Tan như mây khói

Truyện Nguyễn Thị Thanh Bình

Buổi chiều ở sở làm ra, con đường dẫn tới bãi đậu xe đi xuyên qua công viên của thành phố. Ở đó đôi khi tôi có thói quen đứng im lại một thoáng, nhìn ngày xuống thấp trên những chiếc ghế đá xám tro buồn rầu. Điểm làm tôi chú ý là công viên Mỹ giờ này ít khi có những cặp tình nhân ngồi ôm nhau chuyện trò quên thời gian. Phần nhiều tôi hay bắt gặp những gã đàn ông ăn mặc xốc xếch nằm co rút mệt mỏi trên những chiếc ghế ngả màu. Xa hơn, ở một vùng cây cỏ khá xanh mướt là tiếng gọi kêu giành ăn oang oang của những con chim bồ câu tham lam.

Trước mặt, con đường đã bắt đầu ồn ào ngựa xe vun vút của những đoàn người “cuốc bẫm” trở về. Một ngày “đi cày” tám tiếng đúng nghĩa, đúng đồng tiền của xứ sở này phản chiếu rõ ràng trên những khuôn mặt hối hả, những dáng người bơ phờ vừa đi ngược thoáng qua. Tám tiếng ở sở và thời khắc bất định ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ, những xa lộ hun hút với tôi còn phải cộng thêm quãng đường lội bộ khá xa để có một chỗ dung thân cho chiếc xe tàng tàng.

Với ý nghĩ là chiếc phao hy vọng của những người thân bên nhà, tôi đã không cho phép những bước chân nặng nề của mình ngã quỵ. Này ba với nỗi ao ước đơn giản làm thế nào có đủ tiền để thư từ thường xuyên cho con xa. Này me với niềm ước mơ viển vông dai dẳng là đào đâu được tấm thẻ bài của người lính Mỹ để cả nhà được “bốc” đi thần diệu. Này em với trăm điều mong mỏi bình dị như những bữa ăn cần thiết, những chiếc áo đủ ấm… Này bạn bè với những mộng ảo được liều thân cho một chuyến đi tìm tự do. Tất cả lúc nào cũng hiện lên những nhắc nhớ một điều gì khắc khoải trong tôi. Tôi với thành phố lạ lùng không người quen thân để tìm đến những khi hụt chân. Tôi với niềm sợ hãi mông mênh những ngày mới đến nhận việc nhìn quanh quất không thấy bóng người đồng hương. Tôi với những bước chân cô đơn buổi sáng chùng theo những bước chân cô đơn buổi chiều trở về. Buổi sáng trên đường đến sở, tôi đều đi ngang qua công viên nhưng sự vội vã thường trực làm tôi vô tình với lối đi đẹp đôi khi có tiếng lá vàng rớt xuống đâu đó trong gió. Chỉ có buổi chiều những lúc tan sở về, tôi nhâm nhi thời gian một cách chậm rãi hơn đến ngửi thấy cả mùi phân chim và cỏ dại ở bờ đường công viên. Và cũng từ cái nhìn chậm rãi cố nán lại để tránh giờ kẹt xe, tôi đụng phải hình ảnh một người đàn ông đang ngồi phân phát thức ăn cho lũ bồ câu dạn dĩ. Ông ta ngồi đó từ bao giờ tôi không biết, chỉ mơ màng trong trí nhớ tôi đã bắt gặp bàn tay ông ta ngửa ra với một thứ ngũ cốc nào đó từ hôm qua hôm kia, và bầy chim xúm xít lại gần gõ mỏ.

Hôm nay ông ta bẻ vụn những mẩu bánh mì và vương vãi trên những lối đi đầy xác lá. Cũng bầy chim nhỏ cúi xuống lục lạo háu ăn, nhưng hình như ông ta không còn chú ý say sưa như những hôm trước đây. Ông ta ngồi yên lặng với đôi mắt xa xăm và trên môi là cái ống điếu nhả đầy những làn khói thuốc thơm ngát. Mùi thuốc 79 của người đàn ông xông vào mũi, đánh thức màu khói quen thuộc ba tôi ngày nào xa xưa. Điều làm tôi sững sờ là giọng nói khan khan đột nhiên vang lên sau lưng tôi:

– Đó, bánh mì đó, ăn đi chứ bây. Tiền đâu mà ngày nào cũng phải mang ngũ cốc cho tụi bây chứ. Chê, tao đi cho vịt dưới hồ ăn hết.

Câu nói làm tôi quay phắt người lại, nhìn. Một người đồng hương. Đúng rồi, đúng là tôi vừa bắt gặp thứ tiếng ấy, tiếng nói của một người Việt Nam đầu tiên của thành phố lạ hoắc này. Thứ tiếng đã cám dỗ tôi đứng lại, nhìn và rối rít mừng rỡ:

– Mấy con chim bồ câu không chịu ăn bánh mì của ông à?

Tôi hơi cụt hứng vì người đàn ông nhìn lại tôi với mắt thất thần. Chẳng buồn mà cũng chẳng dấy lên một vui mừng nào:

– Đó cô thấy, bánh mì tôi bẻ vứt lung tung chẳng có con nào buồn ăn nữa cả. Hôm nào tôi mang ngũ cốc đến là chúng nó đậu cả lên vai mình ra điều thích thú lắm. Có khi tôi bỏ trên tay cho chúng nó ăn, kể cũng vui.

Tự nhiên tôi ngồi xuống bên cạnh chiếc ghế đá chơ vơ của người đàn ông:

– Hóa ra chiều nào ông cũng ra đây cho bồ câu ăn cả à? Tôi đi ngang qua công viên cả tuần nay mà hình như chỉ thấy ông độ một hai lần gì đó thì phải. Ở đây có nhiều người Việt Nam không ông?

Người đàn ông trả lời tôi mà như nói một mình, giọng ông ta chợt nhỏ đi:

– Buồn buồn tôi cho vịt ăn dưới hồ gần đây, rồi ghé qua công viên gọi mấy con chim bồ câu đến. Thấy mình có đồ ăn là nó bay đến liền hà. À, người Việt mình ở vùng này đấy à? Tôi cũng ít để ý ai nên không rõ.

Tôi chưa kịp tỏ thái độ bực mình vì câu trả lời lừng khừng, người đàn ông bỗng mang cái kính mát vào và mỉm cười mông lung:

– Chắc cô mới đến thành phố này? Thành phố người ta muốn bỏ đi thì cô lại đâm đầu tìm đến ở.

Tôi nhìn người đàn ông với nỗi thắc mắc vừa nhóm lên, nhưng không bắt gặp được điều gì ngoài lằn kính đen u ám và màu nắng thật trắng ở xung quanh chỗ ông ta ngồi:

– Thật tiếc tôi không có một chọn lựa nào nơi mình tìm đến. Ra trường, có được một chỗ gọi làm duy nhất ông bảo tôi không đâm đầu vào sao được. Mà sao ông nói như thể đây là thành phố buồn, thành phố chết vậy. Ông làm như đang ở Alaska đìu hiu lạnh lẽo không bằng. Ở đây tôi thấy chao ơi là tưng bừng náo nhiệt.

Người đàn ông lại cười miễn cưỡng, cười nhăn nhó:

– Phải, cái chết của người ta là ở chỗ đó, chỗ tưng bừng náo nhiệt mà cô nói. Thiên hạ càng vui nhộn càng gợi ra cái cô đơn rộng lớn của mình, không phải vậy sao? À mà không, không có gì cả. Tôi nói cô dại dột đâm đầu tìm đến là tôi nói lộn rồi. Không ai nghĩ lộn xộn và nói năng lộn xộn như thế, trừ tôi. Cô đừng để ý…

Tôi hơi sững người. Một vài con chim bồ câu kén ăn, chê những mẩu bánh vun vút bay lên thinh không đùa chơi với nắng gió. Tôi cũng muốn là chim để được bay tung tăng. Ở đây không phải là đất của tôi để mình dung thân. Đất của người ta và tôi là kẻ lưu đày biệt xứ. Có đi đâu trên miền đất này thì cũng là để vâng theo tiếng gọi của cơm áo, của lời nguyền độc ác cho một con chim nhỏ lìa đàn, xa tổ ấm. Buổi sớm thức dậy ra đi, đi đến sở. Không một người quen, không một gặp gỡ le lói niềm yên vui. Buổi trưa, nửa tiếng nhai ngấu nghiến một thứ cơm đời tưởng như một diễm phúc. Vâng, còn có ăn để mà sống. Buổi chiều, rồi cũng xong một ngày “đi cày” lê lết trở về. Về nhà, nhà là một căn phòng nhỏ không họ hàng, không tình nhân. Như một ga tạm với những trạm dừng ở những con đường xa lạ không người chờ đợi. A, thì ra tôi và người đối diện cũng có một chút gì đó đồng điệu. Ông ta có vẻ chán nản lạnh lùng như một cành cây khô. Chán nản, lạnh lùng, buồn rũ. Tại sao. Phải có lý do chứ. Dù tôi và ông ta mỗi người một lý do thống khổ khác nhau. Chỉ cần giống nhau một điều: tôi cũng là người Việt Nam di tản như ông ta. Cũng là kẻ bơ vơ, ngơ ngơ ngác ngác ở xứ người. Có cái gì tiếp nối trong đời sống này, hạnh phúc hay đau thương, thanh bình hay bão tố, sự sống hay nỗi chết… của người đàn ông hay của tôi mà không phải liên kết với quãng đời quá khứ. Có thể nào người đàn ông qua đây một mình, kẹt vợ, kẹt con ở Việt Nam, nguyên nhân thống khổ là ở đó? Tôi đoán vậy nên nhìn ông ta đăm đăm như để đo lường điều mình nhận xét:

– Biết mình nói năng lộn xộn tức là ông không nói năng lộn xộn đâu. Trái lại, tôi nghĩ ông nói đúng. Ở đâu nếu lòng mình không vui thì cũng vô nghĩa cả. Tôi nhớ có người nói thành phố đẹp nhất là nơi người yêu tôi ở. Tôi đến đây không có ai nên thành phố này dĩ nhiên không đẹp rồi.

Hình như tôi bấm đúng nút cô đơn của trái tim người đàn ông:

– Phố xá ở xứ Mỹ thì chỗ nào mà chả giống nhau, cũng chừng ấy màu sắc thôi. Tôi thì tôi già rồi nên hình như không hợp với thành phố lớn rộn ràng như thế này, tự nhiên cảm thấy có một cái gì đó không ổn. Ở đây phải công nhận có thật nhiều thứ cho những người đàn bà con gái trẻ tuổi như cô. Tôi thì chắc phải lên Alaska quanh năm ít thấy mặt trời mới thấm thía cái lạnh của riêng mình. Có ở đây tôi cũng chỉ ru rú một góc ở cái “trailer”, nhà của tôi ở cuối đường kia, cô thấy tôi nói muốn bỏ thành phố này mà đi có đúng không?

Vậy là người đàn ông bắt đầu muốn tâm sự. Biên giới của lạ và quen đã không còn cách trở. Có điều gì chất chứa lâu ngày không người san sẻ, tôi nghĩ có ngày người ta sẽ bị vỡ lồng ngực dễ như chơi:

– Ở Mỹ không đâu là nhà thật của mình cả. Ông muốn đi đâu thì cứ việc đi, tại sao phải ở đây và… chán. Hay ông cũng kẹt công ăn việc làm như tôi?

Tiếng cười lớn làm một vài người bộ hành bên đường phải mở to mắt nhìn lại. Nhưng giọng nói ông ta bây giờ êm êm trầm dịu:

– Việc làm, quanh đi quẩn lại rồi muôn sự cũng tại nó. Cũng tại nó, cũng tại tôi… thất nghiệp nên thất chí và cuối cùng thì thất… tình. Cô đừng cười, lâu nay tôi tịnh khẩu vì không người nghe, không ai nói. Bây giờ thì tôi được nói, được nghe nên cô để yên tôi nói cho cô nghe. Mà thôi, cũng ích gì chứ. Tôi chỉ tổ làm phiền cô.

Tôi cười buồn, muốn đùa với người đàn ông một câu cho vui:

– Dạ không, nếu tôi có thể chia sẻ được những điều gì bất an trong ông. Nghe ông bảo thất này thất kia, rồi dẫn đến thất tình… vậy thì đường tình của ông giàu to. Thất tình là có tới bảy tình lận, đào hoa chi số thế thì thôi.

Người đàn ông gỡ cái kính đen xuống, nhìn tôi từ đầu đến chân:

– Cô khéo đùa. Bộ cô không ngạc nhiên thật sao khi thấy một người đàn ông như tôi mà thất tình?

– Ngạc nhiên? Đàn ông thất tình thì có gì lạ lắm đâu. Đàn ông Việt Nam qua Mỹ thất tình còn bạo hơn nữa. Ông hay một ai khác phải là những người lửa yêu ngùn ngụt thì mới thất tình được. Thật tình mới nhìn ông, người ta sẽ tưởng lửa yêu trong ông đã tắt chứ!

– Tắt lụn đi rồi, dĩ nhiên. Kể từ lúc cô vợ trẻ của tôi bỏ đi. Đi, vì sao đi chắc cũng cả khối lý do. Nghe đâu lúc này hát hỏng gì đó nổi đình nổi đám lắm ở California. Cô ấy bây giờ là người của đám đông. Chúng tôi lấy nhau ở bên nhà, qua được đây tưởng là hạnh phúc lắm chứ. Cô thấy không, đến đất nước tự do này ai muốn làm gì thì làm. Người đàn bà cũng như giống bồ câu này thôi, phải có nhà cao cửa đẹp, thức ăn ngon thì chúng mới đến ngự, còn không thì bay đi vùng trời khác ngay. Dạo đó tôi thất nghiệp. Vác cái bằng bác sĩ Việt Nam qua Mỹ trễ nên hết được thi lại, rốt cuộc rồi cũng chỉ là mảnh giấy lộn.

Hóa ra người đàn ông là một cựu bác sĩ. Vậy mà tôi vẫn tưởng tượng trong đầu hình ảnh một nhà nghệ sĩ giống ông ta. Cũng với nét gì đó vừa phong đãng vừa chán ngán buồn rầu. Chán ngán buồn rầu vì vẫn đi tìm một điều gì không bao giờ có, tôi nghĩ vậy. Tất cả hằn lên những nếp nhăn trên vầng trán cao ngạo của ông ta làm tôi đoán người đàn ông có vẻ già hơn trước tuổi:

– Bộ ông nghĩ những con chim bồ câu nào cũng như thế cả sao? Tôi không thể tin có loại đàn bà sớm bội bạc với một người chồng nhiều yêu thương như ông. Phải có lý do nào khác rõ ràng hơn chứ. Ông không nhận ra à?

– Lý do nằm trong lý do, cô ạ. Người đàn bà con gái nào chẳng thích làm khổ đàn ông, nhất là với loại đàn ông thua cuộc thua đời như tôi thì thực là đáng kiếp, cho bõ ghét. Cô nói như chưa từng làm khổ một người nào thật sao chứ?

Câu hỏi vô tình gợi lên nỗi lẻ loi vô cùng trong tôi. Đã có một cái tên thân ái nào để gọi, đã có một người thương nào để mong hay chẳng có gì cả ngoài những gặp gỡ lan man đã đi qua và không bao giờ ở lại lâu dài. Vâng, chẳng có gì cả ngoài tôi với tuổi con gái lớn lên trong khung cảnh đất nước bệnh hoạn. Tôi với ngày giờ cấp bách lo âu của đời sống làm gì còn có những phút giây cho mộng và tình, hẹn hò và nụ cười. Đời sống với những thiếu thốn hụt hẫng, những toan tính bấp bênh, rồi tôi cũng chỉ biết lăn theo những chiếc bánh xe đời mệt mỏi. Không ngày mai, không nhịp đời rộn rã. Cho đến bây giờ, cho đến khi niềm ước mơ thiêng liêng ấy mập mời gọi kêu. Có ai quanh tôi không. Có ai chờ đợi tôi ở đâu đó. Tôi nhìn qua người đàn ông, rồi nhìn buổi chiều đang tàn phai, hiu hắt như ông ta:

– Làm khổ một người nào, như vậy không phải là mình tự làm khổ cả mình luôn sao?

Khuôn mặt người đàn ông vụt sáng rực, hớn hở:

– Như vậy có nghĩa là khi bỏ đi, nhà tôi cũng chẳng sung sướng gì phải không cô? Biết đâu cô ấy cũng có những nỗi khổ riêng mà tôi đã không chia sẻ được.

Tư nhiên tôi thấy xót xa cho vẻ mặt khắc khổ, giàu chịu đựng của người đàn ông. Tôi hỏi một câu thật bất ngờ:

– Chắc ông mong cô ta trở về lắm phải không?

Ông ta trả lời như trong cơn mơ:

– Lúc cô ấy mới bỏ đi, ngày nào tôi cũng chẳng mong chẳng đợi. Một tiếng động nhỏ ngoài cửa của ông đưa thư hay của một người nào đó đều làm tôi muốn đứng tim hồi hộp. Đêm khuya hai, ba giờ sáng trở mình cứ thấp thỏm đợi chờ tiếng điện thoại reo. Bây giờ tôi chai lì hơn rồi, dù vết thương vẫn chưa thành sẹo.

– Chắc ông oán hận cô ấy dữ lắm?

– Oán hận vì còn yêu. Không yêu người ta sẽ không còn oán hận, không gì nữa cả phải không cô? Oán hận hay căm hờn ai cũng chỉ vì tôi bất lực không làm được điều mình muốn. Bây giờ thì tôi sống với trí tưởng tượng. Trong tưởng tượng, tôi vẫn để hình ảnh nhà tôi đẹp hoài dù sự thật thì trái hẳn không như thế.

– Tại sao ông làm vậy?

– Vì tôi là người đàn ông cô đơn. Có khi tôi cũng không chịu nổi sự cô đơn của mình và đó là một cách giúp tôi giết chết nỗi cô đơn khiếp đảm này. Riết rồi chắc tôi mắc bệnh…

– Bệnh tưởng tượng? Chết rồi, đã thành bệnh thì không nên. Ông phải tìm cách chữa trị liền đi chứ.

Yên lặng một lúc, người đàn ông tặng tôi cái nhìn nửa dịu dàng, nửa đùa cợt:

– Cô đề nghị là cô bằng lòng giúp tôi chữa trị đó nhé.

– Tôi?

Tôi định nói tiếp, tôi cũng cô đơn như ông thôi, nhưng nghĩ sao tôi ngượng nghịu thở dài. Buổi chiều đã tắt nắng. Những hàng cây buồn lặng lờ trên cao. Một chút ấm từ mùi thuốc “pipe” của người đàn ông lùa sang làm hai mắt tôi cay cay. Tôi muốn đứng dậy và muốn chạy trốn hoàng hôn. Hình như cả hai chúng tôi sau đó cùng đi trên con đường ngập lá mênh mang của công viên, mặc dù tôi đã ngỏ ý muốn một mình thả bộ ra chỗ đậu xe. Không ngờ dãy nhà “trailer” của ông ta nằm song song với bãi đậu xe làm tôi đã không hề để ý. Cũng như có lắm cái không ngờ xảy ra sau lần gặp gỡ đó, bắt đầu từ cái không ngờ đầu tiên tôi nhận lời sẽ đến thăm ông ta. Tôi và ông ta đều giống nhau ở chỗ không thích phải hẹn hò nhau trước. Bất ngờ tạo nhiều lý thú hơn, tôi nói, và ông ta gật đầu mỉm cười.

Chiều hôm sau dĩ nhiên trên đường đi làm về tôi đều đi qua công viên và người đàn ông vẫn có mặt ở đó như thường lệ. Có điều lần này tôi có cảm tưởng ông ta đang chờ đợi mình. Ông ta đến đó từ bao giờ tôi cũng không biết và cũng không hỏi, chỉ thấy đứa con gái kỳ cục thứ hai nào khác trong tôi chợt vui lên thật sự khi bắt gặp ông ta và lũ bồ câu dễ thương quanh quẩn.

Mới hôm qua khuôn mặt người đàn ông lặng lẽ như người qua đường, hôm nay đã trở thành một hội ngộ thân thiết. Tôi khoe với người đàn ông buổi sáng đến sở tôi vừa gặp một người con gái Việt Nam làm việc ở tầng dưới. Ông ta chưa kịp vui lây với niềm vui của tôi thì tôi đã tỏ vẻ thất vọng: “À, nhưng mà cô ta là… người Mỹ da vàng, ông ạ. Cô ta không nói được tiếng Việt Nam nào hết trơn nên tôi cứ tưởng là gặp được một người bạn Việt Nam, ai dè tôi đã mừng… hụt”. Hai mắt người đàn ông vụt long lanh: “Người mình qua đây hội nhập vào đời sống Mỹ nhanh chóng quá phải không cô?”.

Vô tình hay cố ý, tôi nghĩ một cách nào đó ông ta muốn ám chỉ đến người vợ hư đốn. Ám chỉ như một gợi nhớ thương đau. Và vì vậy, tôi cảm thấy sự có mặt của mình thừa thãi trong thế giới của ông ta. Cảm thấy mà vẫn bị thu hút trong những rung cảm bứt rứt. Cảm thấy mà vẫn muốn lao mình tới, phiêu du.

Như thế đó nên sau buổi chiều gặp lại, người đàn ông với bó hoa tím và một ít rau tần ô: “Để cô về nhà nấu canh với tôm khô và “chicken broth” ăn đỡ buồn”, tôi đã đùa đùa với ông ta: “Bộ hoa tím cũng nấu canh ăn được sao?”. Môi người đàn ông nở hoa, cười: “Tôi nói rau tần ô kìa. Còn hoa tím để cô cắm chơi. Và nhìn. Nhìn chứ không ăn. Hoa thì độc lắm, đụng vô còn gai đâm huống hồ là ăn”.

Rau và hoa và mảnh vườn nhỏ bé của người đàn ông cô đơn. Như thế đó nên tôi tìm đến, cho một sức mạnh không thể kháng cự nổi. Đến, bất ngờ như một cơn gió thoảng qua.

Sau buổi cơm tối, tôi lái xe chạy lòng vòng quanh phố. Chẳng biết là đi đâu, một lúc sau tôi thấy tôi ngừng lại trước cửa nhà người đàn ông. Đưa tay lên định gõ cửa, nhưng căn phòng có vẻ nhờ nhợ yên vắng làm tôi ngờ ngợ đứng im. Nhìn quanh nhìn quất bắt gặp ngay sự đãng trí của người đàn ông. Cửa sổ với những khe hở vẫn không màng kéo lại khi chiều xuống. Cũng có thể ông ta cố ý để vậy, rủ rê thứ ánh sáng lung linh của trăng ở bên ngoài vào.

Qua đó, tôi thấy người đàn ông vừa trở ra có lẽ từ phòng tắm vì trên người ông ta chưa kịp mặc một thứ gì cả. Hai mắt tôi mở lớn sững sờ với đôi môi chắc đang há hốc như vừa hụt hơi sau một cuộc chạy đua dài. Dưới ánh sáng lờ mờ, thân hình lõa thể của người đàn ông gợi cảm một ước muốn không tên trong tôi. Không dưng tôi nhớ đến giấc mơ kỳ dị đã vờn lên khắp người tôi cảm giác vừa lao đao vừa choáng ngợp. Giấc mơ với một người nào đó, lãng đãng mơ hồ không nhìn rõ mặt mày dưới cầu hầm tối đen. Hắn ta đã phủ trùm lấy tôi trong một cơn hoan lạc mơ màng, làm trong cơn mơ tôi thấy mắt mình nhắm lại. Mở mắt ra, mọi điều đã trở nên khác đi như thể tôi vừa tỉnh giấc với thứ ánh sáng ở ngoài cầu hầm.

Bây giờ người đàn ông vừa đẩy rộng cánh cửa phòng bên cạnh và bước vào. Ánh đèn bên trong phòng này sáng hơn và tôi cũng thấy mình sáng lên với niềm khát khao trong sạch hay tội lỗi như ngọn đèn thần chợt thắp trong lâu đài hoang lạnh lâu năm. Dù sao tôi là con gái, con gái hay đàn bà thì cũng có những thức giấc của thú rừng âm u. Sao cửa phòng ông ta không khép kín lại. Sao tôi cứ thích mở lớn hai mắt tò mò nhìn. Căn phòng như chiêm bao kiếp trước của người đàn ông và vợ ông ta. Tôi thấy rõ chiếc bàn phấn với dăm ba chai nước hoa trang sức vẫn còn nằm im đâu đó. Điểm nổi bật là tấm hình khỏa thân người đàn bà được phóng rất lớn vẫn đứng đó khiêu khích, trên bức tường trắng nhạt. Rồi người đàn ông, như trong cơn mộng du bỗng ngậm ngùi lại gần chân dung người đàn bà. Với hay tay run run tìm kiếm miền núi đồi lồng lộng của người đàn bà, cũng như với niềm xao xuyến vô bờ, bàn tay phù thủy của ông bặm chặt lại như muốn bóp mạnh. Cuối cùng, với cử chỉ âu yếm say mê, bờ môi cuồng loạn của người đàn ông vụt cúi xuống… cúi xuống, như người chết cúi xuống trên miền huyệt sâu tăm tối thần tiên. Điều gì đã nhập thần trong ông ta làm thân thể nóng bỏng mê muội của người đàn ông sau đó phủ chụp trọn vẹn trên tấm hình vô cảm. Và hai tay vẫn từng ngón dâm đãng bệnh hoạn vuốt ve vùng sâu kín của riêng mình. Như một tín đồ cuồng điên sùng bái, nâng niu những hình tượng. Rồi toàn thân ông ta rướn cong lại, hình như người ông ta đang run lên bần bật. Như ngoài trời gió đêm cũng bắt đầu muốn thổi tung từng lớp vải mỏng manh trên người tôi. Cho tôi đi thật nhanh ra cửa như chạy trốn.

Không có gì trước mặt nữa cả ngoài chiếc xe “taxi” vàng ánh vừa trườn tới và đậu lại âm thầm. Người đàn bà trong bức tranh lúc nãy như từ cõi lạnh lùng nào bay về, liêu trai. Tự nhiên tôi linh cảm ngày mai người đàn ông sẽ không còn tìm đến công viên nữa. Và lần đầu trong đời, tôi thấy mình cầu mong cho niềm linh cảm ấy đúng.

Comments are closed.