Tản văn của Thái Hạo: Về quê hương

Tập sách Hơi thở trong bàn tay của Thái Hạo (NXB Đà Nẵng, in lần đầu tháng 5.2024) dày 227 trang, gồm 46 bài viết.

Văn Việt xin trích đăng một số bài trong tập sách, là cách để tăng thêm nối kết giữa tác giả – độc giả.

Cụm bài này là nhung lắng đọng về làng quê – ngọn nguồn, không gian – lịch sử đã nuôi nấng tâm hồn tác giả, gồm các bài: Cỏ dại, Làng Cóc, Nước Am, Làng May.

 

Cỏ dại

 

Vũng Lầy. Vũng Lầy là tên riêng. Đây là một cánh đồng kỳ lạ và đầy ám ảnh suốt những năm thơ ấu của chúng tôi. Cánh đồng dài nhưng hẹp, chỉ rộng chừng vài trăm bước chân đi, dốc dần từ cồn khe núi đất xuống ruộng bùn. Cái chỗ vũng lầy này nằm ở khoảng giữa, như một ốc đảo cô liêu.

Những ngày gió lào khô hạn, cỏ cháy thành một màu vàng úa mênh mông vô tận trong mắt, nhưng ở Vũng Lầy nước vẫn rười rười chảy ra, nhềnh nhệch với lớp váng mỏng màu gạch cua lóng lánh như gỉ sắt. Cái vũng bùn phẳng lặng, im lìm và bình yên bất động ấy sẽ lập tức chuyển động nếu đặt bàn tay lên mà day nhẹ. Cứ day như thế một hồi thì cả một ô ruộng lớn sẽ duềnh lên như sóng, nước túa ra mỗi lúc mỗi nhiều hơn. Nếu hiếu kỳ mà bước xuống thì bỗng thấy như ta đang đứng trên một tấm bạt dày trải trên mặt ruộng, phải bước đi thật nhẹ, nếu không nửa thân người dưới sẽ lập tức biến mất trong bùn.

Chúng tôi thường không mấy khi dám lội xuống những cái vũng lầy này, nhất là những lúc đi một mình. Cảm giác rờn rợn ấy giống như cảnh trong các bộ phim kinh dị về những khu đầm lầy thường nuốt chửng nhân vật trong tiếng kêu tuyệt vọng.

Lũ trâu rất khôn, dù nắng nóng cháy da nhưng không con nào lội xuống đây để nằm ngâm mình, dù chúng rất thích trầm trong bùn. Có lẽ sau một lần nào đó sa lầy là liền ghi nhớ, và cạch đến già.

Những ô ruộng này không trồng cấy được, cứ để cỏ lưu niên từ năm này qua năm khác. Tôi nhớ, những năm xưa không thấy cỏ tốt như bây giờ, chỉ lơ thơ những cọng rau dệu và cây dừa nước bò lang thang lẫn với gỉ sắt màu gạch cua lóng lánh đã chìm sâu vào tâm trí.

Chiều nay đi dạo trên đồng cũ gặp lại những ô ruộng ngày xưa, một khung cảnh thật kỳ dị hiện ra trước mắt, vừa quen vừa lạ. Một loài cỏ mới chưa hề có trong ký ức xưa, giờ đã xâm chiếm nơi này. Chúng như đùn lên từ trong lòng đất, thành những quả đồi, những dãy núi – một quần sơn cỏ xanh lô xô trông như cảnh trong các bộ phim cổ trang của nước Tàu.

Cỏ dại, vì không thể sống một mình trên vùng đầm lầy chết chóc, nên đã tìm cách đan kết lại, dựa vào nhau, nương vào nhau, nâng đỡ nhau mà vượt lên. Đầm lầy biến mất bên dưới màu xanh của tấm thảm nhung cỏ dại, không thấy nước, không thấy những rỉ sắt màu gạch cua, chỉ có cỏ nhấp nhô như đồi núi bất tận. Rốt cuộc thì sự sống đã vượt lên trên những đe dọa và hiểm nạn, để sống thật bình yên.

Chiều nay, tôi bước xuống cái ô ruộng tuổi thơ ấy, cả một vùng mênh mông chuyển động, vừa ghê sợ, vừa thân thuộc. Nhưng lần này bùn đã không thể chạm vào chân mình như thủa bé. Cái mát lành, êm ái của cỏ xanh ôm ấp trong chiều vàng giữa cánh đồng lúa chín thoảng hương, gây mãi một nỗi gì không gọi được thành tên…

Chúng ta ở đây, trên xứ sở này, như những hạt cơm nguội khô dần dưới nắng, quắt lại, rời rã, lăn lóc. Càng sống càng không thể dính kết, càng sống càng khô đi và rời nhau ra. Nói cười vu vơ. Những hạt cơm nguội thì chẳng thể nảy mầm, cũng chẳng thể hẹn mùa sau…

 

Làng Cóc

Sông Yên đã chia hai, bên này là Tĩnh Gia, bên kia là Nông Cống. Nhưng lạ, suốt một vệt dài đất Tĩnh Gia lại lọt thỏm một khóm nhỏ, làng Cóc, ngôi làng của huyện Nông Cống. Lịch sử của làng Cóc cũng li kỳ lắm, nhưng lạ nhất là “tiếng làng Cóc”. Họ nói to đến nỗi lúc nào cũng như đang ráng hết sức mà gọi nhau. Không biết từ bao giờ, quê tôi có câu thành ngữ “tiếng Làng Cóc” để chỉ cái sự nói to khác thường ấy.

Ngày xưa, bên kia sông là làng May, rồi không biết dâu bể thế nào, có 5 ông đã mang vợ con bỏ làng, vượt sông về bên này, dựng nhà, lập ấp. Chuyện xảy ra đã hơn hai trăm năm trước. Trải bao thăng trầm, đến nay làng vẫn nhỏ, chỉ có khoảng 50 gia đình với một con đường duy nhất chạy xuyên qua làng, để về hai đầu là hai ngôi làng đều của đất Tĩnh Gia.

Cái tên làng Cóc cũng đáng yêu. Từ khởi thủy, khi 5 ông lội qua sông sang lập ấp, họ lấy hòn đá nổi ngay đầu làng để làm mốc, phân chia với đất Tào Sơn. Hòn đá ấy có hình như một con cóc đang đứng, với cái đầu nhô cao, nhìn về làng cũ – làng May. Thế là tên Làng Cóc ra đời.

Nay hòn đá vẫn còn đó, phải 5 – 6 người sải tay mới ôm hết được. Nhưng đầu của con cóc thì không còn nữa, cách đây vài chục năm, trong cơn đói ròng rã, dân làng đẽo đá bán, đầu cóc bị đánh bay.

Đồn rằng con cóc ấy rất thiêng, đụng vào thì gia biến, người ta đục được cái đầu cóc thì không dám nữa. Xưa hòn đá cóc là địa giới, nhưng nay đã nằm lọt thỏm vào khu vườn của một hộ dân ở đầu làng, vì hộ ấy lấn dần ra. Người ta san đất làm vườn, bao nhiêu vật đổi sao dời nhưng con cóc cụt đầu thì vẫn còn đó, không ai dám phá đi.

Lại nói chuyện “tiếng làng Cóc”. Tôi lang thang vào làng, hỏi các cụ, rằng tại sao dân mình lại nói to đến vậy. Các cụ bảo “do nước”. Nước ở đây nặng, nên nói to. Nhưng xung quanh chân núi này nào là Tào Sơn, Cổ Trinh, làng Kiếu, làng Áng… đâu có chỗ nào nói to như thế! Duy chỉ có làng Cóc. Người ta còn chế ra câu chuyện vui rằng, người làng Cóc kêu gà về cho ăn mà gà làng Trúc chạy sang. Làng Trúc cách một con sông, một cánh đồng, vượt qua một con đê nữa thì mới tới! Kể thế để thấy dân làng Cóc nói to đến thế nào. Nếu ngồi đối diện, dù chỉ có hai người, dân làng Cóc cũng nói như thể đang cách nhau một con sông, thấy gân cổ nổi lên, to bằng ngón tay!

Tôi thì muốn hiểu rằng, khi ly hương, những người con đầu tiên của làng Cóc vẫn còn ngóng về làng cũ bên kia sông. Họ vẫn còn giao giao tiếp, vẫn còn trò chuyện, vẫn còn gọi nhau. Xưa chỉ có đò, con đò nhỏ chứ không phải cây cầu bê tông như bây giờ nên việc đi lại khó khăn. Làng cũ lại không cách xa, chỉ đúng một quãng sông ấy. Bên kia là làng May trên bãi bồi ven sông, bên này là làng Cóc dưới chân núi.

Tôi muốn nghĩ về lòng thương nhớ làng cũ, về tiếng gọi nhau mỗi sáng mỗi chiều. Người ta phải ráng sức mà nói cho thật to để người bên kia sông nghe thấy. Cứ thế, thành tiếng quê… Nói to trở thành một thói quen, thành một di sản của tình yêu làng và sự thương nhớ khôn nguôi.

Làng May giờ không còn ở đó nữa, sau mấy đận lụt lớn, cách đây khoảng 50 năm người ta đã đưa cả làng vào trong đê định cư.

Tôi tìm gặp dân làng May cũ và trò chuyện cùng họ, lạ thay, họ không nói to như dân làng Cóc, dù vốn cùng một gốc sinh ra. Điều ấy lại càng có ý nghĩa đối với cái ý nghĩ có phần suy diễn nhưng lấp lánh thương nhớ của tôi.

Kể từ ngày 5 ông mang theo gia đình về dưới chân núi này, trải đến nay đã mười mấy thế hệ. Làng May cũng không còn nữa. Không còn ai ngày ngày ra bến sông để gọi về chốn cũ. Nhưng “tiếng làng Cóc” thì không mất. Tiếng nói như sấm rền ấy vẫn dội vào vách núi, vẫn lênh láng khắp mặt sông, khắp đồng bãi.

Cái sự sinh ra và bảo tồn một cách kỳ lạ ấy, dường như cũng chính là khởi nguyên của những đặc điểm, của những điệu hồn trên khắp xứ sở này. Dù vật đổi sao dời, nhưng những gì sinh ra từ đời sống, từ tình cảm con người thì bền hơn đá núi.

Thế hệ hôm nay của làng Cóc có bao nhiêu người còn biết cội nguồn của mình, có bao nhiêu người còn lòng thương nhớ quắt quay như cha ông thuở trước? Có lẽ không còn nữa. Nhưng cái tình yêu ấy, cái mong ngóng và khát thèm ấy thì vẫn vẹn nguyên trong giọng nói.

Ai sẽ bảo cho họ biết rằng đó là giọng của thương nhớ, giọng của ly hương trông ngóng? Kỳ lạ thay, dù biết dù không, con người vẫn sống bằng sự di truyền mãnh liệt của những thổn thức xa xưa mà cha ông họ từng mang nặng trong lòng…

 

Nước Am

Quê tôi Tào Sơn, một làng như bao làng Việt khác. Nhưng điều khiến tôi tò mò và lạ lẫm mãi không thôi, là thú uống chè. Chè nước Am.

Uống chè hay trà thì cũng không có gì đáng nói, vì người Việt trên đất nước này ở đâu chẳng trà lá. Làng tôi ở gần núi, cách một cánh đồng nhỏ, dưới chân núi ấy có chiếc giếng cổ, gọi là giếng Am. Giếng Am không phải là “giếng làng” như mô thức trong các làng Việt xưa, nó không ở trong làng…

Nghe các vị cao niên kể lại, giếng đã có từ mấy trăm năm trước. Ngày xưa nơi đây là chùa, chùa Am. Giếng được đào để lấy nước cho chùa ấy. Những năm cải cách ruộng đất, chùa chiền khắp nơi bị đập phá, chùa Am thành bình địa. Ông nội tôi kể, tượng Phật được chất đống, đốt cháy mấy ngày chưa tàn lửa. Còn lại chiếc giếng này, thi gan cùng những dâu bể trầm luân làng Việt.

Ngày tôi còn bé đi chăn trâu đã thấy dân làng mải miết lấy nước Am. Nước được đựng đầy hai chiếc thùng thiếc và gánh từ núi về, nhà nào gần thì khoảng dăm trăm mét, nhà xa phải đến vài cây số, dọc đường phải nghỉ mấy bận mới về tới. Người đi gánh nước thường là các cô, các bà hoặc những người đàn ông trung niên. Nước gánh về chỉ dùng vào một việc duy nhất: nấu chè hoặc pha trà. Ai mà dùng nước ấy để tắm rửa giặt giũ thì có cảm giác như người mang tội…

Trong làng dường như nhà nào cũng có giếng khơi, ăm ắp nước, nhưng chẳng ai dùng để nấu trà. Dù nắng, dù mưa, dù ngày hay đêm phải lấy cho được nước giếng Am. Ngày bé, thường nghe các ông các chú trong làng nói: không có nước giếng Am thì trà coi như hỏng. Nước giếng Am làm cho trà xanh hơn, ngọt hơn, đậm đà và thơm sâu; và đặc biệt không đóng cặn ở đáy ly, dù nước thừa trong chén đã để qua ngày. Uống trà giếng Am làm người ta nghiện. Tiếng lành đồn xa, theo thời gian, những người ở các làng bên rồi xã bên cũng tới lấy. Đường lên giếng Am từ đó dường như lúc nào cũng có người đi kẻ lại, thong dong, bình lặng…

Tôi đã chứng kiến, vào những ngày nắng hạn kéo dài, đồng ruộng khô khát, giếng Am cũng cạn, mạch nước ri rỉ nhỏ ra, người dùng lại đông, việc lấy nước vì thế mà trở nên gian nan. Để lấy được một xô nước về pha trà có khi phải mất cả tiếng chờ đợi, vì thế mà nhiều người phải trực ngày trực đêm để đợi tới lượt mình. Xô, thùng, can nhựa xếp thành hàng dài. Khi ban ngày không thể đủ thời gian để có nước cho tất cả dân làng thì người ta phải đợi trong đêm. Những năm hạn hán, suốt hàng mấy tháng trời, giếng Am thức trắng. Dân mang thùng lên và nếu đã có nhiều người đang chờ, thì xếp thùng theo thứ tự và về nhà ngủ, áng chứng tới lượt thì trở dậy lên núi lấy nước. Có người đi lúc nửa đêm, có kẻ lọ mọ một – hai giờ sáng quảy gánh lên vai… Suốt đêm như thế, người đến người về không ngớt. Đám thanh niên thì thường thức luôn, quây tụ hút thuốc uống trà và chuyện gẫu để đợi lấy nước… Những đêm như thế, giếng Am như có hội.

Dù phải đợi suốt cả một ngày chỉ để lấy được vài chục lít nước, dân làng tôi cũng luôn vui vẻ đợi, hiếm khi thấy ai phàn nàn về việc ấy. Và cũng hiếm khi thấy có ai tranh giàng nhau vì lấy nước. Mọi người cùng chờ và trò chuyện, dù chỉ là những chuyện đồng áng, chuyện cưới xin giỗ chạp hay những chuyện gẫu không đầu không cuối.

Khi nước Am đã khan hiếm, và người những xã bên thì đã trót uống mà nghiện không bỏ được nên vẫn chờ chực mong lấy cho bằng được. Có điều vui, là dù giếng ấy của làng tôi, nhưng lúc “gian nan” nhất để có được gáo nước thì tuyệt nhiên cũng chẳng ai ý kiến hay ngăn cấm gì với người những nơi khác. Ai đến trước thì đợi và lấy trước, ai đến sau lấy sau.

Bà nội tôi năm ngoài 70 tuổi vẫn còn đi gánh nước Am. Cơm có thể rau dưa qua ngày, nhưng trà dứt khoát phải nước Am. Những năm cuối đời, bà không ăn trầu nữa, nhưng trà chẳng bỏ. Nhà ông bà tôi trở thành nơi tụ tập của con cháu mỗi lúc thư nhàn, quây quần bên ấm trà, chuyện đông chuyện tây. Nay bà mất rồi, còn mình ông. Ông đã ngoài 90, vẫn trà nước Am như thuở bà còn sống, con cháu vẫn quây quần trước sân.

Nước Am là thế, gia đình nào cũng có một chiếc lu sành trong nhà để đựng, là “để trong nhà” chứ không phải ngoài sân hay góc vườn. Có người còn để cả một lu to ngay trong phòng khách. Nếu chẳng may nhà nào hết nước Am, dù giếng khơi vẫn đầy, thì phải xách ấm sang hàng xóm mà xin cho được mới thôi.

Thưở bé, chúng tôi chăn trâu chăn bò. Từ làng, băng qua một cánh đồng nhỏ, rồi qua giếng Am mới leo lên núi Vể. Giếng Am trở thành nơi tụ tập của lũ trẻ. Ngày xưa núi còn cây, nước ngầm chưa cạn, giếng Am quanh năm ăm ắp. Nước đầy tràn, chảy theo miệng giếng ra, làm cả một vùng đất cát cỏ mọc xanh rì, không khi nào đổi sắc.

Giếng Am thuở ấy đẹp lắm, xung quanh là bờ đá tự nhiên, cỏ và rong xanh như ngọc, nước cũng xanh như ngọc. Có một phiến đá lạ lùng, cắm sâu vào bờ và vươn dài ra giữa lòng giếng. Người đi lấy nước cứ bước thẳng lên đó, cúi vai, vục cả hai chiếc thùng xuống rồi trở bước mà gánh về. Những ngày hè nóng rát đi chăn trâu, trong cơn khát, ngửa cổ uống một hơi nước Am mới thấy cái mát lành, ngọt lịm như muốn làm cho thân thể tan ra giữa bốn bề cây cối và ruộng đồng bao la.

Rồi giếng cạn dần, những ngày gió Lào khô kiệt, một thương nhân xa quê về thăm, cho làng một khoản tiền để đào lại giếng. Phiến đá đẹp lạ lùng kia bị đập bỏ, lòng giếng rộng và sâu thêm, xung quanh xây thành. Những bãi cỏ xanh mướt như ngọc biến mất. Mà nước chẳng nhiều thêm…

Dân làng tôi góp tiền để đào một giếng khác dưới chân núi Nga, “chia lửa” cho giếng Am, hình như được hơn 50 triệu. Thuê máy cuốc công suất lớn, mấy ngày đã hiện ra một chiếc giếng rộng và sâu hun hút, nước mênh mông không khi nào vơi cạn, gọi là giếng May. Bắc cầu qua suối, làm đường vào giếng, sân giếng được láng bê tông sạch sẽ, cây cối được mang lên trồng làm bóng mát… Dân làng mừng vui như trẩy hội, nô nức làm giếng, nô nức đi lấy nước. Nhưng rồi thưa dần, thưa dần. Nay thì hiếm thấy ai còn vào giếng May lấy nước nữa. Vì nước không ngon như nước Am. Lại trở về giếng Am, lại thức trắng đêm để chắt một thùng nước…

Nước Am đã làm thành thứ văn hóa trà ở quê tôi. Những người già trong xóm mỗi sáng gọi nhau, trà tới tận trưa, bọn thanh niên thì trà tối. Trong mọi ngôi nhà, sau những bữa cơm bao giờ cũng là nước trà giếng Am. Cái sảng khoái và thỏa mãn hiện lên trên mỗi khuôn mặt lúc hớp một chén trà nóng. Chuyện đầu làng cuối xóm đều bên những ấm trà nước Am…

Quý nước Am là thế, nhưng cách pha, cách uống lại không mấy cầu kỳ. Chè xanh được hái ngoài vườn, rửa sạch, để ráo, vò thật nát, cho vào ấm tích và chế nước sôi. Ban đầu cho khoảng một phần ba ấm, súc mạnh, để “làm lông”, đổ đi, rồi mới rót nước vào lại, ủ khoảng muôi phút trong giỏ tích có lót rơm hoặc bông vải. Lúc này nước đã có màu xanh vàng tươi, rót ra chén lớn, sóng sánh, khói thơm bốc lên nghi ngút. Nếu muốn nước chè xanh lâu thì sau khi ủ khoảng vài phút, cho thêm một ly nhỏ nước lạnh vào ấm, chè để suốt ngày không đổi màu. Uống chè khô cũng đơn giản. Cho trà vào ấm sứ hoặc ấm đất, rót nước sôi vào, để khoảng một phút cho chín trà rồi đổ đi, sau đó lại cho nước vào, đợi khoảng vài phút là uống được. Nước nguội quá hoặc nóng quá đều không ngon, sẽ làm trà bị khê; vì thế, pha trà, nước sủi tăm là vừa…

Nước Am, cái tên này có lẽ đã đi tận sâu vào trong nếp sống, nếp nghĩ của dân làng tôi. Nó trở thành một cái gì thật trong trẻo ngọt lành giữa những bùn đất và tối tăm của một làng quê từng trải qua lắm tai ương, dâu bể. Nước Am đã nâng đỡ nhiều người nông dân thất học quê tôi, những người suốt đời cúi mặt trên đồng dưới bãi, làm họ chạm vào cái “sang trọng” và thanh cao mà bình dị. Ở đây, có một cái gì đã vượt lên trên những toan tính vụ lợi thường nhật để thưởng thức cuộc sống như những trưởng giả, mà không màu mè, làm dáng.

Hôm nay, dù cuộc sống ở quê đã khá giả, nếp sống đô thị hóa xâm thực vào từng gia đình nhưng thật lạ, dân tôi vẫn uống nước Am như tự thuở xưa; vẫn những nếp ấy, vẫn thức trắng đến để lấy một xô nước, vẫn ngồi với nhau bên ấm trà nước Am mà chuyện về con cái học hành, chuyện về một ông quan mới bị bắt, chuyện lúa đồng bị chuột cắn…

Không phải cái cầu kỳ của trà đạo Nhật, cũng không thâm trầm kiểu Tàu, trà ở quê tôi là một thứ trà dân dã nhưng thanh khiết; hồn hậu mà tinh tế.

“Nước Am” là một kỳ lạ với tôi, nó khiến những người nông dân tưởng giản đơn mà bỗng thành bí mật quanh mình; nó khiến tôi phải đặt những dấu hỏi lớn về tâm hồn dân quê, về người bình dân và văn hóa Việt nơi làng xã ngàn đời.

Đúng. Phải có điều gì sâu lắm trong hồn của một giống nòi đã neo nó lại giữa những đói nghèo cúi mặt, giữa những tàn phá và đau thương, giữa những cường bạo và dối lừa, giữa những vật đổi sao dời, suốt mấy trăm năm qua…

 

Làng May

 

Trước ngõ nhà tôi là cánh đồng đất cát có tên Trặm Hoa. Đồng hẹp chừng mấy trăm mét, nằm lọt giữa một bên là núi Nga, bên kia là sông Yên. Xưa cánh đồng này vốn là một ngôi làng, làng May.

Người đầu tiên lập nên làng tôi, làng Tào Sơn, là quan Yên Phủ Sứ, tên thật là Lương Văn Phụng. Theo tương truyền và gia phả các dòng họ còn ghi lại, ông là 1 trong 28 người đã tham gia hội thề Lũng Nhai của của chủ tướng Lê Lợi. Sau khi kháng chiến chống quân Minh thành công, ông được vua phong hầu và cấp đất, giao cho vùng đất mà ngày nay chính là làng Tào Sơn tôi. Trong sự thành lập một ngôi làng, có số phận chìm nổi dâu bể của không ít con người và của cả những ngôi làng khác.

Chuyện kể lại rằng, Quan Yên Phủ Sứ đứng trên núi Nga, giương cung bắn ra bốn hướng, tên rơi tới đâu thì đó là đất của ông. Rủi thay, mũi tên của ông bắn vượt qua sông Yên, cắm vào một bãi đất bên kia sông, thế là làng May, một ngôi làng lâu đời dưới chân núi Nga buộc phải di dời về mảnh đất bên ấy. Đất làng May thành đất Tào Sơn…

Dời đến, nhưng vì đất ấy là bãi ven sông nước lợ, đất của cói lác, nên không thể đào giếng mà lấy nước ăn, vì thế chiếc giếng bên làng cũ, gọi là giếng May, vẫn được giữ lại, ngày ngày dân làng May mới phải bơi thuyền về giếng xưa lấy nước.

Năm tôi học lớp 5, bố tôi bỏ làng lên núi Nga ở, mang theo mẹ con chúng tôi. Lúc ấy, giếng May vẫn còn, chúng tôi vẫn ra đó chơi. Nhưng làng May ở bên kia sông thì đã không còn.

Khoảng những năm 90, họ bị đuổi đi, vào bên trong đê, để lại một ngôi miếu và vườn dừa mênh mông xanh mướt. Đến bây giờ, di chỉ còn lại chỉ là vài cây dừa lưa thưa và một căn nhà trông xa như ngôi miếu bỏ hoang. Làng May nay đã thành ruộng mía.

Bố và các chú tôi kể, thuở nhỏ họ vẫn rủ nhau bơi qua sông sang ăn trộm dừa làng May, đến nay thì tất cả chỉ còn lại trong ký ức. Mới đó, mọi thứ nhập nhòe, như thực như hư. Thế hệ chúng tôi là lứa đã chứng kiến buổi giao thời trong sự còn mất của một ngôi làng, vừa tiếc nuối, vừa ngơ ngác với những vật đổi sao dời…

Làng Tào Sơn xưa của chúng tôi có nhiều chùa, có 5 ngôi miếu tọa lạc ở 5 xóm, có nghè thờ thành hoàng làng, có đình lớn, có đền to nằm trên khu đất rộng 3 sào, có tới 3 văn chỉ đều đặt ở đây (văn chỉ huyện, văn chỉ tổng và văn chỉ làng)…

Những người lớn lứa từ tuổi 60 trở lên còn nhớ chính xác vị trí của tất cả những kiến trúc ấy. Bây giờ thì không còn, không còn lại bất cứ một ngôi chùa đình miếu nào nữa… Trong cải cách ruộng đất, người ta đã phá hết. Ông tôi kể lại, khi đốt chùa Am, người ta tập hợp tất cả tượng Phật ở các ngôi chùa khác về đó, và đốt. Lửa cháy đến mấy ngày mới tàn.

Chúng tôi lớn lên, không thấy chùa, không thấy miếu, không đình, không nghè… Những văn chỉ ghi dấu một ngôi làng hiếu học bậc nhất xứ Thanh cũng không còn nữa. Nhà cấp 4 lô xô mọc lên, bờ rào cây xanh tan biến dần vào vôi vữa bê tông, làng không còn tre pheo… Bây giờ, những cánh đồng ven làng đang bị đổ đất đỏ và xà bần lên, sang phẳng, phân lô và bán nền.

Chúng tôi sinh ra ở cuối thế kỷ 20, và bước vào những ngày tháng này với một hành trang là những câu chuyện kể, là ký ức của người già, là hoang mang không biết…

Đâu đó nơi những vùng quê trên đất Việt vẫn còn may mắn giữ lại được những di tích ông cha để làm vốn liếng cho cháu con. Nhưng âu lo, không biết với những cung cách trùng tu như người ta đã phá nát giếng Ngọc ở Thiệu Hóa thì những di chỉ ấy liệu có còn ở lại dài lâu với thời gian?

Nhìn cuộc đời của một ngôi làng, làng May; rồi nhìn những biến thiên thay hình đổi dáng bời bời mất mát ở Tào Sơn mới thấy hết cái mong manh của văn hóa nếu con người không dốc lòng mà gìn giữ. Rồi biết sau này, những thế hệ kế tiếp sẽ lớn lên từ đâu, sẽ mang theo được gì để bước vào hội nhập-hô hào. Chúng ta đặt những mục tiêu kinh tế, theo đuổi vật chất, sống chết với “phát triển” nhưng chúng ta quên, sức mạnh lớn nhất của dân tộc mình từ ngàn xưa tới bây giờ chính là văn hóa, những thứ vô hình dù không tân tiến ấy nhưng đã giúp dân tộc trường tồn qua những âm mưu hủy diệt của ngoại bang.

Làng là một tiểu quốc của người Việt, làng còn thì nước còn, làng mất thì nguy nan. Nhưng làng đang phai mờ dần, tan vào vôi vữa, tan vào tiếng ồn của những buổi đấu giá đất…

Comments are closed.