cạo, rảy, bắn, phóng lên hằng hà đường nét, màu sắc loè loẹt. Sau tấm phông ấy, núp trong hậu cảnh mờ ảo toả sương ẩn hiện thấp thoáng hình ảnh Lisa. Người nữ mặc áo mỏng, tha thướt, tóc xoã vàng hoe hai cánh tay trần khẳng khiu. Thân hình nổi những đường cong gợi cảm, bờ ngực như hai trái vú sữa trơn láng bóng lưỡng ở vườn ngoại miệt ngoài tỉnh Vĩnh Long. Lisa bước vào đời tôi bất chợt, thay đổi ngang xương những trật tự thường nhật.

Buổi sáng hôm đó, dù thân thể mệt mỏi, đầu óc bần thần toé sao, tôi cũng cố thức dậy mặc quần áo tới trường. Đóng cửa lại, khoá trái, tôi thấy đôi giày của Lisa vẫn nằm lăn lóc quên lãng trước cửa phòng nàng. Tôi bỏ xâu chìa khoá vào cặp, lững thững bước ra ngoài trời sương vẫn còn giăng.

***

Tôi và Lisa đổi cách xưng hô từ lúc nào, tôi cũng không nhớ. Chữ “Sie” được thay bằng chữ “du”. Tên anh cũng là Du, tại sao không đọc “đu” mà lại phát âm giống như you trong tiếng Anh? Tôi giải thích cho Lisa hiểu, phải có một vệt ngang trên mẫu tự “d”, người Việt chúng tôi mới đọc là “đu”, còn phát âm như chữ you trong tiếng Anh là tại giọng nói tôi có âm hưởng địa phương… Lisa khoát tay, thôi anh đừng giải thích nữa, rắc rối quá tôi không hiểu gì hết. Mà tại sao người ta không nói một thứ tiếng cho dễ hả anh? Nếu thật sự thượng đế đã tạo dựng nên loài người, trái đất này, cớ gì ông ta còn nhỏ mọn bày ra những khác biệt đó. Màu da, ngôn ngữ, tôn giáo… để thiên hạ đánh nhau, giết chóc, nghi kỵ, khinh rẻ. Tại sao và tại sao? Anh học cao, hiểu rộng, anh giải thích cho tôi nghe đi! Tôi cất giọng từ tốn, những triết gia, những khoa học gia, bao nhiêu vị lãnh tụ tôn giáo vẫn còn đang tìm kiếm cội nguồn của con người. Phức tạp nhất là sự hình thành và phát triển của trí tuệ. Tại sao tôi chỉ có thể suy nghĩ trong phạm vi eo hẹp của tư tưởng tôi, không thể nghĩ hoà nhập với người khác. Chỗ hai vùng tri thức giao nhau ở đâu, chốn nào và có thật không, tôi chỉ nghe nói mà chưa hề cảm nghiệm. Là một người viết tôi cũng muốn biết điều bí mật đó.

Lisa tròn xoe hai mắt:

– Anh là một “nhà văn” ư?

Tôi cười, tưởng tượng đang soi gương, chắc nụ cười của tôi lúc đó méo mó như mếu.

– Tôi chưa cảm thấy mình thật sự là một “nhà văn”. Tôi thích viết, ưa làm thơ, vậy thôi.

Mein Gott, anh phải kể cho tôi nghe sơ lược những gì anh đã viết mới được… Nhưng để hôm khác, bữa nay tôi không có hứng nghe. Trời mùa thu nắng ấm như chiều nay, đi dạo có lẽ thú vị hơn ngồi nhà tán dóc. Anh đi với tôi. Tụi mình thả bộ ra trạm xe lửa, xuôi về phố chính, nhập vào đám đông, rồi đi ăn cơm Đại Hàn, vô ngồi trong một quán rượu khu Ostwall… Đi, Du ơi, chúng mình đi ngay, không thôi tôi đổi ý!

Nghe Lisa nói, tôi sực nhớ tới một bài hát phổ thơ Thanh Tâm Tuyền mà tôi đã quên tựa, đi đi, chúng ta đến công viên, nơi anh sẽ hôn em đắm đuối. Ôi môi em, môi em như mật đắng… ([i])

Hôm đó thứ bảy đầu tháng, hàng quán ngoài phố chính mở cửa tới sáu giờ chiều, tôi và Lisa tung tăng như hai đứa trẻ len lỏi trong lòng phố nhộn nhịp. Nắng ấm chan hoà. Tiết trời sang thu đẹp như tranh vẽ. Chiếc hàn thử biểu khổng lồ treo trước cửa tiệm bán thảm Ba-tư Azad chỉ mười tám độ. Từ nhà ga thả bộ về trung tâm thành phố, đi ngang mấy gã đàn ông vô gia cư, vô nghề nghiệp nằm ngồi lểnh nghểnh trước cửa nhà ga, Lisa dừng lại móc ví bỏ vào cái nón nỉ lật ngược một đồng bạc. Đi bên cạnh Lisa, tôi mất tự nhiên thật sự. Nàng sang trọng trong chiếc áo khoác bằng da màu ve chai còn hăng mùi thuốc nhuộm, quần sọc nhung xám tro, giày đế thấp đen thẫm; còn tôi vẫn lếch thếch áo choàng thể tthao hiệt Rodéo rẻ tiền mua ở C&A, quần jeans cũng mua tại C&A, giày tennis hiệu Puma kiểu cũ đang hạ giá bày bán ở Karstadt. Tôi mắc cỡ quá, chới với trong mạng nhện mặc cảm. Lisa vẫn thản nhiên như không, nàng cặp tay tôi, chỉ trỏ, cười nói luôn miệng, liến thoắng kể lung tung xèng những chuyện trên trời dưới đất, đầu Ngô mình Sở. Một vài khách bộ hành nhìn chúng tôi bằng ánh mắt cú vọ. Rồi tôi cũng quen đi, không để ý, coi thiên hạ như những hạt bụi li ti trong vệt nắng chẻ đôi thành phố nửa tối nửa sáng. Ở nhà thờ Reinoldi, trên bục xi-măng lát đá làm sân khấu, một ban nhạc nghệ sĩ Hoa kỳ đang trình bày dân ca dân nhạc. Đàn bà mặc áo đầm xoè vải đỏ, thắt yếm ca-rô xanh, đàn ông quần jeans, áo sơ-mi ca-rô đỏ trắng, đội nón cao-bồi, nắm tay nhau nhảy theo điệu nhạc. Tôi níu Lisa nán lại coi, nghĩ lan man tới vùng đất bên kia Đại tây dương. Giàn nhạc đệm có Tây ban cầm, thật nhiều âm thanh banjo, một chiếc dương cầm, những vũ công vừa múa vừa hát vui tươi theo tiếng nhạc. Lisa đứng dựa bên, ngả đầu tự nhiên lên vai tôi, một cánh tay quàng qua eo, bấu lấy bờ lưng tôi. Tôi nghiêng đầu qua mái tóc nàng. Tóc tôi đen quấn quýt theo gió tóc Lisa vàng sẫm có những lọn nhuộm bạch kim. Tai tôi tràn ngập âm thanh. Mắt tôi chan hoà hình sắc. Và trái tim tôi vang dội những niềm vui không tên. Những cánh cửa tâm hồn tôi mở rộng phơi phới, như manh áo lụa nội hoá phơi cho đầy hương nắng, gặp gió hiền thổi căng đôi tà.

Nghe một đỗi, Lisa đòi đi. Nàng vào hiệu bán quần áo Boecker mặc thử một chiếc áo ấm nhưng không mua. Lúc đi ngang tiệm hoa Fleurop, nàng đòi mua cho bằng được một nhánh phong lan màu vỏ trứng gà có những đốm đỏ tím, đựng trong một lọ thủy tinh cổ lùn. Tôi cản, viện cớ còn đi nhiều nơi, mang kè kè bên mình chỉ thêm bất tiện. Nghe bùi tai, Lisa gật đầu, vuốt vai tôi, cười tươi tắn, you có lý lắm… Rồi chúng tôi ghé chân vào tiệm giày Vogelsang (một mình tôi đâu dám vào đây, một trong những hiệu giày sang trọng nhất tỉnh) mười lăm phút, tạt ngang hiệu bán mỹ phẩm và nước hoa Douglas nửa tiếng. You ơi, mon dieu, anh phải ngửi thử mùi nước hoa này xem, thơm ơi là thơm. Lisa rên rỉ với ánh mắt rạng rỡ. Tôi hỏi, vậy chứ cô đang xài hiệu gì vậy? Nàng phất tay, một hiệu cũ có mùi chanh, không nhớ tên gì nữa. Tôi có tật đổi nước hoa như thay áo lót nên không thể nào nhớ hết tên, nhưng nhìn và ngửi lại thì biết ngay thứ nào đã dùng rồi. Và nàng chu môi kể, giọng đĩ thoả, đàn bà giống như một cành hoa, từng loại hoa có một mùi hương khác nhau. Tôi muốn tôi là tổng hợp những mùi thơm ấy, Du hiểu chứ? Tôi gật gù. Đáng lẽ nghe vậy tôi phải có ý tưởng không tốt về nàng, nhưng nhìn nét mặt thơ ngây gần như trẻ con của Lisa, tôi chỉ mỉm cười nhẹ. Sau đó hai đứa đi vào tiệm bán đĩa nhạc Schluter. Lisa ưng nghe Madonna, vô tìm xem có đĩa mới của người nữ ca sĩ thời đại này chưa. Tôi định mua một đĩa cũ của Simon and Garfunkel đang giá hạ, nhưng Lisa gạt phăng đi, bảo mang theo kè kè bất tiện lắm… Biết Lisa trả thù chuyện tôi cản nàng mua hoa, tôi giả vờ hậm hực nhìn nàng. Nàng tỉnh queo õng ẹo lách ra cửa, tôi phải vội vã đuổi theo. Nắng bên ngoài đã tắt. Tôi và Lisa mất hút trong dòng thác người qua lại. Nhìn những khuôn mặt đi ngược chiều, tôi có cảm tưởng người nào cũng mang mặt nạ, khi ra đường mới đeo lên, làm dáng một cách hợm hĩnh.

Lúc hai đứa đứng chờ đèn xanh để băng qua đường, Lisa bỗng bấm tay tôi la nhỏ:

– Nhìn kìa, Arndt đứng bên kia đường!

Tôi chĩa mắt ngó vào đám đông lúc nhúc đứng đối diện, cách một mặt lộ, nhưng không biết ai là Arndt. Lisa hớn hở ra mặt, buông tay tôi ra, mắt chớp lia lịa, không giấu được nụ cười mỉm trên cặp môi tô màu son hồng sen. Nét mặt nàng rạng rỡ hồn nhiên, như đứa trẻ tình cờ thấy lại món đồ chơi cũ tưởng đã lạc mất. Đèn vẫn đỏ. Chợt nhanh như một bóng sáng, Lisa vụt chạy qua đường lúc vắng xe. Có tiếng càu nhàu của vài người khó tính. Tiếng còi xe của một chiếc trườn tới vang lên lanh lảnh. Đứa con gái nhào vào lòng người đàn ông tên Arndt. Hai người nói với nhau những gì, tôi không nghe được, chỉ thấy Lisa cặp tay người đàn ông, quay lưng đi thẳng.

Nàng bỏ tôi đứng lại một mình bên này đường, ngăn chia bởi dòng xe cộ ngược xuôi, giữa đám đông mà lạc lõng như pho tượng trong sa mạc nắng. Tôi thảng thốt nhìn theo bóng hai người khuất hút trong rừng người đầy màu sắc và âm thanh nhói buốt. Bàn tay tôi được nắm, trong khoảnh khắc duỗi ra chơ vơ, mất hơi ấm, lạc ngón tay nào vừa bám víu. Màn kịch câm diễn ra trước mắt tôi nhanh đến độ tôi không nhìn rõ được mặt mũi người đàn ông đã khiến Lisa thao thức tối hôm nào, chỉ nhớ ông ta mặc áo choàng lục sẫm, dây lưng thắt chéo, quần nâu nhạt, cách phục sức của một người quá tuổi trung niên.

Đèn đổi xanh, tôi không băng qua đường, quay lưng lủi thủi về hướng nhà ga. Tôi giận Lisa lắm. Thù ghét nàng, tôi đâm oán hận tâm tình người dân bản xứ sao hạn hẹp, chỉ cần bề ngang một con đường cũng đủ hất bỏ những gì đang giữ trong tay. Và tôi băn khoăn tự hỏi, tình cảm mình đối với Lisa ra sao? Thật ra, cho tới giờ phút ấy, giữa hai chúng tôi cũng giống như đoạn đường sắt chạy song song, sẽ không bao giờ có điểm cắt. Tôi có ý nghĩ đó lúc đứng đợi xe lửa trên sân ga. Chiều mang bóng tối phủ xuống nhạt nhoà. Nơi đây không có thân cây nào để gió rũ lá xuống. Nhưng lúc xe lửa dừng lại nơi tôi ở, miền ngoại ô thành phố, thiên nhiên trải khắp, buớc ra mới  thấy tiết thu trang điểm khắp mọi nơi. Lá phong đã bắt đầu đổi màu đỏ tím. Hàng cây dẻ cuối mùa hè trái khô rớt đầy gốc, trẻ con và người lớn mang túi ra luợm, giờ nhánh đã vàng lườm màu nghệ. Bụi cúc trong vườn hoa nhà láng giềng đã toác nụ, nở nuột nà những bông trắng to bằng miệng tách, nhụy vàng cam chi chít bụi phấn, nhưng ong bướm ở chốn nào không thấy chộn rộn. Trời chưa lạnh lắm, nhưng chặp tối có hằng hà sa số chim gì không rõ tên bay đen quánh một góc trời, tiếng kêu hối hả…

Những lúc tâm tư tôi bâng khuâng, tôi hay có những nhận xét bên lề cuộc sống. Hình ảnh, màu sắc và âm thanh bối cảnh chung quanh như đậm nét, vang lớn hẳn lên, khác biệt mọi ngày. Hôm đó, Lisa đột ngột bỏ tôi để cặp tay đi với gã đàn ông tên Arndt cũng là điều khiến tôi bận tâm. Tôi về phòng nghĩ ngợi mông lung, không bật đèn trần, mở máy truyền hình, điều chỉnh âm thanh thật nhỏ, dán mắt vào màn ảnh mà đầu óc gởi tận chốn nào. Buổi tối đói bụng, làm biếng nấu cơm, tôi ăn một tô mì gói rồi leo lên giường nằm đọc sách. Khuya lắm, tôi nghe có tiếng chân ngoài hành lang, rồi tiếng gõ cửa phòng tôi nhè nhẹ. Tôi đoán là Lisa, nàng không dám bấm chuông, sợ làm phiền hàng xóm. Tôi nghe hết, tưởng tượng nàng đang dán tai vào cánh cửa dò nghe động tĩnh. Cơn giận chợt bùng lên, tôi vói tay tắt phụp ngọn đèn ngủ, co mình trong chăn tìm một thế nằm thoải mái. Có tiếng chân xê dịch phía ngoài, tiếng mở khoá lách cách rồi đóng lại. Tôi còn nhớ, đêm đó tôi mơ thấy Lisa vì hối hận định lao mình xuống đường sắt khi đoàn xe lửa trờ tới, cũng may có tôi đứng kế bên, giữ nàng lại kịp…


[i] Dạ tâm khúc, nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền.

(Còn một kỳ)

Comments are closed.